Chương 3
harlemagne phi ngựa dẫn đầu đạo quân Pháp. Đây là một cuộc điều binh tiếp cận; không chi mà vội; họ phóng không nhanh lắm. Xung quanh hoàng đế, các hiệp sĩ phi thành từng đội, trong lúc kìm giữ cái hàm thiếc của các con tuấn mã dũng mãnh; và dọc theo cái cuộc lộp cộp nhịp vó và giật giật khuỷu tay, những đám khiên trắng bạc nhô lên hụp xuống như mang cá. Thật vậy, đạo quân trông giống như một con cá dài, toàn vảy là vảy: một con cá chình.
Nông dân, thợ chăn, dân làng chạy theo trên rìa đường.
- Kìa nhà vua!
- Kìa ngài Charles!
Họ quỳ mọp xuống đất vừa khi nhận ra hoàng đế, qua bộ râu hơn là chiếc vương miện vốn có phần xa lạ. Rồi lập tức họ ngóc dậy để nhận diện các chiến binh:
- Ồ, chàng Orlando kìa!
- Không phải, đó là chàng Olivier!
Họ không đoán trúng một ai, nhưng có sao đâu, người này người kia đều có mặt cả, họ luôn luôn có thể thề rằng mình đã trông thấy nhân vật mình muốn thấy.
Agilulfo, phi trong một đội, thỉnh thoảng thúc ngựa phóng nhanh lên trước một đoạn, rồi dừng lại, chờ mọi người, và luẩn quẩn ở đằng sau, giám sát sự gắn kết của đội hình, hoặc ngoái mặt hướng về mặt trời như thể để tính giờ giấc từ độ cao của nó so với đường chân trời. Chàng bồn chồn. Duy có chàng, giữa bọn họ, là nhớ rõ mồn một trình tự cuộc tiến quân, các đoạn đường, địa điểm phải đến trước khi màn đêm buông xuống. Với các hiệp sĩ khác ấy à, đây là một cuộc chuyển quân tiếp cận, phi nhanh hay phi chậm thì cũng chỉ là một cuộc tiến lại gần, thế rồi, viện cái lý do hoàng đế đã già nua và chóng mệt, gặp tửu quán nào họ cũng sẵn sàng dừng chân để chén chú chén anh. Suốt chuyến đi, họ không ngắm nghía gì ngoài các bảng hiệu tửu quán và mông eo các cô hầu bàn để mà thốt lên dăm ba lời sỗ sàng; vả lại, họ du hành mà như bị bít bùng trong một thùng xe ngựa.
Charlemagne vẫn chứng tỏ mình là người tò mò hơn cả trước mọi cảnh tượng trông thấy trên đường.
- Ô kìa, vịt, vịt kìa! – ông thốt lên.
Cả một đàn, đang nghễu nghện chuyển động trên cánh đồng cỏ dọc theo con lộ. Giữa lũ vịt, có một người đàn ông, không ai hiểu anh ta đang làm cái trò quái quỷ gì: ngồi chồm hổm, tay quặp sau lưng, giơ lưng chân lên bước đi như một con vật chân màng, cổ rướn rướn, và kêu lên:
- Cạp… cạp… cạp…
Đàn vịt chẳng thèm để ý đến anh ta, chúng coi anh ta như là một con trong bọn. Thật ra, người đàn ông và lũ vịt thoạt đầu trông không khác nhau là mấy, quần áo anh ta mặc, một màu nâu đất (đa phần có lẽ được kết ghép bằng những mẩu vải bố), phô ra những mảng lớn xám xanh, sắc sảo như màu lông vịt, rồi cả những miếng vá, lỗ rách, đốm màu đủ loại, giống như những vằn sọc óng ánh của loài lông cánh.
- Này, anh kia, thế mà là quỳ chào hoàng đế đấy hả? – các hiệp sĩ quát lên, sẵn sàng xun xoe nghĩa hiệp ở mọi lúc.
Không phải người đàn ông ngoái đầu lại, mà là lũ vịt, hoảng sợ trước giọng quát, cả đàn cùng vỗ cánh bay đi. Người đàn ông trì hoãn một giây lát, nhìn chúng bay lên, mũi nghếch lên không trung, rồi anh ta dang tay, bung ra một cú phóng, và cứ vừa bung phóng như thế, vừa đập vỗ cặp cánh tay mở toang lất phất các tua mép vải rách, vừa buông ra từng tràng cười nắc nẻ và tiếng kêu: “Cạppp! cạppp! cạppp!” chan chứa hân hoan, nỗ lực bám theo đàn vịt.
Có một cái ao. Đàn vịt bay đến sà xuống đậu trên mặt nước, nhẹ nhàng, cụp cánh, bơi tản đi. Người đàn ông, tới cái ao, ễnh bụng phóng xuống, một đám bọt nước to tướng bắn lên tung tóe, vừa quẫy vừa đập, anh ta vẫn cố “cạp! cạp!”, song chỉ là tiếng ùng ục vì anh ta đang bị lọt thủm xuống đáy, và anh ta nổi lên, cố bơi, rồi lại chìm nghỉm.
- Anh ta là một thợ chăn vịt phải không?
Các hiệp sĩ hỏi một cô bé nhà quê, tay cầm sào đang đi tới.
- Không phải, cháu mới là người trông coi đàn vịt, chúng là của cháu, anh ta không can dự chi, anh ta là Gurdulù… – cô bé nói.
– Anh ta đang làm gì với đàn vịt của cháu vậy?
– Chẳng làm gì cả, thỉnh thoảng anh ta nổi nguồn cơn, trông thấy chúng, anh ta nhầm, anh ta tưởng mình là…
– Tưởng mình cũng là vịt à?
– Anh ta tưởng vịt là anh ta… Các bác biết đấy, Gurdulù là người như thế, lơ lơ là là…
– Ấy ấy, anh ta đang đi đâu kìa?
Đoàn hiệp sĩ đến gần cái ao. Gurdulù đâu không thấy. Đàn vịt, đã bơi qua mặt nước ao, bắt đầu cất bước chân màng nghễu nghện đi trên cỏ. Xung quanh cái ao, từ các bụi dương xỉ, một dàn đồng ca ếch nhái tấu lên. Thình lình, người đàn ông nhô đầu khỏi mặt nước, như thể ở cái giây phút ấy mới chợt nhớ là mình phải thở. Anh ta nhìn quanh, ngơ ngáo, dường như không hiểu những đám dương xỉ đang soi bóng trên mặt ao cách mũi mình một gang tay là cái gì. Trên mỗi nhành dương xỉ đều có đu đeo một con vật, be bé, xanh xanh, nhơn nhớt, đang nhìn anh ta và cật lực phồng cổ:
- Ộp! Ộp! Ộp!
Gurdulù vui mừng đáp lại: “Ộp! Ộp! Ộp!”, trước giọng kêu của anh ta, từ các cành dương xỉ, ếch nhái lào rào phóng xuống nước, rồi từ mặt nước, lại lào rào phóng lên bờ. Gurdulù, trong lúc kêu lên: “Ộp! Ộp”, cũng bật ra một cú phóng, lần này thì lên bờ, nhớp nháp bùn đất từ đầu tới chân, ngồi chồm chỗm như một con ếch, anh ta xả ra một tiếng: “Ộp”, dũng mãnh đến mức ngả quặp một bụi cỏ lau, và lại tõm xuống ao.
- Thế anh ta không bị chết đuối hay sao? – các hiệp sĩ hỏi một bác đánh cá.
- Ồ, nhiều khi Omobò quên khuấy, anh ta đắm đuối… chứ không phải chết đuối… rắc rối là khi anh ta bị lọt vào tấm lưới cùng đàn cá… Một hôm, chuyện đó xảy ra khi anh ta đánh cá… Thả lưới xuống nước, anh ta trông thấy một con cá, lơ thơ sắp lách vào lưới, anh ta tự đồng nhất mình với con cá đến mức lao người xuống nước và cũng lách vào lưới… Các ngài biết đấy, Omobò…
- Sao lại Omobò? Thế không phải tên anh ta là Gurdulù à?
- Chúng tôi gọi anh ta là Omobò.
- Nhưng cô bé kia thì…
- Ồ, cô ấy không phải là người cùng làng với chúng tôi, có thể ở làng cô mọi người gọi anh ta như thế.
- Vậy làng anh ta ở đâu?
- Biết nói sao, anh ta nay đây mai đó…
Đoàn kỵ sĩ phi dọc theo một vườn lê. Trái đã chín. Họ đưa giáo ghim trái lê, bỏ vào ngăn miệng mũ chiến, sau đó phụt nhổ lõi. Nối đuôi nhau giữa các rặng lê, họ trông thấy ai nhỉ? Gurdulù-Omobò. Anh ta đang đứng giương đôi cánh tay lên trời, cong queo như cành cây, và trên tay, trên miệng, trên đầu, trên các kẽ rách quần áo: toàn lê là lê.
- Nhìn kìa, anh ta đang làm một cây lê! – Charlemagne khoái trá nói.
- Để thần thử rung anh ta xem sao! – hiệp sĩ Orlando bảo, và lay mạnh một cú.
Gurdulù buông rơi tất cả các quả lê, chúng lăn lông lốc xuống một thảm cỏ dốc, nhìn thấy chúng lăn, chẳng cần giữ mình, anh ta cũng lăn theo trên thảm cỏ như một trái lê và biến mất trước mắt đoàn hiệp sĩ.
- Thưa hoàng thượng, xin ngài thứ lỗi cho anh ta – một ông lão thợ trồng rau nói – Martinzùl nhiều lúc không hiểu chỗ của anh ta không phải là giữa cỏ cây hay quả trái vô hồn, mà là giữa các con dân của hoàng thượng.
- Thế thì đâu là nguồn cơn của cái anh chàng điên điên khùng khùng khùng mà cụ gọi tên là Martinzùl này? – vị hoàng đế của chúng ta ân cần hỏi. – Ta thấy anh ta còn chẳng biết những gì hiện ra trong đầu mình nữa là.
- Thưa hoàng thượng, chúng tôi hiểu làm sao bây giờ? – bằng một sự minh triết khiêm tốn của người đã trải qua sự đời, ông lão thợ trồng rau trả lời. – Hẳn không thể nói anh ta là điên điên khùng khùng: anh ta chỉ là một kẻ hiện hữu mà không biết hiện diện.
- Ồ, tuyệt vời! một con dân thì hiện hữu mà không biết hiện diện, còn một hiệp sĩ thì biết hiện diện mà lại không hiện hữu. Một kết cặp hoàn hảo, ta bảo với các ngươi đấy!
Ngồi trên yên, Charlemagne lúc này đã thấm mệt. Tựa vào vai viên giám mã, vừa phì phò thở giữa hàm râu vừa lẩm bẩm: “Thương thay cho xứ Pháp!”, ông xuống ngựa.
Như một tín hiệu, chân hoàng đế vừa chạm đất, toàn thể đạo quân dừng lại, hạ trại. Nồi niêu xoong chảo được bắc lên cho bữa ăn.
- Dẫn cái anh chàng Gurgu… tới đây, tên anh ta là gì nhỉ – hoàng đế hỏi.
- Thưa hoàng thượng, tùy theo thôn làng nơi anh ta đi qua – lão hiền triết thợ trồng rau trả lời – và tùy theo đạo quân Kitô giáo hay Ngoại-đạo mà anh ta đeo theo: Gurdulù, Gudi-Ussuf, Ben-Va-Ussuf, Ben-Stanbùl, Pestanzùl, Bertinzùl, Martinbon, Người-Lành, Người-Thú, hoặc ngay cả Gã-Hoang-Dã-Trong-Thung-Lũng-Lớn hoặc Gian Paciasso hay Pier Paciugo1. Có thể tại một trại sản xuất bơ sữa hẻo lánh thì người ta đặt cho anh ta một cái tên khác hẳn; để ý thì tôi còn thấy, ở vùng nào cũng vậy, tên của anh ta còn thay đổi theo mùa. Có thể bảo rằng những cái tên chuyển trôi trên người anh ta mà không bao giờ đọng lại. Với anh ta à, gọi thế nào cũng không sao. Các ngài gọi anh ta, anh ta tưởng các ngài gọi một con dê; các ngài kêu lên “pho mát đâu” hoặc “kìa thác nước”, thì anh ta đáp lại: “có tôi đây”.
Hai chàng hiệp sĩ – Sansonetto và Dudone – tiến ra đằng trước, kéo lê theo Gurdulù như một cái bị. Họ vực anh ta dậy và đẩy anh ta tới trước mặt Charlemagne.
- Đồ súc sinh, giở đầu ra! Mi không biết là mình đang đứng trước hoàng đế hay sao.
Khuôn mặt Gurdulù lộ ra sáng rỡ; đó là một khuôn mặt chữ điền, nóng bừng, trộn lẫn nét người Frank và người Hồi, làn da nâu ô liu điểm những vết cháy nắng đỏ hỏn. Cặp mắt xanh long lanh nổi gân máu trên cái mũi sư tử và cái miệng với cặp môi căng phồng; lông tóc xoắn tít vàng hoe, bộ râu bờm xờm và lốm đốm vết trụi vướng lẫn búi vỏ hạt dẻ và tép lúa mạch.
Anh ta phục người xuống, kính cẩn, nói liền tù tì. Các nhà quý tộc, cho tới lúc này chỉ nghe anh ta phát ra những vần điệu muông thú, lấy làm kinh ngạc. Anh ta nói hối hả, nuốt từ và rối bung; nhiều lúc như liên tục chuyển từ phương ngữ này sang phương ngữ khác, ngay cả giữa các ngôn ngữ khác nhau thuộc xứ Kitô giáo hay xứ Hồi giáo. Bên cạnh các lời lẽ không thể hiểu ra và táo tợn thần sầu, đại để đây là câu chuyện của anh ta:
- Thần xin nằm bò ra đất, thần xin quỳ mọp dưới chân ngài, tuyên bố mình là một con dân uy nghi của Hoàng thượng vô vàn nhún nhường, xin ngài ban lệnh, thần sẽ tuân hành! – tay anh ta vung vẩy một cái thìa đã được buộc vào đầu dây thắt lưng. – Và khi mà hoàng thượng phán: “Đây: mệnh lệnh của ta, này: ý muốn của trẫm!”, và khua khua cây quyền trượng y như thần đang khua, ngài thấy chưa? rồi hét lên như thần hét: “Đâây: mệệnh lệệnh củủa taaa, nàày: ýý muốốn củủa trẫẫm! thì tất cả các ngươi, một bầy tôi ngoan ngoãn phải tuân hành, bằng không ta đem cắm cọc tất, và ngươi kia, kẻ có cái hàm râu và khuôn mặt già ngờ nghệch, sẽ là người đầu tiên!
- Tâu hoàng thượng, liệu thần có nên chặt phăng cái đầu hắn đi không? – hiệp sĩ Orlando hỏi, và đã tuốt gươm ra khỏi vỏ.
- Xin hoàng thượng lượng thứ – ông lão thợ trồng rau lên tiếng. – Đây là một sơ suất thường lệ của anh ta: khi nói chuyện với một vị vua, anh ta lẫn lộn, không còn nhớ: anh ta, hay vị vua anh ta đang thưa chuyện, ai là vua.
Mùi các món ăn dã chiến bay đến từ các miệng nồi nghi ngút khói.
- Bưng đến cho anh ta một ca xúp ngay! – Hoàng đế Charlemagne nói, vẻ độ lượng.
Với những cú tặc lưỡi, rạp người cúi chào, và những câu diễn ngôn không thể hiểu ra, Gurdulù lui về ngồi ăn ở một gốc cây.
– Nhìn xem anh ta đang làm gì kìa?
Gurdulù đang chúi đầu vào miệng cái ca đặt trên mặt đất, như thể muốn chui vào. Ông lão thợ trồng rau tốt bụng bước tới lay vào vai anh ta một cú.
- Này Martinzùl! bao giờ thì anh mới hiểu, anh là người ăn xúp chứ không phải xúp là kẻ ăn anh! Anh không nhớ à? Anh phải dùng thìa đưa xúp lên miệng…
Gurdulù bắt đầu múc lấy múc để những thìa xúp đút vào miệng, thèm thèm thuồng thuồng. Anh ta lia thìa kịch liệt đến mức đôi khi trật đích đến. Trên gốc cây anh ta ngồi có một cái hốc, ngang tầm đầu anh ta. Gurdulù liền hắt các thìa xúp vào hốc thân cây.
- Đó không phải là miệng anh! Mà là một miệng cây!
Chăm chú trộn lẫn bồn chồn, ngay từ đầu, Agilulfo đã theo dõi mọi động thái của khối thân thể đó, vốn dường như thỏa lòng là mình được lăn lông lốc giữa các sự vật hiện hữu như một chú ngựa con muốn tự liếm gặm lưng mình; và chàng hiệp sĩ thấy chóng mặt làm sao đó.
- Này hiệp sĩ Agilulfo! – hoàng đế Charlemagne nói – nghe ta bảo đây, ông bạn ấy sẽ làm lính hầu cho ông. Thế nhé, một ý tưởng tuyệt vời phải không?
Các hiệp sĩ bật cười hăng hắc châm chọc. Nhưng Agilulfo nghiêm túc với mọi việc (vả lại, đây lại là một mệnh lệnh hỏa tốc của hoàng đế!), chàng xoay về phía viên lính hầu mới, chực buông ra các mệnh lệnh đầu tiên, thế mà Gurdulù, sau khi ực một bụng đầy xúp, đã lăn kềnh nằm ngủ dưới bóng ngọn cây. Sõng sượt trên bãi cỏ, miệng há hốc, anh ta đang ngáy: lồng ngực, bụng trên, bụng dưới phồng lên xẹp xuống như một cái túi thổi gió của thợ rèn. Cái nồi nhễu nhão mỡ đã lăn đến cạnh một trong hai bàn chân to tướng không xỏ vớ của anh ta. Trên bãi cỏ, một con nhím, có lẽ do mùi vị hấp dẫn, đã bò vào trong đó và đang liếm những giọt xúp cuối cùng. Trong lúc ăn, lông của nó quẹt vào lưng bàn chân trần của Gurdulù, con vật càng rướn người tới những làn xúp mỏng thì những đầu lông gai của nó càng gí nhiều hơn vào bàn chân trần. Cuối cùng, anh chàng cầu bơ cầu bất mở mắt: đảo mắt nhìn quanh mà không hiểu cái cảm giác bị cứa đã đánh thức mình ấy xuất phát từ đâu. Anh ta trông thấy cái chân trần, dựng đứng giữa cỏ như một phiến lá lê gai, và một con nhím đang chèn vào nó.
- Chao ơi, chân! – Gurdulù thốt lên. – Ê, Chân! tao bảo mày đấy! Sao lại đứng ngẩn người ra một một thằng ngố vậy? Mày không thấy con thú kia đang đâm chích mày à? Ôi, chân ơi là chân! sao mày ngu thế! Không chịu rụt về đằng này? Mày không cảm thấy đau à? Đúng là đồ chân ngố! Khó gì đâu, chỉ cần mày xịch ra một chút! Cái thằng chân này! Sao mày lại có thể ngu đến thế? Nghe tao đây! Kìa! Trông kìa! Làng nước coi nó cứ để mình bị hành hạ như thế! Rõ ghét, rụt lại đây! Thật là hết nước nói với mày rồi? Chú ý nào, nhìn tao đây, rồi mày sẽ biết mày phải làm gì… – Và trong lúc nói như thế, anh ta gập cẳng chân lại, bàn chân rút về, tránh xa con nhím. – Đấy, thật dễ dàng, tao vừa cho mày thấy cách làm, thì mày cũng đã làm xong, thấy chưa? Đồ chân ngu, sao mày lại để bị nó đâm chích lâu đến thế?
Anh ta thoa bóp lòng bàn chân bị nhói, đứng phóc lên, chu miệng huýt sáo, phóng chạy, lao người băng qua một bụi cây, đánh rắm một phát, rồi một phát nữa, sau đó mất dạng.
Agilulfo bước lên mấy bước như thể định bám theo, mà anh ta đi đâu? Thung lũng trải ra san sát những dải ruộng yến mạch rậm dày, những hàng dương mai, thủy lạp dập dờn theo cơn gió: những đợt thổi tung đám bụi phấn hoa, đàn bươm bướm, và trên bầu trời: những cụm mây trắng lơ lửng. Gurdulù đã biến mất tại đó, trên một bờ dốc nơi mặt trời khi di chuyển rọi vẽ ra những thảm đốm hoa râm di động; có thể anh ta đang ở trên bất kỳ vị trí nào của triền này hoặc triền kia.
Từ đâu đó văng vẳng một khúc hát lạc điệu:
- De sur les ponts de Bayonne…2
Sừng sững trên sườn thung lũng, bộ áo giáp trắng toát của Aligulfo đưa đôi cánh tay lên bắt chéo vòm ngực.
- Thế thì khi nào viên tân binh hầu cận mới bắt đầu phục vụ? – Các hiệp sĩ đồng nghiệp hô hoán với chàng.
Giọng loảng xoảng, đều đều, Agilulfo quả quyết:
- Một xác nhận bằng miệng của hoàng đế lập tức có giá trị như một sắc lệnh.
- De sur les ponts de Bayonne… – Lại văng vẳng tiếng hát, đã rời xa hơn.
Hiệp Sĩ Không Hiện Hữu Hiệp Sĩ Không Hiện Hữu - Italo Calvino Hiệp Sĩ Không Hiện Hữu