Người Bạn Vong Niên -
ào đầu hè, nắng Paris gay gắt không thua gì ở Sài Gòn. Khắp nơi người ta túa ra đường tìm bóng râm trú ẩn. Thu buồn cười nhìn dân Paris vốn được xem là lịch lãm lại ăn mặc nghèo nàn, luộm thuộm, thậm chí còn trần trùng trục nằm ngồi la liệt ở các công viên. Nóng bức thế này mà chui xuống hầm xe điện ngầm chẳng khác nào vào hoả diệm sơn nhưng cô vẫn lấy hết can đảm đáp xe đến thăm bà Janne ở mãi tận đầu bên kia của thành phố. Tội nghiệp, bà sống một mình như nhiều người già bên đây nhưng lại lỡ yêu cái không khí đông đúc của một gia đình ba thế hệ người Việt Nam.
Sau tiếng chuông dài không kiên nhẫn của Thu, bà Jane xuất hiện, tóc tai bù xù, mồ hôi tèm lem. Bà ôm chầm lấy cô hôn nồng nhiệt rồi lôi tuột vào nhà. Căn phòng hẹp ở tít trên lầu sáu của bà có tí gió trời nhưng vẫn nóng ran rất khó chịu. Bà đề nghị “Hai đứa mình ra hồ đi! Sẵn tao cho mấy con chim ăn bánh mì vụn luôn!”. Cái hồ nhân tạo nằm trong công viên gần nhà bà Janne vốn rất yên tĩnh vì khu này gần ngoại ô hôm nay đông nghịt, chẳng tìm ra chiếc ghế trống nào. Thu cùng bà vung vẩy vụn bánh mì cho lũ chim xong đành chui vào một bụi cây chật hẹp ngồi trú nắng.
- Thế nào rồi, chuyến công tác của mày tốt đẹp chứ! Tao thèm ăn phở quá mà mày bận rộn không vô quận mười ba với tao được!
- Thì hôm nay đi! Tôi từ Đức sang thăm bà mà, phải rảnh chứ! – Thu hào hứng – Tối tối sáu bảy giờ, mình chờ trời mát một chút.
- Bên Việt Nam ra sao? – Bà Janne quan tâm – Ba mẹ khoẻ chứ? Thằng “Sóc Nâu” ra sao rồi?
- Ừ thì tôi vẫn viết email mỗi ngày – Thu cười nắc nẻ - Ở Việt Nam họ không tưởng tượng được bên đây lại nóng kinh khủng thế này! Chủ nhật vừa qua cả nhà tôi cùng đi Long Hải tắm biển, thằng “Sóc Nâu” lượm để dành cho bà ngoại Janne mấy cái vỏ ốc. Thằng nhỏ khoe học tiếng Pháp có tiến bộ, chừng một thời gian ngắn nữa sẽ viết thư cho bà!
- Trời! Tao nhớ Việt Nam quá! – bà Janne háo hức – Ước gì sang năm tao có thể chuồn về với mày!
Bà già có vẻ đã mỏi lưng, bà nằm lăn ra cỏ mặc những nhánh cây cọ vào chiếc cổ đỏ gay ẩm ướt. Bà khép hờ mắt, mỉm cười vẻ mơ mộng. Thu nghịch ngợm ngắt một bông hoa dại nhét vào miệng bà bạn vong niên “Như thế này nhìn mới lãng mạn, Janne à!”. Cô cũng nằm xuống bên bà, nghe cỏ nhột nhạt dưới lưng và sức nóng mùa hè mơn trớn trên mặt. Bà Janne chợt cất tiếng hát, bài “Cuộc sống màu hồng – La vi en rose” từ thời Edith Piaff. Thu cao hứng hát theo, đôi chỗ lắp vắp vì không thuộc lời. Hai kẻ, một già một trẻ, nằm nghêu ngao hết bài này đến bài khác, những khúc nhạc của một thời xa xưa, khi bà Janne hãy còn là một phụ nữa xuân sắc và Thu chưa sinh ra đời. Cô thấy quả cuộc đời màu hồng dù mới cách đây vài tiếng còn lầm bầm rên trời nóng quá và mấy hôm nay chỉ thấy mình thiệt thòi sinh ra làm người Việt.
- Dạo này tao già đi nhiều phải không Thu? – bà Janne chợt hỏi giọng nuối tiếc – tao thấy mình mệt mỏi, bải hoải chẳng thích hoạt động gì nữa!
- Bà mà rên già chắc tôi sắp chết – Thu thành thật – Bà hơn tôi gần nửa thế kỷ mà lúc nào cũng nhanh nhẹn. Ở bên bà tôi mặc cảm lắm!
- Bà Janne bật cười, khoái chí với câu trả lời của Thu. Bà nhổm dậy, vươn vai hít sâu khoan khoái. Thu còn nhớ lần đầu gặp Janne ở Việt Nam, bà đạp xe mini màu đỏ rực,tóc cột tóc túm bằng dây nơ vải. Lần đó Thu đang chán đời vì xin học bổng đi du thất bại, cô thả dốc trên đường Đồng Khởi và chợt nhận thấy một bà đầm vẻ hớn hở đặc biệt vừa đạp xe vừa hào hứng hát.Vẻ vui nhộn của bà làm Thu thấy ngồ ngộ, cô xáp vào đề nghị “Đua không?” rồi hai người cùng nhấn bàn đạp “đua” cho đến cuối đường bị bến sông Bạch Đằng chắn ngang. Họ quen nhau như thế và chợt nhận ra dường như tuổi tác không là rào cản nếu người ta muốn kết bạn. Bà Janne nói mình du lịch cô đơn, sang đây thuê nhà, mướn xe đạp vòng vòng chơi. Thu mời bà về sống chung với gia đình ba thế hệ của mình rồi tha hồ thực hành tiếng Pháp thoải mái. Mẹ cô hiếu khách mỗi buổi nấu một món ngon đãi Janne, thằng cháu “Sóc Nâu” thích nghe bà dạy hát dù chẳng hiểu tí gì. Một tháng sau, Janne về nước, dặn đi dặn lại hễ sang Paris phải liên lạc với bà.
- Sau chuyến đi công tác mày có định ở lại chơi thêm ngày nào không? – Bà Janne đứng dậy phủi quần hỏi – Tụi mình có thể cùng đi?
- Bà nói phải về miền Nam thăm con trai mà! Tôi rảnh vài ngày, định đi Tiệp Khắc chơi. Bây giờ khỏi cần xin visa.
- Trời ơi, thủ đô Prague đẹp lắm! – Janne xúc động – Tiếc là tao phải về miền Nam thăm con trai thật. Chưa biết chừng nào quay lại Paris. Nhưng mày thì phải tranh thủ đi cho nhiều, thật nhiều. Thế gian này rộng lớn lắm!
Thu gật đầu đồng ý. Hồi đó, cô đã vất vả để xin được suất tu nghiệp ba tháng ở Pháp chỉ để được một lần nhìn thấy Paris. Những ngày đầu bị đồng nghiệp trong công ty đối xử phân biệt, cô chán nản muốn quay về nhưng Janne ngăn lại “Cứ tận dụng dịp này để được đi, được khám phá, được học hỏi những kinh nghiệm quí báu!”. Sau chuyến đó Thu tranh thủ “gặt hái” được những chuyến du lịch bụi bằng xe đò sang các nước láng giềng và về Việt Nam với một niềm tự ti mình sinh ra là công dân của nước nhược tiểu. Đi đến đâu cũng bị cảnh sát biên giới chặn lại, nhìn chăm chăm vào hộ chiếu rồi rà đèn laser xem kĩ visa có làm giả không. Dân Nhật cũng tóc đen da vàng nhưng tụi Tây luôn mở cửa mời chào. Họ vào các trung tâm mua sắm cao cấp, vét hết những hàng hiệu rồi dửng dưng bê những túi xách to khiêu khích ra trong cái nhìn ganh tị của dân da trắng bản địa. Thu thấy mình quá nhỏ bé, cô lầm lũi đi tham quan một mình, vào ngủ nhà trọ và chỉ tiêu thụ bánh mì không trong suốt những chuyến đi dọc ngang các thành phố lớn Châu Âu. Về lại Paris sau những chuyến đi mệt mỏi nhưng hào hứng. Thu được bà Janne hết lòng ngưỡng mộ “Tao tự hào về mày! Nhỏ con, ốm yếu, quặt quẹo mà lết hết các nước như vậy thật là một thành tích lớn!”. Bà Janne không nói quá, lúc mới qua bà rước Thu ở phi trường, trông cô xanh xao kinh khủng. Bà giành xách hết những hành lý nặng nhưng khi xuống hầm xe metro Thu lại nôn thốc nôn tháo do không chịu nổi hơi người và do thiếu không khí. Đến nhà, bà Janne lại khệ nệ rê hết hành lý lên căn nhà trên tầng sáu mà không có thang máy. Dù không đi nổi Thu cũng cố sĩ diện lết tới nơi rồi lăn quay ra giường bà bất tỉnh. Hôm sau dẫn Thu đi thăm tháp Eiffel và cung Sacré Coeur, bà Janne không dùng xe điện ngầm mà cho cô đi xe bus. Thế mà Thu cũng không tránh khỏi bị say xe cứ phải nôn nhiều lần. Lần đó bà Janne cứ ghẹo “Mày đi thăm Paris với những cái bọc nilon”.
Trở về Việt Nam sau chuyến tu nghiệp đó, Thu không nghĩ mình có ngày quay lại Châu Âu nhưng cô lại làm việc cho một tập đoàn của Đức và thường phải đi công tác sang công ty mẹ. Lần này Thu cũng tranh thủ ghé lại Paris thăm bà bạn vong niên của mình. Quả so với cái thời đạp xe trên đường Đồng Khởi giờ bà đã già đi nhiều, tóc rụng nhiều và làn da ngày một nhăn. Tuy thế, lần nào đến phi trường Charles De Gaules, Thu cũng thấy cái dáng tầm thước, khuôn mặt tươi cười và mái tóc bạc lơ thơ của bà Janne đứng đón. Tuổi đã cao, không còn sức giành xách những chiếc vali nặng của Thu, bà thay thế bằng giá kéo gắn bánh xe để vận chuyển dễ dàng. Dáng đi của bà vẫn còn hùng hổ dù lưng có chiều hướng cong lại và lúc nào trông bà cũng có vẻ khoẻ mạnh hơn cô bạn trẻ tuổi người Việt Nam. Mỗi lần gặp lại Thu, bà nhiệt tình nấu nướng, làm bánh tarte nhân táo, pha trà rồi hai người nhâm nhi bàn luận đủ thứ chuyện.
- Mày thấy chưa, lần đầu đi tu nghiệp ở đây mày nói tụi Châu Âu ăn hiếp người Việt Nam, chê tụi bây thụ động, thiếu sáng tạo, không có khả năng phản ứng trước rủi ro. Vậy mà bây giờ mày cứ đi Tây như đi chợ - bà Janne nói liến thoắng – Tao biết mà, tụi da trắng rồi cũng phải nhìn mọi người một cách công bằng. Nền kinh tế ở đây đình trệ rồi, giờ phải đi đầu tư ở các nước đang phát triển thôi. Không tôn trọng người bản xứ thì thất bại là cái chắc!
- Bà nghĩ vậy hả? – Thu e dè hỏi lại.
- Chứ còn gì nữa, bây giờ ở Việt Nam toàn công ty đa quốc gia – bà Janne ra vẻ sành – Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vào loại nhất thế giới!
- Tại tệ quá nên không thể tệ hơn, phải tăng trưởng thôi – Thu bĩu môi – Còn các nước phương Tây đã phát triển đụng trần rồi thì phải đình trệ, nhưng họ sang nước thứ ba đầu tư và rốt cuộc cũng đem lợi nhuận về công ty mẹ.
- Thì sao? Đâu có tiêu cực – bà Janne hớp một ngụm trà lài Thu vừa đem từ Việt Nam sang tặng – Cả hai cùng có lợi, nước mày cũng trở nên năng động hơn, nền kinh tế phát triển hơn, còn tụi trẻ như mày được học hỏi những công nghệ hiện đại.
- Một nền kinh tế thực sự phát triển phải do chính những doanh nghiệp trong nước định đoạt chứ không phải do các nhà đầu tư nước ngoài. Khi nào các công ty Việt Nam ăn nên làm ra lúc đó mới đáng hãnh diện – Thu cố gắng nín cười trước vẻ nghiêm túc của bà già – Mấy công ty nước ngoài vô Việt Nam khôn lắm, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, hất cẳng mấy công ty nhỏ của Việt Nam ra khỏi thị trường nhờ vốn mạnh. Thôi bà ơi, tóm lại dân tôi vẫn còn chịu thiệt lắm!
- Vậy tại sao mày không làm việc cho công ty Việt Nam mà lại làm cho công ty Đức?
- Tại… tôi… đang “nằm vùng”!
Kết thúc những tranh luận của hai người lúc nào Thu cũng bị bà Janne dồn vào thế bí. Dù gì bà cũng hơn cô bao nhiêu tuổi đời và có một vốn kiến thức tổng hợp kha khá. Thời trẻ bà Janne kể mình làm công nhân một hãng dệt, chưa từng vào Đại học và cũng không tham gia một tổ chức xã hội nào. “Nhưng tao hay xem báo chí, nghe đài và thích đi du lịch”. Thu mê cái sở thích “đi thực tế” đến các nước của bà Janne và tự hỏi không biết tiếng Anh làm sao bà xoay xở ở Ấn Độ, Trung Quốc hay Malaysia. Bà cười khà khà nháy mắt tự hào “Vậy mới hay! Tao chỉ bị thổ tả một lần khi uống thứ nước mía ép ở Ấn Độ”. Sau mỗi chuyến đi, bà Janne bê về căn hộ nhỏ như hộp quẹt của mình ở Paris bao nhiêu là sách và những vật phẩm kỷ niệm. “Chúng làm cuộc sống của tao không ngừng tiến về phía trước”.
o O o
Đã lâu lắm rồi Thu không có dịp đi công tác bên Đức để ghé thăm bà bạn già vui tính của mình. Cô đã chuyển chỗ, sang làm cho một công ty của Mỹ. Lương tăng nhưng áp lực cũng trở nên kinh khủng đến mức nhiều lần Thu muốn tháo chạy. Cô cũng chẳng còn thời giờ viết email dông dài chuyện vớ vẩn với Janne. Tuy nhiên mỗi lần bị sếp nước ngoài o ép, Thu lại nhớ đến bà Janne. Hồi đó khi tu nghiệp ở Pháp bị đối xử phân biệt, cô được bà động viên bằng triết lý “Đời là một cuộc đấu tranh không ngừng! Hãy đấu tranh để chứng minh mình là ai! Hãy đấu tranh để được thế giới công nhận! Và đấu tranh để sánh ngang hàng với các cường quốc!”. Thu đã bật cười trước cái vẻ “đao to búa lớn” của bà già và làm bà “cụt hứng” khi trả lời “Tại bà là người Pháp nên “hô khẩu hiệu” thì dễ lắm!”. Dù thế Thu đã chép lại cái khẩu hiệu đó. Thi thoảng cô mở sổ ra xem và thấy áy náy đã dội nước lạnh vào sự động viên nhiệt tình của bà bạn già.
Sài Gòn lúc này nóng quá làm Thu nhớ đến mùa hè Paris năm nào cùng nằm nghêu ngao hát bên bờ hồ với bà Janne. Cô giật mình nhận ra đã rất lâu không có tin tức gì của bà già vốn rất siêng viết email. Thu gọi điện sang nhiều lần nhưng máy chỉ để lại tin nhắn bà không có nhà. Sốt ruột, cô nhờ một người quen khác ở Paris đến tận nhà xem bà già thế nào.
- Alô! Mày lo cho tao hả? Mày còn nhớ đến bà già này hả? – Cuối cùng bà Janne gọi về, giọng bà tràn đầy niềm vui – Mày sợ tao chết rồi chứ gì? Trời ơi! Hè năm nay còn nóng hơn cái năm mày từ Đức sang Paris thăm tao. Mấy ông bà già bị “quay chín” hết! Ghê quá!
- Bà biến đi đâu vậy hả? – Thu mừng nghẹn giọng – Bà đi du lịch ở nước nào sao?
- Tao về miền Nam thăm gia đình thằng con trai – Giọng bà chùng xuống – tao già rồi, yếu đi nhiều, ở một mình thấy bất tiện quá!
- Chứ còn gì nữa! Làm sao bà leo nổi sáu tầng lầu, rồi đi chợ nấu ăn giặt giũ một mình chứ! Về miền Nam ấm áp ở với con trai luôn đi!
- Đâu được! – Bà cười nghe chua xót – Đâu giống bên Việt Nam. Chắc tao vô viện dưỡng lão quá!
- Ê!- Thu thảng thốt - Nói chơi hoài, bà phải bắt con cái có trách nhiệm chứ!
- Tụi nó không chịu đâu! – Bà Janne buồn bã – Đời sống bên đây vốn như vậy mà!
- Bà phải đấu tranh chứ! – Thu bực bội với vẻ cam chịu của bà bạn già – Đời là cả một sự đấu tranh không ngừng mà! Hãy đấu tranh để con cái hiểu giá trị của một người mẹ như bà. Bà đã bỏ lỡ cả tuổi xuân để ở vậy nuôi con khi bị chồng ruồng rẫy. Bao năm qua bà cũng chu cấp tiền bạc cho con bằng lương hưu khi họ thất nghiệp. Bà phải đấu tranh để họ phải kính trọng mà phụng dưỡng bà vào thời gian cuối đời chứ!
- Thôi đi! Mày nói vậy vì mày là người Việt Nam! – Giọng bà Janne run rẩy – Tao cũng biết sợ chứ! Hồi đó chỉ sợ chết rét vào mùa đông, giờ còn sợ thêm vụ chết nóng vào mùa hè. Nhiều khi đau ốm lúc đêm khuya hay trượt chân té trong nhà tắm là kể như xong. Chết mà chẳng ai hay. Tủi lắm…
Thu nghe tiếng bà Janne khóc nghẹn ngào rồi tiếng “tút…tút” vô cảm từ đầu dây phát ra.
o O o
Thu trở lại Paris vào cuối năm khi mùa đông đang thổi những cơn gió cắt da luồn lách vào tận những đường hầm xe metro hun hút. Thành phố lạnh lẽo với màu xám ảm đạm làm mọi người co rút lại trong những tầng áo khoác to sụ. Lần này bà Janne với dáng vẻ năng động ngày nào không ra phi trường rước Thu nữa. Cô không cho bà biết tin nhưng khi mở cửa đón cô bạn trẻ từ Việt Nam sang bà lại giận dữ hét “Sao mày không cho tao hay để ra rước! Mày chê tao già yếu đi không nổi hả?” rồi ôm mặt khóc rấm rứt. Phản ứng của bà Janne làm Thu ngỡ ngàng nhưng cô hiểu người già có nhưng tâm sự riêng đôi khi thấy kỳ quặc nhưng lại đáng trân trọng. Cô ngồi xuống vuốt mái tóc bạc lưa thưa của bà Janne, giọng kể lể “Đừng giận! Tôi muốn làm bà ngạc nhiên thôi mà! Tôi đã đi một đoạn đường dài một trăm hai mươi ngàn cây số, ngồi máy bay mười mấy tiếng đồng hồ và phí tổn chuyến đi do chính mình bỏ ra…bà biết để làm gì không? Chỉ để được nhìn thấy bà, được bà nấu cho ăn những món ăn Pháp, được cùng bà vào quận mười ba ăn phở, được thấy bà vui vẻ lấy phim hài của Louis De Funes cho tôi xem”. Bà Janne càng khóc to hơn nữa, đầu bà chúi vào lòng Thu và cô chợt nhận ra bà thật nhỏ bé. “Tao thương mày lắm, Thu ơi! – Bà già nức nở khóc không cần che dấu cảm xúc – Con tao chẳng bao giờ đi thăm tao cả! Mùa hè chúng nó đi du lịch nước ngoài, mùa đông chúng nó đi trượt tuyết…hu hu hu”. Thu nhớ mới vài năm trước thôi, khi lần đầu sang Pháp tu nghiệp, chính cô ngồi chúi vào lòng bà Janne, cũng trong căn hộ nhỏ bé này, tủi thân chảy nước mắt tâm sự “Làm người Việt thiệt thòi quá, đi đâu cũng bị người ta khinh thường”. Khi đó bà chẳng vuốt tóc an ủi cô như bây giờ cô đang làm với bà mà dõng dạc hô khẩu hiệu “Đời là cả một cuộc đấu tranh không ngừng!”
Đêm đó hai người ngủ chung giường, chiếc giường nệm trong phòng mà mỗi lần Thu qua bà Janne hay nhường rồi ra phòng khách ngủ trên ghế sofa. Giờ bà ốm đi nhiều, da mềm nhão ra và mắt đã có một màn sương bao phủ. Hai người nằm chung vẫn rộng. Thu bóp chân cho bà, cảm thấy những bắp thịt tỏa ra sự mệt mỏi. Bà Janne kể giờ bà ngại leo cầu thang lắm, cái chung cư này xây từ mấy chục năm trước, từ thời bà còn làm công nhân hãng dệt. Khi đó không ai nghĩ đến lúc người ta cũng phải chồn chân mỏi gối.
- Công việc mày dạo này thế nào? – Bà Janne chuyển đề tài – Tụi Mỹ trả lương cao không mà dám bỏ tiền sang Paris thăm tao vậy?
- Cũng tạm! – Thu nhấm nhẳn – bán sức lao động lúc nào cũng thiệt thòi hơn mua.
- Các công ty nước ngoài vào Việt Nam còn bày đặt thực dân, phát xít hay đế quốc nữa không?
- Thật ra họ không thực dân, cũng chẳng phát xít nếu mình đừng để họ có cơ hội đó – Thu bật cười vì cái vẻ quan tâm vừa chân thành vừa ngây ngô của bà già – Giờ tôi đã biết cách làm thế nào để theo kịp những yêu cầu cao trong công việc của họ. Mệt thiệt, nhưng đó là cách duy nhất để họ tôn trọng mình.
- Người Việt tụi bây rồi cũng được phương Tây tôn trọng thôi. Nước tụi bây rồi cũng tới lúc phát triển ngang với các nước khác thôi. Nhưng đừng để giá trị truyền thống mất đi. Đừng để năm mươi năm nữa mày trở thành một bà già bị con cái từ chối chỉ còn nước vào viện dưỡng lão sống giữa những người già lú lẫn với nhau.
- Thôi ngủ đi – Thu không muốn nghe đề tài này – Tôi mệt rồi!
Dù cố tránh, nhưng suốt những ngày Thu ở cùng bà Janne, có dịp là bà nhắc đến tương lai u ám đến lúc không còn đủ sức tự chăm sóc bản thân phải vào viện dưỡng lão. Một lần đi cửa hàng mùa Giáng sinh, thấy bà Janne tỉ mẩn lựa quà cho đầy đủ con cháu không sót một ai rồi hăm hở ra bưu điện gửi, Thu phát sốt hỏi “Bà vẫn thương họ đến thế sao? Con cháu bà đối xử tệ với bà quá mà!” Bà Janne cười, một nụ cười rộng lượng đến mức làm Thu kinh ngạc “Đừng trách chúng nó! Sống trong xã hội hiện đại này, được giáo dục bằng một nền văn hóa tôn trọng tự do cá nhân, ai cũng cư xử với cha mẹ già thế thôi. Tại tao du lịch nhiều sang các nước Á Châu, lại từng sống với gia đình ông bà cháu chắt quấn quít nhau của mày bên Việt Nam nên mới bày đặt phiền muộn! – Bà Janne nắm tay cô bạn trẻ chân tình – Mà Thu à, khi nào mày có con thì sẽ hiểu. Dù nước giàu hay nghèo, dù da trắng hay đen, dù văn hóa khác nhau đi nữa thì các bà mẹ trên đời này cũng thương con cháu mình mà không bao giờ mong đền đáp”. Thu chán nản gạt tay bà ra “Dạo này bà già thật rồi đó, lúc nào cũng triết lý một cách thụ động. Tôi khoái cái khẩu hiệu “Đời là cả một sự đấu tranh không mệt mỏi” của bà hơn.”
Bà Janne tiễn Thu về lại Việt Nam khi đã sang năm mới được vài ngày. Cô không muốn bà ra phi trường trong cái lạnh thấu xương, nhưng bà nhất định phải đi. Nắm mãi tay Thu không muốn rời, bà thật tình nói “Chắc khi mày có dịp trở sang Paris thì tao không còn ở nhà cũ nữa. Tao chẳng thể tiếp mày, nấu ăn cho mày được đâu. Khi đó mày vào viện dưỡng lão thăm tao nhé!”. Thu nhăn nhó vào phòng cách ly nhìn bà Janne nước mắt ròng ròng chôn chân không chịu rời bước. “Về nhà đi! Về đi! – cô vẫy tay xua – Có một lá thư dưới gối dành cho bà! Về đọc đi rồi trả lời sớm nhé!”
Trên máy bay Thu mỉm cười lau nước mắt nghĩ đến cảnh bà bạn già mở thư cô ra đọc. Bà sẽ ngồi bó gối, trông thật nhỏ bé trên giường rồi từ từ lướt mắt qua các hàng chữ “Janne thương yêu, bà đã dạy tôi phải luôn tranh đấu. Và rồi tôi đã phần nào thành công trên con đường nghề nghiệp của mình. Cũng như bà, tôi yêu bài hát “Cuộc sống màu hồng” và thích những bộ phim hài vui nhộn của Louis De Funes với kết thúc luôn có hậu. Vì thế tôi không ưa viễn cảnh sang Paris khi bà đã vào viện dưỡng lão. Bà rất thích không khí gia đình ba thế hệ của chúng tôi phải không? Bà có muốn cùng mẹ tôi sáng sáng tập dưỡng sinh, trưa nấu ăn cho bọn trẻ và tối đến thì trông nom thằng “Sóc Nâu” học tập cho đàng hoàng? Gia đình tôi đã bàn bạc rồi và quyết định mời bà hãy cùng đến Việt Nam sống chung mái nhà với chúng tôi…”
Có thể bà Janne sẽ không rời được nước Pháp, có thể bà không xa được nơi con cháu mình đang sinh sống, cũng có thể bà cân nhắc không thuận tiện lắm khi phải trải qua những ngày cuối đời xa Tổ quốc. “Nhưng dù bà chọn cách nào – Thu hài lòng nhắm mắt lại suy tư sau khi đã cài dây an toàn – bà giờ sẽ có một niềm tin vào những giá trị gia đình mà không một xã hội hiện đại nào có quyền phá vỡ”.
Hành Trình Của Những Người Trẻ Hành Trình Của Những Người Trẻ - Dương Thụy Hành Trình Của Những Người Trẻ