Gia Đình Má Bảy epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3
hị y tá từ trong bếp bớc ra, mặt hồng hơi lửa, cầm đũa bếp gõ vào cái máng tre ba tiếng như đánh mõ báo động:
- Bớ Việt cộng, xuống ăn cơm!
Tiếng cười nói nổi lên râm ran trong các lán và dưới các tấm tăng nhựa đủ màu:
- Hoan hô chị nuôi! Đói thấy mụ xã rồi đây!
- Bớ ba quân, ăn mau rồi cao phi viễn tẩu!
- Tao nhớ kèn cơm của bộ đội mình quá. Vầy nề: cơm, cơm cơm cơm cơm, cơm cơm cà, cơm cơm muối, cơm nước suối cùng là cà chua.
- Thằng Bê dù giỏi nhớ ghê ta.
- Tai nó to, nó nghe rõ hơn tụi mình. Ai nói gì cũng lọt tai nó trước... Ủa, buông không? Thằng Bê ác ôn đây bớ làng xóm!
- Hàng sống, chống chết!
- Tao... ối... chịu thua. Tay đập sắt cứng gớm.
Bê buông tay cậu bạn, moi trên mái nhà rút một nắm đũa:
- Đương sự nào thiếu đũa? Mở kho năm phút.
Bốn năm bàn tay cùng chìa ra:
- Tao một đôi!
- Nè Bê dù, chỗ anh em nối khố...
- Nhỏ kia, nộp thuế nhập lâm đây mày!
Bê biết tính các bạn. Ăn xong là vất đũa đâu mất, đến bữa lại chạy nháo đi bẻ cành cây, để nguyên đầu cây xơ như thế mà lùa cơm vào miệng. Giờ nghỉ trưa hôm qua Bê đi cắt lá mây về sửa mái lán, tìm ra một bụi tre. Bê đẵn luôn một cây to vác về, chặt khúc ra chẻ làm máng đựng thức ăn, nhân tiện vót luôn mớ đũa chia cho anh chị em.
Trong cái lán nhỏ dựng hơi tách ra một góc, huyện ủy đang họp với anh Chín Chuyền, phó bí thư tỉnh ủy. Họ đã bàn xong kế hoạch đồng khởi. Trên cái bàn nứa trải một tấm bản đồ cũ nát, lưng bồi vải, sáu người ngồi chung quanh bàn không mấy khi nhìn vào đó, họ thuộc từng xóm, từng đường ngang lối tắt trong huyện. Chỉ có rải rác mấy con vắt bị nướng cháy đầu cháy đuôi nằm còng queo trên mặt giấy như những dấu hỏi. Trong rừng già tối om, ban ngày muốn đọc tài liệu cũng phải thắp đèn, và các đồng chí vừa họp vừa táy máy gỡ những con vắt bò lên chân, dí vào ngọn đèn treo làm bằng ve rượu bạc hà.
Nghe tiếng ồn ào, anh Chín quay nhìn ra ngoài. Hơn hai chục cán bộ các đội võ trang công tác đang quây quần chung quanh những rổ sắn luộc, cười rộ từng lúc. Anh Chín mỉm cười theo. Khuôn mặt rỗ hoa đột ngột trẻ lại. Sáu Dõng nhắc một câu đã nói đôi lần với anh Chín:
- Anh em nằm hầm nói thầm miết, về núi mới được cười to một chút xả hơi đó anh.
Anh Chín cười:
- Việc gì ông phân bua hoài vậy... Ta nghỉ hè.
Anh gấp sổ tay cho vào cái túi dết lúc nào cũng đeo bên sườn, với tay xách cái thắt lưng súng ngắn, đi xuống suối. Các đồng chí huyện ủy nháy nhau. Họ biết anh cán bộ tóc trắng ấy rất thích chơi với lớp cán bộ trẻ.
- Mời các anh vô. Quí khách dùng phở, mì, hay bún bò?
- Lương khô cá ngừ đây, chánh hiệu con nai vàng, nhãn hiệu trình tòa đề phòng giả mạo!
- Mâm này có nước mắm cô anh ơi!
- Anh Chín qua đây anh Chín! Đừng ăn nước mắm Mũi Né của nó, né mũi không kịp...
Anh chị em mang gạo và lương khô về nhiều, nhưng nhường gần hết cho bệnh xá tỉnh đang bị đói. Cán bộ len lỏi ở xã được dân nuôi rất tươi, cấp huyện thiếu thốn hơn một chút nhưng còn khá, đến cấp tỉnh cấp khu thì ăn uống "khô như ngói" bởi cơ quan to phải ở núi cao. Đến đợt đồng khởi này, cơ quan nào cũng tấp tểnh đòi kéo xuống đồng bằng cả.
Anh Chín ngồi xổm xuống cạnh Bê, bẻ một củ sắn luộc. Chị y tá thò tay rút mất củ sắn anh đang cầm, đặt trước mặt anh một đĩa nhôm đựng cơm ghế khoai lang, nói rất nghiêm:
- Thầy thuốc cấm anh không được ăn sắn. Bệnh đường ruột.
Anh Chín biết nếu cãi hay từ chối phần cơm dành riêng cho anh, tất cả các đồng chí sẽ rất không bằng lòng. Anh xới cơm ăn tự nhiên, đùa lại chị y tá
- Cô cộng nữ bốn súng lục ra lệnh, xin phục tùng. Người ta còn đồn cô đẹp như tiên...
Chị y tá đâm đầu chạy giữa tiếng cười ồ. Hôm đi công tác với đội anh Dõng xuống Kỳ Sơn, chị mượn bốn cái ống lương khô rỗng đeo vào thắt lưng, định mua gà rang mặn đem về cho các đồng chí ốm. Khi lên ca bài chòi trước mít tinh, chị vô ý đeo đủ cả bốn cái ống tre trên mình. Trong khi đồn thổi những chuyện về Cách mạng, đồng bào vẫn thích tô vẽ thêm thắt ít nhiều để bà con mừng và thằng địch sợ.
Anh Chín lại gợi chuyện đồng khởi. Qua những câu bông lơn, anh dễ thấy khí sắc của cán bộ hơn trong hội nghị.
- Mình về đây, ăn gì cũng là ăn tạm thôi. Tháng sau các ông phải cho mình ăn mì Quảng ở chợ Đồng Trầu kia. Ông Dõng dám hứa chắc không?
Dõng gật ngay cái đầu hớt bàn chải:
- Ngay bây giờ, tôi dẫn anh xuống Đồng Trầu. Muốn gì có nấy.
- Chống gậy ăn đêm, mình đâu phải nhờ tới ông!
- À... hễ tối nay có lệnh khởi, sáng mai tôi mời anh vô quán bà Lành ăn mì, uống bia cam đàng hoàng.
Bê chen vào:
- Anh Chín về Kỳ Hải ăn cá thu nữa.
- Cá thu đóng hộp, nhét trong gánh tro bón ruộng>
- Dạ không. Cá tươi, cá một lửa hẳn hoi chớ.
Anh Chín cứ tỉnh khô:
- Ờ, hiểu rồi. Cậu đẩy mình vô trong buồng, ông bác bà thím gì đó bưng vô một tô cơm một đĩa cá, năn nỉ mình ăn mau đi mau để đánh mõ la làng. Đúng chưa?
Cả mâm cơm cười rầm. Mọi người đều gặp những cảnh cay cực như vậy. Con về thăm má, má khóc lóc hôn hít một hồi, nhét áo quần tiền bạc đày bao, rồi đẩy con ra cửa: "Đi con, để má đánh mõ la làng". Nghĩ mà tức thằng địch ói máu, nhưng rồi anh em quen dần, đem chuyện ấy ra pha trò với nhau.
Anh Chín ngắm những nụ cười tươi chung quanh mình. Một lần nữa, anh mừng thầm khi thấy ánh lửa long lanh trong những đôi mắt đói ngủ. Anh thường "bắt mạch phong trào" bằng cách xem tướng cán bộ. Ở đâu cán bộ hăng, xốc xáo, ở đấy phong trào quần chúng có cái sôi động của tuổi trẻ. Ngược lại, khi thấy cán bộ rụt rè, co thủ, anh biết nhân dân trong vùng ít dám quyết liệt với giặc. Anh đoán không mấy khi sai.
Ai cũng biết anh Chín rất yêu lớp trẻ, nhưng không mấy người hiểu đúng vì sao. Số đông thấy anh đi sát cấp dưới là điều tất nhiên, người cán bộ tốt phải vậy. Những đồng chí biết rõ đời riêng của anh cho rằng hai đứa con lớn của anh đã hi sinh, một trong kháng chiến và một sau đình chiến, nên anh tìm đến thanh niên với nỗi thương nhớ của người cha mất con. Anh cũng cười nhận như vậy, như người ta nhận hút thuốc là một tật xấu. Nhưng có một lẽ lớn hơn là anh muốn mình trẻ lại, anh muốn cái chất sống bồng bột của tuổi trẻ thấm vào anh. Sau ngót ba mươi năm làm cách mạng, anh có cái vững vàng chắc chắn của người cán bộ đã l phong trào của quê mình - từ xã đến tỉnh - qua hầu hết những bước chìm nổi. Tuy vậy, anh luôn luôn lo mình không thấy ngay cái mới, không theo kịp cái mới, nhìn cái mới bằng đôi mắt cũ, đánh giá cái mới bằng thước đo của những kinh nghiệm cũ. Chính mối lo ấy thúc giục anh đi nhiều, nghĩ nhiều, học nhiều. Và anh tìm thấy cái mới rõ nét nhất ở các đồng chí đang lớn lên.
o O o
Uống xong bát nước chè núi rất đặc, anh Chín thắt súng ngắn vào lưng, gọi:
- Ra dòm trời đất một chút, Dõng ơi.
Bê vội xách tiểu liên chạy theo. Anh Chín kéo ống quần bà ba rộng, lội dọc theo con suối đá trơn, nhanh đến nỗi Dõng và Bê theo anh cứ trượt sấp ngửa. Cơ quan huyện nằm giữa rừng già, gần hai làng dân tộc Co. Đồng bào vùng này đâm trâu ăn thề, đứt đầu cũng quyết nuôi cán bộ. Đường vào cơ quan là con suối nhỏ không có tên trên bản đồ, tự xóa các dấu chân qua lại.
Lội chừng nửa cây số, ba người ra khỏi rừng. Đến một đám rẫy cũ chằng chịt những gai mâm xôi, anh Chín gỡ mấy con vắt bám chân, trèo lên một tảng đá đen. Một mỏm núi thấp hiện ra như đầu ngựa trước mặt người cưỡi. Dưới kia, ruộng đồng trải rộng. Rồi đến biển xanh ngút tầm mắt, tỏa ánh xanh tạo nên bầu trời.
Đó, đồng bằng miền Trung.
Biển và núi hẹn nhau chỉ nhường cho người một rẻo đất phẳng làm cái cầu nối hai vựa thóc của Tổ quốc. Một dải đồng bằng mảnh mai, len lỏi, mới phình ra được như cái bánh quai vạc đã lập tức bị bóp lại còn bằng sợi bún, vay xong lập tức phải trả. Dọc xương sống vốn không nhiều thịt. Trên hàng ngàn cây số của cái hành lang mở nước, người Việt chỉ thấy biển đằng Đông, núi đằng Tây, và dưới chân sỏi cát nhiều hơn đất dẻo.
Các tỉnh đồng bằng miền Trung chia nhau từng khúc đường vào Nam. Chia rất công bằng: tất cả đều có núi, đồng, sông, biển. Các huyện nữa cũng thích kiểu nằm bậc thang, gối đầu lên núi và duỗi chân đến biển. Một số tỉnh họp lại được gọi là khu Năm. Một con số hẹn nhau mà gọi. Một con số khi mới đặt ra không gợi lên cái gì rõ rệt. Lửa kháng chiến đã khắc con số ấy bằng dao nung đỏ vào lịch sử dân tộc. Con số ấy biến thành tên của quê hương, nằm sâu trong tim của mấy triệu đồng bào đồng chí. Đau xót, thương nhớ, vui mừng, kiêu hãnh được gửi đến khu Năm: tình người làm con số ấy sống như người.
Trong những năm khó khăn nhất, một số cán bộ vùng xuôi khu Năm phải lánh lên núi. Đồng bào Thượng đã nuôi và giữ nguyên vẹn cái vốn quí ấy của miền Nam. Lịch sử sẽ đời đời ghi công ơn của những người con đóng khố cởi trần đã giữ vừng miền núi khi ta chưa nổ súng. Giặc chỉ chiếm được đồng bằng...
Nhưng, giặc đã chiếm đồng bằng.
Các đồng chí người Kinh ngày phát rẫy, đêm nằm vây quanh đống lứa rừng. Họ nhớ đồng bằng, nhớ tỉnh nhà.
Kể cũng lạ. Thế đất chẳng nhau mấy, nhưng mỗi tỉnh đồng bằng khu Năm lại có một giọng nói, một nguồn giàu có, một truyền thống cách mạng riêng hẳn. Các tỉnh anh em ruột rất giống và rất khác nhau ấy cùng dàn hàng ngang đánh giặc cả mặt trước lẫn mặt sau, bồi đắp cho nhau như các màu họp lại thành bức tranh đẹp, vẽ bằng lời trong đêm thao thức.
Chỉ cần một đồng chí nhắc đến con gái Phú Yên cưỡi ngựa trên Đồng Bò, lập tức người khác nhớ con gái Bình Định "múa roi đi quyền", con gái Quảng Ngãi chém lốp xe Nhật, con gái Quảng Nam quật đòn gánh diệt Tây. Bữa cơm thiếu muối gợi nhớ miếng cùi dừa và tấm đường phổi, bát canh mít non nấu với cá chuồn, đĩa chuối chát chấm mắm nêm, những chút hương riêng của xóm nghèo. Rồi vui miệng họ nhại nhau từ "mô tê răng rứa" đến "bộ đậu ăn ẩu". Rồi những kỷ niệm chung quanh đoạn đường sắt độc nhất của nước Việt Nam kháng chiến, với những đầu máy rách và cầu sửa cheo leo. Rồi hát. Ca bài chòi, hò giã gạo, hát chèo đò. Một cánh buồm phồng trắng gió Tây lừ lừ trôi trên một dòng sông nào đó rất trong - Thu Bồn hay Đà Rằng thì cũng một chiều nước chảy, một lòng cát mịn - với cô gái tóc chải dầu dừa đung đưa bàn chân phải theo nhịp chèo, ghé những bến không giống nhau dọc đường từ nguồn xuống biển, đi dần vào im lặng...
Lửa tàn. Tất cả lặng im như không ngủ. Mỗi người đang sống tiếp với quê hương những phút cuối cùng trong ngày. Quê ta nằm giữa tiền rừng bạc biển mà nghèo đói. Cha ta cần cù khắc khổ, tưới mồ hôi cho mềm đá kiếm ăn. Mẹ ta rọc lá trầu héo làm ba, bửa cau làm sáu. Con ta chỉ được ăn cơm trắng mỗi năm mấy ngày giỗ tết. Nghe chuyện làm chơi ăn thật trong Nam Bộ mà thèm nhưng đi thì chẳng muốn đi. Đất của ta uống nhiều mồ hôi, ngấm nhiều máu, đã thành một phần thân thể ta, sẽ có ngày đất trả ơn người.
Thế rồi dòng nhớ lại đẩy một mũi gai xoay ngược trong lồng
Ôi quê hương! Quê ta nằm dưới kia, ngay trước mắt, tưởng như kêu to một tiếng thì vợ ta nghe thấy, duỗi tay ra có thể xoa được tóc con. Quê ta nằm bên ta đó, nhưng nằm trong tay giặc. Nhà ta chúng đốt rồi. Vợ con ta bị đày rồi. Đồng chí ta liên tiếp bị chặt đầu mổ bụng. Bốn tỉnh tự do cũ của ta bị băm vằm, cắn xé. Dẻo cát ven biển Đông thêm trắng với khăn tang của những người vợ tìm xác chồng, cuốc hú họa mỗi nơi có dấu mới đào. Miền Nam đang chảy máu qua tất cả các lỗ chân lông. Sao ta còn phải nằm đây?
Những người lên núi lần lượt xuống đồng bằng. Họ chọc thủng những hàng rào gai và đạn, xuyên về vùng sâu bám dân, quần với địch, nhen nhóm lại phong trào. Mạng lưới cơ sở bị cắt phá chỗ này, lại lan rộng phía khác. Các đồng chí trẻ lớn lên, thay thế lớp cán bộ đi trước thưa dần trong những trận đánh không súng đạn...
Nền mây trắng đục từ từ hé. Những luồng nắng đẫm hơi nước xòe xuống nhiều ngón tay hồng vuốt trên các xóm dừa cau. Mặt sông động lung linh, ruộng nước dát vàng, biển xa cuốn và trải lớp bọt viền trắng bạc. Đồng bằng đẹp dần lên như biết có người thân đang ngắm. Cho đến hòn đảo ngoài khơi, chân chìm trong mù, cũng nhô cao đầu để nhắc rằng đất còn ra tận đây. Trong tiếng lao xao của lá núi có một chút rì rầm của biển vỗ gửi về. Thật thế chăng, hay vì đôi tai của người miền Trung quen nghe cả gió ngàn lẫn sóng biển gọi từ hai bên?
Anh Chín đứng im trên mỏm đá. Gió thổi ngược từ chân núi lùa lên, gạt những sợi tóc trắng trên cái trán hói nhiều vì suy nghĩ.
Sáu năm qua anh Chín bám chắc đồng bằng. Anh chỉ thỉnh thoảng về núi họp, lại trở xuống ngay. Các đ̕ trong tỉnh ủy gọi anh là "chuyên gia đồng bằng". Số chuyên gia ấy không nhiều. Không còn nhiều. Mỗi sơ hở nhỏ lấy đi vài đồng chí. Anh còn sống vì anh không mắc những sơ hở đó. Những kinh nghiệm lâu năm và lặp đi lặp lại đã biến thành thói quen, thành bản năng, thành một thứ linh tính khó nói ra, nó giữ anh sống và giúp anh làm được việc. Một dạo anh để râu dài, kiếm đủ giấy tờ, sống hẳn trong vùng địch. Về sau bị lộ, anh lại ngày nằm hầm, đêm công tác. Qua kẽ phên liếp, nắp hầm mở hé, lỗ chuột khoét mái nhà, anh nhìn những chuỗi người ôm chiếu xách nồi đi "tố cộng". Tiếng rú của đồng bào bị đánh vẳng xuống hầm anh cùng với tiếng xăm đất thình thịch. Anh nghe những lời căm giận, rầu rĩ, trách móc nữa từ miệng các cơ sở gặp anh trong đêm không trăng. Và cũng như tất cả những người Việt Nam, tất cả những người trên trái đất yêu Việt Nam, anh Chín nghĩ: làm sao giành lại chính quyền?
Anh đã trình bày trước tỉnh ủy ba kế hoạch khác nhau nhằm giật lại đồng bằng từ tay giặc. Mỗi tháng mỗi năm qua, các kế hoạch ấy lớn lên, thêm da thịt. Hễ được lệnh, tỉnh ủy có thể kéo quần chúng nổi dậy ngay. Tỉnh ủy đã reo vỡ nhà - đồng chí bí thư ôm anh Chín mà vật - khi nhận được chỉ thị đồng khởi cùng với những kinh nghiệm vàng ngọc của Bến Tre. Các đồng chí càng mừng khi thấy mình nghĩ đúng hướng: kế hoạch của trên không khác mấy so với bản kế hoạch số một của tỉnh ủy. Và hôm nay, những kế hoạch ấy sắp hiện lên thành cuộc sống.
Dõng đứng bên anh Chín cũng nhìn không chớp mắt, nhưng anh chỉ xem kỹ vùng mình phụ trách. Đó là bốn xã nằm dọc con đường ôtô từ chân núi xuống biển, mang những cái tên dễ nhớ: Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, Kỳ Bường, Kỳ Hải. Núi, rừng, đất bằng, đến biển ngay.
Anh Chín hỏi đột ngột:
- Cơ sở Kỳ Bường ra sao
- Bị bể liên tiếp mấy cú nặng, bây giờ yếu hơn Kỳ Lâm, Kỳ Hải.
- Được bao nhiêu?
- Đồng Trầu chín, Đồng Mè bảy, Đồng Dừa ba. Sáu đảng viên tất cả.
- Đồng Dừa còn ba thôi à? Hồi hiệp thương, Đồng Dừa có hơn chục gia đình đào hầm nuôi cán bộ, dẫn đầu toàn xã kia mà. Mình nằm hầm ở đó hai mươi ngày. Cậu đưa mình tới chị Năm Tân, rồi nhà bà gì gần sông Nhỡn... à bà Son, bà Bảy Son.
- Chị Năm Tân vững. Bà Bảy ở tù một năm, coi bộ cầu an hung rồi anh à.
Anh Chín cau mày:
- Sao cậu biết?
- Tôi cho chị Năm móc thử, bà nói để tụi nó bớt rình đã.
- Rồi sao nữa?
- Chị Năm thôi luôn...
Anh Chín không muốn làm cho Dõng lúng túng thêm vì trót hạ hai tiếng "cầu an". Anh mở đường cho Dõng nói chữa:
- Bây giờ cậu tính sao đó?
- Dạ, để móc mấu lại. Nắm được nhà đó, qua sông dễ
- Không có con sông, cậu cũng nên tìm gặp bà ấy. Hồi khó khăn nhất bà đã liều chết nuôi anh em mình... Đồng Dừa còn nhiều khả năng lớn đấy.
Dõng hiểu câu trách khéo, và một lần nữa phục anh Chín. Dõng mới nhìn riêng một chỗ qua sông. Anh Chín thấy cả một cuộc đời gắn bó với Đảng, nhắc Dõng phải ăn ở có thủy có chung với quần chúng.
Dõng lựa lúc này để năn nỉ:
- Anh cho tôi xin thằng Bê, nghe anh.
- Chà, gay lắm. Rút thanh niên lên mà rèn chớ.
- Hết ngày tháng rồi, đào tạo sao cho kịp. Đội tôi hi sinh hai, đau nặng một, còn lại mấy đồng chí non quá không nắm nổi một xã. Hay anh cho tôi mượn, sau đồng khởi tôi trả.
Anh Chín bật cười. Kiểu cười của anh trẻ không ngờ. Anh đấm lưng Dõng:
- Ông tướng khôn gớm. Thôi được, tôi uống mật gấu 1 thử một lần, tôi gả nó về với ông. Cơ quan tỉnh mất người lại la trời la đất cho coi.
Dõng mừng rơn. Anh tụt xuống chân tảng đá, đi vội đến bờ suối, nơi Bê đang đứng gác:
- Ừ rồi, cho rồi. Mày sẵn sàng chưa?
Bê cười lặ
- Đi ngay bây giờ cũng được. Có điều... ai bảo vệ anh Chín?
- Cái đó tụi tao lo.
- Các anh kiếm đồng chí nào vững vững...
- Bảo đảm. Cứ yên chí lớn!
Bê được kết nạp vào Đảng tại Đà Nẵng, trong một chi bộ công nhân. Ít lâu sau bị lộ, Bê được rút lên căn cứ, về cơ quan tỉnh. Ba năm nay Bê làm thư ký đánh máy, kiêm li tô, kiêm giao liên, kiêm chiến sĩ bảo vệ, kiêm cấp dưỡng, kiêm cứu thương. Một loại nhân viên "đa-giê- năng" thường gặp ở các cơ quan miền Nam. Bê liên tiếp được bầu vào chi ủy cơ quan, gần đây làm phó bí thư chi bộ. Bê có một nét riêng dễ thấy: Bê ham học một cách kỳ lạ, gì cũng muốn học, ở đâu và lúc nào cũng học được, và học đến đâu dùng được đến đấy, từ việc mò cá dưới suối, chế mực li tô, đến những tài liệu chính trị dày cộp mà anh em trẻ thường ngán. Có ai hỏi đến, Bê nói như phân trần: "ở với tụi nó không được học, tôi cứ thèm...". Bê làm được việc đến nỗi khi anh Chín định cho Bê về công tác cơ sở ít lâu để hiểu phong trào hơn, đồng chí chánh văn phòng cứ nhất định giữ riệt lại.
Bê còn nổi tiếng gan lì. Hồi ta chưa nổ súng, Bê đã một lần nhặt đá ném túi bụi vào quân địch phục kích, hô xung phong, dồn chúng lại để anh Chín chạy thoát. Từ đó giữa anh Chín và Bê có cái gì gắn bó sâu đậm hơn mức thường. Cả hai đều không để lộ điều ấy. Anh Chín không muốn tỏ ra yêu riêng một ai, còn Bê cũng tránh cái tiếng thân riêng với cấp trên.
Anh Chín ngắại cảnh đồng bằng đóng khung giữa hai sườn núi, như vẽ trên một cái ly thủy tinh. Đây là lần cuối các sườn núi còn che một phần đồng bằng trước mắt anh. Sắp tới, anh sẽ đứng giữa đồng bằng thênh thang, dưới nắng ban ngày, phóng hết tầm nhìn đến những chân trời mở rộng. Anh vui với những ý nghĩ ấy trong khi lội suối trở về cơ quan.
Gần đến nhà, anh để Dõng đi trước, dừng lại đợi. Bê vẫn đi sau anh mươi bước, tiểu liên treo ngang dưới nách, nòng chĩa tới trước. Nhìn mặt đồng chí bảo vệ trẻ, anh biết Bê đang băn khoăn vì phải giao anh cho một đồng chí khác giữ gìn.
- Bê nè!
- Dạ.
- Cứ yên tâm mà đi. Mình về đối đáp với cơ quan, cũng xuôi thôi. Mình còn lui tới chỗ cậu nhiều. Để phần cá ngừ một lửa cho mình với nghe.
Bê chỉ đáp được một tiếng "dạ". Anh Chín đặt hai tay trên vai Bê. Anh đứng im một giây, rồi lắc vai Bê một cái thật mạnh:
- Làm ăn cho bảnh, nghe không Bình?
Anh dùng tên thật của Bê để thay tiếng "con" mà anh rất muốn gọi.
o O o
Chung quanh cái lán nhỏ lợp lá mây, trông rất thưa nhưng không hề dột, tất cả tăng và võng treo giữa các gốc cây đã biến hết. Mọi người sẵn sàng lên đường sau buổi họp cuối cùng. Những bao bột mì nhuộm than pin xám nhem nhuốc, quai đeo làm bằng ruột tượng rách hay cờ ba que xé dọc khâu nối, đã phồng to lên và treo lủng lẳng trên các cành cây gần mái lán, bên cạnh những cây súng bóng dầu.
Súng đủ kiểu đủ cỡ. Súng trường "sào vịt" dài như một ngày không cơm, mang niên hiệu 1886 - 1893. Súng săn một nòng, hai nòng, nghe nói của tụi Anh bên Mã Lai đùn cho Mỹ. Súng trường Mát chôn giấu sáu năm mới đào lên, nòng gỉ lỗ chỗ như cóc gặm, báng gỗ bị mối khoét có hang hốc. Tiểu liên Xítten mà nòng, báng và băng đều cựa quậy mỗi cái một đường, nổ vài phát lại im, nòng rộng đến nỗi đầu đạn rơi cách súng chỉ mươi thước. Có súng, không đạn. Có đạn, bắn không nổ. Bắn nổ, còn cái nạn vỏ đạn toác trong súng, giật khóa nòng không ra. Tốt nhất là bọc sẵn một hòn đá trong túi, bắn xong thì rút đá đập choang choang để giật vỏ đạn, lắp viên khác. Quí nhất ở đây có ba súng ngắn, hai cây các bin mới lấy được của ác ôn, và cây tiểu liên Tuyn mà anh Chín vừa cho phép Bê mang theo đội của Dõng. Toàn huyện đã thu góp được mười bốn cây súng làm cái vốn đầu tiên cho đồng khởi. Kho vũ khí của ta còn do địch giữ.
Anh Chín ngồi trong góc lán, nghe các đội trưởng đội võ trang công tác nối nhau lên đọc thư quyết tâm.
Cuộc chiến đấu sẽ dữ dội bởi rất chênh lệch. Địch có năm ngàn quân chính quy, chín ngàn dân vệ và "thanh niên diệt cộng", chưa kể các thứ giặc nổi giặc chìm không cầm súng. Phía ta, từ huyện ủy trở xuống, bảy mươi ba cán bộ và chiến sĩ sẽ đi đánh chúng. Họ phải giành lại ít nhất bốn vạn dân, giải phóng một nửa số thôn xã đồng bằng trong đợt đầu. Họ sẽ thắng nếu quyết tiến công giặc không ngừng, nếu biết làm cho quần chúng vùng dậy.
Anh chị em đã thật quyết chưa, thật biết chưa?
Trong buổi đầu, cả lớp học cùng bật lên một tiếng "ồ" khi nghe anh Chín nói trịnh trọng: "Đã đến lúc chúng ta giành lại nông thôn đồng bằng!". Những gò má sốt rét vàng như nghệ chợt hồng lên. Nhũng đôi môi thâm mím lại để giữ vẻ nghiêm chỉnh vẫn không ngăn nổi nụ cười cứ nở ra. Uất lắm rồi. Thù đến cái mức nghiến răng không thốt nên lời. Chỉ cần một tiếng hô, anh chị em sẽ nhào tới đập đầu giặc. Anh Chín lặng im một lát để nghe những câu xì xào:
- Hùm mọc cánh rồi bà con ơi.
- Ao ước hoài, bây giờ nghe mới thiệt ngọt lỗ tai.
- Xuống núi có vấp cũng không té. Chân có bén đất đâu mà té.
- Mình cho ông tấm tăng được rồi. Đứa nào cần cái ănggô của tao, giơ tay coi?
Nhưng bên cạnh cái hồ hởi chung đó, dần dần hiện ra những cái gút tư tưởng.
- Thằng địch chỗ tôi nó ác đặc biệt anh ơi. Đồng bào hơi động đậy là nó giết hết.
- Xã mình sông vây bốn mặt, đào một thép mai đã gặp nước, dựng làng chiến đấu sao được!
- Đề nghị cấp trên nghiên cứu lại. Quần chúng trung gian chưa ngả về phía cách mạng, tình thế cách mạng chưa hình thành, đồng khởi bây giờ e rằng chưa ăn chắc...
Một đồng chí trong huyện ủy nổi cơn "phẫn nộ chính đáng" trước những băn khoăn ấy. Anh muốn đập một trận, qui một mớ bệnh, chặt gút để khỏi cởi gút. Anh Chín phải can. Những đồng chí thích suy nghĩ đơn giản và muốn bắt mọi người cũng đơn giản như mình, thường là những người nói bậy và làm ẩu khi xảy ra trắc trở.
Anh Chín chỉ chợp mắt mỗi đêm chừng ba tiếng. Anh hỏi từng đồng chí, ghi từng thắc mắc, bàn với huyện ủy từng câu trả lời, và giao cho huyện ủy đứng ra giải đáp.
Tỉnh ủy ở xa đã trao cho anh quyền quyết định mọi mặt trong đợt đồng khởi này. Anh biết cái uy tín của anh rất cần trong công tác nhưng cũng có chỗ không lợi: các đồng chí dễ nghe lời anh mà chẳng bàn cãi, bởi tin rằng anh hiểu hết, tính hết cho họ rồi. Vì thế anh cố gợi cho mỗi đồng chí tự nghĩ bằng bộ óc của mình để sau này tự làm bằng hai bàn tay mình. Anh cố ý thu hình trong cái tập thể do anh tạo nên và nhào nặn.
Anh sẽ nói tiếng nói quyết định vào những phút quyết định. Lúc ấy, anh biến thành người đánh bộc phá. Tiếng anh là tiếng nổ chẻ đôi lô cốt giặc trước đội xung kích bị ùn. Tình thương đồng chí hiện lên thành những lệnh đánh mạnh, đánh gấp hơn nữa. Càng yêu đồng bào, anh càng cuốn bà con nhào tới vật lộn với địch. Lao mình trên chỗ mũi nhọn, anh sẽ vừa chỉ huy vừa dẫn đầu cuộc tiến công, ném tất cả khôn ngoan và táo bạo của mình vào làm lệch cán cân đang còn do dự. Sau đó, giữa tiếng reo thắng trận, anh chậm rãi đeo kính lên mắt, đọc bản báo cáo chung trong đó người ta thấy anh như chỉ đứng ngoài mà nhìn, được cái còn biết khen chê một cách công bằng.
Sau bốn ngày đêm, anh Chín cùng với huyện ủy đã xây dựng xong đội quân phát động, cái lõi của đợt đồng khởi. Sự bốc đồng đầu tiên, cũng như những lo lắng ngược dòng, đã dần dần nhường chỗ cho tép cứng trong lửa nóng, hiểu biết cộng với mê say. Cái quyết tâm ấy truyền vào quần chúng, chập vào khối căm thù ghê gớm đã dồn ứ bấy nhiêu năm, sẽ tạo nên những vụ nổ dây chuyền hất tung quyền giặc. Giờ đây, anh Chín phập phồng uống những lời hứa lập công. Trước khi bấm nút đồng khởi, anh đã biết sẽ không có anh hùng tuyệt vọng, mà chỉ có anh hùng chiến thắng trong những đồng chí đang đọc thư bằng giọng hơi rung vì xúc động.
Một chú giao liên trẻ từ dưới suối đi lên. Mặt, tay và hai đùi bị gai cào chồng chéo, bôi thuốc đỏ kín da. Lại bị phục kích! Dõng bước ra nhận mấy lá thư hỏa tốc từ các đội gửi về. Có một cái đề tên Dõng, anh bóc xem luôn.
Chị Năm Tân, dưới tên mật là 105, báo tin chiến dịch "toàn dân sát cộng" đã vào đợt hai, địch bắt hú họa tám mươi người treo đánh rất dữ. Chị thêm: "ông Nhâm với bà Bảy Son cho con là Hai Ngọ với Út Sâm lên Kỳ Sơn tìm anh mà không đụng. Mấy bữa nay bà Bảy hay tới gặp tôi, hỏi tin anh. Theo anh dặn, tôi cứ nói không biết chi hết. Tư Sỏi con bà Bảy vô dân vệ, chắc lẽ để tránh quân dịch thôi. Bà con ở đây xôn xao lắm, muốn bùng nổ hung lắm...".
Dõng mỉm cười. Nhớ câu chuyện ban nãy trên tảng đá, anh thấy ngường ngượng.
Trong nhà, đồng chí bí thư huyện ủy gỡ kính, đứng dậy:
- Mời anh Chín lên cho ý kiến.
Dõng đi vội vào chỗ ngồi. Phòng họp im đến nỗi bước chân Dõng vang rõ. Mọi người đăm đăm nhìn anh phó bí thư tỉnh ủy mà cuộc đời là mẫu mực cho những đồng chí đi sau. Anh là khối kim cương từ than đen mà ra, đón ánh nắng của Đảng để tỏa sáng rực rỡ chung quanh mình. Ai cũng biết anh sẽ nói những điều đơn giản như chân lý, nhưng vẫn nao nức đợi nghe anh, bởi lời nói của anh có ngót ba mươi năm đánh giặc và thắng giặc để làm chứng cho nó.
Gia Đình Má Bảy Gia Đình Má Bảy - Phan Tứ Gia Đình Má Bảy