Chương 3: Người Thả Đèn Giời
Ông nội Hoàng Kỳ Nam là người thả đèn giời.
- Hoàng Kỳ Bắc về làng! Hoàng Kỳ Bắc về làng...Tiếng lũ trẻ hò reo lũ lượt chày trên đường làng. Hoàng Kỳ Nam chúi mũi chạy cùng lũ trẻ đi đón ông nội.
Ông nội Nam như một lãnh chúa ngồi trên xe ngựa chạy lóc cóc trên con đường từ phố huyện về làng. Chiếc xe ngựa có mui che và những tấm rèm xanh bay lất phất trong gió. Ông Hoàng Kỳ Bắc ngạo nghễ cười, đưa tay vẫy chào người làng Đoài. Nhận ra Hoàng Kỳ Nam, thằng cháu đích tôn yêu quý, ông cho ngựa đứng lại đón cả lũ trẻ và Hoàng Kỳ Nam ào lên xe. Nam cùng lũ trẻ sung sướng hò reo khản cổ. Chú ngựa có bộ lông vàng óng mượt, được lũ trẻ cổ vũ hí lên một tiếng vang trời rồi gõ móng lốc cốc kéo cỗ xe chạy nhong nhong trên đường làng.
Rằm tháng tám năm nào ông Hoàng Kỳ Bắc cũng phát quà trung thu cho lũ trẻ làng Đoài, nào kẹo lạc kẹo bi bòng cam chuối ổi, thứ nào cũng thơm ngon ngọt lịm. Ông còn mua cả đèn kéo quân và đèn giời, tối đến thả cho nó bay tít lên trời cao.
Hoàng Kỳ Bắc là niềm kiêu hãnh của dân làng Đoài. Ông sống khoáng đạt, ngang tàng, dám làm ăn buôn bán với cả người Tàu, người Pháp. Tháng ba ngày tám, Hoàng Kỳ Bắc buôn bán ngược xuôi, có chút vốn liếng giắt lưng, tới mùa vụ về làng Đoài cùng vợ và cô con dâu Yến Quyên thu hoạch lúa và thuốc lào.
Bộ trưởng Bộ ngoại thương Phan Anh có lần về cảng Sông Bằng thấy thuyền ông Hoàng Kỳ Bắc chở toàn thuốc lào, bộ trưởng hỏi, thuốc lào ở đâu nhiều thế? Hoàng Kỳ Bắc bảo, của nhà trồng được! Hoàng Kỳ Bắc kiêu hãnh mời bộ trưởng Phan Anh lên xe ngựa về làng Đoài.
Vào giữa vụ thuốc lào, bà vợ và cô con dâu Yến Quyên cho cả sáu cầu thuốc hoạt động thâu đêm suốt sáng. Bộ trưởng Phan Anh nhìn sáu cầu thuốc xếp hàng trên sân giống như sáu con rồng vểnh đuôi về hướng Bắc lấy làm đắc ý. Bên sáu cầu thuốc lào là sáu tay thợ lành nghề khăn mặt vắt vai, ngồi quay mặt về hướng Đông, tay trái giữ cuộn thuốc, tay phải cầm cán dao nhịp nhàng đưa lên hạ xuống thoăn thoắt như múa. Những cuộn thuốc còn tươi xanh tròn lẳn bó bằng lạt tre non nằm đuồn đuỗn trên những cầu thuốc được bàn tay người thợ tài hoa thái ra thành từng sợi mềm nuột và mảnh như tơ. Ông nội Nam giải thích với Bộ trưởng về nỗi vất vả của nghề trồng thuốc lào: Người trồng thuốc phải hiểu được thiên thời địa lợi, thức khuya dậy sớm, và phải hiểu được cả ý tứ sâu xa của người thợ thái thuốc lào. Tại sao người thợ thái thuốc phải ngồi quay mặt về hướng Đông? Hướng Đông chính là hướng mặt trời mọc, người thợ luôn nhìn được rõ ánh hào quang của trời đất để mà nhận biết thời gian sớm hay muộn, để biết được thời tiết nắng mưa thế nào. Dân làng Đoài bảo nhau, cứ nhìn sân nhà Hoàng Kỳ Bắc đêm nào có nhiều thợ thái thuốc là ngày mai trời nắng to.
Đó là cái tài của Hoàng Kỳ Bắc.
Vào những sáng tinh mơ, thằng cháu nội Hoàng Kỳ Nam còn đang ngái ngủ, ông Hoàng Kỳ Bắc đã ngồi chễm trệ trên sập gụ rít thuốc lào. Mắt ông lim dim mơ màng lắng nghe tiếng lóc róc reo vui của chiếc điếu bát. Ông bảo, người hút thuốc phải biết nuốt sâu cả khói thuốc vào cổ mới cảm nhận được nỗi sung sướng đê mê dâng trào. Những lúc thấy ông lấy hơi rít lên se sé, Hoàng Kỳ Nam rót cho ông bát nước chè nóng để ông chiêu một ngụm cho sướng. Mỗi lần như vậy, ông cười khà khà xoa đầu Hoàng Kỳ Nam khen thằng cháu đích tôn đáng mặt dòng họ Hoàng Kỳ nhà ta. Hút thuốc lào xong, ông ngất ngư giữa sập gụ, bắt Nam khoanh tay ngồi nghe ông giảng bài học luân lý ở đời. Qua nhiều năm, Hoàng Kỳ Nam nhận ra ông nội là cả một kho tàng bí mật về những câu chuyện thần kỳ, hấp dẫn. Ông có tài thuyết phục mọi người bằng những câu chuyện lươm lặt khắp thiên hạ về kể với dân làng Đoài. Ông kể chuyện thâu đêm suốt sáng không biết mệt. Ông thông thạo chuyện đánh Tây đánh Nhật, chuyện buôn bán với người Tàu: Người Tàu sâu sắc thâm thuý thế nào, người Pháp văn minh lịch sự nhất thế giới ra sao...
Cả làng Đoài ai cũng biết gia thế nhà Hoàng Kỳ Bắc mấy đời nay giầu có chỉ nhờ trồng và mua gom thuốc lào đem đi khắp thiên hạ bán. Có tiền Hoàng Kỳ Băc lên mạn ngược mua gỗ đóng bè xuôi sông Hồng, sông Luộc về dựng lên dinh cơ to nhất vùng. Năm gian nhà chính lừng lững đầu làng Đoài, từ cột kèo rui mè, cửa bức bàn toàn bằng gỗ lim đen bóng. Bảy gian nhà ngang vừa làm bếp vừa làm kho, mùa gặt chứa thóc lúa, mùa thuốc lào xếp đầy chum vại ang sành đựng thuốc lào. Người ăn kẻ ở nhộn nhịp thâu đêm suốt sáng dưới ba ngọn đèn mạng sáng xanh như điện ngoài thành phố. Hoàng Kỳ Bắc sinh được mỗi cậu quý tử là Hoàng Kỳ Trung, ông cho đi kháng chiến, ở nhà mọi công việc đều do bà vợ và cô con dâu lo liệu.
Khi mặt trời lên cao, cũng là lúc cánh thợ thái thuốc xong việc hả hê nhìn đống thuốc đã được thái thành những sợi mềm nuột như tơ. Thuốc được rải đều ra những tấm phên hình chữ nhật xếp đầy lối ngõ thành hàng dài ra tận sân đình. Những sợi thuốc được hồ bằng nước cháo phơi dưới nắng vừa dẻo vừa dai lại thơm nồng. Chiều hết nắng, những phên thuốc được đóng thành từng bánh bọc lá chuối khô nén thật chặt vào ang, vạị sành để đượm mùi thơm. Mùi thơm của trời đất, mùi thơm của nắng gió, mùi thơm của hồ quyện vào sợi thuốc, tời khi châm lửa hút khói thuốc mới bốc lên thơm lừng. Chỉ những người nghiện thuốc lào mới cảm nhận được sự sung sướng đắm say đến mê mẩn tâm thần bởi mùi thơm tinh túy kỳ diệu của sợi thuốc lào.
Nay mười tư mai đã là rằm. Rằm tháng Tám năm nào Hoàng Kỳ Nam và lũ trẻ cũng ra đường ngóng ông nội Hoàng Kỳ Bắc và bố Hoàng Kỳ Trung về mở hội đình Đoài. Đêm hội đình Đoài, Nam và lũ trẻ được xem thắp đèn kéo quân, thả đèn giời và nghe hát cô đầu. Ngôi đình Đoài luôn là linh hồn của cả dân làng Đoài từ ngàn xưa...
Yến Quyên gội đầu xong, đứng chải tóc bên thềm xốn xang nghe mẹ chồng nhắc: Yến Quyên à! Nay mười tư mai đã là rằm...!
Yến Quyên hiểu thẫu nỗi lòng mẹ chồng. Thân phận bà xưa cũng giống thân phận Yến Quyên bây giờ. Chồng và bố chồng vắng nhà quanh năm, mẹ chồng nàng dâu phải dựa vào nhau lúc tối lửa tắt đèn. Ông bà Hoàng Kỳ Bắc tự hào chọn được Yến Quyên là cô gái đẹp nhất vùng về làm dâu gia tộc Hoàng Kỳ. Yến Quyên là gái làng Đông: “Trai Đoài, gái Đông- Sông cạn đá mòn- sắt son một dạ”. Ông bà Hoàng Kỳ Bắc tổ chức đám cưới cho Hoàng Kỳ Trung to nhất hàng huyện. Mọi chuyện mai mối, cưới hỏi đều do ông bà sắp đặt. Hoàng Kỳ Trung đi kháng chiến về đến nhà, tiệc cưới đã được bày sẵn, anh chỉ việc mặc đồ cưới sang làng Đông rước dâu về.
Dòng người rước dâu rồng rắn từ làng Đông về tới làng Đoài. Hoàng Kỳ Trung bàng hoàng nhìn gương mặt Yến Quyên đẹp như hoa như phấn. Dân làng Đoài xôn xao kháo nhau, nể phục về cách chọn con dâu kỹ hơn chọn giống lúa của ông bà Hoàng Kỳ Bắc: Con gái mặt phải tươi, mắt phải sáng, dáng phải thắt đáy lưng ong. Thằng đàn ông phúc phận lắm, may ra mới chọn được người vợ đạt được cả bốn tiêu chuẩn đắc địa“tứ hồng”: Thứ nhất da hồng- Đàn bà con gái nước da hồng thắm mịn màng, toát lên sự sung mãn về thể chất; Thứ nhì là gót phải hồng (gót sen)- thể hiện sự đài các thanh cao cả về vóc dáng lẫn tâm hồn; Thứ ba “ty” hồng- Đầu vú nhỏ và tươi như nụ hồng. Vú con gái tươi hồng, ẩn chứa vẻ đẹp kín đáo, nguồn sinh lực trường tồn của giống nòi; Thứ tư “bướm” hồng- Đó là nơi khởi nguồn của cuộc sống muôn mầu sinh sôi nẩy nở. Bốn tiêu chuẩn đắc địa của người con gái, từ thời hồng hoang loài người đã biết tôn thờ.
Yến Quyên ở làng Đông đẹp năm, về làm dâu làng Đoài đẹp lên mười phần, nom non nõn, nước da thắm hồng, mắt như mắt đức mẹ, cái miệng cười rõ tươi lại có duyên ở hai má lúm đồng tiền. Yến Quyên đi đến đâu trai làng xao xác ngẩn ngơ - Người đắm đuối si mê, kẻ lại sinh lòng trắc ẩn - Người đẹp dễ sinh tai hoạ.
Tổ chức đám cưới xong, ông bà Hoàng Kỳ Bắc gọi con trai căn dặn:
- Hoàng Kỳ Trung, anh ra đi phải giữ lấy chí khí dòng tộc Hoàng Kỳ nhà ta.
Đêm tân hôn quá ngắn ngủi, vợ chồng Yến Quyên còn đang trong vòng tay ân ái đã nghe tiếng gà gáy xôn xao thúc giục Hoàng Kỳ Trung phải ra đi. Bà Bắc dặn dò trong nước mắt:
- Hoàng Kỳ Trung ơi! Con đi chân cứng đá mềm.
Yến Quyên sụt sùi đứng nép bên mẹ chồng. Hoàng Kỳ Trung bối rối chạy xuống nhà ngang gọi anh người ở dậy căn dặn:
- Anh Đào Kinh ơi, tôi đi mọi chuyện ở nhà trông cậy vào anh!
Đào Kinh nói:
- Cậu chủ cứ an tâm vững bước mà đi. Tôi thề trước trời đất tận tâm hầu hạ cô chủ suốt đời!
Lời thề của kẻ đầy tớ với chủ đến nay đã là bẩy năm.
Hoàng Kỳ Nam được phôi thai làm người từ cái đêm tân hôn của bố mẹ, tới nay cũng vừa bẩy năm. Bẩy năm Hoàng Kỳ Nam nghe thấu nỗi lòng bà nội và mẹ hát ru Nam vào đời. Bảy năm mẹ chồng nàng dâu ngong ngóng hai người đàn ông trở về. Nay mười tư mai đã là rằm…
Yến Quyên gội đầu bằng nước bồ kết thơm, đứng bên thềm chải tóc, thả hồn theo gió. Hoàng Kỳ Nam và thằng ĐàoVương theo chú Đào Kinh mang về hai chiếc đèn ông sao ríu rít khoe mẹ:
- Chú Kinh làm cho con, mẹ xem có đẹp không?
Chú Kinh là bố thằng Vương, lâu nay vẫn tận tâm với mẹ con Yến Quyên.
- Thưa bà và cô! Con làm cho cháu Kỳ Nam hai chiếc đèn ông sao đốt thử. Mai là ngày rằm, ông và cậu chủ về mở hội đình Đoài. Đào Kinh ân cần háo hức lấy lòng hai mẹ con cô chủ.
Sau cái đêm tân hôn, cậu chủ Hoàng Kỳ Trung phải ra đi, cậu tin cậy giao cho Đào Kinh ở nhà chăm sóc mẹ và vợ. Đào Kinh hiểu rõ thân phận tôi tớ không dám làm điều gì phật ý hai mẹ con cô chủ. Cả làng Đông làng Đoài ai cũng biết công ơn trời biển của gia đình Hoàng Kỳ Bắc đối với Đào Kinh.
o O o
Đào Kinh là thằng con hoang cầu bơ cầu bất không rõ gốc gác quê quán nơi đâu đến gõ cửa gia tộc Hoàng Kỳ xin làm mướn. Hoàng Kỳ Bắc ngó mặt cậu bé thấy có nét gì đó rất đặc biệt nên gật đầu đồng ý cho cậu bé cửa sống. Dân tình chết đói đầy đường đầy chợ, ngữ này thả ra thì cũng chết sớm. Rõ là số Đào Kinh có quý nhân phù trợ.
Lại tới một buổi chiều đông buốt giá, có người đàn bà run rẩy tìm đến tự giới thiệu là mẹ của Đào Kinh. Bà ta than khóc vì hoàn cảnh ngèo đói, bà xin được cùng con trai ở lại hầu hạ gia chủ kiếm miếng cơm manh áo. Trông người đàn bà đằm thắm da hồng rực, nói năng dịu dàng, khiến bậc chính nhân quân tử không cầm lòng. Ông Hoàng Kỳ Bắc cho hai mẹ con Đào Kinh ở riêng một gian trong dãy nhà kho thuốc lào. Được một năm sau, mẹ con Đào Kinh xin phép ông bà Hoàng Kỳ Bắc cho hai mẹ con dựng tạm một gian lều trên gò đất ngoài cánh đồng xóm trại cạnh bờ sông để ở riêng ra, nói là không muốn phiền hà đến kẻ ăn người ở trong gia đình ông bà chủ. Lúc đầu dân làng Đoài không ai biết người đàn bà có gương mặt đẹp mặn mà, nước da lúc nào cũng hồng rực ấy lại mắc bệnh hủi. Loài ma quỷ toàn núp bóng mỹ nhân khiến con người hay lầm lẫn. Chuyện này hai mẹ con Đào Kinh giấu kín, mãi tới khi mẹ Đào Kinh phát bệnh nặng, người lở loét phải nằm ru rú trong gian lều ngoài bờ sông dân làng mới biết. Đào Kinh phải một mình đi làm mướn nuôi mẹ nuôi thân. Mười ba tuổi, Đào Kinh đã phải chịu đau đớn trước cái chết của người mẹ xấu số. Người mẹ hồng nhan bạc phận trong giai đoạn bệnh nặng, sợ thằng con trai lây bệnh nên cấm không cho Kinh về gian lều ngoài bờ sông. Một mình bà chịu đau đớn vật vã trong gian lều trên gò đất hoang ngoài cánh đồng xóm Trại. Lúc đầu cánh đàn ông đa tình còn lén lút ra vào gian lều đưa đẩy lời ong bướm, sau phát hiện ra căn bệnh quái ác ở người đàn bà, dân làng không ai còn dám tới gần. Đào Kinh thi thoảng mới mang gạo mắm về cho mẹ.
Người ta bắt đầu thêu dệt bao câu chuyện kinh hoàng về người đàn bà sống cô độc trong gian lều trên gò đất ngoài cánh đồng. Những đêm tối trời người ta nhìn thấy từng bầy đom đóm sáng rực bay vù vù quanh gian lều. Bầy đom đóm lúc toá ra bằng cái nong bay lơ lửng trên không trung, lúc lại vón lại như quả cầu lửa, có lúc lại dài ngoẵng sáng rực như tia chớp rồi thun thút chui tọt vào gian lều. Dân quê bảo đó là những con hủi. Những con hủi ăn sương phát sáng bay từng đàn như đom đóm. Ban ngày chúng mải đục khoét chân tay da thịt con bệnh, đêm đến chúng rửng mỡ đi kiếm tìm con mồi. Bản chất của loài ma quỷ, loài hủi rất thích đàn bà con gái đẹp. Thân thể người đẹp lúc nào cũng có mùi hương quyến rũ. Kẻ nào đến gần chúng đánh hơi thấy sẽ bảo nhau bay tới chui rúc vào áo quần, cắn xé xâm nhập vào cơ thể người đục khoét.
Chú Bành xóm Trại một lần đi đơm ràng gặp đàn hủi phải chạy bán sống bán chết. Vừa chạy chú vừa phải cởi quần áo vứt lại lừa cho bầy hủi bâu vào áo quần rồi nhẩy ùm xuống sông bơi về tới cầu Đình Đoài mới dám lên bờ mò về nhà. Chú Bành bảo giống hủi mắt không tinh nhưng mũi rất thính, nếu mình ở đầu gió là chúng phát hiện ra liền. Câu chuyện chú Bành gặp hủi chẳng rõ thực hư nhưng nghe chú kể ai cũng hãi. Chú còn bảo lúc chú bơi dưới sông, chú còn nhìn lên bờ thấy bộ quần áo chú vứt lại đàn hủi bâu vào sáng rực lên.
Câu chuyện của chú Bành khiến dân làng Đoài không ai dám tới gần gian lều của mẹ con Đào Kinh. Đến một ngày, quạ ở đâu kéo đàn kéo lũ reo réo trên nóc gian lều rồi bay loạn trên cây ruối già ngoài cánh đồng. Mùi tử khí bay về tới làng Đoài. Đêm ấy, Đào Kinh về gian lều, người mẹ khốn khó đã chết từ bao giờ. Đào Kinh âm thầm cõng xác mẹ đã bốc mùi lần mò đi trong đêm tối theo con đường mòn ra cánh mả Rốt. Đào Kinh cõng mẹ đi đến đâu, từng đàn quạ đói bay rào rào trên đầu kêu qụa quạ. Thỉnh thoảng chúng còn ỉa xuống đầu Kinh những cục phân thối. Trời đêm lất phất những giọt mưa bay. Ông trời cũng đang âm thầm khóc thương cho số kiếp mẹ con Đào Kinh. Kinh hỳ hục đào huyệt chôn mẹ. Nước mắt mồ hôi của Đào Kinh quyện lẫn với nước mưa của ông giời nhỏ xuống, hoà lẫn với những giọt nước rỉ ra từ trong lòng đất làm cái lỗ huyệt lúc nào cũng lõng bõng nước. Đào Kinh đau đớn ngửa mặt nhìn lên bầu trời đêm. Từ phía bờ sông có ánh đèn lấp loá và tiếng chân người bước tới. Đào Kinh đứng lặng dưới lỗ huyệt đào dở. Thằng Đảo xách đèn đi soi cá đã phát hiện ra Đào kinh đang vụng trộm đào huyệt chôn mẹ. Thằng Đảo hoảng sợ quăng đèn bỏ chạy về làng. Vừa chạy nó vừa la:
- Bớ làng nước ơi, thằng Kinh nó chôn con hủi ở cánh mả làng mình.
Trời đất lặng đi trong đau đớn xót thương. Người dân trong làng Đoài, làng Đông đùng đùng nổi dận. Từng hồi trống chiêng rùng rùng thúc giục, đèn đuốc sáng rực trời đêm. Từng đoàn người từ các ngả đường thôn xóm túa ra cánh mả Rốt. Họ căm phẫn đốt gian lều hủi bốc cháy đùng đùng. Già trẻ trai gái lớn bé la hét đốt đuốc, khua chiêng khua trống, gõ thùng gõ xoong nồi nia thúng mủng, xua đuổi con hủi để cho nó sợ không dám bay về làng. Đào Kinh hoảng hốt nghe tiếng gào thét la ó thất thanh của dân làng:
- Thằng Đào Kinh không được chôn con bệnh trên đồng đất làng này!
- Đồ con hủi thối tha!
Tiếng hô phẫn nộ khiến cậu bé Đào Kinh tội nghiệp phải đành để mẹ nằm phơi xác trong trời đêm sương gió. Dân làng Đoài bắt Đào Kinh phải đưa mẹ về cái nơi gốc gác của mình để chôn cất mẹ. Cánh mả Rốt là địa phận của dân làng Đông làng Đoài, hai mẹ con Đào Kinh là dân tứ chiếng ở đâu về không có phúc có phận, không có một tấc đất cắm dùi làm sao được phép. Khốn nỗi chính Đào Kinh cũng không biết rõ quê hương bản quán mình ở đâu.
Sáng ra mặt trời lên cao, nắng nóng dậy lên mùi tử khí. Lũ quạ đói trên cây ruối già lồng lộn, có con háu ăn sà xuống sát mặt đất giương móng vuốt sắc nhọn tấn công Đào Kinh bất kỳ lúc nào. Đào Kinh kiệt sức vì phải đánh nhau với bầy quạ đói để bảo vệ an toàn xác mẹ khỏi bị xâu xé bởi loái quỷ dữ chuyên săn lùng xác chết. Trong hoàn cảnh khốn cùng, Đào Kinh chợt nảy ra ý định có thể đóng một cái bè bằng thân cây chuối thả trôi trên sông Đình Đoài để đưa mẹ về với biển cả. Đúng là một phát minh vĩ đại. Kinh thấy mình như khoẻ ra xốc xác mẹ lên lưng đi vào khu vườn chuối ở đầu cánh mả Rốt. Khu vườn chuối rợp nắng làm dịu cơn phẫn uất trong lòng Đào Kinh. Lũ quạ bay ràn rạt nhào lộn trên đầu tìm mồi. Kinh lấy cuốc bổ những cây chuối thành từng khúc để đóng bè. Đành vậy, phải đóng bè cho mẹ nằm. Chiếc bè chuối sẽ đưa mẹ từ sông Đình Đoài ra sông Cái để về với biển. Quen sống dạn dày khốn khó, trong phút cùng đường, Đào Kinh đã phát minh ra cách thuỷ táng mẹ thật phiêu du. Theo phong tục ngàn đời nơi đây, chết phải có mồ có mả mới giữ được vẹn toàn xương cốt. Đào Kinh khóc mẹ: Âu cũng là số kiếp mẹ con ta khốn khó, con đành chọn biển là nơi an nghỉ vĩnh hằng cho mẹ. Mẹ ơi, biển sẽ tắm mát cho mẹ chứ nơi đây chẳng có tấc đất nào để mẹ nằm yên. Dân làng thì xua đuổi, lũ quạ đói đòi xé xác ăn thịt mẹ. Lũ ruồi cũng thật là thính, chúng kéo đến từng đàn muốn ăn tươi nuốt sống cả hai mẹ con ta...
Kinh đang trong cơn cùng quẫn, chợt có tiếng gọi tên mình. Đào Kinh nhận ra thằng Tẹo cùng làm mướn với Kinh trong nhà Hoàng Kỳ Bắc, tay nó ôm chiếc chiếu chạy vào vườn chuối đứng sững trước mặt Kinh.
- Ông bà chủ bảo tớ ra giúp cậu, cho cậu đám ruộng cạnh Hòn Bọt bên kia sông để chôn mẹ cậu. Thằng Tẹo nói, thế là tốt rồi, chiếu đây, hãy nhanh chóng lên, kẻo dân làng lại gây khó cho cả cậu và ông bà chủ.
Lời nói chân tình của thằng Tẹo làm Kinh cảm động. Được thằng tẹo giúp sức, Kinh vác những khúc chuối ra sông đóng bè để đưa mẹ qua sông. Xác mẹ Kinh được bó chặt trong chiếc chiếu đặt trên bè chuối. Kinh và Tẹo bơi dưới dòng nước sông Đình Đoài đẩy chiếc bè chuối ngược lên phía Hòn Bọt. Nắng ban trưa lấp loá, chiếc bè chuối chở xác mẹ Đào Kinh nổi lập lờ trên dòng sông Đình Đoài trong xanh. Không gian lặng ngắt, chỉ nghe tiếng kêu quạ quạ quạ. Những bóng quạ nhào lộn điên cuồng trên bầu trời và cánh đồng làng Đoài xanh bất tận.
Dân làng Đoài ai cũng ngỡ ngàng thấy Hoàng Kỳ Bắc cho không Đào Kinh đám ruộng bên kia sông Đình để chôn mẹ. Còn đối với Đào Kinh, Ơn sâu nghĩa nặng của gia tộc Hoàng Kỳ, suốt đời Đào Kinh không thể quên...
o O o
Yến Quyên nhìn nắng thu vàng rực trên rặng cau và hàng hoè toả hương ngan ngát. Đàn chim sẻ lích rích bay lên sà xuống trong ráng chiều.
- Hoàng Kỳ Bắc về, Hoàng Kỳ Bắc về!
- Nam ơi ông nội mày về!
Tiếng lũ trẻ gào lên. Hoàng Kỳ Nam và thằng Vương chúi mũi chạy ra đường làng.
Ông nội về mà bố Hoàng Kỳ Trung không về. Hoàng Kỳ Nam rưng rưng. Bẩy năm nay bố vẫn chưa về. Lòng mẹ Yến Quyên buồn ngần ngơ nhớ bố...
Nay là ngày rằm tháng tám, ông nội Nam về mở hội mừng chuyến làm ăn phát tài đãi dân làng Đoài đêm hát cô đầu, thắp đèn kéo quân và thả đèn giời. Mẹ Yến Quyên mặc áo hồng tứ thân, đầu vấn khăn the trông mẹ đẹp như tiên. Mẹ mặc đẹp mà bố không về. Mẹ thổn thức len lén kéo tay Nam lách vào đám đông. Sân đình Đoài nhuốm vàng ánh trăng thu. Nam và mẹ ngất ngây nhìn từng ngọn đèn giời nối nhau bay tít lên trời cao. Bầu trời đêm thu lồng lộng. Chị Hằng vời vợi cao xa, bố Nam vời vợi ngàn trùng. Mẹ Nam bảo chị Hằng sáng đẹp nhờ chính những ngọn lửa của trai làng Đoài từ bao đời nay thả lên trời cao. Bà nội Nam lại bảo ngàn vạn ngôi sao lung linh sáng mãi trên trời cao đêm đêm chính là những ngọn lửa của dân làng Đoài thả lên từ ngàn đời.
Ông nội Nam nổi tiếng tài hoa, giỏi làm ăn buôn bán với cả người Pháp người tàu. Ông cảm nhận được đất trời nắng mưa từng ngày, nhưng lại không lường được thế thái nhân tình, thời thế đổi thay...
Năm sau, cũng đúng vào ngày rằm tháng tám, Hoàng Kỳ Bắc lại lóc cóc đánh xe ngựa về mở hội đình Đoài. Đường làng đoài vắng lặng không một bóng người, lũ trẻ con không còn dám reo hò chạy ra đón Hoàng Kỳ Bắc. Nhìn chiếc xe ngựa có mui che và những tấm rèm mầu xanh lao về tới dốc cầu, Nam chúi mũi chạy theo mẹ Yến Quyên ra đón đường ông nội. Dáng mẹ liêu xiêu chới với chạy trong bóng chiều tà. Vừa chạy, mẹ vừa gào lên thảng thốt:
- Thầy ơi đừng về! Thầy ơi đừng về!
Hoàng Kỳ Bắc gìm cương, chiếc xe ngựa dừng lại, ông vén tấm rèm màu xanh ngỡ ngàng nhìn Yến Quyên và thằng cháu đích tôn, ông hỏi:
- Có chuyện gì vậy con?
- Thầy trốn đi! đội đang rình bắt thầy đấy!
Hoàng Kỳ Bắc quắc mắt giật dây cương, con ngựa có bộ lông óng mượt như nhung giật mình hý lên một tiếng vang trời lao về làng Đoài.
- Ta có làm gì sai mà phải sợ! Ta có làm gì sai mà phải sợ.
Tiếng ông gầm lên vang vọng trời đất.
Yến Quyên ôm Nam vào lòng, Nam khóc trong vòng tay mẹ. Mẹ Nam non nõn yếu mềm đứng chơ vơ giữa dốc cầu đình Đoài. Gió dưới bến sông lồng lộng.
Bố Nam vẫn chưa về!...
Hoàng Kỳ Trung đi kháng chiến vẫn chưa về. Gia tộc Hoàng Kỳ tới thời suy vong. Bao biến cố đổ lên đầu bà Kỳ Bắc và hai mẹ con Yến Quyên. Ông Hoàng Kỳ Bắc bị đội du kích của Đào Kinh tóm sống giam trong đình Đoài.
Chú Đào Kinh vai khoác súng, tay cầm quyển sổ chạy lăng quăng chỉ huy thúc dục cánh dân quân duy trì trật tự bảo vệ tội phạm. Hoàng Kỳ Nam cùng lũ trẻ ngó qua khe cửa thấy ông nội bị cùm hai chân. Mặt ông loang đầy vết máu sưng tấy, đầu tóc rũ rượi. Mùi tanh hôi thối xông lên nồng nặc. Lũ ruồi nhặng chui rúc vào lỗ mũi lỗ tai mà không sao đuổi được chúng bởi hai tay ông nội bị trói chặt. Chốc chốc ông lại ngúc ngắc đấu, lũ ruồi lại bay túa ra. Ông hộc lên từng cơn trừng trừng nhìn chú Đào Kinh. Miệng mũi ông rãi rớt ứa ra chảy ròng xuống cổ lầy nhầy lẫn với những giọt máu khô vón laị thành cục bám chặt vào da thịt ông. Nam hốt hoảng chạy về nhà khóc nức nở.
- Bà ơi, sao ông nội lại làm gián điệp hả bà?
- Ông cháu không làm gián điệp. Sau này lớn lên cháu sẽ hiểu. Bà nội ôm Nam vào lòng.
Tối đến dân làng lũ lượt ra sân đình Đoài để đấu tố Hoàng Kỳ Bắc. Trần Tăng uy nghiêm đứng trên bục cao rọi ánh mắt xuống từng gương mặt người dân làng Đoài phán xét. Không gian lặng phắc, nghe rõ từng hơi thở, từng nhịp đập của những con tim run rẩy hãi hùng. Một vài cánh dơi quáng đèn từ mái đình Đoài bay vụt lên nháo nhác. Những gươg mặt héo hắt dưới ánh sáng đèn nhập nhoà trên sân đình. Hoàng Kỳ Bắc bị trói vào chiếc cột trước cửa đình đứng chơ vơ trước dân làng Đoài. Ông ngửa mặt nhìn trời, trăng mười sáu tròn vành vạnh. Hoàng Kỳ Bắc không ngờ cuộc đời lại lộn nhào mọi chuyện. Ngày này năm ngoái ông còn đang vui vầy với gia đình làng xóm. Ông ngỡ ngàng thấy Đào Kinh sao lại có thể hung hăng đánh đập, tra khảo ông trước dân làng Đoài. Cái thằng khốn kiếp trả ơn ông thế này đây.
- Bà con hãy nghe cho rõ đây, tiếng Trần Tăng vang vang, chúng ta muốn có cơm ăn áo mặc phải trút lòng căm thù lên đầu bọn địa chủ cường hào gian ác đầu sỏ. Chúng ta phải đánh đổ giai cấp bóc lột, giành lại ruộng đất cho dân cày. Hơn lúc nào hết trong lúc này, ai là những người làm thuê cho Hoàng Kỳ Bắc, bị Hoàng Kỳ Bắc bóc lột, phải vạch trần tội ác của Hoàng Kỳ Bắc. Ai là người thân tín ruột thịt trong gia đình Hoàng Kỳ Bắc muốn không bị liên luỵ, muốn chứng tỏ lòng trung thành với đảng, hãy đứng về phía những người nghèo khổ vạch trần tội ác của bọn địa chủ.
- Phải bắt cả con mụ vợ tên Kỳ Bắc tống giam mới phải. Có tiếng ai đó hét lên.
- Đúng đấy, tay Đảo chuyên nghề bắt ếch xông lên chỉ vào mặt Hoàng Kỳ Bắc, mày là tên địa chủ cường hào ác bá, mày cậy có tiền hênh hoang nịnh bợ mọi người để che lấp tội lỗi mình. Mày mua sắm những thứ xa hoa đèn giời đèn kéo quân về chơi bời hát xướng vô độ làm hư hỏng dân làng. Mày tiêu hoang phí trong khi nhà tao còn đói rách. Còn mụ vợ mày là con đàn bà keo kiệt. Mày có còn nhớ không, mấy lần nhà tao hết gạo sang vay nhà mày, mụ vợ mày chỉ cho tao vay gạo xấu, còn gạo ngon mày để lại cho nhà mày ăn. Mày khôn quá đấy. Mày cứ làm như mỗi mình nhà mày biết ăn gạo ngon, còn bà con nông dân chỉ biết ăn gạo xấu.
Yến Quyên đứng lặng, một tay bám áo mẹ chồng, tay dắt Hoàng Kỳ Nam. Tiếng hô đầy căm phẫn của dân làng đòi phê đấu Hoàng Kỳ Bắc.
- Đả Đảo Hoàng Kỳ Bắc, đả đảo thằng dê già.
- Cô con dâu xinh đẹp Yến Quyên đâu rồi, lên mà tố cáo thằng bố chồng dê cụ đi chớ, tay Tắc hoạn lợn lu loa, hôm nay dân làng cho phép cô nói ra những uất ức trong lòng. Dân làng đã nghe đồn đại nhiều những chuyện chướng tai gai mắt nhưng chưa rõ thực hư ra sao. Hôm nay dân làng muốn chính cô Yến Quyên đứng lên tố cáo tên bố chồng máu gái để có cơ sở thiến béng cái của nợ ấy đi. Cô cũng là người đẹp, chồng lại đi biền biệt, dứt khoát là bị tên việt gian phản động này ức hiếp.
- Đả đảo tên dê cụ hay dụ dỗ ức hiếp phụ nữ.
- Đả đảo, đả đảo.
Tiếng hô mỗi lúc một to. Yến Quyên thừa biết ý đồ của Trần Tăng muốn chia rẽ tình cảm của Yến Quyên với mẹ chồng. Yến Quyên run rẩy níu chặt tay mẹ chồng.
- Con phải vững vàng, bà Bắc lạnh lùng nói, dù có phải chết, hai mẹ con ta cũng không được làm điều gì thất đức với ông ấy. Gia tộc Hoàng Kỳ nhà ta xưa nay không làm điều ác với ai bao giờ.
- Ông nội không ác với ai, sao mọi người lại ác với ông nội hả bà? Hoàng Kỳ Nam níu tay bà nội hỏi.
- Chuyện người lớn cháu chưa hiểu, bà nội giải thích, nay mai bố cháu về, mọi chuyện sẽ tốt đẹp cháu ạ. Hoàng Kỳ Nam ôm chặt lấy bà nội khi nghe mọi người la hét.
- Phải đưa cả nhà Hoàng Kỳ ra mà hỏi tội. Tay Tắc hoạn lợn lại gào lên.
- Tên Hoàng Kỳ Bắc còn một tội tầy trời nữa bà con biết không? Chính nó đã đưa thằng Đỗ Hiền, em trai con Yến Quyên chạy vào Nam theo địch đấy. Mụ Vó, vợ tay Côn hàn nồi tố cáo.
- Vậy là đích thị tên Hoàng Kỳ Bắc dẫn lối đưa đường cho thằng Đỗ Hiền trốn vào Nam theo giặc.
- Đúng quá rồi, thằng Đỗ Hiền mới mười chín đôi mươi biết gì.
- Còn cái thằng Hoàng Kỳ Trung, chồng con Yến Quyên nữa, mụ Vườn rêu rao, tiếng là đi kháng chiến, nhưng có khi nó là gián điệp cài cắm trong đội ngũ cách mạng cũng nên?
- Thế thì đúng rồi, khiếp quá, nguy hiểm quá, hai nhà chúng nó đã âm mưu cấu kết với nhau từ đời nảo đời nào mà mình không biết đấy thôi. Cũng may mà cách mạng sáng suốt phát hiện ra sớm, tiêu diệt tận gốc rễ mầm mống bọn việt gian phản động chứ để lâu làng Đoài mình sẽ bị tên Hoàng Kỳ Bắc đầu độc dụ dỗ theo địch hết.
Mọi người xôn xao bàn tán quy kết Hoàng Kỳ Bắc, đưa ra những lý lẽ đầy sức thuyết phục.
- Đả đảo tên việt gian trùm sỏ, thằng Rược người làng Đông hùng hổ hô to xông lên xía vào mặt tên địa chủ Hoàng Kỳ Bắc, mày có biết tao là ai không?
- Thưa ông, ông là thằng Rược chuyên đi hót phân bò phân trâu nổi tiếng khắp vùng ai chả biết.
- Tại sao hôm nay mày lại ngoan cố không nhận tội?
- Bẩm ông, con không có tội.
- Mày còn chối à, sáng sớm ngày mười sáu tháng tám năm ngoái, chính tao đã tận mắt nhìn thấy mày và cô con dâu Yến Quyên xinh đẹp của mày hú hí với nhau trong chuồng trâu.
- Bẩm ông, ông nói oan cho con rồi, chính hôm đó con có nhìn thấy ông vào vườn nhà con lấy trộm phân trâu, con biết nhưng vẫn làm ngơ, bởi sáng hôm ấy con trâu cái nhà con nó đẻ nên con Yến Quyên phải ra giúp con đỡ đẻ cho con trâu đấy ạ. Dân làng không tin cho điều tra, con nghé nhà con vẫn còn sống, năm nay vừa đầy một tuổi. Nó đẻ đúng vào sáng sớm ngày mười sáu tháng tám năm ngoái.
- Ngoan cố đến thế là cùng, bà con xem tên địa chủ này quả là tinh ranh, nó đánh đố bà con mình. Bố ai tính toán được tuổi trâu tuổi bò bao giờ.
- Cứ hỏi ả Yến Quyên thì biết?
- Đúng đấy, buổi sáng hôm ấy cậu Rược nghe tiếng ả Yến Quyên cười hay khóc? Nếu ả cười là thông dâm, nếu ả khóc thì đích thị là bị Hoàng Kỳ Bắc cưỡng bức rồi.
- Mẹ ơi, cứ đà này người ta sẽ kết tội hết thảy mọi người trong gia đình mình, Yến Quyên kinh hoàng run rẩy nói với mẹ chồng.
- Con ơi là con, sao cuộc đời lại khốn khổ khốn nạn thế này, bà Bắc nắm tay Yến Quyên và thằng cháu nội Hoàng Kỳ Nam chạy khỏi đám người đang căm phẫn hò hét trên sân đình.
- Bớ làng nước ơi, vợ con tên địa chủ nó bỏ chạy mất rồi.
Đào Kinh bóp cò nổ ba phát súng lên trời hô hoán dân quân đuổi bắt mẹ con Yến Quyên lôi về nhốt trong Đình Đoài. Hoàng Kỳ Nam túm áo Đào Kinh khóc gào thảm thiết.
- Cháu lạy chú Kinh, chú đừng bắn bà cháu, đừng bắn mẹ cháu. Cả nhà cháu không ai có tội.
- Thằng nhóc này, mày thì biết gì mà nói, ông thì đòm cho một phát bây giờ...
Dưới Chín Tầng Trời Dưới Chín Tầng Trời - Dương Hướng Dưới Chín Tầng Trời