Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Đoạn Tình
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 3 -
Q
ua ngày sau...
Gần 3 giờ chiều, Thuần sửa soạn lên xe đi ra hãng. Cô Hoà kêu chồng mà dặn hễ ra tới hãng rồi thì biểu sớp - phơ đem xe về liền đặn cô với cô Vân đi Sài Gòn mua đồ, đúng 5 giờ cô sẽ lại hãng rước thuần đi Thủ Ðức ăn nem chơi một bữa. thuần làm y theo lời vợ dặn.
Coi đồng hồ đã 5 giờ, Thuần rữa mặt cchải đầu rồi bận áo ra ngoài đứng nói chuyện với thầy hai Tịnh mắt cứ ngó chừngn goài đường, có ý trông xe lại, đặng đi chơi một vòng. Ðợi đến 5 giờ rưỡi cũng chưa thấy xe lại, Thuần lấy làm lạ, bèn bước ra ngoài cửa đi lên đi xuống mà chờ. Chờ hoài không thấy, bây giờ Thuần bắt đầu lo, vì không biết có sự rủi ro chi hay không. Ðến 6 giờ, Thuần nóng nâỷ quá, không thể chờ nữa được bèn trở vô hãng dặn thầy hai Tịnh, nếu co xe cô Hoà lại thì nói thuần chờ không được, nên đã về trong nhà rồi. Dặn xong thuần mới vô trong xưởng lấy một cái xe cũ mà về Cây Quéo, thầm tính nếu về nhà mà không gặp vợ thì sẽ chạy ra mà kiếm.
Xe vô tới sân, Thuần liền thấy cô Vân đương nắm tay dắt bé Hậu đi dài theo mấy liếp bông mà chơi. Thuần hết lo nữa, song không hiểu tại duyên cớ nào mà vợ thất ước, nên vừa bước xuống xe vừa hỏi cô Vân:
- Hẹn 5 giờ lại hãng rước tôi mà, tôi chờ hoài không thấy, tôi lo quá, không biết có gặp việc rủi ro gì hay không. Nhà tôi không có đi Sài Gòn với cô hay sao?
Cô Vân cười rất hữu duyên mà đáp:
- Xin anh tha lỗi cho chị Hoà. Thiệt cũng vì có một sự rủi nên chị Hoà mới thất ước với anh như vậy đó.
- A! Rủi sao đó?
- Hồi xế xe trở về, hai chị em tôi sửa soạn đi Sài Gòn mua đồ chơi. Chị em tôi chưa kịp đi, thì có một người đem thơ của chị hai ở trong Rạch Cát nói chị hai bịnh và mời chị Hoà vô nói chuyện. Chị Hoà dục dặc muốn để sáng mai sẽ đi. Em nói chuyện mình đi chơi không quan hệ gì, bữa nay đi không được thì mai sẽ đi, chớ còn chị hai có bịnh đã sai người ra kêu, nếu không đi liền thì lỗi lắm vậy. Em ép chị Hoà phải đi Rạch Cát nên mới lỗi hẹn với anh đó.
- À, mà có đi Rạch Cát thì ghé hãnh nói cho tôi hay một chút rồi sẽ đi; không thèm nói trước; làm cho tôi lo quá.
- Chắc chị Hoà gấp đi nên không kịp nói, xin anh chớ phiền... Em quen với chị Hoà thuở nay mà em chưa cho dịp gặp chị hai lần nào. Không biết chị hai bịnh sao đó?
- Chị hai của nhà tôi trái tim yếu lắm, nên hay mệt. Thuở nay có chứng bịnh đó mà uống thuốc hoài không dứt được.
- Bịnh đó hiểm nghèo lắm.
- Phải. Ðau tim thì không được giận, không nên lo.
Bé Hậu thấy con xẩm ở trong nhà đi ra, liền kêu mà biểu dắt đi ra đường chơi.
Thuần biểu bồi nhắc một cái bàn nhỏ với hai cái ghế để giữa hao viên rồi đem nước đá, nước cam ra uống chơi cho mát. Thuần mời cô Vân ngồi, rót nước cam mời cô Vân uống.
Cô Vân vui vẻ hỏi Thuần:
- Chị hai gốc ở Chợ Lớn. thế chồng chị gốc ở Rạch Cát hay sao nên chị phải về Rạch Cát mà ở?
- Không. Anh gốc ở Cần Ðước. anh đặt nhà máy xay gạo trong Rạch Cát, nên vợ chồng phải về trong mà ở. Anh tên Năm Quyền. Chồng tên Quyền, vợ tên Quý, rồi lập nhà máy đặt hiệu là "Quyền Quý". - Cũng như anh đặt hiệu "Thuần Hoà" cho hãng của anh đó chớ gì.
- Phải. Hồi tôi lập hãng, ở nhà tôi bắt chước theo cách của anh hai chị hai tôi, nên biểu tôi đặt hiệu như vậy đó.
- Nếu vậy thì chị Hoà với chị Quý chắc tình ý giống nhau lắm, phải không?
- Cái đó tôi không hiểu được, bởi vì tôi ít gần gũi với chị hai tôi, nên tôi không biết tánh ý chị.
- Tuy em chưa biết chị hai, mà chắc chị ghen lung lắm.
- Tại sao cô dám nói chắc như vậy? Tôi cũng không biết có bịnh ghen hay không. Mà anh làm chủ nhà máy lớn, anh lo bạc đầu, có chơi bời chi được đâu mà chị ghen.
- Ghen là một chứng bịnh, hễ ai mang chứng bịnh ấy thì ghen tự nhiên, chớ không phải đợi chồng chơi bời mới ghen.
Thuần ngẫm nghĩ một chút rồi cười mà hỏi:
- Tại sao cô đoán tình ý nhà tôi giống tình ý chị hai, rồi cô lại nghi chị hai Quý có bịnh ghen? Tuy cô nói vòng ở ngoài, song cũng đủ làm cho tôi hiểu rằng, cô tỏ ý chê nhà tôi có bịnh ghen, phải như vậy hay không.
Cô Vân lắc đầu, đáp:
- Không. Lời anh nói đó trúng có phân nửa thôi. Anh nói em biết chị Hoà ghen thì không trúng, còn anh nói em chê chị Hoà ghen thì không trúng. Bịnh ghen là bịnh chung của các đàn bà có chồng, trừ ra ai có chồng mà không thương chồng thì mới khỏi chứng bịnh ấy. Ấy vậy dầu em biết chị Hoà ghen em cũng không phép chê chị. Chị thương anh, nên chị mới ghen, thế thì làm sao mà em chê chị được.
- Phải. Ðàn bà vì thương nên mới ghen, bởi vậy thgói quen có thể dung chế được. Nhưng mà, không hiểu đàn bà ghen họ có biết rằng nhiều khi họ làm cho chồng buồn bực chán ngán lắm hay không?
- Nếu vợ ghen mà chồng buồn, thì chồng không biết phương pháp nào làm cho vợ khỏi ghen hay sao?
- Phương pháp nào?
- Mình đừng làm những việc gì có cớ cho vợ ghen được.
- Vợ chồng phải tin bụng nhau thì gia đình mới được đầm ấm. Nếu mỗi giây phút đều phải chú tâm về sự vợ ghen, đặng cứ lo mà tránh, thì đi đứng mất tự do, làm ăn hết phấn chấn, rồi gia đình cũng hết vui vẻ.
- Em hỏi thiệt anh, vậy chớ anh có biết chị Hoà ghen hay không?
- Có lẽ nào tôi không biết.
- Nếu anh biết thì anh phải làm sao, chớ không lẽ để chị ghen, chị phiền não, anh bực bội trọn đời hay sao?
- Biết làm sao bây giờ...?
thuần than mấy tiếng rồi chau mày ngồi buồn hiu.
Cô Vân đã hứa kiếm phương thế gỡ mối sầu dùm cho bạn, nay gặp cơ hội này cô muốn tỏ tâm hồn của cô Hoà cho Thuần hiểu, rồi khuyên Thuần phải sửa đổi cách đối xử đặng cho gia đạo bình an, mà cô tư lự không biết phải mở đầu nói thế nào cho khỏi mang tiếng thày lay.
Thuần ngước mặt ngó mông ngoài đường rồi thở dài mà nói:
- Tôi thuộc về hạng tân học. Nếu tôi cưới vợ, ấy là tại tôi không có tính ham chơi bời như chúng bạn, tôi quyết lập gia đình đặng có sẵn cái cơ sở vững chắc, an ổn ở trong, rồi phấn chí tranh đấu về cuộc làm ăn ở ngoài. Tôi tưởng từ ngày tôi cưới vợ cho tới bây giờ tôi chẳng hề có một chút lỗi gì trong đạo làm chồng. Thế mà vợ tôi nó không hiểu bụng tôi, nó cứ ngấm ngầm ghen tuông hoài, nhiều khi nó làm cho tôi chán ngán hết muốn làm ăn, hết vui với sự sống nữa. Bây giờ tôi mới hiểu cái hạnh phúc gia đình thiệt khó tạo, dầu mình có chí muốn tràn trề, dầu mình có bạc tiền đầy dẫy, mình cũng không dễ mua cái hạnh phúc ấy được. Tôi đã thấy cái đời cũa tôi hỏng rồi. Nếu tôi sốbng, ấy là vì lẽ trời nên phải sống, sống đặng làm tôi mọi cho đời như triệu ức người khác, chớ không có vui vẻ gì mà mong.
- Anh chẳng nên thối chí; bây giờ anh tiếc sự anh cưới vợ hay sao?
- Ngó ra đường trước mặt buồn hiu, làm sao mà không thối chí cho được! Nhớ tới sự mơ ước thì nó như giấc mộng, làm sao mà khỏi ăn năn chút đỉnh.
- Cha chả! Em không dè chị Hoà ghen đến nỗi làm cho anh chán ngán quá như vậy. Em xin tỏ thiệt với anh, em lên ở chơi hai bữa rày, em nói chuyện với cô Hoà, em dòm thấy chị vì bịnh ghen nên trong lòng không được vui. Em dọ ý chị thì em hiểu chị phiền là tại anh ham lo làm ăn hơn là ưa vui với vợ con, chớ chẳng có cớ chi khác. Phiền như vậy cũng dễ dãi, chóo không phải khó. Em xin anh hãy vì gia đình mà sửa đổi bề cư xử lại một chút, đặng anh hưởng hạnh phúc cho hoàn toàn.
- Tôi phải đóng cửa hãng, đừng làm ăn nữa, đặng ở nhà với vợ con hay sao?
- Không cần phải thôi làm ăn. Em tưởng anh mướn một người làm tổng lý coi hãng thế cho anh, rồi mỗi bữa anh ra hãng chừng một vài giờ đặng xem xét cũng được, chẳng cần phải ở tối ngày ngoài hãng.
- Ai cho bằng mình được mà mình dám phó thác.
- Ðã biết như vậy, song xin anh hãy nghĩ lại, dầu hãng có thất lợi bao nhiêu đi nữa nhẩm cũng ít hại hơn là gia đình xào xáo.
- Tự nhiên. Nhưng mà sự làm việc là cái thú vui của tôi, nếu tôi ở không chắc là tôi hết vui.
- Anh cũng làm việc chớ, song làm ở nhà.
- Làm người mà câu thúc như vậy thì sự sống có thú vui gì đâu.
- Xin anh nhớ, ở đời phải có cực mới có vui. Phải tìm mà mua cái vui, chớ có bao giờ người ta đem cái vui dưng cho mình đâu.
- Cô luận đứng lắm, mà tôi ra làm chủ hãng, tôi chịu cực thân nhọc trí hết sức, đặng cho vợ con được sung sướng, công của tôi đó không đủ mua vui được hay sao?
- Tại người bán cái vui cho anh họ không chịu giá đó, họ đời giá khác, nếu anh muốn mua thì anh theo ý người bán mời mua được chớ.
- Người ta nói chốn dương trần là khổ ải, nghĩ thiệt trúng lắm, phải không cô?
- Phải. Mà mình kiếm thế qua cho khỏi biển khổ mới giỏi chứ. Em còn muốn tỏ với anh một chuyện nữa, song em sợ nói ra anh phiền.
- Cô cứ nói, đừng ngại chi hết.
- Em coi ý chị Hoà không vừa lòng về sự anh mướn đàn bàn con gái giúp việc trong hãng.
- Ồ! Vợ tôi ghen đến người bộ hạ của tôi nữa à?
- Em đã nói ghen là một chứng bịnh mà. Như mụn ghẻ, dầu chỗ nào nó mọc cũng được, chớ không phải nó lựa trên mặt hoặc trên vai nó mới mọc.
- Cô Như đánh máy chữ trong hãng là em gái của một người bạn thiết của tôi. Bạn tôi suy sụp nên hôm tháng trước đem em lại hãng xin với tôi để em phụ sự trong hãng đặng mỗi tháng có ít chục đồng lương mà nuôi sự sống. Vì vậy nên tôi phải cho vào làm, chớ nào phải tôi có ý xấu nên mướn con gái đâu. Không được, không được, ghen đến thế thì nhục cho tôi quá.
- Thấy không hồi nãy em có nói trước, em sợ là hễ nói ra thì anh phiền, té ra nói trước mà cũng không khỏi.
Bây giờ trời đã tối rồi, tuy mặt trăng đã mọc lên ở hướng đông, nhưng còn bị cây áng nên hoa viên vẫn lờ mờ chưa được sáng.
Thuần đứng dậy đi qua đi lại, không nói chuyện nữa. Cô Vân tháy Thuần buồn thì ái ngại, tưởng Thuần đã muốn dứt câu chuyện, nên cô cũng đứng dậy tính đi vô nhà. Ý thuần muốn lưu cô lại, nên nói:
- Cô là bạn thân thiết với nhà tôi. Nhà tôi tin bụng cô lắm nên mới tỏ tâm sự cho cô biết đó. Tôi chắc trong lúc nói chuyện, nhà tôi phiền trách tôi nhiều lắm phải không?
- Cô Vân đứng ngó trân Thuần mà đáp:
- Có. Chị Hoà có trách anh. Mà chị trách là trách anh ham lo bề làm ăn, còn ít ưa vui thú vợ chồng chớ không có trách anh điều chi khác. Ấy vậy nếu anh sửa tánh ý một chút, thì vợ chồng sẽ thuận hoà vui vẻ, không có chi khó.
- Người có học ai cũng có chủ trương riêng. Mỗi người đều đeo đuổi theo chí hướng của mình, phấn chấn làm cho đạt được mục đích, đặng vừa lòng phỉ dạ. Mình đương hăm hở đi trong một cái đường mình vui thích đó, bây giờ người ta buộc mình phải ngừng lại, rồi bắt mình phải qua con đường khác là con đường mình không ham không mộ: mình gặp cái hoàn cảnh như vậy tự nhiên phải lơ lửng chán ngán. Tiếc đường cũ, chê đường mới, thế thì làm sao mà vui được. Chớ chi người vợ hiểu tính ý của mình, rồi sửa đổi tâm hồn mà theo một chí hướng với mình, thì vui biết chừngnào... Cô Vân, cô thương nhà tôi không?
- Trong bọn chị em bạn học, có một mình chị Hoà em thương nhiều hơn hết.
- Nếu cô có thương nhà tôi, thì xin cô làm ơn khuyên dùm nhà tôi sửa đổi tánh nết lại, phải tin cái tình của tôi, đừng nghi ngờ nữa, phải biết vui việc tôi vui, phải biết buồn chỗ tôi buồn. Cô làm thành được việc tôi cậy đó thì tôi mang ơn cô lắm.
- Vâng. Em hứa chắc sẽ hết lòng khuyên giải chị Hoà đặng chị làm cho anh vui. Mà em xin anh cũng nhượng bộ một chút, kiếm thế làm cho cô Hoà hết nghi ngờ, đặng hết buồn bực. Anh chịu nhận lời xin hay không?
Thuần cúi mặt ngó xuống đất mà suy nghĩ một chút rồi nói với giọng quả quyết.
- Tôi sẽ ráng làm cho vừa lòng vợ tôi.
- Em cám ơn anh. Nếu được vậy thì em vui lắm.
- Ðể tôi kiếm người tôi cậy làm Tổng lý trong hãng đặng tôi rảnh mà vui với vợ con. Tôi nghĩ lại từ ngày tôi có vợ thì tôi mắc ham làm ăn rồi tôi phế các sự lại. Bắt đầu từ sáng mai đây tôi sẽ cho tiền rồi biểu cô Như đi kiếm sở khác làm. Tôi sẽ tận tâm làm đủ cách cho nhà tôi hết có cớ mà ghen, rồi coi còn phiền trách chi tôi hay không.
- Nghe lời anh nói em nghĩ anh giận lẩy. Nếu như anh giận lẩy nên anh đổi cách cư xử, thì sự sửa đổi ấy kết quả không hay ho gì hết.
- Không. Không phải tôi giận lẩy. Vì tôi có cái óc trọng gia đình, vì tôi nặng lòng thường vợ con tôi lắm, nên tôi mới nhất định như vậy chớ. Cô có biết tại cớ nào mà tôi trọng gia đình, vì ý gì mà tôi thương vợ hay không?
- Chắc là tại anh cảm nhiễm gia đình giáo dục; tuy theo học thức mới song vẫn trọng luân lý xưa, nên anh mới yêu gia đình như vậy.
- Có lẽ cũng tại như vậy. Mà cái duyên cớ lớn nhứt là thế này: Ngày tôi học thành công rồi tôi trở về xứ, tôi thấy xã hội mình tôi chánngán, hết muốn lo việc khai hoá. Cô nghĩ lại coi, ở đời này có nhiều người nghị lực yếu ớt, tinh thần vắng hoe, bậc thượng lưu trí thức thì chăm lo cầu quyền, nhúut là chăm lo kiếm tiền đặng ăn chơi cho thân sung sương; bậc trung lưu thì hí ha hí hửng như kẻ không hồn, còn bậc hạ lưu thì vất vả lờ đờ, ai biểu đâu đi đó, không biết nhục vinh, không hiểu lợi hại chi hết. Ở giữa một xã hội như vậy, thì vui sướng chỗ nào đâu? Vì vậy nên tôi chán ngán, tôi quyết lập gia đình đặng tôi vui thú gia đình, tôi quyết lập cuộc làm ăn đặng tôi chú tâm vào đó, cho tôi khỏi buồn khỏi tức vì xã hội. Tôi trọng gia đình, tôi ham làm ăn là tại như vậy đó. Hai cảnh ấy là chỗ đễ cho tôi tránh mà kéo dài sự sống, cô hiểu chưa?
- Em hiểu rồi, em hiểu rồi. Em không dè anh bị cái tâm hồn bất mãn nó làm cho anh phải khốn khổ về phần trí đến thế. Anh có tỏ niềm riêng ấy cho cô Hoà hiểu hay không?
- Tôi có tỏ nhiều lần, mà dòm thấy nhà tôi không hiểu... hoặc không muốn hiểu.
Cô Vân chau mày thở dài. Liền khi ấy thấy ánh đèn xe hơi rọi sáng ngoài đường rồi vội vô sân. Cô Vân nói:
- Xe cô Hoà về.
Thiệt quả xe ngừng, cô Hoà bước xuống.
Thuần hỏi vợ:
- Chị Hai đau sao đó?
- Cũng bị cũ, trái tim yếu nên mệt. Ðốc tơ biểu chị phải đi Long Hải mà tịnh dưỡng ít tuần lễ. Chị cho kêu tôi về đặng rũ đi với chị.
- Chừng nào chị đi?
- Sáng mai.
- Mình có hứa đi với chị hay không?
- Không. Tôi nói tôi có khách. Tôi khuyên chị đi trưóoc rồi ít bữa tôi sẽ ra thăm. Bữa nào có rảnh mình đưa tôi với chị Vân đi Long Hải được không?
- Ðược. Mình nhứt định bữa nào đi thì mình nói trước đặng tôi sắp đặt công việc trong hãng rồi tôi đi với.
Ba người dắt nhau vô nhà.
o O o
Vì đã nhất định trước rồi, nên sáng bữa chủ nhật cả nhà Thuần đều thức dậy sớm, đặng sửa soạn đi Long Hải thăm cô Quý.
Thuần thay đồ rồi trước, dòm cô Hoà với cô Vân còn trang điểm, coi thế cả giờ nữa sắp đặt hành lý cũng chưa xong, thuần bèn lấy xe chạy ra Sài Gòn. Cô Hoà nghe xe chạy thì hỏi:
- Ủa! Ði đâu đó vậy kìa?
Cô Vân sợ bạn phiền nên nói bừa:
- Chắc anh Thuần đổ xăng thêm hay là ra hãng lấy đồ chớ gì.
- Hồi hôm có nói đổ xăng đầy rồi mà.
- Nếu vậy thì chắc anh đi lấy đồ gì đó... Chị thấy không. Bữa hôm tôi mới nói sơ sịa, mà anh đã đổi ý bộn rồi. Anh hứa với tôi anh sẽ đuổi cô đánh máy, thiệt qua bữa sau anh đuổi liền. Hôm qua anh lại nói anh đương kiếm người mà phú quyền Tổng lý trong hãng đặng anh rảnh rang mà lo cho vợ con. Anh đối đãi với chí như vậy đó thì đủ thấy anh yêu chị lung lắm. Vậy chị chẳng nên phiền trách anh nữa mà anh buồn.
- Tôi cảm ơn chị nhiều lắm. Nhờ có chị nói nên bữa rày mới được như vậy đó, chứ hồi trước coi bộ như quên vợ con hết.
- Tại anh mắc chăm chú về cuộc làm ăn, anh không để ý tới việc khác. Chị có chỗ nào không vui thì chị tỏ thiệt cho anh hay biết. Nếu chị phiền mà không chịu nói ra thì anh biết ngứa chỗ nào mà gãi.
- Nói làm chi. Người có học thức, tự nhiên biết phân biệt chỗ phải chỗ quấy, người thiệt có lòng thưong vợ con, tự nhiên lo cho vợ con luôn luôn, cần gì phải nhắc!
- Vợ chồng phải đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng tình, thì gia đạo mới thuận hoà, làm ăn mới phấn chấn. Vậy tôi xin chị cũng phải đổi tánh, hễ có việc chi không vừa lòng, thì nhỏ nhẹ mà tỏ với anh, chớ đừng hờn mát giẫn lẩy rồi ôm ấp phiền não trong lòng.
- Tánh tôi khác hơn người ta lắm, tôi phiền, tôi không muốn nói ra.
- Với thiên hạ thì không hại gì, chớ đối với vợ chồng mà chị phiền chị không chịu nói ra, thì vợ chồng làm sao vui vẽ mà ở đời với nhau cho được. Mà bây giờ chị còn phiền anh về chỗ nào nữa hay không nè?
- Không. Bây giờ tôi không còn phiền nữa.
- Ờ, nếu được vậy thì tôi mừng lắm. Từ rày sắp về sau hễ dcó phièn thì nói ngay ra cho anh biết.
Hai cô sửa soạn rồi, con xẩm thay đồ cho bé Hậu cũng vừa xong, thì xe của Thuần trở về tới.
- Thuần vô nhà cười ngỏn ngoẻn và hỏi:
- Sửa soạn đã xong rồi hay chưa? Bẩy giờ rồi, đi sớm cho khỏi bị nắng.
Cô Hoà đáp:
- Chị em tôi xong rồi hết. Tại mình còn đi ta bà nên trễ, chớ có phải tại chị em tôi đâu.
- Tôi chạy ra Sài Gòn mua bánh mì sốt đem theo ra Long Hải ăn. Hồi hôm tôi thấy đồ hộp mình mua ít qua, nên tôi phải mua thêm, chớ ở chơi đôi ba bữa mà mua có mấy hộp, ăn sao đủ?
- Mình tính ở chơi lâu hay sao?
- Tự ý mình, muốn ở ba bốn bữa cũng được.
- Vậy tôi tưởng ra chơi một bữa rồi sáng mai về, tôi có dè đâu. Ở ba bốn bữa rồi mình bỏ hãng ai coi?
- Tôi dặn thầy hai Tịnh rồi hết, thầy thế đỡ cho tôi được. Còn như có việc gì quan hệ thì thầy kêu dây thép nói cho tôi hay.
- Nếu được như vậy thì tiện lắm. Ở chơi với chị hai vài ba bữ cho chị vui.
Bây giờ cô Hoà hết quạu nữa, cô kêu bồi bếp mà dặn coi nhà, rồi hối cô Vân đi. Bồi với sớp- phơ đem valy lên xe. Thuần sắp con xẩm ngồi trước với sớp phơ, còn Thuần ngồi phía sau với vợ con và cô Vân.
Xe ra khỏi nhà, Thuần kêu sớp phơ mà dặn:
- Tư a, chạy cho kỹ lưỡng, nghe không. Cô mày co bầu đừng có chạy mau lắm.
Cô Vân ngó cô Hoà cười và nói:
- anh Thuần biết lo cho vợ lắm chớ.
Thuần cưòoi mà đáp:
- Ấy là phận sự của người chồng, có chi lạ đ6au.
Cô Hoà ngồi lặng thinh, chồng lo cho cô mà coi bô cô không cảm tình chút nào hết.
Vì xe chạy chậm nên 9 giờ rưỡi mới ra tới Long Hãi. Xe ghé vô nhà mát Minh Nguyệt, là chỗ cô Quý mướn hứng gió.
Cô Quý ra chào mừng. Cô Hoà tiến dẫn cô Vân cho chị biết. Cô Quý vui vẻ tiếp khách, ôm bé Hậu mà hôn, rồi mời hết vô nhà; câu chuyện hàn huyện nói vừa xong, thì ba cô sang qua câu chuyện quần áo, coi thế khó dứt. Thuần không cần phải biết tiệm nào bán hàng rẻ, thợ nào may áo khéo, bởi vậy ngơ ngáo một hồi rồi đội nón dắt bé Hậu ra bãi biển đi chơi cho đến 11 giờ cô Hoà sai con xẩm đi kêu, cha con mới chị trở về ăn cơm trưa.
Gần 4 giờ chiều, nước lớn, gió ngoài khơi thổi vô lao xao cuốn mặt biển thành vòng rượt nhau tấp lên bãi rồi rã tan phun bọt trắng xoá. Nam thanh nữ tú, tốp 5 tốp 3, dắt nhau đi dọc theo bãi mà chơi, người nói cười cười, kẻ kiếm cua kiếm ốc mà cũng có người đứng im lìm ngó mông ra biển, dường như muốn tính coi trời cao mấy độ, biển rộng mấy ngàn.
Thuần bèn rủ mấy cô xuống bãi đi hứng gió, Thuần dắt bé Hậu đi trước ba cô thủng thẳng theo sau. Xuống tới mé nước, bé Hậu muốn chạy theo hớt bọt mà chơi. Thuần biểu con Xẩm lột hết quần áo giầy vớ của con, rồi để thong thả cho giỡn với nước, cứ đi theo coi chừng, đừng cho nó ra ngoài sâu mà thôi.
Trước mặt sóng bủa lao xao, bên mình gió phất mát mẻ. Thuần với ba cô đi chơi, trong lòng khoẻ khoắn, ngoài mặt tươi cười. Ði được một hồi bỗng gặp Ðốc tờ Huỳnh. Thuần quen nên bắt tay chào và hỏi:
- Xe của ông sửa rồi, bây giờ máy chạy êm không?
- Êm lắm, không có dục dặc nữa. Tôi cám ơn ông.
- Ông ra ngoài này hồi nào?
- Tôi ra hồi hôm.
Ðốc tơ Huỳnh nói chuyện mà mắt ngó cô Vân trân trân. Ông là một người vui vẻ, lại có tánh ưa nói chuyện với đàn bà con gái, bởi vậy ông xin Thuần làm ơn tiến dẫn ba cô cho ông biết, Thuần liền trình diện chị và vợ. Chừng tới cô Vân, Thuần nói:
- Cô Vân đây là chị em bạn học với nhà tôi; cô ở dưới Tân An lên thăm, rồi nhà tôi mời ra ngoài này hứng gió chơi ít bữa.
Ðốc tơ Huỳnh cúi đầu chào từ cô. Chừng tới cô Vân, ông nghe Thuần tiến dẫn như vậy, thì ông cười mà nói với cô Vân:
- Tôi lấy làm may mắn mà được biết cô. Xin lỗi cô, không biết cô ở Tân an vậy cô ở tại chợ hay là ở trong làng?
- Dạ, thưa em ở dưới Kỳ sơn.
- Kỳ Sơn... Kỳ Sơn là chỗ nào mà tôi không biết?
- Thưa Kỳ Sơn ở theo đường Tham Nhiên, cách Châu Thành Tân An 5 cây số.
- Chắc ông ở nhà là điền chủ, nên cô mới ở trong ruộng như vậy chớ gì.
- Thưa em không có ông nhà nào hết.
- A, xin lỗi cô tôi đoán lầm. Tôi không dè cô chưa có chồng.
- Thưa, ông có lỗi chi đâu mà xin. Theo đời nay mấy ông có học thức đều bu ở chốn thị thành hết thảy. Ông nghe em ở trong ruỗng rẫy, tự nhiên ông tưởng chồng của em là ông chủ nhà quê, nghĩ không lạ gì.
- Tôi tưỡng lầm, mà tôi mừng lắm đó cô!
- Xin ông cho em biết coi tại sao ông lầm mà ông lại mừng.
- Tôi mừng là vì tướng mạo thanh nhã như cô rủi có chồng ở dưới ruộng thì uổng lắm vậy.
- Theo lý thuyết của ông, thì người ở ruộng không được phép cưới vợ thanh nhã hay sao?
- Tôi nói "uỗng", chớ không phải nói "không được phép".
- Ở đâu cũng có kẻ khôn người dại, chớ không phải người ở ruộng đều dại hết, hay là ở thành thị đều khôn hết. Em xin ông đừng khinh bỉ người ở ruộng tội nghiệp cho họ.
- Cô binh vực mấy cậu nhà quê quá! Tôi chắc cô sẽ lấy chồng nhà quê.
- Luận nhân vật là một việc, còn lấy chồng là một việc khác nữa. hai việc ấy không dính líu gì với nhau hết.
- Nếu vậy thì tuy cô binh vực người nhà quê, song lấy chồng thì sẽ chọn người trí thức phải không?
- Sự lấy chồng em chưa nghĩ tới, mà chắc dầu đến chừng nào em cũng không nghĩ tới làm chi.
- Cô tính tu hay sao?
- Có lẽ.
- Uổng lắm, uổng lắm!
- Ông nói như vậy em lấy làm tội nghiệp cho ông.
- Tại sao mà cô tội nghiệp cho tôi?
- Ông là một vị bác sĩ, ông đứng vào hàng thượng lưu trí thức. Nghe em tỏ ý muốn bước vào chánh đạo, lẽ thì ông phải nâng cao trí dục lòng dùm cho em, làm như vậy ông mới xứng đáng với địa vị của ông, chớ nghe em tỏ ý như vậy, rồi ông than uổng nghĩa là ông cản trở, thiế thì ông thiếu đạo đức nhiều lắm. Em tội nghiệp cho ông là như vậy đó.
Thuần vỗ vai ông Huỳnh cười và nói:
- Cô Vân tuy ở ruộng, song cô có học thức, chớ không phải gái quê. Ông cãi không lại đâu.
Ba cô cúi đầu chào ông Huỳnh rồi dắt nhau đi tới trước.
Ông Huỳnh nắm tay Thuần kéo lại, hai người đứng nói chuyện một chút rồi thủng thẳng đi theo sau xa xa, chớ không đi chung với ba cô.
Ông Huỳnh nói với Thuần:
- Cô Vân đã có sắc đẹp, mà văn nói lại khôn ngoan nữa. bô cô trộng tuổi rồi, mà sao chưa có chồng?
- Cô mắc lo học, mới thi đậu về nhà chừng vài năm nay?
- Thi đậu trường nào?
- Cô thi đậu bằng thành chung.
- Chà chà! Hèn chi cô nói chuyện lanh quá. Mà thi đậu hai năm rồi sao chưa lấy chồng?
- Tôi nghe nhà tôi nói hồi trước bà già cô có hứa gả cô cho một anh học sinh nào đó không biết, rồi bao anh qua Pháp học thêm. Anh học xong rồi anh cưới đầm, bởi vậy cô Vân lỡ duyên rồi chán ngán không muốn lấy chồng.
- Tội nghiệp dữ không! Thế khi cha mẹ cô giầu lắm hay sao nên bao cho người đi học đặng sau gả con?
- Cô Vân mồ côi cha, cô còn bà mẹ, mà không có anh em chi hết. Bà già cô là bà chủ gì đó không biết nghe nói giầu lớn, nhà tôi biết chớ tôi không hiểu rõ.
- Con một của nhà giầu lóon, mà lại có học thức co nhan sắc nữa thì quý biết chừng nào. Anh học sanh nào đó sao lại bỏ người ta, khờ quá. vợ tôi chết mấy năm nay, tôi tính cưới vợ khác, nhưng chưa thấy chỗ nào vừa con mắt... Tôi muốn cưới cô này phứt cho xong... Thiệt bà già cô giầu hay không?
- Cái đó không dám chắc. Nhà tôi biết, chớ thiệt tôi không hiểu.
- Ông làm ơn hỏi thăm ma đam lại cho chắc thử coi bà gia cô Vân có được bao nhiêu ruộng đất.
- Ðể rồi tôi hỏi lại nhà tôi.
- Ví như tôi xin cưới, ông nghĩ thử coi cô Vân chịu hay không?
- Cái đó tôi biết sao được.
- Ông dọ trước ý cô thử coi, được không?
- Ðược. Ðể tối nay hoặc ngày mai tôi thủu ý cô rồi tôi sẽ cho ông biết.
- Ông cũng nhớ dọ dùm bà già cô có đứng bộ ruộng đất được bao nhiêu nhé.
- Tôi nhớ. Tôi sẽ hết lòng giúp ông.
- Cám ơn. Ông còn ở ngoài này ít bữa chớ?
- Phải. Thứ ba hoặc thứ tư tôi mới về.
- Tôi cũng ở tới sáng mốt mới về. Thôi, tôi từ giã ông. Xin ông nhớ dọ giùm rồi chiều mai chúng ta ra đây gặp nhau, ông sẽ nói lại cho tôi rõ.
- Vâng.
Hai người bắt tay từ giã nhau rồi Thuần đi theo ba cô, miệng chúm chím cười.
Cô Hoà thấy chồng theo kịp thì hỏi:
- Thằng cha dê đó có chuyện gì mà nói dai dữ vậy?
- Sao mà mình kêu người ta là "thằng cha dê".
- Gặp đàn bà thì liếc ngó, rồi kiếm lời mà trêu ghẹo nguyệt, người đàn ông như vậy thì là dê chớ gì.
- Theo lễ nghĩa đời nay hễ đàn ông gặp đàn bà thì phải ghẹo chọc như vậy mới trúng cách lịch sự về xã giao. Ông Ðốc tơ Huỳnh noi theo lễ nghĩa ấy, chớ phải dê đâu.
- Thiệt lễ nghi của mấy ông là vậy đó hay sao?
- Phải.
- Mình cũng thuộc về hàng trí thức, té ra mình cũng phải ăn ở theo lễ nghĩa đó hay sao?
- Kể tôi làm chi. Tuy tôi cũng ở trong hàng trí thức, song tôi thuộc phe trí thức nhà quê, nên trong giao thiệp tôi không biết làm như mấy ông.
Cô Quý nói:
- Dượng ba đâu có ăn ở kỳ cục như họ vậy. Tôi coi đời nay người có học họ không kể phong hoá gì nữa hết, họ làm nhiều việc tồi bại quá chừng. Ðàn ông nói chuyện với đàn bà thì họ lẳng lơ ghẹo chọc mà đàn bà gặp đàn ông họ cũng thông thả nói cười. Tại như vậy đó nên bây giờmới có nhiều nhà hoặc chồng bỏ vợ, hoặc vợ bỏ chồng, con cái bơ vơ, gia đình tan rã. Tôi tưỡng chừng ít năm nữa, trong nước mình, hai chữ "vợ chồng" không có nghĩa lý gì nữa.
Cô Vân gật đầu nói:
- Lòoi chị hai nói đó thật đúng lắm. Người mình bây giờ có học thức nhiều, tiếc vì sự học của người mình không giống với sự học của người khác. Người ta học đặng mở mang trí thức, học đặng mỹ tục thuần phong, học đặng cải lương nghiệp nghệ. Còn mình học là học để nói chuyện nghe cho lanh lợi, học đặng mặc y phục ngồi xe hơi cho khỏi quê, học đặng kiếm tiền mà ăn chơi cho sung sướng. Tại học sai đường như vậy nên phong hoá suy đồi rồi, mà nay mai đây gia đình cũng sẽ tiêu tan nữa. Chị hai nói trúng lắm.
Cô Hoà nói:
- Ối! Họ làm sao mặc kệ họ, hơi nào mà lo bao đồng; miễn mình giữ phận mình cho xong thì thôi.
Thuần đáp:
- Dầu mình có lo cũng không bỗ ích chút nào; bởi vì phần đông người ta cho cái tồi bại là cái cao thượng, thế thì mình có cãi lẽ cho hết nước miếng đi nữa, người ta cũng chê mình nói bậy. Như hồi nẫy ông Huỳnh nói chuyện với tôi, ông thổ lộ với tôi nhiều câu thô bỉ quá chừng, nhưng mà ông nói tự nhiên, không rụt rè ái ngại chi hết.
Tôi lấy làm hổ thẹn cho ông hết sức, nhưng mà tôi nghĩ những lời ông tỏ với tôi đó, muôn ngàn người khác cũng nói in như ông vậ, chớ không phải một mình ông, thế thì tôi cãi làm sao được, bởi vậy tôi giả ngu đứng lóng tai nghe, không thèm cãi.
Cô Hoà hỏi:
- Ông hỏi giống gì?
- Dài lắm, để về nhà tôi sẽ thuật lại cho mà nghe.
- Chắc ông cậy mình làm mai chị Vân cho ông chớ gì.
- Mình đoán nhằm, song không trúng chánh...
Thuần mới nói tới đó, kế con xẩm dắt bé Hậu lại, rồi bé Hậu níu mẹ ôm cha nói lăng líu làm câu chuyện bứt ngang. Trời đã chạng vạng tối. Cô Quý than lạnh, nên mấy người dắt nhau trở về nhà mát.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Đoạn Tình
Hồ Biểu Chánh
Đoạn Tình - Hồ Biểu Chánh
https://isach.info/story.php?story=doan_tinh__ho_bieu_chanh