Diễm Phượng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Xe Lửa Mỹ Bung Vành
ùa mưa thì cố nhiên là ngày nào cũng có mưa. Nhưng Hoạt lại tức mình sao hôm nay trời lại mưa. Chàng lẩm bẩm: „Cũng có những ngày tạnh ráo hiếm hoi trong mùa, tại sao hôm nay lại không là một ngày hiếm hoi đó?".
Hoạt tức là vì hôm đó là một ngày buồn rầu đối với chàng. Mưa càng làm cho nỗi buồn ấy thấm thía hơn,
Chàng vừa rời bến đò và hình ảnh những đò ngang chèo tay, hình ảnh đò máy, hình ảnh con sông Cửu Long dậy sóng, hình ảnh lờ mờ của khối cây xanh trên cù lao Rồng, tất cả những thứ ấy đều mang vẻ gì thân mến nhưng chàng lại phải rời nó mà đi xa.
Chàng đi dưới cơn mưa lấm tấm để đến cửa nhà ga cách đó năm mươi thước.
Mấy anh phu xích-lô đổ khách xuống, còn ngồi chơi trước ga, nhìn chàng cười và nói:
- Chuyến chót phải không thầy? Thôi vĩnh biệt!
Hoạt bị xúc động mạnh trước cuộc giã từ đùa cợt ấy, y như là nghe người thân quyến tiễn biệt chàng. Mấy anh phu nầy, ngày nào chàng cũng thấy mặt, không nghĩ gì về họ cả. Nhưng hôm nay...
Những tiệm phở, tiệm cà-phê bên kia phố, trước ga, với những cô chiêu đãi viên xinh xinh cũng dường như vẫy tay nói vĩnh biệt.
Hoạt thở dài lẩm bẩm:
- Chuyến chót! Chuyến chót của đời mình!
Chàng sẽ được thuyên chuyển đi miền Trung để tiếp tục soát vé, nhưng đời chàng, chàng nghe rõ rệt là đã mọc rễ trên đường xe lửa Mỹ nầy rồi.
Hoạt bước vào ga. Ga trống như sa mạc! Người ta không biết chuyến chót trong đời xe là mấy giờ, sợ hỏng chuyến mà thất công, nên đi xe hơi đò cả rồi.
Thầy bán vé ngồi ngáp vặt, trong khi vợ con thầy thu dọn đồ đạc riêng, để về vườn hay để nhờ con tàu cuối cùng chở lên Sài Gòn?
Hoạt vào cửa trong để ra xe. Chiếc xe hôm nay vắng khách mà dài làm sao! Bao nhiêu vật liệu cần được chở đi Sài Gòn kia mà!
Mấy thằng bé bán kẹo, bán bánh, không tìm ra khách hàng, rượt bắt nhau từ goong này qua goong khác, rổ quà khiêu vũ trên tay chúng một cách tài tình.
- Chuyến chót tụi bây ơi, giỡn cho đã thèm ta!
Bãi trường, dọn nhà, đấy là những nỗi buồn của chàng thuở bé lúc rời trường làng, lúc rời trường tỉnh, lúc rời quê.
Chàng nhìn con sông Cửu Long qua cửa sổ rất lâu, để ghi hình ảnh đại giang với những chiếc ghe thương hồ ấy vào trí nhớ của chàng.
- Chuyến chót!
Ai cũng nói như thế cả, từ những nhân viên xe lửa đến mấy người hành khách lẻ loi. Mấy người nầy nhìn cái kết của chàng như để đoán những ý nghĩ ẩn núp sau đó. Họ như hỏi: „Thầy soát vé nầy buồn hay vui, sẽ thất nghiệp chăng?"
Đây là những hành khách quen, vài công chức, và quân nhân. Hoạt tin chắc là họ cũng nao nao buồn, nhưng họ chỉ buồn vậy thôi, vì họ là khách qua đò. Người chèo đò mới nhớ cây đa bến cũ.
Hoạt nhìn quanh chàng. Những nhà cửa, đường rầy, hàng rào, đã mấy mươi năm thuộc vào chân trời nầy, ngày kia sẽ không còn nữa. Chàng có trở lại đây cũng sẽ không tìm thấy một dấu vết cỏn con nào của nhà ga nầy cả.
Hàng me ngoài hàng rào ủ rủ sầu như kẻ ở khóc người đi, mà người đi này lại không bao giờ hy vọng trở lại cả.
Bây giờ mưa đã dứt hột. Vài người lưa thưa từ đâu phía trong đổ ra sông. Đây là những người hiếu kỳ và đa cảm, đến đó xem chuyến xe cuối cùng ra sao, và để cảm động chơi, vì buồn cũng thú vị lắm thay!
Tuyn... tuyn... tuyn...
Xe chuyển mình bò tới chậm chậm. Tự nhiên, không ai bảo ai, từ nhân viên trên xe, đến hành khách đều đưa tay ra khỏi cửa sổ để vẫy giã từ những người đứng bên kia phố. Những người nầy cũng khoát tay từ biệt.
Mấy thằng bé bán quà, nhảy xuống xe hát điệu Tạm biệt, bởi vì chúng không có điệu Vĩnh biệt để mà hát cho đúng cảnh.
Kho bạc, Hải quân, dinh Tỉnh trưởng, tất cả những thứ ấy lui lại sau lần lần.
Hồ nước ngọt, rồi đến những xóm nhà lụp xụp rồi cánh đồng...
Thôi vĩnh biệt!
Hoạt cầm cây kềm cắt vé, đứng ngó mông ra cánh đồng trơ trọi mà hôm nay chàng thấy là đẹp và lưu luyến hơn bao giờ hết.
Chàng biết rằng lát nữa đây, chàng sẽ buồn đứt ruột khi đi ngang qua trạm X.
Gần một năm nay cái trạm xép nghèo nàn ấy đối với chàng là cả một bầu trời thơ mộng. Trạm cất bằng gỗ, lợp lá, vách tre đan, quét cứt trâu. Trạm ngăn làm hai căn, một căn để bán vé, còn căn kia thì dùng làm nhà ở cho trạm trưởng và gia quyến của y. Vợ trạm trưởng là một bà vợ tháo vát, nên chi bà ta đã biến căn nhà thành ra một tiệm chạp phô, trong chưng bày vài tỉn nước mắm, vài bao nhang, mấy chai nước ngọt và dầu hôi, xà-bông, lăng nhăng mấy thứ nữa.
Trạm trưởng là một người đàn ông lối năm mươi, đầu bới tóc như bất kỳ đờn ông nào ở thế hệ trước. Bà vợ ăn trầu, xỉa một cục thuốc sống to bằng trái cau tươi.
Nhưng cô con gái của họ lại xinh đẹp như không phải con của hai người nhà quê đó. Chỉ ăn mặc bà ba lèn xèn thôi, nhưng cô ta có vẻ gái chợ chớ không phải thôn nữ chút nào.
Sáng nào cô cũng chở hàng bông lên chợ An Đông cả. Xe ngừng nơi trạm đó chỉ có hai phút thôi mà cô bé phải đưa lên xe hàng chục giỏ đồ nặng, nên hôm nào cô ta cũng vội vàng và hì hục, lên xe xong gò má cô ta đỏ lơ đỏ lửng, vì mệt, trông như má trẻ con còn bú, cứ thấy muốn cắn vào đó.
Sắp các giỏ hàng ngay hàng thẳng lối rồi, cô bé đứng thở một hơi cho hết mệt, rồi bắt đầu nói chuyện huyên thiên. Mà cô ta ăn nói có duyên quá nên mắt ai cũng cứ nhìn dính vào hai cái môi hơi dầy của cô ta.
Tất cả nhân viên trên xe đều phạm lỗi với sở hỏa xa để giúp cô gái. Thầy xếp tanh thì thổi còi hiệu cho xe chạy trễ vài mươi giây cho cô bé kịp đưa hàng lên, mấy nhân viên khác nhảy cả xuống đất để phụ bà trưởng trạm mà đỡ hàng, còn Hoạt thì cố nhiên tính tiền ba-ga nới tay lắm.
Họ không làm thế không được, vì cô bé ngày nào cũng la bài hãi:
- Thầy xếp ơi, đừng có hại em, khoan thổi tu hít đã!
Nàng vừa đỡ hàng vừa nhìn mấy nhơn viên mà trách móc:
- Mấy anh đứng khoanh lay mà ngó cho đành à?
Còn ai từ chối được trước những lời than không có gì ấy nhưng do một cái miệng chiếm hồn thốt ra, nên lời than hóa thiết tha tuyệt vọng?
Lên xe, Hoạt cứ theo đúng luật mà lấy tiền chở hàng. Nhưng cô bé mếu máo mà rằng:
- Trời, thầy cho em kiếm chút ít lời, nuôi con chớ!
Thật là cô bé quá quắt. Nó còn son như trái chuối cau mới hườm hườm trên buồng, mà nó dám cả gan nói láo là có con.
- Mấy đứa? Hoạt cười hỏi.
- Thưa thầy em mới được nửa chục có đầu thôi. Còn nói theo lối thầy soát vé người miền Bắc thì là em mới được nửa tá con.
Cả goong cười ồ lên. Thế rồi Hoạt đưa vé theo giá bằng hữu.
Mà bằng hữu thật đó. Trên xe chỉ có Hoạt là trẻ nhứt, là "có đường tương chao" nhứt, nên ngày nào cô bé cũng tặng chàng vài trái mận to bằng nắm tay và ngọt không kém gì lê, lý.
Ân huệ mà Hoạt ban cho nàng mỗi chuyến xe, đáng kể hơn ân huệ của người khác nhiều. Đỡ tiền ba-ga tức là được lời nhiều hơn.
Nên chi họ thông cảm nhau dữ lắm và rù rì với nhau mãi từ trạm lên tới Sài Gòn.
Nhưng tuy có "đường tương chao" mà Hoạt chẳng xơ múi được gì. Con bé tự vệ rất khôn ngoan. Thành trì của nó không kiên cố lắm để cho kẻ xung phong nản chí bỏ đi, nhưng vừa đủ bền vững để đánh lui một cách nhè nhẹ mọi cuộc hãm thành, mà nó đánh bằng cái nắm tay sắt có bọc gòn, êm ả vô cùng, nhưng đoán được là ghê gớm lắm khiến Hoạt phải nể không dám bạo quá.
Con bé có tấm thân như tượng đúc ấy, vì vậy giống một cái bánh ngọt để trong tủ kiếng, thấy được mà khó lòng chiếm.
Thế nên Hoạt lại càng thèm, càng mê.
Chàng đếm ngày qua như anh hà tiện mỗi đêm mỗi đếm lại gói bạc. Sáu tháng nữa là chàng đủ tiền lập gia đình. Chàng sẽ xin cưới cô hàng, và sẽ an phận với nghề soát vé mãi cho tới già vì được một người vợ như vậy là hạnh phúc nhứt đời rồi.
Một ngày qua, hai ngày qua, ba ngày qua...
Nhưng tai họa bỗng xảy đến bất thình lình. Đường xe lửa bị bỏ, chàng sẽ được thuyên chuyển lên miền Trung.
Hôm qua vắng khách, chàng đánh bạo đặt tay lên vai con bé mà kêu:
- Em!
Con bé ngước lên, mặt buồn dàu dàu, mắt rưng rưng lệ.
- Em sẽ nhớ anh chớ? Chàng hỏi.
- Sao lại không.
- Buồn chết đi em ơi!
Con bé òa lên khóc giây lâu mới nói được:
- Ba em cờ bạc làm nợ tới mấy chục ngàn. Nếu còn con đường xe lửa nầy thì trong sáu tháng em trả dứt nợ ấy. Nhưng tình thế đã như vậy thì...
Chàng căn dặn:
- Mai nầy chuyến xe sớm, em lên hàng không gặp anh. Anh soát mấy chuyến khác, có cả chuyến xe cuối, đi qua trạm em vào lúc chiều. Em nên có mặt để anh nhìn giây lát nhé!
- Dạ, em không quên đâu.
Qua khỏi Trung Lương một đỗi, xe ngừng tại trạm cây da bến lòng của Hoạt.
Từ một nhà lá lụp xụp kia, tiếng ai hát ru con:
Ù ơ, Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành,
Tàu Tây lủng dáy anh mới đành xa em.
Lời thề của một anh tình nhân ngày xưa, bây giờ đã thực hiện. Trời ơi, nhưng chàng có thề đâu mà phải mắc lời thề?
Đường xe lửa nầy đã lâu đời lắm nên người ta mới chỉ nó mà thề thốt, mỗi khi yêu đương, cho đến thành ca dao, thành câu hát. Xe lửa Mỹ và tàu Tây kiên cố như thế sao lại bung vành làm chi cho người ta phải đứt ruột?
Tiếng hát lại tiếp:
Ù ơ. Đại mộc lưu giang bất đắc hồi cố dã.
Cây ngã trôi sông
Đâu còn mong trở lại
Anh thuận gió xuôi buồm...
Hoạt cảm giác như chính con bé đang hát lời ấy để kêu than. Anh lẩm bẩm cãi: "Không, thế nào anh cũng trở lại để cưới em".
Bác trưởng trạm mặc một chiếc áo bành tô bằng nỉ đã lủng lỗ nhiều nơi, tay thọc vào túi áo cho ấm, thẫn thờ bước ra ngó lên xe để tìm người quen.
Từ anh chụm lửa đến anh lái xe và người tiếp tanh ai cũng gọi:
- Bác xếp ơi, ở lại mạnh giỏi nhé!
Họ thì thuyên chuyển đi nơi khác còn những ông trưởng trạm nầy, lương hướng ít quá, nên quyết ở lại làng mạc để sống nhờ nghề khác.
Trưởng trạm rưng rưng lệ, rút tay ra vẫy và nói lớn:
- Anh em đi mạnh giỏi nha!
Bỗng từ đằng sau tiệm chạp phô, bóng thiếu nữ xinh đẹp hiện ra, thiếu nữ mà ai cũng mong đợi được nhìn lần chót.
Nhưng thiếu nữ lại ẵm một đứa bé độ bảy tám tháng, con của nhà hàng xóm nào chắc. Mọi trái tim đều hồi hộp, mọi trí não đều cố tìm một câu giã từ cho đậm đà.
Hoạt thì quyết làm thinh, chỉ nhìn nàng một cách đắm đuối thôi, và chắc nàng sẽ hiểu tất cả đau thương thầm lặng của anh qua cái nhìn hùng biện ấy.
Thiếu nữ ra sân trạm, tươi cười như ngày nào. Khi nàng đến sau lưng một người con trai cởi trần đang đứng nhìn xe, nàng nói:
- Ba nó ẵm con cho em nói chuyện chút!
Trời ơi! Mọi người đều kêu thầm lên tiếng đó. Riêng Hoạt chàng nghe sàn gỗ của goong xe như làm bằng sáp và đang mềm, đang lún xuống dưới chơn chàng.
Người con trai đỡ lấy đứa bé xong, thiếu nữ vẫy tay cố cao giọng mà la vói lên:
- Từ biệt quý thầy nha, quý thầy đi mạnh giỏi nha.
Nàng cười, nhưng môi hơi máy động vì một cảm xúc dầu sao cũng không khỏi có. Nàng ở lại sống vui với chồng con, nhưng không khỏi nao nao buồn giùm nỗi thất vọng của những người mà nàng nuôi ảo mộng từ bao lâu nay bằng sự giấu nhẹm tình trạng gia đình.
Bỗng đôi mắt nàng bắt gặp đôi mắt không hồn của Hoạt, hắn đang ngó nàng mà ý nghĩ ở đâu đâu. Nàng buồn nét mặt lại và cái nhìn của nàng dường như nói thầm:
- Em xin lỗi anh!
Không, nàng không có lỗi gì cả. Có ai hỏi nàng có chồng có con chưa bao giờ đâu và nàng có trả lời lần nào đâu mà bảo rằng nàng nói láo để gạt gẫm ai.
Tại ai cứ đinh ninh là thế thì bây giờ phải vỡ mộng ra ấy chớ. Hôm qua nàng có khóc thật đó. Nhưng nàng khóc vì sầu món nợ của cha mẹ nàng chưa trả được, ai bảo cứ tưởng nàng khóc hận chia ly?
Chiếc xe dài thậm thượt mang rất nhiều vật liệu và dụng cụ ấy lại chuyển mình. Nó khởi hành mau lẹ chớ không bịn rịn kẻ ở lại làng quê. Anh lái xe hình như cũng thất vọng nên hậm hực cho đoàn xe giựt chạy mau.
Chuyến xe cuối cùng của nửa thế kỷ băng đồng mang theo trên các goong những ấn tượng nặng nề về một thôn nữ tinh ranh đã cho họ uống cầm thực nay một giọt, mai một giọt, cái thứ nước cam lồ tình ái viễn vông, để nàng buôn bán dễ dàng hầu nuôi nửa tá con dại.
Bỗng Hoạt cười. Đây không phải là chuyến xe cuối cùng nữa, mà là chuyến xe đầu tiên mà nhờ nó chàng đã học được một mớ kinh nghiệm ở đời Chuyến-xe-đời trước nhứt này đã cho chàng chạm trán với sự thực không quá nên thơ như chàng ngỡ. Tai nạn đụng chạm này - may quá - chỉ gây thương tích nhè nhẹ thôi, không một nạn nhân nào bị chở đi dưỡng đường hết. Tất cả đều là ảo ảnh.
Ngày mai mọi vết thương sẽ lành,và trên đường Trung Việt, chàng sẽ gặp nhiều cô gái khác, có lẽ tinh ranh hơn. Nhưng chàng chỉ yêu họ vừa vừa thôi, sẽ đắn đo, dè dặt. Chàng sẽ không nhắm mắt đâm đầu mà yêu nữa, nó sẽ bớt thú vị biết bao nhiêu, nhưng đỡ bị thương khi nào có tai nạn đụng chạm.
Ngày mai! Biết đâu trên một ga hẻo lánh như ga Mường Mán chẳng hạn, chàng sẽ không gặp một sơn nữ thơm phức hương vị của núi rừng? Chàng sẽ không gặp một cô gái Hời mà nỗi hờn vong quốc dường như còn quyện trong đôi mắt huyền bí như rừng sâu xa thẳm bên đường rầy?
Hoạt thò đầu ra cửa sổ, nhìn về hướng trạm X. Trạm chỉ còn là một cái chấm nhỏ. Cô gái ẵm con đã mất dạng đâu rồi, mưa lấm tấm rơi, nhưng Hoạt lại hết buồn. Chàng kêu lên khe khẽ:
- Em! Bà thầy dạy ái tình của anh ơi!
Rồi chàng cười lên ha hả và lẩm bẩm một mình:
- Thế là còn hơn nó son rỗi! Mình ra đi, không còn luyến tiếc gì nữa cả!
Rồi xăng xái chàng bước qua goong khác. Tất cả bạn cùng xe gặp nhau đều lặng cười không ai nói với ai điều gì, nhưng họ ngầm hiểu nhau nỗi thất vọng vừa qua.
Bác xếp-tanh ngâm:
Ra đường thiếp hãy còn son
Về nhà thiếp đã một con với chàng.
- Mà lạ, sao mình không thấy chồng nó bao giờ?
- Chắc hắn đi làm đâu, thỉnh thoảng mới về một lần.
- Đố các cha, nó được mấy đứa?
- Cái thứ đó thì dầu có sáu lứa vẫn còn son như thường. Có thứ đờn bà hình như là đã được ai cho thuốc trường xuân.
Diễm Phượng Diễm Phượng - Bình Nguyên Lộc Diễm Phượng