Chương 2
huở nhỏ, tôi không được vui vẻ cho lắm dù thi thoảng tôi cũng thấy hài lòng. Tôi sống trong sách nhiều hơn ở bất cứ nơi nào khác.
Nhà chúng tôi rộng và có nhiều phòng, chuyện đó thì hay khi bố mẹ mới mua nhà và bố tôi có tiền, về sau thì không.
Một chiều nọ, bố mẹ gọi tôi vào phòng ngủ riêng một cách rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ chắc mình đã làm chuyện gì sai quấy nên vào để nghe rầy la, nhưng không phải: bố mẹ chỉ nói với tôi là bố mẹ không còn dư dả nữa, là trong nhà ai cũng sẽ phải chịu thiệt thòi, và thứ tôi sẽ chịu thiệt thòi là phòng ngủ, căn phòng bé xíu ở đầu cầu thang. Tôi buồn xo: phòng ngủ của tôi có cái bồn rửa mặt màu vàng bé tí bố mẹ ráp vào cho, nhỏ vừa bằng cỡ tôi; căn phòng nằm bên trên nhà bếp và ở ngay đầu cầu thang dẫn xuống phòng xem tivi nên đêm đêm tôi không thấy lẻ loi vì được nghe tiếng người lớn trò chuyện rì rầm thật dỗ dành vọng lên cầu thang, luồn qua cửa phòng hé mở. Còn nữa, trong phòng ngủ của tôi, không ai phản đối gì khi tôi để cửa hé mở ra hành lang, vừa đủ cho ánh sáng lọt vào để tôi đỡ sợ bóng tối, và quan trọng chẳng kém, để nếu cần thì tôi còn được lén đọc sách trong ánh đèn hành lang lờ mờ sau giờ lên giường. Đọc sách thì bao giờ tôi cũng cần.
Bị lưu đày tới phòng ngủ rộng thênh của nhỏ em nhưng tôi không thấy đau lòng. Trong đó đã kê sẵn ba chiếc giường, tôi chọn chiếc sát bên cửa sổ. Tôi thích việc mình có thể trèo qua cửa sổ phòng ngủ đó ra phần ban công dài xây bằng gạch, hay việc khi ngủ tôi được mở cửa sổ để cảm nhận gió mưa trên mặt. Nhưng hai anh em tôi cứ hay tranh cãi, chuyện gì cũng cãi nhau. Con bé lại thích đóng cửa ra hành lang khi ngủ nên mẹ tôi đã giải quyết nhanh gọn những tranh cãi trước mắt về chuyện đóng cửa hay mở cửa bằng cách ghi ra một bảng sắp xếp luân phiên nhau những ngày để cửa theo ý tôi hay nhỏ em rồi treo sau cửa. Mỗi đêm, tùy xem cửa mở hay đóng mà tôi sung sướng hay khiếp đảm theo.
Căn phòng ngủ của tôi ở đầu cầu thang thì để cho thuê, rồi thì đủ hạng người đã dùng qua nó. Tôi quan sát tất cả bọn họ với vẻ nghi ngờ: họ đang ngủ trong phòng của tôi, dùng bồn rửa mặt màu vàng nhỏ xíu vừa đúng cỡ tôi. Có một bà người Áo béo ú nói với nhà tôi là bà ta có thể bỏ đầu mình lại rồi đi loanh quanh trên trấn nhà; một sinh viên kiến trúc từ New Zealand đến; một cặp người Mỹ mà mẹ tôi bắt phải dọn đi vì thấy chướng tai gai mắt khi mẹ phát hiện thực ra họ chưa phải vợ chồng; còn bây giờ thì có ông thợ mỏ đá mắt mèo.
Ông ta là người Nam Phi, mặc dù ông ta từng đào mỏ tìm đá mắt mèo kiếm sống ở Úc. Ông ta cho hai anh em tôi mỗi đứa một viên đá mắt mèo, loại đá đen xù xì có ánh lửa lục lam đỏ bên trong. Em tôi thích ông ta vì chuyện này và luôn nâng niu viên đá mắt mèo của mình. Tôi thì không sao tha thứ được cho ông ta vì đã làm mèo con chết.
Hôm ấy là ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ xuân: ba tuần không phải đi học. Tôi dậy sớm, lòng rộn ràng vì cái viễn cảnh sẽ được sử dụng những ngày dài bất tận thế nào tùy thích. Tôi sẽ đọc sách. Tôi sẽ thám hiểm.
Tôi tròng quần cộc với áo thun lên người và mang xăng đan vào. Tôi đi xuống nhà và vào phòng bếp. Bố tôi đang làm bếp trong khi mẹ còn ngủ thêm. Bố khoác áo choàng bên ngoài bộ đồ ngủ. Bố luôn nấu bữa sáng vào những hôm thứ Bảy. Tôi hỏi, “Bố ơi! Truyện tranh của con đâu?” Thứ Sáu nào bố cũng mua cho tôi một cuốn tuần san truyện tranh SMASH! trước khi lái xe về nhà, rồi tôi sẽ đọc nó vào sáng thứ Bảy.
“Để sau xe ấy. Con muốn ăn bánh mì nướng không?”
“Dạ có,” tôi nói. “Nhưng không bị khét nhé.”
Bố tôi không thích dùng máy nướng bánh mì. Bố nướng bánh mì bằng lò nướng nên thường là bố làm cháy bánh.
Tôi bước ra ngoài lối vào nhà. Tôi nhìn quanh quất. Tôi trở vào nhà, đẩy cánh cửa bếp rồi đi vào. Tôi thích cánh cửa bếp. Nó bật ra theo cả hai hướng vào và ra nên những người hầu sáu mươi năm về trước có thể bước ra bước vào, hai cánh tay chất đầy những chiếc đĩa trống hay có thức ăn.
“Bố ơi? Xe đâu mất rồi?”
“Ở ngoài lối vào ấy.”
“Không, không có.”
“Hả?”
Điện thoại reo nên bố tôi đi ra hành lang để nghe máy. Tôi nghe thấy bố nói chuyện với ai đó.
Bánh mì nướng trong lò bắt đầu tỏa khói.
Tôi đứng lên ghế rồi tắt vỉ nướng.
“Cảnh sát gọi,” bố nói. “Có người vừa trình báo là thấy xe nhà mình bị bỏ lại cuối đường làng. Bố nói bố còn chưa đi trình báo là xe bị mất cắp nữa mà. Được rồi. Giờ bố con mình sẽ xuống gặp họ ở đó. Bánh mì nướng!”
Bố rút cái chảo từ trong lò ra. Miếng bánh mì nướng đang bốc khói và cháy thui một mặt.
“Cuốn truyện tranh của con có ở đấy không? Hay là họ lấy cắp mất rồi?”
“Bố biết đâu nào. Cảnh sát không nhắc tới cuốn truyện tranh của con.”.
Bố tôi phết bơ đậu phộng lên mặt bánh mì bị nướng khét, cởi áo choàng ngủ ra, mặc áo khoác vào bên ngoài bộ đồ ngủ, xỏ giày, rồi hai bố con cùng bước xuống đường làng. Bố vừa đi vừa nhai tóp tép miếng bánh mì của mình. Tôi thì chỉ cầm bánh chứ không ăn.
Chúng tôi đi được độ năm phút xuôi con đường làng hẹp chạy giữa những cánh đồng ở hai bên thì một chiếc xe cảnh sát chạy lại sau lưng. Nó chạy chậm lại, rồi ông cảnh sát gọi bố tôi và nói lời chào.
Tôi giấu miếng bánh khét ra sau lưng, còn bố nói chuyện với ông cảnh sát. Tôi ước gì gia đình mình mua loại bánh mì trắng cắt lát bình thường để đưa vào máy nướng bánh mì như bao gia đình khác mà tôi biết. Bố tôi tìm được một tiệm bánh trong vùng làm ra những ổ bánh mì nâu vừa dày vừa nặng, vậy là bố cứ nhất quyết mua thứ đó. Bố nói mùi vị nó ngon hơn, mà theo như tôi thấy thì chuyện ấy thật ngớ ngẩn. Bánh mì đúng chuẩn có màu trắng, cắt lát sẵn và hầu như không có mùi vị gì: đó mới là điểm chính.
Ông cảnh sát bước xuống xe, mở cửa bên ghế hành khách rồi bảo tôi lên. Bố tôi ngồi đằng trước, bên cạnh ghế người lái.
Chiếc xe cảnh sát chạy chậm xuôi đường làng. Hồi ấy, cả con đường làng vẫn chưa được tráng nhựa, chỉ vừa đủ rộng cho từng xe một đi qua, một con đường đầy vũng nước, dốc ngược, mấp mô, đá vụn lởm chởm, bị mấy thứ thiết bị đồng áng rồi mưa gió và thời gian cày thành rãnh cả.
“Bọn nhóc này,” ông cảnh sát nói. “Chúng tưởng vậy là buồn cười lắm. Ăn cắp xe, chạy quanh chơi, vứt lại đó. Chúng là dân trong vùng đây mà.”
“Tôi chỉ thấy mừng là tìm lại được xe nhanh như vậy,” bố tôi nói.
Khi chúng tôi chạy xe ngang trang trại Caraway, một cô bé có mái tóc vàng sáng đến nỗi gần như bạch kim và hai má đỏ au ngây người nhìn chúng tôi đi qua. Tôi đặt miếng bánh khét xuống đùi.
“Thế nhưng thật lạ là chúng lại bỏ xe dưới này,” ông cảnh sát nói. “Vì từ đây mà về lại đâu thì cũng xa cả.”
Chúng tôi vừa đi qua một khúc quanh trên đường làng thì thấy chiếc xe Mini trắng ở tít bên kia đường, đằng trước cánh cổng dẫn vào một cánh đồng, lốp xe lún sâu trong bùn nâu. Chúng tôi chạy quá nó một đoạn rồi đậu xe bên vệ cỏ. Ông cảnh sát mở cửa cho tôi xuống, rồi ba người chúng tôi bước tới chỗ chiếc Mini, trong khi ông cảnh sát nói cho bố tôi nghe về tội phạm trong vùng này và vì sao rõ ràng là bọn trẻ trong vùng làm chuyện đó, rồi bố tôi lấy chìa khóa dự phòng mở cửa hông bên ghế hành khách.
Bố nói, “Có ai bỏ lại cái gì ở ghế sau này.” Bố tôi thò tay rút tấm chăn xanh phủ cái thứ ở ghế sau ra ngay cả khi ông cảnh sát nói là bố không nên làm vậy, còn tôi thì đang nhìn chằm chặp ra ghế sau vì đó là nơi để cuốn truyện tranh của tôi, thế là tôi thấy nó.
Thứ tôi đang nhìn là một cái, không phải một bắn.
Mặc dù là đứa trẻ giàu trí tưởng tượng và hay gặp ác mộng nhưng hồi sáu tuổi, tôi cũng đã thuyết phục được bố mẹ dẫn đi xem Bảo tàng Sáp Madame Tussauds ở Luân Đôn vì tôi muốn đến xem Ngục Tra Khảo, mong được thấy những ngục tra khảo lớn như trong phim ảnh mà tôi thường đọc trong mấy cuốn truyện tranh. Tôi đã muốn được hào hứng đến run người trước những bức tượng sáp quỷ Dracula, Frankenstein và Người Sói. Thế mà tôi lại được dẫn đi xem cả chuỗi dài lê thê các cảnh dựng mô tả những người đàn ông đàn bà mặt mày cau có và tầm thường, tất cả đều đã giết người nạn nhân thường là khách trọ và người nhà của họ - rồi đến lượt họ cũng bị xử tử: bằng cách treo cổ, bằng ghế điện, trong phòng hơi ngạt. Hầu hết bọn họ cùng với các nạn nhân được đặt trong những tình huống khó xử - họ ngồi ở quanh bàn ăn khi người nhà bị họ đầu độc rồi tắt thở chẳng hạn. Mấy tấm bảng chú thích nhỏ còn cho tôi biết rằng hầu hết những người này đã giết người nhà rồi đem xác bán cho bên giải phẫu. Đó là lúc cái từ giải phẫu tích tụ dần dần vẻ ghê rợn đối với tôi. Tôi không biết giải phẫu là gì. Tôi chỉ biết giải phẫu khiến người ta giết con cái mình.
Khi được dẫn đi xem, điều duy nhất khiến tôi không vừa kêu thét vừa bỏ chạy ra khỏi Ngục Tra Khảo là không có tượng sáp nào trông giống hệt như thật cả. chúng không làm sao trông như chết rồi được, bởi chúng chưa bao giờ trông như có sự sống.
Cái thứ bị tấm chăn xanh phủ lên ở ghế sau (tôi biết tấm chăn đó. Nó là cái chăn trong phòng ngủ của tôi lúc trước, cất trên giá, để dành khi trời trở lạnh) trông cũng không thật. Trông nó hao hao giống ông thợ mỏ đào đá mắt mèo, nhưng nó lại mặc bộ comple đen, áo sơ mi trắng có điểm xếp nếp và thắt nơ bướm đen. Tóc nó chải láng ra sau và bóng một cách giả tạo. Hai mắt nó trợn trừng. Cặp môi nó xanh xao, nhưng da thì đỏ nọc. Nó trông như một thứ xác ướp. Quanh cổ nó không có sợi dây chuyền vàng.
Bên dưới nó, tôi thấy cuốn SMASH! của mình nhàu nát cong queo cả lên, trên bìa có hình Người Dơi trông hệt như trên tivi.
Tôi không nhớ lúc ấy ai nói gì, chỉ nhớ là họ bắt tôi tránh xa chiếc Mini ra. Tôi bước qua bên kia đường rồi đứng đó một mình trong khi ông cảnh sát nói chuyện với bố tôi và ghi lại gì đó vào một cuốn sổ.
Tôi cứ nhìn chiếc Mini. Một khúc ống nước màu xanh lá dùng trong vườn chạy từ ống xả đến chỗ cửa sổ bên phía tài xế. Bùn nâu đóng bánh khắp ống xả, giữ yên ống nước một chỗ.
Không có ai nhìn tôi. Tôi cắn một miếng bánh mì nướng. Nó bị khét và nguội ngắt rồi.
Ở nhà, cứ miếng bánh nào bị khét nhiều nhất là bố ăn hết. Bố thường nói, “Ngon ơi là ngon!” rồi “Than ư! Tốt chứ sao!” và “Bánh mì khét! Món bố thích ăn nhất!” rồi sau đó ăn hết cả miếng. Khi tôi đã khôn lớn hơn nhiều thì bố mới thú thật với tôi là bố chưa bao giờ thích bánh khét cả, rằng bố chỉ ăn để khỏi bỏ phí thôi, vậy là trong chớp mắt, tôi cảm thấy như cả tuổi thơ của mình là một sự dối trá: như thể một trong những cột trụ niềm tin xây nên thế giới của tôi đã vỡ vụn thành cát khô.
Ông cảnh sát nói vào điện đài đằng trước xe.
Rồi ông ta băng qua đường đi lại chỗ tôi. “Chú rất tiếc về chuyện này, cháu ạ,” ông ta nói. “Chốc nữa sẽ có thêm mấy xe chạy xuống đường này. Bọn chú phải kiếm cho cháu chỗ nào để chờ mà không gây cản trở. Cháu có muốn lại ngồi vào sau xe chú không?”
Tôi lắc đầu. Tôi không muốn ngồi trong đó nữa.
Có ai đó, một đứa con gái, nói, “Để em ấy đi với cháu về đằng nhà cháu cũng được. Chẳng phiền gì đâu ạ.”
Cô bé lớn hơn tôi nhiều, ít nhất cũng đã mười một tuổi. Mái tóc nâu đỏ của cô bé khá ngắn so với lũ con gái, cái mũi thì hếch. Mặt cô bé đầy tàn nhang. Cô bé mặc chiếc váy đỏ - thời ấy, con gái ở những vùng đó không mấy khi mặc quần jean. Cô bé nói giọng vùng Sussex nhỏ nhẹ và có đôi mắt xanh xám sắc sảo.
Ông cảnh sát đi cùng cô bé lại chỗ bố tôi, rồi cô bé được phép dẫn tôi đi, và thế là tôi cùng cô bé bước dọc đường làng.
Tôi nói, “Trong xe nhà em có người chết.”
“Vì vậy mà ông ta xuống đây,” cô bé bảo tôi. Cuối đường. Quanh đây sẽ chẳng ai bắt gặp mà ngăn ông ta lại lúc ba giờ sáng. Bùn ở đó lại ướt và dễ đóng bánh.”
“Chị nghĩ ông ta tự sát sao?”
“Phải. Em có thích uống sữa không? Bây giờ bà đang vắt sữa con Bessie đấy.”
Tôi hỏi, “Ý chị nói là sữa từ bò thật ấy hả?” rồi cảm thấy mình thật ngu ngốc, nhưng cô bé gật đầu, vẻ trấn an.
Tôi ngẫm nghĩ chuyện này. Tôi chưa từng uống sữa mà không lấy từ trong chai ra. “Em nghĩ là em thích.”
Chúng tôi ghé vào một chuồng bò nhỏ, một bà cụ đang đứng bên con bò, bà già hơn bố mẹ tôi nhiều, tóc dài bạc trắng như tơ, gương mặt gầy guộc. Có những cái ống đen dài gắn vào hai hàng vú bò. “Trước đây, nhà chị vắt sữa bò bằng tay,” cô bé bảo tôi. “Nhưng thế này thì dễ hơn.”
Cô bé chỉ cho tôi xem sữa từ con bò chảy xuống mấy ống đen rồi vào một cái máy, qua một thùng làm lạnh rồi vào những thùng đựng sữa to tướng bằng kim loại. Mấy thùng đựng sữa được để lại trên bệ gỗ nặng trịch bên ngoài chuồng bò, mỗi ngày sẽ có một xe tải đến lấy đi.
Bà cụ cho tôi một cốc sữa béo ngậy vắt từ con bò Bessie, sữa còn tươi, chưa đi qua thùng làm lạnh. Trước giờ, tôi chưa từng uống thứ gì có mùi vị như vậy: đậm đà, âm ấm và hết sức dễ chịu trong miệng. Tôi vẫn còn nhớ vị sữa đó khi đã quên hết mọi thứ khác.
“Họ còn mấy người nữa ở đầu đường làng đấy,” bất chợt bà cụ nói. “Đủ thứ người xuống rối lại còn đèn chớp với nháy loạn cả lên. Đúng là nhắng nhít, cháu dẫn thằng bé vào bếp đi. Nó hãy còn đói đấy, một cốc sữa thì chẳng thấm béo gì với một thằng đang tuổi ăn tuổi ngủ đâu.”
Đứa con gái hỏi, “Em đã ăn gì chưa?”
“Mới có một mẩu bánh mì nướng thôi. Nó còn bị khét nữa.”
Cô bé nói, “Chị tên là Lettie. Lettie Hempstock. Đây là trang trại nhà Hempstock. Đi nào.” Cô bé dẫn tôi qua cửa trước vào nhà rồi bước vào căn bếp rộng thênh thang, cho tôi ngồi bên một chiếc bàn gỗ to, loang lổ vằn vện đến độ cứ như có những gương mặt đang nhìn lên tôi từ trong thứ gỗ lâu đời đó vậy.
“Nhà chị ăn sáng ở đây hồi sớm rồi,” cô bé nói. “Bắt đầu vắt sữa từ lúc trời hửng sáng. Nhưng có cháo trong nồi đấy, cả mứt để ăn kèm nữa.”
Cô bé đưa cho tôi một bát sứ đầy cháo còn ấm lấy trên mặt lò, ở giữa có một thìa mứt quả mâm xôi nhà làm, món tôi ưa thích nhất, rồi cô bé rót kem vào. Tôi dùng thìa khuấy soàn soạt trước khi ăn, trộn tất cả lại thành thứ hỗn hợp có màu tím rồi thấy cũng hài lòng như mọi lần tôi thấy hài lòng về bất cứ chuyện gì. Nó có mùi vị không chê vào đâu được.
Một người phụ nữ có vóc người chắc nịch bước vào. Mái tóc của bác màu nâu đỏ, đã ngả muối tiêu và cắt ngắn. Hai má bác tròn và hây hây, chiếc váy xanh lục dài xuống tới đầu gối, chân mang ủng cao su cao cổ. Bác nói, “Chắc đây là thằng bé sống ở đầu đường làng. Đúng là đủ thứ chuyện đang xảy ra với cái xe đó. Năm người họ sẽ cần uống trà bây giờ đấy.”
Lettie hứng nước ở vòi vào một ấm đồng to. Cô bé quẹt diêm châm lửa bếp ga rồi bắc ấm lên bếp. Đoạn, cô bé lấy trên tủ chén xuống năm cái ca sứt mẻ rồi ngập ngừng nhìn người phụ nữ. Bác nói, “Con đúng đấy. Sáu người. Cả ông bác sĩ cũng sẽ đến đây.”
Rồi người phụ nữ mắm môi và làm một tiếng chậc! “Họ bỏ sót tờ thư rồi,” bác nói. “Ông ta viết cũng rất là cẩn thận, xếp lại bỏ trong túi ở ngực áo, vậy mà họ vẫn chưa lục soát ở đó.”
“Thư nói gì vậy ạ?” Lettie hỏi.
“Con tự đọc đi,” bác nói. Tôi nghĩ bác là mẹ của Lettie. Trông bác giống như mẹ của ai đó. Rồi bác nói, “Nó viết rằng ông ta đã cầm hết tiền mà bạn bè đưa cho ông ta để mang khỏi Nam Phi và nhờ gửi vào ngân hàng ở Anh giùm họ, cùng với tất cả số tiền ông ta kiếm được suốt bao năm trời đào mỏ tìm đá mắt mèo, rồi ông ta đến sòng bài ở Brighton để đỏ đen, nhưng ông ta chỉ định đánh bạc bằng tiền của mình thôi. Thế rồi, ông ta chỉ định động đến tiền của bạn bè đưa cho đến bao giờ kiếm lại được số tiền đã thua.”
“Thế rồi, ông ta chẳng còn gì sất,” người phụ nữ nói, “và mọi sự đều tối tăm mịt mù.”
“Dù sao thì ông ta cũng không viết như vậy,” Lettie nói, mắt nheo nheo. “Ông ta viết là,
‘Gửi tất cả các bạn,
Tôi rất lấy làm tiếc rằng chuyện đã không như tôi
định bụng và mong các bạn sẵn lòng tha thứ cho tôi
vì tôi không thể nào tha thứ cho mình.’ ”
“Cũng vậy cả thôi,” người phụ nữ đứng tuổi nói. Bác quay qua tôi. “Ta là mẹ của Lettie,” bác nói. “Chắc con gặp mẹ ta rồi, trong nhà kho vắt sữa ấy. Ta là bác Hempstock, còn bà ấy là bác Hempstock trước cả ta nên giờ bà ấy là bà Hempstock. Đây là trang trại Hempstock. Nó là trang trại lâu đời nhất vùng này. Nó có trong Sổ Điền Thổ* đấy.”
Tôi thắc mắc vì sao mà mấy người phụ nữ này ai cũng được gọi là Hempstock, nhưng tôi không hỏi, cũng như tôi không định hỏi làm sao mà họ biết chuyện lá thư tuyệt mệnh hay người thợ mỏ đá mắt mèo nghĩ gì trước lúc chết. Họ thấy chuyện đó rất hiển nhiên.
Lettie nói, “Con đã huých ông ta ra để nhìn vào túi ở ngực áo. Ông ta sẽ tưởng tự ông ta nghĩ ra chuyện đó.”
“Giỏi lắm,” bác Hempstock nói. “Khi nào ấm nước sôi, họ sẽ tới đây để hỏi xem ta có thấy gì bất thường không và dùng trà. Sao con không dẫn thằng bé xuống đằng ao đi?”
“Đó đâu phải ao,” Lettie nói. “Nó là đại dương của con.” Cô bé quay qua tôi nói, “Đi nào.” Cô bé dẫn tôi ra khỏi nhà theo lối chúng tôi vừa vào.
Ngày vẫn còn xám xịt.
Chúng tôi đi vòng quanh nhà, xuôi theo lối bò đi.
“Nó là đại dương thật sao?” tôi hỏi.
“Ồ thật chứ,” cô bé nói.
Bất thình lình, chúng tôi gặp nó: một nhà kho bằng gỗ, một băng ghế cũ kỹ, và ở giữa là một ao vịt, nước ao đen ngòm điểm bèo tấm và hoa súng. Có một con cá chết, màu bạc như đồng tiền, nằm nghiêng lềnh bềnh trên mặt nước.
“Vậy là không hay rồi,” Lettie nói.
“Em tưởng chị nói nó là đại dương,” tôi nói với cô bé. “Thật ra thì đó chỉ là cái ao mà thôi.”
“Nó là đại dương,” cô bé nói. “Lúc chị mới chào đời, nhà chị đã từ vùng đất xưa vượt đại dương đến đây.”
Lettie đi vào nhà kho rồi trở ra cùng một cây sào tre dài, một đầu có thứ gì đó trông như lưới đánh bắt tôm. Cô bé cúi người xuống, cẩn thận đưa tấm lưới xuống dưới con cá chết. Cô bé kéo nó lên.
“Nhưng trang trại Hempstock có trong Sổ Điền Thổ,” tôi nói. “Mẹ chị đã nói thế. Mà đó là từ thời William Chinh Phạt*.”
“Phải,” Lettie Hempstock nói.
Cô bé lấy con cá chết trên lưới ra săm soi. Con cá vẫn còn mềm, chưa cứng đờ, quẫy lóc bóc trong tay cô bé. Tôi chưa bao giờ được thấy nhiều màu sắc như vậy: nó màu bạc, phải, nhưng bên dưới ánh bạc là màu xanh lam, xanh lục và tím, rồi mỗi vảy lại có điểm ít màu đen.
“Nó là loại cá gì vậy?” tôi hỏi.
“Chuyện này rất kỳ lạ,” cô bé nói. “Ý chị là, dù sao thì cá trong đại dương này thường không chết.” Cô bé lấy ra một con dao bỏ túi có cán bằng sừng thú, mặc dù tôi không làm sao cho bạn biết là từ đâu được, rồi cô bé đâm dao vào bụng con cá và xẻ dọc đến tận đuôi.
“Cái này làm nó chết đây,” Lettie nói.
Cô bé moi trong ruột con cá ra cái gì đó. Rồi cô bé đặt thứ vẫn còn dính mỡ từ ruột cá đó vào tay tôi. Tôi cúi xuống, nhúng nó vào nước, đưa mấy ngón tay kì cọ rửa sạch đi. Tôi ngây người nhìn nó. Gương mặt nữ hoàng Victoria nhìn chằm chằm lại tôi.
“Đồng sáu xu hả?” tôi hỏi. “Con cá ăn một đồng sáu xu sao?”
“Không tốt rồi, đúng không?” Lettie Hempstock nói. Lúc này trời đã hửng chút nắng: soi rọi mấy nốt tàn nhang chụm ngang má và mũi cô bé, và ở chỗ ánh nắng chiếu vào, mái tóc cô bé có màu đồng đỏ. Thế rồi, cô bé nói, “Bố em đang băn khoăn không biết em đang ở đâu đấy. Đến lúc quay về rồi.”
Tôi cố trả đồng sáu xu bằng bạc nhỏ xíu cho cô bé, nhưng cô bé lắc đầu. “Em cứ giữ nó đi,” cô bé nói. Em mua sô cô la hay kẹo chanh được mà.”
“Em không nghĩ là mua được đâu,” tôi nói. “Thế này ít quá. Em không biết bây giờ có cửa hàng nào chịu nhận đồng sáu xu thế này không.”
“Vậy thì bỏ nó vào heo đất đi,” cô bé nói. “Có lẽ nó sẽ đem lại may mắn cho em.” Cô bé nói điều này một cách hoài nghi, tựa hồ cô bé không chắc nó sẽ đem lại may mắn kiểu gì.
Mấy ông cảnh sát với bố tôi cùng hai người đàn ông mặc comple nâu và thắt cà vạt đang đứng trong bếp căn nhà trang trại. Một trong mấy người đàn ông nói với tôi rằng mình là cảnh sát, nhưng ông ta không mặc đồng phục, tôi nghĩ điều này thật đáng thất vọng: tôi mà là cảnh sát thì tôi sẽ mặc đồng phục bất cứ khi nào có thể. Tôi nhận ra người đàn ông mặc comple và thắt cà vạt còn lại là bác sĩ Smithson, bác sĩ của gia đình chúng tôi. Họ đang uống nốt trà.
Bố tôi cảm ơn bác Hempstock và Lettie đã trông coi tôi, họ nói tôi không làm phiền gì cả và bảo tôi cứ đến chơi. Ồng cảnh sát đã chở chúng tôi xuống chỗ chiếc Mini giờ lại đưa chúng tôi về và thả chúng tôi xuống cuối lối vào nhà.
“Có lẽ tốt nhất là con đừng nói chuyện này cho em con biết,” bố tôi nói.
Tôi không muốn kể cho ai nghe chuyện đó cả. Tôi đã tìm được một nơi đặc biệt, có một người bạn mới, bị mất cuốn truyện tranh và đang nắm chặt một đồng sáu xu cổ xưa bằng bạc trong tay.
Tôi hỏi, “Đại dương khác với biển như thế nào vậy bố?”
“Lớn hơn,” bố tôi nói. “Đại dương lớn hơn biển nhiều. Sao thế?”
“Con chỉ đang nghĩ thôi,” tôi nói. “Ta có thể nào có đại dương nhỏ bằng cái ao không?”
“Không đâu,” bố tôi trả lời. “Ao có cỡ của ao, hồ có cỡ của hồ. Biển là biển và đại dương là đại dương. Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương. Bố nghĩ vậy là đủ hết các đại dương rồi.”
Bố tôi đi lên phòng ngủ để nói chuyện với mẹ và gọi điện thoại trên đó. Tôi thả đồng sáu xu vào con heo đất. Nó là một kiểu heo bằng sứ mà ta không thể lấy gì ra được. Một ngày nào đó, khi nó không ních thêm được đồng xu nào nữa, tôi sẽ được phép đập nó ra, nhưng nó thì còn lâu mới đầy.
Đại Dương Cuối Đường Làng Đại Dương Cuối Đường Làng - Neil Gaiman Đại Dương Cuối Đường Làng