Cô Giáo Minh epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3 - Sang “Tân Thế Giới’’
inh bị hai người xốc nách, vực xuống thang gác. Nàng lả người, bước theo, rồi như cái máy, nàng ngồi phịch vào đệm xe ô tô.
Lúc ấy, người ở các nhà gần đó, toàn là những mặt quen cả, xúm lại quanh Minh, chỉ trỏ, ngắm nghía, dòm vào tận mặt nàng, như họ xem một vật mới lạ.
Mùi hoa thơm thoang thoảng nhẹ đưa vào mũi, Minh nhìn hai bên, chợt soi thấy bóng mình thấp thoáng ở mặt kính, cũng trát phấn, cũng bôi son, cũng gọn gàng khăn áo. Nàng lạnh lùng, mỉm cười đau đớn, hỏi Xuân đi phù dâu:
- Dễ thường cổ lai không có ai lấy chồng như tôi đấy nhỉ?
Xuân nhănmặt, không bằng lòng, rồi nói lảng chuyện.
Một đoàn mười chiếc xe hòm, nối đuôi nhau, thong thả, đi từ cuối hàng Bông, quặt sang ngỏ Trạm, đến hàng Vải thâm, rồi rẽ về hàng Giấy, theo hàng Đường, hàng Ngang, hàng Đào, rồi lại về hàng Gai.
Minh cảm tưởng như tên tù ngồi trong củi bị người ta giải đi đày, nàng khoanh tay, thần người, không nghe, mà cũng không nói.
Đoàn xe rước dâu đỗ. Tiếng pháo nổ, khói ngùn ngụt bay lên. Những mảnh giấy màu cánh sen, lăn tăn rắc thành một tầng giấy trên vỉa hè. Tiếng lẹt đẹt liền nhau, luôn trong ngót nửa giờ mới dứt.
- Thôi, mời chị dừng đây.
Thấy Xuân nhắc, Minh ù tai, tê tái, uể oải, đứng lên, thở dài:
- Nào! Thì đứng.
Xuân khuyến khích:
- Lấy chồng là bước sang thế giới mới, sung sướng thay.
Minh cười:
- Phải, sang Tân thế giới!
Nàng đi giữa mọi người, bước theo vào trong làn khói mù mịt, bâng khuâng như sa vào hang chuột bị hun. Lúc ấy, mùi thuốc pháo làm nàng khó thở, thành ra mắt nàng không trông rõ gì, tai nàng không nghe rõ gì, nhưng cũng đoán ra đông người xem nàng lắm. Bất giác nàng thấy thẹn thò e lệ, bèn cúi mặt nhìn xuống, khoan thai vào trong buồng.
Ở trong buồn, cái gì cũng mới mẻ và rực rỡ. Nàng nhờ Xuân khép cửa lại, rồi ngắm. Nàng cảm động nhất khi trông thấy cái giường trải chiếu hoa đỏ cạp điều, mé giáp tường một cái chăn hoa đào xếp gọn ghẽ trên đặt đôi gối xa tanh tiết dê. Gần trần nhà, thì cái màn the màu phớt hồng căng phẳng phiu ở bốn cái lao đầu bịt giấy đỏ.
Nàng đau đớn nghĩ đến mẹ nằm chết trong cái buồng tạnh ngắt, chờ khi đám cưới xong xuôi mới được người ta mó tay đến khâm liệm; càng thấy người ta cười nói nồng nàn, nàng càng thấy trong mình tâm hồn lạnh lẽo.
Một lát, cô Minh và bà cả Tài vào:
- Nào, cô Giáo ra đi lễ.
Minh đứng dậy, theo mọi người, và ngượng nghịu vẫn không dám nhìn ai.
Nàng cứ đến một chiếc chiếu, là ngồi thụp xuống cuống quít vớ tà áo. Hễ người ta ấn đầu xuống là nàng uốn lưng để lễ. Thật ra, nàng chẳng biết lễ những chỗ nào.
Khi trở về buồng, Minh thấy Xuân hằm hằm sa sá mắng:
- Thế mà cũng chịu. Sao chị không biết giữ nhân cách?
Minh ngạc nhiên:
- Làm sao chị?
- Chị chịu lễ mừng tuổi cả chồng chị à? Làm chúng tôi đứng ngoài mà nhục thay!
Minh trợn mắt lên, hoảng hồn.
- Thế à? Khổ quá! Nào tôi có biết gì đâu. Tôi chỉ thấy hai bên chiếu rặt những chân người đứng xem. Thôi chết rồi! Thảo nào, hình như có một người đàn ông ngồi trước mặt tôi, vì tôi nhận ra ở đôi giầy ban, cái ông quần là, và cái vạt cả của hai chiếc áo gấm. Thì ra đó chính là Sanh. Khốn nạn, tôi có để ý gì vào sự lễ bái đâu!
- Phải, mà nét mặt thì vênh váo.
- Sao chị không bảo tôi?
- Thôi, việc qua rồi, không nói đến nữa, thêm bực mình.
- Thế tôi lễ những đâu?
- Trước tiên, thì lễ ở chỗ thờ, sau đến lễ tơ hồng, rồi ra mừng tuổi bà Tuần rồi đến đức lang quân.
Rồi ngẫm nghĩ một lát, Xuân nói tiếp:
- Thế này thì ra lễ nghi lại trái ngược hẳn với lẽ phải. Đáng lẽ đôi trẻ chào nhau trước, rồi tế tơ hồng, đoạn mới chào cha mẹ, và cáo gia tiên sau mới phải chứ nhỉ!
Xuân hỏi Minh:
- Đã hai năm rõ mười đức anh chường chưa? Không đến nỗi đâu, chị ạ.
Minh lắc đầu, chống tay ngơ ngẩn.
Họ nhà gái sau khi uống nước và dùng rượu cùng bánh ngọt, thì cáo từ ra về.
Thím và cô Minh chạy vào buồng dặn Minh:
- Thôi, chị Giáo ở lại, thím và cô về đây.
Minh rộn rạo, ngậm ngùi, rưng rưng khóc:
- Thế thím và cô không xin cho cháu về bây giờ à?
- Ai lại thế. Chúng tôi đưa chị về nhà chồng. Bây giờ là họ nhà gái lại nhà, thì chị về theo sao được.
- Nhưng thím và cô có nói trước với bà Tuần cho cháu không?
- Có. Bà bảo được. Rồi chốc nữa, chị cứ ra mà xin lại nhé. Cả hai vợ chồng cùng về nhé. Ở nhà ta chắc bận lắm, nhưng chị cứ yên tâm.
Minh buồn bã, chào thím, cô và họ hàng bạn hữu, rồi ngồi lại một mình thở dài.
Đồng hồ điểm ba tiếng.
Minh trơ trọi ở trong buồng, buồn quá, mà ruột thì nóng như thiêu đốt. Minh chờ Sanh vào, để bảo xin phép mẹ cho nàng về, nhưng mãi không thấy. Lắng tai nghe nhà ngoài, nàng biết rằng khách đến mỗi lúc một đông. Tiếng nói cười vui vẻ ồ ạt, không nghe rõ gì cả. Thỉnh thoảng, trước cửa buồng nàng, một cái bóng người vụt qua, ra dáng vội vàng, bận rộn.
Chờ mãi hết cả hy vọng, nàng nghĩ:
“Hay là họ sung sướng quá mà quên đứt mất người chịu đau đớn này chăng?”.
Minh mạnh dạn đứng dậy, ra mở cửa chờ. Thấy con Vú sắp đi qua, Minh gọi lại:
- Vú! tôi hỏi.
- Dạ, thưa mợ hỏi gì?
- Cậu cả đâu?
Con Vú nhìn Minh, tủm tỉm cười:
- Thưa mợ, con không biết.
- Vú tìm cậu, nói với cậu vào tôi hỏi nhé.
Con Vú không đáp, nó phì cười một cách ranh mãnh, cắm cố chạy, rồi đến bếp, nó nói:
- Gớm! Mợ bạo quá!
Minh bực mình, bèn liều ra nhà ngoài. Nhưng nàng chẳng rõ mẹ chồng mặt mũi thế nào, thì biết ai mà hỏi.
Thấy cô dâu đến, hàng trăm con mắt ngạc nhiên đổ dồn cả lại mà nhìn. Minh ngượng hết sức. Nhưng Tài đã chạy đến, vui vẻ nói:
- Phải, mợ ra ngoài này ngồi chơi cho vui.
Minh đáp:
- Tôi muốn bẩm với cụ lớn.
Tài đùa:
- Mẹ tôi, chứ lại cụ lớn!
Minh thẹn:
- Mẹ tôi ngồi đầu thế, bà?
- Cụ lớn ở trên gác. Mợ đi với tôi.
Minh theo Tài. Bọn đầy tớ ở dưới bếp trông lên bưng mồm, cười rúc rích. Tài đưa Minh vào tới gác trong, rồi nói to:
- Bẩm cụ, cô dâu muốn hầu cụ ạ.
Một giọng ngọt ngào ở trong đưa ra, khàn khàn như bị vướng màng mỡ:
- À, mợ Cả vào đây mẹ hỏi chuyện. Muốn chừng hai vợ chồng đã khéo dặn nhau cùng đến một lúc hay sao!
Rồi bà Tuần nấc lên cười. Minh tự nhiên thấy hởi dạ. Nàng rón rén, hồi hộp bước vào. Nàng được dịp may, vừa rõ mặt cả mẹ chồng lẫn chồng một lúc.
Bà Tuần là một bà mệnh phụ làm cho nhiều người phải giật mình. Nếu người ta bảo sự béo tốt là cái dấu riêng của những người được sung sướng, thì bà Tuần hẳn là sung sướng có thừa, vì không kể các đồ phụ tùng, bà nặng tám mươi tư cân rưỡi. Bà đồ sộ ngồi xếp bằng tròn ở sập gụ, trên trải chiếc đệm gấm cũ, có nhiều chỗ lõm méo, in hình hai quả dưa hấu to. Cái chân sập khổng lồ với cái đùi bà không phải cãi nhau lâu về sự to bé. Cằm, bà không có, vì bà không cần chỗ để mọc râu, nên nó đã khôn ngoan, lẩn tịt vào với cái cổ rụt. Tuy vậy, người ta vẫn nom rõ hai cái cằm đại biểu ở dưới má bà. Mắt bà không thể liếc nhìn được xuống chân, vì nó vướng bộ ngực kiên cố như bức thành xi măng cốt sắt lúc nào cũng canh gác bằng hai ngọn súng thần công.
Cậu cả Sanh, so với mẹ, thì là cái thái cực. Toàn thể người cậu là bộ Vong quốc sử chép rất công phu, bởi vì nó bi quá. Từ trán, mắt, má, mũi, miệng, cằm, tai, cho đến mình, chân, tay, chỗ nào cũng là một hồi ghi sự thua trận. Cái gì cũng lủn củn, khẳng khiu, ươn hèn yếu ớt. Lúc nào cậu cũng có thể gợi tình cảm bằng bộ mặt buồn rời rợi của thánh Găng-đi, nhưng là thánh Găng-đi chưa hề nhịn đói. Thầy tướng thì bảo cậu hình con mộc, mà sung sướng ở bộ tóc. Chỉ vì bộ tóc mà đi đâu cậu cũng được người ta nhìn. Bộ tóc đặc biệt ấy, nó loăn xoăn, nó lồng bồng, nó ríu món nọ với món kia, kết cao lên thành một cái bẫy ruồi rất nhạy.
Thoạt thấy chồng, Minh sực nhớ ngay ra là người ít lâu nay vẫn ngó ở cửa trường lúc giờ học trò tập võ và nhiều lần lại nhìn Minh làm Minh khó chịu.
Thấy vợ vào, Sanh đứng dậy, yểu điệu tránh rén sang bên tường, nhưng hai mắt dán lên để nhìn chòng chọc.
Bà Tuần giương mục kính, nghếch mắt nhìn con dâu. Rồi ngay lúc ấy, các bắp thịt ở mũi ở má ở cằm đồng thời làm một việc là có đôi môi bà loe ra thành một nụ cười dậm dọa. Bà tươi tỉnh trỏ cái ghế:
- Mợ ngồi đây. Đây mợ nhìn cậu nó xem. Rõ khổ chửa. Nhà ta nào thiếu cao lương “ngũ” vị để tẩm bổ mà người vẫn như cái tăm. Tôi không dám cho cậu nó học nhiều nữa.
Rồi bà ngoác mồm thật to để thả rông một nhịp cười, hình như cốt làm người nghe phải loạn cả trí xét đoán.
Minh cúi đầu chắp tay, không lẽ đứng yên, nên:
- Dạ.
Bà Tuần chép miệng, lên giọng thiết tha:
- Giá còn thày, thì có phải đám cưới cậu mợ hôm nay linh đình bao nhiêu không. Mà con em Oanh nó cũng không phải vất vả lắm.
Chẳng muốn để mẹ chồng tranh lời mãi, Minh vội nói:
- Bẩm mẹ, con xin phép mẹ cho con về.
Bà cụ cau mặt, ngạc nhiên, hỏi ngọt ngào:
- Ô hay! về làm gì thế con?
- Bẩm mẹ, mẹ con đằng nhà mới...
Bà Tuần nhớ sực ra, nhìn con trai, há hốc mồm nói:
- À! ừ nhỉ! Ra mẹ quên mất đấy.
- Bẩm mẹ, con xin phép mẹ cho con về, kẻo ở nhà đợi con.
Vẫn ngọt ngào, bà Tuần nói:
- Mợ về sao được! Ai lại dở hơi thế!
Minh lạnh toát người:
- Bẩm mẹ, từ lúc mẹ con mất, con chưa được khóc mẹ con một tiếng nào.
- Thôi, đừng về, mợ ạ.
Minh run lên, nghẹn ngào:
- Bẩm mẹ...
- Không, mợ cứ nghe mẹ. Một đời mới có một năm, một năm mới có một tháng, một tháng mới có một ngày. Hôm nay ngày lành tháng tốt, mẹ đã chọn kĩ, thì con phải ở lại, sáng “mơi” hãy về.
Minh rưng rưng nước mắt:
- Bẩm mẹ, nhà con nhiều việc, con cần phải về ngay, đến mai thì muộn quá.
Bà Tuần trợn mắt, sợ hãi nói:
- Chết, đừng nói tiếng ấy, tên thày, con phải gọi là “mơi”. Mà tên mợ cũng trùng với tên bà ngoại đây. Phải đổi là “Miêng” nhé.
Rồi bà bảo con trai:
- Cậu phải dặn mợ ấy những tiếng phải kiêng nhé.
Minh bực mình, nhăn nhó:
- Bẩm mẹ, con xin phép mẹ cho con về, kẻo ở nhà chờ con.
Bà Tuần dỗ dành:
- Thì tôi đã bảo thế kia mà. Mợ về, bà cụ có sống lại được đâu. Cứ tối nay, là mợ không thể vắng nhà này được. Nó sái đi, mợ hiểu chưa?
Minh thất vọng, sụt sịt khóc. Biết không thể rửa được óc cổ hủ của bà Tuần, nàng bèn xuống nhà dưới, vào buồng nằm.
Nước mắt nàng từ đồ cứ tuôn ra như suối. Nàng thổn thức khóc một mình. Nàng giận hết cả mọi người đã nói dối nàng. Rồi nghĩ vơ vẩn, và vì đã phải thức ròng rã mấy đêm, nên nàng mệt ngủ thiếp lúc nào không biết.
Nhưng được một lúc lâu, tiếng cười nói xôn xao ở ngoài làm nàng sực tỉnh. Lúc ấy khách khứa đang uống rượu. Người ta chúc chú rể và cô dâu. Người ta pha trò để cười. Người ta vặn kèn hát. Người ta đốt pháo. Người ta làm ồn ào như cái chợ. Minh như bị xé ruột gan.
Nàng thở dài, ngồi dậy vấn đầu. Nàng băn khoăn không rõ hiện bây giờ ai chủ trương trông nom việc mẹ. Hay ở nhà cứ lóng ngóng chờ nàng. Nàng chỉ muốn thét lên một tiếng thật to cho đỡ uất ức.
Nàng tưởng tượng đến nét mặt khô đét xanh xao của mẹ. Nàng nghĩ lại đám cưới của nàng ban trưa. Nàng cảm thương nàng phải giam hãm đêm nay. Nàng không thể cầm được nước mắt để khóc cái tình cảnh của nàng bị đày sang Tân thế giới. Rồi nàng khóc ti tỉ ra tiếng. Rồi nàng khóc to hơn. Rồi không ngăn được, nàng tru lên những tiêng não nùng lanh lảnh:
- Ơi mẹ ơi!
Nhà ngoài đương ồn ào, bỗng im phăng phắc.
Rồi cánh cửa buồng mở toang ra, bà Tuần lạch bạch chạy vào, nén sự tức giận, ngọt ngào vỗ vai nàng, gọi:
- Mợ Cả! Không được. Mơi hãy khóc. Mợ phải tươi vui lên mới được chứ!
Minh vẫn gào thảm thiết:
- Mẹ ơi!
Bà Tuần đỏ mặt, trợn mắt, cuống quít nói:
- Dại nào! Mơi về nhà mới được khóc. Mợ không được khóc ở đây. Mẹ không bằng lòng tí nào. Mợ nghĩ kĩ lại xem. Ở nhà đang có việc vui mừng, như thế thì còn ra thể thống gì nữa.
Minh lau nước mắt, nhưng vẫn thổn thức:
- Thế này thì tôi chết mất. Trời ơi!
Bà Tuần giận quá, gọi:
- Cậu Cả đâu rồi! Cậu phải cấm mợ ấy, không có phép khóc như thế.
Nói đoạn, bà khuỳnh tay hầm hầm đi ra. Minh nghe thấy tiếng một người con gái nói giọng mát mẻ:
- Vô ý vô tứ quá, đem mà khóc mẹ ở nhà có đám cưđi, làm mất cả cuộc vui của người ta!
Cô Giáo Minh Cô Giáo Minh - Nguyễn Công Hoan Cô Giáo Minh