Chuyện Tình Paris epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Người Con Gái Không Đợi Nơi Đầu Dốc
hông còn ai đứng đợi tôi trên đầu dốc nữa.
Cô gái ấy đã đi rồi. Tôi nghĩ là cô đi lấy chồng. Cả thị trấn nói cô bị bán qua Đài Loan. Tôi chậc lưỡi, qua Đài Loan cũng là một cách lấy chồng. Cô ấy đẹp. Đàn ông nào cũng sẽ mê gái đẹp. Nhưng tôi tiếc một người đã đứng đợi tôi suốt bao nhiêu mùa đông trên đỉnh dốc có cây thông già như mái nhà rông...
Thị trấn bây giờ rất khác, nhà xây đẹp lên nhiều, mọi thứ đều khang trang. Thế nên cây thông đầu dốc bỗng trở nên chênh vênh. Người ta đang bàn xem có nên đốn hạ nó hay không, nếu hạ gỗ xẻ ra cũng được vài chục khối, bán đi cũng được một món tiền, chia nhau cũng đủ một cái Tết. Nhiều người thấy tiếc vì dù sao nó cũng là nơi trú ẩn của biết bao miền ký ức. Tôi đọc ở đâu đó rằng, ký ức là nhiên liệu cho sự sống. Ắt hẳn cái cây già này là một thứ nhiên liệu tỏa hương ấm suốt những mùa đông. Tôi được gọi về vì tôi là người học cao học rộng nhất con phố nghèo này. Người ta muốn nghe cái lý của người có chữ. Tôi về. Thực ra không đủ sến để buồn thương cho một đời cây. Nhưng cũng thấy tiếc vì suốt một tuổi thơ bóng mát. Cuối cùng mọi người đồng ý để lại, chỉ vạt bớt những cành già chùm lên một mái nhà. Cây thông còn. Riêng cô gái ấy thì đi mất.
Tôi hỏi cha tôi, cô ta đi đâu? Cha tôi bảo, nó đi đâu mặc xác nó. Sao mà mặc xác? Ngày xưa con yêu cô ấy đấy chứ? Thế sao mày không ở nhà mà giữ? Mày đi đú đởn với gái phố, giờ về ủ rũ tiếc thương cái gì? Vớ vẩn! Cha tôi là thể loại đàn ông khẩu xà tâm Phật, lúc nào cũng muốn bổ vào mặt người khác. Người như thế thì tốt bụng, nhưng không được đàn bà ưng. Thế nên tôi chẳng cần hỏi cũng biết vì sao mẹ tôi đi mất. Mẹ tôi đi khi tôi còn chưa biết buồn. Tôi chỉ tiếc người con gái chờ tôi nơi đầu dốc, đưa cho tôi những quả sim chín mọng rồi chạy ù lên đồi, giấu mình sau những lùm cây. Cô gái thật ngốc!
Cha tôi có một vóc dáng đẹp. Ông có được một món của lớn ông nội tôi để lại, nên sống một đời nhàn nhã. Nhưng như một cái mệnh, cha tôi không giữ được cho mình một người đàn bà. Khi tôi mười bảy tuổi, tôi phát rồ phát dại lên không hiểu vì sao cha tôi sống được như thế bao nhiêu năm. Đôi khi tôi vật vã ân hận vì tôi đã lấy đi của ông cả sinh lực và những ham muốn của một người đàn ông. Tôi đi tìm cho cha tôi những người đàn bà quá lứa lỡ thì. Họ say cha tôi như điếu đổ. Cha tôi cười khinh khỉnh, nhóc con đừng có mà điên. Rồi nói như bổ vào mặt người ta. Người ta khóc, bỏ về. Cha tôi thêm tiếng hâm gàn. Cha tôi chắc muôn đời không thể lấy thêm được một đời vợ.
Năm nay mùa đông như đến rất sớm. Hoặc vì tôi thấy thị trấn rất vắng khi cô gái ấy không còn chờ mình mà thấy lạnh lòng. Lòng tham của con người ngộ thật. Thỏa thuê mọi chốn mà tôi vẫn thấy mất mát khi cái mà mình ngỡ như mặc định ở đầu dốc ấy bỗng chốc ra đi. Rõ ràng cô ta không thuộc về tôi, dù có yêu tôi trong chốc lát, tình yêu như một trò chơi thi vị. Tôi thích một người chờ đợi. Nhưng tôi không có ý định cưới cô làm vợ. Đôi khi tôi tự giải vây tội lỗi cho mình rằng, trong máu của mọi gã đàn ông đều có dấu vết của Sở Khanh.
Dạo này cha tôi tân kỳ hơn xưa. Ông mua một chiếc điếu cày kiểu cọ bắt mắt hay thấy các đại gia trong phim truyền hình Việt Nam sử dụng. Một cái gốc hóp được vót kỳ khu, những cái rễ như những bộ râu thêu rồng vẽ phượng. Cha tôi bảo ông mua cái này trong chuyến đi nghỉ mát. Dạo này dân thị trấn có phong trào nghỉ mát, cứ mùa hè lại thuê một chuyến xe rồi chất nhau lên, nhóc nhách xuống biển. Cha bảo, đi biển toàn thấy đàn ông đàn bà trần như nhộng, phơi đùi phơi mông tênh hênh. Chẹp, chả còn ra làm sao, cứ như là sắp lao vào nhau mà chiến đấu! Tôi không biết cha tôi tắm biển mặc đồ gì. Cha tôi bảo, ông mặc cả bộ quần áo dài, lội nước chơi, nước biển mặn bay vào mắt sợ bị mờ. Ông là người làm rừng, mắt ông phải sáng hơn mắt cáo. Với lại biển chỉ là một bãi nước rộng hơn cái ao, ông cũng chẳng thiết tha. Tôi cười ông, giờ bói cũng chẳng còn rừng, cái thị trấn này đã nhốt rừng vào những căn nhà, biến hình rừng thành tivi, sập gụ, là những chiếc tủ lạnh chỉ để làm đá lạnh thả vào cốc nước đun sôi cho giống thành phố mùa hè. Cha tôi vẫn thích được gọi là thợ rừng. Nhưng thực ra ông đã quanh quẩn bộ sa lông bóng loáng của mình mười mấy năm.
Cha tôi có một bình rượu rắn rất to. Những con rắn ngóc đầu trong màu rượu sánh. Cha tôi nói rượu rắn chữa được bệnh đau khớp, đau lưng. Ông thích chiết một cái bát sành rượu rắn cốt, rồi pha với rượu gạo mới nấu, ngồi nhâm nhi và kể về những cuộc vây bắt rắn hổ mang. Tam xà, ngũ xà...và những tích tục của những bầy rắn trong bình rượu, đó là một cái hứng bất tận. Mỗi đêm trong ánh bếp lấp loáng, bất giác nhìn vào cái bình óng ả với những đầu rắn nhấp nhô, tôi thường cảm thấy sống lưng mình dựng đứng, như có một bầy hổ mang đang chạy ngược lên tới đỉnh đầu. Về sau này, khi bia rượu sần sần, tôi hay nghĩ tới bình rượu ấy và vội vàng lao vào toilet để tháo ra bằng hết những gì vừa uống. Và tôi cảm thấy mình mệt kinh khủng. Nhưng tôi không ghét cha tôi vì điều này. Người thành phố bây giờ cũng ngâm rượu rắn ầm ầm, uống rượu rắn rùng rùng, cả rắn thật và rắn giả. Người ta uống vì nghĩ rằng mình sẽ nhanh chóng trở nên xung mãn. Cha tôi nói, bình rượu của ông hôm trước có tên bơm từ thành phố lên gạ bán mấy chục triệu đồng. Ông bảo để chờ tôi về, hỏi ý tôi rồi ông mới bán. Cái gì của ông cũng có thể bán ra tiền. Tôi bảo, cha để mà uống. Cha tôi chậc lưỡi, rượu này bổ phải biết, uống một chén là thấu trời mây. Cha tôi đã ngâm rồi chiết cái bình rượu này không biết bao nhiêu năm. Có thể ông say vì cảm giác chứ không vì rượu. Đời nhàn, say đôi khi cũng là một niềm vui.
Ngày trước, cha tôi hay uống rượu với chú Lừng. Lần này cha tôi chỉ uống rượu một mình. Ngày trước, mùa đông sương rơi rất nhiều, rơi xuống mái nhà tôi như những cơn mưa. Bây giờ, sương không buồn rơi nữa. Cây thông già đứng trên đầu dốc nhìn xuống, như một bóng gấu xù xụ, ngồi gục mình để sưởi ấm mình. Đơn côi. Tôi đi gọi chú Lừng cho cha tôi có bạn rượu. Tôi sợ nhìn cảnh những con rắn lập lờ trong bình và nuốt một phần thân thể nó vào trong người. Cha tôi bảo, đừng gọi, thằng đó nó không qua đâu. Tôi hỏi tại sao? Cha tôi bảo, chả sao, nó chẳng ra cái gì hết. Cha tôi với chú Lừng từng là bạn thân thiết, làm bẫy đánh hổ suốt bao nhiêu năm, giờ già như những gốc cây lại tự dưng chán nhau đến mức không buồn gặp. Tôi hỏi, chú ấy làm gì? Cha tôi bảo, nó chẳng làm gì, nhưng cũng chẳng ra gì. Tôi gọi chú Lừng. Chú Lừng ậm ừ, dắt con dao vào thắt lưng rồi đi qua. Chú Lừng bước đi nặng bình bịch, cái đầu bạc trọc lốc, những chân tóc như những sợi mây dính tuyết nhú lên trong một ngày mùa đông nào đó rất cũ. Hai ông già ngồi bên bếp lửa, uống rượu lừ đừ. Họ rất ít nói. Tôi nằm trong cái nệm rơm, gật gà ngủ. Từ lâu rồi, về nhà tôi không còn thấy nệm rơm ấm như trước, bếp lửa cũng không ấm như trước. Tôi không trách nệm rơm, không trách bếp. Tôi trách lòng mình không còn ấm như nệm rơm...
Tôi đã lơ mơ một giấc rất dài trong trạng thái mê sảng vạ vật. Thi thoảng có nghe tiếng gằm ghè của hai ông già. Họ thường hậm hực vì một điều gì đó rồi nuốt cả vào bụng bằng những chén rượu. Hình như chú Lừng có văng tục câu gì đó trước khi tôi choàng tỉnh dậy. Cha tôi nói, hình như cha tôi miêu tả lại một câu chuyện tình. Một thứ tình cảm gì đó bất thường. Một thứ ánh sáng cuối đường hầm. Chú Lừng chửi, mẹ kiếp, nó là con tôi, nó là bạn gái thằng cháu, thế mà... Cha tôi không nói được gì. Cha tôi lại uống rượu. Rồi hai con gấu già lao vào nhau trong đêm khuya. Họ vật nhau. Tôi ngồi bật dậy và nhìn họ. Những ông già gân cốt mạnh khỏe! Tôi nhìn họ. Tôi thích sự khỏe mạnh này. Nhưng tôi không thích họ vật nhau vì một điều như thế...
Rồi sẽ qua một mùa đông. Và rồi sẽ đến Tết. Tôi thấy mình thực sự là một đứa con bạc bẽo. Nhưng sao tôi chỉ muốn ra đi và không muốn về. Thị trấn chỉ có mỗi cây thông già, đứng trân mình như mái nhà rông. Còn người con gái ấy đã đi rồi, không còn ai đợi tôi nơi đầu dốc...
Chuyện Tình Paris Chuyện Tình Paris - Dương Bình Nguyên 	Chuyện Tình Paris