Chương 2
hương 2.1
Ngày giã từ trường tiểu học, tôi nửa vui nửa buồn.
Vui vì từ nay tôi đã là học sinh trung học, mỗi ngày đến lớp đều mặc quần dài xanh, áo sơ mi trắng bỏ vô quần và đeo dây nịt đàng hoàng, chị Hoài sẽ không còn chế nhạo tôi ”hỉ mũi chưa sạch mà đã thích... ăn bún" khiến tôi đỏ bừng mặt co giò chạy trốn ra sau hè như trước đây nữa. Buồn vì tôi phải rời xa ngôi trường quen thuộc, xa thầy hiệu trưởng hiền lành, xa cô Sa thương tôi như con. Hôm liên hoan bế giảng, tôi cầm tay cô Sa khóc như mưa khiến tụi bạn tròn xoe mắt. xa cô giáo đứa nào cũng buồn nhưng khóc tồ tồ như tôi thì chỉ có một. Nhưng trừ nhỏ Thắm ra, những đứa còn lại đâu có biết những kỉ niệm đáng nhớ giữa tôi và cô.
Lên cấp hai, chúng tôi đã là... người lớn. Sau này nhớ lại, tôi luôn yêu những tháng năm tiểu học của mình. Lúc đó, chúng tôi vẫn còn là những đứa trẻ ngây thơ. Những vui buồn giận hờn của chúng tôi hoàn toàn là kiểu vui buồn giận hờn của trẻ em.
Thực ra, hai năm đầu tiên của cấp hai tôi và lũ bạn vẫn chưa lớn hẳn. Tính cách tụi tôi những năm lớp Sáu, lớp Bảy vẫn còn hồn nhiên, có lẽ chẳng khác mấy so với hồi lớp Năm. Bạn bè vẫn là những khuôn mặt cũ, trừ những đứa ở lại lớp, những đứa theo ba mẹ chuyển trường đi nơi khác và những đứa nghỉ học hẳn vì lý do gia cảnh. Học trò nghỉ học nhiều nên trường trung học thị trấn chỉ mở một lớp Sáu. Lớp học của tôi vì vậy có thêm những gương mặt mới từ lớp Năm B của cô Hải chuyển lên và từ trường Bồ Đề chuyển sang như tụi thằng Trí, thằng Định.
Tôi, nhỏ Thắm và thằng Phan năn nỉ ỉ ôi gần suốt tiết sinh hoatj đầu tuần mới được thầy chủ nhiệm đồng ý xếp ngồi chung một bàn. Bàn học ở trường mới dài hơn ở trường cũ nên năm nay còn có thêm chú tiểu Khôi và nhỏ Ngọc, em gái anh Thắng khùng ngồi cạnh ba đứa tôi. Ngược với trường tiểu học, trường trung học thị trấn nằm gần đường quốc lộ, cách khá xa nhà tôi.
Bây giờ mỗi khi đi học, nếu muốn rút ngắn đoạn đường tôi phải đi luồn trong chợ, Đi luồn trong chợ tức là phải đi ngang nhà nhỏ Thắm.
Tôi đi học chừng ba hôm, tới hôm thứ tư nhỏ Thắm nhàu mặt trách:
- Đăng xấu quá.
Tôi trố mắt:
- Xấu chuyện gì?
Nhỏ Thắm thẳng toẹt:
- Ngày nào Đăng cũng đi ngang nhà mình mà không rủ mình đi với.
Tôi gãi cổ:
- Tao đi nguyên một đám mà.
- Một đám thì sao?
- Toàn con trai không hà.
- Con trai thì sao?
Tôi liếm môi:
- Nguyên đám con trai tự nhiên có đứa con gái lọt vô tao thấy nó kỳ kỳ thế nào!
- Có gì đâu mà kỳ.
- Tao thấy kỳ.
- Đăng xấu thì có.
Lần thứ hai trong vòng một phút, nhỏ Thắm mở miệng chê bai tôi. Tôi nổi điên tính vặc nó lại, bất chợt ánh mắt tôi đậu xuống đôi giày màu xanh nó đang mang, lòng bất giác dịu đi. Ờ, nhỏ Thắm đã quan tâm đến tôi như thế; chỉ vì biết tôi thích màu xanh lá cây mà nó nằng nặc đòi mẹ nó mua cho đôi giày này; rồi mới đây nó chẳng quản phận ”liễu yếu đào tơ” đã cầm cây” ra trận ”để giải vây cho tôi lúc tôi bị trấn lột giữa cánh đồng, vậy mà bây giờ chỉ vì xấu hổ trước tụi thằng Định tôi làm như nó không phải là bạn tôi. Mặt tôi càng thêm nóng ran khi tôi nhớ ra năm ngoái ngày nào nhỏ Thắm cũng ghé rủ tôi đi học, kể từ hôm tôi bị sốt vì nhặt rác dưới mưa. Nhỏ Thắm là con gái, lẽ ra nó phải ngại ngần, thế nhưng nó vẫn siêng năng ghé nhà tôi mỗi ngày. Nó tốt ghê!
- Ờ, ngày mai tao sẽ ghé rủ mày.
- Thật không?
- Thật
- Đăng hết thấy kỳ rồi hả?
- Ờ.
- Tại sao Đăng hết thấy kì?
Nhỏ Thắm tốt thì tốt thật, nhưng cái tật hỏi tới hỏi lui dai nhách của nó làm nó bớt tốt đi một chút. Tôi nghĩ thầm trong bụng và nhún vai:
- Tao cũng không biết nữa. Tự nhiên tao thấy vậy thôi!
Thực ra tôi vẫn ngường ngượng với quyết định của mình. Cho nên để rủ nhỏ Thắm đi học, tôi phải để đồng hồ báo thức sớm hơn lệ thường nửa tiếng.
Tôi tìm cách ra khỏi nhà thật sớm, trước khi tụi bạn xóm Chùa đứng trước cổng nhà tôi réo om sòm.
Chị Hoài khen:
- Dạo này em siêng học ghê. Còn dậy sớm hơn cả chị nữa.
Tụi thằng Định thắc mắc:
- Sao mấy hôm nay không đợi tụi tao hả mày?
Tôi phịa:
- Tao phải đi sớm ghé nhà bà nội tao có việc.
Mấy hôm sau gặp tôi, tụi nó nhe răng cười:
- Ủa, nhỏ Thắm là bà nội mày mà lâu nay tụi tao đâu có biết.
o O o
Chương 2.2
Thỉnh thoảng nhỏ Thắm hờn giận khi thấy tôi đùa giỡn hay trò chuyện thân mật với những đứa con gái khác. Riêng nhỏ Ngọc thì nó không nói gì.
Ngọc là em anh Thắng khùng người vớt nhỏ Thắm lên từ dưới bàu. Có lẽ vì vậy mà nhỏ Thắm xem Ngọc là ngoại lệ. Năm ngoái, khi tôi mười tuổi thì anh Thắng đã hai mươi ba tuổi. So về tuổi tác, lẽ ra tụi tôi phải gọi anh bằng "chú” nhưng vì anh là anh của nhỏ Ngọc nên cả bọn nó đều bắt chước nó gọi là anh Thắng bằng ”anh".
Nhà nhỏ Ngọc theo đạo Cao Đài. Đó cũng là gia đình duy nhất thị trấn theo đạo này. Với miền Trung thời đó, Cao Đài là một tôn giáo lạ lẫm.
Đằng trước nhà nhỏ Ngọc, tít trên cao có vẽ hình một con mắt khác đang tỏa hào quang chớp nháy trên tấm bảng điện tử.
Hồi nhỏ, mỗi lần đu ngang nhà nó, tôi đều có cảm giác sờ sợ. Tôi chỉ liếc con mắt trên tường chút xíu rồi lật đật ngó lơ chỗ khác. Đi một quãng, tôi tò mò ngoái đầu nhìn lại, lạnh toát sống lưng khi thấy con mắt dường như đang nhìn theo mình.
Tôi nghe chị Hoài bảo, anh Thắng mới khùng gần đây thôi. Có nghĩa trước khi khùng thì anh Thắng... chưa khùng. Tôi nghe đồn anh Thắng học rất giỏi. Anh là người duy nhất trong thị trấn học tới cao học. Cao học nghe nói là cao hơn cả đại học. Thằng Phan giải thích cho tôi: ”Đại là lớn, nhưng chưa chắc đã cao. Còn cao học là vừa lớn vừa cao. Học tới cao học là siêu đẳng vô cùng". Nghe vậy, tôi phục anh Thắng sát đất. Chỉ tiếc anh học giỏi thế nhưng đầu óc không bình thường.
Theo bà nội tôi, anh Thắng học nhiều quá nên bị ngộ chữ. Bà hay cốc yêu lên trán tôi:
- Con học vừa vừa thôi, kẻo giống anh Thắng!
Có lẽ anh Thắng ngộ chữ thật. Anh điên vì chữ nghĩa nên cách điên của anh không nhếch nhác, bẩn thỉu như những người điên tôi từng thấy. Anh hay đi lang thang ngoài đường nhưng quần áo lúc nào cũng tươm tất, tóc chải bóng mượt, chân xỏ giày da, tay lúc nào cũng ôm kè kè cuốn từ điển Pháp-Việt dày cộm. Gặp ai, anh cũng nói tiếng Tây.
Tụi tôi hỏi anh:
- Anh Thắng ơi, anh đi đâu đó?
Anh xổ một tràng xí lô xí là. Tụi tôi chẳng hiểu gì hết, chỉ ôm bụng cười bò.
Lại hỏi:
- Anh Thắng ăn cơm chưa?
Anh lại nổ lốp bốp một tràng khác. Tụi tôi lại cười rũ.
Thỉnh thoảng tôi nghe anh Thắng hát. Đó là những lúc anh đi ngang cổng trường tiểu học, lúc bọn học trò đã vào lớp và giọng anh bất ngờ nổi lên văng vẳng trong gió.
Anh hát đi hát lại mỗi một bài. Lên lớp Sáu, tình cờ nghe một cô ca sĩ nổi tiếng hát trên ra-dô, tôi mới biết đó là bài Aline của Christophe, bản Tiếng việt dịch thành Gọi tên người yêu. Đang ngồi học, nghe tiếng hát quen thuộc vọng tới là bọn học trò nhớn nhác nhìn ra, biết anh Thắng sắp đi ngang cổng.
- J'avais dessinộ sur le table
Son doux visage qui me souriait...
Tới đoạn điệp khúc, giọng anh cao vút, rền rĩ:
- Et j'ai criộ, criộ Aline pour qu'elle revienne
................................................
Mỗi lần anh Thắng hát tới đoạn này, bọn tôi nhấp nhổm gần như muốn đứng hết cả dậy, không phải vì ý nghĩa của ca từ mà vì cái giọng rấm rứt như khóc than của người hát. Cô Sa mặt mày như sầm xuống. Cô nhíu mày đập đập cây thước xuống bàn, lúc đó tụi tôi mới thôi cựa quậy. Nhỏ Ngọc năm ngoái học lớp Năm B của cô Hải nên tôi ít có dịp tiếp xúc với nó. Năm nay nó ngồi chung bàn nên tôi hay lân la lại gần nó, dò hỏi:
- Anh Thắng có hay đánh mày không, Ngọc?
- Anh Thắng là anh của mình mà.
- Nhưng anh mày bị điên.
- Anh mình điên nhưng anh mình rất hiền.
Nhỏ Ngọc bảo anh nó thậm chí chưa bao giờ quát nó, cũng chẳng gây sự với ai. Chỉ có lầm rầm một mình suốt ngày. Thoạt đầu thì nó cũng hơi sợ nhưng bây giờ nó quen rồi. Bây giờ nó thấy thương anh nó hơn.
Từ khi quen nhỏ Ngọc vậy, tôi không trêu chọc anh Thắng nữa. Gặp anh ngoài đường, tôi chỉ hiếu kỳ giương mắt ngó. Tôi không hỏi anh ”đi đâu đó" hay ”ăn cơm chưa” như trước đây.
Giống như nhỏ Ngọc, tôi thấy thương anh chẳng hiểu vì sao. Hay vì anh từng cứu nhỏ Thắm như ông Cứ từng cứu tôi?
o O o
Chương 2.3
Trong thời gian đó, chú Lãm cụt chân mở tiệm cho thuê truyện trên con đường chạy ngang cổng chợ.
Thị trấn tôi ở không có nhà sách. Muốn mua sách, phải vào Tam Kỳ hoặc ra Đà Nẵng. Và phải có tiền. Thị trấn nghèo đa số cư dân phải lo chạy ăn từng bữa, bỏ tiền mua sách là chuyện xa xỉ. Ông ngoại tôi ở Cẩm Lũ, thỉnh thoảng cưỡi mobylette ra thị trấn thăm gia đình tôi, có khi ông ở lại chơi vài ngày. Đó là quãng thời gian tuyệt vời nhất đối với tôi. Khi biết tôi học khá, ông thường vui vẻ hỏi:” Con thích thứ gì, ông thưởng cho con?". Câu trả lời của tôi bao giờ cũng là: “Sách". Thầy tôi ham đọc sách, ông càng hài lòng.
Vài hôm sau, thế nào ông cũng mua sách nhờ người đem tới cho tôi.
Nhưng sách ông tôi mua cho, đến năm tôi học lớp Sáu, bày chưa kín một góc bàn. Số sách đó tôi đã đọc hết từ lâu và bắt đầu đọc lại đến lần thứ năm, thứ sáu.
Vì vậy, việc chú Lãm mở tiệm cho thuê truyện là một sự kiện đối với tôi.
Tôi nghe người ta bảo hồi nhỏ chú Lãm đi chơi bị núi đè, phải cưa bỏ một chân. Bây giờ, chú đi lại bằng một cây nạng chống. Từ ngày lui tới tiệm cho thuê truyện của chú, tôi để ý thấy chú không có vẻ gì lúng túng với việc đi lại bằng nạng. Khi có việc gấp, tôi thấy chú đi rất nhanh. Chú chống nạng vọt tới, lướt băng băng, còn nhanh hơn người bình thường. Sau này đọc truyện "Thiên long bát bộ” của Kim Dung, tôi thấy chú giống hệt nhân vật Đoàn Diên Khánh. Tôi cũng nhiều lần thấy chú cưỡi xe honda phóng vi vút như một tay chơi bạt mạng và hình ảnh đó khiến tôi phục lăn.
Tiệm cho thuê truyện của chú Lâm chỉ có hai loại sách: truyện kiếm hiệp và truyện tình cảm. Tôi còn bé, mới mười một tuổi nên không quan tâm đến các loại truyện tình cảm lâm ly sướt mướt. Riêng truyện kiếm hiệp, tôi bị nó mê hoặc ngay từ khi chạm vào trang sách đầu tiên. Trước đó, tôi say sưa với truyện của Tô Hoài, Thế Lữ, Lan Khai và các loại sách Hồng dành cho thiếu nhi. Tiếp xúc với truyện kiếm hiệp, lần đầu tiên tôi biết đến một thế giới hấp dẫn theo kiểu khác. Đó là một thế giới rộng lớn có kích thước khác hẳn với thế giới đời thường, nơi những cao thủ võ lâm đi trên nóc nhà, cũng sở hữu những chiêu thức vô cùng kỳ dị.
Truyện kiếm hiệp kích thích trí tưởng tượng của một chú bé mới lớn và nhanh chóng dẫn dụ chú vào vương quốc quyến rũ của nó.
Tôi không có tiền đặt cọc để thuê truyện đem về nhà. Tôi thuê sách đọc tại tiệm chú Lãm, chỉ phải trả tiền giờ. Hôm nào lớp học nghỉ hai tiết đầu hoặc hai tiết sau. tôi ghé tiệm của chú và chết chìm ở đó.
Chú Lãm thấy tôi chúi đầu vào cuốn truyện dày cộm trên bàn hàng tiếng đồng hồ, tội nghiệp tôi mỏi lưng, mỏi cổ, bèn cho phép tôi lên giường nằm đọc sách. Đó là giường ngủ của vợ chồng chú, chỉ ngăn cách với gian cho thuê truyện bằng một tấm rèm bằng vải hoa.
Từ ngày được ngả lưng trên giường, tôi càng nằm lì ở nhà chú Lãm, đọc sách mê man. Truyện kiếm hiệp tình tiết ly kỳ lắt léo, bộ nào bộ nấy dài cả chục tập nên tôi không làm sao dứt mình ra được.
Có hôm mê đọc, tôi bỏ cả hai tiết sau, cắm đầu xem tà ma ngoại đấu với chính phái võ lâm đến trưa trở trưa trật rồi lững thững ôm cặp đi bộ về nhà.
Nhỏ Thắm thấy tôi dạo này học hành lơ là, nhiều hôm không ghé rủ nó đi học, thậm chí còn cúp học hẳn, nó ngạc nhiên lắm.
- Đăng làm sao thế?
- Sao là sao?
- Sáng hôm qua sao Đăng không đến lớp?
- Hôm qua mẹ tao sai tao đi công chuyện.
Tôi trả lời quá ngu. Chắng có bậc cha mẹ nào kêu con cái nghỉ học để đi công chuyện cả. Nhỏ Thắm cong môi ”xì” một tiếng:
- Mình không tin.
- Không tin thì kệ mày!
Nhỏ Thắm không ”kệ mày” như tôi tưởng. Nó bí mật méc với chị Hoài chuyện tôi hay cúp học. Chỉ cần hai ngày âm thầm theo dõi, chị tôi biết ngay tôi bị tiệm cho thuê truyện của chú Lãm bỏ bùa.
Chị Hoài thương tôi, không báo cho ba tôi biết. Ba tôi biết, thế nào tôi cũng nhừ đòn. Chị đến gặp chú Lãm.
Hôm sau tôi vừa đun đầu vào tiệm, chú Lãm đã nhấc cây nạng huơ qua huơ lại trước mặt tôi:
- Từ nay chú không cho con thuê truyện nữa. Chị con đã dặn chú rồi.
Tôi giận chị Hoài đến ứa gan, nhất là tôi đang hồi hộp chờ xem kết quả cuộc đấu sống mái giữa đại cao thủ về kiếm thuật Tây Môn Xuy Tuyết và Diệp Cô Thành trong bộ truyện của Cổ Long tôi đang đọc dở dang.
Hôm đó mặt xụ xuống một đống, tôi lầm lũi ra về. Gặp chị Hoài tôi không thèm trò chuyện. Cả đếm mấy ngày sau.
Tôi không dò hỏi chị tôi nhưng tôi đoán ra ”tai nạn” của tôi là do nhỏ Thắm mách lẻo. Con nhỏ này rất mến tôi nhưng nó cũng lắm mồm kinh khủng.
Nó vừa ôm cặp bước ra khỏi cửa, hớn hở reo:
- A...a...
Tôi đã nạt ngang:
- "A, a” cái đầu mày! Chính mày méc với chị Hoài chuyện tao nghỉ học phải không?
- Ờ...ờ....
- Mày đúng là Diệp Nhị Nương.
Nhỏ Thắm không đọc ”Thiên long bát bộ” nên không biết nhân vật này là ai. Nó tròn mắt nhìn tôi:
- Diệp Nhị Nương á? Là ai vậy?
Tôi khịt mũi:
- Diệp Nhị Nương là đệ nhất mỹ nhân trong truyện Kim Dung đó.
Nhỏ Thắm bán tín bán nghi nhưng không gặng hỏi. Đó là lần hiếm hoi tật hay hỏi ngủ quên trên môi nó. Chỉ vì nó đang vui. Chỉ vì nó thấy tôi lại rủ nó đi học như ngày nào.
Nó biết tôi gạt nó, nếu nó biết Diệp Nhị Nương là một trong Tứ đại ác nhân, có ngoại hiệu ”Vô ác bất tác” tức là không có việc ác nào là không làm, chắc nó chưởi tôi tắt bếp!
o O o
Chương 2.4
Tôi giận nhỏ Thắm nhưng tôi không thể không trò chuyện với nó. Bởi vì cách đây hai hôm, một bí mật tình cờ gieo vào đầu tôi làm mọc lên trong tâm trí một loài cây lạ.
Loài cây này gây ngứa trong lòng. Ngứa khủng khiếp. Sự ngứa ngáy sẽ mỗi ngày một tăng nếu tôi không chia sẻ bí mật với ai.
- Thắm này - Một hôm tôi kéo nhỏ Thắm ra góc sân trường, vừa nói vừa lấm lét nhìn quanh.
- Gì vậy Đăng?
- Tao có chuyện này muốn nói cho mày nghe.
Nhỏ Thắm ngơ ngác, có vẻ nó lấy làm lạ trước vẻ nhớn nhác của tôi:
- Chuyện gì vậy?
Tôi lại đảo mắt ra chung quanh, thấp giọng;
- Chuyện này kỳ lạ lắm, mày không được kể lại với ai nghe không!
Nhỏ Thắm bắt đầu hồi hộp, tôi thấy nó cắn chặt môi:
- Ờ, mình không kể đâu.
Rồi nó cầm tay tôi lắc lắc theo thói quen, nôn nóng giục:
- Đăng nói đi!
- Anh Thắng ấy mà?
- Anh Thắng sao?
Tôi hít vào một hơi:
- Anh không hề điên như mình nghĩ.
- Cái gì? - Nhỏ Thắm giật mình, nếu không kềm được chắc nó đã ré lên.
- Anh Thắng không điên - Tôi lặp lại.
- Sao Đăng biết? - Nhỏ Thắm hạ giọng hỏi, đã bắt đầu nhận ra sự nghiêm trọng của câu chuyện. - Hai hôm trước, tao đang đọc truyện ở nhà chú Lãm thì thấy anh Thắng bước vào. Ảnh không nhìn thấy tao vì tao đang nằm trên giường khuất sau tấm rèm.
- Sao Đăng lại nằm trên giường nhà người ta?
Như thường lệ nhỏ Thắm lại làm tôi bực mình vì những câu hỏi oái oăm của nó. Lại là một thắc mắc ngoài lề, chẳng liên quan gì đến điều tôi muốn nói. Tôi tặc lưỡi giải thích, cố đừng nổi cáu:
- Tại chú Lãm thấy tao mê đọc sách nên cho phép tao lên giường nằm đọc cho đỡ mỏi lưng.
Nếu gặp lúc khác, nhỏ Thắm ắt sẽ không buông tha tôi về chuyện này. Nó sẽ trêu tôi dai nhách. Nhưng lúc này, có lẽ nó đang thấp thỏm trước tiết lộ động trời của tôi. Nó bồn chồn giậm giậm chân:
- Rồi sao nữa?
Tôi bảo với nhỏ Thắm lúc đó tôi không nhận ra anh Thắng ngay, kể cả khi anh cất giọng hỏi ”Chuyện tôi nhờ chú sao rồi, chú Lãm?”. Vì lúc đó tâm trí tôi đang mải ngao du theo bước chân của lãng tử giang hồ Lục Tiểu Phụng.
Hơn nữa, tôi không nghĩ câu hỏi đó phát ra từ miệng anh Thắng khùng.
Trước nay tôi chỉ toàn nghe anh nói tiếng Tây. Khi anh nói tiếng Việt, tôi không nhận ra giọng anh. Tiếp theo tôi nghe tiếng chú Lãm trả lời: "Cô Sa nói cô không rảnh. Và cô nhờ tao bảo chú mày đừng có đi ngang cổng trường hát hò om sòm nữa để học trò cô học bài". "Vậy hả chú?”. Đến khi anh Thắng lên tiếng lần thứ hai tôi vẫn chưa biết ai đang nói chuyện với chú Lãm.
Chỉ vì nghe chú Lãm thình lình nhắc đến cô Sa, tôi mới giật mình hé rèm trông ra. Tôi vén rèm một tích tắc rồi vội vã buông xuống ngay vì chú Lãm như chợt nhớ ra có một cậu học trò đang nằm đọc sách trên giường. Tôi thấy chú ngoái cổ nhìn về phía tấm rèm rồi gần như ngay lập tức cả chú lẫn anh Thắng chuyển giọng thì thầm và từ lúc đó tôi không nghe thấy gì nữa, ngoài tiếng đập bình bịch mỗi lúc một lớn của trái tim tôi.
- Lạ quá ha Đăng? - Nhỏ Thắm ngẩn người khi nghe tôi kể xong.
- Ờ, lạ ghê!
- Đăng có thấy anh Thắng vào tiệm của chú Lãm lần nào nữa không?
- Thấy sao được mà thấy! - Tôi hừ mũi - Sau hôm đó, chị tao đâu có cho tao tới tiệm chú Lãm nữa. Tại cái miệng bép xép của mày đó.
Nhỏ Thắm biết tôi vẫn còn giận nó chuyện bữa trước. Nó biết nếu nó cãi lại, câu chuyện của chúng tôi sẽ lập tức chệch hướng. Mà nó thì đang có nhiều điều muốn hỏi tôi quá. Vì vậy nó nhìn tôi, tươi cười:
- Đăng nè.
- Gì?
- Vậy anh Thắng và cô Sa đang thích qua thích lại phải không?
- Làm sao tao biết được. Tao chưa thấy hai người đó đi chung với nhau bao giờ.
Nhỏ Thắm nguýt tôi:
Cô Sa làm sao dám đi chung với người điên được.
- Ờ há. - Tôi quẹt mũi - Nhưng anh Thắng chỉ giả vờ điên thôi.
- Tại sao anh Thắng giả vờ điên?
Tôi nhún vai:
- Tao không biết. Nhưng chắc nhỏ Ngọc biết
Giờ ra về, tôi và nhỏ Thắm, vừa gặp nhỏ Ngọc, tôi phủ đầu ngay:
- Ngọc nè, tụi tao biết bí mật của anh Thắng mày rồi đó nghe.
Nhỏ Ngọc giương mắt nai:
- Anh mình có bí mật gì đâu.
- Mày đừng có làm bộ. - Tôi nhếch môi, thẳng toẹt - Anh mày đâu có điên, đúng không? Vừa nói tôi vừa nhìn chằm chặp vào mặt nhỏ Ngọc. Tôi thấy mặt nó thoáng biến sắc nhưng nó vẫn cố nói cứng:
- Đăng đừng có đoán mò.
Tôi bĩu môi:
- Đoán mò gì! Tao còn biết anh mày thích cô Sa nữa kìa.
Tới đây thì nhỏ Ngọc không ra vẻ thản nhiên được nữa. Tôi thấy đôi môi nó giần giật. Nó chìa bộ mặt xanh lè vào mắt tôi, run run hỏi:
- Đăng và Thắm biết hết rồi hả?
Tôi đáp giọng đe dọa:
- Ờ, tụi tao biết tỏng tòng tong hết rồi.
Nhỏ Ngọc càng thêm lo lắng:
- Ngoài hai bạn ra, trong lớp mình còn ai biết nữa không?
- Không. - Tôi đập tay lên ngực - Chỉ có hai đứa tao thôi.
Nghe tôi nói vậy, nhỏ Ngọc thở phào. Và giọng nó chuyển qua năn nỉ:
- Hai bạn làm ơn giữ kín chuyện này giùm mình nha.
Khác với tôi, nhỏ Thắm có vẻ không thích thú gì chuyện hù dọa nhỏ Ngọc. Nó chỉ háo hức vén màn bí mật:
- Mình và Đăng sẽ không nói cho ai biết đâu. Nhưng tại sao anh Thắng giả điên? Sao nhà bạn lại giấu mọi người?
Trong nhà, chỉ có mỗi mình biết anh Thắng giả điên thôi. Ba mẹ mình vẫn tưởng anh điên thật. Theo những gì nhỏ Ngọc kể cho hai đứa tôi sau đó thì anh Thắng thích cô Sa lâu rồi. Đó là dạo anh về quê nghỉ hè và tình cờ gặp cô Sa trong một lần ghé thăm trường cũ. Nhưng ba mẹ nhỏ Ngọc quyết liệt phản đối mối tình này vì anh Thắng nhỏ hơn cô Sa tới năm tuổi, và vì cô Sa đã từng có một đời chồng. Ba mẹ nhỏ Ngọc không thể nào hình dung được một người con trai bảnh bao, tài cao học rộng, tương lai xán lạn như anh lại đem lòng yêu một người như cô Sa. Chưa kể, cô Sa thực ra đâu có đáp lại tình yêu của anh Thắng. Nghe nói sau khi hôn nhân đổ vỡ, cô đâm ra sợ lấy chồng.
Nhỏ Thắm nín thở:
- Thế là anh Thắng giả điên?
- Lúc đó thì chưa. - Nhỏ Ngọc lắc đầu. - Chỉ đến khi ba mẹ mình ép anh Thắng lấy chị Hòe thì anh mới giả điên.
Tôi biết chị Hòe. Tôi chưa từng thấy người con gái nào xinh đẹp như chị.
Từ thời còn đi học, chị đã được mọi người tôn là hoa khôi của huyện. Mẹ chị là chủ tiệm vải lớn trong thị trấn. Tôi đã nghe biết bao giai thoại về chị. Con trai Tam Kỳ, Vĩnh Điện, Hội An, Đà Nẵng có dịp ghé chơi thị trấn đều mê tít chị. Bao nhiêu người đeo đuổi nhưng chị không đáp lại tình cảm của một ai.
Những chàng trai si tình thất thểu rời thị trấn với cõi lòng tan nát. Vài người trong số đó về sau trở thành những nhạc sỹ nổi tiếng, các ca khúc của họ được phát thường xuyên trên ra-dô. Và những bài hát viết về chị Hòe. Trong số đó bài hát mà ai cũng thuộc có tên là Trái tim băng giá. Trái tim băng giá của chị Hòe không ngờ cuối cùng lại bị anh Thắng làm cho tan chảy. Nhưng éo le thay anh Thắng lại đem lòng yêu cô Sa. Để thoát khỏi tấm lưới hôn nhân do gia đình giăng ra, anh Thắng chọn cách hóa điên.
Lúc đó nhỏ Ngọc mới chín tuổi, đang học lớp Bốn. Thấy anh nó bị điên, nó rất sợ. Nhưng anh nó rất hiền. Giữa anh Thắng và nhỏ Ngọc, mẹ nó còn sinh hai người con nữa nhưng cả hai đều mất sớm. Vì vậy anh nó rất thương nó, đứa em út nhỏ hơn anh đến mười ba tuổi. Mỗi khi chỉ có hai anh em với nhau, anh nó rất dịu dàng. Anh cũng không nói tiếng Tây. Anh vuốt tóc nó, nhẹ nhàng hỏi:
- Em có sợ người điên không?
- Dạ sợ- Nhỏ Ngọc lí nhí.
Em có sợ anh không?
Nhỏ Ngọc nhìn anh nó, ấp úng:
- Dạ, em... hơi hơi sợ
- Anh nói cho em biết chuyện này nha.
- Dạ
- Anh chỉ vờ điên thôi.
Anh Thắng làm nhỏ Ngọc ngẩn ngơ. Nó chớp mắt:
- Vậy hả anh?
- Ờ. Nếu anh không vờ điên, ba mẹ sẽ bắt anh cưới chị Hòe. - Anh nó giải thích
- Anh không thích chị Hòe hả? - Nó ngạc nhiên - Em thấy chị Hòe đẹp mà.
- Ờ, chị Hòe rất đẹp. Nhưng anh đang thích người khác. Anh thích cô Sa.
Nhỏ Ngọc chớp mắt lần hai:
- Cô Sa dạy trường em á?
- Ờ.
Từ lúc đó, nhỏ Ngọc trở thành người bạn tâm tình của anh nó. Đến trường, nó hay len lén nhìn cô Sa. Nó không hiểu tại sao anh nó thích cô nhưng nó không hỏi. Nó còn quá bé để hiểu được chuyện người lớn. Nếu nó hỏi và anh nó giải thích, đầu óc nó chắc cũng không sáng ra được bao nhiêu.
Tôi định hỏi nhỏ Ngọc thế mày có biết cửa tiệm của chú Lãm là trạm liên lạc của cô Sa và anh Thắng không, nhưng cuối cùng tôi đã không hỏi. Tôi ngờ rằng cô Sa ghé chủ tiệm chú Lãm chỉ để thuê truyện. Cô muốn giết thì giờ trong những ngày cuối tuần xa nhà bằng những câu chuyện tình trái ngang của nữ sĩ Quỳnh Dao. Cũng có thể cô muốn mượn các mối tình éo le trong truyện để tự an ủi dù sao mình cũng lâm vào hoàn cảnh éo le hơn.
Chỉ có anh Thắng nhờ chú Lãm để bắn tin hò hẹn với cô Sa một cách vô vọng.
o O o
Chương 2.5
Để qua mắt ba mẹ, anh Thắng không chỉ giả vờ nói tiếng Tây. Cứ vài ngày lại bỏ cơm. Anh ngồi lì trong phòng, đóng chặt cửa khiến cả nhà lo sốt vó. Nhiệm vụ của nhỏ Ngọc trong những lúc đó là bí mật tuồn cơm qua cửa sổ cho anh.
Tôi bùi ngùi khi nghe nhỏ Ngọc kể chuyện anh nó. Cả nhỏ Thắm cũng vậy. Nó thấy tội anh Thắng.
Nó cũng tội cả nhỏ Ngọc. Nó biết nhỏ bạn của nó chả vui vẻ gì trong chuyện này.
Từ lúc biết chuyện anh Thắng giả điên, mỗi khi đi ngang qua nhà nhỏ Ngọc, tôi thấy con mắt trên tường nhà nó trông buồn bã nhưu ẩn chứa nhiều tâm sự và bao giờ tôi cũng vội vã bước thật nhanh. Tôi cũng không dám ngoái đầu nhìn lại như trước.
Chuyện anh Thắng giả vờ điên đột ngột chấm dứt nhờ vào một trận sấm sét đầy trời và mưa trút như thác khiến cả thị trấn hoang mang sợ hãi. Sau một trăm năm, cây đa giữa chợ lần đầu tiên trốc gốc. Cổng tam quan của ngôi đình ở phía Bắc bị xô ngã. Bốn đầu đao trên mái đình cũng bị sét đánh tan, đồng loạt bay mất.
Trong ngày đất trời u ám đó, ở thành phố Đà Nẵng cách thị trấn năm mươi cây số về phía bắc, đứa con của cô Sa đang được bà nội dẫn đi chơi ngoài công viên thì cơn mưa thình lình trút xuống. Khi nhìn thấy chân pho tượng bất thần đổ sập, đè chết. Những ai chứng kiến cảnh tượng rùng rợn đó đã kể rằng chính mắt họ nhìn thấy đứa bé nằm chết trong tay pho tượng thì vắt ngang bụng đứa bé. Khi bí mật riêng tư của cô Sa vỡ lỡ, nhiều người xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau và cho rằng đứa bé thà chết trong vòng tay người mẹ còn hơn là sống với người cha mà nó không chọn.
Chuyện đồn thổi đó không biết thực hư thế nào. Chỉ biết khi tin dữ kia bay về thị trấn vào ngày hôm sau cô Sa đã ngất lịm.
Anh Thắng có mặt ở nhà thương ngay khi biết tin cô Sa bị đột quỵ.
Đến lúc đó mọi người mới biết anh Thắng yêu cô Sa và anh không hề điên như người ta vẫn tưởng.
Mặc dù bị các bác sĩ và y tá can ngăn, anh vẫn xông vào ngồi thụp trước chiếc giường cô Sa đang nằm và sụt sùi tỉ tê những lời tiếc thương sầu thảm đến mức những ai có mặt trong lúc đó đều cảm thấy lòng mình như tan ra.
Hình ảnh anh Thắng ngồi khóc than dưới chân giường cô Sa có lẽ còn khâu chặt vào trí nhớ cư dân thị trấn nhiều năm nữa.
Tôi, nhỏ Thắm và tụi bạn xóm Chùa chen lấn trước cửa phòng cố chen vào xem nhưng không thể nào lọt qua những tấm lưng to bè của đám người lớn hiếu kỳ chắn bít lối đi.
Thỉnh thoảng đám đông trước mặt chuyển động làm xuất hiện những khe hở và qua những khoảng trống bé tí đó tôi nhìn thấy nhỏ Ngọc đứng sau lưng anh nó, một tay đặt trên vai anh, tay kia cầm chặt trái bắp nướng đang gặm dở.
Khung cảnh bên trong tụi tôi chỉ thấp thoáng nhưng khi anh Thắng bất thần cất tiếng hát thì tụi tôi nghe rõ mồn một.
Anh vẫn hát bài Aline nhưng lần này anh hát lời Việt:
Ngồi họa hình người tình... vào bãi cát vàng
Hình dáng em ngoan... nụ cười ôi mến thương....
Tới hôm đó tôi mới biết anh hát bài này là để trải lòng với cô Sa. Trong số vốn chữ Hán ít ỏi mà tôi thu lượm được qua sách báo, ”sa” tức là ”cát". Và tôi nhận ra bài hát không chỉ một lần nhắc đến từ ”cát":
Chỉ còn họa hình... mặt người trên nền cát mềm
Nằm chết êm đềm... chìm dần trong nước lên....
Lời ca áo não, cộng thêm giọng hát thê lương của anh khiến tôi nghe lạnh sống lưng. Đến đoạn điệp khúc thì tôi nổi da gà:
Rồi anh sẽ hét...
Sẽ hét lên, hét lên... gọi tên người quen Rồi anh sẽ khóc...
Sẽ khóc lên, khóc lên... lòng đau triền miên...
Các bác sĩ và y tá không biết có thấy rợn người như tôi không nhưng tới lúc này sự cảm thông của họ với anh Thắng có lẽ đã chạm giới hạn. Họ nghiêm khắc yêu cầu anh không được làm ồn để cho bệnh nhân nghỉ ngơi, từ ngoài cửa tôi thấy vẻ mặt của họ rất cương quyết và lúc đó anh Thắng mới chịu im.
Nhỏ Thắm níu tay tôi, mắt đỏ hoe:
- Về thôi. Đăng ơi!
Khi tôi và nhỏ Thắm kéo nhau ra cổng tụi thắng Định, thằng Trí và chú tiểu Khôi cũng lật đật chạy theo.
Chú tiểu Khôi run run nói:
- Anh Thắng hát nghe ghê quá hả tụi mày!
Thằng Định chép miệng, giọng đột ngột méo đi:
- Y như đám ma.
- Đám ma chứ gì nữa. - Thằng Trí tặc lưỡi phụ họa - Hôm qua con cô Sa chết, hôm nay tới lượt cô. Nhưng cô Sa không chết như thằng Trí tưởng.
Không chỉ Trí, nhiều người cũng tưởng thế. Do xúc động mạnh, cô bị hôn mê, một thời gian dài mạch cô mỏng như tơ.
Nhưng sau khi được chích thuốc và truyền nước biển, sự sống đã dần quay trở lại trên gương mặt nhợt nhạt của cô.
o O o
Chương 2.6
Con trai cô Sa cũng không chết như lời đồn. Vào cái ngày mưa bão kinh hoàng đó, pho tượng người mẹ ở công viên ngoài Đà Nẵng quả có bão gió xô ngã nhưng không có đứa trẻ nào bị tượng đè. Tất cả chỉ là tin bịa đặt.
Giông gió ngoài trời khủng khiếp thật, nhưng chỉ nổi lên một ngày rồi thôi. Giông gió ngoài trời khủng khiếp thật, nhưng rồi cũng kịp tạnh đi trước những tin tức tốt lành.
Sau mưa, bầu trời xanh ngắt và mây chuyển sang màu lông ngỗng. Gió bắt đầu dịu đi, nhún nhảy nhẹ nhàng trên cành phượng trước sân chùa Giác Nguyên và kéo đi xào xạc trong vườn nhà bà nội tôi từ sáng tới chiều. Tảng đá đè nặng ngực tôi như được ai nhấc đi cùng với những tin dữ.
Nhỏ Thắm cũng vui như sóc. Gặp nhau trên trường, nó cầm tay tôi lắc lắc:
- Vui quá Đăng há? Rốt cuộc hổng có ai chết hết.
- Ờ.
- Vui nhất là ba mẹ anh Thắng không cấm anh thích cô Sa nữa.
Tôi nhướn mắt:
- Sao mày biết?
- Mình nghe nhỏ Ngọc nói.
Tôi nhún vai:
- Nhưng cô Sa đâu có thích anh Thắng.
Nhỏ Thắm chìa vẻ hớn hở vào mắt tôi:
- Trước đây thì cô không thích. Nhưng bây giờ thì cô thích.
- Nhỏ Ngọc nói vậy ahr?
- Ờ. Nó bảo sau khi tỉnh dậy, thấy anh Thắng ngồi bên cạnh mặt mũi bơ phờ, cô Sa đã đưa tay lau nước mắt.
- Cô lau nước mắt cô hay lau nước mắt anh Thắng? - Tôi lây tật hay hỏi của nhỏ Thắm.
Hóa ra tật hay hỏi lợi hại gớm. Nhỏ Thắm ngẩn ra một lúc rồi ngập ngừng đáp:
- Chắc cô lau cho cả hai. Cô lau cho cô trước, sau đó, cô lau cho anh Thắng.
Người vui nhất trong những ngày này chắc chắn là nhỏ Ngọc. Anh Thắng trở lại bình thường, nó không còn phải lén lút đưa cơm cho anh nữa. Lòng nó cũng thôi nặng nề khi bạn bè không còn gọi anh là ”anh Thắng khùng".
Anh Thắng thôi giả điên, tất nhiên mỗi khi ra đường anh không còn ôm khư khư cuốn từ điển Pháp-Việt bên người. Anh cũng thôi nói tiếng Tây.
- Anh Thắng ơi, anh đi đâu đó?
Bọn tôi cố ý hỏi, và nghe anh vui vẻ đáp bằng tiếng Việt:
- Anh đi xuống chợ.
- Anh Thắng ăn cơm chưa?
- Anh ăn cơm rồi. Tụi em ăn chưa?
Thời gian đó, đi ngang nhà nhỏ Ngọc, tôi nhận thấy con mắt trên bức tường nhà nó tuồng như đã thôi buồn bã, mặc dù tôi đi hướng nào cũng có cảm giác nó đang tò mò nhìn theo. Tới một ngày, tôi không còn thấy anh Thắng trên các nẻo đường thị trấn. Nhỏ Ngọc bảo anh nó vào Sài Gòn đi kiếm việc làm. Nó bảo anh nó phải đi làm kiếm tiền để mai mốt cưới cô Sa.
Tự nhiên tôi bỗng nhớ tiếng hát của anh Thắng, nhớ cái giọng ngân nga buồn bã của anh:
”Ngồi buồn tủi ngoài đời... tưởng như ngồi với người/
Người đã xa xôi... người đi mất hơi".
Tự nhiên tôi thấy buồn vu vơ, không hiểu vì sao. Hay vì tôi đã lớn? Có phải chuyện tình của anh Thắng và cô Sa giống như chiếc muỗng khuấy vào tâm hồn non nớt của tôi, khiến nó không còn bình yên nữa.
Bây giờ tôi có thể ngồi vẩn vơ hàng giờ ngắm bầu trời, nhìn những đám mây tan ra tụ lại rồi tưởng tượng đủ thứ hình thù.
Ban đêm tôi nhìn mặt trăng, thấy mặt trăng giống như con mắt trên bức tường nhà nhỏ Ngọc, tôi nhìn nó, nó nhìn tôi, giống như nếu tôi hỏi thì nó sẽ lập tức trả lời.
Vào một ngày hè chuẩn bị lên lớp Bảy, tôi chạm tay vào tay nhỏ Thắm:
- Thắm này.
- Gì hở Đăng?
- Anh Thắng ấy mà! - Bao giờ anh ấy về cưới cô Sa hở mày?
- Sao Đăng không hỏi bạn Ngọc?
Tôi đưa mắt nhìn chiếc áo xanh và đôi giày xanh của nó, mỉm cười:
- Tao muốn hỏi mày hơn.
- Tại sao?
- Tại tao muốn hỏi một cây chuối non.
Nhỏ Thắm hiểu ngay ví von của tôi. Nó nheo nheo mắt:
- Đăng thích chơi với cây chuối non hơn hả?
- Mày biết thừa mà còn hỏi!
Nhỏ Thắm sờ tay lên mái tóc, giọng đột nhiên bâng khuâng:
- Hôm nào mẹ mua cho mình chiếc nón màu xanh nữa thì mình mới thật là giống cây chuối non.
o O o
Chương 2.7
Anh Thắng quay về thị trấn vào những ngày năm lớp Tám của chúng tôi sắp bế giảng. Anh về làm đám cưới với cô Sa.
Tụi tôi còn nhỏ, không được mời dự đám cưới nhưng vẫn xúm đen xúm đỏ trước cửa nhà nhỏ Ngọc kiễng chân nhìn vào. Ở thị trấn nghèo, con nít nô nức đi xem đám cưới như đi xem hát. Tụi tôi tò mò ngắm cô dâu chú rể, ngắm các phù dâu phù rể và người lễ mễ bưng mâm quả phủ khăn điều rồng rắn đứng kín sân đợi giờ hành lễ. Tụi tôi tụ tập tại đó còn vì nôn nao đợi nhỏ Ngọc đánh cắp bánh xu-xê, bánh in, bánh thuẫn lận sau vạt áo đem ra trước cửa giúi vào tay tụi tôi.
Tụi tôi ở đây tức là tôi, nhỏ Thắm, thằng Phan và chú tiểu Khôi - những đứa ngồi cùng bàn với nhỏ Ngọc vì vậy được nó liệt vào hàng bạn thân, xứng đáng để nó lấy trộm bánh cưới ra chiêu đãi.
Tôi nhìn chú tiểu Khôi miệng nhồm nhoàm bánh trêu:
- Mày đâu có ăn bánh này được. Đây là bánh cưới.
- Bánh cưới thì sao?
- Ai ăn bánh cưới thì lớn lên phải lấy vợ lấy chồng.
Thằng Phan hùa theo:
- Đúng rồi đó! Mày đưa cho tụi tao ăn đi!
Chú tiểu Khôi cầm chiếc bánh chạy tuốt ra xa, quay lại dẩu môi:
- Tụi mày đừng có lừa tao.
Nhỏ Thắm mỉm cười ngó tôi:
- Vậy mình và Đăng ăn được phải không?
- Dĩ nhiên rồi! - Tôi hùng hồn - Tao và mày đâu có đi tu! Lớn lên mày sẽ làm cô dâu, còn tao làm chú rể!
Thốt xong, chợt nhận ra ý tứ trong câu nói, tôi mặt ngó lơ chỗ khác.
Nhỏ Thắm là đứa con gái hồn nhiên. Xưa nay tôi chưa thấy nó bối rồi hay mắc cỡ bao giờ. Tôi nhớ hồi lớp Năm, tôi từng giận nó lãng xẹt, chỉ vì chị Hoài ”cáp đôi” tôi với nó. Thắm lúc đó không hiểu ”cáp đôi” là gì, tôi đành phải giải thích ”cáp đôi” tức là có ý bảo đứa con gái và đứa con trai thích qua thích lại. Nghe tôi nói vậy, nhỏ Thắm thản nhiên ”Thích qua thích lại thì có gì đâu mà Đăng giận!” khiến quai hàm tôi như bị ai kéo lệch đi. Cách đây hai năm, tôi tập cho nó bơi cũng vậy. Trong khi tôi đỏ mặt tía tai vì phải luồn tay đỡ lấy bụng nó, nó vẫn vô tư đập nước ầm ầm.
Tôi cứ tưởng nhỏ Thắm mãi mãi là cây chuối non thơ bé trong tâm tưởng của tôi. Nhưng bây giờ tôi ngờ răng cây chuối non đó đã lớn. Bởi vì không chỉ một mình tôi quay mặt đi sau câu nói hớ, ngay cả nhỏ Thắm cũng ngượng ngập ngoảnh đầu nhìn ra phía khác.
Như để che lấp sự bối rối, hai đứa tôi đưa bánh lên miệng nhai vội nhai vàng. Một hồi lâu, không đứa nào nói chuyện với đứa nào. Có lúc tôi quay mặt liếc trộm nó, thấy nó cũng đang liếc trộm tôi và khi bắt gặp ánh mắt nó, thấy nó cũng đang liếc trộm tôi và khi bắt gặp ánh mắt nó, tôi cảm giác như bị điện giật. Gò má nóng bừng, tôi lật đật quay đi, tay quýnh quíu nhét mẩu bánh vô miệng và đoán rằng sau lưng tôi chắc nhỏ Thắm cũng làm y như thế.
Đến khi chú tiểu Khôi kêu lớn:
- Tụi mày về chưa? Tao về đây!
Nhỏ Thắm mới khẽ nói:
- Tụi mình về thôi, Đăng!
Câu nói quen thuộc ấy từ khi chơi với nhỏ Thắm tôi đã nghe đến hàng trăm lần. Nhưng tôi nhận thấy câu nói lần này không giống với hàng trăm lần trước đó. Nó có vẻ gì đó không được tự nhiên. Có điều gì đó không còn như cũ làm tôi hoang mang ghê gớm.
Trong khi chú tiểu Khôi và thằng Phan tiếp tục giành ăn, rượt đuổi nhau và la chí chóe, tôi và nhỏ Thắm lặng lẽ đi về phía chợ.
Chưa bao giờ chúng tôi im lặng lâu như thế khi cũng bước bên nhau.
Nhỏ Thắm có tật hay cười, miệng mồm lại liến thoắng, nhưng bữa nay nó im thin thít, cứ như một đứa nào khác đang sóng bước bên tôi. Tôi cố đoán xem nó đang nghĩ gì trong đầu nhưng tôi không tài nào biết được. Tôi cũng không dám hỏi nó, dù tôi muốn làm điều đó biết bao. Tôi e rằng nó đang giận tôi vì câu nói vừa rồi. Tôi biết nó mong chóng lớn để làm cô dâu, với ước ao được tô son như cô Sa, cô Hải. Nhưng chú rể trong giấc mơ người lớn của nó ắt hẳn không phải là tôi. Nếu không thế, tại sao từ nãy đến giờ nó không buồn trò chuyện với tôi. Thực tâm, tôi cũng không có ý gì khi bảo mình là chú rể, trong cơn hào hứng tôi chỉ buột miệng thế thôi, mặc dù tôi biết tôi thích nhỏ Thắm rất nhiều.
Con đường rẽ vào xóm Chùa hiện ra trước mặt khiến tôi phân vân quá.
- Thắm này. - Cuối cùng, tôi quyết định mở miệng trước khi quẹo vào con đường đất.
- Gì hả Đăng?
- Bộ mày giận tao hả? - Tôi nói một cách khó khăn, vì trước nay chỉ nhỏ Thắm hỏi tôi câu đó.
- Giận chuyện gì?
Tôi ngập ngừng:
- Chuyện... "cô dâu chú rể” đó.
- Chuyện đó có gì đâu mà giận. - Nhỏ Thắm đáp, đã lấy lại vẻ bình thản hằng ngày.
- Thế sao mày im im vậy?
- Tại mình đang lo.
- Lo á? Lo chuyện gì?
Nhỏ Thắm cười khúc khích:
- Lo mai mốt về ở chung chú rể giành ăn, giành đồ chơi với cô dâu!
Tôi biết nhỏ Thắm nói đùa. Hồi lớp Ba, lớp Bốn, nó nói vậy là tôi tin ngay. Bây giờ nó đã lớn, đã mười bốn tuổi rồi, đâu còn là trẻ con nữa.
Không còn trẻ con nên nói câu gì cũng giật mình thấy hớ hênh, sơ suất.
Hồi tiểu học, tụi tôi nói năng vung vít nhưng không đứa nào quan tâm mình đang nói gì, vì vậy không cảm thấy nhột nhạt. Bây giờ, sẩy ra câu gì cũng thấy ngượng. Khi nãy tôi lỡ miệng, bây giờ tới lượt nhỏ Thắm. Nó vừa lấy lại vẻ tự nhiên, chứ nhận ra mình vừa buột ra câu ”mai mốt về ở chung” mặt nó lập tức ửng lên.
Lần này, nó không chỉ quay mặt đi, mà co giò chạy mất.
o O o
Chương 2.8
Tôi đứng giữa ngã ba nhìn theo mái tóc bay phất phơ trong gió của nhỏ Thắm, đoán nó chạy về nhà. Tự nhiên tôi ghét lớn lên. Khi đứa con gái lớn lên, đứa con trai và đứa con gái lớn lên, nó biết xấu hổ. Khi đứa con gái có nguy cơ tan vỡ.
Tôi vừa rảo bước về nhà vừa nghĩ ngợi. Ngày mai chủ nhật, tôi sẽ không gặp nhỏ Thắm. Nhưng ngày mốt lên trường dự lễ bế giảng thế nào tôi cũng gặp lại nó. Chỉ có điều không biết lúc đó tôi và nó có trò chuyện tự nhiên như ngày nào nữa không.
Không ngờ suốt buổi sáng thứ hai, tôi tìm mỏi mắt cũng không thấy nó đâu. Sự vắng mặt của nhỏ Thắm làm tôi ngạc nhiên quá vì tôi biết nó có tên trong ban đồng ca của lớp mặc dù tôi thấy nó hát chẳng hay gì lắm.
Tôi hỏi tụi bạn, đứa nào cũng lắc đầu.
Tôi nhủ bụng, chắc nó bị ốm. Lòng như lửa đốt nhưng tôi không dám vào nhà nó dò hỏi. Tôi đành chạy qua chùa Giác Nguyên tìm chú tiểu Khôi.
- Đi đâu đây, mày?
- Tôi nhờ chú chuyện này chút.
- Chà, bữa nay mày ăn trúng thứ gì vậy, Đăng? - Chú tiểu Khôi há hốc
miệng - “Chú chú tôi tôi” nghe lịch sự gớm!
Tôi cười gượng:
- Hôm qua mẹ tôi la, bảo tôi không được xưng ”mày-tao” với chú nữa.
Chú tiểu Khôi nheo mắt:
- Mày định nhờ tao chuyện gì vậy?
- Chú ghé nhà nhỏ Thắm dò xem nó có bị ốm không. Tại hôm bế giảng không thấy nó đến trường.
Chú tiểu Khôi ngạc nhiên:
- Sao mày không tự đi mà hỏi lấy? Hằng ngày mày vẫn ghé rủ nó đi học mà.
- Ờ...ờ..
- “Ờ, ờ” cái gì! Mày thích nó phải không?
Tôi nhăn nhó:
- Tôi và nó chỉ là bạn thân thôi. Bạn thân.
- Bạn thân cái mốc xì! - Chú tiểu Khôi trề môi - Mày làm như tao đui vậy!
Tuy trêu chọc tôi nhưng chú tiểu Khôi vẫn sốt sắng nhận lời đi cùng tôi xuống chợ, sau khi tôi hứa sẽ trả công cho chú một bịch đậu phộng da cá.
Đi gần tới nhà nhỏ Thắm, trong khi chú đi thẳng vô quán bún, tôi chui vô nhà lồng chợ, nhấp nhổm giấu mình sau mấy giỏ cần xé nhướn mắt quan sát.
Tôi tưởng chú và nhỏ Thắm trò chuyện ít nhất cũng năm, mười phút, nào ngờ chú vừa bước vô đã bước ra ngay.
- Sao chú ra liền vậy? - Tôi rượt theo chú tiểu Khôi và bắt kịp chú ở cổng
chợ.
- Nhỏ Thắm không có nhà.
- Nó đi đâu chú có biết không?
- Nó về quê nghỉ hè rồi.
Tôi nhún vai:
- Quê nó ở đây chứ ở đâu!
- Mẹ nó bảo nó về nhà bà ngoại nó trong Chiên Đàn.
Lòng tôi bất giác trĩu xuống sau câu nói của chú tiểu Khôi. Trong một lúc, có cái gì đó như là sự bàng hoàng hụt hẫng lấp đầy tôi khiến sống mũi cay xè. Tin nhỏ Thắm về quê xảy đến quá bất ngờ tôi thẫn thờ, tay chân đột nhiên tê dại đi. Tôi không rõ tại sao nhỏ Thắm không nói cho tôi biết nó sắp về quê ngoại. Nếu nó nói cho tôi biết trước, tôi cũng sẽ buồn nhưng không buồn hiu hắt như lúc này. Càng nghĩ tôi càng giận dỗi. Nhỏ Thắm tệ ghê!
Đêm đó, tôi nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi miên man. Tôi không biết nó ra đi vội vã như vậy vì lý do gì. Hay vì nó trót nói câu ”mai mốt về ở chung" mà bây giờ nó mắc cỡ đến mức tìm cách tránh mặt tôi? Tôi cũng không biết bao giờ nhỏ Thắm mới quay về thị trấn. Chắc là lâu lắm.
Như vậy là hè này tôi sẽ không được nhìn thấy nó, không được nghe tiếng nó cười giòn giã bên tai và không có dịp bực mình lúng túng khi nó bám riết lấy tôi hỏi hết câu này đến câu khác. Tự nhiên tôi thấy nhớ những thắc mắc lãng nhách của nó quá chừng. Nó là chúa tò mò, là con quỷ con ưa mách lẻo nhưng nó cũng là cây chuối non thân thiết của tuổi thơ tôi. Tôi và nó chơi thân với nhau từ thời tiểu học, suốt nhiều năm trời cả hai lúc nào cũng bên nhau, đùng một cái mùa hè xa cách chen vô giữa, ba tháng đối với tôi bỗng dằng dặc chẳng khác nào ba
năm.
Sáng hôm sau tôi lại chạy qua chùa Giác Nguyên.
Chú tiểu Khôi đang quét lá trước sân, thấy tôi liền toét miệng cười:
- Đăng đi đâu đó?
- "Đăng” á? - Tôi giật mình sờ tay lên vành tai - Tôi có nghe lộn không vậy?
- Lộn gì mà lộn! Sư thầy không cho tôi xưng hô ”mày-tao” với bạn bè nữa.
Tôi nhìn chú tiểu Khôi bằng ánh mắt dò xét, rồi gật gù:
- Chắc chú kể cho sư thầy chuyện mẹ tôi la tôi chứ gì?
- Thì vậy!
Chú tiểu Khôi nhìn lên tàng phượng đỏ rực trên đầu buột miệng cảm khái:
- Tụi mình lớn rồi.
Ánh mắt tôi lại rớt xuống trên mặt chú tiểu Khôi, đột nhiên phát hiện chú đã lớn hơn năm ngoái nhiều. Mà không chỉ chú, cả tôi, cả nhỏ Thắm lẫn đám bạn chuẩn bị vô lớp Chín đều lớn phổng lên lúc nào không hay. Áo quần tôi mặc đều đã chật, sang năm chắc mẹ tôi phải may áo mới cho tôi, nếu không thì sửa lại quần áo của ba tôi cho tôi mặc như thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn làm
thế.
Chú tiểu Khôi huơ cây chổi trên tay, mỉm cười ngó tôi:
- Đăng định rủ tôi xuống chợ nữa hả?
- Không. Tôi định rủ chú đi Chiên Đàn.
- Cái gì? - Chú tiểu Khôi giật nảy, như thể tôi vừa chú một phát - Đi Chiên Đàn?
- Ờ.
Đôi mắt chú mở to:
- Đi bằng cách nào?
- Xuống đường quốc lộ đón xe đò đi.
- Đăng biết nhà bà ngoại nhỏ Thắm ở đâu không?
Câu hỏi của chú tiểu Khôi làm tôi ú ớ. Tôi quên mất Chiên Đàn rộng mênh mông, biết nhà bà ngoại nhỏ Thắm ở đâu mà tìm.
Thấy tôi đứng đực mặt ra, chú tiểu Khôi nheo mắt:
- Hổng lẽ hai đứa mình vô Chiên Đàn để thăm mấy cái tháp Chàm?
Chiên Đàn có hai cái tháp Chàm nằm bên trên đường quốc lộ. Mỗi lần ba tôi chở tôi đi Tam Kỳ, chạy ngang Chiên Đàn lần nào ông cũng chỉ cho tôi xem.
- Thôi ở nhà đi, Đăng. Đằng nào hết hè nhỏ Thắm cũng về đi học lại mà.
Chú tiểu Khôi an ủi tôi. Nhưng mặt tôi vẫn chẳng tươi lên chút nào. Nó cứ xụ xuống một đống khiến chú tiểu Khôi động lòng. Chú bước lại kéo tay tôi:
- Đăng vô đây tôi cho xem cái này nè!
o O o
Chương 2.9
Chú tiểu Khôi dẫn tôi vô phòng học nhỏ của chú nằm phía sau chánh điện.
Trước ánh mắt tò mò của tôi, chú lôi từ trong ngăn kéo một xấp tranh lần lượt bày ra bán. Toàn tranh Phật vẽ bằng màu nước.
- Chú vẽ hả?
- Ờ.
- Đẹp quá há. Tôi đâu có biết chú vẽ đẹp như vậy.
- Sư thầy dạy tôi vẽ đó.
Từ hôm đó gần như ngày nào tôi cũng chạy qua chùa Giác Nguyên xem chú tiểu Khôi vẽ tranh.
Hè này tôi chẳng có bạn nên cứ đeo lấy chú. Nhó Thắm đã về quê ngoại. Nhỏ Ngọc theo anh Thắng và cô Sa vô Sài Gòn. Anh Thắng sau khi lấy vợ, đã đem cô Sa của tôi đi mất. Còn đem cả nhỏ Ngọc đi theo, lần này chắc nhỏ Ngọc chuyển trường vô luôn trong đó. Thằng Phan ở tuốt dưới ngã ba Cây Cốc. Nó ở nhà phụ ba mẹ chăn bò, cắt cỏ, làm đồng, mười ngày nửa tháng mới thấy ló mặt lên thị trấn một lần.
Riêng thằng Định và thằng Trí thì tôi đã nghỉ chơi với tụi nó mấy tháng nay rồi. Năm ngoái tại hai thằng này mà tôi suýt bị hàm oan. Dạy văn năm lớp Tám của bọn tôi là thầy Vỹ. Thầy dạy hay, chơi bóng bàn cũng hay. Tôi học môn văn của thầy không lấy gì làm khá nhưng nhờ tôi chơi bóng bàn nên thầy rất cưng tôi. Bàn bóng kê trong hội trường, hằng ngày chỉ có giáo viên
chơi với nhau, bọn học trò chỉ bu chung quanh đứng xem. Nhưng mỗi khi thấy mặt tôi là thầy Vỹ vui vẻ ngoắt tay:
- Đăng, vô chơi với thầy vài ván xem đi!
Thầy Vỹ khoái tôi còn vì tôi thích đọc truyện trinh thám giống như thấy.
Một lần ghé nhà thầy chơi, mắt tôi sáng rỡ khi phát hiện phòng trọ của thầy có nguyên một tủ truyện trinh thám. Thế là tôi rụt rè hỏi mượn.
Truyện trinh thám lắt léo ly kỳ không thua gì truyện kiếm hiệp, đã cầm lên khó mà buông xuống. Cứ vài ba ngày tôi ngốn hết một cuốn. Xong lại đem đến nhà trọ thầy đổi lấy cuốn khác. Từ ngày bị cấm đến tiệm cho thuê truyện của chú Lãm, tôi rầu rĩ như Alibaba bị cấm bén mảng đến kho báu.
Nhưng cuộc sống dù sao cũng không đến nỗi quá khắc nghiệt: kho truyện trinh thám của thầy Vỹ đã hiện ra trước mắt tôi như một pháp màu.
Thầy Vỹ người Vĩnh Điện, đã có vợ. Hai vợ chồng thầy người nào cũng bé như chim chích. Chuyển đi dạy học ở đâu, thầy cũng đem vợ theo. Thầy đến lớp, vợ thầy ở nhà đi chợ, giặt đồ, nấu ăn. Tôi chưa thấy đôi vợ chồng nào cười nói ríu rít suốt ngày như vợ chồng thầy. Bao giờ ngắm thầy và cô vui vẻ trêu chọc nhau tôi cũng mỉm cười nghĩ đến câu "quấn quýt như vợ chồng son".
Đôi vợ chồng son đó, chuyện gì cũng tuyệt. Chỉ có một khuyết điểm nho nhỏ: Khi ngủ trưa, cả hai không bao giờ đóng cửa sổ, chỉ giăng một tấm rèm mỏng, có lẽ do trời quá nóng. Cửa sổ phòng ngủ của vợ chồng thầy lại quay ra đường, thế mới sinh chuyện. Thoạt đầu, tôi thường ghé nhà thầy để đổi truyện vào buổi trưa. Nhưng rồi một lần tôi đến vào lúc thầy đang ngủ. Rèm cửa sổ gió thổi lất phất và qua khe hở của tấm rèm thấy vợ chồng thầy đang ngủ say trên giường. Cả hai vóc dáng đều nhỏ nhắn nên trông như hai đứa trẻ đang ôm nhau trong giấc mơ.
Nhưng chỉ thế thôi cũng đủ làm tôi đỏ mặt, lặng lẽ ôm sách ra về.
Tôi không biết bằng cách nào thằng Định cũng phát giác điều đó. Nó rủ thằng Trí mò đến rình xem vợ chồng thầy ngủ. Tất nhiên tôi hoàn toàn không hay biết trò mất dạy của hai đứa này. Chỉ đến khi thầy Vỹ kể lại, tôi mới tá hỏa. Lần đó, Định và Trí nấp sau tấm rèm cười hí hí khiến thầy thức giấc.
Nhưng khi thầy xô cửa bước ra thì hai đứa bỏ chạy mất. Thầy không nhìn thấy thủ phạm nhưng đôi dép bỏ lại bên cửa sổ nhà thầy là... đôi dép của tôi.
Đó là đôi dép tôi bị mất cắp trước đó một tuần. Hóa ra kẻ cắp chính là thằng Định và rõ ràng nó đã tính toán sẵn. Nó không thường xuyên mang đôi dép đánh cắp nên tôi không hề nghi ngờ nó.
Chỉ khi đi ”gây án” thì nó mới cố tình xỏ đôi dép của tôi để lỡ có bề gì sẽ dễ dàng giá họa. Thầy Vỹ chẳng lạ gì đôi dép của tôi vì tôi thường xuyên ghé chơi nhà thầy. Hơn nữa, đó là đôi dép khá đặc biệt: Nó là đôi dép nhựa có quai màu vàng nhưng một bên quai bị đứt được tôi quấn lại bằng dây kẽm.
Thầy Vỹ có lần bảo tôi:
- Sao em không mua đôi dép mới mà đi? Đi đôi dép này đau chân lắm đó em!
Đôi dép đó, sau khi nhặt được, thầy Vỹ đem cất trong nhà, thầy không nói gì về chuyện đó, chỉ có ánh mắt thầy nhìn tôi có vẻ là lạ. Tất nhiên là tôi vẫn không nhận ra sự khác thường đó. Và hai hôm sau tôi vẫn thản nhiên ghé nhà thầy đổi truyện.
Sau khi đưa sách cho tôi, thầy cúi xuống gầm giường lôi đôi dép sứt quai chìa ra trước mặt:
- Em cầm đôi dép về đi!
Tôi cầm lấy đôi dép, mắt trố lên:
- Ủa, ở đâu thầy có đôi dép của em vậy thầy?
Thầy Vỹ lạnh nhạt:
- Dép của em mà em không biết nó ở đâu à?
- Dạ, tuần trước tụi em chia phe chơi đá bóng ở sân trường Bồ Đề, không biết đứa nào lấy mất đôi dép của em
Tôi nhìn xuống chân:
- Mẹ em phải mua cho em đôi dép mới nè thầy.
Thầy Vỹ nhìn tôi săm soi, trông thầy lúc này y hệt các thám tử trong tủ truyện của thầy:
- Em nói thiệt không đó?
- Dạ thiệt. Em đâu có dám nói dối thầy.
Vẻ mặt thành thật của tôi đã thuyết phục thầy Vỹ. Có lẽ thầy không tin đứa học trò cưng của thầy lại dám lừa thầy, còn đủ gan quay trở lại nhà thầy mượn truyện sau khi đã gây ra một tội tày đình như thế.
Thầy đặt tay lên vai tôi, dịu dàng:
- Thôi, em về đi!
Thầy Vỹ bảo tôi về nhưng tôi vẫn nấn ná. Tôi ngước nhìn thầy ngập ngừng hỏi:
- Thầy lấy đôi dép này ở đâu vậy thầy? Em thắc mắc quá!
Thầy Vỹ có vẻ không muốn tiết lộ câu chuyện chẳng hay ho gì đó. Nhưng thầy cũng không muốn tôi ôm khư khư câu hỏi to tướng trong lòng nên cuối cùng thầy đành thở dài thuật đầu đuôi sự việc nên cuối cùng thầy đành thở dài thuật đầu đuôi sự việc cho tôi nghe.
Tôi càng nghe, máu nóng càng dồn hết lên đầu. Trước mặt thầy, tôi cố bắt mình trấn tĩnh.
Nhưng tôi chỉ làm thinh được mười lăm giây. Tới giây thứ mười sáu, tôi nghiến răng gầm gừ:
- Để em về điều tra xem đứa mất dạy nào làm chuyện đó rồi báo cho thầy biết!
o O o
Chương 2.10
Tôi hậm hực kể lại chuyện đó cho chú tiểu Khôi nghe. Chú tiểu Khôi hừ mũi:
- Bạn Định đánh cắp đôi dép của Đăng chứ ai.
- Tuần trước chơi đá bóng, chính nó là đứa kêu đau bụng bỏ về giữa chừng.
Tôi nhớ chuyện thằng Định đòi về. Như vậy thằng Định sau khi đánh cắp đôi dép của tôi đã kiếm cớ chuồn sớm. Hèn gì đá bóng xong, tôi tìm đỏ con mắt vẫn không thấy đôi dép của tôi đâu. Tôi đưa tay véo môi:
- Có chắc là nó không?
Hôm trước lúc nó đi rảo trong sân chùa tìm hái nấm muối chính mắt tôi đã thấy nó đã đi đôi dép màu vàng. Nhưng dép màu vàng thì khối người mang nên lúc đó sẽ không nghĩ đó là dép của Đăng.
Sáng hôm sau gặp thằng Định trước cổng trường, tôi vỗ vai nó, nhếch môi:
- Có người thấy mày đánh cắp đôi dép của tao rồi nghe Định?
Định giật mình:
- Làm gì có!
- Thầy Vỹ còn hỏi tao sao mày liệng đôi dép đó trước nhà thầy.
Mặt thằng Định xanh như đít nhái sau lời hù doạ của tôi.
- Thằng Trí chứ đâu phải tao!
Nó phun bừa một câu rồi co giò chạy tuốt lại mấy đứa đang chơi đá cầu.
Tối đó tôi ghé nhà thầy Vỹ.
Em tìm ra đứa đánh cắp đôi dép của em rồi, thầy.
- Tôi hớn hở nói - Nghe em hù thầy Vỹ biết thủ phạm là mày rồi, mặt nó xanh lè xanh lét.
- Vậy hả em?
Tôi sốt sắng nói thêm:
- Thằng đó học lớp mình đó, thầy.
- Em không nên gọi bạn là thằng, Đăng à - Thầy Vỹ góp ý.
- Dạ, bạn đó là...
- Em cũng không cần nói tên bạn đó ra đâu!- Thầy Vỹ khoát tay.
- Sao vậy thầy?- Tôi ngơ ngác, thái độ của thầy hoàn toàn nằm ngoài tiên liệu của tôi - Thằng đó, à quên, bạn đó...
- Thầy không muốn có ấn tượng xấu về học trò của mình - Thầy Vỹ điềm đạm giải thích - Bạn đó lúc này đã biết sợ rồi, chắc sẽ không làm gì sai trái nữa đâu!
Định chính là đứa xô tôi xuống suối ngày nào khiến tôi suýt chết sặc. Nó là thằng chuyên nghĩ ra những trò tai quá. Tôi không biết một đứa như nó cóthay đổi được không nhưng nghe thầy Vỹ nói vậy, tôi không háo hức giục thầy xử phạt nó nữa. Nhưng kể từ lúc đó, tôi nghỉ chơi với Định. Cả thằng Trí hay cặp kè với tôi tôi cũng cạch mặt, dù Trí chỉ là đứa về hùa.
Chính vì lẽ đó mà mùa hè năm nay tôi chẳng có ai để chơi cùng, ngoài chú tiểu Khôi.
Nhưng chú tiểu Khôi cũng một lần làm tôi chết lặng.
Lần đó, sau một hồi đi lang thang dọc các khóm cây rình bắt ve sầu, nghĩ bụng về nhà chẳng biết làm gì, tôi chui vào chùa Giác Nguyên. Chùa tĩnh mịch, chùa vắng ngắt, tôi đoán mọi ngừoi có lẽ đang ngủ trưa. Không dám cất tiếng gọi chú tiểu Khôi, tôi nhẹ chân rón rén đi vào phòng học của chú.
Tôi xô nhẹ cửa, thấy chú đang ngồi đằng bàn cặm cụi vẽ tranh.
Chú tiểu Khôi vẫn mê mải quẹt cọ không biết tôi đang đứng sau lưng.
- Chú vẽ gì vậy? - Tiếng tôi vang lên đáp “à” lên:
- À, chú vẽ Phật bà Quan Âm...
Nhưng mày tôi lập tức nhíu lại. Tôi cúi đầu xuống sát bức tranh trên bàn, lẩm bẩm:
- Ủa, Phật bà sao trẻ quá vậy? Lại thấy quen quen!
- Tôi đâu có vẽ Phật bà.
Đột nhiên tôi la lên:
- Trời, chú vẽ nhỏ Thắm!
- Ờ.
- Sao chú vẽ nhỏ Thắm? Hổng lẽ chú cũng thích nó?
Tôi la lớn hơn, khiến chú phải đưa ngón tay lên miệng suỵt khẽ:
- Bậy
- Còn chối nữa!- Tôi thu nắm tay - Tôi méc sư thầy bây giờ!
Chú tiểu Khôi từ tốn:
- Tôi vẽ tặng Đăng đó.
- Tặng tôi?- Tôi tròn xoe mắt.
- Ờ- Chú mỉm cười - Tôi biết Đăng đang nhớ nó mà.
Chú tiểu Khôi làm tôi cảm động quá. Bậc tu hành như chú lẽ ra không nên quan tâm đến chuyện trần tục nhưng có lẽ thấy tôi đi qua những ngày hè bằng những bước chân buồn bã, chú quyết định vẽ tặng tôi bức tranh này. Chú tốt ghê!
- Chú tặng tôi bức tranh, tôi cũng phải kiếm cái gì tặng lại cho chú - Cuối cùng tôi nói.
- Cái gì là cái gì?
Tôi toét miệng cười:
- Đậu phộng da cá!
o O o
Cây Chuối Non Đi Giày Xanh Cây Chuối Non Đi Giày Xanh - Nguyễn Nhật Ánh Cây Chuối Non Đi Giày Xanh