Cầu Mơ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3
hiếc xuồng lướt trên mặt con lạch. Nếu miền Bắc là của núi rừng thì miền Nam là miền của sông nước. Tôi yêu sông nước miền Nam. Sông nước miền Nam cùng hiền hoà như người miền Nam. Phải thấy một con rạch cắt đôi cánh đồng rộng bao la, khô cằn về mùa nắng, chạy dài tít tắp tới một làng thôn xa xôi mới yêu mến. Tôi tưởng, đôi tình nhân ngồi trong xuồng, bơi trên lạch vào một đêm trăng thì chẳng còn gì thơ mộng hơn. Những con lạch, hai chiếc xuống ngược chiều tránh nhau thật khó khăn, vì như những mạch máu. Những mạch máu ấy đã chở tôi về trái tim miền Nam.
- Nắng quá, thầy Hoài nhỉ?
- Không nắng đâu.
Trang mỉm cười. Nàng bơi mái chèo đều tay. Trang đưa tôi về bên ngoại của nàng. Bà Hương Lan không đi. Đêm qua, bà bị nhức đầu. Tôi muốn bà cùng đi cho vui nhưng bà bảo đi với Trang vui hơn. Và Trang đã đưa tôi về bên ngoại của nàng.
- Miền Bắc có lạch không hả, thầy Hoài?
- Chỉ có những con ngòi.
- Mùa nào người ta hay bơi xuồng?
- Lụt lội.
- Lụt lội chắc vui lắm nhỉ?
- Khổ sở vô cùng.
- Em muốn biết nhiều về miền Bắc, thầy ạ! Lớp em có mấy chị người Hà Nội. Hà Nội chắc đẹp, phải không thầy?
- Hà Nội nhỏ bé. Nó ồn ào hơn Mỹ Tho một chút.
Tôi ngắm bộ quần áo bà ba của Trang:
- Và không hề có quần áo bà ba.
Trang thẹn thùng:
- Em mặc ngộ quá hả, thầy?
Tôi nói:
- Mộc mạc lắm, Trang là cái gì đặc biệt nhất của miền Nam.
Nàng cắn môi dưới:
- Em quê thì có.
Nàng bơi chèo nhanh thêm, để cho bớt ngượng. Vì tôi thấy má Trang đã au đỏ. Tôi ngồi ở đầu xuồng, đối diện Trang. Tôi ngó chằm chằm. Trang xấu hổ. Nàng quay mặt:
- Thầy làm em mắc cỡ muốn chớt.
"Muốn chớt", hai tiếng nghe êm đềm lạ. Tôi trêu Trang:
- Tôi làm gì đâu?
- Thầy cứ nhìn em.
- Có Trang ghét đôi mắt của tôi à?
- Đâu có.
"Đâu có" Trang nói đến là dễ thương. Tiếng "đâu" lướt nhanh và như phảng phất dấu huyền. Tiếng "có" kéo dài ra. Văn chương không đủ khả năng diễn tả sự dễ thương của tiếng nói miền Nam, của Trang. Tôi nghĩ phải dùng tới băng nhựa. Chưa có người miền Nam nào nói tiếng miền Nam hay như bà Hương Lan, như Trang.
- Tôi móc mắt vứt đi nhé!
- Í đừng.
- Vậy tôi nhìn lên trời đây.
Trang lại quay mặt đối diện tôi:
- Thầy hờn em, hả?
Tôi lắc đầu:
- Không đâu.
Im lặng... Tiếng chèo rẽ nước của Trang nghe rõ mồn một. Nếu không có tiếng chèo rẽ nước, chắc là tôi nghe rõ cả tiếng trái tim Trang rộn rã. Nào ai biết vì sao trái tim nàng rộn rã. Tôi ngửa mặt nhìn trời. Trời trong xanh. Từng đám mây trắng lững lờ trôi. Tự nhiên lòng người cũng bao la như trời đất.
Tôi móc điếu thuốc lá, quẹt mồi thuốc.
- Trang đừng sợ tôi.
Nàng hồn nhiên:
- Em sợ gì đâu.
- Sợ tôi làm mắc cỡ.
- Em không sợ nữa,
- Tại sao đang sợ "muốn chớt" lại hết sợ?
- Tại vì đôi mắt của thầy.
Tôi nhả khói thuốc, gật gù:
- Trang giỏi lắm. Như thế sẽ không rơi vào sự đau khổ để oán hận cuộc đời.
Trang ngạc nhiên:
- Thầy Hoài nói gì, em không hiểu.
Tôi hỏi:
- Có phải Trang đã nhìn rõ tâm hồn tôi qua đôi mắt tôi?
Trang bối rối. Giây lát sau, nàng mới nói:
- Làm sao em nhìn rõ được tâm hồn nhà văn như thầy. Em chỉ thấy đôi mắt thầy hiền như mắt bồ câu.
Tôi ném điếu thuốc vừa cháy một chút xuống nước. Tiếng "xèo" khó chịu cơ hồ sự khó chịu của tôi:
- Tôi chưa...
Tôi định nói "tôi chưa là nhà văn và, có thể, chẳng bao giờ là nhà văn" Những chợt nhớ tới bà Hương Lan, tôi ghìm... sự thật lại. "Có những sự thật không tiện nói ra". Không nói ra thì khổ sở vô cùng. Tôi đang lừa gạt Trang. Nếu Trang biết tôi không viết báo ở Hà Nội như mẹ nàng nói dối, nàng còn có cảm tình với tôi không" Bà Hương Lan muốn "nhà văn" là cõi thiên thai của con gái mình chăng? Ồ vậy tôi không nên phá vỡ cõi thiên thai ấy. Vì có bao giờ người ta nhập nổi thiên thai mơ mộng của người ta.
- Thầy Hoài "chưa" điều chi đó?
- Tôi chưa từng được đi xuồng trên một con lạch nhỏ và dài như hôm nay.
- Thầy thích đi xuồng à?
- Thích lắm.
- Để có trăng em bơi xuồng chở thầy ban đêm, thầy còn thích hơn.
- Bao giờ mới có trăng? Mà cô Trang sắp lên Sài gòn rồi.
- Hè, bãi trường em sẽ về.
- Sợ lúc đó tôi rời Mỹ Tho.
- Thầy biểu thầy muốn gửi xác ở Mỹ Tho, thầy quên à?
- Tôi nhớ chứ. Nhưng tôi sợ vào một lúc nào đó cái lớp da giang hồ trên thân thể tôi nó nổi gai, tôi lại muốn phiêu bạt.
- Thầy sẽ bỏ Mỹ Tho?
- Có thể.
- Đừng bao giờ cả, thầy Hoài nhé! Thầy bỏ Mỹ Tho má em sẽ buồn chết. Và em cùng buồn luôn.
- Tôi không bao giờ muốn bỏ Mỹ Tho cả, cô Trang ạ!
Tôi muốn nói cho Trang hiểu nhiều. Song nàng chưa thể hiểu hay không muốn hiểu. Nàng đang buồn kia kìa. Đôi mắt chớp mau và mái chèo xem chừng uể oải. Tôi cười:
- Tôi sẽ chịu đau một chút. Trang biết tôi chịu đau để làm gì không?
- Thưa thầy, để làm gì ạ?
- Đề lột lớp da giang hồ đi.
Trang đã nhấc hẳn mái chèo khỏi mặt nước. Nàng hỏi tôi:
- Em nghỉ một chút, thầy nhé!
Mái chèo nằm gọn giữa xuồng. Và chiếc xuồng vẫn còn đà trôi từ từ. Nàng chắp hai tay tựa cằm, hai khuỷu tay dựa trên đầu gối:
- Mỗi nhà văn đều có một lớp da giang hổ hả, thầy?
- Hình như vậy.
- Khi lột lớp da giang hồ đi, nhà văn hết là nhà văn hả, thầy?
- Hình như vậy.
- Ồ, buồn quá nhỉ? Thầy đừng lột lớp da giang hồ đi, thầy Hoài nhé! Mà sao nhà văn không thích định cư ở một nơi nào?
- Với nhà văn, nơi nào cũng chật hẹp. Trang biết không, có người chết đi còn muốn đã mình được lột ra làm va-ly để mãi mãi phiêu bạt. Trang đọc Nguyễn Tuân chưa?
- Dạ, em mới đọc cuốn "Vang bóng một thời".
- Ông này thèm đi xa lắm. Ở với núi rừng Việt Bắc thì ông ấy kêu ầm lên là "Thiếu chân trời". Ông ấy bảo "Thiếu chân trời còn hại cho cơ thể hơn là thiếu chất Iốt, chất muối, chất đường". Về xuôi thì ông ấy lại nhớ rừng núi, đồi suối.
- Em thích những người luôn luôn khát vọng những chuyến đi;
- Vậy tôi sẽ đi xa Mỹ Tho.
- Đừng, thầy đừng rời Mỹ Tho. Thấy bỏ Mỹ Tho má em buồn, em buồn.
- Nhưng cô Trang không muốn tôi lột lớp da giang hồ mà,
- Có thể nào một nhà văn định cư ở một chỗ mà không cần lột da giang hố không?
- Có chứ! Khi nhà văn ấy định cư ở một tâm hồn người khác. Mà thôi, Trang bơi xuồng đi, nói chuyện nhiều quá tôi đói lả xuống xuồng đó.
Trang lại nhấc mái chèo, khua nước. Tôi không muốn nàng đi sâu vào cõi thiên thai của nàng. Bởi vì tôi chưa là nhà văn. Mà Trang thì nặng tình cảm với nhà văn. Tôi còn những mười bảy năm nữa để trở thành nhà văn. Bốn mươi tuổi mới viết được, mới đủ kinh duyệt mà làm nghệ thuật. Văn chương không có tuổi tác nhưng tôi sẽ buồn nản nếu viết sớm để được xếp vào loại những nhà văn trẻ tuổi. Tôi vẫn nghĩ rằng làm thơ dễ hơn viết văn. Chỉ cần một kiến thức phổ thông, có khiếu thi ca và có tâm hồn mơ mộng là người ta trở thành thì sĩ. Chứ để trở thành văn sĩ, người ta cần nhiều kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm cuộc đời là điều tối cần thiết. Nghĩ thế, tôi đâm ra ngại ngùng khi cầm bút. Sự nghiệp của một nhà văn đâu phải ở hàng chục cuốn tiểu thuyết ông ta viết ra. Một cuốn là quá đủ. Đôi khi, một cái truyện ngắn đã đưa ông ta vào văn học sử rồi. Tôi chưa muốn làm nhà văn, vì lẽ đó. Làm văn chương không dễ như tôi đã tưởng. Biết đâu, tôi chẳng bỏ mộng ước của mình. Tôi hay thay đổi lắm. Tôi hăng say mà chóng nản chí. Trái hạnh phúc lại không chịu đến tay những người thiếu kiên nhẫn.
- Sắp tới rồi, thầy ạ!
- Lẹ lên, tôi thèm uống nước dừa đây. Khát khô cô đây này.
- Thầy thích uống nước dừa à?
- Thích lắm.
- Có kỷ niệm nào về nước dừa không?
- Kỷ niệm thơ ấu.
Tôi kể cho Trang nghe thuở tôi lên bảy tuổi, thường theo mẹ đi chợ phiên. Món quà tôi ước ao nhất là nước dừa. Miền Bắc hiếm dừa nên dừa quý vô cùng. Trái dừa già mang từ Thanh Hoá ra, bán không vất đi một tí nào. Người bán dừa dùng cưa nhỏ cưa miếng sọ dừa. Nước dừa bán từng ly vơi. Cùi dừa nậy bán miếng lớn, miếng nhỏ. Trái dừa bán làm gáo múc nước, Miếng sọ nhỏ thì làm cái môi. "Lành làm gáo, vỡ làm môi". Tôi nhớ chưa lần nào trong quãng đời ấu thơ của tôi, được uống hết nước ở một trái dừa già, dù mẹ tôi thừa tiền mua. Tôi chỉ được uống tới hai ly. Mà trái dừa múc ngoài sáu ly nước đầy. Cho nên, tôi không thể nào quên kỳ uống nước dừa hồi nhỏ. Mỗi khi cầm cả trái dừa tươi miền Nam, uống thả cửa, tôi vẫn nhớ sự thèm khát ngày xưa. Và, nước dừa, bao giờ cùng ngon ngọt.
- Còn thuốc lá?
- Thuốc lá Capstan?
- Dạ, có kỷ niệm trong khói thuốc không hả, thầy?
- May ra nó sẽ thành kỷ niệm.
- Một nhà văn phải chứa chất nhiều kỷ niệm quá, thầy nhỉ?
- Hình như vậy.
- Bao giờ em mới được đọc những trang sách thầy Hoài viết về kỷ niệm thuốc lá và đi xuồng trên con lạch này?
- Tôi sẽ không viết đâu.
- Chắc chuyện không đáng viết?
- Có những kỷ niệm mình chỉ nên biết một mình. Phải bày cho nhiều người biết kỷ niệm của mình là xúc phạm kỷ niệm. Bởi vậy, tôi sẽ không chọn văn chương làm cái nghề mà sẽ chỉ viết tài tử. Nghe hai tiếng "nhà nghề", cô Trang có khó chịu không?
- Em chưa dám có ý kiến.
- Giết heo là một cái nghề. Chôn người cùng là một cái nghề. Chẳng lẽ, văn chương cũng là cái nghề luôn?
- Thầy khó tính?
- Hình như vậy. Nhưng cô Trang yên tâm, tôi không khó tính với cô đâu. Nếu mai này tôi viết truyện tôi sẽ viết riêng cho cô đọc kỷ niệm một lần đi xuồng.
Trang chớp mắt. Nàng chèo xuồng nhanh hơn và không chịu nhìn tôi nữa. Một lát sau, nàng nhấc bơi chèo để vào lòng xuồng. Tôi hỏi:
- Tới nơi rồi ạ?
Nàng đáp:
- Dạ, kể như đã tới nơi.
- Sao lại kể như...?
- Vì còn phải lội bộ một quãng.
Trang đứng dậy đưa tay nắm một đám có trên bờ. Chiếc xuồng ngừng lại:
- Thầy lên trước đi.
- Trang còn làm gì?
- Em buộc xuồng cho nó khỏi trôi.
- Không sợ mất xuồng ư?
- Thưa thầy ở quê nhà em ai cũng có vài chiếc xuồng là ít.
Nàng ngó tôi, mỉm cười:
- Mà nhỡ có ai thích giỡn, lấy mất xuồng, em sẽ đi bộ với thầy về tỉnh.
Tôi nói:
- Như thế sẽ có thêm kỷ niệm đi bộ... Và tôi mong bị mất xuồng.
Tôi bước lên bờ trước. Trang buộc xuồng lại rồi lên sau. Chúng tôi đi hết một thôi bờ ruộng, qua chiếc cầu gỗ không tay vịn là vào tới quê ngoại của Trang. Đây cùng là lần đầu tiên tôi biết một làng thôn miền Nam. Làng thôn miền Nam không giống làng thôn miền Bắc. Nhưng mùi rơm, mùi khói thì chẳng khác gì. Mùi thơm của quê hương Việt Nam, ở miền nào, cùng ngai ngái ca dao. Trang và tôi đang đi trên con đường thơm như con đường thơm trong thơ Huy Cận. Sự yên lặng khiến tôi mơ về dĩ vãng. Khi tôi lớn lên, chiến tranh lan tràn. Bom đạn đã cày nát những con đường thơm của quê hương. Cả những con đường mòn hai bên đầy cỏ dại cũng in đầy dấu giày tàn bạo. Tôi chưa kịp hưởng những đêm trăng đi chơi với người yêu trên đường làng. Nhất là, chưa ngồi bên người yêu dưới gốc cây bưởi chuyện trò đến đêm khuya, đợi hoa bưởi nở thơm ngát để biết rằng đêm đã khuya. Tôi thèm thuồng một quê hương thanh bình thơ ấu quá. Thuở bé, không biết hưởng thanh bình, lớn lên, thanh bình ngập chìm vào lửa đạn. Tôi nghĩ một nửa gia tài mộng mơ của những người bằng tuổi tôi đã tàn lụi vì khao khát đi giữa đường quê thanh bình.
Nhưng hôm nay, tôi đang đi giữa đường quê thanh bình. Chiến tranh đã ngủ dưỡng sức. Hãy ngủ yên, ngủ mệt, ngủ quên thức dậy, chiến tranh! Con đường tôi đang đi vừa kịp lành những vết nứt nẻ. Tôi van xin bom đạn đừng làm nứt nẻ thêm một lần để con đường này phải nghẹn ngào, rên xiết.
- Thầy Hoài đang nghĩ gì vậy?
- Về quê nhà tôi.
- Thầy nhớ nhà à?
- Nhớ mỗi giàn hoa thiên lý. Chắc giàn hoa thiên lý của mẹ tôi đã chết héo rồi. Vì mẹ tôi nhớ tôi, mẹ tôi bận khóc lóc, không có thì giờ chăm sóc giàn hoa nữa.
- Nhà ngoại em cũng trồng một giàn hoa lý.
- Thế thì tôi phải ngồi dưới giàn hoa kể cho Trang nghe chuyện quê nhà tôi mới được.
Hai chúng tôi đã đứng trước cổng nhà. Căn nhà ngói không đồ sộ nhưng có vẻ khang trang lắm. Không thấy dấu vết của binh lửa. Chắc chiến tranh chưa kịp qua đây thì đã thấm mệt. Những cây cau trong vườn nhà ngoại Trang thẳng tắp. Dây trầu leo quấn quýt lấy thân cau. Trang hồn nhiên gọi:
- Ngoại ơi! Ngoại ơi!
Một bà già đẩy cửa bước ra thềm. Trang chạy nhanh lại ôm chằm lấy bà:
- Con đây nè, ngoại...
Bà ngoại Trang vẫn còn mạnh khoẻ. Cụ vuốt ve tóc cháu gái:
- Bãi trường hả, con?
Trang nũng nịu:
- Không có đâu, con trốn học về thăm ngoại đó.
Trang để mặc tôi đứng một mình. Tự nhiên, nước mắt tôi ứa ra. Tôi tưởng tượng mẹ tôi vừa thấy tôi trở về nhà sau hai năm trời phiêu bạt. Nếu mẹ tôi được ôm tôi trong vòng tay của người, mẹ tôi sẽ khóc nức nở. Bà ngoại Trang đã nhìn rõ tôi. Cụ hỏi cháu:
- Con về với ai đó?
Trang cũng quay lại ngó tôi:
- Đố ngoại biết.
Bà cụ ghé sát tai cháu nói gì. Trang lắc đầu quầy quậy:
- Không phải đâu ngoại, thầy Hoài mà...
Tôi đã hiểu bà cụ nói gì rồi. Tôi với bước tới lễ phép:
- Chào cụ ạ!
Bà ngoại Trang vẫn để nguyên cho cháu ôm mình, hỏi tôi:
- Thầy dạy cháu Trang à?
Tôi đáp:
- Thưa cụ, cháu dạy ở Mỹ Tho.
Trang đã buông ngoại ra và nói:
- Thầy Hoài trọ ở nhà má con. Thầy người Bắc đó, ngoại ơi!
Bà cụ ngạc nhiên:
- Mãi ngoài Bắc lận? Xa thế mà sao vô đây?
Trang nắm lấy tay ngoại:
- Thầy Hoài di cư mà, ngoại.
Bà cụ lắc đầu:
- Di cư xa dữ, hả? Xa vậy, di cư làm chi?
Bà cụ kéo tay tôi lôi vào trong nhà, Cụ không biết gì về một người Bắc di cư hay những người Bắc di cư. Cụ chỉ biết tôi là một người xa nhà. Dưới mắt cụ, tôi còn nhỏ quá. Và cụ ngờ rằng trẻ con xa nhà đều khổ như nhau. Trưa hôm ấy, tôi được ăn một bữa cơm canh chua cá lóc và cá lóc kho tiêu. Bữa cơm ngon như bữa cơm trưa ở quê nhà tôi có riêu cá chép. Bà cụ bắt tôi ăn thật nhiều. Tự nhiên, tôi cảm thấy như mình cũng là con cháu của bà cụ. Và tôi gọi cụ bằng "ngoại" chẳng ngỡ ngàng chút nào. Ăn cơm xong, tôi mượn chiếc chiếu, trải dưới giàn thiên lý, nằm hút thuốc lá. Rồi tôi thiếp ngủ đi.
Khi tôi mở mắt, Trang đã ngồi gần đó. Nàng mỉm cười:
- Thầy ngủ một giấc dài đấy nhé!
Tôi đưa tay xoa mặt:
- Dài chừng bao nhiêu, cô Trang?
Trang ngước nhìn lên giàn thiên lý:
- Chừng một giấc mơ đẹp.
Bỗng nàng hỏi:
- Giàn thiên lý của má thầy ngoài Bắc có ngựa trời không?
Tôi ngồi vụt dậy:
- Ngựa trời à?
- Dạ ngựa trời có hai cái kiếm. Thầy nhìn con ngựa trời xem. Trông nó ngộ hết sức.
Tôi ngước mắt theo tay nàng chỉ:
- À, có, Trang ạ! Con bọ ngựa. Con bộ ngựa đấy. Nó là hiệp sĩ với hai đoản đao trong trí tưởng tượng của tôi thời thơ ấu. Tô Hoài đã viết truyện "Tráng sĩ bọ ngựa", Trang đọc chưa?
Nàng lơ đãng nhìn vệt nắng xuyên qua lá xanh. Và không trả lời câu hỏi của tôi.
- Thầy Hoài thích quê ngoại của Trang không?
- Tôi yêu quê ngoại của Trang lắm.
- Thầy muốn sống mãi ở đây không?
- Đó chỉ là niềm mơ ước.
- Tự nhiên, thầy Hoài ạ, em muốn sống mãi ở đây.
- Trang hết muốn học sư phạm à?
- Dạ.
- Sao vậy?
- Vì khi ra trường, chẳng hiểu mình sẽ được điều chi.
- Trang thích được một điều chi?
- Một điều mơ ước.
- Mơ ước gì?
- Mơ ước một điều làm mình sung sướng trọn đời.
- Ai cũng mơ ước được hạnh phúc suốt đời. Chỉ tiếc hạnh phúc không giản dị như mình mơ ước.
- Thế là gì hả, thầy Hoài?
- Là Trang hãy lo học hành đi. Đừng mơ ước hạnh phúc. Hạnh phúc nó chỉ đến với người không ước mơ.
- Thầy không mơ ước hạnh phúc à?
- Không.
- Thầy đợi hạnh phúc nó đến?
- Hình như vậy.
- Nhỡ nó không đến thì sao?
- Thì thôi.
- Thầy không buồn ư?
- Bây giờ hay bao giờ?
- Bao giờ hạnh phúc nó không đến.
- Bấy giờ sẽ xét xem nên buồn hay nên không buồn.
Tôi biết Trang đã muốn nói gì. Và phải tìm cách lôi Trang ra khỏi niềm mơ ước của nàng. Tôi không cấm Trang mơ ước. Nhưng Trang chưa nên ước mơ hạnh khúc suốt đời của nàng. Trang sẽ hối hận. Vì, dưới hai mươi tuổi, toan tính một chuyện gì cùng vụng dại. Hạnh phúc mà Trang muốn nắm gọn trong tay không thể là thứ hạnh phúc phù du. Trời không nỡ bắt Trang chịu oan nghiệt. Trang thì chẳng hiểu rằng cái lưới oan nghiệt sẵn sàng chụp lấy nàng. Nên nàng không bằng lòng những câu trả lời nhấm nhẳn của tôi.
- Nhà văn đa cảm lắm, phải không?
- Hình như vậy.
- Thầy luôn luôn "hình như". Trong tâm tưởng thầy, không có gì đang "xác định" cả hay sao?
- Hình như vậy.
- Chắc thầy thích nghi ngờ? Thôi, kệ thầy. Em muốn hỏi thầy một câu, thầy không được trả lời "hình như" đấy nhé!
- Trang hỏi đi.
- Có khi nào thầy giả đò chối từ một điều quan trọng của đời người khác không?
- Trang muốn nói gì thế?
Nàng đứng dậy:
- Đêm nay trăng còn lu, nhưng em vẫn cứ dẫn thầy đi chơi trên đường làng.
Trang bỏ vào nhà. Tôi lại nằm hút thuốc lá Capstan và nhìn lên giàn hoa. Tôi nghĩ về Trang. Nàng như một chiếc hoa vừa rớt nhuỵ hồn nhiên để sắp kết trái. Từ lúc nào, nhuỵ hồn nhiên rớt, tôi không biết. Những tôi đoán chừng nó đã rớt xuống mặt con lạch cắt đôi cánh đồng bao la. Thiên thai không có tuổi. Bà Hương Lan nói thế. Tôi nằm, chờ nắng yếu dần. Cho tới khi con bọ ngựa lẩn vào một khóm lá. Nắng tắt. Buổi tối làng thôn nghe dậy nỗi buồn.
Tôi đốt điếu thuốc lá mới, nhìn khói thuốc bay và nhớ bà Hương Lan. "Nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên mây".
Buổi tối, cơm nước xong, Trang rủ tôi đi chơi. Chúng tôi đi trên con đường làng như con đường thanh bình tôi mơ ước. Chính ra, tôi mới là người mong mỏi được sống ở đây trọn đời. Vì tôi đã biết chiến tranh. Trang dẫn tôi đến bến đò. Chúng tôi ngồi trong túp lều trống tung bốn bề. Dòng sông buồn. Một vài chiếc xuồng máy cột chặt ở bờ sông còn buồn hơn. Dường như có sương rây nhẹ trên mặt sông. Trời chỉ có sao. Và sao cùng đủ soi tỏ quang cảnh chung quanh tôi.
- Thầy Hoài...
- Tôi nghe đây.
- Một nhà văn thì phải biết rõ tâm sự của người khác, tâm sự ấy chẳng cần bộc lộ, đúng thế không?
- Đúng, nhà văn nổi tiếng cơ.
Trang khẽ thở dài. Tôi nói tiếp:
- Còn tôi, tôi chưa là nhà văn, làm sao tôi biết được tâm sự của người khác.
Trang hỏi:
- Nhưng thầy biết tâm sự của má em?
Tôi lắc đầu:
- Không, tôi không biết tâm sự của bác. Mà biết làm gì?
Trang bứt những chiếc cỏ:
- Thầy nghĩ gì về má em?
Tôi đáp ngay:
- Tôi quý mến bác.
Trang xích gần tôi:
- Thầy nghĩ gì về em?
Tôi nhìn sang xóm làng bên kia sông:
- Trang hồn nhiên lắm.
- Em còn bé, chưa biết gì, hả?
- Tôi muốn thế.
- Thầy ác vô cùng.
Trang trách tôi ác. Tôi lặng thinh. Và Trang gục đầu lên đôi tay, khóc rấm rứt. Tôi bật lửa châm thuốc hút, ngồi nghe tiếng nức nở của Trang. Bến đò vắng. Sông bãi bao la. Trang khóc một lúc, ngẩng mặt nhìn tôi:
- Tại sao thầy không nghĩ rằng em đã lớn, em biết nhiều chuyện?
Tôi ngần ngại mãi mới đưa tay vỗ nhẹ vai Trang:
- Biết nhiều chuyện, Trang sẽ hết hồn nhiên, sẽ khổ.
Trang nắm chặt lấy bàn tay tôi:
- Em không sợ khổ.
Tôi để mặc Trang nắm tay mình. Lòng tôi cùng rộn ràng khôn tả. Tôi nói:
- Ở đây lạnh quá, mình đi về kẻo ngoại trông.
Trang xích gần tôi thêm nữa và ngả đầu trên vai tôi:
- Thầy chỉ biết nói vậy thôi à?
Tôi rút khăn thấm nước mắt cho Trang:
- Hãy để tôi chỉ nói vậy.
Trang lại khóc. Khóc nức nở. Tôi mất công dỗ dành Trang thật lâu. Rồi tôi sợ Trang. Tôi rất sợ nghe tiếng khóc. Tôi đâm ra bối rối và chỉ còn biết nhìn những vì sao nhấp nháy trên nền trời. Tiếng nấc của Trang làm rung vai tôi, làm rung tim tôi.
- Em đừng khóc nữa, Trang!
- Vâng, em sẽ nín. Nhưng anh phải nói gì với em đi.
- Tôi sẽ phải nói gì?
- Thầy... anh..., anh Hoài nói gì cũng được.
- Tôi kể cho Trang nghe một câu chuyện nhé!
- Dạ.
Trang vẫn gục đầu trên vai tôi. Những vì sao trên trời nhấp nháy nhanh hơn như muốn giúp tôi thêm ánh sáng. Tự nhiên tôi nghĩ đến truyện ngắn "Những vì sao" của Alphonse Daudet. Tôi muốn ví mình như gã chăn cừu và Trang là cô chủ. Và tôi kể "Những vì sao" cho Trang nghe. Nàng không khóc nữa. Khi câu chuyện dứt, tiếng nấc của Trang cũng chẳng còn. Nàng ngẩng đầu lên, đưa tay vuốt tóc.
- Thưa thầy, câu chuyện thần tiên quá.
- Trang hiểu không, chừng con người đứng giữa thiên nhiên bao la, trái tim của họ chỉ nghĩ tới thần tiên.
- Em xin lỗi thầy.
- Trang có lỗi gì đâu?
- Em đã làm phiền thầy.
- Không, em gái tôi ở nhà hay vòi vĩnh tôi lắm. Nó cũng hay khóc giống Trang. Tôi thường bảo nó hễ khóc thì mơ mộng sẽ chết. Nó sợ chết mơ mộng, vội vàng nín ngay... Tôi coi Trang như em gái tôi. Khuya quá rồi, tôi đưa Trang về.
Trang ngoan ngoãn đứng dậy. Nàng đi không vững. Tôi phải khoác tay lên vai nàng, dìu nàng đi. Như một năm nào xa xôi ở quê nhà, tôi đã dìu em gái tôi từ phòng mạch trở về.
Cầu Mơ Cầu Mơ - Duyên Anh Cầu Mơ