Chương II
ôi không thể nhớ điều gì đã xảy ra trong những tháng đầu tiên sau cơn bệnh. Tôi chỉ biết rằng tôi ngồi trên đùi mẹ hay bám vào áo bà khi bà lui tới làm những công việc nội trợ của mình. Hai bàn tay tôi cảm nhận mọi đồ vật và quan sát mọi cử động, và theo kiểu này tôi học cách nhận biết nhiều thứ. Chẳng bao lâu sau, tôi cảm thấy một nhu cầu giao tiếp nào đó với những người khác và bắt đầu ra những dấu hiệu thô thiển. Một cái lắc đầu có nghĩa là “Không” và một cái gật đầu là “Có”, kéo một cái nghĩa là “Đến” và đẩy một cái nghĩa là “Đi”. Tôi muốn bánh mì ư? Vậy thì tôi bắt chước những cử động xắt lát và trét bơ vào bánh. Nếu tôi muốn mẹ tôi làm kem cho bữa ăn tôi ra hiệu sử dụng cái máy làm kem và rùng mình ra hiệu thấy lạnh. Hơn thế nữa, mẹ tôi đã thành công trong việc giúp tôi hiểu biết nhiều điều. Tôi luôn biết khi người muốn tôi mang tới cho người vật gì đó, và tôi sẽ chạy lên gác hay bất kỳ nơi nào khác mà người ra dấu. Thật sự, tôi mang ơn sự thông minh tràn đầy thương mến của người đối với mọi thứ tươi sáng và tốt đẹp trong cái đêm dài ấy của tôi.
Tôi hiểu nhiều về những sự việc diễn ra xung quanh. Lên năm tuổi, tôi học được cách gấp và thu cất những quần áo sạch khi chúng được mang vào từ phòng giặt, và tôi phân biệt được quần áo của mình với số còn lại. Tôi biết khi nào thì mẹ và cô tôi ra khỏi nhà theo cách thức họ mặc quần áo. Và tôi cầu xin được đi với họ bằng nhiều cách khác nhau. Tôi luôn được gọi tới khi có khách, và khi vị khách ra về, tôi vẫy tay với họ, tôi nghĩ với một trí nhớ mơ hồ về ý nghĩa của cử chỉ này. Một hôm có mấy quý ông ghé thăm mẹ tôi, và tôi cảm nhận được tiếng đóng sập cửa trước và những âm thanh khác chỉ thị cho việc họ tới. Đột nhiên tôi chạy lên gác trước khi mọi người có thể ngăn tôi lại, để mặc vào theo ý tôi một bộ váy tiếp khách. Đứng trước gương, như đã trông thấy những người khác làm, tôi xoa dầu lên tóc và phủ lên mặt một lớp phấn dày. Rồi tôi trùm một tấm khăn voan lên đầu để nó che đi gương mặt của tôi và rủ thành nếp xuống vai tôi, rồi cột một cái khung lót áo to tướng quanh cái eo nhỏ xíu của tôi, khiến nó rủ lòng thòng ở phía sau, hầu như chạm tới gấu váy của tôi. Sau khi trang điểm như thế tôi đi xuống và giúp mẹ tôi tiếp khách.
Tôi không nhớ lần đầu tiên tôi nhận ra tôi khác với những người khác là khi nào; nhưng tôi biết nó trước khi cô giáo tôi tới. Tôi đã nhận thấy rằng mẹ tôi và các bạn của tôi không sử dụng những dấu hiệu như tôi khi họ muốn người khác làm điều gì đó, mà nói bằng miệng. Đôi khi tôi đứng giữa hai người đang trò chuyện và sờ vào môi họ. Tôi không thể hiểu, và nổi cáu. Tôi cử động đôi môi và khoa tay múa chân một cách điên cuồng mà không có kết quả gì. Đôi khi điều này khiến tôi giận dữ đến độ tôi vung chân đá và gào thét cho tới khi kiệt sức.
Tôi nghĩ tôi biết khi tôi trở nên xấu tính, vì tôi biết việc tôi đá Ellas, vú nuôi của tôi, khiến cho bà đau đớn, và khi cơn bực tức qua đi, tôi có một cảm giác giống như hối hận. Nhưng tôi không thể nhớ bất kỳ trường hợp nào mà trong đó cảm giác này ngăn tôi không lặp lại sự xấu tính khi tôi không có được thứ mình muốn.
Trong thời gian đó, một cô bé da màu, Martha Washington, con của người đầu bếp, và Belle, một con chó lông xù già, một tay thợ săn tuyệt vời hồi thời nó còn trẻ, là những người bạn thường xuyên của tôi. Martha Washington hiểu những dấu hiệu của tôi, và tôi ít khi gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc yêu cầu chị làm như tôi mong muốn. Việc hà hiếp chị khiến tôi thấy hài lòng, và nói chung chị chìu theo sự độc đoán của tôi hơn là đánh liều với cuộc đụng độ mặt đối mặt. Tôi khỏe, năng động, bất cần hậu quả. Tôi biết khá rõ về tâm trí của chính mình và luôn làm theo cách của tôi, ngay cả khi nếu tôi phải chiến đấu với răng và móng tay để làm theo ý mình. Chúng tôi trải qua nhiều thời gian trong bếp, nhào những viên bột, giúp làm kem lạnh, xay cà phê, cãi cọ về chén đựng bánh, và cho lũ gà mái và gà lôi ăn; bọn này hay lẩn quẩn cả bầy trên những bậc thềm nhà bếp. Nhiều con trong số chúng thuần tính đến độ chúng thường ăn từ trên tay tôi và để cho tôi vuốt ve chúng. Có một hôm, một con gà lôi trống chộp lấy quả cà chua trên tay tôi và bỏ chạy. Có lẽ được gợi hứng bởi thành công của Con gà lôi trống bậc thầy này, chúng tôi mang một cái bánh mà người đầu bếp vừa rắc đường ra chỗ đống gỗ và nhấm nháp nó. Sau đó tôi bị ốm một trận đáng đời, và tôi tự hỏi sự trừng phạt nào đã giáng xuống chú gà lôi.
Con gà sao khoái giấu cái ổ của nó ở những nơi xa đường đi lối lại, và một trong những niềm vui lớn nhất của tôi là săn lùng những quả trứng trong đám cỏ cao. Tôi không thể nói cho Martha Washington khi tôi muốn đi săn trứng, nhưng tôi sẽ uốn cong hai bàn tay lại và đặt chúng lên mặt đất, với ý nghĩa là một vật gì đó hình tròn trong đám cỏ, và Martha luôn luôn hiểu được. Khi chúng tôi đủ may mắn để tìm ra một cái ổ, tôi không bao giờ cho phép chị mang những quả trứng về nhà, làm cho chị hiểu bằng những dấu hiệu nhấn mạnh rằng chị có thể bị té và đánh vỡ chúng.
Những nhà kho để chứa ngô, cái chuồng nơi nhốt những con ngựa, và cái sân nơi lũ bò cái được vắt sữa mỗi sáng và chiều là những nguồn quan tâm không bao giờ cạn kiệt của Martha và tôi. Những người vắt sữa thường cho phép tôi đặt tay lên những con bò khi họ vắt sữa, và tôi thường bị con bò quất mạnh đuôi vào người vì sự tò mò đó.
Việc chuẩn bị cho lễ Giáng sinh luôn là một niềm vui đối với tôi. Dĩ nhiên tôi không biết mọi thứ đó là gì, nhưng tôi thưởng thức những mùi thơm dễ chịu tràn ngập ngôi nhà và những món ngon được dúi cho Martha Washington và tôi để giữ cho chúng tôi im lặng. Chúng tôi buồn vì việc đó, nhưng nó không ngăn chúng tôi thưởng thức niềm vui tối thiểu. Họ cho phép chúng tôi xay các thứ gia vị, chọn nho khô và liếm những cái muỗng đang ngọ ngoạy. Tôi treo đôi tất của mình lên vì những người khác làm điều đó, tuy nhiên tôi không thể nhớ ngày lễ này có khiến cho tôi đặc biệt thích thú hay sự tò mò có khiến tôi thức giấc trước bình minh để tìm những món quà của mình chăng.
Martha Washington có một tình yêu với sự phá phách không kém chi tôi. Một chiều oi bức tháng Bảy có hai đứa nhỏ ngồi trên những bậc thềm trước hiên nhà. Một đứa đen như gỗ mun, với những túm tóc xoăn cột bằng những sợi dây giày cứ chĩa tứ tung khắp phía quanh đầu như những cái đồ khui chai sâm banh. Đứa kia da trắng, với những lọn tóc dài vàng óng. Một đứa sáu tuổi, đứa kia lớn hơn hai hoặc ba tuổi. Đứa nhỏ hơn bị mù – đó là tôi – và đứa kia là Martha Washington. Chúng tôi bận rộn cắt những búp bê giấy; nhưng chúng tôi chóng thấy chán với trò tiêu khiển này, và sau khi cắt đứt những sợi dây giày của mình và vặt hết những chiếc lá khúc khắc trong tầm với, tôi hướng sự chú ý tới những cái đồ khui rượu sâm banh của Martha. Lúc đầu chị phản kháng, nhưng cuối cùng đầu hàng. Nghĩ rằng có qua có lại là một trò chơi công bằng, chị vớ lấy cái kéo và cắt đứt một trong những lọn tóc của tôi, và ắt hẳn đã cắt trụi chúng hết nếu không có sự can thiệp đúng lúc của mẹ tôi.
Belle, con chó của chúng tôi, một người bạn khác của tôi, đã già và lười biếng và thích nằm ngủ cạnh lò sưởi hơn là chơi đùa với tôi. Tôi cố sức dạy nó ngôn ngữ dấu hiệu của tôi, nhưng nó ngu muội và không tập trung chú ý. Đôi lúc nó giật mình và rùng mình với sự phấn khích, rồi nó trở nên hoàn toàn cứng nhắc, như những con chó thường làm khi người ta chỉ tới một con chim. Lúc đó tôi không biết vì sao Belle ứng xử theo kiểu đó; nhưng tôi biết nó sẽ không làm như tôi mong muốn. Điều này khiến tôi bực bội và bài học luôn luôn kết thúc bằng một trận đấu quyền anh của một phía. Belle sẽ đứng lên, lười nhát duỗi dài thân hình, hít ngửi đánh hơi một hai cái với vẻ khinh thị, rồi đi tới phía đối diện của lò sưởi và lại nằm xuống, còn tôi, mệt mỏi và thất vọng, bỏ ra ngoài để tìm Martha.
Nhiều sự kiện của những năm đầu đời đó in sâu trong ký ức tôi, bị tách rời, nhưng rõ ràng và phân biệt, khiến cho cảm giác về cuộc đời im lặng, vô mục đích, không có ánh sáng ban ngày đó thêm căng thẳng.
Một hôm tôi tình cờ đánh đổ nước lên cái tạp dề của mình, và tôi trải nó ra để hong khô trước ngọn lửa đang cháy chập chờn trong lò sưởi phòng khách. Tấm tạp dề không khô đủ nhanh theo ý tôi, vì thế tôi kéo nó tới gần hơn và vung nó ngay bên trên lớp tro nóng. Ngọn lửa cháy bùng lên; lửa vây quanh tôi khiến chỉ trong thoáng chốc quần áo của tôi cũng bốc cháy. Tôi phát ra một âm thanh khủng khiếp đến nỗi Viny, người vú nuôi già của tôi, phải chạy tới giải cứu. Ném một tấm chăn lên người tôi, bà hầu như làm tôi chết ngạt, nhưng bà dập tắt được lửa. Ngoại trừ hai bàn tay và mái tóc, tôi không bị bỏng nặng cho lắm.
Vào khoảng thời gian này tôi phát hiện ra công dụng của một chiếc chìa khóa. Một sáng nọ tôi khóa trái nhốt mẹ tôi trong phòng để thức ăn, buộc bà phải ở đó suốt ba tiếng đồng hồ, vì những người giúp việc ở một phần tách rời khác của ngôi nhà. Bà cứ nện vào cửa trong lúc tôi ngồi trên những bậc thềm cổng bên ngoài và cười to vui vẻ khi cảm nhận được sự rung động của những cú nện. Cú đùa tinh quái nhất này của tôi đã thuyết phục cha mẹ tôi rằng tôi phải được giáo dục càng sớm càng tốt. Sau khi cô Sullivan tới, tôi sớm tìm ra một cơ hội để khóa trái nhốt cô trong phòng của cô. Tôi lên gác với thứ gì đó mà mẹ tôi đã làm cho tôi hiểu là tôi phải giao nó cho cô Sullivan; nhưng ngay khi tôi đưa vật đó cho cô, tôi đóng sập cửa lại và khóa cửa, rồi giấu chiếc chìa khóa dưới cái tủ đồ trong sảnh. Không ai thuyết phục nổi tôi nói ra vị trí của chiếc chìa khóa. Cha tôi buộc phải lấy một cái thang và đưa cô Sullivan ra ngoài qua cửa sổ - tôi thật khoái chí vô cùng. Nhiều tháng sau tôi trả lại chiếc chìa khóa.
Khi tôi khoảng năm tuổi, chúng tôi chuyển từ ngôi nhà nhỏ phủ đầy dây nhỏ tới ngôi nhà lớn mới. Gia đình gồm có cha mẹ tôi, hai người anh cùng cha khác mẹ, và sau đó, em gái tôi, Mildred. Một ký ức rõ ràng sớm nhất về cha tôi là việc tìm đường ngang qua những đống nhật báo ngổn ngang về phía ông và tìm thấy ông ở một mình, đang giơ một tờ giấy lên trước mặt. Tôi rất tò mò muốn biết ông đang làm gì. Tôi bắt chước hành động này, thậm chí còn đeo cặp kính của ông vào, nghĩ rằng chúng có thể giúp giải quyết điều bí ẩn này. Nhưng tôi không tìm ra bí mật đó suốt nhiều năm. Sau đó tôi biết những tờ giấy đó là gì, và biết cha tôi đã biên tập một trong số chúng.
Cha tôi rất đáng yêu và bao dung, tận tâm với gia đình, ít khi rời khỏi chúng tôi, ngoại trừ vào mùa săn bắn. Ông là một thợ săn giỏi, tôi nghe nói vậy, và một tay súng nổi tiếng. Sau gia đình, ông yêu lũ chó và khẩu súng của mình. Ông vô cùng hiếu khách, đến độ đó hầu như là một khuyết điểm, và ông ít khi về nhà mà không đưa theo một người khách. Niềm tự hào đặc biệt của cha là khu vườn lớn, nơi, người ta nói, ông trồng những dây dưa hấu tốt nhất và những cây dâu tây ngon nhất trong hạt; và ông mang cho tôi những chùm nho chín đầu tiên và những quả dâu loại nhất. Tôi nhớ sự trìu mến của ông khi ông dẫn tôi từ cây này sang cây khác, từ gốc nho này sang gốc nho khác, và sự vui vẻ nồng nhiệt của ông với bất cứ thứ gì khiến tôi hài lòng.
Ông là một người kể chuyện nổi tiếng: sau khi tôi đã học được ngôn ngữ, ông thường vụng về viết theo vần lên bàn tay tôi những giai thoại thông minh nhất của ông, và không có gì khiến ông vui lòng hơn là bảo tôi lặp lại chúng vào một khoảnh khắc đúng lúc.
Tôi đang ở miền Bắc, tận hưởng những ngày cuối hạ đẹp đẽ của năm 1896 thì nghe thấy tin tức về cái chết của cha tôi. Ông đã mắc bệnh một thời gian ngắn, chỉ một thời gian đau khổ cấp kỳ, rồi tất cả kết thúc. Đây là nỗi buồn lớn đầu tiên của tôi – trải nghiệm cá nhân đầu tiên của tôi với cái chết.
Tôi sẽ viết thế nào về mẹ tôi? Bà gần gũi với tôi đến độ hầu như có vẻ khiếm nhã khi nói về bà.
Suốt một thời gian dài tôi xem đứa em gái bé bỏng của mình là một vị khách không mời mà tới. Tôi biết tôi không còn là con gái cưng duy nhất của mẹ, và ý nghĩ này phủ đầy lòng tôi niềm ganh ghét. Nó thường xuyên ngồi trên đùi mẹ tôi, nơi tôi đã từng ngồi, và có vẻ như tước hết mọi sự chăm sóc và thời gian của bà. Một hôm đã xảy ra một chuyện mà dường như với tôi là việc cộng thêm sự lăng nhục vào vết thương.
Vào thời gian đó, tôi có một con búp bê được cưng nhất và bị lạm dụng nhất, mà sau đó tôi đặt tên là Nancy. Than ôi, nó là nạn nhân bất lực của những cơn giận dữ và bộc phát tình yêu của tôi, đến độ nó trở nên tơi tả. Tôi có những con búp bê biết nói và khóc, mở và nhắm mắt; thế nhưng tôi chưa bao giờ yêu con nào trong số chúng như yêu Nancy tội nghiệp. Nó có một cái nôi, và tôi thường bỏ ra một giờ hoặc hơn ngồi đưa nôi cho nó. Tôi canh chừng cả con búp bê lẫn cái nôi với sự quan tâm đầy chất ganh tị nhất; nhưng có lần tôi phát hiện ra em gái tôi đang ngủ thật an bình trong cái nôi. Tôi nổi giận trước sự ngạo mạn của một kẻ mà với tôi chưa có ràng buộc yêu thương nào. Tôi lao tới cái nôi và lật úp nó, và hẳn là em bé đã bị giết chết nếu mẹ tôi không kịp chụp lấy nó khi nó rơi xuống. Thế đó, khi chúng ta bước đi trong cái thung lũng cô quạnh gấp đôi chúng ta biết rất ít về những tình cảm dịu êm đâm chồi từ những ngôn từ và hành động và tình bạn chứa chan niềm thương mến. Nhưng sau đó, khi tôi phục hồi lại nhân tính của mình, Mildred và tôi đã vô cùng mến thương nhau, đến độ chúng tôi vui vẻ nắm tay nhau đi tới bất cứ nơi nào tính đồng bóng thất thường dẫn dắt chúng tôi, dù nó không thể hiểu ngôn ngữ ngón tay của tôi, còn tôi cũng không hiểu những tiếng bi bô trẻ con của nó.
Câu Chuyện Đời Tôi Câu Chuyện Đời Tôi - Hellen Keller Câu Chuyện Đời Tôi