Chương 3
ôi đi học về trễ hơn mọi ngày. Cô giáo chủ nhiệm nhờ vài học sinh ở lại phụ cô kiểm soát coi lại sổ điểm của lớp. Khi tôi về đến nhà thì thấy đồ ăn đã dọn trên bàn nhưng vẫn chưa ai ăn. Thường thì buổi trưa dì Hai không về nhà ăn cơm. Dì có một cửa tiệm bán gạo ở chợ và dì thường ở luôn trên cửa tiệm không về. Nếu chị Bích Phượng rảnh thì mang cơm ra cho dì, nếu chị Phượng không rảnh thì dì Hai sẽ ăn cơm ở mấy quán gần đó. Chị Bích Phượng buổi sáng ở trên tiệm phụ hàng với dì Hai, buổi trưa chị về sớm nấu cơm cho cả nhà ăn. Dượng Hai cũng thường về nhà ăn cơm và ngủ trưa. Những bữa cơm trưa hàng ngày thường chỉ có dượng Hai và các anh em trong nhà.
Khi tôi vào đến phòng ăn, chị Bích Dung lúc đó đang chơi bên bực cửa, nói vọng vào:
- "Hôm nay chị ăn cơm một mình đi. Ba đi ăn với mấy người trên sở không về. Hai anh Hùng và Dũng mừng như chim sổ lồng, mấy ảnh không phải ngồi vào bàn ăn cơm như mọi ngày. Hai anh đã bưng mỗi người một tô cơm bự vào phòng vừa ăn vừa đọc chuyện kiếm hiệp rồi."
Chị Bích Dung tuy là vai chị của tôi, nhưng vì nhỏ tuổi hơn nên vẫn có thói quen gọi tôi bằng chị xưng em.
- "Dung không ăn sao? Chị Phượng đâu rồi?" Tôi hỏi.
- "Em ăn rồi." Sau đó Bích Dung nhìn tôi với nụ cười bí mật. "Hôm nay chị Phượng no rồi, không ăn. Chị ấy chịu bỏ công đi nấu cơm cho tụi mình ăn đã là một kỳ tích rồi."
- "Sao vậy?" Tôi hỏi tiếp.
- "Đọc thư người yêu nên no ngang, đâu còn tâm trí gì làm chuyện khác."
Chị Bích Dung không nói gì thêm, quay qua tiếp tục chơi với những thủ công của mình. Chị Bích Dung là một cô bé ngoan và dễ bảo. Chị biết tự chăm sóc cho mình và ít làm phiền ai. Mỗi buổi tối tôi thường kiểm soát bài vở của chị và giúp giải thích những phần bài chị không hiểu trên lớp. Năm nay Bích Dung đang học lớp năm, cuối năm chị sẽ thi lên lớp sáu.
Tôi mỉm cười đưa tay xoa đầu Bích Dung tỏ ý hiểu lời chị nói. Sau đó tôi bỏ đi kiếm chị Bích Phượng. Tôi thật sự hiểu ý chị Bích Dung muốn nói gì. Chị muốn nói chị Bích Phượng vừa mới nhận được thư của anh Tuấn gửi từ Pháp về nên vui quá. Anh Tuấn là người yêu của chị Bích Phượng, đang đi du học ở bên Pháp. Chương trình du học của anh là năm năm, đến nay đã được ba năm rồi. Từ ngày đi đến nay anh Tuấn chỉ về thăm nhà vào mùa hè năm ngoái, thường thì anh và chị Phượng liên lạc với nhau bằng thư từ. Hai người hò hẹn khi nào anh Tuấn về nước thì sẽ làm đám cưới. Chị Phượng và anh Tuấn quen nhau hai năm trước khi anh qua Pháp du học, quen từ lúc họ còn học trung học. Hai người có một cuộc tình thắm thiết thề non hẹn biển mà ai cũng ngưỡng mộ. Nhà anh Tuấn là gia đình trung lưu nhưng chưa đủ giàu để tự lo cho con đi du học. Anh đi Pháp du học là nhờ khả năng học giỏi của anh và nhờ có người chú biết chạy chọt xin được cái học bổng cho anh. Gia đình anh không đủ chi phí cho anh về thăm nhà thường xuyên, do đó từ ngày đi đến nay đã ba năm anh chỉ về thăm nhà có một lần. Nghe nói ở bên Pháp anh hàng ngày đi học, đến cuốn tuần thì đi rửa chén cho nhà hàng Tàu để kiếm tiền xài thêm. Chị Bích Phượng đôi khi cũng gửi tiền dành dụm của mình sang Pháp giúp anh Tuấn tiêu xài thêm. Lúc đầu anh Tuấn nhất định không chịu lấy, nhưng sau vì chị Phượng nài quá anh mới nhận. Anh nói rằng sau này anh ra trường sẽ đền bù cho chị lại gấp mười. Mọi người ghẹo chị Phượng nói rằng chỉ cần anh Tuấn đền bằng kiệu hoa đến nhà xin cưới là đủ lắm rồi. Mỗi lần nghe như vậy chị Bích Phượng lại đỏ hồng mặt, bẻn lẻn không nói gì. Bạn chị Phượng ai cũng ngưỡng mộ chị có một cuộc tình và một người yêu lý tưởng.
Khi tôi ra đến ngoài vườn sau nhà thì chị Bích Phượng đang ngồi duỗi chân trên ghế xích đu, một hộp bìa cứng để trên đùi, tay đang cầm lá thư đọc. Thấy tôi ra, chị bỏ chân xuống đất, nhích qua một bên để nhường một phần ghế xích đu cho tôi ngồi.
- "Ngồi xuống đây em. Ăn uống gì chưa?"
Tôi lắc đầu nói chưa đói và ngồi xuống cạnh bên chị. Nét mặt chị Bích Phượng hồng hào hân hoan, cặp mắt chị sáng long lanh chứa đựng niềm hạnh phúc. Niềm vui mừng của tình yêu làm chị trông đẹp và tươi tắn hơn ngày thường.
- "Đã hai tháng rồi chị mới nhận được thư của anh Tuấn. Anh nói độ này anh ít có dịp viết thư cho chị vì chương trình hai năm cuối càng lúc càng khó nên anh phải chuyên tâm vào học nhiều hơn."
Chị Bích Phượng gấp lá thư lại rồi bỏ vào trong hộp bìa cứng trên đùi. Trong hộp chị cất giữ tất cả những lá thư mà anh Tuấn gửi cho chị từ ngày anh đi du học. Trong hộp còn có những tấm hình của anh Tuấn gửi tặng chị. Tôi hỏi:
- "Cho em coi hình được không?"
Chị Bích Phượng vui vẻ lấy hình ra cho tôi coi. Chị nói ngoại trừ một tấm chụp từ Việt Nam mà anh Tuấn tặng chị lúc chia tay, những tấm hình còn lại là chụp ở bên Pháp. Tôi ngắm nhìn tấm hình anh Tuấn chụp lúc ở Việt Nam, trong hình anh còn rất trẻ, mang dáng điệu của một cậu học sinh, mặc đồng phục trường trung học, tóc cắt ngắn chải gọn gàng. Phía sau lưng tấm hình anh viết giòng chữ "Tặng Bích Phượng. Forget me not." Mấy tấm hình kia chụp anh ở bên Pháp. Trong những tấm hình này anh Tuấn trông trông đã chững trạc hơn và đã mất đi dáng điệu cậu học sinh vùng tỉnh nhỏ. Quần áo anh mặc đã theo kiểu tây phương và tóc đã để dài chải bồng bềnh theo mốt.
Chị Bích Phượng đón nhận những tấm hình tôi gửi trả lại rồi cất bỏ vào trong hộp. Giọng chị trở nên mơ màng:
- "Chị mong cho anh Tuấn sớm trở về. Chị thật là nhớ anh ấy."
Tôi nhìn chị và mong lời ước nguyện của chị sẽ mau thành đạt. Dì Hai nói mấy năm qua chị Phượng sống như hòn vọng phu ngóng đợi chồng về. Chị sống cuộc đời khép kín cô độc, không giao thiệp với ai và không đi đâu. Ban ngày sau khi đi phụ mẹ ở chợ về chị chỉ trốn mình trong phòng sống trong thế giới mộng mơ riêng tư của mình. Chị Bích Phượng là một cô gái dịu dàng, hiền lành và thùy mị. Chị có dáng người mảnh mai dễ thương. Chị Bích Phượng tuy học không giỏi lắm, sau khi thi rớt tú tài hai lần, chị quyết định ở nhà luôn phụ dì Hai trông coi hàng gạo. Tôi nghĩ chị sau này chắc chắn sẽ là một người vợ hiền và anh Tuấn nếu lấy chị thì anh thật là người may mắn.
Một vài giọt nắng lọt qua khe những chiếc lá trên tàng cây mít trên cao, đậu xuống trên tóc chị Bích Phượng lấp lánh trông thật đẹp. Chị đưa tay vuốt một chiếc lá khô vừa rơi trên tóc, nói tiếp:
- "Chị mong anh Tuấn sau này đừng chê chị. Chị học dở, không có nghề nghiệp gì, làm sao xứng với anh ấy là một sinh viên du học."
- "Chị là một người hiền lành, đức độ và đảm đang. Anh Tuấn phải có phước lắm mới lấy được chị." Tôi khuyến khích chị.
- "Chị cũng hy vọng như vậy. Chị nghĩ đàn ông lúc nào cũng muốn làm chủ trong gia đình. Họ chỉ muốn có một người vợ biết lo lắng cho chồng con và gia đình. Họ đâu có muốn có một người vợ ra đường làm ăn xông xáo hơn cả chồng. Chị thấy mấy người bạn gái chung quanh đi làm việc này việc kia ngoài đời, đến lúc lấy chồng và sanh con cũng phải bỏ cả sự nghiệp ở nhà nuôi con."
Tôi tuy không đồng ý với quan niệm của chị Bích Phượng về địa vị phụ nữ trong gia đình và xã hội, nhưng cũng không lên tiếng nói gì. Câu nói của chị Bích Phượng thật ra là xác thật cho đa số những trường hợp đã xẩy ra chung quanh thị trấn nhỏ này. Nhưng tôi đã từng ở Sài Gòn và thấy phụ nữ ở Sài Gòn có học thức cao và họ cũng ra đời đi làm như đàn ông. Tôi cũng coi sách báo nhiều và thấy rằng đa số phụ nữ phương tây đều gửi con ở nhà trẻ để đi làm, có những người còn nắm những nghề nghiệp và chức vị cao trong xã hội. Vì không muốn làm mất vui chị Phượng lúc này, tôi chọn không nói gì thêm về đề tài này.
Trong nhà dì Hai, chị Bích Phượng thích chiếc xích đu sau nhà nhất. Ngày nào chị cũng ra ngồi ở đó để đọc đi đọc lại những lá thư của anh Tuấn. Nếu không thì chị cũng đan áo len để gửi cho anh Tuấn mặc mùa đông. Chị nói mùa đông bên Pháp lạnh lắm, đan gửi áo cho anh để anh mặc, mỗi khi mặc áo chị đan, anh sẽ nhớ tới chị. Tôi không biết chị đã gửi cho anh Tuấn bao nhiêu áo len rồi, chắc phải là nhiều lắm vì ngày nào tôi cũng thấy chị đan. Lúc thì kiểu này màu này, khi thì kiểu kia màu kia.
Hai chị em ngồi tâm sự một lát thì chia tay, chị Bích Phượng phải ra tiệm giúp dì Hai và tôi cũng có bài để làm.
Nhà dì Hai ở trên đầu một con dốc cao. Nó là một căn nhà hai tầng nằm giữa một dẫy nhà lầu xây sát bên giống nhau. Căn nhà có chung tường gạch với hai nhà hàng xóm bên cạnh. Sau nhà có một mảnh vườn nhỏ mà dượng Hai đã trồng một vài cây ăn trái để lấy bóng mát. Dượng đặt một xích đu ngay dưới tàng của một cây mít cao to xum xuê nhất. Gần đó dượng xây một hòn non bộ và thả mấy con cá kiểng. Mảnh vườn sau nhà được ngăn cách với những hàng xóm chung quanh bằng một hàng rào hoa bông bụt. Trước nhà là hai cây bông giấy cao trồng sát tường, mọc từ dưới đất lên tới ban công trên lầu. Hai cây bông giấy trồng ở hai bên có tác dụng làm hàng rào cản khiến cho từ ban công của hai nhà hai bên, hàng xóm không thể thò đầu sang nhìn vào trong nhà.
Từ ngày tôi lên ở và đi học ở trên thị trấn này, tôi có quen một cô bạn thân tên Minh Châu. Minh Châu là hàng xóm của chúng tôi, nhà ở sát bên nhà dì Hai và lại còn là bạn học chung lớp của tôi, lớp 9A1. Anh Quốc Dũng học lớp 9A2. Lúc ở Sài Gòn, bởi vì tôi hay theo anh Quang Hùng đi khắp nơi cho nên tôi không có bạn thân, các bạn tôi quen chỉ là bạn thường trong lớp hoặc trong xóm. Bây giờ lần đầu tiên có được cô bạn học thân, nhà lại ở sát nhau, tôi thật là quý mến tình bạn này. Giờ đây, thay vì cứ đi theo anh Quang Hùng như ngày xưa, tôi bắt đầu dành nhiều thì giờ hơn cho Minh Châu. Một phần vì tôi đang vào tuổi mới lớn, phần kia vì tôi đã bắt đầu có những sở thích con gái riêng cho mình, những trò chơi con trai của anh Quang Hùng đã không còn thích hợp với tôi nữa.
Tôi và Minh Châu rất hợp nhau, đang bước vào tuổi mơ mộng, chúng tôi thích ép bướm, ép hoa, làm thơ, chép thơ của những nhà thơ nổi tiếng và nếu rảnh rỗi thì ngồi to nhỏ tâm tình. Thật ra anh Hùng cũng bận rộn với thế giới mới của anh. Nếu các chị trên trường không giả vờ đến nhờ anh giảng bài, thì chị Kim Điệp cũng đến rủ anh đi đánh tennis. Những thời gian còn lại, anh tập họp đi chơi với mấy người trong nhóm Thất Hiệp hay đi đá banh.
Trong khi chị Phượng dành quyền làm chủ xích đu sau nhà thì tôi chiếm cứ ban công trên lầu. Mỗi buổi tối tôi hay ra ban công nhìn ngắm trăng sao trên trời. Nếu lúc đó Minh Châu cũng đang ở bên ban công nhà nó thì chúng tôi sẽ nói chuyện với nhau. Tuy giàn bông hoa giấy che khuất khiến chúng tôi không thấy mặt nhau nhưng chúng tôi vẫn có thể nói chuyện qua lại. Cần đưa gì cho nhau thì chúng tôi lấy cây cột món đồ vào đầu cây rồi truyền qua bên kia. Thỉnh thoảng Minh Châu cũng qua nhà chơi với tôi, hay ngược lại tôi cũng qua bên nhà Minh Châu. Những lúc đó hai đứa tôi kéo ghế ra ban công nằm dài tán dóc hay trao đổi những đoạn thơ mà mỗi đứa mới đọc được. Hai đứa tôi mỗi đứa có một quyển tập riêng để chép lại những bài thơ hay của những nhà thơ nổi tiếng. Hai đứa giống nhau, đều thích thơ của những nhà thơ tiền chiến như Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, v…v.
Anh Quang Hùng cảm thấy khó chịu về tình bạn này của chúng tôi. Anh bày tỏ sự khó chịu của mình ra mặt. Tôi biết anh làm vậy là vì ghen tỵ. Ngày xưa tôi lúc nào cũng đi theo anh không rời nửa bước. Giờ đây có bạn, tôi đã bớt đi theo anh. Mỗi lần Minh Châu qua nhà chơi, hay mỗi lần tình cờ gặp Minh Châu đi với tôi ở trên trường, anh Quang Hùng đều nói những lời bực tức, mỉa mai châm chích. Anh không ngại để lộ ra ngoài thái độ không ưa Minh Châu của mình. Thế nhưng Minh Châu không phải là con bé vừa, nó lúc nào cũng ăn miếng trả miếng anh Hùng, đôi khi tài ăn nói và tài kê tủ đứng vào miệng người ta của nó đã khiến anh Hùng phải cứng họng.
Thái độ anh Quốc Dũng thì hoàn toàn ngược lại. Anh mừng như bắt được vàng thấy tôi trở thành bạn thân của Minh Châu. Gia đình anh Quốc Dũng và gia đình Minh Châu đã làm hàng xóm với nhau từ ngày hai người còn nhỏ xíu. Lúc đó anh Quốc Dũng và Minh Châu là hai bạn láng giềng chơi thân với nhau. Họ nhập bọn cùng với những bạn trong xóm chơi chung rất thân. Thế nhưng từ ngày hai người lên lớp sáu tới giờ thì tình bạn đó đã không còn như xưa. Minh Châu bắt đầu bước vào tuổi con gái mới lớn và đã biết e thẹn làm dáng. Anh Quốc Dũng thì vỡ tiếng và đã biết để ý tới con gái. Hai người họ đã không còn chơi chung với nhau như xưa. Mỗi lần gặp nhau thì cả hai đều bẻn lẻn ngượng ngập và nói chuyện rất ít. Chị Bích Phượng hay chọc ghẹo anh Quốc Dũng về sự thay đổi này. Chị hay kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm lúc anh Dũng và Minh Châu chơi chung với nhau khi còn bé. Lần nào cũng vậy, chị sẽ kết thúc câu chuyện bằng câu "Ôi, đây mới đúng là mối tình ‘ngày thơ tình thơ’." Rồi sau đó chị không quên chêm vào mấy câu trong bài thơ Cuộc Đời của Minh Phẩm:
"Ngày xưa hồi còn thơ
Một chiều nắng đẹp khoe màu tơ
Tôi cùng em, hai đứa
Thơ thẩn ngồi chơi trên ngạch cửa.
Tóc em chừa bánh bèo
Môi chưa hồng, da mét: con nhà nghèo!
Đầu tôi còn hớt trọc
Khét nắng, hôi trâu, thèm đi học
Em cầm một củ khoai
Cạp vỏ bằng răng rồi chia hai.
Thứ khoai sùng lượm mót
Mà sao nó ngọt thôi là ngọt
……"
Anh Quốc Dũng thường mắc cở về lời chọc ghẹo này, nhưng dáng vẻ của anh thì lại chứng tỏ anh thích nghe chọc lắm. Tôi biết anh Quốc Dũng thích Minh Châu nhưng anh không dám nói ra, cho nên khi thấy tôi quen thân với Minh Châu anh mừng lắm. Anh cho rằng tôi có thể làm chiếc cầu bắt nối cho anh. Qua tôi, anh có thể có dịp được gần gũi với Minh Châu nhiều hơn. Mỗi lần Minh Châu qua nhà chơi với tôi, anh Quốc Dũng thế nào cũng tìm cách lân la đến gần làm bộ nói chuyện với tôi hay hỏi mượn này kia. Miệng anh thì nói với tôi nhưng mắt thì chỉ hướng về nhìn bạn tôi. Lâu lâu anh cũng chêm vào một vài câu nói bâng quơ không đâu vào đâu hướng về Minh Châu. Trong những trường hợp như vậy, tôi thấy Minh Châu không tỏ thái độ gì khác lạ. Con bé lúc nào cũng nở nụ cười dễ thương và không nói gì. Tôi không nghĩ Minh Châu thích anh Quốc Dũng. Mỗi lần tôi chọc Minh Châu với anh Dũng thì nó chỉ phá lên cười và nói:
- "Thôi đi bà, để cho con yên. Nhà con ở sát bên nhà Quốc Dũng, tụi con còn làm hàng xóm với nhau lâu lắm. Chọc làm sao mà rồi hai đứa phải lấy mo cau che mặt mỗi khi bước ra cửa gặp nhau."
Tôi cười, tôn trọng bạn tôi không chọc ghẹo Minh Châu trước mặt mọi người, nhưng thỉnh thoảng khi không có ai chung quanh tôi vẫn đem đề tài này ra ghẹo bạn.
Anh Quốc Dũng tuy bằng tuổi và học ngang cấp lớp với tôi nhưng mọi người ai cũng nói anh không được chững chạc bằng tôi. Tính của anh cởi mở, dễ dãi và mau quên. Anh không hay để ý đến chuyện chung quanh và không để lâu trong bụng điều gì. Anh thích chơi đá banh. Đá banh là môn thể thao anh mê hơn những thứ gì trên đời. Chiều nào anh cũng ra sân banh chơi. Dượng Hai hay la anh vì anh mê đá banh không chịu học hành. Chị Phượng hay nói, "Người ta mê bồ bỏ vợ, thằng Dũng sau này mê đá banh bỏ vợ." Những lúc như vậy anh Dũng chỉ cười xởi lởi.
Từ ngày có sự hiện diện của anh em tôi trong nhà và từ ngày tôi trở bạn thân của Minh Châu, anh Quốc Dũng quay sang hai anh em chúng tôi nhờ cậy giúp anh cua gái. Anh cứ xui tôi rủ rê Minh Châu qua nhà chơi và nhờ tôi nói tốt về anh tới Minh Châu. Tôi nói:
- "Anh nhát gái như vậy mà đòi đi cua gái à?"
- "Nhát gì em, chỉ ngại thôi. Là hàng xóm nhà sát bên, lỡ tỏ tình mà Minh Châu từ chối thì anh ê mặt lắm, lúc đó phải đi đục lỗ hàng rào sau nhà để làm cửa đi ra ngoài đường chứ không dám đi cửa trước."
Không những nhờ tôi, anh Quốc Dũng còn nhờ luôn anh Hùng dạy anh cua gái. Đương nhiên anh Hùng của tôi không từ chối. Gì chứ làm quân sư cua gái cho người khác là sở trường của anh. Thế nhưng nó cũng lại là sở đoản của anh là vì anh chưa hề cua ai cho mình bao giờ.
- "Chuyện này thì dễ thôi. Người khác thì em không dạy, nhưng mình là anh em trong nhà thì em phải chỉ dẫn cho anh tận tình. Một công hai chuyện, trước là giúp anh đạt được ý muốn, sau là mong tình yêu sẽ khiến bà Minh Châu dữ như chằn lửa này cải hóa, khiến bà bớt dữ." Sau đó anh Hùng quàng vai anh Quốc Dũng thân thiện, anh bắt đầu lên giọng giảng bài. "Xưa nay, tiếng đàn và tiếng hát luôn là vũ khí sắc bén để con trai cua gái. Em sẽ dạy anh đánh đàn và hát một vài bài làm vốn. Ngày xưa Trương Chi xấu như ma, chỉ nhờ dùng tiếng sáo và tiếng hát mà cua được Mỵ Nương. Anh đẹp trai như vầy, lại có thêm em làm quân sư thì coi như Minh Châu đã nằm chắc trong tay anh rồi."
Lời anh Hùng nói anh Dũng nghe thật bùi tai và vì vậy đã trở nên vui mừng hớn hở ra mặt. Phải rồi, chuyện ngày xưa Trương Chi xấu như vậy mà vẫn có thể làm Mỵ Nương xiêu lòng bằng tiếng hát và tiếng sáo của mình. Chuyện ngày nay băng nhạc Beatle chỉ hát có mấy bài mà khiến hàng triệu các con gái trên thế giới mê mệt. Rành rành như thế anh Dũng sao không nên nghe. Thế là anh Dũng từ đó theo anh Hùng học cách cua Minh Châu. Anh Hùng dạy cho anh hát và đánh đàn. Vì để đốt ngắn giai đoạn, anh Hùng nói anh Dũng cần học dã chiến, nghĩa là học cho nhanh cho lẹ để còn ra trận. Anh không dạy anh Dũng nhạc lý căn bản từ đầu mà chỉ dạy đánh và hát một vài bài nhạc tủ.
Đi cua gái mà anh tôi làm như đi đánh trận thời chiến quốc, anh dàn quân bày mưu chiến lược như Khổng Minh Gia Cát Lượng ngày xưa. Trong khi chờ đợi anh Dũng ‘luyện công’ bài nhạc tủ ‘chờ ngày hạ san’, ông anh quân sư của tôi bày trận đánh du kích trước, ‘gọi là dọ thám tình hình’. Anh lấy đưa cho anh Dũng bài thơ Cô Hàng Xóm của Nguyễn Bính, nói anh Dũng chép ra giấy rồi nhờ tôi đưa cho Minh Châu. Anh Hùng nói:
- "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Trước khi mở trận tấn công, mình phải đánh du kích trước bằng cách gửi bài thơ này cho đối phương để dò xét phản ứng. Nếu đối phương trả bài thơ lại, khi gặp mặt mình thì cho ra vài câu chửi chó mắng mèo thì mình rút quân liền, về nhà nằm chờ thời tìm phương kế khác. Ngược lại, nếu thấy đối phương im ru thì xem chừng có khả quan, mình đánh tới luôn."
Anh Dũng nghe răm rắp lời quân sư Khổng Minh của anh, lấy giấy chép bài thơ rồi đưa cho tôi nhờ chuyển dùm:
"Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có dậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng...
Có con bướm trắng thường sang bên này.
Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi...
Chả bao giờ thấy nàng cười,
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.
Mắt nàng đăm đắm trông lên...
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi,
Tôi buồn tự hỏi: "Hay tôi yêu nàng?"
-- Không, từ ân ái lỡ làng,
Tình tôi than lạnh gio tàn làm sao?
Tơ hong nàng chả cất vào,
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang.
Mấy hôm nay chẳng thấy nàng,
Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong.
Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!
……….."
Tôi đưa thơ cho Minh Châu, hai đứa tôi ôm bụng cười rúc rích. Tôi phân bua với nó:
- "Tao không có phần, tao chỉ làm sứ giả đưa thư thôi. Nói trước, luật lệ xưa nay các nước không được giết sứ giả."
Minh Châu đương nhiên không làm hại sứ giả, nó cũng không nỡ làm đau lòng hay mất mặt ông anh bà con của tôi. Nó vì vậy cứ im lặng, không gửi trả bài thơ mà cũng không chửi chó mắng mèo. Anh Dũng đi theo tôi tò tò hỏi dò tình hình, nhưng tôi nói với anh tôi không có tin gì cho anh.
Hai ông anh tôi cười đắc thắng. Tài tiên đoán như thần cộng thêm mưu lược của quân sư Quang Hùng dường như đang đi vào chiều hướng tốt đẹp. Như đã toan tính trước, khi không thấy ‘phe địch’ có động tịnh gì, hai ông anh tôi tiến tới đi luôn chiêu thứ hai, tập hát và tập đàn ráo riết. Tập được một tuần, hai người đem nhau ra ban công thử nghiệm. Một tối, chờ cho Minh Châu có mặt ở bên ban công nhà nó, anh Quốc Dũng ôm đàn guitar rên rỉ hát bài Cô Láng Giềng của Hoàng Quý:
"...Tôi mơ trời xuân bao tươi thắm.
Đôi mắt trong đen màu hạt huyền
Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng
Xao xuyến nỗi niềm yêu.
Cô láng giềng ơi!
Không biết cô còn nhớ đến tôi?
Giây phút êm đềm ngày xưa kia khi còn ngây thơ..."
Đương nhiên tiếng đàn của anh thì rất vụng về và không đúng nhịp, giọng của anh vẫn còn trong tình trạng vỡ tiếng chưa được trong trẻo, anh hát thật khó nghe. Mỗi khi anh lên giọng hát điệp khúc ‘cô láng giềng ơi..’ thì hơi của anh như tắc trong cuống họng không lên cao được. Anh Quang Hùng lúc đó đứng khuất trong nhà lãnh phần lấy tay ra dấu làm đạo diễn, mỗi lúc nghe anh Quốc Dũng lên giọng anh lại nhăn mặt lè lưỡi lấy hai ngón tay bịt lỗ tai.
Cứ vậy, mỗi tối khoảng tám giờ, sau khi làm bài xong, hai anh Hùng và Dũng lại mang đàn ra ban công hát. Suốt cả hai tuần anh Dũng chỉ biểu diễn có một bài tủ là bài Cô Láng Giềng, anh hát mỗi ngày không biết chán. Minh Châu lại gặp tôi nhăn nhó:
- "Ông anh bà con mày đang làm gì đây. Nếu không thương tao thì cũng thương cho cái tai của mọi người chung quanh."
- "Anh Hùng làm đạo diễn đó. Mày qua than phiền với ảnh đi." Tôi trả lời.
- "Đáng ra tao nên biết đứng sau lưng ông Dũng là ông anh của mày."
Tôi không nói cho anh Dũng nghe lời phê bình của bạn mình, sợ anh buồn và tự ái, nhưng tôi đem lời này nói lại cho anh Hùng. Ông anh tôi nghe xong suy ngẫm một vài giờ và rồi bắt đầu giở trò mới. Biết Minh Châu chê anh Dũng hát dở, anh dạy nhồi thêm cho đệ tử mình bài nhạc thứ hai, đó là bài Cô Hàng Xóm của Lê Minh Bằng:
"…
Nhà gần bên, em sống trong giàu sang
Quen gấm nhung đài trang
Đi về xe đón đưa
Đêm đêm dưới ánh trăng vàng
Tôi với cây đàn âm thầm thở than
Và cô nàng bên xóm
Mỗi lúc lên đèn, sang nhà làm quen
Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở,
Nhưng nàng khen nhiều và thật nhiều
Làm tôi thấy trong tâm tư xôn xao
Như lời âu yếm mặn nồng của đôi lứa yêu nhau
……"
Có được hai bài, phần trình diễn văn nghệ hàng tối của anh Dũng đã được thêm phần phong phú nhưng chất lượng của giọng hát và tài đánh đàn của anh cũng không khấm khá hơn bao nhiêu. Minh Châu lại lắc đầu than thở:
- "Ông anh Hai mày lắm mưu nhiều kế, tao chê ông Dũng hát dở thì ổng lại bồi thêm vào bài này làm tao cứng họng. Ông Dũng hát ‘tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở’ thì đúng là sự thật không ai chối cãi. Nhưng tao có khen bao giờ đâu. Hai bài nhạc của người ta đang thơ mộng lãng mạn như vậy, qua giọng ông Dũng hát thấy khác luôn. Một bài thì ổng hát như đi hành quân. Bài kia thì ổng rên rỉ nghe buồn não nề, giống như tiếng ễng ương than thở trong đêm khuya. Ai mà đang thất tình ngày nào cũng nghe ổng hát chắc sẽ tự tử luôn."
Tôi phải bật cười vì lối phê bình của bạn mình. Nói thì nói vậy nhưng thật ra tôi biết trong lòng Minh Châu nó cảm thấy thích thú và tự mãn lắm. Có đứa con gái nào mà không cảm thấy hãnh diện khi được con trai yêu thầm tán tỉnh, mà nhất là chàng trai đó chịu khó mang lời ca tiếng nhạc đi tỏ tình như vậy.
Những ngày đầu, tiếng hát mỗi tối của anh Dũng có làm chúng tôi vừa khó chịu vừa buồn cười, nhưng riết rồi chúng tôi quen đi và nghe cũng xuông tai. Minh Châu nhắn với tôi nếu để anh Hùng đệm đàn và hát phụ chắc chắn sẽ nghe đỡ hơn. Nghe tôi lập lại lời này, anh Dũng đã sửa sang chương trình và anh Hùng được cho góp phần. Sau đó, chương trình hàng đêm của anh bắt đầu được mọi người ưa thích khi anh Quang Hùng bắt đầu tham gia vào hát chung. Đương nhiên giọng hát của anh Hùng nghe quyến rũ hơn và tiếng đàn của anh nghe cũng hay hơn. Mỗi khi anh Hùng hát, tôi ra ngồi cạnh lắng nghe, chị Bích Phượng và Bích Dung cũng ra ngồi. Kể cả Minh Châu, con bé đương nhiên thỉnh thoảng cũng qua tham dự làm thính giả. Mãi sau thì thành thói quen, mỗi tối đám thính giả chúng tôi đều muốn được nghe hai anh con trai hát và đó đã trở thành một hoạt động quen thuộc trong mỗi buổi tối của bọn trẻ chúng tôi.
Cánh Phượng Tình Thơ Cánh Phượng Tình Thơ - Thu Trinh Cánh Phượng Tình Thơ