Cái Trống Thiếc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Dưới Gầm Bè
ằm dài như tôi đây trên chiếc giường kim lọai vô trùng của bệnh viện tâm thần, dưới con mắt theo dõi của Bruno qua cái lỗ nhòm, mà tả lại những cuộn khói lê thê của một ngọn lửa lá khoai ở vùng Kashubes cùng với những vệt rơi nghiêng của cơn mưa tháng mười, quả là không đơn giản tí nào. Nếu không có cái trống nhắc mọi tình tiết phụ cần thiết cho việc kể lại câu chuyện này trên giấy trắng mực đen - nó là bộ nhớ hoàn hảo khi ta biết khéo léo vận dụng - và nếu không được viện cho phép gõ trống ba-bốn giờ mỗi ngày, tôi ắt thành một gã cha căng chú kiết không có gì để kể về ông bà nội ngoại.
Vậy cái trống của tôi kể rằng: vào cái buổi chiều tháng mười năm một ngàn tám trăm chín chín ấy, trong khi bên Nam Phi ông chú Kruger đang chải cặp lông mày chổi sể, thì tại đây, ở quãng giữa Dirschau và Karthaus, gần xưởng gạch Bissau, dưới một cơn mưa chênh chếch và bốn lớp váy đồng màu, giữa khói mù, lo âu nơm nớp cùng những tiếng thở dài đệm theo lời nguyện cầu bằng thổ ngữ Kashubes, bất chấp những câu hỏi ngu xuẩn của hai cha cảnh sát mắt cay sè vì khói, người đàn ông thấp bè bè tên là Joseph Koljaiczek đã khởi cuộc sinh thành nên mẹ Agnès của tôi.
Ngay đêm hôm ấy, bà tôi Anna Bronski thay đổi họ. Với sự cộng tác của một linh mục rất phóng khóang trong hành lễ, bà trở thành Anna Koljaiczek và đi theo Joseph; không phải sang Ai Cập, mà là đến cái thị xã bên bờ sông Mottlau, tại đó Joseph kiếm được một chân đi bè và tạm thời yên thân về phía cảnh sát.
Tôi khoan chưa nói tên cái thị xã ở cửa sông Mottlau ấy chỉ cốt làm tăng thêm sự hồi hộp, mặc dầu đáng ra phải làm thế ngay vì đó chính là nơi sinh của mẹ tôi. Vào cuối tháng sáu năm một chín không không - bấy giờ vừa có sắc lệnh tăng gấp đôi chỉ tiêu đóng tàu biển, loại thiết giáp hạm - mẹ tôi ra đời dưới chòm sao Nhân Sư chiếu mệnh. Tự tin, lãng mạn, kiêu kỳ và phù phiếm. Ngôi nhà đầu đời, còn gọi là domus vitae, ở độ hoàng đạo vào giờ sinh: sao Song Ngư, bản tính dễ bị ảnh hưởng. Chòm Mặt Trời đối lập với sao Hải Vương, ngôi nhà thứ bảy hay domus matrimonii uxoris, đem lại sự hỗn độn. Sao Kim đối lập với sao Thổ, gọi là hành tinh chua, như ai nấy đều biết, gây các bệnh gan và lá lách, nổi trội ở Nam Dương và chấm dứt ở Nhân Sư, được sao Hải vương cho lươn, thích cà dược, hành và bia, làm chua rượu, sống cùng với sao Kim ngôi nhà thứ tám tức ngôi nhà chết: dự báo chết bất đắc kỳ tử, còn như việc thụ thai trên cánh đồng khoai tây thì hứa hẹn một hạnh phúc đầy bất trắc dưới sự che chở của sao Thủy trong nhà của bà con họ hàng.
Đến đây, phải nhường chỗ cho lời phản đối của mẹ tôi: không bao giờ mẹ chịu nhận là mình được hoài thai ngoài cánh đồng khoai tây. Đành rằng ông già cũng có thử tòm tem thật - điều này thì mẹ thừa nhận; nhưng tư thế của cả hai đều không đủ thuận lợi để Koljaiczek có thể làm Anna Bronski thụ thai.
“Chắc là vào ban đêm trong khi chạy trốn, hoặc trong thùng xe của bác Vincent hoặc thậm chí mãi về sau, khi đã được cánh chở bè ở Troyl cho tá túc.”
Đó là những lời mẹ tôi thường nói để xác định bước khởi đầu cuộc sinh tồn của mình, và bà tôi, người thừa biết đầu đuôi xuôi ngược ra sao, thì cứ kiên nhẫn gật đến sái cổ mà rằng: “Hẳn thế, con ạ, chắc là ở trong thùng xe hay có khi ở Troyl cũng nên, chứ đâu phải ngoài cánh đồng: bữa ấy mưa gió thấy mồ.”
Vincent là anh trai bà tôi. Sau khi vợ mất sớm, ông làm cuộc hành hương đến Czestochowa, ở đó Đức Mẹ Matka Boska Czestochowa [1] đã ra lệnh cho ông phải xem Người là hoàng hậu tương lai của Ba Lan. Từ đó, ông luôn vùi đầu vào những quyển sách kỳ quái, phát hiện ở từng câu trong đó sự xác nhận những mục tiêu chinh trị của Mẹ Chúa Trời và để mặc em gái trông coi trang trại cùng mấy mẫu đất. Jan, con trai ông, bấy giờ mới bốn tuổi, là một đứa bé ốm yếu, lúc nào cũng chực khóc; Jan chăn ngỗng, tích cóp ảnh màu và, ôi chao, quả là điềm báo trước! mới nứt mắt đã sưu tầm tem thư.
Bà tôi đưa Koljaiczek cùng những thúng khoai tây về cái trang trại một lòng một dạ với Đức Mẹ Nữ Hòang Ba Lan ấy. Sau khi biết chuyện gì đã xẩy ra, ông Vincent liền chạy đến Ramkau kèo nèo cha xứ kỳ đến khi ông này đành phải đến làm lễ cưới cho Joseph và Anna. Vị linh mục ngái ngủ vừa mới ngáp ngắn ngáp dài ban phước xong và quay cái lưng giáo chức của mình ra về cùng với một lườn thịt lợn sấy hậu hĩ, là Vincent lập tức đóng ngựa vào chiếc xe hòm, xếp đôi vợ chồng mới lên chiếc ổ rơm lót bao tải, đặt thằng cu Jan run cầm cập và rấm rứt khóc bên cạnh mình trên ghế lái và ra hiệu lệnh cho ngựa thẳng tiến vào đêm tối: chuyến đi tân hôn đang hồi khẩn trương.
Khi xe tới cảng bốc gỗ của thị xã, đêm đã tàn nhưng trời vẫn còn tối. Những người bạn, cũng dân chở bè như Koljaiczek, đón cặp uyên ương trên đường trốn chạy.
Vincent đánh xe lộn lại và cho ngựa đi về hướng Bissau: một chị bò cái, một ả dê, một mụ nái sề với lũ lợn con, tám con ngỗng và chú chó canh đang chờ thức ăn, chưa kể cu Jan đang hâm hấp sốt cần một cái giường nằm.
Joseph Koljaiczek lặn biệt ba tuần, đủ để nuôi một bộ tóc mới có đường rẽ ngôi; ông cạo nhẵn ria xoay giấy tờ căn cước mới sạch trơn không vết bợn và kiếm được một chân đi bè dưới cái tên Joseph Wranka. Nhưng tại sao Koljaiczek lại phải lấy giấy tờ căn cước của gã đi bè Wranka đã bị đánh ngã nhào khỏi bè trong một cuộc ẩu đả và chết đuối ở sông Bug vào quãng trên Modlin một tí mà nhà chức trách không hề hay biết? Bởi lẽ sau một thời gian bỏ nghề đi bè, ông đã làm việc ở một xưởng cưa ở gần Schwetz, tại đó ông đã có chuyện xung đột với chủ xưởng. Đó là vì một cái hàng rào mà bàn tay khiêu khích của Koljaiczek đã sơn thành hai màu đỏ trắng [2]. Chắc là để chứng tỏ ta đây không phải tay vừa. Lão chủ xưởng cưa nhổ hai cái cọc rào, một đỏ một trắng, nện lên cái lưng nòi Kashubes của Koljaiczek những đòn trời giáng kỳ cho đến lúc hai cái cọc rào mang màu ái quốc đó nát vụn thành một đống đo đỏ trăng trắng. Chừng đó đủ khiến Koljaiczek uất máu đến nỗi ngay đêm hôm sau, hẳn là một đêm trời đầy sao, ông đã hòa lửa đỏ vào màu trắng của xưởng cưa mới toanh vừa quét vôi để tôn vinh một nước Ba Lan bị chia cắt song chính vì lẽ đó lại càng thống nhất hơn bao giờ hết.
Thế là Koljaiczek trở thành kẻ phạm tội phóng hỏa, mà không phải chỉ một lần, bởi lẽ những ngày sau đó, trên khắp miền Tây nước Phổ, các xí nghiệp cưa cũng như bãi gỗ, đều làm mồi cho ngọn lửa hai màu hừng hực tình cảm dân tộc. Như tất cả mọi lần liên quan đến tương lai đất nước Ba Lan, Đức Mẹ Maria Đồng Trinh đều can dự vào các vụ hoả hoạn này và có những nhân chứng mục thị - những người này có lẽ chưa phải đã chết hết - tuyên bố là đã thấy Mẹ Đức Chúa Trời đội vương miện Ba Lan trên những mái nhà đang sập đổ của nhiều xưởng cưa. Nghe nói dân chúng, vốn cứ thấy cháy to là kéo đến, đã cất giọng hát bài ca ngợi Bogarodzica Mẹ Chúa Trời. Phải thừa nhận rằng những đám cháy của Koljaiczek là chuyện thiêng liêng: ở đó, người ta thường phát thệ.
Và trong khi Koljaiczek bị truy lùng ráo riết dưới tội danh đốt nhà thì gã chở bè Joseph Wranka tứ cố vô thân, hiền lành, vô vị, không tiền án tiền sự, không mấy ai biết đến cũng chẳng ai truy lùng, vẫn chia mớ thuốc lá nhai của mình thành những khẩu phần hàng ngày, cho đến một hôm, ngã tòm xuống sông Bug, để lại trong túi áo va-rơi ba khẩu phần thuốc lá cùng với giấy tờ tuỳ thân. Và vì gã Wranka chết đuối không nói được nữa mà cũng chẳng ai hỏi han lôi thôi gì về gã, nên Koljaiczek, vốn cùng khổ người và cùng kiểu đầu tròn xoay, bèn luồn mình vào chiếc áo va-rơi, rồi vào giấy tờ căn cước lý-lịch-không-tiền án-tiền-sự của gã, bỏ thói quen hút tẩu chuyển sang nhai thuốc, tập nhiễm những đặc tính riêng nhất, thậm chí cả những lỗi phát âm, của Wranka. Trong những năm sau đó, trong vai một tay bè chịu thương chịu khó, tần tiện, hơi cà lăm, ông đã chở hàng rừng gỗ xuôi các dòng sông Niemen, Bobr, Bug và Vistula. Cũng cần nói thêm rằng Wranka đã từng leo được lên chức cai trong đội khinh kỵ binh của Thái tử, dưới quyền chỉ huy của Mackensen, vì Wranka chưa làm nghĩa vụ quân sự còn Koljaiczek, lớn hơn bốn tuổi, đã phục vụ trong pháo binh tại Thorn với một thành tích kém cỏi.
Những tên dữ dằn nhất trong đám đạo tặc, giết người, đốt nhà, ngay cả khi đang theo đuổi công việc bất lương của chúng, vẫn rình ngóng cơ hội kiếm được một nghề tử tế hơn. Một số tên đã gặp may trong cố gắng tìm kiếm ấy. Trong cái lốt của Wranka, Koljaiczek trở thành người chồng hiền đức, chừa hẳn cái tật phóng hỏa, chừa tiệt nọc đến độ chỉ nhìn thấy một que diêm, ông đã run lên. Những bao diêm vô tội bỏ vương trên bàn nhà bếp không tránh khỏi những cơn bạo lực của ông, ấy vậy mà đáng lý ông phải là người phát minh ra diêm mới đúng. Nhưng ông quăng cái vật cám dỗ ấy qua cửa sổ. Bà ngoại tôi phải khó khăn lắm mới chuẩn bị được bữa ăn nóng sốt đúng giờ giấc. Nhiều đêm, gia đình phải ngồi trong bóng tối vì không có gì để thắp đèn.
Tuy nhiên Wranka này đâu phải là một bạo chúa. Ngày chủ nhật, ông đưa Anna Wranka của mình đi chầu lễ nhà thờ ở phố dưới và cho phép bà đi dạo trong bốn chiếc váy như trên cánh đồng khoai tây xưa, với tư cách là vợ chính thức của ông. Mùa đông, khi các dòng sông đóng băng, và cánh chở bè không có việc làm, ông ngoan ngoãn ở lại Troyl. Nơi đây, chỉ có cánh chở bè, phu bến cảng và thợ đóng tàu trú ngụ. Ông trông coi đứa con gái nhỏ Agnès, cô bé có vẻ như thiên về ‘gien’ bố: lúc nào cũng trốn lủi, không dưới gầm giường thì trong tủ quần áo, hoặc khi nhà có khách thì ngồi thu lu dưới gầm bàn chơi với những con búp-bê nhồi cám.
Cô bé Agnès chỉ thích lẩn trốn và tìm thấy trong sự náu mình ấy một cảm giác an toàn như khi Joseph núp dưới bốn lớp váy của Anna, tuy nhiên với một niềm thích thú khác. Kẻ phóng hoả Koljaiczek đủ từng trải để hiểu nhu cầu được che chở của con gái mình. Cho nên khi làm một chuồng thỏ ngoài cái gọi là ban-công của căn hộ một gian rưỡi, ông đã ghép thêm vào đó một cái túp vừa kích cỡ Agnès. Thuở bé, mẹ tôi ‘định cư’ luôn tại đó cùng với những con búp-bê và lớn lên trong đó. Về sau, khi đã đi học, nghe nói mẹ tôi đã vứt bỏ chúng và tỏ ra sớm có ý thức về cái đẹp mong manh bằng thú chơi mới: những viên thuỷ tinh và lông chim nhuộm màu.
Bởi lẽ tôi đang nóng lòng muốn nói về cuộc tồn sinh của chính mình, nên xin được phép cho con bè gia tộc Wranka yên ả lướt nhanh tới năm 1913, khi mà con tàu Columbus được hạ thủy tại xưởng đóng tàu Schichau; đó là thời điểm mà cảnh sát, vốn nhớ dai, chẳng quên bất cứ cái gì, tìm lại được dấu vết của tên Wranka giả mạo.
Sự cố bắt đầu vào tháng 8/1913, khi Koljaiczek, như thường lệ hàng năm vào dịp cuối hè, áp tải một bè gỗ lớn từ Kiev theo các sông Priper, Bug, Modlin xuôi về đến sông Vistula. Mười hai tay chở bè xuất phát trên tàu kéo Radaune phục vụ xưởng cưa, từ Westlich Neufhar theo nhánh cụt của sông Vistula tới tận Einlage, sau đó ngược sông Vistula, qua Käsemark, Letzkau, Czettkau, Dirschau; tối đến, họ dừng lại nghĩ ở Thorn. Tại đây, tay chủ mới của xưởng cưa xuống tàu để giám sát việc mua gỗ ở Kiev. Bốn giờ sáng, khi tàu Radaune thả neo, mọi người mới biết ông ta đang ở trên tàu. KoỊjaiczek lần đầu tiên trông thấy ông ta vào lúc ăn sáng trong khoang bếp. Tất cả ngồi thành vòng tròn, người nhai kẻ nhấp từng ngụm nhỏ cà-phê. Koljaiczek nhận ngay ra ông ta. Con người to ngang, hói trán ấy sai đi lấy vốtka rót vào những tách cà-phê đã cạn. Trong khi một số người vẫn nhai và ở đầu đằng kia, người ta vẫn tiếp tục rót vốtka, ông ta tự giới thiệu: “Tôi xin thông báo để các anh em biết tôi là chủ mới của xưởng cưa; tên tôi là Dückerhoff; tôi không muốn có chuyện rắc rối lôi thôi.”
Theo yêu cầu của ông ta, các tay chở bè, theo thứ tự ngồi quanh, lần lượt xưng tên và nốc cạn tách rượu của mình, khiến cục hầu lên lên xuống xuống. Koljaiczek uống cạn rồi nói: “Wranka” đồng thời nhìn thẳng vào mắt Dückerhoff. Ông ta gật đầu như với những người trước, nhắc lại cái tên Wranka như đã nhắc lại tên những tay bè khác. Nhưng Koljaiczek cảm thấy có một âm sắc đặc biệt trong cách Dückerhoff đọc tên gã chở bè chết đuối, không phải là nhấn giọng nhưng có phần tư lự.
Máy không ngưng chạy xình xịch, con tàu Radaune khéo léo tránh những doi cát với sự giúp đỡ của những hoa tiêu liên tục thay thế nhau, không mệt mỏi đè lên lớp sóng ngầu đục phù sa. Bên trái, bên phải, đằng sau những con đê, vẫn là miền đất ấy: nơi bằng phẳng, nơi nhấp nhô thung đồi, nhìn chung mùa màng đã gặt xong. Những hàng rào, những đường mòn, một khoảng trũng mọc đầy đậu chổi, lác đác đây đó vài nông trại biệt lập; một cảnh quan thích hợp cho những đợt xung phong của kỵ binh, cho một sư đoàn kỵ binh đánh thuê vòng bên trái vu hồi xọc vào, những khinh kỵ binh phốc ngựa qua hàng rào, phù hợp với ước mơ của những sĩ quan kỵ binh trẻ, với trận mạc trong quá khứ và trong tương lai, với bức tranh lịch sử anh hùng: những tên Tartar rạp mình trên bờm ngựa, những long kỵ trên chiến mã chồm lên, những hiệp sĩ Teuton gục ngã, vị tế sư trong chiếc áo lễ đẫm máu, không một vết xước trên tấm giáp che ngực, trừ một gã bị quận công Mazowsze hạ sát. Và những con ngựa đẹp hơn ngựa xiếc, cổ đeo đầy nhạc, những đường gân được vẽ rất tĩ mỉ, những lỗ mũi nở rộng, màu đỗ son, phun ra từng cụm mây nhỏ xuyên thủng bởi những ngọn giáo phất phơ cờ hiệu, gươm đao rạch trời và hoàng hôn, và ở nền đằng sau - bức tranh nào mà chả có nền - bám chắc trên đường chân trời là một làng nhỏ với những ống khói bình yên tỏa khói giữa hai chân sau của con ngựa ô, với những ngôi nhà lụp xụp mái rạ tường rêu; và trong những căn nhà tranh đó, những chiếc chiến xa nhỏ xinh mơ đến một ngày sẽ tới khi cả chúng cũng có thể xông ra góp mặt vào bức tranh, đằng sau những con đê của sông Vistula, như bày ngựa con tung tăng giữa đoàn siêu kỵ.
Qua khỏi Wloclawek, Dückerhoff dí ngón tay trỏ vào áo va-rơi của Koljaiczek:
“Nói nghe nào, Wranka, có phải trước đây cậu đã từng làm việc ở xưởng cưa Schwetz? Vào cái năm xưởng bị cháy ấy?”
Koljaiczek nặng nề lắc đầu như thể cổ ông bằng gỗ, đồng thời nhuốm được vào cái nhìn của mình một vẻ rầu rĩ và mệt mỏi đến nỗi Dückethoff không nỡ gặng hỏi thêm nữa.
Đến Modlin, nơi sông Bug đổ vào sông Vistula, tàu Radaune rẽ vào sông Bug và Koljaiczek cúi mình trên lan can tàu nhổ xuống nước ba lần như cánh chở bè thời đó vẫn thường làm theo thông lệ. Dückerhoff đứng bên với một điếu xì-gà và hỏi xin lửa. Chữ ‘lửa’ và chữ ‘diêm’ đi liền theo làm Koljaiczek sởn da gà.
“Này! đằng ấy không việc gì phải đỏ mặt lên như thế khi tớ hỏi xin lửa. Đằng ấy là con gái hay sao vậy?”
Mãi đến khi đi khỏi Modlin một quãng khá xa, Koljaiczek mới hết đỏ mặt, hiển nhiên ông đỏ mặt không phải vì hổ thẹn mà đó là hồi quang muộn mằn của những xưởng cưa mà ông đã phóng hoả.
Vậy là, ngược sông Bug, giữa Modlin và Kiev, qua kênh đào nối sông Bug với sông Pripet cho đến sông Dniepr, chẳng có lời lẽ gì đặc biệt bõ kể lại trong cuộc đối thoại Koljaiczek-Dückerhoff. Dĩ nhiên, theo lẽ thường, có thể đã xảy ra lục đục bất hoà giữa cánh chở bè với nhau, giữa cánh chở bè với đám thợ đốt lò trên tàu, giữa người cầm lái, đám thợ đốt lò và thuyền trưởng, giữa thuyền trưởng và các hoa tiêu thay đổi soành sạch. Tôi có thể dễ dàng mường tượng những cuộc cãi lộn giữa những tay chở bè người Kashubes và gã lái tàu quê quán ở Stettin, thậm chí cả bước sơ khởi của một dấy loạn: hội họp ở khoang sau, bốc thăm, trao đổi mật hiệu, mài dao kiếm. Nhưng thôi, xin đủ những thứ đó. Không có gây rối chính trị, không có ẩu đả giữa người Đức và người Ba Lan cũng chẳng có nổi loạn xuất phát từ những bất bình xã hội. Tàu Radaune ngày ngày vẫn ngoan ngoãn ăn than. Có một lần - hình như vừa qua khỏi Plock - nó mắc phải một doi cát, nhưng rồi tự gỡ ra được. Một cuộc tranh cãi ngắn nhưng gay gắt giữa thuyền trưởng Barbusch và tay hoa tiêu người Ukraina, có thế thôi - chẳng có gì khác được ghi trong nhật ký hàng hải.
Nhưng nếu như tôi có khả năng và điều kiện để xây dựng một cuốn nhật ký ghi lại những suy nghĩ và tình cảm thầm kín của Koljaiczek hoặc của Dückerhoff thì chắc hẳn sẽ có vô khối diễn biến ly kỳ: ngờ ngợ, cơ sở xác thực cho sự nghi ngờ, bán tín bán nghi và, gần như đồng thời, tạm dẹp mối hoài nghi, lưỡng lự rồi lại tiếp tục ngờ vực. Cả hai cùng e ngại nhau. Dückerhoff thậm chí còn sợ hơn là Koljaiczek vì đây đã là nước Nga. Dückerhoff rất có thể té nhào từ mạn tàu xuống sông như Wranka trước đây; cũng có thể - những bãi khai thác gỗ ở Kiev rộng mênh mông, anh dễ dàng bị lạc đồng thời mất luôn vị thiên thần hộ mệnh của mình giữa những trận đồ bát quái này - cũng có thể bất thình lình một đống gỗ thỏi đổ ụp xuống đầu y. Hoặc giả y có thể được cứu mạng. Mà người cứu lại chính là Koljaiczek! Koljaiczek có thể vớt ông chủ mới của xưởng cưa bị thần hộ mệnh bỏ rơi từ dưới sông Pripet hay sông Bug, hoặc vào giây phút chót, có thể kéo giật Dückerhoff lại, vừa vặn tránh khỏi đống gỗ thỏi để ập xuống. Thật đẹp đẽ nếu lúc này tôi có thể thuật lại cái cảnh Dückerhoff suýt chết đuối hoặc thiếu nước nát nhừ người, thở không ra hơi, một thoáng bóng của tử thần còn vương trong ánh mắt, thì thầm vào tai người đội tên Wranka: “Cảm ơn Koljaiczek, cảm ơn!” rồi sau một quãng ngừng bắt buộc:
“Thế là hai ta dứt nợ với nhau... Cho qua nhé!”
Và với một nụ cười bối rối đượm vẻ thân ái thô kệch, họ nhìn thẳng vào tròng mắt nhau, mi chớp vội như để giấu một giọt lệ, trước khi sượng sùng xiết chặt bàn tay chai sạn của nhau.
Chúng ta đã từng thấy cảnh này diễn xuất tuyệt hảo, quay tuyệt hảo trong nhiều phim: cuộc hoà giải giữa hai ngươi anh em thù địch, từ nay trở thành chiến hữu suốt đời, chia sẻ ngọt bùi cay đắng qua mọi gian lao nguy hiểm.
Nhưng Koljaiczek không kiếm được cơ hội nào để dìm chết Dückerhoff, cũng chẳng có dịp kéo giật y khỏi lưỡi hái của thần chết thể hiện dưới dạng thác gỗ đổ ầm ầm. Dückerhoff, một mực lo toan cho lợi ích của xưởng, chỉ mải mốt mua gỗ ở Kiev, giám sát việc đóng số gỗ ấy thành chín bè và, theo cổ lệ, phát thưởng cho đám thợ bè bằng tiền Nga để chi dùng trên đường về rồi đáp xe lửa đi xuyên Warsaw, Modlin, Deutsch - Eylau, Marienburg và Dirschau trở về cơ sở của mình; đó là một xí nghiệp cưa ở cảng gỗ nằm giữa các bãi đóng tàu Klawitter và chichau.
Trước khi theo đám thợ bè từ Kiev xuyên qua kênh đào xuôi các dòng sông và cuối cùng, tới sông Vistula sau nhiều tuần làm việc vất vả, tôi cần phải ngẫm lại xem Dückerhoff có chắc là đã nhận ra tên phóng hoả Koljaiczek trong cái lốt của Wranka hay không. Tôi đồ rằng chừng nào còn ở trên tàu kéo cùng với anh chàng Wranka hiền lành, chăm chỉ, được mọi người yêu mến tuy hơi đần, tay chủ xưởng rất muốn tin rằng người bạn đồng hành ấy không phải là kẻ liều mạng Koljaiczek. Hy vọng ấy chỉ từ bỏ y khi đã đàng hoàng yên vị trên xe lửa. Và khi xe lửa về tới đích, tức là nhà ga trung tâm Danzig, Dückerhoff đã đi đến quyết định. Y thuê một cái xe chở riêng hành lý về nhà rồi tay không, thoăn thoắt đi tới đồn cảnh sát gần đấy bên bờ sông Wiehenwall, phốc qua các bậc thềm của cửa chính và, sau một lúc bồn chồn tìm kiếm, vào trúng cái văn phòng cần vào để trình một báo cáo ngắn nêu toàn sự việc. Y không đích thị tố cáo Koljaiczek - Wranka, mà chỉ yêu cầu làm sáng tỏ vụ này và cảnh sát hứa sẽ truy cứu.
Trong nhiều tuần sau đó, trong khi đám gỗ cùng những lều sậy và thợ bè trên đó tiếp tục xuôi dòng, y còn đến nhiều văn phòng, viết kín nhiều trang giấy nữa.
Trước hết, có hồ sơ quân dịch của binh nhì Joseph Koljaiczek thuộc trung đoàn pháo binh dã chiến X. miền Tây Phổ. Gã lính trơn này đã hai lần bị giam ba ngày ở bót cảnh sát vì đã hô những khẩu hiệu vô chính phủ bằng tiếng Đức pha tiếng Ba Lan trong cơn say. Những vết nhơ đó không hề thấy trong lý lịch của hạ sĩ Wranka phục vụ trong trung đoàn khinh kỵ cận vệ 2 đóng tại Langfuhr. Anh chàng Wranka đã từng chói sáng vinh quang: là liên lạc viên tiểu đoàn trong những cuộc tập trận lớn, anh ta đã gây ấn tượng tốt với Thái tử; vốn luôn luôn có sẵn tiền trong túi, ngài bèn thưởng cho Wranka một đồng thaler [3]. Đồng thaler này không được ghi trong hồ sơ quân dịch của hạ sĩ Wranka, mà do chính bà ngoại Anna của tôi rền rĩ nêu ra khi bà bị hỏi cung cùng với ông anh Vincent.
Và đó không phải là lý lẽ duy nhất bà đưa ra để phản bác lời cáo giác vô căn cứ tội phóng hoả. Bà còn trình ra nhiều giấy tờ xác minh rằng ngay từ năm 1904, Joseph Wranka đã xung vào đội cứu hoả tình nguyện ở Danzig - Niederstadt, rằng trong những ngày đông tháng giá, khi cánh thợ bè nghỉ dài, ông đã tham gia dập tắt nhiều đám cháy lớn nhỏ. Lại có cả một giấy chứng chỉ xác nhận rằng hồi xảy ra vụ cháy lớn ở ga xe lửa Troyl vào năm 1909, anh lính cứu hoả Wranka, chỉ nghe theo lòng can đảm của mình, không những đã dập tắt được lửa mà còn cứu thoát hai thợ cơ khí tập sự.
Đại uý cứu hoả Hecht, được mời đến làm chứng, cũng phát biểu theo tinh thần đó. Và ông ta rút ra kết luận sau đây, được ghi lại trong biên bản: “Làm sao anh ta, người đã anh dũng chiến thắng lửa, lại có thể là kẻ phóng hoả cho được? Chao, tôi vẫn còn thấy hình ảnh anh ta đứng trên chiếc thang cứu hoả khi nhà thờ Heubude đang cháy đùng đùng! Từ tro và lửa bước ra như Phượng Hoàng tái sinh, anh ta không những đã dập tắt lửa mà còn xoa dịu vết bỏng của thế gian, làm nguôi cơn khát của Thượng Đế! Tình thật, tôi xin nói với các vị: kẻ nào bôi nhọ thanh danh của người mang chiếc mũ cứu hoả, cái kẻ được ưu tiên nhường đường ở các ngã tư, cái kẻ được các hãng bảo hiểm trân trọng. Cái kẻ luôn luôn có trong túi một dúm tro hoặc để làm bùa, hoặc vì lý do nghề nghiệp, cái kẻ định tố cáo con Phượng Hoàng rực rỡ kia phạm tội đốt nhà, tôi xin nói thẳng, kẻ đó đáng bị buộc một hòn đá vào cổ quăng xuống... ”
Đại uý Hecht, như các bạn hẳn đã nhận thấy, là một cha xứ, một nhà hùng biện; mỗi chủ nhật, ông lên giảng đài nhà thờ giáo xứ St. Barbara ở Langgarten và trong suốt thời gian điều tra vụ Koljaiczek - Wranka, ông không ngừng oanh tạc các tin đồ của mình bằng những ngụ ngôn về người lính cứu hoả nhà trời và con quỷ đốt đền của địa ngục.
Nhưng vì đám thanh tra của đội cảnh sát hình sự không đến St. Barbara nghe giảng đạo và vì đối với họ, cái từ Phượng Hoàng có vẻ như một sự khi quân hơn là một minh oan cho Wranka, nên người ta coi những hoạt động của Wranka trong đội cứu hoả tình nguyện như một căn cứ phụ để buộc tội.
Người ta thu thập chứng cứ từ các xưởng cưa, từ nơi sinh của cả hai người: Wranka ra đời ở Tuchel còn Koljaiczek thì chôn nhau cắt rốn tại Thorn. Đem khớp những lời khai của những thợ bè lớn tuổi và bà con xa của hai người, thì trật ra những mâu thuẫn nhỏ. Già néo đứt dây. Khi tiến trình điều tra đến đoạn này thì con bè lớn bắt đầu vào lãnh thổ Đức; từ Thorn trở đi, nó bị bí mật giám sát và các thủy thủ lên bờ đều bị theo dõi.
Mãi sau khi đi qua Dirschau, ông ngoại tôi mới nhận thấy mình “có đuôi”. Ông vẫn chờ đợi thế. Tuồng như một trạng thái mụ mẫm sâu xa mấp mé chứng suy nhược thần kinh đã ngăn ông “cắt đuôi” ở quãng gần Letzkau hoặc Käsemark; ở cái vùng ông thuộc như lòng bàn tay này, với sự đồng loã của một vài tay thợ bè tận tình, ông thừa sức làm được điều đó. Từ Einlage trở đi, khi những bè gỗ va đập nhau từ từ trôi vào sông Vistula - Chết, một tàu đánh cá với đoàn thủy thủ đông quá mức cần thiết liền áp sát theo, cố gắng một cách lộ liễu để tỏ ra không lộ liễu. Ngay sau khi qua Plehnendorf, hai chiếc xuồng máy của cảnh sát cảng vụt lao ra từ đám sậy ven bờ và bắt đầu rẽ sóng tới lui trên làn nước càng gần đến cảng càng lợ của sông Vistula - Chết. Vòng vây cảnh sát vận đồng phục xanh lơ bắt đầu từ bên kia cây cầu dẫn tới Heubude và dăng khắp các bãi gỗ trông sang Klawitter, các xưởng đóng tàu nhỏ, cảng gỗ trải dài đến tận sông Mottlau, các cầu bến của các xưởng cưa, kể cả cầu tàu của công ty ông nơi gia đình đang chờ ông; khắp nơi đều thấy những bộ đồng phục xanh lơ; khắp nơi trừ Schichau, nơi đang tưng bừng cờ xí: hình như ngưòi ta chuẩn bị hạ thủy một con tàu. Những đám đông náo nức, cả những con hải âu cũng náo nức. Lễ chào mừng ai vậy? Chào mừng ông ngoại tôi?
Ông ngoại tôi trông thấy cảng gỗ đầy những bộ đồng phục xanh. Những chiếc xuồng máy xiết hẹp thêm những vòng lượn đồng tâm và hắt những con sóng qua mặt bè. Ông hiểu tại sao người ta lại tổ chức những cảnh tốn kém này. Bấy giờ - và chỉ đến bấy giờ - nhịp tim xưa của kẻ phóng hoả trong ông mới bắt đầu đập trở lại. Ông khạc gã Wranka nhu mì ra, trút cái lốt cứu hoả tình nguyện, nôn phứt đi cái tật nói lắp và bỏ chạy, chạy miết trên các bè gỗ, trên những bề mặt rộng bập bênh, chân trần trốn chạy trên một thứ sàn gồ ghề, từ thoi gỗ này sang thoi gỗ khác, nhằm hướng Schichau, nơi phất phới cờ xí, nơi đang tưng bừng lễ hạ thủy với những diễn văn hoa mỹ, nơi không có ai hô bắt Wranka hay Koljaiczek. Chỉ còn mấy bước nữa, chỉ còn mấy thoi gỗ nữa thôi. Schichau kia rồi, ở đó người ta đang tuyên bố đại loại như: Ta đặt tên ngươi là TĐV [4] Colombus, chạy tuyến châu Mỹ, hơn bốn mươi ngàn tấn, ba mươi ngàn mã lực, phòng ăn hạng nhất và hạng hai, Tàu của Đức Vua, nhà bếp bên mạn tàu, phòng tập thể dục lát đá hoa, thư viện, tuyến châu Mỹ, Tàu của Đức Vua, thiết bị thăng bằng hiện đại, cầu dạo mát, Heil dir imSiegerkranz [5], cờ hiệu của cảng căn cứ. Hoàng tử Heinrich đứng cầm lái. Ông ngoại Koljaiczek tôi chạy chân trần hầu như không chạm các thoi gỗ, chạy về phía ban nhạc kèn đang tấu vang lừng, một đất nước có những hoàng tử như thế, từ bè này sang bè kia, dân chúng tung hô: Heil dir im Siegerkranz và tất cả các còi của các xưởng đóng tàu và các tàu đậu ở cảng, tàu kéo và du thuyền đều rúc, Colombus, châu Mỹ, Tự Do, và hai chiếc xuồng máy vẫn rượt theo ông, vui như điên, từ bè này sang bè kia những cỗ bè của Đức Vua, và chặn, đường rút của ông, tiếc thay, không còn vui chơi được nữa rồi, ông đứng một mình trên bè gỗ, và ông đã nhìn thấy châu Mỹ, nhưng những chiếc xuồng máy lại chắn ngang. Không còn cách nào khác ngoài việc lao xuống nước và thế là người ta thấy ông ngoại tôi bơi về phía một bè gỗ đang trôi vào dòng sông Mottlau. Những chiếc xuồng máy buộc ông phải nhào xuống và lặn dưới nước và đoàn bè gỗ lướt trôi bên trên ông và cứ thế lướt đi không ngừng, bất tận, bè này sinh ra bè kia, bè của bè của người, tiếp nối vĩnh viễn đời đời chẳng cùng, bè.
Những chiếc xuồng máy tắt “ga”. Những con mắt ráo riết rà khắp mặt sông. Nhưng Koljaiczek đã biến mất tăm, rời xa ban nhạc kèn, rời xa còi xưởng còi tàu chuông tàu, rời xa tàu của Đức Vua, bài diễn văn khánh thành của hoàng tử Heinrich và những con hải âu ngơ ngác, lời tung hô Heil dir im Siegerkranz và xà phòng đen của Đức Vua dùng để chà cho trơn đường của tàu Đức Vua, rời xa châu Mỹ và tàu Coumbus, rời xa đám cảnh sát truy đuổi và xin đủ đoàn bè gỗ trôi hoài trôi huỷ vô cùng tận.
Chẳng ai tìm thấy xác ông ngoại tôi. Mặc dầu tin chắc rằng ông đã chết chìm dưới các bè gỗ, ý thức tôn trọng toàn bộ sự thật vẫn buộc tôi phải trình thuật một số diễn giải khác cho rằng ông đã thoát hiểm một cách kỳ diệu.
Chẳng hạn, một số người nói rằng trong khi kẹt dưới đoàn bè, ông đã tìm ra một khoảng trống giữa những thoi gỗ, vừa đủ rộng để ông có thể thò hai lỗ mũi lên khỏi mặt nước, song phần trên lại đủ hẹp để che mắt bọn cảnh sát vẫn tiếp tục lùng sục từng chiếc bè cùng những lều sậy trên đó cho đến tối mịt. Rồi nhờ bóng đêm che chở - họ kể tiếp - ông tự phó mặc cho dòng nước cuốn đi cho đến lúc, kiệt lực nhưng còn sót chút may mắn, ông dạt vào khu vực xưởng đóng tàu Schichau ở bờ bên kia sông Mottlau; ở đó, ông tìm được một chỗ trú trong kho chứa sắt vụn; về sau, có lẽ nhờ sự giúp đỡ của mấy thủy thủ Hy Lạp, ông lọt được lên một trong những con tàu chở dầu nhớp nhúa đã từng chứa chấp nhiều kẻ trốn chạy.
Theo một diễn giải khác: KoỊjaiczek là tay bơi cự phách lại có buồng phổi đặc biệt, nên chẳng những đã luồn vô tư dưới lớp bè mà còn lặn ngầm qua cả chiều ngang sông Mottlau tới bãi của xưởng đóng tàu Schichau, ở đó ông lẳng lặng trà trộn vào đám đông phấn khích dự hội, hoà chung tiếng hô vang Heil dir in Siegerkranz, cùng hoan hô bài diễn văn của hoàng tử Heinrich. Rồi, lễ hạ thủy kết thúc thắng lợi, quần áo đã gần khô, Koljaiczek cùng với mọi người rời đám hội. Ngay tối hôm đó - đến đây, lại trùng hợp với dị bản thứ nhất - ông bí mật chuồn lên được con tàu chở dầu Hy Lạp nổi tiếng về thành tích bất hảo đó.
Để cho trọn vẹn, xin kể thêm một câu chuyện hoang đường thứ ba nữa: ông ngoại tôi, như một khúc củi rều, cứ thế trôi tuột ra biển, được mấy người dân chài vùng Bohrsack vớt lên rồi giao cho một tay đánh cá khơi người Thụy Điển ở ngoài vùng ba hải lý quy định. Sau đó, như thể do một phép mầu, ông bình phục và tới được Malmo, vân vân và vân vân.
Tất cả những cái đó chỉ là tào lao, là chuyện gẫu của đám dân chài. Tôi cũng chẳng mảy may tin những lời khai của các nhân chứng gọi là mục thị - loại này có thể gặp ở khắp các hải cảng trên thế giới, họ xưng xưng nói là đã thấy ông ngoại tôi ở Buffalo (Mỹ) ít lâu sau Thế chiến thứ nhất dưới cái tên Joe Colchic, nhà kinh doanh nhập khẩu gỗ từ Canada, có cổ phần trong nhiều nhà máy diêm, người sáng lập ra nhiều công ty bảo hiểm hoả hoạn. Một triệu phú sống cô độc trong một nhà chọc trời, ngự sau một cái bàn giấy kếch xù, mười ngón tay đầy nhẫn kim cương rực màu lửa, huấn luyện cho gã vệ sĩ vận đồng phục lính cứu hoả đi đều bước một - hai một - hai, hát bằng tiếng Ba Lan và được mệnh danh là Cận vệ của Phượng Hoàng - họ mô tả ông ngoại tôi như vậy.
Chú thích:
[1] Tương truyền tấm hình Đức Mẹ Đồng Trinh trong một nhà thờ tu viện ở Czestochowa là do chính Thánh Luke vẽ và đã phát huy phép màu giải được một cuộc bao vây của quân Thụy Điển trong thế kỷ 17. Nơi đây trở thành một trong những đền đài miếu mạo nổi tiếng nhất ở Ba Lan, hiện nay hằng năm vẫn thu hút hàng đoàn người hành hương.
[2] Màu cờ Ba Lan.
[3] Tiền Đức bằng bạc.
[4] Tàu của Đức Vua.
[5] Xin chào Người dưới vòng nguyệt quế chiến thắng.
Cái Trống Thiếc Cái Trống Thiếc - Günter Grass Cái Trống Thiếc