Chương 3: Cuộc Hôn Nhân Bị Lên Án
gay từ những ngày đầu, cuộc hôn nhân giữa Josepha và Francisco đã bị lên án.
Họ thuê một ngôi nhà lớn hơn để chung sống, và để thỏa mãn những ý thích rất tốn kém của nàng, anh đã phải từ bỏ ý định sáng tác theo cảm hứng. Mỗi tuần, họ đến nhà anh nàng một hoặc hai buổi tối. Ở đấy Josepha sống lại con người thật của nàng, tươi vui, tỉnh táo. Nhưng những lúc khác, nàng rất khổ sở, lạc lõng và không giấu diếm lòng khinh bỉ đối với các bạn hữu của chồng.
Những cuộc tranh luận giữa các họa sĩ trẻ, nhà thơ, nhà văn đang tìm hướng thay đổi phong cách trong sáng tạo nghệ thuật làm nàng kinh ngạc. Nàng sợ hãi khi buộc phải tiếp những đấu sĩ bò tót, và phật ý khi họ dẫn theo những cô "maja". Francisco bực tức trước thái độ miệt thị của vợ và không thể chịu đựng nổi việc vợ thúc bách mình đi theo vết chân của anh nàng. Josepha càng khó chịu thì anh càng cương quyết muốn đạt tới danh vọng theo cách của anh.
Cũng có thể còn chút hy vọng cho cuộc sống chung nếu như hai người còn gắn bó với nhau về thể xác. Nhưng Francisco thấy vợ thường cưỡng lại trước biểu hiện yêu đương của anh. Nàng giữ thái độ lạnh lùng, dè dặt ngay cả trong những giây phút anh muốn gần gũi tâm tình, về phía Josepha, nàng thấy như bị nhục mạ trước sự nồng nàn sôi nổi của chồng mà nàng cho là tầm thường và tìm cách tránh mọi tiếp xúc với chồng. Francisco nhận rõ sự xa lánh cố ý ấy và tôn trọng nó. Cứ vậy, hai người gần như sống cách ly.
Thất bại trong cuộc sống tình cảm và cảm thấy cô đơn, Goya lại lao vào cách sống buông thả như ở Saragotte. Chỉ trừ một điều, anh vẫn cố gắng giữ lòng chung thủy với vợ.
Đã gần đến ngày kỷ niệm năm đầu tiên cuộc hôn nhân của hai người. Goya thấy hối hận và tìm cách chuộc lỗi rất vụng về. Anh dùng hình ảnh của Josepha làm người mẫu cho nhân vật trung tâm của bức tranh "Chiếc dù". Anh phác họa một cách bí mật, cho tới lúc bức tranh hoàn thành. Anh tự hào về tác phẩm và treo nó ở phòng khách. Nhưng anh vô cùng ngạc nhiên thấy Josepha khóc nức nở khi nhìn thấy bức tranh. Nàng thét lên cho rằng không bao giờ nàng mặc lố lăng và hở hang như thế. Mặc cho Goya hết lời thuyết phục và khẳng định là anh rất hài lòng về bức tranh song nàng cũng không thèm nghe.
- Anh định đem thân hình tôi phơi bày trước mắt mọi người ư!
Francisco cố gắng giải thích.
- Chẳng có gì đẹp hơn thân hình của người phụ nữ. Em may mắn có nhan sắc và thân hình cân đối tuyệt mỹ.
- Đừng thô lỗ!
Nàng vứt chiếc khăn tay xuống thảm, rồi đứng trước mặt anh, tay nắm chặt.
Goya cảm thấy không thể nhịn được nữa.
- Hay em thích anh tìm một cô người mẫu khác?
Nàng bĩu môi, khinh bỉ:
- Tôi chắc những cô "maja" không mong gì hơn được làm người mẫu cho anh.
- Cô nói đúng. - Anh bình tĩnh đáp lại với vẻ thách thức - Tôi chưa hề có ý nghĩ ấy, nhưng cám ơn cô đã khuyên tôi làm thế.
- Thôi đủ rồi! Tôi biết đêm nào anh cũng ở quán rượu lão Rodas, đú đởn với bọn gái điếm. Anh đừng về đây thuyết giảng tôi về tư cách đạo đức nữa.
Francisco chuẩn bị chịu đựng mọi điều trách móc, nhưng lời vu khống của vợ làm anh nổi giận.
- Tùy cô muốn nghĩ thế nào cũng được.
Bỗng chốc, anh hiểu rằng, anh đã trở nên hoàn toàn lãnh đạm trước sự đay nghiến của vợ. Cuộc hôn nhân này là sai lầm. Niềm mến thương nàng mà anh đã cảm thấy trong một phút giây nào đó, giờ đây đã nguội lạnh. Anh không yêu nàng. Cũng như nàng chẳng thể hiểu anh.
Josepha cũng cảm thấy như thế. Nàng nhìn chồng đăm đăm, bề ngoài mỏng manh che đậy những tan vỡ của cuộc hôn nhân cũng đã sụp đổ. Nàng bước ra khỏi phòng. Một lát sau, nàng quay lại trên tay cầm một con dao và xăm xăm bước về phía bức tranh. Anh vội chồm tới, giằng lấy con dao trong tay nàng.
Nàng vùng vẫy, sấn đến bức tranh, nhưng anh đẩy nàng rất mạnh. Nàng ngã quỵ xuống ghế và khóc nức nở. Francisco nhìn nàng không chút thương hại.
- Nếu món quà tặng không làm cô vừa lòng thì tôi sẽ cất đi!
Anh tháo bức tranh cuộn lại, cắp dưới tay. Josepha nhìn anh, đôi mắt mở to, hoảng sợ.
- Anh định làm gì bức tranh này?
- Dĩ nhiên là bán nó đi. Có rất nhiều nhà bán tranh ở kinh thành này. Bọn họ sẽ rất sung sướng nếu mua được nó. Rồi cả trăm người tranh cướp nhau cho mà xem.
- Tôi cấm anh!
Đột nhiên, Goya thấy nàng rất giống anh nàng, ngu xuẩn và kênh kiệu. Anh đeo dây lưng, dắt kiếm và cầm mũ.
- Mặc cô cấm đoán. Tôi sẽ làm theo ý tôi.
- Tôi báo trước, nếu anh bán bức tranh ấy, tôi sẽ bỏ anh ngay lập tức!
Anh cúi mình chào với một vẻ cung kính giễu cợt và mở cửa đi ra, anh đóng sập cửa lại, phóng xuống thang gác và chạy ra đường.
Buổi tối, tiết trời nóng nực, nhưng làn gió đêm làm dịu mát những ý nghĩ trong đầu anh. Lòng đã nguôi một chút, anh vào nhà bán tranh đầu tiên. Chủ hiệu trả sáu doublon. Goya bán ngay. Rồi anh đi ra, vừa đi vừa xóc những đồng tiền vàng trong túi.
Lang thang hồi lâu, chợt anh nhận ra mình đã đến cửa quán rượu Rodas lúc nào không biết. Và anh bước vào. Quán rượu đã vãn khách. Goya nhìn thấy một dấu sĩ bò tót người Madrid, to lớn vạm vỡ, nhưng tính tình hiền lành trầm lặng tên là Juannito. Hết mùa đấu bò, Juannito thất nghiệp, sống thiếu thôn nhưng vẫn thản nhiên vì đơn giản anh không ngại làm bất cứ một công việc nào.
Nhìn thấy Goya, anh mừng rỡ:
- Goya! Anh đến thật đúng lúc. Chúng mình uống rượu mừng đi.
- Mừng việc gì? - Goya hỏi.
- Mình sẽ rời Madrid để thi đấu ở tận Barcelona. Mình sẽ cho họ biết khả năng thật sự của Juannito!
- Thế thì hoan hô!
- Hoan hô như thế chưa đủ. Phải uống mừng thắng lợi!
Phút chốc, Francisco đã quên hết mọi chuyện bực bội. Chàng hộ pháp ngắm nghía anh một lát, rồi thú nhận:
- Đáng buồn là mình có việc làm, nhưng sau khi làm việc hết tuần mới được trả công.
- Nếu vậy, mình mời cậu.
- Sự hào phóng của anh làm tôi xúc động thật sự. - Juannito nói.
Goya kêu một bình rượu lớn và hai người chia nhau uống hết. Sau đó, họ định cùng đi xem đấu bò tót ở đấu trường Plasa dé Toro.
Khi họ đến nơi, các hàng ghế đều đã chật ních. Nhưng Juannito là người quen ở đây, nên tìm được chỗ ngồi gần ngay khu ghế lô của giới quý tộc.
Cuộc đấu đã bắt đầu. Một đấu sĩ đang vờn con bò tót lì lợm. Francisco không xem. Anh đưa mắt quan sát kỹ vẻ mặt khán giả, từng người một, phát hiện những đường nét mà anh muốn phác họa ngay. Sau cùng cái nhìn của anh hướng vào một hàng ghế lô được trang hoàng đầy hoa cẩm chướng. Và thế là anh dán mắt vào đấy, quên tất cả.
Ngồi trong ghế bành ở hàng đầu là ngài công tước Alper già nua, ông ta nhìn thấy Goya. Nhưng chắc hẳn ông ta không thể liên tưởng anh chàng trẻ tuổi ăn mặc lịch sự này, với thằng bồi dọn chuồng ngựa ở quán rượu Toisson d’or ngày nọ. Ông không nhận ra anh và nhìn đi chỗ khác.
Francisco cũng không quan tâm đến lão già ấy. Người cùng ngồi với lão mới làm anh chú ý.
Cả vương quốc Tây Ban Nha đều biết chuyện công tước Alper vừa mới tục huyền. Người vợ trẻ còn kém tuổi con gái út của vị công tước già ấy.
Người ta đồn rằng công tước phu nhân trẻ này bị ép duyên. Cha mẹ nàng cũng không hài lòng về cuộc hôn nhân, nhưng họ không thể từ chối một người giàu có và quyền lực như Công tước Alper.
Bàn tay như đờ đẫn, trái tim hồi hộp, Francisco xúc cảm đến choáng váng, anh không ngờ trên đời lại có người đẹp đến vậy.
Dường như nữ công tước cũng linh cảm thấy cái nhìn say đắm, thôi thúc của chàng trai trẻ, nàng cũng nhìn lại anh không chút e dè. Chắc hẳn nàng đã nhận ra ở anh có những nét đặc sắc, nên nhìn anh khá lâu.
Khi nàng thôi không nhìn anh và quay lại xem diễn biến trong đấu trường thì Goya vẫn còn dán mắt nhìn vào nàng và lục tìm trong ký ức tất cả những chuyện anh đã được nghe thiên hạ đồn đại về nàng.
Maria Cayetana, công tước phu nhân Alper XIII đã sinh ra và lớn lên tại nước Pháp. Người ta kể lại rằng sự sụp đổ của triều đại Bourbons đã gây cho nàng một ấn tượng sâu sắc, ảnh hưởng mạnh đến thế giới quan và nhân sinh quan của nàng. Suốt thời gian sống ở Anh sau này, người ta đã gọi nàng là "Cô gái bình dân Tây Ban Nha".
Nàng không giấu diếm và công khai bày tỏ chính kiến. Người ta còn nói rằng nàng đã từng tranh luận trực tiếp với Thủ tướng Don Manuel dé Godoi, thuyết phục ông nới rộng quyền tự do dân chủ cho nhân dân.
Chẳng cần kiểm tra những đồn đại ấy đúng hay sai, dân chúng Madrid ngưỡng mộ nàng như một thần tượng. Vì thế, giữa lúc nàng đứng lên tán thưởng một thế đấu nguy hiểm của đấu sĩ thì đông đảo dân chúng hoan hô nàng vang dậy. Goya ngạc nhiên khi thấy mình hét to hơn tất cả mọi người.
Francisco không để ý đến diễn biến của đấu trường đến nỗi trận đấu kết thúc mà anh không hay. Đám đông tuôn ra ngoài, cuốn theo Juannito và Goya trong dòng người. Có một lúc anh mất hút, không trông thấy vị nữ công tước. Cho đến khi một tiểu đội lính cận vệ, dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan béo lùn đến dẹp đám đông để lấy lối đi cho công tước và đoàn tùy tùng, anh lại nhìn thấy nàng đi giữa những người hộ tống.
Francisco đứng ngay gần lối ra, anh ngây người ngắm nữ công tước, nên khi bọn lính đến gần, anh vẫn đứng yên. Đột nhiên, anh thấy nàng nhìn anh, ánh mắt hai người giao nhau. Trong ánh mắt nàng bộc lộ chân thành mối đồng cảm tốt đẹp đối với anh. Bối rối, xúc động, Francisco quên hết ngoại cảnh.
Anh chưa kịp suy nghĩ và nên xử sự như thế nào đã nghe viên sĩ quan quát:
- Thằng này, dẹp ra!
Vừa nói, hắn vừa lấy lưỡi kiếm đặt vào vai anh. Đức ông công tước đứng lại, và công tước phu nhân nở một nụ cười tinh quái. Rồi nàng lại nhìn Goya xoi mói, dường như chờ đợi phản ứng của anh.
Dưới cái nhìn ấy, Goya cảm thấy sôi lên căm giận và hổ thẹn. Đây đúng là dịp để anh trả thù thói lăng loàn và sự sỉ nhục của vợ anh, là dịp để anh trút cơn tức giận phải nén giữ, và nhất là để tỏ ra cho công tước phu nhân thấy anh không phải là hạng người hèn kém. Anh rút kiếm ra khỏi vỏ. Không nghĩ đến hậu quả do thái độ và hành động của mình, anh nhổ một bãi nước bọt vào chân một viên sĩ quan, rồi gằn giọng:
- Còn mày nữa. Hãy cẩn thận cất cái thứ vũ khí trẻ con ấy đi.
Bọn vệ sĩ ngơ ngác, đám đông khán giả xung quanh há hốc mồm kinh ngạc, đến cả lão công tước cũng giật mình sửng sốt. Nhưng công tước phu nhân vẫn đứng lặng, chỉ hơi khẽ gật đầu, như tỏ vẻ đồng tình.
Viên sĩ quan đỏ mặt vì tức giận. Còn Juannito thì cầm tay áo anh kéo lại, nhưng Gova gạt anh ta ra. Như được khích lệ bởi sự đồng tình của nữ công tước, anh tiếp lời:
- Mày có nghe thấy không, cất đi!
Mũi kiếm của anh lấp lánh một cách nguy hiểm trên mặt viên sĩ quan. Đám đông khán giả tỏ vẻ thích thú, họ phá lên cười trước cảnh một quan chức nhà nước bị hạ uy thế. Tuy vậy, viên sĩ quan tỏ ra không mất tinh thần, vẫn đứng yên không nao núng.
- Tao báo trước cho mày biết. - Hắn ta nói châm biếm - Mày chống lại đức vua đấy.
- Mày không phải đức vua. - Goya quát to để mọi người nghe rõ lời anh - Đã đến lúc Madrid phải là thành phố cho mọi người dân đều có thể dạo chơi mà không sợ hãi. Còn mày chỉ là một thằng tay sai đốn mạt phải được dạy dỗ để biết rằng không phải lúc nào cũng lấy vũ khí dọa người như vậy.
Anh chưa dứt lời thì viên sĩ quan đã xông vào anh, vung kiếm lên, chém sả xuống. Nhưng anh đã nhanh chóng đưa kiếm lên đỡ, thanh kiếm của viên sĩ quan lạng đi và hắn ta ở vào thế bất lợi. Francisco đâm bồi luôn một mũi. Anh chỉ định xỉa mũi kiếm làm đứt ngù vai bạc, nhưng do không lường đến sự chuyển động nhanh của hắn, nên mũi kiếm đã chệch mục tiêu, đâm vào phần mềm trên bả vai đối thủ. Viên sĩ quan loạng choạng té ngã, máu ở vết thương tuôn ra như suối.
Thế là xung quanh trở nên ồn ào, tình hình lộn xộn. Anh thấy nữ công tước mỉm cười. Anh hiểu là nàng tán thành hành động của anh. Anh quên mình đang ở vào hoàn cảnh hiểm nghèo có thể bị bắt giữ. Không chần chừ, Juannito ôm thốc ngay lấy Goya, nhấc bổng anh lên, xoay người lại, đặt anh xuống đất, rồi nắm tay kéo anh chạy. Cùng lúc, đám đông mở lối cho hai kẻ đào tẩu, rồi lập tức rừng người khép lại, đặc kín. Lúc toán cận vệ định thần, định đuổi bắt, thì trước mắt chúng đã là một bức tường người dày đặc.
Lão công tước cũng vô tình tạo điều kiện cho Goya chạy thoát. Sự việc vừa xảy ra làm lão ta rất bực tức. Không đợi bọn lính hộ tông, lão ta hấp tấp tự rời khỏi đấu trường, rảo bước thẳng về phía xe ngựa chờ sẵn. Trách nhiệm đầu tiên của bọn cận vệ là bảo đảm an toàn cho lão công tước. Vì thế khi thấy lão ta đi vào xe, họ đành bỏ cuộc đuổi bắt để hộ tống. Đến lúc lão công tước và phu nhân ngồi yên ổn trong xe thì hai kẻ chạy trốn đã biến mất.
Juannito thuộc làu đường sá vùng ngoại ô Madrid, luồn hết ngã này sang hẻm khác làm Goya nhớ tới cuộc trốn chạy lần trước ở Saragotte.
Francisco hiểu rằng dù bây giờ anh có chạy thoát và tìm được chỗ trốn thì cũng tạm thời. Thế nào anh cũng bị bắt. Mỗi phút nấn ná ở Madrid càng làm cho việc ấy trở thành chắc chắn hơn. Anh phải tìm đường chạy trốn ngay trước khi nhà cầm quyền tìm ra dấu vết. Đó là những điều Francisco đã vắn tắt nói với Juannito lúc hai người dừng lại lấy sức.
Anh chàng hộ pháp Juannito chăm chú nghe và sau đó cười lớn:
- Anh gặp may đấy, Goya ạ. Ngày mai cứ theo bọn tôi. Ngay cả ngài Thủ tướng Don Manuel dé Godoi cũng chằng bao giờ nghĩ là phải truy nã một họa sĩ trong đoàn đấu sĩ lưu động cả.
Francisco thấy hé ra một tia hy vọng.
- Nhập đoàn đấu sĩ có phải dễ dàng đâu.
- Ngược lại, rất dễ. Lão trưởng đoàn Pédro Mocada cứ đi khắp nơi lùng đấu sĩ. Vì lão ta bùn xỉn quá, chảng ai muốn đi với đoàn của lão. Anh đã từng đấu bò tót ở Saragotte. Biết anh có nghề, chắc chắn lão sẽ nhận. Lão cần người sẽ chẳng hỏi han lôi thôi đâu.
Dĩ nhiên Goya chẳng còn cách lựa chọn nào khác.
- Thôi được, Juannito! Cậu có lý. Mình sẽ đi với cậu, nhưng phải về nhà một chút.
Anh chàng hộ pháp nhìn anh chăm chú.
- Phải, tôi quên là anh đã có vợ.
- Tôi sẽ đi với anh. Để anh đi một mình nguy hiểm lắm.
Hai người đi về phía nhà Goya không gặp trở ngại gì.
Đến nhà, anh thấy đèn thắp sáng trưng trong tất cả các phòng, Juannito đứng chờ dưới vòm mái hiên, còn Francisco bước vào trong nhà. Josepha đang thu xếp hòm xiểng đồ đạc. Thấy chồng về nàng cũng chẳng buồn nhìn lên.
Anh nhìn nàng giây lâu và hỏi:
- Vậy là em dọn đi?
- Phải, ngay bây giờ.
- Vậy là tốt. Tôi rất khổ tâm. Bây giờ tôi hiểu, tôi có nhiều lỗi lầm trong cuộc sống.
Josepha không trả lời, cắm cúi gấp chiếc áo dài bằng lụa. Francisco rút dưới gầm giường ra một cái hộp nhỏ bằng sắt, mở ra và đếm số tiền để trong ấy. Có sáu trăm mười Duca và mấy Rio, anh lấy số tiền mới bán tranh gộp bỏ cả vào bọc tiền. Anh cầm túi tiền đưa cho Josepha. Nàng làm như không nhìn thấy. Anh thở dài, vứt bọc tiền xuống giường và không ngạc nhiên khi thấy nàng nhặt lấy, rút tiền ra đếm cẩn thận trước khi nhét vào thắt lưng. Giờ thì anh có thể yên tâm ra đi, không còn lo cho tương lai của vợ. Anh đã để lại cho Josepha đến đồng xu cuối cùng.
Hai vợ chồng cùng giật mình khi nghe tiếng ho báo hiệu kín đáo ở phía ngoài. Juannito đứng bên ngưỡng cửa gọi:
- Goya, nhanh lên. Bọn cảnh binh mà biết anh là ai thì chúng sẽ đến ngay đấy!
Francisco không dám nhìn đôi mắt đầy vẻ khinh bạc của vợ. Anh nói nhỏ:
- Cô thấy đấy. Tôi cũng đi.
- Lại một chuyện điên rồ của anh chứ gì? Điều ấy không làm tôi ngạc nhiên.
Sớm hay muộn thì nàng cũng sẽ biết. Vì vậy anh muốn tự mình kể lại sự việc xảy ra. Anh nói:
- Chỉ là một sự rủi ro thôi. Sau khi tan buổi đấu bò tót ở đâu trường ra, tôi đã làm bị thương một viên sĩ quan...
- Tôi biết trước sẽ có những chuyện như vậy. Anh tự cho mình là nghệ sĩ, nhưng thật ra anh chỉ là một gã vô tích sự, một tên ngốc, một miếng mồi của giá treo cổ. Mong rằng từ nay, chẳng bao giờ tôi nhìn thấy anh nữa.
Nàng quay lưng lại phía anh, tiếp tục xếp đồ đạc, Francisco lặng lẽ nhìn nàng. Anh chẳng biết nói gì vì cảm thấy xứng đáng với sự khinh bỉ của vợ. Cuối cùng, anh thở dài, quay bước ra ngoài, cùng Juannito biến vào đêm tối.
Bức Tranh Maja Khỏa Thân Bức Tranh Maja Khỏa Thân - Samuel Edwards Bức Tranh Maja Khỏa Thân