Ngọn Lửa Đôi Khi
uộc chiến tranh cuối cùng kiểu Trung cổ xảy ra ở Ý năm 1943 và 1944. Những thị trấn đồn lũy trên những mũi đất quan trọng đã bị tranh giành từ thế kỷ thứ VIII, bây giờ những vị vua mới lại bất cẩn ném những đạo quân của họ đến đấy. Quanh những vách đá là những chiếc cáng qua lại, những vườn nho bị tàn phá, ở nơi ấy nếu bạn đào sâu bên dưới vết rãnh xe tăng, bạn sẽ tìm thấy rìu và giáo. Monterchi, Cortona, Urbino, Arezzo, Sansepolcro, Anghiari. Rồi dọc theo bờ biển.
Lũ mèo ngủ trong những tháp pháo hướng về phía nam. Người Anh và Mỹ và Ấn Độ và Úc và Canada tiến lên phía bắc, những vết đạn pháo bùng nổ rồi tan vào không gian. Khi những đạo quân tập trung ở Sansepolcro, thị trấn với biểu tượng là cây nỏ, một số binh sĩ tìm được nỏ và ban đêm lẳng lặng bắn chúng qua những bức tường của thành phố chưa chiếm được. Thống chế Kesselring của đội quân Đức đang rút lui đã cẩn trọng cân nhắc ý kiến đổ dầu sôi từ các lỗ châu mai xuống.
Những học giả về thời Trung cổ bị lôi ra khỏi các trường đại học ở Oxford và được đưa bằng phi cơ đến Umbria. Tuổi trung bình của họ là sáu mươi. Họ trú cùng quân lính, và trong những buổi họp với Bộ Tư lệnh Chiến lược họ cứ quên mất phi cơ đã được phát minh rồi. Họ nói đến các thị trấn bằng nghệ thuật tại nơi ấy. Monterchi có bức tranh tường Madonna del Parto[32] của Piero della Francesca, nằm trong một giáo đường nhỏ bên cạnh nghĩa trang tỉnh. Khi cuối cùng tòa lâu đài xây vào thế kỷ XIII bị chiếm trong những cơn mưa xuân, quân lính trú dưới vòm cao của giáo đường và ngủ cạnh bục giảng kinh bằng đá chỗ Hercules giết con rắn chín đầu Hydra. Chỉ có nước độc. Nhiều người chết vì bệnh thương hàn và những bệnh sốt khác. Dùng ống nhòm quân đội ngước nhìn lên trong nhà thờ kiểu Gothic ở Arezzo, quân lính sẽ gặp những khuôn mặt người cùng thời với họ trong những bức tranh tường của Piero della Francesca. Hoàng hậu Sheba trò chuyện cùng Vua Solomon. Gần đấy một cành nhỏ của Cây Tri Thức Thiện Ác[33] được nhét vào trong miệng xác Adam.
Nhiều năm sau bà hoàng hậu này sẽ nhận ra rằng cây cầu bắc ngang Siloam[34] được làm bằng gỗ của gốc cây thánh này.
Trời mưa và lạnh liên miên, không có trật tự nào ngoài những tấm bản đồ nghệ thuật quan trọng bày tỏ sự phán xét, lòng sùng tín và đức hy sinh. Hết sông này đến sông khác, khi Binh đoàn Thứ tám đến bên sông, cây cầu qua sông đã bị phá hủy, và những đội công binh của họ leo xuống bờ sông trên những chiếc thang dây, trong lằn đạn địch, bơi hoặc lội bì bõm qua sông. Thức ăn và lều bị cuốn đi. Những người cột liền vào dụng cụ biến mất. Khi đã qua sông, họ cố sức leo lên khỏi mặt nước. Họ thọc bàn tay và cổ tay vào vách bùn dốc của bờ sông và bám vào đấy. Họ muốn bùn cứng lại và giữ họ không bị tuột.
Anh công binh trẻ người Sikh áp má vào bùn và nghĩ đến khuôn mặt của Hoàng hậu Sheba, làn da của bà. Trong dòng sông này, không có nguồn an ủi nào cho anh ngoài nỗi thèm muốn của anh đối với bà, không hiểu vì sao đã khiến anh ấm áp. Anh sẽ kéo tấm mạng ra khỏi mái tóc bà. Anh sẽ đặt bàn tay phải vào giữa cổ bà và chiếc áo màu olive. Anh cũng mỏi mệt và buồn bã, như vị vua khôn ngoan và bà hoàng hậu tội lỗi anh đã nhìn thấy ở Arezzo hai tuần trước đấy.
Anh treo mình trên dòng nước, hai bàn tay bám cứng vào bờ sông bùn lầy. Tính cách, nghệ thuật tế nhị ấy, đã biến mất giữa họ trong những ngày đêm đó, chỉ còn tồn tại trong một cuốn sách hoặc trên một bức bích họa. Trong bức bích họa trên vòm giáo đường ấy, ai buồn hơn? Anh nghiêng về phía trước để ngơi nghỉ trên làn da nơi cần cổ mỏng mảnh của bà. Anh yêu đôi mắt nhìn xuống của bà. Người phụ nữ này, một ngày kia sẽ biết sự thiêng liêng của những cây cầu.
Ban đêm, trên giường trong doanh trại, hai cánh tay anh duỗi thẳng ra xa như hai đạo quân. Không có hứa hẹn nào về giải pháp hoặc chiến thắng ngoại trừ thỏa ước tạm thời giữa anh và bà hoàng vẽ trên bức tranh tường, người sẽ quên anh, không bao giờ thừa nhận sự hiện hữu của anh hoặc nhận biết anh, một người Sikh, lưng chừng trên một cái thang dây của lính công binh trong mưa, đang dựng một cây cầu tiền chế kiểu Bailey cho đạo quân phía sau anh. Nhưng anh nhớ bức tranh trong câu chuyện của họ. Một tháng sau, khi những tiểu đoàn đến bờ biển, sau khi họ sống sót qua tất cả và tiến vào thị trấn ven biển Cattolica, sau khi đội công binh đã dọn sạch mìn ở một đoạn bãi biển dài hai mươi mét để những người lính có thể trần truồng đi xuống biển, anh đến bên một nhà học giả về thời Trung cổ đã kết bạn với anh - chỉ qua một lần người ấy nói chuyện với anh và chia cho anh chút thịt hộp - và hứa sẽ cho ông thấy một thứ để đáp lại lòng tốt của ông.
Anh công binh ký nhận sử dụng một xe gắn máy Triumph, buộc một ngọn đèn khẩn cấp màu đỏ thẫm vào cánh tay, rồi họ đi ngược lại hướng cũ - trở lại và băng qua những thị trấn giờ đây là vô hại như Urbino và Anghiari, men theo con đường ngoằn ngoèo trên đỉnh dãy núi như cái xương sống dọc theo chiều dài nước Ý, ông già thu người ngồi đằng sau ôm chặt lấy anh, rồi đổ xuống triền núi phía tây đến Arezzo. Quảng trường ban đêm vắng vẻ không có quân lính, anh công binh đậu xe trước giáo đường. Anh đỡ nhà học giả về thời Trung cổ xuống, thu góp dụng cụ của anh và bước vào giáo đường. Bóng tối lạnh lẽo hơn. Sự trống vắng rộng lớn hơn, tiếng giày bốt của anh lấp đầy khoảng không gian. Một lần nữa anh ngửi thấy mùi gỗ và mùi đá lâu năm. Anh thắp ba ngọn pháo sáng. Anh quăng dây qua hàng cột phía trên gian giữa của giáo đường, rồi bắn một cái đinh tán luồn sẵn dây thừng vào một rầm gỗ cao. Vị giáo sư đại học ngắm anh với vẻ kinh ngạc, thỉnh thoảng ngước nhìn lên vùng bóng tối trên cao. Anh công binh trẻ đi vòng quanh ông, cột một sợi dây ngang thắt lưng và vai ông, lấy băng keo dán một cây pháo sáng nhỏ đã thắp sẵn vào ngực ông già.
Anh để ông lại bên bao lơn ban Thánh Thể, ồn ào leo lên thang đến tầng trên, chỗ đầu kia của sợi thừng. Nắm chặt nó, anh bước ra ngoài ban công vào bóng tối, cùng lúc ông già được đưa lên cao, thật nhanh, cho đến khi anh công binh chạm đất thì ông đang đong đưa chầm chậm trên không trung, cách những bức tường vẽ khoảng một mét, cây pháo sáng tỏa ra một vầng sáng chung quanh ông. Vẫn giữ sợi thừng, anh công binh bước đến phía trước cho đến khi ông già đu sang bên phải và lơ lửng trước mặt bức Cuộc chạy trốn của Hoàng đế Maxentius[35].
Năm phút sau anh đỡ ông già xuống. Anh thắp một cây pháo sáng cho mình và đu người lên vòm cao trong màu xanh thẳm của bầu trời giả tạo. Anh vẫn còn nhớ những ngôi sao vàng trong bầu trời từ lúc anh dùng ống nhòm để ngắm nó. Nhìn xuống, anh thấy nhà học giả về thời Trung cổ ngồi trên một băng ghế, mệt nhoài. Bây giờ anh nhận thức được chiều sâu, chứ không phải chiều cao, của giáo đường này. Cảm giác mềm mại của nó. Sự trống rỗng và bóng tối của một miệng giếng. Cây pháo sáng trong tay anh phun tia lửa như một cây đũa thần. Anh kéo mình lên ngang mặt bà, bà Hoàng Hậu U Buồn của anh, bàn tay màu nâu của anh vươn ra, bé nhỏ trên cần cổ khổng lồ.
Người lính Sikh dựng lều ở cuối vườn, chỗ Hana nghĩ rằng trước kia có trồng cây oải hương. Nàng đã tìm thấy những chiếc lá khô trong khoảng đất ấy, vò lá giữa những ngón tay và nhận diện mùi cây. Thỉnh thoảng sau một cơn mưa, nàng nhận ra mùi thơm của nó.
Thoạt tiên anh không muốn vào nhà. Anh bước qua nhà khi anh đi làm phận sự này hay phận sự khác liên quan đến chuyện gỡ mìn. Lúc nào anh cũng lịch sự. Khẽ gật đầu. Hana thấy anh tắm bên một chậu nước mưa, được trang trọng đặt trên một chiếc đồng hồ mặt trời. Vòi nước trong vườn, lúc trước dùng cho luống hạt, giờ đây đã cạn khô. Nàng nhìn thấy tấm thân trần màu nâu của anh trong lúc anh tự tạt nước lên mình như một con chim quạt đôi cánh. Ban ngày nàng để ý nhiều nhất đến hai cánh tay anh trong chiếc áo sơ mi quân đội ngắn tay và khẩu súng trường luôn luôn ở bên anh, mặc dù bây giờ những trận đánh dường như đã chấm dứt đối với họ.
Anh có những tư thế cầm súng khác nhau - súng xuôi bên hông, súng nâng lên vai, hai khuỷu tay anh hơi gập lại. Anh sẽ quay người, đột nhiên nhận ra nàng đang ngắm anh. Anh đã sống sót qua những nỗi sợ hãi của mình, sẽ đi vòng qua bất cứ vật gì khả nghi, nhận lấy cái nhìn của nàng trong khung cảnh này như thể xác nhận anh có thể đối phó với tất cả.
Anh biết tự túc, đấy là điều nhẹ nhõm đối với nàng, với tất cả mọi người trong nhà, dù Caravaggio càu nhàu rằng anh công binh không ngừng âm ư những bài hát Tây phương anh tự học trong ba năm vừa rồi của cuộc chiến. Người lính công binh kia, người đã đến cùng anh trong mưa bão, tên gọi Hardy, trú ở nơi khác, gần thị trấn hơn, dù nàng đã thấy họ làm việc chung, vào vườn với những cây đũa thần là dụng cụ gỡ mìn.
Con chó vẫn theo Caravaggio. Người lính trẻ chạy nhảy với nó dọc lối đi nhưng không chịu cho nó chút thức ăn nào, cho rằng nó phải tự mình sinh tồn. Nếu anh tìm thấy thức ăn thì anh ăn một mình. Sự nhã nhặn của anh có giới hạn. Có những đêm anh ngủ trên gờ ban công nhìn xuống thung lũng, chỉ bò vào lều nếu trời mưa.
Phần anh, anh chứng kiến Caravaggio lang thang trong đêm. Hai lần anh công binh đi theo xa xa phía sau Caravaggio.
Nhưng hai ngày sau Caravaggio chặn anh lại và nói, Đừng theo tôi nữa. Anh bắt đầu chối, nhưng người đàn ông lớn tuổi hơn đặt bàn tay ngang khuôn mặt nói dối của anh và khiến anh im lặng. Như thế người lính biết Caravaggio đã nhận ra anh hai đêm trước. Dù sao đi nữa, chuyện theo dõi chỉ là tàn tích của một thói quen người ta dạy cho anh trong cuộc chiến. Cũng như ngay cả bây giờ anh thèm giơ súng nhắm bắn chính xác một mục tiêu nào đó. Nhiều lần anh nhắm cái mũi của một pho tượng hay một trong những con chim ưng màu nâu chao liệng trên bầu trời thung lũng.
Anh vẫn còn rất trẻ. Anh ăn ngấu nghiến, dọn dẹp vội vàng, tự cho phép mình nửa giờ để ăn trưa.
Nàng đã ngắm anh trong khi anh làm việc, cẩn trọng và không đổi như một con mèo, trong vườn cây ăn trái và khu vườn um tùm phía sau nhà. Nàng để ý làn da cổ tay anh màu nâu sậm hơn, đeo cái vòng rộng đôi khi reo leng keng khi anh uống một tách trà trước mặt nàng.
Anh không bao giờ nói về sự nguy hiểm đến cùng việc tìm kiếm của anh. Thỉnh thoảng một tiếng nổ khiến nàng và Caravaggio vội vã ra khỏi nhà, tim nàng căng thẳng vì tiếng nổ xa xa. Nàng chạy ra ngoài, hoặc chạy đến bên một cửa sổ, thấy Caravaggio trong một góc nhìn của nàng, và họ sẽ thấy anh công binh chậm rãi vẫy tay về phía căn nhà, thậm chí không quay lại từ hàng hiên trồng rau thơm.
Một lần, Caravaggio vào thư viện và thấy anh công binh trên trần nhà, chỗ bức trompe l’oeil - chỉ có Caravaggio mới ngước nhìn lên bốn góc trần nhà khi bước vào để xem có ai trong phòng hay không - và người lính trẻ, mắt vẫn chăm chú, giơ tay ra và búng ngón tay, khiến Caravaggio dừng lại, lời cảnh cáo nên rời phòng vì an toàn trong khi anh gỡ rồi cắt sợi ngòi nổ anh đã lần theo đến góc phòng ấy, ẩn trên tấm màn cửa.
Lúc nào anh cũng hát nho nhỏ hoặc huýt sáo. “Ai đang huýt sáo đấy?”, một đêm bệnh nhân người Anh hỏi, chưa gặp hoặc thậm chí chưa nhìn thấy người mới đến. Lúc nào anh cũng ca hát một mình khi anh nằm trên gờ ban công nhìn lên những đám mây đang biến dạng.
Khi anh bước vào tòa villa có vẻ trống vắng, anh lại ồn ào. Anh là người duy nhất trong số họ còn mặc quân phục. Áo quần chỉnh tề, khóa dây nịt chùi sáng loáng, anh công binh hiện ra từ lều của mình, khăn xếp trên đầu anh gấp lớp cân đối, giày bốt sạch sẽ nện trên sàn gỗ hoặc đá của căn nhà. Đang giải quyết một vấn đề, anh có thể phá ra cười ngay đấy. Dường như anh yêu thân thể mình, thể chất của mình, một cách vô thức, khi anh cúi xuống nhặt một lát bánh mì, khi những khớp ngón tay anh phớt qua mặt cỏ, thậm chí khi anh lơ đãng xoay tròn khẩu súng trường như một cái chùy lớn trong lúc anh bước trên lối đi viền cây bách để gặp những người lính công binh khác trong làng.
Anh có vẻ tạm hài lòng với nhóm người ít ỏi trong tòa villa, là một vì sao không cố định nằm ngoài rìa hệ thống hành tinh của họ. Đối với anh, thời gian này như kỳ nghỉ lễ sau cuộc chiến đầy đất bùn và sông và cầu. Anh chỉ vào nhà khi được mời, một người khách ngần ngại, cũng như buổi tối đầu tiên lúc anh theo tiếng dương cầm ngập ngừng của Hana, đi trên lối đi viền cây bách rồi bước vào thư viện.
Anh đã đến tòa villa trong đêm mưa bão ấy không phải vì tò mò về tiếng đàn, mà vì mối nguy hiểm đối với người chơi đàn. Đội quân đang rút lui thường để lại mìn bút chì bên trong nhạc cụ. Những người chủ trở về, mở cây đàn dương cầm và mất bàn tay. Người ta sẽ đẩy quả lắc của một cái đồng hồ lớn, và một trái bom thủy tinh sẽ làm nổ tung nửa bức tường và bất cứ ai gần bên.
Anh theo tiếng dương cầm, cùng Hardy chạy lên đồi, trèo qua bức tường đá vào tòa villa. Khi nào tiếng đàn chưa ngưng thì người chơi đàn sẽ chưa nghiêng về phía trước và kéo dải kim loại mỏng ra cho máy nhịp bắt đầu. Đa số bom bút chì được giấu ở đấy - chỗ dễ hàn sợi dây kim loại mỏng thẳng đứng nhất. Những trái bom được gắn vào vòi nước, vào gáy sách, chúng được đục vào cây ăn trái để một trái táo rơi xuống cành cây thấp hơn sẽ làm nổ thân cây, cũng như một bàn tay ghì lấy cành cây sẽ làm bom nổ. Anh không thể nhìn một căn phòng hoặc một cánh đồng mà không thấy những chỗ có thể có vũ khí.
Anh đã dừng lại bên hai cánh cửa kiểu Pháp, tựa đầu vào khung cửa, rồi lẻn vào phòng, và ngoại trừ những lúc có ánh chớp, anh ở trong bóng tối. Một cô gái đứng đấy, như đang đợi anh, nhìn xuống những phím đàn cô đang gõ. Mắt anh nhìn căn phòng trước khi nhìn cô, quét ngang căn phòng như một tia radar. Máy nhịp đang kêu tích tắc, rồi đong đưa với vẻ vô hại. Không có mối nguy hiểm nào, không có sợi dây kim loại bé xíu nào. Anh đứng đấy trong bộ quân phục ướt đẫm, cô gái thoạt tiên không biết anh đã vào phòng.
Bên cạnh lều của anh, ăng ten của một cái radio tinh thể treo trên cây. Ban đêm, nếu nàng nhìn về hướng ấy bằng ống nhòm của Caravaggio, nàng có thể thấy màu xanh lân tinh ở mặt số radio, bất ngờ bị che khuất bởi thân hình của anh công binh nếu anh di chuyển ngang tầm nhìn. Anh đeo cái radio nhỏ ấy suốt ngày, chỉ gắn một loa của headphone vào đầu, loa kia buông thõng dưới cằm, như thế anh có thể nghe những âm thanh của thế giới bên ngoài, những âm thanh có thể là quan trọng đối với anh. Anh sẽ vào nhà để chuyển lại bất cứ tin tức nào anh nghe thấy và anh nghĩ có thể là đáng chú ý đối với họ. Một buổi chiều anh thông báo nhạc trưởng Glenn Miller đã qua đời, máy bay của ông bị rớt đâu đó giữa Pháp và Anh.
Anh di chuyển giữa họ như thế. Nàng thấy anh xa xa trong một khu vườn không còn tồn tại với máy dò mìn, hoặc nếu anh đã tìm ra cái gì, gỡ nút thắt những dây điện và ngòi nổ ai đó đã để lại cho anh như một lá thư rùng rợn.
Anh rửa tay luôn. Thoạt tiên Caravaggio nghĩ rằng anh quá kỹ tính. “Làm thế nào cậu sống qua được cuộc chiến?”, Caravaggio cười lớn.
“Tôi lớn lên ở Ấn Độ, chú ạ. Người ta rửa tay luôn. Trước khi ăn. Thói quen thôi. Tôi sinh ra ở Punjab.”
“Tôi từ châu Mỹ Thượng”, nàng nói.
Anh ngủ nửa người trong lều nửa người ngoài lều. Nàng thấy hai tay anh tháo headphone và thả chúng xuống đùi.
Rồi Hana đặt ống nhòm xuống và quay đi.
Họ ở bên dưới một mái vòm lớn. Người trung sĩ thắp một cây pháo sáng, và anh công binh nằm trên sàn nhà, ngước nhìn lên qua ống nhắm của cây súng trường, nhìn những khuôn mặt màu đất son như thể anh đang tìm một người anh em trong đám đông. Điểm nhắm rung rung trên những nhân vật trong Thánh Kinh, ánh sáng nhuộm đẫm những bộ lễ phục nhiều màu sắc và da thịt đã thẫm màu sau hàng trăm năm tẩm khói dầu đèn và nến. Bây giờ là hơi khói màu vàng này. Họ biết làm thế là thái quá trong chốn tôn nghiêm này, thế nên những người lính sẽ bị đuổi ra ngoài, sẽ bị ghi nhớ vì đã lạm dụng sự cho phép họ nhận được để vào xem Đại Sảnh. Họ đã đến đây sau khi lội bì bõm lên những bãi đổ bộ và trải qua một ngàn cuộc giao tranh của những trận đánh nho nhỏ và trận giội bom ở Monte Cassino, rồi bước đi trong sự lễ độ thinh lặng băng qua Raphael Stanze[36] cho đến khi, cuối cùng, họ có mặt ở đây, mười bảy người đã đổ bộ lên Sicily và chiến đấu dọc theo cổ chân của nước Ý để có mặt ở đây - nơi họ được vào chỉ là một căn phòng lớn hầu như tối tăm. Như thể chỉ có mặt ở đấy là đã đủ.
Một người trong số họ nói, “Khỉ thật. Có lẽ thêm chút ánh sáng, Trung sĩ Shand?”. Anh trung sĩ tháo chốt pháo sáng rồi giơ thẳng tay lên, dòng thác ánh sáng tuôn ra ngoài nắm tay của anh, và đứng như thế trong suốt thời gian pháo sáng cháy. Những người còn lại đứng nhìn lên những hình dáng và khuôn mặt chật kín trên trần hiện ra trong làn ánh sáng. Nhưng người lính công binh trẻ đã nằm ngửa, nhắm bằng cây súng trường, mắt anh gần như chạm vào chòm râu của Noah và Abraham và những ác quỷ khác nhau cho đến khi anh gặp khuôn mặt cao quý khiến anh lặng yên, khuôn mặt như một ngọn giáo, khôn ngoan, nghiệt ngã.
Những người lính gác đang la hét ở lối vào, anh có thể nghe thấy những bước chân chạy, cây pháo chỉ còn sáng ba mươi giây nữa. Anh lăn sang và đưa cho ông cha tuyên úy cây súng trường. “Người kia kìa. Ai thế? Hướng ba giờ tây bắc, ai thế? Nhanh lên, pháo sáng sắp tắt.”
Ông cha tuyên úy ôm cây súng trường, quét nó đến góc phòng, và cây pháo sáng tắt.
Ông trả lại cây súng cho người Sikh trẻ tuổi.
“Anh biết là tất cả chúng ta sẽ gặp nhiều rắc rối vì đã dùng vũ khí trong giáo đường Sistine. Đáng lẽ tôi không nên đến đây. Nhưng tôi cũng phải cám ơn Trung sĩ Shand đã anh dũng làm thế. Tôi chắc chúng ta cũng chưa gây ra thiệt hại gì.”
“Ông có nhìn thấy không? Khuôn mặt đấy. Ai thế?” “À đúng, đấy là một khuôn mặt cao quý.”
“Ông đã nhìn thấy.”
“Vâng. Isaiah.”
Khi Binh đoàn Thứ tám đến Gabicce trên bờ biển miền Đông, anh công binh là trưởng đội tuần đêm. Vào đêm thứ hai, anh nhận được một tín hiệu qua làn sóng ngắn báo rằng có chuyển động của địch quân ngoài biển. Đội tuần tiễu bắn một viên đạn pháo và nước tung lên, một phát súng cảnh cáo bắn hú họa. Họ không bắn trúng cái gì cả, nhưng trong những tia nước màu trắng của vụ nổ anh nhìn thấy một hình dáng tối thẫm hơn đang chuyển động. Anh nâng cây súng trường, nhắm theo chiếc bóng đang trôi dạt trong một phút, quyết định không bắn để nhìn xem còn có chuyển động nào khác gần đấy hay không. Quân địch vẫn còn đóng trại về phía bắc, ở Rimini, ngoài rìa thành phố. Anh đang nhắm vào chiếc bóng khi vầng hào quang đột nhiên sáng lên chung quanh đầu của Đức Mẹ Đồng Trinh Mary. Bà đang đến từ biển cả.
Bà đang đứng trong lòng một chiếc thuyền. Hai người đàn ông chèo. Hai người khác giữ cho bà đứng thẳng, và khi họ tấp vào bãi biển, dân thị trấn bắt đầu hoan hô từ trong những khung cửa sổ tối mở rộng.
Anh công binh có thể thấy khuôn mặt màu kem và vầng hào quang làm bằng bóng đèn chạy pin nhỏ. Anh đang nằm trên một ụ súng bê tông giữa thị trấn và biển, ngắm nhìn bà trong khi bốn người đàn ông leo ra ngoài thuyền rồi nâng pho tượng thạch cao dài gần hai mét vào trong hai cánh tay họ. Họ đi lên bãi biển, không dừng lại, không ngập ngừng vì mìn. Có lẽ họ đã nhìn quân Đức chôn mìn, và vẽ biểu đồ các địa điểm có mìn. Chân họ lún trong cát. Đây là bãi biển Gabicce Mare vào ngày 29 tháng Năm, năm 1944. Thủy Hội Mừng Đức Mẹ Đồng Trinh Mary.
Người lớn và trẻ con tràn ra đường. Đàn ông mặc đồng phục ban nhạc cũng xuất hiện. Ban nhạc không chơi được vì luật giới nghiêm, nhưng những nhạc cụ vẫn là một phần của buổi lễ, được lau chùi sáng loáng.
Anh hiện ra từ trong bóng tối, khẩu súng cối cột trên lưng, cây súng trường trong tay. Đối với họ anh trông lạ lùng với vũ khí và cái khăn xếp. Họ cũng không ngờ anh hiện ra từ phần bãi biển trong vành đai trắng[37].
Anh nâng súng và nhìn thấy khuôn mặt bà trong ống nhắm, không dời đổi, không tính dục, trong cận cảnh là những bàn tay sạm đen của những người đàn ông vươn đến vầng sáng của bà, hai mươi bóng đèn nhỏ gật gù duyên dáng.
Pho tượng khoác áo màu xanh da trời, gối bên trái của bà hơi nâng lên, gợi hình những nếp áo gợn.
Họ không phải là những người lãng mạn. Họ đã sống sót quân phát xít, quân Anh, quân Gaul, quân Goth và quân Đức. Họ đã bị chiếm hữu quá thường xuyên đến nỗi sự chiếm hữu không còn ý nghĩa gì. Nhưng bức tượng thạch cao màu kem và xanh dương này đã đến từ biển khơi, được đặt trên một xe tải chở nho chất đầy hoa, trong khi ban nhạc lặng lẽ diễn hành phía trước bà. Bất cứ sự bảo vệ nào anh định mang đến cho thị trấn này là vô nghĩa. Anh không thể bước đi với những khẩu súng này giữa đám trẻ nhỏ mặc y phục trắng của họ.
Anh dời sang một con đường về phía nam của họ và bước cùng nhịp với chuyển động của pho tượng, như thế họ và anh đến những đường cắt ngang cùng một lúc. Anh nâng súng để nhìn mặt bà một lần nữa trong ống nhắm. Tất cả chấm dứt trên một mũi đất nhìn ra biển, nơi họ để bà lại và trở về nhà. Họ không hề biết anh vẫn có mặt gần đấy.
Khuôn mặt bà vẫn thắp sáng. Bốn người đàn ông đã đưa bà đến bằng thuyền ngồi bốn góc chung quanh bà như những người lính canh. Bộ pin gắn sau lưng bà bắt đầu yếu dần; nó chết hẳn lúc bốn rưỡi sáng. Lúc ấy anh liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Anh nhìn những người đàn ông qua ống nhắm của cây súng trường. Hai người đã ngủ. Anh đưa ống nhắm lên mặt bà rồi lại chăm chú ngắm bà. Bà mang một dáng vẻ khác trong ánh sáng đang phai chung quanh. Một khuôn mặt khi chìm trong bóng tối nhìn giống một người anh quen biết hơn. Một người chị hoặc em. Một ngày nào đó là một đứa con gái. Anh công binh muốn làm một cử chỉ tượng trưng nào đấy, như để lại một thứ gì anh không phải mang theo. Nhưng dù sao đi nữa, anh có niềm tin riêng của mình.
Caravaggio bước vào thư viện. Lúc này hầu như buổi chiều nào anh cũng có ở đây. Sách vẫn thường là những sinh vật bí ẩn đối với anh. Anh rút một cuốn ra và mở đến trang tựa. Anh ở trong phòng khoảng năm phút thì nghe thấy một tiếng rên nhỏ.
Anh quay lại và thấy Hana đang ngủ trên ghế sofa. Anh gấp cuốn sách lại, tựa vào cạnh gờ cao ngang đùi dưới những kệ sách. Nàng nằm cuộn tròn, má bên trái áp vào lớp gấm thêu bụi bặm, cánh tay phải đưa lên mặt, một nắm tay dưới cằm. Đôi mày nàng chuyển động, khuôn mặt tập trung trong giấc ngủ.
Lúc anh mới gặp lại nàng sau từng ấy thời gian, nàng trông căng thẳng, thân hình co rút lại chỉ còn vừa đủ để vượt qua giai đoạn này một cách hữu hiệu. Cơ thể nàng đã trải qua một cuộc chiến và, cũng như trong tình yêu, nó đã dùng tất cả mọi bộ phận của mình.
Anh hắt hơi thành tiếng, đầu cúi xuống, và khi anh ngước nhìn lên nàng đã thức, mắt nàng mở, nhìn đăm đăm vào anh ở trước mặt.
“Cháu đoán xem mấy giờ rồi.”
“Khoảng bốn giờ năm phút. Không phải, bốn giờ bảy phút”, nàng nói.
Đấy là một trò chơi xưa cũ giữa một người đàn ông và một đứa bé. Anh ra khỏi phòng để nhìn đồng hồ, và nhìn cử động cùng vẻ vững chãi của anh nàng có thể biết anh mới tiêm morphine, tươi tỉnh và rành mạch, với sự tự tin quen thuộc của anh. Nàng ngồi dậy và mỉm cười khi anh trở lại, lắc đầu ngạc nhiên vì độ chính xác của nàng.
“Cháu sinh ra với đồng hồ mặt trời trong đầu cháu, phải không chú?”
“Còn ban đêm thì sao?”
“Có đồng hồ mặt trăng không nhỉ? Đã có ai sáng chế ra chưa? Có lẽ mỗi kiến trúc sư khi xây một tòa villa đều giấu một cái đồng hồ mặt trăng cho mấy tên trộm, như là món tiền thuế cần thiết.”
“Một mối lo hay hay cho bọn nhà giàu.”
“Chú hãy gặp cháu ở đồng hồ mặt trăng, chú David. Nơi người yếu đuối có thể vào trong người mạnh mẽ.”
“Như bệnh nhân người Anh và cháu?”
“Một năm trước suýt nữa cháu có con.”
Giờ đây khi trí óc anh nhẹ nhàng và chuẩn xác vì thuốc, nàng có thể nói chuyện này xọ qua chuyện kia và anh có thể theo kịp, nghĩ cùng với nàng. Nàng đang cởi mở, không hẳn nhận ra nàng đã thức và đang nói chuyện, như vẫn đang nói trong mơ, như thể cái hắt hơi của anh là cái hắt hơi trong mơ.
Trạng thái này quen thuộc với Caravaggio. Anh thường gặp người ta ở đồng hồ mặt trăng. Kinh động họ vào lúc hai giờ sáng khi anh vô ý làm cả cái tủ trong phòng ngủ đổ rầm xuống. Anh khám phá ra rằng những cú sốc như vậy ngăn họ không thấy sợ hoặc trở nên hung bạo. Bị chủ căn nhà anh đang ăn trộm bắt gặp, anh sẽ vỗ tay và hối hả nói chuyện, tung hứng một cái đồng hồ đắt tiền, liến láu hỏi họ chỗ họ để mọi thứ.
“Cháu đã mất đứa bé. Ý cháu là, cháu phải bỏ nó đi. Cha của nó đã chết. Lúc ấy đang có một cuộc chiến.”
“Lúc ấy cháu ở Ý?”
“Khoảng thời gian chuyện này xảy ra, cháu ở Sicily. Suốt thời gian bọn cháu theo quân lính đi lên vùng Adriatic, cháu nghĩ đến nó. Cháu vẫn tiếp tục nói chuyện với đứa bé. Cháu làm việc quần quật trong bệnh viện và né tránh mọi người chung quanh. Ngoại trừ đứa bé. Cháu kể cho nó nghe mọi chuyện. Trong đầu cháu. Cháu nói chuyện với nó trong khi cháu lau mình và chăm sóc bệnh nhân. Lúc ấy cháu hơi điên.”
“Rồi cha cháu chết.”
“Vâng. Rồi Patrick chết. Khi cháu nghe tin, cháu đang ở Pisa.”
Nàng đã thức, và ngồi dậy. “Chú biết, phải không hở?”
“Chú nhận được một lá thư nhà.”
“Có phải vì thế mà chú đến đây không, vì chú biết?” “Không phải.”
“Thế thì tốt. Cháu không nghĩ là ba tin vào lễ viếng tang hoặc những thứ đại loại như thế. Patrick thường nói ba muốn nghe hai người đàn bà hòa tấu nhạc cụ khi ba chết. Phong cầm và vĩ cầm. Thế thôi. Ba thật quá đa cảm.”
“Đúng. Người ta có thể khiến anh ấy làm bất cứ chuyện gì. Tìm cho anh ấy một người đàn bà lâm nạn là anh ấy mê tơi.”
Cơn gió từ thung lũng dâng lên ngọn đồi của họ, và hàng cây bách viền ba mươi sáu bậc thang bên ngoài giáo đường nhỏ vật lộn với gió. Những giọt nước của cơn mưa trước đấy bị xô đẩy, rơi xuống kêu tí tách trên hai người. Họ đang ngồi trên lan can cạnh những bậc thang. Đã quá nửa đêm lâu lắm. Nàng đang nằm trên gờ bê tông, anh đi qua đi lại hoặc nhoài người ra ngoài nhìn xuống thung lũng. Chỉ có tiếng những giọt mưa bị dời chỗ.
“Cháu thôi nói chuyện với đứa bé khi nào?”
“Bỗng dưng cháu bận rộn quá. Quân lính đang vào trận ở cầu Moro và rồi vào Urbino. Có lẽ cháu ngưng nói chuyện với nó ở Urbino. Ở đấy cháu có cảm tưởng cháu có thể bị bắn bất cứ lúc nào, bất kể cháu là lính, linh mục hay y tá. Những con đường hẹp và dốc ấy là khu dân cư đông đúc. Những người lính đến đấy chỉ còn vài mẩu thân thể, yêu thích cháu trong một giờ rồi hấp hối. Điều quan trọng là ghi nhớ tên của họ. Nhưng cháu cứ nhìn thấy đứa bé mỗi khi họ chết. Bị cuốn trôi đi. Có người ngồi dậy xé lớp vải băng để cố thở được dễ dàng hơn. Có người lo lắng về những vết trầy li ti trên cánh tay khi họ chết. Rồi cái bóng bọt trong miệng. Tiếng bụp nho nhỏ ấy. Cháu cúi xuống khép mắt cho một người lính đã chết, anh ta mở mắt, khinh miệt nói: “Cô mong tôi chết lắm phải không? Con quỷ cái!”. Anh ta ngồi dậy, gạt tất cả mọi thứ trên khay của cháu xuống sàn nhà. Giận điên lên. Ai muốn chết như thế cơ chứ? Chết với sự giận dữ như vậy. Con quỷ cái! Sau đó cháu luôn đợi cái bóng bọt trong miệng họ. Bây giờ cháu đã biết về cái chết, chú David. Cháu biết tất cả mùi của nó. Cháu biết cách làm họ quên đi đau đớn. Khi nào thì tiêm nhanh liều morphine vào mạch máu chính. Nước biển. Để họ đi đại tiện trước khi chết. Đáng lẽ mỗi ông tướng khốn kiếp phải làm công việc của cháu. Mỗi một ông tướng khốn kiếp. Đáng lẽ đấy phải là điều kiện tiên quyết cho mỗi chuyến vượt sông. Bọn cháu là cái quái gì mà được giao cho trách nhiệm này, phải khôn ngoan như những linh mục già, biết cách dẫn dắt người ta đến một điều không ai muốn và bằng cách nào đấy làm cho họ cảm thấy dễ chịu. Cháu không thể tin nổi những lễ rửa tội họ làm cho những người chết. Lời hùng biện thô tục của họ. Thật quá quắt! Sao họ dám nói như thế về một người đang hấp hối.”
Không có ánh sáng, tất cả đèn đã tắt, bầu trời gần như phủ kín mây. Những căn nhà còn lại sẽ được an toàn hơn nếu chúng không gây chú ý vì vẻ văn minh của mình. Họ đã quen bước quanh nhà trong bóng tối.
“Cháu có biết tại sao quân đội không muốn cháu ở lại đây với bệnh nhân người Anh không? Cháu có biết không?”
“Một cuộc hôn nhân đáng xấu hổ? Cháu có bệnh tâm lý về cha mình[38]?”
Nàng mỉm cười với anh.
“Ông ấy như thế nào rồi?”
“Vẫn chưa yên lòng về con chó.”
“Bảo ông ấy rằng con chó là của chú.”
“Ông ấy cũng không chắc chú đang ở đây. Ông ấy nghĩ không chừng chú sẽ chuồn mất với bộ bát đĩa sứ.”
“Cháu nghĩ ông ấy có muốn uống rượu vang không? Hôm nay chú cuỗm được một chai.”
“Ở đâu?”
“Cháu có muốn uống hay không?”
“Bây giờ mình uống đi. Kệ ông ấy.” “À, cháu đã nghĩ thấu suốt!”
“Không phải thế. Cháu rất cần một chầu rượu.”
“Hai mươi tuổi. Lúc chú hai mươi tuổi…”
“Vâng, vâng, hôm nào chú cuỗm luôn một cái máy gramophone[39] đi. Cháu nghĩ người ta gọi chuyện này là hôi của đấy.”
“Tổ quốc của chú đã dạy chú tất cả những chuyện này. Đây là chuyện chú đã làm cho họ trong cuộc chiến.”
Anh đi xuyên qua giáo đường nhỏ bị pháo kích để vào nhà.
Hana ngồi dậy, hơi choáng váng, mất thăng bằng. “Nhìn xem họ đã làm gì với chú”, nàng nói một mình.
Trong cuộc chiến, nàng hầu như không nói ngay cả với những người nàng làm việc chung trong vòng thân cận. Nàng cần một ông chú, một thành viên gia đình. Nàng cần cha của đứa bé, trong lúc nàng chờ đợi được say lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, nơi thị trấn trên đồi này, trong lúc một người đàn ông bị bỏng trên lầu đã rơi vào giấc ngủ dài bốn giờ của mình, trong lúc một người bạn cũ của cha nàng lục lạo tủ thuốc của nàng, bẻ cổ thủy tinh của ống thuốc, thắt dây giày quanh cánh tay mình và nhanh chóng tiêm morphine vào người, tất cả chỉ trong khoảng thời gian đủ cho anh quay người lại.
Ban đêm, trong những ngọn núi chung quanh họ, ngay cả lúc mười giờ đêm, chỉ có mặt đất là tăm tối. Bầu trời xám, trong trẻo, những ngọn đồi màu xanh lá.
“Cháu chán ngấy sự khao khát. Chán được thèm muốn. Vì thế cháu bỏ đi, không hẹn hò, không lên xe jeep đi chơi, không tán tỉnh. Những buổi khiêu vũ cuối cùng trước khi họ chết - họ nghĩ cháu hợm hĩnh. Cháu làm việc chăm chỉ hơn người khác. Hai ca liên tiếp, trong lằn đạn, làm bất cứ chuyện gì cho họ, đổ từng cái bô. Cháu trở thành kẻ hợm hĩnh vì cháu không muốn đi chơi và tiêu tiền của họ. Cháu muốn về nhà nhưng không có ai ở nhà. Cháu chán ghét châu Âu. Chán được quý như vàng vì cháu là đàn bà. Cháu yêu một người đàn ông, anh ấy chết và đứa bé chết. Ý cháu là, đứa bé không tự dưng mà chết, cháu là người hủy diệt nó. Sau đấy cháu lùi lại xa đến nỗi không ai lại gần cháu được, dù bằng cách nói cháu hợm hĩnh, hoặc bằng cái chết của bất cứ ai. Rồi cháu gặp ông ấy, người đàn ông bị cháy đen. Nhìn gần, hóa ra ông ấy là một người Anh.
Đã lâu lắm rồi, chú David, cháu không muốn dính dáng đến một người đàn ông.”
Sau khi anh công binh người Sikh có mặt quanh tòa villa một tuần, họ đã thích nghi với thói quen ăn uống của anh. Dù anh đang ở đâu - trên đồi hay trong làng - anh cũng sẽ trở về vào khoảng mười hai rưỡi để ăn chung với Hana và Caravaggio, lôi trong túi đeo vai ra một cái gói buộc bằng chiếc khăn tay màu xanh rồi trải ra bàn cạnh thức ăn của họ. Những củ hành tây và rau thơm - Caravaggio ngờ rằng anh đã lấy chúng từ vườn của dòng tu Francisco trong lúc anh dò mìn ở đấy. Anh lột vỏ hành cũng bằng con dao anh dùng để lột lớp cao su bên ngoài sợi dây ngòi nổ. Theo sau hành tây là trái cây. Caravaggio đoán rằng trong suốt cuộc tấn chiếm anh chưa bao giờ ăn thức ăn của lính.
Thật ra thì mỗi sáng tinh mơ anh luôn ngoan ngoãn xếp hàng, giơ tách nhận nước trà kiểu Anh anh thích, bỏ thêm sữa đặc của riêng mình. Anh sẽ uống chậm rãi, đứng trong ánh nắng nhìn chuyển động chậm chạp của quân lính. Nếu hôm ấy họ không chuyển quân, chín giờ sáng là họ đã chơi bài canasta.
Bây giờ, lúc bình minh, dưới đám cây cối sứt sẹo trong những khu vườn hư hại vì đạn pháo của villa San Girolamo, anh hớp một ngụm đầy nước trong bi đông của mình. Anh đổ bột kem đánh răng lên bàn chải và bắt đầu mười phút đánh răng nhàn nhã khi anh lang thang nhìn xuống thung lũng vẫn còn chìm trong sương mù, trí óc anh tò mò nhiều hơn là ngưỡng mộ phong cảnh anh tình cờ đang sống ở phía trên. Từ lúc anh còn nhỏ, với anh đánh răng vẫn là một hoạt động ngoài trời.
Khung cảnh chung quanh anh chỉ là tạm thời, không có gì vĩnh viễn. Anh chỉ xác nhận khả năng có mưa, một mùi nào đó trong một bụi cây. Tựa hồ như trí óc anh, ngay cả lúc không dùng đến, là một cái radar, mắt anh xác định cách sắp xếp của những vật bất động trong vòng bán kính một phần tư dặm chung quanh anh, cũng là tầm tiêu diệt của những vũ khí nhẹ. Anh nhìn kỹ hai củ hành anh thận trọng đào trong đất lên, biết rằng khu vườn cũng bị quân đội đang rút lui cài mìn.
Trong bữa ăn trưa, Caravaggio liếc nhìn với vẻ bề trên đến những vật trong chiếc khăn tay màu xanh. Không chừng có một loại thú hiếm, Caravaggio nghĩ, cũng ăn loại thực phẩm anh lính trẻ này vẫn ăn với bàn tay phải của anh, những ngón tay anh đưa thức ăn lên miệng mình. Anh chỉ dùng dao để lột vỏ hành, cắt trái cây.
Hai người đàn ông mang xe kéo xuống thung lũng để lấy một bao bột mì. Anh lính cũng phải giao bản đồ những khu vực đã sạch mìn cho tổng hành dinh ở San Domenico. Cảm thấy khó hỏi chuyện lẫn nhau, họ nói về Hana. Anh lính đã hỏi nhiều câu trước khi người đàn ông lớn tuổi hơn nhận rằng ông đã biết nàng trước chiến tranh.
“Ở Canada?”
“Ừ. Tôi biết cô ấy ở đó.”
Họ đi qua nhiều đống lửa bên vệ đường và Caravaggio chuyển sự chú ý của anh lính trẻ đến chúng. Biệt danh của anh công binh là Kip. “Gọi Kip đến đây.” “Kip đến rồi đây.” Cái tên được gán cho anh trong một trường hợp kỳ lạ. Bản báo cáo gỡ mìn đầu tiên của anh ở Anh quốc có dính chút bơ, và người sĩ quan thốt lên, “Cái gì thế này? Mỡ kipper phải không?”, và tiếng cười vây lấy anh. Anh không hề biết kipper là cái gì, nhưng chàng thanh niên người Sikh đã bị biến thành một con cá mặn kiểu Anh như thế[40]. Trong vòng một tuần, tên thật của anh là Kirpal Singh đã bị quên mất. Anh không nề hà chuyện này. Huân tước Suffolk và đội phá mìn của anh dần dà quen gọi anh bằng cái tên ấy, và anh thích như thế hơn là phong tục dùng tên họ của người Anh.
Mùa hè ấy bệnh nhân người Anh đeo máy trợ thính, thế nên ông nghe thấy mọi thứ trong nhà. Cái máy hình vỏ sò màu hổ phách đeo trong tai ông với sự diễn dịch của nó về những tiếng động thông thường - cái ghế trong hành lang bị kéo lê trên sàn, móng chân con chó gõ lách cách ngoài căn phòng của ông, vì thế ông có thể vặn âm thanh lớn lên và thậm chí nghe tiếng thở khỉ gió của nó, hoặc tiếng hét ngoài ban công của anh công binh. Bệnh nhân người Anh biết đến sự có mặt của anh lính trẻ trong căn nhà vài ngày sau khi anh đến như thế, mặc dù Hana tách họ riêng ra, biết rằng có lẽ họ sẽ không ưa nhau.
Nhưng một hôm Hana vào phòng ông người Anh và gặp anh công binh ở đấy. Anh đang đứng ở chân giường, hai tay anh buông thõng qua cây súng trường nằm ngang trên vai. Nàng không thích cách anh cầm súng bất cẩn như thế, cách anh chậm rãi quay mình về phía nàng khi nàng bước vào, như thể thân hình anh là một trục bánh xe, như thể cây súng đã được may xuôi theo vai và cánh tay và hai cổ tay nhỏ nhắn màu nâu của anh.
Ông người Anh quay về phía nàng và nói, “Chúng tôi hợp nhau lắm!”.
Nàng bực mình vì anh công binh đã ung dung đi vào lãnh thổ này, dường như có thể bao vây nàng, chỗ nào cũng có mặt. Kip, nghe Caravaggio nói rằng người bệnh biết về súng, đã bắt đầu bàn thảo cách tìm bom với ông người Anh. Anh đã lên phòng và khám phá ra rằng ông là một kho chứa tin tức về vũ khí của quân Đồng Minh cũng như quân địch. Ông người Anh không những biết về những ngòi nổ Ý quái gở mà còn biết địa hình chi tiết của vùng Tuscany. Không bao lâu sau họ đã vẽ hình dáng bom cho nhau xem và nói về lý thuyết của mỗi mạch điện.
“Hình như ngòi nổ Ý được đặt vào theo chiều thẳng đứng. Và không phải lúc nào cũng ở phần đuôi.”
“Cũng tùy. Ngòi nổ chế tạo ở Naples là như thế, nhưng những xưởng chế tạo ở Rome lại theo hệ thống Đức. Dĩ nhiên, Naples, từ thế kỷ XV…”
Như thế có nghĩa là phải nghe người bệnh nói kiểu vòng vo của ông, và anh lính trẻ không quen đứng yên và im lặng. Anh mất kiên nhẫn, chen vào những lúc ông người Anh tạm ngưng hoặc những lúc ông im lặng, những khoảng trống ông vẫn tự cho phép mình trong lúc ông cố gắng truyền sinh lực cho một dòng suy nghĩ. Người lính ngửa đầu ra sau, nhìn lên trần nhà.
“Chúng ta nên làm một cái cáng”, anh công binh quay lại nói với Hana khi nàng vào phòng, vẻ suy tính, “và khiêng ông ấy đi quanh nhà”. Nàng nhìn hai người, nhún vai rồi đi ra.
Khi Caravaggio đi ngang qua nàng trong hành lang, nàng đang mỉm cười. Họ đứng trong hành lang và lắng nghe cuộc đối thoại trong phòng.
Tôi đã nói cho anh nghe khái niệm của tôi về nhân vật Virgil[41] chưa, Kip? Để tôi…
Ông vặn máy trợ thính của ông lên chưa?
Cái gì? Vặn nó…
“Cháu nghĩ ông ấy đã tìm ra một người bạn”, nàng bảo Caravaggio.
Nàng bước ra sân, vào ánh nắng. Giữa trưa, những vòi nước mang nước vào bồn nước phun của tòa villa sẽ chảy trong hai mươi phút. Nàng cởi giày, leo vào bồn nước khô cạn và đợi.
Giờ này khắp nơi là mùi cỏ khô. Những con nhặng xanh lộn nhào trong không gian, đâm sầm vào người ta như thể va vào bức tường, rồi thản nhiên rút lui. Nàng để ý chỗ mấy con nhện nước làm tổ bên dưới đài nước trên cùng của bồn nước phun, khuôn mặt nàng trong bóng râm dưới gờ đài. Nàng thích ngồi trong cái nôi đá này, ngửi mùi không khí mát và tối ẩn bên trong vòi nước vẫn còn khô cạn gần đấy, như không khí thoát ra từ hầm nhà được mở ra lần đầu tiên lúc cuối xuân, tương phản với sức nóng bên ngoài. Nàng phủi bụi trên hai cánh tay, những ngón chân, nếp gấp của giày, rồi vươn vai.
Căn nhà nhiều đàn ông quá. Miệng nàng áp vào cánh tay trần ở bả vai của mình. Nàng ngửi mùi da mình, sự quen thuộc của nó. Hương vị của chính mình. Nàng nhớ khi nàng bắt đầu nhận ra hương vị ấy, trong những năm niên thiếu - những năm dường như là một nơi chốn hơn là khoảng thời gian - hôn cánh tay mình để tập hôn, ngửi cổ tay mình hoặc cúi xuống đùi. Thở vào hai bàn tay úp lại để hơi thở dội lại mũi mình. Bây giờ nàng xoa hai bàn chân trần trắng trẻo nổi bật trên màu nâu đốm của bồn nước phun. Anh công binh đã kể cho nàng nghe về những pho tượng anh gặp trong lúc chiến đấu, anh đã ngủ bên cạnh một pho tượng thiên thần sầu đau bán nam bán nữ như thế nào, rằng anh thấy pho tượng xinh đẹp. Anh đã nằm ngửa, ngắm thân tượng, và lần đầu tiên trong cuộc chiến cảm thấy bình yên.
Nàng ngửi mặt đá, mùi bướm đêm mát lạnh của nó.
Cha nàng đã vật vã lúc chết, hay ông chết yên ả? Ông có nằm như cách bệnh nhân người Anh uy nghi nghỉ ngơi trên cái giường nhỏ của mình? Ông có được một người lạ chăm sóc? Một người đàn ông không có liên hệ máu mủ với bạn có thể mở toang xúc cảm của bạn dễ hơn một người ruột thịt với bạn. Như thể khi ngã vào vòng tay kẻ lạ, bạn khám phá ra hình bóng sự lựa chọn của bạn. Không như anh công binh, cha nàng chưa bao giờ hoàn toàn tự nhiên trong thế gian. Những lời đối thoại của ông mất vài âm vì e thẹn. Mẹ nàng đã than phiền rằng bất cứ câu nói nào của Patrick cũng mất hai ba chữ cốt yếu. Nhưng Hana thích đặc điểm ấy của ông, dường như ở ông không có tinh thần phong kiến. Ông có vẻ bất quyết, sự mập mờ cho ông một nét quyến rũ ngần ngại. Ông không giống hầu hết những người đàn ông khác. Thậm chí bệnh nhân người Anh bị thương cũng có sự cương quyết quen thuộc của thời phong kiến. Nhưng cha nàng là một hồn ma khao khát, thích những người chung quanh mình tự tin, thậm chí ầm ĩ.
Ông có đi đến cái chết với cảm giác bình thản như khi gặp tai nạn? Hay là trong thịnh nộ? Ông là người ít giận dữ nhất mà nàng biết, không thích tranh cãi, chỉ ra khỏi phòng khi có ai nói xấu Roosevelt hoặc Tim Buck[42] hoặc ca ngợi những ông thị trưởng Toronto nào đấy. Suốt đời ông không hề tìm cách biến đổi một ai, chỉ chắp vá hoặc ăn mừng những sự kiện xảy ra quanh mình. Chỉ thế thôi. Một cuốn tiểu thuyết là một tấm gương đi trên đường[43]. Nàng đọc câu này trong một cuốn sách bệnh nhân người Anh khuyên nàng đọc, và đấy là cách nàng nhớ đến cha nàng - bất cứ khi nào nàng thu góp những khoảnh khắc về ông - dừng xe dưới một cây cầu ở Toronto về phía bắc đường Pottery lúc nửa đêm và bảo nàng đây là chỗ chim sáo đá và chim câu cùng chia sẻ những rui cầu trong đêm, không thoải mái và không hẳn vui lòng. Họ đã dừng ở đấy trong một đêm hè và thò đầu ra ngoài xe trong tiếng ồn ào và tiếng chíp chíp ngái ngủ.
Chú nghe nói Patrick chết trong một cái chuồng chim câu, Caravaggio nói.
Cha nàng yêu một thành phố ông tự vẽ vời, trong ấy những con đường, những bức tường và những lề đường là do ông và bạn ông sơn vẽ. Ông chưa bao giờ thực sự rời khỏi thế giới ấy. Nàng nhận ra tất cả mọi điều nàng biết về thế giới thực nàng đã tự học hoặc học từ Caravaggio hoặc từ mẹ kế Clara của nàng trong thời gian họ sống chung với nhau. Clara đã từng là diễn viên, ăn nói chuẩn xác, đã diễn đạt chính xác cơn thịnh nộ khi hai cha con nàng gia nhập cuộc chiến. Suốt năm vừa qua ở Ý nàng mang theo những lá thư của Clara. Những lá thư nàng biết đã được viết trên một hòn đá màu hồng ở một hòn đảo trong vịnh Georgian, trong cơn gió đến từ ngoài khơi làm uốn cong trang giấy trong cuốn sổ tay của bà, trước khi bà xé tờ giấy ra và để nó vào trong một chiếc phong bì gửi cho Hana. Nàng cất chúng trong va li của mình, mỗi lá thư đựng một mẩu đá hồng nho nhỏ và cơn gió ấy. Nhưng nàng chưa hề trả lời. Nàng nhớ Clara đến khổ sở nhưng không thể viết cho bà trong lúc này, sau tất cả mọi chuyện đã xảy ra với nàng. Nàng không thể chịu đựng nổi việc nhắc đến hoặc ngay cả xác nhận cái chết của Patrick.
Bây giờ, trên lục địa này, cuộc chiến đã đi đến nơi khác, những tu viện nữ và giáo đường trước đây được biến thành bệnh viện trong phút chốc nay trở thành hiu quạnh, cô lập trong những ngọn đồi của vùng Tuscany và Umbria. Chúng chứa đựng tàn tích của những xã hội chiến tranh, những mảnh vụn đá sỏi còn lại của một băng sơn mênh mông. Chung quanh chúng bây giờ là khu rừng thánh.
Nàng xếp hai chân dưới chiếc áo đầm mỏng và để hai tay lên đùi. Tất cả tĩnh lặng. Nàng nghe tiếng xao động trống rỗng quen thuộc, bồn chồn bên trong ống nước giấu trong cái cột chính giữa của bồn nước phun. Rồi im lặng. Rồi bất thình lình nước chảy ào ra chung quanh nàng.
Những câu chuyện Hana đọc cho bệnh nhân người Anh nghe, du hành cùng ông già lang thang trong truyện Kim[44] hoặc với Fabrizio trong Tu viện thành Parma[45], đã làm họ say mê trong cơn lốc của quân đội và ngựa xe - những người đang chạy trốn hoặc đang chạy đến chiến tranh. Chất trong một góc phòng của ông là những cuốn sách khác nàng đã đọc cho ông nghe, khung cảnh trong những cuốn sách ấy họ đã đi qua.
Nhiều cuốn sách bắt đầu bằng sự đảm bảo trình tự của tác giả. Người ta chèo vào vùng nước trong những cuốn sách ấy trong êm lặng.
Tôi bắt đầu tác phẩm của mình khi Servius Galba là Quan Nhiếp Chính Tối Cao… Lịch sử của Tiberius, Caligula, Claudius và Nero, trong lúc họ có thế lực, đã bị ngụy tạo vì sợ hãi, và sau khi họ chết đi được viết ra trong một nỗi căm ghét mới.
Tacitus bắt đầu cuốn Niên sử[46] của ông như thế.
Nhưng sách truyện mở đầu bằng một sự ngập ngừng hoặc hỗn loạn. Người đọc không bao giờ hoàn toàn thăng bằng. Một cánh cửa một ổ khóa một đập nước mở ra và họ xông vào, một tay nắm mép thuyền, tay kia cầm cái mũ.
Khi nàng bắt đầu một cuốn sách, nàng đi qua những khung cửa vòm vào những khoảng sân rộng. Parma và Paris và Ấn Độ trải những tấm thảm mời mọc.
Để chống lại những sắc lệnh thành phố, ông cưỡi lên khẩu súng thần công Zam-Zammah, nằm trên bệ gạch đối diện căn nhà cổ Ajaib-Gher - Căn Nhà Kỳ Diệu, như những người địa phương gọi Bảo tàng viện Lahore. Ai nắm giữ Zam-Zammah, “con rồng phun lửa” ấy, sẽ nắm giữ vùng Punjab, vì khẩu đại bác bằng đồng xanh to lớn ấy luôn luôn là chiến lợi phẩm đầu tiên của kẻ chiến thắng.
“Đọc chầm chậm thôi, cô bé ạ, cô phải đọc Kipling thật chậm rãi. Cẩn thận xem chừng dấu phẩy ở đâu để cô có thể tìm ra những chỗ nghỉ tự nhiên của câu. Ông ấy viết bằng bút và mực. Tôi tin là ông rời mắt khỏi trang giấy và ngước lên nhiều lần, nhìn đăm đăm qua cửa sổ và lắng nghe tiếng chim, như đa số những người viết cô độc thường làm. Có người viết không biết tên của những con chim, nhưng ông ấy biết. Mắt cô nhanh quá, Bắc Mỹ quá. Cô hãy nghĩ đến nhịp độ cây bút của ông ấy. Nếu không thì đấy là một đoạn văn đầu tiên đầu gà đít vịt đáng sợ lắm.”
Đấy là bài học đầu tiên của bệnh nhân người Anh về cách đọc sách. Ông không ngắt lời nàng nữa. Nếu ông ngủ nàng sẽ tiếp tục đọc, không hề ngước nhìn lên cho đến khi chính nàng thấy mệt. Nếu ông bỏ sót nửa giờ cuối của câu chuyện, đấy chỉ là một căn phòng tối trong câu chuyện hẳn ông đã biết. Ông quen thuộc với bản đồ của câu chuyện. Benares ở phía đông, Chilianwallah ở phía bắc của Punjab. (Tất cả chuyện này xảy ra trước khi anh công binh vào cuộc đời họ, như trong truyện tiểu thuyết. Như thể ai đấy đã xoa những trang truyện của Kipling trong đêm như xoa một cây đèn thần. Một liều thuốc kỳ diệu.)
Từ kết cục của truyện Kim, với những câu văn tao nhã và thánh thiện - bây giờ đã được đọc đúng cách - nàng quay sang cuốn sổ ghi chép của ông bệnh nhân, cuốn sổ ông đã xoay xở bằng cách nào đấy để mang nó ra khỏi đám lửa cùng với ông. Cuốn sổ mở rộng, gần như gấp đôi bề dày nguyên thủy của nó.
Một mảnh giấy mỏng được xé ra từ trong Thánh Kinh và dán vào cuốn sổ.
Vua David già yếu bệnh hoạn nhiều năm và họ mặc y phục cho ngài nhưng ngài không ấm.
Lúc ấy tôi tớ của ngài nói, Hãy tìm cho vua một nàng trinh nữ trẻ: để nàng ấp ủ ngài, để nàng nằm trong lòng ngài, để vua chúng ta có thể được ấm.
Vì thế họ tìm một cô gái xinh đẹp khắp miền duyên hải Do Thái và tìm ra Abishag, người vùng Shunam. Thiếu nữ ấp ủ vua và chăm sóc ngài: nhưng vua không ngó ngàng đến nàng[47].
Bộ lạc… đã cứu người phi công bị bỏng mang ông đến căn cứ quân sự của người Anh ở Siwa vào năm 1944. Ông được chuyển bằng chuyến xe lửa cấp cứu lúc nửa đêm từ sa mạc Miền Tây đến Tunis, rồi bằng tàu thủy đến Ý. Lúc ấy trong cuộc chiến có hàng trăm binh lính mất trí nhớ, họ vô hại nhiều hơn là xảo trá. Những người nói họ không rõ mình là người nước nào được sắp xếp chỗ ở trong những khu nhà ở Tirrenia, chỗ có bệnh viện vùng biển. Người phi công bị bỏng là một bí ẩn khác, không giấy tờ, không nhận diện được. Trong trại giam gần bên, họ giam giữ nhà thơ người Mỹ Ezra Pound trong một cái cũi, nơi ông ta giấu trong thân mình và trong túi áo, đổi chỗ giấu hàng ngày vì khái niệm an ninh của riêng ông, một hạt khuynh diệp có cánh ông đã cúi xuống nhặt trong khu vườn của người phản bội ông khi ông bị bắt.
“Khuynh diệp là để cho ký ức[48]”
“Các anh nên tìm cách lừa tôi”, người phi công bị bỏng bảo những người thẩm vấn ông, “bắt tôi nói tiếng Đức, tôi biết tiếng Đức đấy, hỏi tôi về Don Bradman[49]. Hỏi tôi về Marmite[50], về Gertrude Jekyll[51] tuyệt vời”. Ông biết những địa điểm ở châu Âu có tranh của Giotto[52], và hầu hết những nơi người ta có thể tìm thấy bức trompe l’oeil giống như thật.
Bệnh viện vùng biển được lập nên từ những nhà tắm dọc theo bãi biển cho du khách thuê vào đầu thế kỷ. Lúc trời nóng, những cây dù Campari[53] cũ lại một lần nữa được cắm vào trong lỗ trên bàn dành cho chúng, và những người bị băng bó, những người bị thương, những người hôn mê sẽ ngồi dưới những cây dù trong không khí biển, chậm rãi nói chuyện hoặc nhìn trừng trừng hoặc nói huyên thuyên. Người đàn ông bị bỏng để ý đến cô y tá trẻ tách riêng một mình. Ông quen với những cái nhìn chết lặng như thế, biết rằng thật ra cô là bệnh nhân hơn là y tá. Ông chỉ nói với cô khi nào ông cần thứ gì.
Ông lại bị thẩm vấn. Mọi thứ ở ông rất giống người Anh ngoại trừ làn da đen như hắc ín, một xác người cổ đại khai quật trong đầm rêu giữa những người thẩm vấn.
Họ hỏi ông về tình trạng của quân Đồng Minh ở nước Ý, ông nói ông cho rằng họ đã chiếm được Florence nhưng bị kẹt trong những thị trấn vùng đồi phía bắc. Phòng tuyến Gothic. “Sư đoàn của các anh bị kẹt ở Florence và không thể vượt qua những căn cứ quân sự như Prato và Fiesole chẳng hạn vì quân Đức phòng thủ trong những tòa villa và tu viện, những nơi ấy được phòng thủ rất vững. Đây là một câu chuyện cũ - Thập Tự quân cũng phạm cùng một sai lầm trong cuộc chiến với người Saracen[54]. Giống như Thập Tự quân, bây giờ các ông cần những thị trấn đồn lũy. Những thị trấn ấy chưa bao giờ bị bỏ trống ngoại trừ những lúc có dịch tả.”
Ông nói huyên thuyên, làm họ phát điên, kẻ phản bội hay đồng minh cũng thế, khiến họ không bao giờ đoán chắc được ông là ai.
Giờ đây, nhiều tháng sau ở villa San Girolamo, trong thị trấn trên đồi phía bắc Florence, trong phòng cây lá là phòng ngủ của ông, ông nằm nghỉ ngơi như pho tượng của một hiệp sĩ đã chết ở Ravenna[55]. Ông nói rời rạc về những thị trấn ốc đảo, dòng họ Medici sau này, lối hành văn của Kipling, người đàn bà cắn vào da thịt ông. Trong cuốn sổ ghi chép của ông, bản in cuốn Lịch sử của Herodotus vào năm 1890, là những mảnh rời khác - bản đồ, những đoạn nhật ký, những đoạn viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, những đoạn văn cắt ra từ nhiều cuốn sách khác. Chỉ thiếu tên của chính ông. Vẫn không có manh mối nào về thân thế của ông, không tên, không chức vụ hoặc tiểu đoàn hoặc tiểu đội. Những điều nhắc đến trong cuốn sổ của ông đều xảy ra trước chiến tranh. Những sa mạc của Ai Cập và Libya trong thập niên 1930, chen lẫn với những điều liên quan đến nghệ thuật vẽ trên vách động hoặc nghệ thuật trưng bày hoặc những ghi chép hằng ngày bằng nét chữ nhỏ của ông. “Không có ai tóc nâu”, bệnh nhân người Anh nói với Hana khi nàng cúi xuống bên ông, “trong số những hình tượng Đức Mẹ ở Florence”.
Cuốn sổ nằm trong tay ông. Nàng lấy nó từ thân thể đang ngủ của ông và để nó lên chiếc bàn cạnh giường. Vẫn để nó mở ra, nàng đứng đấy, nhìn xuống và đọc. Nàng tự hứa sẽ không lật sang trang.
Tháng Năm năm 1936.
Tôi sẽ đọc cho các anh nghe một bài thơ, vợ của Clifton nói, bằng giọng trịnh trọng của cô, lúc nào cô cũng giữ vẻ lễ nghi, trừ phi bạn rất thân với cô. Tất cả chúng tôi đang ở trại phía nam, trong ánh lửa.
Tôi bước đi trong sa mạc. Và tôi kêu lên:
“Chúa ơi, xin đem con ra khỏi chốn này!”.
Một tiếng nói đáp: “Đấy không phải là sa mạc”.
Tôi kêu: “Thế nhưng…
Cát, hơi nóng, chân trời hoang vắng”.
Một tiếng nói đáp: “Đấy không phải là sa mạc”.
Không ai nói gì.
Cô nói, Bài thơ ấy của Stephen Crane, ông ta chưa bao giờ đến sa mạc.
Ông ta đã đến sa mạc, Madox nói.
Tháng Bảy năm 1936.
Có những sự phản bội trong chiến tranh chỉ là trò trẻ con so với sự phản bội của con người trong thời bình. Một người tình mới đi vào thói quen của người tình kia. Mọi thứ bị đập nát, phô bày trong ánh sáng mới. Chuyện này được thực hiện với những câu nói bồn chồn hoặc dịu dàng, mặc dù trái tim là một phần cơ thể thuộc về lửa.
Một câu chuyện tình không phải là chuyện về người đánh mất trái tim mình mà là chuyện về người tìm ra cư dân ủ ê ấy, người cư dân khi bất ngờ gặp được có nghĩa là thân xác không lừa được ai, không lừa được cái gì - không lừa được sự khôn ngoan của giấc ngủ hoặc thói quen giao tế. Đấy là sự hủy diệt của chính mình và quá khứ.
Trời đã gần tối trong căn phòng màu lá xanh. Hana quay người và nhận ra cổ nàng đã cứng lại vì bất động quá lâu. Nàng đã tập trung và chìm đắm vào nét chữ ngoằn ngoèo trong cuốn sổ nặng với những trang dày lấp kín bản đồ và chữ. Thậm chí có một lá dương xỉ nhỏ dán trong sách. Lịch sử. Nàng không gấp cuốn sách lại, chưa chạm vào nó từ lúc nàng đặt nó lên cái bàn cạnh giường. Nàng bước đi xa dần nó.
Kip đang ở trong một cánh đồng phía bắc tòa villa khi anh tìm ra trái mìn lớn. Chân anh - suýt giẫm lên sợi dây điện màu xanh lá cây khi anh băng ngang vườn cây ăn trái - xoay đi để tránh sợi dây, vì thế anh mất thăng bằng, ngã quỳ xuống đất. Anh nhấc sợi dây điện cho đến khi nó căng ra, rồi lần theo nó, đi vòng vèo qua lại giữa những hàng cây.
Anh ngồi xuống ở gốc mìn với cái túi vải đặt trên đùi. Trái mìn làm anh kinh ngạc. Họ đã phủ bê tông lên nó. Họ đã đặt chất nổ ở đấy rồi trát bê tông ướt lên trên để ngụy trang cơ cấu và sức phá hủy của nó. Cách đấy khoảng bốn mét là một gốc cây trơ trụi. Một cây khác cách đấy khoảng mười mét. Cỏ đã mọc hai tháng trời trên khối bê tông.
Anh mở cái túi, lấy kéo cắt đi lớp cỏ. Anh đan một tấm lưới thừng quanh khối bê tông, rồi sau khi buộc sợi thừng và ròng rọc vào một cành cây, anh từ từ nhấc khối bê tông lên. Hai sợi dây điện dẫn từ khối bê tông xuống mặt đất. Anh ngồi xuống, tựa người vào thân cây, nhìn trái mìn. Tốc độ không quan trọng trong lúc này. Anh kéo radio tinh thể ra khỏi cái túi và đeo headphone vào. Rất nhanh, cái radio lấp đầy tai anh những điệu nhạc Mỹ của đài AIF[56]. Mỗi bài hát hay điệu nhạc khiêu vũ dài trung bình hai phút rưỡi. Anh có thể dựa vào những bài Chuỗi hạt trai[57], C-Jam Blues và những điệu nhạc khác để biết anh đã ở đấy bao lâu, lắng nghe âm nhạc bằng tiềm thức.
Tiếng động không quan trọng. Loại mìn này không phát ra tiếng tích tắc hay lách cách mơ hồ nào để báo hiệu nguy hiểm. Âm nhạc giúp anh tập trung, suy nghĩ sáng suốt hơn về những dạng cấu trúc trái mìn có thể có, về cá tính của người đã sắp xếp hệ thống dây nối rồi đổ bê tông ướt lên trên nó.
Khối bê tông treo căng trên không trung, được ràng lại bằng một sợi thừng thứ hai, có nghĩa là hai sợi dây điện sẽ không chuồi đi cho dù anh có làm gì chăng nữa. Anh đứng dậy và bắt đầu đục nhè nhẹ trái mìn được ngụy trang, dùng miệng thổi đi những mảnh bê tông vụn, rồi dùng que gỗ tưa đầu gạt thêm nhiều mẩu bê tông rời ra. Anh chỉ ngưng sự tập trung của mình khi tiếng nhạc bị chệch sóng và anh phải dò lại, khiến những điệu nhạc swing trong trẻo trở lại. Rất chậm chạp, anh đào lên một chuỗi dây điện. Sáu sợi dây cột vào nhau rối nùi, tất cả đều màu đen.
Anh phủi bụi bảng gắn mạch của sáu sợi dây.
Sáu sợi dây đen. Khi anh còn nhỏ, cha anh từng chụm những ngón tay của ông lại, che chúng đi chỉ để chừa ra những đầu ngón tay, bắt anh đoán ngón nào là ngón giữa. Ngón tay nhỏ bé của anh sẽ chạm vào ngón tay anh chọn, và bàn tay của cha anh sẽ xòe ra cho thấy cậu bé đã lầm. Dĩ nhiên sợi dây đỏ có thể được dùng làm âm cực. Nhưng đối thủ này không những đổ bê tông lên trái mìn mà còn sơn đen tất cả các dây. Kip đang bị cuốn vào một cơn lốc xoáy tâm lý. Anh bắt đầu dùng dao cạo bỏ lớp sơn, để lộ ra một sợi dây đỏ, một sợi dây xanh dương, một sợi dây xanh lá cây. Đối thủ của anh có đổi màu dây không? Anh sẽ phải dùng sợi dây đen của mình lần ngược lại như một dòng sông hình vòng cung, rồi thử mạch điện để tìm những điểm âm dương. Rồi anh sẽ tìm chỗ điện thế đang yếu đi và biết được nguy hiểm nằm ở chỗ nào.
Hana đang khiêng một tấm gương dài trước mặt đi trên hành lang. Chốc chốc nàng dừng lại vì tấm gương nặng rồi đi tiếp, tấm gương phản chiếu lối đi màu hồng đậm cũ kỹ.
Ông người Anh muốn nhìn thấy chính mình. Trước khi nàng bước vào phòng, nàng cẩn thận xoay mặt phản chiếu của tấm gương về phía mình, không muốn ánh sáng gián tiếp dội từ cửa sổ lên mặt ông.
Ông nằm đấy trong làn da tăm tối của mình, điểm màu nhạt duy nhất là chiếc máy trợ thính trong tai ông và ánh sáng dường như rực lên từ mặt gối của ông. Ông dùng tay đẩy những tấm khăn trải giường xuống. Đây, làm thế này, tay ông đẩy khăn xuống xa hết mức, và Hana hất tấm khăn xuống cuối giường.
Nàng đứng trên một cái ghế ở chân giường, từ từ nghiêng tấm gương xuống người ông. Nàng đang ở trong tư thế ấy, hai tay giữ tấm gương trước mặt, khi nàng nghe tiếng la hét văng vẳng.
Thoạt tiên nàng không để ý. Tiếng động trong thung lũng thường vọng đến căn nhà. Loa phóng thanh của đội quân dọn mìn luôn làm nàng khó chịu khi nàng sống một mình với bệnh nhân người Anh.
“Giữ tấm gương cho yên, cô bé”, ông nói.
“Tôi nghĩ có ai đang hét. Ông có nghe thấy không?” Bàn tay trái của ông vặn máy trợ thính to lên. “Thằng bé đấy. Cô nên đi xem sao.”
Nàng dựa tấm gương vào tường rồi vội vã chạy qua hành lang. Ra khỏi nhà, nàng dừng lại để đợi tiếng hét kế tiếp. Khi tiếng hét đến, nàng chạy qua khu vườn vào những cánh đồng phía trên căn nhà.
Anh đứng, hai tay giơ quá đầu như đang chống đỡ một mạng nhện khổng lồ. Anh lúc lắc đầu để cái headphone rớt ra ngoài. Khi nàng chạy đến, anh hét bảo nàng vòng qua bên trái vì khắp nơi là dây mìn. Nàng dừng lại. Đây là lối nàng đã đi qua bao nhiêu lần mà không thấy cảm giác nguy hiểm nào. Nàng nhấc váy lên và bước tới, nhìn xuống chân mình khi chúng vào trong đám cỏ cao.
Hai tay anh vẫn giơ lên trời khi nàng đến bên anh. Anh đã bị lừa, cuối cùng nắm hai sợi dây điện sống anh không thể buông ra nếu không có sự an toàn của một đoạn dây không dẫn điện. Anh cần bàn tay thứ ba để cầm một sợi dây và anh cần trở lại chỗ ngòi mìn một lần nữa. Anh thận trọng đưa hai sợi dây cho nàng rồi buông thõng hai cánh tay cho máu lưu thông trở lại.
“Tôi sẽ lấy chúng lại ngay.” “Không sao đâu.”
“Đứng thật yên nhé.”
Anh mở cái túi lấy máy đếm Geiger và nam châm. Anh đo dọc theo hai sợi dây nàng đang cầm. Không có điểm âm. Không có manh mối. Không có gì cả. Anh lùi lại, tự hỏi trò bịp của trái mìn nằm ở đâu.
“Để tôi lấy băng keo dán hai sợi dây vào thân cây, rồi cô đi về.”
“Không sao. Tôi sẽ giữ cho anh. Dây không dài đến thân cây đâu.”
“Không được.”
“Kip… tôi giữ được.”
“Chúng ta đã đến chỗ bế tắc. Mìn có trò đùa đấy. Tôi không biết phải tiếp tục như thế nào. Tôi không biết trò bịp này tinh vi đến mức nào.”
Để nàng ở đấy, anh chạy trở lại chỗ đầu tiên anh nhìn thấy sợi dây. Anh nhấc nó lên và lần này dùng máy đếm Geiger đo suốt chiều dài của nó. Rồi anh cúi xuống cách nàng khoảng mười mét, suy nghĩ, thỉnh thoảng ngước nhìn lên, nhìn mà không thấy nàng, chỉ ngắm nghía hai nhánh dây nàng giữ trong tay. Tôi không biết, anh nói thành tiếng, chậm rãi, tôi không biết. Tôi nghĩ tôi phải cắt sợi dây trong bàn tay trái của cô, cô phải tránh đi. Anh kéo headphone radio lên đầu để âm thanh trở lại tràn đầy trong anh, mang cho anh sự sáng suốt. Anh suy tính dọc theo những đường nối khác nhau của sợi dây rồi chuyển hướng sang những nút thắt vòng vo, những góc quẹo bất ngờ, những chỗ chuyển mạch ẩn kín biến dương thành âm. Hộp đánh lửa. Anh nhớ đến con chó, mắt nó lớn như hai cái đĩa lót tách. Anh chạy đua cùng tiếng nhạc dọc theo những sợi dây, mắt vẫn không rời hai bàn tay bất động của cô gái đang cầm dây.
“Cô nên đi đi.”
“Anh cần một bàn tay nữa để cắt dây, đúng không?” “Tôi có thể dán dây vào thân cây.”
“Tôi giữ được.”
Anh lấy sợi dây giống như một con rắn nhỏ trong bàn tay trái của nàng. Rồi sợi kia. Nàng không rời đi. Anh không nói gì nữa, bây giờ anh phải suy nghĩ mạch lạc hết mức, như chỉ có một mình anh ở đấy. Nàng lại gần anh và lấy lại một sợi dây. Anh không hề biết chuyện này, sự hiện diện của nàng đã bị xóa mất. Anh đi theo đường dây của ngòi nổ một lần nữa, cùng bộ óc đã sắp xếp cơ cấu này, kiểm lại những điểm chính, nhìn thấy khung sườn của cấu trúc mìn, tiếng ban nhạc lấp đầy tất cả mọi thứ khác.
Trước khi định lý của anh phai đi, anh đến bên nàng, cắt sợi dây bên dưới nắm tay trái của nàng, tiếng cắt như vật gì bị cắn bằng răng. Anh nhìn thấy mẫu in màu sậm trên áo đầm nàng đang mặc, dọc theo bờ vai, sát cổ. Trái mìn đã thành vô hiệu. Anh buông cây kìm cắt và đặt tay lên vai nàng, cần chạm vào một người nào đấy. Nàng đang nói một điều gì anh không nghe được, rồi nàng với tay giật headphone ra để sự thinh lặng tràn vào. Làn gió nhẹ và tiếng xào xạc. Anh nhận ra anh không hề nghe tiếng “tách” của sợi dây đang bị cắt, chỉ cảm thấy nó đứt lìa, cái gẫy của một khúc xương thỏ bé nhỏ. Không buông nàng, anh đưa tay xuống dưới cánh tay nàng và giật mười lăm phân dây điện khỏi bàn tay vẫn nắm chặt của nàng.
Nàng đang nhìn anh, vẻ giễu cợt, chờ lời đáp cho câu nói của nàng, nhưng anh đã không nghe thấy nàng nói gì. Nàng lắc đầu và ngồi xuống. Anh bắt đầu thu lượm những đồ vật chung quanh mình và bỏ chúng vào cái túi của anh. Nàng nhìn lên cây, rồi tình cờ nhìn xuống và thấy hai tay anh đang run, căng thẳng và cứng đơ như tay của người bị động kinh, hơi thở anh sâu và dồn dập, rồi một thoáng sau anh trở lại bình thường. Nàng cúi xuống bên anh.
“Anh có nghe tôi nói gì không?” “Không. Cô nói gì thế?”
“Lúc nãy tôi nghĩ tôi sẽ chết. Tôi muốn chết. Và tôi nghĩ nếu tôi chết thì tôi muốn chết cùng anh. Một người như anh, còn trẻ như tôi. Trong năm vừa qua tôi đã nhìn thấy quá nhiều người hấp hối gần bên tôi. Vừa rồi tôi không thấy sợ. Chắc chắn không phải là tôi can đảm. Tôi thầm nghĩ, chúng ta có tòa villa này bãi cỏ này, chúng ta nên cùng nằm xuống, anh nằm trong vòng tay tôi, trước khi chúng ta chết. Tôi muốn chạm vào cái xương đòn gánh ở cổ anh, như một cái cánh nhỏ cứng dưới làn da anh. Tôi muốn áp những ngón tay tôi lên đấy. Tôi vẫn thích da thịt màu sông màu đá hoặc như đài hoa màu nâu của đóa cúc Susan, anh có biết hoa ấy là hoa gì không? Anh đã thấy nó lần nào chưa? Tôi mệt mỏi quá, Kip ạ, tôi muốn ngủ. Tôi muốn ngủ dưới tàng cây này, áp mắt tôi vào xương đòn gánh của anh tôi chỉ muốn nhắm mắt mà không nghĩ đến những người khác, muốn tìm một chạc cây và leo lên đấy ngủ. Bộ óc anh cẩn trọng làm sao! Biết được phải cắt sợi dây nào. Làm sao anh biết? Anh cứ nói tôi không biết tôi không biết, nhưng anh có biết. Phải không? Đừng động đậy, anh phải là một cái giường yên tĩnh cho tôi, để tôi cuộn tròn lại như thể anh là một người ông dễ thương tôi có thể ôm choàng lấy, tôi thích chữ ‘cuộn tròn’, một chữ từ tốn làm sao, anh không thể nói vội từ đó được…”
Miệng nàng áp vào áo sơ mi của anh. Anh nằm với nàng trên mặt đất, yên lặng vừa đủ, mắt anh trong trẻo, nhìn lên một cành cây. Anh có thể nghe hơi thở sâu của nàng. Khi anh quàng tay qua vai nàng thì nàng đã ngủ, nhưng nàng ghì tay anh vào người nàng. Liếc nhìn xuống, anh để ý thấy nàng vẫn còn cầm sợi dây, chắc hẳn nàng đã lại nhặt nó lên.
Hơi thở của nàng là sống động nhất. Người nàng có vẻ rất nhẹ, chắc phần lớn sức nặng của nàng không tựa lên người anh. Không biết anh có thể nằm yên như thế này bao lâu, không thể cử động hoặc quay về sự bận rộn. Điều chính yếu là phải yên lặng, cách anh dựa vào những bức tượng trong những tháng họ di chuyển dọc lên bờ biển, chiến đấu để tiến vào và vượt qua mỗi thị trấn đồn lũy cho đến khi chúng giống hệt nhau, khắp nơi là những con đường hẹp sẽ biến thành cống rãnh đầy máu, khiến anh tưởng tượng nếu anh mất thăng bằng anh sẽ trượt xuống những triền dốc ấy trên dung dịch màu đỏ rồi rơi khỏi vách đá xuống thung lũng. Mỗi đêm anh bước vào nỗi lạnh lẽo của một giáo đường chiếm được và tìm một pho tượng làm tên lính canh cho anh đêm hôm ấy. Anh chỉ tin tưởng giống người đá này, đến gần chúng hết mức trong bóng tối, một thiên thần sầu đau với cặp đùi toàn mỹ của một người nữ, đường nét và bóng dáng mềm mại làm sao. Anh sẽ đặt đầu mình lên đùi của những tạo vật như thế và buông mình vào giấc ngủ.
Đột nhiên nàng tựa người vào anh nhiều hơn. Bây giờ hơi thở nàng trầm hơn, như tiếng đàn cello. Anh ngắm khuôn mặt say ngủ của nàng. Anh vẫn bực bội vì cô gái đã ở lại trong khi anh gỡ ngòi trái mìn, như thể vì làm thế nàng đã khiến anh mắc nợ nàng. Khiến anh cảm thấy có trách nhiệm lo lắng cho nàng khi hồi tưởng lại mọi chuyện, mặc dù lúc nãy anh không hề nghĩ đến việc ấy. Như thể điều ấy có thể giúp anh quyết định gỡ mìn như thế nào.
Nhưng anh cảm thấy bây giờ anh đang ở bên trong một thứ gì đấy, không chừng là một bức tranh anh đã nhìn thấy đâu đó trong năm vừa qua. Cặp trai gái an bình trên một cánh đồng. Anh đã nhìn thấy bao nhiêu cặp trai gái như thế, với vẻ lười lĩnh của họ trong giấc ngủ, không hề nghĩ đến công việc hoặc những mối nguy hiểm của thế gian. Bên cạnh anh là những xao động trong hơi thở của Hana như chuyển động của một chú chuột; đôi mày nàng nhướng lên tranh cãi, một cơn thịnh nộ nho nhỏ trong giấc mơ của nàng. Anh quay mắt đi, nhìn lên cây và bầu trời mây trắng. Bàn tay nàng ghì chặt lấy anh như bùn bám vào bờ sông Moro, nắm tay của anh thọc vào lớp đất ướt để giữ cho anh không bị trượt trở lại vào dòng nước xiết anh đã vượt qua.
Nếu anh là nhân vật nam chính trong bức tranh, anh đáng được ngủ một giấc. Nhưng ngay cả nàng cũng đã nói, anh là màu nâu của đá, của dòng sông ngập bùn sau mưa bão. Một điều gì đấy trong anh đã khiến anh lùi tránh ngay cả một câu nói ngây thơ trong trắng như thế. Gỡ ngòi mìn thành công là kết thúc của những cuốn tiểu thuyết. Những ông da trắng khôn ngoan với vẻ cha già bắt tay, được cảm tạ, rồi khập khiễng bỏ đi, sau khi đã được thuyết phục rời bỏ sự cô độc vì dịp đặc biệt này. Nhưng anh là một chuyên viên. Và anh vẫn là người ngoại quốc, người Sikh. Liên hệ riêng duy nhất của anh với con người là kẻ thù đã cài mìn rồi vừa đi vừa dùng một cành cây quét dấu vết sau lưng hắn.
Tại sao anh không thể ngủ? Tại sao anh không thể quay về phía cô gái, thôi không nghĩ rằng mọi thứ vẫn là ngọn lửa le lói chưa tàn? Trong bức tranh anh tưởng tượng, cánh đồng chung quanh vòng tay ôm ấp này đang bốc cháy. Có lần anh dùng ống nhòm theo dõi một người lính công binh đi vào một căn nhà có mìn. Anh thấy anh ta gạt một hộp diêm khỏi mép bàn và ánh sáng bao phủ anh ta trong vòng nửa giây trước khi tiếng nổ vụn vỡ của trái mìn đến tai anh. Sấm chớp vào năm 1944 là như thế đấy. Làm sao anh có thể tin cậy ngay cả vòng dây thun trên tay áo đầm của cô gái ôm sát cánh tay cô? Hoặc tiếng lách tách trong hơi thở gần gụi của cô, trầm sâu như những hòn đá trong lòng sông.
Nàng thức dậy khi con sâu bò từ cổ áo đầm lên má nàng, và nàng mở mắt, nhìn thấy anh cúi xuống bên nàng. Anh nhặt con sâu trên mặt nàng, không chạm đến làn da của nàng, rồi đặt nó xuống cỏ. Nàng để ý thấy anh đã gói ghém đồ nghề của anh. Anh lùi lại, ngồi tựa vào thân cây, nhìn nàng trong lúc nàng chậm chạp lăn người nằm ngửa và vươn vai, kéo dài hết mức giây phút ấy. Trời chắc đã về chiều, mặt trời đã qua bên kia. Nàng ngửa đầu nhìn anh.
“Đáng lẽ anh phải ôm tôi!”
“Tôi đã làm thế. Cho đến khi cô trở mình.” “Anh ôm tôi bao lâu?”
“Cho đến khi cô cử động. Cho đến khi cô cần cử động.”
“Anh không giở trò gì đấy chứ?” Nàng thêm: “Đùa tí thôi” khi thấy anh bắt đầu đỏ mặt.
“Anh có muốn xuống nhà không?” “Có. Tôi đói rồi.”
Nàng gần như không đứng lên nổi, ánh mặt trời chói lóa, hai chân nàng mỏi nhừ. Nàng vẫn chưa biết họ đã ở đấy bao nhiêu lâu. Nàng không thể quên nàng đã rơi rất nhẹ vào giấc ngủ, và ngủ rất say.
Buổi họp mặt trong phòng bệnh nhân người Anh nhen nhúm khi Caravaggio khoe chiếc máy gramophone anh tìm được ở đâu đó.
“Chú sẽ dùng nó để dạy cháu khiêu vũ, Hana. Không phải là loại khiêu vũ anh bạn trẻ của cháu biết. Chú đã nhìn thấy và chê một số điệu nhảy. Nhưng điệu nhạc này, Chuyện này kéo dài bao lâu rồi[58], là một trong những bài hát tuyệt vời vì phần nhạc dạo đầu còn tinh túy hơn bài hát chính. Chỉ có những người chơi nhạc jazz hay tuyệt mới xác nhận điều ấy. Chúng ta có thể tổ chức buổi họp mặt ở hàng hiên, như thế chúng ta có thể mời thêm con chó, hoặc chúng ta có thể lấn vào chỗ của ông người Anh và họp mặt trong phòng ngủ trên lầu. Anh bạn trẻ không uống rượu của cháu đã xoay xở tìm được mấy chai rượu vang ở San Domenico ngày hôm qua. Chúng ta không chỉ có nhạc thôi. Đưa tay cho chú nào. Không được. Đầu tiên chúng ta phải lấy phấn vẽ lên sàn nhà rồi tập dượt. Ba bước chính - một-hai-ba - bây giờ thì đưa tay cho chú. Hôm nay có chuyện gì xảy ra không?”
“Anh ấy gỡ một trái mìn lớn, một trái mìn khó gỡ. Để anh ấy kể cho chú nghe.”
Anh công binh nhún vai, không phải với vẻ khiêm tốn, mà như thể chuyện ấy quá phức tạp không giải thích được. Đêm xuống nhanh, đêm tràn ngập thung lũng rồi phủ lên những ngọn núi, và một lần nữa chỉ còn những ngọn đèn ở lại với họ.
Họ đang lúp xúp đi bên nhau trong hành lang dẫn đến phòng bệnh nhân người Anh, Caravaggio bê máy gramophone, một tay anh cầm đầu kim của máy.
“Bây giờ, trước khi ông bắt đầu nói chuyện lịch sử”, anh nói với hình dáng bất động trên giường, “tôi sẽ xin giới thiệu Mối tình của tôi[59]”.
“Do ông Lorenz Hart viết vào năm 1935 thì phải”, ông người Anh lẩm bẩm. Kip đang ngồi ở cửa sổ, và nàng nói nàng muốn khiêu vũ với anh công binh.
“Đợi đến sau khi chú dạy cháu biết khiêu vũ đã, con giun thân mến ạ.”
Nàng ngước nhìn Caravaggio với vẻ lạ lùng; đấy là tên gọi âu yếm của cha nàng dành cho nàng. Anh kéo nàng vào vòng tay gấu cồ kề của anh và nói “con giun thân mến” một lần nữa, rồi bắt đầu bài học khiêu vũ.
Nàng mặc một cái áo đầm sạch nhưng không ủi. Mỗi lần họ xoay tròn nàng nhìn thấy anh công binh hát nho nhỏ theo lời nhạc. Nếu họ có điện, có thể họ đã có một cái radio, có thể họ đã nghe được tin tức của cuộc chiến ở đâu đó. Họ chỉ có cái radio tinh thể thuộc về Kip, nhưng anh đã nhã nhặn để nó lại trong lều của anh. Bệnh nhân người Anh đang bàn về cuộc đời bất hạnh của Lorenz Hart. Ông cho rằng một số lời nhạc hay nhất của Lorenz Hart trong bài Manhattan đã bị sửa đổi, và bây giờ ông hát những đoạn ấy.
Mình sẽ tắm ở bãi biển Brighton;
Mình sẽ làm lũ cá hoảng hồn
Khi mình ở trong nước.
Áo tắm em mỏng quá
Sẽ khiến cua tôm cười
Từ vây này sang vây kia.
“Lời nhạc hay tuyệt, khêu gợi nữa, nhưng người ta ngờ rằng Richard Rodgers muốn lời nhạc đứng đắn hơn.”
“Cháu thấy đấy, cháu phải đoán chuyển động của chú.” “Tại sao chú không đoán chuyển động của cháu?”
“Chú sẽ đoán khi cháu biết cháu phải làm gì. Hiện tại chỉ có mình chú biết phải làm gì thôi.”
“Cháu dám cá là Kip biết.”
“Có thể cậu ấy biết nhưng cậu ấy sẽ không chịu nhảy.” “Tôi muốn uống rượu”, bệnh nhân người Anh nói, và anh công binh lấy một ly nước, hắt nước trong ly qua cửa sổ rồi rót rượu cho ông.
“Đây là ly rượu đầu tiên của tôi trong khoảng một năm.”
Có một tiếng động mơ hồ, và anh công binh quay phắt lại, nhìn ra bóng tối ngoài cửa sổ. Những người khác sững lại. Có thể là tiếng một trái mìn. Anh quay lại nhóm người và nói, “Không sao, không phải mìn. Hình như là tiếng từ một khu đã sạch mìn”.
“Lật đĩa hát qua mặt kia đi, Kip. Bây giờ tôi sẽ giới thiệu với các bạn Chuyện này kéo dài bao lâu rồi của…” Anh chừa khoảng trống cho bệnh nhân người Anh, ông không đoán được, lắc đầu, vừa cười vừa uống rượu.
“Rượu này không chừng sẽ giết tôi mất.”
“Không có cái gì giết nổi ông bạn đâu. Ông là carbon tinh khiết.”
“Chú Caravaggio!”
“George và Ira Gershwin. Nghe này.”
Anh và Hana lướt đi trong tiếng kèn saxophone buồn bã. Anh nói đúng. Cách phân câu thật chậm rãi, kéo dài, đến nỗi nàng có thể cảm thấy người nhạc sĩ không muốn rời căn phòng khách là phần dạo đầu để đi vào bài nhạc, muốn dừng lại đấy mãi, nơi câu chuyện chưa bắt đầu, như thể tác giả đã mê thích một cô gái trong đoạn mở đầu. Ông người Anh thì thầm rằng phần mở đầu của những bài hát như thế được gọi là “chủ đề”.
Má nàng tựa vào những bắp thịt trên vai Caravaggio. Nàng có thể cảm thấy hai bàn tay ghê gớm ấy trên lưng nàng, áp vào chiếc áo đầm sạch, và họ di chuyển trong khoảng không gian nhỏ hẹp giữa cái giường và bức tường, giữa cái giường và cánh cửa, giữa cái giường và vòm cửa sổ nơi Kip đang ngồi. Thỉnh thoảng khi họ xoay người nàng sẽ nhìn thấy khuôn mặt anh. Hai cánh tay anh tựa trên hai đầu gối co lại. Hoặc anh đang nhìn ra bóng tối ngoài cửa sổ.
“Có ai biết điệu nhảy tên là Vòng ôm Bosphorus[60] không?”, ông người Anh hỏi. “Không có điệu nhảy ấy.”
Kip nhìn những chiếc bóng to lớn lướt trên trần nhà, trên bức tường sơn vẽ. Anh gắng gượng đứng lên, bước đến bên bệnh nhân người Anh để rót đầy lại ly rượu cho ông, cầm chai rượu chạm vào vành ly để cụng ly với ông. Ngọn gió Tây thổi vào phòng. Đột nhiên anh quay mình, giận dữ. Anh mơ hồ ngửi thấy mùi thuốc nổ cordite trong không khí, và anh lẻn ra khỏi phòng, ra dấu rằng anh mệt, để lại Hana trong vòng tay của Caravaggio.
Khi chạy dọc theo hành lang tối, anh không mang đèn. Anh vớ cái túi, ra khỏi nhà, chạy nhanh xuống ba mươi sáu bậc thang của giáo đường nhỏ đến mặt đường, chỉ chạy thôi, xóa bỏ ý nghĩ mệt nhọc ra khỏi thân mình.
Đấy là một người lính công binh hay là một thường dân? Mùi hoa cỏ dọc theo bức tường bên đường, cảm giác đau nhói bắt đầu bên sườn anh. Một tai nạn hoặc một lựa chọn sai lầm. Lính công binh thường ít giao du. Họ là một nhóm người với cá tính lạ lùng, phần nào giống những thợ đá hoặc thợ ngọc, họ có một sự cứng cỏi và minh mẫn bên trong, những quyết định của họ đáng sợ ngay cả với người trong nghề. Kip nhận ra phẩm chất ấy trong số thợ mài ngọc nhưng không bao giờ ở chính mình, dù anh biết những người khác nhìn thấy điều ấy ở anh. Lính công binh không bao giờ thân thiết với nhau. Khi chuyện trò, họ chỉ truyền đạt tin tức, những phương thức mới, những thói quen của kẻ địch. Anh sẽ bước vào tòa thị chính, nơi họ trú đóng, mắt anh sẽ nhìn thấy ba khuôn mặt và biết rằng người thứ tư vắng mặt. Hoặc sẽ có bốn người họ và trong một cánh đồng ở đâu đó là xác chết của một ông già hoặc một cô gái.
Anh đã học những biểu đồ trình tự khi anh gia nhập quân đội, những bản vẽ thiết kế càng lúc càng phức tạp, như những nút thắt tinh xảo hoặc những ký âm của bản nhạc. Anh khám phá ra rằng anh có tài nhìn ba chiều, cái nhìn bất thường có thể ngắm một vật hoặc một trang tài liệu rồi sắp xếp nó lại, nhìn thấy tất cả những điều không cần thiết. Anh có bản chất bảo thủ nhưng cũng có khả năng tưởng tượng ra những phương thức ghê gớm nhất, khả năng tai nạn xảy ra trong một căn phòng - một trái mận trên bàn, một đứa bé đến ăn hột mận độc, một người đàn ông bước vào căn phòng tối, trước khi vào giường với vợ lỡ tay nới lỏng chụp đèn dầu ra khỏi chân đèn. Phòng nào cũng có nhiều sắp xếp như thế. Cái nhìn bất thường có thể thấy đường dây chôn dưới bề mặt, một nút thắt kết lại như thế nào ở ngoài tầm nhìn. Anh bỏ không xem truyện trinh thám, khó chịu vì anh có thể đoán ra kẻ ác quá dễ dàng. Anh thoải mái nhất bên những người đàn ông có cái điên rồ trừu tượng của kẻ tự học, như thầy của anh, Huân tước Suffolk, như bệnh nhân người Anh.
Anh chưa có lòng tin vào sách. Những ngày gần đây, Hana ngắm anh ngồi cạnh bệnh nhân người Anh, đối với nàng dường như đấy là truyện Kim đảo ngược. Người học trò trẻ tuổi bây giờ là người Ấn, ông thầy già khôn ngoan là người Anh. Nhưng ban đêm chính Hana là người ở bên ông già, người hướng dẫn ông qua những ngọn núi đến dòng sông thánh. Thậm chí họ đã cùng nhau đọc cuốn sách ấy, giọng Hana chậm lại khi làn gió thổi rạp ngọn lửa nến bên cạnh nàng, trang sách tối lại trong một thoáng.
Anh ngồi xổm trong một góc của phòng đợi ồn ào, gạt bỏ đi tất cả ý nghĩ khác; hai bàn tay xếp lại trên đầu gối, hai con ngươi thu nhỏ lại như đầu kim. Trong một phút - nửa giây nữa thôi - anh cảm thấy mình sẽ tìm ra lời giải cho câu đố quan trọng….
Nàng đoán rằng, bằng cách nào đấy, trong những đêm dài họ cùng đọc sách và lắng nghe, họ đã tự chuẩn bị đón anh lính trẻ, cậu bé đã lớn lên, đến với họ. Nhưng chính Hana mới là cậu bé trong truyện. Nếu Kip là một nhân vật trong truyện, anh phải là sĩ quan Creighton.
Một cuốn sách, một bản đồ nút thắt, một bảng gắn mạch điện, một căn phòng có bốn người trong một tòa villa bị bỏ trống chỉ thắp sáng bằng ánh nến, đôi khi bằng ánh sáng của giông bão, đôi khi bằng ánh sáng có thể phát ra từ một vụ nổ. Không có điện, núi đồi và Florence thành mù mịt. Ánh nến tỏa ra chưa đến năm mươi mét. Từ khoảng cách xa hơn, ở đây không có điều gì thuộc về thế giới bên ngoài. Trong điệu nhảy ngắn ngủi tối nay trong phòng bệnh nhân người Anh, họ đã ăn mừng những cuộc phiêu lưu giản dị của riêng họ - với Hana là giấc ngủ, với Caravaggio là “tìm ra” máy gramaphone, với Kip là gỡ được trái mìn khó, dù Kip hầu như đã quên mất giây phút ấy rồi. Anh là người không cảm thấy thoải mái trong liên hoan, trong chiến thắng.
Chỉ cách đấy năm mươi mét, không có sự hiện diện của họ trong thế gian, không một âm thanh hoặc hình ảnh nào của họ trong con mắt của thung lũng lúc hai chiếc bóng của Hana và Caravaggio lướt qua những bức tường và Kip thoải mái ngồi bên trong vòm cửa sổ và bệnh nhân người Anh nhấp rượu vang, cảm thấy chất rượu thấm qua thân thể không dùng đến của ông, khiến ông say rất nhanh, mang vào giọng ông tiếng huýt của con cáo sa mạc, tiếng vỗ cánh của con chim hét ông nói rằng chỉ tìm được ở Essex, vì nó thích ở gần cây oải hương và cây ngải tây. Tất cả khao khát của người đàn ông bị bỏng nằm trong đầu ông, anh công binh tự nghĩ khi ngồi trong vòm cửa sổ bằng đá. Rồi anh bất chợt quay đầu lại, biết mọi chuyện khi anh nghe âm thanh ấy, biết chắc chắn. Anh ngoảnh lại nhìn họ, và lần đầu tiên trong đời, anh nói dối - “Không sao, không phải mìn. Hình như là tiếng từ một khu đã sạch mìn” - rồi chuẩn bị đợi đến lúc anh ngửi thấy mùi thuốc nổ cordite.
Bây giờ, nhiều giờ sau, một lần nữa Kip lại ngồi trong vòm cửa sổ. Nếu anh có thể bước khoảng cách bảy mét ngang qua phòng của ông người Anh và chạm vào nàng, anh sẽ tỉnh táo. Trong phòng rất ít ánh sáng, chỉ có ngọn nến trên bàn chỗ nàng ngồi, đêm nay nàng không đọc sách; anh nghĩ có lẽ nàng hơi say.
Từ chỗ mìn nổ, anh đã trở về và thấy Caravaggio đang ngủ trên ghế sofa trong thư viện, tay ôm con chó. Con vật nhìn anh khi anh ngừng lại ở cánh cửa mở, nó cử động thân hình vừa đủ để xác nhận rằng nó đang thức và canh chừng chỗ ấy. Tiếng gừ nhỏ của nó át tiếng ngáy của Caravaggio.
Anh cởi giày bốt, cột hai sợi dây giày lại với nhau rồi quàng chúng lên vai trong lúc anh lên lầu. Trời bắt đầu mưa và anh cần một tấm vải dầu cho lều của anh. Từ hành lang anh nhìn thấy phòng bệnh nhân người Anh vẫn còn ánh đèn.
Nàng ngồi trên ghế, một khuỷu tay tựa lên bàn nơi ngọn nến thấp tỏa sáng, đầu nàng ngả ra sau. Anh để đôi giày bốt xuống sàn nhà và lặng lẽ vào phòng, nơi có cuộc họp mặt ba giờ trước đấy. Anh có thể ngửi thấy mùi rượu trong không gian. Lúc anh vào, nàng để những ngón tay lên môi rồi chỉ về phía bệnh nhân. Ông sẽ không nghe thấy bước chân êm lặng của Kip. Anh công binh ngồi lại vào trong hốc cửa sổ. Nếu anh có thể bước ngang qua căn phòng và chạm vào nàng, anh sẽ tỉnh táo. Nhưng giữa họ là một hành trình phức tạp và trắc trở. Đấy là một thế giới rất rộng lớn. Và tiếng động nào cũng sẽ đánh thức ông người Anh, máy trợ thính của ông đã được vặn lớn hết cỡ khi ông ngủ, để ông có thể an tâm trong nhận thức của riêng mình. Đôi mắt cô gái đảo quanh phòng, rồi ngưng lại khi nàng đối diện Kip trong khung cửa sổ hình chữ nhật.
Anh đã tìm ra địa điểm của cái chết, những gì còn lại ở đấy, và họ đã chôn Hardy, đội phó của anh. Sau đó anh nghĩ mãi đến cô gái ban chiều, đột nhiên hoảng sợ cho nàng, tức giận nàng vì nàng đã tự liên lụy mình. Nàng đã gắng làm hại đời mình không chút đắn đo. Nàng nhìn anh chăm chăm. Dấu hiệu cuối cùng của nàng là ngón tay trên môi.
Anh nghiêng người quẹt một bên má vào vòng dây gắn trên vai mình.
Anh đã đi xuyên qua ngôi làng về nhà, mưa rơi xuống hàng cây xén ngọn trong quảng trường của thị trấn, hàng cây chưa được cắt tỉa từ lúc cuộc chiến bắt đầu, qua bức tượng kỳ lạ của hai người đàn ông ngồi trên lưng ngựa bắt tay nhau. Bây giờ anh ở đây, ánh nến chập chờn biến đổi nét mặt nàng, khiến anh không biết được nàng đang nghĩ gì. Khôn ngoan hay buồn bã hay tò mò.
Nếu nàng đang đọc sách hoặc đang cúi xuống bên ông người Anh, chắc anh sẽ gật đầu chào nàng rồi đi ra, nhưng bây giờ anh đang ngắm Hana như một người trẻ tuổi đơn độc. Tối nay, nhìn cảnh mìn nổ, anh bắt đầu e sợ sự hiện diện của nàng trong khi anh gỡ mìn lúc chiều. Anh phải dứt bỏ sự hiện diện ấy đi, nếu không nàng sẽ có mặt bên anh mỗi lần anh tiến đến một ngòi nổ. Anh sẽ cưu mang sự hiện diện của nàng. Khi anh làm việc, sự minh mẫn và âm nhạc tràn ngập trong anh, thế giới con người đã bị dập tắt. Bây giờ nàng ở trong anh hoặc trên vai anh, như có lần anh nhìn thấy một con dê còn sống được người sĩ quan khiêng ra ngoài con đường hầm họ đang cố làm cho ngập lụt.
Không.
Điều ấy không đúng. Anh muốn bờ vai của Hana, muốn đặt lòng bàn tay của anh lên vai nàng như anh đã làm trong ánh nắng lúc nàng ngủ và anh đã nằm đấy như thể nằm trong tầm nhắm của một cây súng trường, cảm thấy ngượng ngập với nàng. Trong khung cảnh của người họa sĩ tưởng tượng. Anh không muốn được an ủi nhưng anh muốn bao bọc nàng trong an ủi, để dẫn lối cho nàng ra khỏi căn phòng này. Anh không chịu tin rằng mình có nhược điểm, và với nàng anh chưa tìm thấy nhược điểm nào để so sánh với mình. Cả hai người không ai muốn người kia thấy được điểm yếu của mình. Hana ngồi thật yên. Nàng nhìn anh, ngọn nến lắt lay khiến nét mặt nàng biến đổi. Anh không biết rằng với nàng anh chỉ là một bóng dáng, thân hình mảnh dẻ và làn da anh là một phần của bóng tối.
Trước đấy, khi nàng thấy anh đã rời vòm cửa sổ, nàng đã nổi giận. Vì biết anh tránh không cho họ biết chuyện mìn nổ như thể họ là trẻ con. Nàng đã áp sát vào Caravaggio hơn. Điều anh làm là một sự sỉ nhục. Tối nay, cảm giác hứng thú đang dâng của buổi tối không cho phép nàng đọc sách sau khi Caravaggio rời phòng, ghé qua chỗ hộp thuốc của nàng để trộm thuốc trước khi đi ngủ, và sau khi bệnh nhân người Anh búng ngón tay xương xẩu trong không khí, hôn lên má nàng khi nàng cúi xuống bên ông.
Nàng đã thổi tắt những ngọn nến khác, chỉ thắp khúc nến đêm ở cái bàn cạnh giường và ngồi đấy, thân hình của ông người Anh đối diện nàng trong yên lặng sau những bài diễn văn say mèm phóng túng của ông. “Đôi khi tôi sẽ là con ngựa, đôi khi tôi là chó săn. Là con heo, là con gấu cụt đầu, đôi khi là ngọn lửa.[61]” Nàng có thể nghe thấy lớp sáp trào xuống chiếc khay kim loại bên cạnh nàng. Anh công binh đã đi qua thị trấn đến một khoảng đồi nào đấy nơi vụ nổ diễn ra, và sự im lặng không cần thiết của anh vẫn còn khiến nàng tức giận.
Nàng không thể đọc sách. Nàng ngồi trong phòng với người đàn ông mãi mãi đang hấp hối của nàng, eo nàng vẫn còn cảm thấy đau vì vết bầm khi nàng vô ý đụng vào tường trong lúc khiêu vũ với Caravaggio.
Bây giờ nếu anh tiến lại phía nàng, nàng sẽ chỉ nhìn anh, sẽ dùng sự im lặng tương tự với anh. Để mặc anh suy đoán, mở lời trước. Nàng đã từng được binh lính làm quen trước đây.
Nhưng anh làm thế này. Trong lúc băng ngang phòng, anh thọc tay sâu vào chiếc túi để mở vẫn quàng trên vai. Bước chân anh êm lặng. Anh xoay người và dừng lại bên giường. Khi bệnh nhân người Anh thở xong một hơi dài, anh dùng kìm cắt sợi dây của máy trợ thính rồi thả cái kìm vào túi trở lại. Anh quay lại và nhoẻn cười với nàng.
“Sáng mai tôi sẽ nối lại dây cho ông ấy.”
Anh đặt bàn tay trái của anh lên vai nàng.
David Caravaggio - dĩ nhiên tên này mà đặt cho anh thì thật là vô lý…”
“Ít nhất là tôi cũng có tên.” “Đúng thế.”
Caravaggio ngồi trên ghế của Hana. Nắng chiều tràn ngập căn phòng, soi những hạt bụi lơ lửng. Khuôn mặt đen gầy của ông người Anh, với cái mũi khoằm, trông tựa như một con chim ưng bất động quấn trong những tấm khăn trải giường. Cái quan tài của một con chim ưng, Caravaggio nghĩ.
Ông người Anh xoay về phía anh.
“Có một bức tranh của Caravaggio, vẽ lúc cuối đời. David và cái đầu của Goliath[62]. Trong bức tranh, người dũng sĩ trẻ giơ thẳng tay nắm cái đầu già nua tàn tạ của Goliath.
Nhưng đấy không phải là điểm đáng buồn thực sự trong bức tranh. Người ta cho rằng khuôn mặt của David là chân dung của Caravaggio lúc trẻ và cái đầu của Goliath là chân dung của ông lúc già, dáng vẻ của ông khi ông vẽ bức tranh. Tuổi trẻ thẳng tay phán xét tuổi già. Sự phán xét của một người về sự tử vong của chính mình. Khi tôi nhìn thấy Kip ở chân giường tôi, tôi nghĩ cậu ấy là David của tôi.”
Caravaggio ngồi đấy trong im lặng, tư tưởng lạc lõng trong đám bụi lơ lửng. Cuộc chiến đã làm anh mất cân bằng, và trong tình trạng của anh bây giờ anh không thể trở về thế giới nào khác, mang những chân tay giả tạo do morphine hứa hẹn. Anh là một người đàn ông trung niên chưa hề quen cảnh gia đình. Cả đời anh né tránh một mối thân tình vĩnh viễn. Trước cuộc chiến này, anh làm một người tình khá hơn là làm một người chồng. Anh đã là người đàn ông len lén bỏ đi, như người tình rời bỏ rối rắm, như tên trộm rời bỏ căn nhà đã bị bòn rút.
Anh ngắm người đàn ông trên giường. Anh cần biết ông người Anh đến từ sa mạc này là ai, rồi tiết lộ thân thế ông vì Hana. Hoặc có lẽ ngụy tạo cho ông một lớp vỏ, như acid tannic ngụy trang da thịt của một người đàn ông bị bỏng.
Làm việc ở Cairo trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, anh đã được huấn luyện để bịa ra những điệp viên nhị trùng hoặc những bóng ma sẽ dần dà mang da thịt. Anh được giao một điệp viên hoang đường tên “Phô Mai”, và anh tốn nhiều tuần để choàng lên người hắn những sự kiện, cho hắn những cá tính - chẳng hạn như tính tham lam và mê rượu khi hắn tiết lộ những tin đồn nhảm cho quân địch. Cũng như một số người ở Cairo, anh làm việc cho những trung đội tưởng tượng trong sa mạc. Anh đã sống qua thời gian của cuộc chiến khi tất cả mọi thứ truyền đạt cho những người chung quanh anh là dối trá. Anh đã cảm thấy mình như một người đàn ông bắt chước tiếng chim kêu trong bóng tối của một căn phòng.
Nhưng ở đây họ đang lột da. Họ chỉ có thể bắt chước chính mình. Cách phòng thủ duy nhất là tìm sự thật nơi những người khác.
Nàng rút cuốn Kim từ kệ sách trong thư viện, rồi đứng tựa vào cây đàn dương cầm, bắt đầu viết vào trang giấy trắng cuối cuốn sách.
Ông ấy nói khẩu súng - khẩu thần công Zam-Zammah - vẫn còn đấy bên ngoài bảo tàng viện ở Lahore. Trước kia có hai khẩu súng, làm bằng cốc chén kim loại lấy từ mỗi gia đình Hindu trong thành phố - như là jizya, hoặc thuế. Những cốc chén này được nấu chảy để làm hai khẩu súng. Chúng đã được sử dụng trong nhiều trận chiến chống người Sikh vào thế kỷ XVIII và XIX. Khẩu súng kia bị mất trong một trận đánh vượt sông Chenab…
Nàng gấp cuốn sách lại, trèo lên một cái ghế và nhét cuốn sách vào ngăn kệ khuất trên cao.
Nàng vào phòng ngủ sơn vẽ với một cuốn sách mới và loan báo đề tựa.
“Để lúc khác, Hana.”
Nàng nhìn ông. Nàng nghĩ, thậm chí bây giờ ông vẫn có đôi mắt đẹp. Tất cả mọi chuyện xảy ra ở đấy, trong tia nhìn màu xám từ trong bóng tối của ông. Nàng cảm thấy nhiều ánh mắt nhìn nàng đăm đắm trong một thoáng, rồi rời đi như một ngọn hải đăng.
“Tôi không muốn sách nữa. Cô chỉ cần đưa cho tôi cuốn sách của Herodotus.”
Nàng đặt cuốn sách dày dơ bẩn vào tay ông.
“Tôi đã nhìn thấy những ấn bản của cuốn Lịch sử với một pho tượng bán thân trên bìa. Pho tượng người ta tìm thấy trong một bảo tàng viện ở Pháp. Nhưng tôi chưa bao giờ hình dung Herodotus như thế. Tôi nhìn thấy ông như một trong những người đàn ông gầy gò của sa mạc, đi từ ốc đảo này đến ốc đảo khác, trao đổi truyền thuyết như trao đổi hạt giống, nhận lấy tất cả mà không hề nghi ngại, ghép tất cả thành một ảo ảnh. ‘Lịch sử của tôi đây’, Herodotus nói, ‘từ khởi thủy đã kiếm tìm phần bổ sung cho nghị luận chính’. Ở ông người ta tìm thấy những ngõ cụt bên trong dòng cuốn của lịch sử - con người phản bội nhau vì lợi ích quốc gia như thế nào, con người yêu nhau như thế nào… Cô nói cô bao nhiêu tuổi nhỉ?”
“Hai mươi.”
“Khi tôi biết yêu, tôi lớn tuổi hơn cô nhiều.” Hana ngừng lại. “Bà ấy là ai thế?”
Nhưng bây giờ mắt ông đang ở đâu đâu.
"Chim chóc thích những cây có cành chết”, Caravaggio nói. “Từ chỗ đậu chúng nhìn thấy hết khung cảnh. Chúng bay đi hướng nào cũng được.”
“Nếu chú đang nói đến cháu”, Hana nói, “thì cháu không phải là chim. Con chim thật sự là ông trên lầu ấy”.
Kip thử tưởng tượng nàng là một con chim.
“Cháu nói xem, có thể nào yêu được một người không thông minh bằng mình không?” Hung hăng vì say morphine, Caravaggio muốn có một không khí tranh cãi. “Điều này làm bận lòng chú nhất trong phần lớn cuộc đời tình dục của chú - chú phải loan báo cho nhóm người chọn lọc này biết, cuộc đời tình dục ấy bắt đầu muộn. Cũng hệt như khoái lạc khi trò chuyện chỉ đến với chú sau khi chú đã thành hôn. Chú chưa bao giờ nghĩ từ ngữ là khêu gợi. Đôi khi chú thật sự muốn nói chuyện nhiều hơn muốn làm tình. Những câu nói. Một lô cái này một lô cái kia rồi lại một lô cái này. Cái phiền của từ ngữ là, mình có thể nói cho đến khi mình tự dồn mình vào thế kẹt. Trong khi đó mình không thể nào làm tình cho đến khi mình tự dồn mình vào thế kẹt.”
“Đúng là lời nói đàn ông”, Hana lầm bầm.
“Chú thì chưa trải qua chuyện ấy”, Caravaggio tiếp tục, “Kip, không chừng cậu thì đã trải qua, khi cậu từ đồi núi xuống Bombay, khi cậu đến Anh để huấn luyện quân sự. Tôi tự hỏi không biết đã có ai làm tình cho đến khi tự dồn mình vào thế kẹt chưa? Cậu bao nhiêu tuổi, Kip?”.
“Hai mươi sáu.” “Lớn hơn cháu.”
“Lớn hơn Hana. Cậu có thể nào yêu cô ấy nếu cô ấy không thông minh bằng cậu không? Ý tôi là, cô ấy có thể không thông minh bằng cậu. Nhưng không phải điều quan trọng khiến cậu yêu cô ấy là cậu nghĩ cô ấy thông minh hơn cậu sao? Nghĩ xem nào. Cô ấy có thể mê mệt ông người Anh là vì ông ấy biết nhiều hơn. Khi chúng ta chuyện trò với ông ấy, chúng ta ở trong một lĩnh vực quá rộng lớn. Thậm chí chúng ta cũng không biết ông ấy có phải là người Anh không. Có lẽ là không. Cậu thấy chưa, tôi nghĩ rằng người ta dễ phải lòng ông ấy hơn là phải lòng cậu. Tại sao?
Vì chúng ta muốn biết chuyện này chuyện kia, những mảnh rời ghép vào nhau như thế nào. Người nói quyến rũ, lời nói dồn chúng ta vào thế kẹt. Hơn tất cả mọi điều, chúng ta muốn phát triển và thay đổi. Một thế giới dũng cảm mới.”
“Cháu không nghĩ thế”, Hana nói.
“Chú cũng không nghĩ thế. Để chú nói cho cháu nghe về những người ngang tuổi chú. Điều tệ hại nhất là người khác cho rằng đến giờ này cá tính của chúng ta đã hình thành. Cái phiền của tuổi trung niên là họ nghĩ chú đã hình thành trọn vẹn rồi. Đây.”
Đến đây Caravaggio giơ hai bàn tay lên, để chúng đối diện Hana và Kip. Nàng đứng dậy, đến sau lưng anh và quàng tay qua cổ anh.
“Đừng làm thế, chú David nhé?”
Nàng nhẹ nhàng ủ hai bàn tay anh trong tay mình.
“Chúng ta đã có một người ăn nói điên khùng trên lầu.”
“Nhìn chúng ta xem - chúng ta ngồi đây như bọn nhà giàu dơ bẩn trong những tòa villa dơ bẩn trên những ngọn đồi dơ bẩn khi thành phố trở nên quá nóng bức. Bây giờ là chín giờ sáng - ông già trên lầu đang ngủ. Hana điên cuồng vì ông ấy. Tôi điên cuồng vì sự tỉnh trí của Hana, tôi điên cuồng vì sự ‘cân bằng’ của tôi, và Kip có lẽ sẽ bị nổ tung một ngày gần đây. Tại sao? Vì ai? Cậu ấy hai mươi sáu tuổi. Quân đội Anh dạy cậu ấy kỹ năng và người Mỹ dạy cậu ấy nhiều kỹ năng hơn và đội công binh được nghe thuyết giảng, được gắn huy chương và được gửi đến những ngọn đồi giàu có. Cậu đang bị lợi dụng, cậu bé ạ, như người Welsh thường nói. Tôi sẽ không ở đây lâu. Tôi muốn mang cậu về nhà. Cút ra khỏi thành phố Dodge[63].”
“Chú đừng nói nữa, chú David. Anh ấy sẽ sống sót.”
“Anh công binh bị nổ tung đêm hôm trước, tên anh ta là gì?”
Kip không nói gì. “Tên anh ta là gì?”
“Sam Hardy.” Kip đến bên cửa sổ và nhìn ra ngoài, rời khỏi cuộc trò chuyện.
“Vấn đề của tất cả chúng ta là chúng ta đang ở chỗ chúng ta không nên ở. Chúng ta đang làm gì ở châu Phi, ở Ý? Kip gỡ mìn trong vườn cây ăn trái vì lý do quỷ quái nào? Tại sao cậu ấy chiến đấu trong một cuộc chiến của người Anh? Nông dân ở mặt trận miền Tây mà tỉa cây thì sẽ làm hư cái cưa. Tại sao? Vì số miểng đạn bắn vào cây trong cuộc chiến vừa rồi. Ngay cả cây cối cũng đầy những bệnh hoạn do chúng ta mang đến. Quân đội nhồi sọ chúng ta rồi bỏ chúng ta ở lại đây rồi cút đi gây rối chỗ khác, inky-dinky parlez-vous[64]. Chúng ta nên cùng nhau bỏ đi.”
“Chúng ta không thể bỏ ông người Anh.”
“Ông người Anh đã bỏ đi từ mấy tháng trước rồi, Hana ạ. Ông ấy đang ở cùng với những người Bedouin hoặc ở trong một khu vườn bên Anh với hoa giáp trúc đào và của khỉ gì đấy. Ông ấy có lẽ không nhớ nổi ngay cả người đàn bà ông vòng vo nhắc đến, cố nói đến. Ông ấy không biết ông đang ở chỗ quái quỷ nào.
Cháu nghĩ chú giận cháu, phải không? Vì cháu đã yêu. Phải không? Một ông chú ghen tức. Chú hoảng sợ cho cháu. Chú muốn giết ông người Anh, vì đấy là điều duy nhất cứu được cháu, mang cháu ra khỏi đây. Thế mà chú bắt đầu mến ông ấy. Bỏ nhiệm vụ của cháu đi. Làm sao Kip yêu cháu được nếu cháu không đủ thông minh để bắt cậu ấy thôi tự liều mạng?”
“Bởi vì. Bởi vì anh ấy tin vào một thế giới văn minh. Anh ấy là một người văn minh.”
“Đấy là sai lầm đầu tiên của cháu. Hành động đúng đắn là lên xe lửa, bỏ đi và sinh con với nhau. Chúng ta đi hỏi con chim là ông người Anh xem ông nghĩ sao nhé?
Tại sao cháu không chịu thông minh hơn? Chỉ có bọn nhà giàu là không thể thông minh. Họ đã bị thỏa hiệp. Đã bao nhiêu năm họ bị khóa chặt vào đặc quyền. Họ phải bảo vệ của cải của họ. Không ai tệ hơn bọn nhà giàu. Tin chú đi. Nhưng họ phải tuân theo luật lệ của thế giới văn minh bẩn thỉu của họ. Họ khiêu chiến, họ có danh dự, và họ không thể bỏ đi. Nhưng cháu và cậu ta, hai người. Chú là ba. Chúng ta tự do. Bao nhiêu lính công binh đã chết? Tại sao cậu chưa chết? Vô trách nhiệm đi. May mắn rồi cũng hết.”
Hana đang rót sữa vào tách của nàng. Khi nàng rót xong nàng đưa miệng bình lên phía trên bàn tay Kip và tiếp tục rót sữa lên bàn tay màu nâu của anh, rồi dọc lên cánh tay anh đến khuỷu tay anh rồi ngưng. Anh không né tránh.
Khu vườn hai tầng dài và hẹp ở phía tây căn nhà. Một hàng hiên chính và một khu vườn tối hơn ở tầng trên, nơi những bậc đá và tượng bê tông gần như biến mất dưới lớp mốc xanh của những cơn mưa. Anh công binh dựng lều ở đây. Mưa rơi và sương mù dâng lên từ thung lũng, và cơn mưa khác từ những cành bách và tùng linh sam rơi trên khoảng sườn đồi khai quang nửa chừng.
Chỉ có những đống lửa mới có thể hong khô khu vườn phía trên lúc nào cũng ẩm ướt và râm mát. Những miếng ván lót sàn bỏ đi, rui mái nhà từ những lần pháo kích trước kia, những cành cây được kéo đến, cỏ dại Hana nhổ lên trong những buổi chiều, cỏ xén và cây tầm ma - họ mang tất cả đến đây và đốt lúc buổi chiều muộn uốn mình vào hoàng hôn. Ngọn lửa ẩm cháy và tỏa khói, làn khói mang mùi cây lá len lén vào trong những bụi rậm, lên cành cây, rồi tan đi trên hàng hiên trước nhà. Khói vương đến cửa sổ của bệnh nhân người Anh, ông có thể nghe những giọng nói văng vẳng, thỉnh thoảng một tiếng cười, từ khu vườn ngập khói. Ông diễn giải mùi khói, suy ngược lại loại cây đã cháy. Cây hương thảo, ông nghĩ, cây bông tai, cây ngải tây, một thứ gì khác nữa không mùi, có lẽ là cây hoa tím, hoặc hoa hướng dương giả, giống cây thích loại đất nhiều acid của ngọn đồi này.
Bệnh nhân người Anh khuyên Hana nên trồng những loại cây gì. “Nhờ ông bạn người Ý của cô tìm hạt giống cho, hình như ông ấy có khả năng trong chuyện này. Cô nên có lá mận. Cây hoa fire pink và Indian pink nữa - nếu cô muốn biết tên Latin cho ông bạn người Latin của cô, thì đấy là Silene virginica. Red savory cũng tốt. Nếu cô muốn chim sẻ đến thì tìm cây phỉ và cây chokecherry.”
Nàng ghi lại tất cả. Rồi cất cây bút máy vào trong ngăn kéo của cái bàn nhỏ nơi nàng để cuốn sách nàng đang đọc cho ông nghe, cùng với hai cây nến và hộp diêm Vesta. Không có thuốc dự trữ trong phòng này. Nàng giấu chúng ở những phòng khác. Nếu Caravaggio định săn lùng chúng, nàng không muốn anh quấy rầy ông người Anh. Nàng để mảnh giấy ghi chép những tên cây vào túi áo đầm để đưa cho Caravaggio. Giờ đây khi sự lôi cuốn thể xác đã trỗi dậy, nàng bắt đầu cảm thấy ngượng ngập khi ở bên ba người đàn ông.
Nếu đấy là sự lôi cuốn thể xác. Nếu tất cả mọi chuyện liên quan đến tình yêu dành cho Kip. Nàng thích úp mặt vào phần trên của cánh tay anh, dòng sông nâu thẫm ấy, thích thức dậy đắm mình trong đó, áp vào nhịp đập của một mạch máu không nhìn thấy trong da thịt anh bên cạnh nàng. Mạch máu nàng sẽ phải định chỗ và tiêm nước biển vào nếu anh đang hấp hối.
Lúc hai hoặc ba giờ sáng, sau khi rời ông người Anh, nàng bước qua khu vườn về phía cây đèn bão của anh công binh treo trên cánh tay của tượng Thánh Christopher. Giữa nàng và ngọn đèn là bóng tối như mực, nhưng nàng biết tất cả bụi rậm và lùm cây trên lối đi của nàng, chỗ đống lửa nàng sẽ đi ngang qua, âm ỉ hồng vì đã gần tắt hẳn. Đôi khi nàng khum tay qua chụp đèn thủy tinh của cây đèn bão rồi thổi tắt ngọn lửa, đôi khi nàng để đèn tiếp tục cháy và khom người xuống chui vào lều qua vạt cửa mở, để trườn vào cạnh thân thể anh, vào cánh tay nàng muốn, lưỡi nàng thay vì bông gòn, răng nàng thay vì kim tiêm, miệng nàng thay vì tấm mặt nạ với những giọt thuốc giảm đau codeine để làm cho anh ngủ, để làm bộ óc bất tử đang hoạt động của anh chậm lại vào giấc ngủ. Nàng gấp cái áo đầm in hoa và để nó lên trên đôi giày tennis của nàng. Nàng biết rằng với anh, thế giới cháy bỏng chung quanh họ chỉ có vài luật lệ chính yếu. Bạn thay thế TNT bằng hơi nước, bạn gạn nước, bạn... nàng biết tất cả mọi thứ này ở trong đầu anh khi nàng ngủ bên cạnh anh, trong trắng như một cô em gái.
Cái lều và hàng cây tối bao bọc họ.
Những điều ấy chỉ là một bước xa hơn niềm an ủi nàng đã cho những người khác trong những bệnh viện dã chiến ở Ortona hoặc Monterchi. Thân thể nàng là hơi ấm cuối cùng, tiếng thì thào của nàng là niềm an ủi, kim tiêm của nàng là giấc ngủ. Nhưng thân thể của anh công binh không cho phép bất cứ vật gì từ một thế giới khác lọt vào. Một cậu trai đang yêu không chịu ăn thức ăn nàng thu góp, không cần hoặc không muốn liều thuốc trong chiếc kim tiêm nàng có thể luồn vào cánh tay anh, như Caravaggio muốn, hoặc những thứ thuốc mỡ sáng chế trong sa mạc ông người Anh ao ước, những thứ thuốc mỡ và phấn hoa để lắp ghép ông lại như người Bedouin đã làm cho ông. Chỉ vì sự vỗ về của giấc ngủ.
Anh đặt quanh mình vài món trang trí. Vài chiếc lá nàng tặng anh, một mẩu nến, và trong lều của anh là cái radio tinh thể và cái túi đeo vai đầy những vật dụng nghề nghiệp. Anh đã rời khỏi chiến trận với sự bình thản, đối với anh có nghĩa là trật tự, cho dù sự bình thản ấy là giả tạo. Anh tiếp tục tính nghiêm nhặt của mình, dõi theo con chim ưng khi nó lơ lửng bay dọc theo thung lũng trong chữ V trong ống nhắm của cây súng trường, mở một trái mìn, mắt anh không hề ngưng tìm kiếm trong khi anh kéo cái bình thủy lại gần, mở nắp và uống, thậm chí không hề nhìn đến cái cốc kim loại.
Những người khác chỉ ở ngoài lề, nàng nghĩ, mắt anh chỉ nhìn mối nguy hiểm, tai anh chỉ lắng nghe mọi chuyện đang xảy ra ở Helsinki hoặc Berlin truyền đến qua làn sóng ngắn. Ngay cả khi anh là một người tình dịu dàng, lúc bàn tay trái của nàng ghì lấy anh phía trên chiếc vòng kara[65], nơi bắp thịt của cánh tay anh căng lên, nàng cảm thấy nàng vô hình trong ánh mắt lạc lõng ấy cho đến khi anh rên lên lúc đầu anh gục xuống cổ nàng. Tất cả mọi chuyện khác, ngoài hiểm nguy, là ngoài lề. Nàng đã dạy anh một tiếng kêu, muốn nghe anh kêu lên tiếng ấy, và nếu anh có bao giờ bớt căng thẳng từ lúc chiến trận bắt đầu thì chỉ là trong tiếng kêu này, như thể cuối cùng anh đã chịu thừa nhận anh đang ở đâu trong bóng tối, muốn báo hiệu niềm hoan lạc của anh trong một tiếng kêu của loài người.
Chúng ta không biết nàng yêu anh bao nhiêu hoặc anh yêu nàng bao nhiêu. Hoặc bao nhiêu là trò giữ bí mật. Khi họ thân mật hơn, khoảng cách giữa họ trong ngày lớn thêm. Nàng thích khoảng cách anh dành cho nàng, anh cho rằng khoảng không gian ấy là quyền của họ. Nó cho họ một sinh lực riêng, một mật mã dáng điệu riêng của họ khi anh đi ngang qua dưới cửa sổ của nàng mà không nói một lời, đi bộ nửa dặm để tập họp với những người lính công binh khác trong thị trấn. Anh đưa một cái đĩa hoặc thức ăn vào tay nàng. Nàng đặt một chiếc lá nằm ngang cổ tay màu nâu của anh. Hoặc họ làm việc bên cạnh Caravaggio, trét vữa một bức tường sắp sập. Anh công binh hát những bài hát Tây phương của mình, những bài hát Caravaggio thích nhưng giả vờ không thích.
“Pennsylvania sáu-năm-không-không-không[66]”, anh công binh hổn hển hát.
Nàng biết được tất cả những sắc độ làn da của anh. Màu cánh tay anh so với màu cổ anh. Màu da trong lòng bàn tay anh, trên má anh, dưới cái khăn xếp. Màu da sậm của những ngón tay rẽ những sợi dây điện đỏ và đen, hoặc trên bánh mì anh cầm lên từ cái đĩa bằng đồng thau anh vẫn còn dùng khi ăn. Rồi anh đứng lên. Sự tự túc của anh có vẻ khiếm nhã đối với họ, mặc dù chắc chắn anh cảm thấy nó là nhã nhặn vượt bậc.
Nàng yêu nhất những màu sắc ướt ở cổ anh khi anh tắm. Và lồng ngực đẫm mồ hôi những ngón tay nàng bấu chặt khi anh ở trên người nàng, và hai cánh tay rắn chắc sẫm màu trong bóng tối của cái lều, hoặc một lần trong phòng nàng, khi ánh sáng từ thành phố của thung lũng, cuối cùng đã thoát khỏi giờ giới nghiêm, dâng lên giữa họ như ánh hoàng hôn và thắp sáng màu thân thể anh.
Sau này nàng sẽ nhận ra anh không bao giờ tự cho phép mình chịu ơn nàng, hoặc nàng chịu ơn anh. Nàng sẽ nhìn đăm đăm chữ ấy trong một cuốn truyện, nhấc nó ra khỏi cuốn sách và mang nó đến một cuốn tự điển. Chịu ơn. Nghĩa là có bổn phận. Nàng biết anh không bao giờ cho phép điều ấy xảy ra. Nếu nàng băng qua hai trăm thước trong khu vườn tối đến với anh, đấy là sự lựa chọn của nàng, và nàng có thể thấy rằng anh đang ngủ, không phải vì thiếu tình cảm mà vì cần thiết, để anh sẽ minh mẫn với những vật bất trắc của ngày kế tiếp.
Anh nghĩ nàng thật phi thường. Anh thức dậy và nhìn nàng trong tia sáng của ngọn đèn. Anh yêu nhất vẻ mặt thông minh của nàng. Hoặc ban tối anh yêu giọng nói của nàng trong lúc nàng dại dột tranh cãi với Caravaggio. Và cách nàng trườn vào cạnh thân thể anh như một vị thánh.
Họ nói chuyện, giọng anh thoáng trầm bổng bên trong mùi vải bạt của cái lều đã là của anh trong suốt cuộc hành quân ở Ý, cái lều anh sẽ với tay lên và chạm vào bằng những ngón tay mảnh dẻ của mình như thể nó cũng thuộc về thân thể anh, một chiếc cánh bằng vải khaki anh xếp quanh mình trong đêm. Đấy là thế giới của anh. Nàng cảm thấy nàng đã lạc ra ngoài Canada trong những đêm ấy. Anh hỏi nàng tại sao nàng không thể ngủ. Nàng nằm đấy, bực bội vì sự tự túc của anh, khả năng ngoảnh mặt rất dễ dàng với thế giới của anh. Nàng muốn một mái tôn cho cơn mưa, hai cây bạch dương run rẩy bên ngoài cửa sổ của nàng, một tiếng động ru nàng ngủ, những cây ru ngủ và những mái nhà ru ngủ khi nàng lớn lên ở đầu đông Toronto rồi trong một hai năm với Patrick và Clara bên dòng sông Skootamatta rồi sau đó là vịnh Georgian. Nàng chưa tìm ra một cây ru ngủ, ngay cả trong khu vườn rậm rạp này.
“Hôn em đi. Em yêu đơn thuần nhất cái miệng của anh. Răng của anh.” Và sau đó, khi đầu anh ngả sang một bên, về phía không khí ở chỗ lều mở, nàng thì thầm thành tiếng, chỉ mình nàng nghe thấy, “Có lẽ chúng mình nên hỏi Caravaggio. Có lần cha em bảo em rằng Caravaggio là một người đàn ông mãi mãi đang yêu. Không những chỉ đang yêu mà mãi mãi chìm đắm trong tình yêu. Mãi mãi rối rắm. Mãi mãi hạnh phúc. Kip? Anh có nghe em không? Em rất hạnh phúc với anh. Vì được ở bên anh như thế này”.
Thứ nàng mong ước nhất là một dòng sông cho họ bơi lội. Nàng cho rằng bơi lội cũng mang vẻ trang trọng như trong phòng khiêu vũ. Nhưng anh có một cảm nhận khác về những dòng sông, anh đã vào sông Moro trong thinh lặng và kéo bộ dây cáp gắn vào cây cầu gấp kiểu Bailey, những tấm thép đóng bản lề chuồi vào trong dòng nước sau lưng anh như một sinh vật, bầu trời lúc ấy đã được thắp sáng bằng đạn pháo, một người đang chìm giữa dòng bên cạnh anh. Những người lính công binh lao xuống nước nhiều lần để kiếm những cái ròng rọc bị mất, chụp những cái móc trong làn nước giữa họ, bùn và mặt sông và những khuôn mặt được thắp sáng bởi những cây pháo lân tinh trên bầu trời chung quanh họ.
Suốt đêm, nước ròng ròng trên mặt, họ la hét, phải ngăn nhau đừng phát điên. Y phục của họ nặng nước sông mùa đông, cây cầu từ từ biến thành một con đường trên đầu họ. Hai ngày sau là một dòng sông khác. Tất cả những dòng sông họ đến đều không có cầu, như thể tên nó đã bị xóa đi, như thể bầu trời không có tinh tú, nhà không có cửa. Những đội công binh chuồi vào dòng sông với dây thừng, mang dây cáp trên vai và ráp bản lề thoa dầu để giảm âm kim loại, rồi đoàn quân đi qua. Lái xe qua cây cầu tiền chế với những người lính công binh vẫn còn trong làn nước bên dưới.
Vì thế họ thường bị kẹt giữa dòng khi đạn pháo đến, lóe sáng vào bờ sông bùn lầy, phá vỡ sắt thép thành những viên đá. Không có gì bảo vệ họ lúc ấy, dòng sông màu nâu mỏng như lụa so với những mảnh kim loại xé toạc nó.
Anh quay mặt với chuyện ấy. Anh biết cách ngủ nhanh trước cô gái này, người có những dòng sông của riêng nàng và đã lạc mất chúng.
Phải, Caravaggio sẽ giải thích cho nàng cách để nàng chìm đắm trong tình yêu. Thậm chí cách để chìm đắm trong tình yêu dè dặt. “Em muốn đưa anh đến sông Skootamatta, Kip ạ”, nàng nói, “em muốn cho anh xem hồ Khói. Người đàn bà cha em yêu sống trên hồ, leo xuống xuồng dễ dàng hơn là vào xe hơi. Em nhớ tiếng sấm làm điện chập chờn. Em muốn anh gặp Clara của những chiếc xuồng, người cuối cùng trong gia đình em. Giờ đây không còn ai khác. Cha em đã bỏ rơi bà vì chiến tranh”.
Nàng đi đến cái lều đêm của anh, không một bước chân sai lạc hoặc ngần ngại. Cây cối làm thành một cái rây ánh trăng, như thể nàng ở trong ánh sáng của quả cầu treo nơi phòng khiêu vũ. Nàng vào lều của anh, áp tai vào lồng ngực say ngủ của anh và lắng nghe trái tim anh đang đập, như anh lắng nghe đồng hồ của một trái mìn. Hai giờ sáng. Chỉ có nàng còn thức.
Bệnh Nhân Người Anh Bệnh Nhân Người Anh - Michael Ondaatje Bệnh Nhân Người Anh