Chương 3
au đó người lạ mặt quay nhìn về lều với vẻ mặt trầm ngâm. Trong sự im lặng của đêm khuya, thái độ này làm cho hai đứa nhỏ thấy lo lắng. Chúng nghĩ rằng lúc này có lẽ lại sa vào một mối nguy hiểm lớn hơn trước.
Người lạ mặt tiến lại hỏi:
- Các em làm gì ở đây trong đêm khuya khoắt như thế này?
- Thưa ông, chúng cháu đi lạc đường, Việt đáp.
- Lạc đường, các em từ đâu tới? Từ quận lỵ chăng?
- Thưa ông không, Hằng đáp. Chúng cháu cắm trại với ba má ở bờ hồ. Chắc ba má cháu đang lo sợ lắm.
- Ta không hỏi con nhỏ, ta hỏi thằng anh kia! Đứa con trai, bao nhiêu tuổi?
- Thưa ông cháu 12 tuổi, Việt đáp.
- Em can đảm thế rất tốt. Ta đã thấy em kháng cự lại bọn dân làng ban nãy. Ta rất mến những đứa con trai không nhút nhát như cáy.
- Nhưng thưa ông, sao dân làng lại ác cảm với chúng cháu? Hằng hỏi.
- Mụ chăn dê có tính dở người. Mụ nói với dân làng rằng các em mang bùa ngãi tới định hại họ nên họ muốn đuổi các em đi nơi khác.
- Kỳ thật! Việt đáp. Còn bé Tâm thì lại cho mụ ấy là mụ phù thủy.
- Bé Tâm là ai? Phải con bé này không?
- Thưa không, đó là em cháu, nó đang ngủ trong lều.
- A, lại thêm một đứa nữa! Người lạ nhăn mặt nói. Các em có tất cả bao nhiêu đứa? Tám? Mười? Không, ba thôi à? Dầu sao, không phải là mấy chục đứa thì cũng đỡ. Nhiều thì cũng vui đấy, nhưng ta biết làm gì với một đàn trẻ bây giờ.
Hằng rụt rè hỏi:
- Thưa ông, ông có thể đưa chúng cháu về với ba má không ạ?
- Không, không thể được, người lạ mặt đáp một cách khô khan. Ta đâu phải là một vú em? Thôi để ta suy nghĩ đã. Ta không thể để mặc các em ở đây, sợ dân làng lại tới hỏi thăm một lần nữa.
- Thưa ông, ông không ở trong buôn này ạ? Việt hỏi.
- Ta chẳng ở đâu nhất định.
- Thế ông làm nghề gì ạ? Hằng hỏi.
- Ta là người đốt than.
- Thưa ông, Việt đề nghị, ông cho chúng cháu ở lại đây với ông tới khi kiếm được ai dẫn đường cho chúng cháu.
- Ta cũng chẳng thấy có cách gì khác. Tuy nhiên, ta không thể ở lại đây với các em được. Ta còn phải đi chừng một giờ nữa mới tới nơi dùng bữa. Còn các em đã ăn uống gì chưa?
- Thưa, chúng cháu ăn chút xíu rồi ạ. Việt đáp.
- Như vậy các em chắc còn đói lắm! Vậy đi cùng ta. Gọi thằng nhỏ dậy, lẹ lên.
- Thưa ông để cháu gọi. Hằng vừa nói vừa chạy vào lều.
Người đốt than và Việt đứng đợi.
- Thưa ông, ông đi săn về ạ? Việt vừa hỏi vừa chỉ cây súng của người lạ mặt.
- Đi săn về? Người kia nhắc lại. Không phải! Nếu đi săn về thì ta phải mang thú vật chứ!
- Cũng có ngày không bắn được gì ạ …
- Ta thì không thế! Người kia đáp với giọng kiêu hãnh. Cây súng này chưa bao giờ bắt trượt …
Việt sợ câu nói trên đã làm người này phật ý nên nó nín thinh.
Hằng đã gọi được bé Tâm dậy và dắt nó đi ra, mắt nhắm mắt mở.
- Thằng này hãy còn bé thế kia à? Người đốt than kêu lên. Nó còn ngái ngủ. Có sao không nhỏ?
Bé Tâm nhăn nhó đáp: Cháu bị đau chân ạ.
- Ừ, chân nó bị trầy thật. Rồi mai ta chữa cho. Bây giờ bé không đi được thì ta có cách.
Nói đoạn người đó cúi xuống, nhấc bổng bé lên trông nhẹ như một cái lông chim, và đặt bé ngồi lên vai mình.
- Thưa ông, nó nặng lắm đó ạ, Hằng nói. Ba cháu cũng không vác được nó lâu
- Khỏi lo. Nhỏ con ngồi chắc nhé! Còn hai em theo ta.
Việt và Hằng bước theo một cách chật vật, vì người đốt than tuy vác nặng mà vẫn đi nhanh.
- Thế nào? Đi được chứ? Người đó quay lại hỏi. Được, ta thấy hai em đi cũng còn khỏe đấy…sắp tới nơi rồi.
Việt và Hằng đinh ninh rằng sẽ đi tới một xóm nhà hay một nông trại. Nhưng chúng rất ngạc nhiên thấy mục tiêu của cuộc hành trình cũng lại là một căn lều bằng gỗ, ẩn trong bụi rậm.
Người đốt than vào lều, bật lửa lên để thắp đèn, rồi đi lấy chiếc túi để ở góc lều.
- Tốt lắm, hắn nói, ta thấy tên đầu bếp của ta đã không quên bữa ăn chiều … Các em ngồi xuống đây, để ta xem trong túi có gì nào.
Rồi hắn lần lượt lôi ra bánh mì, thịt hộp, trái cây.
Ba đứa trẻ bụng đói như cào, nuốt nước miếng.
- Nào các em ăn đi.
Rôi bốn người cùng ăn rất ngon lành.
Bỗng nhiên Hằng ngừng lại:
- Nhưng thưa ông, chúng cháu đang ăn hết lương thực của ông!
- Em cứ yên tâm. Số lương thực này ta dùng được hai ngày: mai ta sẽ kiếm cái khác lo gì?
Khi mọi người đã no nê rồi, người đốt than nói:
- Bây giờ các em có thể lại đi ngủ. Có đủ chổ cho bốn người trong lều này, hơi chật chút thôi…Chắc các em có thể ngủ ổ rơm được.
- Thưa ông, nếu là dân cắm trại chính cống, thì có thể nằm đâu cũng được ạ! Việt đáp.
- Vậy thì tốtt lắm, nằm xuống ngủ đi. Còn ta ra ngoài hút điếu thuốc cái đã. Nhân tiện, ta dặn các em: nếu sáng mai thức dậy không thấy ta thì chớ có lo nhé, cứ ở đó đợi ta về.
Hằng hỏi:
- Có lẽ ông đi đốt than ạ?
- Phải, à không! Bây giờ ta chưa đốt, ta chỉ đi kiếm sẵn địa điểm để mai kia dùng
Việt nói:
- Tiếc quá cháu muốn được xem ông đốt than ra sao.
- Dể lắm, rồi em sẽ được xem. Mai ta sẽ cho em đi săn cùng ta, phải kiếm cái gì ăn chứ, vì lương thực đã cạn rồi. Chắc em cũng thích đi săn …À, mà tên em là gì?
- Thưa ông, cháu tên Việt ạ!
- Còn con nhỏ kia?
- Thưa ông, Hằng ạ. Em cháu là Tâm. Thưa, còn ông?
Người đó ngần ngừ:
- Mọi người gọi a là Ê Ban
Rồi ba đứa trẻ nằm xuống ổ rơm.
- Thưa ông, cho cháu đặt bé Tâm vào phía trong cho khỏi rét, Hằng nói.
- Trong ổ rơm thì không bao giờ rét cả. Nhưng để ta đắp cho nó ấm.
Nói đoạn người đốt than cởi áo ngoài ra đắp cho bé Tâm, lúc đó đang ngủ say.
- Nhưng còn ông? Hằng hỏi.
- Không, ta đã quen rồi. Em cũng đi ngủ đi chứ. Em còn thắc mắc gì mà cứ loanh quanh như vậy?
- Thưa, cháu muốn … Hằng ngập ngừng. Cháu muốn … Ông hứa sẽ không bỏ đi trong đêm khuya.
Người đốt than mỉm cười:
- Thế em tưởng rằng ta bỏ các em hả?
- Cháu không rõ, nhưng cháu lo ngại.
- Thôi đuợc, ta hứa, nếu như thế làm cho em yên tâm. Và ai cũng biết là Ê Ban chưa bao giờ sai lời nói.
Con nhỏ vẫn đứng yên đó.
- Bây giờ thì em đi ngủ đi, vì hết thắc mắc rồi. Ta thấy hình như em không muốn ngủ, sao vậy?
- Thưa ông, cháu muốn thức để canh anh Việt, cháu nghĩ hai đứa không nên ngủ cả một lúc. Chúng cháu biết rằng ở đây không có thú dữ, nhưng chúng cháu sợ tên tướng cướp…
Người đốt than chau mày:
- Tên tướng cướp? Tướng cướp nào?
- Thưa, Y Blơm ạ!
- Y Blơm … người đó nhắc lại với một giọng lạ lùng. Ai nói với em rằng hắn ở vùng này?
- Thưa ông, tuần trước ở dưới chợ quận, chúng cháu thấy một toán cảnh sát được phái đi lùng bắt hắn.
- À! Các em trông thấy … Thế có nhiều cảnh sát không?
- Thưa ông, có tới hai chục người ạ.
- Thế ai chỉ huy? Em có thấy viên đại úy không?
- Thưa, ba cháu có nói chuyện với ông ta.
- Có phải là một người nhỏ, gầy có râu mép không?
- Thưa đúng ạ.
- Ta thấy khó lòng mà bắt được Y Blơm.
Người đốt than như có vẻ rất vui thích nghĩ rằng tên tướng cướp sẽ thoát khỏi tay cảnh sát. Hắn nói với giọng rất ôn tồn:
- Như các em thì khỏi lo ngại gì cả, Y Blơm không làm hại trẻ con đâu.
- Vậy ông biết hắn? Hằng hỏi.
- Ai ai cũng đều biết Y Blơm cả.
- Thế ông không sợ hắn ta? Người ta đồn hắn dữ tợn lắm.
- Ta chẳng sợ ai cả.
- Vậy nếu Y Blơm tới đây, ông sẽ …
- Đừng có nghĩ gì đến Y Blơm nữa. Đứa con gái nào cũng hay đặt câu hỏi! Khi chúng mới biết nói là hỏi “tại sao”, “thế nào” và hỏi những câu mà chẳng ai có thể trả lời được. Trông anh cháu kìa, nó có hỏi gì đâu?
Hằng nhìn Việt. Anh nó không hỏi là vì có lý do: mới nằm xuống ổ rơm, nó đã ngủ say như bé Tâm, dù súng đại bác có bắn bên tai cũng không làm chúng thức dậy.
Con nhỏ vào lều nằm và không bao lâu nó cũng ngủ say như chết.
Trong khi đó, cây súng kẹp ở đùi, vị cứu tinh của chúng đang hút nốt điếu thuốc chót ngoài cửa lều.
- Rắc rối quá! Hắn nghĩ thâm. Với lũ trẻ này, làm sao đây? Ta không thể bỏ chúng trong tay các dân làng. Và trong rừng này, chúng không thể tìm lối về, cái đó là chắc chắn. Nhưng ta cũng không thể làm vú em cho chúng! Riêng một mình ta cũng đã nhiều khó khăn, huống hồ còn đèo bồng thêm kẻ khác…vậy làm sao đây?...
Hắn hút nốt điếu thuốc, dẫm lên cho tắt hết rồi vào lều. Trước khi ngủ, hắn đặt cây súng vừa tầm tay, như để đề phòng một sự gì nguy hiểm sắp xảy đến.
Anh Hùng Sơn Cước Anh Hùng Sơn Cước - Thùy Hương Anh Hùng Sơn Cước