Trường Đời epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2
ời cậu xơi cơm.
Chàng trẻ tuổi ném chiếc chăn dạ phủ ngang bụng, vùng dậy:
- Nào thì ăn.
Chàng ngồi xuống ghế, nhìn đĩa tiết canh:
- Ở đây cũng có húng đấy à? Ông đánh khéo quá nhỉ.
Trên khuôn mặt rám nắng của ông Phó, thoáng một hân hoan:
- Con phải vào tận trong nương người Kinh mới mua được đấy.
Miệng nói, tay rót rượu:
- Thứ rượu này, chắc cũng không được ngon lắm. Ấy thế mà họ cũng bán nhưng tám hào rưỡi.
Chàng trẻ tuổi cầm cốc rượu vừa toan uống thì ông Phó đã vội ngăn:
- Kìa, cậu không uống viên ký-ninh đi đã. Hôm nay cậu đờ đẫn làm sao ấy.
Chàng trẻ tuổi lẳng lặng cầm viên ký-ninh đặt vào lưỡi, chiêu bằng một hớp rượu:
- Ông cũng vẫn thường uống đấy chứ?
- Con ấy à? Con ở trong này ngoài hai mươi năm đã quen rồi, còn bao giờ ngã nước được nữa. Lâu lâu, cậu tiêm cho con thế là đủ rồi. Trước kia, còn mồ ma cụ, con chẳng tiêm cũng chẳng sao. Cậu xem con vịt có béo không?
Chàng trẻ tuổi vừa cầm đũa thì có tiếng đấm cửa gấp và mạnh. Ông Phó, bực mình vì có người đến quấy chủ mình trong bữa ăn, nói một cách càu nhàu:
- Ai mà đập gớm thế? Phá nhà người ta hay sao đấy?
- Thì ra mau xem ai.
Cửa mở, một người nhảy xổ vào.
- À, anh Khôi, tưởng ai. Cơm chưa? Ngồi ăn một thể. Thật tình là mới ngồi vào, chưa gắp miếng nào.
- Tôi lên làm thuế gỗ ở Bao Nhai, nghe người ta nói bao nhiêu bè gỗ của anh về gần đến Việt Trì thì bị trận bão hôm nọ làm vỡ tan cả, tôi vội vàng lên hỏi anh xem có đúng không.
- Đúng, vỡ ráo. Lại bão về đêm, thành ra chẳng theo vớt được một cây nào.
Khôi lắc đầu:
- Thôi, thế là hơn hai vạn đồng bạc trôi ra bể!
- Ừ, ra bể.
- Thế bây giờ anh định tính làm sao?
- Tôi cũng đang băn khoăn tự hỏi tôi như thế đấy.
Khôi im lặng, nhìn chằm chằm vào bạn, rồi vùng nắm lấy hai bàn tay:
- Anh Trọng Khang, anh đừng quá thất vọng nhé.
- Thất vọng? Không. Nhưng buồn thì buồn lắm.
- Một lúc mất ngần lấy tiền, ai mà chả phải buồn.
- Giá một mình tôi thì thua keo này, ta bày keo khác. Nhưng trong cái số tiền hơn hai vạn ấy, có năm nghìn đồng của thầy mẹ tôi để lại cho em gái tôi. Anh tính thời buổi này, một người con gái nghèo...
- Chắc cô ấy cũng hiểu mà không oán trách anh. Dần dà, ta mưu việc khác.
- Không, em gái tôi thương tôi lắm, không bao giờ oán trách tôi. Nhưng mưu việc khác...? Chờ đến lúc tôi có tiền thì em gái tôi đã luống tuổi rồi. Thời buổi này là thời buổi muốn lấy được một người chồng khá giả, người con gái cần phải có vốn.
- Đó là một tang chứng suy đồi của nhân tâm.
- Nhưng cũng là một thực trạng của thời đại. Tính việc, mình không thể không nhìn đến cái thực trạng ấy.
Ông Phó đã lấy thêm đũa bát. Trọng Khang rót rượu:
- Thôi, những chuyện ấy không nói đến nữa, hãy ăn đã. Thần khẩu anh linh lắm đấy nhé. Giá anh đến sáng hôm nay thì anh bị... ăn chay.
- Tính anh thích ăn thịt lắm cơ mà, anh chả thường bảo với tôi không có thịt, anh không ăn được cơm là gì?
Trọng Khang cười khanh khách:
- Sự ăn chay của tôi là một miễn cưỡng. Anh đã hiểu chưa? Uống đi. Xếp những lo nghĩ lại ngày mai. Cổ nhân dùng chén rượu trong lúc biệt ly, có nghĩa lắm. Hôm nay, anh phải uống thật say để đưa ma cái đời sung túc của tôi. Uống!
- Hơi men có sức nhiệm mầu làm át được mùi xác chết.
- Nhưng anh phải cho tôi hút một điếu thuốc lào đã.
- Kìa, ông Phó ông ấy đã biết tính anh, cái điếu cầy đã dựng đằng sau lưng anh đấy.
Khôi lục túi:
- Ô hay, mình lại bỏ quên gói thuốc lào đâu mất rồi. Ông Phó cho xin một điếu nào.
Ông Phó móc túi đưa ra một cái hộp nhỏ. Khôi mở hộp véo lấy một điếu, rồi đặt cái hộp cạnh cốc rượu. Những ảnh xanh, đỏ vẽ trên nắp hộp bỗng làm cho Trọng Khang để ý. Chàng cầm hộp rồi nhìn ông Phó một cách nghiêm khắc:
- Cái hộp bạc của ông đâu mà lại mua cái hộp này đây?
Ông Phó luýnh quýnh:
- Thưa cậu... không biết con... để quên đâu mất, tìm mãi không thấy.
Trọng Khang nhìn con vịt, nhìn chai rượu, rồi gật gù:
- Tôi biết chỗ tìm. Và tôi cũng lại biết nó đã biến ra những thứ gì rồi.
Ông Phó lại càng bối rối:
- Thưa cậu... thưa cậu... có phải hâm lại vịt không à?
Hai anh em ngồi tần ngần nhìn những giọt cà phê rỏ đều đều xuống cốc. Ông Phó lại móc túi quần của chủ lấy ra một cái "píp", nhồi thuốc thật chặt, đặt ở cạnh cốc cà phê. Trọng Khang cầm lấy, ông Phó đánh diêm.
- Thôi ông xuống nhà ăn cơm đi.
Ông Phó đi khỏi, Khôi bảo bạn:
- Anh có một người đầy tớ ngoan quá.
- Còn là đầy tớ đâu nữa. Ông ta ở với nhà tôi tất cả hơn bốn mươi năm, từ hồi còn để chỏm. Thầy mẹ tôi lúc còn sống tin ông ta lắm. Tôi cũng thế. Tiền trăm, tiền nghìn giao cho không hề suy suyển bao giờ. Ông ta thương tôi lắm. Mấy hôm nay hết tiền, tôi phải ăn muối vừng. Ông ta đem bán cái ống thuốc bạc để mua vịt và rượu cho tôi đấy.
- Anh đã đến cái nông nỗi ấ cơ à?
- Thì làm gì chả đến. Có bao nhiêu bỏ ra làm gỗ cả. Bây giờ mất hết tiền thì còn gì nữa?
Khôi móc ví:
- Tôi còn ít tiền đây. Anh hãy lấy mà tiêu tạm.
- Bao nhiêu?
- Tôi còn sáu chục, anh có thể lấy năm chục.
Trọng Khang lắc đầu:
- Năm chục thì nhiều quá để sống chờ thời trong dăm ba ngày, mà ít quá để gây dựng lại một cơ nghiệp. Anh cũng nghèo. Lương hơn trăm thì còn hai cụ và sáu bảy đứa em. Chiều hôm nay, tôi cũng vừa lĩnh được cái măng-đa hai trăm của em gái tôi gửi cho tôi. Tôi định vào sòng để phất, chẳng may lại thua. Nhưng tôi cũng còn hai chục. Thôi, cám ơn anh.
- Thì anh cứ cầm lấy, nhỡ có tiêu gì chăng?
- Chẳng được ích gì đâu mà bắt anh phải chạy tiền từ giờ đến cuối tháng. Tôi biết lòng anh đối với tôi tốt, thế là đủ rồi.
Khôi nèo mãi. Trọng Khang cầm lấy năm đồng.
- Thôi tôi xin anh năm đồng. Tôi xin, vì vay thì chưa biết bao giờ lại giả được.
- Anh cứ cầm cả lấy không giả thì thôi.
- Nếu có ích cho tôi, tôi cầm ngay. Hà tất để anh phải ép.
Trọng Khang lên tiếng gọi ông Phó:
- Đây năm đồng, ngày mai đi chuộc cái ống thuốc về. Ống thuốc ấy là của thầy tôi cho ông. Ông không thể vin vào bất cứ một lẽ gì mà bỏ mất đi được.
Ông Phó ấp úng, muốn nói thì Trọng Khang đã gắt:
- Cầm lấy tiền. Mai chuộc về. Không nói lôi thôi. Tôi cấm ông từ nay không bao giờ được làm như thế nữa. Ông còn làm như thế tôi đuổi ông về quê ngay lập tức.
Ông Phó mặt tiu nghỉu, cầm lấy tờ giấy năm đồng.
- Tôi không khiến ông lo cho tôi, sao ông cứ lo?
Ông Phó rơm rớm nước mắt, miệng lải nhải:
- Thì cậu... cậu gặp...
Trọng Khang bực mình đứng phắt dậy, lấy tay đẩy ông Phó xuống bếp:
- Lúc này chỉ còn thiếu có cái nước mắt nữa thôi. Tôi không cần ai phải buồn cho tôi cả. Mai cuốn gói về quê đi, tôi không chịu được cái nét mặt sầu thảm của ông đâu.
- Ông ta trung thành với anh như thế, sao anh cũng bực?
- Chỉ bực về chỗ quá trung thành ấy. Lại càng bực hơn khi biết rằng lòng y tốt như thế mà mình ở vào một cảnh ngộ không có cái gì để đền bù lại.
- Ồ, tấm lòng tốt thì còn cái gì đền bù được. Và tôi chắc một người như ông ta thấy anh gặp cảnh này, còn đau đớn hơn anh, bởi vì tôi xem cách thức ông ta đối xử với anh thì thật là khăng khít hơn da với thịt.
- Có thế, mà tôi cũng không hiểu tại làm sao. Lắm lúc tôi thấy ông ta già tôi không muốn cho ông ta hầu hạ. Nhưng ông ta hình như lấy sự chăm nom nâng giấc tôi làm lẽ sống của ông ta vậy.
Ngừng một lát, đôi con mắt lờ đờ như nhìn về một quá khứ nào, Trọng Khang tiếp:
- Thầy mẹ tôi lấy vợ cho ông ta, lại chạy luôn cho chức phó lý. Ở nhà quê, thế là có một địa vị rồi đấy. Cấy dăm sáu mẫu ruộng, con trai hiện nay lại làm chưởng bạ, kể thì đời ông ta cũng sung túc an nhàn. Nhưng ông ta lại không chịu ở nhà quê. Làm phó lý một năm, ông ta thấy buồn nản xin từ dịch để ra hầu hạ thầy mẹ tôi. Thầy tôi thấy thế quát tháo ầm ĩ và đuổi về. Ông ta khóc mà về, nhưng được nửa tháng lại bò ra, nói rằng nhớ thầy mẹ tôi và chúng tôi lắm, không thể ở nhà quê được. Lúc còn mồ ma thầy mẹ tôi, ông ta phải ở gần thầy mẹ tôi thì mới thấy vui. Thầy mẹ tôi mất đi, ông ta phải ở với chúng tôi. Ấy bây giờ, giá tôi đuổi về, nhất định ông ta cũng không về nhà quê đâu. Thế nào ông ta cũng lại lần về Hà Nội ở với em gái tôi.
Chép miệng, Trọng Khang đứng dậy, đi đi, lại lại:
- Song dù thế nào, tôi cũng buộc lòng phải đuổi ông ta về vì tôi đã sa vào một tình thế không thể chu cấp nổi ông ta nữa rồi. Nay mai thì... chính tôi phải lăn lưng để tự nuôi mình.
- Nhưng anh định làm gì mới được chứ?
- Làm gì? Chính tôi cũng chưa biết. Nhưng tôi cảm thấy tôi làm gì cũng được, miễn là có thể sống.
Đến đây, một mối lo vụt kéo đến xâm chiếm tâm hồn, Trọng Khang kéo một hơi thuốc dài, rồi nhún vai:
- Nếu có một mình tôi, thì thật tôi chẳng cần phải nghĩ, nhưng chết cái, tôi còn em gái tôi. Bao nhiêu dấn vốn của nó... Nó không trách oán tôi đâu. Nhưng lòng kẻ làm anh...
Trọng Khang ngồi xuống cạnh Khôi:
- Anh có biết mấy hôm trước đây tính kế gì không? Tôi định tải thuốc phiện ở Pa-Kha, Xì Mầu sang Tàu bán rồi tôi mua hàng lậu về.
- Ấy chết! Bây giờ bên Tàu cấm ngặt thuốc phiện. Anh tải sang họ bắt được, thế nào cũng bị xử bắn.
- Người ta sống chết chẳng qua một may một rủi; nhưng sự mưu toan ấy đã không thành rồi. Tôi không có tiền. Chứ nếu có tiền thì thế nào tôi cũng liều. Vì chỉ có cách ấy, tôi mới hy vọng khôi phục lại cơ đồ trong một thời gian rất ngắn. Em tôi năm nay đã hai mươi rồi. Có lẽ trời không cho tôi thành công trong việc này. Tôi viết giấy về bảo nó vay hộ bà cô cho tôi một nghìn, nó chỉ gửi lên cho tôi có hai trăm.
Trọng Khang lại đầu giường lục túi quần đưa ra một phong thư.
- Đây bức thư nó viết cho tôi. Anh thử xem với một đứa em gái như thế này, người ta có thể đi ăn cướp, giết người để mưu hạnh phúc cho nó. Phương chi cái hạnh phúc của nó lại chính tự tay tôi phá đổ.
- Nào phải tự anh, đó là một sự chẳng may.
- Tôi không thể vịn vào cái cớ ấy để tha thứ cho mình được.
Khôi giở bức thư, lẩm bẩm đọc.
Anh cả yêu quý.
Em nhận được thư của anh liền đưa cho cô xem. Cô xuýt xoa mãi, vì cô có hơn nghìn bạc vừa mới cho người ta vay mất rồi. giá mà thư anh về trước độ năm ngày... Cô bảo em viết thư lên cho anh nếu có cần gì thì độ một tháng nữa, anh về mà lấy. Nhưng em đã thưa với cô một tháng nữa thì anh lại không cần dùng đến, vì anh chả viết giấy cho em nói bè gỗ của anh đã thả ra sông; chỉ mười lăm ngày nữa thì về đến Hà Nội là gì.
Em mở cái két nhỏ thì số tiền anh cho em để tiêu vặt còn vừa vặn hai trăm mười bốn đồng. Em vội vàng ra dây thép mua măng-đa gửi lên cho anh hai trăm. Còn mười bốn đồng em tiêu từ nay đến hôm anh về cũng đủ chán.
À, em đã đan xong cho anh cái áo len đẹp quá. Anh chắc phải bằng lòng. Buồng anh bây giờ sáng nào em cũng thay hoa vì em không muốn cho anh bắt chộp được em như lần trước nữa đâu: về đến nhà, trong buồng chẳng có một bông hoa nào. Anh là cứ hay chơi cái vố bất thình lình lắm.
Cô thấy thế cứ ngầy ngà em:
- Anh mày nó đã về đâu mà cứ mua hoa thế cho nó tốn. Chờ nó về hẵng cắm hoa, có được không.
Trên ấy, chắc độ này rét lắm có phải không? Ở đây đã hơi mát, chớ không nực nữa. Thôi thế là rằm tháng tám này, em lại không được đi chơi trăng nữa. Vì không có anh ở nhà, ai đưa em đi.
Anh cố thu xếp về trước tháng chín nhé, anh chưởng bạ con ông Phó mấy hôm trước có ra đây, khẩn khoản mời anh em mình đến mùng năm tháng chín về xem hội. Em thích về nhà quê chơi quá, anh ạ. Năm nay ra Sầm Sơn, không có anh buồn quá.
À, chị Lan chị ấy hứa với em nếu em về quê chơi thì chị ấy cũng về. Cái tin ấy hẳn làm cho anh bằng lòng, và hẳn có sức mạnh làm cho anh thu xếp công việc về trước tháng chín. Ngày nào chị ấy cũng lại đây thêu với em và... làm gì nào, đố biết. Và nói chuyện về anh. Chị ấy thích cái tủ sách của anh lắm. Chị ấy hỏi em sao anh bận công việc như thế mà còn thì giờ để đọc sách.
Em tưởng đã đến lúc anh mưu hạnh phúc rồi đấy. Với một người chị như thế, em sung sướng lắm nhé. Anh nên về trước tháng chín để... nói rõ ý muốn của anh với chị ấy đi vì em nghe như có người rục rịch muốn hỏi chị ấy đấy.
Xem ý chị ấy, thì không ao ước gì hơn được làm vợ anh.
Thôi viết dài, mỏi tay lắm rồi. Anh cố mà về sớm để đưa em về quê chơi thăm bà Phó nhé. À ông Phó có mạnh khỏe không? Bảo ông ấy thế nào cũng phải mua một ít vải Mèo cho em để em căng cửa sổ đấy.
Em bé của anh
TUYẾT VI
Trường Đời Trường Đời - Lê Văn Trương Trường Đời