Trong Mưa Núi epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1: Leo Núi Mùa Mưa
rong khi sắp xếp ba-lô để về miền Nam, tôi ôn lại kinh nghiệm của những chuyến đi nhiều ngày tháng trên Trường Sơn hồi chống Pháp, theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang của đất nước.
Năm 1949, từ Bình Định ra Hà Tĩnh giữa mùa lũ, tôi leo và lội mất hai tháng trên núi.
Năm 1951, tôi đi dài hơn. Hành quân một đại đội từ Thanh Hóa vào Quảng Ngãi mất hai tháng rưỡi trong mưa. Nhận được quyết định bổ sung vào Quân tình nguyện quân Hạ Lào, nhóm chúng tôi rời Liên khu bộ ở Bình Định đi ra Quảng Nam, từ đó cứ hướng tây trèo lên, qua khỏi Bến Giằng lại gặp mưa núi. Dầm mưa mãi mà băng qua gần hết bề rộng của hai nước Việt - Lào, đến huyện Phia-phay nằm cạnh sông Mê-công tôi còn phải bì bõm trong nước ngập.
Năm 1954, tiểu đoàn tôi tập kết từ Lào về Quảng Ngãi, cũng vẫn gội mưa tầm tã trên những đường dốc sục bùn xuyên núi.
Và bây giờ, tháng 5-1961, sau một năm rưỡi chạy vạy năn nỉ khắp nơi tôi được duyệt đơn cho về chiến trường miền Nam với cái tên Phan Bốn, giáo viên văn hóa. Ban đầu cấp trên chỉ định tôi vào Trung ương cục ở Nam Bộ, gần cuối khóa học mới đổi cho về Liên khu 5, cũng để dạy văn hóa cho cán bộ chiến sĩ trong vùng căn cứ rừng núi. Chưa có chủ trương đưa người viết văn vào miền Nam trong năm nay.
Sửa soạn lên đường, tôi mới nhận thấy mối duyên nợ của mình đối với mùa mưa Trường Sơn sao mà bền chặt keo sơn đến thế. Hễ cất bước leo núi đường trường là y như rằng gặp nước trời và nước lũ! 1.
Sau hai lần xuất phát hụt, đến mờ sáng ngày 7 tháng 7 năm 1961, đúng ngày bọn Diệm làm cái lễ kỷ niệm "song thất" của chúng, đoàn cán bộ ngót trăm người chúng tôi mới dứt khoát rời trại huấn luyện ở cạnh sân bay Gia Lâm, lên xe tải phủ bạt thật kín tuôn về hướng Nam.
Lúc này Hà Nội đang rừng rực lửa hoa phượng đỏ, ve kêu râm ran ngày đêm, bà con hàng phố đổ ra Bờ Hồ hóng mát hoặc thức khuya hứng nước máy. Thế nhưng tất cả những ai quen Trường Sơn đều biết đây là tháng mở đầu mùa thử thách trên núi. Những đợt mưa to đầu tiên bao giờ cũng gây ra lắm chuyện chẳng ngờ: cây cầu tưởng chắc bỗng gẫy trôi biến, vách núi chợt sạt xuống lấp đường, mái nhà kho phơi nắng suốt nửa năm nay đổ sụp, gạo muối để chỗ gần suối bị cuốn mất sạch, khách đi chặng đường một buổi hết ba bốn ngày, giao liên lên cơn sốt rét hàng loạt... Người giàu kinh nghiệm đến mấy cũng không lường hết được những biến động khi nước trời ào ạt trút xuống! Đoàn xe thúng tôi vừa đi qua đồn biên phòng Làng Cha một đoạn ngắn, đã thấy đường ô-tô bị suối lũ chặt thành những khúc ruộng lầy. Chúng tôi xuống xe, xóc ba-lô, bắt đầu cuốc bộ trên vùng tây Quảng Bình.
Không kể những thứ mang thay đổi nhau như tiểu liên, rựa, xẻng, máy thu thanh bán dẫn Sony cỡ to, mỗi người phải mang từ 25 đến 30 ki-lô. Dù đã tập cõng gạch leo dốc ở Gia Lâm, với số gạch và độ dốc tăng lên dần, chúng tôi vẫn mệt phờ phạc trong những ngày đầu gặp lại Trường Sơn.
Trang bị của chúng tôi không có gì giống bộ đội miền Bắc dạo ấy, mà giống các bạn Pa-thét Lào nhiều hơn.
Đi đường, chúng tôi thường mặc sơ-mi vét ngắn tay ba túi bằng ka-ki vàng, quần đùi đen, đội mũ mềm có lưỡi trai đen kiểu Pa-thét Lào, đi dép cao su quai xỏ.
Trong túi áo phải có sẵn ve thuốc đỏ chống sây sát, dầu cù-là bôi chỗ ruồi vàng và con dĩn đốt sưng ngứa, thuốc lá để hút và dịt cầm máu khi vắt cắn, bật lửa, khăn tay.
Ngang lưng thắt cái nịt to kiểu Mỹ đeo súng ngắn (đoàn chúng tôi nhận loại P.38 cỡ 9 ly, không khắc tên nước nào sản xuất), bao đạn, con dao găm trong vỏ da, bi-đông nước trong bao vải bố, tấm nhựa đi mưa xếp gọn, có người đeo thêm vào lưng một ống lương khô hay một bao gạo cho nhẹ bớt đôi vai.
Cây gậy không thể thiếu trong mùa mưa, đầu gậy thường buộc một bọc vải nhỏ trong đó có thuốc lá loại nặng trộn muối, nếu có hạt cau già xay nhỏ càng tốt, dùng để chấm vào chỗ chân bị vắt cắn cho vắt nhả ra và máu cầm nhanh. Tùy theo chặng đường giữa hai trạm phát gạo, thường phải mang trên vai một hoặc hai bao gạo, có khi nặng đến 10 ki-lô. Kiểu bao gạo dài ấy, miền Bắc gọi là ruột tượng có lẽ đúng hơn quê tôi gọi là ruột nghé, con nghé nào có ruột to đến thế! Chúng tôi được khuyến khích mang thật nhiều muối, người yếu nhất cũng phải đem theo một ki-lô muối tinh, không kể lượng chất mặn khá lớn trong thịt rang khô và mắm kem.
Kiểu ba-lô vuông của bộ đội miền Bắc không dùng được, chúng tôi nhận loại ba-lô con cóc to kềnh, xấu dáng nhưng rất được việc. Nó có 3 túi to bên ngoài: túi giữa đụng vừa gọn cái ăng-gô (nồi nhôm vuông có nắp và ngăn giữa) trong bao vải đen, một túi bên đựng ống thịt rang mặn, một túi nữa đựng bọc muối, mắm kem, vị tinh, sao cho chủ nó có thể nấu đủ thứ cơm canh mà không phải mở miệng ba-lô ra dưới mưa. Bên trong ba-lô có lớp nhựa lót dán kỹ thành bao, lỡ rơi xuống sông suối cũng đỡ ướt và chìm. Xếp sao cho gọn theo thứ tự thường lấy ra dùng: tấm tăng nhựa dài 3 mét, căng dây đỡ nóc và buộc các góc làm lều ngủ đêm; tấm võng ka-ki hoặc vi-ni-lông có bộ dây bằng tơ nhân tạo; tấm đắp bằng pô-pơ-lin đen; áo len dài tay và một áo quần sạch để thay mặc khi ngủ.
Mỗi người mang một bộ ka-ki may kiểu quân phục hồi chống Pháp, một hoặc hai bộ bà ba đen hoặc xám tro, vài bộ lót với áo cổ vuông và quần đùi đen, khăn, tất, sổ tay và bút, đèn pin và pin dự trữ, đèn dầu lửa làm bằng ve ruợn bạc hà hoặc ve nuớc hoa. Đắt tiền nhất là hộp thuốc tây độ 1 ki-lô chứa vài chục loại thuốc thông thường nhất, từ kháng sinh đến rượu hội chữa rắn cắn, từ ký-ninh đến những viên lọc nuớc nhỏ tí xíu, kèm theo bản huớng dẫn sử dụng in rô-nê-ô, dự tính đủ dùng trong một năm không phải cấp phát thêm.
Tuyệt đối không được để lại dấu vết gì của miền Bắc trên mọi thứ mang theo. Chúng tôi phải mài chữ "Đinh Thọ-hà Nội" trên bàn chải răng, cắt bỏ một khúc có chữ "Hoàn Kiếm" trên điếu thuốc lá. Có đồng chí cẩn thận đến mức ra cửa hàng thuê tẩy biến chữ Poljot và USSR trên đồng hồ đeo tay Liên Xô. "Ai lộ bí mật thì ở lại" lệnh nghiêm thế đấy. Trong lớp huấn luyện có bán loại bút máy, xà phòng tắm, kem đánh răng không có nhãn hiệu, rất tiện.
Dễ thấy cấp trên đã dày công rút kinh nghiệm các đoàn vào trước để chế tạo những thứ trang bị tiện lợi nhất cho chiến trường miền Nam. Tuy vậy cũng khó tránh khỏi đôi chỗ tỉ mẩn mà ngành hậu cần chưa nhớ ra hết, ví dụ thiếu dây để buộc các góc lều, que xỏ dép, kim chỉ, bút bi, đèn dầu lửa. Chúng tôi lần hồi nghĩ ra, nhắc nhau tìm mua gấp cho đủ.
Qua 21 năm đánh Mỹ, vô số đồng chí đã "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nuớc" như lời thơ Tố Hữu. ấy thế mà những câu chuyện hành quân vào Nam sẽ rất khác nhau nếu chúng tôi họp lại cùng ôn kỷ niệm xưa về "Đuờng Thống Nhất". Hồi ấy tôi không hề nghe gọi tên "Đường Hồ Chí Minh". Có lẽ về sau con đường mới được nhận vinh dự đặc biệt mang tên Bác Hồ.
Các chuyến đi khác nhau nhiều lắm nếu so sánh mùa khô với mùa mưa, Truờng Sơn đông với Trường Sơn tây đường cũ được sửa sang với �đường mới xoi tránh bom rải thảm, năm trước với năm sau, tháng hụt gạo muối với tháng đủ no đủ mặn, cuốc bộ với ngồi ô-tô, khiêng pháo nặng với chỉ mang trang bị cá nhân, đi đêm với đi ngày, hành quân từng đơn vị lớn với đi từng nhóm nhỏ vài người và ăn ngủ tại trạm giao liên.
Tôi còn giữ được tập nhật ký nhỏ xíu ghi dọc đường vào. Tuy đã quyết chí dành dụm vốn sống ngay trên đường đi tôi chỉ kịp ghi sổ tay mỗi ngày vài ba dòng, đến ngày nghỉ mới viết tỉ mỉ hơn. ấy là bởi đi chung thành đoàn đông người trong những tháng mưa, vất vả gấp bội so với các đồng chí đi lẻ trong mùa khô và ăn ngủ tại trạm, đôi khi còn đuợc cấp giấy giới thiệu để giao liên mang hộ một gùi theo người.
Không ăn tại trạm, việc đầu tiên là bạn phải cõng thêm khá nhiều gạo trên đôi vai ê ẩm. Phải kiếm củi khô và rau dọc �đường, vì chung quanh trạm rất khó tìm ra củi rau. Vừa thả ba-lô xuống, căng qua loa tấm tăng xong, bạn lo hối hả đào bếp lò che lửa, ghép sẵn tấm phên bằng lá để úp đậy miệng lò khi máy bay ào tới, dụng lều che mưa trên bếp, xếp hàng hứng nước sạch ở máng tre (nuóc suối to thường bẩn vì tắm giặt và trâu heo vọc), vo gạo, nhặt rau, chẻ củi. Tiếng còi của trạm cho phép nổi lửa chỉ thổi lên khi trời tối hẳn, từ lúc ấy bạn phải mò mẫm thật gấp. Mỗi người chỉ có một cái ăng-gô nhỏ để nấu cơm, canh, nưóc uống cho bữa tối, lại nấu tiếp cơm và nuớc cho sáng và trưa mai. Bạn phải trùm tấm nhựa ngồi quạt lửa, ho sặc liên hồi vì khói củi ướt từng lúc lội bùn đi hứng nuớc trong mưa đen kịt, đến khuya mới thở phào và ghé mông ngồi xuống võng...
Ngược lại, nếu ăn tại trạm, thay cho bấy nhiêu khó khăn, bạn chỉ có việc rửa tay chân, treo võng trong góc nhà ngồi viết hoặc khoan khoái ngả lưng, đợi nghe tiếng mõ hay kẻng sẽ cầm nắp ăng-gô và thìa đũa xuống xơi cơm nóng sốt tại nhà ăn. Bếp Hoàng Cầm không khói nấu nuớng không kể ngày đêm, các chị nuôi trẻ măng luôn luôn niềm nở săn đón, thúc ăn tuơi thêm nhiều nhờ có vườn rẫy, đàn gà, lưới đánh cá của trạm. Ăn xong, bạn rót đầy bi-đông nuóc chè về ngả lưng nhấm nháp, tán chuyện dông dài với ngừơi đồng hành hoặc anh em "lính �đường dây". Sáng sớm mai sẽ có còi đánh thức dậy ăn sáng, có cơm nắm và thức ăn khô do trạm phát. Quý tộc đến thế là cùng! Đến việc ngủ. Ngủ ngoài trạm là mỗi đêm một lần làm nhà, một lần dỡ nhà. Nếu buớc tới nơi hạ trại mà bạn vớ được một khung lều còn tốt của ai đó để lại, ấy là phúc đức vô song. Thế nhưng hành quân càng đông thì dịp may ấy càng hiếm. Nếu trạm mới đổi chỗ vì lộ bí mật hay vì bám theo �đường dây mới, giao liên chưa kịp phát dọn khoảnh rừng dành cho khách ở qua đêm, bạn lại đến lúc sẩm tối dưới mưa to, thì sự khốn khó tăng vọt gấp mừơi lần. Với con dao găm, bạn phải phát sạch một chỗ đủ treo võng và căng lều mà không bị cây chọc vào lưng, chặt nhiều cây làm trụ lều và trụ võng, đẽo nhiều cọc và kiếm đủ dây rừng để neo các trụ ấy cùng buộc níu các góc lều xuống đất, kê cây thành giá để ba-lô và súng, gạo cách mặt đất vài gang cho bùn khỏi văng lên phủ mọi thứ, tất cả bấy nhiêu việc đều phải làm mò mẫm trong rừng rậm lắm gai, với mưa giội xuống và vắt leo lên. Xong chỗ ngả lưng, lắm khi bạn mệt đến độ muốn lăn ra ngủ luôn trên võng, bỏ luôn cơm tối và cả cơm nước ngày mai, chẳng buồn cởi bộ áo quần uớt bẩn sau một ngày lăn truợt, bỏ mặc những vết sây sát rỉ máu, mang theo vào võng năm bảy con vắt đen vắt xanh no kềnh sẽ nhả máu ra thành bản đồ thế giới trên các lớp vải. Ngủ kiểu ấy, bạn sẽ bỏ cuộc quay lui sau vài ba ngày trèo núi. Phải có các đồng chí trong đoàn dựng dậy, bắt bạn phải lo liệu cơm nuớc no bụng mới đủ sức đi tiếp Một vài anh em chưa quen gian khổ, thường che đậy thói vụng về và lười biếng của mình bằng câu ngụy biện "tập chịu thiếu thốn cho quen", đến khi kiệt sức phải quay lui trở ra miền Bắc thì lại phân trần "tôi có muốn thế đâu!". Cho hay khoảng cách từ ý định và lời nói tốt đẹp đến việc làm kém cỏi vẫn thường cản trở buớc tiến của con người, kể cả những người rất thành thật xin đi vào chiến trường! Khi đã định cư ở Liên khu 5, tôi đuợc đọc vài cuốn nhật ký đường dài của mấy đồng chí vào truớc hoặc sau.
Tôi sửng sốt khi thấy họ chỉ ghi về dốc cao, chân chai, nắng gắt, trong khi những kỷ niệm hành quân của tôi lại đầy dẫy những dòng về băng suối lũ, vượt thác, cắm trại duới mưa, trị các loại vắt, lo bữa ăn và tính số gạo còn lại trên vai. Chiều ý các bạn, tôi đưa họ xem hoặc dịch lại những đoạn ghi cập rập bằng nhiều thứ ngoại ngữ và ký hiệu riêng do tôi đặt ra. Họ thất vọng vì không gặp chút xíu văn chương nào trong những đoạn câu cộc lốc như điện tín ấy, chỉ đủ gợi nhớ cho tôi một vài nét riêng của mỗi chặng đường. Xin dịch và chép lại một đoạn, với những câu trong ngoặc đơn là phần mới viết thêm cho dễ hiểu.
Muời một (tháng 7-1961) Lên ô-tô ngày 7-7. Ba ngày và hai giờ, Hà Nội - Vinh Thanh Lạng - Đồn biên phòng Làng Cha, Quảng Bình.
Đi bộ từ 10-7 đến làng L. Kh. (Lằng Khằng). Mưa to.
Nghỉ ngày muời một.
+ Các đồng chí:
- Tự thấy vẻ vang hơn những người không đi.
- Muốn về tỉnh quê hương
- Lo ngại sức khỏe
- Đem nhiều thư cho gia đình ở miền Nam (trái với qui định là không có dấu vết gì tỏ ra từ miền Bắc vào)
- Mang đồ riêng quá nặng (bỏ bớt vũ khí và trang bị lại)
+ Tôi:
- Chân tồi tệ Viêm họng, ho
- Đau mũi (vì bị thuơng na-pan 1954). Vai tê bại
- Thư T. gủi các đồng chí, đã xé
- P. không chú ý sức khỏe, không nghe lời khuyên.
(Là một đồng thí trẻ trong đoàn, chưa quen thử thách và hay tự ái).
Trong mấy ngày đầu tiên, những tên làng dọc đường từ Lằng Khằng trở đi cứ nối tiếp nhau hiện lên: Pạc Phơ-năng, Na Pùng, Thà Pa Chôn, Poong Bon, Mường Xum, Lum Bum... Các đồng chí giao liên từ chối không nói tên làng có trạm đóng hoặc nơi gần trạm, nhưng tôi hay tò mò tán chuyện với nhân dân bằng tiếng Lào nên biết rõ. "Lính đường dây" hầu hết rất trẻ, chưa kịp học tiếng Lào. Từ khi đoàn đi hẳn trên đất Lào để vượt quốc lộ 9, tôi thường được cử làm phiên dịch để muợn đò, mua thức ăn bằng tiền kíp, xếp chỗ ở cho đoàn. Một số trạm đóng trong làng nhưng giao liên chỉ nói được với nhân dân bằng điệu bộ, đã yêu cầu tôi dịch để tổ chức một đêm kiểm điểm quân dân, kết thúc bằng một chầu lâm-vông nhộn nhịp và một bữa cháo gà hay chè ngọt cho phiên dịch! Vuợt khỏi đường 9, hành quân ngày càng khó vì địch đóng gần, trạm đặt trong rừng xa làng, lũ lụt tăng thêm, số gạo cõng trên vai cũng tăng thêm mãi trong khi sốt rét bắt đầu quật ngã từng nhóm một.
Để tránh dông dài, tôi xin kể một ngày đi �đường cỡ trung bình của đoàn chúng tôi, một ngày không gặp may mắn hoặc rủi ro gì đặc biệt.
Khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi gọi nhau dậy. Việc đầu tiên là đứng lom khom trong lều nhựa, cởi bộ quần áo khô sạch và áo len cho vào ba-lô, mặc lại bộ đồ ẩm mồ hôi và nước mưa của ngày hôm qua, hơi xuýt xoa vì rét.
Việc thứ hai là duỗi tay ra ngoài xem có mưa thật không, hay chỉ có suơng đọng trên lá rơi lộp bộp suốt đêm trên mái lều. Nếu đang mưa, phải rất nhanh tay khi dỡ tấm tăng và tháo võng xếp vào ba-lô, sao cho cả thân thể, súng, gạo và ba-lô đều không bị ướt truớc khi được mang cả vào nguời, tấm choàng nhựa kịp phủ lên trên tất cả.
Soát qua chỗ "nhà trọ" một lượt xem có rơi vãi gì không, rồi tập hợp lên đường ngay khi còn tối đất, chống mạnh cây gậy bước loạng choạng trên cặp chân sung tấy, lưng còng xuống sau một đêm duỗi êm.
Hầu như lần nào rời trạm, chúng tôi cũng được khởi động bằng một cái dốc khá cao cho ấm người và giãn gân cốt được gọi là "dốc súc miệng". Còn vắng tiếng nói cười, chỉ có tiếng thở hổn hển tăng dần. Được chừng vài tiếng, trời dần dần sáng rõ, đồng chí giao liên chọn một chỗ bờ suối ít vắt cho nghỉ ăn lót dạ. Không kịp đánh răng rửa mặt, có khi không kịp rửa hai bàn tay gỡ vắt vấy bùn và máu, chúng tôi lấy ăng-gô cơm nấu đêm qua ra, dùng thìa xắn ăn vội vã độ một phần ba với tí thịt rang mặn hoặc mắm kem, miễn cuỡng ngừng lại để bữa trưa khỏi đói Từ lúc ấy trở đi, vai và chân đã dẻo ra, bụng hết cồn cào, chúng tôi bắt đầu tán dóc và đùa tếu, quấy thả cửa tho quên nhọc. Tiếng cừơi nói thỉ tắt khi có lệnh truyền im lặng, khi máy bay quần, khi ngoi lên dốc dựng, khi chạy vội qua một quãng rừng có bầy ruồi trâu tấn công trên đầu và bầy vắt nhào tới bám chân. Lát sau lại ồn ào như cũ. Ngậm tăm mà đi, mau mệt lắm.
Hành quân đông ngừơi thường bị cái nạn hết đứng đợi lại chạy đuổi. Gặp một chướng ngại gì trên đường, mỗi người chỉ loay hoay nửa phút là đủ cho một trăm người đi sau dồn đống lại đến tê vai chồn chân, qua khỏi chướng ngại là chạy đến đứt hơi cho kịp đội hình hàng dọc. Đi rải cách quãng xa thì khó chống cự khi gặp biệt kích hoặc giúp nhau vượt lũ. Về sau chúng tôi chia thành tùng tiểu đội có vũ khí riêng, đi cách nhau 50-100 mét mới đỡ bị ùn.
Khoảng 11 giờ đến chỗ trục giữa hai trạm.
Giao liên đợi nhau tại đây để bàn giao khách, túi công văn, hàng hóa, do đó mỗi người chỉ biết rõ một nửa chặng đường đến trạm kế tiếp, bí mật đuợc giữ khá tốt.
Nghe kể hồi năm ngoái năm kia còn chặt chẽ hơn nhiều: mỗi giao liên giấu riêng đoàn khách mình dẫn ở một khoảnh rừng hẹn trước, khi bàn giao chỉ có hai giao liên gặp nhau, sau đó mỗi nguời đến nhận đoàn khách mới để đưa về trạm mình. Đã xảy ra trường hơp vợ trong Nam ra, chồng từ Bắc vào, bị "bẻ ghi tránh tàu" như thế nên không gặp nhau trên �đường dây! ở nơi trực, chúng tôi ăn trưa, vét sạch ăng-gô cơm mà vẫn thòm thèm. Càng đi dài ngày, dạ dày càng dãn nở ra, mỗi người đều phá những kỷ lục ăn khỏe của chính mình. Một lần trạm bắn ngã một con voi to, tổ tôi đi góp sức xẻ thịt cõng về đuợc một gùi xấp xỉ 20 ki-lô theo cái cân treo của trạm. Sáu người chúng tôi đun nấu dưới mưa dầm, trong một ngày ăn hết sạch số thịt voi ấy để trừ cơm vì thiếu gạo, không làm lương khô mang theo vì thiếu muối. Tôi uớc lượng phần mình đã góp sức chén hết trên 4 ki-lô, may sao thịt voi là thứ dễ tiêu, ít gây bội thực! Đại khái mỗi chúng tôi có thể chén bay mỗi ngày một ki-lô gạo kèm hai ki-lô sắn tươi, xong mỗi bữa lại xóc ba-lô đi tiếp mà không thấy tức bụng đáng kể? Song, chúng tôi vấp phải một điều trái nguợc. Mới từ miền Bắc ra đi, ai cũng mang nhiều thức ăn khô, đường sữa, các chất bổ khác, còn gạo muối thì phải năn nỉ cấp trên cho bỏ bớt lại. Của ngon nhiều mà sức ăn kém, đi chóng mệt vì mất thói quen, chúng tôi bỏ dọc �đường lắm thứ quà quý của gia đình hoặc bà con biếu mang theo. Sau chừng một tháng trèo dốc, chúng tôi ăn khỏe như hùm, ôi thôi, mọi thứ nuôi nguời đều đã cạn, cơm chấm muối cũng chưa đủ no và mặn! Có hôm hụt gạo, cả ngày chỉ đuợc một nắm cơm bằng quả cam, chúng tôi rẽ vào rừng chặt một cây chuối vác theo, đến tối thái ra chén sạch! Buổi chiều đi vất vả hơn vì ngấm mệt, ăng-gô cơm và bi-đông nước đã rỗng, lại hay gặp mưa. Mưa núi trái nết lắm. Đang nắng đổ lửa bỗng thấy nướcc tuôn xuống đầu, tấm choàng nhựa mới gài vào thắt lưng phải xổ ra hối hả. Mỗi lần nghỉ 10 phút là một dịp kiếm rau. Quý nhất là rau má, thứ thuốc giải nhiệt rất tốt. Ngừơi sành sỏi kiếm được măng, môn thục, lá tai nai, giấp cá. Vụng nhất cũng phải bẻ một mớ rau tàu bay, cố kiếm nồi canh ăn tối để khỏi táo bón. Thêm mấy cành ngấy huơng có gai nữa, sẽ thui lửa qua loa và nấu uống thay chè, ít chát nhưng khá thơm. Gần đến trạm, giao liên dùng ở một rẫy cũ hay khu rừng cháy nào đó, cho lấy củi mang theo.
Kết thúc ngày hành quân, cũng như khi mở đầu, thường có một dốc cao cuối cùng, được gọi là "dốc ngon cơm". Khi đã mệt lử với những thứ luợm lặt mang thêm, trên lối mòn khách chọt thấy những dấu chân heo gà, hai bên đường hiện ra mấy khung lều cũ đã mục đen hay còn chảy nhựa: nơi hạ trại đây rồi.
Tiếp đó là những giờ vội vã lo cơm nước lều trại.
Mãi đến khi lửa đã cháy đều dưới chuỗi ăng-gô treo bằng quai xỏ vào khúc cây tuơi kê trên hai cây nạng, phút nghỉ đầu tiên mới đến. Có thể mở máy thu thanh nếu còn pin. Mỗi người dùng tai nghe đài và rình tiếng máỵ bay, dùng mắt trông chùng bếp lửa, dùng tay tìm vắt trong thân thể: nghỉ là như thế.
Ăn xong bữa tối, nấu xong mọi thứ cho ngày mai thường đã quá 8 giờ. Chúng tôi bấm đèn pin đi rửa kỹ lần cuối, về lều thay quần áo sạch, soi đèn bôi thuốc đỏ hoặc dịt thuốc hút cầm máu chỗ vắt cắn, ngồi trên võng mấy phút cho tất cả đều khô ráo, sau đó mới buông tấm thân mỏi nhừ xuống võng và kéo cái màn dã chiến xuống bọc ngoài võng, thở phào: thoải mái rồi! Đó là những phút đời lên hương. Mở đài nghe tin một lát nữa đi. Nhiều đốm lửa thuốc lá lập lòe, mấy câu đùa nghịch ném từ võng này sang võng khác, một sáng kiến giảm nhẹ đôi vai hoặc tìm chất tuơi đưọc đưa ra "ngọa đàm". Trực nhật nhắc gìơ gác của mỗi người và kiểm tra các bếp lửa lần cuối cùng. Tiếng ngáy cất lên, lan rộng và to dần.
Nửa đêm dậy gác là một thử thách không nhỏ. Chúng tôi thường trùm tấm nhựa ngồi trên khúc cây hay tảng đá tiểu liên kê ngang đùi, hai tay không ngớt bóp chân, nắn vai, gỡ vắt ném đều đều ra xa. Hết phiên gác lại ngủ tiếp đến mờ sáng. Mỗi lần nhổ trại, đặt cặp chân nhức nhối xuống dép, xốc ba-lô và bao gạo trên đôi vai đau bại, mỗi người cảm thấy như khó lòng đi nổi một ngày nữa, dù chỉ là một ngày bình thường như hôm qua...
Nhưng rồi vẫn đi được, vẫn vui nhộn được. Ba-lô nhẹ dần, chân và vai cứng thêm, lực hút của chiến trường càng nhích tới gần càng tăng lên dữ dội. Khi đến đích, chúng tôi chỉ cần nghỉ ngơi tắm giặt vài ngày là tất cả mọi gian khổ đều tan vào quá khứ, chỉ để lại một lớp bồi thêm vào lòng tự tin ở sức mình vượt khó và rất nhiều kỷ niệm đằm thắm dọc đường.
Cũng như những dịp thử thách khác, chuyến đi Trường Sơn là ngọn lửa rèn luyện và phân hóa. Quặng mới đào lên thì tảng nào cũng giống tảng nào, cho vào lò cao nung mãi mới chia ra một bên là gang thép, một bên là cứt sắt. Có ai thoát khỏi quy luật ấy không?
Chú thích
1.Trước khi viết tập này, tôi được đọc tập hồi ký "Đường Hồ Chí Minh" do các đồng chí đã mở ra và giữ con đường vĩ đại ấy viết lại (Tác Phẩm Mới xb, 1982). Tôi xin ghép thêm vào đây ít nhiều kỷ niệm với tư cách một người khách đi đường.
Trong Mưa Núi Trong Mưa Núi - Phan Tứ Trong Mưa Núi