Tình Hận epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2
ua Huệ Tôn nổi giận đuổi ngay mấy người lo việc cơm nước cho Nguyên phi rồi thay hết những người hầu hạ cũ. Cũng từ đó, vua sai người chia phần cơm của mình cho Nguyên phi ăn.
Nhưng Nguyên phi cứ nằng nặc xin được đi ở nơi khác cho được. Bất đắc dĩ, vua phải cùng Nguyên phi đến huyện Yên Duyên, ở tạm nhà tướng quân Lê Mịch rồi vời Trần Tự Khánh đến bảo vệ. Thế là từ đó địa vị của Nguyên phi cũng như thế lực họ Trần càng vững chắc. Thái hậu thấy tình trạng như vậy buồn rầu sinh bệnh mà qua đời. Năm Kiến Gia thứ sáu, Trần Nguyên phi được gia phong làm Thuận Trinh phu nhân rồi sau đó lại tôn phong hoàng hậu.
Khi Trần Tự Khánh mất thì Trần Thừa được đặc cách làm Phụ Quốc Thái úy và Trần Thủ Độ được lãnh chức Điện tiền Chỉ huy sứ là một chức vụ then chốt trong triều. Trần Thừa tuy khá hiền nhưng Trần Thủ Độ lại cương quyết ra thủ đoạn đoạt cơ nghiệp nhà Lý về tay họ Trần.
Không bao lâu sau đó, không biết vì sao tự nhiên vua Huệ Tôn phát chứng điên loạn và lúc nào cũng tỏ vẻ khiếp sợ Trần Thủ Độ. Nhà vua hay uống rượu say sưa suốt ngày. Sau cùng, vua Huệ Tôn nghe theo lời khuyên của Trần Thủ Độ, nhường ngôi cho người con gái nhỏ mới tám tuổi tên Phật Kim tức Chiêu Thánh công chúa rồi đi tu hiệu Huệ Quang thiền sư.
Không bao lâu sau đó, một hôm Huệ Quang thiền sư đang ngồi nhổ cỏ trước chùa Chân Giáo gần kinh đô thì Trần Thủ Độ, bấy giờ đã trở thành Thái Sư nắm hết thực quyền trong triều, đi ngang qua nhìn thiền sư mà bảo:
- Nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc!
Huệ Quang thiền sư nghe nói thế thì trả lời:
- Ngươi muốn nói gì ta đã hiểu rồi!
Hôm sau, Thái Sư Trần Thủ Độ cho người đến mời thiền sư Huệ Quang vào triều bàn việc. Huệ Quang thiền sư biết ý bèn ra nhà sau thắt cổ mà chết.
Chiêu Thánh công chúa từ khi lên ngôi lấy niên hiệu là Lý Chiêu Hoàng, Hoàng hậu Trần Thị Dung trở thành Thái hậu. Thái Sư Trần Thủ Độ giữ quyền phụ chính.
Một hôm, Thái Sư Trần Thủ Độ xin vào yết kiến Thái hậu. Đây là lần đầu tiên từ khi Thái hậu Trần Thị Dung được phong làm Nguyên phi, hai chị em chính thức gặp nhau lại. Trước đó, dù vua còn thơ ấu, Thái hậu chưa hề tham gia triều chánh. Tuy ở địa vị mẫu nghi thiên hạ, lại là bậc chị, vị Thái hậu này không khỏi khiếp sợ trước con người lẫm liệt và tàn độc của Thái Sư Độ. Thái Sư bước vào nhà khách chưa kịp bái kiến thì Thái hậu đã chào trước:
- Thái Sư cần gặp gái góa này có việc gì?
- Muôn tâu Thái hậu, hạ thần muốn thỉnh ý Thái hậu về một vài vấn đề quan trọng.
- Việc nước đã có Thái Sư và triều đình lo rồi, gái góa này biết gì đâu mà hỏi?
Thái hậu thứ lỗi, có chuyện cần hạ thần mới dám phiền đến Thái hậu.
- Vậy thì Thái Sư hãy nói đi!
- Bẩm Thái hậu, việc cơ mật, không thể để cho mọi người cùng nghe!
Thái hậu mời Thái Sư ngồi xuống ghế và ra hiệu cho bọn cung nữ lui ra. Những người hầu của Thái Sư cũng tự động rút lui.
- Bây giờ thì Thái Sư có thể nói rồi.
Thái Sư nhìn thẳng vào mắt Thái hậu, đổi thái độ :
- Chắc hậu còn nhớ những đêm liên hoan của đám hương dũng Lưu Xá ngày xưa?
Thái hậu giật mình. Bà suy nghĩ chốc lát rồi ngập ngừng nói :
- Thái Sư, đầu óc ta mơ hồ lắm rồi, không còn nhớ được điều gì hết.
Thái Sư lặng thinh một chốc rồi cất tiếng:
- Chẳng lẽ một người sắc nước hương trời như hậu mà lại tàn nhẫn đến thế sao?
- Ta đã nói là ta không nhớ gì hết!
- Vậy thì ... hậu quá độc ... ác ...?
Vị Thái Sư oai quyền rúng động trời đất bỗng nhiên ấp a ấp úng nói không nên lời. ông không nhìn Thái hậu nữa, ngồi thẫn thờ gần như bất động, hai dòng lệ từ từ lăn xuống má. Giây phút ấy Thái hậu cũng lặng người luôn. Đôi mắt người đàn bà nửa đời xinh đẹp cũng long lanh ngấn lệ. Một chốc sau bà nói:
- Thôi được rồi! Ta không nhớ gì lắm đâu! Thái Sư nhớ gì hãy thử nhắc giúp ta!
Thái Sư ngẩng mặt lên, lại nhìn thẳng vào cặp mắt Thái hậu:
-Vậy là hậu nhớ cả rồi đấy nhé! Ngày ấy có lần ta đã hỏi hậu "Tại sao trời bắt hậu và ta lại là bà con?", chắc hậu nhớ? Ta cũng có lần nói với hậu nếu ta có quyền, ta sẽ cho phép những người thương yêu nhau được phép lấy nhau, không một điều gì ngăn cản được. Bây giờ ta đã có quyền, ta muốn gì chắc hậu biết!
Thái hậu rùng mình:
- Nhưng ta có bao giờ hứa gì với ông đâu?
- Ta yêu hậu và ta có quyền là được rồi đâu phải đợi hậu hứa ? Ta cho hậu biết, ta thương hậu từ lúc hậu mới lên mười một, mười hai tuổi. Không một lúc nào ta quên được hậu. Ta theo dõi hậu từng mỗi bước chân, từng mỗi việc làm, và nhất là theo dõi tâm tình thương ai ghét ai hay những nỗi vui nỗi buồn của hậu. Sở dĩ lúc bấy giờ ta không dám để lộ ra vì Bác quá nghiêm khắc, nhưng ta nguyện trong lòng bằng mọi giá phải lấy cho được hậu. Cái thằng Sảm khốn kiếp vong ân bội nghĩa đã cuỗm hậu đi làm ta đau khổ vô cùng mấy mươi năm nay rồi! Nếu ta không cứu nó khi nó bị bọn giặc đuổi tới làng Lưu Xá thì đâu đến nỗi! Hậu có thấy vì hậu mà ta phụ luôn lòng mong mỏi của mẹ ta là kiếm cho bà vài đứa cháu để bồng không? Ta dẫu có vợ là công chúa Bảo Châu cũng chỉ là vợ hờ không một chút tình thương. Ngoài hậu ra ta không còn yêu thương ai được nữa. Tâm hồn ta đã cô độc bao nhiêu năm nay, bây giờ ta nhất định đòi hậu phải trả nợ cho ta!
Người thiếu phụ gục đầu khóc thút thít rồi chuyển sang nức nở. Không hiểu bà xúc động vì tấm chung tình hiếm có của người đàn ông hay sợ hãi vì không thể thoát được móng vuốt của con quỷ tình hung hãn!
Thái Sư ngồi im lặng rất lâu. Thái hậu vẫn tiếp tục khóc.
Sau cùng thì Thái hậu gượng gạo nói:
- Ông có quyền thật đấy, nhưng trên nguyên tắc còn có vua, có triều đình, ông sẽ bị mọi người chống đối!
- Hậu nên nhớ rằng, cái gì cũng có lúc thịnh lúc suy Khí số nhà Lý hơn hai trăm năm cai trị bây giờ sắp dứt. Hậu là người họ Trần, một họ đang hưng thịnh nhất. Hậu có nhiệm vụ phải cùng ta giành lấy ngôi báu cho họ Trần. Ta sẽ bước từng bước một thật vững chắc.
Thái hậu lại rùng mình. Bà chợt nhớ lại Trần Thủ Độ còn một lời nguyền nữa "Kẻ nào lấy chị Độ này sẽ giết sạch cả dòng họ kẻ ấy", bà đau đớn nấc lên:
- Thôi! Đừng nói nữa! Ngươi hãy đi đi cho ta yên một chút!
- Thần xin tuân lệnh!
Vị Thái Sư vái chào Thái hậu rồi bước ra ngoài.
Lấy cớ tuyển chọn người làm nội dịch trong cung, Thủ Độ đưa ba người cháu là Trần Bát Cập, Trần Thiêm và Trần Cảnh đều khoảng lứa tuổi bảy, tám vào hầu hạ vị nữ ấu vương. Lý Chiêu Hoàng thích chơi đùa với Trần Cảnh hơn cả. Thủ Độ đã nhân đó lập mưu dàn xếp cho Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh lấy nhau.
Năm Bính Tuất (1226), dưới sự sắp đặt của Thủ Độ, vị ấu vương cuối cùng của nhà Lý đã nhường ngôi cho chồng. Cuộc soán ngôi này không tốn một giọt máu.
Trần Cảnh mở đầu cơ nghiệp nhà Trần lúc mới tám tuổi lấy hiệu Trần Thái Tôn, lập Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh Hoàng hậu.
Anh ruột của vua Thái Tôn, Trần Liễu cũng được ân huệ cưới người chị của Chiêu Thánh là Thuận Thiên công chúa và được phong tước Phụng Càn Vương.
Thái hậu Trần Thị Dung bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa. Bà xuôi tay bỏ mặc cho số phận đưa đẩy.
Để mở đầu sự cải cách phong tục về hôn nhân, triều đình nhà Trần, dưới sự chỉ đạo của Thái Sư Trần Thủ Độ đã tổ chức đám cưới tác hợp cựu Thái hậu Trần Thị Dung với Thái Sư Trần Thủ Độ làm tiêu biểu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đại Việt, hai chị em con chú con bác được "chính thức" lấy nhau. Thái Sư Trần Thủ Độ giải thích với hoàng tộc nhà Trần đây là một biện pháp để bảo vệ ngôi báu, bảo vệ huyết thống cao quí của họ Trần khỏi bị loãng đi.
Về phía dân chúng, họ khiếp sợ sự tàn độc của Thái Sư họ Trần không ai dám công khai nói gì nhưng mặt ngầm họ vẫn âm ỉ chê bai, phản đối đủ thứ. Tuyệt nhiên không một họ nào tuân theo sự cải cách phong tục này.
Một thời gian sau, cựu Thái hậu Trần Thị Dung được phong làm Linh Từ quốc mẫu.
Cũng vào năm Bính Tuất, người vợ trước của Phụng Càn Vương Trần Liễu là Thị Nguyệt sinh được một người con trai rất thông minh sáng sủa. Vương hết sức vui mừng, đặt tên là Trần Quốc Tuấn. Vương lại nhờ một thầy tướng giỏi xem thử vận mạng đứa trẻ. Thầy tướng xem quẻ rồi chúc mừng "Đây là một siêu nhân cứu nước giúp đời". Từ đó Vương chuyên tâm lo kiếm thầy giỏi để rèn luyện cho Trần Quốc Tuấn.
Thuận Thiên công chúa vốn có sắc, lại được giáo huấn cẩn thận từ nhỏ trong cung nên công dung ngôn hạnh rất vẹn toàn. Phụng Càn Vương quyến luyến yêu thương nàng lắm. Chẳng bao lâu, nàng công chúa kiều diễm này sinh cho Vương một người con trai cũng khôi ngô không kém gì Trần Quốc Tuấn. Vương đặt tên cho vương tử là Doãn và càng trân quí Thuận Thiên thêm. Năm Nhâm Thìn (1232), trong dịp các tôn thất nhà Lý về làm lễ tế tiên hậu nhà Lý ở thôn Thái Đường, làng Hòa Lâm, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, Thủ Độ cho đào hầm rồi làm nhà lá lên trên chỗ tế. Khi các tôn thất nhà Lý vào làm lễ, Thủ Độ cho đánh sập hết xuống hầm và chôn sống tất cả. May mắn có một vị hoàng thân tên Lý Long Tường bị bệnh không đến dự lễ được nên thoát nạn. Nghe tin này, ông vội gắng gượng dắt gia đình cải dạng để đi trốn. Sau đó ông kiếm thuyền vượt biển sang nước Cao Ly xin tị nạn.
Để lòng người hết đường hoài vọng nhà Lý, lại lấy cớ ông tổ nhà Trần tên (Trần) Lý, Trần Thủ Độ lệnh cho tất cả những ai còn mang họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn. Ai bất tuân đều bị tiêu diệt.
Việc bắt buộc những người họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn đã làm cho Thuận Thiên công chúa vô cùng đau lòng. Thế là dòng họ nàng từ đây mất hẳn. Trước sự tàn bạo của viên Thái Sư độc tài, nàng chỉ dám khóc thầm. Những nụ cười tươi như hoa tắt hẳn trên môi nàng công chúa trẻ thay vào đó là cặp mắt lúc nào cũng đỏ hoe.
Ngày kia, Phụng Càn Vương Trần Liễu trong lúc buồn chán, một mình lững thững đến thăm công chúa. Đến nơi, Vương không cho người hầu thông báo trước mà đi thẳng vào phòng công chúa. Thấy công chúa và vương tử Doãn đang ôm nhau mà khóc sướt mướt, Vương dừng bước đứng nhìn. Hai người vẫn không hay biết.
- Con có thương người mẹ đau khổ này không? Cả dòng mẹ tiệt hết rồi! Mối hận tày trời này ai trả cho mẹ đây con ơi!
- Mẹ đừng khóc nữa mẹ ơi! Con sẽ trả thù cho mẹ! Con sẽ trả thù cho mẹ !
Nhìn dáng công chúa xác xơ rũ rượi, nhìn đứa con trai bé bỏng cưng quí thốt lên những lời đau đớn, vương thấy quặn thắt cả lòng. Vương càng thương hai mẹ con lại càng lo lắng. Thế này thì nàng có thể bị Trần Thủ Độ giết mất. Càng thương công chúa bao nhiêu, vương càng căm ghét lòng dạ tàn ác của người chú họ bấy nhiêu. Quá sợ họa tai vách mạch rừng, vương lên tiếng:
- Hai mẹ con đang làm gì đó !
Công chúa hoảng hết đưa tay áo rộng quệt vội nước mắt:
- Chàng đến chơi bất ngờ quá thiếp không hay mà nghinh tiếp thật là có lỗi lớn! Lạy chào Phụ vương đi con !
Vương tử Doãn, cậu bé khoảng bốn tuổi, trông thông minh, kháu khỉnh, cũng vội vàng quệt nước mắt quì xuống:
- Hài nhi kính lạy Phụ vương, chúc Phụ vương thọ cao ngàn tuổi!
Vương khoát tay cho hai người miễn lễ. Đứng lặng một lúc, vương lên tiếng:
- Công chúa và hài nhi phải cẩn thận mới được! Phải đề phòng tai vách mạch rừng! Lòng dạ Thái Sư không ai lường được. Ta rất thông cảm nỗi khổ của công chúa và hài nhi. Ta cũng đau khổ lắm! Hai người có bề nào thì ta cũng khó sống! Nhớ nhé, phải luôn luôn bảo trọng!
Nghe Phụng Càn vương nói, Thuận Thiên công chúa hiểu rằng những gì mới diễn ra giữa hai mẹ con vương đã biết hết. Nàng vội vàng kéo vương tử Doãn cùng phủ phục xuống đất:
- Mẹ con thiếp đội ơn chàng đoái thương đùm bọc.Mẹ con thiếp xin thề muôn kiếp làm trâu làm ngựa để báo đáp ơn nghĩa sâu dày của phu quân!
Phụng Càn vương rơm rớm nước mắt đỡ hai người dậy:
- Ta cũng thề trọn kiếp này, ngày nào còn sống ta còn bảo vệ công chúa và hài nhi ngày ấy. Ta biết nỗi đau đớn, nỗi hận thù sâu sắc của công chúa. Ta không lấy thế làm buồn đâu ! Công chú a luôn luôn đúng ! Chính dòng họ ta mới là kẻ gây nên tội ác! Nhưng ta xin nhắc lại: Từ rày công chúa phải hết sức cẩn thận mới được! Thôi, bây giờ ta xin cáo từ!
o O o
Vua Thái Tôn lấy Chiêu Thánh hoàng hậu hơn tám năm mới có kết quả. Năm Quý Ty, Chiêu Thánh sinh được một trai, vua đặt tên là Trịnh. Nhưng nỗi mừng chưa trọn thì nỗi buồn đã đến, chỉ hơn một tháng sau Trịnh bị bệnh đột ngột mà mất. Đây là một biến cố làm hoàng tộc nhà Trần nhốn nháo. Những dư luận không tết cứ xôn xao quanh chuyện quả báo bởi hành động dã man tàn bạo cũng như chuyện loạn luân của họ Trần. Những dư luận ấy có thể không đến tai Thái Sư Trần Thủ Độ nhưng chắc chắn hầu hết mọi người trong hoàng tộc đều phải nghe qua ít nhiều. Rất nhiều gia đình trong hoàng tộc đã liên tục đốt hương cầu nguyện mỗi đêm khiến phần đông dân chúng cũng bắt chước theo. Đến nỗi nghề làm nhang ở kinh thành Thăng Long bỗng trở nên thịnh hành một thời. Một số khác người trong tôn thất nhà Trần còn rủ nhau xuống tóc đi tu...
Chiêu Thánh hoàng hậu sau lần sinh đẻ ấy cũng không thấy dấu hiệu thai nghén nữa. Trong dân gian, những lời truyền đồn cho đây là một hậu quả do vụ chôn sống người dòng họ Lý và tội loạn luân ngày càng lan rộng...
Vua Thái Tôn càng khôn lớn càng cảm thấy khó chịu vì sự chuyên chính của Thái Sư Trần Thủ Độ . Trái ngược với con người đầy mưu mô, độc ác Trần Thủ Độ Trần Liễu cũng như Trần Cảnh tánh tình lại rất
nhân ái nhu hòa. Hai anh em, dù bên ngoài đã thành danh nghĩa vua tôi nhưng bên trong vẫn giữ được nếp huynh hữu đệ cung. Uy tín Phụng Càn vương Liễu cũng ngày càng lên khiến cho Thái Sư Thủ Độ có phần ái ngại. Năm Giáp Ngọ, nhà vua cải phong cho Phụng Càn vương làm Hiển Hoàng (hoàng đế hiển hách) với hi vọng tăng uy tín cho người anh mình lên, chia bớt quyền hành trong tay người chú họ. Nhưng âm mưu ấy làm sao qua mắt được con người gian hùng tuyệt kỹ như Trần Thủ Độ! Việc đó rết cục chỉ dẫn đến tai họa cho gia đình Trần Liễu.
Vào tháng sáu năm Bính Thân (1236), trời mưa lụt lớn. Trận lụt kéo dài làm cho việc làm ăn, đi lại của dân chúng trên vùng châu thổ Hồng hà hết sức khốn đốn vất vả Ngay cả kinh thành Thăng Long cũng bị nước tràn vào. Hôm ấy tới buổi chầu, các quan vào triều đều phải đi bằng thuyền. Trần Thị Dung phu nhân, cũng là cựu Thái hậu, vợ Thái Sư Trần Thủ Độ, cũng lên một chiếc thuyền để vào triều. Trên đường đi, một người hầu của phu nhân là An Nhiên thấy trời mưa lụt quá nhiều ngày, trong lòng lại hậm hực chi đó, buột miệng than thở:
- Chắc là trời phạt tội loạn luân của người trần thế đây ! Một họ cứ lấy nhau đi rồi chết hết cho coi!
Không ngờ lời than ấy lại lọt tai một người hầu khác Thế là đến tai Trần phu nhân. Lúc đó thuyền đang đi qua gần cung Lệ Thiên. Như bị móc vào tim gan, phu nhân giận lắm, liền sai người xô An Nhiên xuống nước. Mặc cho An Nhiên chới với khóc lóc, phu nhân vẫn bỏ mặc, cứ thúc thuyền đi tiếp tục. Vì trời mưa gió chẳng mấy ai vào ra nên người trong cung Lệ Thiên cũng chẳng hay biết gì.
Nhưng số An Nhiên chưa chết. Nước lụt tuy dâng cao lai láng nhưng không chảy xiết khiến nàng chỉ phải ngắc ngoải hụp lặn rồi vịn được vào một thân cây mà kêu cứu. May sao, thuyền Hiển Hoàng Trần Liễu vào triều cũng đi ngang qua đó. Hiển Hoàng cho người vớt An Nhiên lên rồi cho đưa vào cung Lệ Thiên hơ sưởi nhờ, xong xuôi Hiển Hoàng mới vào triều.
An Nhiên trước đây là cung nữ Lý triều, hầu hạ Trần Thái hậu trong cung. Khi Thái hậu bị giáng làm Thiên Cực công chúa và kết hôn với quan Thái Sư thì bà đem một số cung nữ đó (nhà Trần hết dùng) theo về với mình. Trong lúc quá tức giận, Trần phu nhân đã cho xô An Nhiên xuống nước. Nhưng khi đi rồi thì bà cũng cảm thấy ân hận. Dù sao, An Nhiên cũng là người xưa nay rất trung thành tận tâm hầu hạ bà. Xong buổi chầu, Trần phu nhân cho thuyền ghé lại cung Lệ Thiên hỏi thăm. Thấy An Nhiên đã được cứu sống, bà hỏi chuyện rồi cho lên thuyền trở về với bà. Sau đó, Trần Thị đem sự việc đã xảy ra kể lại với chồng.
Thái Sư nghe vợ kể chuyện này xong thì mắt ngài sáng rỡ lên. Ngài lập tức cho đòi nàng An Nhiên đến phòng làm việc trong tư thất. Trước mặt Thái Sư, An Nhiên sợ hãi quì lạy dưới nền đất. Thái Sư đuổi tất cả tả hữu ra ngoài rồi quắc mắt giận dữ:
- Con tiện tì! Mày biết mày đã tới số chết chưa? Tại sao mày dám mở miệng nói xấu hoàng gia? Ai xúi mày?
An Nhiên run lên cầm cập. Nàng ấp úng van lạy:
- Tiện nữ trót dại lỡ lời, xin Thái Sư lấy lượng hải hà tha tôi chết cho, tiện nữ xin muôn kiếp làm trâu làm chó để báo đáp!
Thái Sư vẫn thái độ giận dữ:
- Không thể được! Mày đã xúc phạm đến hoàng gia thì mày đương nhiên phải chết! Mày có biết là bất cứ ai trên đất nước này, hễ ta cho sống là sống, ta cho chết thì phải chết không? Con tiện tì khốn kiếp!
Nàng cựu cung nữ đã thấy được bao nhiêu hành động tàn ác của Thủ Độ trước đây. Như con nhái đã bị thôi miên trước con rắn lớn đang vươn cổ, An Nhiên run bần bật đến độ không còn giữ nổi thân thể, nàng rục người xuống...
Trần Thủ Độ gằn giọng:
- Con tiện tì ! Mày rất xứng đáng lãnh tội chết. Nhưng mày vốn là gia nô của nhà này, ta muốn cho mày một con đường sống nếu mày làm được một việc!
An Nhiên đang thảng thốt mơ màng nghe tiếng Thủ Độ nói cho một con đường sống thì đầu óc dần bình tĩnh lại mặc dầu người nàng vẫn run bần bật.
- Con tiện tì! Mày nghe rõ chưa? Chọn chết hay chọn sống?
An Nhiên gắng gượng cố lấy hết can đảm thưa:
- Bẩm Thái Sư, tiện nữ muốn sống. Thái Sư bắt làm việc gì tiện nữ cũng xin tuân lệnh! Khó khăn mấy tiện nữ cũng không dám chối từ!
- Được! Nếu mày làm trôi tròn việc này không những khỏi chết mà còn được thưởng nữa. Đây là việc của mày...
Khắp kinh thành Thăng Long bỗng nhiên xôn xao lên cái tin cựu cung nữ An Nhiên tố cáo Hiển Hoàng Trần Liễu hiếp dâm nàng tại cung Lệ Thiên trong ngày đi chầu. Việc tố cáo này được sự làm chứng của mấy cung nữ tại cung Lệ Thiên. Đình thần phải họp để bình nghị. Hiển Hoàng kêu cả mấy người hầu đi theo ra làm chứng cho mình để minh oan nhưng không ai tin hết. Kết quả là Hiển Hoàng bị giáng xuống làm Hoài vương. Uy tín, danh vọng của Trần Liễu coi như tan nát vì chuyện này. Trần Thái Tôn vốn rất tôn kính Trần Liễu vì xưa nay Liễu vẫn sống rất đạo đức. Nhà vua không thể nào ngờ người anh mình lại có một hành động tồi bại đến thế. Nhưng qua người tố cáo và bao nhiêu người làm chứng như thế thì làm sao không tin cho được! Nhà vua cảm thấy đau lòng lắm!
Họa vô đơn chí, Thuận Thiên công chúa chưa nguôi nỗi đau diệt tộc thì nhận tiếp cái đòn sấm sét này. Nàng hiểu Trần Liễu hơn ai hết. Nàng biết Trần Liễu là người không tán thành việc người cùng họ lấy nhau. Nàng biết là Trần Liễu rất thương người, nhất là những người sa cơ thất thế. Nàng biết Trần Liễu không thể là hạng làm càn được. Trần Liễu chỉ có khuyết điểm là không dám cương cường trong việc đua tranh.
Sau vụ án cưỡng dâm, Hoài vương Trần Liễu bệnh liệt giường một thời gian. Có lẽ do nguyên nhân buồn phiền, uất giận. Mỗi ngày Thuận Thiên công chúa đều vào săn sóc, vấn an vương. Một hôm vương rưng rưng nước mắt hỏi Thuận Thiên:
- Công chúa có tin là ta làm việc tồi bại đó không?
Công chúa cũng rớm lệ trả lời:
- Thiếp biết chàng, thiếp không thể nào tin chàng làm việc đó! Nếu thiếp tin là chàng có hành động như thế làm sao thiếp có thể vào đây hàng ngày để tận tụy săn sóc chàng được? Nhưng thiếp không thể đoán biết vì sao con tiện tì ấy lại vong ơn bội nghĩa vu vạ cho chàng như thế! Nhưng thôi, chẳng qua do vận mệnh sắp đặt hết. Chàng hiểu thiếp, thiếp hiểu chàng là đủ rồi...
Sau khi lành bệnh, Hoài vương Liễu không còn thích đi đây đi đó nữa. Ngoài những lần đi chầu, vương cứ quanh quẩn trong nhà, chăm sóc việc học hành cho vương tử Tuấn và vương tử Doãn. Vương rất hài lòng vì mình đã tìm được những ông thầy xứng đáng dạy dỗ cho hai con. Cả hai vương tử đều học đâu nhớ đó, học một biết hai. Nhất là vương tử Tuấn đã tỏ ra tài ba nhiều mặt. Đó là niềm an ủi rất lớn cho Hoài vương Liễu và Thuận Thiên công chúa.
o O o
Sáng kia, lúc Hoài vương Liễu định đi thăm coi việc học hành của hai vương tử Tuấn và Doãn thì một thị nữ của Thuận Thiên công chúa xin vào ra mắt. Vương lo lắng hỏi:
- Công chúa muốn gặp ta có chuyện gì?
- Khải bẩm vương gia, công chúa mời vương gia đến để báo tin gì đó. Tiện tì cũng không biết là tin gì. Vương nghe nói trong lòng rất nôn nóng hồi hộp. Giữa kinh thành Thăng Long phồn hoa mà bấy lâu nay vương vẫn sống như một ẩn sĩ. Như con chim đã bị ná bắn thấy cành cong, ngoài vợ con ra, vương không muốn tiếp xúc với ai hết. Vương cũng tránh va chạm với bất cứ một vị quan nào trong triều, Vương nghĩ rằng ai cũng có thể là cạm bẫy. Nếu không phải là anh ruột của đương kim thiên tử, có lẽ vương đã bị diệt tộc rồi. Thời gian gần đây, vương thấy Thuận Thiên công chúa rất ít khi có nụ cười. Nàng vốn đã kiều diễm, nỗi sầu muộn lại càng làm tăng vẻ kiều diễm ấy, càng hun hút khuấy sâu vào lòng vương. Khiến nhiều lúc nhìn công chúa, vương lại liên tưởng đến một cái gì phù du, vô thường. Vương lại càng cảm thấy thương yêu công chúa vô bờ.
Mặc dầu đã sống thu mình tối đa, nỗi lo vẫn không khi nào rời đầu óc vương. Cho nên khi nghe con nữ tì báo, vương vội vàng đến phòng công chúa.
Nhưng gặp mặt Thuận Thiên, vương sững sờ chưng hửng. Một nụ cười thật tươi đang nở trên môi công chúa. Lạy Phật lạy thánh! Các ngài đã cứu vớt một linh hồn đau khổ! Đã quá lâu rồi vương không thấy nụ cười tươi nào của công chúa như thế. Cõi lòng của Vương lâu nay cũng như đám đất khô cằn vì hạn hán nay chợt gặp được một trận mưa rào, Vương sung sướng vồn vã hỏi:
- Công chúa có tin gì vui cho ta hả?
Công chúa nũng nịu:
- Phu quân thử đoán xem đi! Hoàng thiên hữu nhãn! Thiếp đã biết chắc là sẽ hiến cho chàng một vương tử nữa đó! Trời không phụ người giữ đức, phải không chàng!
Hoài vương Liễu nghe xong mừng rỡ lắm:
- Đúng là ông trời có mắt! Đúng là ông trời có mắt!
Nhưng vương cũng chợt thấy hơi áy náy vì lời nói của mình. "ông trời có mắt" hay "trời không phụ người giữ đức" phải chăng là những lời vô tình xúc phạm đến vua Thái Tôn! Vua Thái Tôn đâu có làm gì thất đức! Cái vẻ sung sướng, vui mừng hồn nhiên của công chúa làm cho vương càng yêu mến. Vương cười nói khỏa lấp:
- Thôi, trời cho ai nấy hường Ta hãy mở tiệc ăn mừng!
Khi vương sắp cắt đặt gia nhân tổ chức tiệc mừng thì có thánh chỉ đến.
Hoài vương liền cho đốt hương và quì nghe thánh chỉ:
Vâng mệnh trời, Hoàng Đế chiếu rằng,
Xét rằng, các trấn phía Bắc trong thời gian qua, trời hạn hán lâu ngày nên mùa màng không được khá. Dân chúng có phần chịu đói kém.
Một số người xấu đã lợi dụng thời cơ tụ tập cướp bóc làm cho dân chúng càng sống không yên.
Một số quan lại địa phương không làm tròn trọng trách chăn dân, bảo vệ dân.
Nay trẫm ủy thác hoàng huynh Hoài vương đi tuần thú và ủy lạo dân chúng ở các trấn nói trên. Hoàng huynh được toàn quyền thay mặt trẫm giải quyết tại chỗ cấp thời các vụ việc xảy ra có hại đến nền an ninh quốc gia.
Quan lại địa phương phải triệt để tuân hành chiếu chỉ này!
Khâm thử!
Hoài vương nhận chiếu chỉ vừa mừng vừa bối rối. Chuyến đi này nhanh lắm cũng phải hơn ba tháng. Tiệc mừng vợ có thai thành kiêm luôn tiệc "chén đưa nhớ bữa hôm nay...". Hoài vương cùng Thuận Thiên đối ẩm. Thấy Thuận Thiên có vẻ lo lắng, lưu luyến, vương nói:
- Công chúa đừng lo! Ta sẽ hoàn thành sứ mạng mà về sớm để nàng đỡ trông chờ.
Cao hứng, vương cầm gươm múa và ngâm:
Đại nhậm sứ trình phải ruổi dong,
Ta đi, nhất đinh sớm thành công!
Ơn vua, lộc nước mình đâu thẹn!
Đầu bạc bên nhau trọn vợ chồng.
Thuận Thiên cũng cao hứng nói:
- Chàng đã vui vẻ như vậy thiếp không vui sao được! Đây là cơ hội để đấng nam nhi đền ơn vua lộc nước há lẽ thiếp không hướng ứng với chàng? Vậy thiếp cũng xin họa mấy vần:
Tuổi già muốn hưởng cảnh thong dong,
Trai trẻ bây giờ phải gắng công!
Chàng đã hăng say lo việc nước,
Thiếp đâu để thẹn với con, chồng!
Thế rồi cả hai người cùng cụng chén đến say vùi...
o O o
Vụ án cưỡng dâm cung nữ ở cung Lệ Thiên tuy làm vua Thái Tôn bực mình nhưng ngài hoàn toàn im lặng. Mọi việc ngài để mặc Thái Sư và triều đình quyết định. Dù Trần Liễu đã bị giáng chức tước, vua Thái Tôn vẫn tỏ ra niềm nở kính trọng, không có một lời khiển trách làm cho Thái Sư Thủ Độ không hài lòng. Trong thâm tâm vị Thái Sư ngày mỗi già, ông rất ngại một ngày nào đó có thể uy tín Trần Liễu lại được phục hồi trong lòng vua Thái Tôn. ông sợ lòng nhân của hai anh em ông vua trẻ có thể tạo cơ hội cho những người còn luyến tiếc nhà Lý vùng đậy đạp đổ cơ đồ mà ông đã đem hết tâm huyết ra gây dựng. ông biết ân đức của nhà Trần chưa thấm nhuần bao nhiêu trong lòng dân, họ chỉ khuất phục vì bạo lực. Những đám dư đảng của Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng vẫn còn hoạt động nhiều nơi. Ngoài ra, khi Trần Thừa còn sống, thấy Thủ Độ có vẻ ưa lấn quyền, Trần Liễu thường lộ vẻ khó chịu ra mặt. Thủ Độ biết nhưng để bụng. Bây giờ Thủ Độ đã nghĩ tới ngày ông phải nằm xuống, ông càng lo lắng nhiều mặt. Vua Thái Tôn đã hai mươi tuổi mà
chưa có con. Trần Liễu thì ông không ưa. ông nghĩ Liễu là kẻ bất tài, nhu nhược. Thế mà vua Thái Tôn lại nể nang Liễu quá! Cái ngai vàng dưới mắt ông còn bấp bênh lắm. Càng lo sợ ông lại càng giận ghét Trần Liễu.
Vào năm Đinh Dậu, một hôm Thái Sư Trần Thủ Độ cho mời hai người em họ thân tín là Hải Dương hầu Trần Phong, Sơn Nam hầu Trần Tú đến nhà riêng. Trần Thủ Độ trình bày:
- Ta mời quí hầu đến đây với mục đích bàn cách bảo vệ cơ nghiệp nhà Trần của chúng ta. Vua lập hoàng hậu đã hơn mười hai năm mà vẫn không con nối dõi, như thế hoàng hậu đã phạm "thất xuất". Không con là tội đầu trong bảy tội: không con, dâm dật, không thờ cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật Người vợ phạm một trong bảy điều ấy thì gia đình người chồng có quyền đuổi trả về với gia đình cũ. Đó là luật lệ định sẵn xưa nay. Ta muốn quí hầu cùng ta yêu cầu vua Thái Tôn phải truất ngôi Chiêu Thánh để lập hoàng hậu mới. Quí hầu nghĩ sao?
Trần Thị, mẹ Chiêu Thánh, nghe chồng nói như thế, bà rất hồi hộp xúc động. Số phận đứa con gái của bà hẩm hiu đến thế sao ? Đang ở ngôi vị thiên tử bỗng trở thành hoàng hậu. Bây giờ lại rớt xuống tới đâu nữa đây! Bà hết sức sợ hãi cho con mình. Đã một thời ở ngôi hoàng hậu rồi thái hậu, bà có phương tiện để đọc sách vở nói về các triều trước. Một ông vua bị hạ bệ thường không bị chết vì cách này cũng chết vì cách khác Một hoàng hậu bị giáng thì thường chết tại lãnh cung. Nếu không bị vua quyết lòng giết hại thì cũng bị tân hoàng hậu ra tay để dứt đường trở lại của đấng quân vương. Và thói thường, theo quan niệm của người đương thời, một người đàn bà bị đuổi vì phạm thất xuất là một vết nhục lớn cho tổ tiên, cha mẹ . Bà đã quá biết tính chồng mình. ông đã nghĩ ra điều gì là nhất quyết làm cho kỳ được. Bà lặng người cau mày suy nghĩ rồi đề nghị cầu may:
- Theo thiếp nghĩ, nếu Hoàng Thượng không con, ta có thể chọn trong số con cháu hoàng gia một người để làm con nuôi cũng được. Hoàng Thượng và hoàng hậu đều còn quá trẻ, xin hoãn một thời gian nữa nếu hoàng hậu vẫn không sinh, sẽ lập người khác cũng không muộn!
Hải Dương hầu Trần Phong thưa:
- Bẩm Thái Sư, đại tỉ nói có lý đấy. Tạm thời cứ lập một vài người trong số con cháu hoàng tộc làm con nuôi cho Hoàng Thượng như ý đại tỉ cũng được. Vua và hoàng hậu đều còn quá trẻ lo gì không con!
Sơn Nam hầu Trần Tú cũng lên tiếng:
- Bẩm Thái Sư, phải đấy, tạm thời mình nên chọn con nuôi cho Hoàng Thượng đã. Ngu đệ cũng xin tán thành ý kiến của đại tỉ và Hải Dương hầu.
Thái Sư Thủ Độ nghiêm nghị nói:
- Ta biết các ngươi vì Chiêu Thánh mà nói thế chứ không phải vì nhà Trần. Bây giờ ta còn đây thì nhà Trần tạm vững đấy. Nhưng nếu ta nằm xuống, vua sẽ nể thằng Liễu để cho nó thao túng. Mầm loạn có cơ dấy lên và cơ nghiệp nhà ta có thể tiêu tan. Cho nên ta phải tính trước. ý ta đã quyết, phải giáng Chiêu Thánh rồi lập Thuận Thiên làm hoàng hậu, như vậy thằng Liễu quá thương Thuận Thiên sẽ đâm ra hận nhà vua. Anh em bất hòa thì thằng Liễu sẽ không còn cơ hội để gần vua mà chi phối được nữa. Như thế ta mới thật an tâm. Vậy, các ngươi phải vì nhà Trần mà tiến hành kế hoạch đó!
Trần Thị hoảng hốt quì xuống năn nỉ:
- Nếu thế thì số phận Chiêu Thánh sẽ ra sao? Xin phu quân vì thiếp mà hoãn chuyện ấy lại đã. Hơn nữa, hiện tại Thuận Thiên đã có thai nghén ba tháng. Đưa Thuận Thiên về làm hoàng hậu sao tiện?
Thái Sư trả lời cương quyết:
- Ta đã nói một là một, hai là hai! Cả dòng họ Lý ta diệt hết thì sá gì một con đàn bà của họ Lý? Lại nữa, phu nhân và nhị hầu không đề nghị để Hoàng Thượng nuôi con nuôi đó sao? Lỡ Hoàng Thượng không có con nữa thật thì sao? Thuận Thiên trở thành hoàng hậu thì con của Thuận Thiên muốn nói là con nuôi hay con đẻ của vua đều được cả không tiện sao? Bây giờ ta chỉ muốn các ngươi ngày mai cùng ta yêu cầu Hoàng Thượng thực hiện kế hoạch ấy! Tuy nhiên, kế hoạch phải đi từng bước một. Buổi chầu đầu, chúng ta chỉ nêu vấn đề truất phế hoàng hậu Chiêu Thánh và thi hành trước. Như vậy mới giảm bớt được phản ứng của Hoàng Thượng. Đợi ổn định chuyện ấy xong thì tiến hành bước kế tiếp,. tức là đưa Thuận Thiên lên ngôi vị hoàng hậu, có thể là phải vài ba ngày sau. Giờ đây thằng Liễu đang đi tuần thú chưa về không làm thì còn đợi khi nào nữa? Ngày mai vào chầu, Sơn Nam hầu nhớ coi như người chủ động nêu ra vấn đề. Tiếp đó, Hải Dương hầu lên tiếng tán thành và bổ túc thêm. Ta sẽ là người vì triều đình khen ý kiến nhị hầu là đúng và đề nghị tất cả triều thần đưa ý kiến biểu quyết. Dĩ nhiên triều đình sẽ không có ai phản đối. Các ngươi phải hiểu đây là một mệnh lệnh!
Trấn Thị đứng sững sờ trong khi Hải Dương hầu, Sơn Nam hầu đều nói:
- Tuân mệnh! Tuân mệnh!
o O o
Trong buổi chầu hôm sau, dưới áp lực của Thái Sư và triều đình, căn cứ vào điển lệ, vua Thái Tôn không có lý do để bảo thủ đành phải chấp thuận việc giáng chức hoàng hậu thành Chiêu Thánh công chúa.
Vua Thái Tôn không hề ngờ ngài vừa đồng ý thì lập tức Thái Sư Trần Thủ Độ cho mang tờ chiếu chỉ trình ra liền. Sự việc xảy ra quá đột ngột làm nhà vua sững sờ chốc lát. Ngài biết mọi chuyện đã được sắp đặt rồi. Ngài thẫn thờ đọc tờ chiếu chỉ, như kẻ vô hồn, ngài cầm bút phê vào rồi hờ hững trao cho quan giữ ấn Sau đó, chiếu chỉ được quan Hành Khiển tuyên đọc trước bá quan:
Trẫm nghe thánh đạo dạy rằng: "Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại ". Đối với một người dân thường còn thế, huống trẫm lại mang trọng trách chăn dắt muôn dân, nắm giữ vận mệnh một nước! Nếu trẫm không có con kê tự thì lại càng đắc tội với trời, đắc tội với các đấng tiên vương.
Xét rằng, Lý Thị, tức Chiêu Thánh công chúa được lập làm hoàng hậu nay đã mười hai năm. Thế nhưng Lý Thị không đủ sức cho trẫm được một hài nhi để chuẩn bị kê tục trọng trách trời đã giao phó cho trẫm. Như vậy tức Lý thị đã không được trời thương và lại phụ lòng tin cậy của trẫm.
Xét rằng, căn cứ vào phong tục nước Đại Việt ta, người đàn bà không sinh con để nối nghiệp cho gia đình chồng là phạm tội đầu tiên trong bảy tội gọi là "Thất Xuất" mà gia đình chồng có quyền đuổi về cha mẹ cũ.
Vậy nay truất Lý Thị Chiêu Thánh là đương triều hoàng hậu xuống làm Chiêu Thánh công chúa. Sau khi nghe chiếu chỉ này, Chiêu Thánh công chúa phải lập tức rời cung hoàng hậu và đến chỗ ở mới theo sự sắp xếp của triều đình. Từ đây, nếu không có thánh chỉ triệu thì không được tự tiện vào cung.
Bộ Lễ, bộ Hộ cùng Chiêu Thánh công chúa phải triệt để thi hành thánh chỉ này!
Khâm thử!
Tình Hận Tình Hận - Ngô Viết Trọng Tình Hận