Chương 2:
iền Dương Châu xưa nay không nghe nói đến anh hùng. Dân ở miền nầy ít học bởi vì nghèo đói quanh năm cho nên anh hùng ở trong sử sách cũng không mấy khi được nhắc nhở đến. Dân Dương Châu thích nói về chuyện mùa màng, chuyện gả cưới và chuyện ma chay, tống táng. Ghét nhất là chuyện thuế khóa mà dân Dương Châu bàn tán cũng nhiều. Ngoài ra, còn nhiều chuyện tế thần, tế thánh hàng tháng, hàng năm, kể hoài không hết.
Một ngày đầu thu năm ấy, ở miền Dương Châu bỗng có chuyện lạ phát sinh.
Chuyện lạ khởi đầu từ Mã Đài Sơn là một đỉnh núi cao nhất trong vùng. Tự nhiên từ trong lòng núi sâu thẳm bỗng nghe vang rền chuyển động, ầm ĩ kéo dài rồi mặt đất cơ hồ muốn lung lay ngã sụp. Phút chốc gió núi bừng bừng nổi dậy lông lốc kéo mây phủ kín bầu trời, chớp giật sấm vang, rồi mưa trút xuống. Mưa càng lúc càng lớn và nước Dương Châu dâng cao ngập cả ruộng đồng. Các dòng suối nhỏ bắt nguồn từ Mã Đài Sơn trở nên những thác nước lớn cuồn cuộn tuôn tràn lôi theo bao nhiêu rêu rác, thân cây và cả thú vật trong rừng dồn xuống nơi lòng sông rộng.
Đến ngày thứ năm thì cả đồng ruộng Dương Châu chỉ là một bãi nước trắng giăng trải đến tận chân trời.
Qua ngày thứ sáu tiếng rền ở trong lòng núi bỗng dứt và mưa ngớt giọt. Mực nước từ từ rút xuống, cánh đồng tiêu điều bày ra trước mắt thiểu não của lớp dân quê.
Một sớm, Thiện Hải chèo chiếc đò ngang trên sông Dương Châu nhìn thấy lờ mờ dưới dòng nước đục một khối to lớn, đen sì. Rồi thình lình chiếc đò như bị sức đẩy vô hình nâng lên, xô tới, suýt bị lật úp. Những người đi đò xanh mặt, kêu rú thất thanh. Đến khi nhìn thấy khối đen to lớn quẫy mình dưới nước thì mọi người đều khiếp hồn nín lặng rồi cùng lâm râm cầu nguyện cho qua tai nạn. Chỉ có Thiện Hải là cố bình tĩnh nắm vững mái chèo đã qua bao năm nuôi sống đời gã, đưa thuyền vào bến.
Đến nơi, trong khi mọi người hơ hãi tản mát chạy đi các ngả loan báo hiện tượng lạ lùng vừa thấy ở dưới dòng sông, thì Thiện Hải vội cột thuyền, rồi đi vào xóm. Gã đi lầm lũi đầu óc suy nghĩ lung lắm. Qua khỏi ngôi Miếu Sơn Thần, gã rẽ vào một ngõ hẹp, đến nhà của Lý Khải Hòa. Chỉ có thằng con Khải Hòa là Khải Hùng độ mười hai tuổi đang ngồi vá lưới trước sân.
Thiện Hải bèn hỏi:
- Cha mầy đi đâu?
Thằng bé cúi đầu chào xong, đáp lại:
- Từ sớm cha tôi sang bên nhà cụ Thiên Hộ.
Thiện Hải vội vàng băng rào tìm sang nhà Thiên Hộ. Đến nơi thấy hai người đang ngồi trầm ngâm dưới gốc một cây vông lớn ngoài vườn.
Khải Hòa hỏi:
- Đi đâu đó? Không đưa đò sao?
Thiện Hải chào xong, lại ngồi gần bên rồi mới ôn tồn trả lời:
- Không có cách gì đưa đò được nữa.
Rồi gã thuật lại sự việc vừa xảy trên sông. Gã tiếp:
- Tôi đến tìm anh thì nghe cháu bảo anh đã sang bên cụ đây. Thực là may mắn, nếu không thì tôi rủ anh sang hỏi ý kiến cụ rồi. Chẳng hay có việc gì mà cụ và anh trầm ngâm như thế?
Cụ Thiên Hộ lim dim cặp mắt già nua, trả lời:
- Ta với Khải Hòa nói về chuyện thời tiết, mùa màng. Năm nay có địa chấn lớn, mưa lụt hư hao khá nhiều ngũ cốc, e dân Dương Châu rồi phải đói nặng. Bây giờ nghe ngươi kể chuyện, ta lại biết rằng thủy quái đã theo nước lụt mà vào sông rồi. Ôi thôi, họa vô đơn chí. Lúa đồng Dương Châu đã không gặt được mà cá dòng Dương Châu lại không bắt được, dân quê lấy gì mà sống phen nầy!
Khải Hòa trợn mắt, mím môi im không nói năng gì.
Khải Hòa là một nông dân lực lưỡng và cũng giống như đa số người dân ở Mai Gia Trang, tuy anh sống về ruộng đất nhưng vì gần sông nên cũng chài lưới và gặp những năm đói kém vẫn lên kiếm củi trên rừng.
Từ nhỏ, Khải Hòa mồ côi cha mẹ, phải đi ở mướn cho Vương phủ Thạch, một người giàu có tại miền Dương Châu. Lớn lên, Khải Hòa không tiền cưới vợ, vẫn sống một mình. Gặp năm được mùa trái cây, họ Vương cho Khải Hòa mang lên kinh đô một thuyền lê, táo để làm quà tặng người thân.
Khải Hòa có dịp ra chốn kinh kỳ, ở nhờ nhà An Dương Hầu là chỗ thân tình với Vương phủ Thạch. Tại đây anh được có dịp làm quen với một nô tì là nàng Bạch Tuệ, nhưng vì cùng trong cảnh ngộ nghèo nàn nên họ không thể thành vợ chồng.
Ba năm sau, kinh thành có loạn, gia đình An Dương Hầu phải chạy trốn về quê tạm ẩn ở nhà họ Vương. Nàng Bạch Tuệ lại gặp Khải Hoà. Hai người bày tỏ nguyện vọng lên chủ của mình và cả hai đều được như nguyện.
Vương phủ Thạch nghĩ rằng cưới vợ cho Khải Hòa trong tình thế nầy ông đỡ rất nhiều tốn kém, còn An Dương Hầu nhận thấy cho nàng Bạch Tuệ lấy chồng mình sẽ có thêm một người lực lưỡng giúp việc.
Được hai năm, Bạch Tuệ đẻ một đứa con trai, và đặt tên là Khải Hùng. Qua năm thứ tư thì loạn kinh thành dẹp yên và An Dương Hầu trong lúc trở về chốn cũ bắt nàng Bạch Tuệ đi theo. Còn Vương phủ Thạch nhất định giữ Khải Hòa ở lại. Hai vợ chồng không dám cưỡng lại lệnh trên, chỉ biết nhìn nhau mà khóc. Nàng Bạch Tuệ trao con cho chồng rồi đi theo chủ. Từ đấy Khải Hòa không còn dịp nào lên kinh kỳ. Anh an phận nuôi con, thỉnh thoảng chỉ mong gặp nàng trong giấc chiêm bao.
Cụ Thiên Hộ là người sống cô độc và nghèo nàn. Cụ câu cá độ nhựt và đối xử tử tế với hết thảy mọi người. Cụ từng trải việc đời, có nhiều kinh nghiệm vì trước kia cụ đã lưu lạc nhiều nơi, làm được nhiều nghề. Những người nghèo khổ ở Mai Gia Trang khi gặp nguy khốn đều tìm đến cụ Thiên Hộ như tìm một sự an ủi, một mối giải nguy.
Gã Thiện Hải ngồi im giây lâu, nhìn Khải Hòa đang dồn nén trong sự bất bình rồi nói:
- Làm sao bây giờ? Không thể kiếm ăn ở trên đồng ruộng thì phải chạy xuống dòng sông, nay dòng sông lại bị loài thủy quái chiếm đoạt biết chạy lối nào? Năm nay chắc có sự gì kỳ lạ cho nên phát sinh lắm điều quái đản, có phải thế không?
Cụ Thiên Hộ đáp:
- Trời đất xưa nay đều biến hóa theo lẽ bình thường và vô thường. Khi không còn sự điều hòa là đến những điều ách biến, có gì là lạ? Đất lở, trời long, mưa tuôn thì nước lớn. Nước lớn ngập đầy thì thủy quái chạy rong, có gì lạ đâu? Chỉ lạ một điều...
Khải Hòa vụt hỏi:
- Lạ điều gì?
Cụ Thiên Hộ chậm rãi nói:
- Lạ một điều là con người cứ chịu khổ mãi, không đẩy được núi không ngăn được sông, cam tâm khiếp sợ cả giống thủy quái vô loài.
Rồi cụ đứng lên dõng dạc bảo gã Thiện Hải:
- Ngươi là kẻ chứng kiến sự xuất hiện của loài thủy quái, ngươi phải trình cho lý dịch phi báo gấp lên quan trên để mà đối phó. Việc nầy liên quan đến sự sinh sống của ngươi và của nhiều người, không nên chậm trễ.
Thiện Hải đáp:
- Nhưng liệu quan trên có chiếu cố không?
Khải Hòa cũng nói:
- Chỉ sợ khi quan chiếu cố thì loài thủy quái đã lên ở trên đồng rồi.
Cụ Thiên Hộ đáp:
- Bổn phận của quan là phải làm việc cho dân, nếu dân không cầu cứu vào quan thì nhờ cậy ai? Chừng nào kẻ bề trên bất lực thì kẻ bề dưới ra tay, có thế mà thôi.
Rồi cụ xua tay:
- Thiện Hải lo đi cho sớm, chớ khá chần chờ. Đi đi, ta cũng liệu lấy việc ta.
Nói xong, cụ vội vã vào nhà lấy gậy, lấy nón và đi ra ngõ.
Mười hôm sau, lệnh quan cũng chưa xuống đến Dương Châu. Lý dịch nhiều phen chầu chực mà vẫn không gặp được quan. Lần thứ nhất quan bận việc ngủ vì đêm vừa rồi quan phải thức rất khuya để bàn việc đời với cô vợ trẻ. Lần thứ hai quan bận dự đám tiệc lớn thết đãi một bạn đồng liêu nay đã thăng quan tiến chức. Lần thứ ba quan đang lao tâm khổ trí vì một thế cờ của một đồng liêu chiếu bí nên không rảnh trí để bàn việc khác. Lần thứ tư thì quan không có ở nhà. Cứ thế lý dịch hầu mãi và cứ tiếp tục gặp quan bận rộn, nếu quan không khổ tâm vì bị kẻ khác chiếu bí thì cũng đang bận trí chiếu bí kẻ khác, nếu không bận việc ăn uống thì cũng đang lo về chuyện vợ con.
Đến ngày thứ mười một thì quan Lệnh Trấn biết rằng có loài thủy quái xuất hiện trên sông nhưng quên mất khu ấy là ở sông nào. Qua ngày mười hai quan mới sực nhớ là miền Dương Châu đang có thủy quái. Biết chắc thủy quái không sao bò đến tư thất của quan, nên quan cho rằng thủy quái là loại vô hại.
Trong khi ấy thì chợ búa ở miền Dương Châu không có người đi. Đò ngang qua lại trên sông phải đành gác mái. Những người thuyền chài thơ thẩn trên bờ ngơ ngác nhìn nhau. Từ sáng đến chiều, ông cụ Thiên Hộ đội chiếc nón rách lê cây gậy tre lò dò đi dọc con sông chú tâm theo dõi mọi sự xuất hiện của loài quái vật.
Dân Dương Châu sống trong tình trạng chờ đợi, lo âu, dần dần cảm thấy hốt hoảng vì nạn đói đã lảng vảng đến gần.
Một tối ông cụ Thiên Hộ lê gậy đến nhà Lý trưởng Hà Huy. Ông cụ bảo:
- Mong ông hãy vì trăm dân mà lên nói với quan trên giúp cho phương thế đối phó việc nầy.
Hà Huy, vì chợ búa mấy hôm không nhóm, chẳng có cá ăn nên cứ ăn mãi thịt gà, lấy làm bực lắm, vừa xỉa răng một cách hậm hực, vừa đáp.
- Chém cha cái loài thủy quái! Nó cứ cố tình ở mãi nơi đây đợi cho nuốt hết bao nhiêu tôm cá rồi mới đi chắc?
Ông cụ Thiên Hộ tiếp lời:
- Tôi xem cái thế nó còn ở lâu chớ chẳng chịu rời bỏ đi nơi khác.
Ngày xưa, gặp năm đại hán tôi đã thấy rõ con sông có nhiều hốc sâu có thể làm nơi sào huyệt rất tốt cho loài thủy quái. Nay cứ theo cách ẩn hiện của nó thì con thủy quái xem chừng quyết định ở luôn tại vực sông nầy. Nếu nó cố tình ở lại thì không những cá tôm ta chẳng có để dùng mà nạn đói kém đe dọa một mai, thì rồi loạn lạc xảy ra không nhỏ.
Lý lẽ của Thiên Hộ làm cho Hà Huy suy nghĩ... Tôm cá rồi đây chẳng có, chả lẽ gã phải dùng luôn một món thịt sao? Dân tình loạn lạc kéo đi nơi khác thì lấy ai mà đóng thuế mỗi mùa? Giặc giã nổi lên, nếu cần tiếp tế lương thực thì chắc chúng sẽ tìm đến kho lúa gần nhất là nhà Hà Huy...
Bởi vậy Hà Huy ném mạnh cây tăm xuống đất, chép miệng liên tiếp hai ba lần để cho khô ráo họng lưỡi rồi nói một cách cương quyết:
- Ta sẽ vì dân mạo hiểm phen nầy! Thôi ông cụ về đi, ngày mai ta sẽ lên quan kêu cứu.
Hôm sau, Hà Huy lên đến cửa quan nhờ chực, vừa lo quan bận việc khác thì may mắn thay có lính ra truyền gọi vào. Nguyên là quan lệnh mấy hôm nay phải ăn toàn thịt cũng thấy ngán lắm. Tuy biết rằng loài thủy quái không sao đến tận tư dinh, nhưng nếu cá tôm cứ việc ở lại cùng loài thủy quái thì hạnh phúc ở nhà quan chẳng được yên lành.
Lập tức, sau khi truy cứu nguyên nhân vì đâu mà không có món tôm tươi, cá béo trong mỗi bữa cơm, quan lệnh bèn nghĩ tới cách đối phó với loài quái vật. Quan nhớ ngày xưa Hàn Dũ đã từng dùng văn xua đuổi giống nầy nên quyết noi gương cổ nhân lưu lại đời sau một trang sử lạ thứ hai. Quan bỏ hai ba đêm liền gọt dũa một bài văn tế vô cùng cảm động, đại ý xác định cho thủy quái rõ vị trí của nó không phải là miền Dương Châu và luôn dịp đề cao uy lực của quan cho loài thủy quái khiếp sợ. Cuối cùng, sau khi dọa nạt trong mười câu liền, quan hạ bút thêm một đoạn vỗ về, an ủi thủy quái, khuyên rằng nếu nó biết điều lẩn tránh nơi đây thì quan sẽ dựng cho nó một tấm bia lớn trên sông, hàng năm ra lệnh cho dân khói hương tưởng niệm.
Quan đang rung đùi đọc lại bài văn của mình đến lượt thứ hai mươi tám thì có lý trưởng Hà Huy trình diện, Hà Huy chưa dám mạo hiểm kêu cứu thì quan đã vội sốt sắng mở lời.
Lập tức, Hà Huy phóng ngựa chạy về thi hành mệnh lệnh bề trên. Trước hết là tập trung dân chúng nói rõ ý quan, sau là phân công hương dịch đôn đốc chúng dân lập đàn tế lễ. Cuối cùng, chọn lựa ngày tốt, cử người tắm rửa sạch sẽ, đọc bài văn tế của quan.
Nghe được tin nầy, Thiện Hải mừng lắm chạy đi tìm cụ Thiên Hộ. Gã vừa bô bô từ ngõ đi vào loan báo tình hình thì thấy cụ già ngồi ở trước sân vẻ mặt trầm ngâm. Khi nói xong, cụ già vẫn không tỏ ý nửa lời. Gã chờ giây lát rồi nói:
- Ý cụ thế nào?
Cụ Thiên Hộ quắc đôi mắt đáp:
- Thực là một việc buồn cười. Thuở nhỏ ta có được học ít nhiều mà bây giờ đã quên mất, nghe bao nhiêu văn chương phú lục cũng chẳng biết gì, thì loài thủy quái xưa nay chưa từng cắp sách đến trường làm sao thưởng thức cho được từ điệu cao xa của quan Lệnh trấn?
Thiện Hải có vẻ hoài nghi, hỏi lại:
- Thế sử sách chả nói chuyện ông Hàn Dũ đấy sao?
Cụ Thiên Hộ cười nhạt rồi trả lời:
- Chuyện ông Hàn Dũ có lẽ là chuyện có thật, song ta là kẻ dốt nát ta chỉ hiểu rằng một lẽ vì con sấu ngày xưa nhân mùa nước lớn đi lạc vào một con sông quá cạn, đến khi nước rút nó phải bỏ đi, hai lẽ là con sông ấy có thể ít mồi tôm cá, không có thức ăn, nó phải chạy về nơi khác, ba lẽ là khi cầu đảo, tế lễ, người ta khua trống, dộng chiêng, reo hò ầm ĩ khiến loài quái vật khiếp đảm mà lui. Chứ bảo văn chương ông Hàn Dũ tài hoa điêu luyện làm cho cá sấu động lòng thì chỉ có lũ trẻ con mới tin như thế. Nay con sông Dương Châu bề trong thì sâu, bề ngoài thì cạn, lại thêm đất bồi cơn lụt vừa qua đắp thêm ngọn ngoài khiến loài quái vật khó bề chạy đi nơi khác thì đừng nói đến một bài văn tế, cho đến ngàn bài cũng chẳng ích gì.
Thiện Hải suy nghĩ giây lâu, rồi hỏi:
- Thế thì đành chịu hay sao?
Cụ già đanh thép trả lời:
- Chịu làm sao được? Văn chương của quan không đuổi được nó thì sức lực của dân phải giết chết nó.
Thiện Hải gặng hỏi:
- Biết ai là kẻ có tài?
Cụ già trừng mắt:
- Hừ, biết ai là kẻ có tài! Chính thế, cứ ngồi mà đợi thì chẳng kẻ nào là bậc có tài. Ta đây cả đời chỉ thẩy có làm rồi mới phát hiện tài năng, chứ không phải cần sắm đủ tài năng rồi mới chịu làm. Một là chịu bại thì không có tài, hai là muốn thắng thì tất có tài, lẽ đời xưa nay vẫn thế. Rồi nhà ngươi xem, giết con thủy quái Dương Châu đều là những kẻ xưa nay bị xem như bọn vô tài!
Tiếng Sấm Dương Châu Tiếng Sấm Dương Châu - Vũ Thiên Lý Tiếng Sấm Dương Châu