Chương 1
iệt có một ông chú từng là sĩ quan hải quân đóng tới chức thiếu tá. Người ta gọi ông là thiếu tá Triều Dương - tên chiếc chiến hạm mà xưa kia ông là hạm trưởng. Nhưng nay thì ông "chú thiếu tá" của Việt không còn chỉ huy dưới tàu nữa. Ông trở về đời sống thường dân và cư ngụ tại Đà Nẳng.
Chú Triều Dương là một người rất dễ mến, nhưng cũng rất nghiêm khắc. Chú không cho phép ai cưỡng lời chú, và cũng rất ghét ai tọc mạch đến việc chú làm. Khôi, Việt, chỉ được biết đại khái chú Triều Dương tuy không còn mang sắc phục Thủy Quân, nhưng chú vẫn dành nhiều thì giờ đến làm việc ở căn cứ X, một căn cứ quan trọng của hải quân, và hình như công việc của chú rất cần thiết cho tương lai của quốc gia, nên chú đem hết khả năng ra phụng sự.
Có lần trong lúc vui chuyện Việt đã dại dột hỏi:
- Chú, sao chú hay đến căn cứ X thế? Chú làm gì ở đấy?
Đôi mắt chú liền quắc lên nhìn Việt, khiến Khôi cũng xanh mặt, vội véo vào đùi Việt, như ngầm bảo bạn đừng hỏi thêm gì nữa. Quả nhiên chú Triều Dương nghiêm giọng nói:
- Chú có việc của chú... Nhưng chú không muốn nghe cháu hỏi những câu ngu xuẩn đó trong bữa cơm. Các cháu đã biết luật lệ của chú rồi!...
Luật lệ của chú Triều Dương rất hà khắc. Có lẽ đó là do thói quen của một vị sĩ quan chỉ huy trong ngành Hải quân. Chú quen ra lệnh rồi, và lệnh của chú buộc mọi người phải tuân theo. Ngay đối với Khôi, Việt là hai đứa cháu được gọi ra nghỉ hè, "để thưởng các cháu vừa đỗ tú tài phần I" như lời chú nói, và được chú cưng nhứt, cũng vẫn phải theo đúng luật lệ của chú.
Trong luật lệ của chú có cả việc phải đi dự Thánh lễ sáng ngày Chúa nhật tại một ngôi thánh đường gần nhất. Trong gia đình của Việt chỉ có mình chú theo đạo Công giáo. Ba má Việt không theo đạo nào, chỉ thờ kính tổ tiên. Nên việc phải theo chú đi dự lễ mỗi sáng chúa nhật cũng là một luật lệ phải thi hành suốt trong thời gian Khôi Việt ở chơi với chú.
Được một tuần lễ thì Khôi Việt quen với luật lệ của chú Triều Dương. Ngược lại, chú cũng cho hai anh em được phép theo chú đi nhiều nơi quanh vùng mà chú gọi trống là "đi dạo". Những cuộc "đi dạo" đó thường xảy ra rất đột ngột. Có khi chú rẽ xe về nhà, bảo Khôi Việt leo lên cùng đi, hoặc có khi từ ở căn cứ X chú điện thoại về bảo hai anh em sửa soạn sẵn rồi chú lái xe về đón. Chú không cho biết trước đi đâu bao giờ, và lâu hay chóng. Hai anh em đã quen tính chú, chỉ biết tuân lệnh, lo sắp hành trang, lều vải, và khi còi xe chú vừa gọi là chỉ việc xếp lên phía sau xe, bên cạnh những máy móc lỉnh kỉnh của chú. Không đứa nào dám dại miệng hỏi xem những máy móc chú dùng vào việc gì, mà lần đi chơi nào chú cũng mang theo. Cứ mỗi lần đến một nơi chú định đến, chú chỉ bảo:
- Thôi, bây giờ các cháu có thể đi chơi quanh quẩn ở gần đây. Khi nào về chú sẽ gọi.
Những cuộc "đi dạo" ấy có chuyến ngắn ngủi độ nửa ngày, nhưng cũng có khi kéo dài tới cả tuần. Trường hợp ấy, Khôi Việt được chú phát cho ít tiền để chi tiêu và được tự do tổ chức lấy cuộc cắm trại. Nhờ thế, mà Khôi Việt được đi gần khắp miền duyên hải Trung phần, từ Quảng Nam, Quảng Ngải, tới Qui Nhơn. Hai anh em đã có dịp xem nhiều thắng cảnh, nhiều di tích còn xót lại của thời xưa.
Nhưng đặc biệt nhất là ở Hội an, và cũng chính nơi đây, Khôi Việt đã khởi đầu một cuộc mạo hiểm kỳ lạ.
Lần "đi dạo" ở Hội An này với chú Triều Dương kéo dài cả tuần lễ; ở đây, chú lái xe đi suốt ngày, mang theo những máy móc bí mật của chú. Cứ buổi sáng, chú chở Khôi Việt ra ngoài bờ biển, để hai anh em đi chơi tự do, còn chú phóng xe mất dạng cho tới bữa cơm chiều, chú cháu mới gặp nhau ở khách sạn trong thị xã.
Khôi, Việt không ở khách sạn với chú. Hai anh em dựng lều ở ngoài trời, chỉ về khách sạn chú Triều Dương trọ để dùng cơm. Được tự do cả ngày, Khôi Việt tha hồ rộng cẳng. Hai anh em hết thăm thú các ghềnh đá ngoài bờ biển, lại men theo các đường mòn dẫn đến những di tích cổ xưa đổ nát, hoặc những hầm mỏ bỏ phế lâu đời.
Hội An là một thành phố xưa cũ nhất của Trung Việt, đã thành lập gần 400 năm nay. Trước kia Hội An là nơi buôn bán rất phồn thịnh nhờ hợp lưu của ba nguồn sông phát nguyên từ các động Mọi xuyên ngang nhiều vùng trù mật, phong phú, nên việc chuyên chở các lâm sản, nông sản, bằng đường thủy rất thuận tiện.
Chính Hội An là nơi các thương nhân Âu Châu người Bồ đào Nha, người Hà Lan, người Anh hồi đầu thế kỷ XVII đã đến tiếp xúc với nhân dân xứ đường trong của chúa Nguyễn trước nhất, còn người Tàu, người Nhật đã có mặt ở đấy từ lâu rồi.
Bạch Liên vùng hỏi:
- Phải Hội An bây giờ là... FaiFo ngày xưa không?
Việt gật đầu:
- Phải. Tên FaiFo là do mấy xừ thực dân người Pháp gọi. Hội An từ trước vốn là nơi phố xá đông đúc, người bản tỉnh gọi là phố, và có lẽ vì sát ngay cửa biển nên còn có tên là Hải Phố. Khi người Pháp mới đến, hỏi tên chốn này, được trả lời là Hải phố bèn phiên âm ra là "FaiFo"
Tuấn gật gù:
- Hình như FaiFo còn có tên là Phố Hiến nữa nên người thời ấy có ví: "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Nghe nói ở đây có một cái cầu xưa lắm thì phải?
- Cầu đó do người Nhật làm ra, nằm ở đầu đường vào thành phố trên có lợp ngói nên gọi là cầu Ngói, hay cầu Chùa. Năm Kỷ hợi (1719) chúa Hiển Tôn Nguyễn Phúc Chu tuần du phố hội thấy nơi đây ghe thuyền nhóm họp, người ngoại quốc đến buôn bán đông mới đặt tên cầu là "Lai viễn kiều".
Bạch Liên cười:
- Chà, Việt bữa nay trổ tài sử học, nói nghe như một đại sử gia vậy!
Bị Bạch Liên đùa, Việt đỏ tai ngồi im. Khôi tỏ vẻ sốt ruột, bật hai ngón tay búng kêu một tiếng gọn. Cái búng tay phản đối của Khôi liền bị Bạch Liên "hóa giải" bằng một cái nheo mũi.
Việt liền cười, tiếp:
- Cũng tại Hội An là một thành phố lâu đời, mà bọn này lại được xem nhiều di tích cổ xưa, nên nhiều chỗ chẳng hiểu ất giáp gì. Muốn hỏi chú Triều Dương thì cóc thằng nào dám mở miệng. Bị chú chê ngay từ đầu là: "Tụi bây chẳng thằng nào đáng làm dân Việt cả. Dốt quá!" Sau này cuộc "đi dạo" ở Hội an kết thúc rồi, Việt mới tìm tài liệu đọc thêm đấy chứ. Phần chú Triều Dương, chú rất thạo địa danh, địa lý những nơi chú đến. Tuy nhiên chú có vẻ như để ý đến miền có nhiều mỏ hơn. Có lần vui chuyện, chú đã tiết lộ rằng từ Quảng Nam trở vô Tam Kỳ là nơi có nhiều mỏ nhất ở Trung Việt, và thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị đã khai thác được cả mỏ đồng, mỏ vàng...
Chú cũng căn dặn Khôi Việt khi thăm chơi Hội An phải hết sức thận trọng, vì ở đây ngoài bờ biển có nhiều vách núi hiểm trở, ghềnh đá cheo leo, còn bên trong nội địa không thiếu gì hầm hố, vực sâu.
Bởi vậy nhiều lúc đi thăm thú các nơi, Khôi Việt thường được nghe nói đến những tai nạn bất ngờ, những vụ mất tích dị thường, mà người kể, không chắc gì đã mục kích, nhưng chỉ nghe truyền tai nhau rồi thêu dệt thêm lên. Chú Triều Dương hầu như không bỏ sót một chi tiết nào khi nghe những câu chuyện ấy song lại tỏ vẻ không mấy quan tâm. Chú chỉ nhân việc đó nhắc chừng Khôi Việt phải cẩn trọng khi du ngoạn.
Một sáng chúa nhật - ngày thứ ba của Khôi Việt ở Hội An - sau khi dự lễ ở thánh đường ra, chú Triều Dương cho xe chạy vòng ra mé bờ biển ngắm cảnh.
Trời hôm ấy thật trong. Nền trời xanh lơ không một gợn mây. Mặt biển mênh mông gợn sóng. Xa xa một vài hòn đảo nổi bật giữa làn sóng biếc của đại dương, nom như muốn trôi gần vào đất liền.
Khôi mở tấm bản đồ chăm chú dò tìm. Chú Triều Dương hỏi:
- Chắc cháu tìm cái cù lao ngoài kia là gì phải không?
- Vâng.
- Cháu tìm thấy chưa? Nó là cù lao Chàm.
- Dạ. Cháu thấy đây rồi.
- Trên bản đồ ghi tên cù lao Chàm vì ở đó có mọc rất nhiều cây chàm. Nhưng người dân địa phương còn gọi là cù lao Khỉ.
Việt cười:
- Chắc ở đấy nhiều khỉ lắm chú nhỉ?
- Ừ. Có rất nhiều, và đủ các giống.
Khôi hỏi:
- Ngoài đó có người ta ở không chú?
- Có, song rất ít, vì bị bọn khỉ phá phách không làm ăn gì được.
- Hôm nào chú cho tụi cháu ra ngoài đó cắm trại một buổi chú nhé.
Vừng trán của chú Triều Dương hơi cau lại. Nhưng rồi chú vui vẻ hỏi:
- Tụi bay ra đó làm chi vậy. Định nhận họ với tụi khỉ chăng. Chú thấy tụi bay cũng có nhiều đặc tính giống khỉ lắm đấy!
Thấy chú đang vui, Việt không bỏ lỡ cơ hội:
- Dạ, tụi cháu muốn xem giang sơn của bọn khỉ ra sao, và làm một cuộc thám hiểm quanh đảo. Chắc có nhiều sự... ly kỳ lắm!
Chú Triều Dương cười:
- Hai đứa bay lúc nào cũng chỉ mơ tưởng những chuyện ly kỳ. Ở đây thiếu gì chuyện ấy. Mấy bữa nay bay có nghe biết chuyện gì đã xảy ra không?
Khôi Việt đưa mắt nhìn nhau. Chú tiếp:
- Hai thằng không nghe gì hết à? Thế mới biết tai mắt tụi bay còn kém lắm. Hình như người ta có bàn tán về vụ một thầy giáo bỗng dưng mất tích mấy ngày nay... Coi nào, hình như tên thầy giáo ấy là...
- Thầy Phong!
Khôi thốt câu ấy có vẻ đắc ý. Bị chú Triều Dương chê, Khôi hơi ức. Thực ra, câu truyện thầy giáo Phong đột ngột biến mất ở Hội An, Khôi, Việt có biết, nhưng không để ý. Nghe chú Triều Dương nhắc đến, Khôi mới trực nhớ ra tên thầy giáo là Phong.
Chú Triều Dương gật đầu:
- Ừ phải... Thầy Phong! Có lẽ thầy giáo này nặng máu giang-hồ vặt, hoặc mãi làm thi sĩ, nên đã lơ đểnh xảy chân rơi vào một hang hốc nào đó. Hoặc giả thầy ta rớt xuống bể rồi cũng nên. Lại còn chuyện nầy nữa, tụi bay đã nghe ai nói về tiếng chuông kêu dưới đáy biển chưa?
Khôi gật đầu:
- Thưa chú, truyện đó hoang đường quá. Cháu nhớ hồi nhỏ, có đọc một truyện cổ tích tương tự như thế.
- Phải, những truyện cổ tích thường mang nhiều tính chất hoang đường. Nhưng Hội An là một thành phố đã có trước đây hàng bao thế kỷ. Ai biết được vị trí của thị xã này xưa kia nằm ở chỗ nào? Có người cho rằng hồi các thương-nhân ngoại-quốc mới đến đây, thì mỏm đất chúng ta hiện đang đứng, còn nối liền với hòn đảo ngoài kia. Các cửa hiệu buôn được dựng lên ở sát mé biển, thuận tiện cho các tàu buôn cập bến. Theo chân các khách thương ngoại quốc, các nhà truyền giáo cũng tới đây giảng đạo. Lẽ dĩ nhiên các vị này không bỏ lỡ cơ hội cố gắng xây cất được một ngôi thánh đường nhỏ. Phía dân ta, cũng có khai thác một hầm mỏ theo lối thủ công, nên phố xá mới tân lập mà đã phồn thịnh sầm uất.
Bỗng một biến cố ghê gớm xảy ra. Chẳng biết có phải vì bão biển đã dâng sóng cuốn trôi eo đất ấy lẫn nhà cửa bên trên, hay một cuộc động đất đã làm sụp đổ cả thị xã này xuống lòng đáy biển. Những thế kỷ sau, phố Hội lại được xây dựng lại. Đạo Thiên Chúa bị Triều đình ta cấm cách. Các thương
nhân Âu châu gặp nhiều khó khăn, nên ít có người tới đây lập nghiệp, trừ người Tàu và người Nhật. Những người này bén rễ ở đây. Người Tàu cất chùa, lập hội; người Nhật xây cả cầu. Họ lấy vợ người bản xứ nên dân phố Hội sau này đa số là người minh hương... Ủa, chú nói dài dòng từ nãy đến giờ, quên mất câu truyện chuông kêu dưới đáy biển! Các vị già lão, cả quyết rằng những buổi đẹp trời, gió yên, biển lặng, thường nghe tiếng chuông - tiếng chuông của ngôi Thánh đường xưa - âm vang dưới sóng, ở khoảng cách giữa đất liền với hòn đảo ngoài kia.
Vừa nói, chú Triều Dương vừa chỉ tay ra làn nước mênh mông xanh biếc, nơi mà khi xưa có lẽ là một giải đất liền với những phố xá sầm uất...
Khôi và Việt ngẩn người đứng nghe giọng nói trầm ấm của chú Triều Dương. Những lời chú vừa thuật lại, còn hay hơn cả truyện cổ tích. Cả hai đều im lặng, lòng mênh mang niềm hoài cảm, và đều ước muốn được nghe tiếng chuông huyền thoại đó.
Việt nhắc lại:
- Vậy chú cho phép tụi cháu ra cắm trại ngoài đảo Chàm một buổi nhá.
Chú Triều Dương gật đầu:
- Được. Ngay hôm nay, chú cần trở về căn cứ X, và ở lại đó chừng một vài ngày. Các cháu có thể ra chơi ngoài đảo trong khi chú bận kiểm soát lại máy móc của chú. Nhưng chú cho hai đứa biết trước, là ngoài đảo Chàm không có gì hấp dẫn lắm đâu, dân đảo thưa thớt, lại không mấy hiếu khách đấy nhé.
Khôi, Việt mừng khấp khởi đến nỗi bữa điểm tâm sáng hôm ấy, chẳng ai buồn ăn.
Một giờ sau, hai anh em bước chân xuống thuyền. Khi thuyền vừa rời bến, chú Triều Dương còn mỉm cười bảo Khôi Việt:
- Nhớ lắng nghe tiếng chuông kêu khi ngang qua thị xã bị chìm ngập ngày xưa, nghe!
--------------------------------
1 Lối giải thích của Việt có lẽ mập mờ, không đúng. Theo ông Thái văn Kiểm thì vào thế kỷ thứ V tên con sông Thu Bồn chảy ngang qua Hội An ra biển, có tên là Hoài giang. Do đó Hội An xưa được gọi là Hoài Phố, và người Trung Hoa cư ngụ từ từ trước đã đọc trại ra là Phai Phô hoặc FaiFo.
Tiếng Chuông Dưới Đáy Biển Tiếng Chuông Dưới Đáy Biển - Nguyễn Trường Sơn Tiếng Chuông Dưới Đáy Biển