Chương 2 -
óa ra ngôi nhà mới không nằm xa chỗ ở cũ của chúng tôi là bao. Xe quẹo qua hai ngã tư là tới nơi.
Đó là một ngôi nhà gạch đúc hai tầng khá đẹp, nằm kế một con hẻm nhỏ. Mặt tiền nhà có bề ngang tương đối rộng. Phía trước có một khoảng sân không lớn lắm. Nền sân rải rác những ô tròn phủ một lớp đất sẫm và ướt. Tôi đoán đó là những chỗ trước đây bác Tám đặt những chậu hoa kiểng và khi dọn nhà đi bác đã đem theo.
Phía sau nhà là một khu vườn không rộng lắm nhưng khá dài, trồng nhiều loại cây ăn trái như mít, ổi, mận, khế... Những cây này khá lớn, ít ra cũng khoảng sáu, bảy tuổi trở lên, có lẽ do những người chủ xa xưa của chúng trồng. Khi chúng tôi đến, chắc là do gặp tháng trái mùa nên trên cây chẳng có trái gì ăn được. Ổi thì lưa thưa vài trái, trái lại nhỏ. Khế mới ra hoa. Chỉ có mận là trái hơi to to nhưng chắc còn chua. Những bụi chuối xum xuê nơi cuối vườn, cây thì mới trổ bắp, cây thì trĩu buồng nhưng trái còn xanh.
Khu vườn được rào xung quanh bằng các dây kẽm gai chăng trên những cọc sắt và cọc gỗ cắm xen kẽ, trên đó bò um tùm và hỗn độn một loại dây leo mà tôi không biết tên. Dãy hàng rào bù xù đó khiến cho khu vườn vốn đã đầy cây cối và cỏ dại càng thêm rậm rạp. Hiện trạng của khu vườn chứng tỏ trước đây bác Tám chẳng quan tâm gì đến việc sửa sang mảnh đất phía sau này, có thể vì bác nghĩ mình chẳng an cư ở đây lâu.
Thú thật là tôi rất thích khu vườn này. Ngay từ lần đầu tiên đặt chân ra vườn, tôi đã vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi nhìn thấy khung cảnh quen thuộc mà tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ gặp lại khi giã từ quê ngoại. Những cây khế vẫy những chiếc lá mảnh mai, những cây ổi vẫy những chiếc lá đậm chắc, còn những cây chuối thì vẫy những chiếc lá to như tai voi, tất cả cây cối trong vườn đều vẫy chào tôi với vẻ mừng rỡ thân thiện và tôi cũng vẫy tay chào lại chúng, lòng hân hoan khôn tả.
Sau khi ngồi bệt xuống bãi cỏ nghỉ mệt sau chuyến dọn nhà mặc dù tôi chẳng phải động tay động chân gì mấy tí, tôi đứng dậy lững thững dạo bước khắp vườn, vừa đi vừa căng ngực hít thở mùi cỏ dại và mùi đất ẩm hệt như đứa con khát khao thưởng thức mùi sữa mẹ, mặc dù thỉnh thoảng vẫn bị xộc vào mũi mùi xăng nhớt từ đâu tít ngoài đường lẩn thẩn bay vào.
Đang bước đi thơ thẩn dọc hàng rào cuối vườn, bất chợt tôi kêu lên một tiếng kinh ngạc. Trước mắt tôi, cạnh gốc khế là một cái giếng đá cũ xưa hệt như những cái giếng làng. Thành giếng thấp, lại phủ đầy rêu xám, đứng từ xa không thể nào nhìn thấy, nhất là tầm mắt bị khuất sau những vòm lá lúc nào cũng đong đưa.
Tôi bước lại ngồi trên thành giếng, dòm xuống. Nước giếng trong, bập bềnh bông khế và lấp lánh những giọt nắng rụng xuyên qua kẽ lá. Thỉnh thoảng một cơn gió thoảng qua, những bông khế lại lác đác rơi bám trên tóc tôi, một số khác rơi vào lòng giếng khiến mặt nước khẽ xao động và tôi cứ ngẩn người ngắm những vòng tròn lăn tăn xuất hiện và đuổi bắt nhau đến tận vách giếng, lòng bỗng thấy xao xuyến không cùng.
Cho đến khi rảo bước vào nhà, tôi vẫn bâng khuâng tự hỏi không hiểu người ta đào cái giếng này để làm gì trong khi ở thành phố nguồn nước máy quá ư thừa thãi. Nhưng rồi ngay sau đó tôi tự giải đáp rằng cái giếng này có lẽ được dùng vào việc tưới cây trong vườn. Và tôi tạm bằng lòng với cách giải thích của mình.
Khi tôi vào đến nhà, ba mẹ tôi đã có mặt. Nhìn đồ đạc bày la liệt trước sân, tôi đoán là mọi thứ của ngôi nhà cũ đã được chuyển hết qua đây.
Các anh bảo vệ đang lăng xăng khiêng đồ đạc vào các phòng và kê dọn lại theo sự sắp xếp của mẹ tôi.
Đang bận rộn hướng dẫn các anh bảo vệ, chợt nhìn thấy tôi lò dò đi tới, mẹ tôi mắng ngay:
- Thằng quỷ con, từ nãy đến giờ mày biến đi đâu?
Tôi chỉ tay ra phía sau:
- Con chơi sau vườn.
Mẹ tôi nhăn mặt:
- Ngoài đó có gì mà chơi? Mày với thằng Khánh phải có mặt ở đây, xem thử bố trí phòng ốc thế nào để còn nhờ các anh đem giùm đồ đạc vào nữa chứ!
Bị mẹ mắng, tôi im re. Anh Khánh chạy lại nắm tay tôi kéo đi:
- Tao với mày lên lầu đi! Phòng của tao và mày ở trên này.
Như được giải thoát, tôi vội vàng đi theo anh Khánh. Chúng tôi băng qua hai căn phòng khá rộng - anh Khánh bảo đó là phòng khách và phòng ăn của chúng tôi - rồi leo lên một cầu thang hình vòng cung nằm sát tường.
Tầng lầu cũng khá rộng, có ba phòng nối tiếp nhau. Phía trước là một sân thượng xinh xắn, có lan can bằng sắt bao quanh. Theo lời anh Khánh, căn phòng đầu tiên, có cửa mở ra sân thượng là căn phòng của ba mẹ, hai căn phòng còn lại là của hai đứa tôi.
Nói xong, anh nhìn tôi bảo:
- Bây giờ tao với mày bốc thăm. Tao xé hai mẩu giấy, ghi số 1 và 2. Đứa nào bốc nhằm số 1 thì ở phòng giữa, đứa nào bốc nhằm số 2 thì ở phòng sát phía sau. Mày chịu không?
Tôi không nói chịu hay không, mà hỏi lại:
- Nhưng anh thì anh thích ở phòng nào?
Anh Khánh khịt mũi:
- Tao hả? Tao thích ở phòng giữa.
Tôi gật đầu liền:
- Vậy thì anh ở phòng giữa đi! Em ở phòng đằng sau cho!
Anh Khánh tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Bữa nay sao mày tử tế quá vậy! Bộ mày không thích ở phòng giữa hả?
Tôi thừa nhận:
- Ừ. Em thích phòng phía sau hơn.
Anh Khánh tò mò:
- Phòng đó có gì mà thích?
- Có... có cửa sổ trông ra vườn.
Anh Khánh càng thắc mắc:
- Mày trông cái gì ngoài đó?
Tôi ấp úng:
- Thì trông... cây.
Anh Khánh tỏ vẻ thất vọng trước lý do tầm thường của tôi. Anh nhún vai:
- Hừ, tưởng gì! Nếu chỉ có mỗi cái khoản trông cây thì ở phòng giữa khoái hơn nhiều!
Tôi ra vẻ hiểu biết:
- Ở phòng giữa ấm hơn chứ gì?
- Ừ thì ấm hơn. Nhưng cái quan trọng là ở phòng giữa đỡ phải sợ... ma. Ban đêm nằm ngủ, hai bên đều có người.
Nghe anh Khánh nói, tôi đâm chột dạ và bất giác đưa mắt nhìn ra vườn. Hồi ở dưới quê, tôi nghe chuyện ma riết cũng đâm sợ. Về thành phố một thời gian, sống giữa bầu không khí náo nhiệt, điện đóm sáng choang, xe cộ ầm ầm suốt ngày, tôi quên béng chuyện ma cỏ. Bây giờ bỗng nhiên nghe anh Khánh nhắc, tôi cũng hơi hồi hộp.
Nhưng khu vườn trước mắt tôi hiền lành xiết bao. Nhìn ngắm những vòm lá xanh tươi lấp lánh dưới ánh nắng một lát, tôi dần dần yên tâm trở lại. Tôi nói với anh Khánh, giọng nhẹ nhõm:
- Vậy là em ở phòng sau hén?
Tất nhiên anh Khánh không phản đối. Thậm chí tôi còn đọc được trong đôi mắt anh sự thán phục đối với tính gan lì của tôi.
Thỏa thuận xong, hai đứa tôi rủ nhau đi coi phòng.
Phòng tôi và phòng anh Khánh giống hệt nhau. Căn nào cũng xinh xắn và rộng rãi, thừa chỗ để kê giường, tủ và bàn học. Hai căn phòng chỉ khác nhau một điểm duy nhất: cửa sổ phòng anh Khánh mở ra con đường hẻm cạnh nhà, còn cửa sổ phòng tôi thì mở ra khu vườn xanh ngát phía sau.
Hai anh em vừa dọ dẫm quanh phòng vừa sờ tay lên bức tường mát rượi, miệng trầm trồ thích thú. Như vậy là kể từ hôm nay, mỗi đứa tôi sẽ có một căn phòng riêng, hệt như người lớn. Chúng tôi sẽ ngủ trên những chiếc giường riêng của mình, mặc tình lăn qua lăn lại, xoay ngang xoay dọc, khỏi sợ làm phiền ai. Sẽ không còn tình trạng người này nằm ngủ gác chân lên mặt người kia và suốt đêm cứ vang lên chằm chặp tiếng la lối vì những cú giật mền thô bạo.
Chỉ có khoản học là chúng tôi phải học chung trong căn phòng dưới nhà, nơi mà anh Khánh bắt tôi phải treo chiếc lồng sáo ở đó để "chơi chung". Theo ý kiến của ba tôi, hai người học chung với nhau bao giờ cũng hứng thú hơn là một người, đồng thời hai anh em tôi có cơ hội kiểm soát lẫn nhau để nếu có đứa nào ngủ gục hoặc trốn học chuồn đi chơi thì đứa kia báo lại cho ba tôi.
Trong khi hai đứa tôi còn loay hoay trong phòng thì các anh bảo vệ đã khiêng đồ đạc lên tới. Có tiếng hỏi to ngoài cửa:
- Cái tủ này đem vào phòng nào đây?
Tôi và anh Khánh tức tốc chạy ra.
Thấy chiếc tủ đứng chắn ngang cửa, anh Khánh chỉ tay về phía phòng tôi:
- Cái tủ này của thằng Kha, khiêng vô phòng kia!
Rồi nhác thấy cái bàn của mình vừa ló lên khỏi cầu thang, anh ngoắc lia:
- Đem lại đây! Khiêng cái bàn đó vô phòng này!
Trong khi anh Khánh đang sai khiến các anh bảo vệ theo phong cách "chỉ huy" của mẹ tôi, tôi chạy ù xuống nhà. Tôi sực nhớ đến cái bể cá và chiếc lồng sáo của mình. Từ khi dọn nhà qua đây đến giờ, tôi quên bẵng việc thay nước cho những con cá yêu quí của tôi, chẳng hiểu chúng đã bị chết ngạt chưa.
Như để làm dịu bớt nỗi lo của tôi, vừa thấy tôi đến bên cạnh, những con cá khôn ngoan kia liền quẫy mạnh chiếc đuôi đẹp đẽ của mình và lượn lờ bơi qua bơi lại trong bể nước cạn. Còn con sáo láu lỉnh thì nhảy nhót quanh lồng với vẻ mừng rỡ, thậm chí nó còn bám cả lên vách lồng với tư thế nghiêng người, miệng tía lia "có khách, có khách", "ba về, ba về" khiến các anh bảo vệ vừa từ trên lầu đi xuống phải đảo mắt ngó quanh.
Lát sau, anh Khánh hộc tốc chạy xuống. Có lẽ cũng như tôi, trong khi sắp xếp đồ đạc và bài trí căn phòng, anh sực nhớ đến thùng đồ chơi của mình.
Y vậy, vừa xuống khỏi cầu thang, anh lao ngay đến thùng các-tông nằm kế bể cá của tôi. Anh cầm sợi dây buộc giật giật mấy cái rồi ngó tôi:
- Mày lục lọi gì trong thùng đồ chơi của tao phải không?
Tôi đỏ mặt:
- Em có lục gì trong đó đâu.
Anh nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ:
- Tao nhớ hồi sáng tao buộc dây thật chặt, sao bây giờ nó lỏng thế này?
- Em đâu biết.
- Chứ không phải mày vừa lấy món gì trong này hả?
Câu hỏi trắng trợn của anh Khánh khiến tôi nhăn mặt:
- Em lấy đồ chơi của anh làm gì? Em có lấy, mai mốt anh cũng giật lại vậy!
Anh Khánh nhún vai:
- Bây giờ mày có phòng riêng, mày len lén mày chơi trong đó làm sao tao biết!
Bị nghi ăn cắp, tôi tức điên lên nhưng chẳng biết phải làm gì. Tôi bèn bĩu môi:
- Em thèm vào đồ chơi của anh! Em thích bể cá, chiếc lồng sáo và những con dế của em hơn.
Nói xong, tôi cầm chiếc lồng sáo đi lên lầu.
Thấy tôi bỏ đi, anh Khánh ôm thùng đồ chơi lẽo đẽo đi theo. Vừa đi anh vừa làu bàu hăm dọa:
- Lát nữa tao mở thùng đồ chơi ra, nếu thiếu một món nào mày sẽ biết tay tao!
Tôi hừ mũi:
- Thì anh cứ mở ra đếm lại đi! Càu nhàu hoài!
Và tôi đưa tay bịt tai lại, tỏ ý không thèm nghe những lời nhấm nhẳng khó chịu của anh.
Dĩ nhiên là đồ chơi của anh Khánh không thiếu một món nào. Sau khi mở thùng, tẩn mẩn lấy ra từng chiếc xe một, vừa lấy vừa đếm, thấy chúng vẫn còn đầy đủ, anh Khánh chạy qua phòng tôi cười hì hì:
- Còn đủ cả, Kha ơi! Vậy là mày không lấy cắp!
Lòng đầy giận dỗi, tôi giả vờ như không nghe thấy. Đứng trên chiếc ghế kê cạnh cửa sổ, tôi loay hoay tìm cách treo chiếc lồng sáo, mắt không thèm liếc về phía cửa phòng lấy một li.
Thiên Thần Nhỏ Của Tôi Thiên Thần Nhỏ Của Tôi - Nguyễn Nhật Ánh Thiên Thần Nhỏ Của Tôi