Hồi 2 - Bảy Điều Hận Lớn
áng ngày thứ hai, mới vừa canh năm, Anh Minh hoàng đế đã trở dậy toạ trào. Từ đó, ông phỏng theo hoàn toàn cách thức của triều Minh, từ cung điện lâu đài đến cấp bậc quan tước. Thỉnh thoảng ông lại triệu các bối lặc, đại thần cùng rời cung du ngoạn hoặc bàn tính quốc gia đại sự.
Hồi đó, Anh Minh hoàng đế rất căm giận Minh triều vì họ đã khinh khi ông nhiều lần. Ông thường đưa chuyện này ra cùng các đại thần bàn luận để tìm cách báo thù. Một hôm thám mã tại biên quan về tâu:
- Dân chúng miền biên tái của Minh triều thường vượt biên giới để trộm nhân sâm và đông mộc.
Anh Minh hoàng đế tức khắc hạ thánh chi, sai Đạt Nhĩ Hán và thị vệ Hỗ Nhĩ Hán đem quân tới biên giới tuần tra, nếu thấy người Minh vượt tuyến thì giết sạch.
Viên thị vệ Hỗ Nhĩ Hán y lệnh, giết đến năm mươi người Minh. Anh Minh hoàng đế còn sai Võng Cổ Lý, Phương Cáp Nạp tới gặp Quảng Ninh tuần phú là Lý Duy Hãn, hạch hỏi về chuyện vượt biên đó.
Lý Duy Hãn nghe nói quân Mãn giết chết dân mình, nổi giận đùng đùng, liền sai bắt hai sứ thần Kim Quốc, bắt luôn chín tên tuỳ tùng, trói chặt lại, một mặt viết thư gửi Nỗ Nhĩ Cáp Tề đòi đền mạng. Nỗ Nhĩ lòng tuy tức giận nhưng sứ thần hiện bị bắt giam thành thử đành thở dài, cho đưa mười tên phạm nhân bắt được ở Diệp Hách bộ hồi trước đến phủ Thuận Quan, nhất loạt chém hết, giả bộ đền mạng cho những người Minh bị giết. Nhờ vậy, Võng Cổ Lý và Phương Cáp Nạp mới toàn mạng trở về.
Anh Minh hoàng đế tuy nói nhất thời nhẫn nhục cho qua nhưng thực ra ý niệm báo thù ngày càng sâu thêm mãi.
Vào tháng giêng năm thứ ba, niên hiệu Thiên Mệnh, một hôm Nỗ Nhĩ Cáp Tề vừa thức dậy, sửa soạn ra thị triều, khi đẩy cánh cửa sổ nhìn ra ngoài thì chỉ thấy nơi vầng trăng mờ nhạt còn treo lủng lẳng góc trời tây một làn khói vàng vắt ngang, dài tới hơn bốn trượng, rộng có tới hai thước. Ông liền quan sát kỹ lưỡng rồi bất giác cười phá lên, nói:
- Khí số nhà Minh hết rồi! Đây là điềm báo nước Kim của ta đang vượng lên.
Bà Kế đại phi đứng ở đằng sau, cũng đang xem hiện tượng lạ lùng đó, chợt nghe lời Anh Minh hoàng đế, bèn hỏi:
- Bệ hạ lấy gì làm bằng cớ mà nói vậy?
Anh Minh hoàng đế nói:
- Khanh không thấy đó sao? Cái mặt trăng kia há không phải triều Minh sao? Mặt trăng sáng nhưng ánh sáng nhạt mờ há không phải là điềm báo của sự suy vong? Bây giờ, khanh xem tới làn khói vàng kia đi, nó ứng vào nước Kim ta đấy. Chữ Kim có nghĩa là vàng, tức là sắc vàng. Làn khói vàng kia, rất sáng, há lại không phải điềm báo nước Kim ta sẽ thịnh vượng ư? Hơn nữa, làn khói vàng lại còn vắt úp lên trên vầng trăng thì nước Kim diệt nước Minh há là đương nhiên rồi.
Bà Kế đại phi nghe giải thích mới hiểu ra, vội quỳ lạy, luôn mồm tung hô vạn tuế. Anh Minh hoàng đế vội nâng dậy, hối hả đòi ra thị triều.
Văn võ bá quan triều bái xong, Anh Minh hoàng đế bèn đem thiên tượng vừa xảy ra lúc ban mai rồi kết luận:
- Ý trời đã định. Chư khanh chớ nghi ngại nữa. Trẫm đã quyết, năm nay ta phải đánh người Minh.
Lúc đó, dưới điện, văn quan võ tướng đứng đầy. Họ nghe nói đánh Minh, lấy làm khoái chí, kẻ nào kẻ nấy xoa tay xắn áo y như cuộc đấm đá đã xảy ra trước mặt, và nhất loạt tâu xin hoàng đế đích thân điều khiếu cuộc chinh phạt.
- Chư khanh hãy lui. Đợi trẫm cùng pháp sư nghĩ kế thoả đáng đã, lúc đó tất nhiên sẽ có chỗ điều dụng chư khanh!
Qua hôm sau, chi ý được truyền ra, tuyên triệu pháp sư Hãn Lộc Dã Nhĩ Hãn Nang Tố vào cung.
Vị pháp sư này vốn từ Tây Tạng đi bộ tới Mãn Châu, đạo hạnh hết sức cao thâm, thuyết pháp rất là huyền diệu, được Anh Minh hoàng đế vô cùng quý trọng. Anh Minh hoàng đế sai người xây cất một ngôi chùa rất lớn gọi là Thích Ma Tự cho pháp sư, cứ mỗi khi có việc nghi ngờ khó giải quyết, lại tới thỉnh giáo.
Anh Minh hoàng đế cùng với vị pháp sư bàn tính kỹ lưỡng, cuối cùng đã tìm được chủ ý.
Ngày 14 tháng 2 niên hiệu Thiên Mệnh, là một ngày quan trọng, một ngày đã được vị pháp sư đắn đo tìm kiếm mới quyết định. Thế rồi, sáng tinh sương hôm đó, Anh Minh hoàng đế xa giá ra khỏi thành, khiến đủ Bát Kỳ người ngựa đến đại giáo trường chờ nghe lệnh. Hoàng đế mặc nhung trang, cưỡi trên lưng con ngựa ô cao lớn, chọn hai vạn tinh binh kéo tới tổ miếu hành lễ. Toàn ban văn võ đại thần, bối lặc tùng chinh cũng đều tới làm lễ, xong rồi quay về chỉnh đốn đội ngũ.
Chỉ trong chốc lát, người ta thấy cờ quạt rợp trời, kiếm kích như rừng, đại quân đội ngũ chỉnh tề, rầm rộ kéo thẳng tới Phủ Thuận quan.
Khi đại quân kéo tới Giới Phàm sơn, bỗng quân sĩ tiên phong bắt được một người Hán, áp giải tới trung quân. Anh Minh hoàng đế đích thân thẩm vấn. Mấy tên quân áp giải vừa đưa vào dưới trướng, nhà vua đã liếc mắt nhìn qua gã tù nhân một lượt để ước xét. Ông thấy người Hán này có bộ râu ngắn, mặt mũi rất thanh tú.
Chẳng cần phải xét lâu, nhà vua đã có thể biết rằng người Hán này phải là một kẻ đọc sách, ông bèn hạ lệnh cởi trói, lại cho gã ngồi đàng hoàng rồi mới hỏi han kỹ lưỡng. Gã người Hán nói:
- Tâu bệ hạ! Hạ thần họ Phạm tên Văn Trình, tự là Hiến Đẩu, vốn giòng giõi tiên tổ Phạm Văn Chính, tứ Trọng Yêm, đời Tống. Từ thuở nhỏ đọc rộng mọi sách, trên biết thiên văn dưới tường địa lý, giữa hay nhân sự, lại còn rành cả thao lược, thần đã mấy lần dâng sách lên Minh Hoàng nhưng Minh Hoàng chẳng dùng, đến nỗi về sau thần lênh đênh lưu lạc rồi trôi dạt tới đây. Thần lại thấy khói vàng úp nguyệt, biết rằng Mãn Châu sẽ xuất hiện chân chúa. Do đó, thần chẳng quản búa rìu, lặn lội tới quan ngoại để mong gặp bệ hạ. Thần nguyện đem hết tài năng để phò tá bệ hạ.
Anh Minh hoàng đế nghe Trình nói một hồi, trong lòng rất lấy làm vui mừng. Ông gọi thị vệ đem rượu thịt đế đãi Trình, lại bảo Trình:
- Trẫm đối với Minh triều có bảy điều đại hận, còn những việc tiểu oán thì chẳng cần nói làm chi, tiên sinh đã có lòng giúp Trẫm nên mới tới đây, vậy xin hãy bình luận rõ các mối hận của Trẫm xem sao?
Phạm Văn Trình nghe đoạn, bèn xin cho bút giấy, rồi ngay giữa bàn tiệc, viết thành bài "Thất hận đạo". Bài đó như sau:
"Ông cha ta chưa từng cắt một cọng cỏ, cướp một tấc đất của người Minh nơi biên ải, thế mà Minh triều vô cớ gây hân, giết hại ông cha ta. Đó là cái hận thứ nhất. Tuy Minh triều gây hấn nhưng ta vẫn cố tìm hoà. Ta dựng bia tuyên thệ "Hán cũng như Mãn chớ ai vượt tuyến. Kẻ nào liều lĩnh, gặp tức khác giết ngay". Thấy mà vẫn thả, ta giết đứa thả. Minh triều bất chấp lời ta. Lại còn cậy mạnh đem quân vượt tuyến giúp bọn Diệp Hách. Đó là cái hận thứ nhì. Hàng năm ở mé nam cũng như mặt bắc sông Minh Hà, người Minh thường đánh thuyền cướp bến, mặc sức lộng hành. Ta tuân lời thề nên phải giết. Minh triều lại phụ ước trước, trách ta giết bừa, bắt Quảng Ninh sứ thần của ta là Võng Cô Lý, Phương Cát Nạp, lại trói cả người tháp tùng, uy, hiếp ta. Đó là cái hận thứ ba. Quân Minh vượt tuyến giúp Diệp Hách, khiến người vợ sắp cưới của ta phải cải giá sang Mông Cổ. Đó là cái hận thứ tư. Lài Hà, Tam Soái, Phủ An, ba lộ đó là những nơi ta chia quân đóng giữ đã nhiều đời. Dân ta ở đây chuyên nghề nông, cấy cày ruộng đất thế mà Minh triều không cho họ làm ăn, đem binh đuổi sạch: Đó là cái hận thứ năm: Bọn Diệp Hách đắc tội với trời ngoài biên ải, thế mà Minh triều riêng tin lời chúng, sai người đưa thư tới để hạch hỏi ta, làm nhục ta, chẳng coi ta ra gì. Đó là cái hận thứ sáu. Lúc trước, Cáp Đạt giúp Diệp Hách hai lần tới xâm lăng, ta phải thân hành đi báo phục. Do đó, trời đã trao cho ta cả dân Cáp Đạt, ấy thế mà Minh triều lại ùa theo họ, bức hiếp ta phải trở về nước, khiến Cáp Đạt bị người Diệp Hách xâm lược. Ôi, giữa cái lúc liệt quốc phân qua chinh chiến, kẻ nào thuận ý trời thì kẻ đó thắng và tồn tại, kẻ nào nghịch ý trời thì kẻ đó bại và mất nước, lẽ nào khiến ké đã chết có thể sống lại, khiến kẻ được lòng mọi người lại phải bỏ đi? Trời đã giúp cho một nước lớn, một vị vua thì vị vua đó phải là người chủ chung của thiên hạ. Tại sao Minh triều lại oán giận nước ta? Buổi đầu Hỗ Luân chư quốc họp binh lại để đánh ta, nên trời chán ghét bọn Hỗ Luân gây hân đó. Nay Minh triều giúp bọn Diệp Hách, bị trời chán ghét, đó chính là chống lại ý trời, gây chuyện thị phi, tự ý làm bậy. Đó là cái hận thứ bảy, vì thế thì biết người Minh khinh ta quá đáng, tình thực khó bề chịu nổi. Đây là những nguyên cớ của bảy điều đại hận, bởi thế ta phải khởi binh đánh chúng!".
Phạm Văn Trình viết xong, A Đôn, bộ hạ Khắc Thấp Ngạch Nhĩ Đức Ni dịch ra tiếng Mãn, rồi lớn tiếng đọc một lượt. Anh Minh hoàng đế luôn miệng tán thưởng, cuối cùng trịnh trọng ngợi khen họ Phạm:
- Phạm tiên sinh thật là người bề tôi tâm phúc của Trẫm.
Anh Minh hoàng đế bèn phong cho Trình làm quân sư theo trong đại doanh để tham tán chiến sự. Hoàng đế gọi Trình là tiên sinh. Khắp triều văn võ ai cũng gọi một tiên sinh, hai tiên sinh vô cùng cung kính.
Lúc đó, đại quân tới Cổ Lặc, Anh Minh hoàng đế hạ lệnh đóng trại. Ngay đêm hôm đó, trên một bãi đất trống rộng rãi, Anh Minh hoàng đế tuyên chỉ bày hương án, chung quanh có Bát Kỳ binh mã vây kín hết tầng này tới tầng kia. Hoàng đế cùng với văn võ bá quan, bối lặc, đại thần bước ra khỏi trướng, tới trước hương án, quỳ xuống ngước lên trời mà làm lễ "Tam quy cửu khấu". Phạm Văn Trình tay nâng bức cáo văn THẤT HẬN, lớn tiếng đọc lên. Một cây long kỳ được dựng cao ngất trước ba quân. Tiếng quân nhạc trỗi lên vang lừng bốn phía.
Cuộc lễ chấm dứt, Anh Minh hoàng đế trở lui về dinh.
Ngày hôm sau, Anh Minh hoàng đế ngồi trên trướng đài, hạ lệnh chia đại quân ra làm hai lộ. Tả lộ đem bốn kỳ binh tiến đánh hai nơi Đông Châu và Mã Căn Đơn. Còn hữu lộ có bốn kỳ binh và tám kỳ hộ quân do chính nhà vua và các bối lặc chỉ huy tiến đánh phủ Thuận Quan. Khi nghe tiếng pháo hiệu, tức thì ba quân gióng cờ đánh trống lên đường.
Bốn kỳ quân hữu lộ vừa tới, Hãn Hỗn Ngao Mạc chọn một khu đất trống hạ trại. Phạm Văn Trình lên trướng bệ kiến Anh Minh hoàng đế, tâu rằng:
- Tâu bệ hạ, thần ngửa xem thiên tượng, biết trời sẽ mưa lớn. Đại quân đóng tại bình nguyên sợ bị lụt ngập. Ở gần đây, về mé tây nam, có một toà núi cao tên gọi Phúc Kim Lĩnh, đó là chỗ đóng quân yên ổn. Rất mong bệ hạ lập tức truyền chỉ dời quân lên núi.
Anh Minh hoàng đế nghe lời Trình, hạ lệnh lập tức nhổ trại hành quân. Quả nhiên, đại binh mới chuyển tói nửa đường đã thấy mưa rơi tầm tã, hết trận này qua trận kia không ngớt. Đến khi kéo tới được sườn núi đóng doanh cắm trại, thì mọi người đã thấy thế nước mạnh như di sơn hải đảo, tràn ngập khắp nơi. Hoàng đế ngồi trong trướng phục tài Trình, cất tiếng khen:
- Phạm tiên sinh quả là người thần!
Trận mưa thật là dai, luôn một hơi mười ngày không lúc nào ngớt. Đứng trên nhìn xuống cả một cánh đồng dưới chân núi bị nước ngập mênh mông trắng xoá, y hệt biển khơi. Ngọn núi trơ trọi một mình giữa biển nước như một hòn đảo. Anh Minh hoàng đế ngồi trong trướng, bụng dạ như lửa đốt.
Một hôm, các bối lặc đại thần ngồi hầu bên cạnh hoàng đế nghe ngài nói:
- Trời mưa lớn quá, sợ không tiến quân được. Trẫm muốn hồi binh, có nên chăng?
Đại bối lặc Đại Thiện ngồi bên cạnh, đứng dậy tâu:
- Không nên. Nếu trở về, chúng ta cùng Minh triều giảng hoà hay kết oán? Huống hồ đại binh đã kéo tới biên giới của Minh triều, nếu không đánh mà trở lui, ta biết lấy gì để cho họ khuất phục?
Phạm Văn Trình cũng lên tiếng:
- Thần xem thiên tượng, chỉ nội ngày tới, thế nào cũng trời quang mây tạnh. Xin bệ hạ nhẫn nại thêm một chút là có cơ hành động.
Đế liền hỏi:
- Phạm tiên sinh! Theo ý tiên sinh thì quân ta tới khi nào thì mới có thể tiến quân được?
Trình nói:
- Hôm sau, vào giờ Hợi có thể tiến quân được.
Các tướng nghe lời Trình, cùng lấy làm quái lạ, bởi vì lúc đó họ vẫn nghe bên ngoài gió mưa rầm rập, không thấy một triệu chứng nào khả dĩ đoán được trời sắp tạnh.
Anh Minh hoàng đế rất tin lời Trình, nên ngày hạ lệnh:
- Ngày mai, giờ Hợi tiến quân vào thẳng tới phủ Thuận Quan.
Lại một ngày qua, mưa vẫn trút nước, gió vẫn giật dữ dội, tình cảnh vẫn đáng chán như trước. Nhưng đến giờ Hợi, quả nhiên gió ngừng mưa dứt. Rồi trời quang mây tạnh. Trên không trung, vầng trăng bạc lại tươi cười nhìn xuống trần gian. Đã khuya mà trăng sáng chẳng khác ban ngày.
Anh Minh hoàng đế ngồi trên ngựa, vỗ mạnh vào yên nói:
- Phạm tiên sinh quả là người thần!
Nói đoạn, Đế truyền lệnh ba quân rút tiến lên, trong lòng cảm thấy vui vẻ vô cùng:
- Sáng sớm tinh sương ngày thứ ba, tiền quân đã nhìn thấy một toà thành lờ mờ trước mặt. Thì ra đó là thành phủ Thuận Quan. Anh Minh hoàng đế hạ lệnh cho binh mã dàn mỏng, đóng thành hàng ngang suốt mặt trước cửa thành dài dằng dặc.
Lúc đó, trong thành phủ Thuận Quan có một người nông dân vừa ra khỏi thành để đốn củi liền bị quân tuần tra bắt trói dẫn tới chỗ Anh Minh hoàng đế. Đế lấy lời nói ôn tồn an ủi anh ta rồi hỏi xem trong thành có bao nhiêu người ngựa.
Anh ta cho biết chỉ có mình quan trấn thủ Lý Vĩnh Phương chỉ huy một ngàn quân.
Anh Minh hoàng đế hiểu rõ tình hình liền bảo quân sư Phạm tiên sinh viết một phong thư chiêu hàng rồi đưa cho anh nông dân đem về trao cho Phương.
Thanh Cung Mười Ba Triều Thanh Cung Mười Ba Triều - Hứa Tiếu Thiên Thanh Cung Mười Ba Triều