Thần Mã epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2 Lên Đường
hường thường, khổ đau này bao giờ cũng được tiếp nối ngay bởi đau khổ khác! Quả nhiên, sau khi mẹ mất, Đình và Vân liền bị ông Lãnh phản ngay, ông ta phản bội lời hứa với cả người chết.
Ông Lãnh đã bán cả gia tài còn lại của Đình và Vân được gần hai triệu và ông ta đã bỏ trốn mất tích luôn, bỏ Đình và Vân bơ vơ giữa chợ đời.
Vân còn bé quá chưa hiểu gì cả, chỉ có Đình là hiểu được tình trạng bi đát của hai anh em mồ côi! Không gia đình, không nhà cửa, không tiền bạc! Khi biết ông Lãnh trốn, Đình và Vân ngồi ở một góc tối trong hội chợ bàn với chú Lùn Tịt và ông Sanh. Sau một thời gian dài im lặng, ông Sanh lên tiếng đầu tiên:
- Đình ơi! Tội nghiệp con quá!
Đình là một đứa bé can đảm. Vừa nghe ông Sanh nói, nó cự ông Sanh ngay:
- Bác đừng nói như vậy nữa! Than vãn có ích lợi gì đâu? Chúng ta phải nghĩ tới tương lai chứ!
- Chừng nào mình thưa tên Lãnh?
- Thưa chứ… nhưng...
- Nhưng sao?
- Chắc chú Tịt biết là mình hiện nay không nhà không cửa, linh tính cho cháu biết là không nên thưa tên Lãnh ở cảnh sát vì… trước tiên cảnh sát sẽ không tin những điều chúng ta nói, sau đó cháu sợ cảnh sát sẽ giữ cháu và em Vân ở một nơi nào đó. Cháu không muốn mất tự do. Cháu muốn đích thân đi tìm tên Lãnh... Nhất định cháu sẽ gặp nó. Chắc chắn nó sẽ gặp quả báo nhãn tiền, nó không sung sướng đâu!
- Tôi muốn tên Lãnh phải ở tù nhiều năm trong khám tối mới xứng đáng với tội lỗi của nó. Còn bác Sanh xin bác cho ý kiến?…
Ông Sanh im lặng giây lát rồi trả lời chầm chậm:
- Cháu Đình nói cũng có lý, mà chú Tịt cũng có lý nữa khi đòi hỏi công lý đối với tên ăn trộm đó, nhưng Đình có lý hơn khi sợ sau khi tố cáo tên Lãnh, sẽ mất tự do.
- Tại sao vậy? - Chú Lùn không đồng ý - Tại sao anh nói nạn nhân cũng bị mất tự do như thủ phạm?
- Khi tố cáo tới cảnh sát, Đình sẽ bị thiệt hại trước tiên... vì Đình và em Vân là hai đứa trẻ còn vị thành niên, lại mồ côi thế nào cũng bị đưa vào một cô nhi viện.
Đình rống lên:
- Không! Tôi không chịu vào ở trong cô nhi viện đâu!
- Không chịu đâu! - Vân bập bẹ lặp lại theo anh mình.
- Tôi mà ở trong cô nhi viện à? Tôi sẽ bị chết dần mòn trong đó vì tôi quen đời sống tự do từ nơi này qua nơi khác rồi!
- Cháu Đình ơi! Cháu đã mất cả cha lẫn mẹ rồi, cháu lại mất cả người giám hộ, vì người này đã bỏ trốn với số tiền của cháu rồi! Còn bác, bác đã già, bác không thể nào theo các cháu được, bác cần có một việc làm cố định. Vừa rồi, Ban Giám Đốc gánh xiếc Bành Tổ đã chấp thuận nhận cho bác trình diễn trò "Chó biết làm tính" và bác đã nhận việc rồi!
Mọi người đều im lặng sau tiết lộ trên. Một lúc lâu sau, Đình lên tiếng với vẻ thật buồn:
- Bác bỏ rơi luôn cả tụi cháu nữa sao?
- Anh đã bỏ tụi tôi như thế đó, được, anh là một tên phản bội! - Chú Lùn Tịt la to giận dữ, rồi quay sang hai đứa bé:
- Chú không bao giờ bỏ rơi các cháu đâu! Chú tuy là một tên tật nguyền, mọi người đều chế nhạo khinh bỉ, nhưng ít nhất, chú là một người biết trung thành là gì!
Ông Sanh cãi lại với vẻ hơi gay gắt:
- Ai nói với anh là tôi bỏ rơi hai cháu Đình, Vân? Anh có bộ óc tí xíu nhỏ nhoi y như thân thể anh vậy! Anh biết tôi đặt điều kiện với Ban Giám Đốc gánh xiếc Bành Tổ ra sao không? Tôi đòi như thế này: Ban Giám Đốc phải trả thù lao cho tôi một số lương, một số tiền đủ trả tiền trọ học cho cháu Vân trong một trường học nào đó cho đến lúc cháu Vân đủ sức diễn được một trò nào đó trong gánh xiếc.
Vừa nghe ông Sanh nói xong, chú Lùn Tịt la lên:
- Như thế thì tôi cũng xin vào gánh xiếc Bành Tổ nữa! Theo anh, tôi làm được gì trong đó? Có thể tôi sẽ trở thành một tên hề lừng danh thế giới… Từ trước đến nay, tôi chưa gặp thời… Theo anh tôi có thể lãnh được bao nhiêu trong buổi ban đầu, lẽ dĩ nhiên về sau phải tăng lương cho tôi.
Ông Sanh trả lời thật trầm tĩnh:
- Anh lãnh năm nghìn mỗi tháng, thêm cơm ăn hàng ngày và chỗ ở. Anh giữ trách nhiệm lau rửa chuồng khỉ hằng ngày!
- Trời đất! Anh nói sao? Người ta coi tôi như lao công à?
- Ờ! Ngoài ra trong lúc trình diễn, anh phải phụ giúp lăn các tấm thảm ra sân trình diễn.
Chú Lùn Tịt bị chạm tự ái:
- Tôi hiểu rồi! Còn Đình làm gì trong gánh xiếc Bành Tổ? Chắc khá hơn tôi vì Đình có biệt tài trình diễn các trò "Nhảy với tử thần" và "Đường bay thiên thần"?
- Đình cũng làm y như anh vậy.
- Không! Đình đâu phải là một thằng lùn như tôi! Đình là nghệ sĩ đu bay đích thực mà…
- Đình sẽ ngụy trang làm một người lùn, không ai có thể biết được nó là một đứa bé cả! Tôi không thể giúp hai người nhiều hơn nữa được! Hai người hãy ráng nhận việc đi, vạn sự khởi đầu nan, mình sẽ cải thiện hoàn cảnh dần dần, tương lai còn dài mà! Trước tiên phải tìm chỗ ăn và chỗ ngủ đã... để sau sẽ tính...
- Bác Sanh nói đúng, nhưng, cháu đã hứa với má cháu là không bao giờ để em Vân trở thành một nhà nhào lộn trong gánh xiếc, cháu bắt buộc phải theo lời hứa đó với bất cứ giá nào. Vì thế, cháu xin từ chối nhã ý của bác và xin thành thực cám ơn bác rất nhiều.
Ông Sanh ngạc nhiên:
- Nhưng như thế cháu trở thành gì? Cháu chỉ biết có một nghề nhào lộn, đu dây thôi! Bác không muốn cháu trở thành du đãng, bụi đời!
- Cháu sẽ tìm việc khác, cháu tin tưởng tài cháu lắm! Cháu sẽ thuê một phòng nhỏ cho em Vân ở!
- Bác thán phục lòng can đảm của cháu... nhưng cháu Đình ơi. cháu chưa hiểu đời là gì cả! Giả sử cháu tìm được việc ngay, cháu có thể cho bác biết là cháu có thể để một em bé gái chỉ mới năm tuổi đầu suốt ngày ở trong một gian phòng được hay không?
- Cháu chưa nghĩ đến điều đó!
- Anh Sanh nói cháu Vân ở một mình à? Anh lầm rồi, anh Sanh ơi! Cháu Vân không có ở một mình đâu! Trong lúc cháu Đình đi làm, tôi sẽ ở nhà săn sóc và dẫn cháu Vân đi chơi.
- Chú Tịt không bỏ rơi tụi cháu à?
Chú Lùn Tịt gật đầu:
- Phải! Chú sẽ theo các cháu…
- Chú theo các cháu thì sẽ bị đói khổ.
- Không lo! Cháu đừng lo điều đó, cháu yên chí đi!
- Nhưng cháu muốn chú đừng ăn trộm nữa, chắc chú còn nhớ, chú đã bị bắt quả tang ăn trộm một lần rồi!?
Ông Sanh xen vào:
- Tôi không muốn bỏ rơi mọi người nhưng tôi đã già rồi, dù lúc nào tôi cũng muốn dành những giây phút cuối cùng của cuộc đời gần các cháu Đình, Vân...
Đình nói buồn buồn:
- Cháu cũng lấy làm ái ngại để bác ở lại đây một mình. Chắc bác không nỡ trách cháu vì cháu muốn theo lời trối trăn của má cháu trước khi chết.
Ông Sanh gật đầu:
- Bác nhớ! Thôi, hai cháu đi mạnh giỏi!
Ông Sanh vuốt tóc Vân. Ông chậm rãi:
- Nếu có gì trở ngại, hai cháu cứ đến gánh xiếc Bành Tổ tìm bác.
- Dạ! Chào bác!
- Cầu chúc hai cháu gặp nhiều may mắn!
° ° °
Dù to xác, khỏe mạnh, chả có nơi nào nhận Đình giúp việc cả vì Đình còn bé quá, mới có mười một tuổi đầu.
Đã quá trưa rồi, thế mà không có hột cơm nào vào bụng, vì thế Vân kêu đói ầm ĩ.
Chú Lùn Tịt cũng cảm thấy đói như bé Vân. Nghe bé Vân than đói chú Lùn Tịt nói:
- Mình đi ăn liền đây! Vân chờ chút xíu! Gần đây có một quán cơm...
Vừa nghe chú Lùn Tịt nói, Đình la lên:
- Đừng đến đó!
- Tại sao vậy?
Chú Lùn Tịt vừa nắm tay Vân tính kéo Vân đến quán cơm, phải dùng chân lại hỏi Đình:
- Bộ cháu đã tìm được cách sống không cần phải ăn à!
- Không phải vậy đâu! Chú chỉ còn có hai ngàn đồng trong túi, còn cháu chả có gì hết, nếu mình vào quán cơm thì hết tiền mất! Tiền đâu để mướn phòng ngủ tối nay?
Đình hoàn toàn hợp lý. Chú Lùn Tịt không cãi được Đình lời nào hết, chú đành phải để Đình quyết định.
- Mình ra chợ mua bánh mì chuối ăn đỡ trưa nay. Chừng nào tôi tìm được việc hãy hay!
Đến chiều Đình vẫn chưa tìm được việc gì cả. Đình, Vân và chú Lùn Tịt đi muốn rã gót trên khắp các nẻo đường. Vân mệt quá, cô bé rên nhè nhẹ nhưng dường như thấu hiểu hoàn cảnh bi đát của hai anh em, cô bé không khóc gì cả.
Thình lình, chú Lùn Tịt nói:
- Này! Cháu Đình!
- Chú muốn nói gì vậy?
Đình có vẻ hơi chán nản vì quá mệt nhọc. Không chờ chú Lùn Tịt trả lời, Đình nói tiếp:
- Có lẽ lòng can đảm và nghị lực vô ích quá chú ơi!
- Chúng ta hiện đang ở công trường Diên Hồng, có hai cây cầu nổi thật vô duyên...
Đình chua chát:
- Chú để ý làm gì cái cầu nổi, cầu chìm đó... Hiện cháu chỉ nghĩ đến một điều: làm việc và kiếm tiền!
Chú Lùn Tịt tiếp tục:
- Công trường này trải đá to và láng, lại có nhiều người qua lại... Cháu có để ý điều này không?
- Có, nhưng như thế nghĩa là thẽ nào, thưa chú?
- Trong túi quần cháu còn phấn màu không?
- Còn chứ, nhưng tại sao chú hỏi thế?
- Một công trường công cộng với nền đá to và láng và nhiều người qua lại + phấn màu + một đứa bé vẽ đẹp = một trận mưa tiền… Chú Lùn Tịt kết luận có vẻ đắc ý lắm.
Đình chợt hiểu ý định của chú Lùn Tịt:
- Chú muốn cháu làm như vậy hả? Như thế, cháu phải đi xin tiền bố thí như một đứa ăn mày?
Chú Lùn Tịt cãi lại:
- Cháu đâu phải là ăn mày! Ăn mày là khi nào không có gì ăn và không có chỗ ngủ cho một đứa em gái năm tuổi!
- Chú có lý!
Thế là mười phút sau, chú Lùn Tịt diễn thuyết trước một đám đông người đang đứng xem một bức tranh tuyệt đẹp do một đứa bé mười một tuổi đang vẽ trên mặt đường:
- Quý ông quý bà xem đó, đúng là tác phẩm của một nhà nghệ sĩ trẻ tuổi đầy triển vọng. Giữa cháu tôi là Đình đang trước mặt quý vị và họa sĩ lừng danh của nước Ý, Giotto, chỉ có một điều khác nhau như thế này: hồi còn bé bằng tuổi Đình, Giotto là một đứa bé chăn trừu chuyên vẽ hình những con trừu trên mặt đất với những cây que giản dị. Còn cháu tôi, chắc quí vị đã thấy, cháu tôi vẽ trên công trường bằng phấn màu. Nhưng, thưa quý vị, tại sao nhà họa sĩ Ý Giotto trở nên danh tiếng lẫy lừng? Đó là nhờ một bữa nọ, nhà họa sĩ đàn anh Cimabué chợt thấy bức vẽ của đứa bé chăn trừu và la lên: "Đây mới đúng là đệ tử của mình!". Từ đó trở đi Giotto đã theo thầỵ học hỏi và trở thành nhà họa sĩ lừng danh của nước Ý bên trời Tây. Thưa quý vị! Tại sao quý vị không đem ra khỏi bóng tối một Giotto mới, đó là họa sĩ Đình?
"Nếu quí vị không phải là họa sĩ, xin quý vị hãy tặng cháu Đình 5 đồng… không, 10 đồng… không, 20 hay 30, 40, 50, 100 đồng tùy lòng hảo tâm của quý vị. Còn nếu quý vị là người theo đuổi ngành nghệ thuật hội họa cao thượng, xin quý vị tiến tới hai bước để làm Cimabué Việt Nam của Giotto Việt Nam…
Vài tờ giấy 10 đồng và 20 đồng rơi xuống chung quanh chỗ Đình đang ngồi vẽ và chú Lùn Tịt cúi đầu hết sức long trọng cám ơn những người cho. Thình lình một người cảnh sát tiến tới gần chú.
Dù hơi run run, chú Lùn Tịt vẫn nói cứng:
- Xin lỗi, ông muốn làm Cimabué Việt Nam?
- Sao? Cái gì? Anh hãy xem kỹ lại tôi là ai?
- Người cảnh sát giận dữ nói.
- Dạ, nhưng vì tôi vừa nói ai là họa sĩ muốn làm Cimabué Việt Nam thì hãy tiến vào đây hai bước để đem nhà họa sĩ tí hon này ra khỏi bóng tối, tôi thấy ông vào đây… tôi tưởng...
Các người xem cười rộ trước những lời nói của chú Lùn Tịt. Nhưng người cảnh sát vẫn giữ vẻ mặt nghiêm nghị:
- Anh đừng nói tầm xàm nữa! Đưa giãy tôi coi!
- Thưa ông, đây nè! - Chú Lùn Tịt vừa trả lời vừa móc trong túi ra một đống bưu thiếp, giấy tờ đồng thời chú làm những dấu hiệu kỳ dị và đọc những tiếng lạ lùng: "Thiên thần, chi địa, bành tổ"…
Viên cảnh sát giận dữ:
- Anh giỡn mặt tôi hả! Những giấy đó bất hợp lệ!
- Dạ, thưa nhà bảo vệ công cộng và đề phòng công xúc tu sĩ, xin ông hãy xem kỹ lại những tờ giấy này có hợp lệ hay không?
Bàn tay người cảnh sát vừa chạm vào các tờ giấy thì các tờ giấy đó bỗng biến thành một quả trứng vịt luộc. Sự việc xảy ra hết sức nhanh chóng và bất ngờ. Mọi người vỗ tay ào ào hoan nghênh tài nghệ ảo thuật của chú Lùn Tịt. Chú Lùn Tịt cúi đầu chào và cảm ơn khán giả xong, mới móc túi lấy giấy chứng minh đưa cho người cảnh sát xem. Lần này, giấy tờ hoàn toàn hợp lệ! Chú Lùn Tịt lại liệng một đồng chì 10 đồng lên cao rồi dùng mũi đón lấy, đồng chì dựng đứng trên đỉnh mũi của chú. Mọi người một lần nữa lại vỗ tay ào ào…
- Còn giãy tờ của mấy đứa nhỏ này? - Người cảnh sát hỏi.
- Trời đất ui! Tôi rất lấy làm tiếc cho ông biết là tên phản bội Lãnh đã ăn cắp tất cả giấy tờ và tiền bán gánh xiếc của hai đứa nhỏ này...
Trước kiểu cách nói của chú Lùn Tịt, mọi người lại cười rộ.
- Tôi nói một lần nữa, anh liệu hồn, không được bỡn cợt với tôi! Anh phải trả lời ngay câu hỏi của tôi: Hai đứa nhỏ đó con ai?
- Không con ai cả! Tôi...
- Tại sao không là con ai cả? Anh hay giải thích nhanh lên! Tại sao hai đứa nhỏ này lại đi theo anh?
Chú Lùn Tịt buồn bã trả lời:
- Hai đứa trẻ này ở với tôi, vì cha mẹ chúng chết cả rồi!
Vừa nghe chú Lùn Tịt nói xong, đám đông đang bao quanh thì thầm:
- Tội nghiệp! Mới tí tuổi đâu mà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ!
Lúc đó Đình đã hoàn thành tác phẩm của mình trên mặt đá: Đình vẽ cảnh thôn quê dưới ánh trăng vàng. Mọi người trầm trồ khen ngợi.
- Anh Lùn này tật nguyền mà ăn ở tốt quá!
- Mọi người im lặng! Để tôi xem anh lùn này có phải là người lương thiện không? Anh đưa tôi xem giấy của mấy đứa nhỏ mau lên!
Chú Lùn Tịt bắt đầu hơi lo lắng trước thái độ càng lúc càng quyết liệt của người cảnh sát:
- Tôi đã nói với ông rằng tên phản bội Lãnh đã lấy tất cả rồi. Nếu ông không tin, ông có thể hỏi ngay đứa bé trai kia... Chắc ông tin lời nó nói?
Vừa nghe chú Lùn Tịt nói xong, Đình đã lên tiếng ngay:
- Chú Tịt nói đúng đó, thưa ông cảnh sát, chính tên Lãnh đã ăn cắp tất cả giấy tờ và tiền bạc của anh em cháu!
Vân cũng bập bẹ nói theo:
- Đúng tên Lãnh!
- Tốt! Tất cả theo tôi về chỗ cảnh sát... Mọi việc sẽ được sáng tỏ!
° ° °
Nơi cảnh sát là một cơ sở có rất nhiều phòng. Chú Lùn Tịt và anh em Đình, Vân bị người cảnh sát dẫn vào một trong những gian phòng đó. Một người đeo kính đen đang ngồi sau một bàn giấy lớn. Người ấy đang hí hoáy viết:
- Thưa ông! Người cảnh sát nói - Đây là một tên ảo thuật lùn không cho biết rõ được lý lịch của hai đứa nhỏ theo anh ta.
Vừa nghe người cảnh sát nói xong, chú Lùn Tịt tức tối nói ngay, chả sợ gì hết:
- Ông nói sao? Tôi không biết rõ lý lịch hai đứa bé này à? Tôi bế chúng từ lúc chúng mới lọt lòng đó! Đây là Nguyễn Văn Đình, con của ông Nguyễn Văn Hùng và bà Lưu Thị Tính, cả hai ông bà đều chết cả, năm nay mười một tuổi và đây là em gái của Nguyễn Văn Đình tên Nguyễn Thị Vân, năm nay năm tuổi, cả hai đều sinh ở nhà bảo sanh Từ Dủ Sài Gòn.
- Nhưng khai sinh chúng đâu?
- Tôi đã nói những giãy tờ đó bị tên Lãnh phản bội lấy mất rồi.
- Ông cắt nghĩa thêm nữa đi!
- Cách đây tám ngày, má của hai đứa bé này trong khi hấp hối đã giao cho tên Phạm Văn Lãnh làm giám hộ chúng nó và giao cho tên đó trách nhiệm bán gánh xiếc Bồ Câu vì bà không muốn cho con mình tiếp tục nghề xiếc. Tên Lãnh đã bán tất cả gánh xiếc lấy tiền và giấy tờ rồi dông mất!… Câu chuyện chỉ có thế, thưa ông!
- Được rồi, để tôi cho xem lại bộ đời của hai đứa nhỏ có đúng như ông khai không? Trong khi chờ đợi cuộc điều tra hoàn tất, ông và hai đứa nhỏ phải ở đây!
- Ở… trong một phòng?
- Chú Lùn Tịt hỏi.
- Phải!
- Thưa ông, xin ông có làm ơn làm phước đừng giam chúng tôi, chúng tôi có tội gì đâu?
Chợt một ý nghĩ lóe sáng trong óc, chú Lùn Tịt tiếp luôn:
- Nnưng, thưa ông, nếu có một người nào khác làm chứng là tôi nói đúng sự thực, tôi sẽ được tự do?
- Lẽ dĩ nhiên!
- Thưa ông! Ông hãy hỏi ông Sanh hiện ở trong gánh xiếc Bành Tổ đang trình diễn ở hội chợ Hòa Bình. Ông này trước ở trong gánh xiếc Bồ Câu của chúng tôi…
Chỉ một lúc sau, ông Sanh được cảnh sát triệu tới. Ông Sanh xác nhận những điều chú Lùn Tịt nói là hoàn toàn đúng.
Nghe ông Sanh trình bày xong, ông kia kết luận:
- Như thế chỉ còn việc tìm bắt cho được tên Phạm văn Lãnh... còn ông Nguyễn Văn Tịt được tự do!
Chú Lùn Tịt mừng quá, cám ơn rối rít rồi quay sang nắm tay Đình và Vân kéo ra ngoài. Khi cả ba vừa tới cửa phòng, ông cò gọi giật lại:
- Tôi bảo chỉ có ông Nguyễn Văn Tịt được tự do thôi, còn hai đứa trẻ thì chưa...
Chú Lùn Tịt và ông Sanh nói một lượt:
- Chúng tôi nuôi hai đứa ấy mà!
- Không thể được! Chúng tôi cấm và chặn tất cả những gì có khả năng trợ giúp du đãng, bụi đời. Hai đứa này sẽ được đưa vào một cô nhi viện vì nơi đó chúng mới được giáo huấn nên người, còn theo các ông thì tôi e các ông không đủ điều kiện…
Chú Tịt nói:
- Như thế hai đứa sẽ buồn lắm!
- Thôi! Như thế đủ rồi! Chào các bạn! Tôi còn phải xử các chuyện khác nữa.
- Nhưng, thưa ông!
- Ra ngay!
Thế là giây phút chia ly sắp đến, thật là buồn:
- Hai cháu ở lại nhé!
- Bác Sanh, chú Tịt đi mạnh giỏi!
Đình khóc thảm thiết. Vân cũng khóc theo anh.
- Thôi đủ rồi! Đừng làm lộn xộn nữa!
Nói xong, ông bấm nút điện. Một người cảnh sát xuất hiện ngay.
- Đưa hai người này ra ngoài, rồi đưa hai đứa nhỏ này xuống câu lạc bộ cho chúng nó ăn mỗi đứa một tô phở, chắc chúng nó đói rồi.
Trước khi theo người cảnh sát, Đình lại gần chú Lùn Tịt và thì thầm với chú:
- Cháu đã tìm ra cách trốn rồi, chú đừng lo! Đêm nay chú đợi cháu ở gánh xiếc Bành Tổ!
° ° °
Lúc Đình, Vân vừa ăn xong, một người đàn bà tóc bạc trắng xuất hiện… Người ấy hỏi cảnh sát:
- Đây là hai đứa trẻ mồ côi phải không?
- Thưa bà, phải!
- Chúng là những nhà đu bay trong gánh xiếc? Lạ quá nhỉ… Chúng ăn mặc tươm tất quá.
Đình giận dữ, nói thầm một mình:
- Lúc nào cũng đu bay, đu bay!
- Tôi chỉ có trách nhiệm đem bé gái đi thôi còn đứa bé trai kia thì đến chiều nay sẽ có người khác đến rước. Nào, bé gái cưng, bà sẽ dẫn bé đến một vườn đầy hoa với các đứa bé gái cùng tuổi với bé, bé tha hồ kết bạn và vui đùa. Bé chào anh đi, bà chờ! Anh của bé sẽ có người đến rước sau.
- Xin bà tha lỗi cho con! - Đình nói với vẻ hết sức kính trọng. - Bà cho con được xem chỗ của em con ở, điều đó quan trọng đối với con lắm!
Bà ấy phải thỏa mãn ý muốn hợp lý của Đình, nhưng bà ta có vẻ không bằng lòng.
Bà ta dẫn Đình và Vân vào một gian nhà thật lớn sau khi đi xuyên qua một khu vườn rộng. Vừa gặp một cô gái mặc toàn xanh đi tới bà ta hỏi:
- Bà Giám Đốc có nhà không cô?
- Thưa có! Bà Liên Hương ở trong phòng... Thưa bà kìa! Bà Liên Hương ra kìa!
Một bà đang tiến qua thảm cỏ xanh mát. Mái tóc hoa râm của bà lóng lánh dưới ánh sáng mặt trời trông như bạc. Đôi mắt bà sáng ngời và giọng nói của bà êm như nhạc:
- Ôi chao! Thế nào? Cậu này lớn thế này mà vào ở với những đứa bé tí hon của tôi trông sao được? - Bà Liên Hương dịu dàng nói với Đình.
- Không phải! Cậu này bắt buộc tôi phải dẫn vào đây để xem em gái cậu ấy được đối xử như thế nào? Bé mà xem ra nghị lực và khôn lắm!
- Như thế thì tốt, có gì đâu! Nào theo bà đi xem cô nhi viện.
Bà Liên Hương dẫn Đình và Vân đi qua các gian phòng sáng sủa, trong đó các em bé búp bê đang vui đùa. Mỗi phòng chứa mười giường nhỏ, toàn trắng. Chỉ một cái giường gần một cửa sổ rộng đưa ra vườn hoa, bà Liên Hương nói với Vân:
- Giường của con đó! Các chị sẽ dắt con đi tắm bây giờ và thay quần áo đồng phục cho con. Chắc con đã thấy, ở đây tất cả đều mặc đồng phục xanh da trời cả.
Rồi bà Liên Hương quay sang Đình:
- Còn về phần con, con sẽ được vào trong cô nhi viện dành cho con trai. Bà Xuân đang chờ ngoài cổng để đưa con đi đó. Bà tin rằng con sẽ xử sự như một người lớn, biết lễ độ với người lớn và tốt bụng với bạn bè. Sao? Con chả nói gì hết vậy?
Đình muốn nói nhiều, nhưng miệng Đình chỉ lắp bắp được một câu:
- Dạ! Thưa bà, chắc con phải buồn chết đi được nếu con phải bị giam lỏng trong bốn bức tường.
Bà Liên Hương vuốt tóc Đình:
- Ôi chao! Con sợ gì lạ vậy? Cô nhi viện đâu phải là ngục tù! Trường học đâu phải là nơi giam lỏng con! Con sẽ được đi chơi phố với tất cả các bạn vào mỗi ngày chủ nhật mà! Thôi, con dặn dò em con rồi đi!
Đình vâng lời một cách miễn cưỡng:
- Anh đi nghe em! Ráng ngoan ngoãn, anh sẽ về thăm em!
Ngoài kia một chiếc xe hơi cũ kỹ đang chờ. Tài xế đang gục đầu ngủ bên tay lái. Bà Liên Hương mở cửa sau đẩy Đình vào xe. Nhưng trước khi lên xe, bà Xuân, người có nhiệm vụ dẫn Đình tới nơi ở, xin bà Liên Hương một cành hoa hồng trong vườn hoa. Bà Liên Hương bèn dẫn bà Xuân đi hái cành hoa hồng đó. Lợi dụng phút này, Đình mở đại cửa xe phóng xuống đất chạy như bay. Người tài xế vẫn còn ngủ bên tay lái không hay biết gì cả.
Đình chạy như điên. Sợ bị rượt theo bắt lại, Đình chọn những con đường nhỏ, những con đường hẻm mà Đình chưa đi qua bao giờ. Chạy không biết bao lâu, Đình cảm thấy mệt muốn xỉu, đôi chân rã rời... Cảm thấy không còn có gì đáng e ngại nữa. Đình dừng chân bên cạnh một tòa nhà đang xây cất. Đình vào đó, tìm một chỗ thật kín, ngồi trốn cho đến tối mịt.
Khi trăng đã lên cao, Đình mới ra khỏi chỗ trốn và tìm đường tiến về hội chợ Hòa Bình, nơi gánh xiếc Bành Tổ đang trình diễn. Chỉ một chút khéo léo và lanh lẹn, Đình vào được nơi gánh xiếc. Tất cả hiện giờ đã ngủ cả rồi. Vài tiếng rống nhớ rừng xanh của một vài con cọp trong cũi sắt thỉnh thoảng vang lên giữa đêm tối.
Đình tìm gặp ngay được ông Sanh và chú Lùn Tịt. Hai người này đang lo âu, chờ đợi tin tức của Đình. Vừa thấy Đình, cả hai nhảy nhỏm vui mừng:
- Đình! Chắc cháu chưa biết, cảnh sát đã vào đây khám xét mọi nơi để tìm cháu đó!
- Cháu cũng đoán như vậy! Nhưng cháu trốn kỹ lắm...
- Cháu làm sao trốn được vậy?
- Mình hãy tìm chỗ kín đáo đã…
- Ờ phải đó! Đề phòng trước bao giờ cũng hơn!
Sau khi tìm được chỗ kín đáo xong xuôi, ông Sanh và chú Lùn Tịt ngồi nghe Đình kể lại chuyện vừa qua.
Thần Mã Thần Mã - Hoàng Đăng Cấp Thần Mã