Ruồng Bỏ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2
hông có ngày thứ năm nghỉ giữa chừng, cả tuần lễ trở nên chẳng có gì đặc biệt, cứ như một bãi sa mạc. Có những ngày ông không biết làm gì.
Ông dành nhiều thời gian hơn trong thư viện trường, đọc tất cả những gì tìm được về Byron, ghi chú thêm vào hai tập tài liệu đã dầy cộp. Ông thích thú sự tĩnh lặng của buổi chiều muộn trong phòng đọc, sau đó thưởng thức cảnh đi bộ về nhà: không khí mùa đông trong lành, những đường phố ẩm ướt, lấp lánh.
Một tối thứ Sáu, đang về nhà theo con đường dài xuyên qua các khuôn viên của trường đại học cổ kính, ông chú ý đến một trong các sinh viên trên con đường mòn phía trước. Tên cô là Melanie Isaacs, học lớp Thơ ca Lãng mạn của ông. Không phải là sinh viên giỏi nhất nhưng cũng không kém nhất, thông minh vừa phải nhưng chưa bận bịu gì.
Cô đang la cà, và ông bắt kịp cô ngay.
- Chào em - ông nói.
Cô mỉm cười đáp lại, lắc lư mái đầu, nụ cười của cô tinh quái hơn là bẽn lẽn. Cô nhỏ nhắn, mảnh khảnh, mái tóc đen cắt rất sát, gò má rộng gần giống người Trung hoa, cặp mắt đen và to. Trang phục của cô bao giờ cũng nổi bật. Hôm nay cô mặc một chiếc váy mini màu hạt dẻ, áo len dài tay màu mù tạc, bít tất dài chật căng màu đen; những món đồ trang sức rẻ tiền bằng vàng trên chiếc thắt lưng rất hợp với đôi hoa tai tròn xoe bằng vàng của cô.
Ông hơi thích cô. Như thế cũng chẳng hệ trọng gì: một học kỳ nay ông chưa mê ai. Cape Town là một thành phố thừa thãi mọi vẻ đẹp và người đẹp.
Cô có biết ông để mắt đến cô không? Có thể lắm. Phụ nữ bao giờ cũng nhạy cảm với chuyện đó, với sức nặng của những cái nhìn khao khát.
Trời đang mưa; bên lề đường, nước mưa đã chảy thành những rãnh nhỏ.
- Đây là mùa ưa thích của tôi, thời gian ưa thích của tôi trong ngày - ông nhận xét - Em có ở gần đây không?
- Bên kia đường xích đạo. Em ở chung một căn hộ.
- Quê em có ở Cape Town không?
- Không ạ, em lớn lên ở George.
- Tôi ở gần ngay đây. Tôi có thể mời em ghé vào uống chút gì đó không? Một lúc ngừng, cảnh giác.
- Ok. Nhưng bảy rưỡi em phải về.
Từ khuôn viên, họ rẽ vào một ngõ cụt, ông đã sống ở đấy mười hai năm qua; Lúc đầu sống với Rosalind, rồi sau khi ly hôn ông ở một mình.
Ông mở khóa cổng, khóa cửa rồi đưa cô gái vào trong. Ông bật đèn, đỡ túi cho cô. Tóc cô vương những hạt mưa. Ông nhìn cô chằm chặp, không giấu nỗi say mê. Cô nhìn xuống, mỉm một cười lảng tránh và có lẽ hơi đỏm dáng y như lúc trước.
Ông vào bếp, mở một chai Meerlust, lấy bánh bích quy và phó mát. Lúc ông quay lại, Melanie đang đứng trước giá sách, nghiêng đầu sang một bên, đọc các tên sách. Ông bật nhạc: một bản ngũ tấu kèn clarinet của Mozart.
Rượu vang, âm nhạc: một nghi thức mà đàn ông và đàn bà thường diễn với nhau. Các nghi thức ấy chẳng có gì sai, họ bịa ra chỉ để làm cuộc chuyện trò đỡ lúng túng. Nhưng cô gái ông đưa về nhà trẻ hơn ông đến ba chục tuổi, cô là một sinh viên, sinh viên của ông, được ông dạy dỗ. Lúc này giữa họ chưa có gì, họ gặp nhau như một thầy giáo với cô học trò. Ông có sẵn sàng cho chuyện đó không?
- Em có thích khóa học không? - ông hỏi.
- Em thích Blake[4]. Em thích cả Wonderhorn nữa. - Wunderhorn.
- Em không điên lên vì Wordsworth.
- Em không nên nói thế với tôi. Wordsworth là một trong những nhà thơ lỗi lạc nhất mà tôi ngưỡng mộ.
Điều đó là sự thật. Chừng nào ông còn nhớ, những hòa âm trong The Prelude vẫn vang lên trong lòng ông.
- Có khi đến cuối khóa em sẽ đánh giá được nhà thơ ấy đúng hơn. Biết đâu ông ấy chẳng ảnh hưởng sâu sắc đến em.
- Cũng có thế. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, thơ ca hoặc làm ta cảm thụ ngay từ đầu hoặc là không. Một sự phát hiện tức thì và một phản ứng tức thì. Giống như một làn chớp. Giống như yêu vậy.
Yêu ư? Thanh niên thời nay có còn yêu không, hay cơ chế ấy đã lỗi thời, không cần thiết, kỳ cục như một động cơ hơi nước vậy? Ông đã lạc hậu mất rồi, không bắt kịp thời đại nữa rồi. Theo như ông hiểu, yêu có thể rơi vào cảnh lạc mốt và trở đi trở lại khoảng năm, sáu lần.
- Em có làm thơ không? - ông hỏi.
- Hồi học phổ thông em có làm. Nhưng không hay đâu ạ. Còn hiện giờ em chẳng có thời gian.
- Còn đam mê? Em có mê văn học chút nào không?
Melanie nhăn mặt vì cái từ lạ lùng đó:
- Hồi năm thứ hai, nhưng chúng em đã học Adrienne Rich và Toni Morison. Cả Alice Walker nữa. Em khá thích. Nhưng không thể gọi là say mê được.
Vậy cô không phải là một sinh linh có nỗi đam mê. Nếu đây là cách quanh co nhất, liệu có phải cô đang cảnh báo ông không?
- Tôi sắp ném mấy thứ vào làm bữa tối - ông nói - Em có ăn với tôi không? Chỉ là một bữa đơn giản thôi mà.
Trông cô đầy vẻ nghi hoặc.
- Nào! Nói vâng đi! - ông nói.
- Vâng. Nhưng em phải gọi một cú điện thoại trước đã.
Cú điện thoại ấy dài hơn ông nghĩ. Từ trong bếp, ông nghe thấy những tiếng thì thầm, những khoảng im lặng.
- Em có kế hoạch gì cho sự nghiệp chưa? - sau đó, ông hỏi.
- Làm nhà dựng kịch và thiết kế. Em sắp có văn bằng về nhà hát.
- Vì sao em lại học lớp Thơ ca Lãng mạn?
Cô cân nhắc, nhăn mũi lại:
- Em chọn lớp này cái chính là để lấy không khí - cô nói - Em không muốn học Shakespeare lần nữa. Em đã học Shakespeare năm ngoái rồi.
Những thứ ông ném vào làm bữa tối thực sự giản dị: cá trống nấu với tagliatelle[5], rưới sốt nấm. Ông để cho cô chẻ nấm. Nói khác đi là cô ngồi trên một cái ghế, ngắm ông làm bếp. Họ ăn trong phòng khách, mở một chai vang thứ hai. Với những người dễ tính, như thế là ngon miệng.
- Thầy vẫn thường xuyên nấu ăn lấy ạ? - cô hỏi.
- Tôi sống một mình. Nếu tôi không nấu, chẳng ai nấu cho.
- Em ghét nấu nướng. Có lẽ rồi em sẽ học.
- Sao? Nếu em ghét nấu ăn, thì hãy lấy một người nấu cho vậy.
Họ cùng nghĩ đến một cảnh tượng: người vợ trẻ mặc bộ quần áo táo bạo, đeo những đồ trang sức lòe loẹt lướt qua cửa, sốt ruột hít hít không khí; người chồng, một ông Right vô vị nào đó, mặc tạp dề, đang khuấy nồi súp trong căn bếp mù mịt khói. Đảo ngược lại: các vai của một hài kịch trưởng giả.
- Chỉ có thế thôi - ông nói lúc cái bát đã rỗng không - Không có món tráng miệng, trừ khi em muốn ăn một quả táo hoặc cốc sữa chua. Tôi xin lỗi, tôi không nghĩ là có khách.
- Ngon lắm ạ - cô nói và uống cạn cốc rồi đứng lên - Cảm ơn thầy.
- Em đừng đi vội - Ông cầm lấy tay cô và dẫn đến bên chiếc xô pha - Tôi có thứ này cho em xem. Em có thích khiêu vũ không? Không phải là khiêu vũ, mà là nhạc khiêu vũ kia - Ông đút một băng vào đầu video - Đây là bộ phim của một người tên là Norman McLaren. Cũ lắm rồi. Tôi tìm thấy trong thư viện. Để xem em nghĩ gì nào.
Ngồi sát bên nhau, họ xem phim. Hai vũ công chuyển động các bước trên một sân khấu trơ trụi. Máy quay lướt nhanh, những động tác của họ lờ mờ, chiếc quạt thổi gió đằng sau họ giống như tiếng vỗ cánh. Ông đã xem bộ phim này lần đầu cách đây một phần tư thế kỷ nhưng nó vẫn hấp dẫn: nó là thứ dùng cho cả hiện tại lẫn quá khứ.
Ông muốn cô gái cũng thích thú. Nhưng ông cảm thấy cô không thích.
Lúc hết phim, cô gái đứng lên và lang thang khắp phòng. Cô mở nắp chiếc dương cầm, nhấn vào nốt đô.
- Thầy chơi đàn? - cô hỏi.
- Một chút thôi.
- Em e không phải là nhạc jazz.
- Em có muốn chơi cho tôi nghe không?
- Không phải bây giờ. Em đang tập. Để lúc khác, khi chúng ta biết nhau rõ hơn. Cô nhìn chằm chặp vào phòng làm việc của ông:
- Em xem được không? - cô hỏi.
- Em bật đèn lên.
Ông lại bật nhạc: những bản xônat của Scarlatti, thứ âm nhạc vuốt ve.
- Thầy có nhiều sách của Byron quá - cô nói lúc bước ra - Thầy thích ông ấy ư? - Tôi đang làm về Byron. Về thời gian Byron ở Italy.
- Ông ta chết lúc có trẻ không?
- Ba mươi sáu tuổi. Tất cả bọn họ đều chết trẻ. Hoặc khô kiệt đi. Hoặc hóa điên và bị giam giữ cẩn thận. Nhưng Italy không phải là nơi Byron chết. Ông ta chết ở Hy lạp. Byron đến Italy để trốn một vụ bê bối, và định cư ở đấy. Mọi chuyện lắng dịu dần. Ông ta có mối tình lớn cuối cùng trong đời. Hồi ấy, Italy là một địa chỉ thông dụng cho người Anh. Họ tin rằng bản chất của người Italy là dễ mủi lòng. Ít bị các tục lệ khống chế hơn và đam mê hơn.
Cô lại đi một vòng nữa quanh phòng.
- Đây là vợ thầy? - cô hỏi, và dừng lại trước bức ảnh đóng khung để trên mặt bàn.
- Mẹ tôi. Chụp hồi bà còn trẻ.
- Thầy đã có vợ chưa?
- Rồi. Hai lần. Nhưng hiện giờ thì không - ông không nói “Hiện giờ tôi làm việc đó theo cách của tôi”. Ông cũng không nói “Hiện giờ tôi làm việc đó với gái điếm” - Tôi có thể mời em một ly rượu mùi được không?
Cô không muốn uống rượu mùi, nhưng cô nhận một ít whisky vào ly cà phê. Lúc cô uống, ông nghiêng người, vuốt má cô.
- Em đẹp lắm - ông nói - Tôi sắp mời em làm một việc liều lĩnh - Ông lại vuốt má cô lần nữa - Hãy ở lại đây. Chia sẻ đêm nay với tôi.
Cô điềm tĩnh nhìn ông qua vành ly: - Sao vậy?
- Vì em nên thế.
- Tại sao em lại nên thế?
- Sao ư? Vì sắc đẹp của người phụ nữa không của riêng cô ta. Đây là một phần quà tặng mà người đó mang lại cho cuộc đời. Cô gái đó có nhiệm vụ san sẻ quà tặng ấy.
Bàn tay ông vẫn ở trên má cô. Cô không rúm người lại, nhưng cũng không né tránh.
- Nếu em san sẻ nó thì sao ạ? - Trong giọng nói của cô, thoáng vẻ nín thở. Tán tỉnh bao giờ cũng hồi hộp: hồi hộp và thích thú.
- Sau đó, em sẽ san sẻ nó rộng rãi hơn.
Những lời lẽ ngọt ngào, xưa cũ như bản thân sự quyến rũ. Vào lúc ấy ông tin những lời đó. Cô không thuộc vào chính cô. Nhan sắc không chỉ phụ thuộc bản thân nó.
- Chúng ta đang khao khát gia tăng những sinh linh đẹp đẽ nhất - ông nói - bằng cách đó, có thể nâng cao vẻ đẹp và không bao giờ chết.
Không phải là một nước cờ hay. Nụ cười của cô mất hẳn vẻ đùa cợt và vẻ linh động. Những câu thơ năm âm tiết, ngữ điệu của nó đã có thời đắc dụng đến thế, nay chỉ cảm thấy xa cách. Ông
lại trở thành một thầy giáo, một con người sách vở, người bảo vệ cho việc sưu tầm văn hóa. Melanie đặt ly xuống:
- Em phải về thôi, có người đợi em.
Mây đã tan, những vì sao lấp lánh.
- Một đêm thật đẹp - ông nói lúc mở khóa cổng. Cô không ngước nhìn lên - Tôi có thể tiễn em về nhà được không?
- Không ạ.
- Thôi được. Chúc một đêm tốt lành - Ông giang tay ra, ôm lấy cô. Trong giây lát, ông cảm thấy bộ ngực nhỏ nhắn của cô áp sát vào ông. Rồi cô trườn khỏi vòng tay của ông và đi mất.
Ruồng Bỏ Ruồng Bỏ - John Maxwell Coetzee Ruồng Bỏ