Ổ Kiến Lửa epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2
húng tôi ở nhà Thụy đi ra. Trọn buổi chiều nay chúng tôi tụ họp tại nhà Thụy để xem cuốn Quốc sử của nó. Cuốn sách thật dày, có bài học và tranh vẽ hoặc ảnh chụp các vị anh hùng Việt Nam. Chúng tôi xem say mê, bàn tán đến ồn. Xem mỗi trang, trí tôi lại nghĩ đến thằng Rơ-nê. Tôi ghét nó quá! Gặp mặt nó tôi chỉ muốn đánh. Nhưng nó to con, tôi ngán. Tôi muốn cả bọn chúng tôi cùng đánh nó, cùng “rửa nhục” với nhau. Thế nên khi xem xong cuốn Quốc sử, tôi đề nghị cả bọn ra đầu ngõ, nơi có những xe phở, xe mì, người ăn uống tấp nập để bàn chuyện về thằng Rơ-nê. Cả bọn bằng lòng. Chỉ có Thụy từ chối. Nó còn phải phụ mẹ nó mang hàng về và phải học bài ngày mai. Chúng tôi rất phục Thụy. Nó học giỏi và đàng hoàng nhất lớp, chắc nó không dự vào việc của chúng tôi đâu. Không một ngày nào nó xao nhãng việc học hành. Cuối năm nay thế nào nó cũng đậu vào lớp sáu trường công. Từ ngày được cô giáo giúp đỡ tiền học, nó lại tỏ ra chăm hơn. Nó làm việc gì cũng cẩn thận, suy nghĩ chín chắn, được cô giáo khen luôn. Nó không thù thằng Rơ-nê như chúng tôi, nên vắng mặt nó cũng không sao. Thế là chúng tôi kéo nhau ra đầu ngõ. Trời đã gần tối. Khu đất trống lâu nay biến thành nơi ăn uống sáng lên với đèn điện giăng đầy. Chúng tôi đứng tụ tập bên xe nước mía. Cả bọn nhìn tôi, chờ đợi. Tự nhiên tôi cảm thấy mình quan trọng hẳn lên như một “lãnh tụ” trước mặt đàn em. Tôi nuốt nước bọt, làm ra vẻ bí mật, giọng tôi hạ thấp:
- Phải cho thằng Rơ-nê một trận chúng mày ạ!
Hùng tiếp lời tôi:
- Thằng Hải nói đúng. Tao ghét thằng Rơ-nê lắm cơ!
Cả bọn nhao nhao:
- Tao cũng vậy, tao căm thằng đó lắm.
- Ừ, cái mặt dễ ghét! Cái mặt thực dân!!
“Thực dân”! Tôi nghe giận sôi trong lòng. Đôi mắt xanh lè, chiếc mũi lõ và mái tóc quăn màu đỏ hung của Rơ-nê hiện ra, khiêu khích tôi. Thằng Vàng nóng ruột:
- Thế… “trị” nó bằng cách nào hở mày?
Tôi cau mày suy nghĩ. Thằng Tài đưa ý kiến:
- Nó ngồi gần tao. Nó hay xin “cọp-dê”. Để ngày mai tao giả vờ cho nó “cọp-dê”, rồi tao thưa cô, cho cô đánh nó, phạt nó quỳ.
Sơn gạt đi:
- Không được. Phải tự tay mình đánh nó mới là “rửa nhục”.
Tôi gật gù. Đúng, phải tự tay đánh nó! Phải tự tay tôi nắm lấy tai nó, nhéo một vòng, cho đến khi nó chảy nước mắt. Phải tự tay tôi nắm lấy tóc nó, giật mạnh cho nó kêu rú lên. À! Tôi sẽ lấy kềm vờ kẹp vào móng nó, dọa rút móng nó, cho nó lạy lục xin tha mới được. Tôi phải chơi trò thực dân với “thực dân”. Ôi những trò tra tấn dã man mà tôi chỉ thấy trong sách, chỉ nghe cô giáo kể cũng đã thấy rợn người, tôi sẽ mang ra dọa thằng Rơ-nê, kẻ thù số một của tôi. Mà phải gây sự thế nào, để được đánh nó một cách đường hoàng, không để cho nó kêu oan. Khó lắm! Đánh bạn học, đó là điều mà cô giáo luôn luôn ngăn cấm. Đánh kẻ yếu – chúng tôi đông mà! – lại là việc hèn hạ lắm, cô giáo vẫn bảo thế. Cô sẽ không tha chúng tôi nếu cô thấy chúng tôi uy hiếp thằng Rơ-nê. Cô lại sẽ giảm lòng yêu thương chúng tôi, nếu cô biết rằng chúng tôi lập mưu đánh thằng bạn mới.
Hết đứa này đến đứa khác đưa ra cách này, cách nọ. Tôi chẳng thấy cách nào ổn thỏa. Thù thằng Rơ-nê, nhưng chúng tôi lại không muốn mất lòng tin của cô giáo. Cô vẫn bảo rằng người Việt Nam giàu lòng nhân đạo, và cô lại tin tưởng ở lòng nhân đạo đó trong chúng tôi nhiều hơn nữa. Nhưng gác lòng nhân đạo qua một bên, chúng tôi vẫn oán thù thằng Rơ-nê lắm, hay đúng hơn, chúng tôi oán thù thực dân. Thực dân đâu có nhân đạo. Thực dân tàn ác lắm, đọa đày nước ta đến cả thế kỷ. Thực dân hủy diệt của chúng ta biết bao giá trị thiêng liêng, hủy diệt nhân tài của chúng ta, giết dân ta, làm dân ta đói. Thực dân về nước đã lâu, nên chúng tôi chỉ thấy thằng Rơ-nê trước mắt.
Nắng đã gần tắt. Chúng tôi còn đứng với nhau, chưa tìm được một kế nào. Tôi nghe tiếng mẹ thằng Sơn réo gọi nó đàng xa. Thằng Sơn tách khỏi chúng tôi, ù chạy về nhà. Tôi bảo:
- Thôi, tụi mình về cho rồi. Để tao nghĩ lại, tao tìm cách khác cho hay. Ngày mai họp lại, rồi tao chia việc cho tụi mày. Nhất định “trị” thằng Rơ-nê.
Câu nói của tôi “nhất định trị thằng Rơ-nê” được lập lại trên cửa miệng của từng đứa. Chúng tôi chia tay. Tôi rẽ vào ngõ xóm, vừa đi vừa nghĩ ngợi. Tôi dừng lại trước cây trứng cá to, dõi mắt nhìn lên tìm xem có trái không. Và khi tôi nhìn xuống, tôi chợt nghe nổi gai ốc khắp người. Mặc dầu trời gần tối, nhưng tôi cũng thấy rõ cái cảnh ghê rợn ấy. Dưới gốc cây trứng cá, cách chân tôi vài bước, một đống đất sủi lên, to bằng cả cái mâm, trên đó những chấm nhỏ đỏ hoe đi động âm thầm. Ổ kiến lửa!!! Tôi sờ cánh tay: tay tôi “nổi da gà” cả lên. Tôi nhìn ổ kiến lửa. Thật vô phúc cho ai giẫm phải chỗ ấy. Và… tôi nghĩ ra rồi! Tôi vừa thấy lóe lên một mưu kế. Ổ kiến lửa! Thằng Rơ-nê!!!..
Ổ Kiến Lửa Ổ Kiến Lửa - Nguyễn Thị Mỹ Thanh