Chương 2: Đức Khổng Tử (550–497 Ttl)
ự trung thành, lòng độ lượng, nhân ái, tinh thần chu toàn trách nhiệm, sự tế nhị, điều độ, liêm khiết, với một chính thể cai trị ôn hoà trong một xã hội vàng son. “Đừng làm cho người khác những gì mà ta không thích cho chính bản thân ta”, Đó là những nguyên tắc căn bản của Khổng giáo, một quy luật đạo đức đã chỉ đạo linh hồn Trung Quốc biết bao thế kỷ nay, Đức Khổng Tử, bậc đại hiền triết, bậc thánh, nhà cải cách mà sự thông thái và đức hạnh của ông đã khai sáng cho một phong trào mới. Ông chết 6 thế kỷ trước Thiên Chúa, nhưng công nghiệp của ông vẫn còn sống mãi với thời gian.
Tháng Hai năm 1917, một cuộc tranh luận gay cấn và thú vị xảy ra tại Quốc Hội Trung Quốc. Năm năm trước đó, khi Hoàng Đế Trung Hoa thoái vị và Trung Quốc trở thành một nước Cộng Hoà thì Khổng giáo đã được xem như một quốc giáo hơn hai ngàn năm, nhưng ảnh hưởng đã bị mất dần. Ngày nay Khổng giáo lại được đề nghị phục hồi và thêm vào đó, Khổng Tử được tôn làm vị Thánh của Trung Quốc.
Mặc dù với sự nhiệt thành của số đông học giả trong giới chánh khách, đề nghị trên vẫn không được chấp thuận, nhưng sự kiện đó cũng chứng tỏ ảnh hưởng sâu đậm của bậc đại hiền triết vẫn còn đè nặng tâm trí người Trung Hoa. Sức mạnh của sự việc đó được tăng gấp đôi khi nhớ rằng, qua bao nhiêu thời đại, Khổng Tử đã được dân chúng Trung Hoa tôn thờ, xem như thần thánh, nhưng trước đó, ông chưa bao giờ được xem như vị thần thánh. Ý nghĩ thần thánh có lẽ hơi khôi hài đối với ông một chút vì trong tất cả các hiền triết thời xưa thì Khổng Tử lại là người ít có tín ngưỡng nhất. Theo một nhận định của học giả Du Bose thì Khổng Tử “không phải là một người cuồng tín, ông chỉ thực hành một ít những nghi thức tôn giáo, nhưng không hề giảng dạy về tôn giáo”. Nếu ông sống đến ngày nay thì ông sẽ được mệnh danh là Bất Khả Tri Luận (chủ trương trí người không thể nào biết được tuyệt đối), vì trong khi ông thừa nhận sự hiện hữu của các quyền lực thần thánh thì ông lại không ràng buộc nhiều vào cách quyền lực đó. Ông nói “Hãy tôn trọng thần linh nhưng phải đứng xa họ”.
Ông không chú ý đến quá khứ con người cũng như khi linh hồn con người tách rời thể xác sau khi chết. Nhưng ông chỉ chú ý đến sự chỉ đạo thực tế trong đời sống hiện tại của con người, ông tự nói “Tôi cố gắng để trở nên một con người đức hạnh hoàn toàn, và để dạy người khác mà không mệt mỏi”. Lý tưởng của ông là “Một con người ưu tú là đem phổ biến sự hiểu biết của mình với sự lãnh đạo sáng suốt và yêu nghề”.
Để theo đuổi lý tưởng này, ông phải thích nghi tuyệt đỉnh, và con người ông là một sự kết hợp hiếm có, vừa có lý tưởng, lại vừa là một con người hết sức thực tế trong công việc làm ăn.
Có người cho rằng thời thế tạo con người, trong trường hợp của Khổng Tử thì thật vô cùng xác đáng. Vì vào thế kỷ thứ 6 trước Thiên Chúa, hoàn cảnh chính trị Trung Quốc giúp ông có nhiều cơ hội trao dồi trí thức, hơn là cho ông có cơ hội để phát triển tài năng về buôn bán. Trước Khổng Tử, hơn 1.000 năm Trung Quốc được thống nhất và dưới sự cai trị của các Hoàng Đế tu hành, và từ khi Khổng Tử ra đời triều đại vàng son chấm dứt năm 1125 trước Thiên Chúa. Hơn 500 năm, Trung Quốc dần dần phân tán ra làm nhiều tiểu quốc. Cho đến thế kỷ thứ 6 trước Thiên Chúa mà các sử gia Trung Quốc gọi là “thời đại nhiễu nhương hỗn loạn”, có 5 đến 6 nước tranh giành quấy nhiễu nhau.
Mùa Đông năm 551 hay 550 trước Thiên Chúa, Khổng Tử ra đời tại nước Lỗ. Cha ông, làm Tri huyện và có rất nhiều con gái, nhưng không có con trai để nối dõi. Cho nên khi đã 79 tuổi, ông còn cưới thêm một nàng hầu, và cuộc tình duyên này đã ban cho ông một cậu quý tử.
Cũng giống như nhiều vĩ nhân khác thời xưa, sự chào đời của Khổng Tử bao trùm trong một huyền thoại. Tục truyền rằng, người mẹ trẻ đẹp của ông cầu Trời khẩn Phật xin được một mụn con trai, bà đã tổ chức biết bao nhiêu cuộc phước thiện để mong nguyện vọng được thoả mãn, và một vị thần hiện ra trong giấc mộng nói “Bà sẽ có một người con trai, một vị thánh và bà phải hạ sinh hài nhi trong một cây dâu rỗng”. Nghe thế, bà mừng rỡ và sắp xếp việc nằm chỗ trong một cái hầm tại đồi tên là “Cây dâu rỗng”.
Khi đứa bé chào đời, rồng vàng và nữ thần giữ cây xuất hiện, leo lên canh giữ tại lối ra vào của căn hầm và nhã ra hương thơm ngào ngạt. Mẹ ông nghe tiếng nhạc réo rắt, du dương và một giọng nói huyền hoặc “Thượng giới vô cùng xúc động khi đứa con thần thánh của bà chào đời, và gởi xuống đây những âm thanh huyền dịu chào mừng”. Trên mình hài nhi có bốn mươi chín dấu với những chữ “Người sẽ khai sáng ra những nguyên tắc và sẽ bình thiên hạ”. Phép lạ hiện ra và một dòng suối chảy róc rách trong căn hầm, trong khi đó kỳ lân xuất hiện mang tấm bảng có khắc hàng chữ “Con của thuỷ thần sẽ nối nghiệp cai trị thiên hạ và sẽ là một vị vua không ngai”.
Điều rõ rệt hơn những huyền thoại ngụ ngôn này là Khổng Tử ngay lúc thiếu thời đã có những dấu hiệu chứng tỏ một tài năng khác thường. Trước khi Khổng Tử được ba tuổi thì cha ông lìa trần, gia đình lâm cảnh túng quẫn. Cậu bé phải đi tìm kế sinh nhai, nhưng trong đầu vẫn để tâm học hỏi, và người ta cho rằng ông quyết định trở thành bậc thánh hiền vào năm mười lăm tuổi.
Ông lập gia đình năm mười chín tuổi, nhưng mặc dù vợ ông sinh cho ông một trai hai gái, hôn nhân và đời sống gia đình dường như không ràng buộc được một con người đang dần dần ý thức trở nên vĩ đại. Đó là một sự hỗn hợp nhị nguyên, ông không những muốn trở thành học giả mà còn muốn trở nên một thánh sư. Một thời gian ngắn sau hôn lễ, Khổng Tử nhận làm quản lý cửa hàng, và sau đó, ông được giữ việc coi sóc công viên và súc vật.
Năm 22 tuổi, ông bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò một giáo sư kiêm nhà học giả, lập ra một lâm viện hay trường học để giải nghĩa những nguyên tắc chỉ đạo và phương pháp cầm quyền. Môn đồ của ông đều là những người trẻ. Nếu họ giàu thì ông đã nhận được một số học phí đáng kể. Nhưng rất tiếc, không ai thoát khỏi sự nghèo túng của mình.
Lấy năng khiếu và lòng nhiệt thành làm tiêu chuẩn ông đã giảng dạy các môn đồ “Khi ta đưa ra một khía cạnh của đề tài mà tự môn sinh không bà học đó nữa” (câu này theo sách in – không rõ nghĩa là gì. TNA).
Ở vai trò một học giả, ông am tường sử học và triết học. Ở vai trò một nhà hành chính, ông được biết như một nhà cải cách đầy nhiệt tâm, không ngần ngại tấn công và quét sạch những chế độ hà khắc lỗi thời. Ông trở nên nổi tiếng và uy tín của nhà học giả kiêm hành chính đã được nhiều người ngưỡng mộ.
Đến năm 30 tuổi, ông kể rằng ông đã đạt đến “Một sự phán xét vững chắc khi đã học hỏi tận tường những sự việc ở quá khứ và đúc kết các nguyên tắc của ông về cách cai trị và bổn phận con người”.
Năm 517 trước tây lịch, hai người trẻ của giai cấp quý tộc ở nước Lỗ trở thành môn đồ của ông. Ông đã cùng họ đi chu du viếng thăm kinh đô của đế quốc này. Nơi đây, ông tiếp tục nghiên cứu sử ký tại thư viện Hoàng gia và học nhạc, một môn học mà ông hết sức say mê. Âm nhạc đã có ảnh hưởng lớn trong đời sống ông, không phải chỉ vì ông yêu nhạc đến quên ăn, nhưng vì ông xem âm nhạc như chiếc chìa khoá giữ sự thăng bằng cho mọi việc, và ông đã hoà hợp âm nhạc trong chính sách cai trị của ông.
Trong cuộc viếng thăm này, người ta kể rằng ông đã gặp một nhân vật đương thời rất nổi tiếng, đó là triết gia Lão Tử, bản chất trái ngược ông, nhưng là một đối thủ của ông về sự vĩ đại, người đã sáng lập ra một trong ba tôn giáo lớn ở Trung Hoa và những tín đồ Lão giáo ngày nay cũng chiếm hàng triệu người.
Thật là khó mong đợi hai nhân vật này hoà hợp nhau vì từ hình thức đến tư tưởng, cả hai hoàn toàn trái ngược nhau. Lão Tử hay mơ mộng, lý tưởng, thần bí, tin tưởng sùng kính đấng Tạo Hoá, và cho rằng muốn đạt đến chân lý, con người phải dứt bỏ mọi ước muốn trần tục và phải thâm nhập vào linh hồn một ý thức về Tạo Hoá, vũ trụ như một bí mật của biết bao sự mầu nhiệm. Trái lại, Khổng Tử, thực tế, giống như một thương gia, đầu óc trần tục, không bao giờ công nhận có một đấng Tạo Hoá, và để tất cả tâm trí vào việc cố gắng vun trồng phẩm hạnh trong tất cả mọi quy tắc hình thức mà ông cho rằng là một động lực thích nghi để phát triển sự hoàn mỹ của tinh thần. Tuy nhiên, sự kiện chép lại rằng trong khi Khổng Tử tạo một số ấn tượng đối nghịch Lão Tử thì chính ông cũng bị thâm nhập phần nào ảnh hưởng của vị giáo chủ Lão giáo.
Trong năm đi viếng kinh đô này, mọi việc dường như an bày để đưa đến một sự nghiệp lẫy lừng cho Khổng Tử. Một cuộc cách mạng bất ngờ bùng nổ ở nước Lỗ, khiến nhà vua phải chạy trốn sang đất Tề, Khổng Tử cũng chạy theo đến đó vì ông cảm thấy không phù hợp với danh dự và đạo đức ông nếu tham gia cuộc nổi loạn. Một câu chuyện danh tiếng dưới đây kể lại cuộc hành trình của ông trên đường bôn tẩu.
Khi vượt qua núi với nhiều môn đồ, Khổng Tử xúc động trước cảnh tượng một người đàn bà phủ phục than khóc bên một ngôi mộ. Ông cho một môn đồ đến hỏi cớ sự. Người đàn bà nức nở kể lại “Cha chồng tôi bị hổ ăn thịt, chồng tôi cũng vậy và bây giờ con trai tôi cũng chịu chung số phận đó”. Được hỏi vì sao không rời bỏ nơi này, người đàn bà xấu số trả lời rằng tại vì chính quyền không áp bức hà khắc. Khổng Tử không chậm trễ cơ hội để chỉ giáo về đạo đức. “Hãy nhớ đây, các con, một chính phủ lạm quyền áp bức còn dã man hung ác và đáng sợ hơn con hổ nữa”.
Trong nhiều năm, Khổng Tử rời bỏ nhiệm sở. Ông không ở nước Tề lâu vì sợ Hoàng Tử của vương quốc này trong tình trạng rối trí không biết phải cư xử cách nào với một con người nổi tiếng như Khổng Tử, nhưng lại ở vào một giai cấp thấp kém. Nhà vua đề nghị phụ cấp cho ông, nhưng vị hiền triết không nhận một lợi tức nào trừ phi ông giúp ích được gì hữu dụng.
Thỉnh thoảng, ông chu du khắp nơi để giảng dạy những lời răn đạo đức và chỉ dẫn cách cai trị, nhưng phần lớn thì giờ ông dành cho nghiên cứu và giảng dạy các môn đồ càng ngày càng đông đảo đến nghe lời răn dạy của bậc đại hiền triết Đức Khổng Phu Tử.
Trong những năm này, ông rất cảm động trước lòng thành kính của các môn đồ ngưỡng mộ ông. Biết giá trị mọi lời vàng ngọc của ông và học hỏi một cách trang trọng tất cả mọi hành động và tư tưởng của ông. Nhờ sự sùng kính của các môn đồ mà chúng ta có được nhiều chi tiết về Khổng Tử cũng như những lời châu ngọc của nhà hiền triết.
Dáng người ông cao, khi đi dang hai tay giống như đôi cánh chim, và lưng trông giống như con rùa. Mặc dù ăn uống rất khiêm tốn điều độ, ông lại chú ý đặc biệt đến thức ăn, thích ăn cơm nấu chín và thịt thái mỏng, các món ăn phải được rưới lên một thứ nước xốt đúng điệu. Để thưởng thức món ăn ngon, khi ăn ông không nói chuyện và phải luôn luôn có gừng để trên bàn. Chúng ta có thể tưởng tượng ra ông một cách rõ ràng với thái độ lịch sự chính chắn và lại hay câu nệ đến độ như lúc nào cũng giữ gìn nghi lễ.
Ông là một nhân vật mà người ta khó có thể yêu thương sâu xa nồng nhiệt được. Ông rất lạnh lùng, kiểu cách và xa lánh lãnh vực yêu đương. Nói khác hơn, người ta cảm thấy phải đứng xa để chiêm ngưỡng ông và để tỏ lòng tôn kính trung thành. Ông là một con người mà mỗi lời nói của ông được xem như khuôn vàng thước ngọc, đối với ông người ta không thể nào dám thân mật, hay dám xem như người bạn, Khổng Tử lại có sự yếu đuối của người thường, điều này các môn sinh ông đều biết rõ, vì theo lời chép lại, khi nghe sấm sét, nét mặt ông biến đổi hoặc vào những đêm, ông sẽ mặc quần áo vào thật nhanh. Những ấn tượng mà ông gieo vào đầu mỗi người là một nhân vật đã vươn mình lên nhờ vào sự thông thái và nhờ sự trau dồi đức hạnh nên đã đứng ra khỏi sự tầm thường của một con người bình thường.
Phẩm hạnh và sự nghiên cứu của ông đã đạt đến mức thành công rực rỡ trong môi trường chính trị thực tiễn. Năm năm mươi hai tuổi, ông được mời về làm việc tại quốc gia ông và trở thành Tổng Đốc một tỉnh lớn của nước Lỗ. Với chức vụ này Khổng Tử đã làm được nhiều cải cách phi thường, ông được thăng chức và đã đạt được chức vụ cao nhất trong nước. Rồi nhờ vào thiên tài của ông cũng như sự phụ tá của hai môn sinh, một đường lối chính trị lấy đạo đức làm đầu được thi hành tích cực. Sự trung tín trở nên cá tính của đàn ông, sự đoan chính dịu dàng là cá tính của người phụ nữ, ông trở thành thần tượng của dân tộc, và được ca ngợi qua các bài đồng dao truyền miệng.
Những sự cải cách của Khổng Tử thật là vô cùng mới mẻ trong tư tưởng con người. Một vài quan niệm vẫn còn giá trị đối với xã hội ngày nay. Ông không những nuôi kẻ nghèo, lại còn phân phát thực phẩm cho người già và người trẻ. Để tổ chức việc làm cho những người lao động được công bình và hợp lý, ông phân phối những công việc khác nhau cho người mạnh, kẻ yếu đều có thể làm việc hữu hiệu, ông ấn định giá hàng hoá, và dùng tài sản quốc gia trong việc khuếch trương thương mại. Sự thông thương giao dịch được cải tiến, đường xá, cầu cống được sửa chữa, bọn cường sơn thảo khấu cũng bị dẹp tan tành. Quyền hành của giới trưởng giả, quý tộc bị giảm đi, người dân đen được giải phóng khỏi sự áp chế và tất cả mọi người đều bình đẳng trước cán cân công lý.
Chính sách của ông, mặc dù được tán thưởng của số đông quần chúng, nhưng cũng không tránh khỏi sự thù ghét cá nhân mà nguyên nhân là quyền lợi bị va chạm. Đặc biệt, Khổng Tử không ngần ngại tấn công những kẻ có quyền thế nhất trong nước khi họ làm cản trở công cuộc cải cách của ông. Thật sự, sự rời bỏ quê hương của Khổng Tử cũng do nơi xảo thuật chính trị của vua nước Tề.
Vua Tề, đã ý thức được sự nguy hiểm nếu có một quốc gia hùng mạnh và cách mệnh ở cận nước Tề. Dân tộc ông liệu có học đòi cải cách không? Và liệu nước Lỗ, khi mạnh mẽ hùng hậu có để cặp mắt cú vọ trên các phần lãnh thổ và tài sản của các nước láng giềng không?
Vua Tề bèn nghĩ kế, một chước diệu kỳ thuần tuý của Trung Hoa. Nhà vua cho chọn một phái đoàn gồm tám mươi mỹ nhân, ca hay múa giỏi, thêm vào đó một số ngựa thật đẹp và đem tất cả làm quà tặng cho vua Lỗ.
Vua chúa trong tất cả mọi thời đại, đều khó chống lại sự cám dỗ của dục vọng, cho nên nhà vua và các quan triều đình cũng không thoát khỏi định luật đó. Sắc đẹp của đám cung tần vũ nữ đã làm mọi người điên đảo tâm thần và xao lãng bổn phận, những lời khuyên của Khổng Tử không còn gây sự chú ý nào và hoàn toàn bị lu mờ trước những món quà tặng hấp dẫn nhất của vua nước Tề.
Ngần ngừ, cuối cùng vị thánh hiền quyết định rời nước Lỗ, và ông lại dấn thân lần thứ hai vào cuộc hành trình lưu đày. Thỉnh thoảng, ông vẫn liếc nhìn về phía sau để xem có tên sứ giả nào theo gọi ông trở lại triều đình hay không, nhưng tuyệt nhiên không có tên sứ giả nào cả.
Khổng Tử đã giữ chức vụ chỉ trong vòng 3 năm, còn 13 năm dài ông lay lắt những chuỗi ngày mệt mỏi trước khi nhìn thấy lại quê hương thân yêu. Mười ba năm trời đầy thất vọng, ông lang thang từ xứ này sang nước khác, hy vọng một ngày nào sẽ tìm thấy một đấng minh quân, tin tưởng và giao phó cho ông toàn quyền biến đổi đất nước theo chủ thuyết của ông, nhưng rồi ông bị bắt buộc bãi bỏ đi ước vọng không thành đó.
Đến nhiều nơi, ông được tiếp đãi niềm nở như hàng vua chúa, nhưng không bao giờ ông nhận sự cấp dưỡng của ai. Một vị vua đã đề nghị dành cho ông những nguồn lợi trong nước để yêu cầu ông ở lại, ông đã trả lời một cách cao thượng “Người quân tử chỉ nhận phần thưởng xứng đáng với sự làm việc của mình. Tôi đã khuyên nhà vua, nhưng ngài chẳng chịu nghe, đã vậy còn ân thưởng. Quả thật ngài chẳng hiểu ta. Ngài đâu biết rằng ta vẫn lấy sự bình dị làm lạc thú, ăn cơm hẩm uống nước lã, và lấy tay làm gối. Giàu sang danh vọng tạo ra do sự bất chính vẫn bị ta xem như đám phù du”.
Ông chịu đựng kham khổ một cách vui vẻ cũng như những lúc hưởng sự giàu sang. Một ngày kia, nhìn thấy ông đói khát không ăn uống, một môn đồ buồn rầu và tức giận mới hỏi ông rằng “Người quân tử phải chịu đựng như vậy sao?”. Ông chỉ từ tốn trả lời “Người quân tử vẫn phải chịu đựng sự đòi hỏi của các nhu cầu, nhưng vẫn là người quân tử. Kẻ tiểu nhân trong trường hợp đó thì lại mất cả lý trí để tự chủ”.
Cuối cùng, tin tức chờ đợi sự triệu hồi từ lâu cũng vẫn đến tai vị thánh hiền. Đức vua, kẻ đã vì say mê sắc dục mà làm chấm dứt cả một cuộc đời hoạt động của Khổng Tử đã băng hà. Con trai nhà vua lên nối ngôi, vị vua này là một trong những tướng lãnh giỏi nhất của nước Lỗ nhờ học được tài thao lược của Đức Khổng Tử, cho nên tân vương cho vời ông về, và một lần nữa giao cho ông trọng trách về chính trị của nước Lỗ.
Nhưng lúc này, Khổng Tử gần 80 tuổi, và những tháng năm phiêu bạt càng chồng chất sự già yếu cho ông. Năm còn lại trong cuộc đời, ông tiêu khiển thì giờ trong việc viết lách và dạy dỗ đám môn sinh lúc nào cũng túc trực quây quần một bên. Trong thời gian này, ông sáng tác quyển sách duy nhất, quyển Xuân Thu ghi lại tất cả các sự kiện lịch sử trong suốt thời gian 242 năm.
Khổng Tử đã nói về quyển sách này như sau “Với quyển Xuân Thu này, mọi người sẽ biết đến ta và sẽ buộc tội ta”. Nếu chúng ta không biết nhiều về vị thánh hiền đó qua những sự kiện khác, thì chắc chắn là chúng ta sẽ buộc tội ông dựa theo quyển sử, vì, mặc dù quyển đó xem như khuôn vàng thước ngọc cho các học giả Trung Hoa, nhưng nó lại là một tài liệu lịch sử tóm tắt các sự kiện xấu xa đồi truỵ,
Chỉ một số ít các vĩ nhân, đặc biệt thuộc thời cổ, sẽ đạt được tiếng tăm lừng lẫy nếu chỉ xét đoán bằng những gì mà họ minh chứng được trong khi viết. Sự vĩ đại của Khổng Tử cũng được xét đoán, nhưng không phải dựa vào quyển Xuân Thu mà do nơi ảnh hưởng tư tưởng của ông được nỗ lực vun bồi trên đất Trung Quốc suốt các thời đại và cho mãi đến ngày nay.
Hơn hai thế kỷ sau khi ông qua đời, một vị Hoàng Đế có đầu óc cấp tiến, dùng tất cả quyền lực để tìm cách quét sạch những dấu vết của Khổng Tử. Nhà vua ra lệnh đốt tất cả sách mà Khổng Tử đã sáng tác và dùng trong việc giảng dạy các môn đồ. Nhà vua còn xử tử tất cả các học giả còn ngoan cố duy trì chủ nghĩa của Khổng Tử. Nhưng nhà vua đã thất bại, và các vị vua kế tiếp đã khôn ngoan củng cố uy quyền của mình trên căn bản bảo tồn uy thế cho “bậc thánh sư vĩ đại nhất” này.
Khổng Tử tóm lại, tượng trưng cho tất cả những gì bảo thủ. “Người cẩn thận không bao giờ nhầm lẫn”. Ông thường nói như vậy. Khổng Tử tuyệt đối kính trọng uy quyền “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Ông dạy như vậy. Ông đặt ra những chính sách quốc gia dựa trên nền tảng gia đình. Sự kính trọng chế độ phụ hệ là nền tảng cho việc thờ cúng tổ tiên, một truyền thống căn bản của Trung Quốc qua biết bao thế kỷ.
Khổng Tử không đòi hỏi được xem như kẻ sáng lập ra một tôn giáo, một triết lý hay một guồng máy chính phủ, ông từ chối tất cả, chỉ nói rằng “Ông là người phổ biến, chứ không phải là người tạo nên”. Ông là người vô địch của chế độ cũ, của trật tự quy củ đã có từ lúc ban sơ, và sẽ còn tiếp tục duy trì. Trong khi đương thời với ông là triết gia Lão Tử, tượng trưng cho một tinh thần khác, tìm kiếm một quy luật mới mẻ và tân tiến.
Khổng Tử, như chúng ta thấy là người miền Bắc, con cháu dòng dõi ông mang họ Khổng, có hàng ngàn người ở tỉnh Khổng Phu. Phía ngoài châu thành, trên một ngọn đồi râm mát là nghĩa trang của dòng họ Khổng. Và nơi đó, nằm biệt lập trong sự cô độc rực rỡ là ngôi mộ bia truy niệm của “bậc đại sư thánh thiện nhất, một vị chúa toàn thiện, toàn mỹ”.
Ông mất năm 497 trước Thiên Chúa, với tuổi bảy mươi ba, già nua, đầy thất vọng và vỡ mộng. Ông đã kêu lên tuyệt vọng “Không ai hiểu ta, không một nhà lãnh đạo nào thông minh để tôn ta làm quân sư”.
Nhưng tình thương của đám môn sinh đối với ông đã chứng tỏ một cách hùng hồn cho sức mạnh của ông, hơn bất cứ vị chúa tể nào. Họ để tang ông trong ba năm, cho nên sau khi chết, uy tín của vị thánh hiền bay đi khắp nơi và sống mãi qua các thời đại.
Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới - Đỗ Châu Huyền-Hoàng Trí Đức Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới