Chương 2
ó là cái lỗ của ông Pod - tháp pháo đài của ông; cổng vào nhà ông. Tuy nhiên nói thế không có nghĩa là nhà ông nằm đâu đó gần cái đồng hồ: ngược lại là khác - ta có thể nói vậy. Có lối đi tối tăm và bụi bặm dài hàng thước, với những cửa gỗ giữa các rầm nhà và cổng sắt chống chuột. Ông Pod dùng đủ thứ để xây những chiếc cổng này - một tấm của chiếc bàn nạo pho mát gập được, một cái nắp có bản lề của hộp đựng tiền nhỏ, những miếng kẽm vuông có lỗ của một chạn thức ăn cũ, một cái vỉ đập ruồi... “Không phải mẹ sợ chuột,” bà Homily thường nói, “Nhưng mẹ không chịu được cái mùi.” Arrietty đã hoài công van xin để được có một con chuột nhỏ bé cho riêng mình, một con chuột bé bị mù để cô tự tay nuôi - “giống như Eggletina đã từng có.” Nhưng bà Homily đập hai chiếc vung vào nhau mà thốt lên “Và nhìn xem điều gì đã xảy ra với Eggletina!” “Vậy điều gì,” Arrietty hỏi, “điều gì đã xảy ra với Eggletina?” Nhưng chẳng ai trả lời.
Chỉ có ông Pod mới biết đường xuyên qua các lối đi giao nhau dẫn đến cái lỗ dưới chiếc đồng hồ. Và chỉ có ông Pod mới mở được những cánh cổng. Có những cái móc gài phức tạp được làm từ cặp tóc và kim băng mà chỉ riêng ông Pod mới biết bí mật. Vợ con ông sống an toàn hơn trong những căn hộ ấm cúng ở phía dưới gian bếp, cách xa những rủi ro và nguy hiểm của ngôi nhà đáng kinh sợ phía trên. Nhưng có một cái lưới sắt trên bức tường gạch của ngôi nhà, ngay dưới mặt sàn của căn bếp phía trên, qua đó Arrietty có thể nhìn thấy khu vườn - một phần lối đi được rải sỏi và một bờ cỏ nơi hoa nghệ tây nở vào mùa xuân; nơi những cánh hoa bay đến từ một cái cây ngoài tầm mắt; và nơi mà sau này một bụi đỗ quyên sẽ nở hoa; và nơi có những chú chim bay đến - để mổ và đùa nghịch và có khi để đánh nhau. “Con lãng phí bao thì giờ vào những con chim đó,” bà Homily thường nói, “thế mà khi có chút việc phải làm thì con chẳng bao giờ có thời gian. Mẹ đã lớn lên ở một ngôi nhà,” bà Homily nói tiếp, “tuyệt chẳng có cái lưới sắt nào, thế nhưng chúng ta lại hạnh phúc hơn biết bao vì điều đó. Bây giờ thì rời khỏi đó và đi lấy cho mẹ khoai tây đi.”
Chính ngày hôm đó Arrietty, trong lúc lăn củ khoai tây phía trước mình đi từ phòng kho dọc theo lối đi bụi bặm ở dưới những tấm ván sàn, cáu kỉnh đá củ khoai làm cho nó lăn hơi nhanh vào trong bếp nhà họ, ở đó bà Homily đang cúi người trên lò.
“Con lại làm thế rồi,” bà Homily thốt lên, giận dữ quay lại, “suýt nữa thì đẩy mẹ vào nồi xúp. Với cả khi mẹ nói ‘khoai tây’ thì ý mẹ không phải là cả củ khoai tây. Lấy cái kéo, được chứ, và cắt một lát ra.”
“Đâu biết mẹ muốn bao nhiêu,” Arrietty lầm bầm nói, và bà Homily, với vẻ sốt ruột và khó chịu, tháo từ cái đinh trên tường xuống một bên lưỡi và cán của nửa cái kéo cắt móng tay, rồi bắt đầu cắt qua lớp vỏ.
“Con đã làm hỏng củ khoai tây này,” bà càu nhàu. “Bây giờ thì con không thể lăn nó trở lại được trên cả đám bụi, không thể làm thế một khi nó đã bị cắt ra.”
“Ôi, có sao đâu?” Arrietty nói. “Còn nhiều nữa mà.”
“Nói hay đấy nhỉ. Còn nhiều nữa. Con có biết,” bà Homily nói tiếp với vẻ nghiêm trọng, đặt nửa cái kéo cắt móng tay xuống, “rằng ông bố đáng thương của con luôn phải mạo hiểm tính mạng mình mỗi khi ông ấy đi mượn một củ khoai tây không?”
“Ý của con,” Arrietty nói, “là còn nhiều ở trong kho.”
“Thôi, giờ thì con tránh ra đi,” bà Homily nói, lại hối hả, “ý con thế nào đi nữa cũng được, hãy để mẹ nấu tiếp bữa tối.”
Arrietty đi tha thẩn qua cánh cửa mở vào phòng khách. A, lò sưởi đã được đốt và căn phòng trông sáng sủa ấm cúng. Bà Homily tự hào về phòng khách của mình: tường được dán mẩu vụn của những bức thư cũ gom được từ thùng giấy rác, và bà Homily đã sắp xếp sao cho những dòng chữ viết tay hàng ngang thành những đường kẻ dọc chạy từ sàn nhà đến trần nhà. Treo trên tường, lặp đi lặp lại trong những màu sắc khác nhau, là mấy tấm chân dung của Nữ hoàng Victoria hồi trẻ; đó là những con tem bưu chính, đã được ông Pod mượn vài năm trước đây từ cái hộp tem trên bàn viết trong phòng ăn sáng. Có một hộp nữ trang bằng sơn bóng, độn bông bên trong và nắp luôn mở, được họ dùng làm trường kỷ; và cái tủ hữu ích đó - một cái tủ com mốt làm từ những hộp diêm. Có một cái bàn tròn với khăn trải bằng nhung đỏ, được ông Pod chế tạo từ cái đáy bằng gỗ của một chiếc hộp đựng thuốc viên, đặt bên trên cái đế chạm trổ của một con mã trong bộ cờ. (Việc này đã gây nên rắc rối lớn ở trên nhà khi con trai cả của bà dì Sophy, trong một chuyến thăm chớp nhoáng vào giữa tuần, đã mời cha xứ “chơi một ván cờ sau bữa tối.” Rosa Pickhatcher, là người hầu lúc đó, xin nghỉ việc. Sau khi cô rời khỏi thì người ta mới phát hiện ra là các đồ đạc khác đã bị mất, và không ai khác được thuê thay thế chỗ của cô ta nữa. Từ đó trở đi bà Driver cai trị độc quyền). Riêng con mã - hay có thể nói là tượng bán thân của nó - được đặt trên một cái cột trong góc, ở đó trông nó rất đẹp, và làm căn phòng toát lên một không khí mà chỉ những bức tượng mới làm được.
Bên cạnh lò sưởi, trên chiếc giá sách nghiêng bằng gỗ, là bộ sách của Arrietty. Đây là một bộ sách thu nhỏ mà người thời Victoria rất thích in, nhưng đối với Arrietty thì có vẻ như đó phải là cỡ của những cuốn kinh nhà thờ rất lớn. Có các bộ sách của nhà xuất bản Bryce như bộ Từ điển Địa lý Thế giới của Tom Thumb, với những điều tra dân số mới nhất; bộ Từ điển của Tom Thumb, với những giải thích ngắn gọn các thuật ngữ khoa học, triết học, văn học và kỹ thuật; bộ Ấn bản của Tom Thumb về Hài kịch của William Shakespeare, có cả lời tựa về tác giả; một cuốn sách khác, mà các trang đều để trống, gọi là Hồi ký; và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cuốn mà Arrietty ưa thích nhất là Nhật ký và Tục ngữ của Tom Thumb, với một câu tục ngữ cho mỗi ngày trong năm và, trong lời tựa, kể về cuộc đời của một người lùn tên là Tướng Tom Thumb, kết hôn với cô gái có tên Mercy Lavinia Bump. Có một bản in khắc xe song mã của họ, với những chú ngựa nhỏ - cỡ bằng con chuột. Arrietty không phải cô bé ngốc nghếch. Cô bé biết con ngựa không thể bé được bằng con chuột, nhưng cô bé không nhận ra rằng Tom Thumb, cao gần bảy mươi phân, sẽ được coi như người khổng lồ đối với một Người Vay Mượn.
Arrietty đã học đọc từ những cuốn sách này, và học viết bằng cách nghiêng đầu chép lại các chữ viết lên tường. Dù vậy, cô bé không phải lúc nào cũng viết nhật ký, tuy hầu như ngày nào cô bé cũng lấy cuốn sách đó ra để đọc tục ngữ, việc này đôi lúc cũng an ủi cô bé. Tục ngữ của ngày hôm nay là, “Càng đi xa càng gặp nhiều rắc rối,” và ở phía dưới ghi, “Dòng hiệp sĩ Garter, thành lập năm 1348.” Cô bé bê cuốn sách đến lò sưởi và ngồi xuống, đôi chân gác lên kệ lò sưởi.
“Con đang làm gì đấy, Arrietty?” bà Homily hỏi vọng từ trong bếp.
“Con đang viết nhật ký.”
“Ồ,” bà Homily thốt lên.
“Mẹ cần gì ạ?” Arrietty hỏi. Cô bé cảm thấy khá an tâm; bà Homily thích cô bé viết; bà Homily động viên tất cả mọi hình thức văn hóa. Bản thân bà Homily, kẻ ít học đáng thương thì ngay cả bảng chữ cái cũng không đọc nổi. “Không có gì. Không có gì,” bà Homily cáu kỉnh nói, liên tục đập vung nồi, “đợi sau cũng được.”
Arrietty lấy bút chì ra. Đó là một cây bút chì nhỏ màu trắng có gắn sợi dây lụa lấy từ một tờ danh sách khiêu vũ, nhưng ngay cả thế đi nữa, trong tay Arrietty, trông nó vẫn như một cái trục cán.
“Arrietty!” bà Homily lại gọi vọng ra từ trong bếp.
“Vâng?”
“Bỏ chút gì đó vào lò sưởi đi.”
Arrietty gồng người lên và cố nhấc cuốn sách ra khỏi đùi, đặt nó thẳng đứng trên nền nhà. Họ cất giữ nhiên liệu, hỗn hợp hạt vụn than và nến nghiền, ở trong một cái bình thiếc từng đựng mù tạt, và múc nó ra bằng thìa. Arrietty chỉ bỏ vài hạt, nghiêng thìa mù tạt, để không dập mất ngọn lửa. Rồi cô bé đứng đó sưởi ấm. Đó là một lò sưởi duyên dáng, do ông của Arrietty làm, với một bánh răng chuồng ngựa, một phần của máy ép rượu táo cũ. Các răng cưa của bánh răng chĩa ra như những tia sao sáng, và ngọn lửa được ấp ủ ở giữa. Ở trên có một ống khói được chế tạo từ một cái phễu bằng đồng nhỏ, úp ngược. Thứ này đã từng có thời là một phần của chiếc đèn dầu, và ngày xưa nó đứng trên cái bàn ở hành lang trên tầng. Một hệ thống những chiếc ống ghép lại, đặt từ miệng phễu, đưa khói vào các ống khói của căn bếp phía trên. Ngọn lửa được mồi bằng những que diêm và được giữ bằng hạt vụn than và, khi nó cháy, phần sắt nóng lên, bà Homily đun xúp trong một cái đê bằng bạc đặt trên các răng cưa, còn Arrietty thì nướng hạt. Những tối mùa đông ấy mới ấm cúng làm sao. Arrietty, với cuốn sách to đùng trên đùi, thỉnh thoảng đọc to lên; ông Pod bên cạnh khuôn giày của mình (ông là thợ đóng giày, và đóng những chiếc ủng có nút từ găng tay trẻ con - nhưng mà, chao ôi, chỉ làm cho gia đình ông); còn bà Homily, cuối cùng đã im lặng, với việc đan lát của mình.
Bà Homily đan áo len chui đầu và tất dài của họ bằng kim mũi màu đen, và, thỉnh thoảng, bằng kim mạng. Một cuộn tơ tằm hay một cuộn bông to tướng dựng lên, cao bằng cái bàn, ở cạnh ghế của bà, và đôi lúc, nếu bà giật quá mạnh thì nó sẽ đổ rồi lăn ra ngoài qua cánh cửa mở ra hành lang bụi bặm phía ngoài, và Arrietty lại bị sai đi lấy nó về, phải quấn lại cẩn thận trong khi lăn nó.
Sàn phòng khách trải thảm bằng giấy thấm màu đỏ sẫm, thật ấm áp, dễ chịu lại còn thấm được những gì bị đổ ra. Bà Homily thay giấy mới đều đều khi có thể kiếm thêm được ở trên gác, nhưng từ khi bà dì Sophy nằm liệt giường thì bà Driver ít khi nghĩ đến giấy thấm trừ khi, đột ngột, nhà có khách. Bà Homily thích những thứ gì không cần phải giặt giũ vì ở bên dưới sàn nhà này rất khó khô; nước thì họ có đầy, cả nóng và lạnh, nhờ công của bố ông Pod đã nối các ống nước từ bình đun nước ở bếp. Họ tắm trong cái liễn nhỏ một thời đã đựng patê gan vịt. Khi tắm xong thì phải đậy nắp lại để mọi người không bỏ đồ đạc vào trong đó. Bánh xà phòng, cũng vậy, là một bánh to đùng, treo trên đinh trong phòng rửa bát, và họ cạo ra từng miếng nhỏ. Bà Homily thích mùi nhựa than đá, nhưng ông Pod và Arrietty lại thích mùi gỗ đàn hương.
“Bây giờ con đang làm gì đấy, Arrietty?” bà Homily hỏi vọng ra từ trong bếp.
“Vẫn đang viết nhật ký.”
Một lần nữa Arrietty cầm lấy cuốn sách cố kéo lại lên đùi mình. Cô bé liếm đầu chì trên cây bút to đùng, và nhìn chằm chằm một lúc, say sưa nghĩ. Cô bé tự cho phép mình viết (khi cô bé nhớ đến việc viết) một dòng nhỏ trên mỗi trang vì cô bé sẽ không bao giờ - về điều này thì cô bé chắc chắn - có thêm một cuốn nhật ký khác nữa, thế nên nếu cô bé viết hai mươi dòng trên mỗi trang thì cuốn nhật ký sẽ đủ cho hai mươi năm. Cô bé duy trì việc viết nhật ký đã gần hai năm nay rồi, và hôm nay, ngày 22 tháng Ba, cô bé đọc mục của năm ngoái “Mẹ cáu.” Cô bé nghĩ một lúc lâu hơn rồi, cuối cùng, cô bé viết dấu -nt- bên dưới từ “mẹ,” và “lo lắng” dưới từ “cáu.”
“Con nói con đang làm gì, Arrietty?” bà Homily hỏi vọng ra từ trong bếp.
Arrietty đóng cuốn sách lại. “Không làm gì ạ,” cô bé nói.
“Thế thì băm chỗ hành tây này cho mẹ nào, con ngoan. Tối nay bố con sẽ về muộn...”
Những Người Vay Mượn Tí Hon Những Người Vay Mượn Tí Hon - Mary Norton Những Người Vay Mượn Tí Hon