Chương 2: Aoa
háng Chín năm 2005. Trong nhà chúng tôi, sự im lặng mang một nét riêng, đó là tiếng chuông điện thoại vang lên ở chỗ trống. Có những âm thanh thấm vào óc người ta, óc của tôi đã chuyển chúng thành những nốt nhạc, một xướng âm phát ra từ bên trong, tôi nghe thấy hợp âm rê-la, rê-la đều đặn của tiếng còi ô tô cảnh sát, còn hợp âm si-la, si-la rên rỉ và xé lòng của còi xe cứu thương, si thì đỏ như máu, la thì trắng như bệnh viện. Sự im lặng của tôi vang lên như một nốt la. Nốt la này, các nhạc sĩ dùng để lên dây trước khi chơi cùng nhau một bài; nốt la này, chúng tôi luôn hòa hợp với nhau trong gia đình.
Hai ngày cuối tuần tháng Chín ấy, em gái út của tôi, ta hãy gọi là Bùi 5 (đó là thứ bậc của nó trong nhà), đang ở nhà tôi tại Paris. Cha mẹ tôi ở một mình trong ngôi nhà ở Le Mans[1]. Tôi và Bùi 5 gọi điện cho mẹ liên tục. Không ai trả lời. Cuối cùng, mẹ tôi nhấc máy: Cha. Nhập viện. Có vấn đề. Và tách một cái mẹ tôi đặt máy: Ðó là một thói quen của mẹ mỗi khi mẹ không muốn nói chuyện.
Mặt trời đang lặn ngoài cửa kính. Một thứ ánh sáng tuyệt đẹp của những ngày cuối hạ làm gương mặt của chúng tôi vàng ươm, nhưng đầy khắc khoải đợi chờ. Cuối cùng thì bóng đêm cũng trùm lên tất cả. Chiếc điện thoại nhìn chúng tôi chằm chằm. Gọi điện, gọi điện không dứt. Và bao giờ cũng là nốt la của tiếng chuông ấy. Cuối cùng thì nghe thấy giọng mẹ tôi. Ném ra ba chữ: AVC.
AVC: tai biến mạch máu não.
Tai biến mạch máu não, hay tai biến não, xảy ra khi tuần hoàn máu bị suy yếu, làm ảnh hưởng tới một vùng ít nhiều quan trọng của bộ não. Nguyên nhân của nó là do một mạch máu bị tắc hay ngừng hoạt động, và gây ra cái chết của những tế bào thần kinh do bị ngắt ôxy cùng các dưỡng chất cần thiết cho nhiệm vụ của chúng. Mức độ di hại của AVC phụ thuộc vào vùng não bị tổn thương. Một trên mười người mắc AVC khỏi bệnh mà không bị hậu quả gì.
Lúc bước vào “nhà”, như chúng tôi vẫn gọi ngôi nhà của cha mẹ ở ngoại ô thành phố Le Mans, tôi có cảm giác đang đi vào thành Pompei ngùn ngụt dung nham núi lửa. Trong phòng ngủ của cha mẹ, đồ đạc vứt lung tung. Chiếc thắt lưng của cha nằm dưới đất. Căn bếp cũng bừa bộn, con dao vẫn để nguyên trên thớt. Chiếc bắp cải bị bổ phanh ra, khô lại. Bồn cầu chưa kịp giật nước. Chính trong toa-lét mà cha tôi đã ngã vật xuống và được mẹ tôi đỡ về phòng sau đó.
Trên giường bệnh viện, cha nằm đó, bất động, thân thể cắm đầy ống. Tai biến thiếu máu cục bộ. Thay đổi cấu trúc mô. Não. Di hại. Chúng tôi không hiểu gì. Tìm các câu trả lời trên trang Doctissimo. Vẫn chẳng hiểu gì. Ba ngày liền cha trong trạng thái lơ mơ. Khi thức dậy, ông bị liệt bán thân, toàn bộ phía phải cơ thể bất động. Mất giọng. Chúng tôi tra cứu Internet và lạc vào mê cung diễn đàn đề cập tới chủ đề này. Chúng tôi tự an ủi bằng thành ngữ kỳ diệu, “sự đàn hồi của não bộ”. Cơ quan đó có khả năng tái tạo lại như loài chim phượng hoàng hồi sinh từ tàn tro của nó. Cha tôi không biết nói nữa? Thì cha sẽ học lại.
Con gái nhỏ của tôi mới được sáu tháng tuổi. Tôi vẫn còn cho nó bú. Chúng tôi bấu víu vào nó. Cái giọng thánh thót của nó khiến chúng tôi khuây khỏa. Tôi ngạt thở trong bốn bức tường, đối diện với thân thể bất động của cha tôi. Con gái tôi cựa quậy là tôi lấy cớ để chuồn, tôi quàng lên người nó cái địu, lẩn nhanh qua những hành lang của bệnh viện. Tôi chỉ đợi lúc mẹ tôi bảo: “Thôi, mình về nhà, thế tốt cho con bé hơn”. Và tôi thở ra khi về tới căn nhà của cha mẹ tôi ở Le Mans. Hút bụi, rửa bát, hay đi chợ ở siêu thị Leclerc. Như thể cuộc sống vẫn tiếp diễn.
Cha tôi được chuyển đến Arche, một trung tâm phục hồi chức năng. Ðể đi đến đó, phải đi qua khu dân cư qui hoạch, siêu thị Auchan, cửa hàng nguyên vật liệu Castorama, cửa hàng đồ trẻ em Bébé 9, cửa hàng giầy La Halle, cửa hàng quần áo Kiabi, cửa hàng đồ gỗ Fly, cửa hàng thể thao Decathlon. Tôi tự ru mình trong quang cảnh đô thị gần gũi này, những bình nguyên thẳng, những hình lập phương bằng sắt và bằng nhựa đặt cạnh nhau, một trò chơi khổng lồ của hãng Lego. Tôi tưởng tượng mình đang ở nơi khác, trong parking của cửa hàng Ikea thị trấn Villers, của quán ăn Flunch khu dân cư qui hoạch thị trấn Courboeuf, của cửa hàng nguyên vật liệu Leroy Merlin thị trấn Jaux-Venette, bất kỳ chỗ nào, trừ con đường dẫn đến Arche: Ðó chỉ là một cơn ác mộng.
Trung tâm phục hồi chức năng, bệnh viện, mọi thứ lẫn trong sương mù của bất hạnh. Vẫn những căn phòng ấy, những dãy hành lang trắng, chất nylon trải sàn giảm thanh. Vẫn mùi plastic và mùi thuốc. Và vẫn cảm giác thời gian đang trôi một cách khác biệt. Những giờ phút mềm oặt trì trệ, lề mề, uể oải. Ngây dại, chúng tôi nhắc đi nhắc lại những câu hỏi. Những “Tại sao”: Tại sao lại là cha tôi? Tại sao lại lúc này? Những “Giá mà”: Giá mà bác sĩ không cho phép cha ăn muối, giá mà bác sĩ cấm cha uống rượu vang, giá mà cha ăn kiêng, giá mà cha gọi ngay xe cứu thương lúc ấy, giá mà, giá mà…
Trong phòng bệnh của cha, tôi chới với trước sự im lặng như một bức tường vô hình của ông. Khi có đông người thì còn dễ. Em trai tôi, các em tôi, chúng tôi nói chuyện với nhau bên cạnh thân thể bất động của cha, chúng tôi hỏi rồi chúng tôi trả lời. Ðôi khi tôi có cảm giác cha đang ở trong một liễn thủy tinh, như một con cá bơi vòng vòng trong nước, nhẹ tâng với một ký ức ngắn ngủi và chúng tôi đang làm phiền cha, như đám trẻ nghịch ngợm đi thăm bể cá, va tay va chân vào mặt kính, mặc kệ những tấm biển cảnh báo: “Hãy giữ im lặng cho động vật”. Một địa ngục ầm ĩ, tiếng của hàng nghìn ngón tay, ngón chân vang dội như một đoàn máy khoan bê tông.
Sáu tháng trước, tôi nằm ôm con gái trong một phòng bệnh khác, nó vừa ra khỏi bụng tôi. Thời gian lúc đấy tròn trịa, đầy đặn. Giống như tất cả các bà mẹ, tôi độc thoại với con, rình những tiếng thở, tiếng khóc của nó. Tôi phỏng đoán và tưởng tượng những cuộc hội thoại giữa hai mẹ con sau này. Và sự im lặng lúc ấy có một kết cấu rất đặc biệt – mùi vị tê dại của hạnh phúc.
Sự im lặng của cha tôi bây giờ là một sự im lặng buồn bã mà ngôn từ và âm thanh đập vào rồi vỡ vụn. Ðể tránh trống trải, chúng tôi bật vô tuyến. Như là đang ở nhà. Nó khiến chúng tôi yên tâm hơn. Thứ tiếng động u u, không dứt ấy tạo nên một cuốn băng ghi âm về thời thơ ấu của tôi. Mỗi khi hồi tưởng những gương mặt trong gia đình, tôi thường thấy không phải cảnh chúng tôi đang trò chuyện quanh bàn ăn (chúng tôi không ăn tối với cha), mà đang ngắm cái ô nhỏ ấy, mắt chúng tôi cùng hướng về một phía, sáng lên trong ánh phớt xanh của màn hình trước mặt.
Thỉnh thoảng, cha tôi đưa một ngón tay lên như muốn nói câu gì. Chúng tôi vội vặn nhỏ vô tuyến. AOAO, cha phát âm. Vừa vô nghĩa vừa thống thiết. AOAO AOAO. Cha không tài nào nói được “có” hay “không”. Trong mắt cha, chúng tôi đọc thấy nỗi sợ hãi cùng cực khi cảm thấy ngôn từ dồn thành cục và từ chối phát ra. Ngôn từ chen lấn nhau, làm cha đau đớn, giống những cái gai trong miệng cha, như sỏi nghiến vào bàn chân, và lúc nào cũng chỉ phát ra những âm thanh ấy, những âm thanh chẳng có nghĩa gì: AOAAO. Hay AOOOOOA. Dù sao thì cha cũng đặt hết niềm tin vào đó, cha thay đổi giọng điệu cho những chữ A và chữ O, chúng nó thỉnh thoảng cũng khó chịu, mềm mại, buồn bã, giận dữ, giống như một thang âm thu nhỏ chỉ có hai nốt nhạc, và tạo nên những cuộc trò chuyện bằng A và O. Cha phát cáu vì người nghe không hiểu, nhưng sau một thời gian thì chúng tôi cũng mất cả kiên nhẫn: “Cha chỉ cần nói có hay không thôi, cho dễ!”. Gật đầu, giơ ngón tay cái, chớp mắt! Trong Chiếc áo giáp và con bướm[2], ông người bệnh đó biết chớp mắt, dù bị hội chứng khóa trong bại liệt hoàn toàn, vậy cha làm ơn chớp mắt cái đi nào! – tất cả chúng tôi đều bất giác nghĩ. Chúng tôi rình từ phía cha một dấu hiệu, chỉ một dấu hiệu thôi, một dấu hiệu cho phép chúng tôi có thể tin rằng vẫn có trao đổi qua lại giữa chúng tôi và cha. Nhưng chẳng có dấu hiệu nào. Thế là thay vì bực, chúng tôi lại bật vô tuyến to hơn. “Cha nhìn này, có chương trình Nouvelle Star, cha thích cô bé dự thi kia không?”
Trong trung tâm phục hồi chức năng này có những bệnh nhân cũng cùng hoàn cảnh như cha tôi. Chấn thương sọ não, tai nạn, liệt bán thân, liệt hai chi dưới, liệt tứ chi. Người già, người trẻ, cha mẹ, ông bà, con trai, con gái. Máy bán đồ uống tự động đặt ở cuối hành lang. Người ta nhìn nhau, thỉnh thoảng trao đổi dăm ba câu, một số người đắm chìm trong cô độc, mắt ngó đâu đâu, chân nặng trịch, tay moi hết túi áo này túi quần kia tìm vài đồng xu để trả một ly cà phê tởm lợm, hoặc một thanh kẹo Twix, kẹo Mars, để lại trong miệng một vị buồn nôn: không ai dám tự thú nhận với bản thân nhưng người ta luôn cảm thấy đói khi ở những chỗ như thế này. Trong một phòng khác có một bệnh nhân gốc Việt cùng vợ. Bà ta cố trò chuyện với mẹ tôi bằng cách nói vài câu bằng tiếng Việt.
“Mẹ nói là mẹ không hiểu, mẹ là người Hoa”, mẹ tôi kể lại vẻ dữ tợn.
Mẹ không nói ra nhưng tôi đã nghe thấy cái từ khiến mẹ đau, đó là một thực vật, mẹ nghĩ về ông bệnh nhân gốc Việt kia, một thực vật như mẹ vẫn sợ người ta từ bây giờ sẽ nói thế về cha, cha đang câm lặng và liệt bán thân như một thực vật, vì mẹ cần phải làm người khác đau và làm đau chính mẹ: trong con tính kinh hoàng về bất hạnh, người ta thường cố bấu víu vào những so sánh vớ vẩn, phóng to nỗi khổ của thiên hạ hòng làm dịu đi khốn khó của mình. Ðó là một trận đấu bệnh hoạn mà người ta tính những thuận lợi, những bất lợi và tuổi thọ trung bình. Một trò xổ số ngu xuẩn mà người ta đùa với những số liệu thống kê như đùa với những con số của trò tombola[3]: 20% những người từng là nạn nhân tai biến mạch máu não sẽ tái phát năm năm sau. Ai trong số các bệnh nhân của trung tâm phục hồi chức năng Arche sẽ là những kẻ may mắn thuộc về 80% còn lại? Và phải lần từng trường hợp một: bệnh nhân phòng 231 liệt toàn thân, không thể tự đi toa-lét một mình, bệnh nhân phòng 201 bị tai biến lúc mới 38 tuổi, thương quá, anh ta có hai con nhỏ, bệnh nhân phòng 421 thì coi như tiêu, tái phát sau tai biến có mấy ngày, hôn mê, rồi xong luôn! Không, không nghi ngờ gì, có thể nói so với họ thì cha tôi cũng thoát hiểm không đến nỗi nào.
Mẹ tôi phô trương sự im lặng của mình. Mẹ dùng nó như áo giáp chống lại nỗi buồn. Mẹ thuộc về một thế hệ, một nền văn hóa nơi người ta không nói ra lời. Nói ra, nghĩa là nhục nhã. Là hổ thẹn. Là than vãn. Trò của kẻ yếu, của lũ nhà giàu vô tích sự. Trò của “bọn Tây”.
Ở nhà chúng tôi, chúng tôi vững vàng lắm. Và chúng tôi luôn im lặng. Chúng tôi giữ im lặng trước những thứ vớ vẩn nhất đến những thứ nghiêm trọng nhất: Nợ nần, séc khống, án phạt từ tòa, hóa đơn tiền điện không trả, ly dị, mẹ đơn thân, tình dục (Trời ơi, hãy giúp chúng tôi thoát khỏi nó!), kinh nguyệt, bệnh tật, những người đã chết, cái chết.
Giữ thể diện, điều này hơn cả một quy tắc sống. Ðó là một kỷ luật, một triết lý, một thứ thể dục thường ngày của tâm hồn. Tôi chưa từng nghe cha mẹ tôi phàn nàn hoặc kể lể về những thời kỳ đau khổ trong quá khứ. Họ cũng chẳng khoe khoang bao giờ. Sức khỏe, học hành, bằng cấp. Họ không tặng chúng tôi một lời khen. Như thể có nguy cơ khiến người ngoài tọc mạch.
“Chúc mừng, các cháu thành công quá!” – Bạn bè cha mẹ tôi hồ hởi nói.
“Ờ, cũng vừa thôi, con cái người khác giỏi hơn nhiều!”
Cha mẹ tôi từng mất tất cả. Rời Việt Nam sang Pháp, họ bị rơi xuống đáy của chiếc thang xã hội, vào hạng nhục nhã của dân nhập cư. Họ đau khổ bởi nước Pháp tiếp nhận họ và bố thí cho họ, điều mà trước kia họ chẳng bao giờ cần tới. “Con biết không, bọn Tây rất khinh mình”, mẹ tôi nhắc đi nhắc lại câu này, trong niềm kiêu hãnh bị thương tổn của một kẻ nhập cư. Chưa kể cuộc cạnh tranh kinh hoàng giữa các đồng hương người Việt với nhau: phải chứng minh rằng mình vượt qua hoàn cảnh, thành công hơn người, thắng mọi bất hạnh.
Ðấy là lý do mà mẹ tôi không nói gì khi phải đối diện với bệnh tật của cha tôi. Không nói gì với bất kỳ ai. Như thể bằng cách giấu giếm sự thật, mẹ sẽ khiến được nó biến khỏi cuộc đời này. “Mẹ đã báo cho các cô các bác bên cha chưa?”. “Rồi, rồi, mẹ đã gọi điện, đừng có lèo nhèo nữa, mẹ mệt mỏi thế là đủ rồi”. Một tháng sau, một người cô đã liên lạc với tôi, cô lo lắng vì không có tin gì về cha tôi. Tôi đành phải kể cho cô chuyện gì đã xảy ra và cảm thấy bối rối cho sự im lặng bấy lâu của gia đình mình.
Cha tôi trở về nhà sau nhiều tháng điều trị trong trung tâm phục hồi chức năng. Con gái tôi lớn lên. Tôi bình tĩnh lại, tin tưởng rằng nó và cha sẽ học được cách để nói chuyện với nhau. Nhưng nó phát âm những từ đầu tiên, bố, con rùa, hoa quả xay, và đặt những câu đầu tiên. Còn cha tôi thì như người câm. Chỉ ấp úng vài từ không đổi. Bao giờ cũng bằng cái giọng mới có, cái giọng như vang từ đáy mồ, của một kẻ mất ngôn ngữ.
Trong vòng một hay hai năm, giữa cha và chúng tôi – năm người con của cha – ngôn ngữ quả là một cuộc chiến đấu. Bỗng nhiên, quan hệ trong nhà đảo ngược. Chúng tôi ra lệnh cho cha phải lao động. Còn cha thì tỏ ý bất bình. Từ trước đến nay, chúng tôi luôn được nuôi dạy trong tinh thần tôn vinh lao động – “Tài năng mà thiếu cố gắng thì chỉ là một trò vớ vẩn”, cha hay trích câu này của Brassens[4] để nói với chúng tôi – giờ đây chúng tôi cảm thấy bị cha phản bội. Chúng tôi bắt cha lặp đi lặp lại những bài tập phát âm. Cha nổi cáu, cảm thấy nhục nhã, và gầm gừ. Những âm thanh không tài nào hiểu nổi. Chúng giống như những tiếng rống từ bên trong và khiến chúng tôi hoảng sợ.
Một hôm, chúng tôi mời về Le Mans một cậu bạn của Bùi 2, một người sau khi thoát khỏi hôn mê, đã tự tập nuốt, đi và nói. Chúng tôi nghĩ cậu ấy sẽ là một tấm gương để cha noi theo, một sự động viên. Ấy thế mà, cuối cùng cậu ấy đã bỏ đi sau khi sập cửa: “Bác Bùi, nếu bản thân bác không cố gắng thì sẽ không bao giờ có kết quả đâu!”. Chúng tôi cực kỳ phẫn nộ và lấy làm hài lòng vì cậu ấy đã nói thẳng sự thật cho cha. Chúng tôi thậm chí còn hy vọng điều này sẽ có tác động tới cha như một cú sốc điện. Nhưng mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn nữa. Không khí trong nhà ngộp thở. Mẹ trách chúng tôi là chưa làm đến đầu đến đũa. Còn cha thì trách chúng tôi đã tra tấn mình.
Thế là chúng tôi bỏ cuộc. Chúng tôi không còn tìm cách dạy cha nói nữa. Mỗi khi về nhà, chúng tôi lại ngồi xem vô tuyến với nhau. Sự im lặng, chua chát làm sao, thật là dễ chịu.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng