Phần Một - Trong Xiềng Xích - Chương 1 - Vua
ỡi trời, hãy giết vua đi.
Vua thiêng, vua mạnh,
Đáng nguyền đáng chê.
Hỡi trời, hãy giết vua đi.
1
Chú Anisim Ivanovich đến bờ sông Kalmius khi lão người Anh Hughes xây dựng nhà máy luyện kim của mình ở đây. Lão đốc công tóc hung người Bỉ cau có nhìn thân hình cao lớn, sờ nắn các bắp thịt, xem xét hai hàm răng của chú và sau đó lão mới đánh dấu một chữ thập bằng phấn lên lưng chú và lầu bầu: “Vào hầm mỏ!”
Chàng thanh niên tứ cố vô thân, làm nghề chăn súc vật ở một làng nhỏ hẻo lánh thuộc tỉnh Kursk, đã trở thành thợ mỏ như thế đó.
Ở nhà máy, ngay bên cạnh hầm mỏ, các lò nấu gang được xây dựng. Nghĩa địa cũng ngay tại đây: những ngôi mộ mới trên cắm những cây thập tự được làm một cách vội vàng. Ở đấy ngổn ngang những sắt vụn; mấy chú dê chạy lăng xăng qua các ngôi mộ.
Phía sau nghĩa địa lão Hughes đã cho dựng dãy lán bằng những tấm gỗ mỏng, thấp lè tè trong có kê những chiếc giường hai tầng. Dưới nền nhà bằng đất ẩm ướt, ếch nhái nhảy lung tung. Trong những lán, mà người ta thường gọi là những túp lều xiếc, đàn ông, đàn bà, trẻ con và người già nằm lẫn lộn như ở nhà ga xe lửa. Ở đây không lúc nào ngớt tiếng ầm ĩ của đủ các loại giọng: tiếng khóc của trẻ sơ sinh, tiếng ho của những người già, tiếng chửi bới lỗ mãng và tiếng thở nhè nhẹ của chiếc đàn phong cầm.
Những người có gia đình ngăn chỗ ở của mình ra một cách đại khái: người chủ gia đình dùng một miếng gỗ mỏng vạch một đường trên nền nhà, rồi nói với láng giềng: “Phía bên ấy sẽ là nhà của anh, còn bên này là nhà tôi, để tránh những chuyện om sòm.”
Nhưng bọn trẻ con lại không ưa những đường ranh giới, chúng chạy sang chơi với nhau và xéo bừa lên vạch ấy. Các bà bắt đầu cãi cọ nhau, nhiều khi đi tới chỗ ẩu đả.
Khói nhà máy, khói các bếp lò tự làm lấy, mùi rác rưởi hôi thối luôn bao trùm lên những túp lều này. Còn ở xung quanh đường kính hàng trăm dặm là cánh đồng cỏ xanh tươi tràn đầy hoa lá và tiếng nhạc.
Anisim Ivanovich bước chân đi, đầu cúi gằm, không nhìn một ai. Lúc xuống lò chợ, chú lặng lẽ, đi làm về chú cau có, quẳng cái cuốc than xuống bên ngưỡng cửa và, vẫn mặc nguyên quần áo, người đen đủi, nặng nề, chú ngả lưng xuống tấm phản bằng gỗ ghép, ngủ thiếp đi.
Sau này, khi trên dọc bờ sông Kalmius dựng đứng đã xuất hiện những dãy nhà hầm* chạy ngoằn ngoèo, chú Anisim Ivanovich mới lấy vợ và cũng dựng cho mình một căn nhà thấp lè tè và chật chội. Chú đục ở vách một ô cửa sổ ngang tầm mặt đất, ô cửa nhỏ hẹp đến nỗi nếu như có ai ở ngoài phố cúi xuống nhìn vào thì căn nhà hầm sẽ tối hẳn.
Ít lâu sau gia đình chú Anisim Ivanovich đã thêm người – đứa con trai chú ra đời.
Cha cố đeo vào cổ đứa trẻ sơ sinh một cây thánh giá nhỏ bằng đồng có buộc một dải băng màu hồng và ban cho nó cái tên Vasily.
- Thằng bé sau này sẽ hay cáu kỉnh đây, – những người láng giềng nói đùa khi thấy đứa bé cau mày lại.
- Nó sẽ linh lợi chứ, – những người khác nhận xét. – Ái chà, nó mắm môi lại kìa.
- Đừng buồn phiền gì nữa, Anisim, – bạn bè động viên chú. – Bây giờ sống trên đời này cậu không còn sợ gì nữa, người nuôi nấng và bảo vệ cậu sẽ lớn lên…
Cuộc chiến tranh đế quốc bắt đầu. Lão Hughes cho yết lệnh giờ làm việc tăng lên tới mười ba tiếng đồng hồ một ngày đêm. Còn tiền lương thì lại giảm đi vì lợi ích của đất nước đang chịu nhiều đau khổ.
Để phản đối lệnh này, công nhân đã tuyên bố bãi công. Lão Hughes gọi cảnh sát tới và chúng đã bắt đi những người cầm đầu. Chú Anisim Ivanovich bị ghi vào danh sách đại đội những người bị bắt giam rồi bị tống ra mặt trận.
Chú Anisim Ivanovich mới ở ngoài chiến hào được ba ngày, thì đến ngày thứ tư chú bị đại bác tiện mất cả hai chân. Sau khi nằm ở viện quân y lưu động một tháng, chú trở về nhà.
Khi xe lửa đưa chú về tới quê hương, chú Anisim Ivanovich đã nằm lại ga hai ngày đêm liền vì không dám về gặp vợ. Chú bò lê dọc sân ga lát gỗ, tìm người quen để hỏi chuyện về gia đình mình, nhưng xung quanh chỉ thấy những chiếc nạng gỗ của những người bị thương khua lộc cộc một cách lạnh lùng, những bộ mặt xa lạ giận dữ loáng qua. Cần phải về nhà thôi.
Người đánh xe ngựa lực lưỡng, quấn thắt lưng bằng vải, bế chú lên tay như bế một đứa trẻ con, rồi đặt chú vào chiếc thùng xe cũ kỹ.
Cuối cùng họ đi vào thành phố.
Đằng sau nhà ga đã hiện ra những cảnh thân thuộc: những ngôi nhà quét vôi trắng của các xóm thợ, những xí nghiệp khai thác than nằm rải rác khắp cánh đồng cỏ, những đống than đen sì hình chóp.
Dọc hai bên hè phố là những cửa hàng nối tiếp nhau, có trang trí những biển đề: “Cửa hàng bán bánh mì khô hình vòng. P. I. Titov”, “Cửa hàng bán giò và những đặc sản mang từ thuộc địa. Tsybulya và con trai”. Nhà lão chủ xưởng Brodsky có treo một bức tranh màu sắc lòe loẹt làm vui mắt, trên đó vẽ một cái chân giả, dưới đề hàng chữ:
CHÂN GIẢ!
Nhẹ, bền, đẹp!
Giá tiền và những chỉ dẫn cách lấy số đo
chúng tôi xin gửi ngay theo yêu cầu!
Hirschman và Windler
Thủ đô Sankt Peterburg, phố Italia, số nhà 10.
CHÂN TAY GIẢ!
Trên đường phố chính những chú lính mang súng lắp lưỡi lê sáng loáng đi ra vẻ can đảm. Một bài đồng ca xen lẫn tiếng huýt sáo rộn rã vang lên trong hàng quân đầy súng lưỡi lê tuốt trần:
Vua nước Đức viết, viết,
Viết cho Sa hoàng:
“Ta sẽ chiếm, chiếm hết nước Nga,
Đích thân ta sẽ sống ở nước Nga…”
Các chú lính đội mũ nồi đồng phục mang quân hiệu bằng sắt. Những chiếc áo khoác nhà binh cuộn tròn tựa như những vòng cổ ngựa, được quàng qua đầu từ phải sang trái. Trên đường phố rầm rập tiếng chân bước nặng nề và tiếng bài ca:
Mi nói láo, nói láo, hỡi tên vua Đức
Người chẳng thể nào tới được nơi đây…
Đội đi sau hát tiếp phần điệp khúc đầy tính chiến đấu:
Hoan hô, hoan hô, hoan hô,
Chúng ta đi đánh giặc
Cho nước Nga – mẹ của chúng ta,
Cho Nga hoàng – cha của chúng ta!
Chú Anisim Ivanovich buồn bã và thương hại đưa mắt nhìn theo bọn lính mới.
Người đánh xe lái quặt vào một ngõ hẻm, và chiếc xe ngựa lắc lư trên những ổ gà.
Đã ra tới ngoại ô: đó là những dãy rào thấp xếp bằng những hòn đá xù xì của đồng cỏ, là những sân mọc đầy cỏ tân lê, đó là tiếng khóc của bọn trẻ con gầy rạc, là tiếng đàn ba-la-lai-ca réo rắt.
Đằng xa đã hiện ra cây keo trắng quen thuộc. Tim chú Anisim Ivanovich thắt lại: chính tay chú đã trồng cây keo này trước cửa sổ căn nhà hầm.
Và kia rồi: một căn nhà lụp xụp gần như đổ nát, lún sâu xuống đất, nhưng tất cả cảnh vật cho tới mảnh gỗ cuối cùng đều thân thuộc biết bao.
Khi chú Anisim Ivanovich xuất hiện ở ngưỡng cửa, thím Matrena nói với chú tỏ vẻ thông cảm và thương xót:
- Chúa sẽ phù hộ cho anh, anh lính ạ, chính chúng tôi cũng chẳng có gì ăn cả…
Nhưng chú Anisim Ivanovich không bỏ đi. Lúc đó thím mới hoảng hốt nhìn kỹ người lính và đột nhiên thím hét lên, rồi ngã vật xuống nền nhà đất sét.
Trong tình trạng bất tỉnh nhân sự thím được người ta dùng ngay chiếc xe ngựa nọ đưa đi bệnh viện. Bọn trẻ con chúng tôi từ khắp phố chạy lại xem chú Anisim Ivanovich.
Chúng tôi thận trọng rón rén lại gần ô cửa sổ nhòm vào bên trong. Không thể nào tin được rằng một người thợ mỏ khổng lồ mới ngày nào còn làm chúng tôi phải hoảng sợ vì vóc dáng cao lớn của mình, giờ lại trở nên bé nhỏ tựa như một con lật đật và phải dùng hai tay chống để lê đi dưới nền đất.
Chúng tôi nín thở theo dõi xem chú Anisim Ivanovich sẽ làm gì. Vaska, người con trai đang ốm của chú và là người bạn, người bảo vệ thân thiết nhất của tôi, nằm ngủ trên chiếc giường gỗ phủ một tấm chăn rách can bằng những mảnh vải nhỏ. Hai cánh tay vàng vọt, khẳng khiu của người ốm cứ khua khoắng trên tấm chăn: có lẽ cậu ta đang mê sảng.
Chú Anisim Ivanovich nhìn đứa con trai, và những giọt nước mắt lăn trên râu của chú. Rồi mặt chú nhăn nhó. Chú nắm tay tự đấm vào mặt mình, rít lên the thé như đàn bà, húc đầu vào gối.
Chúng tôi ù té chạy khỏi ô cửa sổ.
Sáng hôm sau người ta cũng phải đưa chú Anisim Ivanovich đi bệnh viện. Họ nói rằng đáng lẽ uống nước thì chú lại uống phải nửa cốc xuyn-phát đồng và bị nhiễm độc.
Sáu ngày liền căn nhà hầm của chú Anisim Ivanovich bị bỏ hoang và nom thật ảm đạm. Các bà mẹ của chúng tôi đã đến thăm cậu Vaska đang ốm, còn bọn trẻ con chúng tôi không hiểu sao người ta lại không cho phép vào. Nhưng khi ngoài phố trời đã sẩm tối, tôi lại mò đến lẻn vào căn nhà hầm, sờ soạng tìm ra cái giường, rồi ghé ngồi lên thành.
Một sự im lặng ghê rợn ẩn náu trong các xó xỉnh. Chỉ thấy dế mèn kêu ở đâu đó đằng sau bức tường và tiếng chiếc đồng hồ quả lắc tích tắc trên tường.
Tôi ngồi trong bóng tối khá lâu, lắng tai nghe những tiếng xào xạc của đêm tối, tiếng thở nhè nhẹ của người bạn rồi bỏ đi với cảm giác nặng nề thương xót và cô đơn.
2
Vaska lớn hơn tôi, nhưng chúng tôi đã kết bạn với nhau như những người anh em. Tôi yêu mến cậu ta vì cậu ấy can đảm. Cậu ta không sợ gì cả: không sợ sấm, không sợ chó, không sợ cảnh sát. Tại nhà máy gạch cũ, nơi chúng tôi vẫn thường tới chơi, Vaska đã lần theo những móc sắt gỉ mà trèo lên trên đỉnh cột ống khói cao và từ trên đó vui vẻ vẫy vẫy chiếc mũ lưỡi trai xuống chỗ chúng tôi. Tim tôi thót lại vì sợ hãi khi thấy cậu ta dang tay lấy thăng bằng và bắt đầu đi men trên mép ống khói. Tất cả bọn trẻ con đều thèm muốn sự can đảm của cậu ta.
Chúng tôi còn yêu mến Vaska vì cậu ta biết rất nhiều truyện cổ tích về vua chúa và con Rắn thần Gorynych, về những mụ phù thủy và các tráng sĩ, về tấm thảm biết bay và chiếc gương thần… Và không hiểu cậu ta biết được những truyện cổ tích tuyệt hay đó ở đâu, vì chính cậu ta không biết đọc. Mặc dù vậy bạn có thể lặng yên không nhúc nhích suốt đêm cho tới sáng để nghe những truyện cổ tích rùng rợn và vui nhộn của cậu ta…
Giờ đây tôi đau khổ vì không biết làm gì để có thể giúp đỡ được người bạn đang ốm.
Một hôm tôi mang trong lần áo trước ngực cho cậu ấy mấy con chim sẻ sống mà tôi đã bắt được dưới mái nhà mình. Những chú chim đập cánh phành phạch dưới lần áo sơ-mi, cù vào người tôi, còn tôi lăn ra cười. Nhưng cậu ta lại nhìn tôi bằng đôi mắt buồn rầu, rồi khẽ nói:
- Thả ra, cậu hành hạ chúng để làm gì?
Tôi hé mở cửa sổ, và thả đi, từng con một. Những con chim sẻ bù xù được tháo cũi xổ lồng, cuống lên vì vui sướng và vội bay đi; Vaska nhìn theo chúng mỉm cười.
Một lần khác tôi đã làm mướn cho lão Murat, chủ hiệu tạp hóa, được một cái kẹo dài tết nơ (tôi đã xua ruồi cho lão Murat khi lão ngủ trưa, dưới bóng cây keo cành lá sum suê). Vaska rất thích món quà của tôi. Chúng tôi bẻ cái kẹo ra làm đôi, sau đó tôi lại còn bẻ thêm ở phần mình cho cậu ấy một miếng nữa…
Đến ngày thứ bảy thì thím Matrena ra viện. Thím đi lại rất chậm, phải vịn tay vào tường lần đi.
Tôi đi quanh căn nhà của Vaska rất lâu, sợ không dám nhìn vào trong đó. Mãi tới lúc gần tối, khi mặt trời đã lặn xuống phía sau đống than hình chóp của hầm nhà máy và dãy phố quanh co của chúng tôi đã vắng bóng người, tôi mới lén tới gần ô cửa sổ con để ngỏ.
Thím Matrena đứng lặng lẽ bên giường người con, sau đó thím vén một mớ tóc trắng nhạt xòa xuống trán cậu ta lên, rồi bước tới cửa sổ, đứng nhìn cảnh hoàng hôn rực cháy rất lâu. Tôi sửng sốt trước đôi mắt vọng về phương xa, nhưng dường như không trông thấy gì của thím.
- Hỡi ánh Hoàng Hôn Maremyana, hỡi ánh Bình Minh Mareya, – đột nhiên thím Matrena thầm thì, và tôi cảm thấy sợ cái tiếng rì rầm khàn khàn âm ấm ấy của thím. – Hỡi ánh Bình Minh, hỡi buổi Rạng Đông, hỡi nàng thiếu phụ xinh đẹp. Ta hẹn với nhau, ta giao ước với nhau: tôi có đứa con trai Vaska, nàng có đứa con gái Mareya. Nàng hãy lây bệnh tật – cái con rắn độc ác ấy – từ đứa con trai Vaska của tôi sang cho đứa con gái Mareya của nàng. Nàng hãy mang lại cho con trai tôi giấc ngủ bình an, sự yên tĩnh lúc trưa, lúc nửa đêm, trong mọi giờ, trong mọi phút. Mong sao cho những lời cầu nguyện của tôi chắc như đóng đanh, dính như keo hồ. A-men.
Thím nhắc lại lời cầu nguyện cuối cùng ba lần, rồi không biết để làm gì, thím nhổ sang bên cạnh ba lần, thổi vào người Vaska và làm dấu thánh cho cậu ta. Rồi thím quay trở về góc nhà, bắt đầu cầu Chúa. Từ trên chiếc ảnh tượng Thánh tối đen, đầy ruồi bâu, đức Nikolai có phép thần thông trầm ngâm nhìn xuống thím.
Ngày hôm sau cha tôi dẫn tới chỗ Vaska một ông bác sĩ. Bác sĩ đặt cái ống nghe cứng đờ lên ngực Vaska và lắng nghe. Cuối cùng ông nói:
- Cậu bé, cậu cần ăn thịt, nếu không khó lòng qua khỏi.
Thím Matrena lặng lẽ khóc.
Vô cùng buồn phiền, tôi bước ra khỏi nhà.
Thịt! Biết đào đâu ra? Thằng Ilyukha tóc hung đỏ bạn láng giềng của tôi, kháo với tôi rằng mai là ngày hội lớn: ngày sinh của vua, bởi vậy ở các cửa hàng người ta sẽ phát chẩn bánh bàng, và ai cần, người ta sẽ cho cả thịt.
Đêm ấy chốc chốc tôi lại vùng dậy – chỉ lo sẽ ngủ quên, và vừa sáng sớm đã chạy như bay vào thành phố. Các cửa hàng đều đóng kín mít. Thằng Ilyukha đã lừa tôi như mọi lần.
Chỉ còn một cách: tới xin xỏ thằng Senka, con nhà hàng giò chả. Bố thằng Senka, lão nhà giàu Tsybulya, có rất nhiều cửa hàng ở thành phố. Lão ta bán đường, giò, dầu hỏa, kẹo, đồ thêu ren và thậm chí cả nước cơ-vát. Trên suốt cả bức tường của nhà bố con lão có treo một bức tranh mà tôi vẫn thường thích ngắm. Trên đó có vẽ tráng sĩ Ilya Muromets mắt lác, mặc áo giáp, đội mũ sắt có chóp nhọn và có bộ râu quai nón xòe ra giống như một cái xẻng. Tay tráng sĩ cầm một chiếc cốc bằng gỗ có chữ đề: “Nước cơ-vát của Tsybulya”. Dưới bức tranh có một đoạn thơ vui:
Nước cơ-vát của Tsybulya rất ngon
Đã làm cho tôi trở thành lực lưỡng
Sức khỏe gớm ghê, sức khỏe tráng cường
Của tôi đây cũng nhờ nước thánh.
Chúng tôi vẫn sợ lại gần nhà lão Tsybulya: nhà ấy có một tay gác cổng vừa câm, vừa điếc và những con chó hung dữ chạy lung tung trong sân.
Sau khi gọi to dưới các cửa sổ: “Senka ơi, Senka!” và chỉ thấy những con chó trong sân nhà đáp lại, tôi bước tới gần cửa hiệu. Tôi vừa rụt rè mở cửa thì lập tức quả chuông treo dưới trần nhà kêu lên inh ỏi. Tôi giật mình và nhìn quanh. Trong cửa hiệu không có ai. Trên quầy bán hàng là chiếc đèn dầu hỏa có chụp màu xanh và chiếc bàn tính. Dọc tường có treo những khúc giò to thơm phức, bóng nhẫy mỡ, buộc túm bằng những sợi dây bền. Hương vị của chúng mới ngon lành làm sao! Tưởng chừng như có thể đứng ở đây suốt ngày mà ngửi.
Đột nhiên bố thằng Senka, lão Tsybulya, nom giống như một khúc giò to xuất hiện sau quầy hàng. Mắt lão lồi ra như mắt bò đực.
- Mày hỏi ai?
- Senka.
- Tao sẽ gọi Senka cho mày! Xéo ngay, đồ lưu manh chỉ chực ăn cắp thôi! – lão chủ hiệu nói và vớ ngay luôn một con dao nhỏ, dài trên quầy. Tôi hích bật cánh cửa hiệu và lao ra ngoài phố.
Thằng Senka môi dày và đôi mắt ngái ngủ lồi ra, giống như của bố nó. Nó bận chiếc áo lụa màu đỏ rực, quấn chiếc thắt lưng bằng bạc. Dưới hai ống quần nhung đen lộ ra đôi chân đất cáu ghét.
- Senka ơi, cho tao vay một khúc giò, – tôi rụt rè hỏi. Thằng Senka móc trong túi ra một nắm kẹo đường phèn ném vào mồm. Mãi mà nó vẫn không sao nói được một lời vì nó mải nhai kẹo kêu răng rắc. Đoạn nó nhổ kẹo ra và nói:
- Tao có thể bán giò cho mày, nhưng tao không lấy tiền đâu.
- Thế mày lấy cái gì?
- Tao muốn cưỡi trên lưng mày.
Máu dồn lên mặt tôi.
- Tao sẽ đem cho mày một hòn than cốc! – tôi nói.
Thằng con nhà hàng giò nhìn tôi bằng đôi mắt chán ngán.
- Tao không thích than cốc.
- Tao cho mày cây súng cao su của tao vậy!
- Tao không thích súng cao su. Tao thích cưỡi mày cơ. Từ đây đến cột điện, ba lần.
Trong giây phút đó tôi mới căm ghét thằng Senka làm sao, căm ghét cái đầu to tướng, dài ngoẵng, hai bên bẹt gí của nó, căm ghét chiếc áo cánh đỏ, cửa hiệu và những khúc giò thối hoắc của nó làm sao! Nhưng tôi buộc lòng phải đồng ý: vì tôi đến đây để xin thịt và thịt sẽ cứu sống Vaska.
Thằng con nhà hàng giò vừa thở phì phò, vừa chậm chạp leo lên lưng tôi và cố ngồi sao cho tiện. Nó càu nhàu vì tôi quá gầy làm nó thấy đau đít khi cưỡi trên người tôi.
- Cưỡi mày chỉ tổ thâm đít thôi, – thằng Senka lẩm bẩm. Nhưng rồi nó vui vẻ rít lên và thúc hai gót chân vào mạng sườn tôi.
- Nào, nào, cái con nghẽo này!
Tôi đã cõng thằng Senka ba lần tới cột điện, rồi lại quay về. Còn nó lấy đầu gối thúc vào phía sau tôi, nghêu ngao hát:
Khi tôi là anh đánh xe ngự…ựa ở bưu điện…
Cuối cùng tôi dừng lại. Thằng Senka tụt xuống, ngừng một lát, đoạn giật lấy cái mũ lưỡi trai của tôi, giấu ra sau lưng.
- Đố mày biết: cha cố hay là mu-gích*, – nó hỏi.
- Hẳn là cha cố.
- Thế thì vứt bố nó xuống đất và lấy chân mà giẫm, – thằng Senka nói vậy, rồi ném cái mũ lưỡi trai của tôi xuống con đường đầy cát bụi, lấy chân giẫm lên. Tôi định giằng lấy cái mũ, nhưng thằng Senka đã vớ được trước.
- Cha cố hay mu-gích?
- Mu-gích. – Tôi trả lời một cách gượng gạo.
- Thế thì vứt bịch nó giữa hai chân!
Thằng Senka cúi xuống, ném chiếc mũ của tôi luồn qua hai cẳng chân của nó ra thật xa.
Tôi còn đang chạy đi lấy cái mũ thì thằng con nhà hàng giò đã leo lên bậc tam cấp và thè lưỡi ra nhạo tôi:
Ta đã lừa được thằng ngốc
Cho nó xơi bốn cái cốc…
Tôi bỏ đi, mặt đầm đìa nước mắt. Tôi không thấy bực mình vì chuyện thằng Senka đã cưỡi lên lưng tôi – rồi có ngày tôi cũng sẽ cưỡi lên lưng nó – tôi bực mình vì đã không kiếm được miếng thịt. Bây giờ thì Vaska sẽ chết mất thôi.
Đến góc phố thì Alyosha Pupok, một cậu bé nhà rất nghèo ở xóm thợ “Thượng Hải” đã đuổi kịp tôi. Bố Alyosha bị mù, còn mẹ thì đang ốm. Để có tiền nuôi bố mẹ, cứ sáng sáng Alyosha lại trèo lên đống than hình chóp của hầm mỏ thuộc nhà máy, tìm kiếm những mảnh gỗ vụn, than vụn, rồi đem những thứ kiếm được bán cho lão chủ hiệu Tsybulya và cứ mỗi lần lại được lão trả cho khoảng hai phun-tơ* lòng lợn.
Nhưng thằng Senka thường hay cướp mất mớ lòng mà Alyosha kiếm được đem đổi lấy chim bồ câu. Nó lại còn hay đánh đập cậu bé nhà nghèo, cố đánh trúng mũi cậu ta cho máu cam phải ộc ra. Alyosha lặng lẽ chịu đựng, nếu không thì lão Tsybulya không thuê nữa.
Khi tôi kể cho Alyosha nghe chuyện vì sao tôi khóc, cậu ta nhìn tôi với đôi mắt buồn rầu, rồi lấy trong túi vải gai ra tất cả những gì có trong đó: một mẩu lòng lợn và hai củ khoai tây.
- Này, đằng ấy cầm lấy! – cậu ta khẽ nói.
- Thế còn cậu?
- Tớ sẽ có cách khác. – Và để cho tôi khỏi bị lương tâm cắn rứt, cậu ta đã mỉm cười.
Tôi phóng như bay về nhà Vaska: tôi đem nguồn sống tới cho người ốm!
3
Những ngày mùa đông lạnh giá đã tới. Trên các mái nhà hầm, trên những chiếc ghế dài cạnh những dãy hàng rào, trên các cây cối đều có một lớp tuyết dày và xốp bao phủ. Đêm đêm bão tuyết lại rít lên, gió tạt vào khung cửa sổ những đám bụi tuyết. Trong nhà trở nên lạnh lẽo. Để cho ấm người tôi cùng con mèo đực chui vào trong hầm lò bếp ấm áp, rồi thu mình ngồi trong đó lắng nghe tiếng gió rít trong ống khói.
Trong những giây phút ấy tôi đã nghĩ tới Vaska, đoán rằng có lẽ cậu ta cũng đang nghĩ tới tôi. Cứ thế tôi ngủ thiếp đi và không biết mẹ tôi đã bế tôi vào giường mẹ tôi từ lúc nào.
Đến gần sáng bão tuyết lặng dần. Nhờ tuyết trắng ngoài đường mà trong nhà trở nên sáng sủa.
Mẹ tôi bắt đầu nhóm lò. Mẹ tôi đem tro trong lò ra ngoài đường đổ lên tuyết trắng. Quạ từ khắp nơi bay tới chỗ đổ rác.
Bác sĩ thường xuyên tới thăm Vaska trong suốt mùa đông. Người ốm bình phục rất chậm.
Chú Anisim Ivanovich vẫn còn nằm viện. Thế là Vaska vẫn chưa được nhìn thấy bố kể từ ngày ông ở ngoài mặt trận về.
Mùa xuân lặng lẽ trôi qua. Mùa hè đã tới. Lá trên cây cối bị muội than bao phủ. Chỉ có đồng cỏ là vẫn xanh rờn như trước. Từ các ruộng dưa bốc lên mùi thơm ngọt ngào của những quả dưa bở đã chín.
Có lần vào buổi sáng tôi cùng Vaska ngồi dưới một gốc cây keo xem cuốn tạp chí “Điền địa” đã nhàu nát, trong đó có tranh vẽ người Cozak sông Đông dũng cảm nhất tên là Kuzma Kryuchkov, là người đã từng chém chết bảy chục tên lính Đức và cả tên lính Thổ Nhĩ Kỳ nữa.
Vaska thận trọng giở từng trang một. Trong tạp chí có vẽ nhiều tranh vui: những thiên thần cánh trắng bay lên trời, những người Cozak đứng trên lưng ngựa bơi qua sông. Và đây là hình chiếc áo giáp mà gươm kiếm và đạn dược không thể xuyên thủng được…
Đột nhiên Vaska kêu thốt lên và gập tờ tạp chí lại.
- Cậu sao thế?
- Vua! – Vaska thầm thì, mắt sáng lên vui sướng. Tôi nhìn vào tạp chí và thấy một bức tranh rộng khắp cả trang giấy.
Vua đeo đầy ngực những huân chương hình ngôi sao, hình chữ thập và những huy chương, quấn quanh mình một dải băng màu xanh da trời và những sợi dây màu vàng chóe, đang trìu mến nhìn tôi. Tay phải vua quàng một cậu bé mặc y phục kiểu dân tộc Chechen, và đeo một con dao găm. Đứng sau vua là ba cô tiểu thư mặc váy dài trắng. Bên dưới bức tranh có ghi những chữ gì đó. Tôi vất vả đánh vần từng chữ một:
“Ngày 5 tháng Mười Một Đức Hoàng đế và Quân chủ chuyên chế toàn Nga Nikolai đệ nhị cùng các con chí thánh của Người là Điện hạ hoàng tử đại công tước Alexei Nikolaevich và các nữ đại công tước Olga Nikolaevna, Tatyana Nikolaevna và Maria Nikolaevna đã hạ cố đi theo con đường sắt Warszawa từ Skornevits về Hoàng thôn.”
- Vaska, đưa xem nào! – Tôi van vỉ.
Vaska thận trọng xé lấy tấm ảnh.
- Xem nhưng đừng có làm bẩn đấy…
Những ngón tay của tôi run lên. Vua! Tôi đã được nghe biết bao nhiêu truyện cổ tích về vua, tôi đã từng nghĩ ngợi biết bao nhiêu về vua! Đối với tôi ông ta là một con người khó hiểu. Vua sống như thế nào và ở đâu? Chắc hẳn ông ta phải mặc quần bằng vàng và đi ủng bằng bạc. Có lẽ ngày nào vua cũng ăn canh củ cải đỏ nấu với thịt và nhấm nháp kẹo. Cái gì chứ kẹo thì vua có cả một hòm đầy! Trong đó có cả kẹo bạc hà, kẹo “cổ con tôm”, kẹo “landrin”. Vaska còn kể là cạnh nhà của vua có một cái ao đầy sữa bò, bờ ao bằng thạch nấu bằng bột trái quả. Khi nào vua muốn uống sữa thì chỉ cần ngụp xuống ao và uống thả cửa. Khi nào vua muốn ăn thạch bằng bột trái quả thì chỉ cần bơi lại gần bờ ao và cắn một miếng. Vua sống thật sung sướng!
Tôi luyến tiếc trả lại bức tranh cho Vaska. Và để kéo dài những phút vui sướng, tôi hỏi về cậu bé con trong tranh.
- Còn đây, là Hoàng tử và là đại công tước, – Vaska nói.
- Đại cái đếch gì, – tôi phản đối, – chỉ là một thằng bé con thôi!
Vaska bực tức lau bức tranh bằng cánh tay áo, gập tư lại, rồi giấu kỹ nó sau lần áo ở trước ngực.
- Đó chỉ là cậu tưởng ông ấy nhỏ thôi. Cậu biết ông ta cao đến đâu không? – Vaska đưa mắt tìm xem cái gì có thể so sánh được với công tước, và dừng lại ở cây keo. – Đây, bằng cái cây kia kìa! Còn chính vua thì cao hơn nhiều. Và khỏe còn hơn cả Ilya Muromets cơ! Ông ấy mà gạt tay trái thì hai mươi người bị quật ngã.
- Thế bằng tay phải?
- Tay phải ư – một trăm.
- Không phải một trăm đâu, mà một nghìn kia, – tôi nói. – Vua có thể dùng tay nâng bổng cả trái đất lên và ném ra tới tận cái nhà kho kia kìa.
- Đúng đấy. – Vaska tán thành và nói thêm, vẻ khoe khoang. – Bố tớ đã chiến đấu vì Đức Vua và còn vì đạo và vì cả… Tổ quốc nữa đấy…
Tôi nhớ tới chú Anisim Ivanovich và đôi chân cụt của chú ấy.
- Vaska ơi, thế chiến tranh để làm gì hả? – Tôi hỏi.
- Lại còn để làm gì? – Vaska nổi cáu. – Vua của chúng nó tát vào mặt vua của chúng ta, còn chúng ta chỉ đứng nhìn thôi à?
- Tát vì lẽ gì?
Vaska trầm ngâm một lát.
- Chẳng vì lẽ gì. Thế mới ức. Hắn gọi vua của chúng ta đến. “Xin mời ngài cứ lại, – hắn nói. – Ngài sẽ là khách của tôi.” Vua của chúng ta đã tin và đến, ông ấy bước vào nhà của vua nước Đức và nói: “Xin chào.” Còn hắn ta bước ra đón: “Xin kính chào ngài đã tới!” – rồi tát luôn một cái vào mặt vua của chúng ta. Lẽ tất nhiên, vua của chúng ta liền thủ thế và thoi một quả vào hàm hắn, còn hắn thì thụi trả lại. Thế là bắt đầu. Các vị tướng đánh nhau, rồi các sĩ quan, và khi mọi chuyện kéo đến lính tráng, thì người ta lôi bố tớ đi. Và cho tới nay chiến tranh vẫn cứ tiếp diễn.
Vaska im lặng, sau đó tiếp tục:
- Vua của tụi Đức tên là Wilhelm, râu vểnh lên như râu con gián ấy. Còn vua của chúng ta mặc áo giáp khi đánh nhau. Thanh gươm của vua bằng vàng và gọi là cái kiếm.
- Vaska, ngoài mặt trận có sợ không?
- Còn phải nói. Đạn réo, lựu đạn nổ… Thật khủng khiếp!
- Thế bố cậu đã bị mảnh đại bác tiện cụt chân à?
- Không, bị súng đại bác đè. – Vaska miễn cưỡng trả lời rồi sôi nổi nói thêm. – Bố mình đã cứu được Đức Vua đấy. Khi đại bác của Đức đuổi theo vua của chúng ta, bố mình đã bám lấy nó và chặn đứng lại được, nhưng chính bố mình lại bị ngã xuống dưới bánh xe…
Tôi suy nghĩ không hiểu khẩu đại bác Đức đuổi theo vua để làm gì, nhưng tôi đã hình dung ra rất rõ cảnh chú Anisim Ivanovich đã bám lấy bánh xe của cỗ súng và đã chặn đứng nó lại như thế nào. Bởi vì trước kia ở phố chúng tôi không có ai khỏe hơn chú được. Bấy giờ thỉnh thoảng chú lại tập hợp bọn trẻ con trong xóm thợ mỏ lại, chú đặt một đứa ngồi lên cổ mình, hai đứa đánh đu lên hai cánh tay dang ra của chú, còn độ ba đứa nữa thì tìm cách bám chặt vào chú, thế rồi chú bắt đầu quay tít cả bọn…
Vaska im lặng, khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên. Một cái gì đó vui dâng lên trong lòng cậu ta.
- Tớ lớn lên cũng làm vua, và sẽ tự làm cho mình một chiếc áo giáp và sẽ đi chiến đấu vì đạo, và vì Tổ quốc… Cậu cho rằng tớ không khỏe à? Đây, hãy nhìn xem…
Cậu ta nhặt một đoạn đường ray ở ven đường và định nhấc bổng nó lên.
Vừa lúc đó một chiếc xe ngựa đi vào sân nhà. Người đánh xe nhấc ra và đặt xuống đất một vật gì đó nằng nặng: tôi chăm chú nhìn và trông thấy một người cụt cả hai chân.
- Cám ơn người anh em, – người tàn tật nói, rồi chống hai tay xuống đất, bắt đầu lê về phía chúng tôi. Tôi sợ hãi, rợn cả người khi nhận ra chú Anisim Ivanovich.
Vaska trừng trừng đôi mắt hoảng sợ nhìn cha rồi đột nhiên ù té chạy trốn.
- Vaska, con trai của bố ơi! – Chú Anisim Ivanovich gọi.
Nhưng Vaska đã nhảy phốc qua hàng rào nhà bên cạnh và lẩn mất.
4
…Tôi tìm thấy Vaska ngoài cánh đồng cỏ. Cậu ta nằm trong một đám cỏ cao giữa đám hoa và nhìn lên bầu trời vô tận.
Tôi ngồi xuống cạnh cậu ta. Cỏ mềm và ấm. Thoang thoảng mùi cỏ xạ hương. Một làn gió nhẹ đưa tới mùi khói đăng đắng của nhà máy hòa lẫn với mùi ngòn ngọt của loại cải đầu vàng và của những bông hoa loa kèn màu phớt hồng. Những chùm hoa vũ mao mượt như tơ lấp lánh dưới ánh nắng, những cây “cỏ chân ngựa” cao lênh khênh đung đưa trước gió những chiếc mũ màu tím nức hương thơm. Cách đấy không xa, giữa đám đậu thơm mọc lên một cây ké to, đầy gai xung quanh ong hoa bay vo ve. Bây giờ giá lấy thanh kiếm gỗ của tôi mà chặt luôn ngang cái đầu của cây ké này.
Vì sao lại buồn như thế nhỉ?
Vaska nằm khóc. Biết tặng cho cậu ấy cái gì để cậu ấy khỏi đau đớn như vậy? Tôi sẵn sàng cho tất cả, tất cả, nhưng tôi lại chẳng có chi hết…
Nằm trên đồng cỏ ngắm nhìn những đám mây bay trên nền trời xanh thẳm thích biết bao! Từ đây đến chỗ những đám mây bay thật là xa: kêu không vọng tới, bay cũng chẳng đến nơi. Ở trên ấy, trong những đám mây, có một vị thần đang sống. Tôi nhìn lên trời và nghĩ: thần chứa nước ở đâu để làm mưa nhỉ? Vaska nói rằng ở trên ấy tuyết được đựng trong những nhà kho dài màu trắng. Buổi sáng thần trở dậy, lấy xẻng và bắt đầu hất tuyết xuống trần gian. Thế là tuyết bay, bay thành từng bông xôm xốp, rồi đậu xuống các mái nhà, cây cối và những chiếc mũ lông của người ta…
Sống trên đời thật thú vị! Ở đằng kia, phía sau xí nghiệp khai thác mỏ Pastukhovska xanh mờ xa xa, là chỗ tận cùng của thế giới. Ở đó mặt đất kết thúc và đột nhiên có vực thẳm, còn bên dưới là mây.
Thần cưỡi mây bay trên trời và nhìn xuống mặt đất. Ngài theo dõi xem ai làm việc gì: ai phạm tội, ai cầu nguyện, ai ăn cắp. Sau đó Ngài gọi bậc tiên tri Ilya tới và ra lệnh: “Ilya, hãy cho sét đánh chết người kia đi, hắn ta không tin vào thần, còn người nghèo khó đang ngồi cạnh căn nhà và đang khóc kia thì ta hạ lệnh ban thưởng.”
Giá mà Thần trọng thưởng cho chú Anisim Ivanovich nhỉ…
Vaska thật đáng thương. Cậu ta vẫn cứ nín lặng…
Chúng tôi đã ngủ thiếp đi lúc nào không biết trong tiếng chim hót và tiếng châu chấu kêu. Mãi gần tối, lúc mặt trời đã xuống gần sát mặt đất, chúng tôi mới tỉnh giấc.
- Ta về nhà đi, Vaska, – tôi gọi.
Mặt Vaska đã sưng lên vì khóc. Tôi phải dỗ cậu ta rất lâu, và cuối cùng thì cậu ta đồng ý.
Tôi bước vào căn nhà hầm trước tiên. Chú Anisim Ivanovich đang ngủ.
Vaska thận trọng moi ở ngực ra bức chân dung vua, bôi nước bọt vào mặt sau, rồi dán lên tường.
Chú Anisim Ivanovich tỉnh dậy, lừ lừ đưa mắt nhìn khắp căn nhà hầm, rồi dừng lại ở bức chân dung vua, cau có nhìn.
- Vaska, – chú nói khẽ, – con hãy bóc tờ giấy này ra và đem quẳng vào bếp đốt đi.
Thím Matrena kinh hãi, còn tôi và Vaska thì lúng túng nhìn nhau.
- Đốt đi, để cho bố khỏi nhìn thấy nó trong căn nhà này, – chú Anisim Ivanovich nhắc lại rồi mệt mỏi nhắm mắt.
Tôi không hiểu vì sao chú Anisim Ivanovich lại bắt đốt bức chân dung vua. Suốt đời tôi đã mơ ước được làm vua và có lần suýt bị chết đuối vì đã bơi qua chỗ vực sâu ở sông Kalmius chỉ với mục đích để cho bọn trẻ con gọi là vua. Thế mà bỗng nhiên… lại đốt đi ư?
Vaska lột bức chân dung xuống, nhưng thím Matrena đã giật lấy nó, thím gọi chúng tôi ra ngoài hiên và vừa giơ ngón tay đe, vừa thì thầm:
- Chúng mày không được nói rằng tao đã đem giấu đi, và chúng mày đừng có nghe lời ông ấy. Không được làm như thế. Vua cha yêu mến chúng ta, nghĩ tới mỗi người chúng ta, đau xót cho chúng ta.
Thím Matrena làm dấu thánh.
Sáng hôm sau, khi tôi tới nhà Vaska, chú Anisim Ivanovich đang ngồi trên giường, ôm đứa con trai và áp má đầy râu cứng của mình vào đầu con.
- Bố bây giờ không làm việc được nữa. Vaska, bây giờ con phải nuôi mẹ, con ạ.
- Không lo bố ạ, – Vaska nghiêm nghị nói, – con sẽ nuôi cả bố lẫn mẹ…
Bố tôi bước vào căn nhà hầm. Đứng cạnh chú Anisim Ivanovich trông ông có vẻ cao hơn trước. Ông phải cúi gập người xuống khi bước vào nhà, để khỏi bị cộc đầu vào cái xà ngang trên cửa.
- Nào, bây giờ không có chân thì tôi biết làm gì? – chú Anisim Ivanovich hỏi bố tôi. – Chỉ còn một con đường là chui vào thòng lọng thôi.
Bố tôi an ủi chú Anisim Ivanovich, khuyên chú hãy nên làm nghề đóng giày, bố tôi nói tới sự giúp đỡ của một “ủy ban” nào đó, và hứa sẽ mua cho chú một bộ đồ nghề đóng giày.
Ngày hôm sau, quả thực, bố tôi đã mang về nhà cả một làn đầy những dao, những khuôn đóng giày, đinh gỗ, và không cởi áo khoác ngoài, bố tôi đi ngay tới nhà chú Anisim Ivanovich. Tôi chạy theo bố tôi.
- Nào, Anisim, – bố tôi nói khi bước vào nhà, – hãy vui lên người anh em, tôi đem đến cho anh cả một công xưởng đây.
Bố tôi đặt làn xuống trước mặt chú Anisim Ivanovich và lấy trong túi áo ra một tập những đồng rúp cũ nát như mớ giẻ rách.
- Đây, hãy ăn uống và khâu giày đi, còn sự đau khổ thì mặc xác nó. Nếu mà suốt đời chỉ có đau với khổ thôi thì lúc nào mới vui được?
- Cám ơn anh, anh Egor, – chú Anisim Ivanovich nói. – Chỉ có đôi chân là không làm sao mà mua được…
- Không sao đâu, Anisim, – bố tôi phẩy tay. – Anh biết đấy, tục ngữ có câu “chẳng có chân, nhưng nghĩ gấp ba lần”. Anh vẫn cứ là nhân vật quan trọng của bọn chúng ta cho mà xem. Hãy đợi đấy…
Bố tôi bước ra ngoài và lát sau lại quay lại. Đi cùng với bố tôi còn có chú Mosya, thợ đóng giày ở phố chúng tôi. Bố tôi mỉm cười, giấu sau lưng một cái gì đó.
- Anisim, tôi mang đến cho anh cái này đây… – Bố tôi đặt xuống một chiếc xe nhỏ, thấp, có bánh xe xinh xinh. – Tôi mang cho anh một con ngựa. Coi xem, ngựa chiến đấy.
Chú Anisim Ivanovich bối rối nói:
- Ô, anh Egor!
- Thôi thôi, ngồi vào đi!
Chú Anisim Ivanovich lóng ngóng trèo lên cái xe, bố tôi khẽ đẩy chú, thế là chú trượt đi.
- Anh khéo nghĩ quá, anh Egor ạ, – chú Anisim Ivanovich nói, mặt vui hẳn lên. – Như thế này thì tôi có thể đi chợ và đi tới cửa hàng được.
- Còn đây, – bố tôi giới thiệu chú Mosya, – đây là thầy giáo mà tôi dẫn tới cho anh. Anh ấy sẽ dạy cho anh biết nghề, sẽ giải thích cách khâu dép, khâu xăng-đan hoặc khâu ủng như thế nào.
Chú Anisim Ivanovich nói, giọng run run:
- Anh là một con người vàng ngọc, anh Egor ạ. Tấm lòng của anh thật nồng hậu, thật nhân đạo.
- Thôi đi, anh đừng có quá khen, kẻo tôi hom hem chẳng còn.
Trong căn nhà hầm bao trùm một sự im lặng không được tự nhiên. Chiếc ấm đun nước màu xanh lam bị bẹp một bên đang rền rĩ reo trên bếp lò. Bố tôi nhìn tôi và Vaska, rồi vui vẻ gật đầu:
- Sao chúng mày cứ há hốc mồm ra như vậy? Này, cho chúng mày tiền mua quà, chạy đi chơi đi, – rồi bố tôi cho chúng tôi ba đồng cô-pếch mới còn thơm mùi đồng có hình con chim đại bàng của nhà vua và những đường vạch ở xung quanh.
Chúng tôi khoác vai nhau cùng chạy ra khỏi nhà.
5
Ngoài sân mặt trời chiếu sáng rực rỡ. Trên nền trời xanh thẳm những con chim bồ câu óng ánh lông trắng nhào lên lộn xuống.
Ở phía bên kia đường phố, bọn trẻ con tụ tập lại thành một đám đông và đang cãi nhau xem đứa nào nhảy xa nhất. Thằng Ilyukha bói xem ai sẽ phải nhảy đầu tiên. Nó đập đập bàn tay vào ngực từng đứa một và đếm:
Xưn-xư brưn-xư, đàn ba-la-lai-ca,
Xưn-xư brưn-xư, nào chơi đi anh,
Xưn-xư brưn-xư, tôi chẳng muốn đi,
Xưn-xư brưn-xư, tôi muốn ngủ đây.
Xưn-xư brưn-xư, anh đi đâu đấy?
Xưn-xư brưn-xư, tôi đi chợ đây.
Xưn-xư brưn-xư, anh mua được chi?
Xưn-xư brưn-xư, ấm xa-mô-va.
Thằng Ucha người Hy Lạp cụt chân, da mặt rám nắng nhảy xa nhất.
- Như thế không được tính, – thằng Ilyukha tóc hung đỏ nổi nóng lên. – Ứ ừ, đồ khôn lỏi: chống nạng thì tao cũng nhảy được như vậy!
Thằng Vitka con lão ký lục, thường gọi là Bác sĩ vì cái quần nhung ngắn của mình, dịch cái que đánh dấu ra xa hơn.
- Đứa nào nhảy tới đây thì đứa ấy sẽ được làm vua!
Vaska rẽ bọn trẻ con ra, lấy đà và nhảy một cái thật xa làm cho cả bọn trẻ con phải thốt lên:
- Ái chà!
- Vaska là vua rồi!
Nhưng Vaska thậm chí không thèm mỉm cười. Cậu ta gật đầu ra hiệu với tôi và chúng tôi đi đến cửa hàng của lão Murat để mua quà. Ở cửa hàng bốc lên mùi kẹo, mùi dầu hỏa, mùi bánh mì hình vòng, mùi dưa bở và mùi hắc ín.
Chúng tôi dùng hết số tiền của mình mua cả một túi đầy quả anh đào, ba cái kẹo và một cái bánh ngọt hình con ngựa có bôi phẩm màu sặc sỡ. Chúng tôi bước ra khỏi cửa hàng, trong lòng vô cùng sung sướng.
Ở góc phố, một hộp đàn ống đang đàn một cách ảo não. Bố của Alyosha Pupok, mắt mù, chân đất, mặc cái quần vá chằng vá đụp, đang quay tay vặn của hộp đàn và hát bằng một giọng khàn khàn:
Số phận vẫn đùa giỡn con người
Tính nó thất thường hay đổi thay.
Khi nó tung ta lên chín tầng mây
Lúc nó lại quẳng xuống vực thẳm không chút ngượng ngùng…
Chiếc hộp đàn tì trên một cái gậy cao như một anh què chống nạng. Hai bên sườn hộp đàn được khảm xà cừ, còn phía dưới được trang trí bằng viền tua lụa với những quả cầu bông nhỏ.
Chiếc hộp đàn hòa theo ông già, khi nó véo von như tiếng chim, lúc thổi phì phò như tiếng kèn đồng, khi nó lại bắt đầu khe khẽ nức nở, dường như chính nó đang thương hại con người mà số phận đã “quẳng xuống vực thẳm không chút ngượng ngùng”. Những quả cầu bông đỏ lắc lư theo gió, chạm vào nhau, và lúc đó ta có cảm giác như bản nhạc rầu rĩ và làm rung động tâm hồn đã phát ra từ đó.
Bố của Alyosha Pupok trước kia là một người thợ đốt hơi dưới hầm lò. Bố tôi đã kể cho nghe đó là một công việc nguy hiểm như thế nào. Người thợ mỏ mặc một chiếc áo da lông cừu lộn trái, lấy giẻ quấn kín mặt và được thả xuống dưới hầm lò. Cần phải đốt cháy cho hết những hơi đốt đã tích tụ lại ở tầng sâu dưới đất, còn chính bản thân người thợ thì phải lặn xuống rãnh nước và nằm ở đó cho tới lúc nào hơi đốt cháy hết sạch. Bố của Alyosha đã gặp chuyện chẳng lành: hơi đốt nổ đã đốt cháy hai mắt ông. Khi người thợ mỏ này ra viện, các bạn của ông đã gom góp mua cho ông chiếc hộp đàn ống cũ kỹ của một người Ba Tư cùng với một con vẹt…
Chúng tôi lại gần và bắt đầu lắng nghe tiếng đàn ống. Con vẹt lông bờm xờm màu vàng, xanh lá cây đang đậu trên một thanh gỗ mỏng bắc ngang hộp đàn. Một chân nó bị xích bằng sợi xích đồng có một vòng nhỏ. Con vẹt giấu đầu vào trong cánh và ngủ mơ màng, có lẽ nó không nghe thấy tiếng người nói và cũng chẳng nghe thấy tiếng hộp đàn ống kêu.
Đứng cạnh người hát xẩm là một tên cảnh sát mặc chiếc áo cổ đứng màu trắng, thanh gươm đen vỏ bị tróc sơn xệ xuống sát mặt đất. Sợi dây đeo súng lục màu da cam quấn quanh cổ hắn. Tên cảnh sát cầm hai miếng dưa hấu trong hai bàn tay chìa ra phía trước, hắn vươn dài cổ ra cho nước dưa khỏi nhỏ giọt vào chiếc áo cổ đứng, lần lượt gặm miếng này rồi lại gặm miếng kia, nhai tóp tép. Nước dưa chảy dài hai bên ria mép và hạt dưa đen dính cả vào râu hắn.
Cả thành phố đều biết tên cảnh sát có biệt hiệu là Zagrebay đó. Thậm chí cả những con chó cũng ghét hắn.
- Thầy tu – thằng ngốc, – tên cảnh sát trêu nghịch lấy cái vỏ dưa chọc chọc vào mỏ con vẹt.
- Thằng ng-ngốc! – đột nhiên con chim quạc lên rất sõi, và xù lông cánh cụt ra dọa.
Tôi và Vaska há mồm ra vì ngạc nhiên: con chim biết nói tiếng người!
Những người vây quanh cười phá lên, còn con vẹt dường như hiểu là chính nó đã pha trò cho mọi người cười, cứ liên tục kêu như được lên dây cót:
- Thằng ng-ngốc, thằng ng-ngốc!
- Này, câm ngay! – Tên cảnh sát dọa và lấy miếng vỏ dưa hấu đánh ngã con vẹt. Con chim bị treo chân lơ lửng, đầu dốc xuống và bất lực đập đập đôi cánh cụt màu xanh lá cây vào chiếc hộp đàn, cố bay lên.
Tên cảnh sát gây sự luôn với người ăn xin:
- Mày dạy cho con vật này những gì thế hả?
Ông già lùi tránh tên cảnh sát và bị vấp ngã làm đổ cả chiếc hộp đàn. Những đồng xu lăn vãi leng keng trên mặt đất bụi. Tên cảnh sát đá một cái vào ông già.
- Xéo ngay! Mau!
Vừa lúc đó chú Hussein, bố của Abdulka Di-gan, đi qua. Chú là thợ chuyên chở ở lò luyện kim và vẫn đẩy những xe cút-kít đầy quặng. Chú Hussein rõ ràng đang mệt mỏi lê bước và cắp dưới nách một bó củi.
- Vì lẽ gì ông dám xúc phạm đến người ta? – chú Hussein bênh vực người ăn xin. – Ông tưởng là được người ta gắn cho một cái gươm là ông mặc sức lăng mạ mọi người phải không?
- Thế còn mày, mày muốn gì, thằng Tatar nướng bánh đa? – Tên cảnh sát gầm gừ, tay phủi phủi cái quần rộng ống. – Thế mà cũng đòi hiểu “con người”.
- Chính mày không phải là con người, – chú Hussein nói, – mày là một thằng cai ngục, là một con lợn ỉn của Hoàng đế!
Tên cảnh sát trố mắt ra nhìn.
- Sao? Sao? Mày định lăng mạ đức Hoàng đế hả? – tên cảnh sát thộp lấy ngực chú Hussein. – Này, đứng lại!
- Tôi vẫn đứng đây. Việc gì tôi phải chạy? Tôi nói lên sự thật.
Tên cảnh sát đút còi vào mồm, phồng má lấy hơi thổi. Từ góc phố chạy ra một tên cảnh sát khác, nó vừa chạy vừa giữ thanh kiếm. Tiếp sau nó là tên thứ hai, thứ ba. Chúng quây bắt chú Hussein. Một đứa tát vào mặt chú, đứa khác xé rách áo chú.
Chú Hussein là một người vạm vỡ, khỏe mạnh, mỗi quả đấm của chú nặng tới một pút*. Chú nổi khùng lên và quẳng bọn cảnh sát ra xa. Nhưng lại thêm một tên cảnh sát nữa chạy tới hỗ trợ và chúng lôi xềnh xệch chú Hussein vào trong sân nhà ai đó.
Mọi người đổ xô lại những khe hở trên hàng rào, nhưng tên Zagrebay xua hết ra.
- Giải tán!
Từ trong sân vọng ra tiếng nện thình thịch, tiếng rậm rịch và tiếng bọn lính cảnh sát:
- Nện vào phía dưới gan, Gerasim, nện vào phía dưới gan!
Thật rợn cả người! Bà con ngoài phố lo lắng kêu la ầm ĩ:
- Phải bênh vực thôi, chúng nó đánh chết người mất!
Tên Zagrebay đứng cạnh cổng rào hăm dọa:
- Chúng mày cứ nói thêm nữa… ông sẽ đày tất đi Sibir.
Đúng lúc đó, từ trong góc phố một chiếc xe ngựa hòm sơn đen bóng nhoáng chạy ra. Trong xe là một tiểu thư đội chiếc mũ rộng vành, còn cạnh cô ta là viên cảnh sát trưởng mặc quân phục màu trắng có những chiếc khuy vàng ánh. Người đánh xe kéo dây cương, và hai con ngựa đứng dừng lại.
Tên Zagrebay giơ tay chào viên cảnh sát trưởng:
- Thưa ngài, ở đây có một tên thợ đã hô lớn: “Đả đảo vua!” và đã tống một quả vào mặt con.
- Nó nói láo! – Mọi người trong đám đông thét lên.
- Thưa ngài, có Chúa chứng giám, đúng như vậy, – tên cảnh sát làm dấu thánh.
Viên cảnh sát trưởng uể oải khoát tay ra lệnh:
- Bắt giam!
- Thưa ngài cảnh sát trưởng, người thợ không có lỗi, – mọi người kêu lên.
Nhưng chiếc xe ngựa đã chạy đi.
Bọn cảnh sát kéo chú Hussein từ trong sân ra. Tôi nhìn chú và kinh hãi lùi lại: người chú đầy máu và đôi chân mềm oặt, kéo lê trên mặt đất.
- Trời ơi, mắt vua để đi đâu? – một người cao, gầy đeo kính nói.
- Vua của anh có mắt cũng như mù. – Một ông già trả lời, đoạn bực bội nhổ toẹt một cái.
- Cho đáng kiếp chúng mày, bọn phiến loạn, – tên Zagrebay lầu bầu. – Chúng mày chỉ biết đình công, còn làm việc thì chây nhác. Cho chúng mày ra ngoài mặt trận cả lũ, bấy giờ mới thấy…
- Ở ngoài đó còn đang thiếu mày đấy…
- Câm ngay!
Hai tên cảnh sát nữa phi ngựa tới nơi tụ họp. Chúng quay cuồng trên những con ngựa giữa đám đông, vung roi một cách điên dại.
- Giải tán ngay!
Mọi người cau có bắt đầu tản đi. Tôi cũng chạy giạt vào hàng rào và náu đằng sau thân cây keo già.
Một mình Vaska đứng giữa phố, tay đút túi quần không hề nhúc nhích. Khuôn mặt Vaska tái nhợt, biểu lộ một sự quyết tâm khó hiểu.
Thoạt đầu bọn cảnh sát mải dồn đám đông vào sát hàng rào không trông thấy cậu ta. Nhưng một tên cảnh sát quay ngựa lại và nhìn thấy Vaska.
- Còn mày, sao đứng ỳ ra đó? Không nghe tao nói à? Cút ngay!
- Tôi không đi, – Vaska ngoan cường nói. Đôi môi cậu mím chặt kiên quyết.
Tên cảnh sát vung roi lên:
- Cút ngay!
- Tôi không đi, đường phố của chúng tôi ở đây.
Tên cảnh sát thứ hai ghì dây cương và thét:
- Ermil, quất cho nó vài roi!
- Tôi không đi đâu cả! – Vaska nghiến răng nói.
Tên cảnh sát lái con ngựa tiến thẳng tới chỗ Vaska, nhưng con vật hất mõm, quay ngang và chỉ khẽ chạm bộ ngực nở nang vào cậu bé.
- Cút ngay, không tao giết chết! – Tên cảnh sát vung roi quất vào lưng Vaska, sau đó vụt cái thứ hai sang bên trái và tiếp cái thứ ba. Nhưng Vaska chỉ đút tay sâu thêm vào túi quần.
- Thôi mặc xác nó, Ermil, đi thôi!
Bọn cảnh sát phóng ngựa bỏ đi. Vaska đứng nán lại một chút, sau mới chậm rãi bước dọc theo đường phố. Trong mắt cậu ánh lên những giọt lệ. Tôi lẽo đẽo đi theo sau cậu, sợ tiến lại quá gần. Vaska dừng lại, gần căn nhà hầm, nhìn về phía bọn cảnh sát đi khuất và tức tối nói:
- Bẩm ngài – đồ lợn ỉn bất tài.
6
Chúng tôi trở về nhà lúc trời sẩm tối.
Trong căn nhà hầm chiếc đèn đĩa cháy tù mù. Hai ông bố của chúng tôi, thợ máy Sirotka và chú Mosya đang hăng hái tranh luận với nhau về một chuyện gì đó.
Tôi và Vaska nằm trên một cái hòm kêu cọt kẹt. Trong lòng thấy nặng trĩu. Chỉ muốn khóc vì tức hộ cho chú Hussein. Bọn cảnh sát đánh chú vì tội gì? Chúng giết chết con vẹt của bố Alyosha để làm gì?
- Đúng, anh có chân lý, tôi có chân lý, khắp nơi là chân lý, nhưng không đâu thấy nó cả, – tôi nghe thấy tiếng chú Anisim Ivanovich. – Tại sao không có chân lý, người ta dẫn nó đi đâu?
- Mèo đã ăn mất chân lý rồi…
- Chính thế đấy… Thử hỏi anh, suốt đời anh làm việc, khâu được một ngàn chiếc ủng, nhưng anh thì vẫn cứ chân đất. Thế là tại làm sao?
- Bởi vì tôi là người Do Thái, – chú Mosya bình tĩnh trả lời.
- Không phải! – Chú Anisim Ivanovich đập mạnh tay xuống bàn làm ngọn lửa trên mép đĩa đèn rung rinh. – Thế tại sao lão Brodsky lại đeo kim cương đầy các ngón tay, chính lão ta cũng là người Do Thái cơ mà? Còn tôi, tôi là người Nga, nhưng tôi lại sống như một thằng ăn mày. Thế thì nguyên do ở đâu?
- Ở chính quyền, ở nhà vua chứ còn ở đâu, – bố tôi nói.
Chú Anisim Ivanovich lấy chiếc thìa sắt trên bàn và gí nó sát tận mặt chú Mosya.
- Đây là cái thìa. Ai làm ra nó? Những người thợ chúng ta. Ai đã xây dựng nên cái nhà máy cho lão người Anh Hughes? Cũng vẫn là những người thợ chúng ta. Cung điện nhà vua nữa, ai đã dựng lên? Ai đã đúc cho nhà vua vương miện bằng vàng và tô điểm cho nó bằng những hạt kim cương? Cũng vẫn là nhân dân lao động chúng ta!… Thế thì ai là người chủ thực sự của nước Nga? Vua ư? Không, nhân dân lao động!… Nhưng tại sao họ vẫn ăn mặc rách rưới?
- Về chuyện này thì trong bài hát cũng đã có câu, – bố tôi nói.
Ai đã may mặc cho tất cả các lãnh chủ,
Nhưng chính mình lại trần trụi và đi chân đất?
Đó chính là chúng ta, người anh em thợ thuyền!
- Lấy ví dụ như Egor đây: chân đi ủng, nhưng cũng coi như chân không, – chú Anisim Ivanovich tiếp. – Còn lão Tsybulya thì có cả một xưởng đóng giày. Tại sao một người thì nghèo, còn một kẻ lại giàu? Bởi vì kẻ giàu đã lấy cắp của người nghèo.
- Đức vua đã cho phép như vậy, – chú thợ máy Sirotka chêm vào câu chuyện.
- Vua là tên địa chủ số một, – bố tôi nói thêm. – Lão ta có tám triệu mẫu đất. Như trên báo đã viết, chỉ riêng số kim cương của Hoàng hậu Aleksandra Fedorovna cũng đã đáng giá mười triệu đồng rúp rồi. Với số tiền ấy có thể nuôi sống bao nhiêu người đói?
- Chính thế đấy, – chú Anisim Ivanovich hưởng ứng, – thí dụ như việc chúng ta tiến hành chiến tranh, thế nhưng ai là người cần tới sự đổ máu ấy?
- Bọn nhà giàu, – bố tôi đáp, – bây giờ chính là lúc làm giàu trong chiến tranh.
Chú Anisim Ivanovich họa theo:
- Đúng thế! Tôi đã ở ngoài đó rồi. Binh lính không có giày dép và không có vũ khí. Một người bắn, còn ba người khác chờ đợi giờ tận số của bạn để lấy khẩu súng trường của anh ta. Bọn Đức trút đại bác xuống đầu chúng ta, còn bên ta lại cho chở tới ba toa tàu đầy ảnh Chúa và cây thánh giá. Và người lính Nga anh hùng đã mang thánh giá đó tiến lên chống lại những khẩu đại bác của Đức. Đấy, Đức Vua toàn Nga là như thế đó!
- Xung quanh toàn bọn gián điệp, – chú Mosya góp thêm. – Các tướng lĩnh là gián điệp. Các bộ trưởng là gián điệp. Chính Hoàng hậu là người Đức, các người còn muốn gì nữa!
- Chúng đã đưa nước Nga đến tình trạng như thế đó! – chú Anisim Ivanovich nói. – Đất đai giàu có, dân tộc vĩ đại. Dân tộc đó có thể dẫn toàn thế giới đi theo mình, thế mà nó đang chết đói.
Chú Anisim Ivanovich im lặng, dường như là chú rất khó nói, sau chú tiếp giọng cay đắng:
- Ví thử như tôi: trước kia có chân – sống qua ngày được, nhưng bây giờ cụt mất rồi, – chú dang hai tay ra. – Biết làm gì bây giờ được? Đi đâu? Đi gặp vua ư? Thì chính là lão ta đã cướp mất đôi chân của tôi rồi.
Vaska lắng nghe câu chuyện của bố cậu từ lâu, đến đấy cậu đứng phắt dậy và chạy lại chỗ chú Anisim Ivanovich, hai bàn tay nắm chặt.
- Bố ơi, thế vua ở đâu? Nhà ông ta ở đâu?
Vaska xúc động, đôi mắt màu xanh lam của cậu sáng lên. Không chờ trả lời, Vaska nhảy bổ đến chỗ cha tôi.
- Chú Egor ơi, nhà của vua ở đâu?
- Đến vua thì xa, đến Chúa thì cao… – chú thợ máy Sirotka trả lời thay bố tôi.
Chú Anisim Ivanovich ôm Vaska vào lòng, vuốt ve mái tóc nhạt màu chưa hớt của cậu con trai.
- Con của bố, con hãy nghe đây và nhớ nhé. Có lẽ bố cũng sắp chết, nhưng con hãy nhớ lấy: cái thằng vua chó chết ấy nó đã giết chết cha con đó.
Vaska lui ra, ngả lưng xuống hòm ngay cạnh tôi và nằm mắt mở to rất lâu. Tôi cũng suy nghĩ về vua. Trong đầu tôi rối mù lên: thím Matrena thì nói rằng vua đau xót cho chúng ta, còn chú Hussein lại gọi tên cảnh sát là “đồ lợn ỉn của Hoàng đế”. Cả đời tôi tôi mơ ước được làm vua, nhưng té ra vua là kẻ đã cướp mất hai chân của chú Anisim Ivanovich…
Bên bàn ngày càng trở nên ồn ào hơn. Qua làn khói xanh dày đặc của một thứ thuốc lá rẻ tiền hiện ra khung cửa sổ đã được bịt kín bằng chiếc chăn cũ kỹ.
- Thà chết còn hơn sống như thế này… – chú Mosya nổi nóng.
- Không sao, – bố tôi phản đối. – Tục ngữ có câu: “Nhân dân là sức mạnh làm nên bão táp.”
Tiếng nói chuyện vọng tới tai tôi mỗi lúc một nhỏ dần, những bóng đen chuyển động trên tường, và tôi nhắm mắt lại…
Trước mắt tôi là ngôi nhà thờ lấp lánh hàng triệu ánh đèn. Tiếng nhạc chơi khe khẽ. Vua ngồi trên một chiếc ghế đẩu cao mạ vàng, còn bên cạnh ông ta là lão chủ tiệm Murat. Lão chỉ tay vào tôi và nói:
- Tâu Hoàng đế, cần chặt hai chân thằng bé này đi.
Vua im lặng. Khi đó chú Anisim Ivanovich đứng dậy khỏi chiếc ghế dài và đề nghị:
- Hãy đưa trả chân tôi cho Lenka!
Tôi nhìn chú Anisim Ivanovich ngạc nhiên: chú lấy đâu ra chân nhỉ?
Nhưng lão Murat vẫn không chịu yên:
- Tâu Hoàng đế, thằng Lenka đã lấy cắp kẹo ở cửa hàng con.
Tôi muốn nói rằng tôi chỉ lấy có một lần và sẽ không bao giờ lấy nữa, nhưng vua bỗng nhiên kêu ăng ẳng và gầm gừ với lão Murat.
Sau đó vua không còn là vua nữa. Trên ngai là con chó Polkan của chúng tôi đang sủa điên cuồng.
- Polkan! Polkan! – tôi gọi.
Nó nhảy xuống đất, hai chân trước đặt lên hai vai tôi và thè lưỡi nóng hổi liếm vào mặt tôi. Sau đó nó lấy chân trước vỗ vào vai tôi, nói:
- Nào, đi thôi, con!
… Tôi tỉnh dậy. Bố tôi đang đứng bên tôi. Vẫn còn ngái ngủ, tôi tụt từ trên hòm xuống. Chú Anisim Ivanovich trượt trên chiếc xe nhỏ theo sau chúng tôi.
Tới cửa ra vào, bố tôi nói với chú:
- Bây giờ tạm thời tôi chưa tiết lộ nhiều cho anh, tôi chỉ nói để anh rõ rằng người này ở vùng chúng ta, từ Lugansk tới. Anh hãy chữa lại cửa sổ, cửa ra vào đi, sao cho không còn một khe hở nào nữa. Chúng ta bắt đầu một sự nghiệp vĩ đại đấy. Đã nhớ mật hiệu chưa?
- Nhớ rồi.
- Thôi, tạm biệt… Đưa tay đây, con.
Chúng tôi bước ra ngoài phố. Một làn gió nhẹ thổi từ phía Semenovka tới mang theo hương vị của đồng cỏ lúc đêm khuya. Phía bên trái, nhà máy được chiếu sáng bởi một vầng hồng, đang chạy ầm ầm. Ở đâu đó giữa các căn nhà hầm trong xóm thợ một chiếc đàn gió đang rên rỉ buồn bã và một giọng khàn khàn hòa theo:
Linh hồn người thợ mỏ vẫn trong cơ thể
Nhưng chiếc áo sơ-mi rận đã cắn nát bươm.
Chúng ta uống rượu trắng, rượu rôm,
Và ngày mai ta sẽ đi ăn xin…
Từ một phía khác bài hát vọng tới, đau đớn, não nùng:
Còn chàng phu giữ ngựa trẻ trung
Được khiêng đi với chiếc sọ vỡ tung…
Tôi và bố tôi ngủ ngoài sân, dưới gốc cây keo. Nhìn lên các vì sao tôi lại bắt đầu suy nghĩ về vua: nhỡ vua bắt bố tôi ra mặt trận rồi lấy mất đôi chân của bố tôi thì sao? Tôi hoảng sợ luồn tay xuống dưới chăn và sờ chân bố tôi. Bố tôi cựa mình.
- Bố ơi, bố! – tôi lo lắng gọi.
Bố tôi không trả lời. Tôi sờ vai bố.
- Gì thế con? – bố tôi hỏi, không mở mắt ra, rồi quay lưng về phía tôi.
- Bố à, người ta có bắt bố ra mặt trận không?
- Không đâu, ngủ đi con, – bố tôi trả lời, thở mạnh rồi ngủ thiếp đi.
Tôi im lặng nhưng không sao yên tâm được:
- Bố ơi, rồi vua có lấy mất chân bố không?
- Không đâu, ngủ đi, – bố tôi khẽ lầm bầm.
Nhưng tôi không sao ngủ được. Nỗi lo âu không rời tôi. Lắng tai nghe ngóng trong đêm khuya yên tĩnh, tôi suy nghĩ và không sao hiểu nổi: sao người ta lại không tóm cổ nhà vua đem dìm xuống ao, nếu như ông ta đã cướp mất chân của mọi người?
Trong đêm khuya tĩnh mịch, đâu đó xa xa một tiếng còi tàu hỏa rú lên. Chú chim sẻ đang ngủ gà ngủ gật trên cành động đậy lo lắng.
- Bố ơi, sao người ta không giết vua đi? – tôi lại hỏi.
- Sẽ giết, sẽ giết… thôi, ngủ đi, – bố tôi vất vả lắm mới nói hết câu, và tôi yên tâm ngủ thiếp đi.
Người Bạn Kiên Nghị Người Bạn Kiên Nghị - Leonid Zharikov Người Bạn Kiên Nghị