Chương 2
ai hôm sau, ông Tín lại đến tìm - nhưng không phải tìm bà Mai mà là Mỹ Trang!-
Lúc đó cô đang đứng gọt ổi bên xe trái cây, mặt mày bịt khẩu trang kín mít, nón lá ngụy trang cực kỳ cẩn thận để tránh cái nắng oi ả của Sài gòn. Vừa thấy chiếc SH trờ tới, cô đã thủ thế, nói một cách gay gắt:
- Mẹ tôi không có ở đây. Ông về đi!
Ông Tín gật đầu, thản nhiên đáp:
- Tôi biết vậy nên mới đến gặp cô nè.
Mỹ Trang tròn mắt sững sốt, chỉ vào ngực mình:
- Ông kiếm tôi hả? Để làm gì kia chứ? Tôi có quen biết gì ông đâu?
Không trả lời thẳng vào câu hỏi của cô mà ông Tín lại bất thần lái câu chuyện sang hướng khác:
- Năm nay cô bao nhiêu tuổi?
Mỹ Trang vênh mặt, ngoa ngoắt:
- Hỏi tuổi chi vậy? Tôi buôn bán tự do chứ có lao động trái phép đâu mà kiếm chuyện?
Ông Tín kiên nhẫn giải bày:
- Tôi không gây chuyện bất lợi gì cho cô đâu mà lo. Chẳng qua là muốn xác minh một số vấn đề thôi.
Mỹ Trang vẫn không dịu lại, cô xù lông nhím lên để tự bảo vệ mình:
- Tôi có liên quan gì tới ông mà xác minh này nọ. Lộn xộn hoài coi chừng tôi kiện ông về tội quấy rối đó nha.
Nhìn cô một lúc, ông Tín nhè nhẹ lắc đầu rồi bỏ đi.
Đem thắc mắc ra hỏi mẹ, Mỹ Trang nhận ngay lời dặn dò nghiêm khắc:
- Con không được tiếp xúc với ông ta dưới bất kỳ hình thức nào, biết chưa?
Mỹ Trang cố hỏi lại:
- Nhưng nếu ông ta không tìm con mà lại tìm mẹ thì sao?
Bà Mai khẳng định đầy dứt khoát:
- Sẽ không bao giờ có chuyện đó xảy ra. Mẹ tránh ông ta còn hơn bệnh dịch nữa kìa.
Chẳng hiểu ma quỉ nào đã lôi lưỡi Mỹ Trang để cô bật thốt:
- Chẳng phải ma quỉ gì mà chính là cái ông Đạt nào đó mới đủ sức làm mẹ rúng động thôi à,
Nói xong, cô hoảng hồn rụt cổ vì sợ sẽ ăn một cái cốc thật đau lên đầu về tội dám nói leo nhưng không hề có mà trái lại - mẹ cô chỉ đăm chiêu thở dài rồi lủi thủi đi ngâm cóc, me vào mấy thẩu nước đường với cam thảo, miệng lẩm bẩm gì đó không nghe rõ.
Bỗng dưng Mỹ Trang nghe thương mẹ nhiều ơi là nhiều! Cô chợt thấy mẹ già đi biết bao nhiêu kể từ ngày cha mất. Mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đã đổ hết lên bà. So với tấm hình chụp hồi mới sanh cô đang treo trên bức vách ọp ẹp thì bà Mai khác một trời một vực, chẳng còn chút nét duyên nào nữa.
Mỹ Trang buồn bã thở hắt ra rồi lặng lẽ xuống bếp nấu cơm. Cô chỉ có thể chứng tỏ lòng hiếu thảo của mình bằng mấy việc nhỏ nhoi như thế này thôi.
Đúng như lời hai mẹ con cô đã tiên đoán, ông Tín không chịu bỏ cuộc, lại đến tận nhà để gặp bà Mai. Lần này ông ta không đến một mình mà còn dẫn theo một người đàn ông phốp pháp, đeo kính trắng đầy vẻ trí thức.
Vào tầm tám giờ sáng, khu dân cư lao động này rất vắng vẻ vì mọi người đã tản mạc đi làm gần hết, chỉ có mấy kẻ làm việc vào buổi trưa như mẹ con cô mới có mặt ở nhà thôi.
Đang lau chiếc tủ kiếng chưng trái cây, Mỹ Trang giật mình khi thấy hai người đàn ông xuất hiện. cô định mở miệng đuổi khách nhưng dáng dấp oai vệ của người lạ kia đã khiến cô bị khớp, không dám giở nết hung hăng ra nữa.
Không vội bước vào nhà, người đeo kiếng nhìn ông Tín, hỏi vắn tắt:
- Nhà này hả?
Đáp lại bằng cái gật đầu, ông Tín gọi lớn:
- Chủ nhà ơi, có khách!
Mỹ Trang ngăn ông ta lại bằng một câu bẳn gắt:
- Ông làm gì mà mới sáng sớm đã kêu réo om sòm vậy? Có biết xóm này thông thống với nhau không? Hể nhà này ho là nhà kia biết liền.
Vờ như không nhận ra thái độ thiếu niềm nở của cô, ông Tín tươi cười hỏi:
- Mẹ cháu đâu Trang?
Cảnh giác hết sức trước sự ân cần của người lạ, cô gái hỏi trỏng:
- Chi vậy?
Chỉ tay sang người đứng cạnh, ông Tín đáp:
- Có người muốn gặp mẹ cháu để trao đổi một việc hết sức quan trọng.
Mỹ Trang lắc đầu nguầy nguậy:
- Thôi đi, tôi hổng ham. Từ ngày ông xuất hiện tới giờ, toàn thấy mẹ tôi lo rầu chứ có vui sướng gì đâu.
Người đeo kiếng dường như ít kiên nhẫn hơn ông Tín nên đã cao giọng ngắt lời cô với vẻ mặt không thân thiện chút nào:
- Chúng tôi không có nhiều thì giờ, còn rất nhiều chuyện quan trọng chờ chúng tôi giải quyết. Nói mẹ cô ra gặp liền đi!
Mỹ Trang ấm ức định cự lại cho bỏ ghét nhưng ánh mắt đầy thông cảm của ông Tín đã ngăn cô lại. Bước đến gần cô, ông Tín nói khẽ vừa đủ cho cô nghe:
- Đừng bướng bỉnh nữa. Ông ấy có mặt ở đây chỉ đem ích lợi đến cho mẹ con cháu chứ chẳng hại gì đâu.
Nét mặt thành khẩn của ông đã tạo sự tin tưởng cho Mỹ Trang. Vì thế, tuy còn hứ nguấy đôi chút nhưng cô cũng chịu nghe lời ông, đi vào trong gọi bà Mai ra tiếp khách.
Đang rang một chảo đậu phộng to tướng trên bếp, bà Mai cau có đáp sẵng:
- Tao không rảnh!
Mỹ Trang vội thuyết phục:
- Ông khách lạ đó có vẻ là nhân vật quan trọng. Mẹ thử ra gặp coi ông ta nói gì?
Chùi tay vào khăn, bà Mai làu bàu mấy tiếng theo thói quen rồi bước lên nhà trên.
Nói tiếng " nhà trên" cho oai chứ thật ra chỉ làm một phần nhỏ của gian nhà tuềnh toành trống trước hụt sau được ngăn cách với phần dùng để ngủ bằng một tấm màn cũ. Ông Tín và người khách nọ đang chắp tay sau lưng đi qua đi lại trong phần nhà nhỏ hẹp đó chờ chủ nhà.
Vừa trông thấy bà Mai, người đàn ông liền nghiêng đầu chào và hỏi một cách rất lịch thiệp ( tưởng chừng như đang tiếp xúc với một mệnh phụ phu nhân chứ không phải là mụ bán dạo xe trái cây ướp lạnh):
- Xin hỏi có phải bà chính là Hoàng thị Mai hay thường gọi là Hoàng Mai không vậy?
Bà Mai gật đầu, ngượng nghịu nhìn cảnh tượng xuềnh xoàng xung quanh rồi nói với giọng áy náy:
- Nhà ít có khách nên không sắm ghế bàn đàng hoàng, để khách phải đứng. Thật ngại quá!
Ông Tín vội gạt đi:
- Không sao đâu. Giới thiệu với chị: Đây là luật sư Tường- đại diện về pháp luật cho cậu Đạt-.
Sắc mặt tái dần, bà Mai vuốt ngực, hào hển hỏi:
- Chuyện của ông Đạt thì có liên quan gì đến tôi kia chứ?
Ông Tường điềm đạm lên tiếng:
- Liên quan rất nhiều là khác, nếu bà chứng minh được rằng giữa bà với ông Kim Luân Đạt - giám đốc ngân hàng Phát Đạt- có một đứa con với nhau!
Gần như té ngồi ra đất, bà Mai rên lên:
- Hai mươi mấy năm rồi mới xới tung chuyện cũ lên, ý mấy ông muốn gì?
Ông Tín vội giải thích:
- Chúng tôi không hề có ý định làm khó gì chị mà chỉ muốn đem lợi ích đến cho mẹ con chị để thay đổi cảnh sống hiện tại mà thôi.
Bà Mai hung hăng gạt đi:
- Bao lâu nay chúng tôi vẫn sống trong cảnh này mà đâu có chết đói? Không cần các ông nhón tay bố thí đâu!
Ông Tường ung dung thốt lên:
- Sự thật phải được tôn trọng, pháp luật phải được thực thi chứ không phải muốn hay không muốn mà được.
Ông Tín có vẻ ái ngại nói khẽ với ông Tường:
- Nên nói thẳng vấn đề cho chị ấy biết là hơn, luật sư à.
Ông Tường gật đầu, nhìn thẳng vào mặt bà Mai, nói rành rọt:
- Ông Đạt mất mà không có con với người vợ chính thức nên trong di chúc có dặn chia phần cho đứa con của ông ấy với bà Hoàng thị Mai ( tức là bà) - nếu có-! Vì thế, nếu bà có bằng chứng là có người con ấy trên đời thì xin đưa ra để chúng tôi bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho con bà.
Mặt bà Mai tái mét. Bà vuốt ngực, nói không ra hơi:
- Nếu ông ấy thương con sao hồi đó không đi tìm, để đến lúc nằm xuống sợ không có người lo hương hỏa thì mới nghĩ đến nó?
Ông Tường đáp một cách lịch thiệp nhưng thẳng thừng theo đúng chức năng nghề nghiệp đòi hỏi:
- Ở đây chúng ta không bàn đến tình thương con của thân chủ tôi mà chỉ đề cập đến khía cạnh tài sản của ông ấy để lại cho đứa con rơi ( nếu có). Nếu bà vì con thì đừng vì chút tự ái nhỏ nhặt của mình mà đánh mất cơ hội trở thành tỉ phú của con mình.
Bà Mai cười nhếch mép:
- Tỉ phú ư? Ông ta muốn chuộc lỗi bằng số tiền lớn vậy sao?
Người luật sư vẫn bình thản chấp nhận lời mai mĩa, trả lời đúng trọng tâm mình đang nắm giữ:
- Ngân hàng là ngành kinh doanh rất có lợi. Ngoài ra còn một số bất động sản chưa qui ra số tiền cụ thể nữa. Tôi chỉ có thể ước tính sơ sơ khoảng thừa kế mà con ông Đạt được hưởng vào thời điểm hiện tại là trên dưới hai mươi tỉ đồng mà thôi.
Đứng sau tấm màn để nghe lén, Mỹ Trang gần nín thở. Cái số tiền to tát đến độ cô không sao hình dung ra được ấy sẽ thuộc về cô hay sao?
Tuy chưa hề nghe mẹ hay bất kỳ ai trong số hai người đàn ông này nhắc đến tên mình nhưng Mỹ Trang vẫn linh cảm đứa con gì đó chính là cô.
Nếu sự thật là thế thì nó có quan hệ đến dĩ vãng của mẹ cô rất nhiều và chắc chắc nó chẳng vui sướng chút nào nên bà chưa hề nhắc đến lần nào cả. Liệu nó có là sự thật để cô một bước lên tiên, đổi đời hay không?
Chồng bà Mai- người mà Mỹ Trang vẫn gọi là ba- đã mất cách đây khá lâu. Khoảng thời gian không dài mà cũng không ngắn, vừa đủ cho người thân không đau xót khi nhắc đến nhưng cũng không quá nhạt nhòa đến độ chẳng còn lưu lại chút gì trong ký ức về ông nữa.
Mỹ Trang vẫn nhớ ông Thìn - cha mình- là một người thợ hồ hiền lành, thương vợ con nhưng cũng mang cái nét đặc trưng của người theo nghiệp vôi vữa, nghĩa là mê nhậu hơn mê vợ để đi đến cái kết cuộc không hay ho gì là từ giã cõi đời ở tuổi bốn mươi với căn bệnh xơ gan.
Ba thằng em trai với cô là bốn đứa con- đủ tạo cho bà Mai một gánh nặng quá sức - khiến bà ngày một mòn mỏi, còm cõi. Nếu những điều ông Tường nói là đúng sự thật thì đây quả là dịp để bà thay đổi số phận, không còn gì để băn khoăn.
Trong lúc Mỹ Trang còn suy nghĩ thì ngoài kia hai người đàn ông đã từ giã ra về sau khi để lại danh thiếp với lời dặn:
- Khi suy nghĩ kỹ càng rồi thì bà gọi cho chúng tôi nhé.
Mỹ Trang chạy ra, nôn nóng hỏi mẹ:
- Những chuyện họ nói có đúng không mẹ? Mình có liên quan gì với ông giám đốc ngân hàng đó không?
Bà Mai ngồi lặng câm như hóa đá, thật lâu mới uể oải thốt:
- Con đừng hỏi nữa. Để mẹ có thời gian suy nghĩ đã.
Sáng hôm sau, khi mấy đứa con trai đã túa ra ngoài đường hết thì bà Mai gọi Mỹ Trang lại nói chuyện.
Ngồi trên chiếc giường ọp ẹp chỉ phủ chiếc chiếu đôi- nơi hai mẹ con ngủ mỗi đêm-, bà Mai khàn giọng bảo con:
- Mẹ đã giấu con sự thật từ mấy chục năm nay rồi: Con không phải là con ruột của ba Thìn…
- … Mà là con ông Đạt! - Mỹ Trang đỡ lời mẹ, nói tiếp luôn.
Người mẹ nín lặng, não nề thở dài.
Mỹ Trang nóng nảy lay mạnh tay mẹ, hỏi liên tục:
- Tại sao lại như vậy? Sao mẹ có con với người giàu nứt đố đổ vách mà lại làm vợ của ông thợ hồ? Còn con lại trở thành con người ta? Ba Thìn có biết chuyện này không?
Bà Mai cúi đầu, nói thật khẽ:
- Chính vì con nên mẹ mới lấy ông Thìn!
Như vậy là mọi sự đã rõ ràng! Đây là một kiểu " quà quạ nuôi tu hú" đấy thôi.
Mỹ Trang im lặng một lúc lâu rồi mới rời rạc đặt câu hỏi:
- " Ông ta" hất hủi mẹ à?
Cô tránh không nhắc đến từ " ba" vì không thể nào gọi một người xa lạ bằng cái tiếng trang trọng ấy được.
Bà Mai buồn rầu thú nhận:
- Người ta có vợ rồi, còn mẹ chỉ là cô gái quê mới lớn, phụ việc cho một tiệm buôn bán nhỏ, làm sao có kết thúc tốt đẹp được.
Mỹ Trang không hỏi nữa. những kiến thức thu thập được từ sách báo, phim ảnh và cả thực tế cũng giúp cô hiểu được nguyên nhân, kết quả cũng như nội dung của những mối tình dạng này rồi! cô chỉ không ngờ một điều là chính mẹ con mình lại là nhân vật chính trong vở kịch mà thôi.
Hai mẹ con cùng lặng thinh, đeo đuổi những suy nghĩ khác nhau một lúc lâu rồi Mỹ Trang vụt hỏi:
- Bây giờ mẹ tính sao?
Ngồi bó gối, bà Mai nhìn con, chậm chạp thốt:
- Con lớn rồi, mẹ để con tự quyết định.
Mỹ Trang nghĩ gì, chắc bà cũng tự đoán ra được.
Chỉ hai ngày sau hôm đến nhà bà Mai, ông Tường đã nhận được cú điện thoại từ phía bà:
- Mời ông đến đây. Tôi sẽ trao giấy chứng sanh và làm mọi thủ tục mà ông yêu cầu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đứa con gái được sinh ra giữa tôi với ông Đạt.
Nở nụ cười đắc thắng, người luật sư khoan thai đáp:
- Được rồi, bà đừng quá nôn nóng. Chúng tôi sẽ tiến hành những việc cần thiết để đón người thừa kế chân chính của họ Kim về.
Nghe xong câu trả lời, bà Mai cúp máy và tức giận bảo con:
- Bọn họ thật quá đáng! Làm như mình là đồ giả mạo không bằng.
Thế nhưng Mỹ Trang lại rất bình tĩnh mỉm cười, trấn an mẹ:
- Mẹ yên tâm đi! " Vàng thật đâu sợ lửa", họ muốn thử cỡ nào cũng được!
Lần đầu tiên trong suốt hai mươi mấy năm trời làm mẹ, bà Mai phải nhìn con bằng cặp mắt nể vì.
" Quả thật nó có giòng máu khôn ngoan và tự tin của người cha ruột, không sai một mảy!"
Mùa Đông Trên Mắt Nhớ Mùa Đông Trên Mắt Nhớ - Hoàng Kim Mùa Đông Trên Mắt Nhớ