Marie Sến epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2 - Đồng Nghiệp. Những Cái Tên
ăm thằng cùng câu cơm ở một Viện và thằng thứ sáu cũng suýt như vậy.
Ở Viện mỗi người có một chỗ ngồi cố định các buổi sáng thứ hai và sáng thứ năm. Phụ nữ ngồi thành một hàng ngay sát cửa ra vào thứ nhất. Họ là những thực thể cong cong, không bao giờ thẳng người đi qua đám đông, thẳng người chắc sợ đôi trái quý trên ngực treo chênh vênh quá. Họ là những vũ trụ tà tà, không bao giờ đến sớm để ngồi vào một chỗ tử tế, chỗ của họ tiện nhất là sát cửa. Mười lăm nữ đồng nghiệp của tôi, áo sơ mi bỏ ngoài quần tây, tóc uốn lưng lửng, túi Sài Gòn trên đùi rung rung, giày Trung Quốc hờ dưới chân, mười lăm quả trứng của mẹ họ, Âu Cơ, giống nhau và huých nhau, mười lăm chị em đầy triển vọng. Họ vừa nghe ông Viện trưởng vừa cắt móng tay cho mình và cắt móng tay cho nhau, nếu không thì âu yếm ngả vào vai nhau và khe khẽ rên rỉ bởi một chiếc dây chuyến chính hiệu Phượng Hoàng và một quai nón lụa sáng thứ hai tuần trước sáng thứ năm tuần trước chưa thấy xuất hiện. Một lúc nào đó thể nào ông Viện trưởng cũng gắt: “Thôi không nói chuyện riêng!” Một lúc nào đó ông Viện trưởng lại phát bẳn: “Ơ mấy cô này đã bảo!” Thỉnh thoảng một trong số mười lăm chị em cũng đứng dậy, tôi xin có ý kiến, rồi thế nào đó lại em có ý kiến, và gặp mắt ông Viện trưởng thì cháu có ý kiến. Ôi những nàng tiên trí thức, tôi không thích họ đứng dậy có ý kiến chút nào. Suốt hai chục năm, một ngàn hai chục sáng thứ hai, một ngàn hai chục sáng thứ năm, không bỏ sáng nào, không nghỉ phép sáng nào, tôi chưa từng nghe thủng một ý kiến của cái phái-sát-cửa đó. Cái giọng kim của các tôi, các em, các cháu đó không ở yên một tình cảm, lúc thì lí nhí quẩn quanh mãi không ra khỏi tôi-cho-rằng-cái-vấn-đề-này-nói-chung-là-vậy-thì-chúng-tôi-cho-rằng-em-thấy-cháu-nghĩ, lúc thì hùng hồn như hắt vào mặt người ta, cộng thêm ngón tay trỏ cứ đâm cứ chọc về phía trước, mắt trợn, môi cong, răng tràn ra ngoài; lúc lại kể lể dài dằng dặc toàn những chuyện không ai nhớ nổi, từ thuở hàn vi Viện còn về Thái Bình mua lợn rẻ mổ chia nhau từng khấu đuôi để cải thiện ô phiếu, đến thuở chiến tranh nhà cửa, đồng chí này nhảy dù vào nhà đồng chí kia trong khi đồng chí Viện trưởng ở nước ngoài chưa về còn đồng chí Viện phó bận thi minimom. Cứ như thế. Không tài nào nghe thủng. Khi phái-sát-cửa đứng dậy có ý kiến, đứng dậy đặt nón, để túi, vuốt tóc và cất lời, là tôi hoảng sợ. Họ là những thực thể những vũ trụ quá riêng biệt, chẳng ra đực, chẳng ra cái, giọng thì kim mà từ ve cổ sơ mi xuống tít gấu quần tây lại thẳng đuỗn một mạch.
Tôi thật không muốn bị coi là phản động trong vấn đề giải phóng phụ nữ, không, tôi cũng ưa lắm những đàn bà đi lại tự tin trong cuộc đời, vừa đi vừa đánh mông kiêu hãnh, nhưng tôi chẳng có lỗi gì khi phát khiếp những cán bộ nhà nước vốn là giống cái. Họ bình quyền bằng cách bán sạch những ưu điểm của đàn bà để mua về những khuyết điểm của đàn ông; họ bình quyền bằng nhẹ dạ và ngu lâu; họ giúp cho những thành kiến của chúng ta về đàn bà thọ dai hơn; và một lúc nào đó khi ta đã quen sống với họ, thì thôi thôi, hết đường mơ về những nàng tiên. Mười lăm triển vọng như thế bày sát cửa mỗi sáng thứ hai và sáng thứ năm theo tôi là đủ nạo sạch âm tính của cả tuần. Cả tuần đực rựa lười thối thây và phét lác. Mồm thối hoăng thuốc lào. Cả tuần tâm hồn không động đậy, dương vật buồn thiu. Mỗi ngày teo đi một ít giới tính. Tôi phải mạo muội dài dòng như vậy để bạn đọc hình dung tốt, khi khối tính nữ đầm đìa là Sếp ập đến như mưa lớn thì hồn chúng tôi mở toang ra hứng như thế nào.
Còn lại là đàn ông, năm mươi chiếc mũ nồi mùa đông, năm mươi đôi dép lê mùa hè, bốn mươi điếu thuốc cùng một lúc, năm mươi chiếc gậy chống của cha họ, Lạc Long. Tính tập thể lả một cái gì sâu xa hơn hệ tư tưởng.
Sát cửa ra vào thứ hai là phái giáo sư và phó giáo sư, xin gọi chung là giáo sư để các vị phó đỡ cảm thấy bị miệt thị. Chín giáo sư của chúng tôi ngồi hơi chật trên chiếc ghế dài có từ thuở mới thành lập Viện, vài ngày sau giải phóng thủ đô, là sản phẩm cuối cùng của một hãng Cự Phát, Vĩnh Thịnh, Đại Sinh nào đó trước khi hãng ấy trở thành Đoàn Kết, Nam Tiến, Toàn Thắng, trông nó nửa tràng kỉ Tàu, nửa ghế băng Tây, không có chút gì của an toàn khu, nhưng tên nó là ghế Việt Bắc. Những sáng lập viên đáng kính của Viện đã thai nghén cái Viện này ở trong rừng, đã dìu dắt những bước đi đầu tiên của toàn bộ nền khoa học xã hội trong toà biệt thự Tây này, đã mua sắm những đồ gỗ đầu tiên theo khiếu thẩm mĩ của họ và theo túi tiền của nước cộng hoà non trẻ. Họ đều đã khuất, nhưng những chiếc ghế Việt Bắc còn đó, cùng với cái bàn tròn Liên Khu ở tầng hai và ở hành lang cái tủ gương Sông Đuống mà tên thật nhưng không ai gọi là Bên Kia Sông Đuống, bộ vật linh của Sử, Địa, Văn khai sinh ra Viện chúng tôi sau này. Chúng còn đó, vượt qua mọi chiến dịch thanh lí tài sản công cộng mà anh hàng xóm-đồng-nhà-quê của tôi chủ mưu. Hoá giá những mẩu vật lịch sử vô thừa nhận là sở trường của chúng tôi, nhưng chúng tôi không dại đụng vào lịch sử của một Viện viết sử. Anh cán bộ thoát li Đoài, trưởng phòng hành chính, không có tính tiêu hoang. Ghế thì anh ta mua loại bôi phẩm vàng rùng rợn ở đê La Thành. Tủ thì chọn những chiếc mở ra không đóng vào được nữa. Vài năm một lần trong chương trình “Xây dựng nhỏ, sửa chữa lớn” chúng lại được mang ra thanh lí theo giá mềm. (Tôi mua tủ trong một chương trình như thế, trừ vào lương. Sáng sáng tôi đứng trước gương xem Hâm Lét hỏi “Lấy tủ hay không lấy tủ”). Cho nên ngồi ghế Việt Bắc là biểu thị một cái gì hơn cả học vị học hàm, một cái gì được truyền thống phù phép vào hiện tại. Ở đó, lưng ngả và đùi bắt chéo, phái giáo sư có cái vẻ ung dung thư giãn không thể bắt chước của những người đang thoải mái thả hồn đi chỗ khác. Họ không nói chuyện riêng như phái Âu Cơ. Không ai trao đổi với ai điều gì vì đơn giản các vị biết nhau quá rõ. Giáo sư này sẽ tử thủ với quan điểm có hình thái chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam, ồ không phải hiện tượng suông mà thôi, une formation, một hình thái, chắc chắn là một hình thái, với mọi đặc điểm. Dẫn Mác. Giáo sư kia thì kiên quyết phủ nhận, không, không phải hình thái, có thể một phương thức thôi, un mode, một phương thức. Và dẫn một Mác khác, hẳn là khác, Mác sờ, nghĩa là Mác bằng tiếng Tây. Giáo sư kia nữa sẽ không ngừng hoài nghi, có hay không có? Chiếm hữu nô lệ hay không chiếm hữu nô lệ? (Tôi xin nhắc bạn đọc là cho đến giờ phút này, mọi nghiên cứu thuộc lãnh vực khoa học xã hội - gần đây có người bắt đầu gọi tên mới là khoa học nhân văn - vẫn không ra khỏi năm hình thái của Mác, cũng như mọi phép thần thông của Tôn Ngộ Không chẳng ra khỏi năm ngón tay của Phật vậy). Có vua Hùng hay không vua Hùng? Tư sản dân tộc có hay không là một giai cấp? Người Việt cổ có chữ viết hay không? Mai Thúc Loan có vợ là nữ tướng hay không có? Những câu hỏi “Có hay không” phủ lên khắp các công trình khoa học một sự hồi hộp ghê gớm, chúng tôi gọi là sự kiện khoa học, còn trên bục hội nghị thì chúng ngân vang, chúng buộc cử toạ phải chọn lựa cấp bách, cứ như bị Hâm Lét hét vào lỗ nhĩ. Lấy tủ hay không lấy tủ!
Lưng ngả, đùi bắt chéo, nhưng mũ cầm trong tay, cặp ôm trước ngực, lời xin lỗi trên môi, phút trước phút sau các giáo sư đã thuộc về một cuộc họp khác, một cuộc gặp khác, mọi cuộc đều sáng thứ hai và sáng thứ năm. Họ khuất nhanh sau cánh cửa khép hờ, mỗi lần ông Viện trưởng bỏ kính xuống và đeo kính lên là một giáo sư của ông ra đi, với vẻ đàng hoàng không thể bắt chước của những người có vô khối việc quan trọng đang chờ. Khi bản độc thoại đầu tuần và giữa tuần của ông Viện trưởng kết thúc, chiếc ghế Việt Bắc thường còn đó, ấm hơi các giáo sư, nhưng các giáo sư thì đã không cánh mà bay. Hơn ở bất kì đâu, nơi đây sự lặng lẽ biến mất của các nhà khoa học xã hội bằng cách này hay cách kia đã thành thông lệ.
Giữa hai cửa là một khối chữ nhật khổng lồ xếp bởi ba chục chiếc bàn lẻ gọi là bàn cá nhân. Gọi là hầm cá nhân cũng được, chúng là những khối sắt sơn màu xanh lá cây có thể chịu đựng nhiều đợt bom tấn, mỗi khối hở ra một hộc với vỏ cam, dép trẻ con, phất trần, đầu lọc thuốc lá, túi nhựa Liên Xô, bơm xe đạp, chén uống trà và những mẩu giấy vo tròn. Ba chục cá nhân chung lưng sát cạnh vào nhau, mấy tấm khăn trải giường phủ ào lên mỗi năm ba lần: đại hội công nhân viên chức, tổng kết cuối năm, và ngày sinh của Viện trưởng, thế là chúng tôi có chiếc bàn khổng lồ của một tập thể vững mạnh. Ở khoảng giữa cạnh dài của chiếc bàn ấy, chỗ một chiếc cột lớn lồi ra chia đôi gian phòng là ông Viện trưởng, độc thoại, đầy nhiệt huyết, ho, gắt, e hèm, bỏ kính xuống và đeo kính lên, gõ tay xuống mặt bàn, thỉnh thoảng cũng cười, thỉnh thoảng như van các đồng chí, không có gì thuộc về con người mà xa lạ với ông. Đối diện ông bên kia bàn, cũng một chiếc cột lớn lồi ra là Viện phó trẻ trung lịch sự và thích nịnh đầm theo kiểu trang nhã dí dỏm. Tuỳ thuộc vào chỗ đứng của Viện phó hay Viện trưởng mà các nhóm còn lại có thể coi như cánh tả hay cánh hữu luân phiên nhau. Hồng luôn ở cách Viện trưởng một sải tay. Ông Thân khuất sau một trong hai chiếc cột. Đoài hộ tống viện phó. Thằng Tân con ông Thân tháp tùng phái giáo sư. Tôi canh cửa sổ. Riêng thằng Đủ con ông Đoài lúc này đang đi thăm chợ người, chuyện đó tôi sẽ kể sau. Chúng tôi, khối quần chúng vừa tả vừa hữu, ngồi nghiêm như chim Bắc cực trên những chiếc ghế gỗ vàng nhợt quanh bàn, bám vắt vẻo trên thành cửa sổ như dơi, đứng dọc tường như bồi, bận rộn châm thuốc và rót nước, chăm chú nhổ râu, lơ đãng lướt trên những dòng tin mật của Việt Nam thông tấn xã, và liu riu ngủ để choàng dậy sau mỗi hồi chuông điện thoại.
Chỗ của tôi sát cửa sổ, có thể nhìn rõ chiếc điện thoại duy nhất của cả Viện đặt trong phòng hành chính ở dãy nhà ngang vốn dành cho thằng bếp con sen thời chủ cũ. Nhà tiểu tiện nam và tiểu tiện nữ nước dầm dề, cửa luôn mất móc ở ngay sát đó, có thể từ đấy cùng nghe các cuộc điện thoại với lí do chính đáng. (Từ buổi có Sến trên đời biết bao lần tôi uống căng một bụng nước trà để bước vào chỗ đó luôn luôn. Tôi xả cái ghen ngầm mất dạy của tôi ra tồ tồ, rồi lại lùi lũi như mê về phía quán nước).
Những sáng thứ hai và sáng thứ năm cái điện thoại tra tấn chúng tôi, chúng tôi tra tấn nó, say sưa, đôi bên đều ngấm bạo dâm. Mỗi lần nó réo, nếu bác lao công trực ban quá bộ leo nửa cầu thang đến tận phòng họp thì ấy là điện cho một trong ba vị duy nhất ở Viện được bác kính nể: Viện trưởng, Viện phó (là đương nhiên) và ông Thân (vì biết rõ ông vốn là con quan tri phủ), lũ còn lại chỉ đáng thưởng cách bác nhấc máy lên, quát một tiếng “Chờ!”, rồi quăng ống nghe xuống mặt bàn, sải ba bước ra sân, chõ lên cửa sổ phòng họp gầm một cái tên là hết. Lũ trí thức chúng tôi vừa sợ vừa nịnh bác lao công, anh lái xe và đặc biệt là cô thủ quỹ hơn sợ và nịnh Viện trưởng. Viện trưởng còn có thể bầu được, Viện trưởng cần chúng tôi theo một nghĩa nào đó, và Viện trưởng có nhiều thứ để mất, trong khi họ, những thần linh cáu kỉnh kia, những nhân dân kia – làm như chúng tôi không là nhân dân! – hoàn toàn bất khả xâm phạm.
Từ cửa sổ tôi truyền cái thông tin bề trên cụt lủn của bác lao công đi sao cho liên minh giữa trí thức và vô sản được tự nhiên hơn. Tôi được cái thích thú vô tận dõi theo các cuộc điện thoại từ khoảng cách mươi mét sân. Mấy cô tre trẻ thì nói rõ lâu, cái cục nhựa đen sì như mọc thẳng ra từ tai, hoà vào mớ tóc đen hất lên hất xuống, miệng như dán như hôn vào không nỡ rời ra nữa, các cô ừ các cô vâng đứt quãng, người ta bảo các cô sống bằng tai là có lí. Mấy mợ nạ giòng thì liến thoắng tao bảo này mày biết không, xoe xoé, cho tôi nhẹ người rằng vợ tôi ở nhà không phải trường hợp cá biệt, rồi sau trăm ngàn lần thôi nhé lại vẫn à tao bảo này, lại dài hàng thế kỉ. Đàn ông ngắn gọn hơn. Thằng thì đùn ra một tràng dạ dạ vâng dạ vâng vâng dạ rồi đặt máy. Thằng thì nghiệm trọng ghi chép cảm ơn tạm biệt. Thằng nữa reo lên rồi hạ giọng quay lưng lại tôi. Có thể nhìn chúng nó nói cười nhăn mặt và dạ vâng mà biết chắc đầu dây đằng kia là cái gì.
Tôi tự hỏi đầu dây đằng kia là cái gì mà Đoài cứ cười tủm, xưng anh, sau trăm ngàn lần thôi nhé vẫn ôm ghì mân mê cái cục nhựa đen sì một sáng thứ hai rồi lại sáng thứ năm. Tuần đó vừa qua kì lương, hẳn không là mấy cô ngân hàng mà Đoài vừa nịnh bằng hoa quả tươi và kẹo Thái trích từ quỹ công vừa rủa sau lưng. Hắn nịnh nghe thối hơn cầu tiêu công cộng Bờ Hồ. Thằng cha đồng-nhà-quê đơ như đũa này cũng liếc con gái Hà Nội, nhưng tháng tháng nhảy xe về Tứ Kì, lúc lên vợ giúi cho gạo mới, khoai tây, gà con, trứng tươi. Hậu phương vững chắc của anh chàng cho tôi thấy mình là loại hiện sinh chông chênh, ở thì chân không đạp đất đầu không chạm trời, ăn những thứ vô loài, chết chẳng xuống cõi âm mà vào lò điện. Cứ theo thiển ý tôi thì đời cán bộ thoát li như hắn là lí tưởng.
Tôi bèn đi tiểu. Bên ngoài giọng Đoài thậm chí ỏn ẻn: “Nắm núc cũng buồn, ừ, nhưng biết nàm sao được, đời nà thế mà, ừ, thôi nhé, núc nào gọi nại”. Mẹ kiếp, hắn còn triết lí nữa, triết lí bằng cái lưỡi Tứ Kì của hắn. Tôi bước ra ngoài, kéo khoá quần lên. “Heèm, heèm.” Đoài vẫn cười tủm một mình. “Em nào thế?” Đoài giật mình, cả cái nền nâu sậm đồng-nhà-quê vụt đỏ tưng bừng: “Em đâu mà em cái ông này ninh tinh!” Tôi cứ tưởng anh ta sẽ chối lấy lệ, rồi sẽ nhướng nhướng lông mày cho tôi tự hiểu rằng, không chỉ lũ trí thức bụng đầy chữ trái tim đầy éo le tụi bay mới biết ngoại tình. Vài năm trước Đoài làm quen được với một gái công trường, đưa đi chơi đêm trên chiếc Mifa mới sắm, cô nàng đánh rơi một chiếc dép để anh ngố ga lăng mò xuống nhặt rồi tất nhiên cả bướm lẫn xe đều bay. Thời ấy Đoài còn nằm giường tập thể, đêm ngủ tròng xích vào cổ chân một đầu và đầu kia quấn mấy vòng khoá lấy cổ xe cho an toàn. Cả đồn công an cười đểu, chẳng đồng chí nào buồn đi tìm cô Tấm đánh rơi hài. Những buổi tán phét thời đổi mới, chúng tôi nhao nhao đánh đĩ mồm, thỉnh thoảng Đoài cũng rặn ra dăm ba câu bày tỏ khí phách. Suông tình thế thôi. Tinh lực bỏ ống đem về Tứ Kì cho u nó.
Tôi hỏi: “Ông làm sao thế?”
Đoài đáp: “Chẳng sao. Nắm núc dở hơi.”
“Này, núc nào gọi nại?”
“Mẹ cái thằng này.” Anh ta văng ra thế rồi đi. Vài ba năm trước, chúng tôi nói năng lịch sự, tư cách người nào cũng hoàn hảo, cùng gọi nhau là đồng chí. Bây giờ thì mày tao ông tôi con thằng nó chúng nó anh em chú cháu, rồi lại cái mốt ngộ nỉ bắt đầu lấn mốt ma đam mơ xuya nữa. Và văng tung toé. Trào lưu mới không chừa cả anh cán bộ thoát li sợ nói tục như sợ chính cái nông thôn sinh ra mình. Đoài sẽ mừng rơn nếu tôi tiết lộ rằng dân Hà Nội nói ngọng và chửi bậy nhất nước Việt văn hiến. Chúng tôi xích lại gần cuộc sống hơn. Chúng tôi đoạn tuyệt với gần bốn chục năm đạo đức giả. Chúng tôi trẻ hoá nền khoa học xã hội xơ cứng. Chúng tôi trưởng thành. (Chưa bao giờ Sến coi lũ chúng tôi, thằng Đoài thằng Đủ thằng Hồng thằng Nguyên thằng Tân và thằng Thân là trưởng thành. Chúng tôi nói bậy, chúng tôi đánh đĩ mồm thập phương, chúng tôi làm hết mọi khả năng, tất cả chúng tôi gộp lại thì ghê gớm lắm, sao em vẫn chưa vừa lòng?)
Vài tuần sau cú điện thoại khác thường, Đoài mời tôi sang nhà uống một chén trà, anh ta không giấu nổi em trong lòng nữa, em phải hiện ra, là nàng, là nàng, nàng của anh ta, n-à-à-n-g, giữa bốn bức tường nghiêng theo chiều ngược lại tường nhà tôi. Khi đó tôi vẫn chưa biết em là ai. Tôi chỉ nghĩ thầm, thị nào đi với thằng cha này nếu không ế sưng thì cũng lại đánh rơi dép mà thôi. Nhưng tôi vẫn ngồi nghiêm, nhấm nháp chén trà nóng bỏng và cái tâm sự sôi sùng sục của ông hàng xóm. Sét ái tình đánh trúng anh ta ở chợ Bưởi:
“Nàng đi mua cây cảnh, ông ạ, nhà nàng có ban công. Nàng mua một bụi nhài. Nàng hỏi đi hỏi nại con mụ bán hàng, nàng chưa trồng nhài bao giờ, nàng sợ nó chết, nàng sợ nó không ra hoa, không hoa thì còn gì nà nhài. Con mụ bán hàng thì một điều hai điều nhài của tôi nà nhất chợ. Nàng mặc váy ông ạ. Cả chợ chỉ mình nàng mặc váy, thế mới nà nhất chợ. Tôi can thiệp ngay. Ông biết rồi đấy, nhà tôi dưới quê gì chứ nhài thì. Tôi chọn cho nàng một bụi, trông thì không ra gì nhưng sẽ đầy hoa. Tôi giải thích cho nàng, vấn đề không phải nà cái hình thức. Nàng nhìn vào túi đi chợ của tôi, có mớ rau với hai bìa đậu. Nàng hỏi nhà tôi ăn ít thế à. Tôi bảo tôi có một mình. Nàng bảo ngay, ông ạ, tôi thề, nàng bảo hôm nào nàng sẽ đến tôi chơi, chắc nhà tôi nhiều cây cảnh lắm. Tôi cho nàng số điện thoại ở Viện.”
Tôi hỏi: “Thế thôi à?”
“Còn nhiều, hôm nọ nàng gọi điện, nàng nại muốn đi chợ Bưởi mua ngọc nan ông ạ, ngọc nan nà cái giống khó trồng nắm, nàng hẹn tôi cùng đi, xong về nhà nàng trồng, nàng bảo, anh nhiều kinh nghiệm, trồng giúp em nhé, ông bảo có chết không!”
Tôi bảo, chết thế quái nào được và cảnh cáo anh ta rằng ngọc lan trồng ban công là hỏng.
“Tôi cũng đã bảo nàng thế, nhưng bướng nắm cơ, bướng nắm.”
Tôi hỏi, thế tên là gì.
“Sến.”
“Cái gì?”
“Sến.”
Tôi bảo, tôi hiểu cả rồi, các vị đẹp đôi đấy.
“Thì tôi có cái ninh cảm.”
Tôi hỏi, ông có biết Marie Sến không? Anh ta nhăn mặt, lắc đầu. “Bên Tây à?”
“Ừ, bên Tây.”
Bây giờ tôi lại mạo muội nhắc bạn đọc, là người Việt thì cái tên quan trọng hơn cái chứng minh thư. Bao nhiêu tính người bao nhiêu tình đời chúng ta đem chở cả vào tên. Là người Việt thì đeo tên nào là chỗ để sống và chỗ để chết đều đánh dấu sẵn. Kẻ ngu thì tên là Minh là Tuệ. Người sáng thì tên là Mặc là Ô. Một thời đại tên Đĩ tên Cu tên Cột Kèo. Một thời đại tên Du tên Khiêm tên Quát. Một niên đại tên Sinh, Vượng, Cự, Lộc. Một thế hệ tên Chiến, Thắng, Quang, Vinh. Những người đàn ông đàn bà tên Hiệp Định, Hoà Bình bây giờ đã ngoại tứ tuần. Những đứa trẻ tên Thống Nhất, Độc Lập bây giờ vừa đôi mươi. Bạn sẽ làm gì với một nàng tên Mộng Điệp? Tôi chắc nàng ấy thường có nhu cầu đi xi nê! Bạn sẽ làm gì với một nàng tên Tuyết Trinh? Nàng ấy đẻ vô nhiễm thì bạn tha hồ mà huýt sáo cao thượng! Các nhà văn của chúng ta đặt tên nhân vật mới cẩu thả làm sao. Các chính khách của chúng ta mang những bí danh mới khôi hài làm sao. Chó mèo trong nhà ta dạo này toàn tên Tây. Các nhà buôn thì xướng tên hãng tên hàng như gió rít mệt qua vòm họng An Nam mỏng mảnh: vi-na-ích-tờ-ếch-xờ-tờ-cô-ba-min-úc-nồiđồngnấuốcnồiđấtnấuếch-xờ-tờ.
Năm đứa con Đoài, bốn gái một trai, tên một lèo là Hạnh, Phúc, Thế, Là, Đủ. Hồng đặt tên hai mụn con gái là Bội Lan và Bội Hoàn, y mê mẩn tất cả những gì dậy mùi quý tộc, để trừ vào cái lỗi của lịch sử không triều vua nào chịu vào xứ Nghệ đóng đô. Hai con gái tôi là Thị Vân và Thị Kiều, tôi nghĩ gia tư mình còn thua xa thường thường bậc trung nên bỏ phắt đi hai chữ Thuý. Ông Thân có một con trai duy nhất, tên nó là đắng cay khổ sở, nhưng người ngoài có thể hiểu là mới mẻ mừng vui, Tân, là vô vọng của ông, hoặc nếu muốn xin cứ hiểu là hi vọng.
Tôi là Nguyên. Vợ Đoài tên Đông. Vợ Hồng tên Chuyên. Vợ Nguyên tên Phần. Vợ Thân tên Mùi. Nghe đã thấy buộc vào nhau. Tân và Đủ chưa có vợ.
Em là Nguyễn Thị Sến. Nếu Đoài tiết lộ một cái tên khác, Lan Hồng Cúc Phượng…, có lẽ mọi chuyện tôi sắp kể sẽ không xảy ra. Ngồi bên anh hàng xóm tôi lập tức thấy mình khịt mũi đánh hơi như con chó cảnh sát, ngửi một cái tên rơi ở hiện trường. Sến. Mùi mẫn lắm, kiểu mùi mẫn Nam Bộ hồn nhiên dậy màu U Tình Lục, không phải cái em chã đỏng đảnh của dân Bắc. Còn Nguyễn là họ của người Việt đi Nam tiến, nhưng từ em ngược đến Nguyễn Hoàng cũng xa chẳng kém từ tôi truy lên một Mã Viện Nhân, chúng ta đơn thuần là người Việt trên đất Việt, không quan hệ tới bài ca khai hoá và xâm lược. Tên ấy nói rằng cha em không mở sách thánh hiền tìm cho em một quý danh, thầy cúng không xin ý quỷ thần ban cho em một thuận lợi. Tên ấy rơi ra như em tọt từ bụng mẹ. Tôi đoán tổng cộng mười giây, ngay trên đường tập kết ra Bắc. Không công phu phiền nhiễu gì. Không thơm, không quý, không mỏng manh yêu kiều. Hàng xóm của em chắc gọi em bằng tên chồng, chồng chết gọi bằng tên con. Đàn bà như em chẳng là Linh Từ Quốc Mẫu, sống trên đời đâu bằng tên mình mà dồn vào đấy quá nhiều ý nghĩa. Cho nên tôi đánh hơi nơi tên em một câu đố, câu đố nào thoạt nghe cũng giản đơn. Tôi chỉ thêm vào Marie. Với tôi em là Marie Sến.
Cho nên tôi phải đi chợ Bưởi để thấy cô nàng Marie Sến bên cạnh anh hàng xóm của tôi, rối rít với ngọc lan, váy đỏ rực ôm một eo thiếu phụ, tóc xoà thiếu nữ, ngực gái một con, giày học trò, túi vũ nữ, cần cổ phu nhân, vai thợ thuyền, một tổng thể rất Việt, rất lung tung, nhưng cũng vui mắt như các biệt thự Hồ Tây. Khi tôi lại gần, chợ rất đông, tôi có thể xác định là Sến đẹp, còn hơn cả đẹp. Mắt, má, môi, cằm rực rỡ. Mũi dịu dàng. Hai nốt ruồi ý nhị. Đoài bên em như một thằng hầu. Tôi bên em có lẽ như một thằng hề. Sến ngước thẳng lên nhìn tôi. Tôi lại xác định thêm rằng em đàng hoàng. Rồi em cúi xuống với Đoài với ngọc lan. Rằng em tế nhị. Tôi vội bỏ đi. Chừng ấy phẩm chất một lúc ở cái chợ ngoại thành mùa xuân này!
Từ đó tôi thường xuyên hỏi thăm Đoài, nhài ra sao rồi, ngọc nan ra sao? Và đi tiểu thật kĩ sáng thứ hai và sáng thứ năm khi bác lao công trực ban sải ba bước ra sân gầm lên: “Đoài!”
Marie Sến Marie Sến - Phạm Thị Hoài Marie Sến