Lối Về epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2
ua tháng Sáu, Amanda Kingston cho hai con gái về ở tại Biltmore, vùng Santa Barbara. Paul ở lại New York thực hiện nốt phần còn lại của hợp đồng phim. Jerry, chồng của Louise bận tham dự hội nghị pháp lý tại Denver. Một dịp may để mẹ con sum họp. Vừa đến khách sạn hai chị em thấy mẹ thật buồn thảm mẹ vẫn mặc nguyên bộ đồ đen, tóc chải ngược sát da đầu không chút phấn son. Jan chưa kịp chào hỏi hết câu, mẹ đã òa ra khóc sướt mướt. Cũng may sao gặp lúc gia đình bối rối, hai chị em làm hòa với nhau lo chăm mẹ, hai đứa xuống bếp tự làm lấy bữa ăn sáng chủ nhật, lặng yên cho mẹ ngủ trên lầu. Louise vừa làm bánh vừa lên tiếng: “Mẹ phải đi khám bác sĩ ngay. Trông mẹ suy nhược lắm. Mẹ làm chị lo quá. Cho mẹ uống thuốc Prozac hay Valium hoặc loại thuốc gì khác cũng được”. “Uống mấy thuốc đó thì mẹ càng mệt hơn. Mẹ phải đi đây đó thăm người quen. Tuần rồi em ghé qua nhà bà Auberman, bà cho hay từ bữa đám tang đến nay không gặp lại mẹ. Mới đó mà đã năm tháng, mẹ chớ có ngồi một chỗ mà khóc lóc mãi”. Louise nói vô: “Cũng dám lắm!”. Cô có ý dò xét đứa em mình phản ứng ra sao như mọi khi, “Đó là ý nguyện của ba, giả sử ba dặn dò trên giấy tờ để lại biết đâu chừng mẹ sẽ y theo đó mà cùng lượt với ba”. “Khiếp quá”, Jan vừa nói vừa nhìn theo vẻ giận dỗi “Chị nên nhớ ba ghét cay ghét đắng đến chừng nào khi thấy mẹ khổ sở như thế này”. Louise đốp chát lại ngay: “Rồi em hiểu ngay ba sẽ chán ghét đến cỡ nào khi mẹ phải cam chịu cuộc sống ngồi nhìn người ta múa balê hoặc chơi bài với các bà mệnh phụ có cặp có đôi với nhau cả. Tiềm thức mẹ cứ nghĩ là ba ép mẹ chịu cảnh khổ sở này mãi. Thôi được, mẹ nên đi khám bác sĩ tâm thần ngay”. Jan chợt nảy ra một sáng kiến: “Hay là đưa mẹ đi nghỉ mát cho khỏe xem sao?” nhân những ngày Jan được nghỉ phép, còn Louise thì phải bố trí thời gian, còn phải lo cho con nhỏ. “Thôi thì để sang tháng Chín cho mấy đứa nhỏ vô trường mình đưa mẹ đi du lịch sang Paris”. “Thế cũng hay đấy”. Louise chịu liền, buổi trưa hai chị em bàn lại với mẹ, nàng lắc đầu không chịu. “Mẹ chưa định đi đâu cả”, nàng nói chắc như đinh đóng cột. “Mẹ còn lo giải quyết tài sản, không để dùng dằng được”. Hai chị em đành chịu, mẹ lấy cớ từ chối khéo. Mẹ cắt đứt liên lạc với cuộc sống bên ngoài vì không còn ba trên đời. Louise thì thực tế hơn: “Thôi để luật sư họ lo việc đó, mẹ ạ, họ lo liệu hết. Mẹ khỏe re!” Nàng ngồi nghĩ do dự một hồi lâu, lắc đầu, lại khóc, bộc bạch. “Mẹ chả cần gì cả. Mẹ thấy tội lỗi quá!” “Để làm gì hả con? Chi ra một mớ tiền? Các con có thể sang đến tận Paris? Thế rồi mọi người đều biết chuyện không đơn giản như thế đâu, nó còn kéo dài ra dây mơ, rễ má nữa”. “Thật không phải như mình tưởng, mẹ chỉ... chỉ nghĩ mình không nên chơi cái trò này, vì ba con không còn nữa. Mẹ chưa cần phải thong thả vui chơi”. Nàng lại khóc, muốn thổ lộ hết trước mặt hai con: “Vì sao tôi còn sống đây mà ông lại bỏ đi. Bất công quá. Vì sao lại ra nông nỗi như thế này?”. Nàng còn vương vấn tội lỗi, con cái chẳng hay biết gì chuyện này. Jan phân trần: “Đời là thế đó, mẹ ạ, chuyện đến phải đến, mẹ có tội tình gì cho cam, chẳng vì ba, chẳng tại ai cả, thôi thì đành, phận sao phận bạc như vôi thế này! Mẹ an tâm sống vui vì mẹ, vì tụi con nghĩ đến đó là mẹ vui rồi! Nếu mẹ không thích sang Paris thì đổi lại qua New York hoặc San Francisco. Mẹ nên vận động đi chứ! Mẹ chán sống lắm sao. Ba đâu có buộc mẹ phải sống như thế này!” Rồi chuyện đâu lại vào đấy; suốt quãng đường trên xe về nhà mẹ cũng chưa chịu nghe vẫn cứ trầm ngâm vì nỗi đau mất chồng đến nỗi không còn thiết sống, không thể nghĩ được lối ra cho thoáng. Tôi chủ nhật, Paul từ New York về đến nhà, Jan lái xe ra đón, anh vội hỏi thăm: “Mẹ ra sao rồi”. “Chả sao cả, mẹ rối như bòng bong. Louise nghi là mẹ uống thuốc Prozac. Em chẳng hiểu gì cả. Có vẻ như mẹ muốn theo ba thì phải”. “Biết đâu được, cũng có khi mẹ lại muốn được chết”. Jan nhìn ra ngoài rồi quay lại: “Anh nói nghe giống giọng điệu chị hai quá! Em muốn hỏi anh một câu”, vẻ mặt cô nghiêm túc khiến Paul phì cười, về đến nơi gặp lại vợ, anh thấy mừng. “Được rồi. Anh muốn thu xếp cho ba mẹ gần một chỗ. Dễ thôi, để đó. Ba càng thích”, ý tưởng táo bạo khiến Jan cười phá lên, rồi nghiêm sắc mặt lại, dù sao Paul cũng hiểu ra một việc hệ trọng. Jan bồn chồn ngập ngừng: “Em lại có một ý nghĩ khác nữa” cô do dự không biết nói thế nào cho Paul hiểu ra được, khó mà thuyết phục Paul. “Em cứ nói hết, anh ráng nghe”. “Em muốn vợ chồng mình nên đi đến bác sĩ chuyên khoa. Bữa đó đến nay sáu tháng rồi, cũng chưa thấy gì”. Jan nhìn ra vẻ sốt ruột, còn Paul thì chả đả động gì. “Chúa ơi, cũng chuyện đó nữa. Thôi dẹp đi, được không. Mình đang bù đầu vào bộ phim ưng ý nhất, được sáu tháng rồi, em thì cứ lo chuyện con. Đừng lo hão, Jan ạ. Anh đã lỡ cưỡi lưng cọp. Thôi quên đi, chả có việc gì”. Anh ta chỉ khéo đánh trống lảng. Lúc nào cũng viện cớ thoái thác, này nọ; còn một chuyện cần bàn đến là Jan vẫn chưa có thai dù thử đủ cách rồi. “Anh cần biết liệu mình có thiếu sót gì không? Cả hai không có việc gì, hoặc là tại anh, ta phải tìm cách giải quyết”. Chỉ có thế thôi, hỏi như thế đủ rồi. Hai vợ chồng nhìn nhau, Jan lại khóc. Paul thở dài. “Sao em không đến bác sĩ kiểm tra định kỳ, biết đâu lúc đó em có thai thì sao”. Jan không thiết nghĩ đến chuyện đó nữa. Hơn một năm rồi chờ gì nữa. Bác sĩ phụ khoa cũng theo dõi khuyến khích Jan ráng thử nữa xem sao nếu còn trông mong đẻ một đứa. Cách nay ba tuần, Jan một mình đến khám bác sĩ phụ khoa. Không thấy có vấn đề gì sai sót, vậy thì đến lượt Paul cũng nên đi khám ngay. Jan gợi ý Paul: “Anh đến cho bác sĩ khám”. “Thủng thỉnh đã”, Paul chỉ nói vỏn vẹn một câu tay vặn máy thu thanh to hơn. Jan nhìn ra ngoài cửa sổ, vẻ buồn bực. Thế là chẳng mảy may hy vọng, nhất là thái độ cư xử của Paul. Đến tháng Tám, bác sĩ cho hay Jan không có vấn đề gì, có khả năng tinh trùng không thụ trứng vào một thời điểm nào đó, nếu có trục trặc gì thì nên khám lại phần Paul. Jan đem chuyện kể lại, Paul tỏ vẻ giận dỗi, không muốn nghe, dồn cô vào thế bí. Thời gian cấp bách, trễ thì hỏng cả việc, gần vợ phải đúng ngày, thật chán, phải chờ hai tuần lễ xem ra sao càng nhức đầu thêm, Jan vẫn chưa thấy gì. Paul lại gắt gỏng “Thôi, bỏ qua chuyện đó đi”. Chuyện xảy ra chỉ một đêm đúng thời điểm vợ chồng gần nhau mới hạp. Jan nhắc nhở chồng. Paul bỏ đi uống rượu với cha mình. Gần đây báo chí thường xuyên đăng tải hình ảnh gã Jack lại cặp kè bồ bịch mới nữa. Gã khuyên con theo nghề kinh doanh, nó vẫn phớt lờ. Gã nghĩ mọi người thân đều phải nhờ vả đến mình. Louise và Jan lại thuyết phục mẹ đến tháng Chín đi du lịch, mẹ chẳng trả lời trả vốn gì cả, sụt mất bảy kílô trông người gầy nhom, đuối sức, chưa chịu đi đâu cả. Qua đến tháng Mười Hai, cả hai đứa con hoảng hốt la om sòm. Jan gọi điện thoại đến nhà Louise. “Tụi mình lo cứu mẹ” nó hoảng hốt báo cho hay hai tuần lề sau kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn, thật khủng khiếp. Suốt bữa ăn mẹ cứ la khóc sùi sụt, mặt mũi tiều tụy thảm não luôn tay phá phách con cái: “Mẹ không chịu nổi”. Louise trấn an: “Cứ để cho mẹ yên”. “Cũng có khi mẹ muốn được yên một mình từ ngày ba mất. Hai chị em cũng không tài nào xoay chuyển tình thế khác được”. “Mình là phận con cái, không thể nhìn mẹ như thế được, chị không yên tâm chút nào cả. Em thử nghĩ coi. Mẹ không thèm nghe chị từ hồi nào đến giờ. Em là con cưng của mẹ mỗi ngày ghé qua nhà pha thuốc với nước cam giúp mẹ. Chị cũng nghĩ mẹ muốn sống riêng theo ý mẹ”. Jan nhìn chị, vẻ khổ sở: “Mẹ sẽ chết mất, lạy Chúa, chị còn nhận ra mẹ được nữa không? Mẹ chẳng thiết sống nữa, rồi sẽ theo ba mà thôi”. “Chị chẳng biết ăn nói làm sao đây. Mẹ đã luống tuổi, chị có phải chuyên gia tâm lý đâu. Chị muốn nói hết cho em rõ, trông mẹ như thế đó chị rầu muốn chết. Chị không còn muốn nghe, muốn nhìn mẹ nữa. Mẹ thích mang cái vỏ bệnh hoạn. Mẹ cứ ám ảnh còn sống là còn tội lỗi, chết là hết. Thôi để cho mẹ được vừa lòng”. Jan nài nỉ: “Không được đâu!”. “Em không thể giúp mẹ hồi tỉnh lại được, Jan ạ. Đấy là chuyện của mẹ, số trời đã định thế, không cưỡng lại được. Cứ phó mặc! Đời mẹ chỉ có một lần, mẹ tự làm chủ, số còn nặng nợ phải sống trọn vẹn như thế đó. Dù sao ba cũng không còn tồn tại để bảo mẹ thế này thế nọ được nữa rồi! Jan trách: “Chị tưởng như ba là con quái vật”. “Có lúc chị mộng mị ra như thế” Thế là xong chuyện, hai chị em nói mãi cũng không đi đến đâu. Trước Noel một tuần, Paul và Jan nhận được thiệp mời riêng của bố chồng đến dự dạ hội tại cửa hiệu Julie’s. Năm nay Jan không thích lui tới hội hè. Paul không chịu khám bác sĩ chuyên khoa, Jan bực bội lắm phần lại lo lắng cho mẹ. Paul cho hay bên phía ba chồng giận nếu hai đứa mình không dành chút thì giờ ghé qua nhà. Buổi sáng trước giờ dự dạ hội, Jan gọi Paul: “Anh đi một mình có được không?” Jan chả thích thú chút nào: “Chiều nay em còn ghé nhà thăm mẹ, gặp mẹ chắc em mệt lắm”. Mẹ làm như người sắp chết. Jan muốn phát điên mà không làm sao giúp mẹ được. “Em đi theo với mẹ, được không?” Paul thản nhiên nói, rồi đi làm, Jan nhìn theo tức tối. “Bộ anh không nhớ em đã nói hồi năm rồi hay sao? Mẹ suy nhược, gầy hẳn, chả thèm gặp ai hết. Lạy Chúa, mẹ chỉ ngồi đó chờ chết. Bộ anh cứ tưởng mẹ cần phải đến chỗ tiệc tùng rình rang ở nhà ba anh hay sao? Anh có mơ không đấy”. Paul cười vui: “Em thử hỏi ý mẹ xem sao, biết đâu cũng hay đấy”, Jan muốn ném vào mặt chồng một cái gì. “Anh không hiểu nổi mẹ đâu”. “Em cứ hỏi thử xem”. “Rồi em sẽ đề nghị với mẹ cởi hết quần áo trần truồng chạy khắp đường phố ở Bel Air, ôi lạy Chúa”. Kể ra hàng tháng cũng có một dịp vui cười ngất. Dù sức khỏe hao mòn, đuối đừ, trông mẹ vẫn đẹp như xưa. Paul định liều bảo mẹ tham gia bộ phim sắp tới, anh ngại không dám hội ý Jan xem mẹ phản ứng thế nào. Anh cũng đoán ra câu trả lời: “Thôi em về nói với mẹ, ba anh rất vui nếu mẹ đến họp mặt, cửa hiệu sẽ được thêm phần long trọng”. Anh nói nửa đùa nửa thật hôn vợ một cái rồi đi làm ngay. Jan bực bội, cho đến giờ này anh cũng chưa chịu khám bác sĩ xem tình hình ra sao, chợt nghĩ chắc rồi đây cả hai vợ chồng chẳng được một mụn con. Không chừng cũng khủng hoảng như mẹ, giờ thì chưa hay đâu mà sao cứ thấy uể oải như mẹ. Chiều hôm đó, Jan gặp lại mẹ, trông mẹ gầy và thảm thương lắm, người xanh xao chán đời. Tuổi năm mươi đã hết muốn sống cơ chứ! Jan xoay xở đủ mọi cách, nói ra nói vào đủ điều, khuyên nhủ có, dỗ dành van nài có, rồi dọa nếu không chịu nghe hai chị em dọn vào ở, cho mẹ ra khỏi nhà luôn. “Mấy con khôn lớn cả rồi, cứ tự lo liệu được, đừng lo cho mẹ nữa. Còn bộ phim sắp tới của thằng Paul tới đâu rồi”. Mẹ hay ở chỗ biết lái câu chuyện sang hướng khác, đến chiều thì Jan tỏ vẻ bực mình lắm. “Mẹ làm con muốn phát điên, mẹ may mắn có cuộc sống sung túc, nhà cao cửa rộng, con cái biết yêu thương mẹ, sao mẹ cứ ngồi một chỗ khóc than suốt ngày thế con hỏi mẹ còn thương tụi con không? Mẹ nghĩ lại có đúng không? Mẹ biết tụi con lo cho mẹ đến chừng nào? Lạy Chúa, con đã nghĩ hết cách, chẳng bao giờ dám mong có con”. Khỏi phải kể lể, Jan phát khóc, mẹ vội ôm Jan: “Con bỏ qua cho mẹ, vì mẹ các con phải lo”. Mẹ con ôm nhau khóc chợt nhớ những điều con vừa nói, bà hồi tỉnh lại: “Mẹ quên hết, quên cả điểm phấn tô son, quần áo lôi thôi, tóc tai biếng chải”. Bà bộc bạch nỗi niềm, nụ cười ướt át cả đôi mắt, soi gương nhìn lại mình, thấy coi bộ không đeo kính khó coi quá. Mẹ con ra đứng trước gương nhìn hình bóng người đàn bà nhan sắc một thời nay xanh xao, u buồn phấn son biến sắc. Bất chợt Jan nghe theo cách sắp xếp khéo léo của Paul. Jan đến cho mẹ hay tối nay tại cửa hiệu Julie’s có tổ chức dạ hội. “Tới chỗ cửa hiệu đó hả?” Jan đoán chừng mẹ sẽ nhận lời, bất ngờ mẹ giận lẫy: “Mày có điên không?” “Dạ cũng y như mẹ năm rồi. Thôi này, mẹ nghe con nhận lời cho vui. Chẳng dòm ngó đến ai cả. Phải ăn mặc cho đàng hoàng, phấn son qua loa rồi đi với tụi con. Paul sẽ vui mừng lắm!” “Thôi bữa khác, mẹ sẽ đi ăn tối với các con. Ba con muốn thế. Mẹ con mình đến nhà hàng Spago”. “Thôi mẹ đi ngay với tụi con, chần chờ gì nữa! Năm phút sửa soạn là xong ngay. Ráng đi mẹ, cho hai chị em con vui, và cả ba nữa... Ba nào muốn thấy tình cảnh như thế này đâu. Tụi con cũng mong lắm. Jan đang nói như nín thở nhìn theo mẹ. Cô biết chắc là đừng có mong mẹ nhận lời. Nàng đứng lặng yên nhìn con lưỡng lự hồi lâu. “Con có nghĩ là ba khiến mẹ làm như thế không?” Jan chỉ biết cúi đầu, hoảng hốt. “Vâng đúng thế mẹ ạ”, cô chỉ bịa ra thôi, cố để cho mẹ tin, cô im lặng gật đầu. Amanda quay vào phòng ngay, Jan theo mẹ hoảng sợ không dám hỏi han. Nàng đi ngay vào bên trong, Jan chỉ còn nghe tiếng sột soạt quần áo. Chỉ đủ năm phút nàng quay trở ra, mặc nguyên bộ đồ đen. Jan trố mắt nhìn, nàng hiểu ý: “Con thấy thế nào?” Có phải người thật không đây? Mẹ lột xác hoàn toàn, như từ dưới đất chui lên. Không thể nào tưởng tượng ra được. “Mặc đồ này thật quá đơn giản đấy”! Jan đi theo mẹ trở vô nhà, lo mẹ đổi ý. Cái màu sao mà trông u buồn quá! Nàng chỉ bộ đồ màu hoa cà: “Còn bộ này?” Jan hiểu ý mẹ thích lắm, Amanda lắc đầu mẹ chọn màu xanh lơ bó sát người, trông mẹ lại đẹp ra, trẻ hơn. Phải nói là đẹp như minh tinh màn bạc. Nàng đứng trước gương mặc thử. Diện thêm một đôi giày cao gót mũi nhọn đồng màu xanh lơ. Một đôi bông tai nạm saphia, tóc chải ngược theo kiểu môđen trong ảnh chụp trước đây. Jan cố nhìn mà vẫn khó nhận ra “Mẹ nhồi thêm một lớp phấn mỏng nữa, được không?” Amanda nhìn lại: “Chỉ thêm chút xíu thôi, phấn dày quá trông như bọn trẻ!” Jan tủm tỉm cười thích thú nhìn mẹ: “Coi thế mà cũng được, chả phí công bao nhiêu”. Trông mẹ đẹp như tạc, đúng là mẹ thật của mình, không phải như người mất hồn những ngày còn để tang. Nàng hỏi con, hơi bối rối: “Con thấy thế nào? Có giống thật như mẹ chút nào không hay như bà già mặc đồ tang hôm nào?” Đôi mắt mẹ long lanh, mẹ đang khóc thầm! Jan bật khóc theo, nhờ ơn trên phù hộ, cô cảm thấy an tâm. “Lạy Chúa, con thương mẹ”, cô ôm chầm lấy mẹ. Amanda lấy khăn tay khéo che mũi nghẹn ngào, tô lại môi son, xếp gọn mấy món cần dùng vào xắc cầm tay, âu yếm nhìn đứa con gái. Jan mặc bộ đồ vải len đỏ như những dịp lễ Giáng sinh, hai màu xanh đỏ xen lẫn hòa hợp, trông như hai chị em. “Con ngoan, mẹ thương con”, hai mẹ con bước ra cổng. Amanda không ngờ con gái đã lèo lái mình vào cuộc hay đến thế; dù sao thì mình cũng đã nhập cuộc rồi. “Mẹ con mình chỉ ghé lại một hồi thôi, không nán lại lâu hơn”. Vừa nói nàng vừa với tay lấy chiếc áo khoác lông chồn ngang qua tủ áo nhà trước. Từ lúc để tang đến nay nàng mới mặc lại, quên bẵng không nghĩ đến. Nhìn con gái, nàng bỗng nhớ lấy ra mặc. “Mẹ chỉ ghé lại ít phút thôi”. “Mẹ yên chí, con đưa mẹ về nhà khi nào mẹ cần”. “Thôi thế được rồi!”, Jan nhìn mẹ trẻ hẳn ra đang bám theo gót cô, ngoái nhìn lại như muốn chào ai đó không có ở đây, rồi ngập ngừng đưa tay khép nhẹ cánh cửa.
Lối Về Lối Về - Danielle Steel Lối Về