Phần I: Tổ Sư Lỗ Ban – Người Thợ Mộc Kỳ Tài Hơn Hai Nghìn Năm Về Trước - Chương 1: Bóng Nửa Đêm
Nếu tính về thời gian, số Bát cực đã tới hồi kết thúc. Bây giờ, chính là thời điểm hậu duệ đích mạch của Lỗ gia phải hoàn thành di mệnh tổ tiên. Tuy nhiên, do thời gian đã quá xa xôi, biết bao manh mối đã thất lạc, lại thêm vài trăm năm trước, Hỏa bảo bị đánh cắp, người họ Chu là Chu Nguyên Chương xưng đế, chiếm mất tiên cơ. Tình hình trước mắt đã không thể nào né tránh, chỉ còn cách bắt tay vào hành động. Năm xưa, họ Chu đã bày khảm diện bên ngoài nhà tổ của dòng họ Lỗ, với ý định đuổi cùng giết tận…
o O o
Đầu thời Dân Quốc, quân phiệt cát cứ, cường quốc phương Tây dòm ngó, tai họa triền miên, dân chúng lầm than cơ cực. Rất nhiều dân lành vì mưu sinh bức bách mà đành liều mạng, theo tà môn để trộm cướp kiếm ăn. Lại có nhiều người, do tổ tiên có các ngón bàng môn tà đạo, các thuật kì lạ bí truyền, hoặc các thủ đoạn cướp bóc tính vi, nay đều nhặt nhạnh lại để dùng, khiến cho cả một thế giới đẹp đẽ bình yên, bỗng chốc trở nên âm hiểm dị thường, nguy cơ rình rập khắp nơi.
Năm đó, đang lúc cuối thu đầu đông, tiết trời lạnh giá, tại vùng núi Dương Sơn Vô Tích vốn nổi tiếng với giống thủy mật đào[1], có một ngôi nhà nằm đơn độc bên một sườn núi.
Nói ra nghe có vẻ kì lạ, nếu theo phong thủy học, xây nhà tựa vào núi đều là cách cục tốt lành, dù là núi ờ phía trước hay phía sau, bên trái hay bên phải, chỉ kị nhất xây nhà bên cạnh núi có tướng khô cùng. Tướng khô cùng là tướng thế nào? Tức là trên núi không có cây cối xanh tươi, chỉ có đất đá lổn nhổn, hình thù lởm chởm kì quái, lại thêm vách núi dựng đứng sạt lở. Mà ngôi nhà này lại tựa lưng vào vách đá dốc đứng ở mé bắc ngọn núi. Ở vùng Giang Nam, rất hiếm thấy những ngôi nhà tựa lưng vào núi, quay mặt hướng bắc, vì vị trí đó không những khuất bóng mặt trời, lại phải thường xuyên hứng gió Tây Bắc và gió từ vách núi dội lại. Đã thế núi này cũng không có vẻ gì tươi nhuận, trên núi cây bụi mọc tạp nham, rặt là lá khô cỏ úa. Đặc biệt ở vách núi phía bắc không có lấy một vạt xanh, chỉ một màu vàng quạch trải dài, sắc đá cũng không hề đổi màu đậm nhạt. Bù lại, ở hai mé đông tây lại có hai vạt rừng xanh um tùm, phía đông là rừng trúc, phía tây là rừng thông.
Thông thường, nhà cửa tại nơi này đa phần là ngói xanh tường trắng, hoặc ngói xanh tường đỏ, còn ngôi nhà này lại ngói vàng tường vàng trông vô cùng khác lạ, gần như hòa lẫn với màu vách núi. Do núi đổ bóng trùm, lại thêm hai rừng cây bao bọc xung quanh và mây chục gốc đào che chắn phía trước, ngôi nhà gần như bị che khuất hoàn toàn. Nếu không tới gần, rất khó phát hiện ra sự tồn tại của nó.
Về tối, sẽ thấy ánh đèn leo lét hắt ra suốt đêm từ các ô cửa sổ. Nhưng những người trồng đào nơi đây phát hiện ra rằng, trong đêm tối, nếu đi về phía ánh đèn, có đi cách nào cũng không thể lại gần ngôi nhà, mà sẽ chỉ loanh quanh trong rừng đào hoặc ruộng vườn gần đó. Bởi vậy, họ gọi ngôi nhà này là “nhà quỷ chướng.”
Đêm nay, sắc trời càng thêm đen quánh, sương rơi âm thầm, tuy không có gió, song vẫn lạnh buốt dị thường. Đã quá canh hai, ông Lỗ Thịnh Nghĩa, chủ nhân của ngôi nhà, vẫn ngồi trong thư phòng của viện thứ hai, chăm chú xem một bức thư họa chưa bồi đã ố vàng dưới u ánh đèn dầu hỏa.
Lổ Thịnh Nghĩa đã xấp xỉ lục tuần, song cơ thể vẫn tráng kiện, sắc mặt hồng hào, đôi mắt sáng rực, cánh tay lực lưỡng, cơ bắp cuồn cuộn, trông không có vẻ gì giống một người chơi thư họa.
Tiếng khoen cửa đột ngột vang lên, Lỗ Thịnh Nghĩa lập tức lật ngược bức tranh lại, ngẩng đầu nhìn lên, thì ra là quản gia Lỗ Ân đang bưng đến một chiếc ấm tử sa cổ có vẽ hoa văn mây núi.
- Nghỉ thôi lão gia. Thứ này không thể hiểu trong ngày một ngày hai được đâu! Nếu không, đã bị lấy mất lâu rồi, làm sao còn đến lượt nhà chúng ta?
- Đúng vậy, thế nhưng ta vẫn không thể dẹp sang một bên được! – Lỗ Thịnh Nghĩa ngẩng đầu nhìn bức hoành phi viết bốn chữ “Tàng bảo bố thụy” [2] treo trong thư phòng, khẽ thở dài rồi nói tiếp – Thiên cơ khôn tỏ, di mệnh khó trái, bước đường tiếp theo là họa hay phúc thật khó đoán định. Hay là ngày mai ngươi và ông Lục cùng tới xem thử, không chừng có thể tìm ra manh mối nào chảng?
- Vâng, sáng mai tôi sẽ cho mời ông Lục tới!
- Vậy ngươi hãy nghỉ sớm đi, hai ngày nay mọi người cũng đã vất vả nhiều, vết thương của Ngũ Lang ra sao rồi? Liễu Nhi chắc cũng đã ngủ rồi phải không?
- Thưa, đều ngủ cả rồi, ông Lục đã cho Ngũ Lang uống chút thuốc, chắc không có vấn đề gì đáng ngại. Vậy tôi đi nghỉ trước nhé!
Lỗ Thịnh Nghĩa gật đầu, Lỗ Ân bèn lui ra, trước khi rời đi không quên đóng chặt cửa, còn kéo thử khoen cửa vài cái rồi mới yên tâm trở bước về phòng.
Đêm đã về khuya, trời vẫn lặng gió, trong viện yên tĩnh dị thường, thậm chí không cả nghe thấy tiếng ngáy của Ngũ Lang và Lỗ Ân trong gian phòng phía trước như thường lệ. Trời lúc một thêm buốt giá, dường như có tiếng sương rơi vẳng lại, nghe tí tách mơ hồ.
Lỗ Thịnh Nghĩa vẫn đang vùi đầu tìm tòi trong bức thư họa. Đột nhiên, ông có cảm giác rất bất thường. Tiếng sột soạt ngày càng rõ hơn, băng qua sân, từ từ tiến sát thư phòng. Ông không ngẩng đầu lên, bởi lẽ nhờ dư quang từ đôi mắt, ông đã thấy rõ một cái bóng cao lớn đang dần dần đổ dài trên chấn song hoa của cửa thư phòng. Một cảm giác lạnh buốt như lưỡi dao cắt dọc sống lưng khiến hai bên sườn bỗng chốc trở nên căng thẳng, dội lên một cảm giác tê buốt và cứng nhắc. Ông vẫn không ngẩng lên. Bóng đen càng lúc càng tiến gần, càng lúc càng cao lớn, cao lớn hơn hẳn kích thước của một người bình thường. Ông vẫn không ngẩng lên, mí mắt cũng bất động không chớp, thậm chí cả hơi thở cũng như ngừng lại, hai bàn tay siết chặt hơn chiếc ấm tử sa, gân xanh nổi căng trên mu bàn tay, giật lên khe khẽ.
Lỗ Thịnh Nghĩa đang sợ hãi, nỗi sợ hãi này dường như ông chưa từng nếm trải trong suốt nhiều năm qua. Điều khiến ông sợ hãi không phải là bóng đen quái dị đang mỗi lúc một sát gần, mỗi lúc càng to lớn kia, mà điều khiến ông sợ hãi chính là vì, tại sao Ngũ phân liên sách chướng[3] bố trí bên ngoài cổng chính lại không thể ngăn cản được bóng đen? Tại sao Điên phốc đạo[4] ở viện thứ nhất lại bị vô hiệu hóa? Tại sao con đường Rồng vờn đá tảng[5] tại viện thứ hai lại để bóng đen dễ dàng lọt qua mà tiến sát đến thư phòng? Kinh ngạc hơn nữa là mấy nhân khảm[6] ở dãy nhà trên và căn lầu phía đông tại sao lại không hề có chút phản ứng? Trong ông giờ chỉ còn lại chút hi vọng mong manh vào nút Móng đạp bươm bướm[7] ở cửa thư phòng.
Cái bóng đã cao gần chạm mái hiên, dừng lại ở trước cửa, rồi đứng im lìm, không hề nhúc nhích. Lỗ Thịnh Nghĩa lúc này mới từ từ ngẩng đầu nhìn lên, ánh đèn dầu lờ mờ trong căn phòng khiến cho cái bóng bên ngoài càng trở nên mơ hồ.
Cái bóng vẫn đứng im lìm.
Lỗ Thịnh Nghĩa từ từ đứng dậy. Sau một hồi ngồi cứng đờ bất động, giờ vận động trở lại khiến cho khí huyết xộc thẳng lên đỉnh đầu, đôi mắt ông hơi nhòa đi.
Cái bóng vẫn đứng im lìm.
Lỗ Thịnh Nghĩa bắt đầu bước chân về phía cánh cửa. Một bước. Hai bước. Khoen cửa khẽ kêu một tiếng. Ông lập tức khựng lại, cơ bắp toàn thân lập tức căng cứng khiến ông cảm thấy ngạt thở. Một hồi lâu sau đó, ông mới khe khẽ thở ra làn hơi đã nén lại nãy giờ, tiếp tục bước về phía cánh cửa. Khoen cửa lại khẽ kêu một tiếng, toàn thân ông thoắt cứng đờ trở lại.
Lại một hồi lâu nữa, khoảng thời gian đó đã biến chút hi vọng mong manh còn lại trong ông thành sự tự tin, và ông tiếp tục nhấc chân bước về phía trước.
Đúng vào khoảnh khắc bước chân vừa chạm đất, chợt vang lên một tiếng kim loại vỡ chói tai. Trong chớp mắt, hai cánh cửa ở giữa bật tung sang hai bên, dính chặt vào hai cánh cửa bên cạnh. Ngọn đèn dầu vụt tắt, bóng đen cao lớn ập vào đứng đối diện với Lỗ Thịnh Nghĩa. Lúc này mới vọng đến tiếng loảng xoảng của các mảnh kim loại vỡ vừa tiếp đất.
Trong phòng tối đen, song cũng không cần tới đèn, ông hoàn toàn có thể cảm nhận được sự tồn tại của bóng đen, bởi lẽ ông đang đứng sát gần nó, hơn nữa còn phán đoán chính xác chiều cao của nó phải bằng hai người cộng lại.
Khi bóng đen còn chưa kịp bước lên bước thứ hai, Lỗ Thịnh Nghĩa cũng chưa kịp có phản ứng gì, từ trong sân đột ngột vọng đến một tiếng gầm của Lỗ Ân. Tiếp đó, một vệt sáng trắng hình tròn xẹt theo đường vòng cung vụt đến, chém thẳng vào bóng đen, kèm theo một tiếng rít nặng nề. Trong nháy mắt, bóng đen tách thành hai nứa, nửa phía trên bay thẳng về phía bàn, chụp lên bức thư họa; nửa phía dưới lăn đến phía cái lỗ nhỏ ở góc tường phía tây. Một tiếng nổ vang dội, cái lỗ nhỏ bỗng chốc đã trở thành một hốc lớn đến hai thước vuông.
Vệt sáng trắng quét qua chính giữa hai phần cơ thể vừa bị tách đôi, cắm phập vào đúng chữ “bảo” trên tấm hoành phi “Tàng bảo bố thụy,” thì ra là cây rìu sắt Bát quái cán gỗ đào.
Lỗ Thịnh Nghĩa nhanh chóng xoay người lại, lao vụt về phía bàn, chiếc ấm tử sa thuận đà bay ra khỏi tay ông, nhắm thẳng vào nửa trên của cái bóng, chính xác hơn là nhắm thẳng vào cánh tay đang thò ra chộp lấy bức tranh chữ. Nhưng do cánh tay đó đã nắm được bức tranh và đang rụt về, nên chiếc ấm tử sa đã xé rách toang bức tranh. Cánh tay mang theo quá nửa bức tranh lập tức thu lại vào trong khối người đen kịt.
Lỗ Thịnh Nghĩa cũng đã kịp tới bên bàn, ông vươn tay chụp lấy khối đen, song khối đen lại lao thẳng vào ngực ông, lợi dụng phản lực từ sức lao đến của ông để bật xéo về phía cái hốc lớn ở góc tường phía tây, chớp mắt đã không thấy đâu nữa.
Lỗ Thịnh Nghĩa không đuổi theo, ông đứng chôn chân bất động như một tảng đá.
Lỗ Ân lao vụt vào phòng, tung chân quét mạnh, đá văng hai miếng gạch vỡ trên nền nhà bay thẳng vào trong hốc. Tiếp đến, ông ta lùi lại, đổ nghiêng người xuống, một tay chống đất, gập khuỷu hạ người, tay kia khum lại che chắn trước mắt, nhìn qua hốc ra ngoài. Vừa nhìn, ông đã lập tức bật dậy, động tác linh hoạt vô cùng. Mặt đầy thất vọng, ông nhặt non nửa bức thư họa từ dưới đất lên, cẩn thận phủi bỏ những mảnh ấm vỡ và lá trà dính trên đó, rồi cung kính đưa lại cho Lỗ Thịnh Nghĩa.
Lỗ Thịnh Nghĩa không cầm.
Lúc này Liễu Nhi mới lao vào phòng, tiếp sau là Ngũ Lang, sau cùng là ông Lục vừa chạy vừa thở hổn hển. Mọi người chỉ nhìn Lỗ Thịnh Nghĩa, không ai nói câu nào, không khí im lặng chết chóc phủ trùm khắp căn phòng.
Cuối cùng, Lỗ Thịnh Nghĩa lên tiếng trước:
- Gọi Nhất Khí về nhà đi!
Lời nói vừa dứt, ông phun ra một ngụm máu. Một vệt đỏ tươi xé toang màn đêm đen đặc, cũng xé toang bầu không khí im lìm.
Chú thích
[1]Thủy mật đào hay mật đào, là một loại đào có xuất xứ từ Trung Quốc, quả giống trái đào lông thông thường nhưng tròn hơn, thịt quả mọng, nhiều nước rất thơm ngọt. ~~~[2] Có nghĩa là cất giữ bảo vật ban rộng phúc lành.
[3] Có nghĩa là chướng ngại làm bằng năm loại dây thừng nối liền, tức hệ thống chướng ngại vật được làm từ dây thừng nối liền với nhau, tạo thành các hình dạng thẳng, nghiêng, đan chéo, gấp khúc, vòng vèo, được liên kết với nhau vô cùng tinh xảo. Nếu có người bị lọt vào trong đó, sẽ bị các thiết kế này khiến cho hoa mắt chóng mặt, một sợi dây thừng dường như biến thành năm sợi dây thừng, không tìm được chỗ đặt chân.
[4] Tức là con đường gập ghềnh, trên mặt đường, bố trí liên tiếp bốn cạm bẫy bí mật rất khó phát hiện nối liền nhau; bước thứ nhất bố trí cơ quan lăn sang bên cạnh, bước thứ hai bố trí cơ quan xoáy tròn, bước thứ ba bố trí cơ quan trượt về phía trước, bước thứ tư thiết kế cơ quan chắn cản. Cần phải bước đi theo phương pháp “một dừng hai điểm ba vượt bốn xoay” mới có thể vượt qua, nếu không sẽ bị ngã đến sứt đầu mẻ trán, gãy xương đứt gân.
[5] Nguyên văn là “Đại thạch long hành nhiễu,” tức là lối đi như rồng cuộn quanh đá tảng, là chướng ngại vật làm bằng đá, bố trí theo phương pháp Kì môn Độn giáp, tương tự như Bát trận đồ, giống như rồng thần thấy đầu mà không thấy đuôi, đi vòng vèo quanh các tảng đá, tựa như thân rồng uốn lượn, mây mủ lớp lớp, đi mãi vẫn không thể đi tới đích.
[6] Khảm, hay khảm tử, là thuật ngữ mà các môn phái trong giang hồ dùng để gọi các bố cục Kì môn Độn giáp, cơ quan cạm bẫy. “Nhân khảm” là dùng người sống làm bẫy, có thế hiểu là dùng người mai phục, ngăn chặn, vây giết.
[7] Nguyên văn là “Đề đạp hồ điệp khấu,” tức là một hệ thống nút thắt do nút hình ba chiếc móng và nút hình bốn cánh bướm đan xen lồng ghép vào nhau tạo thành, cần phải tìm ra được vị trí đầu và đuôi của ba móng và bốn cánh, cùng quan hệ liên kết giữa chúng, đồng thời biết dược quy luật về hướng đi của các sợi dây thừng, sẽ dễ dàng tháo ra được. Nếu không, sẽ càng gỡ càng rối, càng quấn càng chặt, chỉ khi phá vỡ được cơ quan trung tâm dùng để thu, nhả dây thừng, mới có thể thoát khỏi các nút buộc.
Lời Nguyền Lỗ Ban Lời Nguyền Lỗ Ban - Viên Thái Cực Lời Nguyền Lỗ Ban