Chương 2: León Beauregret
áng hôm sau, Chủ nhật, Vendredi 13 không tới. Ở Trocadéro chỉ có Carabine, Banzai và tôi.
Tôi tìm cậu ta. Tôi mở to đôi mắt, nhưng không thấy tay lái điên khùng kia đâu, con mèo đen cũng chẳng thấy, thậm chí bóng của một con chuột trắng cũng không.
Chúng tôi lại thể hiện những trò nhào lộn, những đường lượn, nhưng đối với tôi, tôi chẳng có lòng dạ nào. Carabine kéo tay tôi:
- Đi nào, chúng ta về thôi!
Tôi thì thầm:
- Tí nữa đã...
Banzai buông giọng diễu cợt:
- Caravelle đang chơi trò rủi ro. Cô ấy đang mơ đến nhà thuần chủng thú của mình...
Tôi phản đối mạnh mẽ, hoàn toàn không thực tâm:
- Không phải thế! Tớ chỉ muốn tiếp tục, thế thôi!
Cô em gái tôi gắt lên:
- Trời ơi. Nhưng mà môn toán không đợi chúng ta đâu! Đấy là còn chưa kể đến bài luận. Và còn mẹ nữa chứ!
Mẹ ư? Bà vừa đi Hà Lan về. Tôi cho rằng bà đã tham dự lễ cưới của Nữ hoàng Hoa Tuy-luýp với Hoàng đế Cối xay gió. Tôi muốn bà ở nhà nhiều hơn cơ.
Tôi thở dài:
- Thôi được. Chúng ta đi.
Xoay tròn vài vòng, rồi chúng tôi rời Trocadéro. Cả ba chúng tôi đều rất thích thú điều đó: lướt trên những bức tường, đi ngoằn ngoèo giữa những ngưòi đi đường, những hàng quán, đi sát họ, tránh họ vào giây phút cuối. Tôi có cảm giác rất thích thú, như mọc vây mọc cánh.
Hôm nay, Banzai, người tốc độ nhất, lao nhanh trên vỉa hè; Carabine nghĩ về môn toán, còn tôi thì về Vendredi 13, điều đó làm giảm tốc độ của tôi.
Tôi tự hỏi... Nếu như tôi ôm hôn cậu ta, ở đó, như thế này, dưới con mắt tò mò của tháp Eiffel, thì liệu con mèo của cậu ta có cắn xé tôi không?
Banzai chia tay chúng tôi ở phố Pompe, gần một quầy hàng hoa quả và rau; thật êm dịu, những quả lê ngân nga, những quả táo lầm rầm hát.
- Hẹn ngày mai ở lớp nhé...
Carabine tiến lại gần cậu ta; họ bỏ đôi ván trượt ra và ôm hôn nhau một cách ngu xuẩn, giữa những chiếc súp lơ và những củ cà rốt. Còn tôi, thậm chí tôi chẳng có lấy một con mèo mà vuốt ve...
Mẹ ở kia. Bố cũng vậy, trong phòng khách lớn nhìn xuống sân. Gian phòng rộng; ba bức tường bị che kín bởi những quyển sách. Bố mẹ là dân nghiện sách, điều đó không tồi: càng đọc sách nhiều, họ càng ít có thời gian quan tâm đến những bài tập chưa làm, những điểm xấu và quần áo rách (trượt pa-tanh thường rất hại quần áo) của chúng tôi.
Những chiếc ghế bành kếch xù, và sâu, và cổ kính, và lụ khụ, và mến khách bằng da có mặt từ trước đám cưới và trước cả sự ra đời của Caravelle xinh đẹp và Carabine khủng khiếp, mẹ thì không thể chịu đựng nổi ("Chúng còn già hơn cả con thuyền của Noê"), nhưng bố lại rất thích ("Bố chỉ có thể suy nghĩ thông suốt khi ngồi trên những cái đồ cổ ấy").
Những mảnh gỗ ốp tường sậm màu tạo cho gian phòng một dáng vẻ dễ chịu, đáng kính, thoải mái; một chiếc lò sưởi thật đang bén lửa và nóng rực, nổ lốp đốp và lép xép, từ mùa thu cho tới mùa xuân.
Mẹ ở đó! Chúng tôi gào lên như những cô bé con:
- Ôi! Mẹ!
- Nước Hà Lan được chứ mẹ?
Carabine lao vào chiếc ghế bành rách nát nhất, lún sâu nhất, chiếc ghế rên rỉ dưới trọng lượng của nó. Nó cải chính với vẻ uyên bác:
- Người ta gọi đấy là Pays-Bas (Vùng đất thấp). Nước Hà Lan chỉ là một phần của Pays-Bas mà thôi.
Nó cũng là số một về môn địa lý.
Tôi đứng trên hòm lò sưởi và càu nhàu:
- Được rồi, được rồi... Vậy thích chứ mẹ?
Mẹ không trả lời.
Bà nhìn bố. Những cái đầu kỳ cục. Họ trao đổi một vài câu bằng tiếng Anh.
Về chủ đề ngôn ngữ, họ thật đáng gờm. Bố nói được tiếng Anh và tiếng Đức, một chút tiếng Nga, điều đó giúp ông trong những hội nghị quốc tế, khi những nhà bác học toàn thế giới trao đổi một giỏ u-ra-ni-um lấy hai ngăn kéo điện tử. Mẹ cũng thế, thêm cả tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, một chút tiếng A-Rập nữa, đủ để trò chuyện với một người Sao Hỏa trong kỳ nghỉ.
Vậy nên họ trò chuyện bí mật bằng tiếng Anh. Carabine và tôi chịu chết, kể cả cô em gái thiên tài của tôi, dù có năng khiếu hơn tôi về mặt ngôn ngữ, thì việc này cũng vượt quá khả năng của nó.
Thường thường, nếu họ không cho chúng tôi hiểu, đó là một dấu hiệu tốt: họ tăng tiền tiêu vặt hoặc đang chọn quà sinh nhật. Nhưng... có điều mập mờ ở đây. Kỳ cục. Tôi BIẾT. Tôi CẢM THẤY điều đó nghiêm túc, trầm trọng.
Tôi trao đổi ánh mắt với Carabine: theo những tin tức cuối cùng, không có tai họa, không có lý do để báo động chống lại tuổi trưởng thành. Thậm chí tôi còn chưa tố giác chuyện nó đã chuồn đi gặp Banzai vào lúc hai giờ sáng, khi mà mẹ còn đang đi dạo ở Amsterdam và bố còn đang vất vả với việc trực hạt nhân.
Điều đó khiến tôi đau, nhưng tôi không nói gì cả. Vậy thì sao?
Bố thở dài:
- Nào. Catastrophe (Thảm hoạ) và Catalysme (Tai biến), hãy lại đây.
Ông đã đặt cho chúng tôi những biệt danh như thế. Caravelle và Carabine là những cái tên do mẹ tôi đặt. Những cái tên đó đôi với ông dường như quá dịu dàng, đáng yêu. Không quá... bùng nổ.
Chúng tôi do dự tiến lại gần.
- Hãy nhìn đây.
Chúng tôi làm theo. Trên cái bàn thấp bằng gỗ ở đảo (kỷ niệm của ông nội tôi), hai tờ giấy rời hẳn nhau ra: một bức ảnh màu; và một tờ truyền đơn kỳ cục, in thô sơ trên giấy chất lượng tồi.
Trong bức ảnh là một anh chàng ít tuổi hơn chúng tôi một chút, khoảng chừng mười ba. Cậu ta đứng rất thẳng, gần như chào cờ, mắt nhìn thẳng vào ống kính, như thể cái máy ảnh đã làm cho sợ. Tay phải cậu ta ôm một chiếc thùng đánh giầy.
Tôi nheo mắt: một thằng nhóc tò mò, phải không? Tóc vàng ươm, da rám nắng, mái tóc bù xù mọi rợ, đôi mắt xanh mở to, hơi giống hình bầu dục. Chiếc áo sơ mi phai màu, cái quần soóc cũ kỹ, chân trần trên cát. Phía sau cậu ta là biển cả.
Carabine nhìn qua vai tôi, nó kêu lên:
- A! Đẹp trai đấy chứ, phải không?
Tôi nhíu mày. Đúng... Nhưng rất lo lắng.
Trông có vẻ bối rối với đôi mắt xếch, dữ tợn. Tôi thì thào:
- Cậu ta kỳ cục... như thể đang bị bao vây bởi những nguy hiểm, đe dọa.
Mẹ khẽ vuốt má tôi:
- Lúc nào con cũng đoán ra, Caravelle.
Điều đó làm tôi thích thú. Mẹ thường gọi tôi là cô bé phù thủy của mẹ. Mẹ cho rằng tôi có thể nhìn thấu các vật, những con người và những điều họ nghĩ. Carabine, ngược lại, là một cái máy chính xác, sắc bén, và rắc, nó sẽ cắt thế giới thành những lát mỏng cho bạn trước khi có ai đó kịp hiểu ra.
Bố nói xen vào:
- Hãy xem tờ giấy kia đi.
Tôi không thích giọng nói của ông. Đinh tai. Khàn khàn. Tôi vơ lấy tờ giấy. Bỗng dưng, tôi sợ.
Đó là một bức vẽ vụng về: một chiếc quan tài được vẽ bằng những nét bút to đùng, mực đen trên nền trắng. Trên đó là một dấu thập. Dưới chiếc quan tài là một dòng chữ đen to: LÉONE BEAUREGRET. Tên mẹ tôi.
Carabine cười phá lên:
- Thật là ngu ngốc!
Tôi rùng mình:
- Chắc chắn là không...
Mẹ im lặng. Không giống mẹ chút nào cả.
Bố lưỡng lự, giải thích:
- Hai bức thư này được gửi tới ngày hôm qua. Bố mẹ quyết định nói với các con chuyện này.
- Chuyện gì cơ?
Mẹ bắt đầu:
- Các con có nhớ chuyến đi của mẹ tới California vào năm ngoái không? Mẹ đi điều tra về vụ một kẻ buôn bán ma túy, một tên Pastor nào đấy, đã mất tích ngoài biển. Hắn ta bị tình nghi đã tổ chức một đường dây buôn bán côcain giữa Nam Mỹ và nước Mỹ.
- Thế thì sao ạ?
Mẹ thở dài:
- Ở đó, người ta đã đe dọa mẹ. Một cậu bé đã giúp mẹ. Hơn cả giúp nữa...
- Nhưng...
Mẹ cắt ngang:
- Cái quan tài này là lời cảnh cáo mới. Rất nghiêm túc.
Mẹ kể. Carabine nghe. Tôi cũng vậy, cuộn mình trong một chiếc ghế bành cũ. Cái mùi da cũ quen thuộc bao quanh tôi, làm cho tôi yên tâm.
- Mẹ lần theo dấu vết của tên Pastor tới Bogota, tới Caracas, và cuối cùng tới San Diego, nước Mỹ. Một thành phố kỳ lạ, chiến cảng xen lẫn những bãi nghỉ, bao bọc bởi những vùng biển bao la, nằm khuất giữa sa mạc và đại dương. Mùa hè ở đó kéo dài suốt năm...
Tôi nhắm mắt lại. Giọng nói của mẹ lúc trầm lúc bổng, như những đợt sóng trên cát.
- Một hôm, một tên chỉ điểm, một tên Morelio nào đó, đã hẹn gặp mẹ tại bến tàu vào lúc bình minh.
Im lặng.
- Mẹ nhìn thấy những bến cảng hoang vắng, những con chim mòng biển, những đống rác rưởi, những kẻ ăn mày già nua nằm co rúm dưới những tờ báo...
Trí tưởng tượng của tôi bỗng khởi động, như một động cơ. Các hình ảnh hiện lên: những con tàu chở hàng to kềnh ẩm ướt, han gỉ, những chiếc cần trục dựng đứng, vẻ đe dọa, tựa như những cái giá treo cổ, ánh mặt trời của buổi bình minh mờ ảo, đáng ngờ, như một con mèo lúc mới tỉnh giấc. Xa hơn một chút là những cái bóng dẹt và yểu điệu của những tàu sân bay.
Mẹ tiếp tục:
- Không thấy Morelio. Thay vào chỗ của hắn ta, một thằng bé đứng nhìn mẹ.
Carabine sốt ruột ngắt lời:
- Thằng bé ở trong bức ảnh!
- Cậu ta không biết là mẹ giấu một chiếc máy ghi âm trong túi xách. Mẹ vẫn luôn mang nó bên mình.
Một tiếng cạch của máy cát-xét. Tiếng mẹ và tiếng của thằng bé tóc vàng: một thứ tiếng Anh chậm rãi, dễ hiểu. Tiếng kêu của những con mòng biển, tiếng còi phía xa xa, tắc tịt.
- Bà là bà người Pháp? Bà Léone Beauregret có phải không ạ?
- Đúng thế. Ông Morelio cử cháu tới à?
Tôi liếc qua gương, những đám mây, đại dương. Tôi đang cùng với họ, trên bãi biển. Làn gió mặn quất vào mặt tôi, làm cho mái tóc tôi trở nên dính nhơm nhớp. Tôi thấy đôi mắt xanh của thằng bé sáng lên.
- Không... đúng ra...
Mẹ do dự:
- Cô không hiểu.
Thằng bé chợt chú ý:
- Cô nói tiếng Anh rất giỏi.
Giọng mẹ tiếp tục, với một sắc thái mà tôi biết: thằng bé kia đã làm cho mẹ hài lòng. Bà cảm thấy có thiện cảm với nó. Mà tại sao lại không cơ chứ? Quyến rũ.
- Cám ơn.
Tôi... tôi nhìn thằng bé, cậu ta căng thẳng, lo âu, day dứt bởi một mối hy vọng cay đắng và giận dữ. Đột nhiên, cậu ta đứng thẳng lên một cách đĩnh đạc và tuyên bố:
- Vậy, cô từ châu Âu tới có phải không? Có ngày, cháu sẽ tới đó.
Mẹ không đáp lại. Thằng bé nhắc lại:
- Sẽ có ngày cháu tới đó! Cháu chán đi lang thang trên những bãi biển, nhất là với sự bẩn thỉu của bờ cát này, gần như không có giày để mà đánh xi.
Tôi đoán được nụ cười của mẹ, bà tán thành:
- Hẳn là như vậy.
Cậu ta cười với mẹ, nói liền một hơi, bằng một giọng rõ ràng:
- Cô đang bị nguy hiểm. Nếu như cháu cứu sống cô, cô sẽ đưa cháu tới đó chứ? Tới châu Âu ấy? Rời xa đây? Ở châu Âu có mùa đông, và không có những băng đảng, không có những vụ ám sát, buôn bán ma túy. Ở đây, lúc nào cháu cũng sợ, và cháu ghét ánh nắng.
Mẹ khẽ lắc mái tóc vàng; tôi đã không để ý, tóc của mẹ có màu giống hệt màu tóc của thằng bé.
- Cháu biết đấy, châu Âu cũng có những yếu điểm của nó.
Không thèm nghe mẹ nói, cậu ta sốt ruột hỏi:
- Cô ở khách sạn Hilton có phải không ạ? (Những bức thư, những bưu thiếp của mẹ đều từ đó gửi về).
- Sao cháu biết?
Cậu bé hỏi luôn:
- Cô có gia đình rồi phải không?
- Ừ
- Ở Pháp phải không?
- Đúng. Ở Paris.
Giọng mẹ luôn tươi cười. Thằng bé đã làm cho mẹ vui, làm cho mẹ hài lòng.
Thằng bé đánh giày rít lên với vẻ ngạo mạn, nhìn chằm chằm vào mặt mẹ với vẻ, với vẻ... Tôi muốn thực sự ở bên cạnh nó, trên bến tàu bẩn thỉu, tôi sẽ quăng nó xuống cái thứ nước nhơ nhớp, vấy dầu kia.
Nó nói đùa:
- Ưm... Chồng cô thật may mắn.
Bố thở dài. Mẹ nói rõ hơn:
- Cô có hai con gái, nhiều tuổi hơn cháu một chút.
Nó quệt đôi chân trần lên bến cảng ẩm ướt, gõ gõ ngón tay lên chiếc thùng đánh giầy, nhăn nhó với vẻ mỉa mai:
- Tiếc quá... nhưng nếu như các chị ấy cũng giống cô thì cũng không tồi...
Tôi muốn bạt tai nó. Mẹ cười lớn:
- Cháu là một chú chim kỳ cục.
Tôi nghe thấy tiếng kêu của những con mòng biển, chói tai, đứt khúc, ám ảnh, lẫn giữa những tiếng còi rất to của những chiến hạm, giữa tiếng vù vù của những chiếc máy bay tiêm kích.
Mẹ hỏi bằng một giọng sắc sảo:
- Thế nào, nguy hiểm chết ngưòi à? Morelio cử cháu đến để bảo vệ cô à?
Kevin lắc lắc mái tóc bù xù:
- Chính hắn ta sẽ giết cô. Tối nay, hắn ta sẽ lại gọi điện cho cô. Hắn ta sẽ hẹn gặp cô ở một khu phố nguy hiểm... và hắn ta sẽ hạ cô.
- Cậu bị điên rồi.
Thằng bé tỏ vẻ tinh ranh:
- Cháu biết mọi chuyện, cháu đi mua đồ cho họ, họ không nghi ngờ một thằng nhóc...
Trước khi bà kịp đáp lại, nó khẳng định lại bằng một giọng khoác lác:
- Cô đừng sợ! Đến ngày mai họ mới thanh toán cô cơ. Nhưng không có vấn đề gì: cháu sẽ cứu cô, cháu có ảnh trong các tờ báo, và cô sẽ đưa cháu đi. Hết rồi nước Mỹ, mặt trời đao búa và những chiếc giày để đánh xi!
Cậu ta lo lắng:
- Có phải ảnh màu không hả cô? Người ta sẽ thấy rằng tóc cháu màu vàng phải không ạ? Như những người châu Âu ấy. Không phải như những tên cướp đang tàn sát khắp nơi. Còn vàng hơn cả tóc cô ấy chứ!
Một ý nghĩ kỳ cục. Nhưng nó chợt xoay người lại nhanh như cắt đẩy người mẹ ra:
- Coi chừng!
Một tiếng kêu, một tiếng đạn nổ, lại một tiếng kêu.
Mẹ tắt băng. Tôi có cảm tưởng rằng vô số những quyển sách kia cũng cảm giác được bụi và ẩm mốc, rằng những chiếc ghế bành cổ kính kia rách toang ra như những tờ giấy.
- Mẹ không bị thương. Cậu ta quỳ sụp xuống, tay ôm lấy vai trái. Hẳn là cậu ta đã không được biết nhiều lắm về Morelio và âm mưu của hắn ta...
Cuộn băng lại tiếp tục chạy, thằng bé ấp úng:
- Cháu cứ nghĩ là chúng ta còn có thời gian!
Lại một tiếng súng nổ. Cậu ta rên rỉ, mê sảng:
- Chạy đi!
Cuộn băng thực sự dừng lại. Tôi chớp chớp mắt, quay trở lại với gian phòng. Bố kia. Carabine. Mẹ dường như đang suy nghĩ, mơ mộng.
- Một tiếng sau, mẹ cùng với cảnh sát quay trở lại. Kevin đã biến mất.
Bà thở dài:
- Mẹ đã không thể tìm lại được cậu ta. Cảnh sát khuyên mẹ nên từ bỏ cuộc điều tra của mình, rời California thật nhanh. Và Morelio cũng đã chết: không còn cách nào có thể hỏi cung hắn được nữa. Mẹ đã để lại tiền và những thông tin để người ta tìm lại thằng bé.
Mẹ cầm lấy hai tờ giấy trên mặt bàn:
- Sáng nay, khi tới nơi, mẹ mở thùng thư ra xem. Một người bạn California đã báo cho mẹ rằng ông ấy đã tìm thấy Kevin. Ông ấy gửi ảnh nó cho mẹ. Và cũng cùng trong chuyến thư đó, mẹ đã nhận được lời đe dọa giết mẹ.
Ký Tên Thứ Sáu Ngày 13 Ký Tên Thứ Sáu Ngày 13 - Paul Thies Ký Tên Thứ Sáu Ngày 13