Huynh Đệ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần I - Chương 1
ý Trọc, nhà siêu tỉ phú của thị trấn Lưu chúng tôi, có ý nghĩ hết sức kỳ cục, định bỏ ra hai mươi triệu đô la đi một chuyến du lịch vũ trụ trên phi thuyền Liên Hợp của Nga. Ngồi trên bô vệ sinh mạ vàng nổi tiếng gần xa của mình, Lý Trọc nhắm mắt, bắt đầu tưởng tượng cuộc sống bồng bềnh trôi dạt của mình trên quỹ đạo khoảng không vũ trụ, bốn chung quanh trong lạnh, thăm thẳm, không biết đâu mà dò. Lý Trọc cúi nhìn bao quát trái đất tráng lệ từ từ trải dài, tự dưng trong lòng chua xót rơi nước mắt, lúc này Lý Trọc mới chợt nhận ra, mình không còn ai là người ruột thịt trên trái đất này.
Lý Trọc đã từng có một người anh em sống dựa vào nhau là Tống Cương. Tống Cương trung hậu quật cường, lớn hơn Lý Trọc một tuổi, cao hơn Lý Trọc một cái đầu, đã chết cách đây ba năm, biến thành một đống tro xương, đựng trong một hộp gỗ nho nhỏ. Nghĩ đến cái hộp gỗ nho nhỏ đựng tro xương của Tống Cương, Lý Trọc cảm khái muôn phần, nghĩ bụng, một cây bé tí tẹo đốt thành tro, cũng còn nhiều hơn tro xương của Tống Cương.
Khi mẹ Lý Trọc còn sống, bà cứ thích nói với Lý Trọc: Bố nào con ấy. Bà muốn nói đến Tống Cương, bà bảo Tống Cương trung thành lương thiện, Tống Cương giống bố y hệt, hai bố con Tống Cương như hai quả dưa trên một dây dưa. Khi nói đến Lý Trọc, bà không nói như vậy, cứ lắc đầu quầy quậy, bà nhận xét Lý Trọc và bố là hai người khác hẳn nhau, mỗi người đi một đường. Mãi cho đến năm Lý Trọc mười bốn tuổi, khi nhòm trộm mông của năm người đàn bà trong nhà vệ sinh công cộng bị bắt tại chỗ, mẹ Lý Trọc mới hoàn toàn thay đổi cách đánh giá. Cuối cùng bà đã biết, Lý Trọc và bố thật ra cũng là hai quả dưa trên một dây dưa. Lý Trọc nhớ rất rõ, mẹ mình lúc ấy đã hoảng sợ nhìn đi chỗ khác đau khổ quay lưng, lau nước mắt, nức nở nói:
- Chao ơi, bố nào con ấy!
Lý Trọc không biết mặt bố đẻ, ngày Lý Trọc chào đời, bố cậu đã ra đi với tiếng xấu ngút trời. Mẹ nói bố cậu chết đuối. Lý Trọc hỏi sao lại chết đuối, chết đuối ở sông, hay chết đuối ở ao? Hay chết chìm ở giếng? Mẹ cậu không nói một lời. Sau đó Lý Trọc đi nhòm trộm mông đàn bà trong nhà xí bị bắt quả tang, nói theo mốt hiện nay là vụ" xì căng đan". Sau khi vụ tai tiếng của Lý Trọc trong nhà vệ sinh bị vỡ lở, tiếng xấu loang ra cả thị trấn chúng tôi, LýTrọc mới biết mình và bố đúng là hai quả dưa thối đậu trên một dây dưa. Bố đẻ của Lý Trọc khi nhòm trộm mông đàn bà trong nhà vệ sinh, không cẩn thận đã lăn thùm xuống hố phân chết chìm.
Già trẻ trai gái ở thị trấn Lưu chúng tôi cười vui hớn hở, hễ mở mồm ra đều nhắc đến câu: Bố nào con ấy. Chỉ cần là cây, thế nào cũng có lá, chỉ cần là người của thị trấn Lưu, thì ai cũng có câu thiền ấy ở cửa miệng. Ngay đến trẻ con còn bú, khi i a tập nói, cũng học được câu văn ngôn trục trặc này. Người ta cứ chỉ chỉ chỏ chỏ vào Lý Trọc, xi xầm với nhau, che miệng cười. Nhưng với nét mặt như không có tội, đi trên phố to ngõ nhỏ, Lý Trọc cứ tỉnh bơ, trong bụng luôn cười hì hì, lúc đó Lý Trọc sắp bước sang tuổi mười lăm, đã biết đàn ông là cái thứ gì.
Bây giờ khắp thế giới chỗ nào cũng có đàn bà hở mông ngúng nga ngúng nguẩy, trong vô tuyến truyền hình, trong phim ảnh, trong VCD, trong DVD, trên quảng cáo, trên hoạ báo, trên bút bi dùng để viết chữ, trên máy bật lửa dùng để hút thuốc… loại mông nào cũng có, mông nhập khẩu, mông nội địa, trắng vàng đen nâu, to nhỏ beó gầy, nhẵn thô non già, có giả có thật, cứ lung linh rối mắt, cứ tha hồ ngắm nhìn. Mông của đàn bà thời nay đã mất giá, dụi mắt một cái là trông thấy, hắt hơi một cái là đụng phải, rẽ ngoặt một cái là dẵm phải. Ngày xưa không dễ đâu. Ngày xưa đó là bảo bối vàng không đổi bạc không đổi châu báu cũng không đổi. Ngày xưa đành phải ra nhà vệ sinh nhìn trộm, cho nên mới có tiểu lưu manh như Lý Trọc bị tóm cổ tại chỗ, mới có đại lưu manh như bố Lý Trọc bị mất mạng taị chỗ.
Nhà vệ sinh công cộng thời bấy giờ khác bây giờ. Nhà vệ sinh công cộng bây giờ có dùng đến kính tiềm vọng cũng chịu chết, không sao nhìn thấy mông đàn bà. Nhà vệ sinh công cộng ngày xưa chỉ có một bức tường mỏng ngăn cách giữa nam và nữ, ở dưới là hố phân chung trống tuyềnh trống toàng. Phía bên kia đàn bà đaị tiểu tiện nghe tiếng rất thật rõ mồn một, như ghẹo bạn hướng sang và bạn đã cắm đầu xuống nhìn. Chỗ ấy vốn là nơi bạn nên ngồi vào, thì cơn thèm khát bừng bừng đã dúi đầu bạn xuống, hai tay bạn bám chặt thanh gỗ, hai đùi và bụng bạn kẹp chặt tấm chắn, mùi hôi thối hun bạn tới mức nước mắt ứa ra, dòi bọ bò lổm ngổm chung quanh bạn, bạn cũng mặc kệ. Động tác của bạn giống như tư thế của tuyển thủ bơi lội săp sửa nhẩy xuống nước khi thi đấu. Đầu và thân bạn cúi xuống càng sâu, thì bạn nhìn thấy mông càng rõ hơn.
Lần ấy Lý Trọc nhìn một lúc thấy những năm cái mông. một cái bé, một cái béo, hai cái gầy và một cái không béo không gầy, xếp thành hàng ngay ngắn, y như năm miếng thịt lợn treo ở cửa hàng thịt. Cái mông béo giống như miếng thịt còn tươi nguyên, hai cái mông gầy giống như thịt ướp muối, còn cái mông be bé không đáng nhắc đến. Lý Trọc thích là thích cái mông không béo không gầy, ở ngay trước mắt. Trong năm cái mông, thì cái này tròn nhất, tròn tới mức như cuộn lại, làn da căng lên, khiến cậu nhìn thấy cái xương cùng trên đó hơi nhô ra. Tim cậu đập thình thịch, cậu muốn xem xem những cái lông ở phía bên kia của xương cùng, muốn xem xem lông mọc ở chỗ nào. Thân cậu tiếp tục hạ thấp xuống, đầu cậu tiếp tục vùi xuống. Giữa lúc cậu sắp nhìn thấy lông … của đàn bà,thì cậu bị bắt quả tang.
Có một người tên là Triệu Thắng Lợi lúc này vừa vặn chạy vào nhà vệ sinh. Câu ta là một trong hai tài tử lớn của thị trấn Lưu chúng tôi, trông thấy có một người cúi rạp đầu và nửa người phía trên Cậu biết ngay là chuyện gì. Cậu túm luôn áo sau lưng Lý Trọc, nhấc bổng Lý Trọc lên như nhổ củ cải.
Triệu Thắng Lợi lúc ấy hơn hai mươi tuổi đã từng in một bài thơ ngắn bốn dòng trên tạp chí in rô nê ô của Nhà văn hoá huyện chúng tôi. Bởi thế cậu đã có một biệt hiệu nổi tiếng - - - Nhà thơ Triệu. Sau khi bắt được Lý Trọc trong nhà vệ sinh, nhà thơ Triệu sung sướng mặt đỏ phừng phừng, cậu nhấc Lý Trọc mười bốn tuổi ra ngoài nhà vệ sinh, thao thao bất tuyệt trách mắng răn dạy một thôi một hồi. Khi xơi xơi trách mắng răn dạy, mồm cậu vẫn đầy ắp ý thơ ý tranh:
- Hoa rau cải dầu ở ngoài đồng vàng muốt mắt mày không đi xem, cá dưới sông tung tăng vui đùa trong nước mày không đi thưởng thức, trời xanh bao la, mây trắng nõn nà, đẹp tuyệt vời như thế, mày không ngẩng mắt lên ngắm, lại cứ dúi đầu vào chỗ đấy mà nhòm....
ở bên ngoài nhà vệ sinh, nhà thơ Triệu cứ thế nói bô bô, có đến hơn mười phút, trong nhà vệ sinh nữ vẫn không có động tĩnh, nhà thơ Triệu sốt tiết, chạy đến ngoài cửa nhà vệ sinh nữ làm toáng lên, giục năm cái mông ở trong phải mau mau ra. Cậu quên mình là một nhà thơ nhã nhặn lịch sự. Cậu gọi những người đang ở trong một cách thô tục:
- Các người đừng có ỉa đái gì nữa, mông của các người bị người ta xem chán xem chê, các người không biết gì hết, các người có mau mau ra không.
Cuối cùng chủ nhân của năm cái mông đã lao ra như xung phong, cơn giận ngút trời, nghiến răng nghiến lợi, the thé thét lên, khóc khóc mếu mếu.Khóc khóc mếu mếu là cái mông be bé không đáng nhắc đến trong con mắt của Lý Trọc, một bé gái mười một, mười hai tuổi, hai tay ôm mặt, khóc đến nỗi toàn thân run bần bật, cứ làm như cô bé vừa bị Lý Trọc cưỡng hiếp, chứ không phải bị nhòm trộm. Lý Trọc bị nhà thơ Triệu túm cổ đứng ở một bên, nhìn cái mông be bé khóc nức nở, thầm nghĩ, mày khóc cái đếch gì, cái mông ti ti chưa phát dục của mày có gì mà đáng khóc, mẹ kiếp, không có cách nào, ông mới tiện thể nhòm cái mông tẻo teo của mày một cái.
Cô gái xinh đẹp mười bảy tuổi là người ra sau cùng. Cô xấu hổ đỏ mặt, vội vàng nhìn Lý Trọc một cái, rồi vội vàng quay người chạy đi. ở phía sau, nhà thơ Triệu gân cổ gọi với theo, bảo cô đừng đi, bảo cô quay lại, bảo cô đừng xấu hổ, bảo cô mau mau trở lại mở rộng chính nghĩa. Không thèm quay đầu lại, cô càng đi càng nhanh. Nhìn cái mông vặn vẹo của cô khi đi, Lý Trọc biết ngay, cái mông tròn như cuộn lại là của cô.
Sau khi cái mông tròn như cuộn lại đi xa, cái mông bé tẻo teo khóc khóc mếu mếu cũng đi nốt, một cái mông gầy gầy xương xương buột mồm chửi Lý Trọc, phì phì nhổ bọt vào đầy mặt cậu, sau đó giơ tay lau mồm mình, rồi cũng bỏ đi. Lý Trọc nhìn bà ta đi, cái mông của bà ta gầy lép kẹp đến mức, sau khi mặc quần vào chẳng trông thấy mông đâu.
Ba người còn lại giải Lý Trọc đến đồn công an. Nhà thơ Triệu mặt mày hớn hở cùng với một cái mông béo như thịt tươi và một cái mông gầy như thịt ướp, áp giải Lý Trọc đi trong thành phố nhỏ không đến năm vạn dân của chúng tôi. Khi đi được nửa đường, một tài tử lớn nữa của thị trấn Lưu chúng tôi – Lưu Thành Công cũng nhập vào cùng đi.
Lưu Thành Công cũng hơn hai mươi tuổi, cũng từng đăng tác phẩm trên tạp chí in rô nê ô của Nhà văn hoá huyện chúng tôi xuất bản, cậu ta đăng một truyện ngắn, chiếm hẳn hai trang, dầy chi chít, so với bài thơ ngắn bốn dòng của nhà thơ Triệu đăng trong khe hẹp, thì oách hơn nhiều. Lưu thành Công cũng có một biệt hiệu danh nhân – Nhà văn Lưu. Về biệt hiệu, Nhà văn Lưu không thua kém nhà thơ Triệu, đương nhiên cũng không thua kém nhà thơ Triệu những chỗ khác. Nhà văn Lưu cầm trong tay một bao gạo không, vốn định ra cửa hàng lương thực mua gạo, trông thấy nhà thơ Triệu bắt sống Lý Trọc nhòm trộm mông đàn bà đang cậy công diễu võ dương oai, nhà văn Lưu thầm nghĩ, không thể để nhà thơ Triệu chơi trội một mình, mình cũng phải ra tay dây máu ăn phần. Nhà văn Lưu gọi rõ to đi lên trước, ra vẻ ta đây có công mang than đến cho người đang rét, cậu ta nói với nhà thơ Triệu:
- Mình đến giúp cậu một tay!
Nhà thơ Triệu và nhà văn Lưu là bạn văn chương thân mật. Nhà văn Lưu đã từng tìm khắp lượt trên đời những từ ngữ hay, ca ngợi bài thơ ngắn bốn dòng của nhà thơ Triệu. Hòn đất ném đi hòn chì ném lại, nhà thơ Triệu cũng dùng những lơì hay ý đẹp, ngợi ca truỵện ngắn hai trang của nhà văn Lưu. Nhà thơ Triệu vốn đi sau túm cổ áo Lý Trọc. Bây giờ nhà văn Lưu hô hét đi ở phía trước, nhà thơ Triệu liền chuyển sang bên trái, để nhà văn Lưu đi ở bên phải. Vậy là hai tài tử lớn của thị trấn chúng tôi vào hùa với nhau, một trái một phải, cùng túm cổ áo Lý Trọc, bắt đầu cuộc diễu phố dai dẳng. Họ luôn mồm nói, sẽ dong đến đồn công an. Gần đấy có một đồn công an, nhưng họ không đưa vào, cố tình đi vòng đến đồn công an xa hơn. Không đi ngõ nhỏ, họ cứ chọn đi theo phố lớn, chơi trội hết mình. Họ vừa áp giải Lý Trọc diễu phố, lại vừa hâm mộ cậu bé. Họ nói với Lý Trọc:
- Mày thấy chưa, mày thấy chưa, hai tài tử lớn giải mày, một thằng oắt con như mày phúc tổ mả dầy đấy con ạ…
Đang trong cảm hứng, nhà thơ Triệu nói thêm:
- Chuyện này có khác gì Lý Bạch và Đỗ Phủ áp giải mày…
Nhà văn Lưu cảm thấy ví dụ của nhà thơ Triệu không thoả đáng, Lý Bạch và Đỗ Phủ đều là nhà thơ, mà mình là nhà văn viết tiểu thuyết, nên sửa lại:
- Phải nói là Lý Bạch và Tào Tuyết Cần áp giải mày mới đúng...
Khi bị dong đi diễu phố, Lý Trọc vẫn còn ngó ngó nghiêng nghiêng, nét mặt cứ tỉnh khô, nghe thấy hai tài tử lớn của thị trấn Lưu chúng tôi tự ví là Lý Bạch và Tào Tuyết Cần, Lý Trọc không nín nổi cười hì hì. Cậu nói:
- Ngay đến tôi cũng biết, Lý Bạch người đời Đường, Tào Tuyết Cần người đời Thanh, tại sao người đời Đường lại chung sống với người đời Thanh mới được chứ?
Dân chúng dọc phố đi theo cười rộ lên, họ bảo Lý Trọc nói đúng, bảo hai tài tử bự của thị trấn Lưu có trình độ văn học cao, nhưng kiến thức lịch sử vẫn không bằng thằng nhóc hư hỏng nhòm trộm mông đàn bà, làm cho hai vị tài tử lớn đỏ mặt tía tai, nhà thơ Triệu nghển cổ lên bảo:
- Chẳng qua là người ta lấy ví dụ...
- Thay một ví dụ khác cũng được – Nhà văn Lưu nói - Nói thế nào thì nói cũng là một nhà thơ và một nhà văn áp giải mày, có khác gì Quách Mạt Nhược và Lỗ Tấn dong mày.
Dân chúng khen ví dụ lần này đúng, Lý Trọc cũng gật gật đầu. Cậu bảo:
- Lần này còn khá.
Nhà thơ Triệu và nhà văn Lưu không dám nói đến lĩnh vực văn học nữa, họ túm cổ áo Lý Trọc, tố cáo hành động lưu manh của Lý Trọc một cách oai phong lẫm liệt và cũng oai phong lẫm liệt đi về phía trước.
Trên dọc đường, Lý Trọc trông thấy rất đông người, đông lắm, có những người cậu quen, có những người cậu không quen. Họ cứ "hì hì", "hà hà", "ha ha" cười liên tục. Nhà thơ Triệu và nhà văn Lưu giải cậu, vừa đi vừa giải thích với dân chúng trên phố một cách không biết chán, so với người chủ trì dẫn dắt chương trình trên vô tuyến truyền hình, họ tỏ ra còn say nghề hơn. Hai người đàn bà bị Lý Trọc nhòm trộm mông, giống như khách mời đặc biệt trên vô tuyến truyền hình. Họ và nhà thơ Triệu, nhà văn Lưu, kẻ tung người hứng, nét mặt họ chốc chốc căm phẫn, chốc chốc oan uổng, chốc chốc lại vừa căm phẫn vừa oan uổng. Cứ thế họ đi, đi mãi, đột nhiên cái mông béo hét toáng lên, chị ta chợt trông thấy chồng mình trong đám đông túm vào xem. Thế là chị ta oà khóc hu hu, nói bô bô với chồng:
- Mông em đã bị thằng này nó nhòm, ngoài mông ra, không biết nó còn nhòm thấy những gì, anh tát vào mặt nó đi!
Mọi người đều cười, nhìn chồng chị ta, chồng chị ta đỏ mặt chau mày, đứng tại chỗ không hề nhúc nhích. Lúc này, nhà thơ Triệu và nhà văn Lưu giữ Lý Trọc đứng lại. Hai người túm cổ áo Lý Trọc, giải đến trước mặt ông chỗng xúi quẩy, giống như đưa khúc xương vào mồm con chó. Người đàn bà mông béo tiếp tục nức nở, tiếp tục nói oang oang, đòi chồng đánh Lý Trọc. Chị ta nói:
- Mông em xưa nay chỉ để một mình anh nhìn, bây giờ đã để thằng nhóc lưu manh này nhòm trộm, vậy là đã có hai người nhìn thấy mông em, em biết làm thế nào anh ơi, anh hãy mau mau tát vào mặt nó! Móc mắt nó đi! Tại sao anh cứ đứng im thin thít thế?Anh không cảm thấy mất mặt hả?
Đám đông quây xem cười ồ lên, ngay đến Lý Trọc cũng cười hì hì, thầm nghĩ, kẻ làm người đàn ông này mất mặt không phải Lý Trọc ta, mà chính là con mụ mông béo kia. Người vợ mông béo lúc này the thé thét với chồng:
- Anh xem kìa, nó vẫn còn nhăn nhở cười. Nó được hời mà! Nó sướng quá mà! Anh thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nó đi! Anh bị thiệt lại không đánh nó hả?
Người đàn ông mặt xanh xám là anh Đồng, thợ rèn nổi tiếng của thị trấn Lưu chúng tôi, lúc còn bé, Lý Trọc thường hay đến hiệu lò rèn của anh, xem những tia lửa bắn tung toé ra khi rèn sắt rất đẹp mắt. Bây giờ thợ rèn Đồng tức giận đến nỗi mặt xám ngoét, hơn thỏi sắt nguội, anh vung bàn tay hộ pháp vẫn dùng để rèn sắt, tát vào mặt Lý Trọc " bốp" một cái như búa bổ, khiến cậu bé ngã dúi đầu xuống đất, khiến cậu bé rụng tại chỗ hai cái răng, khiến mắt cậu bé nẩy đom đóm tối sầm lại, khiến nửa mặt cậu bé sưng húp lên, khiến tai cậu bé kêu ong ong một trăm tám mươi ngày. Cái tát này khiến Lý Trọc cảm thấy mình tổn thất nặng nề thê thảm. Cậu thề rằng, từ nay trở đi, khi lại gặp mông vợ thợ rèn, có cho vàng các bạc, cậu cũng nhắm tịt mắt, sống chết dứt khoát không nhìn.
Sau khi Lý Trọc bị đánh, mặt sưng tím tái, mũi hộc máu. Nhà thơ Triệu và nhà văn Lưu tiếp tục giải đi diễu phố. Trên phố lớn của thị trấn Lưu, họ cứ quanh đi quẩn lại. Ba lần đi qua đồn công an, cảnh sát trong đồn ba lần đổ ra cổng xem, nhà thơ Triệu và nhà văn Lưu vẫn không dong lý Trọc vào. Nhà thơ Triệu, nhà văn Lưu và hai cái mông, một béo một gầy, giải Lý Trọc cứ đi, đi miết, dai dẳng không biết bao giờ dứt. Đi tới mức cái mông béo như thịt tươi mất hào hứng, đi tới mức cái mông gầy như thịt ướp, cũng mỏi cẳng không muốn bước, sau khi hai cái mông nạn nhân bỏ về, nhà thơ Triệu và nhà văn Lưu lại dong Lý Trọc đi một vòng nữa trong huyện lỵ, mãi đến lúc họ cảm thấy chân mỏi lưng đau, miệng khát lưỡi khô, mới đưa Lý Trọc vào đồn công an.
Năm viên cảnh sát trong đồn xô lại, vây quanh Lý Trọc thẩm vấn. Đầu tiên họ hỏi rõ tên của năm người đàn bà, sau đó thẩm vấn từng người từng cái mông, ngoài cái mông be bé, họ không thẩm vấn, bốn cái mông khác họ đều thẩm vấn. Không có chút nào giống họ đang thẩm vấn, trái lại y như họ đang dò hỏi Lý Trọc. Khi Lý Trọc bắt đầu khai báo nhòm trộm mông của Lâm Hồng như thế nào,tức là cái mông không béo không gầy tròn như cuộn lại, năm viên cảnh sát giống như nghe kể truyện ma, nét mặt đầy vẻ căng thẳng. Cô gái mông tròn tên là Lâm Hồng, là ngừơi đẹp nổi tiếng của thị trấn Lưu chúng tôi. Năm viên cảnh sát của đồn công an thường ngày đã từng ngắm cái mông đẹp của Lâm Hồng qua lớp vải quần khi cô đi trên phố. Trong huyện lỵ này, nhiều đàn ông đã nhìn mông Lâm Hồng cách một lần vải, chỉ có một mình Lý Trọc đã nhìn thấy mông thật thịt thật sau khi Lâm Hồng cởi quần. Sau khi giữ được Lý Trọc, năm viên cảnh sát tự nhiên không để mất thời cơ, họ cứ hỏi đi hỏi lại. Khi Lý Trọc nói đến làn da căng phồng và cái xương cùng hơi nhô lên của Lâm Hồng, mười con mắt của năm vị cảnh sát đột nhiên sáng bừng lên như bóng đèn bật điện. Ngay sau đó, khi Lý Trọc nói, chưa kịp trông thấy cái gì nữa, thì mười con mắt như bóng đèn lập tức tối sầm lại như mất điện, họ đầy vẻ thất vọng, buồn thỉu buồn thiu, họ đập bàn quát Lý Trọc:
- Thật thà khai báo khoan hồng, ngoan cố chống đối nghiêm trị. Nghĩ xem, còn trông thấy gì hả?
Lý Trọc sợ mất vía khai tiếp, cậu cố tình hạ thấp người chút nữa, định xem lông … của Lâm Hồng như thế nào và cái chỗ mọc lông hình thù ra làm sao. Vì hồn bay phách lạc, cho nên Lý Trọc nói khe khẽ, họ cứ nghe, cứ nghe, tự dưng nín thở. Lý Trọc hình như lại kể truyện ma, nhưng ma sắp sửa xuất hiện lại biến mất. Lý Trọc nói với họ, giữa lúc cậu sắp nhìn thấy lông … của Lâm Hồng đến nơi, thì nhà thơ Triệu liền nhấc bổng cậu lên, kết quả đều không nhìn thấy gì. Vô vàn đáng tiếc, Lý Trọc nói:
- Chỉ chút xíu, chút xíu nữa thôi...
Sau khi Lý Trọc nói hết, năm viên cảnh sát không kịp phản ứng ngay, vẫn trân trân nhìn cậu, nhìn một lát, thấy mồm cậu không động đậy, họ mới biết lại là một câu truyện không có kết thúc.Nét mặt họ ly kỳ cổ quái, y như năm con ma đói trợn mắt nhìn con vịt luộc chín bay mất. Một viên cảnh sát không nhịn nổi, lên tiếng oán trách nhà thơ Triệu. Anh ta nói:
- Cái thằng cha họ Triệu không chịu khó ngồi ở nhà mà viết thơ ca, ra nhà vệ sinh làm gì?
Cảnh sát trong đồn cảm thấy không khai thác được gì thêm ở miệng Lý Trọc nữa, liền để mẹ Lý Trọc đến nhận con trai về. Lý Trọc bảo họ, mẹ cậu là Lý Lan, làm việc ở nhà máy tơ. Một vị cảnh sát liền đi ra cổng, đứng trên phố lớn gọi, hỏi những người qua lại, có ai biết Lý Lan không, Lý Lan ở nhà máy tơ ấy mà. Viên cảnh sát đứng đó gọi đến năm sáu phút, cuối cùng gặp một người cần đi đến nhà máy tơ. Ông ta hỏi viên cảnh sát:
- Tìm Lý Lan có việc gì?
Viên cảnh sát nói:
- Nhắn bà ấy đến đồn công an, nhận đứa con lưu manh của bà ấy về.
Như một vật bị đánh rơi chờ người đến nhận, Lý Trọc ngồi trong đồn công an suốt cả một buổi chiều.
Ngồi trên chiếc ghế dài của đồn công an, cậu nhìn ánh nắng từ cổng lớn chiếu vào, mới đầu ánh nắng giống như tấm cánh cửa để trên nền xi măng, tiếp theo, ánh nắng sáng loáng trên nền xi măng mỗi lúc một hẹp đi, biến thành như một cái sào tre, sau đó vụt tắt ngay trước mắt. Lý Trọc không biết mình đã trở thành một danh nhân, ai đi qua đồn công an, cũng tiện thể trẽ vào nhìn cậu một cái, đàn ông đàn bà, hì hì hà hà, đến xem anh chàng nhòm trộm mông đàn bà trong nhà vệ sinh hình thù như thế nào. Lúc không có ai vào xem cậu, vẫn có một hai viên cảnh sát còn tiếc rẻ, bước đến đập bàn, nghiêm giọng đe nẹt:
- Nghĩ kỹ đi, còn có điều gì chưa khai báo không?
Mãi đến lúc trời tối mịt, mẹ Lý Trọc mới xuất hiện ở cổng đồn công an, bà không đến lúc buổi chiều, bà sợ đi trên phố có người chỉ chỉ chỏ chỏ. Mười lăm năm trước, bố đẻ của Lý Trọc đã khiến bà cảm thấy nhục nhã cô cùng. Bây giờ Lý Trọc đổ dầu vào lửa, khiến bà càng nhục nhã hơn. Chờ sau khi trời tối hẳn, bà mới trùm khăn kín đầu, đeo khẩu trang che mồm, lẳng lặng đến đồn công an. Khi đi vào cổng, bà hỏang hốt nhìn con một cái, rồi tránh ngay đi chỗ khác. Bà rụt rè đứng trước mặt viên cảnh sát, giọng run run bà nói với cảnh sát mình là ai. Viên cảnh sát đáng lẽ hết giờ làm việc phải về nhà, đã nổi giận đùng đùng với mẹ Lý Trọc:
- Mẹ kiếp! Bây giờ là lúc nào? Mẹ kiếp đã tám giờ đêm rồi!
Viên cảnh sát bảo, anh đã ăn uống gì đâu, đáng lẽ tối nay anh đi xem phim, anh vừa chen vừa đẩy vừa đá vừa chửi giữa đám đông ở cửa bán vé, mới mua được chiếc ve xem phim, bây giờ thì còn xem cái con c… gì nữa. Bây giờ có ngồi máy bay, cũng chỉ có thể nhìn thấy hai chữ " hết phim" trên màn ảnh. Mẹ Lý Trọc đứng trước mặt viên cảnh sát trông rất tội nghiệp. Viên cảnh sát mắng câu nào, bà gật đầu câu ấy. Cuối cùng viên cảnh sát nói:
- Mẹ kiếp! Đừng có gật đầu nữa! Mau mau về đi, bố còn đóng cửa.
Lý Trọc đi theo mẹ đến phố lớn. Mẹ cậu cúi gằm, lẳng lặng đi ở chỗ cách xa đèn đường. Cậu bám sau lưng mẹ, cứ vung mạnh hai tay, ra vẻ ta đây mặc kệ đời, làm như kẻ nhòm trộm trong nhà vệ sinh không phải cậu, mà là mẹ cậu. Về đến nhà, mẹ Lý Trọc không nói một câu, đi vào buồng riêng, sau khi đóng cửa không có tiếng gì ở bên trong nữa.Đến nửa đêm, trong mơ ngủ, Lý Trọc mơ mơ màng màng cảm thấy mẹ đến trước giường, kéo chăn bị cậu đạp rơi xuống đất, đắp lên người như mọi ngày. Mấy ngày liền, bà Lý Lan không nói chuyện với con trai. Sau đấy, vào một buổi tối trời mưa, nước mắt lưng tròng, bà nói một câu - - - Bố nào con ấy. Ngồi ở đằng sau ánh đèn tù mù, bằng giọng nói rầu rĩ, bà bảo Lý Trọc, sau khi bố đẻ cậu nhòm trộm mông đàn bà trong nhà vệ sinh bị chết chìm, lúc đầu bà cảm thấy không còn mặt mũi nào nhìn người khác, bà đã từng nghĩ đến treo cổ tự vẫn, chính vì tiếng khóc của cậu trong tã lót, mới khiến bà sống tiếp. Sớm biết cậu cũng sẽ thế này, thật chẳng thà bà chết quách ngay từ đầu còn sạch sẽ hơn.
Huynh Đệ Huynh Đệ - Dư Hoa Huynh Đệ