Hai Tờ Di Chúc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2 - Đụng Độ
áng hôm sau, lúc ngồi ăn lót dạ, Ái Lan lại nhắc ông Minh:
- Ba đừng quên mời luật sư Công ăn cơm trưa nay đó nghe, ba!
- Quên sao được, con! Để tới văn phòng là ba kêu điện thoại cho ông ấy liền mà! Nhưng ba nhắc con một lần nữa là không chắc gì thâu lượm được tin tức hay đâu! Con đừng đặt nhiều hy vọng quá, lỡ ra "đi câu lại xách giỏ về không", cái mặt kia sìu sịu ra thì ba thương lắm đó nghe!
Ái Lan chợt phá lên cười sằng sặc:
- Sìu sịu gì đâu ba? Con cũng chẳng dám mong muốn điều không thể có đâu mà ba ngại. Chỉ một chút xíu tin tức xa gần hơi dính dáng đến lá chúc thơ bí mật đó là con đủ thích thú rồi, nghe ba!
- Thôi được! Thế ngày hôm nay con có bận làm gì không?
- Có! Sáng nay con phải ra phố mua mấy thứ lặt vặt, và đến chiều thì qua bên chị Trâm, hai chị em sẽ cùng làm bánh xèo ăn đó ba!
- Nếu vậy thì làm gì còn thì giờ rảnh mà đi ăn với ba được chứ?
Ái Lan vỗ tay reo lên, đôi mắt sáng long lanh:
- Ba cho phép con cùng đi ăn với ba, hả ba? Trời ơi! Vậy thì thích quá! Con sẽ báo cho chị Trâm hoãn bữa bánh xèo này lại hôm khác mới được!
Luật sư Minh mỉm cười kín đáo:
- Nếu vậy thì trưa nay con tới văn phòng của ba rồi cùng đi nghe. Chỉ e luật sư Công bận việc gì mà từ chối thôi, nếu không cha con mình sẽ có dịp tốt để tìm hiểu ít nhiều về chuyện gia tài của cụ Doanh. À, và ba dặn con nên cẩn thận, đừng để lộ một vẻ gì chứng tỏ là con đặc biệt để tâm theo dõi tìm hiểu về vụ này đó nghe!
- Ba yên trí đi ba! Con chỉ để ba nói thôi mà! Còn con, con sẽ ngậm kín miệng không nói tiếng nào, nhưng hai lỗ tai con sẽ mở lớn hết cỡ, được chưa ba?
- Được rồi! Ba tin con!
- Rồi xô ghế đứng dậy, ông Minh đưa mắt ngó đồng hồ đeo tay.
- Thôi ba phải đi đây, nếu không, sẽ trễ hẹn với mấy người thân chủ, nghe con!
Ông Minh đi rồi, Ái Lan tiếp tục ăn cho xong bữa lót dạ. Đoạn em xuống bếp dặn chị Năm Dậu công việc cần làm trong ngày.
Ba năm, sau khi bà Minh mất, được cha chỉ dẫn vài lần, Ái Lan đã quen ngay với công việc trong nhà. Cửa nhà lúc nào cũng ngăn nắp, sạch bóng sạch trơn, cơm dẻo canh ngọt, cũng nhờ cái trí óc thông minh của em và hai bàn tay khỏe mạnh, khéo léo cùng tấm lòng trung thành của chị Năm Dậu. Chị Năm làm với bà Minh từ hồi còn ở ngoài Bắc, lúc Ái Lan chưa ra đời. Bà chủ hiền đức mất đi, đã khiến chị vô cùng thương tiếc. Và rồi chị cảm thấy được an ủi muôn phần, tưởng như người đàn bà đức hạnh ấy lúc nào cũng ở bên chị qua hình hài của Ái Lan xinh xắn. Đối với em, ngoài sự tận tụy của một gia nhân, chị Năm còn được sung sướng bội phần trong việc săn sóc em với tấm lòng thương mến bao la của một người mẹ. Nhờ vậy em được nhiều thì giờ rảnh rỗi để đọc sách, tập thể dục, chơi thể thao cùng đi cắm trại với các bạn gái đồng trang lứa.
So với các bạn cùng tuổi, Ái Lan không những trội hơn hẳn về thể chất mà về học vấn em cũng tiến hơn các bạn rất nhiều. Chưa đầy mười sáu tuổi em đã đậu được bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Thầy và các cô ở trường cùng các bạn, ai nấy đều yêu mến Ái Lan hết lòng.
Trong số các bạn quý mến Ái Lan, có Diễm Anh chơi thân với em hơn hết. Diễm Anh học cùng lớp với Ái Lan, cùng thi đậu một ngày. Hết hè lên lớp, hai em lại cùng được ngồi gần nhau. Trong lớp hai em, năm nay có thêm gần một chục học trò mới. Trong số, có hai chị em Bích Mai, Bích Đào, con gái ông Phàm.
Trái hẳn với các em học sinh khác ai ai cũng yêu mến Ái Lan, hai chị em Bích Mai, Bích Đào lại ghen ghét đố kỵ em ra mặt. Chuyện xích mích khởi đầu từ một ngày Ái Lan bắt gặp quả tang Bích Mai chép trộm bài thi Việt Sử của em. Giáo sư cũng đích mắt trông thấy nên đã phạt Bích Mai. Đáng lẽ phải biết phục thiện nhận lỗi mình, cô bé con nhà giàu tự ái không đúng chỗ, đã ỷ có em bênh vực lại đổ lỗi cho Ái Lan là chép bài làm của mình. Nhưng mọi người sáng suốt, đã biết ai phải ai trái, đều lên tiếng chê bai hai chị em, con nhà giàu mà nết lại xấu. Và tất nhiên Diễm Anh là người sốt sắng bảo vệ bạn thân Ái Lan hơn ai hết.
Kể từ ngày đó, Bích Mai, Bích Đào để tâm hận thù Lan, Anh ghê gớm.
Ái Lan vừa bước vào trong gian nhà bếp vừa nói với chị Năm Dậu:
- Trưa nay em không ăn cơm nhà nghe chị Năm! Bữa cơm chiều ăn món gì, em đã ghi rõ trên bảng, thịt cá, rau đậu, cà chua ở trong tủ lạnh đủ hết đó, nghe chị Năm. Chị khỏi phải đi chợ nghe!
Dứt lời, Ái Lan bước ra sân, sau khi đã khép chặt cánh cửa phòng khách. Em xuống nhà để xe nơi cuối vườn, đạp cho máy nổ chiếc Vespa xinh xinh mới tinh, ông Minh mua cho em trong dịp lễ sinh nhật. Chiếc xe êm êm lướt ra khỏi vườn cây trái, vượt qua cổng lớn, trực chỉ công trường Hòa Bình, trung tâm thành phố. Lượn quanh công trường Hòa Bình một vòng em cho xe lao xuống dốc Duy Tân. Hết dốc, quẹo tay trái, Ái Lan quay hết tay ga phóng trong chớp mắt đã tới chợ.
Chợ Đà Lạt là nơi tập trung mọi hoạt động buôn bán trong toàn thị xã. Chợ có ba tầng. Tầng dưới cùng là nơi bán thịt thà, cá mú, rau trái, đủ loại thổ sản, nhất là hoa và dâu, mận. Những cành thược dược nhiều bông to bằng cái đĩa đủ màu sắc: tím, đỏ, vàng. Những bông hồng cánh mướt như nhung, to và đẹp, có thể nói là chưa có loại hồng nào to và đẹp hơn.
Ái Lan tạt vào một trong những gian hàng mua mấy thứ lặt vặt. Đoạn em đặt bước trên cầu thang xi măng lên lầu hai: nơi dành riêng cho những gian hàng bán quần áo, tơ lụa, vải vóc. Ái Lan thường hay mua tại gian hàng Tinh Hoa. Hàng ở đây bao giờ cũng tốt, đẹp hơn tất cả, tuy giá cả có hơi cao so với các gian hàng khác. Qua dãy tủ kính, em chưa tìm thấy cái món muốn mua: một chiếc áo len dài tay, cao cổ, thật ấm. Đà Lạt năm nay lạnh hơn nhiều, so với mấy năm trước.
Gặp ngày nghỉ, gian hàng Tinh Hoa sáng hôm nay đông khách tới mức chen chân không lọt. Nhân viên bán hàng tíu tít chạy hết đầu này tới đầu kia, chỗ này chưa xong, chỗ kia đã gọi rối rít.
Chờ được một cô bán hàng không phải chuyện dễ dàng và mau chóng gì. Ái Lan đành phải ngồi tạm xuống một chiếc ghế đẩu ở gần đó. Và em đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh buôn bán nhộn nhịp bao quanh. Chưa đầy năm phút sau, bỗng em chú ý tới hai cô khách hàng cũng ở trong tình trạng chờ đợi như em. Nhưng họ khác em ở chỗ là không bình tĩnh chờ đợi mà lại tỏ lộ sự sốt ruột một cách khá ầm ĩ. Tiếng dậm gót giầy, tiếng nói bô bô bực tức của họ, khiến Ái Lan bất giác ngẩng đầu lên: hai cô mua hàng thiếu kiên nhẫn đó, chẳng phải ai xa lạ! Chính là Bích Mai và Bích Đào, hai cô con gái cưng của ông Phạm Văn Phàm.
Hai cô con gái nhà giàu đang gay gỗ to tiếng với nhân viên chỉ huy các cô bán hàng tại khu quầy bán quần áo. Bích Đào nói như hét lên:
- Yêu cầu ông sai người tới chọn áo cho chúng tôi ngay lập tức! Ông phải biết rằng chúng tôi đã phải chờ có tới mười phút rồi đó, nghe!
Người đàn ông phụ trách quầy hàng nói năng rất nhã nhặn.
- Hai cô thông cảm giùm! Tôi cũng không thể làm gì hơn được! Các cô tới sau, xin cảm phiền chờ tới lượt! Khách hàng tới trước, chúng tôi bắt buộc phải tiếp trước chứ ạ! - Ông ta mỉm một nụ cười lịch sự, có ý làm vui lòng hai cô gái. - Sao sáng nay khách mua ở đâu mà đông quá vậy! Thành thử...
Bích Mai giọng nói thật xấc xược cắt lời người chủ quầy:
- À, cái nhà ông này! Chắc ông không biết chúng tôi là con nhà ai hả?
Tiếng nói người đàn ông trầm hẳn xuống, xen lẫn đôi chút mỏi mệt:
- Dạ, chúng tôi biết rõ lắm chứ ạ! Vâng để tôi ráng... cho một cô tới tiếp các cô ngay! Hai cô chờ giùm chút xíu!
Giọng nói cô gái nghe lạnh như nước đá:
- Chúng tôi không quen chờ đợi!
Cô em hùa theo cô chị:
- Nhà hàng gì đâu mà kỳ dữ vậy! Ông chắc cũng biết là ba tôi có nhiều phần hùn bao thầu cả khu tầng lầu hai này chứ hả? Ngay đến ông Tinh Hoa cũng còn không dám có điều trái ý chị em tôi kia, huống hồ là ông. Chúng tôi chỉ bảo ông chủ một tiếng là ông mất việc làm liền, ông nên nhớ như vậy, nghe!
Người trưởng quầy giận run người, nhưng giọng nói ông ta vẫn giữ được bình tĩnh:
- Rất tiếc là chúng tôi không thể làm khác được. Quy củ của nhà hàng Tinh Hoa trước thế nào, thì sau vẫn thế, nghĩa là: khách mua tới trước thì được tiếp trước, khách đến sau là phải chờ đến lượt.
Bích Đào khoa tay phác một cử chỉ khinh khi. Đôi mắt cô ta loáng lên tia sáng phẫn nộ. Bộ áo đầm cô mặc trên người rất đắt tiền, nhưng không nhờ thế mà cô trở thành xinh đẹp dễ thương được. Vóc người cao nhưng gầy ốm tong teo. Bộ mặt chẳng có một nét nào có thể gọi là đẹp, lại còn luôn luôn đượm vẻ kiêu căng, hợm hĩnh, thêm sự giận dữ lúc này làm cho nhăn nhó khó coi vô cùng.
Còn Bích Mai thì khá hơn, nhưng vẻ mặt không có chút nào phúc hậu gây được cảm tình. Điệu bộ, nói năng rất kiểu cách khiến ai nghe cũng phải khó chịu, nếu không thì cũng phát phì cười. Bà mẹ không mấy chú trọng đến việc học của các con mà chỉ chăm chăm để ý cho con ăn sang mặc đẹp đặng lên mặt với mọi người.
Bích Mai, Bích Đào hơn Ái Lan tới hai, ba tuổi vẫn còn lẹt đẹt ngồi cùng lớp mà học hành cũng không có gì tỏ ra xuất sắc cả. Chỉ giỏi làm bộ làm tịch ỷ thế con nhà giàu, chẳng thân thiết được với ai nên cũng ít người thân thiết với, nên hai chị em rất ít bạn.
Giờ đây, khi vừa vùng vằng quay lưng lại phía ông phụ trách quầy quần áo, hai chị em Mai, Đào chợt ngó thấy Ái Lan. Vốn sinh trưởng trong một gia đình lễ giáo, có thói quen tốt là lễ độ với tất cả mọi người, Ái Lan nhẹ gật đầu chào. Bích Mai hất hàm trả lễ, nét mặt lạnh lùng không nói một tiếng, trong khi Bích Đào mắt vẫn nhìn thằng coi như Ái Lan không có mặt ở đây vậy.
Ái Lan thầm nhủ:
- Thật là phách lối kỳ cục vô cùng! Lần sau có gặp mình cũng sẽ làm lơ luôn!
Ngay lúc đó, một cô bán hàng đi tới. Lập tức hai chị em cô gái xáp lại to tiếng trách cứ tại sao lại để phải chờ đợi lâu vậy. Ái Lan ngầm đưa mắt theo dõi quang cảnh thì thấy cô làm công nhẫn nhục chịu đựng và khéo léo đưa cho hai chị em Mai, Đào mấy mẫu áo nhung sa-tanh rất đẹp. Nhưng hai cô gái vẫn còn cau có chỉ liếc sơ tia mắt ngó qua. Cô bán nàng lại đưa ra một bộ bằng len, màu hồng nhạt:
- Dạ, đây kiểu này và màu này hiện đang thịnh hành lắm! Thiếu nữ Sài Gòn mặc đi dạo phố rất nhiều. Theo đúng kiểu của Ba Lê đó thưa hai cô!
Bích Đào nhấc chiếc áo, nhưng cũng lại chỉ ngó rồi tiện tay vắt luôn lên một cái ghế dựa gần đó. Chiếc áo bị để một cách cẩu thả, tuột ngay xuống sàn nhà, ụn thành một đống. Cô khách khó tính không hề có một cử động gì để giữ hoặc lượm chiếc áo mới quí giá đó lên, mà lại còn quay ngoắt đi đưa mắt ngắm nhìn một vài kiểu áo khác. Cô bán hàng sững sờ, luống cuống lo sợ đưa tia mắt bối rối nhìn xuống chiếc áo len hồng, nhàu nát đang bị bước chân lơ đễnh của Bích Đào dẫm lên, lấm bẩn hết. Sự việc xảy ra lọt vào tầm mắt quan sát của Ái Lan không sót một chi tiết. Em thấy lòng giận sôi lên, vội vàng đứng phắt dậy, bước nhanh tới đầu dãy tủ kính đằng kia cho khuất mắt, đỡ bực mình.
Một lúc sau, khi Ái Lan quay về chỗ ngồi thì hai chị em Mai Đào cũng đang sửa soạn bỏ đi, không mua một thứ gì hết. Đi ngang chỗ Ái Lan, Bích Đào cánh tay vung vẩy, nơi chốn đông đảo mà vẫn nghênh ngang coi như chỗ không người, đụng ngay vào em. Như người khác thì đã mỉm cười xã giao xin lỗi một tiếng là êm đẹp cả. Trái hẳn, cô gái kém giáo dục lại còn hất mặt nhìn Ái Lan mà cười khẩy:
- Đi đứng cẩn thận một chút nghe cô bé!
Ái Lan cắn chặt vành môi cố giữ cho khỏi bật ra một câu chua chát để trả lời. Đưa mắt khinh bỉ, em nhìn theo hai chị em Mai Đào đang vênh váo tiến về phía cầu thang. Và Ái Lan tự nhủ:
- Hai con nhỏ kỳ khôi thiệt tình! Không trách ai cũng ghét!
Bỗng một cô bán hàng bước tới tươi cười tiếp Ái Lan. Đúng người con gái mấy phút trước đây đã tiếp hai chị em Mai Đào.
Cô ta đưa cho em coi một chiếc áo len dài tay, cổ cao, màu đen nhánh mịn màng. Đúng sở thích, Ái Lan yêu cầu cô cho phép mặc thử. Cô bán hàng vui vẻ đưa Ái Lan vào phòng thử áo. Nhìn vào tấm gương lớn, hình ảnh một cô nữ sinh khỏe mạnh tươi tắn hiện ra rõ rệt. Chiếc áo len mới, mặc vừa khít, càng làm tôn màu da trắng như trứng gà bóc và đôi má đượm nắng hanh ửng hồng tự nhiên.
Cô bán hàng, ngay từ phút đầu tiếp Ái Lan, đã có cảm tình với ngôn ngữ dịu dàng của em. Nay đối diện với hình ảnh vui tươi xinh xắn trong tấm áo len mới, cô hân hoan trò chuyện:
- Trời ơi! Cô biết không mỗi lần hai chị em Bích Mai, Bích Đào tới mua hàng là tụi tôi ngán quá vậy đó! Con gái ông Phàm khó tính nổi tiếng ở Thành phố Đà Lạt này đó cô!
- Tôi biết! Rồi ra không còn ai thương nổi hai chị em cô ấy đâu! Kỳ quá! Họ cứ tưởng là mọi người ai ai cũng phải dưới quyền sai khiến của họ hết đó!
Cô bán hàng mỉm cười thật buồn:
- Và rồi tới khi ông bố được hưởng trọn cái gia tài vĩ đại của cụ Doanh nữa thì không biết còn lên mặt tới mức nào nữa. - Cô hạ thấp giọng: - Nghe đâu việc này còn chưa ngã ngũ ra sao mà xem chừng cả nhà các cô ta đã có vẻ hí hửng lắm rồi đó, cô ạ! Có một hôm, tôi nghe thấy cô Bích Mai bảo em rằng, khi nào ông Chưởng Khế và mấy ông luật sư có một quyết định chung thì trắng đen mới rõ? Theo tôi và một số bà con cô bác tại Đà Lạt này thì gia đình ông Phàm, ngoài mặt cố làm ra vẻ chắc ăn lắm rồi, nhưng thực ra thì cũng lo sốt vó lên đấy, cô ạ! Họ chỉ sợ lỡ có tờ di chúc thứ hai của cụ Doanh để lại thật, thì họ sẽ bị mất hết quyền hưởng gia tài của cụ đó!
Ái Lan im lặng nghe chuyện mà không nói một tiếng nào. Tuy còn ít tuổi, em cũng đã biết dè dặt ý tứ, không để bị lôi cuốn say mê vào câu chuyện, lỡ nói câu gì hớ hênh rồi lại đôi co rắc rối làm phiền lòng người lớn. Và quả nhiên sự im lặng của em đã có lợi. Điều em vừa được nghe từ miệng cô bán hàng đã khiến em vui mừng vô hạn. Gia đình ông Phạm văn Phàm có lo lắng thật. Và tại sao họ lo lắng? Vì họ tin rằng đã có một tờ di chúc thứ hai của cụ Doanh làm tiếp theo và tờ này biết đâu lại chằng trái hẳn với tờ trước. Thêm nữa, mấy người bà con nghèo khổ của cụ Doanh cũng không dại gì mà chịu ngồi khoanh tay. Họ sẽ khiếu nại với pháp luật để đòi hỏi quyền lợi của họ chứ.
Ái Lan nhận hộp áo len mới đi ra quầy trả tiền. Em chợt nhận ra là mặt trời đã gần tới đỉnh đầu. Chân bước vội vã, em tiến về phía cầu thang xuống lấy xe:
- Phải lẹ lẹ một chút mới được, kẻo ba lại phải chờ đợi!
Cũng may là văn phòng làm việc của luật sư Minh ở cách chợ không xa. Năm phút sau, Ái Lan đã tới trước cửa. Vừa kịp ông Minh cũng đang sửa soạn bước ra.
- Sao ba? Luật sư Công có nhận lời mời của ba không, ba?
- Có! Trưa hôm nay ông Công sẽ ăn cơm với ba ở nhà hàng Nam Sơn! À... này Ái Lan! con liệu xem... có nên dò hỏi luật sư Công về chuyện gia tài của cụ Doanh không hả con?
- Nên lắm chớ, ba! À ba ơi! chuyện này mỗi lúc lại càng trở nên ly kỳ lắm ba à! Chưa biết nói sao cho rõ ra cái gì đã làm cho con tin chắc, nhưng... nhất định là cụ già Doanh quả đã viết tờ di chúc thứ hai rồi đó, ba à!
Luật sư Minh bất giác mỉm cười:
- Phải công nhận là trực giác của con đã nhiều lần trở thành sự thực rồi. Vậy ba cũng phải cố gắng hết sức dò dẫm xem luật sư Công có biết tí gì về chuyện này không mới được! Nhớ nghe con! Nhớ đừng có để lộ liễu cái ý muốn thâu lượm tin tức ra nghe con! Ông khách của chúng ta mà biết được cái lý do tại sao cha con mình mời ông ấy ăn cơm thì... hỏng cả đấy, nghe!
Ái Lan bật cười:
- Ba yên trí đi, ba! Con sẽ ngồi im thin thít như một... bức hình vậy đó.
Nhà hàng Nam Sơn chỉ cách văn phòng luật sư Minh có mỗi con đường dốc Minh Mạng. Hai cha con để xe trước cửa văn phòng rồi đi bộ. Tới nơi, đã thấy luật sư Công ở đó rồi. Ông Minh giới thiệu con gái với bạn. Đoạn cả ba tiến vào giữa gian phòng rộng rãi của nhà hàng, ngồi vào một cái bàn trải khăn trắng dành sẵn.
Câu chuyện trao đổi giữa hai người lớn chỉ loanh quanh mấy vấn đề thời tiết, mùa màng, rau cỏ, dâu, mận tại Đà Lạt. Chán rồi hai ông lại nhắc nhở đến những kỷ niệm ngày xưa, hồi còn theo học trường Đại Học Luật Khoa, tới lúc bắt đầu đặt những bước chân bỡ ngỡ vào ngành Pháp chế Tố tụng. Bữa cơm cứ tàn dần theo với câu chuyện nở như bắp rang. Các món ăn vơi dần, khiến trong lòng Ái Lan nóng như lửa đốt, mà hai ông luật sư vẫn chưa đả động gì đến vấn đề em mong mỏi, không khác người bị khát khô cổ họng đợi chờ ly nước mát.
Mãi tới khi chiêu đãi viên bưng cà phê lên, mới thấy ông Minh khôn khéo xoay hướng câu chuyện theo chiều hai cha con ước muốn: ông thảo luận với bạn về một vài vụ kiện tụng quan trọng, gay go, mà ông đang cứu xét. Và vờ làm như vô tình, ông đem trường hợp vụ gia tài của cụ Doanh ra làm thí dụ:
- Như cái chuyện thừa kế gia sản của cụ Phạm Tú Doanh chẳng hạn. Vì không để ý đi sâu vào chi tiết, thành thử tôi cũng chả hiểu là gia đình ông Phàm đã bắt đầu hưởng dụng của cải của ông anh họ chưa... À, tôi lại còn nghe có người nói là mấy người bà con nghèo khổ của cụ Doanh có ý định khiếu nại về tờ di chúc thứ nhất hiện ở trong tay ông Phàm đấy!
Mấy câu nói có mục đích "gợi chuyện" của ông Minh hình như không đem lại kết quả như ý hai cha con mong muốn mà lại chỉ có tác đụng đem lại... sự im lặng. Ái Lan ngầm lo ngay ngáy: luật sư Công có ý không muốn gợi chuyện gia tài của cụ Doanh!
Y như rằng, luật sư Công lên tiếng, như có ý nói lảng ra:
- Thế à! Riêng tôi, tôi cũng chẳng biết gì hơn anh, vì lẽ tôi chẳng có nhiệm vụ giải quyết việc này. Có điều là hiện tôi cũng đang nóng lòng chờ xem sự kiện sẽ diễn tiến ra sao. Theo ý tôi thì tờ di chúc cụ Doanh để lại cho ông Phạm rất hợp pháp, không thể làm gì được đâu?
- Tức là gia đình Phạm văn Phàm sẽ thừa hưởng toàn phần di sản?
- Đúng như vậy!... Trừ phi... trừ phi có lời di ngôn nào khác của người chết nhằm tiêu hủy tờ di chúc hiện tại mà ông Phàm đang nắm giữ!
Luật sư Minh làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Ủa! vậy ra anh cũng tin là cụ già Doanh đã có viết tờ di chúc thứ hai?
Luật sư Công ngập ngừng thấy rõ, không còn biết trả lời sao cho tiện. Cuối cùng, đột nhiên trên gương mặt ông thoáng vẻ quyết định, đưa nhanh tia mắt nhìn quanh vòng, và ông hạ thấp giọng:
- Thú thực với anh, tôi rất ngại câu chuyện bị vỡ rùm beng thêm khó ra.
Ông Minh đoán biết được ngay niềm lo ngại của bạn:
- Anh có thể tin tưởng vào sự kín miệng của chúng tôi! Cả con cháu Ái Lan cũng vậy! Nó giống tôi ở cái điểm biết "ngậm tăm", cậy răng cũng không nói, nếu cần.
- Vậy thì được? Đây này anh Minh! Tôi cho rằng một ngày kia chắc thế nào tờ di chúc thứ hai cũng xuất hiện. Anh dư biết là gia đình Phạm Văn Phàm, khi đã thu vào trong tay tất cả của chìm của nổi của cụ Doanh rồi, liền thẳng tay đối xử tàn tệ với người anh họ già lão cô độc ấy. Cách đây khoảng một năm, cụ Doanh đã mò đến tìm tôi tại văn phòng, và cho biết là cụ có ý định lập một lá chúc thư mới để truất quyền thừa hưởng gia tài của tên Phàm, không cho một xu nào nữa. Xem ý thì cụ già có vẻ cương quyết lắm. Cứ hỏi đi hỏi lại tôi cách thức thực hiện ý định đó ra làm sao. Tôi đã chỉ dẫn cho ông cụ đáng thương ấy mọi chi tiết rành rẽ. Xong rồi cụ già ra về, hẹn với tôi sẽ đem đủ tài liệu đến cho tôi coi giùm sau khi làm xong.
Luật sư Minh mừng quýnh lên và ngạc nhiên thực sự:
- Nếu vậy thì hiện anh đang nắm giữ cái giấy tờ quý báu đó trong tay?
- Không! Không có, thế mới rắc rối chứ, anh Minh! Cụ già tuy hẹn với tôi, nhưng về sau cụ ấy đâu có tới và rồi tôi cũng chẳng hiểu là ông cụ có đem điều dự định ra thi hành hay không nữa!
- Cho dù cụ ấy có thực hiện rồi đi nữa, thì tôi cũng e rằng giấy tờ do chính tay ông cụ làm ra, sẽ không đúng thể thức đâu.
- Không ngại điều đó đâu anh ơi! Cụ Doanh, tiếng thế, nhưng bản tính rất cẩn thận chu đáo. Cụ đã tỉ mỉ ghi từng lời chỉ dẫn của tôi vào sổ tay kia mà!
- Tôi cũng mong được như thế! Vì nếu sơ sót, ông Phàm sẽ tấn công thật mạnh vào những điều sơ hở rồi họ nhờ pháp luật can thiệp để hủy bỏ tờ di chúc mới đó cho coi.
- Anh nói đúng! Và theo tôi thì trong tình thế hiện tại, mình cần phải hết sức dè dặt khôn ngoan, không được để lộ một điểm gì hết nghe! Bọn nhà Phàm có được hưởng trọn gia tài hay không, việc gì phải đến rồi sẽ đến! Đừng cựa quậy vô ích làm chi, phải không anh? Cựa lắm chỉ thêm trầy vẩy, chẳng có lợi gì cho ai! Này nhé: so với các đối thủ, thì nhà ông Phàm lợi thế hơn, vì đã giàu có lớn, dư sức theo kiện. Trong khi đó thì mấy người bà con nghèo túng của cụ Doanh chạy ăn ngày hai bữa cũng đã mệt rồi. Vả lại, dù ra tới Tòa, mấy kẻ đáng thương đó cũng chỉ có thể khiếu nại rằng hiện đã có một tờ di chúc mới của người chết và yêu cầu Tòa cho thi hành mọi khoản thỉnh nguyện cụ Doanh đã ghi trong đó, nghĩa là hủy bỏ quyền hưởng gia tài trong tay ông Phàm. Thế rồi khi Tòa hỏi tờ di chúc đó đâu, thử hỏi họ lấy gì làm bằng cớ, phải không anh?
Ái Lan im lặng ngồi nghe luật sư Công nói chuyện. Vẻ mặt em làm ra bộ thản nhiên như không, coi lời đối thoại của ông Công và ông Minh là chuyện quan trọng thuộc phạm vi người lớn, mình còn nhỏ tuổi chưa thể hiểu được. Kỳ thực, tim em đang đập thình thịch trong lồng ngực.
Hai ông luật sư nói thêm dăm ba câu chuyện vui vẻ nữa, rồi ông Minh mời chủ nhà hàng tính tiền. Ba người rời bàn, mở cửa bước ra ngoài hè phố. Luật sư Công thân mật cám ơn và từ giã hai cha con Ái Lan.
Khi chỉ còn lại hai người, ông Minh hỏi con gái:
- Thế nào? Con gái ba! Như vậy con đã hài lòng chưa?
- Thú lắm ba ơi! Thật đúng như lời con nói! Đúng là đã có tờ di chúc thứ hai rồi đó!
- Chưa chắc gì đâu, con à! Một, có thể là cụ Doanh nói xong lại để đấy, không thực hiện điều đã dự định. Hai là cũng có thể ông cụ viết xong rồi lại tự tay hủy bỏ đi chăng!
- À, vâng! Có thể như thế lắm! Nhưng riêng con thì con không tin là mọi việc đã xảy ra như thế. Vì lẽ, sau khi biết rõ lòng dạ xấu xa của ông Phàm cụ nhất quyết tìm cách tước quyền thừa hưởng gia tài mà cụ đã lỡ cho ông. Có thể nói, ông cụ đã ghét hận gia đình ông Phàm một cách ghê gớm. Do đó, con tin rằng cụ Doanh đã lập xong tờ di chúc mới đó rồi mà cụ cất giấu ở một chỗ nào kín lắm, chỉ riêng mình cụ biết. Trời ơi! Phen này mà con tìm ra được thì … phải biết!
Ông Minh trầm ngâm sắc mặt:
- Hừ! Tìm thấy được tờ di chúc mới đó! Thật khác nào như đáy biển mò kim đâu con! Ái Lan à! Thiệt tình ba khuyên con nên quên chuyện này đi thì hơn!
Cô bé vẫn một mực "cứng đầu":
- Ô kìa! Ba ơi! Ba bảo con nên bỏ câu chuyện này đi hả ba! Bỏ sao được, ba! Một khi còn chưa biết được sự thực về cái tờ giấy quan trọng đó!...
- Thôi được! Tùy con! Nếu con thấy thích, thì con cứ việc làm! Nhưng riêng ba, thì ba có cảm tưởng là con đang bị làm một bài toán không có đáp số đó. Hừ! Khám phá, truy tầm một tài liệu chưa chắc gì có thật! Mà ngay từ lúc khởi sự không có được chút xíu ánh sáng nào. Đúng là một con số không!
Ái Lan chợt cười rộ lên. Giọng em thích thú:
- Không sao, con sẽ tìm cách mà, ba! Ba phải cho con đủ ngày giờ chứ. Và rồi ba sẽ biết.
Tuy vậy, sau khi luật sư Minh đi rồi, ngồi trên xe Vespa lái về nhà, một vài ý nghĩ hoài nghi bắt đầu nhen nhúm trong đầu óc Ái Lan. Em nhận thấy rõ là mọi sự kiện có vẻ như bất lợi cho việc của em khiến em cứ phải băn khoăn tự hỏi: "Không biết nên bắt đầu từ đâu, khởi sự tìm tòi từ điểm nào và dò hỏi ra làm sao đây?". Ba nói đúng: Sứ mạng của em quả thật bắt đầu từ số "không"!
Nhưng trái tim dũng cảm của Ái Lan như lên tiếng:
- Ối! Sợ quái gì? Chẳng có gì là đáng ngại hết! Nếu tờ di chúc thứ hai này mà có thật, mình quyết phải tìm ra bằng được, và mong sao nó không làm lợi cho những kẻ không xứng đáng như bọn Phạm Văn Phàm, mà lại đem hạnh phúc tới cho những người có tấm lòng vàng trong manh áo rách!
Hai Tờ Di Chúc Hai Tờ Di Chúc - Nam Quân Hai Tờ Di Chúc