Giờ Xấu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1
ới điệu bộ gắng gượng một cách trịnh trọng, cha Anghen ngồi dậy. Cha dùng những ngón tay xương xẩu dụi mắt, vén tấm màn lên, rồi ngồi yên trên chiếc chiếu sờn, nghĩ ngợi một lát đủ để nhận ra rằng mình còn sống và nhớ ngày cùng tên với vị thành của ngày hôm đó. “Thứ tư ngày mồng bốn tháng mười” cha nghĩ, và sau đó cha nói nhỏ: “Thánh Phrăngxixcô đê Axit”.
Cha mặc quần áo mà chẳng cần phải rửa mặt và cầu kinh. Cha to cao, hồng hào, có dáng vẻ trầm tĩnh của con bò mộng hiền lành, đi lại chậm chạp như một con bò “với điệu bộ nặng nề và buồn bã”. Sau khi đã kiểm tra lại hàng cúc áo thụng với sự chăm chú hờ hững của những ngón tay cha từng gảy đàn thụ cầm, cha rút thanh chắn cửa và mở cửa ăn thông ra sàn. Những cây cam tùng dưới mưa gợi cha nhớ tới lời của một bài hát:
“Biển dâng đầy với chính nước mắt em” – cha thở dài.
Phòng ngủ ăn thông với nhà thờ nhờ một hành lang trong có bày các chậu cảnh và được lát gạch không có vữa nên cỏ tháng mười bắt đầu nhú mầm ngoi lên từ những khe hở ấy. Trước khi bước vào nhà thờ, cha Anghen vào nhà vệ sinh. Cha đái nhiều và vì thế trong lúc đái cha cố nín thở để khỏi ngửi thấy mùi acmônic nồng nặc từng khiến cha phải chảy nước mắt. Sau đó cha bước ra hành lang, vừa đi vừa nhớ: “Con tàu này sẽ đưa ta vào giấc mơ”. Tại cửa hẹp của nhà thờ, lần cuối cùng cha ngửi thấy mùi hoa cam tùng.
Bên trong nhà thờ không khí đượm mùi khó chịu. Gian giữa của nhà thờ là một phòng dài, cũng được lát gạch rời và chỉ có một cửa to ăn thông ra quảng trường. Cha Anghen đi thẳng đến chân tháp chuông. Cha nhìn những quả lắc đồng hồ cách đầu mình chừng hơn một mét và nghĩ rằng dây cót còn đủ sức chạy cả tuần. Những con muỗi xăngcuđô[1] ào đến tấn công cha. Cha đập tay mạnh lên gáy mình giết được một con muỗi và sau đó cha lau máu trên bàn tay mình vào dây chuông. Sau đó cha nghe rõ tiếng động từ bên trong của hộ máy đồng hồ và tiếp đó năm tiếng chuông ngân vang báo năm giờ ngay trong lòng tháp chuông.
Cha chờ cho đến khi tiếng chuông đồng hồ không ngân nữa. Cha cầm lấy dây chuông, cuộn nó quanh cổ tay mình, rồi với thái độ quả quyết và dứt khoát cha kéo dây khiến những quả chuông đồng rung ngân. Cha đã sáu mươi mốt tuổi. Đối với tuổi của cha, công việc kéo chuông hàng ngày là một cực hình nhưng bao giờ cha cũng cố gắng làm và sự cố gắng ấy đã làm lành mạnh thêm đạo đức của cha.
Trong lúc chuông nhà thờ rung ngân, Trinidat đẩy cửa ăn thông ra đường, bước vào rồi đi thẳng đến xó đêm qua có đặt bẫy chuột. Trinidat bắt gặp một cái gì đó vừa khiến cô sợ, vừa khiến cô vui: một con chuột chết.
Cô mở cái bẫy thứ nhất, dùng ngón trỏ và ngón cái nhúm lấy đuôi con vật chết, lôi nó ra rồi ném vào thùng các-tông. Cha Anghen vừa mở cửa nhà thờ ăn thông ra quảng trường.
- Chào cha – Trinidat nói.
Cha vẫn chưa để ý đến tiếng nói trong trẻo và dịu dàng của cô. Quảng trường hiu quạnh, những cây bàng đang gọi mưa, làng vẫn im lim trong buổi bình minh buồn bã của tháng mười, tất cả những thứ ấy gây cho cha cảm giác cô đơn không nơi nương tựa.
Nhưng khi đã làm quen với tiếng mưa rơi, cha đã nhận ra tiếng kèn đồng của Paxto ở phía sau quảng trường, tiếng kèn thổi nghe rụt rè và không được thực lắm.
- Paxto không cùng chơi với nhóm nhạc đêm sao?
- Không ạ! – Trinidat khẳng định với cha. Cô mang chiếc hộp đựng con chuột chết đến gần cha – Nhóm nhạc ấy đang chơi ghi ta ạ.
- Có lẽ họ chơi gần hai giờ cái bài hát ngu ngốc ấy – Cha nói “Biển sẽ dâng trào cùng nước mắt em”. Không đúng thế sao?
- Đó là bài hát mới của Paxto – Trinidat nói.
Đứng im trước cửa nhà thờ, cha cảm nhận cái khoảnh khắc rực rỡ trí thông minh.
Trong rất nhiều năm, cha nghe tiếng kèn của Paxto, người ngồi trên chiếc ghế đẩu dựa lưng vào chuồng chim bồ câu của mình cách nhà thờ bốn ô phố, tập luyện vào lúc năm giờ sáng hàng ngày. Đó chính là cơ chế hoạt động của làng bị đè nén: Trước tiên, năm tiếng chuông báo năm giờ sáng; Sau đó, chuông gọi con chiên đi lễ misa buổi sáng, và cuối cùng là tiếng kèn đồng của Paxto. Ngay ở sân nhà mình, bằng những nốt nhạc trong trẻo và hài hòa, anh thổi kèn làm thanh sạch bầu không khí nặng mùi phân chim bồ câu.
- Nhạc hay lắm – cha phản ứng – nhưng lời rất ngu xuẩn. Lời của nó có thể đảo ngược đảo xuôi mà nhạc vẫn giữ nguyên: “Giấc mơ này sẽ đưa em vào con tàu anh”.
Cha quay nửa vòng, mỉm cười với chiến tích của mình, rồi đi thẳng đến bàn thờ chúa thắp đèn. Trinidat theo sau cha. Cô mặc chiếc áo thụng trắng dài, ống tay áo trùm kín cổ tay. Đôi mắt cô đen láy.
- Cả đêm bọn họ ở gần đây – cha nói.
- Ở chỗ Margôt Ramirêt ạ – Trinidat nói, vẻ thích thú, vừa nói vừa lúc lắc cái hộp các- tông khiến các con chuột chết va phải thành hộp làm vang lên tiếng động ở bên trong…
- Nhưng đêm qua có chuyện còn hay hơn cả buổi chơi nhạc đêm đấy, thưa cha.
Cha dừng lại dõi đôi mắt xanh lặng lẽ nhìn vào mắt cô.
- Gì thế hả?
- Những lời đồn đại – Trinidat trả lời và buông ra một tiếng cười sợ hãi.
Cách đây ba ngôi nhà, Xêxa Môngtêrô đang mơ thấy đàn voi. Ông ta đã nhìn thấy voi trong một bộ phim hôm chủ nhật. Mưa rơi trước lúc phim kết thúc nửa giờ đồng hồ và giờ đây những hình ảnh của bộ phim lại tiếp tục hiện về trong giấc mơ của ông.
Xêxa Môngtêrô xoay toàn bộ tấm thân lực lưỡng của mình về phía tường, trong khi đó những người Anhđiêng hoảng hốt chạy trốn bầy voi. Cô vợ ông khẽ đẩy ông nhưng cả hai không ai thức dậy. “Chúng ta cũng đi thôi”, ông thầm thì nói và nằm lại theo tư thế cũ.
Chính lúc ấy, ông thức dậy. Đó cũng là lúc vang lên hồi chuông thứ hai gọi con chiên đi lễ misa.
Phòng ngủ của ông là một phòng có những khoảng không rộng được chăng dây thép gai. Cửa sổ nhìn ra quãng trường cũng được chăng dây thép gai; có một tấm rèm vải hoa màu vàng. Trên chiếc bàn con có để một chiếc đài xách tay, một ngọn đèn và một chiếc đồng hồ dạ quang. Phía bên kia, đối diện với tường phòng là một chiếc tủ lớn có các cửa gương. Trong lúc đi ủng cưỡi ngựa, Xêxa Môngtêrô nghe thấy tiếng kêu của Paxto. Những chiếc dây giày bằng da thú dính đầy bùn khô. Một bàn tay nắm chắc lấy dây giày còn bàn tay kia cố kéo thẳng nó ra cho bùn khô rụng đi. Sau đó ông tìm cựa thúc ngựa nhưng không thấy chúng ở dưới gầm giường. Ông tiếp tục vận quần áo trong bóng tối, cố không gây tiếng động để khỏi đánh thức vợ dậy. Khi đóng hàng cúc áo, ông liếc mắt nhìn đồng hồ và lại đi tìm cựa thúc ngựa ở dưới gầm giường. Thoạt đầu ông dùng tay sờ tìm. Sau đó ông phải cúi chổng mông để với tay vào sàn trong gầm giường mà khua khoắng. Vợ ông thức dậy.
- Anh tìm gì vậy?
- Cựa thúc ngựa.
- Anh treo chúng ở phía sau tủ gương, chính tay anh treo chúng ở đấy hôm thứ bảy.
Cô vợ vén màn sang một bên rồi thắp đèn. Ông đứng dậy vẻ bẽn lẽn. Ông to cao như hộ pháp, lưng vuông vức và rắn chắc nhưng vẫn lanh lẹn. Ông có một sức khỏe khỏe tàn bạo. Dường như ông không có tuổi. Nhưng da cổ của ông cho ta thấy ông đã ngoài năm mươi tuổi.
- Trời vẫn mưa cô vợ nói trong lúc cảm thấy rằng xương cốt trẻ trung của mình đã thấm đầy hơi ẩm ban đêm – Em cảm thấy mình như một con bọt biển.
Cô vợ người nhỏ nhắn, gầy gò, sống mũi dài, vẫn có vẻ như chưa tỉnh ngủ hẳn. Cô cố tình nhìn mưa qua tấm rèm cửa. Xêxa Môngtêrô vừa đi xong cựa thúc ngựa. Ông đứng dậy, giậm gót ủng vài lần trên sàn nhà. Ngôi nhà rung lên trước những cú đinh thúc ngựa bằng đồng chạm phải nền nhà.
- Tháng mười, bọn họ béo ra – Ông nói.
Nhưng vợ ông không nghe nói, cô vẫn thả tâm hồn mình theo bản nhạc của Paxto. Khi cô vợ quay lại nhìn chồng thì ông đang chải tóc, hai chân chạng ra đầu cúi xuống nhưng thân hình ông vẫn không nằm gọn trong tấm gương.
Cô vợ thầm thì hát theo bài hát của Paxto.
- Cái bài hát ấy cứ i ỉ hát suốt đêm qua – ông nói.
- Bài hát rất hay – có vợ nhận xét.
Cô vợ cởi nút một chiếc dây ở đầu giường và đỡ lấy mái tóc ở sau gáy, thở dài và tỉnh dậy hoàn toàn: “Em sẽ ở lại trong giấc mơ anh cho đến khi chết”. Ông không để ý đến lời bài hát. Ông rút ví tiền để trong ngăn kéo tủ có để vài hạt ngọc, chiếc bút máy và một đồng hồ nữ. Ông rút lấy bốn tờ bạc rồi cất ví vào chỗ cũ. Sau đó ông nhét sáu viên đạn vào túi áo.
- Nếu trời vẫn mưa, thứ bảy này anh không về – ông nói.
Khi mở cửa ăn thông ra sàn, ông dừng lại ít phút trong bóng tối hít thở thứ hương dịu nhẹ của tháng mười trong lúc mắt ông làm quen với bóng tối. Ông sắp đóng cửa lại thì nghe thấy tiếng chuông đồng hồ báo thức vang lên trong phòng ngủ.
Vợ ông bật dậy khỏi giường. Ông ngừng lại, bàn tay đặt vào cái chuông gọi cửa, đợi cho đến khi cô vợ hãm được chuông đồng hồ. Lần đầu tiên ông nhìn vợ vẻ suy tư.
- Đêm qua anh nằm mơ thấy voi đấy em ạ – ông nói.
Sau đó ông đóng cửa lại và đi thẳng lên tầu ngựa để thắng yên.
Mưa to thêm trước lúc hồi chuông thứ ba vang lên.
Cơn gió mạnh cuốn bay nốt những chiếc lá mục dưới cùng của những cây bàng ngoài quảng trường. Đèn đã tắt nhưng các nhà vẫn im ỉm đóng cửa. Xêxa Môngtêrô cho lừa đi vào nhà bếp. Không xuống lừa, ông gọi vợ mang cho chiếc áo mưa. Ông lấy khẩu súng hai nòng vốn đeo ở sau lưng ra rồi buộc nó bên yên lừa. Vợ ông xuất hiện ở nhà ăn mang theo chiếc áo mưa.
- Anh hãy đợi cho đến khi trời tạnh – cô vợ nói.
Ông lặng lẽ mặc áo mưa sau đó ông nhìn ra ngoài sân.
- Đến tháng chạp, trời vẫn chưa tạnh cho – ông nói.
Cô vợ nhìn theo cho đến khi ông đến đầu hè bên kia. Mưa vần vũ trên những tấm tôn rỉ lợp nhà, nhưng ông vẫn ra đi. Trong lúc thúc lừa đi, ông phải cúi mình trên yên để khỏi va đầu vào bản cửa khi ra sân. Những hạt mưa to rơi nặng vào lưng ông cứ như thể ai đó ném sạn vào ông. Từ ngoài cổng không quay đầu lại, ông gào:
- Thứ bảy anh về, chào em!
- Thứ bảy anh về nhé, chào anh.
Cửa duy nhất mở ở quảng trường là cửa của nhà thờ. Xêxa Môngtêrô nhìn lên trời và thấy bầu trời đầy mây, thấp tè. Dường như ở ngay trên đầu ông. Ông phấn chấn hẳn lên, thúc cựa giày vào con lừa, khiến nó phải nhảy cẫng lên xoay người vài vòng quanh hai chân sau cho đến khi con vật đứng vững vàng trên nền đất trơn như xà phòng. Đó cũng là lúc ông nhìn thấy trên cửa nhà mình có tờ giấy dán.
Ông vẫn ngồi yên trên yên lừa đọc tờ giấy. Mưa làm phai màu chữ nhưng vì được viết bằng chì nên ông vẫn có thể đọc được. Xêxa Môngtêrô cho con lừa đi lại gần tường, ông bóc tờ giấy rồi xé vụn nó thành nhiều mảnh.
Ông giật dây cương cho con lừa phi bước ngắn để nó có thể đi nhiều giờ. Ông bỏ quảng trường lại phía sau mình, cho con lừa đi theo một đường hẹp, ngoằn ngoèo có những ngôi nhà tường đất. Ông cảm nhận mùi cà phê. Chỉ khi để lại phía sau mình những ngôi nhà cuối cùng của làng, lúc ấy ông cho con lừa quay lại, phi bước ngắn và dừng lại trước nhà Paxto. Tại đây ông xuống lừa cầm lấy khẩu súng và buộc con lừa vào cọc. Ông làm việc nào ra việc ấy.
Cửa nhà không chèn thang chắn. Xêxa Môngtêrô bước vào nhà qua cửa nhỏ. Ông cảm thấy một nốt nhạc đinh tai và sau đó là im lặng đột ngột. Ông đi qua bốn chiếc ghế xếp ngay ngắn đặt xung quanh một chiếc bàn có hình hoa giấy. Cuối cùng, ông dừng lại trước cửa ăn thông ra sàn, hất ngược chiếc mũ áo mưa ra phía sau, lần tìm chiếc cò súng và bằng giọng bình thản, gần như đáng yêu gọi.
- Paxto ơi!
Paxto xuất hiện ở cửa, đang tháo lưỡi gà chiếc kèn đồng ra. Anh là một chàng trai to lớn, son sẻ, có hàng ria mép tỉa rất gọn. Khi nhìn thấy Xêxa Môngtêrô đứng vững vàng trên nền đất, tay lăm lăm khẩu súng ngang thắt lưng, nòng chĩa về phía mình, Paxto há hốc mồm. Nhưng anh không nói gì. Mặt anh tái nhợt nhưng vẫn mỉm cười. Thoạt đầu. Xêxa Môngtêrô miết chặt gót ủng xuống sàn nhà, sau đó, khuỷu tay miết chặt lấy báng súng, cuối cùng ông nghiến răng lại và ngón tay siết cò súng. Ngôi nhà rung chuyển cùng với tiếng súng nổ, nhưng Xêxa Môngtêrô không biết niềm vui của mình xảy ra trước hay sau khi ông nhìn theo Paxto từ phía bên kia cửa đang lê tấm thân trên đám lông mượt đẫm máu.
Xã trưởng vừa ngủ được vào lúc có tiếng súng nổ. Đã ba đêm nay ngài thức trắng vì đau lợi. Buổi sáng ấy lúc hồi chuông thứ nhất vang lên gọi con chiên đi lễ misa, ngài uống đến viên thuốc giảm đau thứ tám. Cái đau dịu đi. Tiếng mưa rơi đều đều trên mái tôn ru ngài ngủ nhưng cái lợi đau vẫn làm cho ngài khó chịu trong lúc ngủ. Khi nghe thấy tiếng súng, ngài thức dậy ngay, tay vớ lấy chiếc thắt lưng có băng đạn và khẩu súng ngắn mà lúc nào ngài cũng để trên chiếc ghế bên cạnh đầu võng, ngay trong tầm tay phải. Nhưng vì chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi đều đều ngài tưởng rằng mình nằm mộng và thế là ngài lại cảm thấy đau lợi.
Ngài sốt nhẹ. Trong gương ngài thấy má mình sưng vù lớn. Ngài mở nắp hộp lấy dầu cao bôi lên cái má sưng vù và không được cạo râu. Qua màn mưa, bỗng ngài nghe thấy người nói ồn ào từ phía xa. Ngài bước ra ban công. Dân chúng ngoài đường, có một số còn mặc đồ ngủ đang chạy ra quảng trường. Một cậu thanh niên quay mặt về phía ngài, giơ tay lên, vừa chạy vừa gào để báo tin cho ngài:
- Xêxa Môngtêrô giết chết Paxto rồi.
Tại quảng trường, Xêxa Môngtêrô tay lăm lăm khẩu súng chĩa về phía đám đông và cho con lừa đi vòng tròn. Khó khăn lắm xã trưởng mới nhận ra Xêxa Môngtêrô. Tay phải ngài nhanh chóng rút súng lục ra và ngài bắt đầu tiến về phía trung tâm quảng trường. Dân chúng dãn ra nhường lối cho ngài. Từ tiệm chơi bi-a, một cảnh sát bước ra với khẩu súng đã lên đạn đang nhắm vào Xêxa Môngtêrô. Xã trưởng nói nhỏ: “Không được bắn, đồ con vật ạ”. Ngài tra súng lục vào bao, tước khẩu súng trường của viên cảnh sát. Ngài tiếp tục tiến vào trung tâm quảng trường, tay cầm khẩu súng trường sẵn sàng nhả đạn. Dân chúng vội vàng chạy về phía các bức tường.
- Hãy trao khẩu súng ấy cho ta mau, Xêxa Môngtêrô – ngài nói.
Cho đến lúc ấy, Xêxa Môngtêrô vẫn chưa nhìn thấy ngài. Ông quay phắt lại phía ngài.
Xã trưởng bám chắc ngón trỏ vào cò súng nhưng chưa bắn.
- Hãy đến mà tìm súng lấy- Xêxa Môngtêrô gào lên.
Bàn tay phải giữ vững khẩu súng, còn bàn tay trái xã trưởng đưa lên dụi mắt. Ngài tính từng bước đi, ngón tay vẫn bám chắc lấy cò súng và mắt vẫn chăm chăm nhìn Xêxa Môngtêrô. Bỗng ngài dừng lại và với giọng dịu dàng thân ái, ngài nói:
- Xêxa, hãy ném khẩu súng xuống đất đi. Đừng đùa nữa.
Xêxa Môngtêrô lùi lại phía sau. Xã trưởng vẫn để ngón trỏ bám chắc cò súng. Ngài điềm tĩnh đứng im chờ đợi cho đến khi Xêxa Môngtêrô hạ súng và ném nó xuống đất. Cho đến lúc này, xã trường mới biết rằng mình vẫn mặc nguyên quần áo ngủ, rằng người mình toát mồ hôi ngay dưới trời mưa và rằng cái lợi không còn đau.
Các nhà mở toang cửa, hai viên cảnh sát, có vũ trang, chạy ra trung tâm quảng trường. Đám đông cũng chạy theo sau hai người này. Bọn cảnh sát quay lại và quát đám đông:
- Quay lại mau.
Xã trưởng với giọng bình tĩnh, chẳng nhìn ai, quát:
- Giải tán mau.
Đám đông giải tán, xã trưởng khám người Xêxa Môngtêrô mà không cần bảo ông bỏ áo mưa ra. Ngài tìm thấy bốn viên đạn trong túi áo và một con dao cạo bọc trong bao da ở túi quần sau. Trong một túi khác ngài còn tìm thấy một cuốn sổ, một chùm chìa khóa và nhiều tờ bạc một trăm đồng pêxô.[2] Xêxa Môngtêrô để cho xã trưởng khám người mình, hai cánh tay giơ lên khuỳnh ra và còn xoay người để việc khám xét được thuận tiện. Khi khám xong, xã trưởng gọi hai viên cảnh sát đến trao cho họ các thứ thu được và ra lệnh:
- Các anh mang ông ta về tầng hai tòa nhà của trụ sở xã. Vì ta, các anh phải tôn trọng ông ta, nghe chưa.
Xêxa Môngtêrô cởi áo mưa ra, trao nó cho một viên cảnh sát. Ông đi giữa đám cảnh sát, phớt lờ trời đang mưa và đám đông tò mò đứng ở quảng trường. Xã trưởng nhìn ông vẻ suy tư. Sau đó ngài quay về phía đám đông, xua tay như xua đàn gà, quát:
- Giải tán ngay.
Lấy cánh tay trần ngài lau mồ hôi mặt, vượt qua quảng trường rồi đi vào nhà Paxto.
Bà mẹ người quá cố ngồi rũ rượi trên chiếc ghế. Vây xung quanh bà là đám đàn bà đang quạt cho bà. Xã trưởng gọi một bà đến “Dãn ra để bà thở”. Người đàn bà quay lại với ngài.
- Bà già vừa ra khỏi nhà đi lễ misa – bà nói.
- Tốt lắm – xã trưởng nói – nhưng bây giờ hãy để cho bà thở.
Paxto ở ngoài hành lang, nằm sấp trên một đống lông chim đẫm máu. Ở đây, nồng nặc mùi hôi của chim bồ câu. Khi xã trưởng đến, một đám đàn ông đang cố gắng dựng thi hài người chết dậy.
- Giải tán ngay – ngài nói.
Bọn đàn ông để tử thì nằm lại trên đống lông theo đúng tư thế họ thấy trước đó và lặng lẽ rút lui. Sau khi khám tử thi, xã trường lật tử thi lại. Ngang thắt lưng có nhiều lông chim bê bết máu tươi bám vào. Xã trưởng lấy tay vuốt hết lông đi. Áo sơ mi rách và chiếc khóa đồng của thắt lưng bị vỡ. Bên trong áo sơ mi ngài thấy ruột gan lòi hẳn ra ngoài. Vết thương đã cầm máu.
- Bị bắn chết bằng khẩu súng săn hổ – một người đàn ông nói.
Xã trưởng đứng dậy. Ngài lau những chiếc lông chim dính máu ở tay mình vào cột chuồng chim, trong lúc làm ngài luôn luôn nhìn tử thi. Sau khi lau máu trên tay lên quần ngủ, ngài nói với đám đông:
- Để nguyên tử thi ở đấy, các anh nhớ chưa nào?
- Cứ để nằm sóng soài như thế – một người đàn ông nói.
- Khi nhấc lên, các anh cần phải nhẹ nhàng và khéo léo.
Ở trong nhà bắt đầu có tiếng khóc của đám đàn bà. Xã trưởng bước đi giữa những tiếng gào và cái mùi ngột ngạt khiến cho không khí trong nhà lạ hẳn đi. Tại cửa ăn thông ra đường cái ngài gặp cha Anghen.
- Đã chết rồi cha kêu lên vẻ thảng thốt.
- Chết như một con lợn – xã trường trả lời cha.
Quanh quảng trường, các nhà đều mở toang cửa. Mưa đã tạnh nhưng bầu trời đầy mây xà thấp xuống ôm lấy các mái nhà. Cha Anghen khoác cánh tay xã trưởng, giữ ngài lại.
- Xêxa Môngtêrô là một người tốt – cha nói – nhưng chuyện này xảy ra là do một khoảnh khắc tức khí mà thôi.
- Tôi biết mà thưa cha – xã trưởng nói vẻ tỉnh khô Xin cha đừng bận lòng vì ông ta sẽ chẳng việc gì đâu. Mời cha vào, mọi người đang cần cha có mặt. Xã trưởng bỏ đi và ra lệnh cho cảnh sát không phải canh gác quảng trường nữa. Đám đông, cho đến lúc này vẫn kiên nhẫn chờ đợi, đã ùa đến nhà Paxto. Xã trưởng bước vào tiệm chơi bi-a, nơi một viên cảnh sát đang đợi để đưa bộ quần áo sạch cho ngài thay. Đó là bộ quân phục thiếu úy.
Theo thường lệ cho đến giờ ấy cửa hàng này vẫn chưa mở cửa. Nhưng ngày hôm ấy vào lúc bảy giờ đã đông nghịt người. Người ngồi trên những chiếc ghế kê quanh bàn, người ngồi dựa lưng vào quầy bán hàng, có một số đang uống cà phê. Phần lớn khách còn mặc áo ngủ và mang dép lê.
Xã trưởng cởi xống áo ngay trước mặt mọi người, lấy quần ngủ lau người rồi lặng lẽ mặc quần áo quân phục, nhưng vẫn chú ý nghe các lời bình phẩm của đám đông. Khi ngài rời khỏi tiệm chơi bi-a, ngài biết khá tường tận về vụ giết người.
- Xin các ông các bà cẩn thận cho – từ cửa tiệm ngài lên tiếng – Ta sẽ tống giam kẻ nào làm cho dân chúng nhốn nháo.
Ngài bước xuống con đường lát gạch mà chẳng chào ai nhưng ngài biết rõ dân chúng đang xôn xao bàn tán. Ngài còn trẻ tuổi, điệu bộ đi đứng nhanh nhẹn hoạt bát, và trong mỗi bước đi ngài cố buộc người khác phải chú ý đến mình.
Vào lúc bảy giờ, những chiếc ca nô thường chuyên chở hành khách, hàng hóa và bưu kiện một tuần ba lần, rúc còi rồi rời bến nhưng không một ai để ý đến chúng như những ngày khác trước đây. Xã trưởng bước xuống dãy hàng quán các thương nhân người Kiri đang trưng bày các hàng hóa sặc sỡ sắc màu. Bác sĩ Octaviô Hiranđô, một vị bác sĩ trẻ trung, hầu như không nhận ra tuổi tác của ông, từ cửa phòng khám đang quan sát những chiếc ca nô khởi hành. Ông cũng mặc áo ngủ và đi dép lê.
- Bác sĩ hãy mặc quần áo chỉnh tề để đi xét nghiệm – xã trưởng nói.
Với vẻ tò mò, bác sĩ quan sát xã trưởng. Ngài phát hiện một hàm trăng trắng và còn chắc. “Vậy là bây giờ chúng ta làm xét nghiệm”, bác sĩ nói và đế thêm:
- Rõ ràng, đây là một bước tiến bộ lớn.
Xã trưởng định cười nhưng cảm giác má đau không cho phép. Ngài lấy tay bưng lấy miệng.
- Ngài làm sao vậy? -Bác sĩ hỏi.
- Một cái lợi đau.
Bác sĩ Hiranđô sẵn sàng tiếp chuyện, nhưng xã trưởng vội đi.
Đến cuối bến cảng, xã trưởng gọi cửa một căn nhà lá tường thưng đố nhưng không trát vữa. Một người đàn bà da xanh nhợt có thai bảy tháng ra mở cửa cho ngài. Cô ta đi chân đất. Xã trưởng gạt cô sang một bên, bước vào ngôi nhà tranh tối tranh sáng.
- Pháp quan đâu? -ngài gọi.
Pháp quan Accađiô xuất hiện ở buồng, vẫn mang dép lê. Ông ta mặc chiếc quần lanh trắng trễ dưới rốn và đôi vai để trần.
- Ông chuẩn bị để làm lễ liệm.
Pháp quan Accađiô thốt lên một tiếng kêu thảng thốt.
- Chuyện lạ ấy xảy ra ở đâu?
Xã trưởng vẫn đi cho đến tận phòng ngủ. “Đây là chuyện khác hẳn”, ngài nói trong lúc tay mở cửa sổ để phòng thoáng đãng hơn. “Tốt hơn hết là cứ phải làm cho thật tử tế”. Ngài lau bàn tay bẩn vào chiếc quần là phẳng phiu rồi hỏi:
- Ông có biết làm lễ liệm không?
- Dĩ nhiên – pháp quan trả lời.
Xã trưởng nhìn đôi bàn tay mình ngay trước cửa sổ. “Hãy gọi viên thư ký của ông cùng đi để hắn ghi lại điều cần phải ghi” ngài nói, lần này vẫn cái giọng tưng tửng. Ngài lại nhìn cô gái đang dang rộng hai cánh tay.
- Tôi có thể rửa mặt ở chỗ nào hả?
- Ở ngoài chum nước.
Xã trưởng ra sân. Cô gái tìm trong rương một chiếc khăn tắm và để miếng xà phòng trong khăn tắm. Cô bước ra sân vào đúng lúc xã trưởng đã trở lại phòng ngủ, vẩy vẩy tay cho ráo nước.
- Em mang xà phòng cho ngài đây – cô nói.
- Tốt lắm – xã trưởng nói, ngài lại nhìn đôi bàn tay mình. Ngài cầm lấy khăn lau, vẻ suy tư lau khô tay. Trong lúc lau ngài nhìn pháp quan Accađiô.
- Tử thi dính đầy lông chim bồ câu – xã trưởng nói.
Xã trưởng ngồi xuống giường, thong thả nhấm nháp cà phê đen đợi cho đến khi pháp quan Accađiô mặc xong quần áo. Cô gái theo sau hai người đến tận cửa phòng khách.
- Chừng nào chưa nhổ chiếc răng sâu đi, má ngài vẫn còn sưng – cô nói với xã trưởng.
Xã trưởng đẩy pháp quan Accađiô ra ngoài đường rồi quay lại nhìn cô gái. Ngón tay trỏ của ngài dí vào cái bụng trống của cô gái, ngài hỏi:
- Thế còn chỗ sưng này, bao giờ nó xẹp đi cho cô?
- Sắp rồi – cô gái nói.
Cha Anghen không đi dạo buổi chiều như thường lệ. Sau lễ an táng, cha dừng lại trong một ngôi nhà thuộc xóm thợ và nói chuyện cho đến tận chiều. Cha cảm thấy khỏe khoắn, bất chấp trời mưa dầm dề lâu ngày khiến cha cảm thấy đau mỏi ở sống lưng. Khi cha về đến nhà, đèn đường đã thắp sáng.
Trinidat đang sửa sang các chậu hoa bày ngoài hành lang. Cha hỏi cô những chiếc bánh thánh chưa cúng cô để đâu và cô trả lời cha rằng cô đặt chúng trên bàn thờ rồi. Khi cha thắp sáng đèn trong phòng, muỗi liền vù vù bay quanh cha. Trước khi đóng cửa phòng, cha hun muỗi. Khi hun khói xong, người cha đẫm mồ hôi. Cha cởi bỏ chiếc áo thụng đen và mặc chiếc áo thụng trắng. Cha mang chiếc áo thụng đen đã sờn rách đi cho Anghêlut.
Khi về đến phòng cha đặt chảo lên bếp lửa và rán một miếng thịt. Trong lúc rán thịt, cha thái củ hành thành nhiều lát mỏng. Sau đó cha để tất cả vào chiếc đĩa có sẵn củ sắn và ít cơm nguội đó là những thức ăn thừa của bữa trưa. Cha mang đĩa cơm và thức ăn vào phòng và ngồi xuống ăn cơm tối.
Cùng một lúc cha ăn tất cả bằng cách dùng con dao và chiếc nĩa thái mỗi thứ một miếng nhỏ rồi cho vào mồm nhai. Hai môi mím lại, cha trệu trạo nhai từng mẩu nhỏ thức ăn. Trong lúc nhai cha để dao và nĩa xuống bên cạnh đĩa thức ăn và chăm chú quan sát căn phòng mình. Trước mặt cha là chiếc tủ đựng những cuốn sách dày cộp ghi tư liệu của giáo khu. Ở xó phòng là một chiếc ghế xích đu có tấm tựa cao. Sau chiếc ghế xích đu là một bức bình phong trên đó có treo tờ lịch quảng cáo thuốc ho. Bên cạnh bức bình phong là phòng ngủ của cha.
Cuối bữa ăn, cha Anghen cảm thấy khó thở. Cha lấy mứt ổi ra để nó trong một cái bát rồi rót nước cho đầy. Sau đó cha ăn mứt và trong lúc ăn mứt cha ngắm nhìn tờ lịch. Cứ mỗi lần ăn một miếng mứt cha lại ngụm một hớp nước, mắt vẫn không rời khỏi tờ lịch. Cuối cùng cha vươn thẳng người, lấy ống tay áo thụng quẹt ngang môi để lau mồm. Đã mười tám năm nay cha ăn như thế, ăn một mình ở trong phòng chẳng bao giờ cha thấy hổ thẹn về nỗi cô đơn của mình.
Sau khi đọc kinh rôsariô xong, Trinidat xin cha cho tiền để mua bả chuột. Lần thứ ba cha từ chối bằng luận điệu cho rằng bẫy chuột là đủ rồi, cần gì phải mua bả. Trinidat cố cãi lại, nói:
- Là vì những con chuột nhỏ cắp bơ đi mà không rơi xuống bẫy. Vì thế cần phải tẩm thuốc độc vào bơ.
Cha thừa nhận rằng Trinidat nói phải lắm. Nhưng trước khi cha có thể nói ra thì tiếng loa phóng thành ồn ỉ trong rạp chiếu bóng phía trước phá tan không khí thanh lặng tại nhà thờ. Tiếp theo tiếng rè của kim chạm vào đĩa hát là bản nhạc dân ca được mở đầu bằng tiếng kèn đồng nghe chói tai.
- Có chiếu phim à? – cha hỏi.
Trinidat trả lời cha rằng hôm nay có chiếu phim.
- Con có biết chiếu phim gì không?
- Tacgiăng và Nữ thần xanh ạ – Trinidat nói – Chính bộ phim bị bỏ dở hôm chủ nhật vì trời mưa. Đó là bộ phim có lợi cho tất cả.
Cha Anghen đi ngay ra chân tháp chuông kêu liền mười hai tiếng chuông cấm chiếu phim. Trinidat lấy làm thảng thốt.
- Thưa cha, cha nhầm rồi – cô nói, hai bàn tay hua hua mãi với ánh mắt đầy cảm kích. -
Đó là bộ phim tốt, mọi người có thể xem: Xin cha nhớ cho là hôm chủ nhật cha đã cho phép chiếu rồi.
- Nhưng hôm nay mà chiếu phim là vô lễ với làng ta – cha nói trong lúc lau mồ hôi cổ. Cha thở hổn hển – Đó là một sự thiếu tôn trọng làng.
Trinidat hiểu ra vấn đề.
- Cần phải nhìn nó với sự kiện đám ma hồi chiều – cha nói Tất cả bọn đàn ông đánh lộn nhau để được khiêng quan tài.
San đó cha tạm biệt Trinidat, đóng cửa nhà thờ ăn thông ra quảng trường hiu quạnh và tắt đèn trong nhà thờ. Tại hành lang trên đường trở về phòng ngủ, cha vỗ nhẹ tay lên trán khi nhớ ra rằng mình quên không đưa tiền cho cô gái để mua bả chuột. Nhưng cha lại quên ngay trước khi về đến phòng ngủ.
Sau đó ít lâu, cha ngồi vào bàn với quyết tâm viết cho xong bức thư đêm trước viết dở.
Cha phanh cúc áo thụng đến tận bụng, sắp xếp giấy, lọ mực, cái thấm mực và lục tìm trong túi cặp kính lão. Sau đó cha nhớ rằng mình để nó trong túi chiếc áo thụng mặc đi làm lễ an táng người chết và cha đứng dậy đi tìm. Cha đọc lại phần viết đêm qua và bắt đầu viết đoạn mới. Chính lúc ấy vang lên ba tiếng chuông gọi cửa.
- Mời vào.
Đó là ông chủ rạp chiếu bóng. Ông ta là một người đàn ông nhỏ con, da xanh, mày râu nhẵn nhụi nhưng dáng vẻ khổ sở lắm. Ông ta vận bộ đồ lanh trắng, đi đôi giày hai màu.
Cha Anghen chỉ cho ông ta chiếc ghế xích đu và bảo ông ta ngồi, nhưng ông ta rút khăn tay ra lau ghế rồi mới ngồi trong tư thế hai chân chạng ra. Lúc đó cha mới nhận ra cái vật ông ta mang trên thắt lưng không phải là khẩu súng ngắn mà là chiếc đèn pin.
- Ông có chuyện gì nào? Tôi nghe ông đây – cha nói.
- Thưa cha, cha hãy thứ lỗi cho con vì con đã dúng mũi vào công việc của cha. Nhưng đêm nay có lẽ cha đã phạm một sai lầm chăng?
Cha Anghen gật đầu và chờ đợi.
- Tacgiăng và Nữ thần xanh là một bộ phim lành mạnh cho tất cả mọi người – ông chủ rạp phim nói tiếp Chủ nhật trước, chính cha đã thừa nhận rồi.
Cha định ngăn ông ta lại nhưng ông chủ rạp giơ tay ra hiệu rằng mình nói chưa xong.
- Con đã chấp nhận ngay việc kéo chuông cấm chiếu phim vì quả thật có những bộ phim có hại cho đạo đức. Nhưng bộ phim này chẳng có pha nào gây cấn cả. Chúng con nghĩ đến cả việc cho thiếu nhi xem bộ phim này.
Lúc này, cha Anghen giải thích rằng bộ phim ấy lành mạnh. Nhưng hôm nay mà chiếu phim thì đó là một khiếm khuyết đối với làng vừa có đám tang và đó cũng thuộc về đạo đức.
Ông chủ rạp chiếu bóng nhìn cha.
- Năm ngoái chính cảnh sát giết người trong rạp và khi vừa mang tử thi ra khỏi rạp thì phim được chiếu ngay đấy thôi.
- Bây giờ khác rồi – cha nói -Xã trưởng đương nhiệm là người đã đổi mới rồi.
- Khi nào có tuyển cử lại xảy ra chuyện giết người – chủ rạp cãi lại Từ khi làng là làng, luôn luôn xảy ra chỉ một chuyện ấy thôi.
- Chúng ta sẽ cùng xem xét – cha nói.
Với ánh mắt nặng nề, chủ rạp chiếu bóng nhìn cha. Khi ông ta nói, ông ta rung chiếc áo để quạt mát phần ngực mình, và giọng ông ta trở nên có vẻ van nài.
- Đó là một trong số ba bộ phim lành mạnh được chiếu đưa về địa phương ta trong năm nay. Ngày chủ nhật vừa rồi, vì trời mưa nên còn ba cuốn nữa chưa chiếu. Rất nhiều khán giả muốn xem để biết bộ phim kết thúc như thế nào.
- Nhưng chuông cấm chiếu đã vang lên rồi – cha nói. Nghe vậy chủ rạp phim thất vọng hoàn toàn.
- Vậy là chẳng còn gì để làm nữa phải không ạ?
Cha Anghen lắc đầu. Chủ rạp vỗ nhẹ lên gối rồi đứng dậy.
- Được thôi – ông ta nói – Chúng con biết làm gì cha bây giờ.
Ông ta gấp khăn tay, lau mồ hôi cổ, rồi nhìn kĩ phòng ở của cha với vẻ cay cú.
- Chỗ này là một địa ngục – ông ta nói.
Cha tiễn chân ông ra đến cửa. Cha cài then cửa rồi ngồi viết nốt bức thư. Sau khi đọc lại một lần nữa kể từ đoạn đầu và cha kết thúc cái đoạn bị bỏ dở rồi cha ngừng lại để suy nghĩ. Giữa lúc ấy, âm nhạc trên loa phóng thanh ngừng hẳn. “Xin thông báo để quý vị khán giả biết rằng buổi chiếu hôm nay hoãn lại vì rạp ta muốn cùng chia sẻ với thân quyến người vừa quá cố sáng nay”. Cha Anghen mỉm cười nhận ra giọng nói của ông chủ rạp chiếu bóng.
Không khí trong phòng ngày càng nóng thêm. Cha vẫn tiếp tục viết, thi thoảng lại ngừng bút để lau mồ hôi và để đọc lại đoạn vừa viết xong, cuối cùng cha cũng viết kín đặc cả hai tờ giấy. Cha vừa ký tên xong thì trời đổ mưa. Một làn hơi ấm ùa vào phòng. Cha Anghen đề bì thư, đóng nắp lọ mực và gấp bức thư lại. Nhưng trước khi nhét thư vào bì cha đọc lại đoạn cuối. Thế là cha mở nắp lọ mực, viết thêm đoạn tái bút: “Lại mưa. Với mùa đông này và những chuyện tôi kể trên tôi nghĩ rằng những ngày cay đắng đang chờ đón chúng ta.”
Ngày thứ sáu thức dậy trong không khí dịu nhẹ và khô ráo. Pháp quan Accađiô, người lấy làm kiêu hãnh kể từ lần đầu tiên làm tình đến nay, đêm nào cũng dư sức làm tình với vợ tới ba lần. Buổi sáng hôm ấy đã làm đứt tung dây màn và cùng với vợ ngã xuống sàn nhà vào đúng lúc hứng thú nhất, cả hai người cuộn trong chiếc màn.
- Thây kệ nó – cô vợ nói – sau đấy em sẽ thu dọn lo gì.
Cả hai anh chị hoàn toàn lõa lồ trong tấm màn bị đứt dây rơi xuống trùm lên người.
Pháp quan Accađiô đến chiếc rương tìm chiếc quần đùi sạch. Khi trở lại cô vợ đã mặc lại quần áo, đang cuốn màn. Không nhìn vợ, ông đi thẳng đến đầu giường bên kia, ngồi xuống đi giày tất với vẻ thảng thốt và sung mãn của ái tình.
Cô vợ theo sát ông. Cô tì cái bụng trống tròn lẳn và căng mọng lên cánh tay ông và hàm răng cô tìm kiếm cái tai ông để cắn yêu. Ông nhẹ nhàng và thân ái né tránh cô.
- Để anh yên nào, cưng – Ông nói.
Cô vợ bật ra một tiếng cười giòn giã tỏ rõ mình có sức khỏe tốt. Cô theo chồng đến đầu phòng bên kia, lấy ngón trỏ chọc vào vùng thận của ông. “Con lừa thân yêu, hãy cày đi nào” cô nói. Ông nhẩy cẫng lên vì buồn cười và gạt phắt tay cô vợ ra. Cô tha cho ông để cho ông yên và cô lại cười nhưng bỗng cô nghiêm nghị và gào toáng lên:
- Ôi! Lạy chúa tôi.
- Gì thế em? -ông hỏi.
- Cửa mở toang kia kìa. Ôi, thế thì dơ lắm, anh ạ. Nói xong cô vào buồng tắm, cười như nắc nẻ.
Pháp quan Accađiô không đợi uống cà phê. Nhờ đánh răng ông đã tỉnh táo rồi. Ông ra đường. Mặt trời đỏ vàng như đồng. Những người Xiri ngồi trước quầy hàng của mình đang ngắm nhìn dòng sông phẳng lặng.
Khi đi qua phòng khám bệnh của bác sĩ Hiranđô, pháp quan Accađiô dùng móng tay cào lên tấm lưới thép chắn cửa và gọi to:
- Bác sĩ ơi, phương thuốc nào tốt nhất để trị đau đầu hả?
- Không uống rượu vào buổi đêm! – từ bên trong bác sĩ trả lời.
Tại bến cảng, một nhóm đàn bà tụ tập đang sôi nổi bàn tán về nội dung tờ rời được dán tường đêm qua. Vì ngày thức dậy rạng rỡ và không mưa nên các bà phụ nữ đi lễ misa lúc năm giờ đã đọc tờ rời và giờ đây cả làng đều tường tận nội dung của nó. Pháp quan Accađiô không dừng chân. Ông cảm thấy mình như một con bò mộng, mũi đã buộc thừng, chúi đầu đi về phía tiệm chơi bi-a. Tại đây một chai bia lạnh và thuốc giảm đau đầu. Đồng hồ vừa điểm chín giờ mà tiệm đã đông nghịt người.
- Cả làng đau đầu, thế mới lạ chứ! – pháp quan nói.
Ông mang chai bia đến bàn có ba khách ngồi và ngồi xuống chiếc ghế trống.
- Vẫn chuyện tờ rời phải không? – pháp quan hỏi.
- Hôm nay, làng thức dậy đã thấy bốn tờ rời.
- Có một tờ được cả thiên hạ đọc – một người nói – Đó là tờ nói về cô Raken Côngtrêrat.
Pháp quan nhai thuốc và uống bia. Ngụm bia đầu khiến ông ngán nhưng sau đó dạ dày dễ chịu, và ông cảm thấy khoan khoái.
- Nó nói gi?
- Chuyện dớ dẩn thôi – người ban nãy tiếp lời – Nó nói rằng những chuyến đi xa trong năm nay của bà ta không phải là đi trồng răng như bà ta nói mà là để trục thai ra.
- Chẳng nên mất công đi viết những tờ rời – pháp quan nói – Điều đó cả thiên hạ đều nói thế.
Mặc dù nắng gay gắt làm chói mắt khi ra khỏi tiệm, pháp quan không biểu lộ nỗi bực dọc của mình trước buổi sáng ấy. Ông ta đi thẳng về trụ sở tòa án. Viên thư ký của ông, một ông già gầy gò đang vặt lông gà với ánh mắt nghi ngờ ngước lên phía trên gọng kính đón chào ông.
- Và cái phép màu ấy thế nào?
- Cần phải thôi ngay chuyện dớ dẩn ấy – pháp quan nói.
Viên thư ký lê đôi dép bước ra sau và qua hàng rào trao con gà bị vặt lông dở dang cho bà đầu bếp của khách sạn. Mười một tháng sau khi nhậm chức, đây là lần đầu tiên pháp quan Accađiô ra lệnh ở trong văn phòng của mình.
Văn phòng luộm thuộm này được ngăn đỡ nhờ một tấm bình phong gỗ. Phòng ngoài có một chiếc ghế dài có tấm tựa cũng bằng gỗ kê ở bên dưới bức tranh Thần công lý bị bịt mắt tay cầm một cán cân. Phòng trong có hai bàn viết đối diện nhau, một tủ để những cuốn sách phủ đầy bụi và một chiếc máy chữ. Trên tường, phía trên bàn làm việc của pháp quan, có treo một bức tượng đồng tạc chúa Giêsu bị đóng đinh câu rút. Trên bức tường đối diện một bức ảnh chân dung: một người đàn ông tươi cười, béo và hói, ngực quàng tấm đai tổng thống và ở bên dưới có hàng chữ mạ vàng: Hòa bình và công lý. Bức ảnh chân dung là cái mới duy nhất trong phòng làm việc.
Viên thư kí lấy khăn mặt ướt bịt mũi lại rồi lấy cái phất trần quét bụi trên hai bàn làm việc. “Nếu không bịt mũi lại thì sẽ bị ho”, ông ta nói. Văn phòng không được chăm nom tử tế. Phán quan Accađiô ngồi trên chiếc ghế lò xo ngả người ra phía sau. Ông duỗi thẳng hai chân để thử lò xo.
- Liệu có ngã được không nhỉ? – ông ta hỏi.
Viên thư kí lắc đầu để trả lời không ngã được. “Khi người ta giết pháp quan Vitêla – ông ta nói – thì những chiếc lò xo này tuột ra hết. Nhưng giờ đây, ghế đã được sửa lại rồi”
Vẫn không cởi chiếc khăn bịt mũi lại, ông ta nói thêm:
- Chính ngài xã trưởng ra lệnh chữa lại chiếc ghế này khi chính phủ thay đổi và có nhiều quan thanh tra đặc nhiệm được phái đi khắp nơi.
- Và ngài xã trưởng muốn rằng văn phòng này phải làm việc – pháp quan nói.
Viên thư ký mở ngăn kéo trung tâm lấy ra một chùm chìa khóa rồi ông ta dùng hết chiếc này đến chiếc kia tra vào ổ khóa của từng ngăn tủ một. Các ngăn tủ đều đầy giấy tờ, với thái độ hững hờ, ông kiểm tra từng tài liệu và bằng cách dương ngón tay trỏ lên ra ra hiện rằng chẳng có gì phải chú ý lắm rồi sau đó đóng các ngăn tủ lại. Sau cùng viên thư ký đặt lên bàn viết những thứ cần dùng: một lọ mực thủy tinh trong đựng mực đỏ và một lọ mực xanh, và mỗi lọ này ông tra vào một chiếc bút lông chim. Mực trong lọ đã cạn rồi.
- Ngài có vẻ hợp với ngài xã trưởng – viên thư ký nói.
Ngồi đung đưa trên chiếc ghế lò xo, pháp quan theo dõi viên thư ký lau chùi tay vịn hàng lan can. Viên thư ký ngắm nhìn pháp quan như thể sẽ chẳng bao giờ quên ông ta trong chính thứ ánh sáng ấy, trong chính giây phút ấy và trong chính tư thế ấy và cuối cùng với ngón tay trỏ ông ta chỉ cho pháp quan biết:
- Pháp quan Vitêla đã ngồi đúng như lúc này ngài đang ngồi khi ông ta bị đạn xăm lỗ chỗ khắp người.
Pháp quan Accađiô sờ lên hai thái đương đang giần giật máu chảy trong các huyết quản. Ông ta lại đau đầu mà.
- Tôi đứng ở đây – viên thư ký tiếp tục kể. Trong lúc chỉ tay về phía chiếc máy chữ, ông ta đi về phía sau hàng chấn song. Vẫn không ngừng kể chuyện, ông ta đặt cái phất trần lên tay vịn lan can giả làm khẩu súng hướng nòng về phía pháp quan Accađiô. Lúc này ông ta giống như một tên cướp bưu điện trong bộ phim cao bồi.
- Ba viên cảnh sát đứng như thế này – viên thư ký tiếp tục kể – Hầu như pháp quan Vitêla vừa nhìn thấy họ, hai tay giơ lên nói chậm rãi từng chữ một: “Đừng giết ta”. Nhưng ngay lập tức chiếc ghế đổ về một bên, người nát nhừ vì đạn.
Pháp quan Accađiô đưa hai tay lên ôm lấy đầu. Ông cảm thấy trong đầu nhức như búa bổ. Viên thư ký cởi khăn mặt ra và treo cái phất trần lên phía sau cánh cửa. “Tất cả chỉ vì trong lúc say rượu, ngài đã nói rằng ngài có mặt ở đây là để bảo vệ tính trong sạch của cuộc bầu phiếu mà thôi”, viên thư ký nói. Ông ta ngừng lại nhìn viên pháp quan đang gục xuống bàn hai tay ôm lấy bụng.
- Ngài khó chịu lắm phải không?
Pháp quan trả lời rằng đúng thế. Đêm qua pháp quan đã nói với viên thư ký và bảo ông ta mang đến tiệm chơi bi-a thuốc đau đầu và hai chai bia lạnh. Khi uống hết chai bia đầu tiên, pháp quan Accađiô không thấy trong trái tim mình có dấu hiệu nhỏ nào của sự ân hận. Ông đang hứng chí mà.
Viên thư ký ngồi trước chiếc máy đánh chữ.
- Bây giờ chúng ta làm gì nào?
- Không làm gì cả.
- Vậy, nếu ngài cho phép, tôi sẽ đi tìm Maria để giúp bà ta vặt lông gà.
Pháp quan phản đối. “Đây là phòng trông coi công lí chứ không phải là nơi vặt lông gà”, pháp quan nói. Ông ta xét nét người dưới quyền mình từ đầu cho đến chân, rồi nói:
- Ngoài ra ông cần phải ném đôi lê đi và từ này trở đi ông đến cơ quan phải mang giày cẩn thận, nghe chưa.
Trời càng đến trưa càng nóng dữ. Khi đồng hồ điểm chuông báo mười hai giờ. Pháp quan Accađiô đã uống hết một tá bia lạnh. Ông bơi trong những kí ức. Trong nỗi khao khát ông nói về một quá khứ buông thả, những ngày chủ nhật dài triền miên trôi đi bên bãi tắm và với những gái lai không bao giờ thỏa cơn khát dục đứng làm tình ngay sau cánh cửa.
“Cuộc sống thời ấy là như thế chứ”, pháp quan nói đồng thời bật ngón cái vào ngón trỏ kêu tách một tiếng rất to ngay trước mặt viên thư ký hiền lành chỉ biết gật đầu tán thưởng. Pháp quan Accađiô cảm thấy đã mệt nhưng càng uống ông càng sống hơn trong kí ức của mình.
Khi đồng hồ trên tháp chuông điểm một giờ, viên thư kí tỏ vẻ lo lắng, nói:
- Ấy chết, súp nguội mất rồi – ông ta nói.
Pháp quan vẫn không chịu để ông đứng đậy. “Không phải lúc nào ở những cái làng này người ta cũng gặp được người có tài” pháp quan nói và viên thư ký chỉ còn biết cảm ơn, chỉ còn biết nhẫn nhục chịu đựng cái nóng hầm hập, chỉ còn biết thay đổi tư thế ngồi trên ghế.
Đó là một ngày thứ sáu dài lê thê tưởng như không bao giờ kết thúc. Bên dưới mái tôn nóng, hai người đàn ông nói chuyện thêm nửa giờ trong lúc nhân vật vờ ngủ trưa trong không khí nóng như ở lò nung. Trong lúc quá mệt mỏi, viên thư ký nói về những lời đồn nhảm được viết trên từ rơi. Pháp quan Accađiô nhún vai.
- Cả cậu nữa cũng dúng mũi vào chuyện dớ dẩn ấy sao – pháp quan lần đầu tiên ăn nói thân tình với người dưới quyền mình.
Viên thư kí không thích tiếp tục nói chuyện nữa vì ông ta đang đói mềm và đang phải chịu đựng oi nóng nhưng ông ta không tin rằng những lời bịa đặt viết trên từ rơi là chuyện ngu xuẩn. “Ở làng này đã xảy ra một vụ giết người đầu tiên vì những lời bịa đặt viết trên tờ rơi, ông ta nói, nếu cứ tiếp tục như thế này thì chúng ta “sẽ có một thời kỳ nguy hiểm”.
Ông kể chuyện một làng bị những lời bịa đặt viết trên tờ rơi tiêu diệt chỉ trong bảy ngày. Dân chúng của làng ấy giết chết lẫn nhau. Những kẻ sống sót bỏ làng ra đi mang theo mình hài cốt người thân để khẳng định rằng sẽ chẳng bao giờ trở về quê hương nữa.
Pháp quan nghe ông ta kể với thái độ mai mỉa và trong lúc người kia nói ông ta từ từ cởi cúc áo. Pháp quan nghĩ rằng viên thư kí của mình là một người thích kể chuyện rùng rợn.
- Đây là trường hợp quá đơn giản của tiểu thuyết trinh thám – pháp quan nói.
Kẻ dưới quyền lắc đầu không thừa nhận. Pháp quan Accađiô kể rằng tại trường đại học ông tham gia một tổ chức chuyên giải những điều khó hiểu trong truyện trinh thám. Mỗi thành viên đọc một cuốn tiểu thuyết khó hiểu vì kì bí và cố nắm cho được chiếc chìa khóa vững chắc. Ngày thứ bảy mọi người họp lại đề giải mã điều bí hiểm. “Chẳng bao giờ tôi nói sai cả”, pháp quan nói. “Dĩ nhiên những tri thức của các nhà cổ điển, những người đã phát hiện ra một lô-gích cuộc sống đủ sức đi sâu vào bất kì điều kì bí nào, đã giúp tôi rất nhiều”. Pháp quan đưa ra một điều bí hiểm: lúc mười giờ đêm, một khách trọ về đến khách sạn. Ông ta vào phòng ngủ của mình. Sáng hôm sau, cô hầu phòng mang cà phê vào phòng cho ông ta thì thấy ông ta đã chết và thối rữa ngay trên giường nằm. Khám nghiệm tử thi cho biết rằng vị khách về đến khách sạn đêm qua đã chết được tám ngày rồi.
Viên thư kí đứng dậy mà xương hốc kêu roàn roạt.
- Nghĩa là khi về đến khách sạn ông ta đã chết được bảy ngày -viên thư kí nói.
- Câu chuyện được viết cách đây mười hai năm – pháp quan Accađiô nói – nhưng chìa khóa đã được Hêraclit đưa ra từ thế kỉ thứ V trước Công nguyên.
Pháp quan sẵn sàng giải thích điều đó nhưng viên thư kí lại quá thất vọng. “Không đời nào. Từ khi thế giới là thế giới, những kẻ bịa chuyện viết những tờ rơi đã bị lộ chân tướng”, ông ta kết luận trong ngữ điệu bất bình. Với hai con mắt trợn ngược, pháp quan Accađiô ngắm nhìn viên thư kí của mình
- Cậu có dám thách tôi tìm ra không nào? – pháp quan hỏi.
- Thách đấy.
Rêberca đê Axit đang ngạt thở trong phòng ngủ oi nóng của ngôi nhà đối diện với trụ sở tòa án. Đầu cô chìm sâu trong chiếc gối, cố ngủ một giấc ngủ trưa không thể ngủ được. Hai thái dương cô dịt lá thuốc được hơ lửa.
- Rôbertô ơi, nếu anh không mở cửa số thì chúng mình chết vì nóng mất – cô nói với chồng.
Rôbertô mở cửa số vào đúng lúc pháp quan Accađiô ra khỏi văn phòng làm việc của mình.
- Cố mà ngủ đi em ạ – Rôbertô van nài người vợ to béo đang nằm trong tư thế hai cánh tay dang ra bên dưới tấm đình màn, hoàn toàn khỏa thân trong chiếc áo ngủ bằng vải ni lông mỏng – Anh hứa với em rằng anh sẽ quên đi tất cả mà.
Cô vợ thở dài não ruột.
Rôbertô Axit, người đêm qua trằn trọc trong phòng ngủ, châm hết điếu thuốc này đến điếu khác, suýt nữa bắt quả tang kẻ đi dán tờ rơi. Anh nghe thấy tiếng giấy kêu sột soạt và tiếng tay người dán giấy lên tường ở ngoài cửa nhà mình. Nhưng anh hiểu ra quá muộn và thế là tờ rơi đã được dán lên tường. Khi anh mở cửa sổ, quảng trường vắng tanh vắng ngắt.
Từ đó trở đi cho đến lúc hai giờ chiều, khi anh hứa với vợ rằng sẽ quên chuyện tờ rơi, cô vợ tìm hết cách xoa dịu anh. Cuối cùng chỉ có biện pháp cô sẽ xưng tội với cha Anghen ngay trước mặt chồng và coi đây là bằng chứng cuối cùng cho sự vô tội của mình. Chỉ có biện pháp nhẫn nhục ấy mới có sức thuyết phục. Dù đang hoang mang, anh chồng không dám làm gì thêm.
- Tốt hơn hết là nói sang chuyện khác – cô vợ nói mà vẫn không mở mắt – Sẽ là một thảm họa nếu anh cứ lầm lì giận dữ.
Khi ra khỏi phòng ngủ anh khép kín cửa. Trong ngôi nhà rộng rãi, lờ mờ tối vì được đóng kín các cửa lại, anh nghe rõ tiếng chạy ro ro của chiếc quạt điện của mẹ đẻ, người đang ngủ trưa trong nhà bên cạnh. Anh uống một cốc nước chanh ướp lạnh ngay trước mắt cô người ở da đen.
Từ trong phòng ngủ, cô vợ hỏi anh có muốn ăn trưa không. Anh mở vung nồi canh. Một con rùa chổng bốn vó lên trời đang nối lềnh bềnh trên mặt nước sôi. Lần đầu tiên anh không thấy rùng mình kinh rợn trước ý nghĩ rằng con vật bị ném sống vào nước sôi và rằng trái tim vẫn tiếp tục nhịp đập bình thường khi người ta đưa con vật lên thớt chặt ra thành từng khúc.
- Anh không thấy đói. – Anh nói trong lúc đậy vung lại. Rồi từ cửa anh nói thêm: – Mẹ cũng không ăn đâu. Mẹ đau đầu cả ngày.
Hai ngôi nhà ăn thông với nhau nhờ một hành lang lát gạch men xanh. Từ hành lang có thể nhìn thấy chuồng gà mắc lưới thép ở ngoài sân chung, ở phía đầu hành lang nhà bà mẹ có vài chuồng chim treo đầu hồi và có rất nhiều chậu cây cảnh đang nở hoa sặc sỡ.
Từ trên chiếc ghế rộng đứa con gái bảy tuổi vui vẻ ồn ĩ chào anh. Nó vừa ngủ trưa dậy. Trên má nó vẫn còn hằn nhiều vết chiếu.
- Sắp ba giờ chiều rồi – anh nói với nó bằng giọng nhỏ nhẹ. Con cũng nên lo học hiểu dần đi.
- Cha ơi, con vừa mơ thấy một chú mèo bằng thủy tinh.
Anh không thể kìm nổi cú rùng mình.
- Như thế nào?
- Hoàn toàn bằng thủy tinh – bé gái nói, hai tay làm điệu bộ mô tả tầm cỡ của con vật nó mơ thấy, – như một con chim bằng thủy tinh, nhưng lại là con mèo, cha ạ.
Anh cảm thấy mình bị lạc trong một thành phố lạ ngay giữa lúc đang trưa. “Hãy quên nó đi con ạ”, anh thầm thì nói. “Một chuyện như thế chẳng đáng nhớ làm gì”. Giữa lúc ấy, anh nhìn thấy mẹ mình đứng ở cửa phòng ngủ và anh cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm hẳn đi.
- Mẹ khá hơn rồi đó – anh nói.
Bà quả phụ Axit trả lời anh bằng điệu bộ mang vẻ cay đắng “Vâng, càng ngày tôi càng khá hơn để có thể ném ra khỏi nhà” bà cụ ca thán. Cụ đi thay nước cho các lồng chim.
Rôbertô Axit nằm vật xuống chiếc ghế con anh vừa ngủ. Hai bàn tay chắp lại gối sau gáy, và bằng ánh mắt mệt mỏi, anh dõi nhìn người đàn bà gầy vận đồ đen đang nói chuyện với những con chim. Bọn chim thi nhau uống nước và bằng đôi cánh vui chúng vẫy cả nước lên mặt người đàn bà. Sau khi cho chim uống nước xong, bà quả phụ quay lại nói chuyện với con trai.
- Con không lên núi làm việc à?
- Hôm nay, con nghỉ để ở nhà làm một số việc cần.
- Con nghĩ đến thứ hai chứ?
Bằng ánh mắt anh trả lời mẹ rằng đúng thế, một cô hầu da đen, đi chân đất, đi qua phòng dắt bé gái đi học. Bà quả phụ Axit đứng ở hành lang chờ cho bọn họ ra khỏi nhà. Sau đó bà ra hiệu cho con trai. Thế là anh theo bà cụ vào trong phòng ngủ rộng rãi có chiếc quạt điện đang chạy ro ro. Bà cụ ngồi xuống chiếc ghế xích đu mây, ngay trước quạt điện, với vẻ mệt mỏi thực sự. Trên những bức tường quét vôi trắng, có treo những bức ảnh trẻ em lồng trong khung đồng. Rôbertô Axit ngồi xuống chiếc giường lâu đời mà một số trẻ em trong các bức ảnh kia đã chết, chết vì già hoặc vì tức khí, trong số đó có cả bố anh người vừa quá cố trong mùa đông năm trước.
- Có chuyện gì hả con? – Bà quả phụ hỏi.
- Mẹ có tin lời đám đông nói không? – Anh hỏi mẹ.
- Ở tuổi mẹ, cần phải tin hết con ạ – bà mẹ nói – Họ nói gì nào?
- Họ đồn rằng Rêberca Isaben không phải là con của con.
Bà quả phụ bắt đầu đung đưa chiếc ghế xích đu. “Nó có cái mũi của những Axit nhà ta”, bà cụ nói. Sau một lúc suy nghĩ, cụ lại hỏi: “Ai nói?”. Rôbertô Axit cắn móng tay.
- Họ viết thành tờ rơi, mẹ ạ!
Chỉ đến lúc ấy bà quả phụ hiểu rằng tai con trai mình cũng nghe ra vấn đề đấy chứ.
- Tờ rơi không phải là dư luận của đám đông – cụ kết luận.
- Nhưng chúng chỉ nói điều dân chúng bàn tán – Rôbertô Axit nói – dù cho có người không biết.
Tuy nhiên, cụ biết tất cả những gì dân làng nói về gia đình mình trong rất nhiều năm nay. Trong một ngôi nhà như ngôi nhà của cụ, đông đúc bọn người hầu kẻ ở, bọn con nuôi, con đỡ đầu thuộc đủ mọi lứa tuổi, thật khó lòng mà ngăn được những lời đồn đại từ ngoài đường vào nhà, cho dù có đóng cửa ở trong phòng ngủ cả ngày cụ vẫn nghe được dư luận của đám đông. Những Axit hiếu động, vốn là những người sáng lập ra làng này, cũng có máu thích nghe lời đồn.
- Không phải những gì họ đồn đại đều đúng cả, cho dù có người biết – cụ nói.
- Cả làng đều biết rằng Rôsariô đê Môngtêrô ngủ với Paxto. Bài hát cuối cùng của anh ta là dành tặng cho cô ấy, mẹ ạ.
- Cả thiên hạ đều nói nhưng không ai biết chắc chắn cả. Bà góa bác lại – Trái lại, giờ đây người ta biết rằng bài hát ấy được tặng riêng cho Margôt Ramirêt. Bọn họ sẽ cưới nhau và chỉ có bọn họ và bà mẹ Paxto biết rõ mà thôi. Tốt hơn hết đối với bọn họ là chẳng nên quá lo lắng giữ kín điều bí mật duy nhất ấy ở cái làng này. Đó chính là nguyên nhân của nỗi bất hạnh của họ.
Với ánh mắt sáng rực, Rôbertô đê xit nhìn mẹ mình. “Sáng nay, đã có lúc con nghĩ mình sẽ chết đấy mẹ ạ”, anh nói. Bà quả phụ hình như không để lộ nỗi xúc động của mình.
- Những Axit nhà này là chúa hay ghen – cụ nói – Điều đó là nỗi bất hạnh lớn nhất của nhà này.
Cả hai mẹ con cùng im lặng một lúc. Đã gần bốn giờ chiều rồi. Không khí oi nắng đã giảm đi rõ rệt. Khi Rôbertô Axit tắt quạt điện, toàn bộ ngôi nhà thức dậy, ồn ào tiếng nói của phụ nữ và tiếng chim hót lảnh lót.
- Hãy đưa cho mẹ lọ thuốc để trên bàn ngủ ấy – bà qua phụ nói.
Cụ uống hai viên thuốc xám màu ghi và tròn tựa như hai viên giả ngọc. Cụ trao lọ thuốc cho con trai và nói: “Con cũng uống hai viên, chúng sẽ giúp con ngủ ngon giấc”. Anh uống hai viên thuốc cùng với nước bà cụ đế lại trong cốc và gối đầu lên gối.
Bà quả phụ thở dài. Cụ lặng lẽ suy nghĩ một lát. Sau đó, như thường lệ, cụ đưa ra một tổng kết về làng này sau khi phân tích một tá gia đình có cùng cảnh ngộ với mình như sau:
- Điều bất lợi cho làng này là đàn bà con gái phải ở nhà một mình trong khi bọn đàn ông đi làm việc trên núi.
Rôbertô Axit bắt đầu ngủ. Bà quả phụ ngắm nhìn hàm râu rậm không cạo, nhìn cái mũi dài thanh tú của con trai và liên tưởng đến người chồng quá cố. Cụ Ađanbertô Axit, chồng cụ, thời trẻ cũng nếm trải tâm trạng thất vọng này. Cụ vốn là người cao to lực lưỡng từng mặc chiếc áo cổ nhựa liền trong vòng mười lăm phút đồng hồ để chụp bức hình đaghêrôtipn[3] mà giờ đây vẫn để trên bàn ngủ. về cụ ông người ta đồn rằng cụ đã bắn chết ngay trong chính căn phòng ấy người đàn ông cụ bắt quả tang đang ngủ với vợ mình, và rằng cụ bí mật chôn người ấy ngay ở trong sân nhà. Sự thật khác hẳn: bằng một phát súng săn cụ bắn chết một con khỉ độc mà cụ bắt gặp nó đang ngồi trên xà nhà trong phòng ngủ, mắt đang thèm thuồng nhìn bà vợ trong lúc thay quần áo. Bốn mươi năm sau cụ mới chết mà vẫn không tài nào đính chính được lời bịa tạc trên.
Cha Anghen leo cầu thang dốc với những bậc cách nhau khá xa. Tại tầng hai, cuối hành lang có súng ống và băng đạn treo trên tường, một lính cảnh sát nằm ngửa trên chiếc giường dã chiến đang đọc sách. Anh ta mải đọc đến mức chỉ nhận ra cha khi cha cất tiếng chào. Anh ta vội cuốn tờ tạp chí lại và ngồi dậy trên chiếc giường.
- Đọc gì thế? – Cha hỏi.
Lính cảnh sát chìa cho xem tờ tạp chí.
- Têry và những tên cướp biển, thưa cha.
Với ánh mắt chăm chú cha quan sát cả ba phòng giam được đúc bêtông không có cửa sổ, cửa ra vào thông với hành lang nhưng đều đóng kín. Hành lang có hàng chấn song sắt to bự. Tại phòng giam trung tâm, có một lính đang mặc quần đùi ngủ trên chiếc võng. Những phòng giam khác không có người. Cha hỏi Xêxa Môngtêrô ở đâu.
- Thưa cha, ở đàng kia ạ – lính cảnh sát hất hàm chỉ về phía cánh cửa đóng kín – Đó là phòng chỉ huy.
- Ta có thể nói chuyện với ông ta được không?
- Thưa cha, ông ta không được phép tiếp xúc ạ.
Cha không đòi hỏi thêm. Cha hỏi người bị giam có được khỏe không. Lính cảnh sát trả lời cha rằng ông ta được giam trong một phòng tốt nhất của đồn cảnh sát, có đủ ánh sáng và nước dùng, nhưng đã hai mươi bốn giờ ông ta không ăn. Ông ta không ăn thức ăn do xã trưởng đặt ở khách sạn.
- Ông ta sợ mình bị đầu độc – Lính cảnh sát kết luận.
- Hãy bảo vợ ông ta mang cơm đến – cha nói.
- Ổng không thích chúng con làm phiền vợ ổng.
Như là nói với chính mình, cha bảo: “Ta sẽ phải nói chuyện này với xã trưởng thôi”. Cha định đi về phía cuối hành lang, ở đấy là phòng làm việc của xã trưởng.
- Ngài xã trưởng không có mặt – lính cảnh sát nói – Đã hai ngày nay ngài ở nhà vì đau răng.
Cha Anghen đến nhà thăm ngài xã trưởng. Ngài đang nằm trên chiếc võng, bên cạnh là một chiếc ghế có để một ca nước muối,một vỉ thuốc giảm đau và một chiếc dây lưng gài sẵn khẩu súng lục và hai bao đạn. Má ngài vẫn sưng vù. Cha Anghen đẩy chiếc ghế đến gần.
- Hãy bảo nhổ cái răng đau đi – cha nói.
Xã trưởng nhổ nước đang ngậm trong miệng ra cái ống nhổ. “Nói thì dễ lắm đấy, cha ạ”, ngài nói, đầu vẫn cúi xuống chiếc ống nhổ. Cha Anghen hiểu ngài. Cha nói khẽ:
- Nếu ngài cho phép, ta sẽ nói chuyện với nhà trồng răng – cha thở sâu và mạnh dạn nói tiếp – Ông ta là một người có hiểu biết.
- Cái lão ấy ngu như lừa – xã trưởng nói – cứ là phải bắn cho lão vỡ sọ ra, lúc ấy chúng ta mới yên thân.
Cha nhìn theo xã trưởng đi cho đến khi ngài đến chậu rửa tay. Xã trưởng mở vòi nước, chìa má sưng vào dòng nước máy đang chảy và cứ để yên một lúc lâu. Sau đó ngài uống mấy viên thuốc giảm đau bằng nước máy đang chảy.
- Nói nghiêm chỉnh đấy, tôi sẽ nói chuyện với nhà trồng răng.
- Xin cha cứ làm điều cha muốn – xã trưởng nói vẻ khó chịu.
Xã trưởng lại nằm ngửa trên chiếc võng, mắt nhắm lại, hai tay gối sau gáy, thở hồng hộc. Khi mở mắt, xã trưởng thấy cha Anghen đang lặng lẽ nhìn mình. Cha ngồi bên cạnh võng.
- Cha đến để nói với con chuyện gì nào? – Xã trưởng hỏi.
- Chuyện về Xêxa Môngtêrô. Ông ấy cần được xưng tội.
- Hiện nay ông ấy không được tiếp xúc với người khác. Ngày mai, sau khi hỏi cung xong, cha có thể làm lễ xưng tội cho ông ta. Ngày thứ hai, xã phải chuyển ông ta lên nhà giam huyện.
- Ông ấy đã bị giam bốn mươi tám tiếng rồi.
- Nhưng con đã đau răng từ hai tuần nay, thưa cha.
Trong căn phòng tối bầy muỗi xăngcuđô bắt đầu vo ve. Cha nhìn qua cửa sổ thấy một đám mây hồng to đang trùm lên dòng sông.
- Thế còn vấn đề ăn uống của ông ta thì sao? – Cha hỏi.
Xã trưởng đứng dậy khỏi võng đi đóng cửa phía ban công. “Con đã thực thi bổn phận của mình”, ngài nói, “ông ta không muốn vợ bị phiền toái, lại chẳng chịu ăn cơm do khách sạn mang tới”. Ngài bắt đầu phun thuốc muỗi. Cha Anghen vội rút chiếc khăn tay ở trong túi nhưng không thấy khăn mà lại thấy lá thư “ôi!”, cha thốt lên định dùng ngón tay vuốt phẳng bức thư. Xã trưởng ngừng phun thuốc. Cha bịt mũi nhưng vô ích, cha bị hắt hơi hai cái liền. “Cứ việc hắt hơi, thưa cha”. Nói xong, ngài còn đế thêm:
- Chúng ta đang ở trong thời đại dân chủ mà.
Cha cũng mỉm cười. Trong lúc chìa bức thư ra, cha bảo: “Ta quên không bỏ thư ở ngoài bưu điện”. Cha tìm thấy chiếc khăn tay trong ống tay áo và cha lau mũi đang ngứa vì thuốc phun muỗi. Cha vẫn nghĩ đến Xêxa Môngtêrô.
- Ta vẫn nghĩ rằng bọn họ cho ông ta ăn tồi quá.
- Nếu điều ấy là ý thích của ông ta – xã trưởng nói – thì chúng ta không thể dùng sức mạnh buộc ông ta phải ăn.
- Điều ta bận lòng hơn cả là lương tri của ông ta.
Vẫn không bỏ chiếc khăn bịt mũi, xã trưởng tiếp tục công việc phun muỗi cho đến khi xong. “Có lẽ ông ta rất an tâm, điều đó biểu hiện ở chỗ ông ta sợ mình bị đầu độc”, ngài nói rồi đế bình phun xuống sàn nhà.
- Ông ta biết rõ rằng cả làng yêu quí Paxto – xã trưởng nói.
- Và cả làng cũng yêu quí Xêxa Môngtêrô – cha cãi lại.
- Nhưng Paxto là người đã chết nên càng được yêu quí hơn.
Cha ngắm nghía bức thư. Ánh sáng chuyển màu tím. “Ôi, Paxto!”, cha thầm thì nói. “Con không kịp xưng tội”.
Xã trưởng thắp đèn trước khi lên võng nằm.
- Ngày mai nếu con đỡ đau – ngài nói – Sau khi hỏi cung cha có thể làm lễ xưng tội cho ông ta. Được không, thưa cha?
Cha Anghen đồng ý. “Chỉ là để làm cho ông ta an tâm mà thôi”. Cha trịnh trọng đứng dậy. Cha khuyên xã trưởng rằng không nên uống quá nhiều thuốc giảm đau và xã trưởng trả lời cha bằng lời khuyên cha đừng quên bỏ thư vào thùng thư.
- Và thưa cha, còn chuyện nữa đấy – xã trưởng nói – Cha cố gắng thuyết phục nhà trồng răng hộ con nhé – xã trưởng nhìn cha đang bước xuống cầu thang gác và ngài mỉm cười nói thêm – tất cả những việc ấy sẽ góp phần củng cố hòa bình đấy cha ạ!
Trưởng bưu cục ngồi ngay ở cửa văn phòng ngắm nhìn buổi chiều dần buông. Khi cha Anghen trao cho ông ta bức thư, ông ta bước vào phòng làm việc, dùng lưỡi liếm ướt con tem giá mười lăm xu dán vào bì thư, rồi lục tìm thêm tem trong ngăn kéo. Khi đèn đường thắp sáng, cha bỏ mấy đồng tiền lên tay vịn rồi ra về mà không chào ai cả.
Trưởng bưu cục mở ngăn kéo tiếp tục kiểm tra cẩn thận. Một lúc sau, sau khi lục tìm không thây tem, ông ta lật mặt sau phong thư, lấy bút viết bên lề: Không còn tem năm xu… Ông ta kí tên ở dưới rồi đóng con dấu của bưu cục lên bì thư.
Đêm ấy, sau khi cầu kinh rôxariô, cha Anghen bắt gặp một chú chuột chết nổi lềnh bềnh trên mặt bể nước thánh. Trinidat đang giương các bẫy chuột. Cha cầm lấy cái đuôi con chuột chết.
- Con sẽ gây ra chuyện bất hạnh đây – cha nói với Trinidat trong lúc hua hua con vật chết trước mặt cô. – Con không biết rằng một số người tâm phúc sẽ múc nước thánh ở bể này đóng vào chai rồi đem cho những người bệnh uống hay sao?
- Thế thì sao, thưa cha?
- Còn sao với chả giăng. Như vậy là người bệnh sẽ uống cả bả chuột.
Trinidat thưa chuyện lại để cha biết rằng cha vẫn chưa cho tiền mua bả chuột. “Vôi đấy, cha ạ”. Cô nói và giải thích cách đánh chuột bằng vôi của mình như sau: cô rắc vôi sống ở các xó trong nhà thờ. Chuột ăn phải vôi sống, sau đó khát nước sẽ đi uống nước tại bể nước thánh. Vôi sẽ làm bụng con vật trướng lên.
- Tốt hơn hết là con hãy mang tiền đi mua bả chuột. Ta không muốn có thêm chuột chết trong bể đựng nước thánh nữa.
Tại phòng làm việc có một toán phụ nữ do Rêberca đê Axit dẫn đầu đang chờ đợi cha. Sau khi đưa tiền cho Trinidat đi mua bả chuột, cha bình luận đôi điều về cái nóng lúc bốn giờ chiều ngay trước mặt ba người đàn bà đang im lặng.
- Hỡi các bà đáng kính của tôi, tôi xin hầu các bà – cha nói.
Các bà nhìn nhau. Lúc đó Rêberca đê Axit mở chiếc quạt giấy vẽ quang cảnh nước Nhật, vừa phe phẩy quạt vừa lên tiếng:
- Đó là chuyện những tờ rơi ạ.
Với giọng trong trẻo, như đang kể chuyện cổ tích, Rêberca trình bày với đức cha nỗi lo lắng của dân làng. Cô nói rằng dù cho cái chết của Paxto có thể giải thích như là “chuyện cá nhân”, những gia đình danh giá nhất làng vẫn cảm thấy cần phải trình cha nỗi bận tâm của mình về những lời đồn viết trên tờ rơi.
Tay chống chiếc ô, Ađanhixa Môngtôda, người nhiều tuổi nhất, cũng là người hăng hái hơn cả:
- Những người đàn bà theo đạo Giatô chúng con đã quyết định viết thư nói về vấn đề này gởi dâng bề trên.
Cha Anghen suy nghĩ mấy phút ngắn ngủi. Rêberca đê Axit, thở rõ sâu và đức cha tự hỏi lòng mình rằng vì sao người đàn bà kia có thể phả ra hơi nóng đến như thế. Cô ta là người đẹp lộng lẫy đang thì, da trắng như ngà và có sức khỏe tuyệt vời. Cha để mắt vào một điểm không xác định trong lúc nói chuyện với họ.
- Theo ta, chúng ta chẳng nên quan tâm đến những lời đồn đại. Chúng ta nên đứng trên những lời xàm bậy ấy và tiếp tục noi theo luật lệ của Chúa như cho đến nay chúng ta đã làm.
Ađanhixa Môngtôda gật đầu tán thưởng. Nhưng các bà khác không đồng ý. Họ cho rằng: “nếu thói xấu này vẫn cứ còn tiếp nói hoài hoài ắt sẽ còn là nguồn cội của nhiều cái chết”. Chính trong khoảnh khắc ấy loa phóng thanh ở rạp chiếu bóng ho khùng khục. Cha Anghen vỗ nhẹ lên trán mình. “Xin lỗi”, cha nói, trong lúc lục tìm bản kiểm duyệt phim trong ngăn kéo bàn.
- Hôm nay, họ chiếu phim gì nhỉ?
- Những tên cướp biển – Rêberca đê Axit nói – Đó là một bộ phim đánh nhau.
Cha Anghen lật tìm tên phim theo vần A. B. C. Cha vừa đọc khẽ tên phim vừa lần tên nó trong bản danh sách dài. Cha dừng lại khi sang trang.
- Những tên cướp biển.
Cha rê ngón trỏ theo chiều ngang để tìm lời bình giá về đạo đức của cuốn phim. Giữa lúc ấy cha nghe thấy tiếng nói của chủ rạp chiếu bóng trong lúc kim đĩa ngừng hát. Ông ta nói về sự đình chỉ buổi chiếu vì lý do thời tiết xấu. Một người đàn bà giải thích rằng chủ rạp đã thực hiện quyết tâm ấy để đề phòng người xem đòi lại tiền nếu trời mưa làm gián đoạn buổi chiếu trước khi hết phim.
- Thật đáng tiếc – cha nói – Đó lại là một phim tốt. Mọi người đều xem được. – Cha đóng tập tài liệu lại, nói thêm: – Như ta đã nói với các con, đây là một làng ngoan đạo. Đã mười chín năm nay, khi người ta giao cho ta cai quản giáo khu này, làng có mười một đôi vợ chồng chung sống mà không làm lễ thành hôn trước bàn thờ Chúa. Tất cả đều thuộc các gia đình danh giá. Nay chỉ còn có một, và ta hy vọng chỉ ít thời gian nữa sẽ không còn hiện tượng đáng buồn này.
- Không phải là chúng con, thưa cha – Rêberca đê Axit nói – Nhưng đám người ấy…
- Không có bất kỳ một lý do nào để mà phải bận tâm – cha nói tiếp bất chấp lời chen ngang của Rêberca – Cần phải thấy làng này đã thay đổi như thế nào. Trong thời kỳ ấy, một vũ nữ Nga đã hiến một trò vui dành riêng cho đám đàn ông và đến cuối buổi trình diễn cô ta đã bán đấu giá tất cả những gì mang trên người.
- Điều đó hoàn toàn chính xác, thưa cha! – Ađanhixa Môngtôda chen ngang lời cha để phù họa thêm. Thực ra, bà nhớ cái vụ tai tiếng đó như chính điều bà nghe người ta kể mà thôi: khi cô vũ nữ hoàn toàn khỏa thân, một ông già gào to lên, rồi trèo lên bậc cuối cùng của cầu thang và đái xuống đầu đám khán giả. Người ta còn kể cho bà nghe rằng, những người đàn ông khác noi gương của cụ già nọ, người nọ đái vào người kia trong khung cảnh cả rạp gào thét ỏm tỏi.
- Giờ đây – cha nói tiếp – làng này là làng ngoan đạo nhất của Prêpherta Apôxtôlica.
Càng nói cha càng hào hứng với luận điểm của mình. Cha đề cập đến những thời kỳ khó khăn nhất của mình trong cuộc đấu tranh chống lại sự yếu đuối của giống người. Cha cứ nói hoài cho đến khi các bà phụ nữ theo Thiên chúa giáo không chú ý nghe lời cha vì họ mệt mỏi vì oi nóng. Rêberca đê Axit lại phanh chiếc quạt của mình và thế là cha Anghen phát hiện ra nguồn gốc cái mùi hương kia là ở đâu. Mùi hương ấy đọng lại trong không khí ngột ngạt của căn phòng. Cha rút chiếc khăn tay từ trong ông tay áo ra bịt mũi để khỏi hắt xì hơi.
- Đồng thời – cha nói tiếp – nhà thờ của chúng ta lại là nhà thờ nghèo hèn nhất của Prêpherta Apôxtôlica. Chuông đã rè hết, trong nhà thờ đầy chuột bởi vì cuộc sống không cho phép ta gieo trồng đạo đức và thuần phong mỹ tục.
Cha phanh cúc áo cổ. “Công việc tay chân thì bất kỳ một thanh niên nào cũng làm được”, cha nói trong lúc đứng dậy. “Ngược lại, cần phải có lòng bền bỉ của rất nhiều năm và kinh nghiệm truyền thống đế xây dựng đạo đức”. Rêberca đê Axit giương cánh tay trắng như ngà bàn tay có đeo chiếc nhẫn cưới mặt ngọc, nói:
- Chính vì thế mà chúng con nghĩ rằng những lời đồn đại được viết trên tờ rơi sẽ phá hoại toàn bộ công sức của cha.
Người đàn bà duy nhất vẫn im lặng cho đến lúc này đã tranh thủ lúc ngừng nghỉ để tham gia câu chuyện:
- Ngoài ra chúng con nghĩ rằng đất nước đã được khôi phục lại, và thói xấu kia không phù hợp với tình hình.
Cha Anghen tìm chiếc quạt ở trong tủ và cha thong thả quạt cho mình. Cha nói:
- Việc này không liên quan đến việc kia. Chúng ta vừa trải qua một thời kỳ chính trị bất ổn nhưng đạo đức gia đình vẫn được duy trì nguyên vẹn.
Cha đứng lại trước mặt ba người phụ nữ. “Chỉ trong ít năm nữa ta sẽ đi để nói với Prêphertô Apôxtôlica rằng con xin để lại cho bề trên cái làng mẫu mực ấy. Bây giờ chỉ còn việc là phái về một thanh niên trẻ măng để tiến hành xây một nhà thờ đẹp nhất của Prêphertura mà thôi.
Rồi cha làm ra vẻ mệt mỏi và thốt lên:
- Lúc đó ta sẽ chết trong sân của các vị bề trên của ta.
Các bà vội phản ứng ngay. Ađanhixa Môngtôda biểu lộ tình cảm chung của tất cả:
- Đây như thể là làng của cha, thưa cha. Chúng con muốn rằng cha ở lại đây cho đến hơi thở cuối cùng ạ
- Nếu cha định xây dựng một nhà thờ mới – Rêberca đê Axit nói – chúng con sẽ bắt đầu chiến dịch quyên góp ngay từ giờ ạ – Tất cả đều phải kịp thời. – Cha Anghen nói.
Sau đó, bằng một giọng khác, cha nói thêm: “Phải thật khẩn trương. Ta không muốn mình già đi mà vẫn chẳng có nhà thờ giáo khu. Ta không muốn mình cũng phái nếm chịu cái cảnh của cha Antônia đến Xăngtiximô Xacramênhtô đến Anta Caxtanhêđa và Môngtêrô, người từng báo cáo lên đức Giám mục rằng ở giáo khu của mình đang có trận mưa xác chim chết. Một quan thanh tra được đức Giám mục phái tới bắt gặp cha đang cùng đám trẻ chơi trò trận giả giữa một bên là đám cướp và một bên là cảnh sát ở ngay quảng trường của làng”.
Các bà ngạc nhiên, hỏi cha:
- Thưa cha, ai vậy?
- Linh mục mà ta kế tục ở Macônđô – cha Anghen trả lời. – Người thọ trăm tuổi.
Mùa đông năm ấy, mà sự khắc nghiệt của nó được thấy rõ ngay từ những ngày cuối tháng một, ngay trong cái ngày cuối tuần ấy, sự khắc nghiệt của nó đã nhãn tiền. Cả ngày hôm Chủ nhật, xã trưởng nhai thuốc giảm đau nằm trên võng trong lúc nước sông lên chìm ngập các xóm trên vùng đất thấp.
Ngay từ lúc trời ngừng mưa đầu tiên trong ngày, vào lúc rạng sáng ngày thứ hai, dân làng cần tới vài giờ để sửa sang lại nhà ở. Tiệm chơi bi-a và hiệu cắt tóc mở cửa sớm nhưng phần lớn các nhà còn đóng kín cửa cho đến tận mười một giờ trưa. Ngài Carmichaen là người đầu tiên chứng kiến cảnh những người đàn ông chạy lụt: họ chuyển nhà mình từ chỗ thấp lên chỗ cao ráo. Những toán người ồn ào náo nhiệt nhổ cột nhà và cứ thế khiêng những căn nhà lá vách thưng để trát đất đi.
Núp mình dưới mái hiên hiệu cắt tóc, với chiếc ô xòe ra, ngài Carmichaen ngắm nhìn mải mê công việc nặng nhọc của những người chuyển nhà. Giữa lúc, người thợ cạo đã lôi ngài ra khỏi tâm trạng đang suy tư.
- Đáng lẽ họ nên đợi cho đến khi trời tạnh – người thợ cạo nói.
- Hai ngày nữa vẫn chưa tạnh đâu – ngài Carmichaen nói và đóng ô lại – Các khớp chân tôi nói rõ điều đó mà.
Những người đàn ông đang chuyển nhà, chân lội trong bùn, khi đi qua đã va chạm vào các bức tường của hiệu cắt tóc. Qua cửa sổ, ngài Carmichaen nhìn thấy phía trong sơ sài và nghèo nàn của những căn nhà đang được khiêng đi và chính lúc đó một cảm giác về nỗi bất hạnh xâm chiếm tâm hồn ngài.
Có lẽ mới sáu giờ sáng nhưng cái bụng ngài đã cồn cào như thể đã mười hai giờ trưa rồi. Ông người Xiri tên là Moixê mời ngài vào ngồi trong quán hàng của mình đợi cho tạnh mưa. Ngài Carmichaen vẫn nhắc lại ý kiến của mình cho rằng không tạnh mưa trong hai mươi bốn giờ tới. Trước khi bước sang hiên cửa hàng khác, ngài do dự chút ít. Chính trong lúc đó, một nhóm trẻ đang chơi ở cửa đã ném một quả bóng bê bết bùn vào tường, chỉ cách chiếc quần vừa là của ngài mấy mét thôi. Cụ Eliat, một thương nhân người Xiri, bước ra khỏi cửa hàng tay cầm chổi, nói thứ tiếng Tây Ban Nha pha giọng Ảrập, dọa nạt chúng.
- Ê, lão người Thổ Nhĩ Kỳ đầu trọc lốc bình vôi. – Chúng gào.
Ngài Carmichaen kiểm tra thấy quần mình vẫn sạch nguyên. Thế là ngài cụp ô lại, bước vào hiệu cắt tóc, đi thẳng đến ghế.
- Bao giờ tôi cũng nói rằng ngài là người cẩn trọng – người thợ cạo nói.
Ông ta buộc lên cổ ngài tấm vải. Ngài Carmichaen ngửi mùi nước oải hương cảm thấy nó khó chịu như cái mùi lạnh lẽo của phòng nhổ răng. Người thợ cạo bắt đầu bấm tóc gáy cho ngài. Vẻ nôn nóng, ngài đưa mắt tìm bất cứ thứ gì để đọc trong lúc cắt tóc.
- Ở đây không có báo à?
Người thợ cạo vẫn mải mê làm việc, trả lời ngài:
- Trên đất nước ta bây giờ chỉ còn các tờ báo chính thức và trong lúc tôi còn sống thì những thứ ấy không thể bén mảng tới đây.
Ngài Carmichaen đành phải bằng lòng với việc ngắm đôi giày của mình cho đến khi người thợ cạo hỏi thăm bà quả phụ Môngtiên. Ngài vừa từ nhà bà đến đây. Ngài là quản lý của bà từ sau khi đôn Chêpê Môngtiên quá cố. Khi Chêpê Môngtiên còn sống ngài là kế toán của gia đình.
- Bà ấy vẫn thế – ngài nói.
- Người chồng thì tự sát – người thợ cạo nói như nói với chính mình – còn bà ta một mình với ruộng đất bao la đến mức phi ngựa năm ngày ròng vẫn không hết. Có lẽ bà là chủ của cả mười huyện.
- Ba thôi – ngài Carmichaen nói, và nhấn mạnh thêm bà là người đàn bà tốt nhất trên đời.
Người thợ cạo quay lại phía bàn để lau lược. Ngài Carmichaen nhìn gương mặt khỉ của mình trong gương và thêm một lần nữa ngài hiểu rằng tại sao không khích lệ ông ta. Người thợ cạo nhìn vào hình của mình, nói:
- Công việc của tôi thật là tốt đẹp, đảng của tôi hiện đang nắm quyền, cảnh sát đe dọa giết chết những địch thủ của tôi và thế là tôi chỉ việc bỏ tiền ra mua ruộng đất và gia súc với giá cả do chính tôi đặt ra.
Ngài Carmichaen cúi gầm mặt. Một lần nữa người thợ cạo cắt tóc cho ngài, “Khi các cuộc tuyển cử xong tôi đã là chủ nhân của ba huyện, và tôi không có địch thủ. Sau đó dẫu rằng chính phủ thay đổi, đảng khác lên nắm chính quyền thì tôi vẫn cầm chắc cái cán soong để mà tọa hưởng. Tôi bảo rằng: công việc kinh doanh thật tuyệt vời còn hơn cả việc làm tiền giả”.
- Hôsê Môngtiên giàu có từ trước khi có các trò hề chính trị rất nhiều – ngài Carmichaen nói.
- Vâng, ông ấy mặc quần đùi ngồi trước cửa kho thóc nhà mình – người thợ cạo nói. – Những chuyện về ông kể lại rõ ràng rằng ông ta mới chỉ đi giày cách đây chín năm thôi. Hà tiện đến như thế là cùng.
- Dẫu rằng ông ta như thế, bà quả phụ không có liên quan gì đến chuyện kinh doanh của Hôsê Môngtiên.
- Nhưng bà quả phụ đã trở nên ngớ ngẩn.
Ngài Carmichaen ngẩng mặt lên. Ngài cởi tấm vải cuốn cổ để người thợ cạo cạo râu. “Bởi lẽ đó tôi chỉ muốn vợ tôi cắt tóc cho mình mà thôi”, ngài Carmichaen nói. “Tôi chẳng mất hào nào và người ta không thể nói chuyện chính trị với mình”. Người thợ cạo ấn đầu ngài về phía trước và tiếp tục làm việc một cách lặng lẽ. Đôi lúc ông ta múa tay gõ hai lưỡi kéo vào nhau nghe đến vui tai. Ngài Carmichaen nghe thấy tiếng kêu ở ngoài đường. Qua tấm gương ngài nhìn thấy con nít, đàn bà đi qua trước cửa hiệu mang vác bàn ghế giường tủ và đồ dùng của những ngôi nhà đang chuyển chỗ ở. Ngài đau đớn bình luận rằng:
- Nỗi bất hạnh đang ăn dần ăn mòn chúng ta và các ông vẫn còn nung nấu mối hận thù chính trị. Hơn một năm nay, sự truy lùng đã được bãi bỏ nhưng các ông vẫn nói về chuyện ấy.
- Thì chính cái việc ra đi mà chúng ta nhìn thấy kia cũng là một sự truy lùng chứ sao. – Nhưng chúng ta không bị gậy đập vào lưng.
- Việc chúng ta từ bỏ điều tốt lành của Thượng đế cũng là việc chúng ta tự lấy gậy nện vào lưng mình rồi.
Ngài Carmichaen cảm thấy thất vọng hoàn toàn.
- Đó là thứ văn chương trên báo chí – ngài nói.
Người thợ cạo im lặng. Ông ta nhúng chổi vào xà phòng rồi quét lên gáy ngài Carmichaen “Đó chẳng qua là người ta phát nộ lên chỉ vì lời nói mà thôi”, ông ta nói. “Không phải ngày nào chúng ta cũng vừa lòng trước một con người chính trực”.
- Để nuôi mười một đứa con thì không có người bố nào lại không chính trực cả – ngài Carmichaen nói.
- Tôi đồng ý – người thợ cạo nói.
Ông ta liếc dao cạo trên bàn tay. Ông ta lặng lẽ cạo gáy, cạo đến đâu lấy ngón tay chùi xà phòng và sau đó chùi tay bẩn bọt xà phòng lên quần. Cuối cùng ông ta bôi phấn lên gáy. Ông ta lặng lẽ kết thúc công việc.
Khi được người thợ cạo cởi tấm vải ở cổ, ngài Carmichaen nhìn thấy trên tường có tấm biển đề: “Cấm nói chuyện chính trị”.
Ngài Carmichaen vuốt tóc bám trên hai vai áo, và khoác chiếc ô lên cánh tay và chỉ vào tấm biển ấy hỏi:
- Vì sao vẫn chưa hạ nó xuống?
- Không phải là chuyện của ông – người thợ cạo nói – Chúng ta đã thỏa thuận với nhau rằng ông là một người chính trực rồi. Lần này khi nhảy sang thềm, ngài Carmichaen không hề do dự. Người thợ cạo nhìn theo ngài cho đến khi ngài khuất bóng rẽ lối ở đầu phố và sau đó ông ta hứng khởi trước con sông nước ngầu bùn hung dữ. Trời đã tạnh mưa nhưng một đám mây đen nặng trĩu đang đè lên làng. Trước một giờ chiều, cụ Moixêt bước vào hiệu cắt tóc, phàn nàn rằng tóc cứ xòa xuống trước trán nhưng thực ra tóc sau gáy mới mọc nhanh chưa từng thấy.
- Cụ có biết ai vừa ở đây không? – Người thợ cạo hỏi.
- Carmichaen!
- Nỗi bất hạnh của ông mọi đen Carmichaen – Tôi rất ghét cái lớp người ấy.
- Carmichaen không phải là một con người – cụ Moixêt nói – Đã ba năm nay ông ta chưa thay đôi giày. Nhưng trên con đường chính trị, ông ta đã làm điều phải làm: tính toán với hai con mắt nhắm lại.
Cụ dựa chắc cằm râu vào ngực để thở, nhưng người thợ cạo khoanh hai tay lại trên ngực đứng ngay trước mặt cụ, hỏi: “Hỡi cụ Thổ Nhĩ Kỳ cứt đái, hãy nói cho tôi biết một điều: cuối cùng cụ đứng về phe nào?”. Cụ Moixêt bình tĩnh trả lời rằng:
- Tôi đứng về phía tôi!
- Thật là tồi tệ. ít ra cụ cũng phải nhớ rằng chính Chêpê Môngtiên đã đánh gãy bốn chiếc xương sườn của con trai cụ Êliat, người đồng hương của cụ chứ.
- Êliat thật xấu số đến mức con trai đã tham gia chuyện chính trị. Nhưng giờ đây thằng bé đang nhảy múa ngon lành ở Braxin, còn Chêpê Môngtiên thì đã ngoẻo rồi.
Trước khi ra khỏi căn phòng bừa bộn ngài từng ở lỳ trong nhiều ngày, vì đau răng, xã trưởng cạo râu bên phía phải và chừa lại nửa hàm râu tám ngày không cạo ở phía bên trái. Sau đó ngài mặc bộ đồng phục sạch sẽ, đi đôi giày màu be và xuống khách sạn ăn trưa để tranh thủ lúc trời tạnh mưa.
Trong phòng ăn vắng tanh không có ai. Xã trưởng bước qua dẫy bàn kê bốn ghế xung quanh và đến ngồi ở cuối phòng ăn.
- Maxcarat đâu? – Ngài gọi.
Một cô gái trẻ, mặc bộ váy áo đã ngắn lại còn chật, hai vú nổi gồ như hai hòn đá chạy đến hầu ngài. Xã trưởng ra lệnh dọn cơm trưa mà không nhìn cô gái. Khi trở lại nhà bếp cô gái bật công tắc chiếc máy thu thanh đặt trên bàn con ở cuối phòng ăn. Đài đang phát bản tin với những đoạn trích từ bài diễn văn do ngài tổng thống nước cộng hòa đọc đêm qua và sau đó là danh mục những hàng hóa bị cấm vận. Trong lúc tiếng nói của phát thanh viên choán ngợp không gian thì căn phòng cũng ngày càng nóng hơn. Khi cô gái mang súp ra, ngài xã trưởng đang dùng mũ kêpi quạt cho ráo mồ hôi.
- Cái đài này làm em cũng phải đổ mồ hôi đấy
- Cô nói.
Xã trưởng bắt đầu ăn món súp. Lúc nào ngài cũng nghĩ rằng cái khách sạn vắng vẻ này, được duy trì bởi những khách vãng lai, là một địa điểm khác hẳn với những nơi khác trong làng này. Trên thực tế, nó là nơi xưa cũ nhất của làng. Trên cái ban công bằng gỗ khập khiễng của nó, các thương nhân từ vùng nội địa đến để mua thóc trong mùa thu hoạch, đã ngồi chơi bài cho qua đêm đợi cơn gió mát lúc gần sáng để đi ngủ. Chính đại tá Aurêlianô Buênđya, người đến để ký hòa ước về cuộc nội chiến cuối cùng ở làng Macônđô, đã ngủ lại ở chính ban công này trong thời kỳ quanh Macônđô chưa có làng nào khác. Lúc đó nó vẫn là chính cái ngôi nhà mái lợp tôn tường thưng gỗ này, với chính cái phòng ăn này và chính những phòng ngủ được ngăn bằng cáctông này, chỉ khác là thời ấy chưa có điện và các dịch vụ y tế. Một lữ khách già từng kể lại rằng cho đến đầu thế kỉ này, khách sạn còn có cả một bộ sưu tập mặt nạ treo tại phòng ăn sẵn sàng phục vụ các khách hàng và rằng các vị khách đã đeo mặt nạ để giải quyết những bí bách của mình ngay tại sân, trước mặt thiên hạ.
Xã trưởng buộc phải phanh cúc cổ để ăn cho xong món súp nóng. Sau bản tin, đến nhạc có kèm theo lời ngâm thơ. Sau đó là một khúc dân ca bôlêrôa[4] trữ tình. Một người đàn ông có giọng say rượu, chết vì tình, đã quyết định sẽ trở lại cõi trần để tìm lại một người đàn bà. Xã trưởng lắng tai nghe bài hát trong lúc đợi dọn tiếp các món ăn khác cho đến khi ngài thấy hai đứa trẻ vác ghế và bàn đi qua trước cửa phòng ăn. Phía sau chúng là hai người đàn bà và một người đàn ông mang soong nồi và các dụng cụ khác.
Xã trưởng bước ra cửa, gào toáng lên:
- Ăn cắp những thứ kia ở đâu đấy hả?
Những người đàn bà đứng lại. Người đàn ông giải thích rằng họ đang chuyển nhà lên chỗ đất cao ráo. Xã trưởng hỏi họ chuyển đi đâu và người đàn ông cầm chiếc mũ chỉ về phía Nam nói:
- Ở trên kia, tại một vạt đất nhỏ ngài Xabat cho chúng tôi thuê với giá ba mươi pêxô.
Xã trưởng kiểm tra các đồ dùng. Một chiếc ghế xích đu long chân, mấy chiếc nồi soong thủng và méo. Đó là đồ của đám dân nghèo. Ngài suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Hãy mang đồ thô và nhà cửa đến bãi hoang bên cạnh nghĩa trang mà ở.
Người đàn ông lúng túng chưa hiểu ra sao.
- Đó là đất công và các ông bà chẳng mất tiền thuê. Hội đồng quản hạt tặng các người mà.
Sau đó ngài quay về phía các bà nói: “Hãy bảo đôn Xabat rằng ta ra lệnh hãy bỏ cái trò ăn hiếp ấy đi”.
Ngài ăn xong bữa cơm trưa mà chẳng hề thưởng thức mùi vị các món ăn. Ngài châm một điếu thuốc rồi lại mồi tiếp điếu nữa vẻ đăm chiêu suy tư với hai tay tựa lên bàn trong lúc bản nhạc bôlêrô vẫn rên rỉ.
- Ngài suy nghĩ gì vậy – cô gái hỏi ngài trong lúc dọn bàn.
Xã trưởng vẫn trầm tư suy nghĩ, không hề động đậy.
- Nghĩ về đám dân đói khổ ấy.
Ngài đội mũ và đi qua phòng ăn. Từ cửa ngài quay lại nói:
- Cần phải làm cho cái làng này ra dáng văn hóa chứ.
Một cuộc ẩu đả đẫm máu giữa những con chó đã cản bước ngài ngay khi rẽ vào một đầu phố. Trong đám đánh nhau loạn xạ ấy ngài nhìn thấy những chiếc chân chó, những hàm răng chó và cuối cùng một con chó kẹp đuôi giữa hai bẹn bỏ chạy. Ngài tránh ra một bên và sau đó ngài tiếp tục đi cho đến đồn cảnh sát.
Một người đàn bà đang gào thét trong phòng giam trong khi lính cảnh sát gác thì nằm sấp ngủ trên một chiếc giường dã chiến. Xã trưởng đá giày vào chân giường. Lính gác bỗng giật mình thức dậy.
- Ai thế? – Xã trưởng hỏi.
Lính gác đứng nghiêm báo cáo:
- Người đàn bà dán tờ rơi ạ.
Xã trưởng nổi cáu với những kẻ dưới quyền mình. Ngài muốn biết rõ ai đã bắt người đàn bà này và theo lệnh ai mà tống giam bà ta. Bọn cảnh sát thi nhau trình bày với ngài.
- Các anh nhốt người ta từ bao giờ hả?
- Từ đêm hôm thứ bảy.
- Vậy hãy thả bà ta ra và một người trong số các anh phải thay vào đấy – xã trưởng quát – Người đàn bà ấy ngủ trong nhà giam còn làng thức dậy trong cảnh nước lụt.
Ngay lập tức cánh cửa sắt nặng chịch được mở ra, một người đàn bà đứng tuổi, xương hốc lộ ra hết, tóc búi củ hành, vừa ra khỏi phòng giam vừa gào thét.
- Cút ngay – xã trưởng quát bà ta.
Người đàn bà xổ tung búi tóc dầy cộm và dài, rồi như bóng ma bà ta bước xuống cầu thang và gào to: “đồ điếm, đồ điếm”. Xã trưởng cúi người trên tay vịn hàng lan can, lấy hết sức bình sinh gào thật to như không chỉ để bà ta nghe mà còn để cả làng nghe thấy.
- Các người chớ làm phiền ta bằng những tờ rơi nữa, nghe chưa!
Dù cho trời dầm dề mưa, cha Anghen vẫn đi dạo buổi chiều, vẫn còn lâu mới đến giờ hẹn gặp xã trưởng, vậy là cha đi thẳng ra chỗ làng bị lụt. Cha chỉ thấy một con mèo chết nổi xác bên những đóa hoa trôi. Khi trở về, buổi chiều đến trong lúc đường bắt đầu khô. Bầu trời như rộng ra và rực rỡ hơn. Một chiếc ca nô che kín bạt đang bơi ngược dòng sông. Từ trong một căn nhà xiêu vẹo sắp đổ, một chú nhóc bước ra gào toáng lên rằng nó thấy biển ngay trong lòng con ốc. Cha Anghen đến gần con ốc, ghé tai nghe. Quả nhiên trong nó có biển thật.
Cô vợ trẻ của pháp quan Accađiô ngồi ngay trước cửa nhà mình, hai cánh tay khoanh lại trước bụng, mắt chăm chú nhìn chiếc ca nô đang ngược dòng sông. Tiếp theo ba ngôi nhà nữa là đến khu nhà kho, tại đây những thương nhân người Xiri ngồi trước cửa hiệu buôn của mình. Buổi chiều dần tắt trong những áng mây hồng thẫm và trong tiếng kêu ồn ĩ của bầy vẹt và bầy khỉ ở bờ bên kia.
Các ngôi nhà bắt đầu mở cửa. Bên dưới những cây bàng phủ đầy bụi ở quảng trường có nhiều quầy giải khát hay bên trên những chiếc ghế lỗ chỗ mọt ở những chỗ đất cao, những người đàn ông tụ tập đông đúc và đang tán chuyện. Cha Anghen nghĩ rằng vào giờ này tất cả các buổi chiều, làng giống như phép màu đang biến hóa thần thông.
- Thưa cha, cha có nhớ những người tù trong trại tập trung không ạ?
Cha không nhìn thấy bác sĩ Hiranđô nhưng cha mường tượng ra ông ta đang mỉm cười đằng sau tấm cửa sổ chăng lưới sắt. Cha không nhớ các bức ảnh nhưng cha tin chắc rằng mình đã xem chúng trong một lần nào đó.
- Hãy vào đằng cửa đợi – bác sĩ nói. Cha Anghen đẩy cánh cửa chăng lưới sắt. Có một đứa trẻ không rõ là trai hay gái nằm ngửa trên chiếc chiếu. Nó gầy gò chỉ còn da bọc xương, xanh rớt. Hai người đàn ông và một người đàn bà ngồi đợi. Cha không ngửi thấy bất cứ thứ mùi vị gì nhưng cha nghĩ rằng cái con người kia có lẽ đang phả một mùi khẳn lặn khó chịu.
- Ai thế? – Cha hỏi.
- Thưa cha, con của con ạ – người đàn bà trả lời – Đã mười hai năm nay cháu chỉ đi phân ra máu thôi ạ.
Người ốm đưa mắt nhìn ra cửa mà đầu không hề động đậy. Cha mủi lòng thương
- Đã chữa cho nó những thuốc gì rồi?
- Một thời kỳ chúng con cho cháu ăn chuối xanh – người đàn bà nói. – nhưng bây giờ cháu chán không chịu ăn, dẫu rằng cháu ăn khỏe.
- Các con cần phải đưa nó đi xưng tội ngay – cha nói.
Nhưng cha nói thế mà lòng không yên. Cha cẩn thận khép cửa lại và lấy ngón tay cào cào lên lưới sắt trên cửa sổ. Cha ghé sát mặt vào lỗ hổng cố nhìn bác sĩ ở bên trong. Bác sĩ đang tán một vật gì trong máy.
- Thằng bé ấy bị bệnh gì? – Cha hỏi.
- Con vẫn chưa khám cho nó, thưa cha – bác sĩ trả lời và bình luận – Theo ý nguyện của Thượng đế, đó là những thứ bệnh thường xảy ra ở đám dân này đấy ạ, thưa cha.
Cha Anghen đánh giá cao lời bình luận ấy.
- Không một người chết nào mà ta nhìn thấy trong cuộc đời mình lại có vẻ chết như cái thằng bé khốn khổ kia.
Cha tạm biệt bác sĩ. Trên bến cảng không có tàu thuyền. Trời bắt đầu tối. Cha Anghen hiểu ra rằng tâm trạng mình bắt đầu thay đổi trước hình ảnh của thằng bé ốm nặng ấy. Do nhận ra đã đến giờ hẹn với xã trưởng, cha bước gấp đến đồn cảnh sát.
Xã trưởng nằm co ro trên một chiếc ghế, hai tay ôm lấy đầu.
- Xin chào! – Cha khẽ khàng lên tiếng.
Xã trưởng ngẩng đầu lên và cha rùng mình trước đôi mắt đỏ ngầu vì thất vọng của xã trưởng. Một bên má ngài lành lặn da thịt mát mẻ, râu cạo nhẵn thín và bên kia sưng vù với màu da xanh tím cùng với lông lá xồm xoàm. Xã trưởng rên lên:
- Thưa cha, con đến phải bắn cho mình một phát đạn.
Cha cũng rất ngạc nhiên.
- Tại ngài dùng nhiều thuốc giảm đau rồi – cha nói.
- Xã trưởng vùng dậy, đi ra cửa, tay nắm chắc lấy tóc đập đầu mình vào tường. Chưa bao giờ cha chứng kiến cái cảnh tự hành hạ đau đớn đến như thế.
- Hãy uống liền hai viên thuốc giảm đau – cha nói và đưa ra một giải pháp tạm thời. – Thêm hai viên nữa ngài sẽ ngủ được, sẽ không chết đâu mà lo.
Không chỉ đúng như thế mà còn vì cha sợ rằng mình sẽ không biết phản ứng như thế nào trước nỗi đau của nhân loại. Cha đưa mắt tìm thuốc giảm đau trong khoảng không trống trải của căn phòng. Phòng có nửa tá ghế bọc da dựa lưng vào tường, một chiếc tủ kính đựng các giấy tờ phủ đầy bụi và trên cao, một bức ảnh của tổng thống nước cộng hòa treo vào tường. Dấu vết duy nhất của thuốc giảm đau ở trong phòng này là những bao đựng thuốc dùng hết rơi vãi đây đó trên sàn nhà.
- Thuốc để ở chỗ nào hả – cha thất vọng hỏi.
- Chả có tác dụng gì nữa đối với con rồi cha ạ.
Cha đến gần ngài, nhắc lại: “Hãy nói cho ta biết thuốc để ở đâu?” Xã trưởng lắc đầu thật mạnh và nhờ thế cha nhìn thấy rất rõ một bộ mặt to bự đầy vẻ hung dữ chỉ cách mắt cha chừng vài centimet thôi.
- Của khỉ – xã trưởng gào – Tôi đã bảo rằng hãy để cho tôi yên.
Xã trưởng vớ lấy một chiếc ghế và lấy hết sức bình sinh ngài ném nó vào chiếc tủ kính. Mãi sau cái phút chiếc tủ kính vỡ tung thành bụi và qua lớp bụi ấy xã trưởng hiện ra như một sự hiển linh của thánh thần chỉ lúc ấy cha Anghen mới hiểu ra vấn đề. Im lặng tuyệt đối bao phủ căn phòng trong chính cái khoảnh khắc ấy.
- Thiếu úy ơi – cha thầm thì gọi xã trưởng.
Ngay tại cửa ăn thông ra hành lang lính cảnh sát tay lăm lăm súng chĩa nòng vào phòng. Xã trưởng nhìn họ mà không thấy, thở hổn hển như con mèo, bọn lính hạ súng xuống nhưng vẫn đứng im ở cửa. Cha Anghen khoác cánh tay xã trưởng đưa ngài đến chiếc ghế.
- Thuốc giảm đau để ở đâu hả? – Cha nhắc lại.
Xã trưởng nhắm mắt lại và ngả đầu về phía sau. “Con không uống thêm cái thứ cứt đái ấy nữa, thưa cha”, ngài nói. “Hai tai con cứ kêu o o đến khó chịu và xương sọ con mỏi dừ như có kiến bò ở bên trong”. Trong khoảnh khắc cơn đau thuyên giảm, xã trưởng quay đầu về phía cha Anghen và hỏi:
- Cha đã nói chuyện nhổ răng của con với nhà trồng răng chưa.
Cha lặng lẽ gật đầu để khẳng định rằng mình đã nói chuyện ấy cũng qua cái gật đầu ấy của cha xã trưởng hiểu rằng chẳng có kết quả gì.
- Nhưng vì sao ngài không đề nghị bác sĩ Minranđô? – Cha gợi ý – Có các bác sĩ nhổ răng đấy.
Xã trưởng không trả lời cha ngay. Mãi sau mới nói: “Ông ta sẽ bảo rằng không có panh, cha ạ”. Ngài nói thêm:
- Đó là một âm mưu cha ạ!
Tranh thủ lúc cơn đau ngừng, xã trưởng nghỉ lấy sức trong cái buổi chiều này. Khi mở mắt, ngài thấy trong phòng đã tối mờ mờ rồi. Không nhìn cha Anghen ngài nói:
- Cha đã thăm Xêra Môngtêrô chưa?
Ngài không nghe thấy lời đáp của cha. “Với cơn đau răng này con chẳng thể làm gì được”, ngài nói tiếp. Ngài dậy, đi thắp đèn. Từ ngoài ban công, muỗi thi nhau ùa vào phòng. Cha Anghen giật mình kinh người trước thời gian qua đi nhanh quá.
- Ôi, mất hết thời gian rồi – cha nói.
- Dù thế nào đi nữa, thứ tư này phải giải ông ta đi. Ngày mai phải giải quyết cho xong những việc cần làm và đến chiều cha cho ông ta xưng tội.
- Vào giờ nào?
- Vào lúc bốn giờ chiều.
- Dù trời mưa vẫn cứ làm phải không?
- Dù cho thế giới lâm vào ngày tận thế vẫn cứ làm thưa cha, trước lúc tám giờ. Lại một lần nữa ngài đã thất vọng và ngài bước xuống quảng trường bởi làn gió nóng vừa thổi về.
Sau khi đi dạo khắp mà vẫn không lấy lại được tinh thần còn thiếu để chiến thắng cơn đau, ngài bước vào rạp chiếu bóng. Đó là một hành động không thích hợp. Tiếng động cơ máy bay chiến đấu inh ỏi rú trong phim càng làm tăng thêm cơn đau răng của ngài. Đến giữa buổi chiều, ngài ra khỏi rạp chiếu bóng và đến hiệu thuốc vào đúng lúc đôn Lalô Môxcôtê đã quyết định đóng cửa hiệu thuốc.
- Hãy cho tôi thứ thuốc thật mạnh để trị đau răng.
Với ánh mắt sơ hãi, chủ hiệu thuốc nhìn cái má đau của xã trưởng. Sau đó ông ta đi đến cuối cửa hàng, ở phía sau hàng dài những chiếc tủ nhỏ có ô cửa kính đựng đầy các bình sứ, mỗi bình đều ghi tên một thứ hóa chất. Khi nhìn phía sau ông ta, xã trưởng hiểu rằng cái người đàn ông có cái gáy đỏ hồng hào kia có thể đã sống một khoảnh khắc hạnh phúc. Ngài quen ông ta. Ông ta ở trong hai phòng sau cửa hiệu thuốc và bà vợ ông, một phụ nữ béo mập, đã bị bại liệt từ nhiều năm nay.
Đôn Lalô Môxcôtê quay lại vào lúc chìa ra một bình sứ không có nhãn mà khi mở nắp nó phả ra mùi lá thuốc rất thơm.
- Đó là thuốc gì vậy?
Chủ hiệu thuốc nhấn ngón tay vào những hạt thuốc khô đựng trong bình sứ. “Hạt thủy cần đấy”, ông ta nói. “Ngài hãy nhai kỹ rồi nuốt từ từ. Không có thứ thuốc nào hiệu nghiệm hơn thứ này đâu”. Ông ta đổ một số hạt ra lòng bàn tay rồi nhìn xã trưởng mà rằng:
- Hãy há miệng ra nào.
Xã trưởng không làm theo lời ông ta, ngài xoay xoay cái bình để chắc tin rằng nó không có nhãn. Ngài lại chăm chăm nhìn ông ta.
- Hãy cho tôi một thứ thuốc ngoại nào đó.
- Thứ này hiệu nghiệm hơn bất kỳ một thứ thuốc ngoại nào. Nó đã được ba ngàn năm kinh nghiệm dân gian đảm bảo.
Ông ta gói hạt thủy cần trong mẩu giấy báo. Ông ta không có vẻ là người cha của một gia đình. Đúng hơn ông ta giống ông bác ruột, đang cẩn thận gói hạt thủy cần với điệu bộ gấp những con chim bằng giấy cho trẻ con. Khi ngẩng đầu lên, ông mỉm một nụ cười:
- Vì sao ngài không nhổ quách cái răng đau đi hả?
Xã trưởng không trả lời. Ngài rút ra một tờ bạc trả tiền và ra về mà không đợi chủ hiệu thuốc trả tiền thừa.
Đã nửa đêm rồi xã trưởng vẫn nằm trên võng không dám nhai hạt thủy cần. Gần mười một giờ đêm, vào lúc cơn oi bức lên đến cao điểm, trời đổ mưa, thoạt đầu mưa to sau chuyển thành mưa phùn. Mệt mỏi vì cơn sốt, rét run vì mồ hôi nhớt nhèo và lạnh buốt, xã trưởng nằm sấp mặt, chân duỗi thẳng trên võng, ngài mở miệng và cầu kinh. Ngài cầu kinh rất thành tâm nhưng ngài nhận thấy rằng trong lúc càng cố gắng để giao thiệp trực tiếp với Thượng đế, thì cơn đau lại càng dữ dội hơn. Thế là ngài đứng dậy, đi ủng, vẫn mặc bộ đồ ngủ, ngoài khoác chiếc áo mưa. Ngài đi thẳng đến đồn cảnh sát.
Ngài gào toáng lên. Lính cảnh sát choàng tỉnh, vội tìm vũ khí trong bóng tối. Khi đèn bật sáng, bọn họ đang mặc quần áo và chờ lệnh.
- Gôngxalêt, Rôvira, Pêranta – xã trưởng gọi tên.
Ba người được gọi tên bước lên, vây xung quanh xã trưởng. Chẳng có lý do rõ ràng nào cho thấy ngài có ý định chọn lựa nhưng ngẫu nhiên cả ba người đều là dân lai bình thường cả. Một người trong số họ còn có vẻ trẻ con, tóc húi tông – đơ, mặc áo sơ mi. Hai người, kia cũng mặc áo sơ mi nhưng còn phanh cúc trước.
Bọn họ không nhận được một mệnh lệnh thật xác đáng nào cả. Nhưng vẫn theo xã trưởng ra đi. Họ vội vàng xuống cầu thang bằng cách nhảy liền bốn bậc một lần. Họ đi thành hàng dọc như lối đi rừng, bất chấp trời mưa, theo xã trưởng đến trước nhà người trồng răng. Họ lấy báng súng nện hai cái thật mạnh khiến cánh cửa mở toang. Khi đèn phòng đợi được thắp sáng họ đã ở trong nhà rồi. Một người đàn ông nhỏ con và hói đầu, mặc quần đùi, xuất hiện ở cửa buồng đang cố mặc quần áo lao động. Thoạt tiên, ông ta đứng đần ra, một cánh tay giơ lên cao, mồm há hốc cứ như thể người lần đầu tiên thấy ánh đèn flat của người thợ ảnh. Sau đó ông ta nhảy lùi về phía sau vấp phải bà vợ, người mặc áo ngủ từ phòng ngủ bước ra.
- Đứng im – thiếu úy quát.
Người đàn bà thốt lên: “Ôi trời!”, hai tay vội bịt lấy mồm và đi trở vào buồng ngủ. Người trồng răng bước vào phòng đợi, vừa đi vừa thắt dây rút quần và chỉ lúc này ông mới nhận ra ba lính cảnh sát tay lăm lăm súng đang chĩa vào người mình và nhận ra thiếu úy, người đầm đìa nước mưa, lặng lẽ hai tay đút trong túi áo mưa.
- Nếu bà nhà bước ra khỏi phòng sẽ bị bắn chết. Chúng tôi nói trước cho mà biết, nghe chưa – thiếu úy nói.
Người trồng răng cầm chắc quả đấm cửa nói chõ vào phía trong phòng. “Mình nghe rõ chưa!” và sau đó bằng động tác trịnh trọng ông khóa trái cửa phòng ngủ lại. Sau đó ông đi về phía phòng chữa răng. Hai lính vội đi trước ông và chặn ông lại trước cửa. Một người bật đèn, còn người kia bước thẳng đến bàn làm việc và rút từ trong ngăn kéo ra một khẩu súng lục.
- Có thể còn khẩu nữa – xã trưởng nói.
Ngài đã bước vào buồng chữa răng, đứng ngay sau người thợ trồng răng. Hai người lính nhanh chóng lục soát căn buồng trong lúc người kia gác cửa. Bọn họ úp ngược thùng đựng đồ nghề lên mặt bàn, ném xuống sàn nhà nào các khuôn bằng thạch cao, các hàm răng giả chưa làm xong, những chiếc răng rời và cả răng vàng, trút hết thuốc trong các bình thủy tinh ra, và cuối cùng rạch rách tấm tựa của chiếc ghế và phá tung hệ thống lò xo chiếc ghế tự xoay. Họ làm như vậy để tìm vũ khí, nhưng không tìm thấy.
- Đây là loại súng lục nòng dài cỡ 38 – xã trưởng nói.
Chìa nòng súc lục về phía người trồng răng. “Tốt hơn hết là ông nên khai ra”, ngài nói. “Chúng tôi đến không chủ ý phá tan nhà ông đâu”. Đôi mắt người trồng răng ở sau chiếc gọng kính bằng vàng không hề thay đổi trước lời đe dọa trên.
- Theo tôi các ông chẳng cần phải vội – người trồng răng điềm tĩnh trả lời – Nếu thích các ông có thể phá nhà tiếp.
Xã trưởng, suy nghĩ. Sau khi khám thêm một lần nữa căn phòng thưng gỗ không bào, ngài đi về chiếc ghế ra lệnh cho lính của mình. Ngài đặt một lính gác ở cửa vào nhà, một lính gác ở cửa buồng trồng răng và một tên lính đứng ở cửa sổ. Khi ngồi ngay ngắn trên ghế rồi, lúc ấy ngài mới cởi chiếc áo mưa ra, và ngài thấy vây quanh mình là cái lạnh của kim loại. Ngài thở rõ sâu hít vào lồng ngực thứ không khí đậm mùi thuốc tây trong phòng. Ngài gối đầu lên cái tựa đầu cố thở cho đều. Người trồng răng cúi xuống nhặt một vài dụng cụ ở dưới sàn nhà, cho chúng vào soong đem luộc. Ông đứng đằng sau xã trưởng nhìn ngọn lửa xanh trên bếp cồn, với chính thái độ tự tin và bình tĩnh như khi ông ở một mình trong phòng trồng răng. Khi nước sôi, ông lấy giấy cuốn quanh cán soong rồi bê soong ra đem đến bàn làm việc. Bọn cảnh sát theo dõi sát từng bước chân ông. Người trồng răng đặt soong xuống bàn để nhìn xã trưởng. Ông nói:
- Hãy ra lệnh cho cái tên giết người kia tránh ra chỗ khác.
Theo hiệu lệnh của xã trưởng, lính cảnh sát rút lui để cửa sổ được thoáng cho không khí ùa vào phòng. Y kéo chiếc ghế và dựa lưng nó vào tường, ngồi xuống với hai chân choãi ra, súng để nằm trên đùi, vẫn chăm chú canh gác. Người trồng răng thắp đèn. Bỗng dưng bị chói mắt, xã trưởng nhắm mắt lại và há miệng ra. Cơn đau răng đã giảm hẳn.
Người trồng răng xác định chiếc răng đau, một ngón trỏ vạch cái má sưng còn tay kia di chuyển ngọn đèn. Trong lúc làm ông ta hoàn toàn tỉnh bơ trước cái thở đau đớn của người bệnh. Sau đó ông xắn tay lên tận khuỷu tay và chuẩn bị nhổ chiếc răng sâu. Xã trưởng cầm lấy cổ tay ông, nói:
- Thuốc gây tê.
Lần đầu tiên hai người nhìn thẳng vào mắt nhau.
- Các ông giết người chẳng hề cần đến thuốc mê. – ông nhẹ nhàng nói.
Xã trưởng không thấy trong bàn tay nắm cò súng một sức mạnh nào có thể tự giải thoát mình. “Mang đồng hồ đến đây”, ngài nói. Lính cảnh sát ngồi tại một góc chĩa súng về phía họ và hai người từ chiếc ghế nghe rõ tiếng súng lách cách lên đạn.
- Ngài hãy nghĩ rằng chẳng đau chút nào – người trồng răng nói.
Xã trưởng buông cổ tay người trồng răng ra. “Đáng nhẽ phải có thuốc gây tê”, ngài nói vái ánh mắt thất vọng, ngài nhìn những thứ vương vãi dưới sàn nhà. Với vẻ bình thản, người trồng răng quan sát ngài. Sau đó ông đè đầu xã trưởng lên cái gối đầu và lần đầu tiên ông để lộ sự nôn nóng của mình. Ông nói:
- Thiếu úy hãy bỏ trò con nít ấy đi. Không có thứ thuốc mê nào có tác dụng trong trường hợp sưng tấy như thế này.
Thế là cái khoảnh khắc đáng sợ nhất của đời ngài đã đến. Ngài để cho các cơ bắp trùng xuống, ngồi trên chiếc ghế thật im lặng chờ đợi. Trong lúc đó những vết bẩn của hơi ẩm vẽ trên trần nhà làm bằng giấy các – tông ghi đậm trong tâm trí ngài cho đến khi chết. Ngài cảm thấy người trồng răng đang làm lụng ở chậu rửa. Ngài cảm thấy ông ta xếp đặt các hộp trên bàn và nhặt vài thứ ở dưới sàn nhà lên.
- Rôvira nghe đây – xã trưởng gọi – hãy bảo Gôngxalêt vào và thu xếp các thứ ở dưới sàn nhà rồi để chúng đâu vào đấy đúng như cũ.
Bọn lính vào làm theo lệnh ngài. Người trồng răng lấy bông cuốn vào cái panh, nhúng nó vào một thứ dung dịch có màu sắc. Xã trưởng cảm thấy trong người nóng ran ran. Sau đó người trồng răng khép mồm xã trưởng lại. Xã trưởng vẫn dõi mắt lên trần nhà, chú ý lắng nghe những động tĩnh của đám lính đang sắp xếp các thứ theo đúng trật tự cũ mà họ cố sức nhớ lại. Đồng hồ ở tháp chuông nhà thờ điểm mười một giờ. Trong tiếng mưa rơi một con vạc ăn đêm cũng nhắc lại giờ bằng tiếng kêu của nó vang lên sau chuông đồng hồ một phút. Sau đó một lúc, vì biết rằng họ đã làm xong công việc được giao, xã trưởng ra hiệu cho họ trở về đồn cảnh sát.
Trong suốt thời gian ấy, người trồng răng luôn luôn đứng bên cạnh xã trưởng. Khi đám lính ra đi, người trồng răng rút bông bịt răng vừa bị nhổ ra. Sau đó ông dùng đèn kiểm tra miệng xã trưởng, kiểm tra kỹ hai hàm răng rồi dẹp cây đèn sang một bên. Công việc thế là xong. Trong căn phòng oi nóng lúc ấy còn lại cái vô vị lạ lẫm mà chỉ những người quét sân khấu khi người diễn viên cuối cùng bước vào mới hiểu nổi.
- Đồ vô ơn – xã trưởng nói.
Người trồng răng đút hai tay vào túi áo lao động, lùi lại để nhường bước cho xã trưởng đi ra “Đã có lệnh khám xét nhà ông”, xã trưởng nói. “Có cả những chỉ dẫn chính xác nói rằng trong nhà ông có vũ khí, chất nổ cùng tài liệu của một cuộc nổi loạn”. Ngài dõi đôi mắt còn ướt lệ của mình vào mắt người trồng răng và nói thêm: “Tôi cứ nghĩ rằng ông sẽ chống lệnh nhưng tôi đã nhầm. Bây giờ thời thế đã thay đổi, phía chống đối được bảo đảm và cả thiên hạ đều sống trong hòa bình thế mà ông vẫn suy nghĩ như một tên nổi loạn”. Người trồng răng rút một tay ghế và đặt nó vào phía không bị phá hỏng.
- Thái độ của ông là không phù hợp với nhân dân trong làng – xã trưởng nói tiếp, không thèm để ý đến cái nhìn của người trồng răng đang dõi về phía ngài – Bây giờ Hội đồng quản hạt sẽ đền bù những thứ bị phá hỏng, cả cái cửa của nhà ông. Một khoản tiền mọn. Tất cả chỉ là vì thái độ ương bướng của ông mà thôi.
- Hãy lấy nước muối mà ngậm nhé. – Người trồng răng nói.
Giờ Xấu Giờ Xấu - Gabriel José García Márquez Giờ Xấu