Dũng Sĩ Chép Còm epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2
áng hôm đó, như thường lệ, mặt ao vừa ửng hồng, Rô nhọ rời khỏi đám rong đuôi chó mà chú dựa lưng ngủ trong đêm. Chú bơi lượn quanh rìa ao còn mát lạnh hơi đêm, Póc! Póc! Póc! Chú vừa đớp mồi vừa nghịch ngợm quay trong trong nước như quả bóng. Nhờ thân mình được bọc trong lớp vẩy cứng như áo giáp với những hàng vây lưng lởm chởm gai nhọn. Rô nhọ coi khinh tất cả các loài thú dữ như rắn cạp nong, rắn nước, rắn mòng, thường nằm phục trong các đám cỏ rậm quanh bờ, rình bắt cá vào giờ này. Thấy chú bơi lượn qua, chúng đều ngoảnh mặt làm ngơ. Đớp phải chú coi như mất mạng. Cách đây mấy hôm, một con cạp nong lớn tham ăn, đớp liều một chú rô don, rô don giương hết vây lưng lên, cạp nong bị hóc ngang cuống họng. Khạc không ra, nuốt không vào. Chỉ một ngày đêm, cạp nong khoanh mình vào một búi cỏ lồng mà chết. Miệng rắn há hoác, trong cổ họng vẫn mắc kẹt chú rô don.
Nhác trông thấy một con châu chấu ma đậu giữa sống lá cỏ đung đưa, Rô nhọ nhảy lên đớp nhưng không trúng. Nó đậu cao quá, chính nhờ cái nhảy bắt mồi hụt ấy mà Rô nhọ nhìn thấy Lóc hoa nằm phơi mình trên bè cỏ nước cách đó không xa “-Ai thế nhỉ? Hình như đã chết rồi hay sao ấy”... - Rô nhọ tự hỏi và vừa bơi vừa nhảy như ném thia lia trên mặt nước đến chỗ Lóc hoa nằm, Chỉ sau một đêm mà Lóc hoa khác lạ hẳn đi, trông còn chẳng ra hình dạng gì nữa. Suốt từ đầu đến đuôi vẩy tróc từng mảng lớn nham nhở như vừa bị dao đánh dối. Trên làn da bị tróc vẩy, nhiều vết cắt sâu hoắm. Đuôi, vây lưng, mang trắng nhợt. Vừa thoáng nhìn, Rô nhọ đã sợ hãi la to:
- Úi, bạn Lóc hoa! - như không còn tin vào mắt mình nữa, chú rạch ngược lên bè cỏ, nhìn sát tận mắt - Đúng là Lóc hoa, Lóc hoa vượt được thùng nhốt trở về rồi bà con ơi! - Chú vui mừng la to. Nhưng lúc này không có bà con nào bơi lượn gần đó. Chú nhìn kỹ vào mang bạn, thấy mang phập phồng nhè nhẹ.
- Còn sống! Còn sống! - Chú reo - Lóc hoa! Lóc hoa! Rô nhọ đây, bạn tỉnh lại đi! - Chú ghé sát mang bạn gọi giật liên hồi nhưng Lóc hoa vẫn nằm thẳng đơ, bất động.
- Lóc hoa! Lóc hoa! Bạn làm sao thế! Lóc hoa!
Những tiếng sau chú bật lên nghẹn ngào thành tiếng khóc.
Phải bơi gọi ngay bà con đến đưa Lóc hoa ra khỏi chỗ mắc cạn, Để chậm thì nguy mất! Rô nhọ tự nhủ vậy là định rạch xuống nước. Nhưng vừa dương nắp mang lên chưa kịp rạch, chú nhìn thấy một tên Bói cá rằn ri, vai vác cần, tay xách thùng nhốt, đang đi đến gần bờ ao. Rô nhọ kinh hoàng lo sợ thay cho bạn: Anh ta sẽ nhìn thấy Lóc hoa mất! Nằm phơi ra trên cỏ thế này họa có mù mới không nhìn thấy! Bơi đi gọi bà con tới cứu không kịp nữa rồi. Kìa, nó đang cúi lom khom nhìn xuống đất, bước đi mỗi lúc một đến gần bờ ao hơn. Trong cái giây phút nguy nan ấy, Rô nhọ quên hết sợ hãi. Chú quyết liều thân cứu bạn. Nếu không cứu được thì cũng chết với bạn! Chú nghĩ vậy và rạch chui xuống dưới lưng Lóc hoa, cố dùng sức đẩy bạn xuống nước. Lóc hoa lớn xác và nặng gấp mười lần Rô nhọ. Chú chống đầu và đuôi xuống bè cỏ uốn mình cong veo như mảnh trăng thượng tuần, cố sức nâng mình bạn lên đẩy đi. Chú có cảm giác bong bóng mình sắp nổ kêu đánh tít vì gắng quá sức. Nhưng Lóc hoa không chút lay chuyển. Chú phát khóc vì sự yếu ớt của mình, Biết dù có cố gắng sức thêm nữa cũng vô ích, chú rạch chui lên. Chú trườn nằm ngang lên mình bạn để xem xét. Chú nhận thấy mình không đẩy nổi bạn, một phần vì đầu bạn nằm lên mấy thân cỏ - lồng. Cần phải đẩy những thân cỏ lồng này cho đầu Lóc hoa chúc xuống, Rô nhọ nghĩ vậy và rạch đến phía đầu bạn. Chú dùng đầu, lưng, vây húc như điên vào những thân cỏ. Xạc! Xạch! Xạch! Xạch! Chú vùng quẫy trong đám cỏ với sức mạnh hung dữ liều lĩnh của con cá bị mắc vô lưới cố vùng quẫy để thoát khỏi lưới.
Tên Bói cá rằn ri đã đến sát bên bờ ao. Tiếng động vùng quẫy của Rô nhọ làm hắn chú ý nhìn xuống bè cỏ nước. Hắn la lên mừng rõ:
- A con lóc bông! Đúng con lóc bông nhảy khỏi thùng nhốt đêm qua! Trời đất! Làm sao hắn càn được từ trong đồn ra thấu đây, thánh thật! - Hắn bỗng phá lên cười ha hả: - Nhưng mày tận số rồi con ơi! Số đã chết thì con có thoát đằng trời!
Hắn quăng cần câu và cái thùng sắt nhốt cá xuống đất, xắn cao quần lội xuống nước. Cũng vừa lúc đó, Rô nhọ húc bật tung hết những thân cỏ Lóc hoa ghếch đầu. Đầu Lóc hoa từ từ chúc xuống nước, hắn hớt hải với tay chụp. Nhưng Rô nhọ còn nhanh hơn hắn, nhảy phóng xuống nước, miệng cắn vào cái vây bơi chèo của bạn, và kéo tuột bạn khỏi bè cỏ nước. Bàn tay hắn chỉ kịp chạm vào cái đuôi rách bươm, Lóc hoa đã mất hút trong làn nước xanh rêu, rong mọc san sát.
Xong, Rô nhọ ngậm vây bạn kéo tuột xuống đáy ao, chui sâu vào rừng rong. Cứ thế, chú gắng hết sức dìu bạn từng chặng một, len lỏi giữa rừng rong. Lóc hoa vẫn mê man bất tỉnh, thân mình thẳng cứng như gốc cây. Khi chắc chắn không còn nguy hiểm nữa, Rô nhọ đặt bạn nằm đấy, bơi phóng đi gọi bà con đến giúp sức. Chỉ một loáng, nhiều bà con đổ xô đến. Họ xúm vào đỡ đầu, đỡ bụng, đỡ đuôi, đỡ vây, đưa Lóc hoa đến một đám rễ bèo trải sát mặt bùn, sẫm bóng gốc sung già.
Hơi mát lạnh của rễ bèo và mùi bùn của ao quê làm Lóc hoa dần dần hồi tỉnh. Chú cựa mình rên rỉ nhưng hai mắt vẫn nhắm nghiền. Bà con mừng rỡ sục bùn sủi tăm lay gọi chú. Mấy cụ cá nghề thuốc gia truyền bơi đi tìm rễ rong, rễ cỏ dấu nhai dập phun lên khắp thân hình chú. Rô nhọ, Chép còm, Chày mắt đỏ, Ngão, Vền thay phiên nhau nổi lên mặt ao hớp không khí, ngậm chặt, rồi đưa xuống hà hơi cho Lóc hoa thở.
Nhưng đã hơn một ngày một đêm Lóc hoa vẫn trong tình trạng hôn mê. Trong lúc mê sảng chú cứ nhắc đi nhắc lại những tiếng lạ lùng: “Ngày rằm... Mìn điện hai mươi cân... Chết hết...”
Chú bật kêu thét “Trốn mau! Trốn mau!” Những tiếng mê sảng ấy có nghĩa gì! Bà con đoán là chú mang những tiếng ấy từ hang ổ tụi Bói cá rằn ri. Tuy không hiểu nhưng họ đều có linh cảm là nó báo trước một tai họa vô cùng khủng khiếp sắp ụp xuống Ao Cây Sung. Do đó, họ càng nóng lòng nóng ruột mong chờ chú tỉnh lại, Nhưng liệu chú có qua khỏi được không?
Nhờ việc Lóc hoa thoát chết mà Chép còm và Chày đã gặp mặt được gần đầy đủ mặt bà con dân ao. Suốt từ sáng đến lúc mặt ao tối mịt, hết tốp cá này đến toán cua, ốc khác kéo đến thăm hỏi, mang quà, thức ăn, thuốc dấu đến cho chú. Chép còm, Chày, Rô nhọ suốt ngày đêm túc trực săn sóc bạn gặp bà con nào Chép còm cũng nói chuyện về dòng sông lớn và dự định mời bà con cùng nhau hợp sức tìm kế thoát khỏi ao, rồi cùng bơi đến dòng sông diệu kỳ ấy. Nhưng hầu hết chẳng ai nghe chú. Nhất là các bác cá già, họ bảo chú là “trứng đòi khôn hơn cá” và cái chuyện dòng sông lớn là chuyện tầm phào, viển vông. Có bác còn chế diễu chú như kiểu người lớn chế diễu những ước mơ ngây ngô của trẻ em:
- À, tưởng gì chứ cái dòng sông lớn mà cháu nói đó bác biết tỏng tòng tong từ lâu rồi cháu ơi! Nó là cái chảo đầy mỡ, vung đậy kín, bắc trên bếp lửa cháy rừng rực.
Chép còm khổ sở vì bị chế diễu nhưng vẫn kiên nhẫn nói:
- Chính cụ Nheo mù kể với chúng cháu về dòng sông lớn, và hồi trai trẻ cụ cũng từng vượt ao ra đi...
Bác Chắm cỏ cười nhạo:
- Ối dà, tưởng ai chứ cụ Nheo mù thì nói mà làm gì! Cụ ấy là nhà thơ mà!
- Nhưng nhà thơ thì làm sao kia ạ?
- Cháu không hiểu à? Các nhà thơ họ có thể nghĩ ra đủ mọi chuyện viển vông hoang đường, rồi sau đó chính họ lại tin những chuyện mình bịa tạc ra là có thật. Thế mới chết!
Một bác Diếc sứt mép phụ họa theo:
- Đúng đấy, đúng đấy! Hồi tôi mới bằng cái lá chanh, tôi có nghe một bài thơ kể chuyện cái cây gì đó, đại khái như cây sung ao ta đây này, mà tán cây to đến nỗi “Ngựa phi trăm năm không ra ngoài bóng mát” thế mà có ngày đó tôi cũng ngốc nghếch tin là có thật!
Những lời diễu cợt và thái độ không tin tưởng của phần đông bà con dân ao về chuyện dòng sông lớn làm cho Chày không khỏi nao núng hoang mang. Cô buồn rầu nói với Chép còm:
- Hay lời cụ Nheo mù có lý... Việc bơi đến dòng sông lớn vượt quá sức loài cá chúng ta.
Chép còm nói:
- Chúng mình còn ít tuổi mà công chuyện theo đuổi lại quá lớn, các bác các cụ làm sao có thể tin ngay được? Theo mình trước tiên chúng mình phải tìm đến các bạn cùng tuổi, nói chuyện lôi kéo họ. Khi các bạn đã theo mình đã khá đông sẽ tìm đến những anh chị lớn tuổi hơn. Sau đó chúng ta sẽ xúm lại thuyết phục các cụ, chắc các cụ sẽ nghe ra.
Nghe theo lời khuyên của Chép còm, chiều hôm đó Chày đã kết thân được với một bạn gái là Cua yếm nâu. Hai cô trước đây là hàng xóm láng giềng, ở cách nhau chỉ một lùm rong đuôi chó. Cả hai cùng trạc tuổi, biết tên biết mặt nhau nhưng không mấy khi bắt chuyện nhau. Tuy vậy cả hai vẫn thường để mắt ngầm nhận xét nhau. Cua yếm nâu cho Chày tính nết lông bông, chỉ biết rong chơi, bơi lượn, làm dỏm làm dáng, lại kiêu. Con gái mà sống tạm bợ, chẳng có hang cũng chẳng có ngách. (Chày vốn sống trong một lùm rong liễu, rẽ rong chui vào giữa dựa lưng, chẳng hề mất công sửa sang, đào khoét). Chày thì cho Cua yếm nâu con gái mà tính nết như bà cụ, căn cơ quá mức. Lúc nào cũng chỉ thấy áp bụng sát bùn bò tám chân mà đào hang bới ngạch. Thân hình thì lôi thôi lếch thếch, chẳng chịu sửa sang trau chuốt. Từ lưng đến yếm không mấy khi không dính bùn, dính rêu...
Cua yếm nâu quả cũng có như vậy, một phần do tính nết nhưng cũng một phần do cảnh nhà cô quá vất vả, neo đơn. Gia đình cô chỉ có hai mẹ con. Mẹ cô là bà Cua yếm đen bị lòa cả hai mắt lại rụng mất bốn chân và một càng nên không thể tự bò đi kiếm mồi được. Từ ngày mới lột vỏ, Cua yếm nâu đã phải tần tảo kiếm mồi nuôi mẹ. Đào hang đào ngạch cho mẹ nằm, đỡ chân nâng càng lúc mẹ cần lết ra khỏi hang. Cô phụng dưỡng, nâng giấc mẹ từng li từng tí. Lòng hiếu thảo của cô được bà con dân ao lấy làm gương để dạy dỗ con cháu.
Lần này vì mục đích lớn lao đang theo đuổi, Chày tự tìm đến với Cua yếm nâu. Vượt qua được cái phút ngượng ngập ban đầu, chỉ chốc lát hai cô đã dựa càng kề vây chuyện trò cởi mở. Và cả hai đều hối hận tại sao không kết thành bạn thân sớm hơn. Hai cô tít tít tranh nhau nhận lỗi:
- Lỗi tại mình cả...
- Không phải lỗi tại bạn. Chính mình mới thật có lỗi... Lòng dạ mình chật hẹp, hay thành kiến lại hay xét nét. Tính nết mình thật khó thương... - Cua đưa càng cắp nhẹ vào vây Chày cặp mắt đen nhanh nhánh như hạt huyền nhìn bạn vừa dịu dàng vừa âu yếm:
Càng trò chuyện, Chày càng nhận ra, ẩn giấu trong cái mai cục mịch của bạn là cả một tấm lòng sôi sục can đảm.
- Nhiều đêm mình không sao chợp mắt, trằn trọc cho tới sáng, lòng nung nấu nhiều dự tính liều lĩnh... Mình muốn đào một con đường xuyên qua bờ ao, rồi mời bà con theo con đường ngầm thoát ra ngoài... và mình đã bắt đầu đào con đường ngầm đó...
- Bạn đã đào thậy à? - Chày hỏi lại mắt tròn xoe nhìn bạn.
- Ừ... - Vẫn với giọng đều đều giản dị, - Cua yếm nâu kể tiếp - hễ rỗi ra được phút nào là mình lại đào ngày đào đêm, cứ hì hục một mình, giấu không cho ai biết. Mình đã đào mất bao nhiêu lâu, mình không nhớ nữa. Chỉ biết là con đường ngầm gần sắp xuyên bờ. Bờ bên trong mình nghe rõ tiếng nước xôn xao vỗ ì oạp bên ngoài. Nhưng rồi mình đã bỏ dở không đào tiếp nữa. Có mấy đứa bạn tình cờ biết việc mình làm xúm lại trêu chọc. “Dã tràng xe cát bể Đông, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì...”.
- Dã tràng là ai thế?
- Ờ, đằng ấy chưa biết anh Dã Tràng nhỉ? Cùng họ nhà cua chúng mình đấy, nhưng quen sống trên bờ biển, trong cát mặn. Nếu muôn loài trên trái đất cần dựng một cái đài kỷ niệm chung để biểu dương sức mạnh của ý chí và lòng tin, sức mạnh của tinh thần táo bạo, cả gan thì theo mình nên dựng tượng anh Dã Tràng. Tổ tiên của anh ấy vô ý đánh rơi viên ngọc quý xuống biển Đông. Anh ấy quyết định phải lấp cạn biển Đông để mò tìm viên ngọc. Anh ấy dùng đôi càng xe cát ướt thành viên để lấp biển. Anh ấy chất cát viên thành đống lớn đống nhỏ trên khắp bãi biển. Biển Đông giận dữ trước ý đồ táo bạo của anh xô sóng vào bờ quật tan tành hết những đống cát viên chưa kịp lấp biển. Nhưng biển quật tan đống này anh lại xe tiếp đống khác. Và cứ như thế, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, anh ấy vẫn gan góc đọ sức với biển, tiếp tục theo đuổi mục đích của mình, không một thoáng mảy may ngã lòng thối chí.
- Nhưng biển Đông thì to bằng ngần nào?
- Đằng ấy đoán thử xem!
- Chẳng phải gần bằng cái ao của chúng mình ấy nhỉ?
Cua yếm nâu cười:
- Chỉ có trời mới sánh được với biển mà thôi.
- Thế thì anh Dã Tràng phải to đến bằng ngần nào.
Chày hỏi, giọng sửng sốt:
- Có to bằng tán cây sung không?
- Anh ấy còn bé hơn cả mình!
Chày quạt vây lắc đầu nói:
- Ôi, mình cứ tưởng đâu như là chuyện do các nhà thơ tưởng tượng ra ấy!
- Đằng ấy không biết sao, tất cả những điều kỳ diệu lạ lùng nhất mà các nhà thơ tưởng tượng ra cũng đều bắt nguồn từ chuyện có thật.
Vui chuyện, Cua yếm nâu dẫn bạn đi xem con đường đào dở dang của mình. Bò quanh quất một lúc, Cua yếm nâu dắt bạn đến trước một búi cỏ, nước rậm rì mọc bám vào bờ ao. Miệng hang ngầm hun hút hiện ra. Cô trỏ cửa hang và nói:
- Đào ở tầm này vừa kín đáo, mà nếu mực nước có rút cạn bà con vẫn có thể thoát ra được. Đằng ấy có muốn chui vào xem qua tý cho biết không?
Thấy cửa hàng sâu và tối quá, Chày có ý ngại. Với bản năng cổ truyền của loài cá, tất cả những dáng vật có hình tròn, sâu, và tối bao giờ cũng gợi lên trong lòng họ mối nghi ngại kinh hãi. Nó làm cho họ liên tưởng tới những cạm bẫy khủng khiếp như lờ, giỏ đó...
Cua yếm nâu hiểu ý bạn liền bò lên và chui vào hang trước. Chày cố lấn lướt nỗi sợ hãi chui theo bạn. Đường hầm tối đen, lóc óc nước và hình như càng vào sâu càng hẹp dần. Mỗi lần Chày quạt vây để trườn tới, vây bơi chèo chạm phải vách đất cứng cáp. Con đường như xuyên mãi, xuyên mãi, không cùng không tận. Ba bốn lần Chày hỏi:
- Sắp đến cùng đường chưa đấy?
- Chưa, chưa, bạn cứ gắng trườn tới đi. Mình đào rất cẩn thận nên đường ngầm còn vững chắc lắm, không sập đâu mà sợ!
Chao, thật khó mà tin được đây là công trình của chỉ có một cô gái bé nhỏ như Cua yếm nâu. Nếu không biết rõ ai cũng phải tưởng đây là công trình của một người khổng lồ! Chày nghĩ vậy. Lúc chui ra khỏi đường ngầm, Chày nhìn bạn không chớp mắt. Cô bỗng thấy bạn như khác lạ hẳn đi, đẹp đẽ và to lớn khác thường. Và đứng bên cạnh bạn, cô cảm thấy mình thật nhỏ bé, thật tầm thường. Cô buột miệng kêu lên:
- Mình thật không ngờ! Mình không hiểu cậu lấy đâu sức mà đào nổi một con đường ngầm như thế! Đằng ấy thật xứng đáng là họ hàng của anh Dã Tràng.
Trước lời ngợi khen chân thành và nồng nhiệt của bạn Cua có vẻ ngượng ngịu, Cô vòng càng ôm ngang lưng bạn thủ thỉ nói:
- Từ đây chúng mình sẽ mãi là ruột thịt của nhau nhé!
- Ừ, nhất định thế. Mãi mãi sẽ là ruột thịt của nhau. Cho đến chết!
Chày nói với bạn về dự định của mình với Chép còm rồi hỏi:
- Đằng ấy có thể cùng với chúng mình chung sức mưu việc đó không?
Cua yếu nâu chống càng xuống bùn, nghĩ ngợi hồi lâu, rồi giọng buồn buồn:
- Mình hiện còn mẹ già tàn tật, không thể bỏ mẹ ở lại để theo các bạn được. Nhưng nếu các bạn cần đến mình một việc gì đó mà sức mình có thể đảm đương được thì mình xin hứa sẽ không tiếc thân cho dù rụng hết chân, gãy hết càng.
Trước một lời hứa như vậy. Chày thấy rằng không còn gì đáng phải nói thêm.
Cũng trong lúc đó ở một góc ao khác, Chép còm bơi sát bùn vừa sủi tăm khói vừa băn khoăn suy nghĩ: Trước tiên mình nên chọn bạn nào đây để cùng mưu việc khó khăn này? Liệu có nhiều bạn cùng có mong ước như mình không? Chú chợt ngoáy mạnh vây bơi chèo, hãm bớt đà bơi lại. Ngay trước mặt chú có đám đánh nhau to. Đánh đánh lộn làm nước xao động mạnh và bùn cuộn lên đục ngầu. Chú thận trọng bơi nhích lên để nhìn cho rõ. Giữa đám bùn nước đục ngầu hai bạn Trê và Bò, cùng trạc tuổi chú đang đánh nhau chí mạng. Con nhà võ đánh nhau có khác! Chú thầm nghĩ vậy và trong lòng không khỏi thán phục sức khỏe và võ nghệ của cả hai.
Bò và Trê được bà con dân ao mệnh danh là những dũng sỹ của đáy nước. Cả hai cùng chuyên sống sát bùn, thuộc họ cá không vây, còn gọi là cá đen.
Bò thân hình thuôn dài như mũi giáo búp đa, ngực nỏ, miệng rộng, hàm khỏe, xương đầu rắn như sắt, hai mép có bốn sợi râu. Da bò trơn nhẫy, nhiều nhớt, đầu, lưng, và đuôi màu vàng hươm, ngực và bụng màu trắng ngà điểm những đốm xanh đen. Trên sống lưng Bò có một ngạnh dài, nhọn hoắt, lởm chởm răng cưa. Hai bên vây có hai ngạnh ngắn hơn như nhọn sắc không kém. Cái đầu ngạnh đều tẩm chất độc gia truyền, đâm phải ai, vết thương nhức buốt thấu xương. Ba cái ngạnh này là vũ khí đặc biệt lợi hại của Bò làm cho hầu hết trai tráng trong ao, dù to xác đến gấp năm gấp bảy chú, cũng phải e dè kiêng sợ.
Bò tính tình nóng nảy ngỗ ngược, thích gây lộn đánh nhau và rất phàm ăn. Chú có thể nuốt chửng trong nháy mắt một con trùn đất bằng cái xe điếu.
Trê thân dài hơn Bò, mình tròn lẳn, đuôi bẹt, mềm ại như thân rắn. Da Trê cũng có rất nhiều nhớt, màu vàng sẫm, anh ánh xanh đen. Đầu trê rắn và bẹt như lưỡi xẻng, cặp mắt ti hí nhỏ như hai hạt vừng đen, mép có hai sợi râu tròn mập. Trên có hai ngạnh nằm bên hai vây, không nhọn sắc bằng ngạnh Bò nhưng rộng bản và khỏe hơn. Nếu ví ngạnh Bò là gươm dài thì ngạnh Trê là mã tấu. Đầu ngạnh cũng tẩm chất độc gia truyền, có khi còn độc hơn chất độc tẩm ngạnh Bò, Trê nổi tiếng trong ao gốc sung về sức chịu đựng dẻo dai “Phơi mười lăm nắng nắng không chết” như bà con dân ao thường kháo nhau. Một lần qua ham mồi, Trê trườn lên một quãng dốc ao trơn, bị sa vào một hồ bùn đặc quánh. Chú không sao trườn thoát ra khỏi hố vì thành hố dựng đứng. Chú đành phải rúc sâu xuống đáy bùn ẩn trốn. Dạo đó trời nắng hạn ghê gớm, bùn dưới đáy hồ khô dần rồi rạn nẻ chân chim. Chú đã phải nằm trong đáy hố suốt mười ngày trời không ăn, không uống, da khô cong nhăn nheo như quả trám phơi nắng. Bà con ai cũng đoán chắc chú chết rồi. Không ngờ sau một trận mưa to, chú lại càn được về ao khỏe mạnh như thường. Bà con hỏi chú, chú nói: “Cũng có hơi choáng váng một tý”. Trê tính tình lười nhác, sống chỉ biết có mình, chẳng quan tâm đến ai. Câu đầu miệng của chú là: “Ối dà, ai có phận nấy. Một cái đuôi không che nổi mặt trời.”.
Chú sống chui rúc trong hang sâu tối tăm, ban ngày ít khi ra ngoài. Chỉ đến lúc trời nhập nhoạng chú mới chui ra khỏi hang bơi men theo bờ ao kiếm ăn. Chú rất ham những thức ăn tanh thối. Sau khi đã chén thật đầy bụng, chú lại chui vào hang, đánh một giấc thẳng đuôi, cho đến lúc ngót bụng mới thức dậy.
Lúc này Bò và Trê đang mải lao vào cuộc ẩu đả, chẳng còn hay biết gì đến trời đất. Cả hai bơi lùi lại thủ thế, mặt gằm gằm nhìn nhau. Vây ngạnh đều giương thẳng, hàm nghiến trèo trẹo, râu rung bần bật. Rồi vụt một cái cả hai lao thẳng vào nhau, luồn dưới, trườn trên, đuôi quật phải, trái, ngạnh đâm trái, gạt, đỡ, chém, nhiều miếng rất ác hiểm. Vừa đâm chém cả hai vừa gầm gừ, trê kêu ẹc ẹc, Bò kêu ọ ọ! Bùn sục lên quay lộn múa tít, phủ kín cả hai như một màn khói dày đặc. Chép còm nhìn mà sởn hết vẩy, dựng hết vây lưng, lo sợ thay cho cả hai. Chú muốn xông vào can nhưng không dám. Nhỡ một trong năm cái ngạnh kia mà đâm phải thì rồi đời chú thầm nghĩ vậy và chợt nảy ra một mẹo. Chú bất thần la lớn, giọng khiếp đảm.
- Tụi Bói cá đế. ế. ế. n!
Quả nhiên Trê và bò liền buông nhau ra, xếp ngạnh, cụp vây, bơi phóng đi mỗi chú một ngả. Bò rúc đầu vào rễ một đám cỏ dừa, nằm im không động cựa. Trê chui tọt vào hang cạnh đó, đuôi run lẩy bẩy như lúc nằm trên thớt.
Chép còm thấy vậy phá lên cười ngặt nghẽo. Nghe tiếng cười Bò quay đầu lại. Trê chui ra khỏi hang, ngơ ngác hỏi:
- Ai cười đấy? Nghe kêu có tụi bói cá kia mà?
Chép còm liền bơi lại gần, nói giọng châm chọc:
- Tôi là Chép còm đây. Tụi Bói cá rằn ri thấy hai bạn cụp râu xếp ngạnh trốn chui trốn nhủi nên đã sợ hãi tháo lui cả rồi.
Trê và Bò nổi sung, cùng nhào đến trước mặt Chép còm. Cả hai trương ngạnh bạnh hàm, nghiến răng trèo trẹo nhìn Chép còm, quát to:
- Mày đánh lừa chúng tao phải không?
- Ai cho phép mày được diễu cợt chúng tao?
- Mày muốn tao lấy rỉ mắt bằng ngạnh có răng cưa chắc?
- Mày thích tao gãi cổ họng mày bằng mũi ngạnh tẩm chất độc phải không?
Chép còm chẳng tỏ vẻ gì hoảng sợ, cười tủm nói:
- Một thằng yếu ớt như Chép còm tôi không có lấy một tấc vũ khí phòng thân mà được chết dưới năm lưỡi dao tẩm thuốc độc của hai dũng sỹ lừng danh Ao Cây Sung thì cũng vinh dự lắm.
Vẻ mặt và giọng nói của Chép còm, tự nhiên làm cho cả hai từ từ cụp ngạnh lại, rêu mép ngọ nguậy, tỏ vẻ ngượng ngùng.
Bây giờ Chép còm mới thôi vẻ cười cợt, đổi giọng nhũn nhặn:
- Xin lỗi hai bạn, tôi đã lỡ làm cho hai bạn phải bực mình, Thật tình tôi chẳng có ý gì trêu chọc hai bạn. Tôi thấy hai bạn đánh nhau khiếp quá, muốn vào can nhưng không dám. Tôi sợ lỡ mà một trong năm cái ngạnh lợi hại kia của hai bạn đâm phải, thì khó lòng sống được để nhìn cái cảnh chết dần chết mòn của bà con dân ao. Nên buộc lòng tôi phải dùng chút mẹo nhỏ để can hai bạn ra.
Trê và Bò đều trố mắt nhìn Chép còm, vẻ sửng sốt, ngạc nhiên. Thằng này cũng chỉ trạc tuổi mình, sao ăn nói coi bộ đàng hoàng, chững chạc vậy? Cả hai đều nghĩ bụng và đưa mắt nhìn nhau.
Chép còm thân mật hỏi:
- Có chuyện gì xích mích mà hai bạn phải đâm chém nhau như thù hằn thế?
Bò ngọ ngậy, mắt nhìn xuống bùn, trả lời giọng bướng bỉnh:
- Chẳng có chuyện gì sất! Thấy ngứa ngạnh thì tìm thằng có ngạnh đâm chơi!
Đến lượt Chép còm sửng sốt:
- Lạ nhỉ! Bạn thấy ngứa ngạnh thèm đâm sao không đi tìm đâm bụi Bói cá rằn ri mà báo thù rửa hận cho bà con dân ao ta như anh Ngạnh lầm lì hay anh Cua đá có hơn không? Hay bạn chê tụi hắn không có ngạnh như bạn?
Bò cứng hàm không biết trả lời như thế nào đành cúi đầu khe khẽ kêu ọ ọ.
Chép còm quay lại hỏi Trê:
- Còn bạn, sao bạn lại đánh nhau? Chắc bạn cũng thấy ngứa ngạnh muốn tìm thằng có ngạnh đâm chơi?
Trê làu bàu trả lời:
- Ngứa ngạnh ngứa nghiếc gì! Tớ đang đào hang, nó ở đâu đâm sầm tới, chĩa ngạnh ra trước hoa khế tớ mà khoe mẽ ngạnh nó sắc, ngạnh nó nhọn... Tía thằng nào chịu được?
- Bạn đào hang làm gì mà đào chăm thế? Hình như hang cũ của bạn cũng đã khá sâu và an toàn lắm rồi kia mà?
- Đào để lỡ tụi Bói cá rằn ri có giở trò gì lấp mất hang cũ thì còn có chỗ mà chui rúc chứ đào làm gì!
Chép còm nhìn cả hai, lắc đầu nói:
- Tôi nghe bà con dân ao đồn đại hai bạn là những trang dũng sỹ của đáy ao. Theo lời cụ Nheo mù thì dũng sỹ là những ai có trái tim rực lửa nghĩa khí, yêu bà con đồng loại hơn mình, sẵn sàng dùng thanh gươm và sức mạnh của mình trừng trị những kẻ hung ác, bạo ngược, bênh vực những ai yếu ớt, khốn cùng. Họ sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, nếu cần thì có thể xông thẳng vào hom lờ, hom giỏ, hom đó lưỡi câu... để mưu cầu sự sống cho bà con. Còn các bạn thì đâm chém nhau chỉ vì ngứa ngạnh, thấy nguy khốn đến nơi thì đào hang cho kín cho sâu để thoát thân lấy một mình! Tôi thật lấy làm uổng cho hai tiếng dũng sỹ quá!
Bò và Trê nghe Chép còm nói, thấy đau khác nào bị ngạnh đâm vào giữa ruột. Không nín được, Bò kêu ọ ọ, Trê kêu ẹc ẹc!
Bò hậm hực nói:
- Đây cũng đồng ý sống như vậy thì tồi tệ thật. Nhưng muốn trở thành kẻ có ích cho đồng loại như đằng ấy nói thì cũng chẳng còn cách nào hơn được. Dù có liều mạng sống để đâm què cẳng vào tên Bói cá trong cái đám lúc nhúc đang sống trên các hang ổ kia như anh Ngạnh lầm lì liệu phỏng ích gì! Cả cái ao này rồi trước sau cũng bị chúng giết sạch.
Trê phụ họa theo Bò:
- Phải đấy, đúng đấy, ẹc ẹc! Chú thằng Trê này cũng chẳng phải là đứa tham sống sợ chết không biết nghĩ tới bà con.
Chép còm tức bực la lên:
- Không đúng! Tôi nghe cụ Nheo mù nói: Chẳng có ngục tù nào trên đời này lại không có lối thoát, nếu ta có đủ gan, đủ chí tìm lối thoát.
Rồi chú hạ thấp giọng kể cho hai bạn nghe về dòng sông lớn và mơ ước, dự định của mình. Chú ngỏ ý muốn hai bạn cùng với mình chung vây, chung ngạnh mưu toan việc lớn đó. Chú nói:
- Trong chuyến bơi mạo hiểm và chắc chắc là vô cùng gian khổ này, sức khỏe, võ nghệ và những thanh gươm tẩm độc lợi hai của hai bạn sẽ cần thiết cho bà con dân ao biết chừng nào!
Nhưng lời hào hùng nghĩa khí bao giờ cũng gây xúc động lớn trong lòng các trang dũng sỹ. Vì bề ngoài nom họ thật hùng hổ, hung hăng nhưng lòng dạ lại rất mực ngây thơ, thuần phác. Bò bơi đến sát trước mặt Chép còm, vây, ngạnh, vây, đuôi đều rung lên vì cố nén xúc động. Chú nói:
- Nghe cậu nói, mình bỗng thấy vô cùng hổ thẹn cho cuộc sống tồi tệ đã qua. Cậu đã làm cho mình sáng mắt. Từ giờ phút này trở đi mình xin theo cậu. Cậu hãy giao cho mình những việc khó khăn nguy hiểm nhất. Một là mình làm tròn, hai là mình chết!
Chép còm cũng xúc động không kém. Chú chúi đầu hôn vào má bạn nói:
- Chúng mình nhất định sống chết có nhau.
Trê vốn tính lười nhác, thích sống an nhàn với mồi tanh, hang kín, nhưng trong giây phút cảm kích này cũng thấy lòng xốn xang xao xuyến. Chú nói, mặc dầu cũng chưa nghĩ kỹ điều mình nói:
- Mình cũng xin theo cậu, và cậu hãy giao cho mình những công việc thật khó khăn nguy hiểm. Mình sẽ hết sức làm đến nơi đến chốn. Sống cùng sống, chết cùng chết!
o O o
Sức sống kỳ diệu của tuổi trẻ và sự chăm sóc tận tình của bà con dân ao đã giúp cho Lóc hoa chiến thắng thần chết.
Sau hai ngày đêm nằm thoi thóp trên đám rễ bèo, Lóc hoa đã qua cơn nguy kịch. Với giọng nói yếu ớt và đứt quãng, chú kể cho bà con và đứt quãng, chú kể cho bà con dân ao nghe những sự việc ghê gớm mà chú vừa trải qua.
Câu chuyện Lóc hoa kể lại chỉ một loáng đã lan truyền khắp mọi ngóc ngách ao. Cả ao liền nhốn nháo hết lên. Tăm họ sủi mặt ao dày như bong bóng trên sân mưa. Họ nháo nhào bơi, chui, rạch... ra khỏi hang, ngách, các đám rễ bèo, lá mục, các búi rong, các bè cỏ nước... Họ tìm đến những chỗ có đám đông tụ tập. Họ muốn dựa vào nhau, san sẻ bớt cho nhau nỗi khiếp đảm trước cái chết không còn hy vọng gì thoát khỏi.
Mấy bà già Dưng, Vền, Diếc, Chắm đen, Sộp từ trước đến nay vẫn xung khắc nhau như lưỡi câu với mép cá, lúc này đã tự tìm đến nhau, dựa vẩy, kề vây, chị chị em em. Bà nào cũng tranh nhau nhận lỗi về mình kém điều ăn ý ở. Không biết chín bỏ làm mười... Thảm hoa diệt vong mà bọn Bói cá rằn ri sắp phóng xuống ao quê đã xóa hết mọi hiềm khích và gắn bó họ lại thành một khối.
Không còn một ai buồn chuyện trò gì khác ngoài những tiếng xôn xao hỏi nhau:
- Rằm là ngày nào?
- Còn mấy bữa nữa thì đến ngày rằm?
- Hôm nay là ngày mấy?
- Nhìn trăng đêm qua thì biết, đúng ngày mồng mười.
- Rằm là lúc mặt trăng rọi xuống ao tròn vành vạnh như mắt cá.
Một chị Diếc dáng bơi nặng nề vì bụng đang có trứng, từ nãy tới giờ vẫn im lặng đưa cặp mắt đỏ nòng nọc nhìn hết bà con này đến bà con khác, bỗng bật lên khóc nghẹn ngào:
- Mồng mười hay rằm thì cũng vậy thôi! - Chị nói qua tiếng khóc tức tưởi. - Trước sau rồi tất cả dân ao cũng bị chúng giết sạch không sót một mống... Đến cả cái trứng cũng không sống sót.
Sự thật ghê rợn mà bà con đều cố tránh không nhắc đến, chị Diếc đột ngột nói ra thành lời, làm cho tất cả rùng mình ớn lạnh.
Nhưng liệu còn cách gì thoát khỏi không? Họ lặng im đau đớn đưa mắt thầm hỏi nhau như vậy. Nhưng không một ai cất tiếng trả lời.
Mặt trời lặn. Màu nước ao xanh sẫm dần như một bình mực được thêm bột mực vào cho đến lúc ngả hẳn sang màu xanh đen. Vừng trăng mồng mười sáng như bạc chuốt treo cao giữa bầu trời quang đãng, in xuống đáy ao một vừng trăng thứ hai, hơi ngả sang màu rong liễu non.
Loài cá vốn yêu trăng, thích đùa giỡn với trăng. Nhưng lúc này tất cả dân ao đều nhìn trăng với cặp mắt khiếp đảm như nhìn một tại họa chết người mà không có cách gì tránh khỏi. Họ biết vừng trăng lung linh đáy ao kia lúc này đang còn lép như bụng cá đói nhưng cứ sau mỗi đêm lại đày dần lên cho đến lúc tròn căng như bụng các chị chép trước khi vật đẻ, thì tất cả sẽ chết. Một cái chết thảm khốc, bong bóng vỡ tan xác nổi lềnh bềnh trắng xóa mặt ao. Họ có cảm giác lúc nào không phải lúc đang bơi giữa hai vừng trăng mà đang nằm giữa lưỡi dao và cái thớt.
Thế là hết. Hết bơi, hết lặn, hết sủi tăm, hết bắt mồi, hết buồn vui, giận dữ... Họ sẽ chết, làm mồi ngon cho bọn Bói cá rằn ri, không còn lưu lại một chút dấu tích trong cuộc đời này. Một cái trứng nhỏ nhất cũng không còn nữa!
Quanh quẩn thế nào mà hầu hết bà con dân lại lại bơi đến tụ tập trước hang cụ Nheo mù. Có lẽ bà con mong đợi ở cụ già từng trải và thông thái này một lời khuyên hoặc một mưu kế gì đó cứu họ khỏi thảm họa diệt vong sắp tới.
Cụ Nheo mù nằm ép bụng sát bùn ngay trước cửa hang tiếp chuyện bà con, Chép còm, Chày mắt đỏ, Rô nhọ, Lóc hoa, Trê quạt vây, ngoe nguẩy đuôi, quấn quýt chung quanh cụ như những vệ sỹ trung thành.
Nhiều bà cá già, vừa bơi đến nhìn thấy cụ đã mếu máo kể lể:
- Chúng tôi sống đến ngần này tuổi dù có phải chết ngay cũng chẳng còn tiếc nuối gì nữa. Chỉ tội nghiệp cho lũ cháu nhỏ, đang sức ăn sức lớn, việc hay chưa biết việc dở chưa tường... Chưa biết sống ra sao thì đã phải chết. Xin cụ hãy đem hết tài trí ra mà tìm mưu kế cứu lấy các cháu, cụ ơi!
Chính cụ Nheo mà cũng đang rối bời gan ruột. Trước hàng trăm cặp mắt đau đáu mong đợi của bà con, suýt nữa cụ kêu lên: “Cùng mương kiệt lạch rồi bà con ơi! Cái chết coi như không còn cơ chi tránh khỏi!”. Nhưng cụ đã ghìm lại được, và cái đầu cúi thấp xuống sát bùn. Ngay lúc đó, Chép còm từ phía sau lưng cụ, bơi lên trước, khép vây ngay đuôi, nói với bà con, giọng cung kính:
- Thưa bà con dân ao, nếu bà con không chấp chúng tôi là một bầy trẻ ranh, trứng đòi khôn hơn cá, thì chúng tôi có lời thưa...
- Được, được! Có gì chú cứ nói...
- Chúng tôi là Chày, Bờ, Trê, Cua yếm nâu, Rô nhọ... từ lâu đã bàn quyết định không để lũ bói cá rằng ri giết một cách rõ ràng như thế. Chúng tôi nhất định phải tìm cách thoát ra khỏi ao trước khi chúng quăng mìn xuống.
- Nhưng thoát bằng cách nào... Chúng ta bị vây chặt cả bốn phía? - Nhiều tiếng hỏi cắt ngang lời chú.
- Dạ, cụ Nheo mù có lần nói với chúng tôi: “Không có vòng vây nào, dù là vòng vây kín nhất, lại không có một lối thoát, nếu ta đủ gan tìm ra lối thoát.” Chính câu nói của cụ đã gợi cho cúng tôi nghĩ ra kế hoạch thoát ra khỏi ao bằng một con đường ngầm đào xuyên qua bờ...
- Nhưng đào một con đường ngầm như thế thì biết đến đời thuở nào mới xong? Mà ngày chúng nó quăng mìn xuống ao đã kề bên mang rồi.
- Thưa bà con - Chép còm nói - Rất may là cách đây chưa lâu Cua yếm nâu đã đào gần hoàn thành một con đường như thế. Đường ngầm hiện nay vẫn còn tốt, bà con chỉ cần phí sức đào rộng và dài thêm một ít nữa là ăn thông với con mương bên ngoài.
Bà con xôn xao hỏi nhau:
- Cua yếm nâu nào nhỉ? Hay là cô con gái hiếu nghĩa của bà Cua yếm đen?
- Thưa bà con, đúng đấy ạ. Cua yếm nâu không những chỉ hiếu nghĩa với mẹ mà còn hiếu nghĩa với tất cả dân ao ta. Bạn ấy một mình lầm lũi đào con đường ngầm ấy ròng rã suốt mấy tháng trời với ý định sẽ mời tất cả bà con thoát ra khỏi ao. Nhưng một số bạn bè không tin là với cặp càng mảnh dẻ của cô lại có thể làm nổi một công trình như thế, và chắc gì bà con chịu nghe lời mời của cô. Bạn Cua yếm nâu đã phải bỏ dở công trình. Đêm qua chúng tôi đã cử Rô nhọ trườn ngược lên bờ ao để xem xét kỹ con đường ngầm đào có đúng hướng không. Bên ngoài là một mương nước cạn, nhưng có thể bơi theo mương đến một con kênh rộng và sâu cách đó không xa.
Cụ Nheo hỏi Cua yếm nâu:
- Con đường ấy ở quãng nào thế cháu?
- Dạ ngay bên dưới cái cọc thép xuyên thân anh Sộp bẹt đầu năm xưa. Lúc đào cháu đã lấy cọc thép này làm chuẩn. Vì cháu nghĩ: Sộp Bẹt Đầu là bác dũng sĩ đào thoát có hạng, hướng mà anh ấy đã chọn để vượt ao chắc phía bên ngoài phải có nước.
- Giỏi, giỏi! Các cháu giỏi lắm! - Cụ Nheo mù gật đầu khen.
Hơn một nửa số bà con nghe Chép còm đưa ra kế hoạch trốn thoát, tỏ ra ý hết sức mừng rỡ, mừng như lúc mắc phải lưỡi câu bỗng vớ phải lưỡi câu không có ngạnh. Họ đồng thanh xin theo Chép còm. Tuy vậy, gần một nửa số bà con còn lại vẫn còn lưỡng lự, phân vân. Họ thì thầm bàn tán:
- Không khéo tránh hom lờ lại đâm vào hom đó!
- Ừ thì cứ cho là thoát được khỏi ao đi. Nhưng thoát ra rồi chẳng biết bơi đi đâu, cứ quanh quẩn trong cái con mương cạn ấy thì trước sau cũng chết.
- Mà chết khốn chết khổ ấy chứ!
Chép còm lẳng lặng nghe ý kiến bà con bàn tán rồi nói:
- Sau khi thoát khỏi ao, chúng ta sẽ bơi thẳng đến dòng sông lớn.
- Nhưng chắc gì đã có cái dòng sông đó?
- Mà dù có chăng nữa thì chắc cũng xa vời lắm, mà ai là kẻ biết đường để dẫn dắt chúng ta bơi? Đấy cứ trông gương cụ Nheo mù thì biết. Bơi ròng rã bao nhiêu ngày trời, cuối cùng phải mang tật nguyền, lại mò mẫm quay trở về...
Cụ Nheo mù bỗng quẫy mạnh đuôi như bất thần bị lưỡi câu rà xóc vào bụng, cụ hắng giọng nói:
- Thưa bà con, trước cái cảnh trên dao dưới thớt của chúng ta lúc này, thì có lẽ nên bàn tán ít đi mà phải bắt tay vào hành động. Bàn tán lắm chỉ tổ thêm nản lòng, thối chí, chẳng ích chi! Cái phương kế để tránh thảm họa diệt vong mà các cháu vừa vạch ra đó là phương kế cuối cùng. Bà con ai có gan, cứng vía thì theo, ai không tin thì cứ việc ở lại mà cầu trời khấn nước cho mìn nó chừa mình ra!
Ý kiến của cụ Nheo mù làm cho tiếng xì xầm bàn tán vụt im bặt. Sau cùng tất cả nói:
- Thà chết đông còn hơn sống một mình. Chúng tôi đồng ý việc trước mắt là phải vượt gấp ra khỏi ao rồi cùng dựa lưng kề vây bơi đến dòng sông lớn. Còn sau đó ra sao thì ra.
Đang nằm ép bụng sát bùn, cụ Nheo mù bỗng quạt mạnh vây, quẫy mạnh đuôi bơi cao lên ngang tầm một ngọn rong liễu, cụ cất giọng khàn đặc nhưng khá dõng dạc, nói to:
- Thưa bà con dân ao! Tôi tuy già nua tàn tật, nhưng trước thảm họa mà kẻ thù sắp giáng xuống ao quê, tôi cũng xin đem hết chút sức tàn còn lại, giương ngạnh, dựng vây, gánh lấy việc điều khiển các con cháu đào tiếp và mở rộng thêm con đường ngầm của cháu Cua yếm nâu, để tất cả bà con không trừ một ai, có thể bơi qua lọt. Các con cháu! Cháu nào từng thạo việc bới đầm, đào hang, đào ngạch, có càng khỏe, ngạnh sắc, đầu cứng, thì hãy theo ta mở đường ngầm xuyên ao!
Cụ vừa dứt lời, cả đám đông chộn rộn hết lên. Hàng trăm cậu, cô Cua, Cá, Lươn, Trê, Chạch... bơi đến sắp thành một hàng dài sát sau lưng cụ.
Cụ Nheo mù chờ cho tiếng chộn rộn lắng xuống, rung rung cặp râu nói tiếp:
- Các con cháu! Còn lại ai tự lượng mình có tài sức gì, có thể gánh vác nổi công việc gì để cứu nguy ao quê thì hãy mạnh dạn bơi ra mà đảm nhận lấy trước mặt tất cả bà con.
Rô nhọ bơi phóng ra trước tiên, nói:
- Càn, trườn, rạch, trèo ngược những bờ đất, sống trên cạn cũng dễ dàng như sống dưới nước, đó là nghề riêng của họ nhà Rô chúng tôi. Vậy tôi xin nhận lãnh việc dò đường, trinh sát.
Tiếp sau Rô nhọ là Lóc hoa. Mặc dầu khắp mình chú vẫn còn đầy thương tích, vẫn bơi thẳng ra kề vây bên Rô nhọ, nói:
- Tôi có học được ít nhiều cách nhìn trăng, nhìn sao, ngửi gió, sờ rêu... để dò tìm phương hướng. Vậy tôi xin nhận lãnh việc dẫn đường.
Bò, Trê với dáng điệu đặc biệt dũng mãnh của con nhà võ, sóng đôi bơi ra sắp thành một hàng ngang với Rô nhọ, Lóc hoa. Hai chú nói:
- Chúng tôi có sức khỏe, lại có biết chút ít võ nghệ, được cha mẹ cho đeo gươm sắc, dao nhọn. Chúng tôi xin nhận lãnh việc canh phòng, bảo vệ, tuần tiễu, đánh nhau với mọi loại ác thú để dọn đường, đưa bà con đến với dòng sông lớn.
Chày đỏ mắt bơi ra, chạm vây bơi chèo vào Bò, vừa thở vừa nói:
- Tôi bơi nhanh, lượn lướt nhẹ nhàng, tôi xin nhận lãnh việc liên lạc, truyền lệnh, tryền tin...
Chép còm bơi ra, sát bên Chày đỏ mắt, khiêm nhường nói:
- Tôi sức mọn lại không được may mắn có càng khỏe, đầu rắn ngạnh sắc như các bạn của tôi, không kham nổi những công việc nặng nhọc. Tôi xin nhận lãnh việc dò tìm con đường từ ao quê đến dòng sông lớn.
Và ngay sau đó ai vào việc nấy.
Đáy nước, dù là đáy một vũng nước cạn cũng ẩn giấu nhiều điều bí mật. Bởi mắt người không thể nhìn tới đáy. Bọn Bói cá rằn ri không thể nào ngờ được bên dưới lớp nước màu han đồng tù hãm đang diễn ra một cuộc chạy đua quyết liệt. Dân ao đang chạy đua cùng Thần chết.
Vừng trăng thượng tuần treo cao sáng quắc giữa bầu trời và lung linh dưới đáy ao, chính là cái đích mà cả bọn bói cá và dân ao cùng lao đến.
Suốt hai ngày hai đêm qua, dân ao lớn, bé, già, trẻ, không một ai dựa lưng, chớp mắt. Họ đổ xô đến hết trước con đường ngầm. Bà con nào cũng muốn được tham gia vào việc đào mở rộng con đường ngầm xuyên bờ ao. Cụ Nheo mù phải luôn miệng hò hét:
- Xin mời tất cả những ai không có đầu nhọn, nghạnh sắc, càng cứng, không quen việc đào hang, bới ngách thì tản ra xa cho. Túm tụm lại thế này, vướng đuôi, vướng ngạnh chúng tôi không làm được.
- Tản ra, tản ra! Chúng nó thấy tăm nổi dày trên mặt nước ngứa tay, tương xuống một quả lựu đạn thì chết hết!
- Mấy chị Diếc, chị Vền, chị Thiểu này suốt đời chỉ quen việc ăn nổi, biết gì đến chuyện hang, chuyện ngách mà cũng chen chúc cả vào đây.
Quát không được cụ phải dùng đuôi, dùng lưng, dùng ngạnh đẩy bà con làm vướng đuôi, vướng càng ra xa. Họ hàng nhà Cua đào khỏe và hăng nhất, đất mùn từ trong ngách hầm tuôn ra như một dòng suối. Nhiều cô cậu đào hăng quá gãy lìa cả càng, cả chân mà không biết. Khi nhìn thấy càng, chân, dắt vào hòn đất vừa đào, mới à lên một tiếng sửng sốt.
Những cái đầu bẹt của họ hàng nhà Trê cũng rất đắc lực. Họ cứ ngắm những chỗ đất nổi gồ lên trong đường ngầm húc huỳnh huỵch môt lúc là nhẵn lỳ như đầm cá trắm. Nhưng họ hàng nhà Lươn mới là những tay đào hang tuyệt giỏi. Cái thân hình dài ngoẵng, đực biệt mềm mại của họ, lúc đào hang đã biến thành những mũi khoan. Hai mắt ti hí nhắm lại chặt. Họ thuốn đầu vào đất, thân hình ngọ nguậy vặn vẹo làm lực đẩy chỉ một lúc là cái thân hình dài ngoẵng đã lút chìm trong đất, tạo thành một đường hang sâu hun hút.
Tương truyền họ có thể thuốn những cái hang xuyên qua cả con đê lớn, có lẽ đúng.
Cụ Nheo mù thường ngày muốn bơi đi kiếm mồi phải nhích từng vây một, bụng kéo lết sát bùn, cặp râu khua trước mặt dò đường, miệng há hốc thở lên mặt nước hết tăm lớn đến tăm nhỏ. Nhưng suốt hai ngày hai đêm qua, cụ vụt trở nên khỏe mạnh, xốc vác khác thường làm cho hầu hết bà con dân ao phải sửng sốt, ngạc nhiên. Vừa sắp xếp, điều khiển đám cua cá trê đào khoét, cụ vừa lăn lưng vào những chỗ khó khăn nhất, đầu húc, đuôi nguáy, ngạnh khoét.
Đào đến hết đêm thứ hai thì đường ngầm đã thông với mương nước bên ngoài và được mở rộng đủ cho các bác Trắm, bác Chép, bác Sộp to xác nhất cũng bơi qua lọt.
Cũng trong hai ngày hai đêm đó, Chép còm không một phút dựa lưng chợp mắt. Công việc chú nhận lãnh trước mặt bà con hóa ra lại khó khăn hơn cả... Chú đã bơi lặn không sót một góc rong, xó nước nào để dò hỏi về con đường đến dòng sông lớn nhưng không hề một ai hay biết. Mà không bơi được đến dòng sông lớn thì coi như thoát khỏi hom lờ lại chui vào hom đó. Và không biết đường mà cứ nhắm mắt bơi liều thì cái chết lại càng chóng vánh, thê thảm hơn.
Chú đã tìm đến các hang ngách khuất vắng nhất, hỏi các cụ Ốc, cụ Lươn, bà Cua già lụ khụ, da mốc thếch đại vương, rêu đóng tầng đóng lớp trên mai, trên vỏ. Nhưng tất cả đều hỏi lại chú, giọng nghi ngờ, ngơ ngác:
- Có một con đường như vậy thật hả cháu?
Sau mỗi ngày, nỗi thất vọng lại đè nặng thêm lên vây, vẩy chú, cơ hồ muốn dìm chú xuống đáy bùn.
Chỉ mới sau hai ngày, gặp lại bạn mà Chày đỏ mắt cơ hồ không nhận ra. Cô khép vây, khựng lại trước mặt bạn, xót xa kinh ngạc kêu lên:
- Anh bệnh hay làm sao thể? Trông anh gầy rộc, hốc hác đến phát khiếp lên được. Nhìn cặp mắt anh mới càng sợ! Trũng sâu như hai hố mắt cụ Nheo mù, mà vằn ngang vằn dọc những tia máu đỏ. Không khéo anh lại thành Chép đỏ mắt mất thôi!
Chép còm khẽ lắc lắc cái đầu to khụ, mệt nhọc nói:
- Đã hai ngày hai đêm nay, tôi không chợp mắt được một phút nào... Tôi... tôi chưa thực hiện công việc đã nhận lãnh trước mặt bà con...
- Thế anh đã tìm hỏi khắc các cụ ông, cụ bà già nhất ao chưa?
- Không sót một ai...
- Thế thì nguy mất anh ạ. Vừng trăng đêm qua đã sắp đầy tròn...
- Vào lúc nửa đem hôm qua, tình cờ tôi gặp một cụ Sộp, già móm mém đang rờ rẫm sát bờ tìm bắt mồi, cụ có gợi ý với tôi: “Hay cháu thử nghĩ cách họa một tấm bản đồ từ ao quê đến dòng sông lớn, rồi ta cứ chiếu trong bản đồ mà bơi...”.
Chày kêu lên:
- Phải bay được lên trời mới hòng họa nổi một tấm bản đồ như thế! Cụ ấy cứ làm như anh em mình là chim không bằng.
Chép còm không trả lời mà hơi chúi đầu chăm chăm nhìn xuống đáy ao, cố ngậm chặt miệng để nuốt một tiếng thở dài tuyệt vọng.
Dưới đáy ao cũng có một bầu trời xanh vời vợi, sâu thẳm với một mặt trời vàng. Nhưng mặt trời dưới đáy ao vàng dịu hơn, có thể nhìn mà không chói mắt. Một đàn cò xếp thành hình mũi tên, bay lướt qua đáy ao.
Chép còm lẩm bẩm nói khẽ, như chỉ cốt nói cho riêng mình nghe:
- Đúng! Quả đúng như vậy! Muốn họa được tấm bản đồ vô giá đó chỉ trừ phi bọn cá chúng ta mọc cánh bay được như đàn cò kia...
Và ngay trong phút ấy một mưu kết táo bạo, lạ lùng vụt hiện ra trong óc chú. Và chính chú cũng sững sờ ngạc nhiên trước cái mưu kế bất ngờ của mình vừa nghĩ ra. Chú bật kêu nhỏ trong cơn mơ:
- Ơ! Ơ! Mà có lẽ làm như vậy, tấm bản đồ sẽ họa được cũng nên!
Không nén được vui sướng, cháu vụt bơi phóng lên mặt nước rồi bất thần tung mình lên cao, cách khỏi mặt nước đến một tầm rong đuôi chó.
Trước sự vui mừng đột ngột của bạn, Chày đỏ mắt cứ há miệng ra như bất thần bị giật bắn khỏi nước. Chưa kịp để cho bạn hỏi, Chép còm đã kêu to:
- Hay lắm! Câu nói của bạn đã làm tôi nghĩ ra được một kế rất tuyệt. Nhất định bọn ta sẽ họa được tấm bản đồ vô giá đó. Bạn hãy bơi thật nhanh tìm gọi các bạn Trê, Bò, Cua yếm nâu lại đây ngay để chúng ta cùng bàn bạc.
Hiểu rõ tính bạn đã nói là phải làm tức thời, nên chưa cần biết đầu đuôi, Chày đỏ mắt liền quạt mạnh vây bơi chèo, đuôi xòe rộng làm bánh lái, bơi phóng đi như một con thoi ngời ánh vàng.
Chỉ một loáng, cô đã tìm đủ ba bạn Cua yếm nâu, Bò, Trê bơi đến tề tựu quanh Chép còm.
Chép còm nói giọng vui sướng, hăm hở:
- Tôi đã nghĩ ra một mẹo có thể họa thành công tấm bản đồ đến dòng sông lớn. Tấm bản đồ này mà không họa được, thì công trình bấy lâu nay của bọn ta coi như đi đứt... Nhưng nó đòi hỏi chúng ta phải thật táo gan, không sợ khó, dám liều mạng sống...
- Cậu choảng nhau à? Tốt lắm! - Bò xòe ra cụp vào đôi dao nhọn đeo hai bên sườn, hăm hở nhìn bạn, hỏi - Ọ... Ọ ọ ọ, thế thì mình hứa với cậu, mình sẵn sàng choảng! Dù cho có thủng ruột lòi gan!
Trê cũng ngọ nguậy liên tiếp cặp mã tấu có răng cưa đầu tẩm chất độc gia truyền, nói giọng khá hùng hổ:
- Thằng Trê này cũng sẵn sàng chơi dao, dù có phải bẹt đầu sứt mép! Ẹc... ẹc ẹc ẹc!
Cua yếm nâu rụt rè nói:
- Tôi không có được gươm sắc, dao nhọn, sức khỏe, võ nghệ như hai bạn... lại cũng không biết đánh nhau... nhưng nếu cần đào hang bới ngạch, thì tôi xin hứa sẽ đào hết sức mình, cho dù rụng hết hai càng, gãy lìa cả tám chân...
Chép còm khoát vây, ngoáy đuôi nói:
- Rất tiếc là trong công việc khó khăn này, chúng ta cũng không cần phải choảng nhau, cũng không cần đến đào hang bới ngách...
- Thế thì cần cái gì?
- Cần bay lên trời!
- Bay lên trời! - Bò trợn mắt kêu tướng - Ọ! Ọ! Mưu kế quái gì của cậu mà lạ thế? Cậu làm như chúng mình là chim không bằng!
Trê phụ họa theo:
- Ẹc ẹc! Giá bà già lúc đẻ mình đừng cho mình đeo mã tấu mà thay vào cặp cánh như mấy ả cò, ả vạc thì may ra mới thực hiện được mưu mẹo hay ho của cậu!
- Ấy, bởi chúng mình không muốn bó vây chờ chết nên đang là cá mà muốn hóa thành chim cũng phải tìm cách hóa cho bằng được,
Chày đỏ mắt nhìn bạn với ánh mắt lo lắng, ngờ vực:
- Đã đành là thế... Nhưng muốn làm được cái việc như anh nói thì chỉ có phép tiên!
- Tôi chẳng là tiên cũng chẳng là thánh, nhưng nếu tôi tìm cách hóa được thì bạn nghĩ sao nào?
Tuy giọng của Chép còm chắc nịch nhưng Chày đỏ mắt, Trê, Cua yếm nâu vẫn còn bán tin bán nghi. Riêng Bò, chú không còn chút mảy may ngờ vực. Chú nói, giọng thiết tha, khẩn khoản:
- Thế thì cậu hãy giao việc đó cho tớ! Tớ van cậu đấy! Đã từ lâu tớ chán cái kiếp làm cá lắm rồi. Suốt cả một đời, chỉ có bơi, có lặn, hết sục bùn, sủi tăm lại lượn lờ mặt nước bóng mồi. Tớ muốn bay lên trời một chuyến xem sự thể ra sao.
Trê bỗng dưng nổi cáu, to tiếng với Bò:
- Còn tớ thì sao? Cậu tưởng phải suốt đời sống cái kiếp chui hang, rúc bùn, đến nỗi người ta phải đặt thành tục nhữ “Cá trê chui ống” là thú vị lắm đó chắc. Chép còm! Cậu hãy giao cái việc bay lên trời cho tớ.
Chép còm vội can hai cậu bạn ra. Hai bạn này mà nổi nóng với hau thì dễ lôi thôi. Cậu nói:
- Thôi hai cậu cãi nhau làm gì? Việc bay lên trời để họa tấm bản đồ, bọn cá chúng mình chẳng ai đủ sức làm nổi đâu. Chỉ có bạn Cua yếm nâu làm được mà thôi.
Nói đến đó chú ngoảnh lại nhìn Cua yếm nâu. Từ nãy đến giờ cô vẫn đứng im bất động, cặp càng thọc sâu xuống bùn, cặp mắt đen nhánh giương ra khép lại liên tiếp, lắng nghe các bạn cãi nhau. Cô tự nhủ: “Công việc khó khăn động trời này chắc chỉ dành riêng cho những bậc trai tráng, có gươm sắc dao nhọn như Bò và Trê, đâu có cần đến một cô gái yếu ớt, suốt đời chỉ bò lê tám cẳng như mình...”
Bởi vậy khi nghe Chép còm nhắc đến tên cô, Cua yếm nâu rút vội càng ra khỏi bù, bò thụt lùi lại gần như sợ hãi. Cô giương cặp mắt ra hết cỡ nhìn Chép còm, nói giọng trách móc, cay cực gần như muốn khóc:
- Anh Chép còm, sao anh nỡ chế diễu em? Em đã phải sống suốt đời kiếp sống bò lổm ngổm tám chân, lưng đội đất, mặt cắm bùn, anh cho là em chưa đủ khổ hay sao?
Chày đỏ mắt cũng bực tức thay cho bạn, xen vào can thiệp:
- Sao anh ác vậy?
Chép còm nhích lại bên Cua yếm nâu, đặt vây lên mai bạn, nghiêm trang nói:
- Đời nào tôi lại dám diễu bạn? Nhưng việc này quả đúng như vậy - Chú hạ thấp giọng kể tiếp mưu kế của mình - Mấy hôm nay tôi để ý đến một thằng Cò vá cụt đuôi, lạ mặt, thường hay từ phía mặt trời mọc đến đậu xuống ao ta kiếm mồi. Quãng xế chiều hắn lại cất cánh bay về phía đó. Sáng hôm qua, lúc bơi qua một đám bèo, tình cờ tôi nghe thấy hắn bô bô nói chuyện với một lão Cò cói đang đứng rỉa lông rỉa cánh trên bờ: “Sáng nay tớ vừa chết hụt! Lúc tớ bay dọc bờ con sông lớn, một tay súng mặc áo bà ba đen ngứa tay, nhắm tớ bắn liền một phát. Viên đạn xướt qua cánh, nhổ béng mất của tớ một túm lông...” - Hắn nhướn mình lên trương rộng cánh vừa bị đạn bắt xước, cho lão Cò cói xem. - Theo tôi, tay súng mặc áo bà ba đen không ai khác là một hiệp sỹ giết Bói cá rằn ri ở ven dòng sông lớn mà chúng ta muốn bơi đến. Lúc nãy, nhìn một đàn cò bay lướt qua dưới đáy ao, tôi chợt nảy ra một kế... Sáng sớm mai, bạn Cua yếm nâu sẽ phục sẵn trong một đám lục bình gần sát bờ, trên con đường hắn thường dọ dẫm kiếm mồi. Chúng ta sẽ nhờ một bé cá mài mại hoặc đòng đong, bơi lượn lờ trước mỏ hắn, dụ hắn đến chỗ bạn phục kích. Bé cá sẽ dừng lại sát đám bèo vừa đúng tầm càng của bạn. Lúc hắn cúi xuống mổ bé cá, bạn phải kịp thời vươn ngay càng ra, kẹp chặt lấy cổ hắn. Bấy giờ, bạn hãy lệnh cho hắn bay đến dòng sông lớn, nếu hắn tỏ ý chống cự, bạn dọa sẽ kẹp đứt đôi cổ hắn. Bạn kẹp sơ sơ vài cái cho hắn được nếm mùi, vừa đủ sợ. Khi hắn đã cất cánh mang bạn bay đi, bạn sẽ dùng một càng họa lên yếm tấm bản đồ kênh, mương, lạch thông đến dòng sông lớn. Bạn nhớ phải đánh dấu cẩn thận những kênh, mương, lạch cụt. Họa xong đấu đấy, bạn ra lệnh cho hắn bay trở lại ao, bạn bảo hắn bay là sát mặt ao, rồi buông mình xuống nước...
- Hay lắm! - Chày đỏ mắt reo.
- Đúng là diệu kế! - Bò vừa reo vừa lộn mấy vòng trong nước.
Trê đập đuôi lia lịa vào đuôi Chép còm tỏ ý đặc biệt vui mừng. Chú vừa đập vừa reo:
- Diệu kế! Diệu kế!
Cua yếm nâu đưa càng rứt nhè nhẹ vây bơi chèo của Chép còm, nói giọng cảm phục, âu yếm:
- Thân anh còm nhưng đầu anh chẳng còm chút nào.
Chép còm hỏi Cua yếm nâu:
- Liệu bạn có dám đảm đương công việc khó khăn ấy không?
Cua yếm nâu vốn có tính thận trọng. Cô nhìn Chép còm và các bạn, cặp mắt giương ra thụt vào liên tiếp, im lặng một lúc khá lâu. Cô muốn suy nghĩ thật chín chắn trước khi trả lời. Cuối cùng cô nói:
- Vì cuộc sống của bà con dân ao, một là em sẽ chết phơi xác giữa trời, hai là em sẽ họa được tấm bản đồ đó. Nhưng, điều em lo hơn cả là tìm đâu ra được một bé cá đủ gan dạ, dám liều thân làm mồi dụ thằng Cò vá đến chỗ phục kích? Việc này còn nguy hiểm và đáng sợ hơn cả việc cắp cổ cò bay lên trời. Chỉ cần lặn tránh chậm một li leo là chui vào bụng cò.
Chép còm hỏi các bạn:
- Trong chúng ta, có bạn nào quen biết một bé cá xem ra có thể đảm nhận việc đó không?
Trê ngọ nguậy, lúc lắc cái đầu vẹt, nói:
- Lũ nhóc mài mại, cân cấn, đòng đong chúng nó sợ tớ đến chết khiếp. Hễ nhác thấy bóng tớ từ xa, chúng đã hò nhau bơi tán loạn, chui rúc hết vào rễ bèo, cỏ nước.
Chày đỏ mắt nói:
- Em cũng rất tiếc là từ trước đến nay ít kết thân chơi đùa với các bé.
Bò nói:
- Tớ có một con em nuôi là bé Rô Cờ. Con bé ngoan mà xinh lắm. Múa hát véo von suốt ngày. Một bữa nó mải mê múa hát dưới bóng tán lá cây sung, một thằng chim trả xanh biếc núp rình trên cành sung lao vụt xuống đớp. Tớ vừa kịp bơi ngang qua đó, nhanh mắt trông thấy, liền nhào đến cho hắn một dao vào chính giữa bụng. Hắn dau quá, thét lên chanh chách, bay vụt lên trời. Bé Rô Cờ thoát chết nhưng được một mẻ sợ. Sau lần đó nó nhận tớ làm anh nuôi... Mới chiều kia, gặp nó, tớ có nói cho nó nghe về cuộc đào thoát của bà con dân ao sắp đến và về dòng sông lớn. Gương mặt nó sáng bừng lên vì vui thích, cứ xoắn lấy tớ mà hỏi dòng sông lớn giống cái gì, có đẹp không? Tới nói với nó: em tìm anh Chép còm mà hỏi, còn anh chỉ biết đại khái thôi...
Trê nói:
- Tưởng ai chứ con bé Rô Cờ em nuôi cậu tớ e là nó không dám. Nó nhát gan thấy mồ! Tớ mấy lần bắt gặp nó run rẩy như nằm trên thớt vì nhác tháy bóng mấy chị Dơi chao mồi qua ao.
Bò cũng lộ vẻ băn khoăn:
- Ừ, con bé đúng là nhút nhát thật... Mà công việc này đòi hỏi phải có một đứa thật bạo gan.
Chép còm nói:
- Tôi và Bò phải đi gặp ngay bé Rô Cờ, xem sự thể thế nào rồi chúng ta sẽ quyết định. Hai bạn Chày và Trê bơi đến chỗ đường ngầm báo cho bà con và cụ Nheo mù biết tấm bản đồ có hy vọng sẽ họa thành công để bà con thêm vững lòng, yên tâm. Còn bạn Cua yếm nâu phải quay về hang, cố gắng nghỉ ngơi lấy sức để sáng sớm mai kẹp cổ cò mà bay.
Bò dẫn Chép còm bơi quanh khắp ao tìm bé Rô Cờ nhưng không thấy tăm dạng bé đâu cả. Bò mỗi lúc càng lộ vẻ bồn chồn lo lắng: “Hay con bé bị tụi Cò, Vạc bắt mất rồi cũng nên!”. Chú nghĩ vậy và thấy lòng giận điên, giận tụi Cò, Vạc, giận lây cả cô bé em nuôi. Chú nghiến răng trèo trẹo: “Đã dặn đi dặn lại chớ có ham múa hát lắm rồi có ngày chui vào bụng cò. Nhưng nó có nghe cho đâu!”
Chép còm cũng lo lắng không kém nhưng cố tìm lời an ủi bạn:
- Các bé cá tuy nhỏ mình nhưng khôn ranh lắm, tụi Cò, Vạc chẳng dễ gì bắt được đâu. Có thể nó đang mải chơi đùa với các bạn trong một đám rong hoặc rễ bèo nào đó thôi. Ta cứ nhắm hướng nào có có tiếng trẻ con reo đùa mà tìm, chắc thế nào cũng thấy.
Nhưng hai chú lội khắp ao, vẫn không nghe có tiếng trẻ reo đùa.
Ban ngày bọn trẻ sợ trốn hết vào hang, phải đến tối mới dám ló mặt ra chơi đùa. Bò và Chép còm phải dằn lòng đợi đến tối, mới bơi đi tìm các bé. Vừng trăng mười ba sáng quắc treo cao giữa bầu trời xanh thẳm. Bầu trời lấm tấm sao, giống cái thớt gỗ nghiến dính vẩy cá.
Ánh trăng chan đầy mặt ao. Đang bơi, Chép còm bỗng ra hiệu cho Bò dừng lại, nghiêng đầu lắng tai nghe ngóng rồi nói:
- Hình như có tiếng các bé reo cười ở phía gốc sung.
Cả hai liền ngoặt đuôi, quạt mạnh vây nhằm hướng gốc sung bơi đến.
Giữa quầng đen thẫm của tán lá sung in xuống mặt ao, có một mảnh ánh trăng. Nước trăng xao động dập dờn. Khoảng một chục bé Mài Mại, Rô Cờ, Đòng Đong, Xin Xít đang reo đùa múa lượn trong vũng trăng. Trên vây, vẩy các bé dính đầy trăng. Các bé đang chơi trò chuyền bóng. Bóng là một quả sung chín nổi bập bềnh. Quả sung cũng dính đầy trăng. Chúng vừa chuyền vừa gậm quả bóng. Chuyền một lúc quả bóng biến mất, chúng lại tìm một quả khác chơi chuyền.
Bò và Chép còm từ trong quầng tối bơi ra. Một bé cân cấn trông thấy, liền lấy đuôi đập lưng, còn bé Rô Cờ đang còn mải gậm bóng:
- Kìa, kìa, anh nuôi đằng ấy...
Rô Cờ vội nhả quả sung, đầu quay bốn phía, rối rít hỏi:
- Đâu? Đâu?
- Chào các em! Các em chơi vui quá, cho bọn anh chơi với nào!
Các bé liền quây lấy Bò và Chép còm, níu đuôi, níu vây tíu tít mời:
- Các anh chơi với chúng em thật nhé! Chơi chuyền bóng vui lắm!
Bò há cái miệng rộng đến mang tai, cười nói:
- Anh chỉ sợ chưa kịp chuyền thì bóng đã rơi tọt vào bụng.
Các bé ngoặc vây vào nhau cười như nắc nẻ.
Rô Cờ nói với Bò:
- Hai hôm nay không trông thấy anh, cứ tưởng anh phải làm sao rồi, em lo lo là...
- Anh đang lo cho em sốt cả ruột gan. Chỉ sợ em chui vào bụng cò, họng rắn rồi - Bò đưa ngạnh trỏ Chép còm:
- Anh và anh Chép còm bơi đi tìm em suốt cả ngày hôm nay...
- Chào anh ạ... - Rô Cờ bẽn lẽn chào Chép còm, hỏi khẽ Bò:
- Có phải anh Chép còm mà anh hay kể chuyện với chúng em không?
- Đúng đấy! - Bò gật đầu, nói với các bé cá đang bâu quanh mình - Anh cần gặp Rô Cờ có chút việc cần. Các em cứ chơi tiếp đi. Lát nữa Rô Cờ sẽ quay lại.
Bò và Chép còm dẫn Rô Cờ bơi ra xa, và dừng lại trong một đám rễ bèo.
Chép còm ngắm Rô Cờ, lòng không khỏi lo lắng. Tuy nói cứng với các bạn, nhưng lúc này tận mắt nhìn thấy Rô Cờ chú thầm nghĩ: mình không ngờ nó bé nhỏ, yếu đuối đến thế! Khó lòng nó dám nhận cái công việc hiểm nguy này.
Nhưng thật không ngờ. Vừa nghe Chép còm nói xong, Rô Cờ hăng hái nhận lời ngay.
- Việc đó em làm thừa sức. Anh cứ giao cho em.
- Chắc em cũng đoán biết đó là một công việc vô cùng nguy hiểm...
Rô Cờ nói với giọng pha chút tinh nghịch:
- Dễ chết như chơi anh nhỉ?...
- Vậy mà em dám nhận à?
- Tụi cò, vạc chỉ thèm ăn thịt bọn nhóc chúng em thôi. To xác như anh, làm sao lừa dẫn được chúng đến ổ phục kích của chị Cua yếm nâu? - Rô Cờ hỏi lại Chép còm và ngước nhìn chú với ánh mắt trong veo.
- Em mà lặn không nhanh, thằng Cò vá nó có thể mổ trúng lưng em - Bò nói.
- Thằng ấy đã mấy lần mổ trượt em. Em lặn nhanh lắm chứ anh tưởng! - Rô Cờ phất mạnh đuôi và bất thần lặn biến xuống đáy nước đen thẳm. Rồi bé nổi lên cũng nhanh như lúc lặn. Bé nhìn anh nuôi, nói:
- Anh đã thấy tài lặn của em chưa?
Bé quay sang Chép còm, nói giọng nũng nịu:
- Còn anh, sau khi xong việc, anh phải trả công cho em đấy.
- Em muốn trả bằng gì nào?
- Anh phải cho tất cả bọn chúng em cùng bơi với các anh đến dòng sông lớn.
- Chuyện đó thì tất nhiên rồi. Các anh chị đang ra sức làm việc là cốt để đưa các em đến đó.
- Dòng sông lớn đẹp lắm phải không anh? Anh kể cho em nghe đi.
- Anh sẽ kể... Nhưng anh hẹn sau khi làm xong việc. Còn bây giờ thì khuya quá rồi. Em phải dựa lưng nghỉ vây một giấc để sáng sớm mai đủ tỉnh táo mà vờn nhau với thằng Cò Vá...
Dặn dò Rô Cờ xong xuôi đâu đấy, Chép còm và Bò lại bơi đi tìm chọn địa điểm phục kích.
Đêm hôm đó, Cua yếm nâu cũng không sao chợp mắt. Tạm biệt các bạn xong, cô bò về hang. Trong hang, mẹ cô đang ngủ. Bà Cua yếm đen nằm mình lệch về một bên, vì bà chỉ còn một càng và bốn chân.
Cô rón rén bò đến cạnh mẹ. Tiếng mẹ thở phều phào nặng nhọc. Bà cụ mắc chứng hen suyễn nặng. Hễ sắp động trời, trở nước là bà cụ lại lên cơn. Chắc chỉ vài hôm nữa sẽ có cơn giông lớn. Cô chống càng áp môi lên mai mẹ, lắng nghe tiếng mẹ thở, tự nhiên nước mắt cứ ứa ra.
“Ngày mai lỡ mình có làm sao, mẹ khó lòng sống nổi, mẹ đã bệnh lại già yếu tàn tật...”. Cô nghĩ vậy - Nhưng không thể giấu mẹ chuyện hệ trọng này được. Liệu mẹ có đồng ý để cho mình cắp cổ cò mà bay không? Ôi, chắc mẹ sẽ vật mình, đập càng mà khóc... Đôi mắt lòa của mẹ rồi đến mù mất thôi...
Cô đưa càng vuốt nhè nhẹ cái mai thô ráp, nứt nẻ của mẹ. Bà cụ chợt cựa càng, tỉnh giấc.
- Con đã về đấy ư? - Bà hỏi giọng thều thào khó nhọc.
- Dạ... - Giọng cô như sắp khóc.
- Có chuyện gì vậy con? - Bà cụ khua khua càng tìm cắp nhẹ càng con gái, cố chống bốn cái chân còn lại, nhổm mình dậy, hỏi.
Cua yếm nâu cố nén tiếng thổn thức, kể cho mẹ nghe về nguy cơ bà con ao quê sắp bị giết hại, về cuộc đào thoát mà bà con hiện đang dốc sức tiến hành, về dòng sông lớn và tấm bản đồ quan trọng mà cô được giao nhiệm vụ phải họa đem về trong ngày mai...
Cua yếm nâu chờ mẹ đập càng, vật mình, khóc rên rỉ không cho cô đi. Và cô cố nghĩ cách thuyết phục an ủi mẹ. Nhưng bà cụ cứ nằm im không động cựa một lúc khá lâu, rồi nói giọng khuyên nhủ:
- Thế thì ngày mai con nhớ phải đến chỗ rình phục trước khi bà con dân ao thức dậy. Việc rình phục cần nhất là cái sự kín đáo con ạ...
Cua yếm nâu lạ lùng, sửng sốt trước lời khuyên nhủ bất ngờ của mẹ. Sống với mẹ từ ngày mẹ còn ủ cô trong yếm, mà cô tưởng như mới biết mẹ lần đầu.
- Nhung con lo lắm mẹ ạ...
- Chẳng có việc gì đâu mà con phải lo... Chỉ cần lúc thò càng ra cắp con phải thật bình tĩnh, cắp cho đúng vào cổ, chớ cắp vào lông. Cắp vào lông thì khốn đấy con ạ... Hồi còn con gái, mẹ đã định cắp ai thì họ cứ gọi là khóc dở mếu dở. - Bà dừng lại, miệng tóp tép như nhai cái gì, rồi thở dài nói tiếp - nếu mẹ còn đủ hai càng tám chân, mắt mẹ còn tinh, nhất định mẹ sẽ xin nhận lãnh việc này.
- Nhưng... con lo là lo cho mẹ kia... Cua yếm nâu dụi dụi trán vào yếm mẹ nói.
Bà mẹ đưa cái càng độc nhất âu yếm vuốt mai con gái:
- Con đừng bận gì đến mẹ, cứ yên tâm lo cho tròn công việc mà bà con dân ao đã tin cậy giao cho. Gia tộc nhà cua càng to, từ xưa đến nay, trai cũng như cái, già cũng như trẻ, chưa hề một ai thụt mắt co càng trước việc nghĩa...
Càng nghe mẹ nói, Cua yếm nâu càng sửng sốt ngạc nhiên hơn. Từ trước đến nay mẹ có nói năng như thế này bao giờ đâu. Những lời nghĩa khí kia tưởng như lâu nay mẹ giấu kín trong yếm như vật gia bảo và đến lúc này mới bày ra cho cô xem.
- Con lo nhất là đến lúc vượt ao, con không thể để mẹ ở lại, mà đưa mẹ đi thì mẹ đâu có đủ sức. Đường đến dòng sông lớn chắc xa lắm, với muôn vàn khó khăn nguy hiểm. Trong khi đó, tấm bản đồ con phải họa vào yếm, làm sao có thể xé yếm ra trao lại cho bà con...
- Con cứ gắng hết sức mà họa cho được tấm bản đồ đó. Trong cái sự họa đồ cần nhất là phải rõ ràng chính xác. Sai một ly là đi một dặm. Còn việc con lo nghĩ thì mẹ đã có cách giúp con.
Cua yếm nâu gặng hỏi mẹ cách gì, nhưng bà nhất định không nói.
- Đến lúc đó rồi con sẽ rõ. Còn bây giờ con phải nằm dựa mai chợp mắt một lát. Thức đêm nhiều là càng dễ run, mắt dễ hoa...
Nhưng Cua yếm nâu không tài nào chợp được mắt. Chờ cho mẹ thở đều, cô rón rén bò ra cửa hang.
Vừng trăng dưới đấy ao ngả màu vú cỏ dừa, tỏa ánh sáng mờ đục lên những đám rong, những mô bèo trước cửa hang. Cua yếm nâu dùng càng xoa khoảnh bùn cạnh cửa hang thật nhẵn. Cô nhìn một nhánh rong liễu nhuộm ánh sáng trăng màu bạc úa, rồi dùng càng vẽ lên chỗ bùn xoa nhẵn. Cô vẽ bằng càng trái rồi vẽ bằng càng phải. Vẽ xong lại xóa, rồi vẽ lại. Cô muốn luyện đôi càng thật thuần để sáng mai họa đồ lên yếm được chính xác. Cô vốn khéo lại có năng khiếu vẽ, nên cành rong cô họa trông vừa giống vừa đẹp.
Cô mải mê tập vẽ cho đến lúc bên trong hang mẹ cô cất tiếng gọi:
- Con gái mẹ dậy đi! Đã đến giờ phải bò đến chỗ rình phục rồi đấy.
o O o
Tiếng hát lúc xa lúc gần vẳng đến tận chỗ Cua yếm nâu nằm phục. Cô nằm thu mình trong một cụm lục bình bấu dính vào bè cỏ nước. Cụm lục bình rung rinh mấy chồi hoa tím phớt. Cô nằm dán bụng gần sát mép cụm bèo. Cặp càng vạm vỡ giấu kín sau một thân bèo mập mạp trắng hồng. Trên đầu cô che kín những lá bèo màu xanh sẫm hình quả tím. Nghe tiếng Rô Cờ hát, tự nhiên cô mỉm cười, miệng phun những bọt nước nhỏ như những hạt cườm.
Cô bò đến nằm phục ở đây từ lúc trời chưa rạng sáng. Ngay bên dưới khóm bèo, sát đáy bùn, là Bò và Trê, ngạnh dương thẳng, sẵn sàng lao lên để bảo vệ cô và bé Rô Cờ lúc gặp nguy biến.
- Thằng Cò vá đáp xuống ao rồi đấy! - Tiếng một anh cá nào đó kêu to, và khắp mặt ao nhiều tiếng kêu râm ran nhắc lại.
Các bé cá, tôm, tép đang bơi bóng mồi ven bờ, nháy mắt đã trốn biệt vào hang hốc. Chỉ còn một mình bé Rô Cờ vẫn tiếp tục bơi lượn, múa hát như không hề nghe thấy gì. Nhiều bà con xót xa nhìn lại, tỏ vẻ vô cùng sợ hãi, lo lắng thay cho bé.
- Chao ôi, cái con bé! Có lẽ nó phát điên rồi hay sao ấy!
Rô Cờ xòe rộng cái đuôi dài tha thướt, óng ánh sắc tím Tam Giang điểm những sọc màu hoa cà chen lẫn màu khói hương, nhịp nhàng quạt nước. Bé làm như vô tình bơi thẳng đến trước mỏ Cò Vá.
Cò Vá to lớn gấp rưỡi những thằng cò khác. Bụng và ức lông màu bã điếu, như một mụn vá lớn nổi bật giữa bộ cánh trắng, cổ cong hình lưỡi câu, một túm lông dựng đứng trên chỏm đầu, cái mỏ màu vàng nhạt thuôn nhọn như răng dĩa, chân cao lênh khênh quấn xà cạp đỏ. Hắn lội nước ngập quá gối, bước từng bước dài rón rén, cổ gật gà gật gù, dáng bộ một triết gia đang bách bộ đắm mình trong suy tưởng. Riêng cặp mắt đen ánh, sắc như dao, đảo ngược đảo xuôi soi mói nhìn xuyên thủng nước, thì đúng là mắt một tên cướp đường.
Bặp! Bất thần hắn vươn dài cổ mổ xuống nước nhanh như ánh chớp. Khi hắn vươn cổ lên đã thấy giữa cặp mỏ nhọn như răng dĩa một bé Đòng Đong. Bé vùng vẫy tuyệt vọng chưa kịp kêu la thì đã chui tuột vào cổ hắn.
Trông thấy bạn mình bị Cò Vá ăn thịt ngay trước mắt nhưng Rô Cờ không hề cụp vây, co đuôi chạy trốn. Khi ước tính chỉ còn cách Cò Vá một vài tầm mắt, Rô Cờ nổi hẳn lên mặt nước, ngúng nguẩy đuôi, vẽ nhưng vòng sóng tròn lan đến tận chân hắn. Ánh mắt Cò Vá và Rô Cờ chạm nhau. Bé giả vờ sợ hãi, dừng phắt lại khoát vội vây bơi thụt lùi. Rồi bé ngoắc mạnh đuôi bơi nhào về phía trước, vẻ như hoảng hốt lủi trốn.
Cò Vá cười khắc khắc vì vướng phải bé Đòng Đong trong cổ họng chưa kịp nuốt trôi. Hắn co cẳng rượt theo Rô Cờ như đang chơi trò ú tim, bơi lượn ngoắt ngoéo theo hình lá súng, lá sen. Cái đuôi dài óng ả màu khói hương, thêu chỉ tím màu hoa cà xòe rộng, lúc ẩn lúc hiện như cố ý trêu chọc hắn. Cò Vá càng cố rượt đuổi nhanh hơn. Rô Cờ mỗi lúc một dẫn Cò Vá đến gần chỗ Cua yếm nâu phục kích. Khi đã bơi đến sát rìa cụm bèo, Rô Cờ đưa mắt rất nhanh nhìn lên vào chạm phải ánh mắt sáng quắc, đen nhánh của Cua yếm nâu. Rô Cờ khẽ ngúc ngoắc đầu ra hiệu. Cua yếm nâu giương mắt ra, thụt mắt vào rất nhanh đáp lại. Rô Cờ lập tức lặn sâu xuống, ước tính từ trên Cò Vá có thể nhìn thấy rõ mình qua làn nước, rồi ve vẩy đuôi đứng yên. Bé sẵn sàng đợi cái mỏ nhọn như lưỡi dĩa của Cò Vá mổ xuống. Cua yếm nâu dương mắt đến hết cỡ, nhìn cái lưng thon mềm có hàng vây lưng và bộ vẩy màu rong liễu với những đường vân màu tím hoa bèo lồ lồ qua làn nước xanh đục. Cô run lên vì lo sợ thay cho bé. Cô gọi khẽ:
- Lặn sâu xuống chút nữa! Hắn mổ trúng lưng em mất!
Rô Cờ ngước mặt nhìn lên, thở lên mặt nước một hàng tăm nhỏ li ti, bé nói:
- Nước ao trở trời đục lắm, em sợ hắn không nhìn thấy em...
Và đúng ngay lúc đó, póc! Cái mỏ dài và nhọn như lưỡi dĩa của Cò Vá bổ xuống lưng Rô Cờ nhanh và chính xác như một đường dao của tên cướp đường lão luyện. Và cũng nhanh, chính xác không kém, Cua yếm nâu vung cặp càng há rộng hết cỡ kẹp trúng ngay cổ Cò Vá. Chính cú kẹp cổ đã làm cho hắn không cắp được Rô Cờ mà chỉ xiên thủng nát lưng của bé. Cò Vá kêu: hắc! Hắn dựng thẳng đứng cái cổ dài ngoẵng, mỏ há hoác chổng ngược lên trời như bị hóc xương. Sau giây phút kinh hoàng, hắn mới biết cổ mình bị một con cua ranh cắp. Đau đớn và tức giận, hắn rung rung cái cổ rất mạnh, hòng rũ Cua yếm nâu văng ra. Nhưng cô đã kịp thời kẹp cổ hắn bằng cả hai càng, và ôm chặt với tám cái chôn có móng nhọn. Cô dương mắt quát:
- Muốn sống thì đứng im! Mày mà vùng vẫy tao sẽ xiết càng kẹp nát cổ mày ra!
Để ra oai, cô kẹp mạnh càng. Hắn kêu oái! Đau đến tưởng sắp lồi con ngươi ra ngoài. Bé Đòng Đong chưa kịp nuốt còn mắc trong cổ, văng ra khỏi họng hắn. Hắn vội vàng đứng im, một chân co lên, giọng van xin:
- Em lạy chị! Em lạy chị! Chị làm ơn làm phúc nới bớt càng cho em nhờ không thì em chết mất!
- Cò Vá!
- Dạ...
- Mày có biết mày có tội rất lớn với bà con dân ao chúng tao không?
- Dạ... em lạy chị...
- Một mình mày đã ăn sống nuốt tươi biết bao nhiêu bé cá nhỏ dại. Tao có kẹp nát cổ mày cũng chưa xứng với tội mày đâu...
Cua yếm nâu lại trừng mắt xiết mạnh càng.
Cò Vá đập cánh phành phạch, nước mắt nước mũi ràn rụa lắp bắp nói.
- Em biết tội rồi... Em lạy chị trăm nghìn lạy... Từ giờ trở đi em sẽ chẳng bao giờ dám bén mảng đến cái khu ao này nữa.
Cua yếm nâu nới bớt càng, nói:
- Mày đã biết tội thì tao cũng tha tội chết cho mày.
- Vâng... vâng... em xin nhớ ơn chị suốt đời.
- Tao không cần mày ơn với huệ. Cò Vá!
- Dạ!
- Tao hỏi việc này mày phải khai cho thật.
- Dạ em mà dối trá chị cứ cắp gãy cổ em đi.
- Được! Mày có biết về phía mặt trời mọc kia, có một dòng sông rất đẹp tên là Dòng sông lớn không? Dòng sông này rộng lắm, lặn không tới đáy, bơi không tới bờ, có các hiệp sĩ có tài đánh thắng bọn Bói cá rằn ri. Mày có biết không?
- Dạ có ạ. Sáng nào em cũng từ phía dòng sông ấy bay đến. Dọc bờ sông em thấy có nhiều người mặc quần áo xanh, đội mũ xanh như cái lá bèo, đi lại trên bờ hoặc bơi xuồng qua lại trên sông. Không biết những người này có phải là các hiệp sĩ như chị nói không?
- Đúng rồi, chính là họ đấy! Bây giờ tao ra lệnh cho mày bay, đưa tao đến đó. Tao muốn được nhìn tận mắt Dòng sông lớn và các hiệp sĩ áo xanh. Sau đó mày lại mang tao trở về ao. Nếu mày làm được, tao sẽ tha tội chết. Bằng không, hoặc có ý phản phúc, thì hãy liệu lấy cái cổ của mày.
Cò Vá giọng nịnh nọt xun xoe:
- Tưởng gì khó khăn chứ việc ấy thì em xin đưa đến nơi đến chốn. Nếu em có bụng dạ nào, bà chị cứ kẹp nát cổ em...
- Không lôi thôi dài dòng! Tao ra lệnh cho mày bay đi.
Cò Vá dạ dạ rối rít, rướn mình vỗ cánh bốc lên khỏi mặt ao. Hắn bay mỗi lúc một cao dần. Khi nhìn thấy ruộng đồng, kênh mương đã thu gọn trong tầm mắt, Cua yếm nâu ra lệnh cho hắn cữ giữ đúng độ cao ấy mà bay đến Dòng sông lớn.
- Không cần phải bay nhanh, để tao còn ngắm cảnh. - Cua yếm nâu ra lệnh.
Cò Vá ngoan ngoãn bay chậm lại, khoan thai vỗ cánh, hai chân duỗi thẳng về phía sau.
Từ dưới đất nhìn lên, lúc này trông hắn thật hiền lành, ung dung như dáng cò trong ca dao, chỉ riêng cái cổ dài ngoẵng của hắn là hơi ngoẹo về một bên không được tự nhiên vì phải chịu đựng cái càng kẹp chặt của Cua yếm nâu. Cô đeo vào cổ hắn chỉ với một càng và bốn chân ôm riết.
o O o
Mặt trời đã chênh chếch ngả về Tây, vẫn chưa thấy bóng Cò Vá bay trở lại. Bà con dân ao vô cùng nóng ruột, quên cả nguy hiểm, họ nổi hết lên mặt ao dõi mắt nhìn về phía Cò Vá sáng nay bay đi.
Chờ đợi, mong ngóng Cua yếm nâu cho đến lúc này, bà con dân ao hầu như tuyệt vọng. Họ lần lượt lặn xuống đáy ao, kẻ sục mồi, kẻ tìm chỗ dựa lưng, những ý nghĩ u ám cứ nặng trĩu trong lòng.
Bỗng ở một góc ao, tiếng Rô nhọ reo to lanh lảnh:
- Về rồi! Về kia rồi!
Tất cả vội nhào hết lên mặt ao, chộn rộn, tíu tít hỏi:
- Đâu? Đâu?
Tăm lớn, tăm nhỏ nổi từng đám lớn nhỏ, dày như bong bóng sân mưa.
Từ phía khoảng trời đằng đông, nắng sắp lụi. Cò Vá hiện ra mỗi lúc một rõ dần. Bóng của hắn đã in xuống đáy ao. Hai cánh dang rộng, chân duỗi thẳng, hắn lượn vòng quanh ao, mỗi lúc một hạ thấp dần. Bà con ngước nhìn lên thấy cái cổ dài ngoẵng của hắn vươn ra và ngoẹo về một phía. Cua yếm nâu đeo lủng lẳng giữa cổ hắn.
- Xuống thấp nữa! - Tiếng Cua yếm nâu quát lanh lảnh trên cao.
Nghe tiếng cô quát giữa tầng không, nhiều bà con tự nhiên mắt cay lệ. Ôi, chuyện đang xảy ra trước mắt mà sao thấy khó tin như trong chuyện hoang đường, cổ tích.
Cò Vá chúc đầu, hạ thấp xuống hơn, bay là là mặt ao. Bất thần Cua yếm nâu thả càng, buông chân rời khỏi cổ hắn, và lao thẳng xuống nước. Cò Vá kêu lên một tiếng oác mừng rỡ và bốc ngược lên trời, bay như bị tên đuổi. Chỉ trong nháy mắt, bóng hắn đã mất hút giữa những lớp mây chiều nhạt nắng.
Nước ao quê mở rộng những vòng tay to nhỏ, âu yếm đón Cua yếm nâu vào lòng. Cô cứ nằm im, buông thõng cả tám chân, hai càng, mặc cho làn nước bồng bế, rung rinh đùa giỡn quanh mình. Nước nâng cô, từ từ đặt nhẹ xuống đáy ao tối mờ và mát lạnh. Hai mắt cô cay xè và môi cô run lên khi ngực yếm chạm mặt bùn đen sẫm mềm như lông tơ. Mùi bùn hăng hắc, quen thuộc, như thấm vào tận gạch trong lồng ngực cô. Ôi! Cái mùi bùn thân thương, đã ấp ủ cô từ khi còn nằm trong yếm mẹ, như có phép lạ phút chốc xua tan bao nhiêu nhọc nhằn, căng thẳng mà cô vừa trải qua trong chuyến bay vô cùng mạo hiểm.
Bà con dân ao từ bốn phía đổ xô lại, vây quanh cô. Vừa thoáng nhìn, họ đã đoán cô đã họa thành công tấm bản đồ đến dòng sông lớn. Trên cái yếm nâu sáng nay còn nhẵn bóng, lúc này đã chi chít những vạch ngang, vạch dọc, những chấm tròn, những vạch chéo... chẳng khác nào tấm mạng lưới nhện chăng trên các lá cỏ nước ven bờ.
Nhìn cái mạng nhện đó nhiều bà con bỗng dưng thút thít khóc. Họ khóc vì quá mừng vui. Dòng sông lớn, dòng sông ước mơ, dòng sông cứu mạng, vừa mới sáng nay còn là chuyện xa vời, viển vông, thì lúc này “cái mạng nhện” trên yếm cô như có phép thần thông, đã kéo nó lại gần ngay trước mắt họ.
Cụ Nheo mù dò dẫm bơi đến sát bên cô, đưa hai sợi râu sờ lên càng, lên chân cô, vui vẻ nói:
- Nào nào, để ông xem có dính một vẩy mây trời nào vào càng, vào chân cháu không nào!
Cụ cũng như hầu hết bà con dân ao, xưa nay vẫn hình dung mây trời là những đám rong, những cụm bèo tấm, bèo cám trôi nổi bồng bềnh giữa tầng không xanh vời vợi. Nếu được bay qua đấy, mây sẽ dính vào càng, vào vây như ở dưới ao họ bơi qua những khóm rong, những đám bèo...
Tuy còn run vì mệt, nhưng Cua yếm nâu thấy bà con nhìn mình hong hóng chờ đợi, cô liền chống càng gượng đứng dậy, kể cho bà con nghe về chuyến bay họa bản đồ...
Họ nghe như nuốt từng lời của Cua yếm nâu. Câu chuyện cuốn hút đến nỗi, phút chốc họ quên cả mình là cá, cua, ốc... mà bám chặt vào cổ thằng Cò Vá hung ác đang bay cùng với cô...
Ruột gan họ quặn thắt, nôn nao, bong bóng chỉ chực trào ra khỏi miệng, về cái cảm giác choáng ngộp ban đầu khi rời khỏi mặt ao và bốc lên cao, cao mãi... Mắt họ hoa lên, chao ôi là chóng mặt, suýt nữa thì họ buông càng thả vây rơi khỏi cổ thằng Cò Vá ngã lộn nhào không biết bao nhiêu vòng trong khoảng không...
Gió thổi ù ù rú rít bên mang họ. Toàn thân họ run lên vì hoảng sợ trước cái chết khó lòng tránh khỏi, chết dập mật, tan xương, vỡ bong bóng...
Nhưng rồi họ quen dần với đà bay vun vút, và chiều cao rợn vẩy. Họ nhìn xuống bên dưới: ruộng đồng, làng mạc, kênh lạch... trải dài vô tận. Chưa bao giờ họ được nhìn thấy một cái gì rộng lớn đến thế!
Dọc các bờ kênh, bờ lạch, nhiều thân cây trụi lá, gẫy gục như bị tỳ vào gối mà bẻ, nhiều vùng đất bị đào xới, lở loét, trống trơn, màu đất bị đốt cháy đen. Nhìn đâu cũng thấy hang tổ của bày Bói cá rằn ri, hình dáng giống hệt những cái nơm, cái lờ, cái hom giỏ... khổng lồ.
Họ bay mãi, bay mãi, để lại đằng sau tất cả thứ xấu xa, ghê sợ. Cặp mắt nhức nhối của họ bất thần dịu lại. Một dòng sông xanh vời vợi, sóng vỗ lô xô đột nhiên hiện ra, trải dài đến tít tắp chân trời.
o O o
- Bác Cua yếm đen chết rồi!
Tiếng kêu thét xé ruột của Chày đỏ mắt vang vọng qua những ngẫn nước, đã dứt bà con rời khỏi chuyến bay mộng tưởng.
Tất cả nhớn nhác quay lại bơi về hang bà Cua yếm đen.
Thì ra khi nghe tin Cua yếm nâu hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ vẽ bản đồ trở về, bà Cua yếm đen đã tự xé yếm mình mà chết để con yên tâm ra đi không vướng víu.
Thấy mọi người xúm đến, bà cố gượng phều phào nói:
- Gửi lời vĩnh biệt bà con, vĩnh biệt con gái mẹ... - Bà rùng mình rồi duỗi thẳng càng nằm bất động...
Bà con dân ao gạt nước mắt khép vây, cúi đầu, vĩnh biệt bà. Cụ Nheo mù ứng khẩu đọc một bài thơ thay lời tưởng niệm:
Tự xé phanh ngực chết.
Cho con gái yên lòng,
Dốc mình theo nghĩa lớn.
Cứu quê hương bà con,
Tự đáy bùn ẩn náu.
Ôi bà mẹ Cua càng!
Treo tấm gương hiền mẫu.
Vằng vặc giữa thế gian!
Trong lúc bà con tụ tập trước hang bà Cua yếm đen thì Rô nhọ vẫn bơi lội quanh ao, canh phòng, quan sát bốn phía. Chú tự nhủ: Lúc này chính là lúc việc canh phòng, trinh sát cần hơn lúc nào hết. Bà con đang tụ tập cả dưới kia, lỡ tụi Bói cá ra ao thấy tăm nổi nhiều, ngứa tay tương xuống một quả mìn thì cứ gọi là chết chìm chết nổi đầy ao.
Khi đã bơi mỏi vây, chú càn lên một đám bèo xâm xấp nước gần sát bờ, nằm im nghỉ vây. Chú bỗng giật mình vì từ hang ổ của tụi Bói cá rằn ri vọng lại tiếng ầm ầm như tiếng sấm đất, xen lẫn tiếng rít xé chói tai.
Một cặp vợ chồng chim sâu từ phía đó bay vụt đến trông rất hốt hoảng. Vợ chồng chim sâu sà cánh đậu xuống một cành rong chà ngay trên đầu chú, cánh và đuôi còn rung lên vì chưa hết hoảng sợ. Rô nhọ cố nằm thật im để hai vợ chồng khỏi giật mình bay đi. Chú cố căng tai nghe hai vợ chồng lách chách bàn tán. Qua câu chuyện của họ, thì tiếng động lạ tai vừa rồi là tiếng kêu của một con chim gì lớn lắm, hình dạng rất kỳ quái. Nó giống chuồn chuồn hơn chim, bụng to như một gian nhà. Con chuồn chuồn khổng lồ này trên lưng và cuối đuôi mọc những cái chong chóng quay tít mù. Không biết nó từ đâu bay lại, đậu xuống cái tổ lớn nhất của tụi Bói cá rằn ri. Từ trong cái bụng lớn như gian nhà của nó bước ra một thằng người to, da trắng bệch, tóc vàng, mũi khoằm, mắt màu rêu nước ao tù. Hắn mặc áo quần rằn rện điểm những khoanh trắng, khoanh đen giống hệt bộ da rắn cạp nong. Tụi Bói cá rằn ri cung kính gọi Con cạp nong khổng lồ này là “Ngài cố vấn” - Tên địa úy rước con cạp nong khổng lồ vào trong hang. Lát sau hắn bước ra, gọi một Bói cá rằn ri tay chân đến, ra lệnh: “Sắp sẵn hai trái mìn điện cỡ bự nhất, và các dụng cụ bắt vớt cá. Sáng sớm mai, sẽ nổ mìn diệt toàn bộ cá trong ao để làm tiệc khoản đãi “Ngài cố vấn” đến kiểm tra đồn...”.
Anh chim sâu lách chách dặn vợ:
- Sáng mai mình có bay đi kiếm mồi cho con nhớ không được bén mảng đến gần cái ao này. Mìn nổ, lỡ xuống phải thì cứ gọi là nát nhừ như bùn.
Câu chuyện của hai vợ chồng chim sâu làm Rô nhọ sợ dựng hết cả vây vẩy. Sáng mai là ngày mười bốn. Theo kế hoạch đã định thì đêm mai bà con mới theo đường ngầm thoát ra khỏi ao...
Không kịp nghĩ ngợi gì thêm, Rô nhọ rạch khỏi đám bùn lặn xuống đáy ao.
Nghe tin khẩn báo bất ngờ của Rô nhọ, bà con sợ hãi đến gần như chết lặng. Mang họ trắng nhợt hết cả ra. Chép còm trấn tĩnh lại trước tiên. Chú bơi ra, cao giọng nói:
- Thưa bà con dân ao, bây giờ chúng ta không thể chần chừ được nữa rồi! Cái chết đã đuổi đến sát đuôi sát vẩy chúng ta. Bằng mọi giá, chúng ta phải thoát khỏi ao đêm nay. Chậm trễ có nghĩa là bị giết sạch không sót một ai...
Chú quay mặt về phía cụ Nheo mù, cung kính hỏi:
- Thưa cụ, con đường ngầm đã hoàn tất chưa ạ?
- Hoàn tất thì chưa. Ông đang định đêm nay cho khoét rộng thêm chút nữa để những bà con trường thân lưng rộng cũng dễ dàng chui lọt. Nhưng nếu cần thiết thì ngay bây giờ cũng đã sử dụng được rồi.
Chú hỏi Cua yếm nâu:
- Bạn cho bà con biết tấm bản đồ bạn họa trên yếm có hoàn toàn chính xác không? Nhìn vào tấm bản đồ bà con có thể yên tâm mà bơi đến đích không?
Cua yếm nâu nói:
- Sau khi họa xong bản đồ tôi đã bắt thằng Cò Vá bay xung quanh hai lần để soát lại từng con mương, con kênh một. Những con mương kênh cụt, hoặc chệch hướng, tôi đều đánh dấu ở chỗ rẽ, hình hom giỏ. Hang tổ của tụi Bói cá rằn ri tôi đánh dấu hình răng chĩa ba. Những bến nước chúng thường ra tắm giặt, những kè cống nghi chúng có đặt cạm bẫy, tôi đều đánh dấu hình lưỡi câu. Riêng con nước dẫn đến dòng sông lớn tôi vạch sâu gần tới thịt, để dù trong đêm tối, dưới đáy sâu, cũng có thể nhận ra.
- Hai bạn Bò và Trê. - Chép còm hướng mặt về phía hai dũng sĩ đang bơi sánh vây sánh ngạnh cạnh chân một đám cỏ nước hỏi, - ngạnh của hai bạn đã được mài dũa lại cho thật sắc chưa? Đã tẩm thêm chất độc vào mũi ngạnh chưa?
Bò bơi lên vài sải vây, cụp ngạnh mấy lần liền rồi nói:
- Ngạnh của tôi lúc này chỉ cần chích nghẹ cũng sờ thấu gan mật kẻ thù... Ọ... ọ... o...
Trê cũng bơi lên ngang hàng với Bò, múa ngạnh đi một đường võ hiểm, giương to cặp mắt ti hí, dõng dạc nói:
- Tôi đã tẩm thêm vào mũi ngạnh chất độc của cụ tổ Trê cộc đuôi tôi truyền lại. Đứa nào dám cản vây cản đuôi bà con, tôi chỉ cần gãi nhẹ vào da là cũng đủ về chầu Hà Bá! Ẹc... ẹc...
- Bạn Lóc hoa, bạn học cách nhìn sao, nhìn trăng, ngửi gió để tìm phương hướng đến đâu rồi?
Lóc hoa trườn ra khỏi búi rong, nhiều vết thương trên mình chú vẫn còn mưng mủ. Chú cố bơi thật ung dung để bà con khỏi nhận ra chú vẫn còn đau đớn chưa lại sức. Chú nói với vẻ thật khiêm nhường:
- Tôi chưa học được tất cả những điều cần thiết mà bà con mong đợi. Nhưng tôi đã có thể nhận ra đông, tây, nam, bắc qua sao Bắc đẩu, sao Hôm, sao Mai, qua các chòm sao Thần Nông, Bò Cạp, Náng Cày... Đêm không sao, tôi có thể ngửi gió, sờ rong... để nhận ra phía nào có ngòi cạn, có mương đầy... Bởi vì tất cả những cái đó đều có mùi vị riêng của nó...
- Bạn Chày đỏ mắt, công việc của bạn là truyền tin, liên lạc. Võ khí của bạn là vây, là đuôi. Bạn cho biết, vây đuôi bạn đã tập luyện khỏe hơn trước đến đâu rồi?
Chày đỏ mắt lúng lắng cái thân hình tròn lẳn vẩy ánh vàng, nói:
- Bây giờ tôi có thể đuổi kịp bóng chim lướt qua ao!
Chép còm nói với Rô nhọ đang móng tong tóc dưới một đám rễ bèo:
- Còn bạn, tất cả bà con dân ao đều cảm kích tinh thần lo lắng việc chung cũng như tài trinh sát của bạn. Không có bạn hôm nay thì tất cả bà con dân ao sáng ngày mai đã chui hết vào bụng bọn Cạp nong, Bói cá rằn ri, không sót một ai... Mong bạn hãy vì cuộc sống của bà con dân ao mà gắng mình hơn nữa!
Chép còm nhìn tất cả bà con khắp lượt, rồi cao giọng nói:
- Thưa bà con, mọi công việc sửa soạn cho cuộc vượt ao và bơi đến dòng sông mơ ước mà anh chị em chúng tôi gánh lãnh trước bà con coi như đến lúc này đã hoàn tất. Và bây giờ, tôi xin có một lời thưa kể với bà con suy xét, cây phải có ngọn, cá phải có đầu, bởi vậy mà bà con cần phải đồng tâm nhất trí cử một ai đó làm đầu đàn, để điều khiển cuộc vượt ao và chuyến bơi chắc chắn là vô cùng gian khổ sắp đến...
Cụ Nheo mù bơi đến sát bên Chép còm, đặt một sợi râu lên lưng chú, rồi nói giọng đĩnh đạc, nghiêm trang:
- Nếu bà con cho phép thì lão già tàn tật này xin có ý kiến trước. Công việc chỉ huy điều khiển đàn sắp đến đòi hỏi một kẻ tài trí vẹn toàn. Vậy theo lão thì không ai xứng đáng hơn là cháu Chép còm của chúng ta.
- Đúng đấy! Đúng đấy! Chúng tôi cũng muốn như ý cụ. Cử Chép còm! Cử Chép còm!
Bà con dân ao đồng thanh reo lớn.
Chép còm bối rối:
- Xin bà con chọn một người khác... Tôi sinh sau đẻ muộn, tài trí chẳng được bao lăm, sợ không thể đảm đương được trọng trách...
Cụ Ngão móm thường nói năng bỗ bã, ngắt lời chú:
- Chú mày là kẻ đầu tiên nghĩ ra công chuyện này, và chúng tôi đã không ngại tuổi tác nghe theo chú. Thế thì bây giờ chú mày cũng phải gánh vác nốt cho tới cùng. Có thế thôi!
Bà cụ Dưng nóng nảy tiếp luôn:
- Ngay từ buổi đầu chúng tôi đã đồng lòng trăm sự mất còn đều ủy thác cho chú. Bây giờ chú không phải lôi thôi rắc rối!
Cụ Nheo mù nói giọng khuyên nhủ:
- Bà con đã tin cậy giao phó tính mạng cho cháu thì cháu cứ can đảm mà nhận lấy rồi gắng sức mà lo cho tròn. Ông nhớ có lần cháu kể là cháu mơ ước học được cách tu luyện để hóa rồng, cứu khốn phò nguy cho bà con đồng loại. Theo ông đây cũng là một cách tu luyện để hóa rồng đó cháu ạ.
Rồi các cụ Ốc, bà Cua, anh Tôm, chị Tép cũng nói thêm vào mỗi bà con một tiếng:
- Chép còm ơi, anh cứ nhận lấy. Có khó khăn, tất cả dân ao sẽ phụ lực với anh. Không việc gì anh phải lo lắng nhiều.
Biết là không thể từ chối được, Chép còm cúi đầu, khép vây, khiêm nhường nói:
- Bà con đã có lòng tin yêu một mực giao cho tội gánh vác trách nhiệm lớn lao này, thì tôi xin cảm tạ mà nhận lấy. Hôm nay, trước đông đủ bà con, và trước vong linh các anh hùng dũng sĩ của ao quê, tôi xin nguyện sẽ gánh vác cho tới hơi thở cuối cùng.
Vừng trăng mười ba như cái tăm chép khổng lồ vừa sủi lên nền trời, chưa kịp chiếu sáng thì mây đen bốn phía đã ùn ùn che lấp. Chớp lóe sáng từ tây sang đông rồi từ đông sang tây. Tiếng sấm rền vang giữa thinh không. Gió nổi lên làm mặt ao chồm sóng. Bờ tre vặn mình quằn quại, tán lá sung già xòe rộng, chồm lên cúi xuống.
Phút chốc bầu trời sà thấp như sắp đổ ụp xuống ao.
Khi gió lặng dần và cơn mưa đã hơi dịu xuống, bà con dân ao tề tựu thành một đám đông đặc trước cửa ngách đường hầm. Họ nóng ruốt chờ lệnh Chép còm để chui qua đường ngầm. Mấy bác Trắm cỏ, Trắm đen, mấy bà Dưng, bà Vền... to mình, rộng vây nhớn nhác ngó cửa đường ngầm, lo lắng không chui qua lọt. Cụ Nheo mù như đoán biết nỗi lo lắng của bà con, cụ bơi đi bơi lại nói to:
- Bà con cứ bình tâm. Lão đã chui qua thử rồi. Lão mà chui lọt thì bà con chui lọt tất!
Mặc dầu bà con thôi thúc, nôn nóng, Chép còm vẫn kiên quyết chưa ra lệnh. Chú cử Rô nhọ chui ra trước dò xem có cạm bẫy gì không, còn Chép còm bơi chắn ngang trước cửa ao, kiên nhẫn đợi Rô nhọ trở về.
Tiếng mưa dội đều đều trên mặt nước vang vọng xuống đáy ao thành tiếng ầm ầm ù ù không ngớt.
Từ trong cửa ngách tối đen Rô nhọ móng tong tóc chui ra. Vừa ló ra khỏi cửa hang, chú đã nhào lộn mấy vòng liền, quẫy mạnh đuôi reo to:
- Thông đồng bén giọt lắm rồi! Chẳng có cạm bẫy gì sất! Con mương cạn bên ngoài đường ngầm, trưa nay nước còn xâm xấp bùn, bơi không khéo có thể phơi vây lưng. Bây giờ nước đã dâng cao đến lưng bờ, bà con mặc sức mà bơi lặn, vẫy vùng.
Chép còm bơi cao lên một chút để nhìn được bao quát tất cả bà con. Chú nói to giọng rung lên vì xúc động:
- Đã đến giờ khởi hành! Xin bà con hãy bình tĩnh và trật tự ngậm đuôi nhau thành hàng một bơi qua đường ngầm!
Dân ao cử Chép còm làm đầu đàn quả không lầm. Chú đã điều khiển cuộc đào thoát lớn nhất trong lịch sử của loài cá một cách hết sức thông minh. Dân ao từ trẻ đến già đều răm rắp tuân theo sự sắp xếp của chú, bơi qua đường ngầm trong trật tự và im lặng.
Bơi ra trước tiên là Rô nhọ, tiếp đến là Lóc hoa, rồi đến Bò. Nối đuôi Bò là các bé cá, các chị cá đang có bụng trứng, các cụ cá, cua, ốc kém mắt, yếu vây, chậm càng... Tiếp đến là lớp cua cá trai tráng. Trê, cụ Nheo mù, Chép còm, Chày đỏ mắt, Cua yếm nâu họp thành một toán bơi ra sau cùng.
Dũng Sĩ Chép Còm Dũng Sĩ Chép Còm - Phùng Quán Dũng Sĩ Chép Còm