Đời Phi Công epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2: Ánh Sáng Kinh Thành
... Đêm nay có một anh chàng
ngồi giữa ánh sáng kinh thành
mà nhớ đến quê hương...
Phượng,
Anh đã ở Ba lê hơn một tuần, ở để đợi chuyến máy bay đi Marrakech. Anh sẽ sang Bắc Phi một năm để học lái máy bay trong giai đoạn đầu và sau đó sẽ trở về Pháp học thêm chừng hai năm nữa.
Nhận thư em hôm qua, lúc đọc anh hơi mỉm cười vì câu hỏi ngây thơ của em: "Anh có thấy nhớ nhà không?" Thành thực mà trả lời thì trong lúc này anh không thấy nhớ vì lòng đang rộn ràng với những cảnh lạ đường xa. Anh chỉ mơ hồ thấy rằng hiện nay quê hương đang ở xa lắm, gần trọn nửa vòng trái cầu, có nhớ, có thương chăng nữa thì cũng nhớ xa sầu vời vợi, thương mênh mông như đại dương rộng lớn còn có nhớ thương riêng một chút nào thì chãc cũng chỉ gói trọn vào một mình em gái anh mà thôi.
Anh viết thư này cho em trong một quán rượu giữa khu Latin, một buổi chiều thu buồn về chầm chậm.
Có qua Ba lê và lạc vào khu sinh viên này em mới có thể hiểu được rằng tại sao người ta có thể ngồi viết thư trong một quán rượu. Dọc theo hai bên đại lộ St. Michel từ đầu sông Seine tới vườn Luxembourg người ta chỉ thấy quán rượu, hiệu sách và sạp bán báo. Nói là quán cà phê thì đúng hơn vì thường thì ai cũng chỉ gọi cà phê hơn là gọi rượu. Vào trong quán tìm một bàn trong một góc kín đáo nhất, gọi một tách cà phê rồi trầm ngâm nhìn thiên hạ là một trong những cái thú của người sinh viên ở Ba lê.
Trong quán được sưởi ấm, một cái ấm vừa đủ để khách không đến nỗi co ro vì cái hàn bao la bên ngoài nhưng cũng chỉ ấm đến độ người ta còn thấy trống trải nếu ngồi cô quạnh một mình. Anh bỏ hai viên đường vào ly cà phê sánh đen. Gọi một ly cà phê người hầu bàn chỉ mang ra hai viên đường gói trong một mảnh giấy. Hai viên đường chỉ làm cho tách cà phê vừa đủ ngọt để khách không đến nỗi nhăn mặt khi đưa lên miệng nhấp chút hương vị đầu tiên nhưng cũng chỉ vừa ngọt đến độ người ta còn cảm thấy cay đắng mùi đời nếu lòng còn đơn độc.
Đợc đến đây chắc em phải cười mà nghĩ rằng một lần nữa anh lại lý luận "cà phê" như dạo nào ở Hà Nội. Anh không thể nào quên được lần đầu tiên anh thuyết phục được em đi uống cà phê ở Bờ Hồ Hà Nội cách đây hai năm. Em đã ngần ngại nhiều trước khi đưa tách lên môi vì cà phê chắc chắn không phải là một chất ma túy cho phụ nữ, nhất là với một thiếu nữ ngây thơ nhí nhảnh như em. Và anh nhớ đã cười nhiều khi thấy em nhăn mặt làm đôi mí mắt trắng xanh mọng lên. Cả người em lúc đó là hiện thân của ngây thơ, rụt rè trước cám dỗ. Chắc em còn nhớ là sau đó, sợ anh phật ý, em đã tươi cười làm lành vì không bao giờ em muốn thấy anh buồn lúc ngồi bên cạnh em. Thành thực mà nói thì lúc đó anh thấy buồn thật, một cái buồn thoáng qua không duyên cớ. Anh cảm thấy mình chìm sâu dần vào những tật xấu mà dần dần xa cách em. Có thể nói lúc đó anh có tâm trạng của một hàn sĩ ngồi trong gian gác ẩm thấp một buổi chiều mưa vừa tạnh, nhìn qua đường thấy cô thiếu nữ xinh tươi trước cửa trong nhà bước ra, rón rén tránh những vũng nước mưa đọng để bước lên một chiếc xe nhà lộng lẫy. Chiếc xe rồ máy phóng đi làm bắn những tia nước mưa lên vệ đường.
Dư âm vọng lại tâm hồn người học trò nghèo chỉ là chuỗi cười khúc khích của người thiếu nữ ngây thơ và dư ảnh thoáng qua cặp mắt buồn rầu của chàng thư sinh chỉ là khóe cười tinh quái với những hàm răng đều như ngọc trắng, và vết hằn sâu đậm trong tâm hồn con người ngồi âm thầm trên căn gác hẹp một chiều mưa tạnh chỉ là mấy vệt bánh xe nhà còn in lại trên đường mưa lầy lội và cả một bầu không khí nặng nề ẩm thấp đang tràn ngập xuống phòng văn.
Sau đó để tránh những gượng gạo của tình cảm, anh đã nói liên miên vớí em về cái thú uống cà phê. Em đã chăm chú nghe anh như một người học trò ngoan ngoãn nghe lời giảng tuy rằng không hiểu. Khi anh nói hết thì bản tính ngây thơ tinh nghịch của em trở lạì và em đã cười ròn rã kết luận: "Thật đúng là anh của em lý luận cà phê"! Anh đã phải buồn rầu mà nghĩ thầm rằng em có lý khi nhìn thấy trước mặt, ly cà phê sánh đen của em còn nguyên vẹn. Ngay vết môi của em lần đầu tiên nếm mùi cay đắng cũng không thấy trên miệng tách. Có lẽ vì nó thoảng nhẹ nhàng quá. Anh đã nghĩ rằng em có lý khi nhìn ly cà phê của anh còn đọng lại một chút cặn đen như tất cả tàn tạ của một cuộc đời mệt mỏi. Anh đã đưa em về nhà và tự hứa rằng không bao giờ sẽ còn dám rủ em đi uống cà phê lần thứ hai nữa.
Anh hy vọng rằng đọc thư này em có thể hiểu được tâm trạng anh khi ngồi một mình trước tách cà phê trong một quán rượu ở khu Latin một buổi chiều thu buồn về chầm chậm. Như thế nghĩa là anh vẫn không đổi, vẫn là con người cà phê của năm nào. Trong quán dần dần đông người nhưng thường thường họ ngồi từng cặp. Chàng là một sinh viên, một chiếc áo sám bằng nỉ dày choàng ngoài một chiếc áo len đen cổ cao. Nàng là một thiếu nữ tóc xoã vai, nét mặt còn thơ ngây nhưng mắt đã thâm quầng vì những đêm thức trắng. Và cứ như thế từng cặp họ ngồi tâm sự với nhau. Khói thuốc lá đưa lên từng màn mỏng manh như những làn sương sớm. Cuộc sống ở đây là thế. Tình gia đình có thể coi như nhẹ. Một sinh viên thường phải lo học, lo thi, lo phác một tương lai, lo sao có đủ tiền trọ trong tháng tới.
Và như thế nguồn an ủi độc nhất và kiến hiệu hơn cả có lẽ là một người bạn tâm sự mật thiết để cùng nhau chia sẻ vui buồn.
Trời đã tối hẳn. Thành phố lên đèn. Ba lê bừng lên trong ánh sáng, trong nhộn nhịp, trong những làn sóng yêu đương. Anh vẫn còn ngồi một mình chậm chạp bóc hai viên đường cho tách cà phê thứ ba. Trong chiếc gạt tàn, ngổn ngang những mẩu thuốc lá dở.
Bao thuốc Gitanc của anh chỉ còn trơ lại một điếu cuối cùng. Thì ra đối với khu Latin anh chỉ là một người khách lạ, một người khách qua đưòng. Anh không có những mối lo của một người sinh viên du học. Nếu không giờ đây, khi thành phố lên đèn, khi âm nhạc trong quán rượu đang vẳng lên những bản nhạc yêu đương, anh đã ngồi đối diện với một thiếu nữ tóc xoã ngang vai để tâm sự nỗi buồn tha hương của mình. Nàng rất có thể có một cặp mắt xanh nhưng cũng có thể là màu nâu sẫm như ly cà phê pha thêm đôi giọt sữa. Nhưng có điều chắc chắn là trong ánh mắt giai nhân anh có thể thấy những tình cảm nửa lưu luyến, nửa ái ngại, bâng khuâng, phũ phàng.
Con người lưu lạc phương trời, dù cho mái tóc đã bạc màu quan tái, đôi vai đã nặng chiũ phong sương có lẽ tới đây cũng phải ngần ngại dùng dằng vì những đôi mắt của ngưòi đẹp Ba lê. Không khí ở đây không biết có một vẻ gì quyến rũ lạ. Ba lê nhộn nhịp, tấp nập ban ngày nhưng ban đêm Ba lê cũng không kém phần tưng bừng huy hoàng. Ánh điện dần lên. Qua khung kính anh đã thấy những người cúi đầu vội vã đi dưới làn mưa bụi về nhà.
Một nhịp sống khác đang tràn lên. Ánh nê ông trong quán rượu tưng bừng sáng. Các bàn đã có từng cặp sinh viên đến ngồi chật. Từ những máy phóng thanh những điệu nhạc văng vẳng đưa ra cũng trở nên trầm lặng êm dịu hơn. Những cặp mắt nhìn, những cánh tay đưa dụt dè, những ly cà phê đắng đen sẫm, những viên đường gói, những bao thuốc dở dang, tất cả những thứ đó kết hợp nên đời sống sinh viên khu Latin một buổi thu buồn trong quán rượu.
Đây là giờ phút của mê ảo, của trầm mặc, của tâm sự của yêu đương. Viết thư thế này tức là anh cảm thấy mình lạc loài quá rồi. Có lẽ anh chỉ là một người sơn cước bơ vơ giữa chốn hoa lệ này. Mai mốt anh phài lên đường tới Bắc Phi với những cồn cát vàng bát ngát, với những bổn phận, với nghề nghiệp. Vì thế nên anh mới có thể ngồi bình thản viết cho em mấy dòng chữ này.
Mái tóc của giai nhân có hoe vàng như những sợi tơ nuột, mầu mắt có xanh lơ như hồ thu dịu và khóe cười có say đắm như ánh ly rượu ngọt có lẽ anh cũng không cảm thấy nữa vì tất cả chỉ thoảng qua đi như một cơn gió dịu. Đối với anh, nếu có gì vĩnh cửu có lẽ sẽ là hình ảnh màu hoe vàng của đồng lúa chín, mùi cốm thơm xanh như hương thơm mái tóc, và ánh mắt ngây thơ nũng nịu của cô em gái ngần ngại nhìn ly cà phê ban đầu một chiều nào ở quê hương.
Ánh sánh kinh thành huyền ảo như mờ dần yếu ớt qua những lớp sương đêm. Tình quê hương lại nhóm bồng bột trong lòng người lãng tử. Ánh điện nê ông xanh rợn hay ánh lửa hoe vàng màu hoả hoàng của ngọn đèn dầu, nhạc điệu sam ba dậm dật hay tiếng sáo vi vu, Phượng ơi, nào anh có biết? Chỉ biết đêm hôm nay có một anh chàng say cà phê ngồi giữa ánh sáng kinh thành mà nhớ đến quê hương.
Đời Phi Công Đời Phi Công - Nguyễn Xuân Vinh Đời Phi Công