Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Đời Mưa Gió
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 2 -
A
nh Chương!
Chương ngồi nói chuyện với Phương ở trên đống đá Hà, ngoài bãi biển Đồ Sơn. Nghe tiếng Tuyết gọi, chàng đứng dậy trả lời:
– Được, mình cứ về trước, tôi đang dở câu chuyện.
– Không đâu, em không bằng lòng thế đâu!
Một dịp cười lanh lảnh theo liền câu nũng nịu của Tuyết. Rồi một cô bạn Tuyết nói giễu:
– Anh Chương đi về với chị ấy, kẻo chị ấy sợ ma.
Chương cũng cười đáp lại:
– Nếu mà với Tuyết gặp nhau thì chắc là ma phải sợ Tuyết, chứ khi nào Tuyết lại sợ ma.
– Đốt anh đi! Vậy em đi chơi mát với Loan để đợi anh nhé?
– Cũng được!
Tiếng gầm thét của những lớp sóng xô nhau vào bờ như biểu lộ sự bực tức của tâm hồn Phương đối với bạn. Rồi sự bực tức thốt ra bằng một tiếng thở dài.
Chương hỏi Phương:
– Anh nghĩ gì vậy?
Không nghe thấy bạn trả lời, Chương lại hỏi luôn:
– Anh sao thế? Anh giận tôi đấy à?
– Vâng, tôi giận anh lắm. Ai lại thân danh một ông giáo mà lại mê một con đĩ, đi đâu cũng đưa nó đi theo như vợ!
Chương cười ngất, Phương gắt:
– Sao mà anh chóng đổi tính thế? Trước kia đạo mạo ...
Chương ngắt lời:
– Còn anh thì sao mà anh vô lễ thế, dám gọi người yêu của tôi là con đĩ.
– Không là con đĩ thì là gì?
– Anh thật lỗ mãng! Đối với tôi, tôi xin anh phải giữ phép lịch sự hơn một chút nữa, dù anh là bạn thân của tôi mặc lòng. Tuyết là người yêu của tôi, anh chỉ nên biết thế thôi. Và đĩ, thì ai ai cũng đĩ, chỉ khác có một đằng đĩ với một người và một đằng đĩ với nhiều người.
Phương cười:
– Nhưng có đĩ với nhiều người mới thật là đĩ.
Vờ lấy giọng trang nghiêm, Chương đáp:
– Vậy thì ngày nay, đối với tôi, Tuyết chẳng đĩ chút nào, nghĩa là Tuyết chỉ đi với một mình tôi. Anh phải hiểu, cái đời ký vãng của Tuyết, tôi có cần biết đâu. Tôi chỉ biết hiện nay Tuyết yêu tôi. Thế cũng đủ rồi. Không những thế là đủ mà tôi còn tự hào về điều ấy nữa. Vì nếu anh cho Tuyết là một con đĩ coi thường tình ái, lãnh đạm với bọn đàn ông, thì đối với tôi tình yêu của Tuyết cũng đáng quý.
– Nhưng anh có chắc người ta thực bụng yêu anh không?
– Chắc hay tưởng thì cũng vậy. Anh tính ở đời có cái gì là chắc?
Phương tức giận không trả lời. Hai người yên lặng nhìn ra bể. Ánh trăng ở nơi chân trời chiếu rọi mặt nước hơi lăn tăn, trông như một lớp bụi vàng gieo xuống, nhưng lúc đến gần bờ thì nhấp nhô, lăn lộn, chạy nhảy với những làn sóng dữ dội, trắng xóa, rồi khi gặp bãi cát thì tan ra. Chương bảo bạn:
– Ngắm hạnh phúc ái tình cũng như ngắm cảnh trăng trên mặt biển. Ai cấm anh nhìn ra xa:
Kìa, anh coi, ở nơi chân trời, một làn bằng phẳng loang loáng ánh vàng và lờ mờ, và đẹp đẽ như một cảnh mộng lặng lẽ, như một cảnh tiên êm đềm. Nhưng nếu anh nhìn gần thì anh chỉ thấy một cảnh huyên náo, phiến động, rồi kết cục làn ánh sáng trong trẻo sẽ theo lớp sóng mà tan ra, còn lại chút bọt vàng bám trên bãi cát đen.
– Nhưng ái tình cũng có nhiều thứ. Có ái tình chân thật, có ái tình giả dối, có ái tình trinh tiết, có ái tình dâu bộc.
Chương phì cười:
– Anh đạo đức quá. Nhưng liệu ái tình trinh tiết của anh có chân thật không?
Và anh có chắc ái tình dâu bộc của tôi là giả dối không?
Phương hơi có giọng mai mỉa:
– Chẳng biết gì, nhưng hôm nay, tôi vừa ra đây bắt gặp anh thì tôi mừng rỡ, vui vẻ được nói chuyện với một người bạn thân. Nhưng giá anh bảo mai tôi cùng vợ tôi lại đằng anh thì quyết là không khi nào tôi nghe. Tôi không muốn để vợ tôi gần cô Tuyết.
Chương căm tức đến cực điểm trả lời:
– Anh tưởng tôi dễ cần để Tuyết thân cận bọn trưởng giả các anh đấy hẳn?
Hai người cùng cau có, bứt rứt, khó chịu. Chung quanh, cảnh vật vẫn dữ dội gầm hét:
tiếng gió trong lá phi lao với tiếng sóng văng lên mỏm đá làm tung tóe những tia nước bạc. Phương đứng dậy, lạnh lùng bảo Chương:
– Thôi, chào anh, tôi xin về ngủ.
Yên lặng, Chương đưa tay ra bắt tay bạn. Phương đi rất mau rồi lẩn vào trong bóng tối dãy tường hoa. Chương ngồi thừ, nhìn theo, tâm hồn ngây ngất, tê mê. Những lời chỉ trích của bạn đã gieo vào lòng chàng những tư tưởng hắc ám, nghi kỵ .... Phải, chàng yêu Tuyết thì chàng chỉ biết chàng yêu Tuyết còn Tuyết có yêu chàng hay không, chàng đã chắc đâu. Câu chàng nói với Phương ban nãy lại càng làm mạnh thêm lòng ngờ vực. Chàng lẩm bẩm:
“Hừ! Đã coi thường tình ái, thì còn yêu sao được?”.
Chàng cố ôn lại khoảng ba tháng vừa qua, ba tháng chung sống với Tuyết và được Tuyết hết lòng chiều chuộng, âu yếm. Chàng mỉm cười, nói một mình:
– Ta còn muốn gì nữa?
Rồi Chương sung sướng nhận thấy Tuyết yêu mến cảnh gia đình, săn sóc, trông nom đến mọi việc trong nhà, và sắp đặt đâu ra đấy, chẳng hề để bề bộn, bừa bãi như chàng tưởng lầm. Vì chàng cho rằng hạng gái giang hồ chỉ biết có nết bơ bãi, lười biếng.
Tuy vậy, Tuyết vẫn ham mê các lạc thú. Mà Chương cũng biết thế, nên sợ Tuyết lại bỏ nhà đi một lần nữa, chàng hết sức chiều lòng sở thích, luôn luôn đưa nàng đi coi chớp bóng, diễn kịch cùng là đến ăn ở các hiệu cao lâu.
Thấy một người đạo mạo như Chương bỗng sinh ra chơi bời, mê gái, anh em bạn đều khúc khích cười, chế nhạo. Họ bảo nhau:
“Đấy! Rõ ghét của nào, trời trao của ấy!”.
Một người nói:
“Chà trước kia, hắn chỉ giả đạo đức! Bây giờ mới lộ chân tướng ra”.
Lại người nữa, muốn khoe thạo khoa tâm lý, bàn rằng:
“Tính tình anh Chương trước, sau vẫn không thay đổi. Những người hiền lành, bẽn lẽn, lãnh đạm như Chương mà khi đã ham mê một thứ gì thì sự ham mê tất là nồng nàn, ghê gớm”.
Rồi họ khuyên can Chương, họ cho là Chương làm mất vẻ tôn nghiêm của giáo giới. Những người biết bà phủ Thanh muốn gả con cho Chương thì dỗ dành Chương nên rời bỏ ngay Tuyết ra, mà đi hỏi vợ.
Đối với những lời bình phẩm hay giễu cợt, hay khuyên can của bạn, Chương chỉ dửng dưng như không.
Nhưng trong cánh bạn đạo đức ấy, ai đã đến chơi nhà Chương cũng khó lòng ghét được Tuyết. Có người tình cờ gặp Chương và Tuyết, thấy Tuyết vui tính và có duyên quá, không sao không yêu thầm được. Rồi một hôm đến chơi nhà Chương và mến cả gia đình bạn liền, hình như đã bị cặp mắt tươi cười của Tuyết thôi miên, lưu luyến. Thế là từ đó chàng ta chẳng bỏ qua một buổi chiều thứ năm hay chủ nhật nào không đến chơi nhà Chương, dù vợ giữ cũng mặc.
Mà nếu vợ chàng có gặp Tuyết thì rồi cũng khó lòng ghét được nàng. Vì Tuyết khôn khéo lắm, khôn khéo mà lại thông minh. Chỉ thoáng qua là nàng biết tính nết và lòng sở thích từng người bạn của Chương, để biết mà chiều.
Nàng lại là người rất thiệp, thạo đủ ngón lịch sự phong lưu. Ngày chủ nhật anh em bạn đến chơi, nàng ra tiếp, vui vẻ mời chào, dễ dàng, chu đáo. Nếu đủ chân thì giữ mọi người ở lại đánh tổ tôm hay tài bàn là những cuộc tiêu khiển mà nàng rất thích.
Chơi bời như thế phải tốn phí, mà lương tháng của Chương chỉ có hơn một trăm bạc. Tuyết hình như chẳng thèm biết Chương kiếm được bao nhiêu một tháng. Nàng chỉ biết tiêu tiền, tiêu bao nhiêu cho vừa thì thôi, đến nỗi lương tháng không đủ. Chương nhiều lần phải dùng đến tiền để dành.
Chàng cố làm cho Tuyết không thấy sự thiếu thốn và chàng tự an ủi rằng:
“Người ta làm ra tiền để mà tiêu”.
Và Tuyết cũng không có ý bòn của. Chẳng qua, quen sống đời đầy đủ với kẻ này, kẻ khác, nàng cho đó là một sự thường mà thôi. Có khi tiền của nàng cũng dùng để sắm sửa các thứ trong nhà Chương.
Chương còn nhớ mới tháng trước, nàng bán cái vòng kim cương mà có lẽ tình nhân đã tặng nàng từ xưa. Nàng bán đi cũng không phải vì nàng cần tiền, chỉ vì nàng không ưa cái vòng ấy mà nàng cho là khổ quá, không đúng theo kiểu thời trang nữa. Nàng cũng định rồi mua cái khác, nhưng sẵn có tiền, nàng sắm ngay thức nọ thức kia. Thế là ba bốn, trăm bạc bán vòng, tuần lễ sau, đã biến vào thành giường Hồng Kông, nào “sô-pha” nào “đi-văng”, nào màn ren, khăn ren đủ thứ. Song nàng không hề nói cho Chương biết, hay kể lể, khoe khoang. Nàng đã quen phung phí của người cũng như tiền của mình, nên không mấy khi nàng chịu phân biệt rằng tiền nàng tiêu ở đâu ra. Nàng chỉ biết có tiền trong tay là nàng tiêu.
Đối với Tuyết, Chương làm như đã lây cái tính rộng rãi của nàng, nên nửa tháng trước nàng vừa ngỏ ý muốn nghỉ mát Đồ Sơn là Chương đi mua ngay bát họ một nghìn mà trước kia một người bạn ép nài chàng chơi. Thực chàng không bỏ qua một dịp nào để chiều lòng Tuyết, vì chàng chỉ sợ Tuyết bỏ nhà ra đi.
Nhưng vừa rồi Phương đã rọi một tia ngờ vào tâm hồn Chương. Chương vẫn không cần biết quãng đời ký vãng của Tuyết. Song cái quãng đời hiện tại của Tuyết, liệu có là vật sở hữu của một mình chàng không? Chàng thấy Tuyết thành thật. Nhưng ở một cô gái giang hồ đã từng trải cuộc đời như Tuyết cũng khó lòng mà phân biệt được sự man trá với sự chân thật.
Rồi Chương nhớ lại những buổi chiều ngồi đợi cơm Tuyết. Chàng tự hỏi:
“Tuyết đi đâu?”. Tuyết bảo Tuyết mãi câu chuyện với chị em, nên quên bẵng cả giờ ăn thì Chương cũng chút ngờ vực. Nhưng đã chắc đâu rằng sự tự nhiên ấy không phải là cái tự nhiên phường chèo?
Và chị em bạn của Tuyết thì Chương cũng chẳng ưa, tuy ở trước mặt chàng, bọn họ vẫn cố đóng những vai con nhà tử tế ...
– Lạnh rồi, đi về nghỉ thôi. Chương ơi!
Tiếng Tuyết gọi làm Chương giật mình. Chàng chưa kịp trả lời thì Tuyết đã trèo lên đống đá, đến ngồi bên chàng. Nàng hỏi:
– Anh gì đâu rồi?
– Anh Phương, anh ấy về từ nãy.
– Bạn mình đấy, phải không?
– Phải.
– Sao không thấy đến chơi đằng nhà ta?
– Anh cũng chả biết.
– Anh ấy ra ngoài này một mình hay đi với ai thế? Nếu đi một mình thì rủ quách lại ở với ta cho vui. Nhà của ta thuê cũng còn rộng.
– Anh ấy thuê phòng cùng với vợ và một đứa con nhỏ.
Tuyết vui mừng:
– Thế à? Vậy mai ta đến chơi anh ấy nhé? Ở ngoài này mà không có bạn thì buồn chết đi mất.
Chương lạnh lùng:
– Chơi làm gì với bọn trưởng giả?
Tuyết vốn thông minh, hiểu ngay. Buồn rầu nàng hỏi:
– Có phải ban nãy ngồi nói chuyện với mình, anh ấy kể xấu em nhiều lắm, phải không, Chương?
Chương không đáp. Hai giọt lệ cảm động ở cặp mắt chàng lấp lánh dưới ánh trăng mờ. Nước thủy triều lên mạnh, tiếng gầm thét càng dữ dội. Những lớp sóng hung tợn kế tiếp liền nhau tự ném vào đống đá như muốn bẩy lên để lôi phăng ra biển khơi. Âu yếm, Tuyết đưa tay quàng vai Chương thì thầm bên tai:
– Chúng ta về thôi, Chương của Tuyết ạ, chẳng mấy chốc nước lên to, chúng ta sẽ bị đày ở cù lao này mất.
Gượng vui, Chương cất tiếng cười, rồi bảo Tuyết:
– Anh chỉ ước ao được cùng em sống xa nhân loại, ở tận một cù lao hẻo lánh.
Tuyết cũng cười:
– Thế thì khổ chết, mình ạ.
Hai người nói chuyện, khoác tay nhau đi trên bãi cát về nhà.
Sáng hôm sau thức dậy, Chương không thấy Tuyết đâu. Con sen nói Tuyết dậy sớm trang điểm xong đã đi chơi mát ngoài bãi biển. Rồi nó đưa cho chàng một tấm danh thiếp mà nói rằng:
– Thưa, sáng nay có một ông đến chơi, thấy ông còn ngủ, viết mấy chữ để lại dặn hễ ông dậy đưa trình ông ngay.
Chương đỡ lấy xem thì đó là danh thiếp của Phương, trong đó nguệch ngoạc mấy dòng.
Tôi đến xin lỗi anh, nhưng anh còn ngủ. Lúc nào dậy ra đống đá hôm qua nói chuyện, hôm nay trời mát lắm.
Chương cau mày ngẫm nghĩ rồi lơ đãng, chàng lại hỏi:
– Mợ đâu?
– Thưa ông, bà con ra ngoài bãi bể.
Chương chải vội cái đầu, mặc vội quần áo, rồi tất tả ra đi. Xa xa trông lên ngọn đống đá hà, chàng đã thấy cái áo màu hồng của Tuyết loang loáng in lên màu xanh da trời xanh nhạt. Cái khăn quàng dài và trắng của Tuyết bay lượn như những đợt sóng gợn bọt. Bên cạnh Tuyết và ngồi thấp hơn, một người vận âu phục màu trắng, đội mũ trắng mà Chương không rõ là ai, nhưng cũng đoán được là Phương, vì trong thiếp Phương có nói chờ chàng ở đó.
Chương rảo bước đi tới. Phương vì xây lưng lại phía Chương, nên không biết Chương đến gần, vẫn điềm nhiên ngồi nói chuyện. Lúc đó, chẳng rõ Phương nói khôi hài gì mà Tuyết cười như nắc nẻ. Chương chau mày đứng dừng lại ở chân đống đá.
Ghen thì chàng cũng có ghen. Song một tính tình mạnh gấp mấy lòng ghen là sự bực tức về thái độ của Tuyết đối với Phương. Chương còn nhớ rằng Tuyết đã đoán biết điều đó. Chẳng lẽ biết người ta ghét mình, khinh mình, mà còn tìm đến trò chuyện thân mật được với người ta!
Chương hầm hầm bước tới chỗ hai người. Vì quá hấp tấp, chàng trượt chân.
Nghe có tiếng động, Tuyết quay lại rồi đứng dậy, hỏi:
– Trời ơi! Có gì không, mình?
– Không.
Tuyết đỡ Chương:
– Mình không can gì thật đấy chứ?
Chương cười gượng:
– Không.
Rồi đưa tay bắt tay Phương. Phương bẽn lẽn, má hơi hây đỏ, bảo bạn:
– Một ngày đẹp thế này mà dậy muộn như anh thật phí cả thì giờ.
Chương bĩu môi, nói mỉa:
– Một ngày đẹp thế này mà không ngủ, thật phí cả thì giờ.
Cả ba người đều cười. Rất tự nhiên, Tuyết bảo Chương:
– Lúc em dậy, em toan đánh thức anh, nhưng em biết hôm qua anh trằn trọc mãi không ngủ được, nên em sợ anh dậy sớm mệt. Thấy thiếp của anh Phương để ở bàn em liền ra đây tiếp khách hộ anh.
Lạnh lùng Chương đáp:
– Cảm ơn! Nhưng có lẽ anh Phương chẳng được vui lòng, phải không thưa anh?
Cái liếc của Chương rất có ý nghĩa khiến Phương ngồi im không đáp. Tuyết cũng thừa hiểu đối với Chương và nhất là đối với mình, Phương ở vào chỗ tình thế khó khăn. Nàng tìm cách làm lành hộ chàng.
– Sao lại không vui lòng. Mình tưởng ai cũng đạo đức như mình sao? Phàm là một thiếu niên có tri thức thì ai đứng trước ba thứ này mà không cảm động, mà không vui lòng:
là một tủ sách hay, một cảnh thiên nhiên đẹp và nhất là trang thiếu phụ xinh đẹp có duyên. Ở đây sẵn có cảnh đẹp, còn em có duyên hay không có duyên, cái đó tùy.
Phương cười đỏ ửng cặp má:
– Có duyên thì bà có duyên đứt đi rồi!
Không lưu ý đến đôi mày chau dịu của Chương, Tuyết nói luôn:
– Vậy thì có cảnh đẹp, có gái đẹp, chỉ thiếu sách hay.
Như mê man và quên hẳn rằng Tuyết là tình nhân của người bạn đương ngồi ngay bên cạnh mình Phương rờ túi lấy ra quyển tiểu thuyết nhỏ và nói:
– Sách hay cũng có đây.
Tuyết vỗ tay cười:
– Thế là đủ bộ ba rồi, còn thiếu một thứ gì, mà anh Chương tôi không vui lòng phải chăng anh Phương?
Giọng Tuyết tự nhiên, dáng điệu dẽ dàng, khiến Chương càng căm tức.
Chàng muốn nói sang chuyện khác để cắt đứt những lời nói bông đùa không phải lúc của Tuyết, liền hỏi Phương:
– Chị còn ngủ?
– Nhà tôi dậy từ năm giờ sáng.
– Sao anh không mời chị ra chơi mát?
– Có. Nhà tôi đương chơi mát bên nhà bà phủ Thanh.
Nghe đến tên bà phủ Thanh, Chương se sẽ cắn môi nhìn ra ngoài biển.
Phương lại nói:
– Họ ra nghỉ mát mà cả ngày chỉ bài bạc thì thật quá tội, chẳng thà cứ ở nhà còn hơn.
Tuyết vui mừng hỏi:
– Họ đánh tổ tôm đấy à? Tôi thèm tổ tôm quá, anh ạ. Từ hôm ra đây đến nay đã được một tuần lễ mà chẳng ai mời mình đi đánh, nhỉ?
Chương hơi ngượng với Phương. Chàng tưởng như đoán được vì lẽ gì chẳng một ai mời Tuyết đến chơi nhà họ. Song sợ Tuyết buồn khổ nếu nàng hiểu được sự yên lặng rất nhiều nghĩa của hai người. Chương nói gạt:
– Chà! Thôi, tôi xin bà! Chúng mình ra đây nghỉ mát chứ không phải ra đây đánh bạc.
Phương cũng nói:
– Phải đấy, rõ khổ! Nhà tôi từ ngày ở cữ đến giờ, cứ ốm yếu quặt quẹo luôn.
Thế mà năm ngoái đốc tờ bảo vào nghỉ mát Sầm Sơn thì lại ốm thêm vì tổ tôm.
Năm nay ra đây mới được một hôm đã lại tổ tôm rồi.
Tuyết tò mò hỏi:
– Thưa anh giáo bà giáo ốm ra sao vậy?
Phương chưa kịp trả lời, nàng đã cười khanh khách nói tiếp:
– Em rõ buồn cười! Anh giáo với lại bà giáo! Thôi gọi bác cho tiện nhé? ...
Vậy thưa bác trai, bác gái ốm ra sao?
– Nhà tôi đau ngực. Tôi lo lắm, người cứ một ngày một sút.
– Mua sâm-banh cho bác ấy uống nhiều vào.
Chương cười:
– Thuốc gì lại ngộ thế, mình?
– Thuốc tiên đấy.
Phương vẫn theo đuổi ý nghĩ của mình, buồn rầu đáp:
– Ngữ này thì lại đến vào Sầm Sơn thôi. Cứ hễ gặp bà phủ Thanh là không thoát được tổ tôm.
Mỗi lần Phương đọc đến tên bà phủ thì Tuyết lại cố lánh cặp mắt của Chương. Nàng vờ nhìn ra khơi như đang tưởng tới một điều gì viển vông mơ mộng. Chương bảo Phương:
– Vậy chỉ về Hà Nội là hơn hết. Với lại mặc bệnh đau phổi mà ở bờ biển cũng không tốt.
– Có lẽ tôi đưa nhà tôi lên Lạng Sơn, anh ạ.
Tuyết vỗ tay reo:
– Ừ, phải đấy. Đi Lạng Sơn! Ta cùng đi cả mình ạ.
Chương tắc lưỡi:
– Rõ nói đâu thì câu đó. Thuê cái nhà hơn trăm bạc một tháng vừa ở được một tuần lễ đã đòi đi Lạng Sơn.
– Vâng, thì mình ở lại đây để em lên Lạng Sơn với anh Phương nhé?:
Phương ngượng quá, vờ không nghe rõ lời Tuyết. Còn Chương thì mặt đỏ bừng, chau mày nhìn Tuyết, có vẻ khó chịu. Tuyết lại nói luôn:
– Em có nhiều bạn ở trên ấy lắm kia. Không tốn tiền thuê nhà đâu. Ồ, thích nhỉ, lâu nay em không đến Lạng Sơn, nhớ quá.
Chương ghé vào tận tai Tuyết thì thầm:
– Thôi đi! Mình lố lắm.
Tuyết vô tình ngỏ ý muốn đi Lạng Sơn với Phương, nhưng nghe Chương cự thì nàng im ngay, rồi nói chữa:
– Ồ! Mà đi thế không tiện nhỉ!
Ba người cùng thấy khó chịu, yên lặng ngồi nhìn vơ vẩn. Mặt trời mọc đã cao, nhưng bị mây che khuất nên vẫn có bóng rợp mát. Bỗng Tuyết trỏ một người đội nón lá, tay cầm một cái cào đất, đi giật lùi bên làn nước biển đương xuống, và hỏi Chương:
– Họ làm gì thế kia?
Tuyết cũng thừa biết đó là một người bắt ngao, song nàng vờ hỏi cho có câu hỏi, vì nàng hiểu rằng câu chuyện đi Lạng Sơn đã gây nên một làn không khí khó thở nó bao bọc lấy ba người. Chương đáp:
– Người ta đi bắt ngao.
Tuyết đưa mắt rất tình tứ, mỉm cười với Chương:
– Bắt ngao? Hay nhỉ!
Bao nhiêu sự tức giận đã biến hết. Chương lại tươi cười giải nghĩa cho Tuyết nghe cách bắt ngao.
– Sao lại gọi là con ngao, mình nhỉ?
– Nào ai biết.
Lời nói của Tuyết có ý lả lơi bỡn cợt. Phương lấy làm ngượng đứng dậy cáo từ về nhà. Tuyết rất hồn nhiên:
– Ô kìa, bảo người ta ra để xin lỗi, mà chưa xin lỗi đã định về. Về thế nào được kia chứ?
Phương càng ngượng. Chàng đoán chừng Tuyết đã hiểu xin lỗi về việc gì.
Gượng cười, chàng đáp:
– Thôi, để lần sau.
– Vậy chiều nay nhé?
– Vâng, chiều nay.
Phương đưa tay ra bắt tay Chương. Tuyết cũng đưa tay ra bắt tay Phương.
Chờ Phương đi một quãng xa, Chương bảo Tuyết:
– Mình trâng tráo quá.
– Thế à?
– Ai lại ngôn ngữ, cử chỉ tự do quá thế?
– Đã đạo đức rồi!
– Không phải anh đạo đức, nhưng cái gì cũng phải có giới hạn.
– Nhưng có bao giờ em bước qua giới hạn đâu?
– Không phải anh ghen, nhưng anh rất sợ lố. Em nên hiểu rằng sự lố giết giết người, “le ridicule tue”.
– Nhưng em có lố đâu?
– Khổ quá! Còn thế nào mới là lố?
– Vậy xin lỗi mình nhé, từ nay em không lố nữa. À này, mình ạ, bà phủ Thanh cũng có ở ngoài này đấy.
Cố giữ vẻ lãnh đạm, Chương uể oải đáp:
– Hình như thế.
– Chắc thế nào cũng có cô Thu, nhỉ? Em nghe nói bây giờ cô ấy gầy lắm.
Chương hơi có giọng gắt:
– Ai bảo em thế?
– Anh Phương.
– Này! Phương không tốt đâu, em chẳng nên thân với hắn.
– Anh rõ vô ơn!
– Thế nào là vô ơn?
– Anh phải biết có một người bạn thì hơn là mười kẻ thù. Anh Phương đang là bạn anh, không khéo trở nên kẻ thù anh mất. Vì em nghĩ thế nên ban nãy em đã hết sức làm cho anh Phương vẫn nguyên là bạn anh. Thế mà anh chẳng ơn cho thì chớ, lại còn oán giận.
– Nếu thế thà cứ thù còn hơn. Nhưng thôi, đi về mình ạ. Trời ơi lắm rồi.
Tuyết vui vẻ đứng dậy bước xuống bãi cát. Nhưng vừa đi được một quãng, nàng quay nhìn ra phía biển lại gặp người bắt ngao ban nãy vẫn chậm chạp đi giật lùi sau cái nạo, lưỡi sắt ăn sâu xuống cái thành hai cái rãnh nhỏ ngoằn ngoèo. Nàng liền kéo Chương lại xem.
Người kia thản nhiên như không có ai đến gần vẫn lẳng lặng đi giật lùi, thỉnh thoảng nghe có tiếng cách, lại dừng chân cúi xuống bới nhặt con ngao bỏ vào cái giỏ buộc ở thắt lưng bên sườn.
Tuyết hỏi:
– Một ngày bác bắt được bao nhiêu?
Không ngẩng đầu lên, và vẫn từ từ đi giật lùi người kia đáp:
– Cũng có khi được nhiều, cũng có khi được ít.
– Nhiều là bao nhiêu?
– Một giỏ.
– Thế một giỏ bao nhiêu tiền?
– Vài hào.
Ngắm bộ quần áo nâu bã của người bắt ngao, Tuyết đem lòng thương hại.
Nàng cười bảo Chương:
– Bác ấy có cái nón đẹp quá, nhỉ?
Quả thật, cái nón đan bằng tre trông kiểu rất xinh xắn, như nón người đình trưởng vẽ trong bức tranh Tàu. Tuyết bảo người bắt ngao:
– Bác cho tôi coi cái nón tí nào.
Người kia đứng lại, vẻ mặt lạnh lùng, đưa nón cho Tuyết xem. Tuyết hỏi:
– Bao nhiêu tiền cái nón này thế bác?
– Không biết.
– Sao lại không biết?
– Tôi có mua đâu mà biết giá.
– Vậy ai cho bác?
– Tôi đan lấy.
Tuyết cười:
– Để lại cho tôi nhé?
Người bắt ngao lắc đầu, đưa tay giật lấy nón.
Tuyết lại hỏi:
– Tôi trả bác một đồng đấy.
Người kia vẫn lắc rồi đội nón lên đầu mà đi. Tuyết lấy làm lạ rằng một người nghèo đói một ngày được vài hào là cùng, thế mà trả một đồng bạc cái nón tre không bán. Nàng thì thầm bảo Chương – Mình cố mua cái nón ấy cho em.
Nể lời, Chương chạy theo gọi:
– Bác bắt ngao, tôi bảo cái này.
Người kia dừng lại chau mày tỏ vẻ khó chịu.
Chương hỏi:
– Cái nón ấy, tôi trả bác hai đồng đấy, bác bán cho tôi đi.
– Đã bảo không bán mà lại!
Chương kinh ngạc hỏi:
– Vậy bác có vợ con không?
Nghe câu hỏi người kia hầm hầm tức giận, lẩm bẩm như chửi rủa ai, đi thẳng mà đi rất mau. Chương không theo nữa, cùng Tuyết về nhà. Quay lại nhìn, vẫn thấy cái hình thù lom khom, dáng điệu chậm chạp đi sấp bóng mặt trời, ở ven làn nước đỏ viền bọt trắng.
Suốt ngày hôm ấy, Chương và Tuyết có dáng không vui. Tuyết xưa nay vẫn dễ dàng, tự nhiên, thế mà Chương thấy nàng bỗng trở nên ngượng ngùng, bẽn lẽn, nhất là buồn tẻ rã rời.
Cơm chiều xong, Chương tẩn mẩn cầm thìa cà phê gõ vào chén, còn Tuyết thì chống tay vào má nhìn qua cửa sổ ra nơi chân trời.
– Mình nghĩ gì vậy?
Nghe câu hỏi, Tuyết quay lại uể oải bảo Chương:
– Đưa em gói thuốc lá.
Rồi nàng đánh diêm, yên lặng ngồi hút thuốc, cặp mắt mơ màng theo khói.
– Tuyết ạ, nếu Tuyết không thích ở ngoài này thì vài hôm nữa, ta về Hà Nội.
– Sao lại về?
– Ra đây mà buồn thiu buồn chảy, chỉ tổ ốm thêm thà về còn hơn.
Tuyết không trả lời, vẫn nhìn theo làn khói bị gió thổi bay tạt ngang.
– Đi chơi đi!
Thong thả Tuyết đứng dậy:
– Đi thì đi.
Rồi nàng cười ngất, đưa tay ra khoác cánh tay Chương để cùng ra bãi biển.
Lần đầu, Chương nhận thấy tiếng cười của Tuyết ghê sợ, xa xăm.
Bấy giờ đã gần chín giờ. Đêm không trăng nên trời tối lắm. Những người đi chơi mát vẫn còn lẻ tẻ. Tuyết và Chương, mỗi lần quay trở lại, là một lần gặp họ, hoặc đi một mình, hoặc đi từng cặp, lờ mờ in bóng đen lên mặt nước biển.
Qua nhà khách sạn tây, Tuyết trông thấy đèn sáng, bảo Chương đưa vào giải khát. Hôm ấy không nhằm thứ bảy, chủ nhật, nên khách rất vắng. Những bàn trải khăn trắng, phản chiếu ánh đèn điện càng làm tăng vẻ lạnh lẽo của mấy gian phòng trống không.
Chương và Tuyết ở bãi cát đi lên cái nền cao có bao lơn vây bọc, rồi đứng đó nhìn vào trong. Một người bồi chạy lại hỏi:
– Thưa ngài dùng gì? Ngài ở đây hay vào trong nhà?
Chương kéo ghế mời Tuyết ngồi rồi hỏi:
– Mình dùng gì?
– Cà phệ. – Vừa uống cà phê ở nhà.
– Uống nữa.
– Sợ không ngủ được.
Tuyết tắc lưỡi đáp lại:
– Mọi khi uống hai, ba cốc vẫn ngủ như thường thì sao?
Chương bảo người bồi:
– Hai chén cà phê.
– Thưa ông dùng “rôm” hay “cô-nhác”?
Tuyết nói luôn:
– Rôm.
Người bồi vừa quay đi thì hai người trẻ tuổi có dáng bộ nhanh nhẹn và chững chạc, từ dưới bãi cát bước lên, kéo ghế ngồi ngay bên bàn Chương và Tuyết, rồi dõng dạc gọi hỏi:
– Hai bốc. Mà mau lên!
Họ nói chuyện toàn bằng tiếng Pháp. Đã hai lần Chương thì thầm bảo Tuyết đổi bàn, nhưng hình như chẳng lưu ý gì đến hai người kia, Tuyết vẫn ngồi chống tay vào cằm nhìn ra ngoài biển.
Bỗng nàng giật mình giương mắt, đăm đăm ngắm nghía hai người lạ. Nàng không nhìn rõ mặt, vì đèn điện xe chỉ chiếu lờ mờ. Nhưng nàng vừa nghe một người nói tiếng “naturellement” như quen quen. Nàng liền để ý đến câu chuyện của họ:
– Bây giờ anh định làm gì?
– Tôi chờ bổ.
– Sao không mở phòng khám bệnh?
– Anh tính tiền đâu?
– Chà! Làm gì lại không có anh em bỏ vốn ra cho anh?
Sau một tiếng thở dài, người kia đáp:
– Anh em! Mong gì anh em! Tôi bây giờ ngoài anh ra không còn bạn nào nữa, kể cả bạn gái.
Tuyết đứng phắt dậy, lại gần bàn hai người, chào hỏi:
– Có phải Văn đấy không?
Người kia ngơ ngác hỏi lại:
– Ai mà biết tên tôi thế?
Tuyết cười khanh khách, cái cười thẳng thắng đã trở lại trong tâm hồn nàng:
– Thảo nào mà anh phàn nàn không có bạn gái. Anh dễ quên bạn thế, còn trách ai? Anh không nhớ Tuyết à?
Người kia hoảng hốt:
– Trời ơi! “Tuyết con” đấy phải không?
– Chính! Còn anh là “Văn gấu” chứ gì.
Chương ngượng quá, chỉ muốn lôi phăng Tuyết về. Lâu nay chàng vẫn sợ Tuyết gặp những bạn bè thuở xưa. Nhưng Văn hình như không thèm lưu ý đến chàng, kéo Tuyết ngồi xuống ghế và hỏi dồn:
– Ra đây từ bao giờ thế? Dùng gì? Nước cam nhé?
Tuyết lắc đầu, thì thầm từ chối.
– Cám ơn anh, tôi đi với ...
Nàng không nói được dứt câu, chỉ quay lại đưa mắt nhìn Chương. Văn cũng nhìn theo. Lúc đó chàng mới nhận ra rằng Tuyết đi với tình nhân. Chàng hất hàm ra hiệu hỏi:
“Đi với hắn đấy à?”. Tuyết gật. Văn nói rất sẽ:
– Giới thiệu đi.
Tuyết nói chõ sang bảo Chương:
– Mình ơi, lại đây em bảo.
Chương đến gần, Tuyết chỏ lần lượt Văn và Chương:
– Anh Văn, người bạn cũ của em. Anh Chương, chồng tôi.
Hai người bắt tay nhau cùng nói “Hân hạnh!”.
Văn giới thiệu lại với Chương người bạn, ông Hanh, một nhà thương mại ở Hải Phòng.
Chương lấy làm khó chịu, trở lại chỗ cũ. Mà Tuyết sợ Chương giận cũng đi theo. Nhưng hình như nàng đã lại tìm thấy sự vui vẻ tự nhiên mấy hôm trước, luôn luôn quay sang bàn Văn huyên thuyên góp chuyện cười đùa. Văn nói cho nàng và Chương biết rằng chàng vừa ở Pháp về, đã đậu y khoa tiến sĩ và chờ bổ đi coi một nhà thương ở một tỉnh lỵ nào đó. Chàng kể len vào câu chuyện những sự đã xảy ra ngày xưa mà hình như Tuyết có biết. Trong những câu trả lời, Tuyết cũng nói xa xôi cho Văn hiểu rằng ngày nay không còn là ngày xưa, và Văn không nên làm phiền lòng một người rất yêu thương nàng.
Một lát sau, khi đã uống hết chén cà phê, Chương gọi bồi trả tiền rồi đứng dậy chào:
– Xin lỗi hai ông chúng tôi về ngủ.
– Ngủ làm gì mà sớm thế, thưa ông?
Tuyết cũng nói:
– Thong thả đã mình, về làm gì vội?
Chương thấy Tuyết ra chiều lưu luyến Văn, càng tức tối và càng quả quyết về bằng được.
– Về thôi, anh mệt lắm.
Lạnh lùng Tuyết đáp:
– Về thì về!
Rồi nàng quay ra hỏi Văn:
– Anh còn ở đây lâu?
– Có lẽ.
– Chắc chứ còn có lẽ gì nữa.
– Vâng chắc ... Ông bà ở đâu vậy?
– Villa des Antigones.
Chương giơ tay bắt tay, nói:
– Mai xin mời hai ông lại chơi.
– Xin vâng.
Khi đã xuống tới bãi cát, Chương hỏi Tuyết:
– Sao mình quen hắn ta?
Tuyết không trả lời. Chương nhắc lại câu hỏi.
Bỗng Tuyết cười sằng sặc rồi đáp lại:
– Mình hỏi xuẩn ngốc lạ!
Chương gắt:
– Thế nào là xuẩn ngốc?
– Sao mình hỏi em vì sao em quen mình?
Câu trả lời như vẽ trong trí tưởng tượng của Chương cả một đời giang hồ ghê tởm. Nhưng Tuyết vẫn cười chế nhạo.
– Mình im ngay.
Nghe tiếng Chương cự, Tuyết im bặt. Rồi hai người thong thả, uể oải đi bên nhau, không ai nói một lời:
Mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Chương thì tưởng tới cái đời vô lý, cái đời xấu xa của Tuyết, trái ngược hẳn với cái đời sung sướng, trong sạch mà chàng cùng muốn nàng sống. Được như thế, nào có khó khăn gì. Đời ký vãng của Tuyết, chàng sẵn lòng quên hẳn, chàng chỉ mong Tuyết cũng quên được như chàng ...
Nhưng nào Tuyết có quên! Vừa gặp một người bạn cũ, nàng đã nhận thấy bao cảm tưởng và cảm giác trong một quãng đời quá khứ ngổn ngang sống lại.
Người ấy, lần đầu, đã dạy nàng yêu, nàng tưởng không bao giờ quên được.
Sáng hôm sau, Chương và Tuyết cùng dậy sớm. Một buổi sáng mát mẻ như đã đuổi những tư tưởng buồn rầu, ngờ vực ám ảnh hai linh hồn từ nhiều hôm trước. Hai người vui vẻ ra bờ biển dạo chơi.
Bỗng người bắt ngao đi bên làn nước nhắc Tuyết nhớ lại câu chuyện mua nón. Nàng cười bảo Chương:
– Kìa, anh bắt ngao hôm qua. Ta lại gần xem.
Dạng bộ vẫn chậm chạp, vẻ mặt lạnh lùng, người bắt ngao không buồn để ý đến Chương và Tuyết. Cũng như sang hôm trước, và mọi buổi sáng khác, người ấy đặt đầu cán nạo vào ngực, từ từ đi lùi, sau vết vạch lên cát ướt, thanh hai đường song song.
Một tiếng cạch, người ấy cúi xuống bới. Nhưng đó không phải là con ngao mà chỉ là một hòn đá. Mặt cau có, mồm nguyền rủa, người ấy cầm hòn đá ném mạnh ra biển, Tuyết thích chí cười khanh khách và liếc nhìn Chương. Nhưng người kia chẳng thèm nói nửa lời, lại lững thững đi giật lùi mà đi mau hơn trước. Tuyết kéo Chương rảo bước đi theo, rồi hỏi đùa:
– Này! Vợ con bác sao vậy?
Người bắt ngao không trả lời. Tuyết vẫn cười, hỏi lại:
– Vợ bác ở đâu?
Người kia đứng dừng lại, trợn mắt nhìn, rồi gắt:
– Bà biết vợ tôi?
– Không, tôi có biết đâu?
– Không biết thì bà hỏi làm gì đến con khốn nạn ấy?
Tuyết vờ tỏ ý thương hại:
– Bác ấy làm sao thế?
Người bắt ngao bĩu môi một cách rất khinh bỉ:
– Lại còn làm sao nữa? Nó đi theo trai rồi chứ còn làm sao nữa ...
Chương và Tuyết đưa mắt nhìn nhau rồi cùng cúi mặt xuống ngượng nghịu.
Thì người kia hình như muốn khoe, kể lể:
– Năm ngoái cái con khốn nạn ấy còn dám vác mặt ra đây với cái thằng phải lòng nó. Bây giờ nó lịch sự lắm, ăn mặc đài điếm lắm.
Chương và Tuyết còn đang ngây người đứng suy nghĩ thì người bắt ngao giật lùi đi được một quãng xa. Từ bấy giờ, hai người như muốn tránh cặp mắt nhau. Bỗng ai gọi:
– Ông giáo!
Cả hai cùng quay về phía có tiếng gọi. Một bọn ba người, một người đàn ông và hai người đàn bà đi đến. Người đàn ông giơ tay bắt tay Chương:
– Ông ra đây từ bao giờ?
Bấy giờ Chương mới nhận ra được huyện Khiết, bà phủ Thanh cùng cô Thu.
Chương liếc nhìn trộm Thu thấy nàng xanh và gầy hơn trước, nhưng có phần lại đẹp hơn lên. Dáng điệu và tính tình nàng đổi hẳn. Xưa dễ dàng vui tươi mà hay buồn tẻ, lãnh đạm. Nàng nhìn ra ngoài biển rồi kéo bà phủ, vờ chỉ trỏ và hỏi những chuyện đâu đâu. Biết rằng Thu muốn lánh mặt, Chương ngả đầu chào, tuy bà phủ và cô con vẫn quay mặt ra phía biển. Chàng đưa tay bắt tay Khiết, rồi cùng Tuyết trở về nhà. Khiết còn hỏi với một câu hình như muốn trêu tức:
– Chúng tôi sắp đi suối Rồng đây, ông bà có đi không?
Tiếng “ông bà”, Khiết nói rất to để Thu nghe rõ, vì chàng biết rằng Thu vẫn còn mến tiếc Chương. Song Chương chẳng nghĩ tới điều đó, đáp lại:
– Cám ơn ông, Chúng tôi không thể đi được.
Nhưng Tuyết hiểu:
Nàng bĩu môi và hầm hầm căm giận anh chàng khả ố kia.
Cái tính nghịch ngợm của nàng bỗng lại ngùn ngụt bốc lên. Nàng cao tiếng cười chế nhạo rồi đáp:
– Xin mời ông đi trước, chúng tôi sẽ cùng đi ngay đây.
Chương chau mày có ý không bằng lòng. Tuyết thì thầm bảo Chương:
– Nó làm như cô kia ...
Nàng ngưng bặt, ngẫm nghĩ vài giây rồi nói tiếp:
– Đi, mình ạ. Cứ đi. Nếu mình không đi thì nó cho là mình sợ.
– Sợ cái gì mới được chứ?
– Rồi mình sẽ biết. Ta cứ đến suối Rồng đã.
Chương và Tuyết yên lặng đi được một quãng thì ở đằng xa có hai người đàn ông ở bãi cát rẽ qua một con đường ngang gồ ghề đầy những tảng đá lớn để lên phố. Tuyết nhận ra ngay được một trong hai người là Văn, liền gọi. Chương chau mày bảo Tuyết:
– Mình gọi ông ấy làm gì?
– Để rủ cùng đi suối Rồng.
– Thôi, rủ họ làm gì, biết họ có đi không?
– Thôi vậy.
Tuyết có vẻ khó chịu, lạnh lùng đi bên cạnh Chương mà tâm trí như ở đâu.
Bỗng nàng như chợt nghĩ ra điều gì, quay lại bảo Chương:
– À này, mình ạ, chúng ta đừng đi suối Rồng nữa.
– Sao mình đổi ý kiến chóng thế?
Câu nói chế nhạo của Chương khiến Tuyết mỉm một nụ cười khinh bỉ mà thương hại. Nhớ lại những hôm Tuyết có tính chua chát, độc ác như thế, Chương rùng mình ghê sợ. Nhưng khi về đến nhà, Tuyết lại vui vẻ, tươi cười, âu yếm trò chuyện với Chương mà có phần lại âu yếm hơn mọi ngày. Rồi Tuyết xuống bếp giúp Vi làm cơm.
Cơm xong, Chương ngủ trưa. Tối hôm trước, câu chuyện xảy ra ở khách sạn làm cho chàng bực tức, thức suốt đêm, nên hôm nay vừa đặt mình nằm là chàng ngáy liền. Tuyết ngồi đan cái mũ tắm biển luôn luôn đưa mắt ra hiên, băn khoăn như mong đợi ai.
Quả một lát sau có hai người rầm rộ và cười nói đi lên bực đá. Tuyết vội vàng đứng cửa sổ đặt ngón tay vào môi, ra hiệu bảo im, rồi rón rén bước ra. Văn (vì hai người mới đến chính là Văn và Hanh) mỉm cười gật đầu và cao tiếng hỏi:
– Ông giáo có nhà không?
Lần thứ hai, Tuyết ra hiệu bảo nói sẽ rồi lại gần ghé vào tai thì thầm mấy câu khiến Văn ngẩn ngơ, đáp lại:
– Ồ, thế à? Chúng tôi toan rủ ông bà đi Hải Phòng chơi, nhân tiện có ô-tô của ông Hanh.
Tuyết liếc mắt mắng yêu:
– Đốt đi! Ông với bà mãi ... Có đi suối Rồng thì đi, chứ đi Hải Phòng thì chịu.
Hanh nhìn Văn:
– Đi suối Rồng cũng được.
Văn vui vẻ bảo Tuyết:
– Vậy Tuyết trang sức mau lên rồi đánh thức ông giáo dậy.
Tuyết vội gạt:
– Ấy chết! Chương mệt phải để cho ngủ chứ, mình em đi thôi.
Rồi nàng lại ghé vào tai Văn nói thầm, khiến Văn vui mừng hớn hở:
– Vậy hai anh chờ em ở đây một tí nhé. Em vào mặc cái áo, đánh qua lượt phấn là xong.
Một lát, Tuyết y phục cực kỳ tráng lệ, cổ quấn khăn quàng, tay xách va-li nhỏ, làm như đi đâu xa lắm.
Tuyết cười, tỏ ra người vô tư lự, rồi bí mật bảo Hanh:
– Biết đâu không đi xa?
Mười phút sau, ba người đến suối. Bỗng Tuyết vừa vẫy tay vừa gọi:
– Ông huyện! Ồ, thú nhỉ, ông còn ở đây?
Khiết đang gập cái ống ảnh nhỏ. Ngẩng đầu lên thấy Tuyết, chàng chưa kịp nói câu gì. Tuyết đã hỏi luôn:
– Ông đến một mình à?
– Tôi đi với bà phủ và cô Thu.
– Vậy bà lớn đâu?
– Kìa!
Khiết trỏ cái nên cao, bên gốc cây đa già. Tuyết nhìn theo thấy bà phủ và Thu ngồi nghỉ mát trên đám rễ cây. Nàng nói to cốt để hai người đàn bà kia nghe tiếng:
– Xin giới thiệu với ông người bạn rất thân của tôi, ông Văn, huyện khoa tiến sĩ.
Nàng vừa nói vừa vỗ tay vào vai Văn rồi trỏ Khiết nói tiếp:
– Ông huyện Khiết, chồng sắp cưới của cô Thu.
Hai người bắt tay nhau:
– Còn đây là ông ... một ông phú thương ở Hải Phòng.
Khiết đưa tay bắt tay Hanh. Tuyết ngắm nghía cái ống ảnh ở tay Khiết:
– Ông chụp cho tôi một cái nhé?
– Xin vâng.
Tuyết ngây thơ cười reo, vui mừng, rồi quay lại bảo hai người cùng đi với mình:
– Hai anh gội lại cái đầu cho choáng một tí.
Trong khi Khiết sắp ống ảnh và Tuyết soi gương để đánh phấn và sửa lại mái tóc, thì Văn và Hanh cúi gội đầu ở dòng suối chảy từ cái máng cọ xuống cái vũng nhỏ ở giữa mấy tảng đá lớn. Tuyết làm một ra vẻ thân mật nói đùa với Khiết:
– Chụp cho em thật đẹp kia nhé, để em tặng người yêu của em.
Khiết hỏi lại:
– Tặng ông giáo Chương?
Tuyết cười vang:
– Không, tặng cho anh Văn chứ. Còn anh Chương thì anh ấy yêu người khác đẹp mấy lần em kia, chứ em thì nước gì!
Câu ấy Tuyết nói thật to cốt để Thu nghe rõ. Quả thật Thu tò mò, muốn biết chuyện Chương, nói bà phủ đi xuống để trở về nhà. Tuyết ngả đầu chào vờ như lúc bấy giờ mới chợt nhìn thấy hai người. Rồi nàng điềm nhiên thuật cho Khiết nghe một câu chuyện nàng bịa đặt ra:
– Anh Chương tốt lắm, ông ạ, rất tốt với bạn. Vì anh Văn, người yêu của tôi phải đi vắng một độ nên gửi tôi đằng anh ấy. Thế mà người tôi không biết, người ta dị nghị đu điều. Song anh ấy vẫn nhịn, chẳng thèm phân trần nửa lời, chỉ cốt sao cho hết lòng với bạn mà thôi.
Khiết mỉm cười một nụ cười ngờ vực. Còn Thu thì nàng tin ngay là Tuyết nói thật. Câu chuyện vô lý thế, chứ vô lý nữa có lẽ cũng làm Thu được sung sướng. Bấy giờ Văn và Hanh đã chải đầu xong, đi tìm chỗ để đứng chụp ảnh.
Tuyết lấy chiếc khăn ren buộc vào cái “can” của Văn rồi vác lên vai, như vác lá cờ.
Chụp ảnh xong, Tuyết nói cảm ơn và chào bọn Khiết rồi vui vẻ kéo Văn và Hanh ra ô-tô để trở về Đồ Sơn. Bà phủ bảo Khiết:
– Đồ đĩ thõa thế mà cậu cũng chụp ảnh cho nó!
Thu bĩu môi tỏ vẻ khinh bỉ.
Sáng hôm sau, bà phủ và Thu đi chơi hóng gió mát ngoài bãi biển. Khiết thì đã về ngay từ chiều hôm trước, vì chàng ra Đồ Sơn không xin phép, nên không dám ở lâu.
Tình cờ hai người gặp Chương đang thong thả đi bên anh bắt ngao và rời rạc hình như để cho qua thời gian.
Nghe tiếng dép xệt xệt trên cát ướt, Chương ngẩng đầu lên, thì hai người đàn bà đã đến bên cạnh, khiến chàng không lẩn kịp. Bất đắc dĩ, chàng phải cất mũ chào. Bà phủ hỏi:
– Sao lâu nay không thấy ông lại chơi?
– Thưa cụ, cháu bận.
Bà phủ cười:
– Ra ngoài này chắc là không bận gì nữa. Vậy trưa mời ông lại nhà đánh tổ tôm nhé?
Chương ừ hử trả lời chẳng ra câu. Bà phủ nói tiếp:
– Ở đây tôi chỉ có hai việc tắm bể và đánh tổ tôm.
Thu tưởng nên nói bông một câu:
– Bẩm me, còn ngủ với ăn nữa chứ?
Chương cố nhách một nụ cười gượng để câu khôi hài của Thu đỡ nhạt. Rồi chàng ngả mũ toan quay đi. Nhưng chẳng biết vì tin lời Tuyết nói ban nãy, hay cố ý định trêu tức, mà bà phủ hỏi Chương:
– À này, ông giáo, hai ông bạn ông hôm qua đi với cái người con gái ông quen ấy mà, nếu còn đây thì ông mời lại chơi nhân thể nhé?
Thu chau mày, cho là mẹ nói một câu hớ. Còn Chương thì chàng không đáp, cất mũ chào lần cuối rồi quay lưng đi thẳng.
Buổi trưa, vừa ăn cơm sáng xong và đương ủ rũ đứng ti lan can nhìn ra biển, Chương đã thấy người nhà bà phủ đến mời, Chương cũng muốn quên sự đau đớn, liền nhận lời ngay, và đi thay quần áo.
Bức thư từ biệt của Tuyết vẫn để trên bàn. Chương không thể nào không để ý đến được, tẩn mẩn cầm lên đọc lại lần này chẳng biết là lần thứ mấy.
Anh Chương, Hơn bốn tháng, chúng mình ăn ở với nhau, tưởng quá lâu rồi. Em đã thề với em rằng bao giờ em cũng sẽ là của em, từ thế phách cho chí tâm hồn. Em không sao làm vợ, nghĩa là làm vật sở hữu của ai được.
Rời anh chắc em sẽ nhớ anh, mà anh sẽ chẳng khỏi buồn rầu. Nhưng ta phải can đảm mới được, phải cố quên đi.
Em Tuyết.
T.B- Anh đừng tìm em vô ích. Em chẳng giấu giếm anh; em đi với Văn đấy.
Mà em yêu Văn hơn anh, anh đừng phiền. Và, chúng ta cũng không nên kéo dài cái đời sống chung của chúng ta ra làm gì. Sẽ có hại cho ái tình của chúng ta lắm lắm.
Chương thở dài, đăm đăm suy nghĩ rồi vò nát bức thư ném qua cửa sổ, chép miệng lắc đầu nói khẽ:
– Khốn nạn!
Chương đánh tổ tôm bên bà phủ mãi gần tối mới về ngủ, chẳng thiết ăn uống gì. Rồi sáng hôm sau, chàng về Hà Nội sớm.
Bỏ Chương để đi với Văn, Tuyết cho là một hành vi rất tự nhiên, cũng tự nhiên như trước kia nàng rời Bảo đến ở với Chương. Là vì nàng coi thường tình ái, hay đúng hơn, nàng cho rằng tình ái chỉ là tình dục, thế thôi.
Nhưng đối với Chương, ái tình gần như là một sự thiêng liêng, nhất lần này, chàng lại mới yêu là một, yêu hoàn toàn, yêu nhục thể và tâm hồn. Tuyết tưởng Chương sẽ quên nàng ngay, song chàng quên sao được ở trong một cái nhà đầy kỷ niệm của người yêu? Từ những cây hoa ở ngoài vườn tuy nay đã tàn cho chí những đồ dùng, những quần áo của Tuyết, cho chí cái dư hương còn phảng phất trong khắp các phòng.
Muốn tránh sự nhớ nhung, Chương cất biệt đi một nơi kính hết thảy những quần áo của Tuyết. Còn những hộp phấn, những lọ nước hoa thì chàng gói vào một bọc, rồi một buổi chiều, đem vứt xuống Hồ Tây. Nhưng cái dư hương kia vẫn phảng phất trong các phòng, vẫn thoang thoảng trong lành không khí bao bọc lấy mình Chương.
Bực tức,Chương định đổi chỗ ở, thì một buổi chiều Tuyết trở về ...
Tuyết trở về lúc Chương đi tìm nhà.
Vẻ mặt buồn rầu, dáng điệu uể oải, Tuyết vào phòng khách ngồi phịch xuống cái ghế nệm dài. Nàng cũng chẳng buồn hỏi Vi xem Chương có nhà hay đi vắng. Như người mất trí nghĩ, nàng nhắm mắt gục đầu vào cánh tay.
Gần hai tuần lễ ở với Văn, người xưa, đã biến cải tâm tính nàng một cách sâu xa đến thế? Một cô gái lúc nào cũng vui, cũng cười với hiện tại, không hề bao giờ nghĩ đến ngày mai, cớ sao bỗng như mất hết nghị lực để sống? Văn ruồng rẫy nàng chăng? Hay đó là kết quả của sự trụy lạc nhũ thể?
Nửa giờ sau, Chương về, Tuyết vẫn nằm gục xuống bàn. Giá thỉnh thoảng có một tiếng thở dài không làm cho hai vai nàng hơi đưa lên thì ai bước vào phòng trông thấy cũng tưởng nàng ngủ. Tiếng giày lộp cộp từ hiên đi vào. Ngẩng đầu lên, thoáng thấy bóng Chương, Tuyết vội quay mặt vào phía trong. Cái tính trâng tráo mọi ngày đã không còn nữa.
Tuyết vẫn tưởng Chương sẽ nổi cơn thịnh nộ và nói những lời tàn tệ, hay ít ra cũng có vẻ mặt lạnh lùng, khinh bỉ. Nhưng trái lại hẳn, chàng thản nhiên cất tiếng gọi Vi và bảo:
– Mợ đi chơi đã về. Vậy chiều nay có đủ thức ăn không?
– Bẩm đủ.
Chương treo mũ lên mắc, rồi ung dung đến bên Tuyết hỏi một cách rất tự nhiên:
– Em đi Lạng Sơn về có mệt không?
Tuyết hai tay bưng mặt khóc. Lần đầu Chương thấy Tuyết khóc. Thương hại, chàng vuốt ve mái tóc người yêu, khẽ nói:
– Em chả nên thế, làm phiền lòng anh lắm.
Như không nghe thấy gì, Tuyết vẫn gục đầu xuống cánh tay, khóc nức nở.
Chương bỗng chau mày nhìn Tuyết một cách ghê tởm. Mấy hôm nay chàng vẫn đem những triết lý về sự sống ra tự an ủi, để quên nỗi nhớ thương. Song chàng có ngờ đâu Tuyết lại dám vác mặt về nữa. Vì thế chàng không nghĩ đến cách đối phó với Tuyết.
Nay Thốt gặp mặt người yêu, chàng bối rối, và sự mừng rỡ hồn nhiên làm cho chàng quên hẳn lòng tức giận. Nhưng mấy phút sau, khi đã kịp suy xét, chàng chỉ nhận thấy Tuyết là một người đáng ghê sợ, một con vật hung dữ đáng lánh xa.
Tuyết ngẩng mặt lên nhìn chàng. Đôi mắt ướt và dịu dàng của Tuyết bảo cho chàng biết rằng chàng đã nghĩ lầm. Cặp môi nhách một nụ cười, nụ cười đau đớn nhưng âu yếm, nói với chàng rằng Tuyết vẫn yêu chàng như xưa. Lòng căm hờn ngờ vực, khinh bỉ đã tiêu tán hết. Chỉ còn lại tấm lòng trắc ẩn. Se sẽ Tuyết nói, giọng thì thầm đầy những vẻ thành thật, mật thiết:
– Anh tha tội cho em.
Chương toan đáp:
“Em có tội gì mà anh tha?”. Nhưng chàng như líu lưỡi tắc họng không nói được nên lời. Thì Tuyết lại tiếp luôn:
– Vâng, tội em thật không đáng tha.
Rồi Tuyết thuật lại những sự đã xảy ra trong gần hai tuần lễ nàng đi với Văn, từ khi gặp Văn ở nhà khách sạn Đồ Sơn. Chương phần tức giận, phần thương hại, đăm đăm đứng nghe, không nói một lời.
– Trừ anh ra, từ nay em không thể yêu ai được nữa.
Chương cười chua chát, nhưng Tuyết không lưu ý tới.
– Thật vậy, anh ạ. Đối với em, anh tử tế quá, nên khi rời anh ra, em không thấy ai yêu em nữa. Em coi như họ tự phụ rằng có tiền mua gì cũng được, mà em là vật sở hữu của họ. Cực nhục lắm, anh ạ. Trước kia, không bao giờ em tưởng đến sự cực nhục ấy, nhưng mấy tháng ở với anh, ái tình trong trẻo của anh đã làm cho tấm thân dơ dáy của em trở nên trong sạch mất rồi.
Chương cảm động. Chàng chỉ có một mục đích là đưa Tuyết về con đường ngay thẳng, song chàng nhận thấy đó là một sự không thể làm nổi. Chàng vẫn đoán chắc rằng chóng chầy thế nào Tuyết cũng bỏ chàng để đi với người khác.
Vì vậy nên hôm đọc thư từ biệt của Tuyết, Chương tuy căm tức, đau đớn mà không kinh ngạc.
Chương ngẫm nghĩ tìm câu trả lời, tìm cách đối phó với Tuyết. Chàng không muốn tỏ cho Tuyết biết tính dễ tha thứ của chàng, nhưng chàng lại sợ rằng nếu nói tệ Tuyết quá thì nàng sẽ bỏ nhà đi, có lẽ không về đâu nữa, điều mà chàng lo sợ hơn hết.
– Anh giận em lắm phải không?
Câu hỏi của Tuyết làm cho Chương càng thêm lúng túng:
– Không.
– Anh không giận em thì sao anh lại không nói gì?
Rồi Tuyết nũng nịu:
– Chỉ tại anh ấy mà! Ai bảo anh cứ chiều em quá?
Chương quên hẳn lòng căm tức. Ôn tồn, chàng nói:
– Hôm nay nực lắm,Tuyết nhỉ? Tuyết có tắm không?
Thật ra, nghĩ đến thân thể Tuyết đã nằm trong lòng người khác, chàng ghê tởm. Tuyết ngoan ngoãn vâng lời ngay, đứng dậy lên gác.
Một lát nghe tiếng Tuyết gọi con sen. Chương vội chạy lên:
– Anh quên không bảo cho mình biết rằng con sen xin nghỉ phép về. Vậy mình nên mượn một đứa khác. Tuyết có vẻ suy nghĩ rồi cười bảo Chương:
– Thôi, mình ạ, em không muốn mượn đứa ở nữa. Em làm lấy. Bắt đầu từ nay, chúng ta phải cần kiệm mới được.
Thấy Tuyết đổi tính nết, Chương mừng thầm.
Tuyết nói luôn:
– Rồi anh xem!
Tối hôm ấy, hai người chẳng khác gì một cặp vợ chồng mới cưới, cùng nhau bàn việc nhà việc cửa, Tuyết nhất định rút bớt các khoản chi tiêu, để dành tiền trả nợ. Nàng không quên rằng vì nàng, Chương đã mắc nợ hơn nghìn bạc.
Một tháng qua, một tháng với sự sống êm đềm kín đáo.
Chương tự phụ rằng đã cải thiện được một cô gái giang hồ. Cô gái giang hồ ấy, trước kia chưa từng biết ái tình chuyên nhất là gì, thế mà nay yêu được mình, yêu được mình như một người vợ đoan chính yêu chồng. Đến chơi nhà anh em bạn, chàng thường đêm chuyện Tuyết ra kể, mà bao giờ chàng cũng kết luận một câu:
– Thật tôi lấy làm lạ, tính nết Tuyết nay khác hẳn.
Trong anh em, những người năng đến chơi nhà Chương cũng nhận thấy điều ấy:
Tính nết Tuyết khác hẳn trước.
Còn Tuyết, Tuyết rất chăm chú làm đẹp lòng Chương. Càng thấy Chương tử tế với mình, vị nể mình, Tuyết càng hết sức chiều chuộng. Có khi nàng đoán ra những ý muốn của Chương, rồi thế nào nàng cũng đạt được những ý muốn ấy một cách rất cảm động.
Một tháng qua như thế.
Nhưng trong thời gian ấy, tâm hồn hai người cùng không được bình tĩnh.
Chương luôn luôn sợ hãi điều gì sắp xảy ra. Chương coi sự yêu thương êm đềm, yên lặng như ấm nước vui vẻ reo trên ngọn lửa âm thầm cháy dịu. Chỉ một luồng gió thoáng qua, cũng đủ làm cho ngọn lửa bùng lên và nước trong ấm sôi sùng sục bắn tóe ra ngoài.
Tuyết thì thỉnh thoảng ngồi một mình, chợt rùng mình, ghê sợ. Nhất những buổi chiều mưa gió, sấm chớp, nàng đưa mắt nhìn trời, lắng tai nghe như có tiếng gọi ở chốn xa xăm. Nhưng sự nhớ ơn sự cảm động tấm lòng âu yếm chân thật của Chương vẫn còn thắng nỗi sự cám dỗ huyền bí của một cuộc đời vô định.
Người nọ dò la ý tứ người kia như hai cánh quân vô địch dò thám lẫn nhau, xoay chiến lược để kiềm chế lẫn nhau.
Chương quả quyết tin ở sức mạnh và ảnh hưởng của giáo dục và luôn luôn đem các thuyết về luân lý, về triết học, về tâm lý ra giảng cho Tuyết nghe. Dầu chán nản đến đâu, dẫu khó chịu đến đâu, Tuyết vẫn cố nén lòng và vờ lưu ý đến những lời buồn tẻ của Chương. Chương thấy thế càng vui sướng, càng hăng hái chăm nom việc dạy bảo tình nhân. Đến khi chàng coi công việc chàng làm hầu như bổn phận, như trách nhiệm thì Tuyết đã nghiễm nhiên trở thành một cô gái giả đạo đức, hoàn toàn giả đạo đức.
Là vì thấu hiểu Chương, biết Chương ưa những điều luân lý gay go, nàng cố luyện tâm hồn nàng theo vào khuôn khổ. Nhưng than ôi! Tâm hồn ta khó lòng biến cải được. Ta muốn có những tính tình của người tức là ta đã trở nên giả dối, nghĩ một đường đi một ngả.
Lúc đầu Tuyết vẫn thành thật muốn cải hóa. Sự giả dối chưa hề xuất hiện.
Rồi vì thói quen, cũng như thói quen đã đem lại cho ta những nết xấu khác, sự giả dối dần dần chiếm đoạt linh hồn Tuyết, như cỏ tranh mọc rất mau trong thửa ruộng bỏ hoang.
Thật vậy, hôm mới trở về, Tuyết chỉ có một tấm lòng hối hận, và một ý chí sửa lỗi. Nàng làm việc như một người nội trợ đảm đang, hầu hạ Chương như một đứa thị tì ngoan ngoãn. Nhiều việc làm của nàng rất tầm thường đã tỏ cho Chương thấy nàng âu yếm biết bao.
Một lần, Chương thấy nàng pha một cốc cà phê, liền hỏi sao nàng không uống. Nàng trả lời rằng đã chừa cà phê từ lâu, vì uống cà phê không ngủ được.
Nhưng luôn mấy hôm, Chương thấy nàng pha lại để uống nước thứ hai thì chàng mừng thầm rằng sự thay đổi - ảnh hưởng của giáo hóa – đã bắt đầu:
Tuyết trở nên một người đàn bà cần kiệm.
Có khi cần kiệm thái quá làm cho Chương sinh ngượng vì cái tính keo bẩn bủn xỉn của Tuyết. Mỗi lần nàng kì kèo mè nheo bếp Vi về một xu, một trinh tiền chợ tính lầm hay mua đắt là một lần chàng ôn tồn, vui vẻ khuyên răn nàng và giảng cho nàng nghe một bài luân lý về sự phân biệt tính cần kiệm và tính biển lận.
Thật ra, chàng sung sướng nhận thấy Tuyết đã nghĩ tới giá trị đồng xu.
Chàng có ngờ đâu rằng đó chỉ là một sự quá khích trong khi ta quá sốt sắng sửa mình.
Một buổi chiều trong những buổi chiều Tuyết ngồi một mình buồn tẻ, ngây ngất trông qua cửa sổ nghĩ tới hiện tại và tương lai. Sự lo ngại vẩn vơ vừa thoáng qua tâm hồn nàng khiến nàng cảm thấy – tuy cảm thấy một cách lờ mờ- sự trống rỗng của đời nàng.
Chương đi dạy học ở trường tư chưa về. Đã mấy tuần nay vì muốn thực hành bản chương trình tiết kiệm, nàng khuyên Chương dạy học tư để kiếm thêm tiền.
Chương vẫn tỏ lòng cám ơn nàng về việc ấy, mà nàng vẫn lấy làm tự phụ đã giúp Chương được việc ấy. Nhưng chiều hôm nay, nàng nhận thấy rằng đó là một sự bủn xỉn, nhỏ nhen:
“Tiền! Can chi mình phải nghĩ đến tiền!”.
Có ai cười nói từ ngoài cổng đi vào. Nghe tiếng quen quen, Tuyết nhìn ra, rồi vui vẻ đứng dậy chạy vội xuống sân, kêu:
– Trời ơi! May quá, mời hai chị vào chơi.
Tuyết tưởng như hai người bạn đem lại cho nàng sự vui đã mất, những ngày sáng sủa đẹp đẽ của quãng đời phóng đãng khi xưa.
Trong hai người đến chơi, một người, cô Thúy, là bạn láng giềng cũ của Tuyết, khi Tuyết còn thuê nhà ở riêng trong một khu phố hẻo lánh kia:
Thúy lúc đó là đang là vợ một viên đội Tây kiết.
– Lâu nay không gặp, nhớ quá.
Tuyết chẳng biết nói câu gì để trả lời Thúy, nhắc đi nhắc lại mãi:
– Quý hóa quá, quý hóa quá!
Thúy nhìn bạn, hơi lấy làm lạ:
– Học đâu được cái giọng quê mùa ấy thế?
– Quý hóa là cái quỷ gì?
Bấy giờ Tuyết mới nhận ra rằng thói quen, nàng đã nhiễm cử chỉ và ngôn ngữ của tình nhân. Bẽn lẽn, nàng nhìn bạn, nói lảng:
– Chị Lan bây giờ ở đâu nhỉ?
– Chẳng ở đâu cả, vẫn ở nhà thôi.
Tuyết cười:
– Thế lại còn bảo chẳng ở đâu cả.
– Ở nhà thì sao gọi ở đâu được? ... À này, hôm nay gặp Văn.
Tuyết, cặp má đỏ ửng, nhìn ra sân, vờ lơ đãng không nghe. Lan nói luôn:
– Hôm qua gặp Văn, Thúy với “moa” đương lởn vởn ở “Luy-xi” thì Văn gọi.
Hắn đi với ...với ai, Thúy nhỉ?
– Hanh.
– Ừ, với Hanh. Rồi cả đêm hôm qua, bốn đứa lu bù ở tổ quỷ đằng Hàng Đẫy.
Tuyết rùng mình, lo lắng nhìn đồng hồ treo.
– Ấy, Văn nói chuyện “moa” mới biết “toa” ở đây đấy chứ ... Nhưng làm gì mà lấm la lấm lét, nhìn ngược nhìn xuôi thế?
Thật vậy, Tuyết luôn luôn xem giờ và ngó ra cổng.
– Nhà tôi sắp về.
Tuyết cho là mình nói hớ chữa liền:
– Chương sắp về.
– Sắp về thì sao? Cậu sợ nó thế kia à?
– Nó ghen lắm kia.
Thúy vỗ tay cười rộ:
– Ồ! Khá nhỉ! Ngày nay Tuyết lại sinh ra nhát nhiếc nữa kia đấy.
Lan cũng cười, nói tiếp:
– Trời ơi! Chị Tuyết tôi mà lại sợ nó ghen!
Tuyết muốn lảng sang chuyện khác, cầm vạt áo Thúy ngắm nghía:
– Hàng bom bay này nhã lắm nhỉ?
– Xoàng chứ nhã gì mà nhã, chị cứ giễu mãi ... Nhưng này, sao bây giờ chị ăn mặc lôi thôi thế? Với lại không có tiền mua phấn hay sao mà mặt để mộc mạc trông như cô bé nhà quê thế kia?
– Tôi ở nhà nên không đánh phấn đấy chứ.
– Vậy đánh phấn đi, rồi lại chơi đằng này với chúng tớ một lát.
Tuyết ngần ngại:
– Hắn sắp về ... Thôi, để khi khác.
Lan lạnh lùng kéo Thúy đứng dậy:
– Thôi vậy, chúng tôi về vậy.
Tuyết ngẫm nghĩ. Nàng bỗng có dáng quả quyết bảo bạn:
– Hai chị ngồi chờ tôi một tí, tôi xuống ngay nhé.
Rồi nàng chạy tuốt lên gác. Khi điểm trang xong, và trông vào gương thấy nhan sắc đổi khác hẳn, nàng mơ màng nhớ ngay tới quãng đời vui sướng. Cô thiếu nữ đứng trong gương đối với nàng như người xưa hiện về, một người chết sống lại, và hoạt động trong lành không khí mịt mùng, huyền bí. Cho đến cả cái hoàn cảnh xưa cũng như đương bao bọc lấy mình nàng.
Một dịp cười dưới nhà đưa lên ròn rã. Tuyết đăm đăm nhìn vào gương, tưởng tượng hiện lên và đứng quây quần lấy nàng, hết thảy những bạn chơi bời thuở trước. Nàng cũng cất tiếng cười đáp lại, cảm thấy tâm trí nhẹ nhàng, khoan khoái lâng lâng.
Vừa hát nghêu ngao, nàng vừa bước xuống gác. Một phút quên lãng sự giả dối, sự gìn giữ buộc đã khiến linh hồn chân thật, phóng đạt, sùng sục, sôi nổi trong trái tim, trong mạch máu.
Thấy vẻ mặt nàng tươi tắn, đôi má nàng hồng đào, cặp mắt nàng sáng quắc, Thúy thì thầm bảo Lan:
– Cơn điên nó đã lên đấy. Ngày xưa ở gần nhau, mỗi khi cơn điên nó lên là nó làm đến buồn cười.
Tuyết phưỡn ngực đi lại chỗ hai người:
– Hai cậu xem tôi có còn là Tuyết năm xưa nữa không?
Thúy nghiêng đầu ngắm nghía, khen:
– Hơn! Đẹp hơn!
Lan nói tiếp:
– Ừ, “toa” đẹp hơn thật đấy! Có lẽ vì độ này ít thức đêm, ít lu bù chứ gì.
Thúy cười:
– Chuyện! Bây giờ đã là bà đốc thì phải chững chạc ra phết chứ!
Tuyết vẫn hát huyên thuyên, chẳng lưu ý đến những lời bình phẩm. Lan kéo tay nàng:
– Có em đi cho người ta bảo cái này không. Bây giờ thì đi chơi thôi!
– Đi đâu?
– Lại đằng Hàng Đẫy.
Thúy vui vẻ:
– Ừ, phải đấy! Đi!
Tuyết ngây người suy nghĩ một phút rồi hỏi:
– Nhà ai đấy nhỉ?
– Nhà Bàng. Ồ! Chị chưa lại chơi lần nào à?
Tuyết lại mơ mộng như ban nãy. Theo chị em bạn đến những nhà không quen biết rồi ngủ một hai đêm ở đấy, ngày xưa Tuyết cho là rất thường. Ngay bây giờ, nàng còn tưởng tượng thấy mùi khói thuốc phiện thơm ngào ngạt, mùi men sâm-banh bốc nồng nàn ở trong một căn phòng nhỏ, ấm cúng, trang hoàng theo kiểu tối tân. Trong khi Tuyết như đương sống lại một quãng đời qua, thì tiếng Lan thỏ thẻ dịu dàng bên tai:
– “Moa” nghe nói bây giờ “toa” khổ sở, nghèo kiết lắm, phải không?
Tuyết đứng im, không trả lời. Lan lại nói:
– “Moa” cũng chịu “toa” gan thật, ở mãi được với lão giáo gàn ấy ... Hắn nợ như chúa chổm, phải không? “Moa” thấy Hanh bảo thế. Có nhan sắc như “toa”.
thì làm một bà hoàng, mới xứng đáng.
Tuyết vẫn không trả lời, Lan nói tiếp:
– À, “toa” có nhớ Hanh không nhỉ? Hắn bảo hắn gặp “toa” ở Đồ Sơn. Hắn giàu lắm, “toa” ạ. Hôm nọ ra Hải Phòng, sáu đứa chúng “nu” xếp như cá hộp lên ô-tô của hắn. Buồn cười quá!
Lan ghé tai Tuyết thì thầm mấy câu, khiến Tuyết càng do dự. Lúc bấy giờ có tiếng giày ở cổng đi vào. Tuyết giật mình như tỉnh giấc mộng. Nhưng Lan không biết, vẫn còn nói:
– Đi! Lại ngay chẳng họ chờ!
Tuyết bấm Lan bảo im. Chương đã vào đến phòng khách ngả đầu chào rồi đăm đăm nhìn Tuyết, hỏi:
– Mình định đi chơi đâu đấy?
Tuyết luống cuống trỏ hai bạn, giới thiệu với tình nhân:
– Chị Lan, anh ấy làm ... anh ấy buôn bán ở Hải Phòng. Còn đây là Thúy làm ... bà đỡ. Chương lại ngả đầu chào một lần nữa:
– Mời hai bà ngồi chơi.
Chàng toan bước lên gác thì Lan cố lấy giọng nhu mì, chân thật nói với chàng:
– Chúng tôi xin phép ông cho bà đi chơi với chúng tôi một lát ...
Nhoẻn một nụ cười rất tình, nàng nói tiếp:
– Có được không ạ?
Chương cũng cười, đáp lại một cách rất thẳng thắn:
– Thưa bà được.
Tuyết nhìn Chương lo ngại thì chàng lại bảo:
– Kìa, sao mình không đi chơi với các bà ấy?
Rồi chàng nói với Lan và Thúy:
– Lâu nay nhà tôi chẳng đi chơi đâu.
Thúy cười:
– Vâng, tôi biết. Bây giờ chị tôi tu lắm.
Tuyết rùng mình. Cái giọng giả dối của cánh bạn chơi bời, nàng nhận thấy trái ngược hẳn với giọng thành thật, không một chút nghi kỵ của Chương. Hối hận, nàng nhìn Chương, như van chàng giữ mình ở nhà. Nhưng Chương ung dung bước lên gác. Lan khúc khích cười bảo Tuyết:
– Thằng già ngốc tệ! Bảo sao cũng nghe ... Vậy ta đi thôi.
Tuyết lắc đầu:
– Thôi, hai chị đến, tôi bận không đi được.
Thúy chau mày:
– Bận cái gì?
Hai người bạn cố nài nì, nhưng Tuyết nhất định từ chối. Nàng không muốn lừa dối một người dễ tin như Chương ...
Mười lăm phút sau, Chương ở trên gác xuống thấy Tuyết chống tay vào cằm, ngồi mơ mộng. Chàng lại gần sẽ đụng vào vai nàng, khiến nàng giật mình quay lại.
– Mình không đi chơi?
– Không.
– Sao lại không đi?
– Không muốn đi.
– Mình sao vậy?
– Chẳng sao cả.
Cái tính khó chịu của Tuyết thường có. Chương đã quen lắm. Chàng không hiểu mà cũng không tìm ra để hiểu vì sao Tuyết bỗng có lúc buồn rầu, cáu kỉnh như thế.
Nhưng trái với mọi lần nàng ủ rũ, ngây ngất vì nhớ lại những ngày vui thú đã qua, lần này nàng chỉ khó chịu vì tính quá thật thà của Chương. Lừa dối một người đa nghi, hay ghen, hay nói bóng nói gió, nàng cho là một sự rất thường, xứng đáng với hạng đàn ông ấy. Nhưng lừa dối, một người không hề lưu ý đến sự lừa dối, coi kẻ lừa dối mình như vẫn trung thành thì thật là làm một việc rất ghê tởm, xấu xa. Chương nhắc lại câu hỏi:
– Nhưng Tuyết làm sao thế mới được chứ?
– Đã bảo chẳng làm sao cả mà lại.
– Mặc kệ vậy!
– Phải đấy, cứ để mặc xác tôi là hơn hết.
Chương lảng ra sân. Một lúc sau vào, chàng vẫn thấy Tuyết ngồi y nguyên như cũ. Chàng đến gần, âu yếm:
– Hình như Tuyết khó ở thì phải.
Bấy giờ Tuyết hơi hối hận về lời nói không được ôn hòa của mình, yên lặng ngồi nghe.
– Anh xem ra hơn tuần lễ nay, Tuyết kém ăn, kém ngủ. Nếu Tuyết cần uống thuốc thì anh đưa lại chữa ở bệnh viện của một người bạn ...
Hai chữ bệnh viện khiến Tuyết rùng mình nghĩ đến Văn. Chương lại nói tiếp:
– Phải đấy. Tuyết nên chữa cho được khỏe mạnh ...
– Nhưng tốn tiền lắm, mình ạ.
– Không đâu. Minh là bạn của anh ...
– Được!
Tuyết đứng dậy hấp tấp lên gác như để lấy vật gì đó bỏ quên. Chương có ngờ đâu rằng vì nghe thấy chàng đọc đến tên một anh tình nhân cũ. Tuyết đã vội vàng bỏ chạy.
Một người bà con của Chương có cái ấp ở làng Khương Thượng, rộng độ ba, bốn mẫu và giao cho vợ chồng một người nhà quê có họ xa ở đấy trông coi.
Chủ ấp cũng chưa nghĩ gì đến mở mang trồng trọt, chỉ cốt có một nơi thoáng đãng, mát mẻ để thường thường đưa bạn bè về chơi nơi thôn dã. Vì thế, ông ta mới dựng tạm một cái nhà gỗ tạp lợp lá, và xây một cái sân quần bằng gạch vụng trộm với vôi, cát, để thỉnh thoảng cùng anh em về tập dượt tiêu khiển.
Trước kia, khi còn hoàn toàn theo chủ nghĩa độc thân,Chương không một chủ nhật nào không đến ấp nghỉ ngơi. Sáng sớm chàng rủ một vài người bạn thân đem sách, vác cần câu, cưỡi xe đạp, mang theo cả thức ăn nữa, rồi anh em xuống ở đây cho mãi tới gần tối mới trở về Hà Nội.
Đã luôn mấy tháng nay Chương không đến ấp. Chàng không muốn phô Tuyết với anh em bạn. Hai lần Tuyết bỏ đi với tình nhân cũ khiến chàng ghê sợ đám bạn bè. Một lẽ nữa. Chương cho rằng rủ Tuyết về chơi vùng thôn quê là một sự mai mỉa đối với nàng. Tấm linh hồn khô khan với một đời vật dục còn biết cảm động gì, còn biết hưởng sao được những thú thi vị, còn biết sao ngắm được những cảnh nên thơ?
Nhưng sáng hôm nay, Chương chợt có tư tưởng ngộ nghĩnh, muốn đưa Tuyết về chơi ấp.
Là vì chàng thấy Tuyết buồn mà chẳng biết làm thế nào để Tuyết vui. Đã hai, ba lần chàng moi óc tìm những câu chuyện khôi hài ngớ ngẩn, nên cái cười miển cưỡng ở cặp môi không thoa sáp của nàng chỉ là bông hoa héo rũ dưới ánh nắng mùa hè gay gắt.
Nhân Chương nói chuyện đến người nhà quê, Tuyết cũng chêm liều một câu bình phẩm để tỏ vẻ với chàng rằng mình vẫn nghe:
– Ồ! Nhà quê thì thú lắm nhỉ!
Mắt Chương long lanh hy vọng. Chàng tưởng đoán được lòng sở thích của người yêu. Đã mấy hôm nay, chàng chỉ săn đón muốn biết Tuyết ưng mua gì, bằng lòng đi chơi đâu, cho được khỏi buồn. Vì thế, khi nghe Tuyết tỏ ý mến quê, chàng liền hỏi:
– Mình yêu phong cảnh thôn dã lắm, phải không?
Tuyết như vừa tỉnh ngủ, ngớ ngẩn hỏi lại:
– Thế à?
– Vậy thì ta về quê chơi nhé?
Tuyết tỏ ý khó chịu:
– Về quê anh?
– Không, về chơi một làng gần đây thôi.
Tuyết, giọng khinh bỉ:
– Lại về chùa Làng như những cặp tình nhân hay mộng hay mị ấy chứ gì!
– Không, về nhà quê thực kia.
Chương liền kể cho Tuyết nghe lai lịch cái ấp Khương Thượng rồi vui vẻ bảo nàng sửa soạn trang sức để cùng về chơi. Tuyết uể oải vâng lời. Nàng chán nản đến nỗi mấy ngày nay chẳng thèm cãi lại hay làm phật ý Chương nữa.
Nhưng khi trên xe điện bước xuống, khi rẽ sang một con đường đất để vào làng, Tuyết bỗng trở nên vui sướng, cười khanh khách bảo Chương:
– Mình ạ, lâu lắm, em mới lại trông thấy nhà quê. Thú quá nhỉ?
– Thế à?
Rồi Tuyết nói huyên thuyên, cười luôn luôn, hỏi tên từng cây, từng con chim, từng con trùng. Có khi nàng rẽ xuống ruộng, xòe bàn tay se sẽ xoa lên những cây lúa mới cấy, màu xanh vàng trông mơn mởn non tươi. Chương đứng trên đường mỉm cười ngắm nghía nàng chạy nhảy như đứa trẻ mà hồi tưởng lại thời kỳ còn nhỏ. Nhất, khi thấy nàng lom khom, một tay kéo cao ống quần, một tay rình chộp con châu chấu, thì chàng không thể nhịn được bật cười được.
– Tuyết của anh còn bé bỏng quá.
Tuyết cười như nắc nẻ, vờ bẽn lẽn lấy khăn lau tay, bảo Chương:
– Ở nhà quê sung sướng lắm, mình ạ.
– Hay ta về quê ở đi?
Tuyết nũng nịu:
– Ồ, phải đấy, mình ạ.
Một lát sau, hai người tới cổng ấp, một cái cổng chống ken bằng cành rào.
Chương quen hết thảy mọi người ở coi ấp, cất tiếng gọi.
– Na ơi!
Tức là tiếng sủa dữ dội của mấy con chó đáp lại liền. Tuyết sợ cuống quýt, ôm chầm lấy tình nhân.
– Trời ơi! Nó cắn chết em bây giờ.
Bấy giờ một đứa con gái chừng mười lăm tuổi chạy vội ra, vui mừng chào Chương:
– Ô kìa ông giáo! Lạy ông ạ.
– Thầy u em có nhà không?
– Bẩm ông, u con có nhà. Hôm nay ông về có một mình?
Tuyết ở sau tiến lên nói:
– Chẳng hay mình là gì đây, em?
Na cười, chào:
– Lạy bà ạ. Nhưng mọi khi ông giáo về chơi với nhiều ông khác nữa cơ.
Nghe tiếng ồn ào, một đứa con gái nhỏ ẵm nách một thằng bé vào khoảng hai, ba tuổi, cùng một thằng nữa, độ lên bốn, lên năm ở trong nhà chạy ra.
Chúng nó nhận ra ngay được Chương và reo mừng vui vẻ, quây quần lấy chàng.
Tuyết chun mũi tỏ ý ghê tởm. Vì đứa con gái và thằng bé nó ẵm trong tay một cách nặng nề như con mèo tha con mới đẻ, đều chốc và đau mắt. Còn thằng bé đi bên cạnh thì gầy còm tựa bộ xương trên cổ có chắp cái đầu kếch xù, mà nặng nề quá, hình như chỉ chực rơi.
– Na con, lấy tao mượn hai cái cần câu thật tốt rồi tao cho tiền.
Con bé ẵm em vội vàng vừa chạy vừa quay cổ lại nói:
– Con lấy cần câu của thầy con cho ông nhé?
Chương đưa Tuyết đi qua sân để lên nhà trên thường vẫn đóng cửa nếu không có chủ hay bạn hữu của chủ về ấp chơi. Vợ người coi ấp đang mở các cửa sổ, chạy ra hiên chắp tay chào.
– Bác Na vẫn mạnh đấy chứ?
– Cảm ơn ông bà, nhờ trời cũng khá.
Cả gia đình bác Nàng (người nhà quê thường gọi nhau bằng tên con) tấp nập rộn rịp, nào kẻ đi lấy thau, nào người đi đun nước vì ai ai cũng hiểu rằng mỗi khi có khách của chủ về ấp đánh quần hay câu cá là một dịp kiếm được lời.
Nhất là đối với Chương, họ lại càng xoắn xít, hầu hạ chu đáo, vì họ biết bao giờ Chương cũng rộng rãi.
– Na ơi, đun nước mau lên. Chất to vào cho chóng sôi.
Tuyết tò mò ngắm nghía bác Na, một người đàn bà đảm đang, nhanh nhẹn tuy tuổi có lẽ đã ngoài bốn mươi.
– Này bác, bác trai đi đâu?
– Thưa bà, nhà tôi đi cúng giỗ ở đằng ông lý.
Rồi chẳng đợi Tuyết hỏi, bác Na đem chuyện mình kể cho nghe. Bác lấy chồng từ năm mới mười bảy. Mười tám đẻ con. Nhưng số bác vất vả, hữu sinh vô dưỡng đến bốn lần. Mãi năm bác hai mươi bảy tuổi mới đỗ con đầu, cái Na, năm nay mười lăm tuổi.
Tình cảnh nhà bác? Nào có ra sao, chồng bác nghèo. Bác phải nai lưng ra làm ăn vất vả quanh năm. Ngày xưa còn khỏe thì bác đi mò cua, bắt ốc, có khi chung phần với chị em thuê tát một vài cái ao, cái chuôm. Nhưng bây giờ, bác yếu lắm rồi, bác không thể làm việc nặng nữa, chỉ đi bắt sâu cho cây hay vun xới nhì nhằng mấy luống rau quanh nhà mà thôi.
– Thưa bà, đẻ mười một bận rồi còn gì.
Tuyết nghe câu nói mà rùng mình. Trời ơi, đẻ như thế thì có khác gì con lợn nái? Nếu người đàn bà mà chỉ có việc đẻ thì đời thật tẻ ngắt. Buột mồm, Tuyết hỏi:
– Bác đẻ làm gì lắm thế?
Ngây thơ, bác Na đáp:
– Còn biết làm thế nào để giữ được cho không đẻ nữa?
Tuyết hơi ngượng về câu hỏi vô lý của mình, nhất người mà Tuyết hỏi chuyện lại là một người đàn bà nhà quê chất phác, chẳng hiểu chi như Tuyết những lạc thú của ái tình nhục thể. Tuyết càng ngượng khi bác Na hỏi lại một cách rất tự nhiên:
Thưa bà, bà được mấy các cậu, các cô?
Tuyết quay mặt nhìn ra sân nói sẽ:
– Chưa.
– Thảo nào mà trẻ đẹp thế. Người ta đẻ nhiều chỉ tổ chóng già.
Đó là một câu an ủi khéo. Người nhà quê họ rất giỏi về khoa nói chuyện, mà ta không ngờ. Khi họ lỡ lời, họ chữa đến tài để khỏi làm phật lòng kẻ khác nhất là đối với bác, kẻ ấy lại là một bà sang trọng sắp sửa cho bác tiền.
Tuyết thì Tuyết vụt nghĩ đến con, thằng bé mà nàng xa cách đã năm năm nay, từ đó nhẫn nay không một lần nàng nhìn thấy mặt. Ngoài sân sau, mấy đứa trẻ ở bên đống rạ, Tuyết nghĩ lẩn thẩn, lẩm bẩm nói một mình:
– Có lẽ năm nay nó cũng chạy chơi lon ton như thằng bé kia rồi.
Tưởng Tuyết hỏi chuyện, bác Na trả lời liều:
– Thưa bà, vâng, các cháu nghịch lắm ạ.
– Thằng bé tên gì thế bác?
– Thưa bà, tên cháu là Rô. Ấy, hôm ấy tôi đi bắt được một giỏ cá rô về thì sinh hạ cháu. Vì thế tôi đặt tên cháu là Rô.
Tuyết cười ngất, quên cả sự buồn rầu khi nãy. Lịch sử những người nhà quê thật là giản dị, mà tư tưởng họ thật là thẳng thắng và gần những sự xảy ra hằng ngày quá.
– Sắp ở cữ, bác còn đi bắt cá ư?
– Thưa bà, chả làm thì lấy gì mà ăn. Nằm ổ được năm, sáu hôm là nhiều. Rồi lại phải đi làm để kiếm ăn.
– Thế bác trai? Bác a bĩu môi một cách khinh bỉ:
– Nhà tôi thì nói làm gì? Chả biết một việc gì. Ấy thưa bà, các bác khóa dở dang như thế cả đấy, đi cày không biết, đi làm thợ, làm thuyền cũng chẳng xong. May mà ông chủ giao cho coi cái trại này, không thì cũng đến khổ, đến đói nheo nhóc với đàn con.
– Vậy bác không có nhà cười?
– Ấy, trước cũng có đấy. Nhưng bây giờ bán cho ông chủ ấp rồi, vì ông chủ đây có họ ....
Bác Na, ghé tai nói nhỏ:
– Kể ra thì ông chủ còn là cháu họ nhà tôi cơ đấy. Nhưng giàu làm chị, khó làm em, phải không thưa bà? Mình nhờ vả người ta thì cũng phải lễ phép chứ.
Bác Na nói huyên thuyên, kể lể chẳng thiếu chuyện, luôn mồm viện những câu tục ngữ, phong dao để chứng thực cho lời mình nói. Thí dụ bác muốn tỏ cho Tuyết biết tại sao bác phải vất vả làm việc thì không thể nào bác quên câu “vì chàng, thiếp phải bắt cua, những như thân thiếp, thiếp mua ba đồng”.
Giữa lúc ấy, Chương ở ngoài vườn trở về, tay cầm hai cái cần câu, bảo Tuyết:
– Đi câu đi.
– Ồ, thú nhỉ. Đi câu.
– Bẩm ông bà có mồi chưa? Hay để con bảo cháu đi đào giun.
Chương đáp:
– Cảm ơn bác, tôi đã có đủ các thứ rồi. À, bác có nón cho mượn một cái.
– Bẩm bà dùng nón phải không? Để lấy nón cháu Na. Nó vừa mua được cái nón mới đẹp lắm.
Bác Na chạy xuống nhà dưới. Một lát bác mang lên một nón ba tầm rất xinh xắn đưa cho Tuyết. Tuyết đội lên đầu, đứng khoanh tay, hỏi Chương:
– Có đẹp không, mình?
Chương ngắm nghía người yêu, trong lòng vui sướng:
– Mình đẹp lắm!
Bác Na thấy vợ chồng ông giáo nói chuyện với nhau như trẻ con, thì lấy làm ngượng, đi lảng ra phía sau.
Chương và Tuyết đến ngồi câu bên gốc cây sung. Thân và cành cây xù xì vì trẻ con luôn luôn băm chặt để lấy nhựa. Lá sung to bản rủ rườm rà xuống mặt nước, và trông sấp bóng thành những chấm đen vẽ đậm nét lên nền trời xanh trong, vờn mây trắng. Nước ao yên tĩnh. Thỉnh thoảng một con cá quẫy hay một quả sung rụng làm mặt nước đương phẳng lặng rạn ra một chỗ, rồi vết rạn lan tròn rộng mà dần dần biến mất.
– Anh Chương!
– Suỵt, im!
Chương vừa thấy cái phao nút chai nhỏ động đậy nhấp nhô. Tuyết nín thở, ngồi chờ, thì Chương đã giật lên ở đầu dây câu một con cá nhỏ, vừa bằng ngón tay cái. Tuyết chạy lại reo hỏi:
– Ồ thích nhỉ! Cá gì thế anh?
Chương cầm con cá trong tay, ngắm nghía có vẻ tự đắc lắm.
– Con cá rô!
Tuyết nhớ tới câu chuyện bác Na kể ban nãy, câu chuyện đặt tên con là Rô vì hôm đẻ nó bác bắt được một giỏ cá rô. Buồn rầu, nàng trở về chỗ cũ ngồi thừ người mơ mộng ...
– Mình sao thế?
– Không! Em có sao đâu?
Đã lâu nay, Tuyết không hồi tưởng lại thời còn nhỏ. Sống cái đời hiện tại, náo nức, tưng bừng, nàng bị những khoái lạc vật chất lôi kéo như khúc gỗ lềnh bềnh bị dòng nước chảy xuôi lôi kéo đi nơi vô định. Vì thế, không mấy khi nàng được tĩnh tâm, tĩnh trí mà nghĩ tới mình, mà nhớ tới quãng đời đã qua.
Nay ở giữa một nơi thôn quê lặng lẽ, xa hẳn chốn thành thị huyên náo. Tuyết bỗng thấy như vẽ ra trước mắt một cảnh tượng quen quen. Nàng tưởng đã sống ở nơi đó một thời gian quá khứ mà chỉ nhớ mang máng như trong giấc mộng mơ hồ.
Cái ao nước tù trong xanh, cây sung rễ mọc nổi trên mặt đất tựa như con rắn trăn, đã mốc thích, khóm chuối lá to bảng màu xanh vàng như một đám tàn quạt phe phẩy theo ngọn gió và che mát rợp hẳn một góc vườn bên những luống khoai lang, khoai sọ; cảnh đó gợi trong ký ức Tuyết, nhiều câu chuyện ngây thơ thuở xưa. Tuyết cảm thấy sự buồn chán dần dẫn đến lấn tâm hồn. Nàng rùng mình, tự hỏi:
“Ta còn cảm động được ư?”.
Nào có chi lạ! Những kẻ giàu tính tình lãng mạn, phóng đãng, khi sống theo lòng sở thích của mình thì tưởng rằng mình đã trở nên trơ như sắt đá. Kỳ thực đó chỉ là một cách tự dối mình, một cách sống ồ ạt để cải bản tâm yếu đuối của mình không biểu lộ ra được:
sự sống của liều, sau khi đã trót lầm lỡ, hay bị thất vọng về tình duyên.
Vì thế, nay ngắm một cảnh dịu dàng êm ái ở chốn thôn quê, Tuyết bỗng thấy nảy ra trong tâm hồn những tính tình mà lâu nay nàng không có nữa:
Thương tiếc, nhớ nhung, lo lắng, cho đến cả lòng hối hận ...
Chương gác cần câu lên cọc cầu ao, rón rén lại sau lưng Tuyết đương ngồi mơ mộng trên đám rễ sung, mắt đăm đăm nhìn cái phao hơi rung động. Chương vỗ tay lên vai tình nhân, hỏi sẽ:
– Mình nghĩ gì vậy?
Tuyết quay lại chau mày gắt:
– Làm em giật mình? Không, em không nghĩ gì cả.
– Tuyết ngắm cảnh nhà quê, có nhớ ngày còn bé không? ... À, mà ngày còn bé, em có ở nhà quê không nhỉ?
Tuyết nói dối:
– Không, anh ạ.
– Anh thì ngày còn bé, tết nào và kỳ nghỉ hè nào, anh cũng về quê. Vui thú lắm, chiều mùa hè cùng bọn trẻ chăn trâu ra cánh đồng thả diều. Dãi nắng người đen thui, nhưng khỏe lắm.
Tuyết buột mồm đáp:
– Thế thì giống anh cả em quá! Anh ấy cũng vậy, chỉ thích chơi diều. Ai cho bộ sáo thì mừng hí hửng có khi đến quên cả ăn.
Chương cười:
– Ồ, thế à? Bây giờ anh Tuyết ở đâu? ... Làm gì?
Tuyết sa sầm nét mặt. Nàng thấy Chương nói đến chuyện thả diều thì nàng cũng bàn góp, có ngờ đâu chuyện ấy lại miên man dính dáng tới gia đình nàng!
Đã bốn năm nay, nàng không được tin tức về cha mẹ, về anh em và nàng vẫn cố quên nhãng hẳn đi, không hề bận trí tưởng nhớ đến. Nghe câu hỏi của Chương, và lấy làm ngượng ngùng xấu hổ, nàng liền nói lảng:
– Em thì ngày còn nhỏ, em chỉ thích ăn mầm hồng.
Chương cười:
– Mầm hồng, chồi lạc ấy ư?
Tuyết cũng làm ra vui vẻ cười theo.
– Không, mầm cây hồng kia! Không phải hồng quả đâu, hồng hoa ấy. Cái chồi non của nó vừa mập vừa mềm, tước vỏ đi, ăn ngọt lắm. Thấy em yêu hoa hồng lắm, trong vườn cảnh trồng rất nhiều. Buổi trưa, khi thầy em nghỉ, em cùng em gái ra vườn tìm mầm hồng ăn.
– Lúc bấy giờ, thầy em ở đâu?
– Thầy em tri huyện ở huyện ...
Tuyết bỗng im bặt. Định nói lảng để tránh chuyện nhà, nàng không ngờ lại đụng tới chuyện nhà. Chương hỏi:
– Huyện nào thế, Tuyết?
– Em quên mất rồi ...
Hai người ngồi im lặng suy nghĩ. Cái đời dĩ vãng của Tuyết. Chương vẫn không muốn biết hay hỏi dò để biết. Nhưng chàng không hiểu sao, mỗi lần hơi đá động đến là Tuyết đánh trống lảng. Cho đến cả gia đình của Tuyết cũng vậy.
Tuyết che đậy ghê gớm. Mà nào gia đình Tuyết có kém hèn gì? Cứ những mẫu chuyện Tuyết vô tình thốt ra thì cha Tuyết hẳn là một người sang trọng, giàu có một thời. Hay Tuyết bịa đặt ra để khoe khoang, cái đó cũng là một sự thường đối với các cô gái giang hồ. Nhưng sao đã bịa đặt lại còn bưng bít, giấu giếm?
Thật Chương phân vân khó hiểu.
Còn Tuyết, Tuyết vẫn có tính khẳng khái và tự trọng, tuy Tuyết đã sống một đời xấu xa, nhơ nhuốc. Tuyết cho dù tấm thân Tuyết dơ bẩn đến đâu, Tuyết cũng không có quyền để ai bình phẩm được danh dự nhà Tuyết, của cha mẹ Tuyết. Mình lầm lỗi thì mình chịu, nhà mình làm gì nên tội mà để kẻ khác chỉ trích, mỉa mai? Nghĩ đến cha mẹ, tâm hồn Tuyết trở nên ủy mị:
Tuyết mất hết tính bướng bỉnh, liều lĩnh của cô gái phiêu bạt:
Hai giọt lệ đọng trên gò má.
Chương vỗ về, an ủi, thì thầm hỏi:
– Sao em buồn thế?
Tuyết không trả lời. Chương lại nói:
– Em chả nên buồn. Anh yêu em, sao em còn buồn?
Tuyết vội lau nước mắt, rồi tính lãng mạn vốn có sẵn trong lòng, bừng bừng biểu lộ ra. Nàng cười cười, nói nói:
– Thế nhé, anh yêu nhé? Linh hồn em ngày nay chỉ còn như mảnh ván nát trôi sông, như chiếc lá úa lìa cành. Trời ơi! Nếu anh thật bụng yêu em thì có lẽ em sung sướng được chăng, em còn có thể hưởng hạnh phúc ở đời này được chăng? Nhưng anh có thật bụng yêu em không anh?
Chương âu yếm cầm tay Tuyết:
– Em không trông thấy ư? Anh tưởng anh em bạn không nên ngờ lòng yêu thương của anh một tí nào mới phải.
Nhưng Tuyết vẫn như không nghe thấy gì, mê man nói:
– Thật vậy, anh ạ! Em chỉ như chiếc lá úa lìa cành. Em không còn cha mẹ, anh em em vẫn sống ở đời. Gia đình em đối với em như một bọn thù hằn độc địa. Mà họ thù hằn cũng phải, anh ạ. Trong một gia đình trong sạch, đời đời cao quý, em chỉ là một con hủi bẩn thỉu xấu xa.
Chương cười:
– Đối với anh, em đẹp như nàng tiên nga giáng thế.
Không lưu ý đến lời bông đùa của tình nhân Tuyết hỏi luôn:
– Những ý tưởng trong các tiểu thuyết thái tây dạy em rằng em hoàn toàn của em, em được tự do hành động như lòng sở thích. Nhưng hình như không phải thế hay sao ấy, anh ạ. Hình như người ta phải có gia đình, phải chịu sự ràng buộc của nhiều dây liên lạc thân ái. Nếu không, ta sẽ thấy cô độc, đời ta trống trải, không ký vãng, không tương lai. Ta có thể chỉ sống cái đời hiện tại của ta được không?
– Mình nghĩ lôi thôi lắm. Sao lại không có gia đình? Sao lại không có tương lai? Anh với em lại không đủ là một gia đình hay sao? Lại không thể gây lấy một cuộc đời tương lai tốt đẹp hay sao? Em không tin anh thì em không tốt. Hay em muốn anh ra đốc-lý làm phép cưới lấy nhau? Tuyết kêu rú lên:
– Không được!
Rồi Tuyết nũng nịu:
– Anh thành thật yêu em cũng đủ lắm rồi.
Chương thong thả nói:
– Con người lập gia đình cũng như con chim làm tổ. Một con trống, một con mái, đó là gia đình. Một người đàn ông, một người đàn bà, đó là gia đình. Can chi em phải nghĩ xa xôi?
– Nhưng em muốn phải có sự thiêng liêng ràng buộc được mình. Có lẽ sự thiêng liêng đó ở trong cả một đời dĩ vãng ...
– Không ở trong sự cưới xin được ư?
Tuyết không trả lời. Nàng biết rằng sự cưới xin, sự lấy nhau theo lễ nghi không đủ sức mạnh giữ nổi ở trong giới hạn bổn phận người đàn bà quá tự do, quá sống đời phóng đãng như nàng. Mà cái chứng cứ chắc chắn là sự bỏ nhà chồng, trốn đi. Chương lại nói:
– Ái tình chân thật không đủ sức thiêng liêng để khiến người đàn bà yêu mến gia đình ư?
Tuyết vẫn im lặng. Nàng nhớ tới hai lần nàng rời Chương ra đi, đi với tình nhân cũ. Ái tình, nàng có còn tin ái tình được không? Mà yêu nhiều người như nàng thì còn có thể nào nếm được hạnh phúc của ái tình? Nàng như hiểu lờ mờ rằng, trừ những khoái lạc hằng ngày ra, nàng không còn nên hy vọng những hạnh phúc đâu đâu. Gia đình? Một người như nàng không có quyền tưởng đến gia đình. Sự mơ ước của nàng đã quá muộn.
Tuyết càng cảm thấy tâm hồn chán nản và đời mình trống rỗng. Nàng nhăn mặt, liếc nhìn Chương ngôi bên. Không bao giờ nàng ghét Chương hơn lúc bấy giờ, ghét một cách độc địa. Nàng toan tỏ ý khinh bỉ, đứng dậy lảng xa Chương ra thì một sự chẳng ngờ đến cứu hai người thoát khỏi tình thế khó khăn:
Cái cần Chương gác trên cọc cầu ao bị con cá mắc lưỡi câu, lôi chúc đầu xuống nước, Tuyết trông thấy trước, vội kêu:
– Kìa nó lôi!
Chương không hiểu, hỏi:
– Cái gì?
– Con cá kia kìa!
Chương tất tả chạy lại cầu ao, giựt cần lên:
Một con cá lớn đã mắc ở đầu dây.
Tuyết chạy theo lại hỏi:
– Cá gì vậy, mình?
Chương vừa lúng túng tháo con cá ở lưỡi câu, vừa trả lời:
– Cá chép, mình ạ.
Hai người ngắm nghía sờ mó con cá coi như nó là một vật sạch sẽ, thơm tho.
Tuyết nói:
– Cá chép béo ăn ngon lắm đấy.
Rồi Tuyết và Chương cười vui vẻ, hầu như đã quên hẳn câu chuyện buồn rầu ban nãy.
Vào khoảng năm giờ, Tuyết kêu đói. Mà các thứ đem theo thì bữa sáng ăn đã hết. Chương muốn về Hà Nội ăn cơm chiều, nhưng Tuyết nũng nịu đòi ăn một thứ gì cho đỡ đói rồi hãy về. Chương chợt có ý tưởng ngộ nghĩnh, bảo Tuyết:
– Hay ta nhờ bác khóa Na làm cơm?
Tuyết chau mày đáp:
– Mình ăn sao được cơm rau nhà quê?
– Ăn được chứ. Ta thử nếm mùi cơm hẩm xem sao.
– Ừ phải đấy.
Chương liền gọi bác Na lên đưa đồng bạc, nhờ làm hộ một bữa cơm xoàng.
Hơn một giờ sau, cái Na bưng lên một cái mâm gỗ trong đựng đĩa giò, đĩa chả, đĩa thịt quay, đĩa đậu phụ rán, các thứ ấy bác Na đã mua ở Ngã tư Sở về.
Tuyết nhìn Chương mỉm cười, vì nàng thấy các món ăn chẳng có tí gì là nhà quê hết. Cho đến trong niêu đất, nàng ghé mắt dòm cũng chỉ thấy một thứ cơm rất trắng:
ý chừng bác Khóa đã đi vay gạo tám về thổi.
Ăn cơm xong mới gần bảy giờ. Nhưng vì hôm đó nhằm ngay mười ba ta, nên trăng mọc sớm, đã lấp ló sau giậu tre thưa. Luồng gió mát như vừa theo bóng trăng trong đến hây hây thổi, rì rào ngọn lá cau và tầu lá chuối. Bên cạnh Tuyết, Chương ngồi ở thềm, hút thuốc lá, tâm hồn bình tĩnh như trời chiều ở thôn dã. Chàng bảo Tuyết:
– Hay ngủ lại đây một tối?
Uể oải, Tuyết trả lời:
– Cũng được.
Chương liền gọi bác Na hỏi xem nhà có màn không thì may sao chủ ấp đã sắm sẵn đủ cả, để thỉnh thoảng về đấy ngủ đêm.
Một lúc sau, trăng đã tỏ và lên cao, lơ lửng như rung động trên ngọn cành tre mềm mại. Chương tưởng tượng ra một cái cần câu lớn cùng để câu chị Hằng Nga. Câu thí dụ khiến tuyết bật cười.
Tiếng dế kêu ri rỉ bên hiên càng làm tăng vẻ yên lặng. Thỉnh thoảng tiếng chó sủa ở các xóm gần xa đáp lại nhau. Tuyết cặp mắt mơ mộng nhìn trời, nói:
– Cảnh tĩnh mịch nhỉ. Ở Hà Nội quen, về nhà quê thấy khó chịu.
– Mình khó chịu à? Ta trở về Hà Nội vậy.
– Thôi, đã định ở lại thì ở lại.
Thật ra, sự yên tĩnh khiến Tuyết càng cảm thấy sự trống rỗng trong lòng.
Tuyết đương buồn bực thì Chương lại đỏ thêm dầu vào lửa cháy:
– Tuyết ngắm xem:
trăng sáng, trời trong, vũ trụ như đúc bằng pha lê.
Tuyết cười chua chát đáp lại:
– Chỉ thân em là đục.
Nàng ngừng vài giây, rồi Chương chưa kịp tìm lời an ủi, nàng đã tiếp luôn, giọng nói có vẻ thành thật:
– Em càng nhìn thấy, em càng ngẫm đến sự trong sạch, thì em lại càng thấu rõ rằng đời em nhơ nhuốc.
Chương mắng yêu:
– Em hay nghĩ lôi thôi lắm!
Từ hôm về nhà quê chơi, Tuyết càng cảm thấy tâm hồn chán nản, và nhận thấy đời nhạt nhẽo, buồn tênh. Là vì sự ước mong thèm muốn, nhớ tiếc làm cho Tuyết hằng ngày tưởng tượng ra một cuộc đời không phải lý tưởng, nhưng may ra còn có thể thích hợp được với tính tình, với quan niệm của nàng.
Tuyết không tiếc cái thời quá khứ ngắn ngủi, cái thời chung sống với người chồng chất phác, ngu đần. Nếu chàng có chịu khuất phục cảnh cơm ngon, canh ngọt thì ngày nay, nàng cũng đến giống như bác Na kia mà thôi, tuy cái gia đình của nàng có thể cao quý hơn vài chục bậc, sự sinh hoạt của nàng có thể sung túc hơn một tí. Nàng nghĩ đến đàn con nheo nhóc nhà bác Na mà nàng kinh hãi, mà nàng tạm gượng vui được với cái hiện tại chơ vơ của nàng.
Nhưng Tuyết vẫn nhớ tiếc, nhớ tiếc mơ màng. Nàng như có cái cảm tưởng đã phung phí mất một quãng đời tốt đẹp, đã bỏ qua mất một chuỗi ngày xuân sáng sủa, vui tươi. Nàng sống mà nào nàng có kịp nghĩ nàng sống ra sao!
Mấy năm ròng rã với cái đời phóng đãng, bị những lạc thú vật dục nó lôi kéo, nó in nếp răn ở mặt, những nếp răn mà khi soi gương, đánh phấn nhìn thấy, Tuyết vẫn rùng mình, lo lắng. Chỉ một ý tưởng già là khiến được nàng đoái tưởng tương lai. Nay nàng mới hăm ba tuổi, đời hẳn còn dài. Nhưng dài với cái già ấy thì dài cũng vô ích ... Lúc bấy giờ nàng sẽ ra sao, nàng sẽ làm thế nào để tự an ủi?
Tuổi già là tuổi mến cảnh gia đình. Nhưng Tuyết còn mến sao được cảnh gia đình? Nàng bỗng nhớ tới thằng con, thằng Hỉ. Song chẳng qua vì cái ý tưởng gia đình mà nghĩ đến con mà thôi. Chứ nào có phải vì tình mẫu tử? Mà cho đến cả khổ mặt con, nàng cũng không thể phác họa ra được trong trí nhớ.
Có buổi chiều ngồi một mình, mơ mộng liên miên, trí nàng cố tự tạo ra một quãng đời tương lai mà nàng còn có thể hưởng được.
Nàng thấy nàng là vợ chính thức của Chương và cùng Chương sống một cách đơn sơ, giản dị. Chồng đi dạy học, vợ ở nhà thêu thùa may vá, trông nom việc dọn dẹp, bếp nước. Được như thế phỏng có khó gì! Những người không có một chút học thức còn làm nổi thì sao Tuyết lại không làm nổi?
Lúc bấy giờ một cái ô-tô qua cổng, đi rất thong thả. Trên xe, hai người đàn ông cùng hai người con gái chơi bời mà Tuyết quen biết, đương cười đùa vui thú. Tuyết vụt tỉnh mộng. Không, Tuyết không còn được phép nghĩ tới lạc thú êm đềm nữa. Có một quãng chông gai nó ngáng đường không cho Tuyết trở lại với cái đời trinh tiết.
Thì người ta như thế cả, đã sao? Chán vạn gái giang hồ trở nên những bà trưởng giả. Tuyết bĩu môi khinh bỉ những kẻ giả dối, những bọn đạo đức quê mùa. Tuyết bỗng mỉm cười, thì thầm tự nhủ:
“Chà! Một liều, ba bảy cũng liều, cầm như con trẻ chơi diều đứt dây!” Tuyết muốn rời bỏ nhà Chương ngay mà đi, mà lăn lộn với cuộc đời mưa gió. Tiếng gọi chốn xa xăm, huyền bí hình như lại đến làm rung động tâm hồn phiêu lưu của nàng.
Nhưng nàng vụt nhớ hai lần trước nàng xa Chương, rồi nàng lại quay về với Chương. Nếu lần này đi mà không đi được hẳn thì ê chề biết bao, thì dơ dại biết bao? Nàng sợ, sợ những cái đâu đâu, sợ cái đời nay đâu, mai đó.
Vơ vẩn nhìn lên tường, mắt nàng không sao rời được bức tranh thủy họa mà Chương vừa mua mấy hôm trước.
Cảnh vẽ trong tranh là một trái đồi chè ở vùng trung châu Bắc Việt. Lưng chừng đồi, một căn nhà tre lợp lá gồi, ẩn núp dưới bóng mấy câu trầu. Có đồi xanh tươi, lá cây xanh thẫm, da trời xanh nhạt màu lam.
Ngắm tranh, Tuyết tưởng tượng ra biết bao cảnh êm đềm đầy lạc thú:
cảnh mặt trời mọc, cảnh mặt trời lặn, cảnh sáng trăng trong ... Hai người yêu nhau ở nơi hẻo lánh ấy, còn hạnh phúc nào bì kịp? Tâm trí nàng thì thầm với nàng rằng hai người ấy là Chương và Tuyết.
Tuyết đăm đăm suy nghĩ:
Nàng muốn xa ngay Hà Nội, cùng Chương đi tìm nơi ẩn dật. Được thế, nào có khó gì, chỉ bảo Chương làm giấy xin đổi lên vùng trung châu hay tìm một giáo sư quen biết ở một tỉnh lỵ nhở nào đó mà đổi lẩn với người ta. Rồi ở đấy cùng người yêu sống lại hẳn một cuộc đời mới, giản dị mà sung sướng, không tham muốn, không ước mong, chỉ để cho ngày xanh lặng lẽ trôi đi như dòng nước từ từ chảy xuôi.
Hơn nữa, Tuyết sẽ khuyên Chương cần kiệm để dành tiền tậu một cái ấp, rồi năm năm, mười năm sau xin về hưu hay xin từ chức cùng nhau ở đấy chăm nom việc cày cấy, trồng trọt ...
Hốt nhiên cái ấp ở làng Khương Thượng lại vẽ ngay ra trước mắt Tuyết với những sự nhỏ nhen, khốn nạn của nó, với cái gia đình nheo nhóc của người coi ấp:
“Chẳng lẽ trở nên một cặp vợ chồng quê mùa như vợ chồng bác Na?”.
Trong mấy tháng trời, ngày ngày Tuyết loay hoay những ý nghĩ tương phản như thế. Tuyết mới có một quan niệm vừa mới nhóm ở trong trí đã bị một quan niệm khác trái ngược hẳn đến xóa nhòa ngay. Tuyết cố hy vọng một cuộc đời đầy đủ hạnh phúc, song mỗi lần Tuyết hy vọng thì hình như cái quãng đời quá khứ lại hiện ra mà cản trở. Đến nỗi Tuyết cáu bẳn, tự hỏi:
“Một người đã lầm lỗi một lần thì không thể sung sướng được nữa chăng?”.
Nhất là từ khi hết hè, Chương đi dạy học, mỗi ngày hai buổi, thì Tuyết sinh buồn bực, càng có những tư tưởng hắc ám. Một ngày, năm sáu giờ ngồi một mình, thì tránh sao khỏi nghĩ liên miên.
Đã nhiều lần, Tuyết lấy tiểu thuyết của Chương ra xem để cố giải khuây, nhưng cảnh người trong truyện dù sung sướng hay khổ sở đều làm cho Tuyết càng thấy rõ rệt sự khốn nạn đời mình.
Về sau Tuyết không dám mó tới sách nữa. Nàng định sửa soạn, thu dọn may vá để quên. Song những việc làm bằng tay, nàng chỉ thấy nặng nhọc, vô vị.
Đến một thứ rất giản tiện mà nàng tưởng có thể giúp nàng đỡ khổ được là “ngủ”, ngủ liên miên, ngủ suốt ngày, cũng vô công hiệu nốt. Nằm trên giường không ngủ được thì tâm trí càng thêm loay hoay với ý nghĩ. Mà có ngủ được thì nhiều lần lại bị những chiêm bao ghê tởm, xấu xa ám ảnh.
Một buổi sáng. Chương đi dạy học đã lâu mà Tuyết còn nằm lì ở giường. Hai lần con sen lên gác nói có khách. Nhưng mãi mơ mộng, Tuyết vẫn không nghe thấy gì. Mãi lúc hai người nóng ruột đi thẳng lên buồng ngủ. Tuyết mới chịu trở dậy mặc quần áo.
Khi hai người bạn ngỏ lời rủ Tuyết lại nhà đánh tổ tôm vui mừng và lấy làm lạ rằng sao mấy tháng trước nàng không nghĩ đến cách tiêu khiển ấy.
Từ đó, Tuyết ham mê cuộc đời đỏ đen và qua được mỗi ngày mấy giờ buồn tẻ.
Những cuộc bài bạc hội họp ở nhà bạn dần dần trở nên một thói quen của Tuyết, đến nỗi ngày chủ nhật và chiều thứ năm. Chương ở nhà, Tuyết không đi được, lấy làm bực tức, khó chịu, tình nhân hỏi chẳng buồn thưa.
Buổi đầu, một hôm Chương được nghỉ một giờ trước giờ tan học, về không thấy Tuyết. Khi hỏi Tuyết, Tuyết tìm cách nói dối quanh. Nhưng sang tuần lễ thứ hai, Tuyết đã thuộc lòng bản chương trình của Chương. Biết hôm nào Chương nghỉ sớm thì nàng cũng về sớm. Giờ dạy học và giờ đánh bạc của hai người từ đó đi đôi với nhau.
Nhưng, giấu giếm Chương thì hẳn là Tuyết không sẵn tiền để đánh bạc, vì nàng đã trót ngõ lời cùng tình nhân thi hành bản chương trình tiết kiệm.
Nàng liền vay mượn chị em rồi một ngày kia dựt tạm mấy người đàn ông thường gặp ở đám bạc. Trong bọn, có một người hễ nàng hỏi vay là đưa liền, nhiều lần lại đưa gấp đôi số tiền nàng cần dùng. Trước nàng còn trả ngay, sau thấy người kia dễ dãi, nàng sinh trây lười để nợ hàng tuần, hàng tháng.
Thế là hai người có cảm tình với nhau. Tuyết tìm cách khôn khéo giới thiệu chàng với Chương, đưa chàng về nhà, mời chàng ăn cơm. Chàng là một nhà thương mại giàu có ở Hà Thành, tính tình hào phóng, rất giỏi khoa tán gái mà lại có tài giao thiệp. Vì thế, chẳng bao lâu, chàng trở nên người bạn thân của Chương.
Và chẳng bao lâu, gia đình Chương trở thành gia đình tay ba. Chương, người tình nhân chính thức, và Giang, tên nhà thương mại, người tình nhân phụ, ba người ở với nhau rất là ôn hòa, vui vẻ. Chương không những không biết một tí gì, mà thấy Tuyết trở lại cái tính đùa bỡn, tinh nghịch, lanh lẹ như xưa, chàng còn lấy làm sung sướng.
Tuyết chia hẳn thời giờ ra làm hai phần. Tan giờ dạy học của Chương thì nàng ở nhà và là người nội trợ rất đảm đang, âu yếm. Trong giờ dạy học, thì nàng đi với Giang, nghiễm nhiên là tình nhân của chàng, chẳng thèm giấu giếm chị em bạn. Mà chị em bạn thấy nàng dụ được một anh chàng giàu có, dễ dãi thì cũng mừng cho nàng và cho cả bọn.
Những gia đình tay ba thường vẫn được hòa thuận, vui vẻ. Biết mình có ngoại tình là có lỗi, người vợ cố ở với chồng được chu đáo để chuộc tội lỗi mình và khiến người chồng không ngờ vực. Anh tình nhân hiểu rằng muốn ngoạm quả cấm thì phải hết lòng chiều chuộng người có quả. Cho đến người chồng cũng hí hửng vui mừng vì thấy vợ mình âu yếm mình và bạn mình quý mến mình.
Cái tình thân giả dối của ba người đối với nhau nhiều khi có thể trở nên thành thật được.
Nhưng bao giờ cũng vậy, nếu người đàn bà dễ ghét người chồng thì họ cũng dễ ghét tình nhân. Khi còn xa nhau tưởng tính tình hợp lắm, song càng gần nhau, càng thấy những nét xấu, những chỗ trái ngược biểu lộ ra ...
Vì thế chẳng bao lâu Tuyết chán ghét Giang, mà đời nàng càng thêm buồn tẻ:
Còn chút hy vọng cuối nào, nay tiêu tán hết.
Không những nàng ghét Giang mà nàng còn khinh Chương nữa. Có lúc nàng cáu có, gắt gỏng thốt ra lời oán trách chung cả bọn đàn ông:
“Họ mù hết!”.
Mùa thu với da trời vàng úa với tiết trời bắt đầu hơi lạnh đem lại cho Tuyết những tư tưởng hắc ám, âu sầu. Có khi ngồi trên gác, nhìn qua cửa sổ, Tuyết nghĩ lẩn thẩn muốn đâm đầu xuống sân cho vỡ sọ ra. Rồi lần nào, nàng cũng như sực tỉnh, tự cho mình là điên gàn mà cất tiếng cười lanh lảnh.
Lại có lần giữa lúc mưa gió sấm sét nàng vụt có cái hy vọng lạ lùng. Nàng thì thầm có một mình:
“Giá sét đánh chết quách ta đi thì sung sướng cho ta biết bao!”. Phải, nàng muốn chết mà không bao giờ dám can đảm quả quyết lìa đời.
Rồi hết thu sang đông, Tuyết như người không hồn, bám hờ lấy sự sống.
Đối với nàng, Chương càng ân cần chăm sóc, mua thuốc bổ về ép nàng uống, mua thuốc tiêm về tiêm cho. Có khi nàng cũng cảm bụng tốt của Chương, cố hớn hở cười đùa để làm vui lòng chàng. Song cái vui gượng không thể chống cự nổi cái buồn chán nản nó như mọc rễ trong tâm hồn.
Những đêm hai người ngồi đối diện nhau bên lò sưởi nóng, Chương đọc sách, nàng đan áo. Tuyết thoáng thấy hiện ra cái cảnh êm đềm của một gia đình thân mật. Những lúc đó, nàng cảm động quá, hối hận quá, muốn thú hết với Chương cái tính giả dối của nàng. Nhưng hễ nàng ứa hai hàng lệ, hé môi ngập ngừng toan thú tội, thì Chương đã đem những ý tưởng triết lý đâu đâu ra giảng, đem những lời nhạt nhẽo khô khan ra vỗ về, khuyên can, an ủi.
Nàng khó chịu, lãnh đạm ngồi nghe, âm thầm cảm thấy mình khinh bạc và không thể yêu thương được người mình đã khinh.
Rồi lòng khinh bạn chẳng bao lâu lại đổi ra lòng tự khinh mình. Nàng cho dẫu sao Chương cũng tốt hơn nàng. Một người thẳng thắn, thành thật như Chương, nàng so sánh sao được, vì nàng nhận thấy nàng chỉ là một đứa giang hồ man trá, phản trắc, đắm đuối trong vực sâu mà không chịu để ai cứu vớt ...
Thế rồi một buổi sáng, buổi sáng hôm mồng ba tết trong khi tiếng pháo hãy còn vui mừng đón chào xuân mới, một buổi sáng mưa phùn, gió bay, Tuyết lặng lẽ bỏ Chương ra đi. Thà liều thân với một đời mưa gió, khổ sở, đê tiện, nàng cho còn hơn là sống mãi cái đời lừa dối, bên cạnh một người mà nàng đã cạn tình yêu và trong một gia đình bình tĩnh, êm ấm nó luôn luôn nhắc nàng nhớ rằng địa vị nàng không phải ở đấy.
Ở Hải cảng, trong căn nhà số ... Sông Lấp, ba trang công tử và hai gái làng chơi đương thi nhau nô đùa cười như pháo nổ.
Nhà không có gác và chia ra hai ngăn. Một bên là buồng ngủ và buồng tắm, một bên là phòng khách. Ở đó, trong cái khảm lớn, kê một cái sập thấp, cả đều kiểu tàu cổ, chạm trổ rất tỉ mỉ và nước sơn đen đã nhạt, màu vàng thếp đã phai.
Trên sập, một khai đèn thuốc phiện bằng pha lê, cực kỳ sáng sủa, bóng lộn với những móc những tiêm bằng bạc, bằng vàng, với những lọ bằng sứ nhỏ xíu, những gác tiêm bằng ngà, bằng ngọc. Hết thảy mọi vật ấy đều kiểu Tàu, cũng như những bức tranh, những bức tứ bình có chữ Phùng Quốc Tài treo nhan nhản trên tường và gần đấy, bộ bàn ghế gỗ trắc lưng tựa bằng đá Vân Nam, một cái bình phong cũng bằng trắc, dùng để chia phòng khách ra hai ngăn. Cho cả đến những nệm vứt là liệt trong phòng trên một tấm thảm cổ cũng may bằng gấm vóc Thượng Hải.
Đó là nơi nhà riêng cực kỳ lịch sự của Hanh để cùng bạn bè hội họp chơi bời.
Hôm ấy có cuộc đón tiếp long trọng. Trên cái bàn trải khăn ăn, dưới ánh lù mù của ngọn đèn trong cái khung cổ kiểu Tàu, thấy bày rất nhiều chai sâm banh và cốc uống rượu cùng là những món ăn nguội và hoa quả đủ thứ.
Hanh nhìn đồng hồ treo tường, bảo người bạn gái nằm đối diện bên kia khay đèn thuốc phiện:
– Yến ạ, anh lo lắm, có lẽ Tuyết không đến chăng? Gần mười hai giờ rồi mà chưa thấy gì.
Yến ngưng tay tiêm thuốc, trả lời:
– Anh nóng nảy quá. Thì hãy chờ một lát nữa nào?
Xuyến thở phào khói thuốc lá ăng-lê, nói tiếp:
– Anh phải biết, Tuyết đã hứa một lời thì như đinh đóng cột.
Tiến đương lim dim mơ màng với sự say thuốc phiện, cất giọng buồn ngủ, khàn khàn bẻ lại:
– Xuyến nói chí phải. Đinh đóng cột thì lấy kìm nhổ lên rất dễ, phải không anh Tâm? Tâm ngồi lọt vào trong đống nệm ở cái “đi-văng” bên cạnh, uể oải, vươn vai ngáp dài và đáp lại:
– Phải, nhất là cái cây cột ấy lại chỉ xây bằng gạch với cát.
Yến hầm hầm tức giận, vứt dọc tẩu với tiêm thuốc xuống sập:
– Các anh có giỏi thì chốc nữa đối đáp với chị Tuyết. Thật tôi truyền đời cho các anh biết trước mà tránh những cái tát tay nên thân.
Mọi người cười ồ. Rồi Hanh bắt Yến kể lại cho nghe sự gặp gỡ của nàng với Tuyết.
Sáng hôm ấy, Yến đang đưng hỏi mua một hộp phấn trong hiệu Gô-đa, bỗng có ai vỗ vai. Yến quay thì là Tuyết, Tuyết vui vẻ hỏi thăm tin tức các chị em bạn ở cảng. Lâu nay Yến không gặp Tuyết, nhưng vẫn biết rằng Tuyết ở với Chương. Nàng chưa kịp hỏi thăm thì chính Tuyết gợi chuyện ra mà bảo cho nàng biết rằng Tuyết đã bỏ tình nhân rồi. Yến nói:
– Em xem ra khi chị ấy thuật lại câu chuyện ly biệt thì chị ấy buồn lắm, cặp mắt chị ấy muốn khóc, cái mồm cười như mếu. Em tìm lời an ủi, khen ngợi lòng quả quyết của chị ấy. Thật ra, chị ấy ở với Chương được đến hơn nửa năm, em cũng lấy làm lạ. Với cái tính tự do, bạt mạng của chị ấy thì xưa nay chị ấy chỉ có yêu ai được một tuần lễ bao giờ đâu ...
Hanh cười lơi lả, ngắt lời:
– Thế rồi có yêu anh được ba ngày không?
– Đốt anh đi! Để người ta kể nốt cho mà nghe đã nào. Muốn cho chị Tuyết khỏi nhớ tiếc Chương, vì em tưởng Chương đuổi Tuyết đi để lấy vợ, em liền nói xấu thậm tệ cái ông giáo đạo đức ấy, Tuyết chau mày đăm đăm ngẫm nghĩ. Rồi chị ấy bảo em rằng chị ấy vẫn yêu Chương.
Hanh lại ngắt lời:
– Vẫn yêu Chương?
– Vẫn yêu Chương. Chị ấy bảo em:
“Khổ nhất cho bọn chúng mình là phải yêu người như Chương, hạng người luôn luôn mơ màng tới những tính tình trong sạch”.
Mọi người cười chế nhạo, Tâm nói:
– Trong sạch thì chắc bọn chúng mình không trong sạch rồi; phải không hai em?
Một cái tát yêu giòn trên má Tâm. Tâm cười nhí nhảnh.
Hanh nóng nảy, chắp hai tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng rồi ném mạnh điếu thuốc lá vào lò sưởi, bảo Yến.
– Quá nửa đêm rồi đấy. Đánh lừa tôi thì đừng trách.
– Thì anh làm cái thớ gì?
Hanh đấu dịu:
– Thế Tuyết hỏi thăm anh thật à?
– Lại chả thật. Em hỏi chị ấy định đi đâu, chị ấy mỉm cười nói một cách khôi hài rằng chị ấy muốn xuống chơi đáy Hồ Tây, nhưng chỉ sợ làm thối mất nước hồ. Em nghe mà ghê sợ. Thời chị ấy cười xòa mà hỏi ngay sang chuyện khác:
“Yến có quen ông Hanh không nhỉ?” Em bảo cái thằng nhãi ranh ấy thì chị em ở cảng ai mà không nhẵn mặt.
– Chỉ láo!
– Thôi vậy, không kể nữa.
– Anh xin lỗi, vâng, thằng nhãi ranh này nhãi ranh thật. Thế rồi sao nữa?
– Em hỏi sao chị ấy biết anh, thì chị bảo có gặp anh một lần ở Đồ Sơn, rồi chị ấy vừa cười vừa nói đùa rằng:
“Anh si tình lắm, ngày ấy tán tỉnh chị ấy riết, nhưng chị ấy yêu Văn hơn, vì Văn là tình nhân cũ của chị ấy”. Em liền khoe khoang những cái hay của anh.
– Cảm ơn em!
– Nếu em không có Tâm (Tâm cười) thì em cũng chẳng giới thiệu hai người làm gì. Nhưng em đã có Tâm mà anh thì góa bụa, em thương hại quá. Em liền tìm cách chấp nối hai người, vì em biết anh mà được chị Tuyết yêu thì thật là phúc bảy mươi đời nhà anh ... Thế rồi em mời Tuyết về nhà chơi. Em tả cái “garconnière” này của anh cho Tuyết nghe, nhưng hình như Tuyết không thích lắm hay sao ấy, vì em thấy cặp mắt Tuyết mơ màng như nghĩ đi đâu. Bỗng Tuyết đưa tay ra bắt tay em hẹn sẽ đi chuyến xe lửa tối về đây.
Hanh lo lắng:
– Hay Tuyết không tìm thấy nhà?
– Không, em đã biên phố và số nhà cẩn thận đưa cho Tuyết rồi.
Bấy giờ có tiếng càng xe đặt ở ngoài cửa. Hanh vội vàng chạy ra. Tuyết ung dung đi vào, bắt tay Hanh rồi đưa mắt nhìn quanh phòng, khen:
– Đẹp! Đẹp nhỉ! Chào tất cả anh em, chị em!
Hanh mời Tuyết ngồi, rồi đánh thức Tiến và Tâm đương nằm thiu thiu ngủ ở trên sập.
– Được, để anh ấy ngủ. Kìa, chị Xuyến xuống đây bao giờ thế?
– Em vẫn ở với ... chồng em đấy chứ.
Nàng vừa nói vừa trỏ Tiến, Tuyết nghe mà rùng mình, vơ vẩn nghĩ đến Chương:
– Thế à?
Hanh săn sóc bên mình Tuyết:
– Em đưa “măng-tô” anh cất. Em có lạnh không?
– Cảm ơn anh, cũng hơi lạnh thôi.
Hanh liền lúi húi bỏ củi vào lò sưởi.
Tuyết lại ngồi lên sập, bảo Tiến:
– Anh tiêm cho em vài điếu ...
Khi đã hút luôn hai điếu thuốc phiện. Tuyết thấy trong mình nhẹ nhàng khoan khoái, đứng lên bảo Hanh:
– Đã lâu lắm, em mới lại được nếm mùi ả phù dung đấy.
Rồi chợt lưu ý đến những chai rượu sâm-banh, nàng hí hửng vui mừng như trẻ con.
– Ồ, thích nhỉ! Có rượu kia đấy à? Sao chưa ai uống?
Hanh âu yếm:
– Còn đợi em chứ.
– Thế à? Vậy em mở nhé?
Vừa nói, Tuyết vừa cầm lấy một chai sâm-banh, vặn dây thép. Tiếng nổ ròn làm cho Tuyết sung sướng cười khanh khách và mọi người ngồi nhỏm dậy, tỉnh ngủ hẳn.
Rượu rót ra cốc, màu vàng sáng và trong, Tuyết nâng cốc mời rồi quay ra hỏi Hanh:
– Có diễn thuyết không?
Hanh cười đáp:
– Có chứ!
Chàng liền đứng dậy, giơ cao cốc sâm-banh:
– Hôm nay là ngày ...
Tuyết chữa:
– Là đêm ...
– Hôm nay là đêm sung sướng nhất trong đời tôi. Hôm nay là tối tân hôn của vợ chồng chúng tôi. Có chén rượu nhạt ...
Tâm ngắt lời:
– Sao lắm!
– Vậy có chén rượu nồng mời anh em, chị em đến chứng kiến cho ... nghĩa là đến ăn cưới mừng cho chúng tôi.
Tuyết bĩu môi, vẻ mặt khinh bỉ:
– Ông đi mau quá. Trước khi cưới còn phải hỏi, trước khi hỏi còn phải dạm, trước khi dạm còn phải chạm mặt nữa chứ?
Mọi người đều cười, khiến Hanh bẽn lẽn ngồi xuống.
Bỗng Tuyết đặt cốc rượu xuống bàn và ngồi phịch xuống ghế. Mọi người nhìn nhau ... Thấy mắt Tuyết có ngấn lệ, Yến thì thầm bảo Hanh:
– Chị ấy vẫn thế đấy, đương vui, buồn ngay được.
– Hay Tuyết giận tôi? Tuyết giận anh đấy à?
– Không.
Thật vậy, Tuyết chẳng giận Hanh. Chỉ vì câu nói mai mỉa cưới xin đã gợi trong trí nhớ Tuyết biết bao sự buồn tẻ. Tuyết tưởng tượng trông thấy người nhà chồng đứng trước mặt, hai tay bưng quả sơn son đặt lên bàn, và câu đường mật ... Rồi ngày ăn hỏi Tuyết, ngày ăn cưới Tuyết bỗng lại như vẽ ra trước mắt.
Bữa tiệc hôm nay càng nhắc Tuyết nhớ lại một cách rõ rệt, hầu như mọi sự vừa mới xảy ra.
– Nhưng Tuyết sao thế?
Bỗng Tuyết cười sằng sặc, nâng cốc nói:
– Việc vui mừng! Việc vui mừng!
Rồi nàng uống một hơi cạn cốc. Hanh vội vàng rót đầy cốc khác. Tuyết mặt đỏ hây hây, vẫn cười nắc nẻ, với quả táo, không gọt đưa vào mồm cắn ngốn ngấu. Mọi người lây cái vui của Tuyết, cũng cất tiếng cười vang. Thì Tuyết đã lại dốc cạn cốc rượu thứ hai. Xuyến khen:
– Giỏi nhỉ!
– Chuyện! Câu châm ngôn của người ta khi uống rượu là:
Rót đầy cốc cạn, Uống cạn cốc đầy, Để cốc không bao giờ đầy, Mà cũng không bao giờ cạn.
Ai nấy vỗ tay, Yến bảo Hanh:
– Hễ Tuyết vui quá độ thì liệu hồn.
Tuyết nghe không rõ, quay lại bảo bạn:
– Ô hay! Sao chị cứ đổ riết cho người ta buồn?
Yến cãi lại:
– Nào ai bảo chị buồn?
– Phải, nếu tôi buồn thì tôi không vui, mà nếu tôi vui thì hẳn là tôi không buồn.
Mọi người cùng cười. Yến nói:
– Các anh ạ, chị Tuyết có bài bình bán tây hay lắm kia đấy ...
Tuyết hình như say quá lim dim cặp mắt hỏi:
– Bài hát gì?
– Bài hát tiếng tây ... Nếu tôi sung sướng thì tôi không khổ sở ấy mà.
– À! Nhớ rồi.
Tuyết liền đứng dậy, tay cầm cốc, tay cầm con dao, vừa gõ nhịp vừa hát:
Quand je suis heureure, Je ne suis pas malheureuse, Quand je suis malheureuse, Je ne suis jamais très heureuse, Heureux et malheurux, Sont deux choses différentes.
Compren` qui veut comprendre, Car je ne chanteral plus ...
Dứt câu, Tuyết gõ nhịp sau cùng mạnh quá đến nỗi cái cốc sâm-banh vỡ tan rơi xuống bàn. Trong khi nghe Tuyết hát, ai nấy nằm bò ra cười, cả Yến là người không hiểu chữ Pháp. Tiếng kêu xoảng khiến mọi người ngẩng đầu lên ngơ ngác nhìn Tuyết. Tuyết làm bộ tiếc cái cốc:
– Chết chửa! Hoài của!
Hanh vội an ủi:
– Không sao. Cái cốc ấy được hân hạnh em đánh vỡ là may cho nó lắm rồi.
Vả lại trong một bữa tiệc, vỡ cốc là một sự hay.
Tuyết vờ ngớ ngẩn hỏi lại:
– Thật à?
– Lại chẳng thật!
– Nhưng em không có cốc uống rượu thì làm thế nào?
Hanh đứng dậy mở tủ lấy cái cốc khác, rồi vừa rót rượu, vừa nói:
– May mà lại mua cả tá.
Tuyết cười:
– Nghĩa là em còn có thể làm được năm sự hay nữa, phải không thưa anh?
– Phải lắm.
Cả sáu người cùng vỗ tay cười. Tuyết nâng cốc nói:
– Nhưng hình như cốc rượu này rót đầy đã lâu mà chưa cạn.
Dứt lời, nàng dốc một hơi, rồi tung mạnh cốc xuống bàn cho vỡ tan mà nói rằng:
– Một sự hay thứ hai.
Tâm, Tiến, Yến, Xuyến đưa mắt nhìn nhau có ý khó chịu về cách chơi quá nhã của Tuyết, nhưng Hanh vẫn vui vẻ đi lấy ngay cái cốc khác đặt trước mặt Tuyết và thì thầm âu yếm bảo nàng:
– Đây lại là sự hay thứ ba. Nó chờ em ban cho nó cái hân hạnh được vỡ.
Tuyết mỉm cười đáp:
– Tay em mơn trớn đến đâu là vỡ đến đấy.
Hanh cũng mỉm cười:
– Trái tim anh cũng muốn vỡ lắm.
Xuyến thấy Tuyết say quá mà đồng hồ đã đánh hai giờ từ lâu, liền bèn ra sập hút thuốc phiện, ngồi quây quần cho ấm, Tuyết đứng dậy lảo đảo, phải vịn vào Hanh mới đi được vững. Khi mọi người đã ngồi yên chỗ. Tiến bảo Tuyết:
– Ấy, ông thần nha phiến thiêng lắm cơ đấy, đừng đập phá mà lão bóp cổ chết tươi.
Tuyết nhìn Hanh không thấy chàng nói gì, liền bảo:
– Anh quý bộ bàn đèn của anh lắm, phải không?
– Có em đây thì anh chỉ quý mình em.
Tuyết cười ngất:
– Tình nhỉ!
Rồi đột nhiên, nàng hỏi:
– À, này, đám cưới sao không có pháo?
– Hai giờ sáng ai còn đốt pháo?
– Đốt pháo mồm vậy.
Tuyết đứng lên sập, mồm kêu lẹt đẹt mà sau rốt, cúi xuống cầm rọc tẩu phang mạnh vào cái chụp đèn thuốc phiện mà bắt chước tiếng pháo đùng.
Rồi nàng ngả ngay ra nằm gục xuống cái ghế nệm dài kế bên cạnh sập. Hanh thì thầm bảo mọi người:
– Thôi để yên cho Tuyết ngủ.
Thấy diện tẩu và đèn thuốc phiện đã vỡ, Tâm, Tiến cũng chán ngắt, cáo từ Hanh, dắt tình nhân về.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Đời Mưa Gió
Khái Hưng, Nhất Linh
Đời Mưa Gió - Khái Hưng, Nhất Linh
https://isach.info/story.php?story=doi_mua_gio__khai_hung_nhat_linh