Định Mệnh epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2
ÂY GIỜ THÌ THÚY CÓ THAI ĐƯỢC NĂM tháng. Thỉnh thoảng Ngọc có ghé thăm Thúy, nhưng hể Ngọc đưa tiền cho Thúy thì Thúy không nhận. Thúy nói:
- Em Sơn dạo này kiếm được khá lắm, còn tôi đã qua cơn mệt mỏi, cái thai không hành nữa. Vì vậy tôi bắt đầu may vá được rồi. Khi nào cần tôi sẽ hỏi chị. Không nhờ chị thì chị em tôi biết nhờ vào ai bây giờ.
- Chị đã nói vậy thì thôi. Dạo này trông chị khỏe, phát tướng, tôi cũng mừng. Chắc chị sinh con trai...
- Tôi cũng cầu mong sinh được con trai, dù đứa bé này không phải đứa con tôi mong muốn. Nó là giọt máu của kẻ đã gây đau khổ cho tôi, nhưng tôi không thể oán ghét vì nó cũng mang một phần máu huyết của tôi.
- Dù sao mình cũng là đàn bà. Không có người đàn bà nào có thể nghĩ khác hơn chị. Häy xem như chị hiếm hoi, phải nhờ khoa học, phải nhờ phương pháp lấy tinh trùng để có con. Đừng bao giờ nghĩ đến cái thằng cha khó thương ấy, để may ra đứa bé không giống lão.
Thúy rơm rớm nước mắt:
- Em cũng van vái Trời Phật cho nó đừng giống ông ta...
Mỗi ngày ngồi may, thỉnh thoảng Thúy lại nhìn lên bức ảnh của mẹ. Thúy nghĩ:
- Ta rất giống mẹ ta... Ta nhìn mãi bức ảnh của mẹ ta, may ra con ta sẽ giống ta...
Thúy và Sơn đều làm việc để có tiền cho Thúy sinh đẻ. Vì vậy nhiều đêm đến mười giờ Sơn mới về. Thúy thường khuyên em:
- Em gần thi rồi, nên về sớm để còn lo học bài. Bán báo khuya quá làm sao học bài kịp?
Sơn hứa sẽ về sớm:
- Đúng chín giờ là có mặt em ở nhà. Chị yên lòng đi, em sẽ thi đậu, không sao đâu.
Nhưng một hôm Thúy chờ mãi mà Sơn chưa về. Chín giờ rưỡi, rồi mười giờ, rồi muời một giờ. Thúy sốt ruột quá, cứ mở cửa ra đứng trông chừng. Mọi nhà đều im lìm, họ đã ngủ cả. Người dân lao động làm lụng vất vả suốt ngày nên hễ sau bữa cơm tối là họ đi ngủ. Thúy đứng cho đến khi bác Năm tài xé về. Bác vừa đậu xe đã hỏi:
- Kìa, cô Thúy, sao giờ này cô chưa đi ngủ mà còn đứng chờ ai vậy?
Thúy nói giọng lo lắng:
- Không hiểu sao thằng Sơn giờ này chưa về, bác Năm ạ.
Bác Năm hỏi lại:
- Thế mỗi ngày cậu ấy về lúc nào?
- Mấy lúc sau này em nó về đúng chín giờ. Sao tôi thấy nóng ruột quá!
- Ai chờ đợi người thân mà không nóng ruột. Nghe cô nói mà tôi cũng lo đây. Sắp đến giờ giới nghiêm rồi.
Nghe vậy Thúy càng lo hơn nữa. Bác Năm nói:
- Bây giờ có đi kiếm cũng không được, cô vào nghỉ đi. Ngày mai tôi sẽ đi sớm và kiếm giùm cô.
- Bác kiếm ở đâu?
- Tôi đi đến các ty cảnh sát để hỏi thăm...
- Như vậy phiền bác quá.
- Hàng xóm láng giềng giúp nhau như vậy rất phải, sao lại phiền. Cô vào mà nghỉ, có thai mà lo lắng thì rất có hại... Ngày mai sẵn xe tôi chạy mấy hồi.
Thúy đành vào nhà gài cửa lại nhưng không sao ngủ được. Thúy cứ nằm thao thức và van vái mẹ phù hộ cho Sơn tai qua nạn khỏi.
Sơn không bao giờ đi đâu xa mà không nói cho Thúy biết, và Sơn cũng không bao giờ làm việc gì mà không cho chị hay. Như vậy chỉ còn lo ngại vấn đề xe cộ.
Nghĩ đến chuyện Sơn có thể bị xe đụng khi băng qua đường, Thúy hốt hoảng ngồi ngay dậy đi lại thắp nhang khấn vái mẹ.
- Mẹ phù hộ cho em Sơn con. Em con giờ này đi đâu chưa về!
Thúy khấn vái xong lai ôm đầu suy nghĩ suốt đêm. Khi nghe tiếng xe bác Năm rồ máy Thúy mở cửa ra và nói với bác một giọng vô cùng thất vọng:
- Em Sơn của cháu vẫn chưa về, bác ạ!
- Được rồi, để tôi đi hỏi thăm. Cậu ấy là gì... Sơn. Họ gì? Mấy tuổi?
Thúy nói:
- Trần Hoành Sơn, mười tám tuổi.
- Cô yên lòng vào nghỉ đi. Nếu có tin tức gì tôi sẽ về cho cô hay ngay. Tôi bỏ một buổi chạy xe cũng không sao mà.
- Như vậy mất cả công việc làm ăn của bác.
- Đâu có sao. Mọi ngày thì tôi cũng đi uống cà phê đến mười giờ mới bắt đầu chạy xe.
Thúy đợi bác Năm đi mới vào nhà đóng cửa lại. Bác Năm tài xế đi được một lát thì vợ bác qua hỏi thăm Thúy về chuyện Sơn đi đâu cả đêm không về. Rồi người này đến người khác, họ cứ thay phiên nhau qua hỏi thăm lăn xăn, Thúy phải trả lời muốn xỉu luôn.
Thúy đã mât những phút chờ đợi, hồi họp cho đến 10 giờ. Lúc này chị Ba bán chè đậu vừa gánh qua trước nhà Thúy, chị lại hỏi:
- Cậu Sơn chưa về hả cô Thúy.
Thúy nói:
-Chưa chị ạ.
Chị Ba cất tiếng rao lãnh lót:
- Ai mua chè đậu nước dừa hôn?
Chị vừa ra được vài tiếng thì Thúy chẳng nghe được nữa, Thúy nghĩ:
- Chắc có ai gọi mua rồi, chớ mọi ngày chị rao cả chục tiếng mới đi khuất xóm này.
Nhưng bỗng chị Ba bán chè đậu dẫn đến một người đàn ông còn trẻ tuổi, trạc ngoài ba mươi. Người này ăn mặc sang trọng lắm. Thúy không khỏi lấy làm lạ khi thấy chị Ba chỉ về phía Thúy và nói:
- Nhà cô Thúy kia. Cô đang ngồi may đó. Cả đêm qua cô ấy chắc không ngủ được vì trông tin của cậu Sơn.
Rồi chị Ba chè đậu cất tiếng gọi lớn:
- Cô Thúy ơi! Có người đem tin cậu Sơn đến này.
Chị nói với người đàn ông:
- Thôi, ông vào nói chuyện với cô ấy, để tôi đi bán. Mới ở trong nhà ra, chưa bán mở hàng cho ai hết.
Người đàn ông ấy với vẻ mặt lo âu buồn bã, đi vào nhà Thúy:
- Đây có phải là nhà của cô Trần Thị Thanh Thúy không? Và có phải chị của cậu Trần Hoành Sơn không? Qua lời cậu Sơn nói, tôi nhận ra đây đúng là nhà của cô rồi. Chiếc máy may để bên cửa sổ, cái bàn trên có bức chân dung của cụ bà...
Thúy nói:
- Việc gì đã xảy ra cho em tôi vậy ông? Mời ông ngồi. Từ đêm qua nó không về nhà.
Người đàn ông ấy tự giới thiệu:
- Tôi là Nguyễn Tấn, thương gia. Tối hôm qua khi đi qua trước nhà hàng Kim Thanh thì đụng một thanh niên. Tôi vội cho xe ngừng lại mang cậu ấy vào bệnh viện Đô Thành. Đến nơi khi mở chiếc ví của cậu, tôi mới biết rõ họ tên, lúc ấy cậu còn mê man vì gẫy một chân...
Thúy kêu lên:
- Gẫy một chân? Vậy thì em tôi tàn tật rồi.
Tấn nói:
- Không sao đâu cô, xin cô yên lòng... À quên, xin lỗi bà...
Thúy nhìn xuống bụng và không khỏi xót xa. Tấn nói tiếp:
- Khi cậu Sơn tỉnh lại, lời cậu nói trước tiên là “Làm sao cho chị tôi hay? Mà hay được tin này chắc chị tôi khổ lắm”. Nghe vậy tôi khuyên cậu hãy yên lòng. Mọi việc tôi sẽ lo cho cậu, cậu sẽ chóng khỏi. Bác sĩ cho biết không sợ tàn tật. Khi băng bột xong, tôi mới hỏi cậu Sơn về gia cảnh. Năm nay thi tú tài, bán báo để giúp bà có thai gần sinh, nhà đang gặp chuyện tai biến. Nghe cậu Sơn kể và thấy nỗi lo âu của cậu, tôi rất ăn năn đã gây ra tai nạn này. Nhưng xin bà yên lòng. Mọi chi phí tôi đều lo cho Sơn khỏi bệnh, tôi đã nói với Sơn tôi tứ cố vô thân ra đời quá sớm, tôi xin nhận Sơn làm em tôi... Sơn có vẻ tin tôi nên chỉ chỗ bà ở để đến dây cho bà hay và rước bà vào thăm Sơn.
Tấn nói một hơi, Thúy ngồi nghe vừa lo vừa mừng. Lo là lo không biết Sơn có khỏi tàn tật không, và mừng là thấy Tấn tỏ ra biết điều.
Thúy liền nói:
- Tôi tuy đã có chồng nhưng cũng còn nhỏ, ông đừng gọi tôi bằng bà. Tôi ái ngại lắm. Ở cái xóm này ai cũng gọi tôi bằng cô Thúy.
- Cô đã cho phép thì tôi sẽ không dùng tiếng bà.
Thúy vào mặc áo dài, rồi hỏi:
- Đi bằng xe gì?
- Xe hơi... Xe tôi đậu ngoài đường.
Ra đến xe, một chiếc xe nhà sang trọng, Tấn mở cửa mời Thúy lên ngồi ở phía trước rồi lái xe chạy về phía Sài Gòn. Dọc đường, Tấn nói:
- Sơn đang đợi... Tội nghiệp em Sơn, bị xe đụng như vậy, em không lo cho mình mà lại cứ lo rồi đây cô phải làm sao đương đầu với cuộc sống khó khăn... Chị tôi có thai, không ai là người thân thuộc... Nghe Sơn nói, tôi cảm động quá. Xin cô đừng phiền trách tôi. Nào phải tôi muốn như thế, đó là chuyện rủi ro.
- Ông tử tế như vậy, tôi đâu dám phiền trách. Tôi chỉ biết cám ơn mà thôi.
Xe đến bệnh viện. Tấn kiếm chỗ đậu xe, rồi đưa Thúy lên phòng của Sơn. Vừa thấy chị, Sơn kêu lên:
- Chị Thúy!
Hai chị em cầm tay nhau, cả hai đều rớm lệ.
Tấn nói:
- Bây giờ em nói chuyện với chị Thúy nhé, để anh qua bên nhà hàng gần đây mua thức ăn và trái cây cho em.
Khi Tấn đi rồi, Sơn nói:
- Anh Tấn tử tế quá. Đâu phải anh ấy gây ra tai nạn.
- Ủa sao lạ vậy?
- Số là khi bán báo xong, em băng qua đường định đi về phía đường Công Lý thì một chiếc xe Honda chở hai chạy ngang và đụng em ngã, rồi một chiếc Honda khác cán phải em. Vừa lúc ấy chiếc xe hơi của anh Tấn trờ tới, tránh kịp, rồi anh xuống xe ẵm em đưa vào bệnh viện, trong khi cảnh sát huýt còi để chận xe của mấy tên cưỡi xe Honda lại. Đầu đuôi là thế nhưng anh Tấn cứ bảo một phần tại anh. Sự thật anh là người tốt, không nỡ bỏ em trong cảnh ấy.
Thúy nói:
- Nếu vậy thì anh Tấn là người tốt. Trong cái rủi em đã gặp cái may. Nếu không có anh Tấn thì em làm sao được như thế này và chị lấy tiền đâu mua thuốc men cho em. Mình cô thế biết kiện cáo ai bây giờ phải không em?
- Đúng như vậy, tụi nó đua xe làm em lãnh đủ.
Hai chị em nói chuyện một lát thì Tấn đi về. Tấn mua nào cam, nho, táo và có cả bánh paté, bánh ngọt cho Sơn nữa. Sơn đưa mắt nhìn chị ra chiều cảm động lắm.
Tấn đặt mấy cái gói ấy lên bàn rồi nói với Sơn và Thúy:
- Em Sơn nằm đây chắc là sốt ruột lắm vì em mất học, sợ không kịp bài vở để thi. Em đừng lo, khi em khỏi rồi, anh sẽ rước thầy lại dạy thêm cho em. Người hiếu học lại có lòng yêu thương chị như vầy đáng quý lắm... Anh không bỏ em đâu.
Sơn nói:
- Anh làm em cảm động quá! Biết đến bao giờ em mới đền đáp được cái ơn của anh.
Tấn cười:
- Tuổi trẻ với nhau mà nói chi chuyện ơn nghĩa. Em biết không, anh cũng như em, bị liệng ra đời khi còn nhỏ hơn em nữa kìa. Lúc ấy anh mới mười lăm tuổi. Bây giờ anh đã ba mươi hai tuổi rồi... Mười bảy năm vật lộn với đời, nhưng em may mắn hơn anh là em còn có một người chị.
Sơn hỏi:
- Thế anh không có ai họ hàng thân thích sao?
Tấn thở dài:
- Chuyện của anh dông dài lắm, khi nào em thật khỏe anh sẽ kể cho em nghe.
Lúc ấy, Sơn muốn hỏi Tấn đã có gia đình chưa nhưng lại không dám hỏi, Tấn nói với Thúy:
- Cô lấy bánh cho em Sơn dùng và lột cam gọt táo cho em ăn. Mỗi ngày tôi sẽ vào đây thăm em Sơn. Nếu cô thấy không có gì trở ngại thì tôi đem xe đến rước cô đi.
Thúy hỏi:
- Tôi không thể xin ở đây với Sơn sao ông?
- Cũng được. Nhưng cô có thai ở đây không tiện. Cô làm sao ngủ được? Người ta ra vô ồn ào, lại nữa đâu có chỗ để nằm tạm đỡ lưng.
- Nhưng để em Sơn ở một mình, tôi làm sao khỏi lo lắng. Tôi ở nhà thật không yên lòng.
Tấn sốt sắng:
- Nếu vậy để tôi cho thằng nhỏ giúp việc đến đây ở với em Sơn.
- Rồi việc nhà của ông ai lo?
Tấn cười:
- Tôi độc thân lo gì. Tôi đi ăn cơm tiệm quen rồi. Có nó thì sai vặt, không có nó thì tôi làm lấy. Thằng nhỏ này mồ côi cả cha lẫn mẹ, nó đi đánh giày, tôi gặp nó ở một tiệm ăn và đem nó về nhà. Nó dễ thương ngoan ngoãn và tôi cũng cho nó học nghề.
Rồi Tấn đưa Thúy về nhà. Thúy vừa đến trước cửa thì mấy bà hàng xóm đã bu lại, hết người này ra đến kẻ khác vào hỏi thăm về Sơn. Thúy cảm thấy mệt mỏi nhưng cũng phấn khởi vì cái tình hàng xóm ấy.
Khi mọi người đi về cả rồi, lúc ấy Thúy mới thở phào:
- Thật rủi mà may... Nhưng thằng nhỏ mất học cũng cả tháng.
Ngày hôm sau Tấn lại đem xe đến đón Thúy đi thăm Sơn. Thấy Thúy đang ngồi may, Tấn hỏi:
- Cô có thai mà may máy như vậy không sợ sao? Người ta kiêng cữ lắm đấy...
- May ít ít thôi có sao.
- Theo tôi nghĩ cô không nên may nhiều.
Thúy thở dài. Tấn hiểu nên nói:
- Vì hoàn cảnh cô phải may. Tôi phải nghĩ cách giúp cô mới được. Nếu có máy gắn điện để khỏi đạp thì hay hơn.
Hôm ấy khi Thúy và Tấn vào, mặt mày Sơn vui vẻ, Sơn nói với Thúy:
- Em không ngờ làm phiền anh Tấn thế này. Đêm qua có em Bảy vào đây ở với em, sáng sớm em ấy về và trước khi về còn đi mua phở cho em ăn nữa.
Thúy nhìn Tấn với đôi mắt đầy biết ơn:
- Ông chu đáo quá!
Tấn cười:
- Đâu có gì... Tôi đã nói đừng nên nghĩ đến chuyện ân nghĩa khi tụi mình đều còn trẻ.
Sơn nói:
- Anh Tấn thương em quá. Anh thật là người tốt.
- Em làm anh khó chịu rồi đấy, giúp nhau như vậy có gì đáng kể đâu. Huống chi cũng có một phần lỗi của anh...
- Đâu phải lỗi của anh!
- Cũng tại hai chiếc Honda kia lách tránh chiếc xe hơi của anh nên mới đụng em.
- Bao giờ anh cũng lãnh phần lỗi về anh cả. Chứ thật ra anh là người ơn của em.
Tấn lại đi mua bánh như ngày hôm qua, để Thúy và Sơn có thì giờ chuyện trò riêng với nhau. Sơn nói:
- Anh Tấn chưa có gia đình thật, chị ạ. Và theo thằng Bảy thì anh ấy làm ra tiền nhiều lắm. Anh Tấn cũng đã đi quân dịch rồi. Vì bị thương nên anh ấy được giải ngũ. Thằng Bảy kể cho em nghe và nói ai được làm vợ anh ấy là phước lắm.
Sơn nằm bệnh viện được một tuần thì một hôm Ngọc đến thăm Thúy mới hay Sơn bị tai nạn lưu thông. Ngọc nghe Thúy kể về lòng tốt của Tấn thì nói:
- Làm gì trên đời này có được người tốt như vậy. Phải chi...
Nói đến đây Ngọc ngừng lại nhìn Thúy, Thúy bẽn lẽn hỏi:
- Chị muốn nói gì vậy?
- Phải chi Thúy đừng thai nghén thì hay biết mấy.
- Chị này nói chuyện tầm phào...
- Không tầm phào đâu, mình nói thật đấy. Cho tôi vào thăm Sơn một chút.
Thúy dặn Ngọc:
- Nếu anh Tấn gặp chị hỏi về tôi thì chị đừng nói gì về chuyện của tôi... Chị cứ nói tôi góa chồng, chồng tôi là một chiến sĩ.
Ngọc không bằng lòng:
- Với ai thì mình giấu giếm chớ với anh Tấn nào đó, theo tôi nghĩ phải nói thật thì hơn.
- Tại sao vậy?
- Tôi chưa gặp Tấn, chưa biết mặt mũi anh chàng ra sao, nhưng tôi biết chắc thế nào rồi đây anh ta cũng có cảm tình với chị.
Thúy kêu lên:
- Chị Ngọc, chị đừng đùa tôi nữa.
- Tôi nói thật, ai đùa mà làm gì. Nếu Tấn không có cảm tình với chị thì tôi cũng làm cho anh chàng có cảm tình. Phen này tôi nhất định đứng ra làm mai.
Thúy năn nỉ:
- Chị đừng nên làm như vậy. Người ta tử tế, mình phải đàng hoàng, đừng để người ta khinh rẻ mình...
- Ai dám khinh rẻ, mà làm gì để người ta khinh rẻ chứ? Chị cứ để mặc tôi.
Ngọc vào thăm Sơn và hỏi Sơn về Tấn rất kỹ, Ngọc cười nói với Sơn:
- Chị Thúy của em lạ thật! Chị ấy dè dặt đến nỗi không cho anh Tấn mỗi ngày đem xe lại rước đi thăm em... Làm như vậy có phải là khách sáo không? Bề gì thì mình cũng đã chịu ơn người ta.
Sơn đồng ý:
- Về chuyện này em cũng nghĩ như chị. Mấy ngày đầu, vì chưa biết đường đi, chị Thúy để cho anh Tấn đem xe lại rước, nhưng bây giờ khi chị đã biết đường xe lam rồi thì nhất định đi một mình. Theo em nghĩ, dù chị Thúy không chịu đi xe chung với anh Tấn thì em cũng là kẻ mang ơn anh ấy suốt đời rồi.
Ngọc khen:
- Em nói phải, chị cũng đang nghĩ như em. Một cái ơn lớn như vậy mà đem chuyện đi nhờ vài cuốc xe để tránh bớt phiền hà hay tốn kém thật là vô lý, em có thấy như vậy là anh Tấn buồn không?
Rồi Ngọc hỏi Sơn về Tấn. Lẽ dĩ nhiên đối với Sơn, Tấn là một thần tượng. Tấn đẹp trai, hùng dũng, tánh tình rất thẳng thắn, lịch sự, rộng rãi và không khinh người nghèo. Tấn rất giàu nhưng khiêm tốn, lễ độ.
Ngọc nghe Sơn nói về Tấn liền kêu lên:
- Cái gì mà em khen quá cỡ vậy? Nhưng Tấn năm nay bao nhiêu tuổi?
- Ngoài ba mươi tuổi.
- Vậy thì tốt lắm.
- Cái gì mà tốt lắm?
Ngọc cười nhìn Sơn đầy bí mật:
- Thường thì mấy giờ anh Tấn vào?
- Ngày nào cũng năm giờ.
- Thế còn chị Thúy?
- Chị Thúy vào buổi trưa vì chị bảo buổi chiều phải may cho kịp.
Ngọc cười:
- Chớ không phải để tránh khỏi gặp anh Tấn...
- Em cũng biết chị Thúy giữ gìn... Vì chị đang có thai.
Rồi Ngọc hỏi thăm Sơn có ăn uống được không, bao giờ thì về nhà.
Sơn nói:
- Anh Tấn đóng tiền cho em nằm đến khi nào mở băng. Em ngại quá, tốn kém của anh quá nhiều. Anh còn rước bác sĩ chuyên môn đến sợ em bị tàn tật. Anh đem sách vào đây cho em đọc và nói rằng khi nào em về nhà anh sẽ đưa thầy đến dạy cho em học cho khỏi mất bài vở.
Ngọc nhìn nhận:
- Vậy thì em có phúc. Rủi mà may. Cái rủi kia chưa bằng một phần cái may, và theo cái đà này thì em còn may nhiều hơn nữa.
Ngày hôm sau, Ngọc cố tình đến thăm Sơn vào lúc bốn giờ chiều. Vừa thấy Ngọc, Sơn mừng rõ kêu lên:
- Chị Ngọc! Hôm nay chị lại vào thăm em nữa sao? Sao chị không đến rủ chị Thúy cùng đi?
Ngọc cười:
- Ai dại gì rủ chị Thúy? Chị muốn đi một mình để biết anh Tấn của em. Chị muốn gặp riêng anh Tấn mà không có chị Thúy. Chị muốn biết mặt vị mạnh thường quân trẻ tuổi ấy, chỉ có vậy. Anh Tấn vào đây chưa?
- Anh ấy sắp đến. Đúng năm giờ là có mặt anh ấy ở đây. Anh dẫn thằng Bảy vào để tối nó ở lại với em cho vui. Nhờ thằng Bảy mà em biết rõ về anh Tấn, chớ em đâu dám hỏi thẳng anh ấy.
Ngọc hỏi:
- Thế anh Tấn có khi nào hỏi em về chị Thúy không?
- Không, chỉ có em kể anh ấy nghe về hoàn cảnh của em. Sau đó anh Tấn không bao giờ hỏi về chị Thúy nữa. Anh cứ nói là chị Thúy đáng thương.
Ngọc lấy cam cắt ra cho Sơn ăn:
- Trái cây nhiều quá sao em không ăn?
- Tại anh Tấn mua nhiều quá. Rồi chị, chị cũng cho em nữa, em ăn sao hết. Chị Thúy vào em đòi cho chị ấy bớt một ít. Chị Thúy không chịu lấy, nên em phải ép chị ấy ăn, rồi mới cho về. Lại còn bà con lối xóm nữa, hễ chị Thúy vào đây thăm em thì ai có gì cho nấy, cảm động ghê đi chị. Chị Ba bán cháo lòng gởi lòng heo vào cho em, chị Nghĩa bán trái cây thì gởi mận. Còn dì Sáu bán bắp gửi bắp non nấu chín, nóng hổi và ngọt ngây. Em bị tai nạn mà được bà con cô bác thương như thế này là phước bảy đời phải không chị? Chớ chị không thấy đó, cũng một đêm với em, có một đứa bé đánh giày bị xe cán gãy chân, lại lòi ruột, nó vào đây nằm cả hai ngày không có thân nhân nào đến thăm cả. Tội nghiệp, nó chết rồi chị ạ... Anh Tấn khi hay biết việc này có đến thăm và bỏ tiền ra chôn cất cho nó...
Ngọc thầm phục:
- Vậy sao? Nếu vậy Tấn quả là người tốt.
Câu chuyện đến đây thì Tấn vào, tay cầm một hộp bánh, theo sau là thằng Bảy tay xách cà mên.
Ngọc nhìn về phía Tấn và hỏi lớn:
- Có phải anh Tấn của em đó không?
Tấn ngạc nhiên nhìn Ngọc, rồi nhìn Sơn như để hỏi. Tấn không khỏi khó chịu về lối phục sức của Ngọc và thái độ quá đường đột của nàng.
Sơn nói:
- Phải đó.
Ngoc liền chào Tấn:
- Anh Tấn, tôi hết sức khâm phục anh, tôi nghĩ sao nói vậy. Tôi không biết nịnh bợ, cũng không tế nhị như các cô gái khác. Tôi nghe Sơn và Thúy kể về anh, tôi nhận thấy trên đời này ít có ai như anh. Tôi xin tự giới thiệu với anh, tôi là Ngọc, bạn thân của Thúy. Nói thân thì không đúng, chúng tôi mới quen nhau chưa đầy một năm nhưng thông cảm cảnh ngộ của nhau nên yêu thương nhau. Tôi sanh ra trong cảnh nghèo nàn phải đi làm để nuôi một bà mẹ già. Thúy thì gặp cảnh dỡ dang lại còn tương lai của một đứa em trai.
Sơn sợ Ngọc nói tiếp, lộ chuyện riêng tư của Thúy nên nói:
- Trưa hôm qua chị Ngọc đến thăm chị Thúy mới hay em bị tai nạn. Chị vào thăm em và nghe em nói đến tấm lòng tốt của anh, chị phục anh lắm.
Tấn liền nói:
- Cảm ơn chị đã khen, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là bổn phận của tôi. Còn em Sơn, anh cấm em không được nói đến chuyện ơn nghĩa. Anh chỉ giúp em chút ít thôi, có gì đáng nói đâu.
Thằng Bảy lấy ở cà mên ra hai ngăn mì xào và thịt quay bánh mì:
- Hôm nay cậu Tấn bảo mua cho anh hai món này.
Tấn nói:
- Em ăn đi, rồi đến chín giờ, trước khi đi ngủ có đói thì em ăn tiếp bánh trong hộp kia.
Trong khi Sơn ăn, Tấn và Ngọc dẫn nhau ra ngoài hành lang để nói chuyện. Chắc hai người nói chuyện tâm đầu ý hợp lắm nên mãi đến khi Sơn ăn xong mà Tấn và Ngọc vẫn chưa vào, nên Sơn lên tiếng gọi:
- Chị Ngọc, chị dùng nho với em đi.
Ngọc và Tấn lúc ấy mới vào. Vẻ mặt Tấn dường như cảm động, còn Ngọc thì có vẻ vui mừng hớn hở. Tấn hỏi Sơn:
- Hôm nay em ăn ngon miệng chưa?
- Ngày nào mà em chả ăn ngon miệng. Hôm thì anh cho ăn bún thịt nướng, hôm thì anh cho ăn mì xào cua, lại có hôm anh cho ăn cháo bào ngư. Buổi trưa chị Thúy vào thì chè đậu, cháo lòng, gỏi gà... Như vậy không phải nói dại, em muốn nằm bệnh viện mãi và được anh yêu thương em như thế này.
Tấn rầy:
- Em đừng nói dại. Rồi đây khi em khỏi anh cũng sẽ yêu thương em, nhưng em đừng gặp ai cũng kể lể lôi thôi để đề cao anh như vậy. Anh có làm gì gọi là khác thường đâu.
Ngọc nói:
- Anh khiêm tốn quá, nhưng anh là kẻ thi ân, anh nghĩ khác, kẻ mang ơn lại nghĩ khác...
Tấn chẳng biết nói gì, quay sang Sơn nói tiếp:
- Nếu chị Thúy và em cho phép thì thỉnh thoảng anh sẽ đến thăm và giúp đỡ hai chị em. Em nghĩ sao?
Ngọc nghe vậy liền nói:
- Thúy nhỏ tuổi hơn anh nhiều, tại sao anh không gọi Thúy bằng em?
- Tôi chưa xin phép cô ấy. Tôi chưa dám gọi như vậy...
Rồi quay lại Sơn, Tấn nói:
- Như anh đã từng nhiều lần nói với em, anh bây giờ một thân một mình sống giữa cuộc đời này, nếu được em và cô Thúy xem anh như một người anh thì hay biết mấy.
Sơn kêu lên:
- Chuyên gì chứ xem anh như một người anh, em còn cầu. Chúng em cũng bơ vơ lắm.
- Anh cầu mong sao được lấy gia đình em làm gia đình của anh.
Ngọc chen vào:
- Chắc chắn Thúy và Sơn rất cảm ơn tình cảm của anh.
Ngọc nhìn đồng hồ rồi nói:
- Tôi đến đây lâu rồi. Vậy xin phép anh Tấn, tôi về trước.
Tấn hỏi:
- Tôi cũng sắp về rồi. Thế chị Ngọc đi xe gì?
Ngọc cười:
- Đi xe hai chân. Bộ ai cũng giàu như anh sao?
Tấn cũng cười:
- Vậy để tôi đưa chị về.
- Có phiền anh lắm không?
- Cái gì phiền? Chị khách sáo quá!
- Vậy xin anh cho tôi quá giang.
Tấn và Ngọc ra về. Sơn nhìn theo và nghĩ:
- Sao họ dễ thân nhau quá vậy? Chắc chị Ngọc thích anh Tấn lắm rồi... Nhưng chị bây giờ đã làm vợ ông Mật. Phải chi hồi đó chị khoan nhận lời ông Mật chờ đến bây giờ thì hay biết mấy. Hai người sẽ yêu nhau, cưới nhau, và mình có thêm hai người thân...
Trong khi Sơn nghĩ ngợi vẫn vơ thì trên chiếc xe hơi của Tấn, Ngọc và Tấn chuyện trò thật vui vẻ như đã thân nhau lâu lắm rồi.
Ngọc đã kể cho Tấn nghe về gia cảnh của Thúy khi hai người đứng ngoài hành lang của bệnh viện:
- Mẹ yếu đau, cha qua đời, Thúy phải bỏ học. Rồi sau đó, mẹ con dẫn dắt nhau lên Sài Gòn vì ở dưới quê không được an ninh. Lên trên này, mẹ con chưa tạo được một mái nhà yên vui thì mẹ Thúy cũng bỏ hai con về bên kia thế giới. Vì vậy Thúy phải đi làm để nuôi em ăn học.
- Thế cô Thúy có chồng từ khi nào?
Ngọc do dự không trả lời ngay thì Tấn hỏi tiếp:
- Chắc khi đi làm Thúy gặp người yêu?
Ngọc lắc đầu thở dài:
- Đâu phải vậy. Đây là chuyện riêng của Thúy, Thúy không muốn cho ai hay biết. Nếu tôi kể cho anh nghe mà Thúy hay thì Thúy sẽ giận tôi lắm. Nhưng tôi thấy anh là người tốt, nếu tôi có nói cho anh hiểu thì việc ấy cũng không có gì thương tổn đến danh dự của Thúy.
Tấn vội vàng:
- Vậy xin cô đừng nói... Nếu Thúy hay được Thúy sẽ buồn.
- Tôi phải nói. Vì ngoài anh ra không ai giúp chị em Thúy được. Bây giờ tôi hỏi anh điều này nhé... Anh có thể xem tôi như Thúy, như Sơn, nghĩa là xem tôi như một đứa em gái của anh không? Cảnh của tôi cũng không sáng sủa gì hơn Thúy. Nhưng nhờ không đẹp mà tôi không gặp cảnh dở dang như Thúy.
Ngọc thở dài rồi nói tiếp:
- Tôi thật vô lý, tôi chưa tự giới thiệu. Anh chưa biết tôi là ai cả. Anh có thể hiểu lầm.
Tấn hỏi:
- Hiểu lầm chuyện gì?
- Anh muốn hiếu lầm thế nào là tùy nhận xét của anh... Tôi tên Ngọc, bạn thân của Thúy. Tôi đã có chồng, có chồng sau khi tôi và Thúy bị đuổi ra khỏi hãng. Muốn giúp Thúy và Sơn, lại cũng vì cảnh phải có tiền để nuôi mẹ già, tôi nhận lời làm vợ ông Mật. Ông này lớn hơn tôi mười mấy tuổi, góa vợ có hai con. Lúc đầu tôi từ chối nhưng ông Mật cứ năn nỉ tôi. Tôi không hề nghĩ tôi có thể nhận lời ông ta, vậy mà cái lão chủ hãng bị vợ ép buộc cho Thúy nghỉ việc, tôi vì bênh vực cho Thúy cũng bị đuổi lây, lúc ấy tôi mới nhớ đến ông Mật và nhận lời làm vợ ông ta. Có vậy tôi mới có tiền để nuôi mẹ và giúp đỡ chị em Thúy. Tôi nói có Trời Phật chứng cho lời nói của tôi... Tôi mà không nghĩ như vậy thì Trời Phật đừng cho tôi sống.
- Như vậy cô cũng là người tốt.
- Tôi không phải kể chuyện riêng tư của tôi cho anh nghe và chờ anh ban cho một tiếng khen. Đừng hiểu lầm tôi.
- Tôi không hiểu lầm cô đâu. Tôi biết cô sở dĩ phải kể dông dài như vậy là để tôi thấy cô Thúy đang ở trong cảnh thật đáng thương.
- Vậy thì anh cũng khá thông minh đấy!
- Lúc nãy cô có nói nếu cô Thúy hay biết có người thứ ba biết rõ về chuyện yêu thương dở dang của cô ấy thì cô ấy sẽ giận cô lắm?
- Nhưng tôi muốn kể cho anh rõ... Thúy đâu có yêu ai mà nói rằng có chuyện yêu thương dang dở.
- Vậy thì chắc cô Thúy vì hoàn cảnh gia đình như cô nên phải lập gia đình?
- Cũng không phải như vậy... Thúy bị mưu sâu kế độc của ông chủ hãng. Ông ta bày tiệc và bỏ thuốc mê vào nước ngọt, Thúy và tôi mê man. Tôi thì ông ta cho người đưa về nhà, nói dối với mẹ tôi là tôi bị trúng gió, còn Thúy, ông ta đưa vào một phòng ở khách sạn.
- Thằng khốn nạn!
- Khi tôi tỉnh lại, tôi vội vàng chạy đến nhà Thúy thì mọi việc đã rồi.
Khi Ngọc kể tới đây, Tấn thở dài:
- Thôi tôi hiểu rồi. Và cô Thúy đã kinh tởm ông ta, không muốn thấy mặt ông ta nữa.
- Bây giờ anh đã biết rõ chuyện của Thúy, tôi mong anh đừng nói gì để Thúy biết tôi đã kể anh nghe, nếu không Thúy sẽ giận tôi...
- Không bao giờ tôi dám để lộ cho Thúy biết về chuyện này.
Tấn đỗ xe trước cửa nhà cho Ngọc xuống, rồi đến thăm Thúy. Thấy Tấn đến thình lình, Thúy luýnh quýnh không biết hỏi gì. Tấn nói:
- Tôi vào thăm em Sơn. Em đã khỏe nhiều và nhờ tôi mang bớt mấy gói này về cho cô.
Tấn đã nói dối. Mấy gói trái cây ấy Tấn vừa ghé hàng trái cây ở chợ Bến Thành và mua xong là đến thăm Thúy. Thúy nói:
- Cái thằng nhỏ! Nó làm rnất công anh quá!
- Đâu có gì, giờ này tôi rảnh mà. Cô làm việc suốt ngày, lại đang thời kỳ thai nghén, cô cần ăn uống bổ dưỡng mới đầy đủ sức khỏe. Cô không chỉ sống cho cô mà phải nghĩ cho đứa bé nữa... Phải chi cô đừng áy náy hay sợ dư luận bàn tán thì mỗi buổi chiều tôi đem xe đến đây đưa cô đi dạo mát một vòng... Mà thôi, bây giờ đi chưa tiện, khi nào em Sơn khỏi, lúc ấy ba anh em chúng ta cùng đi.
Thúy chỉ biết nói:
- Anh tử tế quá.
- Cô cho phép tôi được xem cô và Sơn như hai người em ruột của tôi. Tôi muốn có một mái gia đình, sống với hai người em mà trời vừa cho tôi gặp.
Tấn cũng có vẻ lúng túng khi nói câu ấy.
Thúy cảm động nói:
- Được anh xem chị em em như vậy thì còn gì may mắn bằng...
Tấn vui mừng hỏi:
- Thế là cô chấp nhận? May thật! Vậy thì từ đây cô đừng may vá gì nữa, cô may hết mấy xấp hàng này rồi thì nghỉ, đừng lãnh đồ may nữa, mọi việc đã có anh lo.
- May vá chút ít thì có gì mệt nhọc lắm đâu. Anh hãy yên lòng. Từ đây đã có anh thì cần việc gì em sẽ nhờ anh.
Tấn mở cặp ra định đưa tiền cho Thúy thì Thúy hỏi:
- Anh định cho em tiền đấy à? Em còn tiền mà...
- Khi nào cần thì nhớ nói cho anh biết. Bao giờ em Sơn về anh sẽ đưa em và Sơn đến cho biết nhà anh. Phải chi có cả cậu em rể của anh thì hay biết mấy.
Vì Tấn nói bất thình lình nên Thúy ngơ ngác hỏi:
- Cậu em rể nào?
- Thì chồng của em chớ cậu em rể nào nữa?
Thúy thở dài:
- Nếu còn chồng em thì đâu đến nỗi như thế này!
Tấn chuyện trò với Thúy một lát rồi ra về.
Ngày hôm sau, Thúy vào thăm Sơn và hỏi em:
- Em bị bệnh cần trái cây, thức ăn bổ dưỡng thì để lại đây mà ăn, sao lại gởi anh Tấn mang về cho chị chi vậy?
Sơn ngơ ngác:
- Em gởi về hồi nào?
- Thì chiều hôm qua chớ hồi nào? Mà em có gởi không?
Sơn như hiểu ra:
- Anh Tấn mang vào mỗi ngày, nào trái cây nào bánh, rồi chị Ngọc cho thêm nữa. Chị xanh và gầy yếu như vậy, cũng cần bồi dưỡng chứ!
- Dạo này chị ăn uống nhiều rồi, thấy khỏe hơn trước. Nếu không có anh Tấn, em gặp tai nạn thế này, chị lo chắc chết được.
Thúy ngồi xuống bên em:
- Trưa nay có gì ăn không?
- Thằng Bảy trước khi về đã mua bánh mì thịt cho em. Chị ăn với em đi. Đến hai ổ lận, anh Tấn dặn mua để chị vào ăn với em cho vui.
- Sao anh Tấn chu đáo quá em nhỉ? Thật là người tốt. Hôm qua anh ấy có xin phép để xem chị và em như hai đứa em của anh.
- Và chị trả lời thế nào?
- Lẽ dĩ nhiên chị nhận lời và cảm ơn anh ấy.
Sơn kể:
- Anh Tấn bảo anh ra đời từ khi còn nhỏ, vì vậy anh muốn có một mái ấm gia đình...
Thúy ngồi lặng một lát, bỗng nói:
- Chị lo lắng quá.
- Về việc gì vậy chị?
- Về chuyện của chị. Không biết chị Ngọc có nói gì với anh ấy không? Hay là chị Ngọc đã kể tất cả rồi.
- Chị Ngọc có kể thì đã sao? Người như anh Tấn không thể nào khinh khi hay hiểu lầm chị đâu.
Vẻ mặt lo lắng của Thúy bỗng biến mất, Thúy vui vẻ nói:
- Chắc chị Ngọc chưa nói.
- Tại sao chị biết?
- Vì hôm qua anh Tấn có nói phải chi có cậu em rể thì vui biết mấy... Chị không hiểu? Cậu em rể nào, thì anh Tấn bảo là chồng cô chứ cậu em rể nào.
Sơn kêu lên:
- Đó, chị thấy không? Anh ấy đâu đã biết sự thật. Nhưng chị hãy yên lòng. Em tin anh Tấn là người tốt, anh ấy không nỡ làm chị phải buồn tủi đâu.
- Anh Tấn không cho chị lãnh vải nữa, may hết đợt này thì thôi... Anh nói giờ đây chị là em gái của anh thì phải để anh lo cho chị.
- Anh Tấn giàu lắm.
- Nhưng tại sao mình phải ỷ lại như vậy? Khi nào không còn làm được thì mới nhờ đến anh Tấn, bây giờ chị còn may vá được kia mà.
- Sự thật thì mình có muốn nhờ cậy ai đâu, chỉ tại ông trời sắp đặt thôi. Nếu em không bị tai nạn thì làm sao gặp được anh Tấn, làm sao biết được trên đời này có một người cao thượng như anh Tấn.
Rồi Sơn nói sau vài phút do dự:
- Phải chi chị gặp anh Tấn trước thì hay biết mấy. Phải chi em gặp tai nạn trước khi chị làm việc với ông Châm..
Thúy đỏ hồng đôi má:
- Em nghĩ gì mà nói vậy?
Sơn cười:
- Em nghĩ bậy bạ mà, nếu chị biết chị sẽ rầy em... Em có hỏi thằng Bảy tại sao anh Tấn chưa có vợ thì nó bảo chẳng những không có vợ mà nó cũng không thấy anh Tấn đi với người đàn bà nào hay đem người đàn bà nào về nhà cả...
- Sao hôm nay em thích nói về anh ấy quá vậy?
- Vì bây giờ chị em mình đã là em anh Tấn rồi. Anh ấy hứa khi nào em khỏi hẳn và đi được thì anh sẽ đưa em về nhà anh chơi.
Thúy thở dài:
- Chị thấy dường như dạo này em quen với nếp sống xa hoa rồi.
Sơn cười:
- Gẫy chân nằm một chỗ khổ muốn chết đây chớ quen với nếp sống xa hoa gì. Chị nói vậy mà nghe được! Em vui vẻ chấp nhận sự giúp đỡ của anh Tấn là vì anh ấy thành thật thương người. Đây cũng là một sự an ủi cho những tâm hồn lạc loài như chị em mình. Chị đừng sợ mấy hôm nay em được ăn uống sung sướng như thế này rồi nghĩ rằng em sẽ quen thân lười biếng không muốn làm việc nữa. Không đâu chị, nếu anh Tấn có ý xấu một chút là em không cần sự giúp đỡ của anh ngay, chị đừng hiểu lầm em.
Thúy nghe Sơn nói vậy vội vàng xin lỗi em:
- Thôi đừng hờn chị nữa, chị nghĩ quấy vậy mà.
- Em đâu dám giận chị.
Định Mệnh Định Mệnh - Bà Tùng Long Định Mệnh