Nhận Xét Của Báo Le Figaro Pháp
hụ trang văn học của báo Le Figaro chú ý đến tác phẩm mới nhất của nhà văn Dương Thu Hương, ĐỈNH CAO CHÓI LỌI, với cái tên tiếng Pháp là AU ZENITH, nhà xuất bản Sabine Wespieser
Một ông cụ già nhìn lại cuộc đời với nhiều vinh nhục. Ông cụ ấy dưới ngòi bút Dương Thu Hương là ông Hồ Chí Minh. Đỉnh cao chói lọi mở đầu bằng những kỷ niệm và tiếc nuối. Một người đã vượt qua nhiều thách thức của định mệnh, từng bước leo lên đến đỉnh cao quyền lực, nhưng khi ngoảnh lại, tuổi già chỉ có cô đơn.
Tác giả bài báo viết:
« Hình ảnh ông cụ già qua nhân vật Chủ tịch của nhà văn Việt Nam xuyên suốt từ trang đầu đến trang cuối tác phẩm; lúc nào cũng đơn độc, xa cách với cái thế giới đang bao quanh ông (...). Sự cô đơn, trống vắng thể hiện thất bại và thành công của nhân vật chính trong truyện.
Sự thật bao giờ cũng trần trụi, không cần phải che đậy. Đấy là sự thật về một con người - trong tiểu thuyết là ông Hồ Chí Minh - sự thật về một chế độ cộng sản độc tài; sự thật về một mối tình với một người vợ trẻ mà ông Chủ tịch không đủ sức bảo vệ lấy hạnh phúc; sự thật về bất lực của ông trước một cuộc chiến.
Nhân vật của Dương Thu Hương đang lật lại từng trang sách trong cuộc đời mà ông chỉ nhận thấy phần chua chát: đồng bào ông vẫn đau khổ, vẫn chân đất đi ra đồng. Những người tự xưng là đồng chí của ông đã sát hại người vợ trẻ ông hằng thương yêu.
Còn đâu bầu nhiệt huyết của thủa thiếu thời, của những ngày một cậu thanh niên Việt Nam xây mộng dưới vòm trời Paris? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời một ông lão đang bị giam lỏng? Tại sao có thể hy sinh bấy nhiêu sinh mạng và của cải để rồi dẫn đến kết quả ghê gớm như thế này?
Le Figaro nhận thấy là tài năng của Dương Thu Hương vẫn nguyên vẹn từ sau cuốn tiểu thuyết CHỐN VẮNG.
Bà « thuộc tầng lớp của những nhà văn lớn, họ yêu thương đồng bào và nỗi khổ đau của dân tộc. Nếu tiểu thuyết Đỉnh cao chói lọi của bà là một bức tranh thêu thì phải nói là Dương Thu Hương đã mượn thời gian làm chỉ. Bà đã tô điểm cho bức tranh ấy bằng màu sác của những phong cảnh chỉ còn thuộc về quá khứ; bằng màu đỏ của máu, của sự hy sinh và cũng là màu của quyền lực của chiến thắng (…) bà vẩy lên tấm tranh đó những giọt nước mắt của con người, bất luận đấy là những kẻ thế lực hay bần hàn.
Đỉnh cao chói lọi làm cho người đọc phải suy nghĩ về những hành động chính trị, về nhứng lý tưởng và nhất là về trăn trở của con người vào tuổi xế chiều » (hết)
Đỉnh Cao Chói Lọi Đỉnh Cao Chói Lọi - Dương Thu Hương Đỉnh Cao Chói Lọi