Đi Tìm Nhân Vật epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2 -
ay là thôi quách vụ này đi - Tôi thầm tính toán - vừa mới khởi sự đã đầy trục trặc. Thiếu quách gì những chuyện thê thảm hơn. Tìm đâu chả đầy rẫy những cái chết nóng hổi hơn, hấp dẫn hơn. Cái chết của thằng bé đánh giầy dù sao cũng cũ rồi. Về mặt nghiệp vụ thì rõ ràng vụ này bất lợi bởi nạn nhân chỉ như con ong cái kiến. Người ta thích những cái chết bự hơn bởi bao giờ cũng nhiều giả thiết đi kèm. Có thể thêu dệt đủ cách để bất cứ ai cũng quan trọng như nhân chứng vậy. Ðằng này nó chỉ là một thằng bé đánh giầy! Hàng ngày có hàng trăm thằng bé đánh giầy la cà ở các quán ăn, công sở, chui vào từng ngõ ngách để kiếm ăn. Nào có ai để ý đến chúng, quá lắm khi bị chúng quấy quả cũng chỉ bực tức như bực tức con ruồi nào đó cứ nhằm mép mà đậu. Thử hỏi có ai, bao giờ biết về một thằng bé đánh giầy cụ thể? Khi cần đánh giầy thì vẫy một đứa lại. Ai rồ dại mà đi bận tâm với ý nghĩ nó là bản gốc duy nhất, không bao giờ có sự lặp lại?! Nếu thằng bé đánh giầy nào đó chết, chỉ có nghĩa là đội quân đánh giầy ngày một lúc nhúc, đôi khi khá vướng chân, vơi đi một đứa. Vơi đi một đứa thì nghĩa lý gì! Nó chết cũng như tự dưng nó được bố mẹ đón đi, coi như không có nó trong đội ngũ những kẻ cầu bơ cầu bất. Ai hơi đâu mà hỏi xem nó bỏ đi hay vì sao biến mất khi mà khả năng biến mất của bất cứ ai, là khả năng trội nhất của xã hội.
Tóm lại đây là một vụ "xương xẩu" - theo ngôn ngữ của giới chuyên môn. Loại vụ này chỉ dành cho người mới vào nghề. Bởi vì cho dù tôi có đủ tư liệu để viết về cái chết của thằng bé đánh giầy, thì hoặc người ta chép miệng: Chuyện từ đời nảo đời nào, cũ rích. Hoặc người ta ngao ngán thất vọng: Tưởng "nhân vật" nào! Với bọn đánh giầy thì chết thế còn ít!
Vì thế có thể thấy trước bài báo của tôi có cũng được, không cũng chẳng sao. Rất dễ bị xếp vào loại bài "cho qua".
Chỉ mới nghĩ như vậy tôi đã thấy chán nản. Nhưng không phải vô cớ mà tôi chuyên đi điều tra về những cái chết. Thực ra vẫn là cuộc truy tìm hắn mà tôi lao vào một cách tuyệt vọng. Có lúc tưởng như tôi đã vẽ được chân dung hắn. Có lúc hắn đã ở trong tầm tay của tôi. Có lúc hắn bị tôi phù phép cho thất điên bát đảo để lộ nguyên hình. Nhưng cũng có lúc hắn biến hóa khôn lường, trở lại ngồi ghế phán xét hoặc bảnh bao dưới một chân dung khả ái. Trong số những pha tàng hình ngoạn mục của hắn, phải kể đến vụ ông già gác rừng bị bắn chết. Thủ phạm là một gã trong hiệp săn - kẻ giương súng lên nhằm vào ông gác rừng và bóp cò. Hắn chấp nhận hình phạt nhưng kiên quyết không nhận hắn là tên giết người. Câu nói nổi tiếng của hắn trước khi chết là: "Tôi không có một chút ý muốn và khả năng giết người. Hắn đã chọn tôi để trốn tội. Trong vụ này hắn đã thắng tất cả chúng ta".
Mọi người coi đó là những lời lảm nhảm của một kẻ mất trí vì biết mình chết. Nhưng tôi hoàn toàn tin anh ta nói đúng. Chỉ có điều tôi không có phương tiện (ngôn ngữ trong trường hợp này thật vô dụng) để chuyển niềm tin của tôi thành chân lý mà mọi người có thể cầm nắm được. Cũng giống như cha tôi, chỉ mình tôi biết ông bị giết chết trong khi đối với mọi người, ông là kẻ yếu đuối và tự làm hại mình.
Trở lại vụ ông già gác rừng, tôi phải mô tả lại sự việc dẫn đến cái chết của ông bởi nó vô cùng ngắn gọn.
Một buổi tối, sau cơn mưa, ông gác rừng bắt đầu công việc quen thuộc: Ði kiểm tra khu vực rừng cấm do ông trông coi. Chủ yếu ông đề phòng bọn lâm tặc và những tay thợ săn thường lẻn vào săn trộm. Trước đó ông đã va chạm với một phường săn và họ phải chấp nhận yêu cầu của ông một cách hậm hực.
Trời tối. Ông gác rừng buộc chiếc đèn chuyên dụng lên trán, bỏ con đường chính, đi tắt vào khu vực mà ông nghi ngờ có sự xâm phạm. Khi ông vừa từ con suối men theo sườn dốc đi lên thì một viên đạn găm đúng vào trán ông, chết ngay tại chỗ. Người ta tìm ra thủ phạm không khó khăn gì bởi vì gã không định chạy trốn. Và gã chính là tay thợ săn từng trực tiếp cãi nhau với ông già mấy hôm trước. Khi đó gã nằm rình lợn lòi, cùng với mấy người khác. Ðèn của gã bắt sáng trước khi gã bóp cò tới hai phút, nghĩa là lý do nhầm lẫn gã đưa ra rất khó thuyết phục. Gã bị kết tội giết người đang thi hành công vụ vì mục đích trả thù và lãnh án tử hình. Sau khi nghe tuyên án, gã giơ hai tay lên trời, tru tréo một cách thê thảm:
- Tôi không là thủ phạm duy nhất. Tôi hoàn toàn không có ý định giết người.
Nhưng khi cho gã được dùng bằng chứng để gỡ tội thì gã chỉ còn biết câm lặng. Cuối cùng gã chấp nhận hình phạt nhưng một mực không chịu nhận tội giết người.
Khi tôi gặp gã ở buồng dành cho tử tù, gã cầu xin tôi hãy tin gã mặc dù không mong được giảm án. Tôi bảo gã:
- Tôi có thể tin anh. Nhưng sự thật vẫn cứ là sự thật.
Gã cười chua chát:
- Sự thật chưa chắc đã là điều đáng tin nhất. Ðể minh chứng điều đó, tôi sẽ kể cho ông nghe và không bao giờ tôi làm khó cho ông. Ðơn xin ân giảm tôi không viết, tức là ngay tôi cũng không muốn thay đổi hình phạt với tôi. Nhưng ông ạ, tôi không thể là thủ phạm bởi vì tôi không có khả năng giết người và trong trường hợp ông gác rừng bị bắn chết bởi tay tôi, thì chỉ có thể nói, hắn, một kẻ vô hình nhưng có mặt ở khắp nơi, ở bất cứ chỗ nào con người có sự ganh ghét, thù hận, đã biến tôi thành công cụ của hắn. Ðiều tôi nói rất khó hiểu nhưng có thể tin. Tất nhiên, thế nào là tùy ông.
- Nhưng sự thật là anh đã bắn ông ta?
- Tôi có chối đâu. Tôi bắn và quyết tâm bắn trúng giữa trán. Nhưng xin ông nghe tôi kể đã.
Khi phường săn chúng tôi bị ông gác rừng cản đường, giữa chúng tôi và ông ta đã có mối thù địch. Tôi loáng thoáng bắt gặp - bằng mắt, bằng trực giác - một vài ý định thủ tiêu ông. Làm sao tôi đưa ra được bằng chứng về những ý nghĩ của người khác? Nhưng quả là có một ý định như thế lởn vởn trước mắt chúng tôi và số phận của ông gác rừng đã được định đoạt từ rất lâu trước khi tôi thi hành trực tiếp. Nói rõ ra thì tuy không ai bộc lộ thành lời nhưng mọi người đều biết họ muốn giết chết kẻ ngáng đường. ý nghĩ này như một đám mây tích điện, cứ mỗi ngày một mạnh dần. Dường như mỗi chúng tôi, dù không định, đã chuẩn bị chu đáo cho cái chết của ông ta mà ai cũng hiểu nó sắp đến. Không thể gọi cụ thể nó là việc gì nhưng mỗi chúng tôi đều thấy rõ nó tiến triển tốt. Vấn đề còn lại chỉ là bao giờ và như thế nào?
Và cái ngày ấy đã đến, cái ngày mà tất cả chúng tôi cùng chờ đợi. Khi chúng tôi quyết định đến đón lõng cạnh con suối, tôi - và có lẽ mọi người cũng thế - như nghe thấy một mệnh lệnh: "Không được để hắn sổng mất!" Làm sao ai có thể chấp nhận lý lẽ này của tôi cũng như chính tôi làm cái điều phi lý là thắp đèn ló để rình lợn lòi! Từ nơi vực tối trong tâm hồn tôi, mọi việc diễn ra vì mục đích khác: Tôi biết ông ta sẽ soi đèn đi qua và tôi phải thắp đèn lên để tạo ra trước sự bào chữa? Nhưng tôi không muốn ông bận tâm. Sự việc diễn ra tiếp theo thật đơn giản và hoàn toàn theo kế hoạch (Tôi phải nhắc lại đây là kế hoạch vô hình, không ai vạch ra nhưng rất hoàn hảo về mặt chi tiết). Khi trước mũi súng của tôi hiện ra đốm sáng, tim tôi muốn bật ra khỏi lồng ngực, bởi vì - như có sự sắp đặt từ đâu đó, tôi hoàn toàn không biết - Tôi sẽ là kẻ găm viên đạn vào phía dưới đốm sáng kia 1 cm. Nghĩa là tôi đã bị chỉ định thành tên sát nhân! Vì thế, mặc dù có một ngọn đèn nhưng mắt tôi lại thấy những hai đốm sáng! Tôi phải tạo ra ảo ảnh đủ sức dối tôi rằng đó không phải là ông gác rừng! Ngay lập tức tôi nghe thấy tiếng nói nhất trí, thay cho lời phán quyết, rằng hai đốm sáng chứ không phải một. Hai đốm! Hai đốm! Bắn đi! Hạ nó đi! Ðấy là lời thúc giục tôi mặc dù tất cả cùng nín thở im lặng, sự im lặng chờ đợi thực thi một kế hoạch. Vì thế việc ông gác rừng ngã vật xuống khiến tất cả cùng thở trút ra mặc dù sau đó mọi người đều hết sức kinh sợ kêu lên: Chết rồi, lầm rồi!
- Ai lầm? - Gã cười phá lên - Chẳng có ai lầm cả. Nếu có sự lầm lẫn nào ở đây thì chỉ là tôi đã không tính hết khi đi sau cùng, nên khi đến chỗ tập kết thành ngay kẻ nằm ở hàng đầu.
Sau đó cả tôi và gã tử tù cùng im lặng, mỗi người hướng về một phía. Tôi không dám nhìn vào mặt gã để chứng kiến hiện thân cho sự thất bại của con người.
- Tôi biết nói ra với ông chả để làm gì - Gã hạ giọng nói nhỏ - Ngay cả ông cũng khó mà tin những gì tôi vừa kể. Nhưng nếu có một phiên tòa khác xử tôi sau khi chết, tôi tin là tội của tôi sẽ được giảm nhẹ. Tôi là kẻ ít học, chỉ thạo bắn súng. Nhưng tôi hiểu rõ điều này: Có những điều nằm ngoài sự phán xét của con người.
Tôi bảo gã:
- Nếu đúng như anh nói thì anh vẫn hoàn toàn có thể hy vọng.
- Cảm ơn ông và vĩnh biệt!
Tôi không thể nào viết lại lời kể của gã thợ săn bởi vì sẽ chẳng ai tin gã. Nhưng câu chuyện gã kể dường như liên quan một cách mật thiết với câu chuyện của gia đình tôi, mặc dù nội dung hoàn toàn khác. Có thể vẫn là hắn, kẻ tôi truy tìm không mệt mỏi nhưng luôn luôn bị rơi vào tình thế tuyệt vọng. Mỗi khi tôi thất thểu muốn gục xuống, muốn bỏ cuộc, chấp nhận sự thất bại, thì một tiếng nói giục giã lại vang lên, thôi thúc tôi tiếp tục cuộc chiến đấu đầy bi thảm. Có thể vẫn là hắn, dưới bộ mặt khác, đã hạ sát thằng bé đánh giầy. Tất cả hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đối với tôi.
Hồi đó hắn xuất hiện trước mặt tôi như một khối đen khổng lồ. Từ cái buổi tối định mệnh ấy, tuổi thơ của tôi vĩnh viễn bị chôn sống. Tôi thấy cha tôi bị cùm giải đi. Ông hoàn toàn cam chịu thất bại. Mẹ tôi đứng nhìn theo, trên tay ôm tôi, như sau này mẹ kể, không vì tôi thì bà đã chọn một cái chết xứng đáng. Tôi không hiểu điều mẹ nói cũng như không khỏi có lúc tôi nghi ngờ tính xác thực của một vài chi tiết mang tính số phận. Tôi thường biểu lộ bằng câu hỏi: "Thật thế ư hả mẹ?". Trong căn nhà bỗng trở nên rộng mênh mông, tôi nhớ nhất màu hiu hắt của bốn bức tường ẩm mốc, nơi từng đàn gián bố, gián mẹ, gián con, gián cháu... thường mở những cuộc vũ hội vào ban đêm. Và tôi thấy trong bộ cánh của mỗi con gián niềm ước vọng sặc mùi hôi hám mà tôi âm thầm gửi vào. Tôi thường nhìn lên bức tường mốc meo, loang lổ - y như sau này tôi nhìn vào cuốn lịch sử - và tự hỏi: Có bao nhiêu lớp sự kiện đã tạo cho nó bộ mặt tàn úa kia? Và tôi có cảm giác mọi bí mật của dòng họ đều đã bị mã hóa trước khi quét lên nó. Tuy nhiên đó là ấn tượng được lưu giữ và thường hé ra khi tôi đã lớn. Còn hồi đó tôi nhìn bốn bức tường là do mẹ tôi luôn luôn nhìn vào đó. Dường như mẹ đang lo sợ - vì thế mà bà luôn luôn chờ đợi - một tai họa nào đó sẽ ập đến từ phía bà ít ngờ nhất. Bà chỉ còn điểm tựa vững chắc nhất là trông chờ vào sự linh thiêng của những người đã chết - tất cả đều bị giết - khi bà nhìn vào từng tấm ảnh một. Nhờ thế mà tôi định hình được khuôn mặt những người thân quá cố của mình. Cụ nội tôi ngồi ở điểm cao nhất, gương mặt như chìm sâu vào nỗi buồn rất khó diễn tả. Trong khi đó, ở vị trí thấp hơn, ông nội tôi thảng thốt nhìn vào một thế giới mờ mịt, như tự hỏi: Vì sao ta lại sinh ra làm người để rồi sẽ có lúc mất hút? Trong màu đen của áo dài, vết nám của khói hương và màu vàng úa của nền giấy, tôi cảm được chiều sâu thăm thẳm của thời gian.
Trong đêm tôi nằm khoanh tròn nghe tiếng dịch chuyển của một thế giới vô cùng huyền bí. Dường như có một sợi dây vô hình nào đó vẫn nối tôi với những người thân đã vĩnh viễn thuộc về một thời đại khác. Ðó là sợi dây số phận và nó đang thít chặt vào cuộc đời tôi. Thỉnh thoảng vẳng trong mơ hồ, tôi nghe thấy tiếng những bước chân. Tôi nói với mẹ điều đó thì bà bảo tôi bịt tai lại.
Tôi không thể nào quên ngày cha tôi bị dẫn đi. Cha tôi mảnh khảnh như một nho sinh, vì thế tôi có cảm giác cơ thể ông bị bẻ nát vụn dưới sức mạnh của mấy gã dân quân. Ông mỉm cười chua chát và hãnh diện như người không may đành cam chịu thất bại. Cha nói gì đó với mẹ và âu yếm nhìn tôi. Chính nhờ cái nhìn ấy mà sau này tôi luôn luôn được trợ sức để vượt qua những nguy hiểm. Còn lúc ấy, sau khi cha quay đi, tôi gào lên hỏi mẹ vì sao cha chịu để người ta trói một cách dễ dàng rồi dắt đi như dắt trâu, liền bị mẹ bịt miệng lại: "Thôi nào, mẹ xin con. Ðó là bàn tay của số phận, không ai cưỡng được. Con cần phải lớn lên như một đứa trẻ vô tội". "Chả lẽ con có tội?" - Sau này có lần tôi hỏi thì mẹ vẫn chỉ lắc đầu: "Mẹ xin con!".
Ðiệp khúc "mẹ xin con" ăn sâu vào ký ức tôi đến nỗi nó thường vang lên như là "khúc dạo đầu bi tráng" mỗi khi tôi thử tìm cách giải những mã số bí mật của quá khứ.
Ngày đó có vẻ như mẹ biết trước điều gì sẽ đến. Vậy mà khi hắn xuất hiện, bà vẫn ôm chặt lấy tôi, mắt không rời những tấm ảnh đã ngả màu. Trong ký ức tôi thì hắn là một bóng đen khổng lồ, một khối băng giá và trong đêm tối hắn không có hình thù cụ thể.
- Cuối cùng thì ông đã toại nguyện rồi chứ? - Mẹ hỏi bằng giọng vừa lo sợ vừa khinh bỉ.
Hắn không trả lời ngay mà nhìn lên bàn thờ, nơi cụ nội và ông nội tôi đang im lặng xem tiếp màn kịch số phận.
- Tôi thật sự không hài lòng bởi cái kết thúc quá dễ dàng ấy - Hắn xoay lưng lại, để lộ ra chiếc cổ to như cổ trâu, giọng hắn trầm và nhỏ, như vọng lên từ âm ty - Tôi không nghĩ chồng bà lại đớn đến thế. Hắn làm tôi thất vọng. Tôi chờ để được chiến đấu cơ.
- Chẳng qua thời thế khốn nạn đã rơi vào tay ông, một bàn tay gớm ghiếc...
- Bà đừng tự ái - Hắn ngắt lời mẹ - Anh hùng phải biết tạo ra thời thế hoặc bắt thời thế chiều theo ý mình.
- Nhưng một kẻ trượng phu thì không bao giờ đánh người khác từ phía sau. Những đòn tiểu nhân ấy chỉ dành cho rắn độc thôi.
Hắn cười mà nghe như hú:
- Tôi thật phát ghen lên được. Nếu tôi có một người vợ như bà thì... à không, tôi lại định phỉ báng số phận rồi. Số tôi đã được định đoạt từ khi còn ở trong bụng mẹ là phải đau khổ với đàn bà. Tôi không được quyền nuối tiếc những gì không bao giờ thuộc về mình.
- Ông có thể gia ơn, nói cho biết trước đòn tiếp theo của ông. Tôi hy vọng nó ít tiểu nhân hơn.
- Cái đó chưa được tôi dự tính. Tôi thích ngẫu hứng, nhiều khi khao khát được ăn đòn.
- Ông thật đê tiện - Mẹ tôi rít lên - ông đã chuẩn bị kỹ lưỡng để hạ thủ chồng tôi bằng những tính toán lạnh lùng. Chỉ tiếc là anh ấy đã đánh giá ông quá cao.
- Lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe một phụ nữ xinh đẹp như bà mắng mỏ. Ðiều đó làm tôi ấm lòng bởi ý nghĩ, dù sao tôi cũng không phải là người mất trắng.
- Ông có tư cách gì để nói chuyện còn, mất với tôi?
- Có chứ! - Hắn tỏ ra mệt mỏi - Có đấy bà ạ. Bà đang khoan vào vết thương chưa liền miệng của tôi đấy. Chà, bà biết tôi cũng từng mềm yếu chứ? Khi tôi biết tôi có một công việc phải làm, ấy là thực hiện bản di chúc do cụ nội tôi để lại, được ông tôi và bố tôi tuân thủ nghiêm ngặt, cái bản di chúc khủng khiếp mà rồi đến lượt tôi phải ký tên vào trước khi trao cho con trai tôi, tôi cảm thấy như mình đang bị chơi xỏ. Giá như đừng có bản di chúc ấy, hoặc nó bị hỏa hoạn thiêu cháy đi, bị chuột bọ tha đi... thì mọi chuyện đã khác. Chính tôi thầm oán trách số kiếp. Tôi đã định không vâng lời nếu như chính số phận không chơi khăm tôi - hoặc có thể đó là cách nó bắt tôi phải tuân thủ - khi tôi phải chứng kiến sự thất bại nhục nhã trước chồng bà. Tôi căm ghét hắn cũng như căm ghét tất cả những kẻ nho nhã như hắn. Tại sao bà không chọn tôi mà lại chọn hắn? Ví thử bà chọn tôi thì câu chuyện đã có một kết thúc khác. Bà thử nghĩ xem đó chẳng phải là uy quyền ghê gớm của số phận ư? Và tôi, sau sự nếm trải cay đắng ấy, đã tuân phục nó một cách nghiêm túc.
- Cảm ơn ông đã hé cho tôi một chút bí mật... Nhưng chính vì điều đó khiến lần đầu tiên tôi ghê tởm ông mà không sợ mình bất công. Ông là một kẻ vụ lợi cả trong những tình cảm thiêng liêng.
- Vậy bà cho tôi cơ hội để sám hối đi - Hắn nhìn nhanh mẹ con tôi.
- Ông nghe đây. Tôi phải nhắc lại tôi ghê tởm ông, một con quỷ độc ác. Bây giờ thì ông cút đi!
- Tôi cũng nói để bà biết - giọng hắn bất ngờ khô khốc. Tôi không đến đây chỉ để cầu xin bà. Tôi còn có việc nữa là báo cho bà biết, công việc của tôi chưa xong.
Tôi thấy mẹ tôi ôm chặt tôi hơn và điều đó không qua được mắt hắn.
- Nhưng bà yên tâm - Hắn cười nham hiểm - bà chưa phải lo sớm thế đâu. Nó chỉ được chết sau khi đã thuộc lòng câu chuyện của quá khứ, để hiểu vì sao nó phải chết.
Hắn bỏ đi và hòa tan ngay vào đêm tối. Có thể bản thân hắn là đêm tối. Mẹ tôi ngồi lặng đi, càng ôm chặt tôi hơn. Bà luôn miệng nói thì thầm vào tai tôi: "Con đừng sợ. Cha con sẽ trở về và không ai làm gì được con".
Tôi nép vào ngực mẹ, hỏi:
- Ông ta là ai hả mẹ?
- Con đừng sợ!
Mãi sau này, khi tôi dai dẳng nhắc lại câu hỏi, mẹ tôi chỉ đáp:
- Là hắn!
o O o
Mặt trời bắt đầu ló ra từ khu nhà nhiều tầng. Tuy là buổi sáng nhưng không khí đã nóng hầm hập. Tôi định vị điểm thằng bé ngã xuống, cắt một đường chéo về phía quang đãng nhất và nó chiếu thẳng vào một cửa hiệu bán đồ lót. Tấm biển xanh đỏ nổi bật hàng chữ bay bướm: Hơn cả sự gợi cảm. Ngay trước cửa hiệu bày hàng loạt ma-nơ-canh, đủ các màu da, đủ tư thế, tất cả đều được mặc đồ lót và trông rất khiêu dâm. Phía sau quầy, cô chủ cửa hàng đang tô son trát phấn và trông cô gợi người ta nghĩ tới bữa tiệc toàn thịt mỡ.
- Ôi, niềm may mắn lớn đã đến với chúng tôi đây rồi - Cô đon đả chào tôi, nhìn tôi như cân đo xem mặt hàng này đáng giá bao nhiêu phần trăm hở hang và cọ xát. Có lẽ cam đoan tôi là món sộp, cô quyết định hào phóng ngay từ đầu bằng một cử chỉ tạo kích thích mạnh.
- Chào cô - tôi cất tiếng, cố giữ sự chừng mực cần thiết.
- Anh xứng đáng được bầu là người yêu phụ nữ nhất trong ngày - Cô cười một cách xởi lởi - và đáng được phụ nữ yêu nữa.
Tôi thấy toát ra từ cô mùi ngầy ngậy trong khi mắt cô đã dán chặt vào mặt tôi.
- Em thật phát ghen với bà chị tốt số của em. Anh chọn hàng đi. Ðây là hàng Mỹ, ưu điểm là không coi bất cứ ai ra gì, em muốn nói là khi mặc vào có được sự tự tin đầy chinh phục. Ðây là hàng Ý, được mệnh danh là dành cho những cặp mắt vùng Ban-căng, rất trữ tình và hứa hẹn nhiều bí mật. Còn đây là hàng Thái Lan, hàng Hồng Kông, có đủ cả sự kín đáo lẫn thách đố của tính cách châu Á.
- Tôi cam đoan cô có thể làm thơ rất hay - Tôi bảo cô ta.
- Thật thế hả anh? - Cô ghé sát miệng vào mặt tôi khiến tôi nhìn rõ cả mấy chiếc răng hàm bị sâu ruỗng ra, đen sì - Anh "ganăng" lắm.
Ðúng lúc đó một thằng bé đánh giầy chui qua háng một ma-nơ-canh, giật giật gấu quần tôi.
- Chú đánh giầy chứ ạ?
Tôi chưa kịp lên tiếng thì cô bán hàng đã quát the thé, nước bọt phun ra như mưa:
- Thằng chết đâm kia, mới sáng ngày ra, đi chỗ khác. Mày nhìn gì, ông cho mày lòi mắt bây giờ!
Thằng bé lùi trở ra và tôi nhân cơ hội này hỏi cô bán hàng:
- Hôm kia vừa có một đứa bị giết phải không cô?
- Anh quan tâm làm gì đến lũ giặc ấy. Chúng nó có chết hết em cũng không cần biết - Cô đặt lại mấy thứ bị thằng bé làm xô lệch, vẫn đầy bực tức:
- Quân đầu đường xó chợ. Sao đói kém, bệnh tật, tai nạn... nhiều thế mà chúng chẳng vơi bớt đi là mấy - Cô đã trở lại bên tôi - Thế nào anh, đừng làm em buồn nhé. Ðấy, bà chị em diện thứ đó thì... có chết rồi cũng phải cố mà sống lại.
Miệng nói, tay cô giật món hàng tôi đang cầm, thoăn thoắt bao gói. Từ giờ nét mặt cô mới thật tươi và xởi lởi. Tôi ôm bọc đồ, hỏi vớt thêm một câu:
- Ngày nào cô cũng bán hàng ở đây à?
- Vâng, cần gì anh cứ đến. Em xin hầu hạ ông anh bất kể giờ nào.
Một tiếng e hèm, giọng đàn ông, bất ngờ vang lên và lúc đó tôi mới nhận ra còn một buồng nữa sau bức tường treo la liệt hàng kia. Ngay tức khắc tôi có cảm giác mình đang đứng trước một chiếc cũi có con mãnh thú và nó có thể xổ ra móc mắt, moi lưỡi tôi bất cứ lúc nào. Tôi cố trấn tĩnh để tận dụng thời cơ hỏi cô gái:
- Ngày nào cô cũng có mặt ở đúng chỗ này? - Tôi hướng cái nhìn ra chỗ mà tôi khẳng định thằng bé đánh giầy bị đâm chết ở đó.
- Nếu không tin mời anh ngày nào cũng đến mua hàng.
- Rất tốt - Tôi buông một lời khen vô nghĩa - Vậy thì chắc chắn cô biết sự việc thằng bé đánh giầy bị đâm chết, chiều hôm kia, ở chỗ kia - Cô háo hức nhìn theo tay tôi - chứ?
- Sao em lại không biết? - Cô ta đáp ráo hoảnh và tôi có cảm tưởng cô không hề quan tâm đến nội dung câu hỏi của tôi.
- Tốt quá! - Tôi lại buông một lời khen vô nghĩa - Cô có thể kể lại được không?
- Ðại loại, vâng, nếu em nhớ không lầm thì hình như anh nói đúng đấy.
- Cô tận mắt thấy hay nghe kể lại?
- Làm sao em dám rời cửa hàng hả anh?
- Nghĩa là cô nghe kể lại?
- Chắc chắn em có nghe. Anh ơi - Cô gọi vào buồng trong - Có đúng là mình có nghe không anh nhỉ?
Ðáp lại cô chỉ là tiếng e hèm, lần này to và bật theo cả cục đờm. Cô gái vỗ vỗ vào trán:
- Hình như em còn thấy mọi người kháo nhau máu xối ra như suối mà.
- Máu xối ra như suối? - Tôi hỏi lại.
- Ðâm vào cổ mà anh, chắc chắn máu phải phụt ra, anh nhỉ? - Cô lại hỏi vào phía trong. Lần này không có cả tiếng e hèm - Theo em nghĩ thì sự việc chỉ có thể đến như thế là cùng. - Cô gãi gãi tai - Anh thông cảm cho em nhé!
- Cảm ơn cô!
Tôi đã định bỏ đi thì tiếng e hèm lại vang lên. Lần này nó trầm và đục, như tiếng gầm gừ của một con thú đang nhai mồi. Tự dưng tôi muốn biết mặt gã bởi vì gã vừa làm tôi nhớ tới một tên sát nhân cách đây hai chục năm. Hồi đó gã lọt lưới vì không tìm được bằng chứng. Giờ đây tôi cam đoan chính gã giết chết chị góa ở đầu làng bởi vì hôm xảy ra vụ án mọi người thấy gã thản nhiên ngồi chơi cờ, thỉnh thoảng lại e hèm dọn giọng. Sau đó gã bỏ đi biệt xứ. Trời ạ, tại sao ngày ấy không ai để ý đến chi tiết này.
- "Ðích thị là hắn" - Tôi lẩm bẩm trong khi cô bán hàng há hốc mồm hỏi:
- Anh bị cảm gió à? Anh ơi, anh ơi... - Cô rối rít gọi vào trong. Và cũng như mọi khi, đáp lại cô chỉ có tiếng e hèm. Ngay sau đó tôi kịp trấn tĩnh để mỉm cười báo hiệu tôi hoàn toàn bình thường. Tôi kẹp gói đồ lót vào nách rồi, mỉm cười lần nữa, trước khi bước ra ngoài.
Sau lưng tôi tiếng e hèm lại vọng ra.
Đi Tìm Nhân Vật Đi Tìm Nhân Vật - Tạ Duy Anh