Chương 2
lan!... Mẹ còn phải nhắc lại với con tới khi nào đây? Chúng ta không nói “tạm biệt” khách hàng khi họ ra về. Chúng ta nói “vĩnh biệt” vì họ sẽ không bao giờ quay lại nữa. Khi nào con chịu hiểu điều này hả?
Lucrèce Tuvache đang rất giận, giấu trong đôi tay gồng cứng phía sau lưng mình một mảnh giấy đang rung lên cùng cơn bực bội ấy. Bà nghiêng người về phía đứa con út mặc quần short đang đứng trước mặt và nhìn bà với vẻ yêu đời, bà mắng nó, dạy nó một bài học:
- Và thôi ngay việc hát (bà giả giọng): “Xin tào buổi sáng tốt lành!...” khi khách hàng bước vào. Con phải nói với giọng thê lương: “Con chúc bà một buổi sáng đen đủi...” hoặc: “Con chúc ông một buổi tối đáng nhớ”. Và nhất là đừng cười nữa! Con muốn khách hàng bỏ đi hết sao?... Ở đâu ra cái kiểu chào mọi người với đôi mắt tròn xoe và giơ hai ngón trỏ ở hai bên tai như thế? Con nghĩ là khách tới để chiêm ngưỡng nụ cười của con à? Thật không thể chịu nổi nữa. Hoặc bố mẹ sẽ cho con đeo niềng hoặc sẽ mang con đi phẫu thuật!
Với cái dáng cao 1m60 và tuổi gần quá tứ tuần, bà Tuvache đang điên tiết. Tóc ngắn vén qua tai, một nhúm tóc cắt ngang trán tạo điểm nhấn cho mái tóc màu hạt dẻ của bà.
Những lọn tóc vàng hoe của Alan cứ bay lên như được quạt thổi, trước tiếng la hét của mẹ cậu. Bà lôi từ phía sau lưng mình tờ giấy bà đang giấu:
- Cái tranh vẽ con mang từ trường mẫu giáo về là gì đây?
Bà giơ tờ giấy bằng một tay trước mặt mình, bà mô tả và tay kia chỉ mạnh vào đó:
- Một con đường dẫn về nhà, có cửa ra vào, cửa sổ mở rộng dưới bầu trời trong xanh và mặt trời tỏa sáng!... Thế không có mây và ô nhiễm trong bức tranh phong cảnh của con à? Đâu rồi những con chim di cư gieo rắc những mầm bệnh ở các nước châu Á lên trên đầu chúng ta? Đâu rồi những tia phóng xạ, những vụ nổ khủng bố? Đây là một bức vẽ hoàn toàn phi thực tế. Hãy đi xem anh Vincent và chị Marilyn vẽ gì vào tuổi con!
Lucrèce trong bộ đồ ngủ đi dọc một gian hàng với vô số những chai lọ lấp lánh và vàng rực. Bà đi ngang đứa con trai cả, mười lăm tuổi, gầy còm. Nó đang gặm móng tay và cắn môi, cái đầu bị băng bó. Gần đó là Marilyn (mười hai tuổi, hơi béo), ngồi dài trên chiếc ghế đẩu, uể oải ngáp thật to, hẳn là có thể nuốt cả thế giới, cùng lúc đó ông Mishima hạ màn cửa sắt và bắt đầu tắt những chiếc đèn nê-ông. Bà mẹ mở ngăn kéo két tiền, lôi ra từ trong cuốn sổ đặt hàng hai mẩu giấy, bà mở chúng ra:
- Con hãy xem bức vẽ của chị Marilyn đây: nó thật tối tăm, còn bức vẽ này của anh Vincent: những song sắt trên bức tường gạch! Đấy, phải vẽ như thế. Đúng là một đứa trẻ có hiểu biết về cuộc sống! Thằng bé còm nhom này thật đáng thương, nó đang chịu đựng những cơn đau đầu như búa bổ nếu như không được băng lại... Dù sao nó cũng là nghệ sĩ duy nhất trong gia đình, là Van Gogh của chúng ta.
Và bà mẹ nói về đứa con trai lớn như một tấm gương:
- Nó luôn mang dòng máu tự sát. Đúng là một đứa con của dòng họ Tuvache. Trong khi đó con, Alan ơi...
Vincent, ngón tay cái ngậm trong miệng, tới nép vào người của mẹ nó:
- Con muốn quay vào trong bụng mẹ.
- Mẹ hiểu... - Bà trả lời và xoa nhẹ những miếng băng quấn velpeau. Bà tiếp tục phân tích bức vẽ của Alan: - Đứa bé gái chân dài đang chạy nhảy gần ngôi nhà con vẽ ở đây là ai thế?
- Chị Marilyn đó, - cậu bé sáu tuổi trả lời.
Vừa nghe nói thế, con gái bà Tuvache, cổ rụt vào vai, chầm chậm ngước lên nhìn, mái tóc như che toàn bộ gương mặt và cái mũi đỏ ửng còn bà mẹ tỏ ra ngạc nhiên:
- Sao con lại vẽ chị con năng động và xinh đẹp như thế này? Con biết rõ chị ấy luôn cảm thấy mình vô dụng và xấu xí.
- Con lại thấy chị ấy đẹp ạ.
Marilyn lấy tay che đôi tai của mình, bật dậy khỏi ghế, bỏ chạy về phía cuối cửa hiệu, vừa khóc to vừa leo cầu thang dẫn lên phòng.
- Thế đấy, nó lại làm chị nó khóc!... - Bà mẹ hét to và ông bố tắt những chiếc đèn nê-ông cuối cùng trong cửa hiệu.
Cửa Hiệu Tự Sát Cửa Hiệu Tự Sát - Jean Teulé Cửa Hiệu Tự Sát