Cơn Lốc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2
ột tuần lễ trôi qua. Một tuần lễ mà tôi đếm từng giờ từng khắc. Một tuần lễ mà cả gia đình tôi ăn không ngon ngủ không yên. Tất cả hy vọng đều dồn vào 4 giờ chiều ngày hôm nay, ngày mở băng mắt cho tôi. Riêng phần tôi, thật ra tôi cũng không hiểu nổi chính xác tâm trạng của mình nữa.
Sự chờ mong từng giờ từng khắc của mọi người đã ảnh hưởng vào trí thức tôi, cho tôi một tia hy vọng rất mong manh. Con người tôi đã tiếp nhận sự tuyệt vọng nhiều hơn hy vọng rồi. Có lúc tôi nhủ thầm “thôi đừng trông mong gì ở cuộc mở băng này, mình sẽ không được gì đâu!” Tôi cũng mơ hồ hiểu rằng như thế để tôi không rơi quá sâu xuống cái hố thất vọng đang mở sẵn ra trước mắt tôi nếu 4 giờ chiều nay mà cuộc mở băng mắt này không cho tôi tìm thấy ánh sáng.
Chuông đồng hồ gõ từng tiếng chậm chạp. Tôi lắng nghe động tĩnh chung quanh mình. Yên lặng quá. Bây giờ đã hai giờ chiều. Không khí ngầy ngật. Tôi lăn trở tìm một thế nằm cho thoải mái. Từ hôm bị tai nạn, tôi tránh di động trong phòng bởi vì tôi sợ bắt gặp chính bàn tay mình quờ quạng. Tôi sợ cái cảm giác da thịt lần mò trên từng vật dụng thường nhật, bởi vì cảm giác đó chắc sẽ bào xé lên trong tôi thêm nhiều nỗi đau đớn khác mà tôi đã cố gắng trốn tránh lâu nay. Tôi chỉ ngồi bất động hay nằm vật trên giường. Thức ăn thường bữa đối với tôi nhàm chán và vô duyên. Dù me tôi đã cố gắng tìm những món ăn hợp khẩu vị của tôi để may ra tôi thấy ngon miệng hơn chút ít. Những lời an ủi chung quanh đôi khi không giúp ích gì cho tinh thần tôi mà còn làm cho tôi thêm tủi thân. Tôi thấy mình xa lạ và lạc lõng. Và chính lúc này, tôi mới hiểu là tôi chưa thực sự hiểu được mình…
° ° °
Cái giờ phút mà cả gia đình tôi hy vọng đã tới. Nhưng nó tới chỉ thêm đau đớn, bởi vì chính nó đã tàn phá một điểm sáng cuối linh hồn tôi. Đôi mắt tôi vẫn ở trong tình trạng cũ dù băng mắt tôi đã được mở ra. Tôi không bao giờ quên được, dù trong suốt cuộc đời tôi, cái giờ phút đó, giờ phút mà tôi thảng thốt quờ quạng đi trong khi băng mắt đã mở ra. Tôi không bao giờ quên tiếng rú rất khẽ của me tôi bị chận lại bởi một bàn tay bịt ngang, tiếng rú thất vọng khi thấy đứa con gái đầu lòng đã mất hy vọng sống một cuộc đời bình thường như những đứa em của nó bởi vì nó đã tật nguyền. Vậy là hết, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu mong chờ trong khoảnh khắc tan thành mây khói. Tôi không nghe đau đớn nhiều hơn lần đầu tiên mở mắt ra mà đôi mắt bị bịt kín. Nhưng tôi nghe tâm hồn mình trống rỗng một cách kỳ lạ và tôi tự hiểu là mình vừa qua một mất mát lớn! Tôi chới với rồi tôi thu mình lại trong cơn đau triền miên. Ba tôi đã xin phép được đưa tôi về nhà. Cảm giác đầu tiên của tôi khi chập chững đi từng bước ngắn trên mấy bậc cấp trước nhà là sự xa lạ đến khủng khiếp. Tôi linh cảm như tất cả những thân thuộc này không còn gần gũi với tôi nữa. Tôi linh cảm như tôi không còn là một phần tử của gia đình nữa. Me tôi dìu tôi vào phòng học. Trong ký ức tôi hiện rõ ràng giờ phút tôi quỵ xuống, cánh cửa kính vỡ ra. Tôi hỏi:
- Cửa kính me đã thay chưa?
Giọng me tôi ngậm ngùi:
- Rồi con ạ!
- Màn cửa màu gì me?
- Màu xanh.
Tôi im lặng, đủ rồi. Tôi không muốn hỏi tiếp. Cửa kính vỡ đã được thay. Màn cửa rách đã được thay. Chỉ có sự mất mát của tôi là vô phương thôi. Tôi sờ soạng về phía lò sưởi và ngồi xuống trên chiếc ghế con mà trước kia tôi rất thích ngồi. Hai tay tôi mân mê từng làn vải bọc.Từ đây tôi không bao giờ thấy được mầu nâu cũ kỹ này hồng lên dưới ánh lửa. Tất cả đã mất, coi như một dĩ vãng đã xa cần được chôn vùi.
Nếp sống hàng ngày diễn ra thầm lặng. Tôi sống như cái bóng di động trong gian nhà. Nhưng có lẽ tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi không còn cái tính hồn nhiên vui vẻ trước kia. Tôi đâm ra cáu kỉnh vô lý đối với cả me tôi là người rất dịu dàng và hết lòng chìu chuộng tôi. Tôi đâm ra bướng bỉnh và vô lý đến kỳ lạ dù đôi lúc tôi nhận rõ ràng là những đòi hỏi hay phản kháng của mình hoàn toàn sai. Các em tôi, tôi thấy khó chịu khi phải nghe những lời hỏi han chăm sóc của chúng. Tôi tưởng như tất cả tình thương của mọi người dành cho tôi chỉ là thương hại một đứa con gái tật nguyền thế thôi. Thỉnh thoảng từ trong sâu thẳm của tâm hồn bắt đầu nhuốm bịnh, tôi nghe dậy lên một niềm ghen tức vu vơ. Ghen tức với sự an lành của những người chung quanh, những người thân yêu nhất. Ngay cả Thuỵ Hiền đứa em kế tôi và cũng là đứa tôi yêu thương nhất mà cũng phải đầu hàng thái độ của tôi. Có lần Thuỵ Hiền đến bên cạnh vuốt ve an ủi tôi, kể cho tôi nghe những diễn biến trong cuộc sống hàng ngày. Như hôm nay hoa mimosa nở nhiều không? Hoa dại tôi trồng nở tím cả góc vườn hay mấy cô gái bán hàng đi ngang nhà mặc áo màu đen. Hiền kể như thế cốt để làm tôi vui, nhưng nó đã bàng hoàng khi tôi hất mạnh bàn tay nó ra, nói như hét vào mặt nó:
- Thôi cô im đi, cô đừng kể gì nữa, đừng nói gì nữa, để tôi yên. Tôi chán hết thảy rồi!
Hiền đứng lên, rời phòng. Nhưng không vì thế mà nó giận tôi. Tôi hiểu là mọi người đồng lòng tha thứ cho tôi bởi mọi người nghĩ rằng tâm hồn tôi đang bị dao động quá mạnh. Tôi nghi ngờ mọi thiện chí của ba me tôi. Sự cô đơn du tôi vào một trạng thái cô độc hoàn toàn. Chính vì sự biến chuyển quá ư to tát như vậy mà một quyết định đã đến với ba me tôi.
Số là trong sở của ba tôi, có một vị kỹ sư người Nhật ngỏ ý hỏi thăm về trường hợp của tôi. Nhân đó, ba tôi trình bày và ông ta có lòng muốn giúp đỡ. Do đó tôi được gởi về Sàigòn chờ ngày đưa qua Nhật chữa mắt. Me tôi lãnh phận sự đưa tôi về Sàigòn. Tại đây tôi sẽ ở nhà bác tôi. Từ nhỏ sống ở Đàlạt, tôi chỉ có dịp xuống Sàigòn mấy lần nên gia đình ông bác đối với tôi còn rất xa lạ. Ngồi trên phi cơ, tôi im lặng nghe me tôi nói về sinh hoạt của gia đình mới mà tôi sắp phải tham dự. Ông bác tôi năm nay đã lớn, nhưng ông chỉ có hai người con. Đó là anh Uy và Liêm. Anh Uy đang du học tại San Antonio về ngành địa chất học. Còn anh Liêm thì hiện theo học năm thứ hai tại y khoa đại học Sàigòn. Chính ra trong lúc sáng mắt tôi cũng chưa hề đến nhà bác tôi, nên nghe me kể, tôi phải dùng cả trí tưởng tượng của tôi để hình dung về người anh mà tôi chắc sẽ kề cận trong thời gian khá lâu để chờ xuất ngoại. Thời gian trôi mau, máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Me tôi nói khẽ:
- May quá, bác con đã đi đón kia. Me cứ ngại phải thuê xe ra cổng phi cảng.
Me tôi nắm tay tôi dắt xuống cầu thang phi cơ. Tôi bước đi một khoảng rồi me tôi ngừng lại. Bà đang nói chuyện với bác tôi. Có bàn tay ai vuốt tóc tôi rồi giọng nói dịu dàng:
- Cháu Như thật đáng yêu, phải chi…
Tiếp theo là một cái chắc lưỡi nhỏ, rất nhỏ được kềm chế nhưng cũng đủ để tôi nghe thấy. Sự khó chịu len khắp tâm hồn. Tôi bước theo me chui vào xe như một cái máy. Xe chuyển bánh, tự nhiên tôi ao ước mình được dùng thị giác để quan sát những diễn biến quanh mình. Tôi không hiểu căn nhà bác tôi nằm tại đâu nữa. Chiếc xe ngừng lại, cánh cổng mở rót rét rồi bánh xe lăn trên những viên sỏi lạo xạo. Tiếng bác tôi gọi to:
- Liêm ơi!
Rồi bước chân chạy trên sỏi, anh Liêm có lẽ đã đến bên chúng tôi. Anh cầm tay tôi dìu xuống xe, giọng anh ấm và hiền hoà:
- Như ôm vai anh nghe. Để anh đưa Như đi.
Tôi bối rối trước sự thân mật tự nhiên và dễ dàng của người anh họ. Nhưng anh Liêm như không để ý đến, anh ôm vai tôi dìu vào nhà. Tôi ngồi xuống chiếc ghế nệm, xong anh chạy ra ngoài. Me tôi và bác tôi vào sau, câu chuyện nổ dòn về Đalạt, mưa và sương mù. Câu chuyện về Sàigòn và những ngày nóng bức. Câu chuyện xoay quanh mọi vấn đề trừ chuyện tôi đi Nhật chữa mắt. Có lẽ me tôi không muốn khơi động đến nỗi thống khổ của tôi. Hôm sau me tôi từ giã tôi và gia đình bác tôi để trở lên Đàlạt. Tôi không được phép đưa tiễn me tôi lên phi trường vì bà không muốn tôi đi lại nhiều mất sức. Bác tôi đi rồi, ở nhà còn lại hai anh em. Tôi ngồi trên giường trong căn phòng dành riêng cho tôi. Từ đây, trong một khoảng thời gian ngắn tôi phải học thuộc những gì trong nhà này, bởi vì ở đây sẽ chẳng có ai hướng dẫn tôi đường đi nước bước như ở nhà nữa. Tôi đang lần mò trong phòng để tìm đến cửa sổ thì có tiếng ổ khoá mở lách cách rồi tiếng anh Liêm vang lên:
- Như, làm gì đó?
Tôi ấp úng:
- Dạ… em tìm cái cửa sổ.
- Cửa sổ lối này, để anh đưa Như đến.
Anh Liêm nắm tay tôi dìu đến bên cửa. Gió mát lùa vào làm tôi thoải mái. Giọng anh nhẹ vang lên bên tai:
- Có gì cần thì Như kêu anh nghe! Nhà có hai anh em mà Như không kêu làm sao anh biết được!
- Dạ… em sợ phiền anh.
Anh Liêm gạt đi:
- Phiền gì lạ vậy. Em là em anh thì anh phải lo cho em chớ.
Hai anh em im lặng bên nhau. Tự nhiên tôi nghe một cảm giác êm đềm bắt gặp lần đầu tiên kể từ ngày tôi bị tai nạn. Tôi đưa tay lên vén mái tóc. Bàn tay tôi chạm phải khuôn mặt anh Liêm đang nhìn xuống. Tôi hoảng hốt rút nhanh tay lại. Anh Liêm phá tan không khí im lặng:
- Đàlạt chắc vui lắm Như hả? Anh chưa có dịp đi Đàlạt bao giờ.
Tôi ngạc nhiên:
- Anh chưa đi bao giờ ư?
- Chưa, vì nếu anh đi thì chắc chắn anh phải ở lại nhà chú thím, và như vậy là hai anh em mình đã phải biết nhau nhiều rồi. Như vậy là coi như anh chưa hề biết Đàlạt đó. Bây giờ em kể cho anh nghe về Đàlạt đi.
Câu hỏi của anh Liêm gợi lên trong đầu óc tôi bao nhiêu là kỷ niệm. Kỷ niệm những ngày tháng vô tư bên bè bạn, mái trường nằm trong sương, con đường dốc ngày hai buổi đi về. Tôi nhớ lại mấy hàng cây thông cao vút sào sạc, nhớ lại cây cầu nhỏ nằm ven bờ hồ. Hình ảnh Đàlạt ăn sâu vào tiềm thức tôi và có lẽ sẽ không bao giờ phai lạt. Trong sự khơi dậy mãnh liệt đó, tôi miên man kể cho anh Liêm nghe tuổi thơ ấu của mình. Tôi nói như chưa bao giờ được nói bởi vì tôi sợ mình không còn cơ hội nào để bộc lộ cảm nghĩ của mình nữa. Tôi nói cả buổi tối kinh hoàng mà tôi đứng bên khung cửa kính như hôm nay tôi đã đứng, có điều không có anh đứng sau lưng. Anh Liêm ngậm ngùi vuốt tóc tôi.
- Em buồn lắm hả Như?
Tôi lắc đầu:
- Nỗi buồn nào rồi cũng quen đi anh ạ! Không thể nói là em không buồn nhưng phải nói là em quen rồi. Mới đầu em cũng đau đớn cho số phận, nhưng lâu rồi em đâm ra chấp nhận dễ dàng.
Anh Liêm thở dài.
- Từ trước anh vẫn nghe ba me anh nhắc em luôn. Ba me bảo em ngoan và hiền. Nhưng anh chưa có dịp gặp em thì em đã về đây. Nhưng Như đừng buồn nữa, chắc em hiểu sở dĩ chú thím đưa em về đây là để lo giấy tờ đưa em qua Nhật chữa trị.
Tôi cười buồn:
- Em biết chứ anh. Nhưng sự chữa trị nào rồi cũng đưa đến một kết quả thảm hại.
Nói đến đó, tự nhiên hai dòng nước mắt ứa ra. Tôi nhớ đến nỗi chờ mong một tuần lễ ngày tháo băng mắt và cái kết quả thê thảm của nó. Tôi nhớ đến nỗi thảng thốt của mình khi băng mắt đã được mở ra mà chung quanh tôi vẫn là một màu đen dầy đặc đến dễ sợ. Anh Liêm lau nước mắt cho tôi.
- Anh xin lỗi đã nói đến sự thua thiệt của em. Nhưng em bi quan quá. Phải hy vọng Như ạ! Em phải nhớ là kỹ thuật giải phẫu ở Nhật tiến bộ vượt bực. Em qua đó sẽ được trả lại ánh sáng.
Tôi không trả lời, nhưng kể từ lúc đó, tôi thấy anh Liêm như một sự cần thiết cho đời sống của tôi. Anh an ủi và vỗ về sự đau khổ của tôi. Ở bên cạnh anh, tôi thấy mình vơi đi rất nhiều những bực tức vô cớ mà tôi thường bắt gặp lúc ở nhà. Ngoài những giờ học, hai anh em tôi lúc nào cũng ở bên nhau. Một hôm tôi đang ngồi bên cửa sổ đợi anh Liêm về, thì có tiếng chân ai sau lưng. Không cần nghe tiếng nói tôi cũng hiểu đó là bước chân anh Liêm, tôi hỏi trước:
- Anh đi học về rồi sao?
Anh Liêm cười khì:
- Như tài quá hả? Sao biết anh? Ừ, hôm nay anh về hơi sớm tại khỏi làm thí nghiệm. Anh có tin này cho em.
Tôi ngạc nhiên:
- Tin gì đấy anh?
- Ba me em vừa thư về cho biết là phải đến hè này mới đưa em sang Nhật được, bởi vì ông kỹ sư người Nhật, bạn của ba em chưa hết nhiệm kỳ ở đây.
Tôi ngắt ngang:
- Chỉ có vậy thôi sao anh?
- Chưa – Còn nữa. Chú thím muốn hỏi em xem bây giờ ý em thế nào. Như thế là còn hơn năm tháng nữa mới phải đi Nhật. Chú thím muốn biết xem em có muốn về Đàlạt ở cho đến ngày đó rồi đi hay không. Hoặc là muốn ở dưới này cho vui. Ý em thế nào?
Tôi cắn môi. Còn năm tháng nữa. Một khoảng thời gian khá dài, tôi có nên trở về sống trong khung cảnh quen thuộc của gia đình hay là cứ ở đây, bên cạnh anh Liêm mà tôi tin cậy một cách kỳ lạ. Tôi hỏi:
- Em cũng chưa biết tính sao. Thôi để sáng mai em xin trả lời ba me em.
Cả đêm hôm đó, tôi trằn trọc khó ngủ. Hai ý tưởng mâu thuẫn nhau đến dằn xé tôi. Ở lại đây thêm năm tháng nữa hay là trở lại Đàlạt gió lạnh và sương mù. Về với ba me, các em hay là ở lại Sàigòn xa lạ này? Và anh Liêm. Tôi không chối cãi là anh chiếm quá nhiều thời giờ của tôi. Tôi mong anh đi học về từng giây từng phút, có anh bên cạnh là tôi cảm thấy yên tâm và thoải mái lạ. Đôi lúc tôi tự hỏi nếu không có anh Liêm thì những tháng ngày tăm tối của tôi sẽ vô vị đến đâu. Từ một linh cảm mơ hồ của con gái, tôi tưởng như tôi không thể xa anh Liêm được. Vậy thì nói gì đến năm tháng phải về Đàlạt. Năm tháng! Mỗi ngày tôi sẽ không được nghe giọng anh kể những mẩu chuyện vui nho nhỏ, sẽ không được đôi tay anh dìu đi trong từng lối nhỏ trong nhà! Anh Liêm gần gũi và hiểu tôi đôi lúc hơn cả tôi hiểu tôi nữa. Anh đón trước được những tư tưởng bi quan của tôi và biết cách làm cho nó không bộc lộ ra, chặn đứng nó lại bằng những câu nói lạc quan và dịu dàng của anh. Sống bên cạnh anh Liêm, tôi quên đi mình là một đứa bé tật nguyền đang cần ánh sáng, bởi vì anh như một ánh sáng tỏa chung quanh tôi một làn hào quang chói chang. Có lẽ tôi mến Sàigòn qua những lời thuật của anh Liêm mất rồi. Anh Liêm, anh Liêm! Sao lúc nào tôi cũng nghĩ tới anh, cũng nhớ tới anh. Có lúc ngồi một mình, nghe thấy động nhẹ sau lưng, tôi tưởng chừng như anh Liêm đang đứng đâu đó sau lưng tôi. Trong nỗi cô đơn vây phủ bởi bất hạnh, tôi thấy anh cần thiết như hơi thở. Bởi vì bây giờ tôi không thể đơn lẻ, tôi đang mang trong lòng niềm mặc cảm sâu xa mà anh rất tế nhị, đã giúp tôi cởi bỏ lần mòn cái mặc cảm đó. Tôi quyết định ở lại. Dù tôi nhớ ba me và các em tôi, nhưng tôi không thể trở về khung cảnh cũ trong lúc này. Khung cảnh chắc chắn sẽ gợi trong tôi nỗi kinh hoàng buổi tối hôm đó. Thật ra, tôi đang trốn chạy. Tôi trốn chạy cái ý nghĩ thật nhất của mình là tôi không thể nào xa anh Liêm được, thế thôi.
Cơn Lốc Cơn Lốc - Ly Châu Cơn Lốc