Chương 2 -
hững ngày cuối năm trời Nam Cali se lạnh, Dũng lôi chiếc sport coat lâu ngày bỏ quên ra mặc. Đứng nhìn mình trong gương bỗng nhiên Dũng mỉm cười “Trông mình đứng đắn hẳn ra. Phù Dung hết dám chê mình cà chớn …”. Bỗng dưng Dũng có cảm giác hồi hộp, y như xưa, lần đầu tiên mặc lễ phục, đưa cô bạn cùng lớp đi dự junior prom! Chàng tặc lưỡi, khép cửa phòng mình và rụt rè gõ nhẹ cửa phòng Phù-Dung. Cánh cửa mở hé như thể là Dung đã đợi chờ từ lâu.
Dung ngó Dũng, đưa tay bụm miệng cười:
- Thưa ông hỏi ai ạ. Ồ xin lỗi, Dũng đấy hả!
Dũng đỏ mặt, nhìn Dung nhăn nhó:
- Bộ coi lạ lắm sao?
Dung chỉ cười cười không nói. Chợt Dũng thấy Phù Dung cũng có vẻ khác lạ, mái tóc mới uốn lại gọn gàng và một chút son hồng làm Dung trông đàm thắm hơn ngày thường. Dũng lấy lại bình tĩnh, hít một hơi dài:
- Thưa bà, xe và tài xế đã sẵn sàng!
Dung lườm:
- Lại sắp dở trò! Kêu chị Diễm chưa?
- Rồi. Mời chị hồi chiều, chị nói nhức đầu, và xin lỗi.
- Thật không? Dũng ba xạo, Dũng Cà Chua, Dũng …
Dũng đưa tay bịt miệng Phù-Dung:
- Dũng nói thật! Mình đi kẻo muộn. Khi về sẽ vào thăm chị Diễm, nếu chúng mình … còn biết đường tìm về.
Dung gở nhẹ bàn tay Dũng. Giọng nàng như hờn dỗi:
- Một ngày Dũng không … nói rỡn Dũng không chịu được hay sao?
Dũng không trả lời, chỉ mỉm cười nắm tay kéo Phù-Dung ra khỏi phòng. Cái lạnh làm Dung rùng mình. Nàng ngước nhìn Dũng nói nhỏ:
- Năm nay trời lạnh hơn năm ngoái. Dũng đi làm về khuya, cẩn thận không đau đó!
Lâu lắm Dũng mới lại được nghe một giọng nói ngọt ngào, lo lắng cho mình. Chàng cố dấu xúc động:
- Dũng khoẻ như voi! Với lại Dũng đâu có về khuya lắm. Hôm nào cũng thấy đèn còn sáng trong phòng Dung.
Phù Dung yên lặng đi sát vào Dũng hơn, như muốn chia nhau chút hơi ấm của hai người. Chiếc xe cũ kỹ của Dũng bừa bãi những sách vở, báo chí và CD nhạc. Dũng dọn dẹp ghế ngồi cho Dung, chàng phân trần:
- Ngó vậy chứ con ngựa già này chưa trở chứng bao giờ. Nếu có chuyện gì hôm nay là tại …Dung đấy!
Dung cười, nhìn vào mắt Dũng:
- Xe này có … cà chớn như Dũng là cùng! Dung giao phó số mạng cho nó tối nay.
- Tối nay, đêm nay, hay … mãi mãi?
Dung đập nhẹ vào vai Dũng, cố dấu một nụ cười.
o O o
Phòng trà đã đông người. Dũng dẫn Dung đến một chiếc bàn nhỏ đã dành sẵn gần sân khấu. Chàng ghé tai Dung nói nhỏ:
- Dung ngồi đây sẽ nhìn thấy rõ ban nhạc. Để Dũng kêu nước uống cho Dung.
Dung e dè:
- Ngồi một mình, không có chị Diễm Dung thấy ngại quá.
Dũng chỉ tay lên sân khấu trấn an:
- Dũng đứng ngay đó, không xa chỗ Dung ngồi bao nhiêu. Ban nhạc họ sắp chơi rồi, ca sĩ Thu-Phương kia kià. Dũng đi nhé!
Dung thả hồn bay theo tiếng hát của Thu Phương. Đã từ lâu lắm nàng ‘mê’ tiếng hát ma-túy này mà mãi đến hôm nay mới có dịp nhìn tận mặt người ca-sỉ và ngất ngây nghe “Đánh rơi bên hồ”:
…Đi qua dòng sông
Nụ hôn em đánh rơi bên bờ
Dòng sông qua biết bao mùa lũ
Nụ hôn rơi biết đâu ai tìm …
Dung yên lặng ngồi nhấm nháp ly nước cam vắt, lắng nghe các ca sĩ hát. Khi đêm đã về khuya, Elvis Phương xuất hiện với ‘Niệm Khúc Cuối’, bài hát này Dung đã nghe nhiều lần nhưng chưa bao giờ Dung thất thấm thiá như đêm nay. Giọng Elvis buồn đến xót xa:
Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy
Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em … (N.T. M.)
Khi Elvis Phương đã hát xong một lần Dũng chợt tiến ra giữa sân khấu, chàng huớng về phía Phù-Dung và tiếng kèn saxophone cất lên như quyện vào không gian, như gửi gấm tấm lòng. Phù Dung cúi đầu không dám nhìn Dũng, nghe tâm hồn mình bay bổng rộn ràng, và cảm thấy hình như là tình yêu len lén lên ngôi! Khi tiếng kèn đã rứt, người ca sĩ cất tiếng hát trở lại Dung thấy mình lấy lại được hơi thở. Nàng nhìn lên sân khấu và mỉm cười.
Dũng từ sân khấu xuống ngồi cạnh Phù-Dung:
- Xin lỗi phải để Dung ngồi một mình hơi lâu. Chúng mình về chưa?
Dung gật đầu:
- Dung chờ Dũng nãy giờ. Dũng còn phải thổi kèn nữa không?
Dũng lắc đầu, kéo Dung luồn lách qua những dãy bàn ghế kê sát nhau trên đường ra khỏi phòng trà:
- Đủ rồi! Dũng đã thổi xong bài ruột của mình.
Khi xe đã nhập vào xa lộ 22 trên đường về lại Fountain Valley Dũng hỏi Phù-Dung:
- Dung lạnh không?
Phù Dung lắc đầu, chỉ nhìn Dũng không nói. Dũng mỉm cười hát lại nho nhỏ một đoản khúc cuả bài ‘Niệm Khúc Cuối’:
… Dù mai đây ai đưa em đi đến cuối cuộc đời
Dù cho em, em đang tâm xé, xé nát tim tôi
Dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời
Dù có muộn rồi
Tình ơi! dù sao đi nữa xin vẫn yêu em.
Dung thấy tim mình đập nhanh trong lồng ngực, liếc nhìn Dũng nói trong hơi thở:
- Dũng … ăn gian, sửa lại lời!
Dũng cười:
- Dung có muốn Dũng ‘đưa đi đến cuối cuộc đời’ không?
- Dung chỉ muốn Dũng đưa Dung về nhà như là Dũng đã hứa là ‘chỉ đi nghe Thu Phương hát thôi’. Nói thì nhớ lấy lời, nghe chưa!
Dũng làm bộ đau khổ:
- Thế thì Dung ‘xé nát tim’ Dũng rồi.
Dung không trả lời, nghĩ thầm “Lại bắt đầu ‘ca cải lương’. Cứ làm như thật ấy”.
Xe ngừng trước nhà, Dung thở phào, nhìn Dũng:
- Cám ơn Dũng nhé. Hôm nay Dũng … ngoan ghê!
Dũng phì cười:
- Ngoan thế có được thưởng cái gì không?
Dung chỉ nhìn Dũng cuời bằng mắt. Phòng Diễm vẫn còn ánh đèn. Dung nói khẽ “Good night Dũng”, và trước khi Dũng kịp trả lời Dung chạy vụt lên lầu, gõ cửa phòng Diễm:
- Chị Diễm ơi, đỡ nhức đầu chưa?
Diễm mở cửa, nhìn Dung mỉm cười:
- Đỡ rồi! Sao về sớm thế. Không đi ăn phở Nguyễn Huệ hay uống café với ‘thằng bé’ sao!
Dung cười xoà:
- Không, nhưng ‘người ta’ đòi đưa em đi đến cuối cuộc đời đó. Chị xem có xạo không. Đúng là Dũng Cà Chua! Chị ngủ đi, Dung cũng đi ngủ đây.
Dung dón rén xuống lầu, qua cửa phòng Dũng Dung đi chậm lại nghĩ thầm “Nếu Dũng mở cửa, ừ nếu Dũng mở cửa thì mình …, thì mình …”.
Trong phòng Dũng vẫn đứng tần ngần, nghe tiếng chân bước nhẹ, đã định đưa tay mờ cửa nhưng rồi chỉ cúi đầu lắng nghe bước chân xa dần, tặc lưởi nói thầm:
- Mai chắc mình có thêm tên mới nữa: Dũng … Cù Lần!
**
Thư Dũng gửi về nhà.
Thưa chú,
Christmas này cháu đã không về thăm chú thím như mọi năm tại vì phòng trà nơi cháu làm việc có chương trình đặc biệt, cháu không thể nào xin nghỉ đêm chúa giáng sinh. Cháu lúc nào cũng nhớ tới chú thím, nhớ các em và không khí gia đình êm ấm.
Có lẽ cháu chưa bao giờ nói nhưng chú biết rằng cháu yêu quí chú không khác gì ba cháu khi xưa. Ngày ba cháu mất, cháu ngồi khóc sau hè, chú đến ngồi gần, không nói một lời, chỉ kéo đầu cháu tựa lên bờ vai chú. Từ ngày đó bờ vai chú là nơi cho cháu nương tựa cho đến lúc cháu thành người. Christmas không về được nhưng tết này cháu sẽ về lạy bàn thờ tổ tiên và thắp nhang cho ba mẹ cháu.
Cháu biết là chú rất mong nhưng cháu vẫn chưa xong luận án để làm ‘ông tiến sĩ’ đầu tiên của chi họ Trần-Đình! Không phải cháu lười biếng gì nhưng sự khác biệt tư tưởng giữa cháu và giáo sư đỡ đầu luận án càng ngày càng trầm trọng! Có lẽ cháu phải tìm một giáo sư khác và bắt đầu lại từ đầu. Xin chú đừng buồn, trước sau gì rồi cháu cũng hoàn thành tâm nguyện của ba mẹ cháu.
Cháu mới dọn nhà, địa chỉ ngoài phong bì thư này. Nơi đây gần trường UCI và cũng gần phòng trà nơi cháu chơi nhạc ban đêm nên rất tiện, nhưng điều thú vị nhất là tại nơi đó cháu gặp một cô gái rất dễ thương. Cô ta là con gái nhà giàu, nhưng bỏ ra ngoài thuê phòng sống tự lập, sau khi tốt nghiệp văn chương Mỹ tại đại học Columbia vì Tô Phù Dung, tên cô gái, không muốn giúp việc cho công ty địa ốc của gia-đình như bố mẹ nàng yêu cầu. Hiện nay Dung làm free lance writer cho tờ báo O.C. Register và theo đuổi mộng văn-chương. Dung viết chuyện ngắn và làm thơ, và bạn bè khen Dung là thơ nàng càng ngày càng ‘xanh mướt’ từ khi chúng cháu quen nhau.
Thực ra thì cháu không biết mình nghĩ sao. Tình yêu thì có lẽ vừa chớm nở, nhưng chuyện lứa đôi thì có lẽ còn xa vời vì cháu còn quá nhiều băn khoăn về đời sống và thân phận. Phù-Dung cũng ‘đồng bóng’ lắm. Có lúc thật dịu dàng dễ thương nhưng nhiều lúc bất cần đời như một triết gia! Đôi khì còn ‘mắng mỏ’ cháu vì cái tật ăn nói ‘cà chớn’, áo quần bê bối, cứ y như là thím ‘cằn nhằn’ chú mỗi lần chú đi giầy vào nhà hay cởi vớ vứt vào góc phòng! Nói thế thôi chứ mấy hôm nay không thấy Dung ‘mắng mỏ’ gì cháu lại đâm nhớ! Cháu nghĩ rằng bề ngoài coi vậy nhưng cả hai đưa đều rất là chân thật và coi trọng lẫn nhau, và hy vọng rằng ít ra chúng cháu cũng có một tình bạn thắm thiết.
Tuần trước em Bá có email cho cháu khoe là năm tới em sẽ được theo chú thím về thăm quê nhà. Mười mấy năm rồi chú nhỉ, cháu cũng ước ao sẽ có một lần về thăm mộ bố mẹ cháu, nhìn lại căn nhà xưa, trường cũ, tìm gặp bạn bè thời thơ ấu và ra thăm Hà-Nội, nơi quê cha đất tổ mà cháu chưa bao giờ được thấy một lần. Xin chúc chú thím và em Bá những ngày vui ở quê nhà.
Vài hàng thăm chú và các em. Cháu không viết thường nhưng chú biết là cháu bao giờ cũng thiết tha với họ hàng thân quyến. Xin chú thím bảo trọng.
Cháu Dũng, thằng bụi đời.
Chuyện Tình Tô Và Chén Chuyện Tình Tô Và Chén - Trần Quang Thiệu