Chương 1
uê tôi ở thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công, huyện ưng Hoà, tỉnh Hà Tây (trước là tổng Sơn Lăng, phủ Ứng Hoà (1), tỉnh Hà Đông).
Hơn bốn mươi năm tham gia Cách mạng, đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước nhưng tôi vẫn tự hào về quê mình - một vùng giàu đẹp khiêm nhường. ở đấy, có cánh đồng cấy được hai vụ chìêm mùa; có những vạt bãi rộng phẳng, đất tơi xốp và màu mỡ bởi phù sa sông Đáy bao quanh hàng năm bồi đắp, rất thuận lợi cho việc phát triển hoa màu, cây công nghiệp như rau đậu, ngô, khoai, mía, lạc và dâu tằm v.v.
Nhưng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, hầu hết người dân quê tôi đều phải làm thuê, cấy mướn đầu tắt mặt tối quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Khi liềm hái vừa gác thì cũng là lúc thóc trong bồ cạn vơi vì phải nộp tô, trả nợ cho một số ít địa chủ, phú nông là những người chiếm gần hết ruộng đất trong làng xã.
Lại cảnh vác rá đi vay, thậm chí phải bán cả lúa non với giá rẻ mạt để đổi lấy hạt thóc mang về sống cầm hơi, tiếp tục cuộc đời cấy rẽ, làm thuê với bao nỗi u uất ê chề, chờ mùa gặt sau có thóc mang trả họ. Cái kiếp luân hồi ấy khó ai mà thoát được!
Tôi mồ côi mẹ lúc ba tuổi. Nhà nghèo, bố phải đi làm thuê gánh mướn để kiếm sống. Bọn nhà giàu lập mưu hại bố tôi, chúng muốn cướp mảnh đất nhỏ nhoi cuối cùng của ông bà để lại, xô đẩy gia đình tôi vào cảnh xẻ đàn tan nghé.
Ấy là vào một buổi sáng tinh mơ giữa năm 1930, lính đoan (lính chuyên đi thu thuế, bắt hàng lậu) bất thần ập đến, chúng vòng ra sau nhà lấy cây bới nhẹ mặt đất lôi lên một hũ rượu mang vào nhà giơ sát vào mặt bố tôi, doạ:
- Ê! Lão già này dám chống lệnh nhà nước hả?
Bố tôi lúc này tỏ ra bình tĩnh, đầu cúi chắp hai tay vái:
- Bẩm quan, oan cho con, chắc… có … kẻ… nào… bày… ra chuyện… này.
Không để bố tôi nói hết, tên lính đoan sấn sổ, mặt dữ tợn túm ngực áo bố tôi đẩy đi đẩy lại, dằn giọng:
- Không oan gì hết, phải tù sáu tháng ở Hoả Lò Hà Nội, nộp phạt 40 đồng vì tội tàng trữ rượu lậu trong nhà. Nếu không sẽ mất nhà và tù mọt xương.
Sau khi ở tù về bố tôi phải bán nhà được 20 đồng và bán chị tôi lấy 20 đồng để nộp phạt. Từ đó gia đình tôi bị dồn vào cảnh màn trời chiếu đất, không một tấc đất cắm dùi. Quẫn chí, bố tôi thắt cổ tự tử khi tôi mới 12 tuổi. Nhưng gia đình phải giữ kín chờ đêm khuya bó chiếu đưa ra xa chôn cất, vì nếu khai báo bọn hào lý trong làng kiếm cớ gây xách nhiễu phiền hà, có khi phải để thối mới được chôn nếu không có tiền lo lót, mặc dầu đứng về lý mình ngay, chết vì nghèo túng. Đúng là nghèo đi đôi với khổ đủ điều lẽ phải không thuộc về người nghèo.
Cũng từ đó tôi sống kiếp tôi đòi, phải đi ở đợ làm con nuôi cho một gia đình giàu có sáu năm liền với bao nỗi đắng cay tủi phận. Có một lần nhận ba đồng từ tay "bố mẹ nuôi" về bốc mộ cho cha, đến khi từ giã kiếp con nuôi họ đòi lại.
Chuyện vợ con cũng thật long đong, lận đận. Tục lệ xưa 19, 20 tuổi đã lấy chồng, lấy vợ, đã có con bế con bồng. Biết là khổ vì nhà nghèo nhưng chị tôi lo buồn ra mặt, thấy tôi đã 20 tuổi mà chưa có vợ sẽ trở thành "ông mãnh"(2) dân làng chê cười gán vào hạng "cao số" thì khổ thân, sau này có muốn cũng không được phải chịu cảnh cô dơn, chị tôi luôn luôn thúc giục tôi lấy vợ. Người đầu tiên chị tôi nhắm là một phụ nữ goá chồng, nhưng một tuần sau lý trưởng cưới cô về làm lẽ thứ ba. Không nản, chị tôi còn ướm hỏi hai, ba đám nữa, cũng là đàn bà goá nhưng đều không thành.
Tình cảnh không lối thoát, tôi quyết định bỏ làng đi bất cứ phương trời góc biển nào, miễn là tìm được kế sinh nhai.
Tục xưa bỏ làng là xấu xa, thấp hèn, dân làng khinh rẻ, nên đêm trước khi rời xa quê tôi tự nhủ mình: Nguyện đã đi là không trở lại. Đã quyết là đi, đến đâu thì đến, làm việc gì cũng được, ở đợ, làm thuê, đi phu hay đăng lính, miễn sao thoát khỏi cảnh khốn cùng ở cái quê hương nghèo khổ, đầy nghiệt ngã này.
Tháng 8 năm 1940, tôi ra Hà Nội, dừng lại ở chợ Hôm, phố Huế. Tại đây tôi làm đủ nghề: gánh nước, kéo xe bò, vác gỗ, bổ củi thuê, nhưng cũng chỉ làm tạm bợ, chốc lát để lại cắp nón khoác bị sang nhà khác cầu xin việc. Cứ thế bữa đói bữa no, ngày thất thểu qua các phố tìm việc, tối ngủ vất vưởng nơi đầu đường góc chợ, làm bạn với muỗi, chuột.
Hai tháng qua đi thật nặng nề, chậm chạp, đã có lúc tôi gần như kiếm sống bằng cách ngửa tay cầu xin lòng thương cảm của khách qua đường phố. Đang tính chuyện phá lời nguyền, về làng trở lại kiếp sống tủi nhục, thì được tin chủ thầu người Pháp mộ phu đi làm đường, tôi ghi tên liền.
Nhưng rồi vẫn cảnh tủi cực lầm than. Con đường chúng tôi mở ngày ấy là đường số 7 bây giờ (nối thành phố Vinh với nước Lào). Cậy thế có tiền, bọn chủ thầu cho chúng có quyền, bắt dân phu phải làm hết mình, ai mỏi mệt trễ nải công việc là chúng chửi mắng, đánh đập, dùng roi vọt hối thúc phải quên mệt, quên đói, quên ốm đau tiếp tục đi làm. Lao động vất vả nặng nhọc nên đau yếu, bệnh tật, chết chóc diễn ra như cơm bữa. Ngày nào cũng có chuyện người sa chân xuống vực, người bị núi lở, đá đè; rồi phù thủng, ngộ độc ngã nước sốt rét, ghẻ lở chấy rận. Tôi vẫn được anh em xếp vào loại tuổi "bẻ gãy sừng trâu" vậy mà sang tháng thứ tư bị sốt rét rừng quật ngã, đến tháng thứ chín chịu không nổi cảnh đói rét, bệnh tật với công việc nặng nhọc, nguy hiểm, phải bỏ về, giã từ đời "dân phu lục lộ" cho Tây.
Trở lại Hà Đông với một tâm trạng phẫn chí đến cùng cực, thì có tin Pháp mộ lính, tôi lại đăng tên với ý nghĩ giản đơn như nhiều thanh niên nghèo hồi ấy - âu cũng là một nghề. Vào hôm trước, hôm sau bọn chỉ huy Pháp lùa chúng tôi lên xe đi qua Lai Châu. Đúng là lúc này bữa ăn hàng ngày không phải lo, nhưng hơn một năm ở lính (từ giữa 1943 đến đầu năm 1945), tôi dần dần hiểu ra cái kiếp nô lệ da vàng. Cũng là lính như nhau, nhưng lính Tây lương cao hơn, có quyền thế hơn, không phải lao công tạp dịch như lính người Việt. Tận mắt tôi thấy chúng tra khảo, hành hạ dã man một người thanh niên cũng nghèo khổ, cũng mất cha, mất mẹ, cũng cửa nhà tan nát như tôi cho đến chết với cái tội "Làm Cộng sản" (!).
Sự tận mắt này đã thức tỉnh trong nếp nghĩ của tôi. Tuy chưa hiểu cặn kẽ các hành động của chúng lúc ấy là thống trị, đàn áp, là xâm lược nhưng cũng đủ lý do khiến tôi chán ngán, quyết định từ bỏ cuộc đời làm lính, trốn về xuôi tìm nghề khác.
Những ngày đầu bỏ trốn tôi chỉ nghĩ và lo sợ bọn Tây truy lùng, bắt trở lại, nhưng đến khi về gần tới Hà Nội, thì câu hỏi thường trực trong tôi lại bật dậy: mình sẽ sống tiếp như thế nào đây?
Chú thích:
(1) Là những đơn vị hành chính thời Pháp thuộc: Tổng tương đương với xã, Phủ lớn hơn huyện, nay thống nhất là huyện.
(2) Ông mãnh, bà cô tục xưa chỉ những người chết không vợ, không chồng. Những người cô đơn dưới âm phủ, rất không hay đối với những người thân đang sống trên trần gian.
Chặng Đường 10.000 Ngày Chặng Đường 10.000 Ngày - Hoàng Cầm Chặng Đường 10.000 Ngày