Chương 2: Tổ Chức Bí Mật Của Lâm Lập Quả
âm Bưu có hai người con, một gái là Lâm Đậu Đậu và một trai là Lâm Lập Quả. Trong quân đội Trung Cộng, không quân là một binh chủng được hâm mộ nhiều nhất, và cũng là binh chủng thu hút được những phần tử ưu tú, hoặc con cái của những giới chức có thế lực. Chính vì thế hai con của Lâm Bưu đều gia nhập không quân.
Năm 1966 Lâm Đậu Đậu gia nhập sở Báo chí Không quân. Với ông bố là bộ trưởng quốc phòng, nên Lâm Đậu Đậu rất được biệt đãi. Năm 1968, nàng được phong chức phụ tá chủ bút phòng Báo chí Không quân. Trong gia đình, Lâm Bưu rất yêu thương Lâm Đậu Đậu. Ông gọi con gái là Đậu Đậu để tỏ lòng thương yêu đặc biệt, vì Lâm Bưu rất thích ăn đậu. Trái lại bà vợ Lâm Bưu là Diệp Quần thì chỉ cưng chiều cậu con trai Lâm Lập Quả. Điều ấy cũng dễ hiểu, vì Lâm Đậu Đậu không phải là con của Diệp Quần, mà là con một người vợ trước của Lâm Bưu. Thân mẫu Lâm Đậu Đậu là người họ Lưu.
Diệp Quần tên thực là Diệp Tuyên Kính, trước kia hoạt động cho đài phát thanh Trùng Khánh của phe Quốc Dân Đảng. Diệp Tuyên Kính là một thiếu nữ xinh đẹp, nhưng có một cuộc đời tình ái quá buông thả, nên không thể tìm được một người chồng xứng đáng vừa ý tại Trùng Khánh. Vì thế Diệp Tuyên Kính theo gương của Lam Bình, tìm đường đến thủ đô kháng chiến Diên An của phe cộng để tham gia đội tuyên truyền chống Nhật, và cũng là để tìm vận may. Kết quả là Lam Bình lấy được Mao Trạch Đông, còn Diệp Tuyên Kính chài được Lâm Bưu, một ông tướng giỏi quân sự nhưng lại nhát gái. Với cuộc đời mới, Lam Bình và Diệp Tuyên Kính đều đổi tên mới, Lam Bình trở thành Giang Thanh, còn Diệp Tuyên Kính trở thành Diệp Quần. Cả Lam Bình và Diệp Tuyên Kính cần phải đổi tên thành một người mới, một phần là muốn che giấu cái dĩ vãng nhiều tai tiếng không đẹp. Diệp Quần kết hôn với Lâm Bưu tại Diên An năm 1942, khi Lâm Bưu từ Nga Sô trở về.
Lâm Lập Quả nhỏ hơn Lâm Đậu Đậu một tuổi, nhưng tính tình rất hăng hái, ham mê hoạt động và có nhiều tham vọng chính trị. Lâm công tử cao hơn ông bố một cái đầu và rất đẹp trai, nhờ giống mẹ. Tuy nhiên Lâm Lâp Quả cũng thừa hưởng của ông bố hai nét rõ ràng nhất, là cặp lông mày rậm và tham vọng làm lớn.
Năm 1967, Lâm Lập Quả đang theo học ban vật lý tại đại học Bắc Kinh thì được Lâm Bưu gọi về và đưa vào không quân, đặc cách trở thành một cán bộ cục tác chiến, và được kết nạp vào đảng. Chàng thanh niên 22 tuổi này nổi tiếng là một người coi thường cấp trên vì cậy oai danh của ông bố. Lâm Lập Quả có tham vọng làm lớn, nhưng lại rất khờ khạo về chính trị và không ưa thích quân sự. Trong mấy năm đầu, hoạt động của Lâm Lâp Quả hoàn toàn có tính cách riêng tư. Thay vì phục vụ quân đội, chàng thanh niên nhiều thế lực này dùng quân đội phục vụ cho mục tiêu săn gái cho mình. Bà Diệp Quần rất lo lắng việc tìm vợ xứng đôi vừa lứa cho cậu con trai cưng, nên yêu cầu tư lệnh không quân Ngô Pháp Hiến biệt phái một số người phục vụ cho mục tiêu tìm gái của Lâm Lập Quả.
Lâm Lập Quả đã hai lần thất bại trên đường tình ái. Mối tình thứ nhất với một nữ sinh trung học cùng lớp với Lâm Lập Quả đã nửa đường đứt gánh, vì người thiếu nữ không may này chết bất đắc kỳ tử vì bạo bệnh. Khi lên đại học, Lâm Lập Quả cũng yêu một người bạn gái cùng lớp, nhưng cậu công tử bột này tuy si tình nhưng lại quá nhút nhát, chỉ yêu một chiều và chưa bao giờ có can đảm lại gần người con gái ấy. Thế rồi một hôm người đẹp lên xe hoa với một thanh niên khác, và lưu lại một vết thương lòng cho Lâm công tử.
Công cuộc tìm vợ cho con trai của bà Diệp Quần coi bộ không thành công lắm, vì những người con gái bà mẹ chọn đều không vừa ý cậu con trai. Đối với Lâm Lập Quả thì những người con gái mà bà Diệp Quần vừa ý kể ra coi cũng được, nhưng không đẹp lắm, theo đúng quan niệm về cái đẹp của Lâm Lập Quả. Họ là những người con gái dịu dàng theo ý thích của những người đứng tuổi, nhưng thiếu hẳn một sự hấp dẫn khêu gợi đối với một thanh niên như Lâm Lập Quả. Những người con gái này thoả mãn các tiêu chuẩn chính trị của bà Diệp Quần, nhưng lại không lôi cuốn được sự chú ý của Lâm Lập Quả. Cuối cùng viên chính ủy không quân đưa ra ý kiến để Lâm Lập Quả tự chọn lấy một người vợ vừa ý. Viên chính ủy cũng đề nghị đưa Lâm Lập Quả tới những vùng nổi tiếng có nhiều gái đẹp như Thượng Hải, Nam Kinh, Hàng Châu và Tô Châu. Ý kiến của viên chính ủy được mọi người tán thành, nhất là Lâm Lập Quả.
Trong chuyến đi Thượng Hải lần đầu tiên, Lâm Lập Quả cải tổ lại nhóm săn gái của mình, trả lại không quân những người được bổ nhiệm đầu tiên, và thay thế bằng những người trẻ, cùng một sở thích với mình. Trong nhóm mới này có Trần Lâm, một thông dịch viên Anh ngữ của sở tình báo. Trần Lâm đề nghị Lâm Lập Quả nên đọc những tạp chí khiêu dâm của tây phương, như các tờ Playboy và Penthouse, làm căn bản cho mục tiêu chọn lựa gái. Thế là một ban chuyên môn được thành lập để chuyển những tờ báo khiêu dâm này từ Hương Cảng về cho Lâm Lập Quả.
Nhóm săn gái mới chủ trương tìm gái cho chủ nhân tại các rạp hát, các công viên, các trung tâm thương mại, và các buổi triển lãm hoặc trình diễn nghệ thuật. Khi Lâm Lập Quả ưng ý một cô gái nào thì lập tức nhóm săn gái lo điều tra gốc tích cô gái, và thu xếp một buổi gặp gỡ giữa Lâm Lập Quả và cô gái được chọn. Họ thường lừa các cô gái này bằng cách cho biết các cô có thể được tuyển chọn làm thư ký cho một sĩ quan cao cấp trong quân đội. Phần lớn các cô gái này đều mắc bẫy trước viễn ảnh một tương lai có địa vị tốt và nhiều ân huệ.
Giai đoạn thứ hai là tạo cơ hội cho Lâm Lập Quả được ngắm các cô gái này trong tư thế khoả thân. Vì ảnh hưởng của các tờ Playboy và Penthouse, Lâm Lập Quả cho rằng phải đánh giá vẻ đẹp của người con gái một cách toàn bộ, bằng cả thân thể chứ không chỉ giới hạn vào khuôn mặt đẹp mà thôi. Tại Thượng Hải thì Lâm Lập Quả ngày nào cũng được ngắm các cô gái đẹp trần truồng. Nhưng nếu là ở Hàng Châu hoặc Nam Kinh thì Lâm Lập Quả phải dùng một chuyến bay đặc biệt tới nơi, và sẽ quan sát ngắm nhìn nhiều cô gái khoả thân trong cùng một chuyến đi. Lâm Lập Quả tuyên bố việc ngắm con gái thoát y rất là thích thú, thích thú hơn là xem phim ảnh ngoại quốc.
Việc xem con gái khỏa thân thực hiện được là nhờ những phòng khám sức khoẻ đặc biệt, sử dụng những bức tường bằng kiếng một chiều. Lâm Lập Quả có thể nhìn thấy các cô gái khoả thân, trong khi các cô gái này không trông thấy Lâm Lập Quả. Phòng “khám sức khoẻ” tại Thượng Hải tối tân hơn các phòng tại Hàng Châu và Nam Kinh. Vì thế nhiều khi Lâm Lập Quả ra lệnh chuyển các cô gái từ Hàng Châu và Nam Kinh về “khám sức khoẻ” tại Thượng Hải.
Khi một cô gái được Lâm Lập Quả lựa chọn thì cô ta sẽ được yêu cầu đi khám sức khoẻ. Việc khám sức khoẻ thường được thực hiện vào ban đêm, trong lúc Lâm công tử ngả người trên một chiếc đi văng êm ái, uống rượu và ngắm người đẹp. Thoạt đầu “bác sĩ” của Lâm Lập Quả bắt các cô gái phải cởi bỏ hết y phục, kể cả quần lót và nịt vú, và sau đó các cô gái phải biểu diễn nhiều tư thế khác nhau. Nếu Lâm Lập Quả đặc biệt thích một cô gái nào thì cô gái ấy phải trở lại khám thêm một vài lần nữa, và phải chịu đựng nhiều thế đứng, nằm và ngồi khác nhau để Lâm công tử được chiêm ngưỡng cho thoả thích. Không những thế, Lâm Lâp Quả còn đặt máy quay phim, thâu lại những buổi “khám sức khoẻ” này, rồi sau đó mời bạn bè họp mặt, cho chiếu lại phim để cùng thưởng ngoạn lại tất cả những nét đẹp trên thân thể người con gái Trung Hoa.
Lâm Lập Quả loại bỏ những cô gái nào không vừa mắt, và đưa họ vào đoàn nữ quân nhân không quân. Những cô nào lọt vào mắt xanh của Lâm Lập Quả thì bước tới giai đoạn cuối cùng là vào phòng ngủ của Lâm công tử. Trong các cuộc tuyển lựa công phu này, Lâm Lập Quả chọn được khoảng hai mươi cô gái làm người tình. Đôi khi cũng có những sự kháng cự của một số cô gái, khi bất thần bị dẫn vào phòng ngủ của Lâm Lập Quả. Một trong những cô gái nạn nhân này về sau kể lại kinh nghiệm “gần gũi” Lâm Lập Quả của mình. Cô ta kể, “Khi Lâm Lập Quả nổi hứng, hắn thường đánh hoặc cắn vú và đùi của tôi cho đến bị thương tím đen lại. Bộ phận sinh dục của tôi cũng bị thương. Sau khi ân ái với tôi xong, hắn thường đứng ngay dậy, mặc lại quân phục, và, với dáng vẻ của một ông tướng, hắn sỉ vả tôi là quê mùa, chậm tiến, hủ lậu, không hiểu ý nghĩa của nam tính, và không thức tỉnh khỏi sự ngu dốt mà hắn đang ra tay cứu vớt tôi ra khỏi.”
Trong cuốn hồi ký Life And Death In Shanghai (Sống Và Chết Tại Thượng Hải), tác giả Trịnh Niệm, một nạn nhân của cuộc Cách mạng Văn hoá, đã mô tả hoạt động săn gái của Lâm Lập Quả như sau:
“Khi chiếc xe đi tới khu đại học và quân sự bên ngoài thành phố, thì có cuộc diễn hành của không lực tiến về phía chúng tôi. Dẫn đầu đoàn diễn hành là đoàn quân gồm những thiếu nữ xinh đẹp. Trông họ có vẻ là những diễn viên điện ảnh cực kỳ xinh đẹp, đi đóng phim cho không lực hơn là đi diễn hành thực sự. Sau này khi tôi được trả tự do, và khi Lâm Bưu đã bị hạ bệ và bị chỉ trích công khai, thì tôi mới được biết lai lịch của “đoàn quân những người đẹp” này. Lúc bấy giờ nhân dân Trung Hoa mới biết rằng Lâm Bưu đã phong cho con trai cưng Lâm Lập Quả làm tư lệnh phó không lực Trung Hoa khi hắn mới có hai mươi lăm tuổi, và vừa tốt nghiệp học viện quân sự dành riêng cho con cái các ông tướng trong quân đội Trung Hoa. Từ khắp các nơi trên nước Trung Hoa, những kẻ theo phò Lâm Bưu đã tuyển chọn những cô gái xinh đẹp nhất trong vùng lãnh thổ của mình, và gửi về cho Lâm Lập Quả thành lập một đạo quân gồm ba ngàn bông hoa đẹp trong tư dinh, rập khuôn của hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng khi xưa lập cung A Phòng. Các cô gái ấy được trao những nhiệm vụ trong không lực, gọi là để lấy tiếng chứ thực ra không phải làm gì cả. Vì việc tham gia quân đội là một bảo đảm cho bản thân cá nhân một địa vị cao hơn, một đời sống vật chất thoải mái hơn, đồng thời gia đình cũng được biệt đãi hơn, cho nên các cô gái kia hăm hở lăn xả vào, chứ đâu biết rằng họ được chọn để làm đồ chơi cho Lâm Lập Quả. Những cô gái ấy được tập trung về Thượng Hải, nơi Lâm Lập Quả lập bản doanh bí mật và đặc biệt. Những cô gái này được lọc lại – lấy cớ là để khảo sát thể lực – những cô gái nào không vừa mắt Lâm Lập Quả sẽ bị đẩy vào làm việc thật sự trong không lực. Đó là gốc gác của “đạo quân người đẹp” mà tôi gặp sáng hôm đó ở gần phi trường quân sự Thượng Hải.”
Sự lộng hành của Lâm Lập Quả chỉ có thể xẩy ra trong một chế độ cộng sản độc tài, trong đó nhân phẩm không còn giá trị gì nữa. Nếu không có một bà mẹ nhiều tham vọng, thì cuộc đời Lâm Lập Quả chỉ là hưởng thụ những lạc thú dục tình và các đặc ân đặc quyền của một đại gia, con một lãnh tụ cộng sản lớn. Nhưng bà Diệp Quần đã có sẵn một chương trình cho tương lai của dòng họ Lâm, và huy động tất cả thuộc hạ của chồng cho mục tiêu đưa dòng họ Lâm lên thống trị Trung Hoa. Giai đoạn đầu tiên của chương trình này là tìm chỗ cho Lâm Lập Quả tập sự nắm quyền hành. Nhưng âm mưu của bà mẹ không được cậu con đồng ý hoàn toàn, vì Lâm Lập Quả đang ngụp lặm trong các khoái lạc, không muốn đi xa hơn những gì đang được hưởng thụ. Vì thế Lâm Lập Quả cố tránh gặp mẹ, cho đến một hôm hai người đụng độ nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Lâm Lập Quả là một người ngỗ nghịch, không thích phục tùng người trên, nên cậu con trai được nuông chiều này bắt đầu đặt máy nghe lén trong nhà. Hành động này phát xuất từ tính tò mò, và cũng do Lâm công tử muốn học đòi kinh nghiệm gián điệp của ông bố. Nhưng Lâm Lập Quả rất đỗi kinh ngạc khi khám phá được mẹ mình và tướng Hoàng Vĩnh Thắng tư tình với nhau. Diệp Quần là một người đàn bà đẹp và đa tình. Bà lấy Lâm Bưu vì địa vị của Lâm Bưu, chứ không phải là con người Lâm Bưu, một người nhỏ con gầy gò, và đau yếu thường xuyên. Chắc chắn một người đàn bà có nhiều quyền hành ở tuổi hồi xuân mới trên bốn mươi tuổi mà đa tình ấy, không thể thoả mãn với một ông chồng lúc nào cũng sợ nắng gió dễ cảm mạo, phế quản thường xuyên bị viêm nhiễm, nhiều khi nói không ra hơi như Lâm Bưu. Chuyện ngoại tình của Diệp Quần với tướng tham mưu trưởng Hoàng Vĩnh Thắng không có gì đáng ngạc nhiên. Hoàng Vĩnh Thắng là một trong “Tứ Đại Kim Cương”, tức là bốn tướng thuộc hạ thân tín nhất của Lâm Bưu. Trong số các tướng thuộc hạ của Lâm Bưu thì Hoàng Vĩnh Thắng là người mạnh khoẻ và đẹp trai nhất.
Lâm Lập Quả quyết định dùng cuốn băng thu lén được làm áp lực bà mẹ, bắt mẹ phải cho mình được tự do hơn nữa. Lâm Lập Quả đem cuốn băng quay lại cho mẹ nghe một cuộc đối thoại giữa bà và Hoàng Vĩnh Thắng, hai người đang trao đổi những lời âu yếm yêu đương tình tứ. Lâm Lập Quả chờ đợi bà Diệp Quần sẽ ngạc nhiên, hoảng hốt và khóc lóc xin lỗi con, và xin con giữ bí mật mối tình vụng trộm của bà. Lúc đó Lâm Lập Quả sẽ đưa ra những điều kiện, đòi bà mẹ phải để cho mình được tự do phóng túng hơn trước. Nhưng Lâm Lập Quả bị một phen kinh ngạc, vì bà Diệp Quần không hề xúc động hoảng sợ trước những bằng chứng phản bội chồng hiển nhiên đó. Trái lại, bà còn tấn công cậu con trai tới tấp, buộc tội cậu con quá ngây thơ, và giảng cho cậu con một bài học về nhu cầu tình dục của con người, cũng như sự cần thiết phải nuôi dưỡng một sự liên hệ chặt chẽ giữa những người đi theo Lâm Bưu. Bà cho biết việc thân mật của bà với Hoàng Vĩnh Thắng là tối ư cần thiết. Bà vạch cho Lâm Lập Quả biết sự nguy hiểm của Lâm Bưu kể từ ngày được chính thức chỉ định làm người thừa kế Mao Trạch Đông. Kể từ ngày đó, sự liên lạc giữa phe Lâm Bưu và phe Mao Trạch Đông trở nên khó khăn và nguy hiểm. Hoàn cảnh thay đổi và đòi hỏi bà và các bạn bè cũ phải gặp gỡ nhau một cách thân mật thường xuyên vì lý do chính trị.
Rồi bà cho Lâm Lập Quả biết một sự bí mật khác mà trước đây bà chưa có ý định cho con trai biết. Đó là tình trạng sức khỏe của Lâm Bưu. Sức khỏe của Lâm Bưu là một bí mật quốc gia. Gần đây Lâm Bưu rất suy nhược, có triệu chứng của những bệnh kỳ lạ, đủ làm bà lo lắng và phải có một cái nhìn mới về nhiệm vụ của gia đình. Bà cảm thấy có sứ mệnh phải làm cách nào để cho quyền lực nhà họ Lâm được tiếp tục. Bà thấy Tưởng Kinh Quốc nối ngôi Tưởng Giới Thạch làm chúa tể Đài Loan, thì bà nghĩ rằng Lâm Bưu một ngày nào đó sẽ làm chúa tể lục địa Trung Hoa, và chức vụ đó sau này sẽ phải truyền lại cho Lâm Lập Quả. Vì sứ mệnh đó nên bà tự cho phép phải làm mọi cách để sửa soạn cho Lâm Lập Quả tiếp nhận quyền lực sau này, dù có phải vì thế mà thất thân để giữ được lòng trung thành của các tướng thuộc hạ.
Diệp Quần đã thành công thuyết phục cậu con trai tin rằng mình đã ngoại tình vì tương lai của con. Thực ra chính Diệp Quần cũng có tham vọng riêng cho chính mình. Diệp Quần nhiều khi ghen tức với vai trò của Giang Thanh, và muốn một ngày nào đó bà sẽ thay thế Giang Thanh, và sẽ đi xa hơn Giang Thanh bắng cách chính bà nắm quyền lực tối cao tại Trung Hoa. Việc tư tình với Hoàng Vĩnh Thắng cùng một lúc đáp ứng hai nhu cầu của Diệp Quần: tình dục và tham vọng chính trị của riêng Diệp Quần.
Chính Lâm Lập Quả trở nên lúng túng sau lần đụng độ này. Không những thế, cuộc đối thoại giữa hai mẹ con đã mở ra cho Lâm Lập Quả một chân trời mới và một sứ mệnh mới, cũng hấp dẫn không kém công cuộc săn gái hiện nay. Từ trước đến nay Lâm Lập Quả cứ buông thả cuộc đời, như một con thuyền không lái, trôi nổi trong cái hồ ảnh hưởng của ông bố đầy quyền uy và không hề nhìn xa hơn các lạc thú đang hưởng ngày hôm nay. Sức khoẻ suy kém của Lâm Bưu khiến Lâm Lập Quả quyết định phải có một chương trình hành động ngay.
Trong khi đó bà Diệp Quần vẫn nỗ lực bằng mọi phương tiện để sửa soạn cho cậu con trai. Một thành quả lớn nhất của bà là đã thuyết phục được viên tướng tư lệnh không quân bổ nhiệm Lâm Lập Quả vào chức vụ phụ tá tư lệnh hành quân, một chức vụ có rất nhiếu quyền hành, trong lúc Lâm Lập Quả mới ngoài hai mươi tuồi và chưa có một ý niệm gì về quân sự và chính trị. Diệp Quần hứa với tướng không quân Lỗ Miên rằng một ngày nào đó Lỗ Miên sẽ được bổ nhiệm vào chức tham mưu trưởng cho Lâm Bưu.
Tướng Lỗ Miên quả thực là một sự lựa chọn sáng suốt của Diệp Quần. Lỗ Miên đã tổ chức lại hệ thống không quân để gài Lâm Lập Quả vào một chức vụ có quyền hành thực sự, và đã tạo cho Lâm Lập Quả sự hãnh diện và tinh thần trách nhiệm trong chức vụ này. Lỗ Miên đã tự nhường cho Lâm Lập Quả nhiều quyền hành của chính ông ta. Lỗ Miên đã thành công thay đổi Lâm Lập Quả, biến cậu công tử bột mê gái này thành một con người mê say quyền lực, yêu thích chiến tranh. Lỗ Miên cố chứng minh cho Lâm Lập Quả biết rằng, những chiếc phi cơ phản lực MIG cũng hấp dẫn như thân thể những cô gái đẹp vậy.
Lỗ Miên trở thành một cuốn bách khoa tự điển sống cho Lâm Lập Quả. Vốn là một anh hùng không quân, Lỗ Miên được quần chúng ca ngợi và được mời đi diễn thuyết khắp nơi. Trong các buổi diễn thuyết, Lỗ Miên say sưa lưu loát nói về không quân. Lâm Lập Quả rất thán phục Lỗ Miên và coi Lỗ Miên là một kiểu mẫu anh hùng cần phải noi theo. Có lần Lỗ Miên trình bầy một kế hoạch chiến tranh nguyên tử đã được Lâm Bưu chấp thuận. Lâm Bưu cho rằng nếu Hoa Kỳ và Trung Cộng phải xung đột thì Trung Cộng phải ra tay trước, và phải dùng vũ khí nguyên tử tấn công các mục tiêu của Hoa Kỳ tại Đại Hàn và Nhật Bản. Lâm Bưu tin rằng một nước Trung Hoa yếu hơn vẫn có thể thắng được một Hoa Kỳ hùng mạnh hơn, vì Hoa Kỳ thiếu tinh thần. Theo Lâm Bưu thì không một vị tổng thống Hoa Kỳ nào dám tiến tới trong trường hợp có chiến tranh nguyên tử. Trong khi Hoa Kỳ lưỡng lự thì các nước Âu Châu và Nga Sô sẽ cố gắng ngăn chặn sự lan rộng của chiến tranh nguyên tử.
Những cuộc nói chuyện của Lỗ Miên đã thổi một luồng gió mới vào các sinh hoạt hàng ngày của Lâm Lập Quả. Lâm Lập Quả lập tức chấm dứt công cuộc săn gái. Kể từ nay, thay vì bắt các cô gái khoả thân cho mình ngắm thì Lâm Lập Quả huấn luyện các cô gái này biết dùng vũ khí và các mật lệnh. Lâm Lập Quả đặt tổ chức săn gái tại Thượng Hải qua một thời kỳ tập luyện rất gắt gao. Lâm Lập Quả tạo cho những người trong tổ chức tại Thượng Hải một tinh thần trung thành và lòng ham mê quyền lực chính trị, và tâng bốc gọi họ là “Giai Cấp Mới.”
Trong lúc quyền hành của Lâm Lập Quả bành trướng tại Thượng Hải thì tại Bắc Kinh, mục tiêu tối hậu của mọi hoạt động của tổ chức Lâm Lập Quả, Lâm Lập Quả hoàn toàn bất lực, không có một thẩm quyền nào tại đây. Chức vụ phụ tá tư lệnh hành quân không quân, không đem lại cho Lâm Lập Quả những quyền hành cần thiết tại thủ đô. Do đó Lâm Lập Quả cậy cục tư lệnh không quân Ngô Pháp Hiến cho phép được thành lập một đơn vị độc lập của riêng mình trong không quân, với danh nghĩa là một đơn vị Nghiên cứu và Điều tra. Đơn vị này có quyền tuyển người và không cần phải báo cáo với cấp trên về mọi hoạt động. Ngoài ra đơn vị này cũng có quyền đọc những tin tức tình báo, có vũ khí và phương tiện chuyển vận riêng, và được hưởng các đặc quyền dành riêng cho các lãnh tụ quân sự cao cấp. Một đơn vị như thế quả thực là một thứ quân đội trong một quân đội, nhưng Ngô Pháp Hiến đồng ý với đề nghị của Lâm Lập Quả, có lẽ một phần đã được bà Diệp Quần thu xếp trước với Ngô Pháp Hiến rồi.
Lâm Lập Quả rất hãnh diện về sự thành lập và thành công của tổ chức bí mật riêng của mình. Sau đó Lâm Lập Quả cùng một số thuộc hạ thân tín bành trướng đơn vị thành một tổ chức quy mô hơn. Các thuộc hạ thân tín của Lâm Lập Quả gồm có Hồ Bình tham mưu trưởng, Giang Đằng Giao bí thư đảng ủy Cục chính trị, và một số sĩ quan không quân trẻ tuổi nhiệt tình như Vu Tân Dã, Lưu Bái Phong, Vương Phi… Lâm Lập Quả thành công thu nạp được nhiều người có những khả năng đặc biệt, can đảm và tận tuỵ. Đám thuộc hạ của Lâm Lập Quả vốn là những quân nhân nhiều kinh nghiệm, một số nắm những chức vụ cao cấp. Tất cả đem lại cho tổ chức bí mật của Lâm Lập Quả những tài năng khác nhau, có thể sử dụng được các loại vũ khí, máy móc, xe cộ, cũng như tài bắt cóc, ám sát, cải trang, điệp báo và quan sát. Lâm Lập Quả quyết định không để các tài năng này vô dụng, và biến tổ chức bí mật của mình có đủ sức mạnh để phục vụ riêng cho tham vọng của mình.
Chỉ vài tháng sau, tổ chức của Lâm Lập Quả đã lan tới các căn cứ không quân Nam Kinh, Hàng Châu, Quảng Châu… nơi nào cũng có “phân đội huấn luyện” nằm trong tổ chức, được các chỉ huy trưởng tại các căn cứ đó cầm đầu hoặc che chở, hoặc ít nhất cũng thả lỏng làm ngơ cho tổ chức mặc tình hoạt động. Kỷ luật của tổ chức cũng rất chặt chẽ. Trong mỗi cuộc họp của tổ chức, mọi người phải nghiêm trang đọc lời tuyên thệ chung sau đây:
“Lâm phó chủ tịch là một thiên tài, một vĩ nhân hiếm thấy trong lịch sử, là một lãnh tụ có thể sánh ngang với Mác – Ăng-ghen – Lê-nin – Stalin và các vị thầy cách mạng khác.
“Lâm Lập Quả là một thiên tài, trong chúng ta không ai có thể so sánh được. Đồng chí có thể dạy chúng ta về mọi mặt. Trong tập thể chiến đấu của chúng ta, phải lấy Lâm Lập Quả làm đầu não, làm hạt nhân.
“Trung thành với Lâm phó bộ trưởng là trung thành với Lâm phó chủ tịch, trung thành với Mao chủ tịch. Chúng ta nguyện vĩnh viễn đứng trong đội ngũ của Lâm Lập Quả…”
Trong lúc Lâm Lập Quả hăng say hoạt động, nhiều khi đi ra ngoài phạm vi quyền hạn của mình, và đụng chạm với các giới chức khác thì Ngô Pháp Hiến, tư lệnh không quân, vẫn chăm chú theo dõi hành động của Lâm Lập Quả. Ngô Pháp Hiến lo lắng thấy các hoạt động của Lâm Lập Quả có thể đưa tới các hậu quả tai hại, nhưng Ngô Pháp Hiến thắc mắc không biết việc làm của Lâm Lập Quả có phải là do Lâm Bưu chủ trương hay không. Ngô Pháp Hiến phái một viên sĩ quan thân tín là Chu Vũ Trì gia nhập tổ chức của Lâm Lập Quả để theo dõi, và báo cáo cho ông ta mọi hành tung của tổ chức này.
Tại phòng an ninh không quân có một hồ sơ tối mật để trong tủ sắt mà chỉ một mình Ngô Pháp Hiến mới được mở ra coi. Viên giám đốc sở an ninh không quân cũng không bao giờ dám tìm hiểu những gì bên trong hồ sơ đó. Hắn tưởng đây là một hồ sơ tối quan trọng về quân sự hoặc tình báo. Nhưng thực ra hồ sơ đó không có liên hệ gì với tình báo hoặc quân sự cả. Đó chỉ là những báo cáo rất chi tiết về những hoạt động của Lâm Lập Quả. Tại sao Ngô Pháp Hiến giữ một hồ sơ mật về Lâm Lập Quả? Có phải vì họ Ngô là người quá cẩn thận không, và sẽ làm gì với hồ sơ đó?
Ngô Pháp Hiến là một viên tướng rất nhỏ con, mập phì và lên chức rất mau lẹ. Cuối thập niên 1940, trong lúc đang chỉ huy 30 ngàn quân trong đệ tứ lộ quân chống lại quân Quốc dân đảng thì Ngô Pháp Hiến lọt vào mắt xanh của Lâm Bưu. Khi Trung cộng chiếm trọn Hoa lục năm 1949 thì Ngô Pháp Hiến được phong chức trung tướng, và được cử làm phụ tá cho Lưu Á Lục, tham mưu trưởng đệ tứ lộ quân của Lâm Bưu. Ngô Pháp Hiến có nhiệm vụ tổ chức không quân và được giữ chức chính ủy của binh chủng mới được thành lập này. Đến năm 1966 thì Ngô Pháp Hiến được Lâm Bưu bổ nhiệm làm tư lệnh không quân.
Trong cuộc Cách mạng Văn hoá, Ngô Pháp Hiến tiến rất nhanh trong lãnh vực chính trị, để trở thành ủy viên Bộ Chính Trị, và là một trong ba tướng lãnh quyền lực nhất Trung Cộng, chỉ thua Lâm Bưu và Hoàng Vĩnh Thắng. Ngô Pháp Hiến không bao giờ quên công ơn cất nhắc của Lâm Bưu. Đối với Ngô Pháp Hiến thì bảo vệ quyền lợi của Lâm Bưu có nghĩa là bảo vệ quyền lợi của chính mình vậy. Chính vì thế Ngô Pháp Hiến tự thấy có nhiệm vụ phải theo dõi cẩn thận mọi hành động của Lâm Lập Quả. Sự dại dột của Lâm Lập Quả có thể gây tai hại cho Lâm Bưu và chính hắn.
Lúc Ngô Pháp Hiến nghe tin Lâm Lập Quả gia nhập không quân thì hắn cho đó là một ân huệ cho không quân. Chính Diệp Quần đã bảo đảm với vợ Ngô Pháp Hiến nhiều lần rằng đặt Lâm Lập Quả bên cạnh Ngô Pháp Hiến sẽ thắt chặt mối liên hệ giữa hai gia đình. Ngô Pháp Hiến không có quyền lựa chọn, phải chấp nhận Lâm Lập Quả vào hàng ngũ không quân của mình. Nhưng những việc làm của Lâm Lập Quả trong không quân đã làm Ngô Pháp Hiến rất đỗi lo lắng. Ngô Pháp Hiến vô cùng kinh ngạc khi Lâm Lập Quả được bổ nhiệm chức vụ phụ tá tư lệnh hành quân một cách quá mau lẹ. Đó là một trách nhiệm lớn mà Ngô Pháp Hiến không tin Lâm Lập Quả có thể đảm nhiệm được. Trong khi đó nhóm phụ tá thân tín của Lâm Lập Quả gia tăng rất mau lẹ. Ngô Pháp Hiến chợt thấy mình gặp phải một cảnh ngộ khó xử. Một trong các biện pháp khôn ngoan của Ngô Pháp Hiến là chia bớt sự nguy hiểm của mình cho người khác, bằng cách ủy thác cho Chu Vũ Trì theo dõi Lâm Lập Quả.
Chu Vũ Trì là một đảng viên có thành tích làm việc thông minh và mẫn cán. Hiện Chu Vũ Trì là phụ tá giám đốc văn phòng ủy ban đảng trong không quân. Chu Vũ Trí mang ơn Ngô Pháp Hiến trong các cuộc tranh chấp phe nhóm, vì thế Chu Vũ Trì sẵn sàng theo dõi và báo cáo cho Ngô Pháp Hiến mọi hành động của Lâm Lập Quả và tổ chức. Bằng sự tận tâm, kiên nhẫn, ăn nói hấp dẫn và khả năng chuyên môn, Chu Vũ Trì đã chinh phục được lòng tín nhiệm của Lâm Lập Quả. Lâm Lập Quả không bao giờ nghi ngờ mình bị theo dõi. Ngô Pháp Hiến cứ tự hỏi không biết Lâm Bưu có biết rõ hoạt động của cậu con trai hay không. Lâm Bưu muốn con trai làm gì và định tiến xa tới đâu? Ngô Pháp Hiến tìm cách nói chuyện với bà Diệp Quần để dò xét, nhưng hắn hoàn toàn thất vọng vì Diệp Quần trộn lẫn ý kiến của mình với ý kiến của chồng. Ngô Pháp Hiến thì chỉ cần biết ý kiến của Lâm Bưu mà thôi.
Những báo cáo của Chu Vũ Trì trong những ngày sau đó càng làm Ngô Pháp Hiến thêm lo ngại. Ngô Pháp Hiến cũng gặp Lâm Bưu vài lần để dò hỏi xa xôi bóng gió, nhưng cách nói của Lâm Bưu không những rất dè dặt mà lại còn có thể hiểu thế nào cũng được. Cuối cùng Ngô Pháp Hiến quyết định tìm gặp Lâm Bưu để đặt thẳng vấn đề. Ngô Pháp Hiến tới tư dinh của Lâm Bưu, mang theo các tài liệu về chiến tranh nguyên tử, và các tài liệu về tình trạng nguyên tử tại Nga Sô.
Lâm Bưu ít khi dùng nhiều thời giờ để đọc các báo cáo, nhưng lần này Lâm Bưu chăm chú dọc hàng giờ các bản báo cáo và các bài phân tích về các vị trí của Nga Sô, Nhật Bản, Hoa Kỳ và bán đảo Hàn Quốc. Cho đến lúc bữa ăn tối thì Lâm Lập Quả tình cờ bước vào phòng họp. Lâm Bưu không để ý đến sự hiện diện của con trai, và nói với Ngô Pháp Hiến, “Tôi đồng ý hoàn toàn với quan điểm của tham mưu trưởng. Quân đội nhân dân phải chứng tỏ cho bọn phản động trên thế giới biết vũ khí nguyên tử là con hổ trong tay chúng ta. Không phải là hổ giấy, hổ chết, mà là hổ thực, hổ sống. Một khi lực lượng nguyên tử của chúng ta tung ra thì địch quân sẽ không có cơ hội thoát hiểm.”
Rồi quay về phía Lâm Lập Quả, Lâm Bưu hỏi, “Tiểu Hổ, con có phải là hổ không?”
Trong nhà, Lâm Bưu thường gọi Lâm Lập Quả là Tiểu Hổ. Ngô Pháp Hiến vội vàng trả lời thay cho Lâm Lập Quả, “Đồng chí Lâm Lập Quả là hổ thực. Bây giờ đồng chí ở trong không quân nên tất cả không quân đều biến thành hổ cả.”
Lâm Bưu vẫn không rời mắt khỏi con cừu non Lâm Lập Quả, “Hổ thực à? Hà, hà! Tư lệnh của ngươi bảo ngươi là hổ thực đó. Ngươi nghĩ thế nào? Chú Ngô và ta muốn ngươi thực hiện được điều đó trong ba năm, năm năm hoặc mười năm. Chỉ huy một sư đoàn thì rất dễ dàng; chỉ huy một quân đoàn cũng không khó khăn gì, nhưng chỉ huy một quân đội thì khác hẳn. Tuy nhiên điều đó cũng nằm trong tay ngươi. Khi ta chỉ huy những đơn vị tiền phương trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh thì ta mới có ngoài hai mươi tuổi thôi. Chỉ huy cả một quân đội giống như trèo lên một ngọn núi cao vậy, đòi hỏi mười năm hoặc hai mươi năm mới làm được.”
Những lời nói của Lâm Bưu với con trai khiến Ngô Pháp Hiến tin rằng ý đồ làm chúa tể lục địa Trung Hoa của Lâm Bưu có cậu con trai tham dự. Không quân chính là bàn đạp đầu tiên của Lâm Lập Quả, và có lẽ quyền hạn của Lâm Lập Quả sẽ bao trùm cả Ngô Pháp Hiến nữa. Ngô Pháp Hiến tin chắc khi Lâm Bưu lên địa vị số một thì Lâm Lập Quả sẽ được chọn làm người thừa kế. Kể từ đó Ngô Pháp Hiến chấp thuận bất cứ điều yêu cầu nào của Lâm Lập Quả, vì cho đó là lệnh của Lâm Bưu. Tuy nhiên Ngô Pháp Hiến vẫn ra lệnh cho Chu Vũ Trì phải tích cực theo dõi Lâm Lập Quả.
Cái Chết Của Lâm Bưu Cái Chết Của Lâm Bưu - Nguyễn Vạn Lý Cái Chết Của Lâm Bưu